Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Dalat Variations

(Đọc Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Đà Nẵng, 2022)

1. Những thực hành viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên về Đà Lạt làm liên tưởng đến Goldberg
Variations của Bach, tác phẩm được mở đầu và kết thúc bằng một aria với phần chính là 30 biến
tấu chia thành 10 nhóm mà mỗi nhóm là kết hợp đoạn có giai điệu nhẹ nhàng, trang nhã với
những toccata hay canon với kĩ thuật điêu luyện và phức điệu nghiêm ngặt. Các biến tấu không
dựa trên giai điệu của aria mà là dải âm trầm của nó. Giống như tác phẩm của Bach, cho đến nay
Nguyên đã có 6 cuốn sách về Đà Lạt với sự luân chuyển về thể loại từ tùy bút (Với Đà Lạt, ai
cũng là lữ khách), biên khảo (mà anh gọi bằng cái tên du khảo, gồm Đà Lạt một thời hương xa,
Đà Lạt, bên dưới lớp sương mù và Đà Lạt những cuộc gặp gỡ), hư cấu (Ký ức của ký ức) và
cuốn sách mới nhất, Thành phố những lục địa bay, một sự pha trộn giữa những tư liệu khảo cứu
và những hư cấu về thành phố. Có những cuốn sách giống như những aria chừng mực kìm nén,
chứa đựng những chủ đề sẽ xuyên suốt những thực hành của Nguyên về Đà Lạt: Đà Lạt, những
cuộc gặp gỡ; Đà Lạt một thời hương xa. Có những cuốn lại là những cuộc tìm kiếm đầy phức tạp
và bảng lảng trong sương như chính Đà Lạt: Ký ức của ký ức. Điều đặc biệt là dù viết tùy bút
hay du khảo, dù hư cấu hay phi hư cấu, ngay cả khi đối diện với những đòi hỏi nghiêm ngặt của
thể văn khảo cứu, Nguyên vẫn luôn giữ được cái mà anh tự gọi là “nhạc tính hoài cảm tinh tế”,
thứ “không gian cảnh quan ngôn ngữ”, thứ văn phong đặc biệt, phần quan trọng làm nên điều mà
chính anh tự nhận là mặc khải mà thành phố đã hé lộ trong anh.

2. Tôi nghĩ, trong cuộc hành trình của Nguyên vào thế giới Đà Lạt, vẫn cứ phải quay lại một tác
phẩm khiêm nhường: Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Nếu như Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách là
cuộc khởi hành báo hiệu những mạch đề tài sẽ được khai triển trong những cuốn sách tiếp theo
thì phải đến Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, câu chuyện của anh về thành phố mới thực sự định
hình: một đô thị cao nguyên được ra đời từ dự phóng và ý chí của những thực dân phương Tây,
một vị toàn quyền đầy tham vọng chính trị và một nhà khoa học, một nhà thám hiểm kiểu thế kỷ
19, trải qua giấc mơ ngắn ngủi của một đế triều ở buổi hoàng hôn trong giai đoạn Hoàng triều
cương thổ và chuyển hóa thành một đô thị di dưỡng và văn hóa dưới các nền Cộng hòa của miền
Nam Việt Nam trước 1975. Nguyên kể câu chuyện về thành phố và điều quan trọng, anh xác
định được điều mình tìm kiếm: căn cốt, căn tính của đô thị. Có thể nói, Nguyên không chỉ là
người viết sử thành phố (dù ở phương diện đó, hoàn toàn có thể đặt anh cạnh những người viết
sử thành phố quan trọng nhất của Đà Lạt, như Eric T. Jennings) mà anh tìm kiếm phần hồn của
thành phố vẫn được lưu giữ trong những phế tích, những cảnh quan, những văn khố đây đó và cả
ký ức của những thị dân. Có hiểu điều đó, có đặt trong mạch nguồn của sự viết đó, ta mới có thể
hiểu được cái logic của Nguyên khi anh liên tục di động giữa những lối viết, từ phi hư cấu sang
hư cấu, từ tùy bút cá nhân sang khảo cứu, biên khảo về thành phố. Những thực hành thể loại đó
là những cách khác nhau để anh khai triển mặc khải của mình về Đà Lạt. Đó là một hành trình Đi
tìm một căn tính đã mất, hay đúng hơn, bị ẩn khuất, của một đô thị.

3. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của mình nên suốt toàn bộ thời thuộc Pháp cũng như giai đoạn
những chính thể Cộng hòa trước năm 1975, Đà Lạt là một thành phố chịu ảnh hưởng sâu sắc của
những giá trị văn hóa Công giáo. Có lẽ đó cũng là một trong những điều mà thành phố đã mặc
khải cho Nguyên khi anh hành trình ngược thời gian đi tìm kiếm căn tính của nó. Tin lành của
Phúc âm thấm vào ngôn từ của anh, cùng với những lớp ngôn từ được làm sống dậy từ những
tàng thư tạo nên một giọng điệu thuần khiết, khiêm nhượng nhưng giàu ánh sáng và xưa cũ, một
thứ xưa cũ rất riêng trong những cuốn sách của anh viết về Đà Lạt. Không những thế, đến Thành
phố những lục địa bay, cuộc gặp gỡ ấy thấm sâu hơn nữa vào trong thực hành viết của anh, chạm
đến tầng thể loại. Cuốn sách giống như một Thánh kinh về thành phố và cho thành phố. Tinh
thần Phúc âm thấm đẫm trong cách xây dựng những đối thoại giữa người kể chuyện, messiah của
một thế giới đã mất, và “họ” những con người vô nhân xưng của thành phố hiện tại. Giống như
Phúc âm, cuốn sách được tạo nên qua việc ghép những đoản văn mà mỗi phân đoạn giống như
một chương trong Kinh thánh: những câu chuyện đầy tính ngụ ngôn, những ẩn ngữ, những hình
tượng ẩn dụ và cả những đoạn thơ – văn xuôi đẹp như những Thánh vịnh. Nó được mở đầu bằng
sự sinh thành của một hồ nước nhân tạo, như Sáng thế, “khởi thủy là Lời” và được khai triển với
những phong cảnh – tâm cảnh, những tình huống và những tâm trạng rất đặc thù của con người
thành phố. Có thể nói, ngụ ngôn và hư cấu là cách hữu hiệu để kể lại những định mệnh, dựng lên
những chân dung về những con người đặc trưng của thành phố và tái hiện lại cái không khí đặc
thù như một thứ hương hoa đậm đặc vừa có thể chữa lành mà lại vừa có thể trở thành một thứ
tâm bệnh của Đà Lạt.

Từ một phía khác, giống như phong cảnh Đà Lạt ẩn hiện sau những dải sương mờ, Nguyên kiến
tạo văn bản của mình từ khoảng mờ giữa những trích đoạn trong văn khố, những cảnh quan đã
thành “dấu hiệu nhận diện” của Đà Lạt, những ảnh chụp được trục vớt lên từ đáy hồ của quá khứ
với những câu chuyện, có khi không phân biệt được là hư cấu hay phi hư cấu, và thường khi là
những huyễn tưởng. Những ý tưởng về một thực hành phá vỡ những ranh giới thể loại đã xuất
hiện trong Ký ức của ký ức nhưng lần này, Nguyên quyết liệt hơn trong sự sáng tạo của mình, để
tạo nên một thứ tuyệt đối khác, một cái gì không nằm trong những ranh giới truyền thống.

4. Thực hành thể loại đó của Nguyên, thói thường, sẽ có thể bị coi như một “thể nghiệm”. Nhưng
trong trường hợp của Nguyên, tôi không tin lắm khái niệm này. “Thể nghiệm” cho thấy một cái
gì còn chưa vững chắc, chưa ổn định, chưa định hình, một cuộc mạo hiểm của lối viết mà bản
thân người viết chưa chắc đã có đầy đủ xác tín về nó. Đối với Thành phố những lục địa bay, thực
hành đó là một xác tín, đã được ấp ủ từ những văn bản trước, và quan trọng hơn nữa, được tạo
nên từ một niềm tin vững chắc về một cái gì gần như là trách vụ: tạo nên một diễn ngôn về căn
tính của một thành phố từ những sử thực (historical fact). Thể loại, suy cho cùng là những công
cụ và những khuôn mẫu. khi chấp nhận nó, người ta sẽ bị chính nó định khuôn. Vậy mà “cuộc
sống ở mãi ngoài kia” của thể loại. Nó rộng lớn và mời gọi sự vượt qua thể loại. Cuộc kiếm tìm
căn tính thúc đẩy sự vượt qua thể loại hay đúng hơn, vượt lên thể loại. Cuối cùng thì thể loại
cũng không còn quan trọng nữa mà quan trọng là anh có điều gì cần phải nói ra, cần phải trình
hiện, cần phải kể lại, phải phô bày. Nhìn từ góc độ đó ta mới thấy thực hành thể loại trong cuốn
sách là một hành động có ý thức, cao hơn một “thể nghiệm”. Chỉ có cách viết đó mới mở ra cho
câu chuyện những giới hạn mới mà sự định biên thể loại không thể mang đến. Chỉ cách viết đó
mới có thể tái dựng được không khí của một thành phố với những cuộc tình mãi mãi dở dang,
những cái chết đẹp như “người chết trôi đẹp nhất trần gian”, những bí mật không bao giờ có lời
giải đáp, những tình huống không thể giải thích. Chỉ có nó mới có thể diễn tả được một thứ
spleen kì lạ như một định mệnh của thành phố, thứ spleen có thể ru con người ta vào cái chết
một cách nhẹ nhõm và đầy chất thơ, thứ spleen được tạo nên từ định mệnh của thành phố: tạo ra
một nơi chốn vừa để phục hồi sức khỏe và cũng để những kẻ chinh phục từ phương xa sống với
nỗi u hoài về quê hương xa xôi. Chỉ có lối viết ấy mới có thể tái dựng lại được những bóng ma
vẫn đi xuyên qua thành phố của những đan sĩ chọn Đà Lạt làm nơi chôn trái tim của mình,
những khúc kinh cầu vẫn vang trong tu viện hoang phế không người, những tiếng chuông của
một nhà thờ đã bị đổ sụp tự bao giờ vẫn vang lên trên thị tứ trong tâm tưởng những người bị kí
ức cầm tù. Chỉ có lối viết ấy mới khiến cho văn chương vượt lên được một thứ nostalgie trốn
lánh vào một giấc mơ tưởng tượng về quá khứ. Đà Lạt trong Thành phố những lục địa bay không
phải là một tưởng tượng về một thành phố đã mất, được tô vẽ từ sự khuyết thiếu của hiện tại.
Nguyên nhìn thấu cả định mệnh cay đắng của một thành phố hai lần nhân tạo. Đà Lạt không
được tạo nên từ việc nương theo cảnh quan để tạo nên một đô thành mà từ một ý chí tái tạo một
cảnh quan từ viễn xứ lên một nơi chốn xa lạ. Nó tạo nên một châu Âu giữa núi non cao nguyên
Trung phần châu Á. Chính vì thế nên nó bị kết án bị mắc kẹt và bị tan rã. Như trong cái nhìn
tưởng tượng của chính người đã khai mở nên thành phố. Nó là một “cơ thể tù đày” với một thứ
“ảo giác trùng khơi” bị tha hóa từ giấc mơ về một “thành phố trong rừng với hệ sinh thái thảo
mộc” thành một sự “mô phỏng và sao chép của các khối kiến trúc, các đồ án quy hoạch mang
theo ý chí và tham vọng” của những kẻ cầm quyền. Nó giống như “con thuyền mắc cạn”, “cô
đơn và không ngừng mục rã”. Những sức mạnh của huyễn tưởng giúp Nguyên nhìn thấy cái bị
kịch đầy uy nghi và tuyệt vọng của một vị hoàng đế bị lịch sử săn đuổi và Đà Lạt là nơi chốn
lóe lên những giấc mơ cuối cùng của Hoàng triều cương thổ. Và chính sức mạnh của những ẩn
dụ, như Kinh Thánh, đã giúp Nguyên nhìn thấy những sự thật nào đó của thành phố, về định
mệnh và những vấn đề của nó: luôn bị những ý chí quyền lực làm cho biến dạng; bị biến đổi bởi
du lịch, như một người nữ bán thân cố chiều theo những ham muốn của những viễn khách
tham lam vô độ; phải đối diện với cơn điên của sự phá hủy và sự tẩy xóa kí ức; những vết thương
lở loét của không gian, đất đai và cảnh quan với những lớp bụi đỏ phủ lên cảnh vật.

5. Trong Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, Nguyên thú nhận anh đã được thành phố mặc khải. Trong
tĩnh lặng và cô độc, trong cuộc kiếm tìm, anh đã thấy, một cách toàn cục, trọn vẹn, những gì mà
lí trí không thể giúp nhìn thấy. Một cái nhìn xuyên qua và vượt lên, nhìn thấy một “thành phố
không thấy” bênh cạnh một “thành phố đang thấy”. Có lẽ là vậy. Nhưng mặc khải không phải là
một món quà miễn phí. Như từng ghi trong sách Lucas của Kinh Thánh: “Hãy xin, sẽ được; Hãy
tìm, sẽ thấy; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con”. Mặc khải về thành phố là thứ mà ở cuối con
đường, kẻ đi tìm, kẻ xin cầu, kẻ mòn tay gõ cửa tìm thấy. Chỉ khi mang tiếng chuông trong tim
thì sẽ luôn nghe thấy tiếng chuông, dù cung thánh không còn nữa.

You might also like