Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

KHOẢNG TRỜI – HỐ BƠM

Lâm Thị Mỹ Dạ
“Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm của chúng chính
là con người.” (Nguyễn Minh Châu) Hai cuộc kháng chiến trường kỳ đi qua đâu chỉ làm
dày thêm những trang hùng sử, tô điểm thêm những giá trị nhân bản của con người
Việt Nam mà còn gieo vào bao vần thơ, trang viết những “bài ca không bao giờ quên”.
Đến với “Khoảng trời - hố bom”, chốn Trường Sơn “xẻ dọc, rọc ngang”, “đông nắng, tây
mưa” (“Nước non ngàn dặm” - Tố Hữu) hiện ra trước mắt ta vô cùng chân thực dưới
bút lực tài tình của nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bài thơ như chứa đựng hết nỗi niềm xót
xa trước sự hy sinh của những bông hoa thép đã ngày đêm miệt mài làm công tác mở
đường trên tuyến lửa để rồi từ đó khiến cho người đọc không khỏi cảm phục trước
những cống hiến không biết mệt mỏi của lớp lớp những cô gái “Xẻng tay mà viết nên
trang sử hồng”.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng là một nữ thanh niên xung phong đi mở đường và
bén duyên với thơ văn ngay trên mặt trận đầy khói lửa. Những vần thơ đề tên bà bắt
đầu xuất hiện từ những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác
liệt trên cả hai miền đất nước. Phong cách thơ của bà trực cảm, bất ngờ, nữ tính và hồn
nhiên như thể bất chấp, như thể muốn vượt lên tất thảy mọi mưa bom, bão đạn đang
thét gào. “Khoảng trời - hố bom” ra đời năm 1972 - khoảng thời gian cuộc kháng chiến
chống Mỹ của dân tộc ta trở nên ác liệt hơn bao giờ hết, khi máy bay địch quần đảo,
ném bom triệt phá con đường lưu thông Nam - Bắc. Câu chuyện về nữ thanh niên xung
phong đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ thông đường cho xe chạy đã trở thành nguồn
cảm hứng cho nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bài thơ như một lời tri ân đối với những con
người đã hóa thân vào đất để làm nên lịch sử, những “cái chết đã hóa thành bất tử”, sự
hy sinh đã gieo niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai để những người còn ở lại tiếp tục
bám trụ với chiến hào, vững tay súng giành lại từng thước đất từ tay Đế quốc.
Ngay từ cách đặt nhan đề, bài thơ đã tạo ấn tượng cho người đọc về sự đối lập
đến nghiệt ngã giữa hai hình ảnh “khoảng trời” và “hố bom”, giữa một bên là sự sống,
một bên là cái chết, một bên là hòa bình, một bên là chiến tranh. Câu chuyện được bắt
đầu rất bình dị mà xúc động biết bao về người con gái thanh niên xung phong ấy:
“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình để thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”.
Bài thơ mở ra với câu thơ thật nhẹ nhàng, tựa như những câu chuyện cổ tích:
“Chuyện kể rằng”. Thế nhưng ở nơi chiến trường khốc liệt ấy, làm gì có ông bụt, bà tiên,
làm gì có một thế giới nhiệm màu, đó chỉ có thể là trọng điểm của bom đạn điên cuồng
bắn phá, nơi mỗi cành cây, ngọn cỏ đều oằn mình vì khói thuốc, mỗi một tấc đất đều
thấm đẫm xương máu của bao người. Không gian của bài thơ ngay từ đầu đã là không
gian của chiến tranh, là địa bàn tung hoành của lưỡi hái thần Chết thế nhưng những cô
gái ấy đã không quản hy sinh thân mình “để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương”.
Biện pháp nhân hóa mà tác giả dùng ở đây đã tái hiện lên tất cả sự tàn phá khốc liệt trên
chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ, đúng như Tố Hữu đã nói, tuổi trẻ chưa đặt
chân lên Trường Sơn “như chưa hiểu mình”. Nhưng dù vậy, dưới làn bom đạn của giặc
những đoàn xe vẫn nối nhau ra trận, tiếng cuốc mở đường của những đội thanh niên
xung phong vẫn miệt mài ngày đêm không ngơi nghỉ, tiếng hát át tiếng bom vẫn vang
lên trên mỗi cung đường. Tất cả đều dồn hết sức mình cho một nửa Việt Nam còn đang
chìm trong nước mắt. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa anh hùng đã được phát huy cao độ,
mỗi con người đều sẵn sàng hy sinh cho cuộc chiến của dân tộc. Cô gái trẻ trong bài đã
sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của con đường, “cho đoàn
xe kịp giờ ra trận”.
“Em đã lấy tình yêu Tổ quốc thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù – Hứng lấy luồng bom.”
Cô gái đã chọn cái chết một cách bình thản, không hề có chút lưỡng lự, phân vân
bởi tình yêu đất nước đã ngấm sâu vào từng hơi thở, từng suy nghĩ của cô. Tình yêu cao
cả đó đã trở thành ngọn lửa cháy sáng trong trái tim còn căng đầy nhựa sống. Tâm thế
bình thản và hiên ngang đón nhận cái chết về mình để cứu lấy đoàn xe ra trận đã tôn
vinh hơn thế đứng cao đẹp của người nữ thanh niên xung phong.
Từ sự hi sinh ấy, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã có những suy ngẫm giàu triết lý:
“Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau”
Hình ảnh “hố bom và khoảng trời” đã được đặt trong một sự so sánh mang tính
đối xứng đầy ý nghĩa. “Hố bom” ở dưới đất thì sâu hoăm hoắm. “Khoảng trời” ở trên
cao thì xanh mênh mông. “Hố bom” như tiếng nói tố cáo những bom đạn, những tội ác
của giặc, là tàn tích đau thương của chiến tranh. “Khoảng trời” biểu trưng cho sự bình
yên, hiền hòa, đôn hậu của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh ẩn dụ đã ngầm nói lên một chân
lý đất nước Việt Nam sẽ lấy sự hòa bình, lòng nhân hậu của tình người để san sẻ, bù
đắp cho những đau thương, mất mát, những vết thương mà chiến tranh gây ra. Đó
chính là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta và vì thế, một lần nữa khẳng định cái chết cao
đẹp của cô gái chính là một sự hóa thân vào Tổ quốc.
“Em” đã ra đi, đã mang theo “khoảng trời đã nằm yên trong đất”. Nhưng chính
hành động thiêng liêng của “em” đã làm cho nhà thơ cảm nhận như là sự hóa thân vào
quê hương, đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên, của cuộc sống:
“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời sáng lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng

Và ban ngày khoảng trời ngập nắng


Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực.
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?”
“Em” hi sinh nhưng “em” không trở về với cát bụi mà “em” đã hóa thân vào đất
nước, vào non sông. Tâm hồn “em” là bầu trời sao thắp sáng đêm dài, thịt da căng đầy
nhựa sống của “em” là những vừng mây trắng bồng bềnh trôi. Trái tim trong ngực “em”
là mặt trời chói lọi. Ánh mặt trời đó làm thao thức cả vầng dương trên bầu trời kia. Bởi
ánh sáng ấy cháy mãi trong “em” tình yêu Tổ Quốc. Những hình ảnh thơ đã được xem
xét trong mối quan hệ đối lập, gợi liên tưởng: “khoảng trời - hố bom”, “thịt da - vầng
mây”, “mặt trời - trái tim” đã có sự khái quát về vòng tuần hoàn của sự sống bất tử của
con người vào thiên nhiên, Tổ quốc. Tuổi trẻ vào đời đang độ thanh xuân của cô gái mở
đường không luồng bom nào giết nổi. Từ dưới đất sâu, lòng yêu đời, yêu cuộc sống của
“em” vẫn len lỏi lên h mình vào cuộc sống trường tồn, vĩnh cửu. Chính sự so sánh và
liên tưởng độc đáo này một lần nữa làm sáng lên những nghĩ suy đầy tính triết lý của
tác giả về chiến tranh và cuộc sống, cái chết và sự bất tử, cái hữu hạn và cái vô hạn của
đời người. Đạn bom từ cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ không thể nào khuất
phục được những trái tim ngoan cường của con người Việt yêu nước, những con người
sẵn sàng hi sinh thân mình cho nền hòa bình của đất nước. Có lẽ chính vì vậy mà Tố
Hữu từng viết rằng:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử.”
Chết không phải là chấm dứt sự sống mà có những cái chết đã nhập vào hồn
thiêng dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân. Những con người anh hùng đó bất tử nơi
lồng ngực những người đang chiến đấu cho cuộc chiến vệ quốc chưa hề ngơi nghỉ này:
“Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài”
Trái tim “em” là vầng mặt trời chói lọi trong lòng mỗi người, hay nói đúng hơn,
chính lòng can đảm, kiên trung của “em” đã tỏa sáng trong lòng đồng đội, đã trở thành
ánh sáng soi đường, là nguồn động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho những người
đang sống và chiến đấu. Bom đạn càng điên cuồng tàn phá, thì dân tộc ta càng kiên
cường ngẩng cao đầu chiến đấu. Sự hy sinh của “em” hay biết bao những chiến sĩ khác
là sự hy sinh cho đất nước trường tồn và đi lên, “bước tiếp quãng đường dài” của cách
mạng dân tộc, sống tiếp quãng đời mà em không được sống. Đồng đội “em” sẽ được
tiếp thêm sức mạnh chiến đấu vì trong lòng đã được thắp sáng bởi “vầng mặt trời”
mang hình bóng của “em”.
Tình cảm của nhà thơ dành cho cô gái mở đường Trường Sơn đã dần dần được
nâng cao hơn thành tình yêu lý tưởng, lòng tự hào dân tộc:
“Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”
Cái chết của “em” góp phần mang lại khoảng trời bình yên cho dân tộc. Tác giả
“soi lòng mình trong cuộc sống của “em” là sự đối diện với cái chết cao đẹp, đối diện
với cái đau thương mà anh hùng của đất nước để thấy mình thêm sức mạnh, thêm niềm
tin để sống và chiến đấu cho xứng đáng với những lý tưởng cao đẹp kia.
Hai câu thơ cuối cùng đã đúc kết toàn bộ ý nghĩa của bài:
“Gương mặt em bè bạn tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.”
Cái chết thiêng liêng nhưng cũng rất là giản dị. Sự hy sinh thầm lặng của “em” đã
đi vào con tim của những người còn sống. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết trong
bài thơ “Đất nước” thế này:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên đất nước.”
Biết bao nhiêu đóa hồng thép đã ở lại mãi với núi rừng Tây Nguyên đại ngàn,
“em” sẽ mãi là một gương mặt đại diện mà mỗi người mang trong tim một gương mặt
riêng, “em” đã hóa thân thành bao gương mặt và trở thành một hình tượng lý tưởng mà
mọi người mang theo bên mình. Chính vì thế, “em” - cô gái mở đường Trường Sơn đã
vượt lên trên cái chết, trở thành bất tử song hành cùng đồng đội mình trên con đường
chiến đấu cho Tổ quốc mai sau.
“Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật đầy.” (Tố Hữu) Thơ là giao ước
ngàn đời giữa trái tim với con chữ mà chỉ khi cảm xúc nơi tim nóng ấy đã thật đầy, giao
ước ấy mới được thực thi dưới ngòi bút tài hoa của những người “phu chữ”. Lâm Thị
Mỹ Dạ viết về một con người có thật, một câu chuyện có thật nên cảm xúc của bà cũng
chính là niềm xúc động chân thành trong lòng người đọc, tạo nên sức sống lâu bền của
tác phẩm. Đồng thời, những biện pháp mỹ từ hoá đặc sắc như ẩn dụ, so sánh, liên tưởng
trong thơ đã đạt được độ khái quát cao mang tính triết lý sâu sắc và giọng điệu thơ tự
nhiên, chân thành, đằm thắm, lắng sâu góp phần không nhỏ cho sự thành công của bài
thơ.
“Khoảng trời – hố bom” là một bài thơ hay trong dòng văn học kháng chiến
chống Mỹ. Bài thơ nói về sự hy sinh cao cả của người phụ nữ thanh niên xung phong,
qua đó tác giả thể hiện lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa anh hùng bất diệt của nhân dân
Việt Nam. “Em” hay cũng chính là biết bao thế hệ tuổi trẻ cứu nước ấy mãi mãi là một
tượng đài cao đẹp, họ là những con người:
“Gánh cả non sông vượt dặm dài
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(“Theo chân Bác” - Tố Hữu)

You might also like