Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 19

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÚ YÊN

TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ


----

Tuy Hòa, ngày 15, tháng 10 ,năm 2020.

CHUYÊN ĐỀ:

CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC VÀ LÃNG MẠN


TRONG VĂN HỌC 1930-1945

Giáo viên hướng dẫn: Đặng Thị Hồng Đào

Người thực hiện: - Đặng Thị Kim Anh


- Bùi Tuyết Nhi

Lớp:11C2

Năm học: 2020-2021


A. PHẦN MỞ ĐẦU:

I. Lí do chọn đề tài:

Xuất hiện vào những năm 30 của thế kỉ XX khuynh hướng hiện thực ở
Việt Nam đã góp thêm tiếng nói tích cực vào sự nhận thức với tinh thần phân
tích phê phán các mối quan hệ thối nát trong xã hội đương thời, nhen nhóm thái
độ bất bình với thực tại, tỏ lòng thương cảm với những số phận khốn khổ. Trải
qua bề dày thời gian, những tác phẩm của thời kì văn học hiện thực phê phán ấy
đến nay vẫn nguyên giá trị và luôn có sức ám ảnh với tương lai.

Chuyên đề: Văn học hiện thực 30 - 45 giúp học sinh hiểu về một trào lưu
văn học xuất hiện trong thời kỳ phức tạp của lịch sử dân tộc. Mặt khác, chuyên
đề còn giúp các em biết thêm về đội ngũ nhà văn đã định hình thành những
phong cách lớn và những sáng tác của họ thực sự là thành tựu của nền văn học
Việt Nam thế kỷ XX.

II. Đối tượng nghiên cứu:

Chuyên đề Văn học hiện thực 30 - 45 tập trung tìm hiểu sâu về văn học
hiện thực giai đoạn 1930-1945 về nội dung, các thành tựu nghệ thuật trong đó
có phân tích một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của dòng văn học này.

III. Phạm vi chuyên đề:

Tập trung vào mảng văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945 đi từ những
vấn đề lịch sử đến quá trình phát triển và thành tựu nổi bật.

Tập trung vào một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Văn
học lớp 11 SGK nâng cao: “Chí Phèo”, “Đời thừa” - Nam Cao; Chương “Hạnh
phúc của một tang gia” (trích Số Đỏ) – Vũ Trọng Phụng

B. PHẦN NỘI DUNG:


I. Giới thuyết về Văn học hiện thực và lãng mạn:

1. Khái niệm về hiện thực và lãng mạn:

* Khái niệm về hiện thực:

Về tên gọi đến nay còn nhiều tranh cãi. Trong “Từ điển văn học” Trần
Đình Sử ( chủ biên) đã đưa ra hai cách hiểu về thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực.
Theo nghĩa rộng thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực được hiểu là mối quan hệ giữa
tác phẩm và hiện thực đời sống bất kể đó là tác phẩm thuộc trường phái, khuynh
hướng văn nghệ nào. Với ý nghĩa này, khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như
đồng nhất với khái niệm sự thật đời sống, vì tác phẩm văn học nào cũng mang
tính hiện thực. Tuy nhiên cách hiểu này chưa mang màu sắc rõ nét của chủ nghĩa
hiện thực để phân biệt với chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa cổ điển…Cũng
theo nhóm tác giả đó, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa hẹp chỉ một
phương pháp hiện thực, một khuynh hướng, trào lưu văn học có nội dung chặt
chẽ, sắc sảo được xác định bởi nguyên tắc mĩ học riêng.

Trong cuốn “Lí luận văn học” do nhóm tác giả Phương Lựu, Trần Đình
Sử, Nguyễn Xuân Nam, La Khắc Hòa, Lê Ngọc Trà, Thành Thế Thái Bình mà
phần chủ nghĩa hiện thực phê phán do Phương Lựu đảm nhiệm, sau này được
dựng lại trong cuốn “Tiến trình văn học” tập 3 cũng do tác giả chủ biên thì đã
đưa ra những cách hiểu khác về khái niệm này. Theo tác giả, “chủ nghĩa hiện
thực có khi được dùng không phải với nghĩa một phương pháp sáng tác mà với
nghĩa kiểu sáng tác tái hiện”. Còn nếu hiểu “Chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa là
phương pháp sáng tác thật ra có nhiều dạng. Đó là chủ nghĩa hiện thực thời Phục
hưng, chủ nghĩa hiện thực thời Khai sáng, chủ nghĩa hiện thực trong thời phong
kiến mạt vận ở phương Đông. Nhưng chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX ở Tây Âu
đạt đến đỉnh cao nhất, cho nên người ta gọi là chủ nghĩa hiện thực cổ điển, và vì
cảm hứng chủ đạo của nó là phê phán cho nên theo ý kiến của M.Gorki người ta
thường gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán”. Và trong giáo trình đó tác giả
khẳng định cách trình bày chủ nghĩa hiện thực như một phương pháp sáng tác.
Theo “Bách khoa toàn thư” Chủ nghĩa hiện thực là một “trào lưu văn học
nghệ thuật, là phương pháp sáng tác lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có
thật của con người làm đối tượng phản ánh”.

Như vậy, các công trình khoa học và các nhà lí luận có uy tín đã đưa ra
những cách hiểu của nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa hiện thực nhưng tựu
trung lại họ đã gặp gỡ nhau ở điểm coi chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu văn
học, một phương pháp sáng tác nhằm mô tả thế giới như nó là, nhằm triển lãm
cuộc sống trong trạng thái trung thực của nó. Đồng thời muốn thực hiện thành
công phương pháp này các nhà văn cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc mĩ
học nhất định như: xây dựng những hình tượng điển hình và điển hình hóa các
sự kiện của cuộc sống; thừa nhận mối quan hệ hữu cơ giữa tính cách và hoàn
cảnh, con người và môi trường sống; coi trọng chi tiết cụ thể và có độ chính xác
cao.

* Khái niệm về lãng mạn:

Theo chiết tự lãng: sóng; mạn: phóng túng), lãng mạn tức là phóng túng không
chịu một sự ràng buộc nào, không theo đường lối nào.
Khái niệm lãng mạn từ khi xuất hiện đã gây tranh cãi cho các nhà nghiên cứu, lí
luận như ở Việt Nam... Vì vậy, để xác định được nội dung chính xác của khái
niệm lãng mạn là một điều khó khăn và phức tạp.
Ở Việt Nam: tranh cãi về thơ cũ, thơ mới vào những năm 1932_1935 rất sôi nổi.
Tranh cãi về văn xuôi lãng mãn và hiện thực cũng rất hăng hái.
Trong một tác phẩm văn học có yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn. Cuộc sống
hàng ngày nảy sinh ra vấn đề hiện thực và vấn đề lãng mạn.
Bộ văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930_1945, gồm 8 tập, gần 100 tác phẩm,
khoảng 3.000 trang, có truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Gọi là văn xuôi
lãng mạn nhưng tỷ lệ tác phẩm lãng mạn thấp hơn so với tác phẩm khác còn lại.
Có thể những người xuất bản lấy tên lãng mạn cho dễ xuất bản, tiêu thụ. Nhưng
nó cũng có nguyên nhân: Vấn đề lãng mạn và hiện thực ở văn chương là rất
phức tạp, dễ dẫn đến sự sắp xếp tùy tiện. Ngay giáo sư Nguyễn Hoành Khung
chủ biên bộ sách cũng phải thừa nhận rằng: Trước hết là cái tên lãng mạn không
phù hợp với nhiều tác giả, tác phẩm mà nó định thu gom… Sự phân biệt đối lập
giữa văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán trong khu vực hợp pháp
không phải luôn luôn rõ rệt nên việc vạch ra đường ranh giới rõ rệt giữa hai
dòng hiện thực và lãng mạn là không thể làm được và thực tế không có một ranh
giới như vậy.
Trong lời bạt cho bộ sách Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930_1945 nhà thơ Huy
Cận cũng tỏ ra hoài nghi với cách phân loại như vậy: lanîg mạn hay hiện thực
cũng đành theo một cách phân loại đã quen dùng. Nhưng chúng ta không quen
tính ước lệ nhiều trong cách phân loại ấy. Ông viết tiếp: cho hay những tác
phẩm cao đẹp thì bất chấp sự chia ô hoặc nói đúng hơn là cái đẹp cái hay đó nó
tràn ngập các ô mà chúng ta đã ngăn sẵn.
Nhà thơ Chế Lan Viên không phản đối việc chia ô nào là hiện thực, ô nào là
lãng mạn mà cốt phê phán cách xử lý máy móc, đem đối lập chúng với nhau, hạ
thấp cái này đề cao cái kia: Về văn học trước cách mạng chia ra nào lãng mạn
nào hiện thực thì cũng đúng và cũng nên nhưng chia ra để làm gì? Nếu chỉ nói là
chúng không chống nhau, nam nữ thọ thọ bất thân, nội bất đắc xuất, ngoại bất
đắc nhập thì nguy khiếp lắm. Cho dù đồng sàng dị mộng thì cũng có lúc gác
chân lên nhau qua lại chứ _ Sao không nghĩ chúng cùng thời với nhau, chúng
chịu ảnh hưởng lẫn nhau, có khi chống đối, có khi bổ sung, có lúc thỏa hiệp chứ
đâu chỉ có quan hệ lườm nguýt mới là quan hệ.
Ở Việt Nam văn xuôi 1930_1945 rất khó phân biệt giữa hiện thực và lãng mạn.
Những truyện ngắn của Thạch Lam, Trần Tiêu, yếu tố hiện thực lại nổi lên rất
rõ. Có người cho rằng truyện ngắn Nhà mẹ Lê còn hiện thực hơn Kép tư Bền
của Nguyễn Công Hoan và Tắt đèn của Ngô Tất Tố.
Chủ nghĩa hiện thực thì nghiêng về phản ánh, chủ nghĩa lãng mạn nghiêng về
bộc lộ. Chủ nghĩa hiện thực thì thấy thế nào miêu tả thế ấy bằng phương pháp
điển hình hóa. Chủ nghĩa lãng mạn cảm và suy nghĩ thế nào viết thế ấy. Chủ
nghĩa hiện thực nghiêng về xu hướng hướng ngoại. Chủ nghĩa lãng mạn lại
nghiêng về xu hướng hướng nội. Một bên xem cuộc sống là đối tượng khách thể
để miêu tả, một bên lấy cái Tôi làm trung tâm để thể hiện.

Tóm lại tác phẩm văn chương ít nhiều có chứa đựng yếu tố hiện thực
và lãng mạn.

*Phân biệt giữa lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực:

Trong bài Tôi đã học viết như thế nào? Goocki đã gặp tư tưởng Lênin, thấy cần
thiết phải phân biệt trong văn học lãng mạn có hai loại: lãng mạn tích cực và
lãng mạn tiêu cực Lãng mạn tiêu cực hoặc đưa con người thỏa hiệp với thực tại
hoặc tô vẻ thực tại , hoặc tách con người ra khỏi thực tại đi vào thế giới nội tâm
với những ý tưởng về những bí ẩn thiên định về cuộc đời, về ái tình, về cái
TôiÐặc điểm của xu hướng lãng mạn là chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa thần bí,
thái độ đối địch với lý trí, sự thoát li thực tại và quay về quá khứ ( trung cổ), dựa
vào tôn giáo dựa vào trí tưởng tượng môt cách bệnh hoạn, thích thú với cái
hoang đường kỳ ảo. Xu hướng này gọi là lãng mạn tiêu cực (hay lãng mạn bảo
thủ phản động) . Vì nó chống lại mọi sự tiến bộ của xã hội, quay lưng lại phong
trào đấu tranh của nhân dânLãng mạn tích cực: tìm thấy vào những năm
1810_1830 ở Châu Âu lúc mâu thuận sâu sắc giữa giai cấp Tư sản với chế độ
phong kiến. Khi cách mạng Tư sản nổ ra ở các nước Châu Âu là muốn giải
phóng nhân dân khỏi ách phong kiến nhưng cuộc sống của nhân dân vẫn phải
sống ách nô lệ và sự kiểm soát của một chế độ mới. Các nhà lãng mạn tích cực
phủ nhận thực tại xã hội, những sáng tác của họ phù hợp với lợi ích của nhân
dânCả hai xu hướng này có điểm gặp nhau. Ðặc điểm chính của thế giới quan
lãng mạn sự lí giải thường là chủ quan về các hiện tượng đời sống, gán cho đời
sống cái mà chủ thể nghệ sĩ mơ ước được thấy. Do đó các nhà lãng mạn không
có nhận thức chính xác, mà có khi tùy tiện bóp méo các qui luật khách quan về
sự phát triển của thực tại, đem đối lập cá nhân với xã hội, đề cao vai trò cá nhân
trong lịch sử. Bất bình với thực tại, các nhà lãng mạn muốn tìm ra giải pháp
chống lại những tệ nạn xấu xa của xã hội. Nhưng không nhận thức đúng đắn qui
luật lịch sử cụ thể nên chương trình của họ thường xuất phát từ ý tưởng trừu
tượng thường có tính chất không tưởng. Như Victohuygo tuy có cảm tình sâu
đậm với những Người khốn khổ nhưng lại đi tìm giải pháp cứu khổ bằng giải
pháp tình thươngViệc phân chia chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và chủ nghĩa lãng
mạn tích cực lại nảy sinh ra vấn đề: sự đối lập về hệ tư tưởng sao lại có thể nằm
chung trong cùng một phương pháp sáng tác lãng mạn. Theo quan điểm của
Lênin về hai dong văn hóa trong một nền văn học dân tộc. Có thể hai dòng văn
hóa đối lập nhau về hệ tư tưởng. Nhưng không phải vì thế mà tính thống nhất
của nền văn hóa dân tộc bị phá vỡ. Phải chăng các nền văn văn hóa dù lãng mạn
tiêu cực hay tích cực vẫn có những nét chung về tư duy nghệ thuật làm nền
khuynh hướng lãng mạn.
2. Thời điểm ra đời của hiện thực:

Về thời điểm ra đời của chủ nghĩa hiện thực cho đến nay vẫn có những ý
kiến khác nhau. Trong “Từ điển thuật ngữ văn học” (Trần Đình Sử chủ biên) đã
trình bày nhiều ý kiến về dấu mốc ra đời của chủ nghĩa hiện thực. Có người cho
rằng nguyên tắc phản ánh hiện thực chủ nghĩa hình thành từ thời cổ đại và trải
qua các giai đoạn phát triển lịch sử như Cổ đại, Phục hưng, Ánh sáng, thế kỉ
XIX…Một số khác thì cho là chủ nghĩa hiện thực xuất hiện từ thời Phục hưng.
Nhiều người khẳng định chủ nghĩa hiện thực hình thành từ khoảng những năm
30 của thế kỉ XIX.

Theo “Bách khoa toàn thư” những tác phẩm có tính hiện thực hay giá trị
hiện thực đã xuất hiện từ lâu trước khi có chủ nghĩa hiện thực tuy nhiên chủ
nghĩa hiện thực với tư cách là một trào lưu, một phương pháp hoàn thiện chỉ
xuất hiện vào thế kỉ XIX ở các nước như Anh, Pháp, Ý, Nga sau đó lan rộng ra
các nước khác trên thế giới. Và “Bách khoa toàn thư” khẳng định rằng bài tiểu
luận đầu tiên có tính chất lí luận về chủ nghĩa hiện thực được viết bởi nhà lí luận
Pháp Săngflory vào năm 1857.
Dù rằng các ý kiến còn tranh cãi nhưng không thể phủ nhận được rằng
chủ nghĩa hiện thực có đời sống lịch sử phát triển cụ thể và vào những năm 40
của thế kỉ XIX trở đi chủ nghĩa hiện thực trong văn học đã bước sang một giai
đoạn phát triển hoàn chỉnh và rực rỡ, mang cảm hứng phân tích mới về hiện
thực đó là phê phán. Từ đây chủ nghĩa hiện thực mang tên mới: chủ nghĩa hiện
thực phê phán.

Ở Việt Nam, những tác phẩm của văn học trung đại như Truyện Kiều,
Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến…đã
phơi bày hiện thực khách quan của cuộc sống. Phải đến Hồ Biểu Chánh, Phạm
Duy Tốn…mới khơi dòng cho khuynh hướng hiện thực khi các tác phẩm thể
hiện màu sắc phong tục, nếp sống của một số miền đất, một số người. Đến
khoảng những năm 30 của thế kỉ XX cây bút hiện thực phê phán Nguyễn Công
Hoan là người bắt đầu đi theo khuynh hướng tả chân, lấy cuộc sống hiện thời,
lấy cái đã và đang xảy ra làm nội dung tác phẩm. Và từ những năm 1930 đến
trước 1945 khuynh hướng văn học hiện thực phát triển rầm rộ, quy mô, nhiều
cây bút tài năng đã xuất hiện như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình
Lạp…và Nam Cao được đánh giá là người có công đưa văn học hiện thực lên
một trình độ mới, trình độ miêu tả tâm lý, khái quát hiện thực.

3. Đặc trưng điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực:

Trong các nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa hiện thực thì điển hình hóa là
đặc trưng cơ bản để phân biệt chủ nghĩa hiện thực phê phán với chủ nghĩa lãng
mạn như X.M.Petorop đã khẳng định “Phạm trù điển hình là phạm trù quan
trọng nhất của mĩ học hiện thực”. Điển hình là những nét mang tính bản chất,
quy luật, những tính cách quan trọng nhất, nổi bật nhất trong đời sống con người
được thể hiện qua sáng tạo của người nghệ sĩ. “Điển hình là một sự khái quát
cao của sáng tạo nghệ thuật” (Trần Đình Sử). Chỉ khi nào nhà văn sáng tạo được
hình tượng mang màu sắc cái riêng thật sắc nét cá tính, sinh động, là “con người
này”, và cái chung lại phải thật khái quát, hơn nữa phải hài hòa cao độ thì mới
có điển hình. Nó là kết quả của sự xuyên thấm nhuần nhuyễn giữa cá thể hóa và
khái quát hóa ở mức độ cao. Tính điển hình là hình thức biểu hiện ở trình độ cao
của hình tượng trong tác phẩm văn học. Trong bức thư gửi nhà văn Hacnet,
Enghen có một câu nổi tiếng “Theo ý tôi, đã nói đến chủ nghĩa hiện thực, thì
ngoài sự chính xác của các chi tiết, còn phải nói đến sự thể hiện những tính cách
điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Như vậy vấn đề điển hình không
chỉ gắn với chủ nghĩa hiện thực mà còn thể hiện trên hai bình diện: tính cách
điển hình và hoàn cảnh điển hình. Tính cách điển hình là sự thống nhất hữu cơ
giữa những đặc tính phổ biến và những đặc tính cá biệt, đặc thù trong một nhân
vật.

Do đó, nhân vật điển hình của văn học theo nhà phê bình Belinxki là
“người lạ quen biết”, là “nhân vật mà tên của nó trở thành danh từ chung”, còn
Lỗ Tấn phát biểu hóm hỉnh rằng “Nhân vật của ông có tà áo Nam Kinh, cái cúc
Chiết Giang, cái miệng Thượng Hải và đôi mắt Phúc Kiến”.

Tính khái quát của hình tượng nhân vật, tính chung của điển hình mà các
nhà văn hiện thực từng quan niệm là “con người lắp ghép, vai chắp vá” đã được
Lỗ Tấn phát biểu trong “Tạp văn tuyển tập” “Lấy ở mỗi người một nét, cho nên
trong số những người liên quan đến tác giả, không thể tìm ra ai giống như thế.
Nhưng vì lấy ở mỗi người một nét, nhiều người thấy phần nào lại giống mình,
và cũng dễ làm cho nhiều người phát cáu”. Trong “Phòng trưng bày vật cổ”
Banzac đã cho rằng “Muốn vẽ một hình tượng đẹp thì mượn dùng cánh tay của
người mẫu này, chân của người mẫu kia, ngực của người mẫu nọ và đôi vai của
người mẫu khác nữa”. Nhờ sự khái quát hóa ấy, tính cách nhân vật sẽ “tiêu biểu
cho các giai cấp và các trào lưu nhất định, do đó, tiêu biểu nhất định cho các tư
tưởng nhất định của thời đại”. (Angghen).

Bên cạnh tính chung, khái quát hóa, nhân vật điển hình phải có tính riêng,
cá thể hóa cao độ, khiến nhân vật vừa quen vừa lạ. Cá thể hóa nhân vật không
phải là để nhân vật làm những việc độc đáo kì lạ mà bản chất, tính cách riêng
của nhân vật vẫn được bộc lộ thông qua cách làm độc đáo đối với những sự việc
bình thường. Khi có tính cá thể hóa nhân vật tự thân trở nên sinh động, hấp dẫn,
chẳng thế mà các nhà hiện thực nổi tiếng luôn ám ảnh về nhân vật của mình,
như Nguyễn Công Hoan khắc khoải về người nông dân điêu đứng vì nạn tranh
cướp ruộng đất của bọn cường hào ác bá, còn Ngô Tất Tố day dứt với số kiếp
long đong lận đận vì nạn sưu thuế của người nông dân. Đến Nam Cao – đại diện
xuất sắc cho chủ nghĩa hiện thực phê phán giai đoạn 30-45 ám ảnh về người
nông dân không chỉ rơi vào cảnh bần cùng hóa mà đau đớn hơn khi bị lưu manh
hóa, tha hóa về nhân cách. Như vậy, nếu như tính chung đòi hỏi nhà văn dám
xông vào giữa cuộc đời để nắm bắt thì tính riêng đòi hỏi nhà văn có khả năng
phân tích, xử lý những biến thái tinh vi trong tâm lý nhân vật. Để hình tượng
mang tính khái quát hóa nhà văn cần có vốn sống phong phú nhưng để hình
tượng độc đáo, sinh động thì đòi hỏi nhà văn phải có khả năng sáng tạo.

Để xây dựng được chân dung điển hình vừa mang cái riêng sắc nét, vừa
mang cái chung khái quát cao, là sự thống nhất của tính cá thể hóa và khái quát
hóa, nhà văn luôn có ý thức đặt nhân vật trong quan hệ nhiều chiều, trong hoàn
cảnh cụ thể, trong cái nhìn vừa tương phản, vừa tương đồng tạo ra tính đối thoại
sâu sắc.

II. Văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945:

1. Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam những năm 1930-1945:

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 – 1933: Thực dân Pháp ra sức vơ vét,
bóc lột để bù đắp cho những thiệt hại của chúng: chúng tăng thuế, bắt phu, bắt
lính, lạm phát giấy bạc. Đông Dương trở thành một thị trường tiêu thụ của Pháp.
Ngày 9/2/1930 cách mạng tư sản thất bại. Giai cấp tư sản một mặt mâu thuẫn
với đế quốc phong kiến, một mặt lại phụ thuộc vào chúng. Địa vị kinh tế non
yếu khiến tư sản dân tộc mất hết khả năng chiến đấu. Đường lối chính trị chủ
yếu của họ là cải lương. Tư sản dân tộc phần lớn do địa chủ chuyển thành hoặc
gắn liền với địa chủ thành thứ tư sản địa chủ khiến cho thái độ chống phong kiến
không dứt khoát. Họ đã tiến hành bạo động nhưng thất bại, trí thức tiểu tư sản
trở nên hoang mang, tìm đường thoả hiệp với thực dân, một số thực hiện nhiệm
vụ giải phóng dân tộc bằng con đường văn chương.

Tháng 9/1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, mặt trận dân chủ tan vỡ,
bọn thống trị ở Đông Dương thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta
vừa giành được, Đảng phải rút vào bí mật. Thời kỳ này phong trào cách mạng
lên cao, cả nước sục sôi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tháng 8/1945 dưới sự
lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi, thành lập nước
Việt Nam dân chủ cộng hoà.

2. Những chặng đường phát triển:

2.1. Chặng đường từ 1930 đến 1935:

Văn học hiện thực với những sáng tác của Nguyễn Công Hoan, tập truyện
“Kép Tư Bền”; Vũ Trọng Phụng – các phóng sự “Cạm bẫy người” và “Kĩ nghệ
lấy Tây”… đã thể hiện tinh thần phê phán tính chất bất công, vô nhân đạo của xã
hội đương thời, đồng thời bộc lộ sự cảm thông thương xót đối với những nạn
nhân của xã hội đó.

2.2. Chặng đường từ 1936 đến 1939:

Do tình hình xã hội có nhiều thuận lợi cho sự phát triển của văn học hiện
thực, các cây bút hiện thực chủ nghĩa như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng
Phụng, Ngô Tất Tố… đã đạt tới độ chín tài năng, liên tiếp cho ra đời những tác
phẩm xuất sắc. Hàng loạt các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như: Giông tố, Số
đỏ, Vỡ đê…., nhiều truyện ngắn xuất sắc và tiểu thuyết như “Bước đường cùng”
của Nguyễn Công Hoan… đều tập trung phê phán tố cáo mãnh liệt những thủ
đoạn áp bức bóc lột, chính sách bịp bợm, giả dối của giai cấp thống trị, đồng
thời phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân với thái độ cảm thông sâu sắc. Cảm
hứng phê phán đã hướng ngòi bút Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô
Tất Tố vào việc khắc hoạ những nhân vật điển hình phản diện có ý nghĩa phê
phán quyết liệt.

2.3. Chặng đường từ 1940 đến 1945:

Cảm hứng phê phán vẫn là chủ đạo song có thêm những nét đặc sắc mới
được thể hiện nổi bật nhất trong những sáng tác của Nam Cao. Nếu Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố thiên về tả thực phản ánh xã hội
đương thời thì Nam Cao không chỉ miêu tả mà còn phân tích lí giải những hiện
tượng, những vấn đề của hiện thực đó. Ngòi bút Nam Cao luôn có xu hướng
phân tích xã hội qua việc phân tích tâm lý nhân vật. Có thể nói, đến Nam Cao,
cảm hứng phê phán đã trở thành cảm hứng phân tích phê phán.

Như vậy, văn học hiện thực phê phán Việt Nam trải qua ba chặng đường
phát triển và đã đạt được thành tựu xuất sắc ở giai đoạn cuối. Dòng văn học này
thực sự đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hoá nền văn học dân tộc.

3. Những thành tựu nổi bật của văn học hiện thực 1930 – 1945:

3.1. Thành tựu về nội dung:

Chủ nghĩa hiện thực phát triển trong khoảng mười lăm năm nhưng đã xuất
hiện nhiều tên tuổi lớn như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng,
Nguyên Hồng, Nam Cao… Tác phẩm của họ là những bức tranh đậm nét về đời
sống xã hội đem lại giá trị nhận thức cao cho người đọc. Khi nhắc đến những tác
phẩm: Bước đường cùng, Tắt đèn, Bỉ vỏ, Số đỏ, Chí Phèo… Nguyễn Khải đánh
giá là những tác phẩm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học. Bức tranh xã hội
lúc đó ảm đạm, nhiều bi kịch, nhiều tệ nạn xã hội, làng quê xơ xác, tiêu điều,
người nông dân bị đẩy đến đường cùng để rồi liều lĩnh, biến chất, trở thành nạn
nhân của xã hội. Ở thành thị, các phong trào do thực dân đề xướng như: “Âu
hoá”, “Vui vẻ trẻ trung”, thi thể thao, cải cách y phục…. ngày càng lộ rõ chân
tướng và tạo ra nhiều nghịch cảnh. Dòng văn học hiện thực phê phán đã phanh
phui, bóc trần bộ mặt xã hội đó.
Các nhà văn hiện thực, lớp trí thức mới vốn xuất thân từ tầng lớp trung
lưu, thậm chí trong những gia đình nghèo, vất vả kiếm sống. Vì thế mà họ gần
gũi, thấu hiểu và đứng về phía người lao động để miêu tả qua những trang viết.

Về quan hệ giữa văn học và cuộc sống, Nam Cao đã có những luận điểm
sâu sắc. Trong tác phẩm “Trăng sáng” nhân vật Điền đã đi từ quan điểm nghệ
thuật lãng mạn đến quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực: “Nghệ thuật
không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật
chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Còn trong “Đời
thừa”, qua nhân vật Hộ, Nam Cao khẳng định thiên chức nhà văn. Hộ hiểu rất rõ
trách nhiệm của người cầm bút, Hộ có lương tâm nghề nghiệp nhưng vì miếng
cơm manh áo mà anh phải đi ngược lại nhưng sau đó anh tự cảm thấy tủi nhục
vì phải sống đời thừa.

3.2. Thành tựu nghệ thuật:

Văn học hiện thực 1930 – 1945 đã tạo dựng được những chân dung nhân
vật có tầm khái quát cao, lại rất chân thực và sinh động, vừa mang ý nghĩa xã
hội vừa có giá trị thẩm mĩ độc đáo, đó là nhân vật điển hình.

Bên cạnh những thành công trong việc xây dựng điển hình sắc nét, văn
học hiện thực phê phán còn đạt đến chiều sâu phân tích tâm lí nhân vật. Các nhà
văn tiêu biểu như Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân…

Nhà văn đạt tới thành công hơn cả ở nét nghệ thuật này là Nam Cao. Nhân
vật trong truyện của ông có chiều sâu tâm trạng, có dòng tâm lí, có đối thoại nội
tâm. Nhiều tác phẩm có cấu trúc tâm lí độc đáo như “Sống mòn”, “Đời thừa”,
“Chí Phèo”.

Nhìn chung, các nhà văn hiện thực trong giai đoạn này đã hiểu rõ thiên
chức của mình. Họ chủ động trên những trang viết, có vốn sống phong phú.
Kiến thức rộng để có thể tạo được hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
4. Cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945:

Văn học hiện thực 1930 – 1945 vận động trên dòng phát triển của thời
cuộc. Sống và viết trong giai đoạn có nhiều biến động về lịch sử, các nhà văn
hiện thực phải nhạy bén nhận thức những chuyển biến xã hội. Hiện thực phong
phú của đời sống đã làm nảy sinh cảm hứng sáng tạo ở người nghệ sĩ. Mỗi nhà
văn nhận thức và phản ánh hiện thực theo một cách cảm hứng riêng.

Cảm hứng trào phúng được xem là chủ đạo trong nhiều tác phẩm của
Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, cảm hứng chủ đạo trong
các sáng tác hai nhà văn này cũng có nét khác nhau.

Với Nguyễn Công Hoan, cảm hứng ấy là sự phê phán kịch liệt xã hội thực
dân phong kiến đương thời với những sản phẩm thối nát của nó. Đồng thời là
thái độ bênh vực những người nghèo khổ. Qua những truyện ngắn trào phúng
của mình tác giả làm nổi bật thực trạng xã hội Việt Nam trước cách mạng xây
dựng trên sự bóc lột của người giàu đối với người nghèo, phơi bày tất cả sự giả
dối, những mâu thuẫn trớ trêu, nghịch cảnh phi đạo lí. Tiếng cười trào phúng đã
đánh trúng vào bọn thực dân tư, tư sản và bọn nhà giàu ở thành thị, bọn cường
hào ác bá ở nông thôn, bọn quan lại ở các phủ huyện. Ông đặc biệt căm ghét bọn
quan lại ôm chân đế quốc để kiếm ăn trên lưng những kẻ nghèo hèn. Những
truyện ngắn trào phúng có tính đả kích sâu cay của Nguyễn Công Hoan như:
“Đồng hào có ma”, “Tinh thần thể dục”

Dưới con mắt của nhà văn trào phúng bậc thầy Vũ Trọng Phụng, cuộc đời
như một tấn bi hài kịch. Ở tiểu thuyết “Số đỏ”, nghệ thuật trào phúng đã chứng
tỏ ở Vũ Trọng Phụng một bản lĩnh nghệ thuật già dặn, một tài năng nghệ thuật
độc đáo. Cảm hứng ấy chính là lòng căm thù mãnh liệt đối với bọn thực dân,
quan lại, địa chủ, tư sản… những loại người đểu giả và lố lăng. Mặt khác, còn là
niềm say mê khám phá các thói tật, các mặt xấu, những cái vô nghĩa lý đáng
cười ở con người. Với tài nghệ bậc thầy Vũ Trọng Phụng đã làm bùng lên trên
sân khấu đại hài kịch “Số đỏ” tiếng cười mỉa mai, hài hước, khi châm biếm, đả
kích, khi căm phẫn hằn học cái xã hội bẩn thỉu, giả dối, vô luân. Có thể nói lòng
căm thù chính là sức mạnh nghệ thuật của tài năng văn chương ở nhà văn mệnh
yểu này.

Văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 cùng với cảm hứng trào phúng
còn có cảm hứng bi kịch cũng được xem là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng ấy
thấm nhuần trong các sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao. Trong
“Tắt đèn”, nhà văn không chỉ quan tâm tới nỗi khổ lớn của người nông dân về
mặt vật chất mà còn đặc biệt quan tâm tới nỗi khổ về tinh thần của họ. Cảm
hứng bi kịch thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn. Ngòi bút nhân đạo của
Ngô Tất Tố tập trung thể hiện tấn bi kịch tâm hồn với những tình cảm phong
phú, sâu sắc của chị Dậu, người phụ nữ giàu lòng vị tha, yêu chồng, thương con
hết mực bị đẩy vào hoàn cảnh éo le. Để có tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi hoàn
cảnh cùm trói chị đã dứt ruột bán đứa con mình. Không có nỗi đau nào lớn hơn
như thế nhưng chị đã không thể làm khác. Cảm hứng bi kịch khiến Ngô Tất Tố
đã xoáy sâu vào cảnh bán con…Chính lúc này chị Dậu mới phát hiện ra ở đứa
con của mình đức tính mà lúc thường chưa bộc lộ hết. Còn cái Tí càng thương
cha, càng quyến luyến lũ em, nó càng nhận ra tình thế không sao tránh khỏi bị
đem bán của mình. Ban đầu nó van xin, khóc lóc rồi khi hiểu ra nó cắn răng chịu
đựng, chấp nhận để mẹ bán cho nhà Nghị Quế. Tác giả đã sử dụng thủ pháp kéo
căng thời gian nghệ thuật để làm dậy lên những tình cảm xót thương trong lòng
người đọc.

Nguyên Hồng vốn là một nhà văn hay đa sầu đa cảm. Trong sáng tác của
mình ông đã thể hiện sâu sắc nỗi đau khổ uất ức của người dân lao động nghèo,
trước hết là người phụ nữ và trẻ em bất hạnh. Ở Nguyên Hồng có một tình cảm
vừa nồng nàn, sôi nổi, vừa mãnh liệt, thống thiết đối với người cùng khổ, qua đó
thể hiện niềm tin của mình vào phẩm chất tốt đẹp ở người lao động. Có thể nói,
trên những trang viết của Nguyên Hồng nồng nàn hơi thở của đời sống cần lao.
Viết văn bằng sự tỉnh táo của lí trí và sự yêu thương tha thiết của trái tim,
cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Nam Cao là niềm khát khao đến cháy bỏng
làm sao để con người được sống xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI. Đó là
được sống lương thiện, được phát huy khả năng của loài người chứa đựng trong
mỗi con người. Mong muốn này đã dẫn đến nỗi đau khôn nguôi trước tình trạng
con người bị xúc phạm về nhân phẩm, bị huỷ hoại về nhân tính, bị bóp chết
những ước mơ, bị đẩy vào tình trạng sống mòn, không lối thoát. Từ khát vọng
về một cuộc sống có ý nghĩa mà dưới cái nhìn của Nam Cao nhân loại đang lâm
vào tình trạng huỷ hoại về nhân tính, chết ngay khi đang sống. Cảm hứng chủ
đạo này đã chi phối cả thế giới nhân vật trong sáng tác của nhà văn.

Cảm hứng chủ đạo của văn học hiện thực 1930 – 1945 khá đa dạng. Trong
sáng tác của mỗi nhà văn hiện thực, cảm hứng chủ đạo cũng có những tính chất,
đặc điểm khác nhau. Tất cả đều hướng đến tập trung thể hiện bản chất thối
nát,tính chất vô nhân đạo của xã hội Việt Nam trước cách mạng, thái độ phê
phán xã hội dẫn tới yêu cầu khách quan phải thay đổi. Điều này cho thấy mặt
tích cực, tiến bộ của trào lưu văn học này.

5.SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN VIỆT
NAM:
Tất nhiên để có một trào lưu văn học thì bao giờ cũng cần có một hay nhiều
người khởi xướng với sự tham gia tích cực của văn giới, và được đón nhận đông
đảo của độc giả. Từ 1932 đến 1935 đã nổ ra hàng loạt các cuộc tranh luận văn
học sôi nổi được tham gia của nhiều tờ báo và các nhà văn, nhà thơ: tranh luận
về thơ mới thơ cũ, tranh luận về bỏ cũ theo mới, tranh luận về hôn nhân và gia
đình, tranh luận về nghệ thuật phục vụ cái gì. Các cuộc tranh luận này phản ảnh
cuộc đấu tranh giữa lễ giáo phong kiến với tự do cá nhân, giữa khuôn sáo và tư
tưởng gò bó với cảm xúc cá nhân được tự do bày tỏ. Hai tờ Phong Hóa và Ngày
Nay do Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương là cơ quan ngôn luận
cổ võ mạnh mẽ cho sự thay cũ đổi mới và là nơi qui tụ văn chương của các nhà
văn, nhà thơ trong trào lưu văn học lãng mạn gồm có Nhất Linh, Khái Hưng
(19), Thế Lữ, Huy Cận (20), Thạch Lam (21), Xuân Diệu (22), Thanh Tịnh (23),
Vũ Đình Liên (24), Đoàn Phú Tứ (25).
Sự thành công của trào lưu văn chương lãng mạn cũng phải kể đến các tờ Hà
Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tao Đàn, Thanh
Nghị với sự tham gia của các tác giả như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên (26),
Hàn Mặc Tử (27), Phạm Huy Thông (28), Bích Khê (29), Nguyễn Tuân (30), Vũ
Hoàng Chương (31), Nguyễn Xuân Sanh, v.v. Sự toàn thắng của phong trào thơ
mới cũng là tiếng trống khải hoàn cho trào lưu văn học lãng mạn, chấm dứt hoàn
toàn lối thơ văn cũ từ thời Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong trở về trước.
6.ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN CHUƠNG LÃNG MẠN THỜI KỲ 1930-1945:
Văn chương lãng mạn đánh dấu một cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đã
thay đổi hệ thống tư tưởng thời phong kiến bằng cách thay thế cái ta trong văn
chương lịch triều sang cái tôi của văn học hiện đại. Cái tôi không còn là cái đáng
ghét nữa (32). Trước kia, cái tôi cá nhân không có địa vị trong văn học và xã
hội. Cá nhân được sử dụng như một hình ảnh tượng trưng và bị hòa tan trong cái
chung. Trong nền văn chương lịch triều tính cách phi ngã ngự trị hầu hết tác
phẩm văn học Việt Nam. Ngay cả những nhà thơ lớn như Nguyễn Du, Nguyễn
Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến cũng chỉ nói đến cái
tôi một cách sơ sài, mờ nhạt, ước lệ.
Chủ nghĩa lãng mạn thực sự đã thỏa mãn được nhu cầu tự do sáng tác và phát
huy bản ngã của người làm văn học nghệ thuật. “Sự xuất hiện ý thức về cái tôi
cá nhân là một bước tiến quan trọng trong hành trình tư tưởng và nghệ thuật của
nhân loại. Bởi vì sáng tạo nghệ thuật mang tính đặc thù, đó là sự sáng tạo của
một cá nhân... Cho nên sự giải phóng bản ngã, giải phóng cái tôi của chủ thể
sáng tạo sẽ phát huy khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, làm xuất hiện nhiều phong
cách cá nhân” (33). Nhờ thế, trong giai đoạn văn chương lãng mạn 1932-1945
với 13 năm ngắn ngủi, văn học Việt Nam đã sản xuất được nhiều phong cách cá
nhân độc đáo (34). Về thi ca có Thế Lữ với hồn thơ rộng mở, Lưu Trọng Lư mơ
màng, Huy Thông hùng tráng, Nguyễn Nhược Pháp trong sáng, Huy Cận ảo
não, Nguyễn Bính quê mùa, Chế Lan Viên huyền bí, và một Xuân Diệu tha
thiết, rạo rực, băn khoăn. Trong văn xuôi, cái tôi khinh bạc, giang hồ lãng tử thể
hiện trong tập Tùy Bút của Nguyễn Tuân, cái tôi người hùng có mặt trong hầu
hết các tiểu thuyết của Lê Văn Trương như Một Người, Tôi Là Mẹ, Chồng
Chúng Ta. Đòi hỏi giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc khắt khe của lễ
giáo phong kiến được phản ảnh qua tác phẩm Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng,
Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn của Nhất Linh, Làm Lẽ của Mạnh Phú Tứ.

7.KẾT LUẬN VỀ TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN THỜI KỲ 1930-
1945:

Chúng ta không thể nào phủ nhận được sự kiện văn chương Việt Nam giai đoạn
1932-1945 chịu ảnh hưởng nặng nề văn chương thế kỷ thứ 19 của Pháp, nhưng
thơ văn Việt đã không có tính cách ngoại lai, vẫn mang bản sắc riêng chứa đựng
hồn Việt. Tuy nhiên, vì tiếp thu quá nhanh trong khoảng thời gian quá ngắn nên
trào lưu lãng mạn văn học Việt Nam thiếu bề sâu và dễ chuyển biến.
Trên bình diện tư tưởng, sáng tác trong thời gian đầu của trào lưu văn chương
lãng mạn đã đáp ứng được khát vọng đương thời về nhu cầu giải phóng tư
tưởng, giải phóng cá nhân. Tuy nhiên, vào cuối trào lưu một số tác gia đã rơi
vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan ca ngợi tình yêu xác thịt, đề cao khoái lạc, triết
lý sức mạnh nông nổi, trụy lạc và trác táng, điển hình là tác phẩm Thanh Đức
của Khái Hưng, Trường Đời, Tôi Thầu Khoán của Lê Văn Trương, Tàn Đèn
Dầu Lạc của Nguyễn Tuân, Thơ Say, Mây của Vũ Hoàng Chương.
Với những thành tựu văn học to lớn của thời kỳ 1932-1945, Tự Lực Văn Đoàn
và những người làm văn học nghệ thuật cùng thời đã tạo được trào lưu văn
chương lãng mạn có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Việc thay
đổi quan niệm phong kiến cũ, điển hình là mối quan hệ giữa cá nhân và đại gia
đình, đã hẳn là một thành công về phương diện xã hội, nhưng đối với lịch sử văn
học Việt Nam thì trào lưu văn chương lãng mạn đã có công đem lại sự thay đổi
bộ mặt của các thể loại văn học, làm cho ngôn ngữ Việt gọn gàng, trong sáng và
phong phú hơn.
C. PHẦN KẾT LUẬN:

Văn học hiện thực 1930 – 1945 vận động trên dòng phát triển của thời
cuộc. Sống và viết trong một giai đoạn có nhiều biến động, các nhà văn hiện
thực phải nhạy bén nhận thức những chuyển biến của xã hội. Nhưng dù xã hội
có thay đổi như thế nào thì những trang viết về cuộc đời vẫn sống mãi vì nó có
tiếng nói riêng.

Dòng văn học hiện thực với sự xuất hiện của những nhà văn mới như
Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân càng làm cho văn học có thêm những phẩm chất
và giá trị mới. Khi nào ở đâu trong xã hội vẫn còn những bất công, đau khổ, còn
có buồn chán và bế tắc thì ở đó còn cần phải được phê phán. Sự xuất hiện những
tác phẩm mang màu sắc tự truyện của một số cây bút tiêu biểu đã góp phần làm
cho văn học trở nên chân thực và gần gũi.

Nhìn chung văn học giai đoạn này đã phản ánh đúng đặc trưng của thời
đại góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hoá nền văn học nước nhà.

You might also like