Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Đề số 2 (Nâng cao):

Nơi dựa
“Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, hai bàn
tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đưa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia
sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?


Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp
nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia
đi qua những thử thách”.
( Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB văn học, Hà Nội, 1983)
Từ ý nghĩa của văn bản trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về nơi dựa của mỗi
người trong cuộc sống.
BÀI LÀM
Ngày trước, mẹ thường kể tôi nghe chuyện về cánh diều và dây diều. Đôi
cánh thì vênh váo cho rằng khả năng bay lượn của mình là do sức của mình, còn
dây diều lại chính là vật cản. Nhưng ngay khi vừa dứt khỏi dây diều thì cánh diều
cũng ngay lập tức chao đảo và rơi xuống ruộng bùn. Có lẽ, cá thể người cũng như
những cánh diều khát khao bay cao, khát khao vươn xa và cần lắm cho mình một
điểm tựa, một chỗ dựa để nâng đỡ trong những phút khó khăn. Và tôi bắt gặp câu
chuyện của mẹ qua bài thơ “Nơi dựa” đầy ám ảnh của thi sĩ Nguyễn Đình Thi:
“Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, hai bàn
tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đưa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia
sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp
nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia
đi qua những thử thách”.
Đằng sau thi phẩm ấy là những tầng tầng ý nghĩa nhân sinh vẫn nguyên vẹn
bao giá trị. Ngay từ tên tựa đề “Nơi dựa”, Nguyễn Đình Thi như muốn ẩn ý về một
yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người. Nơi dựa ấy chứa đựng trong nó
sự bền vững, lâu dài, đáng tin cậy. Hai khổ thơ lần lượt hiện ra trước mắt độc giả
những câu chuyện không lời. Hình ảnh người đàn bà được miêu tả trong một câu
văn thấp thoáng qua những chi tiết “trẻ”, “đẹp”, “chìm vào những miền xa xăm”
gợi ra cho người đọc hình ảnh một người phụ nữ có cuộc sống bất hạnh. Đối lập
với cảm giác u hoài của người phụ nữ là những hình ảnh tươi vui của đứa trẻ “lẫm
chẫm muốn chạy lên”, chạy lên phía trước, phía của tương lai, của ánh sáng, của
hứa hẹn. Đứa bé ấy, bé bỏng và thơ dại, lại chính là nơi dựa cho một phụ nữ từng
trải có động lực đi tiếp trên đường đời. Một người lính đã vào sinh ra tử, đôi mắt
đã chứng kiến bao cảnh thương tâm nơi trận mạc đương đỡ một cụ già qua đường.
Nhưng chính bà cụ già nua, khắc khổ ấy lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ
mạnh mẽ nơi sa trường. Hóa ra, động lực để con người tồn tại và tiếp tục cố gắng
đôi khi lại xuất phát từ những cá thể bình thường, thậm chí nhỏ nhoi, yếu đuối. Nơi
dựa ở đây chính là nơi dựa về tinh thần. Đó là tình yêu, tình yêu con người, tình
yêu gia đình, tình yêu cuộc sống. Và chính nhờ những đốm lửa ân tình ấy làm đậm
thêm vẻ đẹp nhân ái của con người và văn hóa Việt Nam.
“Làm người khó nhất là: Sống”
(Lò Ngân Sủn)
Tạo hóa ban tặng cho ta hình hài để sinh tồn, nhưng để sống một cuộc đời thực sự
lại là một hành trình lâu dài và đầy thử thách. Và gam màu cuộc sống của chúng ta
sẽ không còn đa dạng nếu thiếu đi “Nơi dựa”. Patrick King trong cuốn “Tâm lý học
ứng dụng” đã nhấn mạnh: “Loài người, xét từ cả quan điểm sinh học và tiến hóa,
là một loài động vật xã hội. Dù cho mỗi cá nhân nằm ở đâu trên thang điểm tính
cách giữa hướng nội và hướng ngoại, những tương tác xã hội đơn giản là một
phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta”. Nói cách khác, con người là
tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Không ai trong chúng ta có thể tồn tại một mình
trên cõi đời này. Chính nhờ những mối quan hệ xã hội ấy mà ta có nơi dựa để vững
vàng hơn. Bên cạnh đó, bảng màu cuộc sống không chỉ có những gam sáng tươi
vui mà còn những gam trầm khó khăn, bất lợi. Những lúc vấp ngã, những khi yếu
lòng ta cần tìm cho mình một điểm dựa để được an ủi, che chở, nâng đỡ, vỗ về.
Con người dẫu là thông thái đến đâu cũng đều có một điểm mù trong nhận thức.
Chúng ta không thể tự mình biết được điểm mù của mình ở đâu. Do đó có điểm tựa
sẽ là ngọn hải đăng soi tỏ định hướng cho ta, giúp ta nhận ra điểm mù của bản thân
và xác định được con đường đúng đắn.
Nhu cầu của con người là được thuộc về một nơi nào đó. Có ai lại thích sống
một đời cô độc không nơi nương tựa? Ai sẽ là điểm tựa để ta vực dậy sau những
thất bại, khổ đau? Nơi dựa tinh thần chính là chỗ dựa vững chắc và mạnh mẽ nhất
để ta lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Nơi dựa ấy đôi khi chỉ cần là đôi tai lắng
nghe những tâm sự, sự im lặng thấu hiểu, một cái nắm tay ấm áp, một cái ôm chân
thành. Như nhân vật Nhĩ trong câu chuyện “Bến quê” (Nguyễn Minh Châu) sau cả
đời phiêu bạt mới nhận ra cái bến của mình chính là Liên, người vợ vẫn tần tảo
chăm sóc mình. Điểm tựa tinh thần không ở đâu xa lạ mà kề cạnh bên ta, thân
thuộc bên ta, mang lại cho ta sự vững tâm và bình yêu trong tâm hồn. Trong cuộc
sống hiện đại, nhiều người sống cô độc, khép mình và tách biệt khỏi cộng đồng.
Thiếu đi điểm tựa về tinh thần, con người sẽ rơi vào trạng thái chông chênh, vô
định.
Trong thi phẩm, Nguyễn Đình Thi đã đề cập đến một trong những điểm tựa
tinh thần quan trọng nhất: nơi dựa vào gia đình. Đó có thể là tình yêu với con cái,
bố mẹ. Có thể nói, đây chính là điểm tựa mang giá trị nền tảng nhất. Gia đình là
nơi ta sinh thành và phát triển, là cái nôi yêu thương che chở ta. Cha mẹ, anh chị,
con cái chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp ta vượt qua những khó khăn thử
thách. Gia đình chính là đôi cánh để ta tự tin vươn đến những ước mơ, khát vọng
của mình. Gia đình là nơi cho ta tình yêu thương và sự quan tâm vô điều kiện. Làm
sao mà Matthias đạt được tấm huy chương vàng danh giá tại Olympic Bắc Kinh
2008 ở bộ môn cử tạ đầy khốc liệt? Nhờ đâu mà chàng trai ấy vượt qua được nỗi
bất an tâm lý khi chứng kiến các đồng đội đang dần bỏ cuộc? Tất cả là vì anh ấy có
một điểm tựa, điểm tựa vào tình yêu với người vợ quá cố của mình. Chính lời hứa
với người vợ đã trở thành một điểm tựa mạnh mẽ để giúp anh thực hiện được điều
tưởng chừng như không thể. Đúng là, “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng
quả đất lên” (Archimedes).
Hình ảnh đứa bé chạy về phía trước gợi cho ta liên tưởng đến một điểm tựa
trong đời: điểm tựa vào tương lai. Trong cuộc sống hằng ngày, con người không dễ
tránh khỏi những lúc tuyệt vọng, vấp ngã. Lúc này họ cần làm một chỗ dựa để
vững bước chân. Như người phụ nữ trong bài thơ, chỗ dựa của cô ấy, nguồn động
lực để cô ấy bước tiếp chính là người con, đứa bé, hiện thân cho tương lai phía
trước, cho những hứa hẹn còn dang dở. Theo tâm lý học tích cực, một nhánh của
tâm lý học, thì con người thường có xu hướng mong đợi đạt được mục tiêu của
mình trong tương lai. Vô hình chung đó trở thành một nguồn năng lượng thôi thúc
họ lên kế hoạch và nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ ấy. Dựa vào tương lai là cách
hữu hiệu để ta tiếp thêm niềm tin và hy vọng. Khi tin tưởng vào tương lai, chúng ta
sẽ duy trì sự lạc quan và tích cực trong cuộc sống. Alysha Allen bị khiếm thính từ
năm 2 tuổi những vẫn vững tin vì tương lai, vì ước mơ mà trở thành giáo viên,
được vinh danh và trao thưởng giả Đóng góp đặc biệt từ Trung tâm Toán học Anh.
Tương lai là một ẩn số nhưng niềm tin vào tương lai sẽ là động lực để biến ước mơ
của hiện tại trở thành hiện thực.
Thời gian đã trôi là một trong số ba điều mà con người không thể nắm giữ
lại. Thời gian là một loại tài sản mà con người không thể cất giữ vào két sắt hay
khóa kín lại. Dòng chảy của quá khứ cũng có thể trở thành một điểm tựa tinh thần.
Dựa vào quá khứ không phải là bi lụy mà quá khứ là nơi lưu giữ những bài học mà
ta đã trải qua, từ đó ta hiểu rõ về bản thân mình hơn, nhận ra những hạn chế, thiếu
sót lẫn điểm mạnh, sở trường. Đó là cách mà nghệ thuật hàn gắn gốm vỡ của Nhật
Bản (Kitsugi) ra đời. Những mảnh vụn tưởng chừng như vô dụng nhưng khi được
gắn kết và soi chiếu lại bỗng lấp lánh những giá trị riêng. Đối với văn hóa xứ Phù
tang, vẻ đẹp của một người không chỉ hiện diện ở hiện tại mà còn là vẻ đẹp vang
dội từ quá khứ, vẻ đẹp của kinh nghiệm, của sự từng trải. Nguồn động lực từ quá
khứ sẽ là tấm gương soi chiếu để ta nhìn nhận hiện tại và học cách trân trọng cuộc
sống hiện tồn. Dòng thời gian đã qua cũng là dòng chảy của những kỷ niệm,
những dấu ấn hạnh phúc sẽ mang lại động lực cho ta, những kỷ niệm không vui sẽ
phần nào được xoa dịu. Dựa vào quá khứ cũng chính là dựa vào cội nguồn, vào giá
trị truyền thống của mình, rộng hơn là của dân tộc, quê hương, đất nước.
Tuy vậy, con người không chỉ tìm kiếm điểm tựa mà cần học cách biến bản
thân thành điểm tựa. Bởi lẽ đến cuối cùng ta cũng cần phải trưởng thành, để có đủ
mạnh mẽ để làm điểm tựa cho chính ta và những người cần ta. Nơi dựa để ta tiếp
thêm sức mạnh và tinh thần nhưng không vì thế mà ta dựa dẫm, ỷ lại. Bên cạnh
những điểm tựa về tinh thần thì những điểm dựa về vật chất cũng có ảnh hưởng
không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người.
Nơi dựa trong cuộc đời luôn là một yếu tố không nhỏ góp phần làm nên
cuộc đời của mỗi người. Tôi vẫn nghĩ rằng khi xã hội càng phát triển, máy móc
càng hiện đại thì con người có thể tự độc lập trên đôi chân của mình. Nhưng sẽ thật
tuyệt vời và hạnh phúc biết nhường nào khi lúc ta yếu lòng có bàn tay nâng đỡ, khi
ta vấp ngã có người vực dậy, khi ta lạc lối sẽ có ánh sáng dẫn đường. Chỗ dựa tinh
thần sẽ là nguồn động lực to lớn nâng bước ta trên hành trình cuộc đời của mỗi
người.
“Nếu trái đất hình vuông thì chúng ta sẽ có các góc cạnh để ẩn náu nhưng
vì nó hình cầu nên chúng ta lại phải đối mặt với cuộc đời” (S. Exupéry). Hi vọng
rằng, cánh diều cuộc đời của bạn sẽ có cho riêng mình một điểm tựa thật vững
vàng để được bay cao và bay xa trên hành trình mơ ước.

You might also like