Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 7

CÂU HỎI CUỘC THI TÌM HIỂU

“Bà Rịa – Vũng Tàu 30 năm xây dựng và phát triển 1991-2021”

Phần 1: Câu hỏi trắc nghiệm


Cách trả lời: Thí sinh ghi lại câu hỏi và phương án trả lời (Ví dụ: Câu 1: ... Trả
lời: A hoặc B....)

Câu 1: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi mới thành lập (8/1991) có 05 đơn vị hành
chính cấp huyện, đó là:
A. Thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức,
huyện Long Đất
B. Thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ,
huyện Xuyên Mộc
C. Thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, huyện Tân Thành, huyện Đất Đỏ,
huyện Châu Đức
D. Thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, huyện Châu Thành, huyện Long
Đất, huyện Xuyên Mộc

Câu 2: Từ năm 2015-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu đứng thứ mấy so với các tỉnh thành trong cả nước?
A. Thứ nhất
B. Thứ hai
C. Thứ ba
D. Thứ tư

Câu 3: “Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng
biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch” là chủ trương của Đại hội Đại biểu Đảng bộ
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ mấy?
A. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2000-2005
B. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2005-2010
C. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015
D. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020

Câu 4: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc
sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh
về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”, đó là chủ đề của
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ mấy?
A. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2005-2010
B. Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015
C. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020
D. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025

Câu 5: Tính đến thời điểm năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bao nhiêu di
tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia?
A. 49 di tích
B. 50 di tích
C. 51 di tích
D. 52 di tích

Câu 6: Từ năm 1996 đến nay, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trên địa bàn
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Nhà nước trao tặng bao nhiêu giải thưởng Hồ Chí
Minh?
A. 01 giải
B. 02 giải
C. 03 giải
D. 04 giải

Câu 7: Lễ thượng cờ tàu ngầm số 187 Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức trọng
thể vào ngày tháng năm nào và ở đâu?
A. 28/2/2015, thành phố Đà Nẵng
B. 28/2/2016, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
C. 28/2/2017, tỉnh Khánh Hòa
D. 28/2/2018, thành phố Hồ Chí Minh

Phần 2: Câu hỏi tự luận


Câu 1: Hãy nêu những thành tựu nổi bật về kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
trong 30 năm (1991-2021) ?

Thành lập năm 1991, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương hội tụ
nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển như dầu khí, hàng hải,
du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Bà Rịa –
Vũng Tàu trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam. Thành tựu kinh tế sau 30 năm xây dựng và phát triển tỉnh có thể khái quát như
sau:
Kinh tế liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý và
chuyển dịch đúng hướng; tiềm lực kinh tế của tỉnh ngày càng gia tăng vững mạnh:
GDP của tỉnh giai đoạn 1992- 2010 trừ dầu khí tăng 19,85%. Tốc độ tăng
trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trừ dầu khí từ 2016 - 2020 tăng bình quân
6,1%/năm. Năm 2010, quy mô GDP trừ dầu khí gấp 26 lần so với khi mới thành lập
tỉnh. Đến năm 2020, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh đã đạt gần 359 ngàn
tỷ đồng, gấp 78 lần năm 1991.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 5.800 USD, gấp 11 lần so với
năm 1992, gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2020, GRDP bình
quân đầu người (giá hiện hành) trừ dầu thô và khí đốt ước đạt 6903 USD/người, gấp
15 lần so với năm 1992.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng công nghiệp,
dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 1992, công nghiệp chiếm 79,1%, dịch
vụ 15,3%, nông nghiệp chiếm 5,6%; đến năm 2020, công nghiệp –xây dựng chiếm
58,66%, dịch vụ chiếm 29,36% và nông nghiệp chiếm 11,98%.
Vào năm 1992, công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các cơ sở sửa chữa tàu thuyền,
chế biến hải sản sơ cấp thì đến nay, nền công nghiệp tỉnh đã có một cơ cấu tương đối
đầy đủ, tập trung vào 3 nhóm ngành là cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất và công
nghiệp vật liệu, với sự có mặt của nhiều ngành như: năng lượng, luyện kim, hóa chất,
vật liệu xây dựng, phân bón, gạch men, nhựa PVC, chế biến hải sản…
Từ chỗ chỉ có các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, phân bố rải rác, đến năm
2020 trên địa bàn tỉnh đã có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8501 ha,
tổng vốn đầu tư đăng ký 24.527 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 20 cụm công nghiệp.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh hiện chiếm gần 10% tổng vốn FDI của
cả nước và đang đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI, ước đến cuối
năm 2020, có 415 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 29,55 tỷ USD.
Khu vực thương mại-dịch vụ phát triển mạnh mẽ, các loại hình dịch vụ ngày
càng đa dạng như: dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ dầu khí,vận tải, cảng
biển, du lịch, bưu chính, viễn thông, cung ứng lao động, nhà ở, tài chính, ngân hàng,
bảo hiểm.
Đặc biệt, kinh tế du lịch của tỉnh có sự phát triển vượt bậc. Năm 1992, cả tỉnh
chỉ có chưa tới 10 khách sạn và một số nhà nghỉ tư nhân, trong đó không có một
khách sạn nào được xếp hạng sao theo tiêu chuẩn quốc tế thì đến 2020, có khoảng
1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt
chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Tổng số dự án du lịch đang triển khai trên địa bàn
tỉnh là 153 dự án với tổng diện tích là 2.163,87ha. Một số dự án mới đã đưa vào khai
thác kinh doanh góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Hồ
Tràm Trip, Imperial, Pullman, Malibu, Melia Hồ Tràm, Marina Bay Vung Tau,
Oceanami, Khách sạn CAO,… Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao: Công viên
cacao Binon (huyện Châu Đức), Green Farm (huyện Châu Đức), Vũng Tàu Marina
Châu Pha, trại nuôi nai Ba Long, Tiêu không hạt Bầu Mây, Trại nấm linh chi Ông
Tiên (huyện Châu Đức), … Tại khu du lịch Hồ Mây đã đầu tư thêm khu trình diễn
nhạc nước 5D.
Hệ thống cảng biển từng bước trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Từ chỗ chỉ có vài
cảng nhỏ chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, sau 30 năm
tỉnh đã hình thành hệ thống cảng biển quy mô lớn, với quy hoạch tổng thể có 69 dự án
cảng, trong đó đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án với công suất
141,5 triệu tấn/năm. Trong đó, Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hoạt động ngày càng
hiệu quả, thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức
tăng trên 22%/năm, cao thứ sáu trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đây
là một trong 21 cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn; khối lượng hàng
hóa và số lượng tàu vào cảng tăng nhanh; triển khai đầu tư đồng bộ nhiều tuyến
đường giao thông quan trọng kết nối với cảng.
Cùng với đó, những năm qua, dịch vụ hậu cần cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã
có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành hệ sinh thái logistics; có thêm
152 ha kho bãi đi vào hoạt động, đang chuẩn bị thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Trung tâm
logistics Cái Mép Hạ. Công tác cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng
hóa qua cảng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp được quan tâm đầu tư, lực lượng sản xuất
nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng cơ giới hóa, công nghiệp hóa và công
nghệ cao.
Những thành tựu BR-VT đạt được sau 30 năm phát triển và hội nhập là động
lực để BR-VT bước tiếp những chặng đường tiếp theo. So với thời điểm mới thành
lập vào năm 1991, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hôm nay đã có một bước tiến khá dài trên
con đường phát triển.
Với những tiềm năng to lớn về kinh tế biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang giữ
một vị trí trọng yếu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc. Mặc dù,
trong những năm qua, đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực
vượt bậc tỉnh BR-VT đã đạt được những thành tựu quan trọng, có nhiều mặt phát triển
mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có
tốc độ tăng trưởng cao nhất nước, có quy mô kinh tế lớn trong vùng cũng như cả
nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ tăng
cao; thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra. Trên địa bàn tỉnh hiện đang tập trung nhiều
doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như thăm dò và
khai thác dầu khí, sản xuất điện, đạm. Những tiềm năng về du lịch đang được khai
thác và phát huy. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các khu công
nghiệp và hệ thống cảng biển, hứa hẹn trong tương lai không xa sẽ là trung tâm phát
triển các dịch vụ hàng hải, vận tải hàng hoá, hành khách quan trọng của cả vùng Đông
Nam bộ. Cơ sở hạ tầng của BR-VT được xây dựng khang trang, hiện đại. Với những
lợi thế của mình, Bà Rịa – Vũng Tàu đang có nhiều triển vọng phát triển tốt đẹp trong
tương lai, trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030 là xây dựng Bà Rịa –
Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công
nghệ cao.
Câu 2: Nêu những thành tựu nổi bật về Văn hóa - xã hội của tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu trong 30 năm (1991-2021) ?
a. Giáo dục - Đào tạo
Khi tỉnh mới thành lập năm 1991, hệ thống trường, lớp học còn thiếu thốn, chủ
yếu là sử dụng các cơ sở cũ được tiếp nhận sạu giải phóng, đa số trường học là cấp 4,
một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học còn phải học nhờ nhà dân, nhà chùa, nhà
thờ; học sinh các cấp chủ yếu học không có thiết bị thí nghiệm; nhiều năm liền, học
sinh trong tỉnh phải học ca ba, học ghép, đi học xa. Đặc biệt các vùng sâu, vùng xa
không có trường lớp nên không đáp ứng được nhu cầu học tập của các em.
Trong 30 năm qua, tỉnh luôn xác định ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục –
đào tạo. Tính đến năm 2020, tỉnh có hệ thống trường lớp từ mầm non đến đại học, có
trường công lập và ngoài công lập; có 456 trường học do do Sở Giáo dục và Đào tạo
quản lý gồm: 185 mồm non, 136 trường tiểu học, 89 trường trung học cơ sở, 35
trường trung học phổ thông, 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, 3 trường khuyết tật
chuyên biệt, 1 trường Cao đẳng Sư phạm; chất lượng dạy và học được nâng lên, môi
trường giáo dục được cải thiện bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh. Tỷ lệ
học sinh tốt nghiệp ngày càng tăng, nhiều học sinh đạt thứ hạng cao tại các kỳ thi
Quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 85%. Tỉ lệ giải quyết việc
làm sau khi kết thúc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt trên 80%. Thành lập 18
trường, số trường chuẩn quốc gia đạt 59.5%. Thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ
trung học phổ thông và tương đương đạt 91%.
b. Khoa học - công nghệ
Có kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp khoa
học và công nghệ; thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ;
đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động khoa học và công nghệ
tăng 28% so với giai đoạn trước; nhiều đề tài, dự án về khoa học – kỹ thuật được
nghiệm thu, đóng góp cho các hoạt động kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống người
dân. Một số sự án tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được triển
khai.
c. Y tế
Những năm đầu thành lập tỉnh, cơ sở vật chất của ngành y tế hết sức thiếu thốn.
Ở tuyến tỉnh chỉ có 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viên Lê Lợi, Trung tâm y
tế dự phòng. Hiện nay, mạng lưới cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe được hoàn thiện từ
tỉnh đến xã. Các bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế đồng
bộ, hiện đại, như Bệnh viện đa khoa Bà Rịa 700 giường, Bệnh viên Lê Lợi, trung tâm
y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Long Điền….Các cơ sở khám chữa bệnh tư
nhân phát triển, nhiều cơ sở ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị, cung cấp dịch
vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt kết quả tích cực, chất lượng
khám, chữa bệnh và niềm tin của người dân vào các cơ sở y tế nâng lên; tỉ lệ giường
bệnh/vạn dân đạt 20,6 giường, tỉ lệ bác sỹ/vạn dân dạt 8,7 bác sỹ; Tỷ lệ người dân
tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; đã triển khai ứng dụng một số kỹ thuật cao trong
khám, chữa bệnh.
d. Văn hóa, thể thao
Khi mới thành lập tỉnh, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao hầu như không có và
không hoạt động. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã
được đầu tư tương đối hoàn chỉnh 7/8 huyện có trụ sở Trung tâm văn hóa, thể thao;
tuyến tỉnh đã xây dựng mới các công trình: Nhà văn hóa, nhà thi đấu thể dục – thể
thao, nhà văn hóa Thanh niên, nhà văn hóa Thiếu nhi, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh;
tuyết huyện và xã cũng xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao các huyện thị; 77/82
xã, phường, thị trấn có các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng.
Hoạt động văn hóa thể thao phục vụ nhân dân được nâng lên cả về số lượng và
chất lượng; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường. Thiết chế văn
hóa, thể thao được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh; tăng cường văn hóa đọc; tổ chức
nhiều giải thi đấu thể thao, hình thành CLB bóng đá tỉnh.
e. Hệ thống thông tin – truyền thông
Khi mới thành lập, tỉnh chỉ có một doanh nghiệp bưu chính viễn thông; mỗi
đơn vị hành chính chấp huyện chỉ có các bưu cục tập trung ở các đô thị trung tâm;
mật độ điện thoại năm 1991 đạt khoảng 0.8 máy/100 dân. Sau 30 năm phát triển, toàn
tỉnh có 14 doanh nghiệp tham gia các hoạt động bưu chính, chuyển phát và 6 doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, với các lại hình dịch vụ như: mạng lưới điện
thoại cố định, điện thoại di động, Truyền số liệu, Internet, Thông tin biển, truyền dẫn
quang, VSAT….phủ rộng trên 100% số xã trên toàn tỉnh. Mật độ thuê bao điện thoại
đạt 210/100 dân, mật độ thuê bao internet 65.5/100 dân.
Lĩnh vực phát thanh, truyền hình: khi mới thành lập hệ thống phát thanh, truyền
hình chưa phủ sóng được toàn tỉnh và phát sóng có thời lượng cố định. Hiện nay, có
Trung tâm phát thanh – truyền hình được xây dựng mới tại thành phố Bà Rịa. Chương
trình phát thanh, truyền hình đã phủ sóng khắp địa bàn tỉnh 24/24 giờ/ngày (cả huyện
Côn Đảo).
Lĩnh vực báo chí: khi mới thành lập chỉ có báo in Bà Rịa – Vũng Tàu, được
phát hành theo số trong tuần. Hiện nay, báo Bà Rịa – Vũng Tàu được phát hành hàng
ngày, có các loại báo in, báo hình, báo mạng; một số cơ quan báo chí Trung ương, địa
phương có cơ sở thường trú tại tỉnh.
Hệ thống thông tin – truyền thông phát triển mạnh đáp ứng yêu cầu thông tin
liên lạc phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh.
g. Chính sách an sinh xã hội
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đi vào thực chất, chất
lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 0,8%,
cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo
việc làm, hỗ trọ tín dụng, tư vấn và hỗ trợ việc làm, góp phầm giảm tỉ lệ thất nghiệp
xuống còn 2,28%. Có các chính sách ưu đãi đối với người có công; chăm sóc, hỗ trợ
đối với trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội: tỉnh có 01 trung tâm bảo trợ xã hội, 01
trung tâm nuôi dưỡng người già, 01 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 01 trường khiếm
thị hữu nghị, 02 trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Câu 3: Với những lợi thế so sánh của tỉnh, bằng tình yêu và trách nhiệm của
một công dân, hãy đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng quê hương Bà Rịa - Vũng
Tàu ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh?
- Phần này nên nêu lên các giải pháp để phát triển kinh tế công nghiệp,cảng biển,du
lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn
hóa, thể thao..

*Lưu ý: - Ở phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm, đáp án tô đậm đen là đáp án
đúng.
- Phần trả lời tự luận, đây chỉ là dàn ý, cần phân tích các ý trên,bổ sung thêm
hình ảnh, tư liệu để bài viết được sinh động hơn.

You might also like