Bai 4 lt2 NHTU

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 21

BÀI 4: NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Hướng dẫn học


Ngân hàng Trung ương có vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định và thực thi các
hoạt động của nền kinh tế, bởi lẽ hoạt động thường nhật của Ngân hàng Trung ương sẽ tác
động đến sự thay đổi lãi suất, tỷ giá, quy mô tín dụng, khối lượng tiền cung ứng, v.v… Hoàn
thiện hoạt động của Ngân hàng Trung ương như thế nào nhằm đáp ứng những yêu cầu thay đổi
nhanh chóng của nền kinh tế luôn là thách thức đối với các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý
kinh tế. Để có thể xác định câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này, các câu hỏi tưởng chừng
như đơn giản: Ngân hàng Trung ương được hình thành như thế nào? Ai kiểm soát hoạt động
của Ngân hàng Trung ương? Ai quyết định các hoạt động của Ngân hàng Trung ương?, v.v…
Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
• Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham
gia thảo luận trên diễn đàn.
• Đọc tài liệu:
1. Giáo trình Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, PGS. TS. Cao Thị Ý Nhi, TS. Đặng Anh
Tuấn đồng chủ biên, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2016
Đại học KTQD.
2. Tiền tệ, Ngân hàng và Thị trường tài chính, Frederic S. Mishkin, NXB Khoa học
Kỹ thuật, 2001.
• Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email.
• Trang Web môn học.

Nội dung
Nội dụng bài sẽ tìm hiểu nghiên cứu Lịch sử hình thành và phát triển của Ngân hàng
Trung ương; Sự khác biệt về mỗi mô hình tổ chức của Ngân hàng Trung ương; Nội dung cơ
bản về các chức năng của Ngân hàng Trung ương; Khái quát về hoạt động của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương ở một số nước trên thế giới.

Mục tiêu
1
Sau khi học xong bài này, sinh viên sẽ hiểu và phân tích được:
• Mô hình tổ chức của Ngân hàng Trung ương
• Chức năng của Ngân hàng Trung ương
• Hoạt động của Ngân hàng Trung ương

Tình huống dẫn nhập


Ảnh hưởng của Ngân hàng Trung ương đối với nền kinh tế
Bản tin tài chính tối ngày 31/10/2019 đưa ra thông báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết
định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% điểm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%.
Câu hỏi:
1. Cục dự trữ Liên bang Mỹ là gi?
2. Vì sao Fed cắt giảm lãi suất?

4.1. Lịch sử hình thành


Ngân hàng Trung ương đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử cùng với sự phát triển của hệ
thống ngân hàng. Theo một số tài liệu phổ biến hiện nay, trước thế kỷ XV trong nền kinh tế
xuất hiện những người làm nghề kinh doanh tiền tệ với nghiệp vụ đầu tiên chỉ đơn thuần đổi
tiền, giữ hộ tiền cho các thương nhân và thực hiện nghiệp vụ cho vay khi trong tay họ luôn có
một lượng tiền nhàn rỗi nhất định và đây được xem như là mầm mống cho việc xuất hiện
những ngân hàng ở giai đoạn sau. Ngân hàng bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới bắt
đầu từ thế kỷ XV, trải qua: giai đoạn 1 - thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, xuất hiện các ngân hàng
thực hiện các nghiệp vụ như nhau và đơn giản như nhận tiền gửi và cho vay, phát hành tiền,
thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, đổi tiền, v.v...; giai đoạn 2 - thế
kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, Nhà nước các nước ban hành đạo luật nhằm hạn chế số lượng
ngân hàng được phép phát hành tiền, thậm chí, các nước có xu hướng chỉ cho phép một ngân
hàng duy nhất phát hành tiền với tên gọi là Ngân hàng Phát hành, còn các ngân hàng khác chỉ
thuần tuý kinh doanh dịch vụ ngân hàng. Ví dụ: ở Anh năm 1844, Nhà nước cấm các ngân
hàng tư nhân phát hành tiền và toàn bộ hoạt động này được tập trung vào Anh quốc ngân hàng.
Ngân hàng cổ phần tư nhân Pháp thành lập năm 1800, đến năm 1803 được độc quyền phát
hành giấy bạc ở Paris, đến năm 1948 độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng trên toàn nước
2
Pháp; giai đoạn 3 - thế kỷ XX đến nay, Nhà nước các nước ngày càng nhận thấy vai trò to lớn
của Ngân hàng Phát hành đối với sự phát triển của nền kinh tế đặc biệt sau cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới năm 1929 – 1933. Đòi hỏi tất yếu Nhà nước cần nắm trong tay các Ngân hàng
Phát hành và công cuộc tiến hành quốc hữu hoá hoặc thành lập Ngân hàng Phát hành mới thuộc
sở hữu Nhà nước bắt đầu, cụ thể Canada quốc hữu hoá Ngân hàng Phát hành năm 1938, Đức
năm 1939, Pháp năm 1945, Anh năm 1946. Từ đó, tên gọi Ngân hàng Phát hành được thay thế
là Ngân hàng Trung ương và mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một Ngân hàng Trung ương, đảm
nhiệm nhiều vai trò quan trọng như thực hiện phát hành tiền, kiểm soát và điều tiết lượng tiền
cung ứng, thực hiện nhiều nhiệm vụ với Chính phủ, v.v…Tuy nhiên, ở một số quốc gia, Ngân
hàng Trung ương không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nhưng hoạt động vẫn
mang tính chất như một ngân hàng của Nhà nước và cơ quan quản lý cao nhất của Ngân hàng
Trung ương là do Nhà nước bổ nhiệm và miễn nhiệm. Ví dụ: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
là ngân hàng cổ phần theo luật năm 1942 trong đó cổ phần hoá Nhà nước chiếm 55%, cổ phần
thuộc sở hữu tư nhân chiếm 45% nhưng cơ quan quản trị ngân hàng là Hội đồng chính sách có
7 thành viên do Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm; ở Mỹ, Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ là
ngân hàng cổ phần nhưng cơ quan lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này là Hội đồng thống đốc
có 7 thành viên do Tổng thống bầu cử và Quốc hội bổ nhiệm. Bên cạnh đó, tên gọi của Ngân
hàng Trung ương ở mỗi quốc ga cũng khác nhau, có quốc gia tên gọi của Ngân hàng Trung ương
mang tính chất kế thừa lịch sử như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan), có quốc
gia tên gọi Ngân hàng Trung ương dựa theo tính chất sở hữu như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
(State Bank of Vietnam), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China) hoặc cũng
có thể gọi thẳng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System). Tuy nhiên, dù có tên
gọi như thế nào thì NHTƯ hoạt động nhằm đáp ứng cho mục tiêu chung nhất đảm bảo hỗ trợ đối
với sự tăng trưởng và ổn định kinh tế.
4.2. Mô hình của Ngân hàng Trung ương
Mô hình tổ chức của Ngân hàng Trung ương gắn liền nhiều đặc điểm riêng có của mỗi
dân tộc như vấn đề thể chế chính trị, quan điểm phát triển kinh tế và đặc điểm văn hoá. Dựa
trên đặc thù riêng có đó, mỗi quốc gia sẽ hình thành mô hình tổ chức Ngân hàng Trung ương là
khác nhau trong hệ thống chính trị. Tuy vậy, sự khác nhau về mô hình tổ chức của Ngân hàng
Trung ương cũng có những điểm đáng quan tâm như mức độ khác nhau nhiều hay ít. Bằng
3
cách đưa ra cơ sở chung nhất cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu kinh tế xác định có hai mô
hình Ngân hàng Trung ương đang được áp dụng tại các nước hiện nay, đó là:
4.2.1. Ngân hàng Trung ương trực thuộc Chính phủ
Ngân hàng Trung ương trực thuộc Chính phủ, chịu sự chi phối trực tiếp của Chính phủ
trong các quyết định hoạt động như nhân sự, tài chính, đặc biệt là các quyết định liên quan đến
việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ. Các ý kiến ủng hộ vị trí Ngân hàng Trung ương
trực thuộc Chính phủ dựa trên quan điểm cho rằng Chính phủ là cơ quan hành pháp, thực hiện
chức năng quản lý kinh tế vĩ mô, do đó, Chính phủ cần nắm trong tay các công cụ kinh tế vĩ mô
nhằm sử dụng, phối hợp một cách đồng bộ và hiệu quả các công cụ đó. Dựa trên cơ sở đó,
chính sách tiền tệ là một trong những bộ phận chủ yếu của chính sách kinh tế vĩ mô, việc xây
dựng và thực thi chính sách tiền tệ là nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương cho nên Ngân hàng
Trung ương phải trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế sự vận hành hoạt động của
Ngân hàng Trung ương theo hình thức này đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Nhược điểm cơ bản
nhất thể hiện trong mối quan hệ giữa Chính phủ, bởi sự chi phối tuyệt đối của Chính phủ trong
phương thức điều hành hoạt động cũng như các việc ra quyết định các chính sách của Ngân
hàng Trung ương, từ đó làm giảm tính độc lập của Ngân hàng Trung ương. Hơn nữa, thâm hụt
tài chính là những vấn đề có tính kinh niên của các nước được giải quyết bằng con đường phát
hành tiền và thậm chí Chính phủ các nước thường quan tâm đến các mục tiêu kinh tế ngắn hạn
như vấn đề công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế trong khi đó lại rất khó có thể xây dựng mục
tiêu kinh tế dài hạn như vấn đề lạm phát, ổn định tiền tệ.
4.2.2 Ngân hàng Trung ương độc lập với Chính phủ
Ngân hàng Trung ương độc lập với Chính phủ yêu cầu Chính phủ không được phép
can thiệp vào hoạt động của Ngân hàng Trung ương, đặc biệt trong việc xây dựng và thực
thi chính sách tiền tệ. Các ý kiến ủng hộ dựa trên quan điểm cho rằng nếu để Ngân hàng
Trung ương trực thuộc Chính phủ sẽ bị Chính phủ lạm dụng công cụ phát hành tiền để trang
trải sự thiếu hụt của ngân sách Nhà nước, dễ gây ra lạm phát và Ngân hàng Trung ương
không thể thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ nhất là mục tiêu ổn định giá trị đồng
tiền. Để khắc phục những nhược điểm trên cần xây dựng Ngân hàng Trung ương độc lập
với Chính phủ. Do vậy, Ngân hàng Trung ương với tư cách là cơ quan đầu não của hệ thống
ngân hàng phải được toàn dân quản lý và quan điểm các nước Châu Âu thấy cần thiết phải
4
đặt Ngân hàng Trung ương trở thành một định chế độc lập Chính phủ, dưới sự giám sát trực
tiếp của Quốc hội. Năm 1908, Luật Andrich Vreeland được Quốc hội Mỹ thông qua, xác
định rõ ràng Hệ thống ngân hàng và tiền tệ quốc gia biệt lập với các quyết định của Chính
phủ. Từ thời gian đó đến Luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act) năm 1913, Luật
Ngân hàng năm 1935 và Thoả thuận năm 1951 giữa Kho bạc Liên bang và Cục Dự trữ Liên
bang Mỹ đã xác định sự độc lập hoàn toàn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ với Chính phủ.
Các nước Anh, Pháp cũng đã thực hiện tương tự ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai
kết thúc. Xem xét mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương trong mối quan hệ với Chính
phủ là điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động của Ngân hàng Trung ương ngày nay khi
mà mối quan hệ này ảnh hưởng đến hiệu quả quyết sách do Ngân hàng Trung ương đề ra.
Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương dù theo mô hình nào thì Ngân hàng Trung ương vẫn là
một cơ quan nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Nhà nước.
4.3. CHỨC NĂNG CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
4.3.1. Phát hành tiền và điều tiết lượng tiền cung ứng
a. Phát hành tiền
Ngân hàng Trung ương là cơ quan duy nhất phát hành đồng tiền quốc gia theo các quy
định trong Luật hoặc được Chính phủ phê duyệt (mệnh giá tiền, loại tiền, mức phát hành ...).
Giấy bạc do Ngân hàng Trung ương phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp, làm chức
năng phương tiện thanh toán và lưu thông. Do đó, việc phát hành tiền của Ngân hàng Trung
ương có tác động trực tiếp đến tình hình lưu thông tiền tệ của đất nước. Để giá trị đồng tiền
được ổn định, nó đòi hỏi việc phát hành tiền phải tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt. Các
nguyên tắc cơ bản cho việc phát hành tiền được đặt ra là:
Phát hành tiền phải có vàng đảm bảo: nguyên tắc này yêu cầu giấy bạc ngân hàng phát
hành vào lưu thông phải được đảm bảo bằng vàng do giấy bạc ngân hàng có nguồn gốc từ tiền
thực chất (vàng). Trên thực tế, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc
gia mà việc xây dựng chế độ phát hành tiền có mức bảo đảm khác nhau. Có thể khảo sát ba chế
độ phát hành mang tính chất điển hình:
- Theo chế độ phát hành tiền ở Anh năm 1844 không quy định khối lượng phát hành tiền
vào lưu thông, lần đầu tiên được phép 14 triệu GBP không cần có bảo đảm vàng, ngoài mức
pháp định đó tiền phát hành vào lưu thông phải có 100% vàng bảo đảm.
5
- Theo chế độ phát hành tiền ở Pháp, luật năm 1870 quy định: hạn mức khống chế lượng
tiền phát hành lần đầu là 1,8 tỷ FRF. Trong khuôn khổ hạn mức đó, ngân hàng Pháp được phép
tự điều chỉnh tỷ lệ lượng tiền cần có vàng bảo đảm và lượng tiền không cần vàng đảm bảo.
- Theo chế độ phát hành tiền ở Mỹ, luật năm 1913 quy định: Nhà nước không quy định
tổng khối lượng tiền được phát hành, luật đòi hỏi trong tổng số lượng tiền phát hành phải có ít
nhất 40% vàng đảm bảo, số còn lại phải được đảm bảo bằng giá trị kỳ phiếu thương mại do
Quỹ dự trữ liên bang nắm giữ. Nếu vàng không đủ đảm mức quy định thì phải nộp thuế chênh
lệch thiếu đó theo tỷ lệ luỹ tiến.
Phát hành tiền căn cứ vào tốc độ phát triển của GDP: Sự tăng trưởng của GDP chứng tỏ
có một lượng hàng hoá dịch vụ tăng thêm. Vậy 1% tăng lên trong GDP sẽ có lớn hơn 1% tăng
lên mức cung tiền tệ.
Theo quan điểm của các nhà kinh tế học tân cổ điển, tốc độ lưu thông tiền tệ tăng trưởng
phù hợp với tăng trưởng kinh doanh hàng hoá dịch vụ, do vậy 1% tăng lên trong GDP tương
ứng 1% tăng lên của mức cung tiền tệ.
Theo quan điểm của Milton Friedman, các nước đều có lạm phát vì vậy phát hành tiền
vào lưu thông thì phải +% lạm phát, do vậy 1% tăng lên trong GDP tương ứng lớn hơn 1% tăng
lên của mức cung tiền tệ. Ở Việt nam, 1% tăng trưởng GDP có 4,6% tăng trưởng mức cung tiền
tệ, nguyên nhân với những nước đang phát triển như Việt nam do năng lực về thuế thấp, ngân
sách Nhà nước luôn bội chi do vậy mà phát hành tiền nhiều.
Phát hành tiền căn cứ vào lượng tài sản ròng di chuyển từ nước ngoài vào: nguyên tắc
này được thiết lập nhằm mục tiêu cân đối thị trường ngoại hối: ổn định giá vàng, ổn định tỷ giá.
Do vậy, để phát hành tiền tiền vào lưu thông Ngân hàng Trung ương cần tính toán thêm khối
lượng tiền cần thiết để mua vàng, đô la nhằm ổn định thị trường ngoại hối.
Phát hành tiền trên cơ sở tín dụng: nguyên tắc phát hành tiền trên cơ sở tín dụng được
bảo đảm bằng giá trị hàng hoá và dich vụ. Theo nguyên tắc này, việc phát hành giấy bạc không
nhất thiết phải có vàng bảo đảm, mà phát hành thông qua cơ chế tín dụng ngắn hạn, trên cơ sở
có bảo đảm bằng giá trị hàng hoá, công tác dịch vụ, thể hiện trên kỳ phiếu thương mại và các
chứng từ nợ khác có khả năng hoán chuyển thành tiền theo luật định. Đó là tín dụng của Ngân
hàng Trung ương, được thực hiện bằng phương thức tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương
mại. Việc phát hành giấy bạc ngân hàng theo nguyên tắc này, một mặt nó xuất phát từ nhu cầu
6
tiền tệ phát sinh do sự tăng trưởng kinh tế; mặt khác tạo ra khả năng để Ngân hàng Trung ương
thực hiện việc kiểm soát lượng tiền cung ứng theo yêu cầu chính sách tiền tệ.
Ngày nay, trong điều kiện lưu thông giấy bạc ngân hàng không được tự do chuyển đổi ra
vàng theo luật định, các nước trên thế giới đều chuyển sang chế độ phát hành giấy bạc thông
qua cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng và hoạt động trên thị trường mở của Ngân hàng trung
ương. Đồng thời, trên cơ sở độc quyền phát hành tiền, Ngân hàng trung ương thực hiện việc
kiểm soát lượng tiền cung ứng được tạo ra từ các ngân hàng thương mại, bằng quy chế dự trữ
bắt buộc, lãi suất chiết khấu...
Phát hành tiền trên cơ sở cho Ngân sách Nhà nước vay: một nguyên tắc cơ bản trong
quan hệ với Ngân sách Nhà nước là Ngân hàng Trung ương không cho Nhà nước vay để bù
đắp thiếu hụt ngân sách hàng năm mà chỉ ứng vốn để giải quyết nhu cầu tạm thời trong một
giới hạn nhất định khi mà ngân sách Nhà nước chưa thực hiện được các khoản thu theo như dự
kiến. Trường hợp Việt nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ cho ngân sách Nhà nước vay
vốn trong trường hợp ngân sách Nhà nước chưa thực hiện được kế hoạch thu đã ấn định nhưng
phải chi theo kế hoạch. Tổng mức ứng trước và cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt nam kể
cả mức trái phiếu kho bạc mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua của các tổ chức tín dụng
không được vượt quá mức Quốc hội quyết định. Nếu phát hiện có thể vượt quá giới hạn này,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải báo cáo kịp thời và kiến nghị biện pháp giải quyết lên Thủ
tướng Chính phủ.
Dựa trên cơ sở nguyên tắc phát hành tiền nêu trên, điều quan trọng tiếp theo là Ngân hàng
Trung ương sẽ cân nhắc, lựa chọn trong số các kênh sau để phát hành tiền vào nền kinh tế: qua
kênh của ngân sách Nhà nước, tín dụng, thị trường mở, thị trường vàng và ngoại tệ,
b. Điều tiết lượng tiền cung ứng
Trên cơ sở độc quyền phát hành tiền, Ngân hàng Trung ương thực hiện việc quản lý và
điều tiết lượng tiền cung ứng thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sự ổn
định và tăng trưởng kinh tế. Công cụ của chính sách tiền tệ thường được các nước sử dụng gồm
có: chính sách dự trữ bắt buộc, chính sách chiết khấu và tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường
mở, bên cạnh các công cụ kể trên, Ngân hàng Trung ương còn sử dụng chính sách hạn mức tín
dụng, kiểm soát lãi suất chính sách tỷ giá. Phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, tác động của công cụ

7
đến nền kinh tế mà Ngân hàng Trung ương mỗi quốc gia có sự lựa chọn công cụ của chính sách
tiền tệ phù hợp với mục tiêu đặt ra trong từng thời kỳ.
4.3.2. Là ngân hàng của các ngân hàng
Là ngân hàng của các ngân hàng, Ngân hàng Trung ương thực hiện:
Nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại dưới các hình thức khác nhau. Thứ nhất, Ngân
hàng Trung ương yêu cầu ngân hàng thương mại thiết lập dự trữ bắt buộc. Mức dự trữ bắt buộc
do Ngân hàng Trung ương quy định và bằng một tỷ lệ nhất định so với tổng tiền gửi của khách
hàng tại ngân hàng thương mại. Đây là một công cụ của chính sách tiền tệ. Do vậy, mức dự trữ
bắt buộc sẽ thay đổi khi Ngân hàng Trung ương có sự thay đổi trong việc thực thi chính sách
tiền tệ. Thứ hai, ngân hàng thương mại mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng Trung
ương nhằm đảm bảo nhu cầu thanh toán giữa ngân hàng thương mại và khách hàng.
Cho vay đối với ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng
Ngân hàng Trung ương cấp tín dụng cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm đảm
bảo cho nền kinh tế đủ phương tiện thanh toán cần thiết trong từng thời kỳ nhất định, đồng
thời cũng để điều tiết khối lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế theo mục tiêu của chính
sách tiền tệ.
Thực hiện cho vay đối với ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Ngân hàng Trung
ương có thể dưới các hình thức: cho vay tái cấp vốn, cho vay thanh toán. Bên cạnh đó, khi
các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng cần sử dụng vốn để cho vay với nền kinh
tế, Ngân hàng Trung ương cũng có thể thực hiện cấp tín dụng theo những điều kiện nhất định,
phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế bằng nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có
giá.
Ngân hàng Trung ương thực hiện thanh toán bù trừ cho các ngân hàng thương mại, theo
đó hệ thống của Ngân hàng Trung ương gồm các chi nhánh hoặc phòng đại diện được bố trí
theo khu vực hoặc theo địa giới hành chính, và mỗi chi nhánh là một trung tâm thanh toán bù
trừ giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại được thực hiện thông suốt trong
quan hệ thanh toán với nhau.
4.3.3. Là ngân hàng của Chính phủ
Ngân hàng Trung ương là ngân hàng của Chính phủ theo các giác độ: Ngân hàng Trung
ương làm đại lý phát hành trái phiếu Chính phủ; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho
8
hệ thống Kho bạc Nhà nước; ở một số nước hệ thống kho bạc Nhà nước chưa phát triển, Chính
phủ có thể uỷ nhiệm cho Ngân hàng Trung ương thực hiện quản lý chi tiêu của Chính phủ; bảo
quản dự trữ quốc gia về ngoại tệ, vàng bạc, kim khí quý.
Ngân hàng Trung ương thay mặt Chính phủ thực hiện quản lý hoạt động của hệ thống
ngân hàng về mặt pháp luật, cụ thể:
+ Xem xét, cấp và thu hồi giấy phép hoạt động của ngân hàng thương mại và các tổ chức
tín dụng.
+ Quy định về nghiệp vụ, hệ số an toàn đối với ngân hàng thương mại và tổ chức tín
dụng.
+ Thanh tra, kiếm soát các hoạt động của hệ thống ngân hàng. Áp dụng các chế tài trong
các trường hợp vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an
toàn và có hiệu quả.
Ngân hàng Trung ương đại diện cho Chính phủ thực hiện các quan hệ tài chính với nước
ngoài và với các tổ chức tài chính quốc tế. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Trung ương tiến hành xây
dựng các dự án vay vốn nước ngoài, tham gia quản lý quá trình sử dụng vốn vay, thực hiện
theo dõi hoàn trả nợ nước ngoài và thực hiện các nghĩa vụ tài chính tiền tệ quốc tế với các tổ
chức tài chính quốc tế.
4.4. Hoạt động chủ yếu của Ngân hàng Trung ương
Trên cơ sở chức năng, Ngân hàng Trung ương thực hiện một số hoạt động cơ bản:
- Hoạt động phát hành tiền
- Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ
- Hoạt động tín dụng
- Hoạt động quản lý và kinh doanh ngoại hối
- Hoạt động thanh tra và giám sát
- …
4.5. Ngân hàng Trung ương một số quốc gia trên thế giới
4.5.1. Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia phát triển
a. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reseve System - FED) được thành lập năm 1913 theo
yêu cầu của Quốc hội tại đạo luật mang tên hai nghị sĩ đệ trình là Glass và Owen Bill. Luật Dự
9
trữ Liên bang Mỹ chỉ rõ cấu trúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gồm Hội đồng thống đốc, Uỷ ban
Thị trường mở (FOMC), các Ngân hàng dự trữ liên bang. So với Ngân hàng Trung ương ở các
quôc gia trên thế giới thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có một cấu trúc không bình thường nhất.
Hội đồng thống đốc
Đứng đầu FED là Hội đồng thống đốc gồm 7 người, có trụ sở chính tại Washinton, DC.
Mỗi thống đốc đều do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn. Nhằm hạn chế sự
kiểm soát cá nhân của Tổng thống đối với FED và tách FED khỏi những áp lực chính trị khác,
các thống đốc làm việc với thời hạn 14 năm không được phép tái hạn, mỗi nhiệm kỳ thống đốc
kết thúc vào tháng giêng. Các thống đốc (nhiều người là những chuyên gia kinh tế) phải là
những người đến từ các vùng dự trữ liên bang khác nhau, nhằm mục đích tránh việc các giới
kinh donah của một vùng có quá nhiều đại diện. Chủ tịch của Hội đồng thống đốc được lựa
chọn trong số 7 thành viên và làm việc trong thời hạn 4 năm được phép tái bổ nhiệm. Khi một
chủ tịch mới được chọn thì chủ tịch cũ phải rút ra khỏi Hội đồng thống đốc ngay cả khi thời
hạn trong Hội đồng thống đốc còn nhiều năm.
Hội đồng thống đốc chịu trách nhiệm quyết định về chính sách tiền tệ theo những cách
sau:
- 7 thống đốc đều là thành viên của FOMC và biểu quyết về việc chỉ đạo nghiệp vụ thị
trường mở. Do trong uỷ ban chỉ có 12 thành viên có quyền biểu quyết (7 thống đốc và 5 chủ
tịch của ngân hàng dự trữ liên bang khu vực) nên Hội đồng thống đốc chiếm đa số phiếu.
- Hội đồng thống đốc ấn định tỷ lệ trữ bắt buộc ( trong giới hạn của luật).
- kiểm soát lãi suất chiết khấu thông qua quá trình “kiểm soát lại và quyết định”, Hội
đồng có quyền thông qua hoặc không thông qua lãi suất chiết khấu được xây dựng bởi các ngân
hàng khu vực
- chủ tịch của hội đồng thống đốc tư vấn cho Tổng thống về chính sách kinh tế, điều
trần tại quốc hội và phát ngôn cho FED trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Uỷ ban thị trường mở
FOMC thường họp 8 lần trong 1 năm (khoảng 6 tuần 1 lần) và ra các quyết định về việc
chỉ đạo các nghiệp vụ thị trường mở xây dựng chính sách lãi suất, lãi suất liên bang (the federal
funds rate) - lãi suất của các khoản vay qua đêm khi ngân hàng này cho ngân hàng khác vay.
Trên thực tế, nói đến FOMC thực chất là nói đến FED khi phát ngôn trên các phương tiện
10
thông tin đại chúng. Ví dụ, khi nói FED tổ chức họp, nghĩa là FOMC tổ chức họp. Uỷ ban thị
trường mở gồm 7 thành viên của Hội đồng thống đốc, chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang New
York và các chủ tịch của 4 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực khác.
Nghiệp vụ thị trường mở là công cụ quan trọng nhất mà FED có trong tay để kiểm soát
khối lượng tiền cung ứng, do vậy FOMC trở thành tiêu điểm cho việc hoạch định chính sách
tiền tệ của FED, ngay cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất chiết khấu trên thực tế cũng hoạch
định tại đây. FOMC là cơ quan có quyền ra quyết định OMOs. Tuy nhiên, cơ quan thực sự tiến hành
các hoạt động của thị trường mở là Phòng kinh doanh tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Newyork.
Hàng ngày, giám đốc bộ phận kinh doanh phân tích tình hình thực tế dựa trên cơ sở báo cáo đánh giá
tổng số tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng của đêm hôm trước, mức lãi suất liên bang hiện hành,
kết hợp với thông tin từ Kho bạc Mỹ, sau đó đối chiếu với thông tin từ FOMC cho biết tỷ lệ tăng
trưởng của khối lượng tiền cung ứng và mức vốn liên bang mà Uỷ ban muốn đạt được. Sau khi đã có
đầy đủ thông tin, giám đốc bộ phận kinh doanh sẽ tiến hành cuộc họp bằng điện thoại thường ngày
với các thành viên của FOMC và vạch ra chiến lược hoạt động. Khi kế hoạch được thông qua, phòng
kinh doanh tiến hành liên lạc với các nhà kinh doanh chính để thực hiện quá trình bơm/hút lượng tiền
cung ứng. Một cách thông thường, trong trường hợp cân đối được lượng tiền cung ứng trong dài hạn,
FOMC sẽ can thiệp trên thị trường mở bằng nghiệp vụ mua hoặc bán hẳn. Những trường hợp việc
điều tiết lượng tiền cung ứng chỉ trong ngắn hạn do mức độ thâm hụt hay nhu cầu vốn chỉ mang tính
chất tạm thời, FOMC sử dụng nghiệp vụ mua lại hoặc hợp đồng mua lại đảo ngược.
Ngân hàng dự trữ liên bang
Mỗi một trong 12 vùng dự trữ liên bang có một ngân hàng dự trữ liên bang chính, một vài
ngân hàng này có chi nhánh ở các thành phố khác trong vùng. Ba ngân hàng dự trữ lớn nhất xét
về tổng tài sản là New York, Chicago và San Francisco – gộp chung 3 ngân hàng này chiếm tới
50% tổng tài sản (cho vay chiết khấu, chứng khoán và khoản nắm giữ khác) của hệ thống dự
trữ liên bang. Ngân hàng New York chiếm ¼ tổng tài sản là ngân hàng quan trọng nhất trong
các ngân hàng dự trữ liên bang này.
Mỗi một ngân hàng dự trữ khu vực gần như một tổ chức công (một phần là tư nhân, một
phần là Chính phủ) do các ngân hàng thương mại tư nhân trong khu vực làm chủ mà những
ngân hàng này là thành viên của FED. Những ngân hàng thành viên đó đã mua cổ phiếu tại
ngân hàng dự trữ liên bang khu vực của họ (một yêu cầu đối với thành viên) và lãi cổ phiếu trả
11
cho các cổ phiếu đó bị giới hạn theo luật chỉ tới 6%/năm. Các ngân hàng thành viên bầu ra 6
giám đốc cho mỗi ngân hàng dự trữ liên bang khu vực, 3 người nữa được chỉ định bởi Hội
đồng thống đốc. Những giám đốc của một ngân hàng khu vực được chia ra làm 3 loại: A, B và
C. 3 giám đốc loại A (được bầu bởi các ngân hàng thành viên) là những người làm nghề ngân
hàng chuyên nghiệp, 3 giám đốc loại B (cũng do các ngân hàng thành viên bầu) là những lãnh
đạo quan trọng từ các ngành công nghiệp, lao động, nông nghiệp hoặc khu vực tiêu dùng. 3
giám đốc loại C (những người được chỉ định bởi Hội đồng thống đốc đại diện cho quyền lợi
công chúng không được phép là viên chức, những người làm thuê hoặc cổ đông của các ngân
hàng. Những giám đốc này kiểm soát hoạt động của ngân hàng liên bang khu vực, tuy nhiên,
hoạt động quan trọng nhất của họ là chỉ định ra chủ tịch của ngân hàng khu vực theo sự phê
chuẩn của Hội đồng thống đốc. Cho tới năm 2010, cả 9 giám đốc này đều được phép tham gia
vào quyết định này (quyết định bầu ra chủ tịch ngân hàng khu vực), nhưng luật the Dodd –
Frank vào tháng 7/2010 đã loại 3 giám đốc loại A ra khỏi hội đồng bầu ra chủ tịch ngân hàng
khu vực.
12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực tham gia vào chính sách tiền tệ bằng nhiều cách:
- các giám đốc “ấn định” lãi suất chiết khấu (mặc dù lãi suất chiết khấu mỗi khu vực
được xem xét lại và quyết định bởi Hội đồng thống đốc).
- quyết định ngân hàng nào là thành viên hoặc không là thành viên có thể được vay
chiết khấu từ ngân hàng dự trữ khu vực.
- các giám đốc chọn ra một người trong ngân hàng thương mại từ mỗi khu vực tham gia
vào uỷ ban tư vấn liên bang. Uỷ ban này có nhiệm vụ tư vấn cho Hội đồng thống đốc và cung
cấp những thông tin giúp cho việc thực thi chính sách tiền tệ.
- năm chủ tịch của 12 ngân hàng dự trữ khu vực, mỗi người có 1 phiếu bầu tại FOMC.
Chủ tịch của ngân hàng dự trữ New York luôn là thành viên thường trực của FOMC vì vậy chủ
tịch này luôn có phiếu bầu tại FOMC, điều này đã khiến ngân hàng dự trữ New York trở thành
ngân hàng khu vực quan trọng nhất trong các ngân hàng dự trữ khu vực, 4 phiếu bầu khác được
chỉ định luân phiên cho các ngân hàng khu vực khác theo từng năm trong số 11 chủ tịch còn
lại.
12 ngân hàng dự trữ liên bang có những chức năng sau:
- thanh toán séc.
12
- phát hành tiền mới và thu hồi những tiền hỏng khỏi lưu thông.
- quản lý và cho vay chiết khấu đối với ngân hàng trong khu vực của họ
- đánh giá một số yêu cầu sát nhập cho các ngân hàng để mở rộng hoạt động của các
ngân hàng này.
- trung gian liên hệ giữa giới kinh doanh và FED.
- thanh tra các ngân hàng nắm giữ các công ty và các ngân hàng thành viên liên bang.
- thu thập dữ liệu về điều kiện kinh doanh từng vùng.
- sử dụng đội ngũ các nhà kinh tế học chuyên nghiệp để nghiên cứu những vấn đề liên
quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng thành viên
Tất cả các ngân hàng quốc gia (những ngân hàng thương mại được thành lập bởi Viện
giám sát tiền tệ) đều phải là thành viên của hệ thống dự trữ liên bang. Các ngân hàng thương
mại do các bang thành lập không đòi hỏi phải là thành viên của hệ thống dự trữ liên bang,
nhưng họ có quyền chọn làm thành viên. Hiện nay khoảng 1/3 những ngân hàng thương mại ở
Mỹ là thành viên của hệ thống dự trữ liên bang (FED), đã giảm đi từ con số cao nhất khoảng
49% vào năm 1947.
Trước năm 1980, chỉ có ngân hàng thành viên mới phải gửi dự trữ tại các ngân hàng dự
trữ liên bang khu vực. Các ngân hàng không phải thành viên bắt buộc phải gửi dự trữ theo quy
định của các bang của họ, cho phép họ giữ phần dự trữ dưới dạng chứng khoán có lãi. Bởi vì
khoản dự trữ tại các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực không được hưởng lãi. Rõ ràng làm
một thành viên của hệ thống là thiệt thòi và khi lãi suất tăng lên, sự thiệt thòi này càng tăng lên
và ngày càng có nhiều ngân hàng rời bỏ hệ thống.
Việc giảm thành viên trong FED là mối lo ngại lớn nhất của Hội đồng thống đốc, một lý
do làm giảm sút sự kiểm soát của FED đối với khối lượng tiền cung ứng, khiến FED khó khăn
hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Chủ tịch Hội đồng thống đốc kêu gọi nhiều lần việc
phải có một thể chế mới bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải là thành viên của FED.
Một kết quả của áp lực của FED lên Quốc hội là một điều khoản trong Luật kiểm soát tiền tệ và
nới lỏng những định chế nhận tiền gửi năm 1980: mọi ngân hàng bị bắt buộc phải (năm 1987)
gửi dự trữ tại FED như nhau, do đó ngân hàng thành viên hay không phải là thành viên sẽ bình
đẳng về dự trữ bắt buộc. Ngoài ra các định chế nhận tiền gửi đều có thể tiếp cận các kênh hỗ
13
trợ của FED và được thanh toán séc tại FED một cách công bằng như nhau. Những điều khoản
này đã chấm dứt tình trạng giảm sút thành viên trong FED và đã thu hẹp sự khác biệt giữa các
ngân hàng thành viên và không thành viên.
b. Ngân hàng Trung ương Canada
Canada là quốc gia thành lập Ngân hàng Trung ương khá muộn so với các quốc gia khác.
Ngân hàng Trung ương Canada (Bank of Canada) được thành lập năm 1934. Các giám đốc của
Ngân hàng Trung ương Canada được chỉ định bởi Chính phủ với thời hạn làm việc là 3 năm.
Và họ bầu ra Thống đốc với nhiệm kỳ làm việc 7 năm. Một hội đồng kiểm soát bao gồm 4 phó
thống đốc và Thống đốc, là bộ phận ra các chính sách được so sánh với FOMC của FED.
Luật ngân hàng được sửa đổi vào năm 1967, trong đó xác định trách nhiệm đầy đủ nhất
của Chính phủ về chính sách tiền tệ. Theo đó, trên giấy tờ, Ngân hàng Trung ương Canada
không phải là một Ngân hàng Trung ương độc lập như FED. Trên thực tế, Ngân hàng Trung
ương Canada nắm quyền kiểm soát quan trọng đối với chính sách tiền tệ. Khi có vấn đề bất
đồng giữa Ngân hàng Trung ương Canada và Chính phủ, bộ trưởng Bộ tài chính có thể đưa ra
quyết định mà buộc Ngân hàng Trung ương Canada phải tuân thủ theo. Những quy định này
này phải được viết bằng văn bản, có tính chất đặc biệt và được áp dụng trong thời kỳ đặc biệt,
nhưng thường ít xảy ra trong thực tế. Trong từng thời kỳ, mục tiêu của chính sách tiền tệ với
mục tiêu lạm phát luôn được Ngân hàng Trung ương Canada và Chính phủ cùng phối hợp xây
dựng.
c. Ngân hàng Trung ương Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (bank of England) được thành lập vào năm 1694 và được
xem là Ngân hàng Trung ương lâu đời nhất. Luật ngân hàng năm 1946 cho phép Chính phủ có
quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Anh. Toà án (tương đương với Hội đồng giám đốc)
của Ngân hàng Trung ương Anh bao gồm Thống đốc và 2 phó thống đốc với nhiệm kỳ làm việ
5 năm và 16 giám đốc không thường trực với nhiệm kỳ làm việc 3 năm.
Cho tới năm 1997, mọi quyết định tăng hay giảm lãi suất không thuộc về Ngân hàng
Trung ương Anh mà thuộc về người đứng đầu Chính phủ hoặc bộ trưởng Bộ tài chính. Tháng
5/1997, những vấn đề trên thay đổi khi đảng Lao động lên cầm quyền. Vào thời điểm đó, người
đứng đầu Chính phủ là Gordon Brown, bất ngờ thông báo rằng Ngân hàng Trung ương Anh từ
bây giờ sẽ có quyền ấn định lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ không được
14
hoàn toàn tự do về công cụ. Chính phủ vẫn có quyền từ chối ngân hàng trung ương và sẽ ấn
định các loại tỷ lệ “trong điều kiện kinh tế có sự bất thường” hoặc “trong một thời gian giới
hạn”. Giống như ở Canada, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Ngoài ra, từ năm 1997, Ngân
hàng Trung ương Anh đã bị loại ra 2 chức năng quan trọng, cụ thể là chức năng quản lý nợ
quốc gia và giám sát khu vực ngân hàng. Những vai trò này được tách ra chuyển tới cơ quan
quản lý nợ và cơ quan dịch vụ tài chính. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Anh chỉ hoàn toàn
tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất để đạt được mục tiêu lạm phát do Chính phủ đề ra. Trong
trường hợp này, Ngân hàng Trung ương Anh vẫn có ít độc lập về mục tiêu hơn so với FED.
Do Anh là quốc gia không phải là thành viên của Liên minh tiền tệ Châu Âu, nên Ngân
hàng Trung ương Anh ra quyết định về chính sách tiền tệ một cách độc lập với ECB. Quyết
định về thiết lập lãi suất thuộc về Uỷ ban chính sách tiền tệ (với sự tham gia của Thống đốc, 2
phó thống đốc, 2 thành viên được chỉ định bởi Thống đốc, với người đứng đầu Chính phủ và
thêm 4 chuyên gia kinh tế bên ngoài được chỉ định bởi người đứng đầu Chính phủ).
d. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Janpan) được thành lập năm 1882 trong cuộc
cải cách Minh Trị. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được quyết định
bởi Hội đồng chính sách bao gồm Thống đốc, 2 phó thống đốc và 6 thành viên bên ngoài được
chỉ định bởi Uỷ ban các bộ trưởng, có nhiệm kỳ làm việc 5 năm và được phê duyệt bởi Quốc
hội.
Cho tới gần đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không phải là Ngân hàng Trung ương
độc lập Chính phủ một cách chính thức, với quyền lực cao nhất thuộc về bộ trưởng Bộ tài
chính. Tuy nhiên, luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 4/1998 đã thay
đổi có sự thay đổi điều này. Thêm vào đó, yêu cầu rằng mục tiêu của chính sách tiền tệ là giữ
giá cả ổn định, do vậy trong Luật đã điều chỉnh theo hướng tăng cường sự độc lập về công cụ
và mục tiêu của chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Trung ương Nhật bản. Trước đó, Chính phủ
đã có 2 thành viên có quyền bỏ phiếu trong Hội đồng chính sách, một từ Bộ tài chính và một từ
Cơ quan kế hoạch tài chính. Hiện nay, Chính phủ gửi 2 đại diện này từ những cơ quan trên tới
cuộc họp của Hội đồng, nhưng họ không còn có quyền biểu quyết, mặc dù họ có khả năng yêu
cầu trì hoãn những quyết định của chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, Bộ tài chính cũng mất
quyền lực giám sát nhiều hoạt động của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cụ thể như quyền sa
15
thải nhân viên cấp cao. Tuy nhiên, Bộ tài chính tiếp tục có quyền kiểm soát ngân sách hoạt
động của Ngân hàng Trung ương Nhật bản (ngoại trừ phần liên quan đến chính sách tiền tệ -
điều mà có thể giới hạn sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản này ở một mức độ nào
đó).
4..5.2. Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi
Những quốc gia đang phát triển là những nền kinh tế với GDP từ thấp đến trung bình,
chiếm khoảng 80% dân số trên thế giới nhưng chỉ tạo được ít hơn 20% GDP của thế giới. Và
một nền kinh tế mới nổi, có thể kể đến Ấn Độ, Trung quốc tới những quốc gia như Mỹ Latin,
Châu Phi, Trung đông và Châu Á, là một quốc gia đang phát triển hoặc nền kinh tế trong giai
đoạn chuyển đổi bắt đầu với những chương trình cải tổ kinh tế để đạt được những kết quả kinh
tế cao hơn, tăng hiệu quả trên thị trường vốn và cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái. Những quốc
gia này chủ yếu thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua thị trường tài chính, khu vực dịch vụ,
và những ngành đem lại năng suất cao.
Thực tế cho thấy, khái niệm về Ngân hàng Trung ương còn mới mẻ ở nhiều quốc gia là
các quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi. Mức độ độc lập của Ngân hàng Trung
ương của các quốc gia này có sự liên quan chặt chẽ tới mức độ phát triển của khu vực tài chính
và thể chế chính trị. Ở khu vực này, mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương là khác nhau ở
mỗi quốc gia.
Một trong những rào cản khiến sự độc lập của Ngân hàng Trung ương ở những nước này
gần như là không thể là do mức độ vốn hoá thấp bởi Ngân hàng Trung ương không có khả năng
để tạo ra nguồn thu. Trường hợp của Ngân hàng Trung ương Costa Rica (the Central Bank of
Costa Rica) là một ví dụ điển vì sự thiếu hụt về các nguồn lực tài chính thiết yếu để mang lại sự
hiệu quả trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Hoặc, ở nền kinh tế mới nổi khác là Indonesia,
Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank of Indonesia) khi đối mặt với vấn đề thiếu hụt về
nguồn lực tài chính đã không có khả năng hỗ trợ tín dụng cho những ngân hàng yếu kém trong
suốt cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.
Để đảm bảo tính độc lập và quyền lực tối cao cho Ngân hàng Trung ương, Chính phủ ở
nhiều quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu gia tăng vốn định kỳ cho Ngân
hàng Trung ương. Mặt khác, Ngân hàng Trung ương của các quốc gia thuộc hội đồng hợp tác
vùng vịnh mặc dù sở hữu lượng vốn đủ nhưng tính độc lập bị giới hạn. Điều này đã thúc đẩy họ
16
cố gắng hình thành nên Ngân hàng Trung ương đa quốc gia để đảm bảo tính độc lập từ sự kiểm
soát của Chính phủ các quốc gia riêng lẻ.
Trong số những Ngân hàng Trung ương độc lập nhất, Ngân hàng dự trữ Châu Phi (the
Reserve Bank of Africa), Ngân hàng Trung ương Ai Cập (the Central Bank of Egypt), hoàn
toàn được độc lập trong việc thực thi chính sách tiền tệ - mức độ độc lập cao khỏi áp lực chính
trị. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những Ngân hàng Trung ương này đương nhiên có
quyền quyết định những mục tiêu vĩ mô chung của nền kinh tế. Ngược lại, trong nhiều trường
hợp, Ngân hàng Trung ương hành động trong sự phối hợp với các cơ quan tài khóa của Chính
phủ, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng.
Một Ngân hàng Trung ương nữa mang tính điển hình cho nền kinh tế mới nổi đó là Ngân
hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s bank of China - PBC), được thành lập tháng 12/1948.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hoạt động như là ngân hàng 1 cấp duy nhất của Trung quốc,
thực hiện cả vai trò của ngân hàng thương mại và Ngân hàng Trung ương. Đây là mô hình ngân
hàng của các cơ chế mang tính xã hội chủ nghĩa nhất, bởi vì ngân hàng tư nhân bị cấm hoạt
động trong những hệ thống kinh tế này. Năm 1980, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phân chia
hoạt động của ngân hàng thương mại vào 4 ngân hàng Nhà nước. Năm 1985, PBC chính thức
bắt đầu các chức năng cuả nó theo luật định như là một Ngân hàng Trung ương đầy đủ các
chức năng, có trụ sở đặt ở Bắc Kinh và 9 văn phòng vùng khác. Từ đó, những cải tổ dần dần
được đưa ra nhằm trao quyền cho PBC kiểm soát toàn bộ khu vực ngân hàng và có quyền thực
thi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, PBC có trách nhiệm báo cáo về chính sách tiền tệ, khối lượng
tiền cung ứng, lãi suất và tỷ giá hối đoái tới Hội đồng Nhà nước thậm chí trước khi thực hiện.
Do mức độ liên quan của Hội đồng Nhà nước trong các hoạt động của PBC đã giới hạn quyền
độc lập của PBC so với hầu hết các Ngân hàng Trung ương ở các nước công nghiệp.
4.5.3. Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi
Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ một số nước Xã hội
Chủ nghĩa ở đông Âu cũng như trung tâm Châu Âu và Cộng hoà Liên bang Xô viết (USSR).
Khi những quốc gia này chuyển đổi từ kinh tế tập trung và sở hữu Nhà nước sang quyền sở hữu
tư nhân và nhiều tự do hơn, một số lượng định chế đã thay đổi, trong khi có nhiều định chế
được thành lập mới hoàn toàn. Quá trình chuyển đổi này gây ra nhiều “thương đau” và diễn ra

17
trên diện rộng đối với nhiều quốc gia, bởi vì nó liên quan đến sự thay đổi về mặt cấu trúc quan
trọng và sự hình thành của những thị trường chưa từng tồn tại trước đó.
Trước năm 1990, hầu hết quốc gia chuyển đổi sở hữu ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước,
ngân hàng này có cả vai trò của ngân hàng thương mại và ngân hàng Trung ương, trong khi
một số nước khác sở hữu Ngân hàng Trung ương riêng biệt, giám sát hoạt động của các ngân
hàng Nhà nước khác. Đến những năm 1990, nền kinh tế của những quốc gia này rơi vào tình
trạng chuyển động chậm chạp, khu vực ngân hàng có những khoản nợ khổng lồ của những tổ
chức thuộc khu vực Nhà nước kém hiệu quả. Ngoài ra, sự xuất hiện bất ngờ của các thị trường
trong nền kinh tế, những quốc gia này phải hứng chịu áp lực lạm phát do sự tự do hoá giá cả,
cùng với thâm hụt lớn trong cán cân thanh toán và sự mất giá mạnh của đồng nội tệ.
Vì vậy, vấn đề rất cần thiết phải thành lập một Ngân hàng Trung ương mới, bằng cách
phân tách ngân hàng mô hình 1 cấp thành 2 cấp gồm có Ngân hàng Trung ương và ngân hàng
thương mại, hoặc tăng mức độ độc lập của các ngân hàng đã có. Điều này đòi hỏi sự cải cách
toàn diện của Ngân hàng Trung ương nhằm cải tiến mạnh sự độc lập về công cụ và mục tiêu
của những định chế mới được cải tổ này. Những minh chứng cho sự thay đổi này như trường
hợp Việt Nam khi chuyển đổi mô hình từ 1 cấp sang 2 cấp hay sự độc lập của Ngân hàng Trung
ương ở các nước Đông Âu và sự hợp tác của các quốc gia độc lập (15 quốc gia độc lập sau sự
sụp đổ của Cộng hòa Liên bang Xô viết) đã được xác lập, mặc dù không hoàn toàn có đầy đủ
chức năng.
Với sự gia tăng mức độ tuân thủ luật pháp trong quá trình chuyển đổi, sự độc lập của
Ngân hàng Trung ương tăng dần, dẫn tới giải pháp thành công cho vấn đề lạm phát và giám sát
ngân hàng. Trong số những những Ngân hàng Trung ương độc lập nhất trong các nước chuyển
đổi là Ngân hàng Trung ương cộng hoà Czech, Bulgary và Hungary, những quốc gia chứng
minh được sự thành công trong vấn đề kiểm soát lạm phát.
4.5.4. Ngân hàng Trung ương đa quốc gia ở các nền kinh tế
Tháng 1/1999, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (the European Central Bank - ECB) và
hệ thống Ngân hàng Trung ương Châu Âu (European System of Central Bank – ESCB) được
thành lập. Tính đến thời điểm tháng 7/2014, ESCB bao gồm ECB và Ngân hàng Trung ương
thành viên của 28 quốc gia và ECB thuộc về 18 quốc gia trong Liên minh tiền tệ Châu Âu sử
dụng đồng Euro là đồng tiền của quốc gia đó. ECB có tư cách pháp nhân và hưởng quyền độc
18
lập hoàn toàn đối với các thể chế quốc gia cũng như cộng đồng chung. Nhiệm vụ chính của
ECB đảm bảo việc vận hành Liên minh kinh tế tiền tệ và điều hành ESCB. Theo Hiệp ước
Maastricht thì mục tiêu chính của ECB là ổn định giá cả bằng việc định ra chính sách tiền tệ
của khu vực đồng Euro để bảo vệ được giá trị đồng Euro. Ba cơ quan quyết định chính của
ECB bao gồm Hội đồng thống đốc, Ban giám đốc và Hội đồng cố vấn: Hội đồng thống đốc là
cơ quan quyết định tối cao của ECB, bao gồm 6 thành viên Ban giám đốc và thống đốc của 18
Ngân hàng Trung ương quốc gia đã sử dụng đồng tiền chung Euro. Mỗi thành viên đều có
quyền biểu quyết như nhau. Nhiệm vụ chính của Hội đồng thống đốc là xác định chính sách
tiền tệ của khu vực đồng Euro; Ban giám đốc gồm chủ tịch và phó chủ tịch của ECB, ngoài ra
có 4 thành viên khác. Cả 6 thành viên đều được bổ nhiệm bởi một hiệp ước chung giữa các vị
đứng đầu Nhà nước hay Chính phủ của các nước tham gia khu vực đồng Euro. Ban giám đốc
thực thi chính sách tiền tệ đã được Hội đồng thống đốc đề ra. Để thực hiện điều này, Ban giám
đốc đưa ra những hướng dẫn cần thiết cho các Ngân hàng Trung ương quốc gia. Ngoài ra, Ban
giám đốc chuẩn bị các cuộc họp của Hội đồng thống đốc và chịu trách nhiệm về việc quản lý
hoạt động của ECB; Hội đồng cố vấn là cơ quan quyết định thứ ba của ECB, gồm có chủ tịch,
phó chủ tịch ECB và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương quốc gia của toàn bộ các thành
viên Liên minh (cả các nước trong khối đồng tiên chung lẫn các nước chưa chấp nhận đồng tiền
chung). Chủ tịch của Hội đồng Liên minh Châu Âu và 1 thành viên của Uỷ ban Châu âu có thể
tham dự các cuộc họp của hội đồng cố vấn của ECB, nhưng không có quyền biểu quyết. Trách
nhiệm của Hội đồng cố vấn chủ yếu là thực thi các nhiệm vụ tạm thời của ECB, đóng góp vào
chức năng tham vấn, góp phần thu thập thông tin thống kê, và báo cáo các hoạt động của ECB.
ECB không phải Ngân hàng Trung ương đa quốc gia duy nhất trên thế giới, mà một số
nước đang phát triển khác cũng thành lập Ngân hàng Trung ương đa quốc gia để củng cố sự
hợp tác kinh tế với các nước láng giềng khác. Ngân hàng Trung ương Đông Caribbean (the
Eastern Caribbean Central Bank – ECCB) bao gồm 8 thành viên, ngoài 6 quốc gia độc lập, thì
2 trong số 8 thành viên là vùng lãnh thổ của vương quốc Anh. ECCB được thành lập vào tháng
1/1983 và hiện nay bao gồm Antigua and Barbuda, cộng hoà Dominica, Grenada, Montserrat,
St Kitts and Nevis, Saint Lucia and Saint Vincent, The Grenadines and Anguilla. Tất cả quốc
gia này đều là quốc gia nhỏ, với nền kinh tế yếu dễ đổ vỡ đều cần liên hợp lại để đạt được sự
phát triển kinh tế. Theo một cách tương tự với ECB, Chủ tịch được bầu hàng năm theo cơ chế
19
quay vòng lần lượt và Hội đồng tiền tệ chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ và đảm bảo sự ổn
định của đồng tiền chung, đó là đô la EC. Tuy nhiên không giống với ECB, không nước nào
trong số liên minh này có Ngân hàng Trung ương riêng của mình.
Xu hướng tương tự diễn ra ở Châu Phi, nơi hầu hết quốc gia Châu Phi đều có Ngân hàng
Trung ương riêng, ngoại trừ 2 vùng có Ngân hàng Trung ương đa quốc gia. Một là Ngân hàng
Trung ương Tây Phi (the Central bank of Western Africa), bao gồm 8 quốc gia Tây Phi đã sử
dụng đồng CFA franc Tây Phi làm đồng tiền chung. Tương tự như vậy, 6 quốc gia trung tâm
Châu Phi là thành viên của Ngân hàng Trung ương Châu pPhi (the Central Bank of Central
Africa), và sử dụng đồng CFA franc của trung tâm Châu Phi như là phương tiện pháp luật.
Từ khóa
Ngân hàng Trung ương, chính sách tiền tệ, lượng tiền cung ứng

Tóm lược cuối bài


• Ngân hàng Trung ương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.
• Hai mô hình tổ chức của Ngân hàng Trung ương: độc lập với Chính phủ và trực thuộc
Chính phủ.
• Ngân hàng Trung ương có 3 chức năng cơ bản, trên cơ sở đó có những hoạt động chủ yếu
như: phát hành tiền, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý và kinh doanh ngoại
hối, thanh tra và kiểm soát, ….

Câu hỏi ôn tập


1. Phân biệt giữa mô hình Ngân hàng Trung ương độc lập và phụ thuộc với Chính
phủ. Ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu?
2. Phân tích chức năng của Ngân hàng Trung ương. Liên hệ trong điều kiện thực
tiễn ở Việt Nam.
3. Trên cơ sở chức năng cơ bản của Ngân hàng Trung ương, cho biết vai trò của
Ngân hàng Trung ương với sự phát triển kinh tế.
4. Phân biệt giữa hoạt động của Ngân hàng Trung ương với ngân hàng thương mại?
Trong điều kiện ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý
như thế với các ngân hàng thương mại?
20
5. Giải thích vì sao có sự thay đổi hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong từng
thời kỳ phát triển?
6. Tìm hiểu về Ngân hàng Trung ương ở các nước trên thế giới. Ý nghĩa của vấn đề
nghiên cứu?

21

You might also like