Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 23

ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI

VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ


******

TIỂU LUẬN
HỌC PHẦN: LÝ THUYẾT TÀI CHÍNH TIỀN TỆ
TÁC ĐỘNG CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
ĐẾN NỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM

Sinh viên:
MSSV:
Lớp: Quản trị kinh doanh
Giảng viên hướng dẫn: Nguyễn Thị Bích Nguyệt

Hà Nội, tháng 1 năm 2024


MỤC LỤC

A. ĐẶT VẤN ĐỀ.....................................................................................................4

B. NỘI DUNG..........................................................................................................6

I. Giới thiệu chung...............................................................................................6

1. Khái niệm kinh tế tư nhân..............................................................................6

2. Thành phần kinh tế tư nhân............................................................................6

II. Thực trạng kinh tế tư nhân hiện nay............................................................7

1. Xu hướng phát triển kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển.............7

2. Thực trạng kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian qua..........................8

III. Tác động tích cực của khu vực kinh tế tư nhân.........................................8

1. Đối với các quốc gia đang phát triển nói chung.............................................8

2. Đối với Việt Nam nói riêng............................................................................9

IV. Một số hạn chế cơ bản của khu vực kinh tế tư nhân...............................11

V. Những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nền
kinh tế Việt Nam................................................................................................15

VI. Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới........................16

C. KẾT LUẬN.......................................................................................................19

D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................20

2
DANH MỤC BẢNG SỐ LIỆU

Hình 1. Tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tư nhân so với GDP cả nước.........................10
Hình 2. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân............11
Hình 3. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong một số sản phẩm..................................11
Hình 4. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân........................................................12

3
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thế giới có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau về đặc điểm tự
nhiên, dân cư, xã hội, trình độ phát triển kinh tế. Các nước trên thế giới được
xếp vào những nhóm khác nhau, với sự tương phản rõ rệt về trình độ phát
triển kinh tế - xã hội. Hiện các quốc gia được xếp vào ba nhóm nước: nhóm
nước phát triển, nhóm nước đang phát triển và nhóm nước kém phát triển.
Sự phát triển của một đất nước được đo đạc bằng các chỉ số thống kê như
tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người), tuổi thọ trung
bình, tỷ lệ người biết chữ, chỉ số phát triển con người (HDI),... ở mỗi quốc
gia. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF), năm
2018, trên thế giới có 158 quốc gia được xếp vào nhóm nước đang phát triển.
Nước đang phát triển là một quốc gia có bình quân mức sống còn khiêm
tốn, có nền công nghiệp chưa được phát triển hoàn toàn và có chỉ số phát
triển con người (HDI) cũng như GDP/người không cao. Các quốc gia đang
phát triển với nền kinh tế phát triển ổn định và thuận lợi trong một thời gian
dài nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, tỷ trong công nghiệp trong cơ
cấu nền kinh tế có sự gia tăng nhưng chưa cao, GDP/người ở mức trung bình
thấp, ví dụ như: Việt Nam, phần lớn Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh,
…), phần lớn Trung Á (Mông Cổ, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan), phần
lớn Trung Mỹ, một số nước Nam Mỹ (Colombia, Peru, Ecuador, Bolivia,…),
phần lớn Bắc Phi và một số ít quốc gia châu Âu từng tham gia Hiệp ước
Warsawa.
Nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển thường có những đặc điểm
chung như: phụ thuộc vào nông nghiệp, chế độ thương mại không cân bằng
(xuất khẩu nhiều hàng hóa nguyên liệu và nông sản trong khi nhập nhiều sản
phẩm công nghiệp và dịch vụ), phần lớn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên

4
thiên nhiên (dầu mỏ, khí tự nhiên, khoảng sản, ...), đặc biệt là nguồn vốn hạn
chế.
Việc thiếu nguồn vốn là một thách thức đối với nền kinh tế các quốc gia
đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Nền kinh tế của các quốc
gia đang phát triển có nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau, phải kể đến một
số nguồn chính như: vay nợ quốc tế, nguồn lực tự nhiên (đến từ các tài
nguyên thiên nhiên, khoáng sản), thu nhập từ người xuất khẩu lao động, thị
trường chứng khoán và tài chính, thuế (thuế từ doanh nghiệp, thuế thu nhập
cá nhân, VAT, ...), dòng vốn tư nhân, ...
Nhiều năm trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã trở thành
một trong những yếu tố quyết định quan trọng trong quá trình hình thành và
phát triển kinh tế quốc gia. Tuy chưa đạt tới vị thế của nền kinh tế phát triển,
nhưng Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực và cơ hội mới
để thúc đẩy sự tiến bộ. Trong bối cảnh này, khu vực kinh tế tư nhân trở
thành một “lực lượng động viên” quan trọng, mang theo cả cơ hội và thách
thức.
Liệu việc đón nhận khu vực kinh tế tư nhân có thể mang lại những lợi ích
kéo dài đối với quốc gia hay không? Làm thế nào để đảm bảo rằng những
nguồn lực này không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn đem lại
những lợi ích cho xã hội và môi trường? Những câu hỏi này đặt ra đòi hỏi sự
cần thiết của việc phải phân tích sâu rộng về tác động của khu vực kinh tế tư
nhân đến nền kinh tế ở Việt Nam.

5
B. NỘI DUNG
I. Giới thiệu chung
1. Khái niệm kinh tế tư nhân
- Kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư
bản tư nhân. Cả hai thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư
nhân về tư liệu sản xuất; tuy nhiên, quy mô sở hữu là khác nhau. [1]
- Đối tượng sở hữu kinh tế tư nhân đó là các cá thể hoặc một nhóm người
thuộc về tư nhân đứng lên. Khái niệm này được đưa ra nhằm phân biệt với
kinh tế nhà nước, do nhà nước làm chủ và thuộc quyền quản lý của nhà
nước.
- Nhắc tới kinh tế tư nhân, chúng ta có thể xét về 2 khía cạnh sau đây:
 Về lĩnh vực sản xuất kinh doanh: kinh tế tư nhân bao gồm các hộ gia
đình, các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các quá trình, hoạt động
sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, vận
tải, nông lâm thủy sản, thương mại, dịch vụ, kinh tế xây dựng, ...
 Về mô hình tổ chức: kinh tế tư nhân bao gồm các hộ kinh doanh cá thể
và các doanh nghiệp tư nhân được tổ chức dưới các loại hình tư nhân,
trách nhiệm hữu hạn (TNHH), cổ phần, hợp danh, ...
2. Thành phần kinh tế tư nhân
Thành phần kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư
bản cá nhân. [2]
- Kinh tế cá thể, tiểu chủ
 Kinh tế cá thể, tiểu chủ dựa trên hình thức tư hữu nhỏ về tư liệu sản
xuất.
 Sự khác nhau giữa kinh tế cá thể và kinh tế tiểu chủ ở chỗ: trong kinh
tế cá thể, nguồn thu nhập hoàn toàn dựa vào lao động và vốn của bản

6
thân và gia đình; còn trong kinh tế tiểu chủ, tuy nguồn thu nhập vẫn
chủ yếu dựa vào lao động và vốn của bản thân và gia đình, nhưng có
thuê lao động.
 Nó có khả năng sử dụng và phát huy có hiệu quả các tiềm năng về
vốn, sức lao động, các kinh nghiệm sản xuất, ngành nghề truyền
thống.
 Hạn chế của thành phần này là ở tính tự phát, manh mún và chậm ứng
dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
- Kinh tế tư bản tư nhân
 Kinh tế tư bản tư nhân dựa trên hình thức sở hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê.
 Kinh tế tư bản tư nhân rất năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường,
do đó sẽ có những đóng góp không nhỏ vào quá trình tăng trưởng kinh
tế của đất nước. Tuy nhiên, kinh tế tư bản tư nhân có tính tự phát rất
cao.
II. Thực trạng kinh tế tư nhân hiện nay
1. Xu hướng phát triển kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển
Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85%
GDP, là nền tảng và là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn
định, vững mạnh.
Đồng thời bằng chính sách điều tiết thu nhập các giai tầng trong xã hội,
khát vọng làm giàu của con người ở các quốc gia phát triển là nhân tố đóng
vai trò quan trọng nhất tạo tiềm lực tài chính để thực hiện nhiều chính sách
an sinh xã hội tiến bộ. Điển hình là quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thuỵ
Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan… [3]

7
2. Thực trạng kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian qua
Kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ. Tính trung bình trong giai
đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp (DN)
được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có hơn 130 nghìn
DN được thành lập mới. Tương ứng với đó, số vốn đăng ký hằng năm đạt
trên 500 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm số vốn đăng ký mới
đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. [4]
Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số DN
khu vực tư nhân có quy mô lớn [5], đang từng bước kinh doanh đa ngành và
trở thành những DN lớn, quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số
DN khu vực tư nhân [6] là những DN đầu tư ra nước ngoài và có những
thành công, tạo dựng được thương hiệu. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn
mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của
khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức,
văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng...
III. Tác động tích cực của khu vực kinh tế tư nhân
1. Đối với các quốc gia đang phát triển nói chung
Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và có
nhiều ý nghĩa tích cực. Dưới đây là một số ý nghĩa quan trọng của lĩnh vực
này trong quá trình phát triển kinh tế:
a) Tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm
 Doanh nghiệp mới và mở rộng: Kinh tế tư nhân giúp tạo ra
doanh nghiệp mới và mở rộng các doanh nghiệp đã có. Điều
này không chỉ tăng sức cạnh tranh mà còn tạo ra cơ hội kinh
doanh mới.

8
 Tăng cơ hội việc làm: Doanh nghiệp tư nhân thường là nguồn
tạo việc làm quan trọng, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và cung cấp
thu nhập cho người lao động.
b) Chuyển giao công nghệ và kiến thức:
 Đầu tư vào nền tảng kỹ thuật: Dòng vốn tư nhân thường được
đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ và sáng tạo, giúp
chuyển giao công nghệ và kiến thức mới từ các thị trường phát
triển đến các quốc gia đang phát triển.
 Nâng cao năng lực sản xuất: Việc áp dụng công nghệ mới và
hiện đại giúp cải thiện năng suất cũng như chất lượng sản phẩm
và dịch vụ.
c) Kích thích tăng trưởng kinh tế
 Tăng cường quy mô kinh tế: Kinh tế tư nhân thường làm tăng
quy mô kinh tế và đóng góp vào sự phát triển toàn diện của
quốc gia.
 Tăng trưởng GDP: Các doanh nghiệp tư nhân, khi phát triển,
thường có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tăng trưởng GDP.
d) Thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo:
 Khuyến khích sự đổi mới: Kinh tế tư nhân thường đầu tư vào
các doanh nghiệp sáng tạo, khuyến khích sự đổi mới và phát
triển các ý tưởng mới trong kinh doanh.
 Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạo hiểm: Doanh nghiệp tư
nhân thường có xu hướng mạo hiểm và thử nghiệm các mô hình
kinh doanh mới, tạo ra một môi trường cho sự đổi mới.
2. Đối với Việt Nam nói riêng
Trên thực tế, kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế:

9
 Một là, giai đoạn 2010 - 2021, đóng góp của khu vực kinh tế ngoài
nhà nước (bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể) luôn chiếm tỷ
trọng trên 50% GDP cả nước (50,55% năm 2019; 50,56% năm
2020; 50,04% năm 2021 [7], trong đó bao gồm cả khu vực kinh tế
hợp tác) và là khu vực có tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực (nhà
nước, tư nhân và FDI).

Hình 1. Tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tư nhân so với GDP cả nước

 Hai là, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (thuộc khu vực công,
thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, không kể phần thuế thu
nhập cá nhân) có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày
càng tăng trong giai đoạn 2010 - 2021, từ 11,7% năm 2011 lên
18,48% năm 2021 [8]. Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng
đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân đã
vượt khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực DN FDI.

10
Hình 2. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân

 Ba là, kinh tế tư nhân từng bước tham gia liên kết, mạng sản xuất,
chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu thông qua liên kết dọc với khu vực
FDI. Đến năm 2021, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản
xuất một số sản phẩm: chiếm 91,27% sản lượng muối biển; 88,45%
sản lượng đường kính; 48,69% phân NPK; 44,64% xi-măng;
39,21% sắt, thép dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác; 49,91% thép
cán hình. [9]

Hình 3. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong một số sản phẩm

11
 Bốn là, đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, tỷ trọng của
kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn vượt kinh tế
nhà nước và kinh tế FDI. Trong giai đoạn 2010 - 2021, tỷ trọng đầu
tư của khu vực tư nhân đã tăng từ 44,6% năm 2010 lên mức 59,5%
năm 2021 [10].

Hình 4. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân

Nhờ đó, tuy đầu tư công được điều chỉnh giảm, nhưng tổng đầu tư
kết cấu hạ tầng vẫn tăng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2022, một
loạt công trình hạ tầng lớn do khu vực kinh tế tư nhân đảm nhận, đã
được khởi công, hoàn thành và đưa vào vận hành. [11]
 Năm là, DN khu vực tư nhân có chỉ số quay vòng vốn tương đối ổn
định, dao động trong khoảng 0,7 đến 0,78 lần trong giai đoạn 2010 -
2017, thấp hơn so với khu vực DN FDI (0,84 đến 1,08 lần), nhưng
cao hơn nhiều so với khu vực DNNN (0,36 đến 0,59 lần).
 Sáu là, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế
nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công được
tiết giảm. Trong giai đoạn 2010 - 2021, tỷ lệ đầu tư công trong tổng
đầu tư năm cao nhất là 36,1% (năm 2012), năm thấp nhất là 24,1%
(năm 2019). Tuy nhiên, sự tăng cao của đầu tư tư nhân và tăng
cường đầu tư nước ngoài đã góp phần ổn định kinh tế.

12
 Bảy là, khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh
tế, mà cả về xã hội - đó là giải quyết lao động, việc làm. Giai đoạn
2010 - 2021, tuy tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên của khu vực tư
nhân đã giảm dần từ 86,3% năm 2010 xuống còn 82,6% năm 2021,
nhưng khu vực này vẫn giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động
của nền kinh tế. Tốc độ tăng số lao động trung bình trong khu vực
kinh tế tư nhân giai đoạn 2011 - 2018 đạt trên 3,6%, riêng khu vực
DN của tư nhân đạt gần 5,4%.
IV. Một số hạn chế cơ bản của khu vực kinh tế tư nhân
Thứ nhất, phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản:
 Nhận thức của hệ thống chính trị đối với kinh tế tư nhân mặc dù có
sự thay đổi, song vẫn còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhất là một
bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, thậm chí là người dân đối
với khu vực kinh tế tư nhân. Thiếu sự thống nhất và vẫn còn nhận
thức chưa đúng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
 Khung pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chồng
chéo và thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động
kinh doanh của các chủ thể kinh tế, đặc biệt là chủ thể thuộc khu
vực tư nhân. Chính sách cạnh tranh chưa hiệu quả, còn có sự không
bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần kinh tế, sự
khác biệt trong quá trình thực thi chính sách. Chính sách bảo vệ sản
xuất trong nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa phù
hợp và còn nhiều hạn chế.
 Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong triển khai các
quy định, chính sách với hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa có nhiều cơ
chế, chính sách khuyến khích các DN khu vực tư nhân đổi mới sáng

13
tạo, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cải cách
hành chính chưa đạt mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm chi phí,
giảm giấy tờ). Thủ tục còn rườm rà, trùng lắp, chồng chéo ở nhiều
khâu. Hoạt động hỗ trợ còn dàn trải, đôi khi không đúng mục đích,
đối tượng, hiệu quả thấp. Chi phí “tuân thủ” và chi phí kinh doanh ở
hầu hết các giai đoạn của Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có chi phí
kinh doanh cao.
Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức:
 Số lượng cơ sở kinh tế của khu vực tư nhân tăng nhanh, đặc biệt là
số lượng các DN thành lập mới, tuy nhiên tỷ trọng DN phải ngừng
hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản vẫn rất cao. Chất lượng,
hiệu quả hoạt động của các DN thuộc khu vực này chậm được cải
thiện, phần lớn vẫn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
 Các chủ thể kinh doanh của khu vực này phần lớn thuộc nhóm quy
mô nhỏ và vừa, trong đó tỷ lệ thuộc nhóm siêu nhỏ khá cao. Nếu
phân theo quy mô về số lao động, năm 2017 có tới 74% (tỷ lệ này
năm 2010 là 63%). Chỉ có chưa tới 1% số DN khu vực tư nhân có
quy mô từ 200 lao động trở lên, trong khi đó, tỷ lệ DN có quy mô
dưới 10 lao động ở khu vực DN FDI khoảng 30% và khu vực
DNNN chỉ khoảng 7,7 - 13,4%.
 Khu vực DN tư nhân có tỷ lệ số DN thua lỗ cao, tương đương với tỷ
lệ của khu vực DN FDI giai đoạn 2010 - 2017 (trừ 2 năm 2010 và
2012). Tỷ lệ số DN kinh doanh thua lỗ của khu vực tư nhân tăng
trong giai đoạn 2013 - 2017 ở mức 48 - 49% trong 2 năm 2016 và
2017 và là khu vực có tỷ lệ cao nhất.
 Năng suất lao động xã hội của khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn
mức bình quân của nền kinh tế. [12]

14
Thứ ba, đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế chưa tương
xứng với tiềm năng. Tỷ trọng trong GDP cơ bản không thay đổi suốt giai
đoạn 2010 - 2021. Quy mô bình quân các đơn vị kinh tế tư nhân trong nước
còn nhỏ với thành phần chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các
DN khu vực tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9% GDP; khả năng tham gia
mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của phần lớn các DN của tư
nhân còn hạn chế. Các DN khu vực tư nhân trong nước tham gia rất ít vào
chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ khoảng 21% số DN. Kinh tế trong nước (bao gồm
cả tư nhân trong nước và các DNNN) chỉ đóng góp 30% xuất khẩu, so với
70% của khu vực FDI.
Thứ tư, thu nhập bình quân lao động khu vực DN tư nhân mặc dù có xu
hướng tăng liên tục qua các năm, song vẫn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực,
từ 3,4 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010 - 2021, bằng
khoảng 49 - 82,15% so với lao động trong khu vực DNNN và 73 - 90,1% so
với lao động trong DN thuộc khu vực FDI. [13]
Thứ năm, năng lực của kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế:
 Các chủ thể của kinh tế tư nhân thiếu năng lực cho đổi mới sáng
tạo, phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất mới. Theo đánh giá
của Ngân hàng Thế giới, chi phí cho nghiên cứu và phát triển của
các DN Việt Nam chưa có nhiều cải thiện. Nếu năm 2008, điểm số
của chỉ số này là 3,6/10 (xếp hạng 42/134), tăng lên mức 3,8/10
năm 2010 (xếp hạng 27/133) thì đến năm 2017 điểm số chỉ ở mức
3,5/10 (xếp hạng 49/138).
 Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả
của khu vực tư nhân, thậm chí là các DN - những chủ thể có năng
lực nhất của kinh tế tư nhân - còn rất hạn chế. Tốc độ tăng năng suất
lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng

15
suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao
động của DN FDI. Năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế, đầu
tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh
thu, thấp hơn nhiều so với các nước, như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc
(10%)... Các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên
kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực
và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một
phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với
đối tác nước ngoài. [14]
Sáu là, đầu tư tư nhân vẫn còn nhiều bất cập, có những biểu hiện của hiện
tượng đầu tư nước ngoài và đầu tư công lấn át đầu tư tư nhân trong nước.
Trong nhiều ngành, như điện tử, ô-tô, xe máy,... sự tham gia rộng khắp của
các DN FDI không là nhân tố trợ giúp và xúc tác sự phát triển của các DN
khu vực tư nhân trong nước, mà ngược lại, các DN FDI cạnh tranh và lấn át
các DN khu vực tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, do thời gian phát triển
DN khu vực tư nhân trong nước so với DN FDI và DNNN có bề dày lịch sử,
kinh nghiệm và hoạt động ngắn hơn nên còn bị ảnh hưởng bởi các tác động
ngoại cảnh (khủng hoảng, suy thoái) cũng như các hiệu ứng thái quá của
kinh tế thị trường (đầu cơ, chạy theo lợi nhuận, lợi ích nhóm,...).
V. Những cơ hội và thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân
trong nền kinh tế Việt Nam
Bối cảnh trong nước, quốc tế đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức [15]
đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân:
Một là, thế giới đang đứng trước tình trạng suy thoái, lạm phát và tỷ giá
tăng hầu hết các đồng tiền so với USD. Lạm phát của một số nền kinh tế lớn
đang có xu hướng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến các vấn đề kinh tế thế
giới. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu

16
đứng trước nguy cơ suy giảm. Thế giới đang đối mặt với một cuộc suy thoái
mới.
Hai là, thế giới đang hội nhập và chia tách đan xen: một mặt, các Hiệp
định thương mại tự do (Free Trade Area - FTA) thế hệ mới, kết nối khu vực
được đẩy mạnh; mặt khác, xu thế chia tách cũng đang xuất hiện, điển hình
nhất là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), xung đột Nga -
Ukraine. Nga bị cấm vận và thế giới bị chia tách, các nước châu Âu gặp khó
khăn về năng lượng và nhiều hệ lụy khác.
Ba là, dòng vốn đang dịch chuyển khỏi một số quốc gia truyền thống và
vận hành đến một số quốc gia mới nổi. Các quốc gia điều chỉnh mục tiêu
chiến lược để ứng phó với các rủi ro địa - chính trị. Điều này, một mặt, tác
động đến phát triển kinh tế của các quốc gia vốn dịch chuyển đi; mặt khác,
tạo ra một cuộc cạnh tranh thu hút luồng vốn. Hệ quả là, các quốc gia đều
phải điều chỉnh phát triển kinh tế.
Bốn là, thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với
nhiều cơ hội và thách thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều
cơ hội, như không gian kinh tế mới, công nghệ mới, sản phẩm mới; thế giới
sẽ được mở rộng hơn đi liền với liên kết mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra các thách thức, như nguy cơ tiềm
tàng về dịch chuyển vốn, về cạnh tranh giữa thế giới thực và thế giới ảo. Đặc
biệt, cùng với việc điều chỉnh mục tiêu và chiến lược kinh doanh, một loạt
doanh nghiệp công nghệ đang sa thải hàng nghìn lao động.
Năm là, xuất hiện các nguy cơ an ninh phi truyền thống và biến đổi khí
hậu mạnh mẽ. Các mối nguy cơ an ninh phi truyền thống, như đại dịch
COVID-19 chưa có tiền lệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất
và chuỗi cung ứng do việc tiến hành giãn cách. Bên cạnh đó, biến đổi khí
hậu diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với dự báo cũng đem lại những tác

17
động không nhỏ về nước biển dâng, ngập mặn, hạn hán, lũ lụt, sóng thần...
đối với các quốc gia.
VI. Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới
Thực tế phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian qua có thể rút ra một số
giải pháp [15] như sau:
Một là, đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân... Thống
nhất nhận thức, tư tưởng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cần
hướng đến vị trí động lực quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế quốc dân.
Cần nhận thức thống nhất trong hệ thống chính trị - xã hội về vai trò động
lực của kinh tế tư nhân, từ đó, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân,
phát huy thế mạnh và tiềm năng của kinh tế tư nhân.
Hai là, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển
kinh tế tư nhân nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa
các thành phần kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến
phát triển kinh tế tư nhân; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra. Xây dựng bộ máy nhà nước
tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính,
có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Tăng
cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu
cực.
Ba là, cần cải cách thủ tục hành chính đạt mục tiêu 3 giảm (giảm thời
gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ). Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân bằng cách
triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm chi phí đối với
hoạt động sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để kinh
tế tư nhân tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm các
cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp
với cơ chế thị trường; không vi phạm các cam kết quốc tế, không vi phạm

18
các nguyên tắc thị trường; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư
nhân. Bổ sung, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách
liên quan đến hỗ trợ kinh tế tư nhân, đặc biệt là các quy định về hỗ trợ DN
nhỏ và vừa.
Bốn là, phát huy vai trò của DN khu vực tư nhân, tôn vinh những DN khu
vực tư nhân với mô hình đổi mới, sáng tạo, sản phẩm có khả năng cạnh tranh
trên thị trường trong nước và quốc tế. Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân
gắn liền với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đã tạo dư địa, không gian và cơ
hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nâng cao năng lực. Kinh
tế Việt Nam được thế giới biết đến cùng với một số tập đoàn tư nhân.
Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân tại địa phương. Các đơn vị
kinh tế tư nhân phải thực sự nỗ lực vận động, cập nhật và nắm vững các quy
định hiện hành của Nhà nước để tuân thủ và hoạt động đúng pháp luật trong
quá trình sản xuất, kinh doanh; chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết để nâng
cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao trách
nhiệm của các sở, ngành trong việc tổ chức thực hiện và cụ thể hóa các chủ
trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường kỷ luật đảng, kỷ
cương của Nhà nước trong triển khai thực hiện đường lối, pháp luật, chính
sách đối với kinh tế tư nhân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong khu
vực kinh tế tư nhân, nhất là các DN. Cần chủ động và kịp thời tôn vinh, khen
thưởng các DN, đơn vị kinh tế tư nhân tiêu biểu, hoạt động sản xuất, kinh
doanh đạt hiệu quả cao, chấp hành tốt quy định của pháp luật và có nhiều
đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội...
Sáu là, đối với đầu tư nói chung và đầu tư tư nhân nói riêng, cần quán triệt
chủ trương nguồn lực bên ngoài là quan trọng, nguồn lực trong nước là quyết
định. Thực sự coi nguồn lực từ khu vực tư nhân là một động lực cho phát
triển; đồng thời, cần xác định rõ công tác cải cách hành chính, cải thiện môi

19
trường kinh doanh là nền tảng quan trọng để khuyến khích sự phát triển, đầu
tư của khu vực kinh tế tư nhân. Việc thu hút FDI cần gắn liền với việc thu
hút các DN sản xuất, phân phối đầu đàn để thu hút, hấp thụ khu vực tư nhân
trong nước. Phát huy vai trò định hướng của đầu tư nhà nước để thu hút
nguồn vốn đầu tư của xã hội, trong đó có tư nhân trong nước. Coi nguồn đầu
tư nhà nước là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư của
khu vực tư nhân vào nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hệ thống
giao thông.

20
C. KẾT LUẬN
Kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước,
góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát
triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo
đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu
hướng giảm trong những năm gần đây, vì vậy, cần thiết có những chính sách
đột phá, nhất là các chính sách về vốn, đầu tư, thuế và hỗ trợ khoa học công
nghệ để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam
trong thời gian tới.

21
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Thị Hồng Điệp and Nguyễn Hồng Sơn, "Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt
Nam: Quan điểm của Đảng và một số vấn đề đặt ra," [Online]. Available:
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?
dDocName=MOFUCM103441.
[2] Diệu Nhi, "Kinh tế tư nhân (Individual Economy) là gì? Các thành phần," 25
October 2019. [Online]. Available: https://vietnambiz.vn/kinh-te-tu-nhan-individual-
economy-la-gi-cac-thanh-phan-20191025152249069.htm.
[3] Nguyễn Huy Viện, "Chỉ khi kinh tế tư nhân phát triển mới có dân giàu, nước mạnh,"
22 May 2019. [Online]. Available: https://vietnamnet.vn/chi-khi-kinh-te-tu-nhan-
phat-trien-moi-co-dan-giau-nuoc-manh-533536.html.
[4] Tổng cục Thống kê, "Kết quả sơ bộ," in Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Hà Nội,
Nxb. Thống kê, 2022, p. 72.
[5] Vinamilk, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn
Trường Hải, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
[6] Tập đoàn Golf Long Thành, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Trường Hải,
Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Việt Phương, Công ty Khoáng sản CAVICO, Công ty
Khoáng sản Sakai.
[7] Tổng cục Thống kê, in Niêm giám thống kê 2021, Hà Nội, NXB Thống kê, 2022, p.
194.
[8] Tổng cục Thống kê, in Niên giám thống kê 2021, Hà Nội, NXB Thống kê, 2022, p.
206.
[9] Tổng cục Thống kê, in Niên giám thống kê 2021, Hà Nội, NXB Thống kê, 2022, p.
258.
[10] Tổng cục Thống kê, in Niên giám thống kê 2021, Hà Nội, NXB Thống kê, 2022, p.
263.
[11] Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc
tế Vân Đồn, sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa, đường Vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy -
Ngã Tư Sở, hầm Đèo Cả....

22
[12] Năm 2017 chỉ đạt 46,5 triệu đồng/người, trong khi kinh tế nhà nước đạt 311 triệu
đồng/người và kinh tế FDI đạt 233 triệu đồng/người.
[13] Anh Thư, "Báo Lao động điện tử," 23 January 2022. [Online]. Available:
https://laodong.vn/cong-doan/tien-luong-binh-quan-cua-nguoi-lao-dong-trong-nam-
qua-997894.ldo.
[14] Minh Hương, "Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính," 9 December 2021. [Online].
Available: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-
chinh?dDocName=MOFUCM217082.
[15] Nguyễn Văn Thành and Trần Kim Chung, "Tạp chí Cộng sản," 18 April 2023.
[Online]. Available:
https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/
content/mot-so-van-de-ly-luan-thuc-tien-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam.

23

You might also like