Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

Tài liệu đọc

(Tài liệu lưu hành nội bộ và sử dụng cho hoạt động 4)

Trang 1
Một nghiên cứu khoa học cần đảm bảo những yêu cầu nào và thường có những đặc điểm
như thế nào?

Theo Vũ Cao Đàm (2018), một nghiên cứu khoa học cần đáp ứng các yêu cầu:
▪ Có đối tượng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là bản chất sự vật, hiện tượng
được đặt trong phạm vi quan tâm của chuyên ngành khoa học nhất định. Một sự
vật, hiện tượng cũng có thể là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học khác
nhau, nhưng mỗi khoa học nghiên cứu trên một khía cạnh khác nhau. Ví dụ: con
người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như: tâm lý học, y học,
xã hội học,…
▪ Có hệ thống lý thuyết. Hệ thống lý thuyết ở đây chính là hệ thống tri thức khoa
học bao gồm: khái niệm, phạm trù, quy luật,… Hệ thống lý thuyết của một khoa
học cụ thể thường gồm hai bộ phận: bộ phận chứa đựng những đặc điểm đặc thù
và bộ phận được chuyển giao từ các lĩnh vực khoa học khác.
▪ Có hệ thống phương pháp luận. Phương pháp luận nghiên cứu khoa học là hệ
thống lý thuyết về phương pháp nhận thức khoa học, bao gồm các lý thuyết về
cơ chế sáng tạo, những quan điểm tiếp cận đối tượng khoa học. Phương pháp
luận của một khoa học bao gồm hai bộ phận: phương pháp luận riêng và phương
pháp luận thâm nhập từ các khoa học khác.
▪ Có mục đích ứng dụng. Mỗi khoa học đều có những ứng dụng thực tiễn hay
phục vụ cho một mục đích cụ thể. Sự rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và
thực tế đang diễn ra nhanh chóng, với sự gần gũi giữa phòng thí nghiệm nghiên
cứu và các địa điểm ứng dụng, cũng như việc giảm thiểu thời gian từ quá trình
nghiên cứu đến việc áp dụng, điều này tạo ra sự tăng cường sự chú ý đối với
mục đích ứng dụng.
▪ Có lịch sử nghiên cứu: Lịch sử nghiên cứu của một khoa học cụ thể thường có
thể bắt nguồn từ một khoa học khác. Trong giai đoạn tiếp sau, với sự hoàn thiện
về lý thuyết và phương pháp luận, những khoa học độc lập ra đời, tách khỏi
khuôn khổ của khoa học trước đó.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người nghiên cứu chưa biết trước mục đích
ứng dụng và không phải mọi khoa học đều có lịch sử phát triển như nhau, do đó, không
nên vận dụng một cách máy móc yêu cầu này.

Một đề tài nghiên cứu khoa học nói chung cần bao gồm các đặc điểm như sau:

Trang 1
▪ Tính mới: Đây là thuộc tính quan trọng của lao động khoa học. Nghiên cứu khoa học
là quá trình thâm nhập vào thế giới những sự vật và hiện tượng mà con người chưa biết.
Vì vậy, quá trình nghiên cứu khoa học luôn là quá trình hướng tới sự phát hiện mới hoặc
sáng tạo mới, không chấp nhận sự lặp lại như cũ dù đó là trong thí nghiệm hay trong
cách lý giải và các kết luận. Theo nghĩa tuyệt đối, tính mới nghĩa là từ trước đến giờ
chưa có ai nghiên cứu. Theo nghĩa tương đối, tính mới là phát hiện ra khía cạnh mới,
làm sáng tỏ những khía cạnh người nghiên cứu trước chưa làm rõ, chưa đề cập. Tính
mới mang yếu tố chủ quan với người nghiên cứu (điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cách
tiếp cận mới,…). Tính mới của nghiên cứu khoa học không mang ý nghĩa tuyệt đối, bền
vững vĩnh viễn mà là tính mới so với trình độ nhận thức của quá khứ và hiện tại.
▪ Tính tin cậy: Một kết quả nghiên cứu đạt được nhờ một hoặc một số phương pháp
nghiên cứu nào đó dù có phù hợp với giả thuyết cũng cần phải được kiểm chứng nhiều
lần trong thực tiễn. Kết quả nghiên cứu được kiểm chứng càng nhiều lần thì độ tin cậy
càng cao. Để chứng tỏ độ tin cậy trong đề tài người nghiên cứu khi trình bày kết quả
nghiên cứu cần phải làm rõ những điều kiện, các nhân tố và phương tiện thực hiện.
▪ Tính khách quan: Cơ sở của tính khách quan trong nghiên cứu khoa học là sự trung
thực. Để đảm bảo tính khách quan, người nghiên cứu không được đưa ra những nhận
định vội vã theo cảm tính, những kết luận thiếu xác nhận bằng kiểm chứng mà luôn phải
kiểm tra lại những kết luận được cho là đã hoàn toàn được xác nhận bằng cách kiểm tra
chặt chẽ những yếu tố liên quan. Tính khách quan còn thể hiện ở sự không tác động vào
đối tượng nghiên cứu trong quá trình tìm hiểu và phân tích nó.
▪ Tính rủi ro: Nghiên cứu khoa học có thể thành công cũng có thể thất bại. Thất bại trong
nghiên cứu khoa học có thể do nhiều nguyên nhân như: thiếu thông tin cần thiết và đủ
tin cậy để xử lý những vấn đề đặt ra; phương tiện, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu thiếu
và chất lượng kém; năng lực xử lý thông tin của người nghiên cứu còn hạn chế; giả
thuyết khoa học đặt ra không đúng,… Trong nghiên cứu khoa học, thất bại cũng được
xem là một kết quả, phải được tổng kết lại, lưu trữ như một tài liệu khoa học nghiêm
túc để tránh cho người đi sau khỏi dẫm chân lên lối mòn, lãng phí nguồn lực nghiên
cứu.
▪ Tính kế thừa: Ngày nay, hầu như mọi công trình nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ
một lượng kiến thức cơ bản nhất định. Các kiến thức này được kế thừa từ các kết quả
nghiên cứu trước đó trong cùng lĩnh vực hoặc cũng có thể kế thừa từ các lĩnh vực khoa
học khác nhau rất xa.

Vũ Cao Đàm (2018). Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. NXB Khoa học và Kĩ
thuật.

Trang 2

You might also like