Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

“Totto-chan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của nữ văn sĩ Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko, kể về tuổi

thơ của bà cùng các bạn khi được học ở ngôi trường Tiểu học Tomoe. Tháng ngày ở nơi đây cùng với
thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku có lẽ là quãng thời gian tươi đẹp nhất, không thể quên trong cuộc
đời của những cô cậu học trò nhỏ. Mà hơn hết, chính Tomoe đã tạo ra bước ngoặc lớn trong cuộc đời
của nhà văn, như lời tâm sự của bà “nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người
mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người gán cho”. Mỗi mẩu chuyện nhỏ trong
“Totto-chan bên cửa sổ” mang một thông điệp riêng về phương pháp giáo dục trẻ, đó có thể là những
bài học đến từ thầy Kobayashi, đôi dòng tâm sự của mẹ Totto-chan, hay chỉ là những mẩu đối thoại
ngắn giữa hai mẹ con nhưng trong đó mang cả những bài học nhân văn cao đẹp.
“Totto-chan bên cửa sổ” không đi sâu trình bày những phương pháp giáo dục trẻ em như một
cuốn cẩm nang thông thường, tác phẩm là một tự truyện của chính tác giả và thông qua câu chuyện về
cuộc sống của Totto-chan đã giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan về những phương pháp giáo dục
trẻ em của một trong những người tiên phong cho công cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản – thầy
Kobayashi Sosaku.
Bài học về niềm tin
Trong tác phẩm “Totto-chan bên cửa sổ” tác giả đã thể hiện niềm tin của người mẹ dành cho
Totto-chan ngay từ đầu câu chuyện. Trước khi chuyển đến Tomoe, Totto-chan đã bị đuổi học, cũng tại
trường cũ em bị xem là học sinh cá biệt. Mẹ luôn tin rằng Totto-chan là một em bé ngoan, chỉ là ngôi
trường cũ chưa hiểu những đứa trẻ năng động như em. Do vậy mẹ quyết định tìm một ngôi trường
khác, một ngôi trường hiểu được tính cách của em và dạy cho em cách hòa hợp cùng mọi người. Quyết
định của mẹ em quả thật sáng suốt, để rồi sau này khi đã trưởng thành nhìn lại tuổi thơ của mình,
Tetsuko viết: “Nếu như ngay từ hồi ấy mà mẹ bảo tôi: “Làm thế nào bây giờ? Con bị đuổi học rồi! Ở
trường mới, nếu con lại bị đuổi học tiếp thì không còn chỗ nào mà học đâu!!”, thì chắc hẳn tôi đã bước
qua cổng trường Tomoe vào ngày đầu tiên với tâm trạng vô cùng sợ sệt và khốn khổ. Tôi không thể vui
sướng đến như thế khi trông thấy cổng trường có cả rễ cây và những lớp học xe điện. Tôi thật hạnh
phúc vì được một người như mẹ tôi nuôi dạy.” Niềm tin đối với trẻ đôi khi có thể đến từ sự tin tưởng
từ lời nói dối vô hại. Điều này có vẻ vô lý vì đối với người lớn trẻ con nói dối là không tốt, tuy nhiên
không vì thế ta cứ quy chụp cho bất kỳ hành vi nói dối nào của trẻ cũng là xấu, là hư. Trẻ em cũng
giống người lớn đôi khi có những lời nói dối vô hại, thậm chí còn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho
người khác. Chính vì thế, khi đứng trước tình huống nghi ngờ trẻ nói dối, phụ huynh nên sử dụng
phương pháp “bánh kẹp”, tức: đồng tình với ý kiến của trẻ, sau đó đưa ra những lý lẽ phản bác có sức
thuyết phục cuối cùng chốt lại những điểm hợp lý trong câu chuyện của trẻ. Điều đó giúp phụ huynh
kéo dài thêm thời gian trò chuyện cùng trẻ, trong quá trình đó có thể quan sát những biểu hiện giúp
phát hiện và sửa chữa kịp thời hành vi nói dối của trẻ, đồng thời thông qua câu chuyện giúp người lớn
tìm hiểu điều muốn biết. Với cách làm này, trẻ cảm thấy được thấu hiểu, thông cảm, còn phụ huynh có
thể nắm bắt được tính cách, hiểu thêm con mình. Nếu phụ huynh gạt lời giải thích của em, khẳng định
em nói dối và cố gắng truy đến cùng, em càng chống chế, càng nói dối vậy dần dần hình thành cho em
thói quen xấu.
Bài học về sự tôn trọng
Người Nhật được cả thế giới biết đến với những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, từ điệu bộ cúi
chào cung kính đến văn minh xếp hàng,… cách thức giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày của họ được
nâng lên thành ‘nghệ thuật giao tiếp’. Điều này không thể được hình thành trong một sớm một chiều
mà đó là cả một quá trình rèn luyện ngay từ tấm bé. Cốt lõi trong nghệ thuật giao tiếp của Nhật Bản
chính là sự tôn trọng. Muốn người khác tôn trọng mình trước hết chính bản thân phải tôn trọng đối
phương. Ở Nhật, ta không lấy gì làm lạ khi bắt gặp hình ảnh giáo viên sẵn sàng cúi người đón chào học
sinh ở cổng trường mẫu giáo, người nhân viên bán hàng niềm nở mỉm cười cúi thấp người chào khách
hàng,… Qua “Totto-chan bên cửa sổ” ta thấy rõ việc người Nhật dạy trẻ em sự tôn trọng ngay từ khi
còn bé, qua cách ứng xử của người lớn giúp trẻ học hỏi. Trẻ em đặc biệt quý mến những người gần gũi,
thân thiện và thầy hiệu trưởng Kobayashi là một người như thế. Khi mẹ dẫn em đến trường xin nhập
học, trông thấy em thầy đã đứng dậy, mỉm cười cúi chào một em bé 6 tuổi, sau đó kéo ghế ngồi xuống
đối diện rất gần chăm chú nghe em kể chuyện trong suốt 4 giờ đồng hồ liên tiếp mà không tỏ bất cứ
thái độ chán nản, mệt mỏi nào. Thầy lắng nghe Totto-chan kể bất cứ câu chuyện nào mà em muốn nói,
những câu chuyện nhỏ nhặt, lộn xộn trong cuộc sống hằng ngày của một đứa trẻ. Tuy nhiên, không
phải cứ ngồi im chăm chú lắng nghe trẻ sẽ mang lại hiệu quả, điều đó chẳng khác gì trẻ đang nói với
một pho tượng. Lắng nghe là một trong những hình thức giao tiếp, cũng cần phải có sự tương tác giữa
người nói và người nghe. Thầy Kobayashi thường xuyên dùng những cụm từ như “Còn gì nữa?”, “Hết
rồi à?” để gợi mở câu chuyện cho Totto-chan. Khi được người lớn gật gù đồng tình, hưởng ứng, trẻ sẽ
dễ dàng truyền đạt nội dung câu chuyện cần nói hơn. Còn nếu người lớn cứ lặng thinh khi nghe trẻ nói,
chẳng tỏ thái độ gì, trẻ hụt hẫng, thất vọng vì không được xem trọng, câu chuyện dễ trở nên bế tắc,
không diễn đạt được ý muốn nói nữa. Ngoài ra, khi lắng nghe trẻ, người lớn cũng cần hòa mình vào câu
chuyện, một cách đơn giản nhất đấy chính là nhắc lại lời của trẻ. Dù chính là lời trẻ nói ra nhưng khi
được người nghe nhắc lại, sẽ tạo cho trẻ cảm giác đang được lắng nghe, thấu hiểu. Trẻ thường xuyên
nói nhiều, kể chuyện về những vấn đề trẻ đang gặp phải, đấy chính là lúc trẻ tin tưởng, muốn được chia
sẻ cùng người lớn. Do vậy, đừng vội nói những câu giáo huấn, khuyên răn mà nên sống cùng trạng thái
cảm xúc của trẻ, để hiểu trẻ nghĩ gì rồi từ đó mới dẫn dắt những lời răn dạy. Cho trẻ cảm giác được tôn
trọng cảm xúc bản thân, khi ở trạng thái thoải mái thì những bài học đạo đức của người lớn dễ dàng
được trẻ tiếp thu.
Bài học về sự khích lệ, động viên
Nhà giáo dục học Haim Ginott khẳng định: Cha mẹ và thầy cô nói với trẻ như thế nào, trẻ sẽ cảm
nhận về bản thân như thế ấy. Lời nói của họ ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cách trẻ tự đánh giá bản
thân. Hay, cách nói của cha mẹ và thầy cô giữ vai trò quyết định đối với số phận trẻ.
Ở Tomoe cũng có một vài bạn khuyết tật theo học, các bạn nhỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt
từ thầy cô giáo trong trường. Để giúp các em vượt lên mặc cảm ban đầu là cả một quá trình lâu dài.
Thầy Kobayashi đã nghĩ ra nhiều trò chơi tập thể phù hợp với học sinh khuyết tật để thu hút các em
tham gia, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các bạn nhỏ với nhau. Điều khiến nhiều người không ngờ tới,
quán quân trong tất cả các kỳ Đại hội thể thao của trường tiểu học Tomoe chính là Takahashi-kun cậu
bé với đôi chân vòng kiềng, rất ngắn. Cũng có đôi lần Takahashi-kun muốn bỏ cuộc, những lúc như
vậy thầy Kobayashi lại đến bên động viên: “Không sao đâu! Em sẽ làm được! Nhất định sẽ làm được!”
điều đó đã giúp cậu bé tự tin hơn, lần lượt giành chiến thắng trong tất cả các trò chơi ở trường. Không
những vậy, lời động viên của thầy đã giúp Takahashi-kun vững bước hơn trên những chặng đường sau
này. Còn đối với cô bé Totto-chan hiếu động “quả thật, không thể đo đếm được câu nói mà thầy luôn
nói với tôi “Em thật là một cô bé ngoan” đã nâng đỡ tôi thế nào để tôi có được ngày hôm nay. Nếu
không học ở Tomoe, không gặp được thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự
ti với cái mác “đứa bé hư” mà mọi người đã gán cho”. Đôi khi một lời nói cũng có thể thay đổi suy
nghĩ, hành động thậm chí cả cuộc đời một đứa trẻ. Vậy nên người lớn cũng đừng nên tiếc lời khen
ngợi, động viên để tiếp thêm động lực, niềm tin cho trẻ vững bước.
Gia đình – Tài sản vô giá của Totto-chan và bài học về tình yêu thương
Trong “Totto-chan bên cửa sổ”, chúng ta có một Totto-chan dũng cảm, can đảm và tài năng, thực
sự phải cảm ơn người mẹ luôn thấu hiểu, giữ lời hứa và tạo mọi khả năng để con mình phát triển. Phải
nói rằng Totto-chan rất may mắn khi được nuôi dạy trong gia đình có tư tưởng tiến bộ. Thay vì thất
vọng vì con gái bị đuổi học hết lần này đến lần khác, mẹ của Totto-chan vẫn luôn có niềm tin đối với
em. Mẹ lặng lẽ chuyển trường cho con mà không nói cho cô bé biết vì sợ con gái mình sẽ tự ti.
Và không thể không kể đến chú chó Rocky đã gắn liền với tuổi thơ của Totto-chan. Con vật mà
em coi là bạn tri kỷ, mọi thứ đều chia sẻ với Rocky. Đó là sự sẻ chia, tình yêu thương, sự trân trọng
những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khoảnh khắc chú chó cưng biến mất, đau lòng vì tình yêu của
Totto-chan dành cho con vật nhỏ bé cũng là lúc Totto-chan học được bài học sâu sắc về sự mất mát,
chia lìa. Những mẩu chuyện ngắn về con gà hay con mèo em bắt gặp trên đường đi học về đã lan tỏa
đến độc giả tình yêu động vật, khi cô bé có thể tìm thấy niềm vui khi trò chuyện và chăm sóc chúng.
Không thể phủ nhận rằng chính việc được yêu thương, giáo dục đúng cách chính là niềm động lực
để cô bé Totto-chan ngày nào quyết tâm trở thành một cô giáo, mở trường học giống ngôi trường
Tomoe mà thầy hiệu trưởng đáng kính đã gây dựng và cũng là niềm hy vọng của Tottochan cho sự phát
triển toàn diện của nền giáo dục.
Những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống của Totto-chan, có những cuộc gặp gỡ đầy niềm
vui, có những chia ly đầy nước mắt, những trải nghiệm đầy ý nghĩa, những bài học, những điều quý giá
từ cuốn sách được gửi gắm một cách rất nhẹ nhàng. Giá trị của “Totto-chan bên cửa sổ” là nằm ở khía
cạnh giáo dục - lắng nghe trẻ em bằng tình yêu thương. Các em học sinh trường Tomoe có một người
thầy hiệu trưởng giàu lòng nhân ái, giàu lòng vị tha, hơn hết là một người thầy biết lắng nghe tất cả mọi
câu chuyện của các em, biết cách giúp các em trở nên tốt hơn từ những lỗi lầm và giúp các em xóa bỏ
đi những sợi dây tự ti, xấu hổ về bản thân, theo đuổi những gì mà mình yêu thích - một lối giáo dục đi
trước thời đại và nhiều thứ nữa. “Totto-chan bên cửa sổ” giống như một bức tranh đa chiều và ngập
tràn màu sắc. Trong bức tranh đó người đọc cảm nhận được cả tiếng đàn piano, tiếng cười trẻ nhỏ, sự
hóm hỉnh và cả những giọt nước mắt,… Hi vọng khi đọc, mọi độc giả đều cảm nhận được sự vĩ đại của
nền giáo dục xuất phát từ trí tuệ, trái tim của ngôi trường giản dị mà đầy ắp yêu thương-Tomoe; cũng
như tìm thấy được niềm hạnh phúc nhỏ bé trong “ Totto-chan bên cửa sổ”.
“Những tấm lòng cao cả” là một cuốn sách giản dị, được viết dưới dạng nhật ký học trò của cậu
bé 11 tuổi người Ý tên là Enricô, trong suốt năm học lớp ba đã đều đặn ghi lại những mẩu chuyện ấn
tượng nhất đối với em, những việc lớn nhỏ, những chuyện hàng ngày theo trình tự thời gian một năm
học, từ những hoạt động trong lớp của học sinh, những bức thư của phụ huynh viết cho con em mình để
nhắc nhở lỗi lầm, những truyện đọc hàng tháng của thầy giáo về các nhân vật cùng trang lứa với các
em... Sức hấp dẫn của “Những tấm lòng cao cả” chính là những câu chuyện xúc động về tình người,
những bài học giáo dục trẻ em sâu sắc được thể hiện bằng giọng văn trìu mến, tràn đầy yêu thương.
Cuốn sách còn là một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học. Amicis đã viết về hình ảnh của thầy
cô giáo với những tình cảm trân trọng nhất. Họ đã sống hết mình vì nghề nghiệp, vì học sinh, vì những
mục đích tốt đẹp. Trong truyện, hình ảnh các thầy cô giáo đã hiện lên với lòng nhiệt thành và bao điều
tôn kính. Họ coi trọng sự nghiệp giáo dục, chăm lo việc học, đời sống tình cảm và cả chuyện ăn ngủ,
sinh hoạt của học sinh. Họ lo lắng và yêu quý trẻ thơ như chính con em của mình, không dạy mà như
đã dạy, không nói mà như đã nói. Những bài học về tình thầy trò cứ nhẹ nhàng đi vào lòng trẻ thơ, đi
vào lòng người đọc: “Thầy giáo mới ngay từ sáng hôm nay đã làm cho tất cả chúng tôi đều rất thích …
giọng thầy rất to, nhưng hết sức hiền từ; …Thầy không có gia đình. Chính các con sẽ thay cho gia đình
của thầy... Nay thầy chỉ có một mình, thầy chỉ còn các con trên đời này nữa mà thôi. Thầy chẳng còn ý
nghĩ nào, tình cảm nào ngoài các con ra. Các con phải là đàn con của thầy. Thầy sẽ rất thương các con
và các con cũng phải thương thầy, “…Đã một năm rồi cô giáo mới lại đến đây và tất cả mọi người
trong nhà đều vui mừng đón tiếp cô. Ôi! Cô giáo rất tốt của con, không, không bao giờ, không bao giờ
con lại quên cô được”.
Mỗi ngày trôi qua những trang nhật ký của cậu Enricô – nhân vật chính trong các câu chuyện đầy
ắp những ấn tượng mới về những bỡ ngỡ, những bài học cuộc đời. Cậu không quá nổi trội so với các
bạn cùng lứa tuổi, cha cậu là nhà báo và cậu có một gia đình thật tuyệt vời. Cuộc sống của cậu chìm
đắm trong tình yêu thương vô bờ và những bài học làm người của cha mẹ. Trong suốt 10 tháng liền của
năm học lớp 3, cậu đã ghi chép lại những cảm tưởng, những câu chuyện cảm động mà cậu được tận
mắt chứng kiến hay biết được qua những câu chuyện đọc hàng tháng.
Trong lớp học đầy tình yêu thương đó, Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi
tính cách như Garone là một người bạn to lớn, hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực kẻ yếu; De
Rossi là một chú bé rất thông minh, luôn dẫn đầu lớp nhưng không hề kiêu căng; trong khi đó Votini
lại luôn đố kị với De Rossi khiến thầy giáo phải nói với cậu ta rằng “đừng để con rắn ghen tị luồn vào
trái tim, đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim.”
Những câu chuyện đọc hàng tháng đã được thầy Pecbôni chọn lọc là những bài học vô
cùng quý giá. Cậu bé Mario đi biển, khi tàu bị đắm đã khảng khái nhường chỗ trên xuồng cấp cứu cho
người bạn mới quen vì bạn còn có bố mẹ đang chờ đón, còn cậu thì côi cút. Cậu bé Maccô vượt hàng
trăm dặm với bao khó khăn, tủi nhục, đớn đau để đi tìm mẹ và đã đem lại hy vọng sống gần như đã tắt
lụi ở người mẹ khốn khổ này. Mỗi câu chuyện thường nhật diễn ra ở trường học, ở nhà Enricô và các
bạn của cậu, cũng như trên đường phố đều lànhững bài học thực sự cảm động và đầy ý nghĩa. Đó là sự
quả cảm quên mình của cậu bé lớp 2 Robetti liều mình cứu em bé lớp vỡ lòng thoát chết. Cậu đã bị xe
đè nát chân nhưng khi tỉnh dậy chỉ hỏi một câu: “Cặp sách của cháu đâu rồi?”. Chứng kiến cảnh những
người lớn chăm chỉ trong lớp học buổi tối mặc dù cả ngày đã làm việc vất vả, nhưng vẫn quyết tâm học
để biết đọc, biết viết…Mỗi câu chuyện là một bài học về tình thầy trò, bè bạn và cha con, về sự yêu
thương, lòng trắc ẩn và tình yêu nước. Tất cả đã tạo nên một tác phẩm đầy tính nhân văn, làm say lòng
người.
Những tấm lòng cao cả mang trong mình những bài học đạo đức thấm đẫm tình người. Về
tinh thần học tập không ngừng nghỉ của những người lao động cật lực, của những thiếu niên mù. Về
trái tim can đảm sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, “Chết vinh còn hơn sống nhục”. Về lòng nhân ái, khoan
dung trước một linh hồn tội lỗi, một hoàn cảnh éo le. Về tình bạn không so đo tính toán. Như hướng ta
đến với cái chân, thiện, mĩ với khao khát hoàn thiện bản thân, với ao ước sống thật có ý nghĩa và vẹn
tròn.
Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở ấu thơ về công ơn mẹ
cha, về lòng yêu nước, thương người, về tình thầy trò, bè bạn... vẫn không bao giờ xưa cũ, không bao
giờ thừa. Qua “Những tấm lòng cao cả” De Amicis muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi những bài học
đạo đức sâu sắc, đáng quý cũng như vai trò quan trọng của nhà trường, cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ
em. Khi đến với “Những tấm lòng cao cả”, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm sức của “những người chở
đò”, hiểu thêm sự cần thiết và quan trọng của mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội để giáo dục
con em mình trở thành một công dân tốt. Giáo dục phải tiến hành có nghệ thuật và nghệ thuật văn
chương là công cụ giáo dục dễ đi vào lòng người nhất. Và sự thành công của nhà văn người Ý
Edmondo De Amicis chính là ở đó...
TRUYỆN CỔ GRIMM
Các em thiếu nhi luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế giới cổ tích rộng lớn, kì ảo – nơi có các
chàng hoàng tử quả cảm và những nàng công chúa đẹp xinh, có các bà tiên nhân hậu nhưng cũng có
những mụ phù thủy độc ác, những con quỷ đáng sợ... Ở đó, như các em luôn mong, luôn tin, luôn hi
vọng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, những người hiền lành, ngay thẳng sẽ được hưởng hạnh phúc, còn
kẻ ác phải chịu trừng phạt. "Truyện cổ Grimm"- cuốn sách gối đầu giường của tuổi thơ – vẫn thường
được mặc nhiên coi là một tuyển tập tác phẩm văn học dân gian dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên đích
nhắm ban đầu của các tác phẩm này không phải như vậy. Số phận của bản thảo truyện cổ Grimm đã
trải qua nhiều bước ngoặt, và chỉ trở lại đúng với ý tưởng ban đầu ở lần in cuối cùng, năm 1857.
Vì hình thức truyền miệng, các truyện kể dân gian hoàn toàn có thể biến đổi hoặc mất đi theo thời
gian. Sinh ra trong thời kì đầu của nền kĩ trị, anh em nhà Grimm – những học giả đích thực – đã nhận
ra những nguy cơ ấy. Và họ đã chọn cho mình một định mệnh: đi sưu tầm và viết lại những câu chuyện
truyền miệng, mà ngày nay độc giả biết đến với tên gọi giản dị là “Truyện cổ Grimm”. Nhưng một vài
biến cố đã biến “Truyện cổ Grimm” trở thành một tập truyện dành cho trẻ em, vang danh đến tận ngày
nay. Trong suốt phần cuối của sự nghiệp, anh em nhà Grimm đã cố gắng “cứu vãn tình hình” và đưa
những câu chuyện trở về nguyên gốc.
Jacob Grimm (1785-1863) và Wilhelm Grimm (1786-1859) là một trong chín anh em sinh ra
trong một gia đình trung lưu. Cha của họ, Philipp Grimm, là một luật sư; còn mẹ, bà Dorothea, là con
gái một viên chức thành phố Kassel. Không chỉ đặc biệt thân thiết, họ còn có chung niềm đam mê với
ngôn ngữ và văn hoá dân gian Đức. Sau này, anh em nhà Grimm đã trở thành những học giả về lĩnh
vực này, họ từng có công trình từ điển Đức ngữ đầu tiên. Tuy nhiên, dự án này chỉ dừng lại ở vần F.
Cơ duyên với truyện cổ dân gian của anh em Grimm đến từ rất sớm: năm 1806 (khi Jacob mới hai
mươi mốt tuổi), Clemens Brentano, tác giả của một tuyển tập các bài hát dân gian, cùng với một nhà
văn có tên Achim von Arnim đã đến nhờ cậy hai anh em Grimm thu thập giúp một số truyện kể dân
gian nhằm phục vụ cho một kế hoạch xuất bản mới. Sự hứng thú với lời đề nghị ấy đã dẫn anh em nhà
Grimm vào một cuộc chơi để đời trong lịch sử, mà chính những chàng trai tuổi hai mươi ấy không bao
giờ biết. Thế là suốt hơn sáu năm đến 1812, với mong muốn giản dị là giúp Bretano, Jacob và Wilhelm
đã đi khắp nơi sưu tầm các mẩu truyện cổ.
Năm 2005, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 220 ngày sinh Jacob Grimm (1785-2005), UNESCO đã
công nhận trên 200 truyện cổ tích của Đức do ông và người em là Wilhelm Grimm (sinh sau Jacob một
năm) sưu tầm và chế tác lại, là di sản văn hóa của nhân loại.
Sự công nhận ấy đồng nghĩa với việc đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội cũng như giá trị văn học của
truyện cổ Grimm. Có thể xếp nó ngang hàng với truyện cổ Andersen, một tên tuổi lớn của đất nước
Đan Mạch.
Ở nước ta, truyện cổ Grimm được biết đến từ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhưng chủ
yếu qua tiếng Pháp, cùng lúc với các tác phẩm của Goethe (Faust, Nỗi đau của chàng Werther), Schiller
(Tên cướp), Heine (Nước Đức, một truyện cổ tích mùa đông), Hoffmann (Gia đình họ Hạ) v.v… Ngoài
tiếng Pháp, truyện cổ Grimm cũng được biết đến qua tiếng Trung Hoa.
Từ nhiều năm nay, ở nước ta, truyện cổ Grimm đã được dịch từ nguyên bản tiếng Đức và xuất
bản với một số lượng khá lớn. Có thể nói rằng, hầu hết các nhà xuất bản ở trung ương đều ấn hành
truyện cổ Grimm, trước hết là Nhà xuất bản Kim Đồng, rồi các nhà xuất bản Thanh Niên, Văn học,
Văn hóa, Phụ nữ…, tiếp đến là các nhà xuất bản ở địa phương. Dường như gia đình nào, em bé nào
cũng có ít nhất 1-2 cuốn truyện Grimm trong tủ sách của mình. Có những tập được minh họa và trình
bày khá hấp dẫn.
Trong Lời nói đầu viết năm 1819, Wilhelm Grimm cho rằng, đã đến lúc cần giữ lại những truyện
cổ tích đó, bởi những người kể chuyện cứ ngày một vắng bóng trên đời này. Họ thuộc và kể một cách
say sưa, nhưng không hề nghĩ rằng các truyện đó hay hay dở, chúng có nên thơ không, quả là họ không
cần biết điều đó, chỉ kể như họ biết và yêu thích chúng. Họ đã tiếp nhận chúng thế nào, vui mừng với
nội dung câu chuyện ra sao, hoàn toàn rất tự nhiên, không cần biết vì sao họ tiếp nhận chúng và vui
mừng về chúng. Ông cũng cảm nhận: “điều tuyệt diệu là những người kể đều truyền đạt lại một cách
sống động, cứ như là họ “sống” với những gì được kể ra, và nhờ thế mà “chất thơ” càng đậm nét hơn, ít
nhiều mang dấu ấn tâm hồn họ. Tuy nhiên, nhìn chung, “chất thơ” ấy chưa đáng kể. Hai anh em
Grimm, vốn là các nhà nghiên cứu, ban đầu đã giữ các nguyên tắc cứng nhắc trong việc xuất bản cuốn
sách là: Nghe được thế nào cứ để nguyên như vậy, không thêm bớt, tưởng rằng người đọc cũng hiểu
những chuyện ấy như họ hiểu chúng vậy nhưng lại hoàn toàn không đạt hiệu quả như mong muốn.
C.Brentano, một người họ hàng của gia đình Grimm, cũng từng hoạt động văn học, tỏ ra không hài
lòng với văn phong của quyển sách xuất bản lần đầu. Brentano và Arnim, cũng là một nhà văn và là em
gái của Brentano, có trao đổi thẳng thắn với anh em Grimm. Jacob và Wilhelm đã vui vẻ tiếp thu ý kiến
và dồn sức biên tập lại, làm cho văn phong sinh động, trau chuốt hơn…
Thoạt đầu, việc sưu tầm truyện cổ tích đối với anh em Grimm chỉ là nguồn vui khi nhàn rỗi, song
qua nhiều năm tháng, được dư luận đánh giá cao, hai anh em tiếp tục sửa chữa, nâng cao, nó đã trở
thành một công việc nghiêm túc, theo đuổi hai ông trong suốt cuộc đời. Những nỗ lực của hai ông được
đền đáp bằng tấm lòng trìu mến của công chúng. Ai cũng thừa nhận rằng, cho đến năm 1857, lần xuất
bản thứ 7, bộ sách đã được tiếp tục bổ sung, sửa chữa ngày thêm hoàn hảo. Thế là, từ những câu
chuyện rời rạc, không nhất quán ban đầu, lời văn có phần tẻ nhạt, giờ đây các câu chuyện trở nên súc
tích, dí dỏm, giàu chất thơ, giàu hình ảnh, đến mức như nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá, chúng
trở thành các tác phẩm cổ điển trong văn học thế giới! Hans Christian Andersen (1805-1875), nhà văn
Đan Mạch nổi tiếng về truyện kể cho thiếu nhi, từ tiếp xúc với thành tựu khoa học, sáng tạo và con
người trong đời sống, đã viết: “Anh em Grimm là những nhân vật mà ai cũng phải yêu mến và gắn
bó!”. Từ những truyện ấy, nhiều bộ phim, vở kịch, bức tranh, nhạc khúc… đã ra đời và mang đến cho
người xem cảm giác toát lên niềm vui sống và những khát vọng thấm đẫm chất nhân văn.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Đức và nhiều nơi, các dân tộc khi tiếp nhận Truyện cổ Grimm, đều
có sự đồng cảm. Giáo sư Chu Xuân Diên, nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam lý giải: “Đọc
truyện cổ Grimm, độc giả không những thấy lòng mình ấm áp hẳn lên vì nội dung nhân đạo của nó, trí
óc mình sắc sảo thêm lên vì những kinh nghiệm về cuộc sống dồi dào của nó, cảm quan thẩm mỹ được
thỏa mãn vì nghệ thuật kể chuyện trong sáng mà hấp dẫn của nó. Đọc Truyện cổ Grimm độc giả Việt
Nam còn được hưởng một niềm vui thích đôi khi đến ngạc nhiên, vì thấy trong nhiều chuyện của nhân
dân hai nước Đức và Việt Nam, có nhiều điểm giống nhau, thậm chí giống nhau đến kỳ lạ.

Cảm giác ấy thấy rõ nhất trong chúng ta khi so sánh truyện Cô Lọ Lem (Đức) với truyện Tấm
Cám (Việt). Hai truyện ấy giống nhau không những cả về chủ đề, cốt truyện, mà cả về nhiều chi tiết.
Có thể coi đó là hai dị bản của cùng một kiểu chuyện về đề tài dì ghẻ con chồng. Sự giống nhau về kiểu
truyện như thế này chúng ta còn gặp giữa truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán (Việt) và
truyện Những con vật biết ơn (Đức)… Sự giống nhau nói trên có thể do nhân dân lao động hai nước
cùng có những nét chung về kinh nghiệm sống, cùng có chung những ước mơ về một cuộc sống tốt
đẹp, trong đó cái thiện thắng cái ác, sự thật thắng gian dối, trong đó lao động sáng tạo và lòng tốt đối
với nhau là cơ sở của mối quan hệ giữa con người với con người. Chính sự giống nhau này cũng là
nguyên nhân làm cho độc giả Việt Nam từ lâu và mãi mãi sẽ vẫn còn yêu thích Truyện cổ Grimm như
đã từng yêu thích kho tàng truyện cổ tích của chính dân tộc mình”.

Như vậy, nói một cách chung nhất, các truyện mà anh em Grimm ghi lại và nâng cao đều mang
nội dung chủ yếu là những ước mơ, niềm khát vọng của con người thuở xa xưa. Đó cũng là nét chung
nhất trong các truyện cổ của mọi dân tộc mà Maxim Gorki từng chỉ ra. Những ước mơ được vui sống,
những khát vọng chất phác nhưng thấm đẫm chất nhân văn của con người trong lao động, trong cuộc
sống bình thường. Nó chất phác, bình dị, song cũng là khởi nguồn cho nhân loại từ xa xưa đến hôm
nay, mãi mãi không hề thay đổi: Chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác. Bọn xấu phải bị
trừng trị, lên án. Những người tốt, dù phải trải qua bao tai ương, thử thách, cuối cùng cũng được đến
với hạnh phúc, hưởng sự công bằng. Các quy luật của đạo đức, niềm khát vọng ấy được lưu giữ, phát
triển như nguồn nước trong lành, tinh khiết trong các truyện cổ Grimm cũng như trong kho tàng văn
học dân gian nói chung.
Truyện Cổ Andersen là tập hợp các tác phẩm của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen
như: Bà chúa tuyết, Cô bé tí hon, Bộ quần áo mới của hoàng đế… Ký ức tuổi thơ của nhiều độc giả
Việt Nam đều không thể quên những truyện cổ Andersen như Chú lính chì dũng cảm, Nàng công chúa
và hạt đậu, Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm, Bộ quần áo mới của hoàng đế. Nhà văn
Nguyễn Tuân từng viết:“Em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn Andersen thì trọn đời không khi nào quên
và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình thương yêu và lòng công bằng… Ở người độc giả lớn tuổi,
Andersen đã biết tỉnh gợi được lại cái phần hồn nhiên trong trắng vẫn đọng chìm, đánh thức lại những
cái bồng bột chân chất của tuổi măng trứng để mà đối soi vào thực tế phiền phức”.
Nhà văn Hans Christian Andersen (1805 – 1875) có lẽ là một hiện tượng văn học hiếm có trên thế
giới.. Andersen viết du ký, kịch, tiểu thuyết, làm thơ, nhưng nổi nhất là truyện. Truyện của ông dựa vào
truyện dân gian, truyền thuyết, lịch sử, đời sống hàng ngày và cả cuộc đời riêng của tác giả. Hans
Christian Andersen, một trong những ngòi bút thanh cao và tác động đến số đông người đọc nhất trong
lịch sử, vốn sinh thành năm 1805 tại một gia đình nghèo Đan Mạch với bố làm nghề thợ giày và mẹ
làm chân rửa bát thuê. Cuộc đời của ông cũng là một câu chuyện đầy màu sắc từ sự chê bai, khinh rẻ
đến hàng chục năm nỗ lực phấn đấu, trải nghiệm những chuyến du hành đến khắp mọi miền trên thế
giới và sự thành công nổi tiếng lúc cuối đời.
Không chỉ đơn thuần là kể chuyện, tác giả còn muốn đem đến cho người đọc những bài học quý
giá. Với lối viết chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, Andersen đưa người đọc lạc vào thế giới của thế giới cổ tích
đầy kì bí. Kết thúc mỗi câu chuyện lại để lại cho người đọc một bài học hay về cuộc sống. Do đó, dù là
tác phẩm văn học, thơ ca hay những mẩu chuyện cổ tích ngắn, Andersen đều chạm đến lòng mọi người
đọc từ trẻ đến già, đến mọi thế hệ với những hình tượng nhân vật đơn giản mà sâu sắc. Truyện cổ
Andersen là những bài ngợi ca khả năng đấu tranh kiên trì của con người trong quá trình chống lại cái
ác và cái xấu (Bà Chúa Tuyết, Nữ thần băng giá…); thể hiện sự cảm thông với cuộc sống vất vả của
người bình dân, đặc biệt là sự cảm thông, lòng yêu thương những em bé mồ côi, bất hanh (Cô bé bán
diêm, Mụ ấy hư hỏng…). Nhiều truyện đi sâu vào ngợi ca lòng dũng cảm, tinh thần xả thân, hi sinh vì
con người (Bầy chim thiên nga, Chú lính chì dũng cảm). Truyện còn phê phán những thói hư tật xấu
của mọi tầng lớp người trong xã hội, kể cả bọn vua quan bất tài, tham lam, ngu dốt và hợm hỉnh (Bộ
quần áo mới của Hoàng đế). Vì nội dung các câu chuyện cổ Andersen luôn hướng tới con người và
những vấn đề trọng đại trong đời sống hiện tại nên được các nhà nghiên cứu gọi là cổ tích hiện đại.
Truyện cổ Andersen gồm khoảng 150 truyện và đã được dịch ra khoảng 160 thứ tiếng trên thế giới. Đã
gần 200 năm kể từ ngày được viết ra, 200 năm cũng đủ dài để loài người nhận ra rằng Andersen không
chỉ là một nhà văn của trẻ thơ: ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ của ông là
một câu chuyện ngụ ngôn viết cho người lớn, những câu chuyện ngụ ngôn làm thức tỉnh con người,
truyền cho họ niềm tin và sức mạnh…Có lẽ sẽ không là cường điệu khi nói rằng chính những câu
chuyện cổ tích dành cho người lớn của Andersen đã góp phần đưa nhân loại vượt qua hai thế kỷ đầy
biến động…Hãy yêu quý và tôn trọng trẻ em, hãy nuôi dưỡng sự hồn nhiên và lòng nhân ái, hãy yêu và
nhìn thế giới này bằng trái tim và đôi mắt trẻ thơ…Đó chính là thông điệp mà Andersen cùng những
câu chuyện cổ tích của mình muốn gửi đến cho nhân loại…
Phạm Hổ là nhà thơ có nhiều tìm tòi trong nghệ thuật thể hiện. Thơ ông đa dạng về hình thức,
nhạc điệu vui tươi, ngôn ngữ trong sáng. Bằng tình yêu và niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật đó, Phạm
Hổ đã đến với các em thiếu nhi bằng những vần thơ hết sức hồn nhiên, hóm hỉnh. Thơ ông rất quen
thuộc và gần gũi với các em thiếu nhi. Các trò chơi dân gian của trẻ em như trồng nụ trồng hoa, dung
dăng dung dẻ, nu na nu nống…, cây cối, con vật, … được ông thể hiện qua lời văn rất sáng tạo, tạo nên
sự độc đáo, hấp dẫn các bạn nhỏ.

Trong thuở nhỏ, tác giả Trần Đăng Khoa đã nổi tiếng với khả năng văn chương xuất sắc và được
mệnh danh là Thần đồng của thi ca Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của ông là Con bướm vàng được đăng
trên báo khi ông mới 8 tuổi. Đến năm lên 9 tuổi, ông trở thành một hiện tượng được độc giả trong và
ngoài nước chú ý. Sau đó, ông đã xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên Từ góc sân nhà em vào năm 1968,
khi ông lên 10 tuổi ( tập thơ tiếp theo là Góc sân và khoảng trời).Tác phẩm nổi bật nhất của tác giả
Trần Đăng Khoa vào thời điểm đó là bản thơ Hạt gạo làng ta, viết vào năm 1968 được thi sĩ Xuân Diệu
hiệu đính, sau được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971). Vào cùng năm 1971, Trần Đăng Khoa đã
đề nghị thay đổi một câu thơ trong bài Ta đi tới của nhà thơ Tố Hữu từ “Đường ta đi rộng thênh thang
tám thước” thành “Đường ta đi rộng thênh thang ta bước”. Sự đổi mới đã gây ra nhiều sự chú ý và bàn
luận trong giới Văn học Việt Nam lúc đó.
Trần Đăng Khoa đã có những đóng góp rất lớn cho phần văn học viết cho thiếu nhi. Những tác
phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ông đã giành giải thưởng thơ của báo
Thiếu niên Tiền phong từ năm 1968 đến 1971, Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982. Năm 2000, Trần
Đăng Khoa đã vinh dự nhận Giải Thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trần Đăng Khoa là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, ông đã để lại nhiều tác phẩm
văn chương đặc sắc về chủ đề thiên nhiên và nông thôn. Trong các tác phẩm của Trần Đăng Khoa, ông
thường miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên đồng quê, với những cây cỏ xanh tươi, ruộng đồng màu mỡ, và các
cảnh quan tự nhiên như suối rừng, đồng cỏ, ao rừng. Ông cũng sử dụng nhiều hình ảnh thiên nhiên để
tả cảm xúc, như sử dụng những hình tượng "nắng", "gió", "mưa" để miêu tả tâm trạng của nhân vật
trong tác phẩm. Theo Trần Đăng Khoa, thiên nhiên và nông thôn không chỉ là một phần quan trọng của
cuộc sống mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Những bức tranh về thiên nhiên và nông thôn
trong thơ của ông thường chứa đựng thông điệp về sự chân thành, sự giản dị và tình yêu đối với quê
hương.
Ngoài ra, Trần Đăng Khoa cũng tạo hình nhiều những nhân vật trong thơ của mình dựa trên
những người dân nông thôn, những con người chất phác, chân thật và mộc mạc. Ông miêu tả cuộc sống
nông thôn với những công việc đơn giản như cày cấy, làm ruộng, chăn nuôi và các hoạt động xã hội
thường ngày của người nông dân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ rằng: “Nông dân thời nào
cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ
tấm áo bào lông lẫy của vua họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu khổ đến vô tận. Họ
không có thói quen để làm một người sung sướng. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa...”

You might also like