Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

ĐỀ LUYỆN TẬP 1

Câu 2: Phân tích đoạn trích sau; từ đó, nhận xét về chất tài hoa và cái tôi giàu cảm xúc của nhà
văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích.
Bài làm
Bước vào địa hạt văn chương Việt Nam, mỗi con sông đều mang một vẻ đẹp độc đáo, gắn
liền với một phong cách nghệ thuật riêng biệt. Ta từng biết đến dòng Bạch Đằng hùng vĩ với
“Bát ngát sóng kình muôn dặm/Thướt tha đuôi trĩ một màu” trong thơ Trương Hán Siêu. Ta cũng
thấy một dòng sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” trong thơ Hoàng
Cầm. Hay người đọc cũng từng nao lòng với dòng sông Hương thơ mộng lặng lờ trong thơ Hàn
Mặc Tử hay trong bút kì về xứ Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Song, nổi bật hơn cả phải kể
đến dòng sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác giả đã
đưa người đọc đến với mảnh đất Tây Bắc để cảm nhận vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội vừa thơ mộng,
thi vị của con sông Đà. Có thể nói, hình tượng sông Đà đã in đậm dấu ấn sáng tạo của “cái tôi”
tùy bút của Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm, đoạn trích sau đây tiêu biểu cho phong cách sáng tác
của Nguyễn Tuân, từ đó, người đọc cảm nhận rõ chất tài hoa và cái tôi giàu cảm xúc trong nghệ
thuật tùy bút của Nguyễn Tuân: “Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà…rồi cứ thế mà phiết vào bản
đồ lai chữ”
Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà”, được tác giả
sáng tác trong chuyến đi thực tế lên Tây Bắc vào năm 1958, không chỉ để thỏa mãn cái thú tìm
đến những miền đất lạ để thỏa niềm khao khát “xê dịch”, mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng
trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa”
ở tâm hồn của những người lao động và chiến đấu trên miền sông núi Tây Bắc. Tập “Sông Đà”
và tùy bút “Người lái đò Sông Đà” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: tài
hoa, uyên bác, với cái nhìn sắc sảo, luôn phát hiện ra những điều mới của sự vật và con người.
Tập tùy bút cho người đọc thấy được một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, gắn bó với cuộc đời
mới, hòa nhập vào cuộc sống lớn của nhân dân và đất nước. Đoạn trích diễn tả hình tượng Sông
Đà với tính cách trữ tình giàu cảm xúc.
Trong trích đoạn được đề cập, Nguyễn Tuân dường như đang vẽ ra trước mắt bạn đọc
hình ảnh của một dòng sông hiền hoà, thơ mộng không có vẻ gì là hung bạo, dữ dội như trước đó
mới chỉ mấy giây phút đây thôi. Người nghệ sĩ ấy không còn dọc theo những sóng, những gió,
những thác, Nguyễn Tuân đã đổi cho mình một vị trí quan sát sông Đà mới lạ hơn: ngồi trên tàu
bay và nhìn xuống. Tư thế và tầm mắt cho Nguyễn Tuân là điều kiện thuận lợi để thâu tóm toàn
cảnh Đà giang với cảm xúc ngỡ ngàng say đắm trước sự thay đổi hoàn toàn của con sông. Nếu ở
thượng nguồn, dòng sông Đà là “kẻ thù số một” của con người thì khi xuôi chảy về phần hạ lưu,
lòng sông như được mở rộng ra, con thác không còn nữa, dòng nước trôi êm đềm, hiền hòa qua
đôi bờ cỏ cây tươi tốt và sông Đà lại hiện lên vô cùng lãng mạn, thơ mộng, trữ tình. Nguyễn
Tuân ngắm nhìn, miêu tả và khai thác vẻ đẹp của sông Đà cả từ chiều không gian, thời gian bằng
tâm thế của một người khám phá nhưng cũng đồng thời là tâm thế của một cố nhân tìm về người
bạn cũ, một tao nhân đi tìm kiếm những gì đẹp đẽ trong phong cảnh của đất nước, quê hương,
một người khao khát tình yêu tìm đến với “người tình chưa quen biết”. Bấy giờ, hình dáng sông
Đà dài như một “sợi dây thừng ngoằn ngoèo”. Sự ngạc nhiên của Nguyễn Tuân thể hiện rõ khi
ông không ngờ con sông “đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản
ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà” giờ chỉ thu bé lại nằm ngay dưới chân mình.
Nguyễn Tuân liên tưởng đến hình ảnh bản đồ, cho rằng những ai quen đọc bản đồ sẽ cảm thấy
quen hơn với từng nét sông “tãi ra” “lờ lờ bóng mây dưới chân mình”. Góc nhìn mới đã cho
Nguyễn Tuân những cảm giác mới và cả những liên tưởng mới đầy thú vị.
Cũng từ độ cao ấy khi nhìn xuống, thu vào tầm mắt của người nghệ sĩ bây giờ là hình ảnh của
con sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời
Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Đây tiếp tục là một liên tưởng so sánh hết sức thú vị độc đáo chỉ có thể tìm thấy trong những
trang viết của Nguyễn Tuân. Tác giả so sánh dáng hình con sông với “áng tóc trữ tình” đã cho ta
hình dung ra một dòng sông mềm mại, uốn lượn qua các dãy núi, triền đồi, các ghềnh thác để
làm cho mình trở nên dịu dàng, nữ tính. Nếu ví mảnh đất Tây Bắc là một người thiếu nữ đang ở
độ tuổi xuân thì đẹp nhất thì sông Đà chính là áng tóc mềm mại, trẻ trung, thanh xuân của người
con gái ấy. Một hình ảnh so sánh khiến ta có đôi chút ngơ ngẩn vì vẻ đẹp dòng sông đất nước tất
cả những điều ấy được khai triển từ ý tưởng kết nối rất độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân - gắn
vẻ đẹp của dòng sông vô tri với vẻ đẹp của con người. Trước đây, trong thơ ca trung đại, ta chỉ
thấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người. Nguyễn Du khi miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy
Kiều đã viết:
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"
Ngược lại, đến với Nguyễn Tuân, ông đã có một so sánh liên tưởng vô cùng độc đáo, lấy vẻ đẹp
con người lại trở thành vẻ đẹp chuẩn mực cho thiên nhiên. Ông kéo thiên nhiên lại gần với con
người khiến cho người đọc chưa cần đến với sông Đà cũng có thể hình dung ra được vẻ đẹp trẻ
trung, thanh xuân của dòng sông Tây Bắc ấy. Thêm vào đó, cách ghép các từ của Nguyễn Tuân
cũng rất độc đáo, chữ “áng” đi với chữ “tóc” kết hợp với “trữ tình”. Vốn dĩ từ “áng” thường chỉ
đi liền với những tác phẩm nghệ thuật, mang vẻ đẹp cổ điển, mẫu mực như áng thơ, áng văn,...
Cách kết hợp từ ngữ ấy gợi lên trong người đọc nhìn nhận về vẻ đẹp của dòng sông này không
chỉ ở vẻ dịu dàng, thanh xuân mà đó còn là một dòng sông mang vẻ đẹp cổ điển, mẫu mực. Dáng
hình của sông Đà cũng chính là kiệt tác nghệ thuật được tạo nên từ bà mẹ thiên nhiên đất nước
khiến cho không chỉ Nguyễn Tuân mà biết bao nhiêu người biết tới xuyến xao, say đắm. Một câu
văn thật dài, thật đẹp đã được nhà văn viết nên, điệp từ “tuôn dài, tuôn dài” khiến người đọc hình
dung giống như mình đang được nhìn thấy dòng chảy miên man một suối tóc sông Đà, chảy trôi
giữa thiên nhiên đất trời Tây Bắc không nhìn thấy điểm dừng. Chỉ với một câu văn duy nhất với
so sánh liên tưởng kết hợp với việc dùng từ ngữ tinh tế của mình, giờ thì bạn đọc đã hiểu hơn về
phát biểu của Nguyễn Tuân rằng: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn
không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo,
không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay... Cũng cùng một vốn ngôn ngữ
ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng
chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của
nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp...” (Nguyễn Tuân)
Sông Đà bây giờ trong câu văn của Nguyễn Tuân được nhìn ngắm trong không gian rộng lớn của
mây trời Tây Bắc, dòng sông “ẩn hiện” gợi ra vẻ đẹp kỳ ảo, vừa như thực, lại vừa như mơ. Mây
trời Tây Bắc bềnh bồng, lững lờ trôi giữa không gian cao rộng khiến cho dòng chảy ấy khi hoà
quyện vào khiến cho khung cảnh càng trở nên huyền ảo, lãng mạn. Trong bức tranh có những
gam màu của trời xanh, mây trắng, sông dài ấy, sự xuất hiện của những bông hoa gạo mang sắc
đỏ, hoa ban mang sắc trắng tinh khôi đang điểm tô cho vẻ đẹp quyến rũ của mái tóc sông Đà. Rồi
còn khói bay trong thời điểm nhân dân lao động đốt nương xuân, cả vẻ đẹp dung dị đời thường
ấy cũng được Nguyễn Tuân khéo léo lồng thêm vào. Con sông Đà cũng vì thế mà mang vẻ đẹp
vừa dịu dàng, thơ mộng, vừa cổ điển, đường thi vừa kì diệu huyền ảo lại vẫn bình dị đời thường.
Một câu văn dài, ngắt nhịp linh hoạt đủ để người đọc cảm nhận về một vẻ đẹp cũng phải dùng
nhiều thiều gian để ngẫm, để liên tưởng rồi bất ngờ trước vẻ đẹp của con sông.
Nguyễn Tuân đã dùng thứ tâm trạng của một người khao khát tình yêu tìm về dòng sông yêu dấu.
Ông say sưa, xuyên qua đám mây, nhìn xuống dòng nước - tất cả những điều ấy thể hiện thái độ
trân trọng, nỗ lực ngắm nhìn, quan sát vẻ đẹp của sông Đà từ trên cao khi ngồi trên chiếc tàu bay.
Nguyễn Tuân không chỉ một lần làm việc ấy, ông đã nhiều lần bay trên sông Đà để có thể ngắm
nhìn dòng sông ấy qua “làn mây mùa xuân”, “đám mây mùa thu” và phát hiện ra được vẻ đẹp
của sắc nước sông Đà qua mỗi mùa. Mùa xuân tới, mùa của sức sống, nước sông Đà mang màu
xanh ngọc bích – là sắc xanh trong, xanh mang ánh sáng, sắc màu phản chiếu mây trời - một gam
màu dịu dàng, bình lặng của dòng sông vào mùa xuân. Để thấy được sắc xanh như màu xanh của
sông Đà là hiếm và khác biệt với nhiều dòng sông khác Nguyễn Tuân đã so sánh màu sắc của
nước sông Đà với màu nước của sông Gâm, sông Lô là màu xanh đục lờ lờ canh hến. Một dòng
là xanh đục, một dòng là xanh sáng, xanh trong, quả thực người nghệ sĩ ấy đã có sự quan sát rất
tinh tế để đưa vào trang văn của mình những so sánh hết sức nổi bật và chính xác. Khi mùa thu
tới, nước sông đà chuyển từ xanh sang đỏ, báo hiệu mùa lũ dữ dội đang về, dòng nước sông Đà
mang phù sa từ thượng nguồn về với hạ nguồn, Nguyễn Tuân đã quan sát dòng sông bằng cả
niềm say mê, kiên trì trong những khoảng thời gian khác nhau đồng thời từ đó cung cấp những
đặc điểm riêng của dòng sông. Sông Đà mùa thu được Nguyễn Tuân diễn tả trong một liên tưởng
độc đáo – nước sông “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ
giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.” Một sinh thể vô tri nay xuất hiện với
những cảm xúc thay đổi từ dịu dàng bình yên trong làn mây mùa xuân bây giờ chuyển sang giận
dữ của mùa thu, nhìn nhận con sông dưới góc độ tinh tế đến vậy có lẽ chỉ Nguyễn Tuân làm
được mà thôi. Từ “lừ lừ” vừa như vẽ ra trước mắt người đọc một dòng chảy chậm chạp, nặng nề
của con sông, vừa thể hiện tính cách khó chịu, cáu kỉnh, lầm lì của con người, cũng từ cách dùng
từ ngữ miêu tả ấy dòng sông Đà từ một con sông vô tri nay trở thành sinh thể có linh hồn, tính
cách, in đậm trong tâm trí bạn đọc.
Khi nói về sông Đà, Nguyễn Tuân đã lên tiếng gay gắt phản đối việc thực dân Pháp gọi tên dòng
sông là sông Đen. Câu phủ định được người nghệ sĩ đặt lên trang văn giống như một sự khẳng
định cho việc chắc chắn chưa hề bao giờ dòng sông này đen cả. Thực dân Pháp đã “đè ngửa con
sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thể mà phiết vào bản đồ
lai chữ.” Điều đó khiến cho một người yêu dòng sông Đà như nhà văn cảm thấy rất bất mãn.
Nguyễn Tuân thẳng thắn thể hiện thái độ không đồng tình của mình khi thực dân Pháp gọi con
sông bằng một cái tên thiếu tính thẩm mỹ. Câu văn ấy cho ta thấy rõ hơn về tính cách của
Nguyễn Tuân – một người nghệ sĩ tôn thờ cái đẹp, trân trọng cái đẹp thậm chí là chiến đấu vì cái
đẹp. Ngay từ cách gọi tên dòng sông – dòng sông ông yêu mến, nếu có gọi cũng phải gọi cho
đúng tên.
Những đoạn văn miêu tả hình tượng sông Đà đã thể hiện được phong cách độc đáo, tài
hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Trước hết, điều làm nên phong cách nghệ thuật của Nguyễn
Tuân là cách tiếp cận, miêu tả thiên nhiên từ phương diện thẩm mỹ. Qua ngòi bút tài hoa của
Nguyễn Tuân, Sông Đà tựa như một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho con
người. Sông Đà, trong cảm nhận của nghệ sĩ Nguyễn Tuân, là hiện thân của cái đẹp- đẹp trong sự
độc đáo, trong sự hùng vĩ, dữ dội và đẹp trong sự thơ mộng, trữ tình. Đó chính là “chất vàng”
của thiên nhiên mà Nguyễn Tuân đã tìm kiếm bấy lâu nay. Qua hình tượng sông Đà, nhà văn kín
đáo thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết và mê say đối với vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, cũng
như vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
Việc xây dựng hình tượng Sông Đà cũng cho thấy được tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc
thầy của Nguyễn Tuân: Nhà văn vận dụng vốn tri thức hết sức phong phú, giàu có từ nhiều lĩnh
vực như văn chương, lịch sử, địa lý, điện ảnh, quân sự,…để miêu tả Sông Đà. Ngôn ngữ không
chỉ giàu có mà còn rất sinh động, giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu. Nhà văn dùng nhiều hình ảnh so
sánh, nhân hóa thể hiện sức liên tưởng độc đáo, trí tưởng tượng phong phú của mình để miêu tả
sự hùng vĩ và thơ mộng của con sông. Câu văn “co duỗi nhịp nhàng”, lúc ngắn gọn, gân guốc,
khi trải dài thật êm ả, nhẹ nhàng.
“Cứ như thế, mỗi trang mỗi dòng của Nguyễn Tuân đều mang đến cho người đọc những
hiểu biết, những tri thức phong phú, mới lạ ít có ở những người khác. Hơn nữa, những tri thức ấy
lại được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật rất tinh xảo, uyển chuyển và sinh động vô
cùng”. (Đỗ Ngọc Thống). Qua đoạn trích, người đọc cảm nhận rõ nét chất tài hoa và cái tôi giàu
cảm xúc trong nghệ thuật tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân. Ngòi bút Nguyễn Tuân luôn hướng
đến chuẩn mực “ mỹ” thậm chí có lúc cực đoan, ông đẩy nó lên thành một thứ chủ nghĩa duy mỹ
để tôn thờ. Ông hiểu sâu sắc, yêu say mê cái đẹp, ông tôn thờ cái đẹp bởi vốn là “ con người sinh
ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa” (Đôi tri kẻ gượng). Ông nhìn sự vật bằng con mắt của
người họa sĩ, dưới góc độ thẩm mĩ; tài hoa thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn
trước vẻ đẹp hùng vĩ và mĩ lệ của thiên nhiên đất nước với những trang văn đẹp như thơ, như
nhạc, như hoạ. Nguyễn Tuân tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc khám phá, phát hiện và ngợi ca
phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động và “chất vàng mười” trong tâm hồn con
người Tây Bắc. Ở lối viết uyển chuyển, linh hoạt; cách so sánh, liên tưởng nhiều tầng bậc, bất
ngờ, độc đáo. trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên đất nước. Tất cả những điều đó đã tạo nên
phong cách tài hoa, uyên bác rất mực độc đáo của Nguyễn Tuân.
Tác phẩm là một áng văn đẹp được dệt từ tình yêu đất nước thiết tha của một con người
muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên,
nhất là vẻ đẹp dũng cảm, tài hoa của người lao động… Nhưng có lẽ con đường đến với cái đẹp
của Nguyễn Tuân phản ánh đúng quy luật của những tài năng nghệ thuật chân chính- sáng tạo ra
cái đẹp không phải như là một phương tiện mà là như một mục đích. Qua đôi mắt người lái đò,
hay là đôi mắt của tác giả Sông Đà tạo nên những dòng cảm xúc thật lạ kì, thần tiên và mộng mơ
quá đỗi. Có lẽ khi yêu mảnh đất này, cảm nhận ở mọi khịa cạnh đều toát lên vẻ đẹp không phải
nơi nào cũng có được. Và Sông Đà cũng vậy, một vẻ đẹp khiên người đọc phải ngỡ ngàng.
Tóm lại, với Nguyễn Tuân, sông Đà mang một vẻ đẹp hoàn mĩ, trở thành một sinh thể
sống động, có hồn. Dòng sông vừa hùng vĩ dữ dội, vừa thơ mộng, vừa trữ tình. Phải là một con
người yêu mến tự hào trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, nhà văn mới có thể miêu tả được
Sông Đà như thế. Có thể nói, qua lời văn ca ngợi sông nước Đà giang, ta thấy được sự gắn bó
của Nguyễn Tuân đối với quê hương đất nước. Sông Đà đúng là thứ vàng mười của thiên nhiên
Tây Bắc mà nhà văn luôn khát khao kiếm tìm và thể hiện trong các sáng tác của mình. Vì thế mà
hình ảnh Sông Đà đã góp thêm một bức tranh đẹp về sông nước quê hương:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình lại bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
(Nguyễn Khoa Điềm, “Mặt đường khát vọng”)

You might also like