Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

Làm văn

Câu 1:
Lady Bird Johnson đã nói: “Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, là nơi đem lại lợi ích cho
mọi người, là điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ”, ta mới thấy được sự cấp thiết trong nhận
thức trong trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay. Hệ sinh thái có thể
hiểu là tất cả những gì tồn tại xung quanh chúng ta: không khí, nước, đất, rừng, động - thực
vật, và cả con người cũng là một phần quan trọng của hệ sinh thái. Mẹ thiên nhiên đã ban
tặng cho chúng ta một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, ban tặng cho ta môi trường để
sinh sống, cho ta cơ hội để bồi đắp, để làm giàu đẹp hệ sinh thái ta đang sống hàng ngày,
nhưng không phải ai cũng nhận thức được những điều bản thân cần làm để bảo vệ môi trường
sinh thái. Trước hết, muốn bảo vệ môi trường sinh thái, ta cần hiểu và nhận thức rõ tầm quan
trọng của nó cũng như sự cấp thiết của hành động và tư tưởng, việc này có thể thực hiện chỉ
bằng một nút “click” chuột hay một lần mở sách. Đã hiểu và nhận thức rõ ràng chưa đủ, mỗi
người chúng ta cần phải hành động kịp thời. Thế hệ trẻ nên chung tay cùng nhau “phủ xanh
đồi trọc”, trồng cây ở khu vực sinh sống, ở nơi làm việc… Một người làm sẽ không đủ,
nhưng nhiều người làm sẽ tạo nên một sức ảnh hưởng tích cực sâu rộng đến môi trường sống
của chính chúng ta. Không những vậy, với sức sáng tạo và chủ động của thế hệ mới, người
trẻ có thể sử dụng mạng xã hội, báo chí, … để lập ra những trại thanh niên, chiến dịch, dự
án.. tuyên truyền tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Ta biết đến chiến dịch “ngày chủ
nhật xanh” do Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh tổ chức để kêu gọi mọi người dọn dẹp rác thải ở
biển vùng Mũi Né, hay “Keep Vietnam Clean” - một tổ chức được thành lập để nâng cao
nhận thức mọi người về bảo vệ môi trường. Nhưng đáng buồn thay, vẫn không thiếu những
người trẻ ngang nhiên xả rác thải xuống lòng đường, mặt sông, … vừa gây mất mĩ quan đô
thị, vừa làm ô nhiễm môi trường. Tôi - một công dân trẻ, tự ý thức được trách nhiệm của
mình trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mà thay đổi lối sống, cách suy nghĩ vì
một “bức tranh của vẻ đẹp vĩnh cửu” mang tên thiên nhiên đang bảo vệ chính cuộc sống của
mỗi chúng ta.
Câu 2:
Lawrence Ferlinghetti đã từng nói: “Thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của
tất cả mọi người”. Có những điều, qua năm tháng bào mòn của thời gian, sẽ trôi vào miền
vĩnh hằng mà không để lại một chút dấu vết, cũng có những tác phẩm văn chương lại trở
thành những “hình vẽ vĩnh cửu” không bao giờ phôi phai trong trái tim độc giả. Bằng lăng
kính quan sát độc đáo và tinh tế cùng lòng gắn bó, yêu quý chân thành với dòng Hương giang
xứ sở, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “cạy mở” những “đáy tim” người đọc để gửi gắm vào đó
niềm tự hào, trân trọng về con sông Hương của thi ca nhạc họa, của lịch sử trường tồn qua
“Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Đặc biệt, đoạn trích dưới đây đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp của
con sông Hương khi đã tìm đến “thành phố tương lai” của mình, qua đó thấy được tình cảm
tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc Tường với con sông nói riêng và miền xứ sở cố đô nói chung:
“Từ đây, như đã tìm đúng đường về, … Tứ đại cảnh!”.
Hoàng Cát khẳng định: “Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn hiện lên là một nhà văn hoá
hành văn vô cùng độc đáo, một cuốn từ điển sống về Huế”. Gắn bó cả cuộc đời nơi xứ Huế
mộng mơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường mang một vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực như
văn hóa, lịch sử, âm nhạc.. Huế. Với một tình yêu nồng nàn tha thiết, xứ Huế với cảnh sắc
thiên nhiên thơ mộng, hữu tình đã trở thành một chủ đề thường thấy trong những trang văn
của ông. Cũng vì lẽ đó, bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” ra đời năm 1981 tại Huế là kết
tinh của tất cả tâm huyết cùng niềm gắn bó và yêu mến con sông Hương xứ Huế vô bờ. Giữa
bừng bừng các tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng sau 1975, bút kí đã nổi lên là
sự kết hợp giữa ngòi bút tài hoa của nhà văn và vẻ đẹp sông Hương thơ mộng với bề dày văn
hóa đã đi theo lịch sử đất Huế xứ sở. Sau khi qua khúc thượng nguồn và ngoại vi Huế, sông
Hương như “tìm đúng đường về” và chảy trôi vào “thành phố tương lai” với một vẻ đẹp độc
đáo, lạ lùng.
Từ xưa đến nay, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô tận với các nhà thơ, nhà văn.
Nếu các thi nhân, văn nhân trung đại tìm đến vẻ đẹp của hoa, tuyết, trăng… để chấm phá lên
những trang văn thơ của mình, thì tác giả hiện đại đã hướng ngòi bút đến cảnh sắc thiên nhiên
đẹp đẽ của đất nước. Hoàng Phủ Ngọc Tường, với một tấm lòng luôn hướng về xứ Huế nói
riêng và vẻ đẹp thiên nhiên thanh tân của đất nước nói chung, đã khơi gợi cảm xúc dạt dào từ
con sông Hương với vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng cùng dòng chảy mềm mại, trữ tình chảy qua
thành phố Huế. Nếu ở thượng nguồn, con sông như một “bản trường ca của rừng già”, “một
cô gái Di-gan” rồi đến ngoại vi, sông Hương hóa mình thành một người con gái giữa “cánh
đồng Châu Hóa đầy hoa dại”, thì khi đã chạm ánh mắt với Huế thương, nàng “như tìm đúng
đường về” mà “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”.
Câu văn miêu tả vẻ đẹp của sông Hương với một tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm của người
con gái khi đã tìm thấy “người tình mong đợi” của nó sau cả một cuộc hành trình gian truân,
vất vả. Cuối cùng, Hương giang đã nhận lại những “trái ngọt” mà mình mong đợi mà không
ngại ngần trở nên “vui tươi hẳn lên” – một phép nhân hóa thú vị đã biến con sông trở thành
sinh thể có hồn, mang trong mình tâm tư người thiếu nữ luôn nhớ mong một tình yêu da diết
với Huế thân yêu. Con sông thiếu nữ đã “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam
– đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần
trên nền trời, nhỏ nhắn như vành trăng non”. Đến thành phố Huế, sông Hương được là chính
mình, được sống với những gì nguyên sơ nhất nên nó không e sợ mà “kéo một nét thẳng
thực” dứt khoát, “yên tâm” theo hướng tây bắc – đông nam để rồi nơi “phía đó”, “cuối
đường”, con cầu Tràng Tiền của thành phố “in ngần trên nền trời” như một “vành trăng non”.
Trạng từ “phía đó, nơi cuối đường” đã được sử dụng tài tình như vẽ lại cả cuộc hành trình
gian khổ, kiên trì của con sông đã được đền đáp xứng đáng như cách người Huế đã xây dựng
và giữ gìn cố đô bằng tất cả sự tin yêu của mình. Con sông đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của
thành phố và chợt nhật ra đó chính là tín hiệu của người tình nhân mà nó đang tìm. Lúc này,
sự chờ đợi đã được hồi đáp, một nỗi ngóng chờ đã được thực hiện nơi dòng sông, trước mắt
độc giả, hiện lên cả một bức tranh trữ tình, thơ mộng khi Hương giang đã gặp gỡ xứ Huế thân
thương của nó, như cuộc gặp gỡ đầy náo nức, rạo rực giữa đôi lứa yêu nhau đã xa cách lâu
ngày. Màu xanh của “biền bãi xanh biếc” ở vùng ngoại ô Kim Long như hòa cùng màu xanh
của thiên nhiên đất trời mà bung tỏa hài hòa với gam màu của cây cầu “cong cong”. Phép so
sánh chiếc cầu “nhỏ nhắn như một vành trăng non” đã tạo nên sự hài hòa, đằm thắm giữa con
sông Hương cùng mảnh đất cố đô. Ta như tưởng tượng ra một con sông Hương chảy trôi,
thuôn dài với màu sắc biến ảo theo thời gian mà phản chiếu lên nó chính là cây cầu Tràng
Tiền vững chãi, cong cong như hình dáng của vầng trăng lưỡi liềm. Cây cầu ấy đã sừng sững
đứng vững giữa lòng thành phố, như một chứng nhân đã tạc nên bao dấu ấn lịch sử thiêng
liêng của nước nhà mà trong những dấu ấn ấy, có cả sự hình thành và phát triển của sông
Hương nhờ vào bàn tay bồi tụ cùng niềm yêu quý của dân Huế với nàng. Cây cầu cong cong
cũng làm người ta liên tưởng đến những câu thơ của “nhà thơ của làng quê Việt Nam”:
“Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài, mái tóc cung nga buông hờ”.
(Nguyễn Bính)
Và sau khi đã chạm ánh mắt với cây cầu lịch sử thân yêu, sông Hương lại tiếp tục cuộc
hành trình của mình khi đã “giáp mật thành phố ở Cồn Giã Viên” rồi “uốn một cánh cung nhẹ
sang đến Cồn Hến”. Chào Huế thân thương, con sông đã trở nên mềm dịu, êm ái mà nhẹ
nhàng chảy trôi vào lòng thành phố, nó “uốn một cánh cung” rất “tình” – một nét tình tứ của
con sông với sự đúc kết tình cảm dành cho xứ Huế như dành cho một người nhân tình trong
buổi hội ngộ. Đường cong mềm mại ấy của con sông còn được so sánh với “tiếng “vâng”
không nói ra của tình yêu” – một phép so sánh rất “đắt” vừa gợi tả được vẻ đẹp dịu dàng,
đằm thắm của con sông Hương vừa thể hiện sự tài hoa trong ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc
Tường. Lúc này đây, đặc điểm địa lý của con sông đã được gắn với một trạng thái cảm xúc
của người phụ nữ khi yêu, đó chính là một tiếng “vâng” không thốt nên lời nhưng lại là sự
chấp thuận, đồng ý của nàng Hương giang để đến với xứ Huế thân yêu mà nó hằng mong đợi.
Chữ “vâng” nơi đầu môi không được bật ra thành lời nhưng vẫn chan chứa một tình cảm
mãnh liệt của con sông đối với thành phố Huế, nó đã sẵn sàng gỡ bỏ mọi rào cản, suy tư, trăn
trở, nó đã sẵn sàng bỏ đi mọi buồn phiền, âu lo khi còn ở thượng lưu, ở ngoại vi mà rộng mở
tấm lòng để xứ Huế “đón” con sông với một niềm tin yêu dạt dào. Chảy qua thành phố Huế,
con sông mới được là chính nó mà thể hiện ra vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại, xao xuyến như
người thiếu nữ đang đắm chìm trong tình yêu “Dịu dàng đôi ngón tay tiên/ Giữ hờ mép áo
làm duyên qua đường” (Nguyễn Bính).
Nhìn bằng con mắt hội họa, sông Hương giữa lòng thành phố Huế của mình cũng như
“sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét” mà mang trong mình một vẻ đẹp của
riêng nó cùng sự hòa hợp trong vẻ đẹp của Huế thương. Những nhánh cây đào rũ xuống lòng
sông, “mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố thị”, nơi nơi đều in dấu ấn của con sông lịch
sử, đi qua biết bao “xóm thuyền xúm xít”, đông vui nơi cây đa, cây cừa tỏa tán lá rộng u sầm.
Từ mảnh đất Huế, vẫn “lập lòe” những “ánh lửa thuyền chài” của người dân lao động, tạo
nên một khung cảnh náo nhiệt, đông vui nhưng cũng mang vẻ đẹp của một “linh hồn mô tê
xưa cũ” với những dấu ấn riêng biệt chẳng một thành phố hiện đại nào “còn nhìn thấy được”.
Qua đó, ta thấy được một sự gắn kết giữa con sông Hương với nhịp sống lao động của con
người nơi đây, Hương giang đã thành một phần xứ Huế và cùng xứ Huế gắn bó với đời sống
hàng ngày.
Không chỉ mang vẻ đẹp như bức họa với những gam màu sáng trong, hài hòa tô điểm
cho thành phố Huế, vào đến thành phố, sông Hương không còn mang cái man dại, mãnh liệt
như khi ở Trường Sơn mà nó là một bản nhạc, một “điệu slow tình cảm” dành riêng cho Huế.
Sự chảy trôi chậm rãi, từ tốn ấy của con sông trước hết đã được gợi lên từ góc độ địa lý khi
“những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm lưu tốc của dòng sông”,
con sông chảy vào lòng xứ Huế đã nhẹ nhàng, êm đềm, trôi đi thật chậm, “cơ hồ chỉ còn là
một mặt hồ yên tĩnh”. Chỉ với một câu văn, ta đã thấy được sự am hiểu về kiến thức địa lý
của tác giả khi đã không chỉ hiểu được thủy trình của con sông Hương mà còn nắm rõ sự lí
giải cho lưu tốc chậm của con sông này. Nhà văn đã đưa người đọc lên chuyến phiêu lưu qua
đất nước Nga xinh đẹp để đến với con sông Nê-va thành phố Lê-nin-grat “cuốn trôi những
đám băng lô xô”, lấp lánh những màu sắc đẹp đẽ phản chiếu màu nắng xuân, “mỗi phiến
băng chở một con hải âu… đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon băng
băng lướt qua” như vụt qua trước mắt, chẳng thể nắm bắt. Những chữ “băng băng lướt qua”
đã gợi ra lưu tốc rất nhanh của con sông thế giới, đến mức “không kịp cho lũ hải âu nói một
điều gì”. Hình ảnh những chú chim hải âu là một liên tưởng vô cùng thú vị của tác giả, có lẽ,
con sông Nê-va đã chảy quá nhanh mà không kịp để người nghệ sĩ có thể vấn vương, cảm
nhận mà đem lòng tiếc nuối khi để vẻ đẹp của con sông nước Nga chảy trôi qua tầm mắt. Rồi
ông lại đưa ta trở về sông Hương trong nỗi nhớ da diết, cháy bỏng: “tôi lại nhớ con sông
Hương của tôi”. Rõ ràng, dù có đi trăm phương nghìn hướng thì cũng không nơi nào đẹp
bằng con sông quê hương, và cũng chẳng có mảnh đất nào đẹp bằng mảnh đất quê nhà.
Tuy nhiên, dưới góc độ địa lý, nhà văn họ Hoàng vẫn chưa thực sự bộc lộ hết tình cảm
say đắm của mình với con sông, nên ông còn ví như “điệu slow tình cảm dành riêng cho
Huế”. Trước hết, nhà văn xứ Huế đã nhắc đến câu chuyện của một người Hi Lạp tên là Hê-ra-
clit, “đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh”. Từ đó, ông đã liên tưởng đến
con sông Hương xứ Huế với điệu chảy “lặng lờ” đi ngang qua thành phố mà khi soi chiếu vào
câu chuyện hai nghìn năm trước kia, chính là sự luyến lưu, yêu thương không nỡ rời xa của
nó nên đã chảy chậm, từ từ để ở lại với Huế lâu hơn. Một phép so sánh gợi cho ta nhiều liên
tưởng khi sông Hương được ví với “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. “slow” trong
tiếng anh là chậm rãi, và ở đây, sông Hương như một giai điệu vang lên của tình cảm chảy
trôi êm đềm chỉ dành riêng cho xứ Huế mộng mơ. Đó là một “điệu slow” “cảm nhận được
bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh”, “qua Huế ngập ngừng như muốn đi
muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Cả một khung
cảnh rực rỡ ánh sáng hiện ra với những ánh hoa đăng thả trôi nhẹ nhàng vào buổi đêm trên
làn nước sông Hương đầy bồng bềnh thơ mộng, khiến cho con sông mang theo những “vấn
vương của một nỗi lòng” – nỗi lòng người thiếu nữ không muốn rời khỏi người tình thân yêu
của nó mà “ngập ngừng như muốn đi muốn ở”. Cả đoạn văn đã gợi lên một đoạn thủy trình
của con sông khi chảy qua thành Huế đầy thơ mộng, trữ tình với tấm lòng thủy chung luôn
hướng về xứ Huế, đồng thời gửi gắm một tình yêu sâu nặng của tác giả dành cho con sông
thiếu nữ này. Vẻ đẹp của con sông cũng có lần được khắc họa trong “Tạm biệt” của Thu Bồn:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Sông Hương đã bao đời miệt mài làm nên những vẻ đẹp tinh tế mang đậm dấu ấn văn
hóa của mình và vùng đất Huế cố đô xứ sở. Đó là sự giao thoa giữa vẻ đẹp của truyền thống
dân gian và vẻ đẹp của văn hóa cung đình, với những con người Huế với đặc trưng không bất
cứ nơi nào có thể có được về giọng nói, tiếng cười, câu hát. Và một trong số những đặc trưng
ấy chính là nhã nhạc cung đình Huế khi con sông Hương đã trở thành “người tài nữ đánh đàn
đêm khuya”. Con sông phải chăng đã hóa thân thành một người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn,
giữa đêm rằm với ánh trăng soi rọi xuống mặt nước, đã gảy lên từng khúc đàn như mang theo
mọi tinh hoa, tuyệt diệu của vùng đất xứ sở. Mà đến khi “nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc
trên sân khấu nhà hát”, tác giả đã “nhiều lần thất vọng”. Nghĩa là, nhã nhạc cung đình Huế
chỉ nên được thưởng thức vào buổi đêm, khi lòng người đã tĩnh lặng mà thỏa sức thả hồn
mình vào giai điệu truyền thống, dân ca của âm nhạc đất nước, lúc này, ta mới thấu hiểu rõ
được vẻ đẹp trường tồn của âm nhạc cổ điển nơi đây. Với vốn am hiểu về thi ca sâu sắc,
Hoàng Phủ Ngọc Tường còn khẳng định: “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh
thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi
bán âm của những mái chèo khuya”. Khi đêm xuống, mọi sự vật trở nên tĩnh lặng, mặt nước
chỉ còn tiếng “nước rơi bán âm”, âm nhạc Huế lúc này đã trở thành thứ âm nhạc để người ta
trải lòng, để người ta được sống đúng là chính mình như con người Huế.
Hoàng Phủ Ngọc Tường còn chỉ ra được “chất Huế”, linh hồn Huế qua những “bản đời
đi suốt cuộc đời Kiều” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
“Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”
Đó là một phát hiện tinh tế để người đọc có thể cảm nhận được và chiêm nghiệm cảnh
sắc, âm nhạc Huế qua những trang Kiều và là vẻ đẹp của con sông Hương. Con sông Hương
cùng xứ Huế đã gắn liền với những vần thơ của Nguyễn Du, nó chứa biết bao bản sắc dân tộc
vô cùng đậm đà và phong phú của một nền văn hóa cố đô. Nhà văn cũng đã mượn câu
chuyện của một người nghệ nhân chơi đàn hết nửa thế kỉ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc
Kiều, đã thốt lên mà nói: “Đó chính là Tứ đại cảnh!”. “Tứ đại cảnh” là một điệu nhạc Huế,
nhà văn lại một lần nữa khẳng định mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa sông Hương và âm nhạc
cổ điển Huế. Dòng sông lúc này đã hóa thân thành một bản nhạc Huế tha thiết, nồng nàn,
mang theo những giai điệu chảy trôi đi khắp mọi miền đất Huế, như có linh hồn, hơi thở mà
dấy lên bao xúc cảm, thân thương.
Nhà văn Tô Hoài đã đã từng nhận xét về những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường
như sau: “Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với
đất trời, sông nước của Huế”. Thật vậy, qua “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, ông đã cảm nhận
con sông Hương và xứ Huế bằng từ tận đáy tâm hồn để am hiểu, trân trọng và quý mến vẻ
đẹp thiên nhiên nơi Hương giang với chiều sâu văn hóa, lịch sử đậm đà, sống động. Sông
Hương, qua ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã hiện lên qua những phương diện
phong phú, độc đáo, chất chứa tâm tình, tính cách của người Huế thân thương. Đồng thời,
“Ai đã đặt tên cho dòng sông” cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đặc
trưng của ông. Ngay từ thể loại bút kí, nhà văn đã vận dụng thuần thục để khắc họa sinh động
con sông Hương đầy trữ tình và gợi cảm. Từng trang văn của ông đều mang một vẻ đẹp sang
trọng, tinh tế, hướng nội giàu xúc cảm cùng một vốn hiểu biết uyên bác, chuyên sâu về nhiều
lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, địa lý, âm nhạc. Các phép tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…
cùng nhịp văn chậm rãi, nhẹ nhàng đã biến câu văn trở thành những tấm lụa mềm mại, len lỏi
vào trong tâm hồn của độc giả. Đằng sau vẻ đẹp của sông Hương được khắc họa tuyệt diệu,
trữ tình, chính là một tấm lòng sâu nặng với mảnh đất cố đô cùng một niềm tự hào sâu sắc về
cảnh sắc thiên nhiên đất nước của người thi sĩ.
Phạm Phú Phong từng nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn/hóa Huế. Với tư
cách nhà văn, anh không phải người duy nhất, nhưng chắc chắn là người số một, người viết
nhiều nhất và hay nhất về khí hậu, đất đai, sông núi, thiên nhiên và con người xứ Huế”. Sinh
ra và gắn bó với xứ Huế, dù có đi đến nhiều nơi và ghi lại cảnh đẹp của bốn phương trời vào
trong tầm mắt, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn luôn giữ một lòng nhiệt thành, tình yêu cháy
bỏng mà thiết tha dành cho xứ Huế cố đô cùng con sông quê hương. Ngay từ nhan đề của bút
kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, ta đã thấy được niềm yêu thương cùng lòng tự hào của
người nghệ sĩ dành cho mảnh đất mà mình sinh thành, gắn bó bởi lẽ, một nhan đề tựa như câu
hỏi đã gợi cảm hứng cho độc giả tìm về những điều xa xôi mà say đắm với cách hiểu của
Hoàng Phủ về con sông: vì yêu quý con sông Hương, nhân dân hai bên bờ đã nấu nước nhiều
loại rau thơm mà đổ xuống dòng sông. Cách hiểu thú vị này đã gợi lên vẻ đẹp của con sông,
đồng thời thể hiện sự trân trọng của tác giả trước công lao xây đắp văn hóa và lịch sử xứ Huế
của nhân dân nơi đây. Đến với đoạn trích, sông Hương cũng được khắc họa như một “bản
trường ca của rừng già”, “cô gái Di-gan” hay khi trở vào thành phố Huế, lại như “người tài
nữ đánh đàn đêm khuya”. Sông Hương, trong tâm trí của người nghệ sĩ, là hội tụ của thi ca
nhạc họa, văn hóa và lịch sử, là sự phản chiếu của những điều đẹp đẽ nhất của xứ Huế. Con
sông đẹp đẽ ấy đã khiến Hoàng Phủ đem lòng yêu mến nàng Hương với nhiều cung bậc cảm
xúc khác nhau: lúc thì e ngại, băn khoăn vì sợ “không hiểu một cách đầy đủ bản chất” của nó,
lúc khi ở bên khoảng trời Nga, vẫn luôn nhớ nhung da diết “điệu slow tình cảm dành riêng
cho Huế”… Ông dành tình yêu cho con sông Hương bao nhiêu, cũng mang nỗi lòng đong
đầy sự thương nhớ với xứ Huế bấy nhiêu khi mỗi câu văn đều phảng phất cái hồn của Huế,
phảng phất một tấm lòng yêu quê hương xứ sở nồng cháy.
Lật mở những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua “Ai đã đặt tên cho dòng
sông”, tâm hồn người đọc có lẽ vẫn còn vấn vương một dáng hình con sông Hương mềm mại,
dịu dàng, duyên dáng, lãng mạn vắt ngang qua cố đô Huế mộng mơ. Để rồi mỗi người hô,
nay, khi đọc lại những trang văn ấy, vẫn còn mang một lòng nhớ nhung, bồi hồi dành cho
mảnh đất xứ sở.

You might also like