Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 110

PHẦN I: TỔNG QUAN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN

CHƯƠNG I: MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN


I. MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC CHỨC NĂNG CHỦ YẾU CỦA MÔI TRƯỜNG
1. Định nghĩa và cấu trúc môi trường
1.1. Định nghĩa môi trường
Cho đến nay khái niệm môi trường được nhiều tác giả định nghĩa, mỗi
người một cách khác nhau, trong số đó một số định nghĩa thường được nhắc
tới là:
- Định nghĩa của S.V.Kanesnik (1970): Môi trường chỉ là một bộ phận
của trái đất bao quanh con người, mà ở một thời điểm nhất định, xã hội loài
người có quan hệ tương hỗ trực tiếp với nó, nghĩa là môi trường có quan hệ
một cách gần gũi nhất với đời sống và hoạt động sản xuất của con người.
- Trong cuốn "Địa lý hiện tại, tương lai - Hiểu biết về quả đất, hành
tinh của chúng ta - Magnard. P. 1980" - Môi trường được định nghĩa: Môi
trường là tổng hợp ở một thời điểm nhất định - các trạng huống vật lý, hóa
học, sinh học và các yếu tố xã hội có khả năng có một tác dụng trực tiếp hay
gián tiếp, tức thời hay theo hạn kỳ đối với các sinh vật hay đối với các hoạt
động của con người.
- Theo UNESCO (1981): Môi trường của con người bao gồm toàn bộ
các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra, những cái hữu
hình, trong đó con người sống và lao động, họ khai thác các tài nguyên thiên
nhiên và nhân tạo, nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình.
- Định nghĩa của R.Sharma (1988): Môi trường là tất cả những gì bao
quanh con người.
Ngoài ra, còn nhiều định nghĩa khác của các tác giả trong và ngoài
nước.
Như vậy, môi trường sống không chỉ là nơi tồn tại và phát triển của con
người cũng như của mọi thực thể sinh vật khác mà còn là khung cảnh của
cuộc sống, của lao động và sự vui chơi giải trí của con người. Ở các mức độ
khác nhau, các khái niệm môi trường đều đề cập đến các thành phần của môi
trường và sự tác động tương hỗ giữa con người và môi trường.
Về bản chất, môi trường là tất cả các yếu tố tự nhiên, xã hội cần thiết
cho sự sống, hoạt động kinh tế của con người như các tài nguyên thiên nhiên
(đất, nước, ánh sáng, khoáng sản...), hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và

1
những quan hệ xã hội...
1.2. Cấu trúc môi trường
Môi trường sống của con người là một chỉnh thể thống nhất biện chứng
của:
- Môi trường tự nhiên: Bao gồm các nhân tố tự nhiên tồn tại ngoài ý
muốn của con người nhưng cũng ít nhiều chịu sự tác động của con người. Đó
là nước, không khí, động thực vật, ánh sáng mặt trời, địa hình, khoáng sản,
đất...
- Môi trường xã hội: Là tổng thể các quan hệ giữa người và người tạo
nên sự thuận lợi hoặc gây trở ngại cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân
và cộng đồng người. Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người
theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát
triển - Đây là sự khác biệt giữa cuộc sống con người với các sinh vật khác.
- Môi trường nhân tạo: Bao gồm tất cả những nhân tố vật lý, sinh học,
xã hội do con người tạo ra và chịu sự chi phối của con người. Đó là nhà máy,
công sở, khu đô thị, nhà ở, công viên, hệ thống giao thông, cấp thoát nước, hệ
thống thủy lợi, điểm dân cư...
Sự phân chia trên đây chỉ có ý nghĩa tương đối, nó phục vụ nghiên cứu,
phân tích các hiện tượng phức tạp trong môi trường. Trong thực tế cả ba loại
môi trường này cùng tồn tại, xen lẫn vào nhau và tác động tương hỗ với nhau.
2. Các chức năng chủ yếu của môi trường
Đối với xã hội loài người, môi trường có ba chức năng chủ yếu sau:
2.1. Môi trường là không gian sống cho con người và thế giới sinh vật.
Để tồn tại và phát triển, con người cần có một không gian sống với một
phạm vi và chất lượng nhất định để thỏa mãn các nhu cầu về ăn uống, nghỉ
ngơi, đi lại, học hành, vui chơi giải trí và nhiều nhu cầu khác nữa. Phạm vi
không gian sống được thể hiện ở bình quân diện tích đất theo đầu người, còn
chất lượng không gian sống được thể hiện ở những tiêu chuẩn về các yếu tố
vật lý, hóa học, sinh học, cảnh quan và xã hội.
Dân số thế giới có xu hướng tăng lên, đặc biệt nhanh từ sau Thế chiến
II trở lại đây, trong khi diện tích trái đất không đổi (15 tỷ ha) đã làm cho bình
quân diện tích đất theo đầu người giảm xuống và giảm rất nhanh kể từ khi
bùng nổ dân số thế giới - Bảng dưới.
Bảng 1.1: Suy giảm diện tích đất bình quân đầu người trên thế giới (ha/
người)

2
1000000 1000000 10000 0
Năm 1650 1820 1930 1987 2010
TCN TCN TCN (CN)
Dân số
0.125 1.0 5.0 200 545 1000 2000 5000 7000
(triệu người)
Diện tích
120.000 15.000 3.000 75 27.5 15.0 7.5 3.0 1.88
(ha/ người)
(Nguồn: Cơ sở khoa học môi trường, GS.Lê Thạc Cán, tr.32, Nxb Bắc Thái,
1995)
Mặc dù tăng trưởng dân số thế giới đã chậm lại nhưng quy mô dân số
thế giới vẫn không ngừng tăng nên phạm vi không gian sống của mỗi người
còn tiếp tục bị suy giảm, thậm chí sẽ suy giảm nhanh trong tương lai gần.
Sự phân bố dân cư không đều theo lãnh thổ đã làm tăng trầm trọng hơn
tình trạng thu hẹp phạm vi không gian sống của mỗi người ở một số vùng
đông dân. Tại các vùng đô thị, các khu công nghiệp và những vùng thâm canh
nông nghiệp có mật độ dân số cao do đó diện tích đất bình quân đầu người chỉ
bằng 1% thậm chí là 1‰ trị số trung bình trên toàn thế giới.
Phạm vi không gian sống cần thiết của con người có thể thay đổi, nó
phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà đặc biệt là kỹ
thuật - công nghệ sản xuất. Ở thời kỳ săn bắn hái lượm, mỗi người cần có một
diện tích khoảng 20km2, diện tích này giảm xuống còn vài chục ha, rồi vài
nghìn m2. Trong các nền nông nghiệp phát triển và nhất là ở các xã hội công
nghiệp diện tích này chỉ còn vài trăm m2.
Nhu cầu cần thiết của con người về không gian sống không chỉ về
lượng mà còn về chất. Không gian sống có chất lượng phải là không gian
không chứa hoặc chứa trong tiêu chuẩn cho phép các chất bẩn, độc hại đối với
sức khỏe của con người. Không chỉ thế, không gian sống còn phải đẹp, hài
hòa để con người có được những cảm giác sảng khoái, giúp cho họ hạn chế
hoặc tránh được những căng thẳng, mệt mỏi.
Chất lượng môi trường không phải là một hiện tượng vĩnh cửu, nó
thường dao động và có thể thay đổi theo những chiều hướng trái ngược nhau,
hoặc là tốt lên, hoặc là suy giảm đi, điều này chủ yếu phụ thuộc vào các tác
động môi trường do con người trực tiếp hay gián tiếp gây ra thông qua các
hoạt động kinh tế - xã hội của họ.
2.2. Môi trường là nơi chứa đựng các tài nguyên cần thiết cho đời sống và
sản xuất của con người

3
Môi trường là nguồn cung cấp mọi tài nguyên cần thiết cho cuộc sống
và hoạt động sản xuất của con người. Tất cả các nền sản xuất từ sơ khai như
săn bắn, hái lượm đến nền sản xuất nông nghiệp với trình độ thấp và tiếp đến
nền sản xuất có trình độ cao hiện đại như công nghiệp và hậu công nghiệp
đều phải sử dụng các nguồn lực về vật chất và năng lượng để thỏa mãn các
nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa các nền sản xuất về
phương thức khai thác và sử dụng số lượng tài nguyên cũng như chủng loại
tài nguyên. Bởi lẽ, nó phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của xã hội và
sự phát triển của dân số.
Chức năng cung cấp các tài nguyên cần thiết cho con người gồm có:
- Rừng tự nhiên: có chức năng bảo tồn tính đa dạng sinh học và độ phì
tự nhiên của đất, điều hòa nước mặt và nước ngầm, cung cấp gỗ, củi, dược
liệu, cải thiện điều kiện sinh thái...
- Các thủy vực: Có vai trò cung cấp nước, dinh dưỡng từ các nguồn
thủy hải sản, tiềm năng thủy điện, là nơi vui chơi giải trí...
- Động, thực vật: Cung cấp lương thực, thực phẩm và các nguồn gen
quý hiếm.
- Không khí, năng lượng mặt trời... là những yếu tố cần cho sự tồn tài
của con người và mọi sinh vật.
- Các loại quặng, dầu mỏ, khí đốt,... là nguồn năng lượng và nguyên
liệu cho các hoạt động sống cũng như nhiều quá trình sản xuất công nghiệp,
nông nghiệp và dịch vụ.
2.3. Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải của con người.
Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng con người luôn thải bỏ ra nhiều
loại chất thải (bao gồm các chất thải sản xuất và chất thải sinh hoạt) vào môi
trường. Tại đây, dưới sự tác động của các vi sinh vật và các yếu tố môi trường
các chất thải sẽ bị phân hủy. Tuy nhiên khả năng tiếp nhận và phân hủy chất
thải của một khu vực nhất định không phải là vô hạn, mà nó chỉ có một giới
hạn nhất định hay còn gọi là khả năng đệm (buffer capacity) của khu vực đó.
Khi lượng chất thải lớn hơn khả năng đệm, hoặc thành phần chất thải có nhiều
chất độc hại thì vi sinh vật gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân hủy hoặc
không phân hủy được do đó chất lượng môi trường có thể bị ô nhiễm, suy
thoái.
Trong các xã hội chưa công nghiệp hóa, sản xuất công nghiệp lạc hậu,
kém phát triển, các phế thải chưa nhiều, đặc biệt là ít các phế thải độc hại. Ở

4
những xã hội này các phế thải thường được sử dụng, chẳng hạn như các chất
bài tiết được dùng làm phân bón, các phế thải từ nông - lâm sản được dùng
làm thức ăn cho gia súc... Đối với những phế thải không sử dụng được vào
mục đích nào sẽ được phân hủy tự nhiên bởi các sinh vật và vi sinh vật sau
một thời gian tương đối ngắn. Trong các xã hội công nghiệp hóa, lượng phế
thải thường rất lớn và xuất hiện nhiều chất thải độc hại, vì vậy vượt quá khả
năng của các quá trình phân hủy tự nhiên trong đó nhiều chất thải không thể
phân hủy tự nhiên, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời đại ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang
diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kèm theo là sự bùng nổ dân số thế
giới từ sau Thế chiến II trở lại đây đã làm cho vấn đề chứa đựng và xử lý phế
thải trở thành một vấn đề căng thẳng về môi trường tại rất nhiều nơi trên trái
đất.
Nhiều nước công nghiệp phát triển, hàng năm tạo ra một lượng phế thải
quá lớn, đặc biệt là phế thải công nghiệp có độc tính cao, những nước này
ngoài việc thu gom và xử lý chất thải một cách khoa học còn hay sử dụng
những biện pháp như chôn giấu các chất thải tại các vùng xa xôi, hẻo lánh
trong lãnh thổ của mình hoặc tìm cách xuất khẩu sang các vùng đất mà họ đã
mua quyền sử dụng tại các nước nghèo (một số nước ở Châu Phi và Châu Á),
hoặc tìm cách "xuất khẩu" sang các nước đang phát triển. Chẳng hạn như từ
năm 1990 trở lại đây, một số nước giàu như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức... đã
xuất sang các nước nghèo lượng rác khổng lồ khoảng 4 triệu tấn/ năm. Từ
năm 1976, Hoa Kỳ ban hành một hình phạt rất nặng nề về việc xử lý chất thải
không đúng quy định, vì vậy để tối đa hóa lợi nhuận, các công ty đã tìm cách
tống khứ rác thải ra nước ngoài, mỗi tấn rác thải được "xuất khẩu" ra nước
ngoài kiểu này sẽ làm lọi cho công ty khoảng 240USD so với việc xử lý đúng
quy định ở trong nước. Vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996 tại Bắc Kinh,
Thanh Đảo, Thượng Hải của Trung Quốc... và nhiều nơi khác trên thế giới đột
nhiên nhận được nhiều kiện hàng mà trong đó toàn là rác từ Mỹ gửi đến...
Những biện pháp không đúng quy định kiểu này vừa ảnh hưởng trực tiếp đến
sức khỏe của người dân ở gần nơi chứa rác, vừa làm tổn hại đến môi trường
và các hoạt động phát triển của những nơi đó nói riêng, của thế giới nói chung
trong hiện tại và cả trong tương lai.
Ngoài ba chức năng chủ yếu trên môi trường còn có chức năng lưu trữ
và cung cấp thông tin cho con người.

5
Thông qua việc đánh giá các chức năng của môi trường và sự biến đổi
của các chức năng đó, người ta có thể biết được chất lượng môi trường tốt hay
xấu và xu hướng biến đổi của nó.
II. TÀI NGUYÊN
1. Một số vấn đề cơ bản về tài nguyên
1.1. Khái niệm tài nguyên
Tài nguyên bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu - năng
lượng, thông tin có trên trái đất và không gian vũ trụ liên quan mà con người
có thể sử dụng cho mục đích tồn tại và phát triển của mình.
Lực lượng sản xuất càng phát triển thì danh mục tài nguyên càng tăng
thêm. Khoa học - công nghệ càng phát triển thì giá trị sử dụng của nhiều loại
tài nguyên càng nhiều hơn, cùng một loại tài nguyên nhưng là yếu tố đầu vào
cho nhiều ngành sản xuất khác nhau.
1.2. Phân loại tài nguyên
Có nhiều cách phân loại tài nguyên, tùy thuộc vào bản chất, mục đích
sử dụng hay khả năng phục hồi của nó mà người ta chia ra:
- Theo bản chất, tài nguyên được phân ra thành: tài nguyên thiên nhiên
và tài nguyên nhân văn.
Tài nguyên thiên nhiên gắn liền với các yếu tố tự nhiên. Nói cụ thể hơn
là tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình
thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng đáp ứng các nhu
cầu trong cuộc sống.
Tài nguyên nhân văn gắn liền với con người và các giá trị (vật chất và
tinh thần) do con người tạo ra trong quá trình phát triển lâu dài của mình. Ví
dụ như tài nguyên nhân lực, các di tích lịch sử, đền, chùa, lễ hội...
- Theo mục đích sử dụng, tài nguyên được phân chia thành:
+ Tài nguyên trong lòng đất.
+ Tài nguyên sinh vật, khí hậu, nước, đất đai...
+ Tài nguyên năng lượng (gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, địa
nhiệt...)
- Theo khả năng phục hồi, tài nguyên thiên nhiên được chia thành: tài
nguyên hữu hạn và tài nguyên vô hạn. Tài nguyên hữu hạn bao gồm tài
nguyên có thể phục hồi và tài nguyên không thể phục hồi. Sự phân chia này
được thể hiện bằng sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ1.1. Phân loại tài nguyên thiên nhiên

6
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

TN vô hạn TN hữu hạn

Năng Năng Năng Có Không


lượng lượng lượng thể thể
mặt thủy trong phục phục hồi
trời triều lòng hồi
đất

Thổ Thực Động Khoáng Nhiên liệu


Nước nhưỡng vật vật sản hóa thạch
- Tài nguyên vô hạn là tài nguyên mà số lượng và chất lượng của chúng
trên thực tế không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể trong quá trình sử
dụng lâu dài, thí dụ như năng lượng mặt trời, nhiệt năng trong lòng đất...
+ Tài nguyên có thể phục hồi là những tài nguyên có thể bị hao kiệt
nhưng số lượng và chất lượng của chúng có thể được tái sản xuất bởi các quá
trình tự nhiên khi sử dụng nó hợp lý (đất, lớp phủ thực vật, động vật, nước...)
+ Tài nguyên không thể phục hồi là những tài nguyên thiên nhiên sẽ bị
hao kiệt. Việc sử dụng lâu dài các tài nguyên này sẽ làm cạn kiệt các dự trữ
của chúng và việc bổ sung nó trên thực tế là không thể được (quặng kim loại,
nhiên liệu hóa thạch).
Việc phân loại tài nguyên như trên chỉ có ý nghĩa tương đối vì tính đa
dạng và đa dụng của tài nguyên, vì phụ thuộc nhiều vào quy mô của việc xem
xét, đánh giá. Trong thực tế có những tài nguyên khi xem xét trên quy mô
hành tinh là tài nguyên vô hạn, nhưng ở phạm vi vùng lại là tài nguyên có thể
phục hồi, ví dụ như tài nguyên nước.
1.3. Đặc điểm chung của tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên là một phần của môi trường và nằm trong môi
trường. Tài nguyên rất đa dạng và mỗi loại tài nguyên có đặc điểm riêng,
nhưng nhìn chung tài nguyên thiên nhiên đều có 2 đặc điểm:

7
Thứ nhất, tài nguyên thiên nhiên phân bố không đều giữa các vùng trên
trái đất. Trên lãnh thổ này có thể tồn tại nhiều loại tài nguyên nào đó, thậm
chí với số lượng lớn tạo ra những lợi thế của tự nhiên đối với vùng lãnh thổ,
trong khi ở lãnh thổ khác lại không có các tài nguyên như thế. Một số lãnh thổ
nào đó được đánh giá là rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên thì một số lãnh
thổ khác lại trong hoàn cảnh ngược lại. Ta có thể thấy rõ điều này khi so sánh
về tài nguyên đất trồng cây cao su, cà phê... được đánh giá là rất giàu tiềm
năng ở nhiều nước ASEAN, trong khi Châu Âu, Nhật Bản... lại không thể có
được. Hoặc như Hoa Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc,... là những đất nước có
nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, trong khi Hàn Quốc, Nhật
Bản... lại nghèo tài nguyên. Do đặc điểm này mà các quốc gia cần khai thác,
sử dụng lợi thế tuyệt đối cũng như lợi thế so sánh nhằm mục đích tăng trưởng
kinh tế, phát triển kinh tế thị trường gắn với cơ cấu kinh tế mở.
Thứ hai, là đại bộ phận các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh
tế cao được hình thành trong quá trình lịch sử địa chất lâu dài hàng triệu năm,
thậm chí hàng trăm triệu năm.
Hai đặc điểm này đã quy định tính quý hiếm của tài nguyên và lợi thế
phát triển của những quốc gia giàu tài nguyên, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu
đối với từng quốc gia cũng như với toàn thể nhân loại rằng: Phải biết giữ gìn,
khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, có như vậy mới góp phần
đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thế giới nói chung và của mỗi quốc
gia nói riêng.
1.4. Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển của kinh tế đã
được đề cập ở mức độ nhất định khi bàn về các chức năng của môi trường. Ở
đây muốn nhấn mạnh vai trò của nó với tư cách là yếu tố đầu vào cho các quá
trình sản xuất. Để làm rõ vấn đề này, ta xem xét nó theo hai góc độ sau:
- Thứ nhất, tài nguyên thiên nhiên là một nguồn lực cơ bản của tăng
trưởng kinh tế.
Câu nói nổi tiếng: "Lao động là cha, còn đất đai là mẹ của của cải" của
nhà Kinh tế chính trị cổ điển Anh - Willliam Petty (1623-1687) đã phần nào
nói lên vai trò của tài nguyên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhà kinh tế tân cổ điển đã giải thích nguồn gốc của sự tăng trưởng
kinh tế thông qua hàm sản xuất. Hàm này nêu lên mối quan hệ giữa sự tăng
lên của đầu ra (GDP) với sự tăng lên của các yếu tố đầu vào là: Vốn, lao

8
động, tài nguyên và khoa học - công nghệ.
Tài nguyên thiên nhiên là một trong 4 nguồn lực cơ bản của tăng
trưởng kinh tế, do đó sự giàu có về tài nguyên là yếu tố thuận lợi để có tăng
trưởng kinh tế cao.
- Thứ hai, vai trò của tài nguyên thiên nhiên trong hình thành và phát
triển cơ cấu kinh tế.
Tư liệu lao động và đối tượng lao động là hai trong ba yếu tố cơ bản
của bất kỳ quá trình sản xuất nào. Đối tượng lao động dù sẵn có trong tự
nhiên hay qua chế biến mới có cũng như các công cụ lao động hay các thiết bị
bảo quản, chứa đựng cần thiết của quá trình sản xuất... đều có yếu tố vật chất
tài nguyên cấu thành. Vấn đề là ở chỗ tài nguyên gia nhập và tồn tại trong các
yếu tố đó theo phương thức trực tiếp hay gián tiếp thông qua một vài quá trình
chế biến trung gian; hàm lượng tài nguyên trong các yếu tố đó ít hay nhiều so
với hàm lượng chất xám. Với ý nghĩa đó, ta dễ dàng thấy rằng tài nguyên
thiên nhiên là điều kiện vật chất cần thiết để phát triển nền sản xuất xã hội.
Sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và cả dịch vụ, mỗi ngành đều
trực tiếp hay gián tiếp sử dụng một số tài nguyên và với những số lượng nhất
định. Bởi thế sự đa dạng về tài nguyên là một trong những yếu tố ảnh hưởng
đến sự đa dạng của sản xuất xã hội.
Nếu xét vai trò của tài nguyên đối với quá trình tích lũy vốn và chuyển
dịch cơ cấu kinh tế ngành thì sự đa dạng và giàu có của tài nguyên sẽ là yếu tố
thuận lợi thúc đẩy các quá trình đó. Về vấn đề này ta có thể thấy qua trường
hợp của ASEAN - 5, nằm ở khu vực Đông Nam Á, từ lâu đã được thế giới
biết đến là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên. Các nước này có những lợi
thế về rừng nhiệt đới với nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm; tài nguyên đất
đa dạng màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây lương thực, đặc biệt là các cây
công nghiệp như cao su, cà phê, gai, cọ dầu, hồ tiêu, ca cao, điều, dừa, đỗ
tương, bông, đay...; tài nguyên khoáng sản có chất lượng tốt và trữ lượng
đáng kể như dầu mỏ, khí đốt, thiếc, sắt, đồng... Những nguồn tài nguyên thiên
nhiên đa dạng này là một trong những nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy quá
trình tích lũy vốn và sự thành công trong chiến lược "công nghiệp hóa hướng
ra xuất khẩu", một trong những biểu hiện của nó là cơ cấu kinh tế ngành
chuyển dịch nhanh trong những năm cuối thế kỷ XX ở những nước này.
2. Một số tài nguyên chủ yếu
2.1. Tài nguyên khoáng sản

9
2.1.1. Tài nguyên khoáng sản và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế
Khoáng sản là các thành tạo hóa lý tự nhiên được sử dụng trực tiếp
trong công nghiệp, hoặc có thể lấy ra từ kim loại và khoáng vật dùng cho các
ngành công nghiệp.
Khoáng sản được hình thành trong các quá trình địa chất tạo thành trái
đất. Khoáng sản tồn tại dưới nhiều dạng ở trong các lớp vỏ của trái đất, trong
dung nham dưới các lớp vỏ, trên bề mặt, dưới đáy biển hay hòa tan trong
nước biển và đại dương cũng như nước ngọt.
Khoáng sản rất đa dạng về chủng loại và nó có thể tồn tại ở trạng thái
rắn (quặng, đá), lỏng (dầu, nước khoáng...) hay khí (khí đốt).
Theo chức năng sử dụng, khoáng sản được phân ra làm 3 nhóm lớn:
Thứ nhất là khoáng kim loại: Gồm có những kim loại thường gặp với
trữ lượng lớn như nhôm, sắt, đồng, chì, kẽm, magiê, mangan, crom, niken,
coban, thiếc, đồng, chì... và các kim loại quý hiếm với trữ lượng thường nhỏ
và phân tán như vàng, bạc, bạch kim...
Thứ hai là khoáng phi kim loại: Gồm các loại quặng như apatit,
photphorit, barit, muối mỏ,... và các tài nguyên khác như sét, thạch anh, đá
vôi, đá hoa, cát sỏi...
Thứ ba là khoáng sản cháy (nhiên liệu) gồm có than, dầu mỏ, khí đốt...
Sự phân chia khoáng sản theo các nhóm như trên mang tính chất quy
ước vì trong thực tế một loại khoáng sản có thể được nhiều ngành công
nghiệp khác nhau sử dụng. Ví dụ như dầu mỏ, nếu tồn tại với tư cách là đầu
vào nhiên liệu thì được coi là khoáng sản cháy nhưng nếu tồn tại với tư cách
là đầu vào của công nghiệp hóa chất thì nó lại không phải là khoáng sản cháy.
Các loại khoáng sản là cơ sở trực tiếp để phát triển các ngành công
nghiệp khai thác và công nghiệp sản xuất vật liệu như công nghiệp luyện kim,
công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy tinh, sành sứ và công nghiệp hóa
chất...
2.1.2. Hiện trạng tài nguyên khoáng sản
Từ xa xưa, con người đã biết khai khoáng và nấu chảy thành kim loại
để chế tạo đồ dùng, công cụ săn bắn, vũ khí, nhạc cụ... Việc khai thác khoáng
sản đặc biệt phát triển kể từ cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ 18 (XVIII)
trở lại đây. Chỉ trong vòng 100 năm qua, con người đã khai thác một lượng
khổng lồ khoáng sản các loại, nếu tính riêng năm 1990 số khoáng sản thông
dụng trên thế giới được khai thác là: 1.300 triệu tấn sắt, 12 triệu tấn đồng, 85

10
triệu tấn nhôm...
Hiện nay các nước công nghiệp phát triển với 1,2 tỷ người chỉ chiếm
khoảng hơn 17% dân số thế giới, nhưng tiêu thụ tới trên 75% tổng số khoáng
phi nhiên liệu của thế giới. Tính riêng Hoa Kỳ với số dân khoảng 6% dân số
thế giới nhưng tiêu thụ tới 20% tổng số khoáng phi nhiên liệu của thế giới.
Nguyên nhân là sản xuất công nghiệp của những nước này rất phát triển và để
nuôi dưỡng những ngành công nghiệp này thì ngoài các nước phát triển còn
có nhiều nước đang phát triển đã trở thành thị trường chủ yếu cung cấp
khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô.
Khoáng sản là tài nguyên không thể phục hồi, trong khi số lượng
khoáng sản khai thác được ngày càng tăng trên thế giới, tình trạng này sẽ sớm
dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên này. Theo dự báo thì các trữ lượng sắt, nhôm,
titan, crôm,... còn khá lớn, chứa đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Nhưng bạc,
thủy ngân, đồng, chì, kẽm, thiếc.... còn không nhiều, đang ở tình trạng báo
động. Một số loại khác như barit, graphite, mica... còn rất ít và có nguy cơ cạn
kiệt hoàn toàn trong thời gian ngắn.
Theo tính toán của các nhà khoa học (Nguyễn Đức Quý và cộng sự,
2000) trữ lượng khoáng sản thế giới được thăm dò tới năm 1989 cho phép
khai thác trong một thời gian như sau: Đồng, chì, kẽm, niken, quặng sắt,
quặng mangan, quặng crom, bauxit và thiếc có số năm khai thác tương ứng là:
47; 24; 25; 60; 85; 100; 270; 290 và 20 năm.
Để chống lại tình trạng cạn kiệt của tài nguyên khoáng sản: Thứ nhất,
cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Thứ hai, là phát triển khoa
học - công nghệ nhằm phát hiện các trữ lượng mới, khai thác khoáng sản dưới
biển và đáy đại dương. Thứ ba, là tìm ra những vật liệu mới có đủ tính năng
vật lý cần thiết với giá thích hợp để thay thế các vật liệu đang cạn kiệt. Điều
đặc biệt quan trọng là tái chế phế thải nhằm tiết kiệm tiêu dùng năng lượng và
khoáng sản. Về vấn đề này ở Hoa Kỳ công nghiệp chế tạo ô tô sử dụng đến
90% vật liệu tái chế, hàng năm nước này tái chế khoảng 950.000 tấn nhôm,
117,5 tấn đồng, 2800 tấn bạc và 2,7 tấn vàng. Việc sản xuất hàng hóa từ vật
liệu tái chế tiết kiệm năng lượng rất nhiều so với sản xuất từ nguyên liệu
khoáng, thí dụ với sản phẩm bằng nhôm tái chế thì năng lượng tiết kiệm được
là 95%, tương tự như vậy với sản phẩm bằng thép tái chế tiết kiệm 25%, sản
phẩm kính và thủy tinh tái chế tiết kiệm 98%. Ngoài ra, biện pháp tái sử dụng
phế thải đã tiết kiệm không ít các tài nguyên khoáng sản, năng lượng và hạn

11
chế chất thải, thí dụ việc mua lại chai không sau khi đựng các loại nước uống
ở Hoa Kỳ đã giúp nước này tiết kiệm năng lượng tương đương 140.000 tấn
dầu mỏ mỗi ngày, đồng thời còn làm giảm 6% chất thải rắn.
Nước ta có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng. Theo kết quả thăm
dò, nước ta có hơn 3.500 mỏ và điểm quặng của 80 loại khoáng sản, trong đó
có hơn 32 loại trên 270 mỏ đã đưa vào khai thác hoặc có thiết kế để khai thác.
Những khoáng sản có trữ lượng lớn ở nước ta là quặng sắt, bauxit, thiếc,
đồng, kẽm, bạc, vàng, đá quý...
Cho đến nay ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã đóng góp
đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, theo số liệu Tổng cục thống kê năm 2013
ngành khai khoáng chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp và
chiếm 12 - 15% GDP của cả nước. Tuy nhiên việc khai thác và sử dụng tài
nguyên khoáng sản ở nước ta đang ở tình trạng chưa hợp lý, lãng phí cao, cần
sớm có những biện pháp khắc phục tình trạng này.
2.2. Tài nguyên năng lượng
2.2.1. Vai trò của năng lượng đối với sự phát triển kinh tế
Tiêu dùng năng lượng là một nhu cầu tất yếu đối với sự tồn tại và phát
triển của con người, nó còn là một trong những yếu tố đầu vào không thể thay
thế của nhiều ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu
kinh tế càng chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH bao nhiêu thì nhu cầu tiêu
dùng năng lượng cũng như vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
càng tăng lên bấy nhiêu. So sánh giữa ba nền văn minh nông nghiệp, công
nghiệp và hậu công nghiệp ta thấy rõ điều đó.
Một trong những thí dụ chứng minh cho vai trò của năng lượng trong
phát triển kinh tế là trường hợp của Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng thiếu
năng lượng năm 1973 của thế giới. Chúng ta biết cuối thập kỷ 30 của thế kỷ
XX, Nhật Bản đã trở thành nước công nghiệp phát triển và trong chiến tranh
thế giới thứ II là nước bại trận với những thiệt hại về người và vật chất vô
cùng nặng nề. Sau chiến tranh bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế (1946-
1951), đây cũng là giai đoạn tạo tiền đề để nền kinh tế bước vào "giai đoạn
thần kỳ" (1952-1973), trong giai đoạn này tỉ lệ tăng GDP trung bình là
10,6%/năm. Năm 1974 là năm kết thúc "giai đoạn thần kỳ" và nền kinh tế
bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, kém ổn định (thời kỳ 1974-1982 mức
tăng GDP trung bình chỉ còn 4,3%/năm). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình
trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ vấn đề năng lượng. Trong giai đoạn

12
"phát triển thần kỳ" Nhật Bản nhập khẩu tới trên 90% nhu cầu năng lượng,
khi cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng xảy ra đã làm cho những ngành kinh
tế chủ yếu dựa vào lượng dầu mỏ nhập khẩu rơi vào tình trạng khủng hoảng
nghiêm trọng. Tính riêng năm 1974 giá dầu mỏ thế giới đã tăng từ
3USD/thùng lên 12USD/thùng, vì thế Nhật Bản bị mất thêm 14,4 tỷ USD cho
vấn đề nhập khẩu dầu mỏ mà vẫn không đủ cho tiêu dùng của nền kinh tế
hiện đại.
2.2.2. Các dạng tài nguyên năng lượng và hiện trạng của nó.
Tài nguyên năng lượng rất đa dạng và có thể phân loại theo nhiều tiêu
chí khác nhau.
- Theo khả năng tái tạo gồm: Năng lượng tái tạo và không tái tạo.
- Theo khả năng gây ô nhiễm gồm: Năng lượng sạch và năng lượng gây
ô nhiễm.
- Theo tính chất thương mại gồm: Năng lượng thương mại và năng
lượng phi thương mại. Năng lượng thương mại bao gồm dầu mỏ, khí đốt, than
đá, uraniom,... Còn năng lượng phi thương mại bao gồm năng lượng mặt trời,
thủy năng, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối (rơm
rạ, củi...).
- Theo bản chất năng lượng gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng hóa
thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá...), năng lượng thủy triều, năng lượng sinh
khối...
Dưới đây là những dạng năng lượng chủ yếu:
Thứ nhất là các tài nguyên năng lượng không tái tạo (dầu mỏ, than đá,
khí đốt…). Đây là loại tài nguyên năng lượng hóa thạch có vai trò quan trọng
đối với con người do mật độ phân bố năng lượng cao, dễ khai thác và sử
dụng, khá phổ biến và dễ trao đổi.
Than đá hiện đang là nguồn năng lượng chủ yếu của loài người với
tổng trữ lượng trên 2000 tỷ tấn, tập trung nhiều nhất ở các quốc gia Nga,
Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ôxtrâylia. Với tốc độ sử dụng hiện nay than đá có thể
đáp ứng nhu cầu con người khoảng 200 năm nữa. Hiện nay than đá chiếm tỉ
trọng 23% trong cơ cấu năng lượng ở các nước công nghiệp phát triển, ở các
nước đang phát triển tỉ trọng này là 28%. Than đá thường dùng làm nhiên liệu
cho các nhà máy nhiệt điện, đun các nồi hơi hoặc cấp nhiệt cho các lò luyện
kim, sản xuất vật liệu xây dựng...

13
Dầu mỏ và khí đốt đã, đang và sẽ là nguồn năng lượng quan trọng của
loài người trong vài thập kỷ tới. Theo con số công bố gần đây nhất của Hãng
BP, trữ lượng xác minh của dầu trên thế giới có thể khai thác được là khoảng
234 tỉ tấn, mỗi năm cả thế giới tiêu thụ khoảng 4 tỉ tấn. Do đó, với mức tiêu
thụ như hiện nay, lượng dầu này có thể sử dụng được trong khoảng 60 năm.
Về khí, trữ lượng khoảng 210 nghìn tỉ m 3, với mức tiêu thụ hàng năm như
hiện nay là 3.200 tỉ m3 thì cũng có thể dùng được khoảng hơn 60 năm.
Tổng dự trữ dầu mỏ của thế giới là 300 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đã
được khai thác là 91 tỉ tấn, tương tự như vậy của khí đốt là 220 tỷ tấn và 81 tỷ
tấn. Hiện nay dầu mỏ và khí đốt chiếm từ 51 - 62% nguồn năng lượng của các
quốc gia. Dự báo khoảng 50-60 năm nữa thế giới sẽ cạn dầu và khí đốt, riêng
Hoa Kỳ chỉ khoảng 15-20 năm nữa sẽ cạn dầu mỏ. Dầu mỏ có nhiều giá trị sử
dụng, nó là nhiên liệu cho công nghiệp, cho sinh hoạt, là nguyên liệu cho một
số ngành công nghiệp hóa chất, dầu mỏ còn dùng trong công nghiệp sản xuất
phân bón, dược phẩm, đồ nhựa, chất bôi trơn... Việc khai thác và sử dụng loại
tài nguyên này một mặt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác nó là
nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu
đồng thời là nguyên nhân gây suy thoái tài nguyên đất, rừng, làm ô nhiễm môi
trường biển.
Thứ hai là các dạng năng lượng không tái tạo và vĩnh cửu (năng lượng
địa nhiệt và hạt nhân).
Năng lượng địa nhiệt tồn tại dưới các dạng: Hơi nước nóng và nhiệt
thoát ra từ các vùng có hoạt động núi lửa, năng lượng của các suối nước nóng,
của các khối đá mácma (chủ yếu là mácma axit) trong các vùng nền cổ... Loại
năng lượng này dùng để chạy máy phát điện (ở liên bang Nga, Italia...), để
sưởi ấm (Aizơlen), để sấy lương thực, thực phẩm... Đây là loại năng lượng
sạch không gây ô nhiễm, không tạo ra khí nhà kính. Tuy nhiên, loại năng
lượng này diện phân bố hẹp và việc khai thác nó thường tiềm ẩn những rủi ro,
tai biến (vì ở vùng núi lửa).
Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giải phóng trong quá trình
phân hủy các hạt nhân các nguyên tố U, Th hoặc tổng hợp nhiệt hạch từ nhiên
liệu là các đồng vị H, He, Li...
Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của thế giới đi vào hoạt động năm
1954 tại Liên Xô (cũ) nhưng phải tới sau năm 1973 thì nó mới phát triển
mạnh. Hiện nay, có khoảng 30 nước và lãnh thổ có nhà máy điện nguyên tử,

14
với 430 lò phản ứng có tổng công suất là 340 triệu kw, chiếm 16,7% tổng
lượng điện toàn cầu. Hoa Kỳ có 109 lò phản ứng với công suất 99 triệu kw,
Pháp có 57 lò với 60 triệu kw, Nhật Bản có 48 lò với 38 triệu kw, Hàn Quốc
có 9 lò với 7,2 triệu kw, Đài Loan có 6 lò với 4,9 triệu kw và Ấn Độ có 9 lò
với 1,6 triệu kw. Dự đoán năm 2020 năng lượng hạt nhân sẽ chiếm 60-65%
tổng công suất điện năng trên thế giới. Các nhà máy điện nguyên tử không tạo
ra loại khí nhà kính CO2, bụi, tuy nhiên các nhà máy này đã có thời kỳ là
nguồn gây nguy hiểm lớn đối với môi trường do chất thải phóng xạ từ các nhà
máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân 235 (uranium 235), do sự rò rỉ từ các lò
phản ứng, các sự cố nổ nhà máy... Sự cố Trecnobyl (10/10/1986) - là sự cố
môi trường tồi tệ của hành tinh. Sự cố này đã tung vào khí quyển bụi phóng
xạ hủy hoại cuộc sống của hơn 150.000 người, tung cao những tấm bê tông
nặng 400 tấn, nhiệt độ quanh nhà máy nơi xảy ra sự cố lên đến 3600 0C. Trước
đây, trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn cho nhà máy điện nguyên tử, một
số quốc gia như Thụy Điển, Đức... có xu hướng đóng cửa dần các nhà máy
này. Sau thời gian ngắn, năng lượng nguyên tử lại được quan tâm phát triển
mạnh, nhưng hướng vào các công nghệ an toàn và sạch theo công nghệ của
Calo Rubia - nhà khoa học đã được giải thưởng Nobel, thuộc trung tâm
nghiên cứu nguyên tử Châu Âu. Công nghệ này đảm bảo không xảy ra những
vụ nổ, nguyên liệu được tận dụng triệt để và hầu như không có phế thải. Trên
thế giới, đã có một số nước xây dựng nhà máy theo công nghệ này.
Tuy nhiên, thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11- 3 - 2011 ở Nhật
Bản đã làm nổ một số lò phản ứng, kèm theo đó là ô nhiễm phóng xạ mạnh
trên diện rộng nên nhiều nước tư bản phát triển lại có xu hướng đóng cửa dần
các nhà máy điện nguyên tử.
Thứ ba là các tài nguyên năng lượng vĩnh cửu và tái tạo (mặt trời,
nước, gió và sinh khối).
Năng lượng bức xạ mặt trời vô cùng quan trọng đối với đời sống và
môi trường, nó đảm bảo và duy trì dòng năng lượng sinh khối của toàn bộ
sinh quyền, nó tạo nên các dòng năng lượng chuyển động của khí quyển và
thủy quyển. Việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời phát triển
khá nhanh từ sau năm 1973, một trong những nước đi đầu là Nhật Bản. Pin
mặt trời đã đạt được nhiều tiến bộ và ngày càng được sử dụng rộng rãi, chủ
yếu ở các nước phát triển. Hiện nay loại năng lượng này còn đắt tiền nhưng
người ta hi vọng rằng, với sự phát triển của vật liệu mới và công nghệ mới,

15
trong tương lai gần năng lượng mặt trời sẽ rẻ và được sử dụng rộng rãi trên
thế giới. Dự báo năm 2030 thì điện năng lượng mặt trời có thể đạt 20-30%
tổng lượng điện trên toàn thế giới. Ưu điểm của loại năng lượng này là việc
sử dụng nó không tạo ra các ngoại ứng tiêu cực đối với môi trường sống của
con người. Nhược điểm của nó là cường độ yếu và không ổn định, khó
chuyển hóa thành năng lượng thương mại.
Thủy năng - từ hàng chục nghìn năm về trước, con người đã biết sử
dụng năng lượng của dòng nước (xe nước, cối xay nước, chuyển động máy
móc thủ công....). Tới đầu thế kỷ XIX thủy năng được dùng để sản xuất điện
năng.
Tiềm năng thủy điện của thế giới ước tính khoảng 2.214.000MW, Việt
Nam là 30.970MW (chiếm 1,4% tiềm năng của thế giới). Hiện nay thế giới
mới chỉ khai thác 17% tiềm năng thủy điện (cao nhất là Châu Âu lên tới 50%
tiềm năng thủy điện của châu lục và Bắc Mỹ là 36%).
Thủy năng là loại năng lượng sạch, không thải ra chất gây ô nhiễm lại
khai thác với giá thành rẻ. Tuy nhiên việc phá rừng xây dựng các hồ chứa
nước lớn tạo ra những tác động tiêu cực đối với môi trường như: Thay đổi khí
hậu, thời tiết khu vực, mất đất canh tác, tạo ra những biến đổi thủy văn hạ lưu,
làm biến đổi bề mặt địa hình và gây lở đất...
Ngoài ra còn các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió,
năng lượng thủy triều, năng lượng các dòng hải lưu, năng lượng sinh khối.
Năng lượng gió và thủy triều được xếp vào loại năng lượng sạch nhưng
công suất thường nhỏ, thích hợp cho một số khu vực như: Hải đảo, vùng núi...
Năng lượng sinh khối truyền thống của con người là gỗ củi. Loại này
hiện đang được các nước đang phát triển sử dụng với quy mô lớn - chiếm
khoảng 35% tổng năng lượng sử dụng. Ngoài gỗ củi còn có rơm rạ, thân và lá
các loại cây trồng (là những chất thải nông nghiệp) và một số rác thải sinh
hoạt và chất thải chăn nuôi...
Nhu cầu sử dụng năng lượng của con người tăng nhanh chóng cùng với
sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1900 nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế
giới là 1,3 tỷ tấn, năm 1960 là 5,2 tỷ tân, năm 1980 là 10,5 tỷ tấn, dự báo năm
2020 là 18 – 23 tỷ tấn (năng lượng quy đổi từ than đá, dầu khí, thủy năng,
nguyên tử và các nguồn khác).
Các nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau có sự khác biệt về:
+ Mức tiêu thụ năng lượng tính trên đầu người. Chỉ tính riêng năng

16
lượng thương phẩm, mức tiêu dùng có sự khác biệt như bảng dưới đây:

Bảng 1.2. Mức độ sử dụng năng lượng thương phẩm


Tổng số Bình quân theo đầu người,
Nhóm nước
1000m3 dầu quy đổi kg dầu quy đổi
hoặc vùng
1990 1997 1990 1997
Thế giới 8.608.411 9.431.190 1.705 1.692
Các nước thu nhập thấp 1.122.683 1.194.696 607 563
Các nước thu nhập trung
3.297.830 3.523.253 1.397 1.368
bình
Các nước thu nhập cao 4.187.901 4.731.241 4.996 5.369
(Nguồn: Không chỉ là tăng trưởng kinh tế - WB)
+ Cơ cấu nguồn năng lượng được sử dụng.
Đối với từng quốc gia cơ cấu năng lượng tùy thuộc vào trình độ phát
triển kinh tế, khả năng công nghệ về khai thác sử dụng tài nguyên.
Thí dụ Hoa Kỳ vào trước năm 1920 năng lượng chủ yếu là gỗ, củi và
than. Vào năm 1920 dầu mỏ được khai thác với quy mô lớn, năm 1940 phát
triển khai thác khí đốt (lúc này gỗ, củi không được dùng nữa) và đến đầu thập
kỷ 70 của thế kỷ XX năng lượng hạt nhân được đẩy mạnh khai thác với quy
mô lớn, ngoài ra còn phát triển một số ngành năng lượng mới khác, mặc dù
như vậy ngày nay dầu và khí vẫn chiếm 67,5% tổng năng lượng sử dụng.
2.3. Tài nguyên rừng
2.3.1. Tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế và môi trường
Rừng vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị bảo vệ môi trường, rừng là
hợp phần quan trọng nhất cấu thành nên sinh quyển. Về mặt kinh tế, rừng
cung cấp gỗ xây dựng củi, củi đun nấu, là nguyên liệu cho một số ngành công
nghiệp nhẹ và công nghiệp hóa học, cung cấp nhiều dược liệu, thịt thú rừng...
Rừng còn có giá trị bảo vệ môi trường như: chống xói mòn đất, điều hòa nước
mặt, nước ngầm, điều hòa khí hậu, tạo môi sinh cho các loài động, thực vật,
chắn gió, làm sạch không khí. Rừng được xem như những nhà máy lọc bụi
khổng lồ, trung bình 1 ha rừng thông/ năm có khả năng hút 36.4 tấn bụi từ
không khí, rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cân bằng hàm
lượng O2 và CO2 trong khí quyển...
Hai mặt giá trị kinh tế và giá trị sinh thái của rừng thường có quan hệ
chặt chẽ với nhau. Việc chạy theo những giá trị kinh tế trước mắt có thể làm

17
mất đi giá trị sinh thái, một khi giá trị bảo vệ môi trường không còn thì giá trị
kinh tế cũng mất đi. Tình trạng chỉ biết theo đuổi giá trị kinh tế của rừng và
không tôn trọng quy luật tự nhiên của nó là nguyên nhân khiến cho tài nguyên
rừng từ một tài nguyên tái tạo có thể trở thành tài nguyên không tái tạo.
Việc hình thành các kiểu rừng có liên quan chặt chẽ giữa sự hình thành
các thảm thực vật tự nhiên với vùng địa lý và điều kiện khí hậu. Một số kiểu
thảm thực vật rừng quan trọng trên thế giới là:
- Rừng lá rụng ôn đới: Phân bố chủ yếu ở Đông Bắc Mỹ, Nam Mỹ,
Châu Âu, Bắc Trung Quốc và các vùng núi cao nhiệt đới.
- Rừng mưa nhiệt đới: là rừng có độ đa dạng sinh học cao nhất, giàu có
nhất, kéo dài thành một vành đai xích đạo nơi có nhiệt độ, lượng mưa cao và
đồng đều trong năm. Dải rừng Ấn Độ - Malaysia giàu có nhất, chỉ một khu
vực hẹp mà có tới 2500 - 10.000 thực vật mà đặc trưng của chúng là rừng
nhiều tầng (tới 7 tầng) với những cây gỗ quý như lim, lát, tếch, gụ, dầu, chò,
sấu... Rừng nhiệt đới là nguồn cung cấp gỗ cho xây dựng, cọc chống hầm lò,
làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp nhẹ (diêm, giấy...), củi đốt, do
vậy rừng bị khai thác mạnh.
Dựa vào tính chất và mục đích sử dụng, rừng được chia thành 3 loại:
- Rừng phòng hộ: sử dụng cho mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ
đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường
sinh thái.
Rừng phòng hộ bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ
chống cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng ven biển.
- Rừng đặc dụng: Sử dụng cho các mục đích như bảo tồn thiên nhiên,
mẫu chuẩn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động thực vật rừng, bảo vệ di tích
lịch sử và danh lam thắng cảnh cho du lịch, phục vụ nghiên cứu khoa học...
Rừng đặc dụng bao gồm: Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên...
- Rừng sản xuất: Sử dụng để sản xuất lâm sản, động vật rừng và kết
hợp bảo vệ môi trường sinh thái.
2.3.2. Hiện trạng tài nguyên rừng thế giới
Trong quá trình phát triển dân số và gia tăng các hoạt động kinh tế đã
làm cho diện tích rừng ngày càng suy giảm. Trước đây diện tích rừng khoảng
60 triệu km2, năm 1958 chỉ còn 44.05 triệu km 2, năm 1973 còn 37.37 triệu
km2 và nay chỉ còn 29 triệu km2.
Hiện nay, thế giới có khoảng 2,8 tỷ ha rừng có trữ lượng gỗ trên

18
50m3/ha, khoảng gần 1,2 tỷ ha rừng thưa có trữ lượng gỗ thấp hơn. Trong các
kiểu rừng thì rừng mưa nhiệt đới có vai trò quan trọng nhất, khu rừng mưa
nhiệt đới Amazon lớn nhất có diện tích 330 triệu ha. Những vùng có diện tích
rừng mưa lớn là Mỹ La Tinh, Tây Phi, Đông Nam Á...
Cuối thế kỷ XX rừng trồng có khoảng 150 triệu ha, chiếm 4% tổng diện
tích rừng và tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Trong những năm gần
đây diện tích rừng trồng tăng lên đáng kể ở các nước đang phát triển. Nhìn
chung thành phần loài của rừng trồng đơn giản và thường có các loài cây có
khả năng sinh trưởng nhanh hơn rừng tự nhiên.
Rừng bị khai thác mạnh nhất là ở Trung Mỹ, từ năm 1950 - 1983 diện
tích rừng giảm 38%, sau đó là Châu Phi giảm 23% (cùng thời gian đó) và tiếp
đến là Đông Nam Á. Người ta tính rằng hơn 50% nguyên nhân mất rừng ở
các nước đang phát triển là do tăng dân số nhanh.

Bảng 1.3. Diện tích rừng bình quân đầu người trên thế giới 1650 - 2010
Năm 1650 1950 2000 2010
Diện tích rừng bình quân đầu người
13,2 1,59 0,58 0,6
(ha/người)
Nguồn: Tổng hợp từ Global Forest Resources Assessment
Sự suy giảm diện tích rừng và suy thoái rừng trên thế giới có nhiều
nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chủ yếu là:
Thứ nhất là mở rộng diện tích đất trồng cây nông nghiệp và cây công
nghiệp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp, nhu cầu
xuất khẩu và quan trọng hơn cả là đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng
tăng, chủ yếu là ở các nước đang phát triển.
Thứ hai là nhu cầu về chất đốt: Nhu cầu về củi đốt cho nấu ăn và sưởi
ấm ngày càng tăng lên do gia tăng dân số, chủ yếu là ở các nước đang phát
triển. Trong vòng 20 năm (1963-1983) lượng gỗ được sử dụng làm chất đốt
đã tăng hơn 2 lần (từ 600 triệu m 3 lên 1300 triệu m3). Thế giới hiện có khoảng
1,5 tỷ người (1/4 dân số thế giới) chủ yếu sử dụng gỗ củi cho nấu ăn và sưởi
ấm, riêng Châu Phi có 180 triệu người đang thiếu củi đun.
Thứ ba là chăn thả gia súc: Để chăn thả gia súc người ta đã mở rộng
các đồng cỏ bằng cách chặt phá rừng, ví dụ ở Nam Mỹ trong thời kỳ 1950 -

19
1980 mỗi năm đã biến 20.000km2 rừng thành đồng cỏ.
Thứ tư là khai thác gỗ và các sản phẩm rừng: Việc khai thác các giá trị
kinh tế của rừng quá mức là nguyên nhân tăng tốc độ phá rừng ở nhiều nước
trên thế giới. Thí dụ như việc khai thác gỗ để cung cấp nguyên liệu cho nhiều
ngành công nghiệp và xuất khẩu. Ở Malaysia chỉ trong 60 năm (từ 1900 -
1960) đã có trên 50% diện tích rừng bị khai thác cho xuất khẩu, ngày nay
rừng ở đây vẫn bị khai thác quá mức, mặc dù tốc độ mất rừng có chậm hơn
nửa đầu thế kỷ XX.
Thứ năm là cháy rừng: Đây là một nguyên nhân khá phổ biến ở các
nước trên thế giới và có khả năng làm mất rừng một cách nhanh chóng. Năm
1997 trong một đợt cháy rừng ở Inđonesia đã thiêu hủy gần 1 triệu ha rừng. Ở
Mỹ đã cháy 2,16 triệu ha rừng năm 2000, năm 2002 rừng U Minh ở Việt Nam
đã cháy 4.400 ha…
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác làm giảm diện tích rừng như
việc xây dựng các công trình thủy điện, xây dựng đường giao thông, phát
triển các khu công nghiệp, du canh, du cư, chính quyền địa phương và nhiều
người dân chỉ đơn thuần thừa nhận giá trị kinh tế mà chưa biết đến giá trị sinh
thái của rừng.
Tình trạng mất rừng quá mức và kéo dài sẽ để lại những hậu quả khôn
lường về kinh tế đặc biệt là môi sinh, vì vậy cần có những biện pháp quản lý
và phát triển tài nguyên rừng để bảo vệ sự sinh tồn của chúng ta.
2.3.3. Tài nguyên rừng ở nước ta
Rừng nước ta là rừng nhiệt đới rất phong phú thành phần loài động,
thực vật, giá trị sinh khối và đa dạng sinh học cao. Song tài nguyên rừng nước
ta đang trong tình trạng bị suy giảm nghiêm trọng.
Bảng 1.4. Diện tích rừng và độ che phủ rừng của Việt Nam, giai đoạn 1943 -
2005
Tổng diện tích rừng Trong đó Tỉ lệ che phủ
Năm
(triệu ha) Rừng tự nhiên Rừng trồng rừng (%)
1943 14,3 14,3 0 43,0
1976 11,1 11,1 0 33,8
1983 7,2 6,8 0,4 22,0
1990 9,2 8,4 0,8 27,8
2000 10,9 9,4 1,5 33,1
2005 12,7 10,2 2,5 38,0

20
Trước đây rừng nước ta hầu hết là rừng giàu hoặc trung bình, sự khai
thác rừng bừa bãi không chỉ làm suy giảm tỉ lệ che phủ mà còn làm suy giảm
chất lượng rừng. Rừng giàu hiện nay chỉ chiếm 11% diện tích rừng, rừng
trung bình là 33% và rừng nghèo lên tới 56%. Tốc độ tăng trưởng trung bình
của rừng nước ta hiện nay là 1-3m3/ha/năm, đối với rừng trồng đạt tới 5-
10m3/ha/năm.
Diện tích rừng bình quân theo đầu người ở nước ta thấp hơn nhiều so
với mức trung bình của thế giới và vùng Đông Nam Á, liên tục giảm xuống
qua từng năm và hiện ở mức rất thấp. Hiện nay diện tích rừng bình quân theo
đầu người ở Việt Nam chưa bằng ¼ mức trung bình của thế giới.
Bảng 1.5. Diện tích rừng bình quân theo đầu người ở Việt Nam 1943 -2012
Năm 1943 1976 1990 1995 2002 2012
Diện tích rừng bình quân
0,63 0,23 0,14 0,13 0,15 0,14
(ha/người)
Nguồn: Số liệu Tổng cục thống kê
Sự cạn kiệt và suy giảm tài nguyên rừng ở nước ta làm cho nhiều loài
động vật quý hiếm như báo gấm, voọc quần đùi trắng, bò tót, chồn bạc má,
hổ… và nhiều loài thực vật quý hiếm như cẩm lai, trầm hương, gọ đỏ… có
nguy cơ bị tuyệt chủng.
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái rừng ở Việt Nam là:
- Đốt nương làm rẫy, có tới 40-50% diện tích rừng mất hàng năm là
nguyên nhân này. Chỉ riêng Đắc Lắc từ năm 1991 - 1996 mỗi năm mất đi một
diện tích trung bình 300-3500 ha rừng, 1/2 số diện tich này bị mất là do làm
nương rẫy.
- Do chuyển đất rừng sang đất sản xuất các cây kinh doanh, đặc biệt là
phá rừng để trồng các cây công nghiệp như cây cafe, cao su… ở Tây Nguyên.
- Việc khai thác rừng quá mức, vượt quá khả năng phục hồi tự nhiên
của nó.
- Do ảnh hưởng của bom đạn, chất độc hóa học trong chiến tranh.
Nguyên nhân này đã làm mất đi 2 triệu ha rừng ở miền Nam.
Ngoài ra còn do cháy rừng và kỹ thuật khai thác lạc hậu, du canh, du cư
và ý thức môi trường của người dân thấp vừa làm suy giảm tài nguyên rừng
vừa gây lãng phí tài nguyên rừng.
Để chống lại xu hướng giảm sút tài nguyên rừng, thực hiện sử dụng bền

21
vững tài nguyên rừng Đảng và Nhà nước ta đã, đang có nhiều biện pháp tích
cực quản lý và phát triển nguồn tài nguyên rừng. Trong số các biện pháp đó
phải kể đến chương trình phục hồi 5 triệu ha rừng (gọi tắt là chương trình 5
triệu ha) chương trình này kéo dài 13 năm, từ năm 1998 đến năm 2010 với
các mục tiêu chủ yếu là:
- Thiết lập 5 triệu ha rừng bằng tái sinh tự nhiên và trồng mới để nâng
diện tích che phủ lên 43%, đây là tỉ lệ che phủ an toàn sinh thái - môi trường,
nhằm giảm thiểu các thảm họa tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
- Sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc, tạo việc làm, góp phần
xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, ổn định chính trị, xã hội và an ninh
quốc phòng các vùng biên.
- Cung cấp gỗ làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp giấy, gỗ
dùng cho công nghiệp khai thác, xây dựng, đáp ứng xuất khẩu và thỏa mãn
nhu cầu gỗ củi cho tiêu dùng trong nước.
Sau 5 năm thực hiện dự án thì theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông
thôn hiện nay nước ta hiện có 13,388 triệu ha rừng, tương đương với độ che
phủ 39,50% trong đó 750.000 ha rừng khoanh nuôi tái sinh; 1,25 triệu ha
rừng trồng mới giai đoạn 2011-2014; dự kiến đến năm 2015 diện tích rừng đạt
khoảng 14, 27 triệu ha , năm 2020 đạt 15,1 triệu ha. Mục tiêu của nước ta là
nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44-45% vào năm 2020.
2.4. Tài nguyên đất.
2.4.1. Vai trò của tài nguyên đất đai đối với sự tồn tại và phát triển của con
người.
Có nhiều định nghĩa về đất, một trong những định nghĩa được thừa
nhận rộng rãi là của Đacuxaep, ông là nhà thổ nhưỡng học người Nga, theo
ông: Đất là vật thể tài nguyên thiên nhiên được hình thành qua một thời gian
dài do kết quả tác động tổng hợp của năm yếu tố gồm: Đá mẹ, sinh vật, khí
hậu, địa hình và thời gian…
Sau này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần bổ sung thêm một yếu tố
đặc biệt quan trọng đó là sự tác động của con người. Bởi lẽ trong quá trình tồn
tại, con người đã tác động vào đất và làm cho đất thay đổi về nhiều tính chất,
có khi còn tạo ra một loại đất chưa từng có trong tự nhiên (ví dụ đất trồng lúa
nước) do vậy, đất có thể viết dưới dạng hàm số của nhiều biến số theo thời
gian như sau:
Đ = f(Đa, Sv, Kh, Đh, Nc, Ng)t

22
Trong đó: Đ : đất
Đa : đá mẹ
Sv : sinh vật
Kh : Khí hậu
Đh: Địa hình
Nc: Nước trong đất và nước ngầm
Ng: Tác động của con người
t : thời gian

Sự thay đổi của một hay nhiều biến sẽ dẫn tới sự thay đổi của chất
lượng đất.
Trên quan điểm sinh học và môi trường, Winkler (1968) xem xét đất
như một vật thể sống vì đất có chứa nhiều sinh vật như vi khuẩn, nấm, tảo,
thực vật, động vật… Vì vậy đất đai cũng tuân thủ những qui luật sống, đó là
phát sinh, phát triển, thoái hóa. Như vậy tùy thuộc vào tác động của con
người đối với đất mà đất có thể phì nhiêu hơn, hoặc trở nên thoái hóa, bạc
màu thậm chí đất không còn khả năng canh tác.
Tài nguyên đất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại, phát
triển của con người. Đất là chỗ ở, là nơi sinh sống của con người, là địa bàn
cho mọi hoạt động kinh tế và xã hội, là nơi xây dựng các cơ sở hạ tầng vật
chất, xã hội … đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người.
Đối với sản xuất nông nghiệp đất là tư liệu sản xuất đặc biệt vì nó vừa
là đối tượng lao động vừa là tư liệu lao động.
Tài nguyên đất được xem xét ở cả hai khía cạnh là số lượng và chất
lượng. Về số lượng tài nguyên đất được xác định bằng đơn vị diện tích, còn
chất lượng được xác định khái quát bằng độ phì nhiêu của đất (bao gồm độ
phì nhiêu tự nhiên, độ phì nhiêu kinh tế…)
2.4.2. Tài nguyên đất trên thế giới
Tổng diện tích đất tự nhiên của thế giới là 14.777 triệu ha, trong đó
diện tích đất canh tác chỉ có 1.500 triệu ha, chiếm khoảng 10,1%, còn lại 24%
là đất đồng cỏ chăn nuôi, 33,9% là rừng, 32% còn lại là đất cư trú và đất đầm
lầy ngập nước mặn hoặc ngọt. Tỷ lệ đất các loại này sẽ thay đổi tùy thuộc vào
điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng
quốc gia.
Hiện nay đất có khả năng nông nghiệp của thế giới vào khoảng 3200

23
triệu ha nhưng mới đưa vào canh tác 1500 triệu ha. Theo đánh giá của FAO
trong số 1500 triệu ha có 14% là đất có năng suất cao, 28% đất có năng suất
trung bình và đất có năng suất thấp là 58%. Đối với các nước phát triển 70%
đất có khả năng nông nghiệp đã được đưa vào canh tác, trong khi đó ở các
nước đang phát triển mới là 36%.
Nhìn chung tài nguyên đất trên thế giới đang ở tình trạng bị suy thoái
nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau (khai thác đất quá mức, phá
rừng gây xói mòn đất, đá ong hóa, do hoạt động công nghiệp và nông
nghiệp…), ước tính hàng năm có tới 15% đất toàn cầu bị thoái hóa vì các
nguyên nhân nhân tạo. Quá trình đô thị hóa và việc biến đất nông nghiệp
thành đất thổ cư cũng được coi là nguyên nhân làm suy giảm quỹ đất nông
nghiệp vốn đã ít ỏi của thế giới. Dân số thế giới phát triển nhanh trong khi quĩ
đất giảm, vì thế bình quân diện tích đất canh tác theo đầu người có xu hướng
giảm khá nhanh. Năm 1983 là 0,31ha/ người, năm 1993 là 0,26 ha/người và
năm 2003 chỉ còn 0,20ha/ người (lấy số liệu mới hơn – S đất canh tác/ người
năm 2010/2013
2.4.3. Tài nguyên đất ở Việt Nam
Nước ta có khoảng 33 triệu ha đất tự nhiên, chưa kể các quần đào
Trường sa và Hoàng sa. Với diện tích này Việt Nam đứng thứ 55 trong số hơn
200 quốc gia trên thế giới. Nhưng do quy mô dân số lớn nên bình quân diện
tích đất tự nhiên theo đầu người ở hàng thấp nhất thế giới, năm 1995 chỉ bằng
1/6 mức trung bình của thế giới và đứng thứ 120/200 quốc gia.
Vào năm 2000, trong số 33 triệu ha đất tự nhiên có: Hơn 9,3 triệu ha là
đất nông nghiệp, chiếm 28,4%; đất lâm nghiệp là 11,6 triệu ha, chiếm 35,2%;
đất chưa sử dụng là hơn 10 triệu ha, chiếm 30,5%, còn lại là đất khác. Tính
đến thời điểm 01/01/2011, hơn 26,2 triệu ha đất nông nghiệp, 3,7 triệu ha đất
phi nông nghiệp, 3,1 triệu ha đất chưa sử dụng. Bình quân diện tích đất nông
nghiệp theo đầu người có xu hướng giảm xuống mặc dù những năm gần đây
nước ta đã cải tạo và đưa vào sử dụng một diện tích nhất định. Năm 1940 bình
quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người là 0,27 ha, đến năm 1975 còn
0,13 ha và năm 2000 là 0,113 ha và tiếp tục giảm xuống còn 0,108 ha năm
2010 và trong vòng 10 năm, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người đã
giảm 50m2, trung bình mỗi năm giảm 5 m 2 . Đây là mức thấp so với mức tối
thiểu mà thế giới quy định (2.600 / người). Chúng ta đang cố gắng bằng nhiều
biện pháp về khoa học kỹ thuật, về vốn… để đến năm 2020 chúng ta khai

24
thác hết tiềm năng đất nông nghiệp, khoảng 10 triệu ha. Cho dù chúng ta có
đạt được thì bình quân diện tích đất nông nghiệp vẫn dưới 1000 m 2/ người, vì
vậy nước ta là một trong những nước hiếm đất trên thế giới, đây là khó khăn
lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở một nước nông
nghiệp.
Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng lên trong khi quỹ đất
nông nghiệp ngày càng giảm (hàng năm có hàng vạn ha đất lúa bị mất đi) vì
tình trạng suy thoái tài nguyên đất ngày càng tăng kéo theo sự suy giảm năng
suất đất, vì quá trình công nghiệp hóa và quá trình biến đất nông nghiệp thành
đất thổ cư. Nếu tình trạng suy thoái đất và sử dụng đất không đúng mục đích,
không hiệu quả kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của đất
nước, mà trước mắt là ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của sản xuất nông
nghiệp, vì thế chính phủ đã có quy hoạch, sử dụng bền vững tài nguyên đất.
2.5. Tài nguyên nước
2.5.1. Vai trò của tài nguyên nước trong cuộc sống
Nước là tài nguyên có ý nghĩa quyết định đối với sự sống và phát triển
của con người. Từ lâu con người đã coi nước là nguồn gốc của mọi nguồn
gốc, là cội nguồn của sự sống. Ở nơi nào có nước thì ở đó có sự sống, nếu
không có nước thì con người cũng như các loài động thực vật không thể tồn
tại, phát triển. Nước chiếm 80-902% khối lượng thực vật, chiếm 70% khối
lượng động vật, trong cơ thể con người trưởng thành nước chiếm 65% trọng
lượng. Nước còn là yếu tố đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành kinh tế :
- Muốn khai thác 1 lít dầu mỏ cần có 10 lít nước.
- Muốn có 1kg giấy cần có 199 lít nước.
- Muốn có 1kg len dạ cần có 600 lít nước.
- Muốn có 1 tấn xi măng cần có 4500 lít nước.
- Muốn có 1 tấn thép cần 20.000 lít nước.
- Muốn có 1 tấn vải láp san cần có 4.200m3 nước.
- Muốn có 1 tấn sợi tổng hợp Capron cần 5600m3 nước.
Trong sản xuất nông nghiệp nước còn quan trọng hơn nữa, nếu không
có nước để hòa tan các loại muối khoáng thì rễ cây không thể hút được những
chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi cây. Cũng vì thế mà từ xa xưa ông cha ta đã
có câu "nhất nước nhì phân".
Hiện nay trên phạm vi toàn cầu, cơ cấu sử dụng nước như sau:
- 8% nước ngọt được khai thác dùng cho sinh hoạt của dân cư.

25
- 23% cho sản xuất công nghiệp.
- 69% cho sản xuất nông nghiệp.
Cơ cấu sử dụng nước ở các nước khác nhau cũng không như nhau, nó
phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế. Ở Mỹ 50% lượng nước khai thác dùng cho
công nghiệp, 40% cho nông nghiệp và cho các mục đích khác là 10%.
Nước là một nhân tố quyết định chất lượng môi trường bởi lẽ, nó trực
tiếp tác động đến thạch quyển, khí quyển dẫn tới sự thay đổi của khí hậu, thời
tiết, nước còn là thành phần cấu tạo nên sinh quyển.
Như vậy nước trong thiên nhiên có vai trò muôn hình muôn vẻ, nước là
nguyên liệu "đặc biệt" cần thiết cho sự sống mà không thể thay thế bằng thứ
khác.
Nước là một tài nguyên hữu hạn, bao gồm nước trong khí quyển (chiếm
0.001% lượng nước trái đất), nước mặt, nước ngầm, nước biển và đại dương.
Khoảng 97% tổng lượng nước hành tinh là nước mặn trong các biển và đại
dương. Nước ngọt chỉ có 3% tổng lượng nước trái đất, trong đó có tới 75%
lượng nước ngọt này tồn tại dưới dạng rắn ở 2 cực trái đất, trong số 25% số
nước ngọt còn lại thì đại bộ phận được tồn tại dưới dạng nước ngầm, chỉ còn
một phần không đáng kể tồn tại dưới dạng nước mặt (hồ, sông, suối…). Nước
trong tự nhiên không ngừng vận động và chuyển đổi trạng thái tạo nên chu
trình nước trong tự nhiên. Nước bốc hơi rồi ngưng tụ thành hạt, khi rơi thành
mưa. Nước mưa rơi xuống mặt đất một phần bốc hơi, một phần tích đọng
trong các hồ, phần khác tạo nên dòng chảy bề mặt rồi đổ ra biển. Toàn bộ
năng lượng dùng trong chu trình nước tự nhiên đều do mặt trời cung cấp dưới
dạng bức xạ mặt trời.
Như vậy nước trên hành tinh "rất nhiều và cũng rất ít", đã thế sự phân
bố nước ngọt lại không đồng đều theo thời gian và không gian trong khi nước
lại là cội nguồn của sự sống. Vì lẽ đó đôi khi nước trở thành nguyên nhân của
sự bất hòa giữa các cộng đồng người, giữa các quốc gia, thậm chí còn là
nguồn gốc của các cuộc chiến tranh, chẳng hạn như tháng 9 - 1980 Iraq tấn
công Iran chỉ vì mục đích muốn giành quyền kiểm soát sông Chattal - arab…
chính vì vậy nhiều nhà chiến lược đã dự đoán rằng, nếu những cuộc chiến
tranh ở thế kỷ XX thường do nguyên nhân dầu mỏ thì những cuộc xung đột ở
thế kỷ XXI sẽ là cuộc tranh phần hơn thua về nguồn nước.
Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nước dùng trong sinh hoạt của con người
đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một nửa số bệnh nhân nằm viện ở các nước

26
đang phát triển là do không được tiếp cận điều kiện vệ sinh phù hợp (vì thiếu
nước) và các bệnh liên quan đến nước. Thiếu vệ sinh và thiếu nước sạch là
nguyên nhân gây tử vong cho hơn 1,6 triệu trẻ em mỗi năm. Giám đốc điều
hành UNICEF, bà Ann M. Veneman cho biết: “ Trên thế giới, cứ 15 giây lại
có một trẻ em tử vong bởi các bệnh do nước không sạch gây ra và nước
không sạch là thủ phạm của hầu hết các bệnh và nạn suy dinh dưỡng. Một trẻ
em lớn lên trong những điều kiện như thế sẽ có ít cơ hội để thoát cảnh đói
nghèo”. Ước tính có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước
sạch. Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã cảnh báo trong 15 năm tới sẽ có
gần 2 tỷ người phải sống tại các khu vực khan hiếm nguồn nước và 2/3 cư dân
trên hành tinh có thể bị thiếu nước.
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của
xã hội. Nước là tài nguyên tái tạo, nước còn rất nhạy cảm với những biến
động của môi trường do đó dễ bị ô nhiễm, suy thoái thậm chí cạn kiệt. Bởi
vậy việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước là cần thiết.
2.5.2. Một số vấn đề về tài nguyên nước ở Việt Nam.
Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa do đó lượng mưa bình quân năm
khoảng 2000mm/ năm trên cả nước. Mạng lưới sông, suối dày đặc với tổng
chiều dài trên 5.200km, vì vậy lượng nước mặt bình quân theo đầu người khá
lớn bằng 11.000m3/năm, đây là mức cao của thế giới và cao hơn nhiều một số
nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Thái Lan (6.700m 3),
Philippin (4.400m3), Trung Quốc, 2.300m3), Nhật Bản (3.400m3), Hàn Quốc
(1.500m3)… Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác là 10 triệu m 3/ngày, hiện
nay ta mới chỉ khai thác gần 3% tiềm năng của nó.
Trong những năm gần đây nhu cầu nước sử dụng cho công nghiệp và
sinh hoạt không ngừng tăng lên theo đà phát triển của công nghiệp, sự gia
tăng dân số, mức sống của người dân không ngừng được nâng cao và sự phát
triển của các đô thị. Nước sử dụng cho nông nghiệp cũng tăng lên do việc mở
rộng diện tích đất canh tác và thâm canh tăng vụ. Lượng nước sử dụng hàng
năm cho nông nghiệp khoảng 93 tỷ m3, cho công nghiệp khoảng 17,3 tỷ m3,
cho dịch vụ là 2 tỷ m3, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ m3. Tính đến năm 2030 cơ cấu
dùng nước sẽ thay đổi theo xu hướng: Nông nghiệp 75%, công nghiệp 16%,
tiêu dùng 8%. Nhu cầu dùng nước sẽ tăng gấp đôi, chiếm khoảng 1/10 lượng
nước sông ngòi, 1/3 lượng nước nội địa, 1/3 lượng nước chảy ổn định.
Về tình hình khai thác sử dụng nước trong đời sống sinh hoạt thì con

27
người sử dụng rất nhiều nước trong sinh hoạt. Về mặt sinh lý mỗi người cần
1-2 lít nước/ ngày. Và trung bình nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của một
người trong ngày 10 – 15 lít cho vệ sinh cá nhân, 20 – 200 lít cho tắm, 20 –
50 lít cho làm cơm, 40 – 80 lít cho giặt bằng máy…
Trong khi đó ở khu vực đô thị thì Việt Nam có 708 đô thị gồm 5 thành
phố trực thuộc trung ương, 86 thành phố và thị xã thuộc tỉnh , 617 thị trấn với
21,59 triệu người (chiến 26,3 dân số toàn quốc) thì có trên 240 nhà máy cấp
nước đô thị với tổng công suất thiết kế là 3,42 triệu m 3/ ngày. Trong đó, 92
nhà máy sử dụng nguồn nước mặt với tổng công suất khoảng 1,95 triệu m 3/
ngày và 148 nhà máy sử dụng nguồn nước dưới đất với tổng công suất
khoảng 1,47 triệu m3/ ngày. Một số địa phương khai thác 100% nước dưới
đất để cung cấp cho sinh hoạt sản xuất như Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…
các tỉnh thành Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Gia Lai, Thái Bình… khai
thác 100% nước mặt. Nhiều địa phương dùng cả hai nguồn nước. Tổng công
suất nước hiện có của các nhà máy cấp nước có thể cung cấp khoảng 150 lít
nước sạch mỗi ngày. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng xuống cấp, lạc hậu nên tỷ lệ
thất thoát nước sạch khá cao (có nơi tỉ lệ lên tới 40%). Nên thực tế nhiều đô
thị chỉ có khoảng 40 – 50 lít/ người/ngày, đây là mức thấp hơn nhiều so với
nhu cầu.
Còn đối với khu vực nông thôn với khoảng 36,7 triệu người dân được
cấp nước sạch trên tổng số người dân 60,44 triệu. Nước được coi là "an toàn"
mới chỉ có 32% dân cư được sử dụng, số dân còn lại sử dụng nước mưa, nước
giếng khoan, giếng đào, nước từ sông, hồ không qua xử lý và các nguồn khác.
Tỉ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt lớn nhất ở vùng Nam Bộ
chiếm khoảng 66,7%, đồng bằng sông Hồng 65,1%, đồng bằng sông Cửu
long 62,1%.
Về nước ngầm, Viet Nam có nguồn nước chất lượng tốt với trữ lượng
lớn nhưng ở nhiều nơi, nước ngầm bị khai thác tập trung nên đang có mức sụt
giảm nghiêm trọng, vượt quá khả năng tự nạp lại một cách tự nhiên. Việc khai
thác nước ngầm đã bắt đầu hạ nhanh mực nước ngầm, có nơi đến hàng chục
m, như tại Hà Nội và nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh, mực nước ngầm đã
giảm 30m so với mực nước tự nhiên, kèm theo đó là hiện tượng đất bị lún,
nước mặn, chua xâm nhập, điển hình là ở thành phố Hồ Chí Minh nước ngầm
được khai thác từ năm 1960 một cách quá mức do đó đã bị nhiễm mặn buộc
phải ngừng khai thác, đến nay gần 40 năm mà tầng nước ngầm vẫn bị mặn

28
chưa được phục hồi. Hiện tượng ô nhiễm nước ngầm đã xảy ra ở nhiều nơi
với độ sâu 18m. Tại Hà Nội, với tổng mức khai thác nước ngầm của toàn
thành phố vào khoảng 700.000m3/ ngày đêm, với hơn 170.000 giếng khai
thác. Dự báo đến năm 2020 mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên mức 1,4 triệu
m3/ ngày đêm. Tuy nhiên qua khảo sát 824 mẫu ở Hà Nội thì 414 mẫu có
As>10 µg/l, chiếm khoảng 49,3%.
Ngoài ra, còn còn nhiều loại tài nguyên khác như: tài nguyên sinh vật,
tài nguyên khí hậu… Mỗi loại có tầm quan trọng nhất định đối với sự tồn tại
phát triển của con người và đối với chất lượng môi trường sống.

29
CHƯƠNG II: Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ
LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG
I. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
1. Khái niệm ô nhiễm môi trường và nguyên nhân
1.1. Ô nhiễm môi trường là gì?
Ô nhiễm môi trường là sự thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm
tiêu chuẩn môi trường bởi các chất gây ô nhiễm.
Tiêu chuẩn môi trường là các giá trị được ghi nhận của nhà đương cục
trong các quyết định chính thức, xác định nồng độ tối đa cho phép của các
chất có trong thức ăn, nước uống, không khí, nước… hoặc là giới hạn chịu
đựng của con người và sinh vật với các yếu tố môi trường khác.
Tiêu chuẩn môi trường là căn cứ để quản lý môi trường, ví dụ như, để
quản lý môi trường không khí phải lấy chuẩn chất lượng không khí làm cơ sở
hay chuẩn chất lượng nước làm cơ sở để quản lý môi trường nước…
Tiêu chuẩn chất lượng môi trường phải dựa trên tiêu chuẩn sức khỏe
con người. Phần lớn các tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn sức khỏe do các
nhóm chuyên gia quốc tế và quốc gia biên soạn.
1.2.Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là hậu quả của các hoạt động tự nhiên như, hoạt
động của núi lửa, lũ lụt, bão cát… hoặc chất thải từ các hoạt động kinh tế và
chất thải sinh hoạt của con người. Trong đó các hoạt động kinh tế và tiêu
dung sinh hoạt của con người là nguyên nhân chủ yếu của hầu hết các trường
hợp ô nhiễm môi trường tự nhiên. Cũng vì thế mà cuộc đấu tranh bảo vệ môi
trường tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ có qui mô
ngày càng lớn mà còn ngày càng phức tạp hơn, khó khăn hơn nhất là trong
bối cảnh chạy đua kinh tế giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh, giữa các quốc
gia, giữa các trung tâm kinh tế thế giới ngày càng gay gắt.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải
cùng nhiều hoạt động dịch vụ khác và sinh hoạt của dân cư thường xuyên thải
ra nhiều chất thải. Chất thải tồn tại dưới ba dạng chủ yếu là: dạng lỏng (nước
thải), dạng khí và dạng rắn.
Chất thải rắn được hiểu là vật liệu nào ở dạng rắn bị loại bỏ mà không
được tiếp tục sử dụng như ban đầu.

30
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phụ thuộc vào hai yếu tố chính là
quy mô dân số và mức tiêu dùng của dân cư. Khối lượng chất thải rắn công
nghiệp phụ thuộc vào tính chất ngành công nghiệp, quy mô sản xuất và công
nghệ sản xuất. Chất thải rắn cần thời gian dài, thậm chí rất dài để phân hủy
trong môi trường tự nhiên.
Bảng 5. Thời gian tự phân hủy của một số loại chất rắn
Loại chất thải Thời gian tự phân hủy (năm)
Khăn giấy 0,4
Đầu lọc thuốc lá 1,5 – 2
Kẹo cao su 5
Chai nhựa 100 – 1000
Nguồn: Khoa học môi trường tr217
Trong vài thập kỷ gần đây, thế giới đang quan tâm đến chất thải nguy
hại. Nhật Bản là nước đầu tiên đưa ra việc kiểm tra đầy đủ các loại chất thải
độc hại (1960), sau khi những người dân chết do ăn phải cá nhiễm thủy ngân
ở Minimita. Hoặc nước Anh trước sự bất bình của công chúng sau khi phát
hiện ra những thùng rỗng chứa muối xianua trên đất hoang mà trẻ em chơi ở
đó thì Ủy an cao cấp kiểm tra chất thải được thành lập.
Năm 1993, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa ra danh mục chất thải
rắn nguy hại bao gồm:
1. Asen (As) và các hợp chất 8. Beryli (Be) và các hợp chất
2. Thủy ngân và các hợp chất 9. Các hợp chất chứa Phenol
3. Cađimi (Cd) và các hợp chất 10. Các hợp chất chứa Xianua
4. Tali (Tl) và các hợp chất 11. Các hợp chất halogen hữu cơ
5. Crom (Cr) và các hợp chất 12. Các hợp chất đồng hòa tan
6. Chì (Pb) và các hợp chất 13. Các chất phóng xạ.
7. Antimon (Sb) và các hợp chất
Chất thải nguy hại có những tính chất chính là ăn mòn, cháy, gây phản
ứng hoặc nổ, độc hại, bền vững trong môi trường, là tác nhân nguy hiểm đối
với bệnh ung thư, thần kinh, gây viêm nhiễm, quái thai …
Như vậy, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng như các phương tiện
giao thông vận tải càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
thì lượng chất thải nguy hại càng tăng lên. Do đó, việc quản lý và xử lý các
chất thải nguy hại cũng khó khăn, phức tạp và tốn kém nhiều hơn. Tuy nhiên,
các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lỗi lầm của quá khứ còn tốn tiền của và thời

31
gian hơn nhiều so với việc xử lý ngay, thậm chí gây hậu quả khôn lường đối
với sự tồn tại và phát triển của con người.
Dân số thế giới ngày càng tăng và các hoạt động kinh tế mà đặc biệt là
hoạt động sản xuất công nghiệp cũng gia tăng nhanh chóng, do đó lượng chất
thải và tỷ lệ rác thải nguy hại ngày càng nhiều, nó đã và đang tiếp tục làm tổn
hại môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và các hoạt động kinh
tế - xã hội.
2.Ô nhiễm môi trường nước
2.1. Ô nhiễm nước là gì?
Hiến chương Châu Âu định nghĩa: Sự ô nhiễm nước là một biến đổi
chủ yếu do con người gây ra đối với chất lượng nước, làm ô nhiễm nước và
gây nguy hại cho việc sử dụng, cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi cá, nghỉ
ngơi – giải trí, cho động vật nuôi cũng như các loài hoang dại.
Một định nghĩa khác: Nước bị ô nhiễm khi tính chất lý học, hóa học và
điều kiện vi sinh của nước bị thay đổi. Sự thay đổi này có tác động xấu đến sự
tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.
Tính chất lý học của nước được thể hiện ở màu sắc, mùi vị, độ đục.
Nước tự nhiên sạch không màu, nếu nhìn xuống sâu ta có cảm giác màu xanh
nhẹ, không có mùi vị hoặc có mùi dễ chịu, không chứa các chất lơ lửng nên
trong suốt.. Khi nước có màu xanh đậm hoặc xuất hiện váng bọt màu trắng
hoặc có màu vàng bẩn, có mùi vị khó chịu, có chứa các hạt sét, mùn, vi sinh
vật, các hóa chất kết tủa… thì nước trở nên đục, đây là những dấu hiệu của
nước ô nhiễm.
Về tính chất hóa học của nước: Nước không ô nhiễm phải đảm bảo
không có kim loại nặng như Hg, Pb, Cr, As, Cu, Zn… không có các thuốc bảo
vệ thực vật cũng như Nitrat (NO3), Phosphat (PO4), Sulphat (SO4) ở nồng độ
cao…
Điều kiện vi sinh nói lên các vi sinh vật hoại sinh, các vi khuẩn và vi-
rút gây bệnh, cho phép sự xuất hiện của chúng hoặc không cho phép sự xuất
hiện của chúng trong môi trường nước cho từng đối tượng sử dụng nước.
2.2. Các thông số xác định chất lượng nước
Trong nghiên cứu người ta dùng thuật ngữ “chỉ tiêu chất lượng nước”
để nói về chất lượng nước dùng vào các mục đích khác nhau. Các chỉ tiêu này
được nghiên cứu và đề ra thành tiêu chuẩn. Ở các nước phát triển có hệ thống
tiêu chuẩn về chất lượng nước dùng cho các mục đích khác nhau, như chuẩn

32
nước cho sinh hoạt, cho các ngành công nghiệp, cho nông nghiệp, cho thể
thao – du lịch – giải trí, chuẩn về xả thải vào các nguồn nước. Khi nói về ô
nhiễm nước người ta dùng thật ngữ “ mức độ ô nhiễm nước”. Để xác định
chất lượng nước hay mức độ ô nhiễm nước người ta dùng các thông số chất
lượng môi trường nước gồm có:
- Các thông số vật lý: Nhiệt độ, màu, mùi vị, độ dẫn điện, độ phóng
xạ…
- COD, ôxy hòa tan, dầu mỡ, clorua, sulfat các nguyên tố vi lượng, kim
loại nặng, thuốc trừ sâu, các chất tẩy rửa và nhiều chất độc khác…
- Các thông số sinh học: Có nhiều loại thông số sinh học khác nhau,
một trong số được thế giới tạm thời chọn và sử dụng phổ biến là thông số
E.coli
- Vi khuẩn E.coli được tìm ra năm 1885, là loại vi khuẩn sống thường
xuyên ở ruột người và súc vật, thông thường nó không gây bệnh cho người
khác và súc vật, nhưng trong điều kiện thuận lợi nào đó, nó sẽ trở thành vi
khuẩn gây bệnh. Trung bình trong mỗi gam phân người có từ 107 – 109 con
vi khuẩn. Vì vậy sự có mặt của E.coli trong nước sinh hoạt, trong thực
phẩm… là dấu hiệu của sự nhiễm phân.
Các thông số được dùng là: BOD, COD và hàm lượng chất lơ lửng,
DO, pH. Ý nghĩa của mỗi thông số như sau:
Thứ nhất là nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD Biochemical Oxygen
Demand).
Nhu cầu oxy sinh hóa – BOD là lượng ôxy cần thiết mà vi sinh vật
dùng để ôxy hóa (phân hủy hết) các chất hữu cơ có trong nước. Thông thường
sau thời gian 5 ngày ở nhiệt độ 20 0C khoảng 80% các chất hữu cơ dễ phân
hủy sẽ bị phân hủy, vì vậy người ta thường lấy thời gian 5 ngày với nhiệt độ
200C để xác định nhu cầu oxy sinh hóa – gọi tắt là BOD 5. Người ta có thể xác
định BOD toàn phần hay còn gọi là BOD20 tương ứng với thời gian 20 ngày,
trong thực tế người ta thường sử dụng BOD5.
Giá trị của BOD5 càng lớn có nghĩa là mức độ ô nhiễm hữu cơ càng
cao.
Theo quy định của Bộ y tế thì:
BOD5 < 4mg/l: nước dùng trong sinh hoạt
BOD5≥ 5mg/l: là nước ô nhiễm nhẹ
BOD5≥ 10mg/l: Ô nhiễm hữu cơ rõ rệt

33
Thứ hai là nhu cầu oxy hóa học (COD – Chemical Oxygen
Demand).
Nhu cầu oxy hóa học – COD là lượng ôxy cần thiết để phân hủy hết các
chất hữu cơ có trong nước theo con đường hóa học (nghĩa là phân hủy hết các
chất hữu cơ trong nước thành CO2 và nước khi có đủ lượng ôxy cần thiết).
Sự khác biệt giữa COD và BOD là ở chỗ, BOD chỉ lượng oxy cần thiết
để oxy hóa các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (nghĩa là nhờ vào vai
trò của vi sinh vật), còn COD là lượng oxy cần thiết để ôxy hóa toàn bộ các
hợp chất hữu cơ có trong nước. Do đó COD có giá trị cao hơn BOD. Thí dụ
nước thải của ngành công nghiệp hóa chất của Anh có BOD = 580mg/l và
COD = 1500mg/l, của ngành thực phẩm có BOD = 2.242,2mg/l và COD =
3.970mg/l. Trong nước sạch bao giờ cũng có một lượng oxy hòa tan nhất
định, nếu BOD và COD cao sẽ làm cho lượng oxy hòa tan giảm xuống và hậu
quả là tôm, cá cùng các động vật khác dưới nước sẽ chậm phát triển hoặc
chết.
Thứ ba là chất rắn lơ lửng (Suspended Solids – SS): Là các hạt chất rắn
lơ lửng trong nước có kích thước rất nhỏ, nó thường là khoáng sét, mùn, bụi
than… Sự có mặt của chất rắn lơ lửng trong nước gây cho nước đục, thay đổi
màu sắc và các tính chất khác. Để xác định hàm lượng chất rắn lơ lửng người
ta lấy một mẫu nước lọc qua giấy lọc chuẩn, cặn thu được trên giấy lọc mang
sấy ở 1050C cho đến khi khối lượng không đổi thì đem cân. Nước dùng cho
sinh hoạt (kể cả ăn uống) hàm lượng SS chỉ được ≤ 0.25mg/l.
Thứ tư là độ pH của nước. Giá trị pH là một trong những yếu tố quan
trọng để xác định chất lượng nước về mặt hóa học.
Nếu pH = 7 là nước trung bình
pH < 7 nước mang tính acide
pH > 7 nước mang tính kiềm
Tiêu chuẩn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt qui định pH = 6 – 8.5, đối
với nước tinh khiết pH = 7. Trong hồ, ao khi pH <4 hoặc >10 cá thường
không sống được…
Thứ năm là hàm lượng oxy hòa tan trong nước (Dissolved oxygen –
DO) nước sạch luôn có một hàm lượng DO nhất định, thông thường trị số DO
bằng 8 – 15mg/l tùy theo nhiệt độ và độ mặn của nước (nhiệt độ càng tăng thì
lượng DO càng giảm trong nước, khi nước ở 100 0C thì lượng DO là 0 mg/l).
Qui định nước uống DO không được nhỏ hơn 6 mg/l, đối với nước mặt DO

34
quá thấp thì các loài sinh vật nước sẽ giảm hoạt động hoặc chết, ví dụ như cá
quả, cá rô sẽ chết nếu DO < 5-8 mg/l, nếu DO < 3mg/l thì cá chép, cá trê cũng
khó sống. Hàm lượng DO trong nước là yếu tố quan trọng để nước sông, hồ…
có khả năng tự làm sạch nhờ sự hoạt động của các vi sinh vật hiếu khí, khi
BOD và COD quá cao sẽ làm giảm DO gây mùi hôi thối cho nước.
2.3. Nguồn gây ô nhiễm
Nguồn nước (kể cả nước mặt, nước ngầm) bị ô nhiễm do nhiều nguyên
nhân khác nhau nhưng chủ yếu do nước thải sinh hoạt và nước thải công
nghiệp.
Thứ nhất là nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư. Nguồn này bao gồm
nước thải từ các hộ gia đình, trường học, khách sạn, bệnh viện, khối các cơ
quan, doanh trại quân đội…
Đặc điểm cơ bản của loại nước thải này là chứa nhiều các chất dinh
dưỡng, nhiều vi trùng, nhiều chất rắn, chất tẩy rửa…
Nguồn gây ô nhiễm thứ hai là nước thải công nghiệp. Nguồn này bao
gồm nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh và từ các khu vực giao thông
vận tải. Tùy thuộc vào từng cơ sở sản xuất kinh doanh mà nước thải sẽ có
những đặc điểm tưng ứng chẳng hạn như:
- Nhà máy sản xuất ắc qui thì nước thải sẽ có acid, chì…
- Nhà máy chế biến thực phẩm (sữa, thịt, tôm đông lạnh, bia, rượu…)
thì nước thải sẽ chứa nhiều chất hữu cơ dễ bị phân hủy
- Nhà máy thuộc da, nước thải có nhiều kim loại nặng, chất hữu cơ...
Ngoài hai nguồn chủ yếu trên còn có nguồn gây ô nhiễm khác, đó là
nước chảy tràn mặt đất bao gồm nước mưa xuống và nước thải từ các đồng
ruộng. Đặc điểm của loại nước này là chứa nhiều chất thải rắn, nhiều vi trùng,
phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật…
Riêng về hóa chất bảo vệ thực vật, hiện nay trên thế giới cũng như ở
nước ta, nó được sử dụng ngày càng nhiều để bảo vệ cây trồng, do đó sản
lượng cây trồng tăng lên, tuy nhiên nó cũng là một tác nhân gây ô nhiễm
nguồn nước không nhỏ, nếu dùng quá mức còn gây ô nhiễm thực phẩm ảnh
hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí gây ngộ độc hay tử vong.
Hóa chất bảo vệ thực vật xâm nhập vào các nguồn nước bằng nhiều con
đường như rửa trôi bề mặt, do gió thổi khi đang phun, phun thuốc diệt muỗi ở
những vùng đất ướt và trũng nước. Khi phun cho cây trồng có tới 50% rơi vào
nước và xuống đất… gây ô nhiễm môi trường đất, nước.

35
Hậu quả của nước chảy tràn mặt đất là tất cả các nguồn nước bẩn đó
đều kéo ra sông suối, hoặc thấm vào mạch nước ngầm làm cho nước mặt và
nước ngầm bị ô nhiễm.
2.4. Ô nhiễm nước ở Việt Nam
Cho đến nay đặc điểm cơ bản của kinh tế nước ta vẫn là kinh tế nông
nghiệp, sản xuất công nghiệp nhỏ bé nên tổng lượng chất thải độc hại dưới
dạng rắn và lỏng chưa phải là nhiều so với các nước phát triển, mặc dù có nơi,
có lúc các phế thải đã bộc lộ mức nghiêm trọng của nó. Hiện nay ô nhiễm
nước chủ yếu xảy ra ở các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, các bến cảng
lớn và những nơi có mật độ dân số cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng
này là do phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có hệ thống xử lý nước
thải trước khi đổ vào hệ thống nước thải của thành phố, một số cơ sở sản xuất
có trang bị hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không sử dụng vì sợ tốn kém
ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), nước
thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một
nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước và vấn đề này có xu
hướng càng ngày càng xấu đi. Ước tính, hiện chỉ có khoảng 6% lượng nước
thải đô thị được xử lý. Hầu hết các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội
và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có dân cư đông đúc và nhiều các khu công
nghiệp lớn này đều bị ô nhiễm. Ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp là rất
nặng. Ví dụ: ở ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột
giấy, nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11; chỉ số nhu cầu ô xy sinh
hoá (BOD), nhu cầu ô xy hoá học (COD) có thể lên đến 700mg/1 và
2.500mg/1; hàm lượng chất rắn lơ lửng... cao gấp nhiều lần giới hạn cho
phép. Hàm lượng nước thải của các ngành này có chứa xyanua (CN-)vượt đến
84 lần, H2S vượt 4,2 lần, hàm lượng NH3 vượt 84 lần tiêu chuẩn cho phép nên
đã gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng dân cư.
Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị, nước thải, rác thải sinh hoạt
không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông,
hồ, kênh, mương). Mặt khác, còn có rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý
nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý
nước thải, một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không được thu gom hết
được…là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nguồn nước. Trung bình
một ngày Hà nội thải 458000m3 nước thải, trong đó 41% nước thải sinh hoạt,

36
57% nước thải công nghiệp, 2% nước thải bệnh viện, chỉ có khoảng 4% nước
thải được xử lý. Phần lớn nước thải không được xử lý đổ vào các sông Tô lịch
và Kim ngưu gây ô nhiễm nghiêm trọng hai con sông này và khu vực dân cư
dọc theo sông. Đáng lưu ý là hệ thống hồ trong Công viên Yên Sở, được coi
là thùng chứa nước thải của Hà Nội với hơn 50% lượng nước thải của Hà Nội.
Người dân trong khu vực này không chỉ không có đủ nước sạch cho nhu cầu
sinh hoạt và tưới tiêu mà điều kiện sống của họ còn bị đe dọa nghiêm trọng
chính vì nhiều khu vực trong công viên cũng là nơi nuôi dưỡng mầm mống
của dịch bệnh.
Theo một khảo sát môi trường thì có tới 90% số doanh nghiệp không
đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng dòng xả nước thải xả ra môi trường.
73% số danh nghiệp xả nước thải không đạt tiêu chuẩn do không có các công
trình và thiết bị xử lý nước thải. Có 60% số công trình xử lý nước thải hoạt
động, vận hành không đạt yêu cầu.
Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông
nghiệp, hiện nay ở nước ta có gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là
nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc
không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô
nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, ô nhiễm môi trường tại Viet
Nam trong những năm qua gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 5,5% giá trị GDP.
Theo các thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã mất 3,9 tỷ USD trong 71 tỷ USD
của GDP trong năm 2007 và khoảng 4,2 tỷ USD ước tính trong 76 tỷ USD
của GDP trong năm 2008; đồng thời mỗi năm thiệt hại 780 triệu USD trong
các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Giả sử có một doanh
nghiệp mà trong quá trình sản xuất tạo ra một lượng chất thải có nhiều chất
gây ô nhiễm chẳng hạn nước thải của họ đi vào nguồn nước của địa phương
làm cho cư dân quanh vùng và bà con nông dân phải gánh chịu nhiều thiệt hại
là sự giảm năng suất cây trồng, giảm tốc độ phát triển của vật nuôi, sức khỏe
của người dân cũng bị ảnh hưởng… Có thể thấy rõ qua ngành công nghiệp
giấy. Các doanh nghiệp ngành giấy xả chất thải xuống làm ô nhiễm dòng
sông, giảm lượng oxy hòa tan trong nước làm cá và sinh vật thủy sinh trong
nước bị chết dẫn đến làm giảm thu nhập của ngư dân. Các doah nghiệp này
phải đền bù thiệt hại về môi trường. Một số vụ nổi bật như: Vụ tràn dầu ở Cát
lái (thành phố Hồ chí Minh) ngày 3/10/1994 với lượng dầu tràn 1.700 tấn, bồi

37
thường thiệt hại về môi trường: 4.200.000 USD; tiếp đến ngày 27/1/1996
lượng dầu tràn 72 tấn, bồi thường thiệt hại 600.000USD; vụ tràn dầu tại công
ty đường La Ngà, ngày 12/9/1997 lượng dầu tràn: 2.780 lít, bồi thường thiệt
hại cho các bè cá: 178 triệu đồng; phạt vi phạm hành chính: 35 triệu; công ty
Vedan hỗ trợ kinh phí ngư nghiệp: 15 tỷ đồng…
Ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường nước còn rất thấp (một số
nước ASEAN đã đầu tư ngân sách cho bảo vệ môi trường là 1% GDP, còn ở
Việt Nam mới chỉ đạt 0,1%). Các chương trình giáo dục cộng đồng về môi
trường nói chung và môi trường nước nói riêng còn quá ít. Đội ngũ cán bộ
quản lý môi trường nước còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng (Hiện nay
ở Việt Nam trung bình có khoảng 3 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân,
trong khi đó ở một số nước ASEAN trung bình là 70 người/1 triệu dân)..
Tình trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn nữa cho chính phủ, doanh
nghiệp, các tầng lớp dân cư trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
3. Ô nhiễm môi trường đất
Môi trường nước và môi trường không khí bị ô nhiễm khi tính chất lý
học, hóa học và điều kiện vi sinh của chúng thay đổi, sự thay đổi đó có tác
động xấu đến sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. Đối với đất
không như vậy, đất có nhiều loại như đất cát, đất nâu, đất sét, đất bazan…
trong mỗi loại lại có thể có nhiều loại khác nhau nữa, bởi vậy không thể có
tính chất lý học và hóa học chung cho tất cả các loại đất. Đây là lý do để khi
chúng ta nghiên cứu về ô nhiễm đất thì chúng ta chỉ xem xét nguyên nhân dẫn
đến ô nhiễm đất là chủ yếu.
3.1. Những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất
Ta có thể hiểu đất bị ô nhiễm là đất chứa những chất độc hại đối với sự
sinh trưởng của con người và các loại cây, con trên đó.
Đất bị ô nhiễm có thể do nguồn gốc tự nhiên như ngập úng, đất mặn do
xâm nhập thủy triều, do núi lửa… cũng có thể do nguồn gốc nhân sinh, mà
nguồn gốc thứ hai này là chủ yếu. Những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm
đất:
Thứ nhất là do thói quen phản vệ sinh dẫn đến ô nhiễm đất. Ai cũng
biết phân rác bẩn là mầm mống của bệnh tật, trong phân chứa nhiều vi khuẩn
đường ruột, uốn ván, trứng giun sán… còn rác là nơi ẩn nấp và hoạt động của
chuột, là khu trú của nhiều mầm bệnh… Thế nhưng ở nhiều nước đang phát
triển, đặc biệt là những vùng nông thôn và miền núi thường có thói quen

38
phóng uế bừa bãi, vứt rác, vứt xác súc vật… không đúng nơi quy định. Ngay
trong các đô thị, một số cư dân vẫn có những thói quen lạc hậu này.
Thứ hai là do hoạt động sản xuất nông nghiệp với những phương thức
sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật… không hợp lý. Ở nhiều nước
nghèo, lạc hậu người nông dân vẫn còn thói quen dùng chất thải súc vật, phân
bắc tươi để tưới bón các loại cây trồng. Các chất thải này có ý nghĩa nhất định
đối với việc làm tăng độ phì nhiêu của đất nhưng nó cũng là một nguyên nhân
gây ô nhiễm đất, bởi lẽ trong hầu hết phân gia súc chứa nhiều trứng giun, sán,
chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh đường ruột như E.coli. Đối với phân bắc cũng
vậy nó không chỉ chứa các loại vi khuẩn gây bệnh… mà còn tạo điều kiện
thuận lợi cho các loại vi trung, giun sán…sinh sôi nảy nở. Không chỉ thế bón
nhiều phân hữu cơ trong điều kiện yếm khi thì nó dễ dàng làm cho đất trở nên
chua và chứa nhiều loai độc tố như CO2, CH4 …
Ta có thể thấy rõ điều này qua vùng trồng rau Mai Dịch – Từ Liêm –
Hà Nội. Theo Trần Khắc Thi (1966) thì vùng này có mật độ trứng giun đũa là
27,4 trứng/100g đất, trứng giun tóc là 3,2 trứng/100g đất. Theo điều tra của
Viện thổ nhưỡng nông hóa (1993 -1994) tại một số vùng trồng rau, nông dân
chủ yếu sử dụng phân bắc tươi với lượng từ 7 – 12 tấn/ha nên trong 1 lít nước
mương ở đó có tới 360 con E.Coli, ở giếng nước đào công cộng là 20 con
E.coli, trong đất lên tới 2.105 con/100g đất. Tình trạng này ảnh hưởng rất
nhiều đến sức khỏe của người trồng rau thường xuyên sử dụng phân bắc tươi,
cụ thể là 53,3% số người sử dụng phân bắc từ 5 năm trở lên có triệu chứng
thiếu máu, 60% số người này bị mắc bệnh ngoài da.
Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa chất bảo vệ thực vật
không hợp lý cũng là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm đất. Trong nông
nghiệp thường sử dụng lượng phân vô cơ quá lớn bao gồm phân lân (P 2O5),
phân kali (K2O) đặc biệt là phân đạm (N)... trong nhiều loại hóa chất bảo vệ
thực vật như DDT, lindan, andrin, cabramyl... Trong những sản phẩm này
thường có hàm lượng nhất định các kim loại nặng như As, Cd, Hg,Pb... và cả
NO3... khi sử dụng các sản phẩm này quá mức sẽ dẫn đến tồn động các kim
loại nặng, chất độc hại trong đất và làm ô nhiễm đất, từ đó có thể làm nhiễm
bẩn thực phẩm. Chẳng hạn như phân đạm mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cây
trồng, nhưng cây chỉ sử dụng có hiệu quả tối đa 30% lượng phân đạm bón vào
đất, còn lại một phần bị nước cuốn trôi, một phần thấm vào đất...Đây là
nguyên nhân làm cho nước ngầm bị nhiễm NO3 và đất bón nhiều phân đạm sẽ

39
tồn động HNO3 trở nên chua, hơn thế nữa các loại rau quả thực phẩm được
bón nhiều phân đạm sẽ bị tồn đọng NO 3 với hàm lượng cao. Đối với các nước
đang phát triển có tiêu chuẩn an toàn về rau, ở mỗi loại rau có ngưỡng NO 3 để
đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo tiêu chuẩn của
tổ chức y tế thế giới (WHO) giới hạn cho phép NO 3 trong rau tươi của mỗi
người là 220mg/ngày. Tổ chức FAO cho rằng hàm lượng NO 3 là 500 mg/kg
bắp cải, đối với khoai tây là 250mg/kg, đối với cà chua là 300mg/kg, xúp lơ là
300mg/kg, dưa chuột là 150mg/kg...sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
người tiêu dùng. Ở nước ta chưa có tiêu chuẩn an toàn về rau và không ít
người sản xuất rau lại không biết cách sử dụng khoa, học hợp lý phân bón hóa
học, vì thế trong không ít trường hợp rau có chứa lượng NO 3 cao, đây là một
nguên nhân khiến cho việc xuất khẩu rau sang các nước phát triển nhiều khi
bị từ chối.
Việc sử dụng nước thải của thành phố để tưới cũng là một nguyên nhân
gây ô nhiễm đất. Thành phố không chỉ tập trung đông dân cư mà còn nơi tập
trung sản xuất công nghiệp, dịch vụ, vì thế trong nước thải thành phố thường
có nhiều kim loại nặng, axit, các chất tảy rửa, dầu mỡ...Dùng nước thải chưa
qua xử lý để tưới sẽ làm cho đất ngày càng tích lũy nhiều hóa chất độc hại và
kim loại nặng do đó tồn đọng cả trong cây trồng, ví dụ dưới đây cho thấy rõ
rệt điều này
Bảng: Thành phần hóa chất độc hại có trong đất do dùng nước thải của
thành phố chưa qua xử lý
Đối tượng lấy mẫu
Nước thải trung bình Đất trung bình ở nhiều Rau muống trên các
của nhiều nơi trên sông nơi ngoại thành Hà Nội vùng nước thải (ppm)
Kim Ngưu và Tô Lịch dùng để trồng rau hoặc
(mg/l) thả cá
Pb 0.019-10.0033 70 - 43.7 2.8 – 5.3
Cd 0.01 0.2 – 1.7 0.2 – 0.4
N 0.1 3.1 – 8.6 0.27 – 2.55
Cl 0.2 1.6 – 1.9 0.49 – 0.81
( Nguồn: Con người và môi trường – PTS Hoàng Hưng, Tr.265 – NXB Trẻ
2000)
Thứ ba là do thải ra mặt đất một lượng lớn chất thải công nghiệp, sản
xuất công nghiệp thường xuyên thải bỏ lượng lớn chất thải rắn (bụi, than, cao

40
su, da, vải, quặng, chất hữu cơ, nhựa tổng hợp…) trong đó 15% có khả năng
gây độc nguy hiểm. Trong môi trường tự nhiên, nhưng rác thải này được tích
đọng và bằng những cơ chế khác nhau gây ô nhiễm cho đất và liên chuỗi thực
phẩm của người. Dầu mỏ và những sản phẩm của nó như xăng, dầu hỏa, dầu
nhờn… đổ trên mặt đất làm cho đất ô nhiễm, thậm chí từ đất sản xuất trở
thành đất chết. Cuối cùng là những chất gây ô nhiễm không khí rồi lại lắng
đọng ở mặt đất. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp trong quá trình hoạt động
thải bỏ phế thải dưới dạng hơi, khí độc vào khí quyển sau đó lại rơi xuống đất
gây ô nhiễm đất. Ví dụ một số ngành công nghiệp chế tạo có sử dụng các hóa
chất chứa S, trong điều kiện nhất định sẽ phát sinh ra khí SO 2 và rồi SO2 kết
hợp với hơi nước trong khí quyển tạo thành H 2SO4 dưới dạng sương mù hoặc
mưa làm cho mặt đất bị nhiễm H2SO4.
3.2. Hậu quả của ô nhiễm môi trường đất
Hiện nay chưa tìm được một chất hóa học đặc biệt nào có thể xác định
tình trạng đất bị ô nhiễm vì cấu tạo của mỗi loại đất rất khác nhau. Phương
pháp phổ biến hiện nay là dựa vào các phân tích hóa học và vi sinh vật đối với
mẫu đất để đánh giá mức độ ô nhiễm hay sạch, bẩn của đất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất nhưng quan
trọng trước nhất là do những phế thải rắn hay lỏng từ các hoạt động công
nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, giao thông vận tải… không được xử lý kịp
thời, hợp lý.
Hàng năm thế giới có khoảng 45.000 triệu tấn chất thải, riêng Mỹ
chiếm tới 25% lượng chất thải của thế giới mặc dù Mỹ chỉ có số dân bằng 5%
dân số thế giới. Mỗi năm Mỹ xuất sang một số nước đang phát triển hơn 2
triệu tấn chất thải bao gồm cả những phế thải chứa nhiều độc tố nguy hiểm,
năm 1998 số lượng chất thải Mỹ xuất đi lớn gấp 522 lần của năm 1980 và
hiện nay vẫn có xu hướng tăng lên.
Trong thực tế ngoài việc chôn lấp rác hay chế biến rác thải làm phân
bón người ta còn vứt xuống ao, hồ, sông, biển, và trên mặt đất… Có những
loại rác sau một thời gian chôn vùi nó có thể mục nát, nhưng có cả những loại
rác dù có chôn vùi vài chục năm thậm chí hàng trăm năm nó cũng không mục
nát ví dụ như đồ nhựa, cao su, túi nilon… còn nếu đêm đốt các loại rác đó lại
sinh ra các khí độc như CO2, SO2… Qua nhiều nghiên cứu người ta cho thấy
50% chất thải công nghiệp ở dạng rắn, trong đó hơn 15% có khả năng gây độc
nguy hiểm.

41
Hiện nay, ở Mỹ có khoảng 76.000 bãi rác công nghiệp không được
thiêu đốt, ở Đan Mạch có 3.200 bãi rác thải, trong số này có 500 bãi thải hóa
chất. Chỉ tính riêng chất thải rắn công nghiệp, mỗi năm Nhật có hơn 50 triệu
tấn. Nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa do đó chất thải nói chung và chất thải rắn công nghiệp nói riêng
cũng ngày càng tăng lên. Kèm theo đó là sự gia tăng chất thải nguy hại không
được xử lý một cách khoa học mà để tồn đọng trong tự nhiên nơi bản xứ hoặc
vận chuyển xuyên quốc gia. Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón hóa học
và hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng ngày càng nhiều, ở nhiều nước
đang phát triển có tình trạng quá lạm dụng những sản phẩm này thậm chí
dùng cả hóa chất bảo vệ thực vật rất độc hại mà thế giới đã cấm trong nhiều
thập kỷ qua như Wofatox, Monitr… Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm
cho đất tiếp tục bị suy thoái, ô nhiễm do đó đã ảnh hưởng rất xấu đến sinh
trưởng của cây trồng và chất lượng nông sản. Đất ô nhiễm đến độ nhất định sẽ
trở thành đất chết và đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm suy
giảm quỹ đất nông nghiệp.
Theo các nhà thổ nhưỡng học nổi tiếng thế giới, có khoảng 305 triệu ha
đất màu mỡ ( gần bằng diện tích Tây Âu) đã bị suy thoái và mất đi tính năng
sản xuất nông nghiệp mà nguyên nhân là do những tác động của con người.
Họ dự báo rằng khoảng trên 300 triệu ha đất tốt (gần bằng diện tích Trung
Quốc) sẽ bị suy thoái ở mức trung bình, còn nếu không có biện pháp cải tạo
thì sẽ bị suy thoái ở mức độ mạnh trong tương lai gần.
Hiện nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trung bình hàng năm thế
giới mất đi 5 – 7 triệu đất nông nghiệp trong khi khả năng mở rộng diện tích
đất nông nghiệp bằng con đường quảng canh đã gần như chững lại vì một số
lý do, trong đó có sự hạn chế về khoa học, kỹ thuật, vốn… nhất là đối với các
nước đang phát triển. Dân số tăng lên, nhu cầu về đất cũng tăng lên trong khi
quỹ đất không ngừng bị giảm sút, đó là một mâu thuẫn trong quá trình phát
triển. Trước thực trạng này, vấn đề chống suy thoái và ô nhiễm đất cần được
các cấp chính quyền và mọi người dân trên hành tinh đồng tâm ủng hộ.
Đối với nước ta, trong những năm gần đây quá trình đô thị hóa cùng
với người bạn đồng hành của nó là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
phát triển nhanh chóng. Các thành phố không chỉ tăng lên về số lượng mà còn
mở rộng cả địa dư, đây là dấu hiệu đáng mừng về trình độ phát triển kinh tế
đang ngày càng tăng lên ở nước ta. Cũng trong quá trình đó một mâu thuẫn đã

42
và đang tiếp tục diễn ra, đó là sự tập trung dân số ngày càng đông cùng với sự
tập trung các khu công nghiệp, việc mở rộng quy mô sản xuất của các cơ sở
sản xuất kinh doanh và sự gia tăng số lượng của các cơ sở sản xuất… đã làm
cho số lượng chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp trong các đô thị tăng
khá nhanh, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi
đó các thành phố lại không có khả năng xử lý kịp thời và hết các chất thải vì
nhiều lý do khác nhau, mà quan trọng là do sự hạn chế về vốn đầu tư cho lĩnh
vực này. Bên cạnh đó là những thói quen lạc hậu, ích kỷ của nhà kinh doanh
cũng như người dân về vấn đề chất thải, bởi vậy tình trạng ô nhiễm đất đã và
đang xảy ra ở nhiều nơi nhưng ở thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là ô
nhiễm nhiều nhất. Để sử dụng tài nguyên đất bền vững, để bảo vệ môi trường
sinh thái và giữ đẹp cảnh quan…cần tăng cường sự quản lý của nhà nước về
tài nguyên đất, trong đó có biện pháp kiểm soát ô nhiễm đất đồng thời nâng
cao ý thức cho người dân về việc phòng ngừa ô nhiễm đất, góp phần hạn chế
sự suy giảm quỹ đất nông nghiệp ở nước ta.
4. Ô nhiễm không khí
4.1. Vai trò của không khí đối với cuộc sống
Sự tồn tại và phát triển của con người cũng như của thế giới sinh vật
cần phải có không khí. Mỗi người mỗi ngày cần tới 14kg không khí (tương
đương với 12m3) để thở. Không khí bị ô nhiễm là mối đe dọa cho cuộc sống
của con người cho cả động, thực vật.
Không khí bị ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con
người. Các nghiên cứu cho thấy, ở những khu vực bị ô nhiễm không khí do
tập trung sản xuất công nghiệp hoặc tập trung về giao thông với lưu lượng lớn
xe ô tô, gắn máy… thì tỷ lệ người bị mắc bệnh hô hấp (ví dụ như bệnh hen,
viêm phổi mãn tính, lao…) cao hơn nhiều so với những khu vực không bị ô
nhiễm. Các hiện tượng đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, thậm chí là
mắc bệnh tâm thần… cũng thường thấy ở các khu vực ô nhiễm không khí
nhiều hơn so với các nơi khác. Với những trường hợp ô nhiễm nặng có thể
gây ảnh hưởng cấp tính và có thể dẫn đến tử vong, ví dụ vụ ngộ độc khói
sương ở Luân Đôn năm 1952 làm cho 2500 người bị tử vong. Không chỉ như
vậy, vụ ngộ độc đó còn là nguyên nhân làm cho nhiều người mắc các bệnh
viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi… vào thời gian sau đó.

43
Không khí bị ô nhiễm còn ảnh hưởng gián tiếp đến con người thông
qua việc làm giảm chất lượng nguồn nước mặt, suy giảm nguồn thủy hải sản,
làm chua đất, suy giảm rừng cả về diện tích và chất lượng…
Ô nhiễm không khí làm tăng khả năng bức xạ mặt trời của khí quyển và
“hiệu ứng nhà kính” trở nên rõ rệt mà hậu quả chung là nhiệt độ trái đất tăng
lên, đây là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian gần đây.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng,
chẳng hạn như khí SO2 rất có hại đối với cây lúa mạch và cây bông còn đối
với cây cam, quýt cùng nhiều loại cây ăn quả và hoa lại rất mẫn cảm đối với
khí CO2... Ngoài ra ô nhiễm không khí còn là “thủ phạm vô hình” ăn mòn,
gây nứt nẻ, làm mất màu nhanh, bong sơn… đối với các công trình xây dựng,
các tượng đá, các di tích lịch sử văn hóa.
4.2. Ô nhiễm không khí và nguồn gây ô nhiễm
Chúng ta đều biết thành phần không khí bao gồm:
- Nito (N) = 78%
- Oxygen (O2) = 21%
- Carbondioxit (CO2) = 0.03%, còn lại là các khí Neon (Ne),
Heli (He), metan (CH4), Kryton (Kr), ngoài ra ở gần mặt đất
còn có thêm bụi, bồ hóng, khói, sương mù..
Ô nhiễm không khí là sự có mặt của chất lạ hoặc có sự biến đổi quan
trọng trong thành phần của không khí, gây nên những tác động có hại hoặc
gây khó chịu (như làm giảm tầm nhìn do bụi, sự tỏa mùi khó chịu…) cho con
người.
Có hai nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường không khí.
Thứ nhất là nguồn ô nhiễm thiên nhiên. Do các hiện tượng thiên nhiên
gây ra như đất cát sa mạc hoặc đất trồng bị mưa gió bào mòn và bị thổi tung
lên thành bụi; bụi nham thạch cùng hơi khí từ núi lửa phun ra; cháy rừng; quá
trình thối rữa của xác động, thực vật.
Thứ hai là nguồn ô nhiễm nhân tạo: Nguồn này rất đa dạng nhưng chủ
yếu là do các hoạt động công nghiệp, quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa
thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt… đốt cháy củi gỗ, cao su… và hoạt động
của các phương tiện giao thông vận tải. Dựa vào nguồn gây ô nhiễm, người ta
phân ra thành nguồn ô nhiễm công nghiệp, nguồn ô nhiễm giao thông vận tải
và nguồn ô nhiễm do sinh hoạt.

44
Nguồn ô nhiễm công nghiệp do 2 quá trình chính là quá trình đốt nhiên
liệu hóa thạch để lấy nhiệt và quá trình bốc hơi, rò rỉ, thất thoát chất độc trên
dây chuyền sản xuất hay các ống khói của các nhà máy thải vào không khí các
chất độc hại. Đặc điểm của nguồn ô nhiễm này là chất thải có nồng độ chất
độc hại cao và tập trung. Các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, luyện kim, cơ khí,
vật liệu xây dựng và cả không ít ngành công nghiệp nhẹ… là nguồn gây ô
nhiễm chính cho môi trường không khí. Tuy nhiên đối với mỗi cơ sở sản xuất
công nghiệp, lượng chất thải và mức độ độc hại có khác nhau, bởi nó phụ
thuộc vào quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, loại nguyên – nhiên liệu được
sử dụng… chẳng hạn như các nhà máy thủy tinh thải ra lượng lớn khí SO 2,
các nhà máy gạch, lò nung vôi thải ra bụi và khí CO 2, CO… còn nhà máy
luyện kim thải ra nhiều loại bụi, khói kim loại…
Nguồn ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, nguồn này sinh ra gần
2/3 khí CO2, khoảng ½ khí CO, cùng nhiều NO x và hơi chì, bụi, tiếng ồn…
Các phương tiện giao thông vận tải càng lạc hậu, càng quá tuổi và lưu lượng
các phương tiện càng lớn thì khả năng gây ô nhiễm càng tăng. Vì thế nhiều
nước trên thế giới đã và đang kiểm soát tuổi của các phương tiện giao thông
cơ giới, dùng xăng không chì, phát triển mạng lưới xe bus… đặc biệt một số
nước phát triển đã và đang khuyến khích sự ra đời và phát triển của các
phương tiện giao thông vận tải sử dụng nguồn năng lượng sạch… nhằm nhiều
mục đích khác nhau, trong đó có bảo vệ môi trường mà trước tiên là môi
trường không khí.
Nguồn ô nhiễm do sinh hoạt của con người chủ yếu phát sinh từ đun
nấu, lò sưởi với các nhiên liệu than, củi, gỗ, dầu mỡ, khí đốt… Các loại khí
thải chính của nguồn là CO, CO2 và bồ hóng… Đặc điểm của nguồn thải này
là nhỏ nhưng mật độ phân bố dày ở các điểm dân cư nên gây độc hại trực tiếp
đối với từng gia đình. Ở các đô thị nước ta hiện nay, nhà ở chủ yếu theo kiến
trúc nhà ống và các khu nhà tập thể cao tầng kiểu cũ với không gian chật hẹp,
kém thông thoáng, mật độ các hộ gia đình dày thì tình trạng đun nấu bằng
than tổ ong và dầu hỏa tương đối phổ biến như hiện nay sẽ gây những hậu quả
lớn và lâu dài đối với môi trường nơi ở và sức khỏe của dân cư.
Từ các nguồn gây ô nhiễm không khí như trên, có thể kể ra hàng loạt
chục chất gây ô nhiễm, trong đó có một số chất xếp vào loại nguy hiểm nhất
đối với con người và khí quyển là: CO2, CO, SO2, NOx, CFC.

45
Khí Carbondioxit CO2, thông thường lượng khí này nảy sinh một cách
tự nhiên cân bằng với lượng CO 2 cần thiết cho quá trình quang hợp của thảm
thực vật. Những hoạt động của con người như đốt nhiên liệu, đốt rừng… là
nguồn gốc phát sinh CO2 và làm mất cân bằng tự nhiên nên gây ảnh hưởng
đến khí hậu toàn cầu.
CO2 là một khí độc, nếu nồng độ CO2 trong không khí là 0,5% sẽ gây
khó chịu về hô hấp, nếu là 3-6% gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu là 35% sẽ
chết người. Một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề này là khi đào hố
móng ở công trình thủy điện Thác Bà có 3 người tai nạn thì 2 người chết bởi
nồng độ CO2 ở đáy sâu 3m lúc đó là 24% trong khi O2 = 0%
Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp (từ 30 năm cuối thế kỷ
XVIII) đến nay, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng lên 25%, dự báo sẽ tăng
lên gấp 2 lần vào giữa thế kỷ XXI. Hàng năm từ nhiều nguồn khác nhau mà
chủ yếu là sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải đã thải vào khí quyển
một lượng CO2 quá lớn, khoảng 8 tỷ tấn, trong khi mức ổn định để duy trì cần
bằng cuộc sống chỉ là 2 tỷ tấn và cây xanh trên hành tinh hấp thụ từ 1,8 – 2 tỷ
tấn/năm, vì vậy lượng CO2 dư thừa trong khí quyển sẽ góp phần làm tăng
nhiệt độ trái đất. Các nhà khoa học ước tính rằng cứ tăng 10% CO 2 thì nhiệt
độ trái đất tăng thêm 0.50C.
Tiếp theo là oxit carbon (CO) – khí CO được hình thành từ quá trình
đốt nhiên liệu hóa thạch thiếu O2 và xe máy sử dụng xăng là chủ yếu. CO là
loại khí không độc đối với cây xanh vì cây xanh có thể chuyển hóa từ CO ->
CO2 và sử dụng nó trong quang hợp, nhưng đối với người và động vật thì CO
là khí độc, nếu nồng độ CO = 250 ppm (hay cm 3/ m3) có thể gây tử vong cho
người.
Hàng năm thế giới sản sinh khoảng 600 triệu tấn CO, riêng Mỹ là 65
triệu tấn.
Khí sulfuro SO2 ( hay dioxit sulfur)là loại khí rất độc đối với sức khỏe
con người, nó gây ra bệnh về phổi và hô hấp, khi gặp hơi nước và mưa, gây ra
mưa axit làm tổn hại cho sinh vật và nhiều vấn đề môi trường khác.
Có rất nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp
sản xuất vật liệu là nguồn chủ yếu phát sinh ra SO2.
Hằng năm Châu Âu thải vào khí quyển khoảng 35 triệu tấn SO 2, Châu
Á là 18.2 triệu tấn và Bắc Mỹ là 19.1 triệu tấn.
Tiếp đến là oxit nito (NO) và ddioxxit nito (NO2)

46
Khí NO2 được sinh ra từ nguồn gốc tự nhiên ( do sự hoạt động của núi
lửa; do sự thối rữa của động vật do vi khuẩn …) và nguồn từ các hoạt động
sinh hoạt (như lò đốt than, dầu…) đặc biệt là các hoạt động sản xuất công
nghiệp và các phương tiện giao thông vận tải.
Trong không khí, khí NO bị oxy hóa trực tiếp thành NO 2 ( 2NO + O2 =
2 NO2, không chỉ thế NO2 còn có nguồn gốc từ các lò đốt nhiên liệu, từ động
cơ xe ôtô, xe máy… ví dụ khi đốt 1 tấn than sẽ thải ra 5-10kg NO 2 hoặc khi
đốt 1 tấn xăng dầu sẽ thải ra 25- 30 kg NO 2. Công nghiệp hóa chất cùng các
hoạt động sản xuất như hàn điện, cắt kim loại bằng mỏ hàn, nổ mìn, phá đá, in
tẩy… thải ra lượng không nhỏ khí NO2.
Cả NO và NO2 đều là khí độc, khí NO và NO 2 ở nồng độ cao có thể gây
chết người, nhẹ hơn có thể gây chảy máu trong, viêm phổi, ung thư phổi…ví
dụ như tiếp xúc 10 phút với nồng độ NO 2 = 9,4mg/m3 sẽ gây rối loạn hô hấp,
còn với nồng độ 169 mg/m3 sẽ dẫn đến phù phổi.
Clorofluorocarbon – CFC là một chất gây ô nhiễm không khí đã và
đang được mọi người hết sức quan tâm. CFC là hỗn hợp của clor, fluor và
cacbon, trong thiên nhiên không có CFC, nguồn gốc của nó hoàn toàn là nhân
tạo – do con người tổng hợp để sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp và
các thiết bị làm lạnh. Khí CFC có tác động xấu tới môi trường không khí, nó
góp phần gây “ hiệu ứng nhà kính” và làm suy giảm tầng ozon cũng như tạo
ra những lỗ thủng tầng ozon. Các số liệu quan trắc cho thấy, trong thời gian từ
1885 – 1940 nhiệt độ trái đất đã tăg 0,50C ……….Tháng 10 năm 1985 các
nhà khoa học Anh đã phát hiện lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực, theo số liệu
của các cơ quan nghiên cứu quốc tế kích thước lỗ thủng này không ngừng
tăng lên, nếu năm 1998 là 27.2 triệu km 2 thì năm 2000 đã lên tới 28.3 triệu
km2. Năm 1987 các nhà khoa học Đức phát hiện tầng khí ozon ở Bắc Cực có
hiện tượng mỏng dần, nghĩa là không còn lâu nữa sẽ bị thủng.
Loài người và giới động, thực vật đã và đang phải hứng chịu những ảnh
hưởng xấu của sự ô nhiễm môi trường không khí và những hậu quả tất yêu
của nó, đó là các hiện tượng nhiệt độ trái đất tăng dần lên, sự mỏng đi của
tầng ozon cùng với việc xuất hiện các lỗ thủng tầng ozon, cũng như nhiệt độ
Trái đất tăng lên, hiện tượng mưa axit ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi trên
thế giới.

47
Rõ ràng là nếu chất lượng môi trường không khí không sớm được cải
thiện thì các hiện tượng trên sẽ tiếp tục gia tăng và hậu quả của nó thật khôn
lường đối với con người và môi trường trái đất.
4.2. Ô nhiễm không khí ở nước ta
Nước ta mới bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH về cơ bản nền
kinh tế vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất công nghiệp còn nhỏ
bé về quy mô, sự tập trung dân cư trong các đô thị chưa phải đã thật cao, giao
thông vận tải chưa thật phát triển nhưng tình trạng ô nhiễm không khí đã xảy
ra ở nhiều nơi.
Số liệu thống kê của cục Môi trường, bộ Khoa học – Công nghệ và môi
trường năm 1997 cho thấy:
Thành phố Hà nội môi trường không khí bị ô nhiễm nặng ở các khu
vực: Khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp Văn Điển, khu công
nghiệp Mai Động, nhà máy Rượu Hà Nội… chỉ tính riêng khu công nghiệp
Thượng Đình lượng SO2 gấp 3-6 lần TCCP và khí CO gấp 2-5 lần TCCP, khí
NO2 vượt 5 -10 lần TCCP và nồng độ bụi vượt 2,5 – 4 lần TCCP.
Thành phố Hải Phòng, ô nhiễm nặng ở khu nhà máy xi măng, nhà máy
thủy tinh và sắt tráng men… Tính riêng khu vực nhà máy xi măng Hải Phòng
thì nồng độ SO2 và bụi đều vượt quá TCCP hơn 10 lần, NO2 vượt 5 -10 lần…
Việt Trì ô nhiễm nặng xung quanh nhà máy hóa chất Lâm Thao, nhà
máy dệt và nhà máy giấy… Tại khu công nghiệp Việt Trì – Phú Thọ nồng độ
SO2 vượt 1,1 – 1,8 lần TCCP, NO 2 vượt 5 – 10 lần TCCP và bụi là 32 – 250
lần.
Thành phố Hồ Chí Minh và cụm công nghiệp Biên Hòa không khí bị ô
nhiễm nặng bởi nhiều khu công nghiệp, nhà máy. Bụi và SO 2 của thành phố
vượt tiêu chuẩn cho phép 13 lần và trên 1,8 lần, riêng đối với các khu công
nghiệp và trục giao thông chính thì nồng độ bụi vượt TCCP là 70 lần, các khí
SO2, CO2, NO, NO2 vượt khoảng 6 lần so với TCCP.
Các nhà máy nhiệt điện, vật liệu xây dựng, nung vôi… là nguồn gây ô
nhiễm nặng cho Ninh Bình và Phả Lại, ngoài ra còn nhiều nơi khác đang bị ô
nhiễm và ngày càng gia tăng về mức độ bởi quá trình CNH và đô thị hóa
trong những năm gần đây diễn ra với tốc độ khá nhanh, đó là thị xã Hà Tây,
thành phố Nam Định, thị xã Phủ Lý, các khu công nghiệp của thành phố
Thanh Hóa, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Long Thọ (Huế), thành phố

48
Đà Nẵng, thị xã Tam Kỳ và khu công nghiệp Kỳ Hòa, Quảng Nam, khu công
nghiệp Bến Tre.
Ngày nay, mưa axit đã và đang xảy ra ở nhiều nơi như Đồng bằng sông
Hồng, thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận với xu hướng gia tăng. Rõ rang
hiện tượng phát thải và gây ô nhiễm không khí xung quanh các khu công
nghiệp, thị xã, thành phố là vấn đề hết sức lo ngại trong quá trình thực hiện
chiến lược phát triển bền vững ở nước ta. Các nguyên nhân chủ yếu là thiết bị
kỹ thuật – công nghiệp lạc hậu, cũ kỹ tiêu tốn nhiều nhiên liệu, nhiều chất thải
và thiếu các công cụ cần thiết trong quản lý môi trường không khí… Vì vậy,
để phòng ngừa ô nhiễm không khí cần có các biện pháp cơ bản như: tăng
cường và hoàn thiện các công cụ quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường
không khí, quy hoạch xây dựng đô thị và khu công nghiệp hợp lý, tăng diện
tích cây xanh và hàng rào xanh quanh các nhà máy và hai bên đường giao
thông, sử dụng các công nghiệp mới ít chất thải và các thiết bị xử lý khí thải
độc hại trước khi thải vào khí quyển…
Trên đây là một số loại ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn có các loại ô
nhiễm khác như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm phóng xạ… Mỗi
loại ô nhiễm đó có nguồn gốc riêng, đặc trưng riêng nhưng đều giống nhau là
ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, làm suy giảm chất lượng môi trường
sống, do đó gây trở ngại, kìm hãm các hoạt động phát triển.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG
1. Suy thoái môi trường
Là sự thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường gây
ảnh hưởng xấu cho con người và thiên nhiên.
Ví dụ: Vùng đồi núi dốc miền Trung nước ta rừng bị phá hủy, đất bị xói
mòn, bị đá ong hóa, thú rừng… không nơi sinh sống, mùa khô sông suối cạn
nước, mùa mưa gây lụt lội, năng suất thu hoạch giảm sút ảnh hưởng xấu đến
đời sống dân cư.
2. Tai biến môi trường
Là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con
người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên gây suy thoái môi trường
nghiêm trọng.
Các sự cố môi trường có thể xảy ra như:
- Lũ lụt, hạn hán, động đất, trượt đất, bão, núi lửa phun, mưa
axit…

49
- Hỏa hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật gây nguy hại về môi
trường của cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình kinh tế,
kỹ thuật, an ninh, quốc phòng…
- Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng
sản, dầu mỏ, sập hầm lò, vỡ đường ống dẫn dầu khí, đắm tàu,
sự cố tại cơ sở lọc dầu…
- Sự cố trong nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất…
Một số trường hợp điển hình về sự cố môi trường như sau:
Ngày 9 – 10 – 1963 ở miền Đông – Italia đã xảy ra sự cố vỡ đập
thủy điện VAJON, khi đập này bị vỡ hàng tỷ khối nước trong vòng 6
phút ào ào đổ xuống làm cho cả làng VAJON và thị trấn Longarone
chìm trong tang tóc. Hoặc như trận động đất ở Cobe (Nhật Bản) ngày
17 – 1- 1995 đã làm chết 5.502 người cùng nhiều tổn hại lớn về môi
trường và gần đây là trận động đất xảy ra ngày 26 -12 – 2004 ở khu vực
Nam Á và Đông Nam Á đã làm cho khoảng 300 nghìn người chết và
thiệt hại vật chất lên tới hàng trăm tỷ USD của 11 quốc gia. Nước ta
cũng không ít các sự cố môi trường, sự cố Bạch Hổ xảy ra ngày 26 – 12
– 1992 do đứt đường ống dẫn dầu nên có khoảng 300 – 700 tấn dầu thô
đã tràn ra biển gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và môi trường. Một
trong những sự cố môi trường gây nhiều thiệt hại về người và của ở
nước ta là cơn bão số 5, cơn bão này đã đổ bộ vào miền Tây Nam Bộ
ngày 2-11-1997 với sức gió cấp 9, cấp 10 đã nhấn chìm 2.343 tàu
thuyền đánh cá, 765 chiếc chưa tìm thấy, 10 chiếc bị hư hỏng nặng…
gây thiệt hại nghiêm trọng, ước tính tổng giá trị thiệt hại lên tới 8000 tỷ
đồng. Sự cố cháy rừng U-Minh năm 2001 gây thiệt hại rất lớn về kinh
tế, đặc biệt là giá trị sinh thái.
Các sự cố môi trường xảy ra do nhiều nguyên nhân:
- Quá trình tự nhiên
- Hoạt động kinh tế của con người như khai thác quá mức, xả
thải chất ô nhiễm, vận chuyển dầu, không đảm bảo an toàn kỹ
thuật trong sản xuất, triển khai các dự án kinh tế mà không
tôn trọng các quy luật tự nhiên…
- Hỗn hợp của quá trình tự nhiên và hoạt động nhân sinh, đây
là nguyên nhân phổ biến trong các sự cố môi trường.

50
51
CHƯƠNG III: PHÁT TRIỂN VÀ MÔI TRƯỜNG
I. Phát triển – Mục đích và phương tiện của nó
1. Phát triển là gì?
Cho đến nay, phát triển hay phát triển kinh tế - xã hội đã được nhiều học
giả quan tâm.
Nhà kinh tế học Walter W. Rotow, trong tác phẩm “ Những giai đoạn của
sự tăng trưởng kinh tế”, ông đã chỉ ra bốn nhân tố cấu thành của sự phát triển
là: Kinh tế - kỹ thuật, không gian xã hội – chính trị, không gian nông thôn –
đô thị và văn hóa/ năng suất luận. Với những nhân tố này thì phát triển là quá
trình diễn ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện
đại hóa gắn với quá trình đô thị hóa, đồng thời là sự chuyển đổi từ nền kinh tế
chủ yếu là “đóng” sang nền kinh tế mở. Trình độ, kỹ năng cũng như hiệu quả
làm việc của con người ngày càng gia tăng. Nói cách khác, phát triển là quá
trình chuyển biến từ một xã hội nông nghiệp đi đến xã hội công nghiệp và
cuối cùng là xã hội hậu công nghiệp.
Các nhà kinh tế phát triển cho rằng, phát triển là một quá trình lớn lên hay
tăng tiến về mọi mặt của một nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Trong
đó, bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô, sản lượng (tăng trưởng kinh tế) và sự
tiến bộ về cơ cấu kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia ở World Bank viết về phát triển nhiều nhất nhưng cũng
chưa đưa ra định nghĩa nào. Khi viết về phát triển, họ thường đề cập đến tất
cả các lĩnh vực như kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, dân số, giáo dục, y tế, các
vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng xã hội, môi trường…Tất cả đều trong trạng
thái vận động hướng đến các mục tiêu ngày càng cao về trình độ, chất lượng.
Như vậy, có thể thấy, phát triển là một đại quá trình trong đó bao gồm
nhiều quá trình nhánh khác nhau hợp thành. Các quá trình nhánh này bao gồm
tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và công bằng xã hội. Tất cả luôn biến đổi theo hướng tiến bộ.
Bởi thế, phát triển là khái niệm phản ánh sự chuyển biến của nền kinh tế - xã
hội từ trạng thái thấp lên trạng thái cao hơn, tiến bộ hơn.
Trong quá trình phát triển, các quá trình nhánh luôn có mối quan hệ tương
tác lẫn nhau, trong đó tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiền đề vật chất cho quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như giảm bất bình đẳng xã hội trên các
phương diện kinh tế (bao gồm việc làm, thu nhập), các dịch vụ xã hội cơ bản
(giáo dục, y tế), các vấn đề an sinh xã hội và vấn đề bình đẳng giới… Đến

52
lượt nó, một cơ cấu kinh tế ngày càng tiến bộ và bình đẳng xã hội ngày càng
cao sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện cần cho sự biến đổi tích
cực của cơ cấu kinh tế cũng như bình đẳng xã hội. Điều kiện đủ của nó là sự
điều tiết của chính phủ thông qua các chính sách kinh tế, xã hội. Điều này giải
thích cho tình trạng của một số quốc gia có tăng trưởng kinh tế khá cao và
bình quân GDP theo đầu người cao trong không ít năm nhưng cơ cấu kinh tế
vẫn lạc hậu, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe dân cư cũng như hệ thống giáo
dục và trình độ nhận thức của dân cư còn nhiều hạn chế, bất bình đẳng xã hội
cao… Ví dụ như HDI của một số nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) năm 2012
như Iran HDI 0.742, Iraq 0,59, Libya 0,769, Kuwait 0,79
Như vậy, có phát triển là có tăng trưởng kinh tế, nhưng có tăng trưởng
chưa chắc đã dẫn đến phát triển.
Tuy nhiên, nếu đặt quá trình phát triển trong dài hạn thì không phải sự phát
triển nào cũng mang lại tương lai ngày càng tốt đẹp hơn trên mọi phương diện
cho con người. Bởi lẽ, phát triển là quá trình toàn diện liên quan đến các vấn
đề Kinh tế - Xã hội – Môi trường. Các vấn đề này luôn vận động và biến đổi
theo các xu hướng có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Do đó, có ảnh hưởng đến
phát triển diễn ra theo xu hướng nào bền vững hay không bền vững? Đây là
vấn đề đã và đang được rất nhiều người quan tâm.
Ngày nay, phát triển “bẩn” dựa vào “tăng trưởng trước – làm sạch sau” đã
và đang đặt ra nhiều thách thức lớn, cho dù xét ở quy mô địa phương, quốc
gia hay toàn cầu.
2. Mục đích và phương tiện của phát triển
Có nhiều định nghĩa về phát triển, dù cách tiếp cận nào cũng cần làm rõ
mục đích và phương tiện của nó. Theo Báo cáo phát triển con người năm
1996 do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc xuất bản thì: Phát triển con
người là mục đích cuối cùng, tăng trưởng kinh tế là phương tiện.
Như vậy, mục đích của phát triển là phát triển con người với thước đo
mang tính lượng hóa cao là chỉ số HDI (Human Development Index),
Phương tiện của phát triển là tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế
được đo bằng mức gia tăng tổng sản phẩm quốc gia hay tổng sản phẩm quốc
nội. Do đó ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số GDP/ người tính theo sức mua
tương đương (PPP – Purchasing Power Pasity). Tăng trưởng kinh tế còn tạo ra
điều kiện vật chất để nâng cao các chỉ số kiến thức và cuộc sống dài lâu, khỏe

53
mạnh của con người thông qua việc phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục cũng
như giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, cơ hội việc làm cùng nhiều
vấn đề an sinh khác…
Tăng trưởng kinh tế là phương tiện cho phát triển con người, đến lượt nó
phát triển con người lại tạo ra những điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
hơn nữa. Mối quan hệ này được thể hiện ở hình 1.
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế và phát triển con người

Thế nhưng, không phải tăng trưởng kinh tế và phát triển con người lúc nào
cũng cùng chiều với những bước tiến tương tự nhau. Thực tế cho thấy, không
ít các quốc gia để có được tăng trưởng kinh tế thì cái giá phải trả là bất bình
đẳng xã hội cao hơn, hoặc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, cũng có thể làm
tổn hại quá mức nguồn tài nguyên, chất lượng môi trường sống bị giảm sút,
cảnh quan bị tàn phá…
Các nhà kinh tế và môi trường đều cho rằng, nếu kiểu tăng trưởng kinh tế
làm tổn hại quá mức nguồn lực tài nguyên, xã hội thì chắc chắn là không bền
vững trong dài hạn, vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất là, nếu trong quá trình tăng trưởng kinh tế mà thiệt hại về môi
trường và xã hội (trong đó có sức khỏe con người…) lớn hơn lợi ích kinh tế

54
( phần thu nhập tăng lên mà đại bộ phận dân chúng có được) thì phúc lợi –
liên quan đến nhiều mặt của chất lượng cuộc sống của con người sẽ giảm
xuống. Hơn thế nữa trong tình trạng này lợi ích không bù đắp được thiệt hại.
Thứ hai là, tăng trưởng kinh tế bao giờ cũng phải dựa trên các nguồn lực
tự nhiên và xã hội. Nguồn lực tự nhiên này có được bảo tồn và gia tăng hay
không tùy thuộc vào khả năng tái tạo, phục hồi của tài nguyên cũng như khả
năng hấp thụ ô nhiễm của môi trường. Thứ nữa là dựa vào nguồn lực xã hội.
Nguồn lực này được quyết định bởi số lượng lao động, chất lượng lao động
trên các mặt thể lực, trí lực, đặc biệt quan trọng là khả năng thích ứng với kỹ
thuật – công nghệ hiện đại cũng như phương thức quản lý mới…và các mối
quan hệ xã hội (chẳng hạn như vấn đề công bằng xã hội…). Ví dụ nếu phát
triển giáo dục chạy theo số lượng, không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng
xấu đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai, mặc dù hiện tại nó có đóng góp
cho tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ thế, nếu tăng trưởng kinh tế cao mà làm tổn hại quá mức xã hội,
chẳng hạn như bất bình đẳng cao về thu nhập, giáo dục…, hay chất lượng
giáo dục thấp hoặc có thể giảm sút thì chỉ số phát triển con người – HDI sẽ
thấp và tăng chậm, do đó có thể chấm dứt nhanh chóng sự tăng trưởng kinh tế
cao– Tình trạng này sẽ làm xuất hiện hình thái tăng trưởng kinh tế “ngõ cụt”.
3. Mối quan hệ giữa phát triển và môi trường
Từ lâu, mối quan hệ giữa phát triển và môi trường đã được nhiều người
quan tâm ở những mức độ và khía cạnh khác nhau. Trong số đó, phải kể đến
Ph. Ăngghen trong tác phẩm “ Biện chứng của tự nhiên”, Người đã đề cập
đến mối quan hệ này thông qua mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Người khẳng định con người và xã hội không thể tồn tại ở bên ngoài môi
trường tự nhiên hoặc thiếu những điều kiện tự nhiên. Để tồn tại, con người và
xã hội phải dựa vào tự nhiên, môi trường tự nhiên là nguồn cung cấp những
vật liệu cho lao động biến thành của cải, vì thế ngay từ đầu và mãi mãi tự
nhiên là cơ sở đảm bảo sự tồn tại và phát triển của xã hội. Người cho rằng,
trong giới tự nhiên không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả, hiện tượng
này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại. Người cũng cho biết, trong
nhiều trường hợp con người cải biến tự nhiên cũng đồng thời là quá trình tạo
ra nguồn gốc của những hiểm họa về môi trường như lụt lội, hạn hán, hoang
mạc hóa… Vì lẽ đó trong tác phẩm của mình, Người đã lên tiếng nhắc nhở:
Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với

55
tự nhiên. Bởi vì mỗi lần ta đạt được thắng lợi là mỗi lần giới tự nhiên trả thù
chúng ta.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, mối quan hệ giữa phát triển và môi
trường ngày càng được thế giới quan tâm hơn, nó thu hút sự chú ý của nhiều
nhà khoa học thế giới thuộc tất cả các lĩnh vực. Nguyên do là tất cả các hoạt
động kinh tế, xã hội, các quyết định kỹ thuật cũng như các quyết định sản
xuất hay tiêu dùng… đều ít nhiều có ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhiều tác
động gây tổn hại môi trường có xu hướng gia tăng trong khi cuộc khủng
hoảng sinh thái đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.
Phát triển và môi trường có quan hệ tương tác chặt chẽ, là mối quan hệ
mang tính chất đa dạng, đa chiều và vô cùng phức tạp. Môi trường tự nhiên là
địa bàn và là đối tượng tác động của các hoạt động phát triển, nó cũng là
nguồn gây ra những thiên tai, thảm họa cho con người và các hoạt động kinh
tế xã hội. Phát triển là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi môi trường.
Các hoạt động phát triển có thể mang tính tích cực – cải tạo và làm tăng
chất lượng môi trường. Hoặc mang tính tiêu cực – làm tổn hại môi trường, do
đó làm suy giảm chất lượng môi trường. Hoặc cũng có thể bao hàm cả hai
mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, môi trường có thể biến đổi theo các xu
hướng trái ngược nhau.
Chẳng hạn, việc cải tạo các vùng đất không có khả năng canh tác thành
đất canh tác đã làm tăng quỹ đất nông nghiệp. Ngược lại, việc thâm canh
nông nghiệp quá mức như dùng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu…
không theo các yêu cầu kỹ thuật lại làm cho đất bị thoái hóa. Hoặc như, việc
đắp đê ở vùng hạ lưu để chống lũ lụt nhưng lại ngăn cản quá trình bồi đắp phù
sa hàng năm ở vùng đồng bằng châu thổ.
Với các trình độ phát triển kinh tế khác nhau thì mức độ tác động của nó
đến môi trường cũng không như nhau. Thời kỳ công xã nguyên thủy với công
cụ lao động bằng đá đã gần như không làm biến đổi môi trường, con người
sống hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới tự nhiên – thân thiện với tự nhiên. Đến
thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến đã xuất hiện công cụ lao động bằng
đồng rồi đến công cụ lao động bằng sắt. Cho nên những tác động môi trường
nhiều hơn và làm môi trường biến đổi rõ rệt hơn nhưng vì công cụ lao động ở
trình độ kỹ thuật thủ công nên những biến đổi tiêu cực không đáng kể. Đến
khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện và đặc biệt là từ 30 năm cuối thế kỷ 18 đã diễn
ra quá trình công nghiệp hóa. Trong quá trình này kỹ thuật cơ khí ra đời thay

56
thế cho kỹ thuật thủ công, nền kinh tế nông nghiệp chuyển dịch dần thành nền
kinh tế công nghiệp. Trong nền kinh tế công nghiệp, sản xuất dựa vào máy
móc và tài nguyên chứ không dựa vào lao động và đất đai như nền kinh tế
nông nghiệp lạc hậu trước đó. Vì thế, con người đã làm môi trường biến đổi
mạnh mẽ theo cả hai chiều hướng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước
phát triển thực hiện hiện đại hóa nền kinh tế, nhờ đó kỹ thuật cơ khí được
thay thế bằng kỹ thuật điện tử - thông tin. Nhóm các nước đang phát triển
trong tình trạng “ bùng nổ dân số”, đồng thời hàng loạt nước trong nhóm này
bắt đầu công nghiệp hóa. Đồng hành với quá trình công nghiệp hóa là quá
trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. Tất cả đã làm cho môi trường biến đổi vô
cùng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Khả năng chinh phục tự nhiên của con
người ở tầm cao chưa từng có trong lịch sử nhưng tác động làm tổn hại môi
trường cũng đã và đang ở mức báo động, do đó con người đang phải trả giá
cho những tác động tiêu cực của mình đối với môi trường.
Trong môi trường tự nhiên, các thành phần luôn có quan hệ tương tác với
nhau và cùng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất. Bởi vậy, trong quá trình
phát triển chỉ cần tác động vào một thành phần nào đó cũng dẫn đến những
tác động lan tỏa tới nhiều thành phần khác.
Ví dụ như, khai thác rừng quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến các khả năng tự
làm sạch của bầu khí quyển, điều hòa nước mặt cũng như nước ngầm. Không
chỉ thế, nó còn làm thay đổi địa mạo của vùng, gây xói mòn đất, nhất là trên
đất dốc, hủy hoại nơi cư trú của nhiều loài động vật…
Những tác động môi trường theo hướng tiêu cực bởi các hoạt động phát
triển có thể gây hậu quả ngay, cũng có thể trong tương lai mới xảy ra. Vì vậy,
trong các tác động môi trường, con người thường có thái độ chủ quan, coi
thường hoặc có thể do nhận thức không đầy đủ về những tác động môi trường
và có khi là tính hẹp hòi, ích kỷ đối với các thế hệ tương lai. Điều này có thể
gây nên những hậu quả khôn lường đối với các thế hệ mai sau.
Tính chất hoạt động của sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và
dịch vụ là khác nhau, ngay trong cùng một khu vực công nghiệp – xây dựng,
nông nghiệp hay dịch vụ thì các ngành khác nhau cũng có những đặc điểm
khác nhau. Cho nên, phương thức tác động môi trường không như nhau, đã
dẫn đến sự biến đổi môi trường dưới những hình thức khác nhau và hậu quả
môi trường mà con người phải gánh chịu cũng đa dạng.

57
Rõ ràng là, phát triển luôn làm biến đổi môi trường theo hướng tích cực
hay tiêu cực. Đến lượt nó, môi trường có ảnh hưởng trở lại đối với sự phát
triển có thể theo hướng thúc đẩy hay kìm hãm các hoạt động phát triển.
4. Mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường
Mối quan hệ giữa phát triển và môi trường thực chất là mối quan hệ giữa
hệ kinh tế - xã hội và hệ tự nhiên

HỆ TỰ NHIÊN

Đất Dân số và các hoạt HỆ độngKINH TẾ - công


sản xuất XÃ HỘInghiệp, sản xuất nông nghiệp,
- Dân số
dịch vụ …thuộc hệ kinh tế - xã hội, hệ này nằm trong hệ tự nhiên.CHẤT Trong THẢI
quá
- Sản xuất công nghiệp
trình tồn tại và phát triển, -hệ Sản
Các Tài kinh tếnông
xuất - xãnghiệp
hội thường xuyên lấy đi của hệ tự
Nguyên
nhiên nhiều dạng vật chất và- năng lượng, đồng thời cũng thải vào hệ tự nhiên
Dịch vụ
- …
những loại chất thải khác nhau, trong khi khả năng cung cấp Rắntài nguyênLỏng
cũng Khí
Nước
như khả năng đồng hóa chất thải của hệ môi trường là có giới hạn. Đây chính
là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường.
Lịch sử phát triển xã hội loài người cho thấy phải hàng triệu năm, thế
giới mới có một tỷ người vào năm 1820. Thế nhưng trong thế kỷ XX, dân số
thế giới đã tăng gấp đôi với những khoảng thời gian ngày càng ngắn, 45 năm
để tăng từ 2 tỷ lên 4 tỷ (1930 – 1975), 39 năm ( 1960 – 1999) để tăng từ 3 tỷ
lên 6 tỷ người. Dân số thế giới đã đạt 7 tỷ vào năm 2011, theo dự báo của
Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2025 sẽ có khoảng 8 tỷ người và
năm 2050 là 9 tỷ người trên hành tinh.
Dân số thế giới gia tăng nhanh chóng ắt kéo theo sự gia tăng các nhu
cầu lương thực, thực phẩm, chất đốt cùng nhiều nhu cầu vật chất, tinh thần.
Có thể dễ dàng nhận thấy, khi mức tiêu dùng của cá nhân tăng, chất lượng
cuộc sống tăng và tương ứng với đó là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp,
dịch vụ ngày càng tăng. Kết quả là có sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế giữa
các ngành, GDP tăng đặc biêt là phát triển theo chiều rộng. Điều đó có nghĩa
là con người đã và đang khai thác sử dụng tài nguyên không hiệu quả, dự trữ
tài nguyên giảm và chất thải thì ngày một tăng.
Để đáp ứng các nhu cầu này, các ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất
nông nghiệp, cũng như dịch vụ mà đặc biệt là hệ thống giao thông không
ngừng được mở rộng, tăng năng lực sản xuất cũng như dịch vụ.

58
Không chỉ có sự gia tăng quy mô dân số thế giới mà còn có cả sự gia
tăng mức tiêu dùng trung bình của mỗi người dân, nhất là ở nhóm các nước
phát triển là động lực cho sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động phát triển.
Trong nền kinh tế toàn cầu, các cuộc chạy đua kinh tế gay gắt giữa các
nhà sản xuất, giữa các tập đoàn kinh tế hay các quốc gia, đặc biệt là từ sau
chiến tranh thế giới thứ hai đã làm tăng thêm các tác động môi trường. Tất cả
dẫn đến hệ quả chung là các tài nguyên không tái tạo.

CHƯƠNG IV. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


I. Tổng quan về phát triển bền vững
1. Khái niệm phát triển bền vững
Phát triển bền vững là một thuật ngữ đã và đang được sử dụng rộng rải
trên toàn thế giới, mặc dù khái niệm này còn tương đối mới mẻ và chưa có
sự thống nhất trong cách diễn giải, nhưng do tầm quan trọng của nó, khái
niệm phát triển bền vững liên tục được xây dựng, mở rộng và sàng lọc.

59
Nhà kinh tế học Herman Daly làm việc ở ngân hàng thế giới cũng đã
đưa ra khái niệm phát triển bền vững, nội dung khái niệm của ông cũng có
thể coi là những nguyên tắc rất cơ bản để một xã hội phát triển bền vững.
Theo ông một thế giới bền vững là một thế giới không sử dụng các nguồn
tài nguyên tái tạo (nước, thổ nhưỡng, sinh vật) nhanh hơn khả năng tự tái
tạo của chúng. Một thế giới bền vững cũng không sử dụng các nguồn tài
nguyên không tái tạo (khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch) nhanh hơn quá
trình tìm ra những loại thay thế chúng và không thải ra môi trường các
chất độc hại nhanh hơn quá trình trái đất hấp thụ và vô hiệu hóa chúng.
Khái niệm phát triển bền vững được Ủy ban thế giới về môi trường và
phát triển của Liên hợp quốc (WCED) nêu ra năm 1987 như sau: Những
thế hệ hiện tại cần đáp ứng nhu cầu của mình, sao cho không phương hại
đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ. Định nghĩa
này đã đề cập đến sự bình đẳng giữa các thế hệ trong việc sử dụng các
nguồn lực sản xuất. Trong thực tế, thông thường sự bình đẳng giữa các thế
hệ sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự công bằng xã hội trong
hiện tại.
WB cho rằng phát triển bền vững cũng có thể được gọi bằng một cách
khác là phát triển bình đẳng và cân đối, có nghĩa là để duy trì sự phát triển
mãi mãi cần cân bằng lợi ích giữa các nhóm người trong cùng một thế hệ
và giữa các thế hệ. Sự cân bằng lợi ích được thực hiện đồng thời trên cả ba
lĩnh vực quan trọng có mối quan hệ qua lại với nhau là kinh tế, xã hội và
môi trường.
Như vậy, công bằng là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững. Nó
bao gồm công bằng giữa các thế hệ và công bằng giữa các nhóm người
trong cùng một thế hệ về cơ hội làm giàu tính trên phạm vi quốc gia, vùng
hay toàn cầu.
Khi nghiên cứu về chỉ tiêu phát triển bền vững làm cơ sở cho việc quản
lý nguồn lực trong phát triển bền vững, Ngân hàng thế giới (WB) đã định
nghĩa phát triển bền vững là quá trình quản lý danh mục các tài sản để gìn
giữ và tăng cường những cơ hội mà con người có được. Các tài sản bao
gồm vốn vật chất, vốn tự nhiên và vốn con người. Theo đó, để bền vững
sự phát triển phải làm cho tất cả tài sản tăng lên theo thời gian hoặc ít nhất
là không giảm.
2. Các mục tiêu phát triển bền vững

60
Mặc dù phát triển bền vững là một khái niệm mới nhưng cho tới nay đã
có nhiều lý thuyết mô tả nội dung của phát triển bền vững. Mỗi lý thuyết đều
đề cập quan hệ tương tác giữa các hệ thống kinh tế, xã hội và môi trường
bằng mô hình riêng. Dưới đây là mô hình phát triển bền vững của ngân hàng
thế giới (WB):
Mục tiêu kinh tế:
- Tăng trưởng kinh tế
- Hiệu quả và ổn định
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Thương mại quốc tế
- Công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái
Mục tiêu xã hội: chế, tín dụng, giảm phát thải…) Mục tiêu môi trường
- Việc làm đầy đủ - Môi trường trong sạch cho
- Công bằng xã hội con người
- Giáo dục y tế - Sử dụng hợp lý các nguồn
Phát
- An ninh xã hội tự nhiên có thể tái tạo
triển - Bảo vệ đa dạng sinh học
- Ổn định dân số Theo mô hình này, phát triểnbềnbền vững gồm 3 hệ thống kinh tế, xã hội
- Sự tham gia của công chúng vào - Kiểm soát và giảm thiểu
và trình
Các quá môiratrường
quyết định vững lẫn nhau. Phát triển phát
tương tác và phụ thuộc bềnthải
vững là quá
khí nhà kính
- Xóa đói giảm
trình tác dung hợp, thỏa hiệp giữa các hệ thống đó.- Trong
nghèo…
tương Khắcmỗi
phụchệ
ô nhiễm
thống
lại có nhiều mục tiêu và có quan hệ với nhau.
Trong quá trình phát triển, nếu bỏ qua một số ít mục tiêu của hệ thống
nào đó cũng đe dọa làm chậm lại hoặc đảo ngược sự phát triển của các hệ
thống khác, thậm chí của chính hệ thống đó. Chẳng hạn như, nếu không quan
tâm đến sử dụng hợp lý tài nguyên có thể tái tạo sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt
loại tài nguyên này. Tài nguyên là đầu vào của tăng trưởng kinh tế, do đó sẽ
hạn chế tăng trưởng và ảnh hưởng xấu đến nhiều mục tiêu của hệ thống xã
hội. Hoặc như, nếu không quan tâm đến chất lượng giáo dục thì chất lượng
tăng trưởng kinh tế sẽ bị kìm hãm và chất lượng môi trường sẽ bị tổn hại
trong giai đoạn tiếp theo.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải lựa chọn, cân đối quá nhiều mục tiêu
của quá trình phát triển, đây thực sự là thách thức lớn đối với bất kỳ quốc gia
nào. Ví dụ như, làm thế nào để so sánh hay dung hợp được giữa giá trị tích
cực của việc tăng trưởng kinh tế cao, mang lại nhiều việc làm và thu nhập hơn
với giá trị tiêu cực của thiệt hại về môi trường cũng như sự thiệt hại về chất
lượng nguồn nhân lực do giáo dục theo thành tích, không đảm bảo chất
lượng.. Việc lựa chọn và cân đối các mục tiêu này còn khó khăn hơn nữa đối
với các nước đang phát triển, nơi có quá nhiều mục tiêu phải thực hiện trong
khi các nguồn lực lại hạn hẹp và trình độ quản lý kinh tế - xã hội và môi

61
trường còn nhiều hạn chế.
Tính bền vững không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở khu vực và toàn
cầu, bởi thế những thách thức trong việc lựa chọn, cân đối các mục tiêu còn
khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khách quan
khiến vấn đề hợp tác quốc tế xuyên quốc gia và toàn cầu về phát triển bền
vững là tất yếu.
Phát triển bền vững thực sự có được khi đảm bảo sự bền vững về kinh
tế, bền vững về xã hội, cũng như bền vững về môi trường. Tại hội nghị Liên
hợp quốc về môi trường và phát triển năm 1992 đã tuyên bố: Con người là
trung tâm của sự phát triển bền vững. Con người có quyền hưởng một cuộc
sống lành mạnh và hiệu quả trong sự hài hòa với tự nhiên. Do đó, để thực
hiện phát triển bền vững cần đảm bảo những phúc lợi đa diện của con người
trong dài hạn. Hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu trong phát triển bền
vững ở các quốc gia cũng như toàn cầu là xóa bỏ nghèo đói cùng cực. Bởi lẽ,
nó không chỉ được coi là thảm họa xã hội mà nó còn cản trở việc thực hiện
các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
3. Một số thước đo phát triển bền vững
Trong nghiên cứu phát triển bền vững cũng như việc quản lý kinh tế, xã
hội, môi trường theo hướng bền vững thường phải sử dụng các thước đo làm
cơ sở phân tích, so sánh. Các nhà khoa học đã đưa ra và sử dụng nhiều thước
đo mang tính lượng hóa, mỗi thước đo có ý nghĩa riêng biệt trong việc đánh
giá sự bền vững về mặt kinh tế, xã hội hay môi trường hoặc tính bền vững của
sự phát triển nói chung. Dưới đây là một số thước đo chủ yếu.
3.1.Sức tải sinh học (Biocapacity – BC) và dấu chân sinh thái
(Ecological Footprint – EF)
*Sức tải sinh học BC là khả năng của hệ sinh thái tạo ra vật chất sinh
học hữu dụng và hấp thụ chất thải do con người tạo ra. BC của một vùng
được tính bằng đơn vị gha. Nếu BC thể hiện khả năng cung cấp các dạng tài
nguyên cho con người thì EF lại thể hiện nhu cầu về các dạng tài nguyên của
con người.
Để thuận lợi cho việc so sánh khả năng sinh học giữa các nước, các
vùng…dấu chân sinh thái đưa ra Đơn vị global ha (gha), là một dạng đơn vị
diện tích chuyển đổi:

1gha = 1ha khoảng không gian cho năng suất sinh học bằng mức trung

62
bình thế giới.
Do mỗi loại đất có năng suất sinh học khác nhau nên 1gha sẽ tương
đương với số ha khác nhau, ví dụ 1ha đất canh tác sẽ chiếm một diện tích
chuyển đổi nhỏ hơn so với 1 ha đất đồng cỏ - có năng suất sinh học thấp hơn,
hay nói cách khác, cần nhiều diện tích đồng cỏ hơn để tạo ra được một trữ
lượng sinh học bằng trữ lượng sinh học của 1 ha đất trồng trọt tạo ra.
Năm 2003, thế giới có 11,2 tỷ ha đất và nước có khả năng cho năng uất
sinh học và tính sức tải sinh học theo đầu người là 1,8 gha (với dân số toàn
cầu là 6,3 tỷ người).
Sức tải sinh học: Biocapacity (BC) TOP
BC là khả năng của hệ sinh thái tạo ra vật chất sinh học hữu dụng và hấp
thụ chất thải do con người tạo ra. Sức tải sinh học của một vùng được tính
bằng đợn vị gha.
Nếu BC thể hiện khả năng cung cấp các dạng tài nguyên cho con người thì
EF lại thể hiện nhu cầu về các dạng tài nguyen của con người. Do đó, ngoài
việc tính toán EF ta cần phải tính BC như một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ
sử dụng tài nguyên của con người.
Năm 2003, Thế giới có 11,2 tỷ ha đất và nước có khả năng cho năng suất
sinh học, và tính ra, Sức tải sinh học theo đầu người là 1,8 gha (với dân số
Toàn cầu là 6,3 tỷ người).
2. Đơn vị gha: TOP
Để thuận lợi cho việc so sánh khả năng cho năng suất sinh học giữa các
nước, các vùng,… dấu chân sinh thái đã đưa ra Đơn vị global ha (gha), là một
dạng đơn vị diện tích chuyển đổi:
1gha = 1 ha khoảng không gian cho năng suất sinh học bằng mức
trung bình thế giới
Do mỗi dạng đất có năng suất khác nhau, nên 1 gha sẽ tương đương với số
ha khác nhau, ví dụ, 1 ha đất canh tác sẽ chiếm một diện tích chuyển đổi nhỏ
hơn so với 1 ha đất đồng cỏ - có năng suất sinh học thấp hơn, hay nói cách
khác, cần nhiều diện tích đồng cỏ hơn để tạo ra được một trữ lượng sinh học
bằng trữ lượng sinh học của 1 ha đất trồng trọt tạo ra.
3. Diện tích đất và nước có khả năng cho năng suất sinh học: TOP
Là diện tích cung cấp hoạt động quang hợp và tích lũy sinh khối đáng kể
cho con người sử dụng.Do đó, những vùng đất có thảm thực vật nghèo nàn

63
hay nơi có sinh khối nhưng con người không sử dụng được thì không được
tính vào diện tích này.
Theo số liệu của FAO năm 2003, tổng diện tích này của Thế giới là 11,2 tỷ
ha.
4. Tiêu thụ: TOP
Là hoạt động sử dụng hàng hóa và dịch vụ. Nó bao gồm cả việc sử dụng
bản thân hàng hóa và dịch vụ, đồng thời cả các nguồn tài nguyên, năng lượng
cần thiết để đưa sản đó đến tay người tiêu dùng.
Chẳng han, việc tiêu thụ thức ăn không chỉ bao gồm lượng thực vật hay
động vật mà con người trực tiếp sử dụng mà còn cả lượng rác thải ra, mất mát
trong quy trình chế biến hay thu hoạch, cũng như năng lượng cần thiết để sinh
vật phát triển, để con người thu hoạch, chế biến và vận chuyển chúng.
Lượng Tiêu thụ của một quốc gia= sản xuất + nhập khẩu –xuất khẩu.
5. Dấu chân tiêu thụ: TOP
Là dạng thông thường, phổ biến nhất của thống kê Dấu chân sinh thái. Nó
là diện tích cần để cung ứng cho việc tiêu thụ của con người, bao gồm cả diện
tích cần để sản xuất ra vật chất và đồng hóa lượng rác thải.
6. Dấu chân diện tích canh tác: TOP
Diện tích canh tác được sử dụng để phát triển mùa màng. Đây là loại diện
tích cho năng suất sinh học cao nhất.
Dấu chân diện tích canh tác tính cho một cá nhân là diện tích cần thiết để
tạo ra toàn bộ sản phẩm mùa màng mà cá nhân đó tiêu thụ.
Theo ước tính của FAO, năm 2003 có khoảng 1,5 tỷ ha đất canh tác.
7. Dấu chân diện tích đồng cỏ chăn nuôi: TOP
Dấu chân đất đồng cỏ và chăn nuôi là diện tích đủ để cung cấp thịt, các sản
phẩm bơ sữa, da và lông, nhưng các vật nuôi này không tiêu thụ các sản
phẩm nông nghiệp mà cư trú lâu dài trên các đồng cỏ.
Dấu chân này bao gồm chủ yếu là sự tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, cừu
và dê, ngoài ra còn có ngựa, lừa, và lạc đà, đối với trung bình chung thì có thể
chúng không đáng kể nhưng đối với một số vùng thì các sản phẩm này rất
quan trọng.
Theo số liệu 2003 của tổ chức FAO, có khoảng xấp xỉ 3,5 tỷ ha đồng cỏ tự
nhiên và bán tự nhiên trên Thế giới.
8. Dấu chân diện tích rừng: TOP

64
Dấu chân đất rừng của một cá nhân là diện tích cần thiết để tạo ra các sản
phẩm gỗ mà người đó tiêu thụ.
Nó bao gồm gỗ củi, than củi, gỗ nguyên liệu (kể cả dạng gỗ xẻ, gỗ ván, và
vật liệu cách nhiệt), giấy và bìa các tông.
Năm 2003, Thế giới có khoảng 3,9 tỷ ha đất rừng, theo như số liệu điều tra
của FAO.
9. Dấu chân diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản: TOP
Dấu chân này tính cho một cá nhân là diện tích cần thiết để tạo ra được các
sản phẩm cá và thủy hải sản khác mà người đó tiêu thụ.
Diện tích này cung cấp toàn bộ lượng cá biển, giáp xác, thân mềm, cũng
như các sản phẩm thịt cá làm thức ăn cho động vật.
Số liệu của FAO cho thấy năm 2003, toàn Thế giới có khoảng 1,9 tỷ ha,
trong đó, diện tích nước lục địa chiếm khoảng 0,4 tỷ ha.
10. Dấu chân diện tích xây dựng: TOP
Dấu chân đất xây dựng tính cho một cá nhân cụ thể là diện tích cần để cá
nhân đó xây dựng nhà ở, khu vui chơi, công sở,… cần thiết phục vụ đời sống.
Cũng theo số liệu của FAO năm 2003, diện tích này hiện nay trên Thế giới
vào khoảng gần 0,2 tỷ ha.
11. Dấu chân diện tích năng lượng: TOP
Dấu chân năng lượng của một cá nhân là diện tích cần thiết để đáp ứng
nhu cầu về năng lượng của cá nhân đó.
Bao gồm 4 dạng : năng lượng hóa thạch (than, dầu, và khí thiên nhiên),
năng lượng sinh khối (gỗ nhiên liệu và than củi), năng lượng hạt nhân và năng
lượng nước.
Dấu chân của việc đốt cháy năng lượng hóa thạch được tính là diện tích
rừng cần thiết để hấp thụ lượng CO 2 thải ra, không tính lượng đã bị hấp thụ
bởi biển và đại dương.
Dấu chân của năng lượng sinh khối là diện tích rừng cần để tạo ra được
sinh khối đó.
Dấu chân của năng lượng hạt nhân là dấu chân tính cho điện năng sản xuất
từ năng lượng hạt nhân đó.
Dấu chân của thủy năng là diện tích mà trên đó người ta xây các con đập
và các hồ chứa nước phục vụ cho các công trình thủy điện.
12. Dấu chân CO2 TOP

65
Dấu chân CO2 của một cá nhân là diện tích cần để hấp thụ toàn bộ lượng
CO2 phát thải từ các hoạt động tiêu thụ năng lượng của người đó.
Dấu chân CO2 bao gồm việc sử dụng trực tiếp than, dầu, khí đốt trong gia
đình hay giao thông cá nhân, và gián tiếp là tiêu thụ điện, giao thông công
cộng, tiêu thụ các hàng hóa được sản xuất, và một số dịch vụ khác.
Người ta ước tính rằng có khoảng 1,8 Giga tấn C được hấp thu
vào đại dương mỗi năm (IPCC 2001), nhưng các tác động tiêu cực của nó lên
sức tải sinh học của các thủy vực lại không được tính đến. Do vậy khi tính
dấu chân CO2 cần phải trừ đi lượng CO2 được hấp thu vào đại dương
(thường là 30%)
Dấu chân sinh thái - EF (hay còn gọi là dấu chân đô thị khi liên
quan đến các đô thị) là một công cụ dùng để đánh giá tác động sinh thái
của các quốc gia và cá nhân. Khái niệm này do Mathis Wackernagel và
nhà kinh tế môi trườngWilliamE.Rees đưa ra.
Dấu chân sinh thái là diện tích tương ứng các hệ sinh thái thủy sinh và
trên cạn cần thiết để tái tạo các nguồn tài nguyên được sử dụng và đồng hóa
các chất thải được sử dụng và thải ra bởi một cộng đồng dân cư xác định với
mức sống vật chất nhất định, bất kể diện tích đó ở đâu trên Trái đất.
Nói cách khác, dấu chân sinh thái (EF) là nhu cầu về các diện tích đất
và nước cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp lương thực, thực phẩm,
gỗ cho con người, nơi để xây dựng cơ sở hạ tầng và hấp thục CO 2, chứa đựng
và đồng hóa chất thải.
Dấu chân sinh thái đo diện tích đất sản xuất và nước sinh học cần thiết
để hỗ trợ các hoạt động của người dân. Nó bao gồm sáu loại tài nguyên trên
khu vực: đất trồng trọt, đất chăn thả, đất lâm nghiệp, ngư trường, khí thải
carbon (cần đất để hấp thụ co2) và đất xây dựng.
Quy mô và tốc độ tăng dân số, mức tiêu dung của con người, quy mô
hệ thống sản xuất , loại năng lượng sử dụng và công nghệ sản xuất...là những
yếu tố làm thay đổi EF.
Một quốc gia được coi là có dự trữ sinh thái nếu EF nhỏ hơn BC,
ngược lại, nếu EF lớn hơn BC sẽ trong tình trạng thâm hụt sinh thái.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia và tính chung cho toàn thế giới đều
đang thâm hụt sinh thái. Năm 2003, tính bình quân đầu người trên thế giới EF
là 2,2gha trong khi BC chỉ là 1,8gha. Theo đó EF của con người đã vượt quá
BC của Trái đất trên 22%.

66
Các nước thu nhập thấp có EF là 1.0gha/ đồng tư bản, trung bình của
các nước thu nhập cao là 6.1, trong đó của UK là 6.12. Như vậy, chúng ta sẽ
phải cần tới ¾ trái đất để hỗ trợ cho 6.8 tỉ người dân nếu mong muốn có được
chất lượng sống như ở UK.
Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (Global Footprint Network) đang xây
dựng các công cụ tính toán cho các phần khác nhau của thế giới. Nó cho phép
chúng ta xem xét những lựa chọn lối sống và các dấu chân ở 15 địa điểm khác
nhau. Nó cho thấy, lối sống của chúng ta không bền vững trên toàn cầu. Chỉ
riêng năm 2010, trung bình mỗi người chúng ta đã sử dụng 2,7 ha của toàn
cầu. Đây là giá trị trung bình trên toàn cầu, tuy nhiên dấu chân sinh thái
không giống nhau giữa các nước.
Bảng. Dấu chân toàn cầu của một số quốc gia
Quốc gia Ha toàn cầu/ người
Nam Phi 2.3
Cộng hòa dân chủ Congo 0.8
Nhật Bản 4.7
Ấn Độ 0.9
Đan Mạch 8.3
Romania 2.7
Uraguay 5.1
Halti 0.7
Hoa Kỳ 8.0
Mexico 3.9
Các tiểu vương quốc Ả rập thống 10.7
nhất
Yemen 0.9
Nguồn: Footprint for nation, Global Footprint Network
Những số liệu về dấu chân sinh thái cũng cho thấy rằng nếu tất cả mọi
người sống như một người bình thường ở Ấn Độ thì chúng ta sẽ sống được
trong giới hạn của hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, hàng triệu người ở Ấn Độ
sống trong nghèo đói và không có điện. Nếu tất cả chúng ta có một cuộc sống
giàu có hơn, chẳng hạn như người dân Nhật Bản thì chúng ta sẽ cần 2,6 hành
tinh để duy trì tất cả chúng ta. Nếu tất cả mọi người đều theo lối sống trung
bình của các nước có dấu chân sinh thái cao nhất là Các tiểu vương quốc Ả
rập thống nhất, Qatar, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Bỉ, chúng ta sẽ cần đến 6 hành

67
tinh để cung cấp cho tất cả mọi người. Điều này cho thấy sự mất cân bằng quá
lớn có hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân các nước giàu
cần phải tiêu dùng ít hơn và tốt hơn. Các điều kiện sống ở các nước đang phát
triển cần được cải thiện thông qua việc tiêu dùng có trách nhiệm hơn và bền
vững.
Tính chung trên toàn thế giới, từ 1960 – 2008 EF tăng khá nhanh – với
mức EF đó, năm 2008 đã dùng hết 1,5 hành tinh. Nếu mức EF tiếp tục tăng
nhanh như vậy thì năm 2050 chúng ta phải cần đến 3 hành tinh theo như hình
dưới. Tuy nhiên, với kịch bản EF giảm tới khoảng 0.8 gha thì sẽ chỉ cần 1
hành tinh.
Việc đo dấu chân sinh thái của cá nhân, cộng đồng, thành phố, doanh
nghiệp và quốc gia cho phép, chúng ta quản lý tốt hơn các tài sản sinh thái
bằng những hành động của tập thể và cá nhân.

68
Diễn biến Dấu chân sinh thái theo thành phần
Ở Việt Nam, năm 1961 EF vào khoảng 0,7 gha trong khi BC xấp xỉ 1,3
gha, thặng dư sinh thái xấp xỉ 0,8gha. Nhưng BC có xu hướng giảm trong khi
EF tăng, đặc biệt từ thập kỷ 90 (tham khảo hình dưới) do đó thặng dư sinh
thái giảm dần và đến khoảng 2001 thì EF = BC và từ đó đến nay trong tình
trạng thâm hụt sinh thái. Viet nam vẫn đang ở thời kỳ đầu của công nghiệp
hóa, chủa là nước công nghiệp hiện đại.

Hình: Dấu chân sinh thái và sức tải sinh học của Việt Nam

Hiện tại, tình trạng thâm hụt sinh thái ở một số quốc gia có thể được
giải quyết bằng thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, đây không
phải là con đường lâu bền để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và môi
trường, cũng như để đảm bảo sự bền vững về môi trường của họ. Bởi lẽ, BC
của trái đất là có giới hạn và môi trường là vấn đề xuyên quốc gia.

69
Nếu xu hướng tăng dân số, tăng mức tiêu thụ tài nguyên và phát thải
CO2 tiếp tục như hiện nay thì đến năm 2050, thế giới cần BC tăng lên gấp đôi
(nghĩa là cần đến 3 hành tinh) trong khi điều này là không thể.
Một số nhà môi trường đã tính toán và cho thấy, nếu tất cả mọi người
trên trái đất đều có mức tiêu dùng tài nguyên như người dân ở các nước thu
nhập cao hiện nay thì thế giới cần có 10 hành tinh như trái đất. Rõ ràng là sự
bền vững về môi trường nói riêng và sự bền vững của phát triển nói chung rất
cần đến việc tiết chế tiêu dùng cũng như điều chỉnh phương thức tiêu dùng
của thế giới mà đặc biệt quan trọng là ở các nước giàu.
3.2. Sản phẩm trung gian và khoảng không môi trường
Giống như BC và EF, sản phẩm trung gian và khoảng không môi
trường là một thước đo đánh giá tính bền vững về môi trường. Quá trình tái
sản xuất xã hội bao gồm bốn khâu từ sản xuất – phân phối – trao dổi và cuối
cùng là tiêu dùng. Trong quá trình này con người phải khai thác, sử dụng trực
tiếp hay gián tiếp nhiều loại vật chất – tài nguyên khác nhau. Tổng khối
lượng các nguồn vật chất dùng cho quá trình tái sản xuất từ sản xuất đến
tiêu dùng của con người gọi là tiêu dùng sản phẩm trung gian
Như vậy, tổng lượng tiêu dùng sản phẩm trung gian xác định áp lực lên
môi trường thiên nhiên. Con người càng tiêu dùng nhiều sản phẩm trung gian

70
thì áp lực lên môi trường càng lớn. Do đó, để duy trì tính bền vững môi
trường phải hạn chế sản phẩm trung gian tới mức mà thiên nhiên có thể chịu
đựng được mà không gây tổn hại nghiêm trọng tới việc tái tạo các nguồn lực
tự nhiên, tới việc hấp thụ ô nhiễm của môi trường.
Khoảng không môi trường là tổng lượng các nguồn tài nguyên, thiên
nhiên có thể được sử dụng và những ô nhiễm có thể phát sinh mà vẫn đảm
bảo một môi trường lành mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Để xác định một lãnh thổ có bền vững hay không phải so sánh việc
khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và việc gây ô nhiễm của nó với
khoảng không môi trường thuộc về lãnh thổ đó.
Khoảng không môi trường toàn cầu là có giới hạn, toàn bộ nhân loại đã
đang và tiếp tục sử dụng nó, khoảng không môi trường có bị quả tải không
tùy thuộc vào quy mô dân số, mức tiêu dùng trung bình của một người về tài
nguyên, công nghệ sản xuất… Các nước khác nhau đã sử dụng khoảng không
môi trường không như nhau và rất không công bằng. Hiện nay, các nước thu
nhập cao chỉ chiếm ít hơn 20% dân số thế giới nhưng lại tiêu thụ tới 75%
lượng nguyên liệu và năng lượng thương mại trên thế giới, đồng thời chiếm
tới 47% lượng phát thải khí CO 2. Điều này cho thấy cần có sự bình đẳng hơn
trong việc sử dụng khoảng không môi trường, vấn đề quan trọng là các nước
có thu nhập cao cần giảm mạnh việc sử dụng này. Không chỉ vậy, thế giới cần
nhanh chóng chuyển trọng tâm phát triển công nghệ từ tiết kiệm lao động
sang tiết kiệm tài nguyên, ít chất thải và không gây ô nhiễm.
Trong thực tế, thế giới đã có những công nghệ tiêu dùng ít sản phẩm
trung gian, nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã ngăn cản việc sử dụng chúng
một cách phổ biến. Ví dụ, các nước nghèo thiếu tiền vốn và nhân lực trình độ
cao…đã hạn chế việc chuyển giao công nghệ sạch từ các nước giàu sang;
hoặc mâu thuẫn giữa hai nhóm nước trong việc có hay không và sớm hay
muộn chuyển giao công nghệ.
Xét trên phạm vi toàn cầu, các nước phát triển cần thay đổi tính chất
sản xuất và tiêu dùng của họ ngoài những thay đổi tiêu cực và đang diễn ra
trong quá trình hậu công nghiệp hóa. Đồng thời các nước đang phát triển cũng
cần sớm bắt kịp những thành tựu khoa học – công nghệ mới – sạch của thế
giới trong quá trình tăng trưởng kinh tế.
3.3. Tỷ lệ tiết kiệm thực trong nước – Một chỉ tiêu về sự phát triển
bền vững.

71
Theo nghiên cứu của WB, sự giàu có thực sự của mỗi quốc gia được
thể hiện ở của cải quốc gia. Nó bao gồm vốn vật chất, vốn con người và vốn
tự nhiên. Trong quá trình phát triển, cơ cấu của cải quốc gia sẽ thay đổi, nó
liên quan đến quá trình tiêu dùng và đầu tư để tái tạo các nguồn vốn. Nếu như
việc đầu tư vào vốn vật chất thường làm tăng ngay của cải quốc gia thì việc
đầu tư cho giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường… bao giờ cũng làm tăng vốn
tiềm năng, nói cách khác, đó là cách tích lũy vốn cho tương lai.
Tích lũy của cải quốc gia được coi là một chỉ tiêu về phát triển bền
vững. Theo đó, các chuyên gia WB đã đưa ra và sử dụng tỷ lệ tiết kiệm thực
trong nước (hay tỷ lệ đầu tư thực trong nước). Chỉ tiêu này dùng để tính cho
tất cả các nước, khu vực trên thế giới. Chỉ tiêu này được tính như sau:

Tăng vốn Giảm vốn Tăng vốn


Vật chất - tự nhiên + Con người

Tỷ lệ tiết kiệm thực = X 100%


Tổng sản phẩm quốc gia (hoặc GDP)

72
Theo cách tính này, sự gia tăng vốn vật chất, vốn con người cũng như
việc giảm sút của vốn tự nhiên đều được tính bằng tiền.
Tỷ lệ tiết kiệm thực trong nước đã không bỏ qua sự thiệt hại về tài
nguyên và ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển. Đồng thời, có tính
đến sự gia tăng giá trị vốn con người do có những đầu tư vào giáo dục và y tế
cơ bản.
Trong thực tế, việc tính toán tỷ lệ tiết kiệm thực cho các quốc gia là
một thách thức lớn, vì những khó khăn trong việc định giá những thay đổi về
vốn tài nguyên và vốn con người. Chẳng hạn, vốn tài nguyên thay đổi theo
hướng nào tùy thuộc vào một mặt là sự giảm xuống do cạn kiệt các nguồn
năng lượng, khoáng sản, rừng, thiệt hại nguồn nước, suy thoái đất, cạn kiệt
nguồn thủy hải sản… Mặt khác, là sự đầu tư vào vốn tài nguyên để làm tăng
giá trị của nó. Hoặc như sự thay đổi vốn con người, nó tùy thuộc vào mức độ
thiệt hại sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường, đồng thời có sự gia tăng
về kỹ năng, trình độ người lao động do có đầu tư vào giáo dục, y tế cơ bản…
Khi tính tỷ lệ tiết kiệm thực, các nhà kinh tế của WB có ước tính bằng
cách:
+ Tính tiết kiệm ròng:
Tiết kiệm ròng = Tổng tiết kiệm trong nước – Tiêu dùng vốn vật chất trong
năm đó.
+ Chi tiêu cho giáo dục và y tế cơ bản
+ Cạn kiệt năng lượng, khoáng sản, suy giảm rừng và thiệt hại do phát
thải khí CO2 của quốc gia đó.
Theo cách tính này, nếu tỷ lệ tiết kiệm thực có giá trị âm (-) hoặc qua
ngưỡng dương nhưng không đáng kể thì chứng tỏ những thiệt hại về môi
trường do cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm do phát thải khí CO2 đã triệt tiêu
những lợi ích thu được từ tiết kiệm ròng trong nước và đầu tư vào vốn con
người.
Khi tổng lượng của cải quốc gia giảm đi sẽ gây tổn hại cho chất lượng
cuộc sống dân cư cũng như triển vọng phát triển trọng tương lai của quốc gia
đó. Điều nay chứng tỏ sự phát triển thiếu bền vững đang diễn ra, mặc dù
những nước này có thể có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khá cao.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào vốn con người và vốn vật chất (thông
qua kỹ thuật – công nghệ xanh – sạch…) có thể ngăn chặn hoặc hạn chế sự
thiệt hại nguồn vốn tự nhiên, ví dụ việc dùng năng lượng mặt trời thay thế cho

73
than và dầu mỏ hoặc việc tái chế phế thải… Tuy nhiên, cũng có những loại tài
nguyên mà con người không bao giờ thay thế được, ví dụ như khí quyển,
trong đó tầng ô – zôn có tác dụng bảo vệ tất cả các loài sinh vật trước bức xạ
nguy hiểm của mặt trời, hoặc như không thể lấy lại được sự đa dạng sinh học
vốn có của sinh quyển.Vấn đề này một lần nữa khẳng định sự khai thác nguồn
vốn tự nhiên là có “ngưỡng” hay “ giới hạn cho phép” của nó. Nếu vượt quá
ngưỡng đó thì nhiều loại vốn tự nhiên sẽ bị hủy hoại dẫn đến suy giảm, thậm
chí là cạn kiệt. Thế nhưng, hiện nay trong hầu hết các trường hợp các nhau
khoa học cũng chưa thể biết đâu là “ ngưỡng”, cho dù chỉ là tương đối. Vì lý
do này mà các chuyên gia về phát triển của thế giới ủng hộ nguyên tắc: Thận
trọng trong việc làm cạn kiệt bất kỳ tài nguyên nào, đặc biệt là ở những nơi
có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng hoặc đến mức không thể bù đắp được.
Rõ ràng là để tỷ lệ tiết kiệm thực trong nước là một chỉ tiêu của phát
triển bền vững thì mỗi quốc gia, trong quá trình phát triển cần có sự gắn kết
kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm việc sử dụng hợp lý
các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích lâu dài.
Ở các nước khác nhau thì tỷ lệ tiết kiệm thực không như nhau. Tham
khảo sơ đồ sau:

Khu vực Trung Châu Âu và Nam Á Mỹ Đông Á và Việt


Đông và Trung Á Latinh Thái Bình Nam

74

Bắc Phi Dương
Caribe
Tỷ lệ tiết
kiệm -2,2 8,3 9,6 9,8 28,3 10,3
thực

Ngoài các chỉ tiêu trên đây còn có chỉ tiêu đánh giá tính bền vững xã
hội trong phát triển bền vững – Đó là vốn xã hội và sự tham nhũng của quan
chức..
4. Các nguyên tắc xây dựng xã hội phát triển bền vững
Phát triển bền vững là một đường hướng phát triển, nó đảm bảo cho
các thế hệ khác nhau đều đạt được các mục đích mong muốn về kinh tế, xã
hội và môi trường sinh thái. Thực hiện phát triển bền vững không chỉ làm
cho thiên nhiên và con người trở nên thân thiện với nhau, làm cho người này
hay cộng đồng này phải có ý thức vì người khác hay cộng đồng khác mà còn
buộc các thế hệ trước phải quan tâm bảo tồn và phát triển các nguồn lực, cơ
sở sinh tồn cho các thế hệ mai sau. Phát triển bền vững môi trường phải loại
bỏ hoàn toàn kiểu can thiệp thô bạo của con người đối với thiên nhiên, kiểu
vơ vét quá mức và ích kỷ các nguồn lực tự nhiên vì những lợi ích kinh tế và
trước mắt của con người. Rõ ràng phát triển bền vững ưu việt hơn hẳn “ tăng
trưởng kinh tế với bất kỳ giá nào”. Nó cũng không đưa con người ta đến chỗ
bi quan, lo sợ đến mức sống trong thiên nhiên mà không dám sử dụng các
nguồn lực của nó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Phát triển

75
bền vững là lựa chọn tối ưu nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và
môi trường. Tuy nhiên mỗi quốc gia cũng như mỗi cộng đồng, hay cá nhân,
dù là người sản xuất hay người tiêu dùng phải tự đấu tranh với chính mình
để tôn trọng và thực hiện phát triển bền vững. Đây là quyết định rất khó
khăn và phức tạp. Trong thực tế, rất nhiều trường hợp đã không thắng nổi
những tham vọng về tăng trưởng kinh tế hay thu nhập cao của mình trong
hiện tại và trước mắt mà sẵn sang hủy hoại nguồn lực tự nhiên,
Phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trên qui mô toàn cầu có thể trở
thành hiện thực được không? Nó tùy thuộc vào việc các quốc gia và thế giới
thực hiện các nguyên tắc của phát triển bền vững ở mức độ nào. Năm 1991
chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cùng với Quỹ động vật
hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã
nêu ra 9 nguyên tắc để xây dựng một xã hội phát triển bền vững như sau:
- Nguyên tắc thứ nhất: Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng
đồng
- Nguyên tắc thứ hai: Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
- Nguyên tắc thứ ba: Bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của trái
đất
- Nguyên tắc thứ tư: Hạn chế mức thấp nhất việc làm suy giảm các
nguồn tài nguyên không tái tạo
- Nguyên tắc thứ năm: Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của
trái đất
- Nguyên tắc thứ sáu: Thay đổi thái độ và hành vi của con người
- Nguyên tắc thứ bẩy: Để cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của
mình
- Nguyên tắc thứ tám: Xây dựng một khuôn mẫu quốc gia thống nhất,
thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ
- Nguyên tắc thứ chín: Xây dựng một khối liên minh toàn cầu trong
việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên thực tế cho thấy khó áp dụng các nguyên tắc đó, bởi thế giới
đầy các biến động về chính trị, kinh tế, văn hóa. Việc xây dựng một xu
hướng bền vững đòi hỏi phải có các nguyên tắc phù hợp với thực tế hơn và
có tính khả thi. Dựa vào tuyên bố Rio – 92 về môi trường và phát triển, Luc
Hens (1995) đã đưa ra 7 nguyên tắc mới về phát triển bền vững. Các nguyên
tắc đó là:

76
Nguyên tắc 1: Nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân. Nguyên tắc này
yêu cầu chính quyền phải ngăn ngừa các thiệt hại môi trường ở bất cứ đâu,
bất kể đã có hoặc chưa có các điều luật qui định về cách ứng xử các thiệt hại
đó. Theo nguyên tắc này công chúng có quyền đòi hỏi chính quyền nhà nước
phải có hoạt động ứng xử kịp thời các sự cố môi trường.
Nguyên tắc 2: Nguyên tắc phòng ngừa
Phòng ngừa bao giờ cũng ít tốn kém và hiệu quả hơn so với xử lý sự
cố môi trường, bởi vậy phải có các biện pháp để ngăn ngừa sự suy thoái môi
trường đặc biệt là ở những nơi có thể xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Trong thực tế, nguyên tắc này khó được áp dụng bởi việc thực hiện nó
thường giảm lợi nhuận trước mắt của các doanh nghiệp, của các chủ thể kinh
tế. Ở tầm vĩ mô, nó làm giảm tăng trưởng kinh tế hiện tại của quốc gia.
Phòng ngừa là nguyên tắc cấp thiết, hiệu quả nhưng lại khó thực hiện, nhất là
ở các quốc gia mà sự quản lý của nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập,
các công cụ quản lý môi trường còn chưa hoàn thiện và ý thức môi trường
của người dân còn hạn chế.
Nguyên tắc 3: Nguyên tắc bình đẳng giữa các thế hệ
Đây là nguyên tắc cốt lõi của phát triển bền vững, yêu cầu của nguyên
tắc là việc thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện nay không làm phương hại đến
việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ mai sau. Nguyên tắc này thể hiện sự
quan tâm của các thế hệ trước đối với các thế hệ mai sau về vấn đề môi
trường tự nhiên – cơ sở sinh tồn của con người, đây là một trong những vấn
đề đạo đức, một lối sống không ích kỷ, không vơ vét mà loài người cần
hướng tới.
Nguyên tắc 4: Nguyên tắc bình đẳng trong nội bộ
Theo nguyên tắc này, mọi người trong cùng thế hệ có quyền bình đẳng
trong việc khai thác các nguồn tài nguyên và chung hưởng môi trường trong
lành. Bởi vậy sự phát triển của cá nhân này hay cộng đồng người này không
được gây thiệt hại đến lợi ích của các cá nhân khác hay cộng đồng khác.
Nguyên tắc này được sử dụng để giải quyết mối quan hệ giữa các nhóm
người trong cùng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau về vấn đề tài
nguyên, môi trường. Trong quá trình toàn cầu hóa với sự sôi động của đầu tư
quốc tế, và thương mại quốc tế cũng như di cư quốc tế…thì nguyên tắc này
càng cần thiết hơn.
Nguyên tắc 5: Nguyên tắc phân quyền và ủy quyền

77
Khi giải quyết các vấn đề môi trường nếu các địa phương tích cực
hưởng ứng thì cơ hội thành công thường là rất lớn, hiệu quả lại cao. Bởi vậy
các quyết định môi trường cần được soạn thảo bởi chính các cộng đồng bị
tác động hoặc bởi các tổ chức thay mặt họ và gần gũi nhất với họ. Tuy nhiên
địa phương chỉ là một bộ phận của các hệ thống lớn hơn, nên các quyết định
cần được soạn thảo ở 3 mức: Địa phương, quốc gia, quốc tế mà mức địa
phương là quan trọng.
Nguyên tắc 6: Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là người gây ô nhiễm phải chịu
mọi chi phí ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Vì vậy mọi chi phí môi trường
nảy sinh từ các hoạt động của họ phải được cộng thêm vào giá cả hàng hóa,
dịch vụ mà người gây ô nhiễm cung ứng trên thị trường. Trong nền kinh tế
thị trường nguyên tắc này buộc các nhà sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải có
những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những tác động tiêu cực của họ đến
môi trường.
Nguyên tắc 7: Người sử dụng phải trả tiền
Yêu cầu của nguyên tắc này là khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ người
tiêu dùng phải thanh toán giá tài nguyên và các chi phí môi trường liên quan
tới việc khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên để sản xuất ra hàng hóa và
dịch vụ đó. Do đó, nguyên tắc này buộc người tiêu dùng phải lựa chọn các
hàng hóa, dịch vụ ít gây tổn hại cho tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện
hình thành và phát triển phong trào người tiêu thụ xanh – nghĩa là tiêu thụ
những sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và
tiêu dùng.

II. Những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững


1. Sự phát triển của dân số thế giới
Con người là trung tâm của sự phát triển bền vững, phát triển con người là
mục đích của phát triển. Do đó, động thái dân số là một trong những nhân tố
chính khi nghiên cứu về phát triển bền vững.
Trong hơn 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng dân số
nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại (hình dưới).

78
Nguồn: Không chỉ là tăng trưởng, Báo cáo phát triển con người 2005.
Năm 1999, thế giới đạt 6 tỷ người, nếu tính từ năm 1960 thì chỉ sau 39
năm, quy mô dân số thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2011, nghĩa là chỉ 12 năm
sau, thế giới đã có thêm 1 tỷ nữa – đạt 7 tỷ người. Dự báo dân số thế giới sẽ
tăng thêm và đạt 9 -10 tỷ người vào nửa cuối thế kỷ XXI này.
Dân số thế giới tăng nhanh chóng chủ yếu là ở các nước đang phát
triển. Do các đặc trưng nhân khẩu cũng như tỷ lệ tăng tự nhiên dân số ở hai
nhóm nước là không như nhau. Chính vì vậy, tỷ trọng dân số của hai nhóm
nước cũng biến đổi theo 2 xu hướng khác nhau.
Bảng: Tỷ trọng dân số theo nhóm nước 1950 - 2012
Nhóm nước
Nhóm nước đang
Năm phát triển Thế giới (%)
phát triển (%)
(%)
1950 33.9 66.1 100
2005 18.7 81.3 100
2012 17.61 82.39 100
(Nguồn: Dân số học và địa lý dân cư VIE/88/P10 và World population
data sheet 2005 và 2012)

79
80
Theo dự báo của UNFPA tỷ trọng dân số các nước đang phát triển sẽ
còn tăng nữa, đến năm 2025 sẽ chiếm khoảng 84% dân số thế giới.
Không chỉ có sự khác nhau về lượng, sự khác nhau về chất lượng dân
số giữa hai nhóm nước cũng là một vấn đề quan trọng. Nhóm các nước phát
triển chỉ chiếm chưa đến 1/5 dân số thế giới nhưng chất lượng dân số - nhân
lực cao, trong khi các nước đang phát triển chiếm quá 4/5 dân số thế giới lại
có chất lượng dân số - nhân lực thấp hơn đáng kể. Dân số - nhân lực không
chỉ là một thành phần của hệ thống xã hội, nó có vai trò quan trọng đảm bảo
sự bền vững của hệ này mà còn có vai trò quyết định đối với sự bền vững của
hệ kinh tế và môi trường.
Dân số các nước đang phát triển đã, đang và tiếp tục tăng đáng kể nên
đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường không chỉ
đối với các quốc gia này mà còn với toàn thế giới. Liệu hàng tỷ người dân
tăng thêm này có được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, các vấn đề an
sinh khác một cách thỏa đáng không? Có khả năng tìm được việc làm hữu
dụng và có tránh được tình trạng đói nghèo hay không sẽ là yếu tố quyết định
tới sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế là một nội dung quan trọng của hệ thống
kinh tế trong phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế bền vững là tăng
trưởng kinh tế phải đảm bảo được tính bền vững của cả ba trụ cột: kinh tế, xã
hội và môi trường trong quá trình phát triển.
Trên thế giới đã và đang tồn tại sự phân hóa giàu nghèo giữa hai nhóm
nước phát triển và đang phát triển, khoảng cách giàu nghèo này có xu hướng
ngày càng tăng. Tình trạng này phản ánh rõ nét nhất vấn đề bất bình đẳng
giữa hai nhóm nước về kinh tế, từ đó sẽ ảnh hưởng quan trọng đến bất bình
đẳng về xã hội và cả về môi trường. Trong khi đó, bình đẳng giữa các cộng
đồng người trong cùng thế hệ hay giữa các thế hệ là vấn đề cốt lõi của phát
triển bền vững. Vậy mỗi quốc gia cần hành động thế nào để thực hiện vấn đề
cốt lõi này?
Đối với các nước đang phát triển, phương tiện cơ bản để rút ngắn và rồi
xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo là nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục
trong nhiều năm.
Bảng: Tỉ lệ tăng trưởng GDP của nhóm nước thu nhập cao và nhóm
nước thu nhập thấp và trung bình từ năm 2000 - 2009

81
Trong vòng 35 năm, từ năm 1965 – 1999 tỷ lệ tăng GDP trung bình
hàng năm của các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển. Cụ thể là,
của các nước thu nhập thấp là 4,1%, các nước thu nhập cao là 3,2% . Trong
những năm gần đây, tỉ lệ này giữa hai nhóm nước ngày càng chênh lệch (tham
khảo bảng dưới)
Bảng: Tỷ lệ tăng GDP trung bình hàng năm của các nhóm nước 2012 –
dự kiến 2016
Nhóm 2012 2013 2014 2015 2016
nước (dự kiến) (dự kiến) (dự kiến)
Việt Nam 5.3 5.4 5.5 5.6 5.8
Campuchia 7.3 7.4 7.2 7.0 7.0
Nước đang 4.8 4.8 4.8 5.4 5.5
phát triển

Nước thu 1.5 1.3 1.9 2.4 2.5


nhập cao
Nhật Bản 1.4 1.5 1.3 1.3 1.5
Mỹ 2.8 1.9 2.1 3.0 3.0
OECD 1.3 1.2 1.8 1.8 2.4

82
Trong nhiều chục năm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế này nghiêng về các
nước đang phát triển, thế nhưng vẫn không làm cho phần lớn các nước nghèo
bắt kịp các nước giàu.
Nguyên nhân của tình trạng này là tại phần lớn các nước đang phát
triển, có tỷ lệ tăng trưởng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cho phép
nên đã làm mất tác dụng của tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Hệ lụy là tỷ lệ
tăng GDP/ người tương đối thấp, thập chí giảm xuống.

Liệu ở các nước đang phát triển việc nâng cao hơn nữa tăng trưởng

83
kinh tế vẫn là cấp thiết, nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục cao hơn nữa thì có
bền vững về mặt xã hội và môi trường không?
Về vấn đề này một mặt ta thấy, tăng trưởng GDP vững chắc tại các
nước đang phát triển là điều kiện vật chất quan trọng để xóa đói, giảm nghèo
và cải thiện mức sống cho đại bộ phận dân chúng. Do đó, góp phần tăng tính
bền vững xã hội nói riêng và bền vững trong quá trình phát triển nói chung.
Tuy nhiên, tại không ít các quốc gia do thiếu các chính sách hoặc các chính
sách không hiệu quả nên tình trạng nghèo đói vẫn còn trầm trọng. Lợi ích của
tăng trưởng kinh tế chưa đến được với đại bộ phận dân cư, phân hóa giàu
nghèo giữa các giai tầng trong xã hội lớn.Vấn đề này sẽ làm phát triển trở nên
không bền vững về mặt xã hội, từ đó dẫn đến những bất ổn và xung đột trong
xã hội có hại cho tăng trưởng kinh tế ở những thời kỳ tiếp theo.
Mặt khác, nếu tăng trưởng GDP nhanh và vấn giữ mô hình hiện nay thì
sẽ dẫn đến suy thoái nhanh chóng về môi trường. Các vấn đề ô nhiễm không
khí, nước, nhiễm bẩn đất, biến đổi khí hậu… sẽ làm giảm năng suất và sản
lượng, trong nhiều trường hợp còn làm suy giảm cả chất lượng sản phẩm và ắt
sẽ ảnh hưởng xấu đến giá cả, từ đó ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở
các giai đoạn tiếp theo. Không chỉ thế, nó còn làm giảm chất lượng cuộc sống
của con người trên một số phương diện mà trước hết là chất lượng môi trường
sống. Rõ ràng là thiếu tính bền vững về môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến tính
bền vững về kinh tế và xã hội.
Năm 2000, các chuyên gia tính toán rằng nếu tăng trưởng kinh tế thế
giới liên tục tăng 3%/năm trong vòng 50 năm tới thì tổng GDP sẽ tăng lên 4
lần. Liệu sự gia tăng này có phù hợp với các yêu cầu bền vững về xã hội và
môi trường hay không? Điều này phụ thuộc vào chất lượng tăng trưởng kinh
tế và việc có cân đối được ba mục tiêu kinh tế - xã hội – môi trường hay
không?
3. Công nghiệp hóa, hậu công nghiệp hóa hiện đại hóa và nguy
cơ biến đổi khí hậu toàn cầu.
3.1. Công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa
Trong quá trình vận động và phát triển của nền kinh tế, nó luôn phải
trải qua quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế ngành. Quá trình này sẽ dẫn đến sự
thay đổi tỷ lệ và mối tương quan giữa ba khu vực nông nghiệp – công nghiệp
và dịch vụ; giữa khu vực thành thị và nông thôn; giữa khu vực nội địa và định
hướng xuất khẩu.. Quá trình công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa làm

84
thay đổi cơ cấu ngành của nền kinh tế theo hướng ngày càng hiện đại. Những
chuyển đổi cơ cấu ngành chủ yếu là:
Thứ nhất, từ nền kinh tế nông nghiệp chuyển thành kinh tế công nghiệp
hiện đại.
Thứ hai, từ nền kinh tế công nghiệp hiện đại chuyển thành kinh tế dịch
vụ.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hậu công nghiệp hóa thu nhập bình
quân đầu người tăng lên, do đó con người có những thay đổi trong cơ cấu tiêu
dùng giữa hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình. Đồng thời, trong cuộc
sống họ có những yêu cầu cao hơn và ưu tiên hơn về chất lượng môi trường
tự nhiên.
Ngày nay, hầu hết các nước có thu nhập cao và thu nhập trung bình
đang ở trong quá trình hậu công nghiệp hóa – nghĩa là trở nên ít phụ thuộc
vào công nghiệp. Trong khi đó, nhiều nước có thu nhập thấp vẫn đang ở trong
quá trình công nghiệp hóa – nghĩa là vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào công
nghiệp.
Bảng: Giá trị của công nghiệp trong GDP (%)
Năm 1980 1998
Thu nhập thấp 38 39
Thu nhập trung bình 42 33
Thu nhập cao 37 30
Biểu đồ: Giá trị của công nghiệp trong GDP của EU, Trung Quốc năm
2007

85
Biểu đồ dưới đây là so sánh giá trị của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ
trong GDP của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khối OECD năm 2005

86
Với những đặc điểm của quá trình công nghiệp hóa và xã hội công
nghiệp (tham khảo bảng so sánh các giai đoạn phát triển kinh tế), nó đã, đang
và tiếp tục có những tác động đa dạng, rất mạnh mẽ tới môi trường và làm
biến đổi bề mặt trái đất. Bên cạnh những tác động làm biến đổi môi trường tự
nhiên theo hướng tích cực thì những hoạt động khai thác tài nguyên một cách
triệt để, thậm chí là mang tính tàn phá, hủy hoại cũng như việc sử dụng đã
làm cho nhiều vấn đề về tài nguyên, môi trường ở mức báo động hoặc đứng
trước nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng. Chính vấn đề này đe dọa sự bền vững
trong con đường phát triển của những quốc gia này cũng như toàn cầu. Đồng
ý rằng, công nghiệp hóa là quá trình mang tính quy luật đối với tất cả các
nước trong quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn hiện đại, là con
đường để đạt mục tiêu phát triển của mình. Nhưng trong quá trình đó cần có
những lựa chọn sáng suốt, đúng đắn không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho
cả tương lai, do đó những thế hệ hiện nay cần kiên quyết ngăn chặn những tác
động có ảnh hưởng xấu đến sự bền vững của môi trường cũng như xã hội.
Đây cũng là lý do khiến không ít nước đang phát triển, mặc dù đang rất cần
vốn, cần kỹ thuật – công nghệ, cần tạo việc làm cho người lao động nhưng
vẫn nói “không” với những dự án FDI gây ô nhiễm cao trong chiến lược thu
hút đầu tư quốc tế.
Bảng so sánh các giai đoạn phát triển kinh tế
Các giai đoạn Nông nghiệp Công nghiệp Hậu công nghiệp
Đặc điểm (tiền công nghiệp) hiện đại dựa trên tri thức
Ngành kinh tế
Nông nghiệp Công nghiệp Dịch vụ
chủ lực
Bản chất của Sử dụng nhiều
Sử dụng nhiều lao Sử dụng nhiều
công nghệ chủ vốn và đa dạng
động và đất đai chất xám
đạo tài nguyên
Hàng công Thông tin và dịch
Lương thực và quần
Loại sản phẩm nghiệp sản xuất vụ tri thức dựa
áo sản xuất bằng kỹ
tiêu dùng chính bằng kỹ thuật cơ trên kỹ thuật điện
thuật thủ công
khí tử - thông tin
Tương tác giữa
Bản chất của hầu Tương tác giữa Tương tác giữa
người và máy
hết các quy trình người và tự nhiên người với người
móc

87
Năng suất của tự
Yếu tố chính của nhiên ( độ phì tự
Năng suất lao Sáng tạo/ năng
thịnh vượng kinh nhiên của đất,
động suất tri thức
tế, tăng trưởng nguồn lợi sinh
học…)
Trong quá trình hậu công nghiệp ta thấy, so với khu vực nông nghiệp
và công nghiệp thì khu vực dịch vụ cần ít nguồn vốn tự nhiên hơn nhưng lại
cần nhiều nguồn vốn con người hơn cả về số lượng và trình độ, kỹ năng lao
động và khả năng sáng tạo. Vì thế, cầu về lao động qua đào tạo tăng mạnh đã
thúc đẩy các nước đầu tư vào xây dựng nguồn vốn con người thông qua giáo
dục nhiều hơn. Việc đầu tư đúng này đã mang lại lợi ích và cũng là phúc lợi
xã hội cho người dân trong nước, đồng thời tạo ít áp lực hơn đối với môi
trường địa phương, khu vực cũng như toàn cầu. Ví dụ, việc phát triển các
ngành khoa học cơ bản và R&D đã thành công trên nhiều lĩnh vực, trong đó
có nghiên cứu và đưa vào sử dụng các vật liệu mới hay các công nghệ sản
xuất xanh – sạch…Các nước OECD, đặc biệt là Mỹ đã và đang gặt hái được
nhiều thành công trong việc phát triển nền kinh tế tri thức.
Do tác động của cách mạng tri thức và yêu cầu của quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước đang phát triển, các nước này không chỉ
đầu tư vào vốn vật chất mà còn đầu tư vào vốn con người – nền tảng tri thức
của mình nhằm tăng năng lực sáng tạo, tiếp thu, thích ứng, phổ biến và sử
dụng những tri thức mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, đa số các
nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với:
Thứ nhất là, những khó khăn lớn trong việc tham gia cuộc cách mạng
tri thức toàn cầu, đó là khoảng cách giữa các nước đang phát triển với các
nước phát triển (những nền kinh tế tri thức) về tri thức, giáo dục, công nghệ…
Thực tế hiện nay, khoảng 85% chi tiêu cho nghiên cứu triển khai
(R&D) của thế giới tập trung ở những nước có thu nhập cao – Những tri thức
mới được tạo ra từ đây.
Thứ hai là, các nước đang phát triển trong tình trạng hạn chế về số
lượng các nhà khoa học và kỹ sư, đồng thời là chất lượng giáo dục tương đối
thấp nên hạn chế khả năng khai thác nguồn tri thức của thế giới cũng như việc
lựa chọn, điều chỉnh tri thức thế giới cho phù hợp với nhu cầu của đất nước.
Thứ ba là, khoảng cách lớn về kỹ thuật số giữa hai nhóm nước – Một
thực tế là khoảng 80% máy tính cá nhân và 90% số người sử dụng internet

88
của thế giới thuộc các nước có thu nhập cao. Khoảng cách này đã được thu
hẹp trong vòng 5 năm từ năm 2006 đến năm 2011, các nước đang phát triển
đã tăng tổng số người sử dụng internet từ 44% năm 2006 lên đến 62% năm
2011. Riêng Trung Quốc, số người sử dụng internet chiếm 25% tổng số người
sử dụng Internet của thế giới và 37% tổng số người sử dụng internet của các
nước đang phát triển .
Biểu đồ: So sánh số người sử dụng Internet ở hai nhóm nước năm 2011

Nguồn: Thực tế và số liệu ICT năm 2011


Rõ ràng là hậu công nghiệp hóa với sự bùng nổ của khu vực dịch vụ có
khả năng giải quyết nhiều khó khăn, hạn chế của quá trình phát triển, nó có
tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững hơn cả về mặt kinh tế, xã hội
và môi trường ở các nước phát triển nói riêng và toàn cầu nói chung. Thế
nhưng vẫn còn không ít hiểm họa đi kèm trong quá trình phát triển một thế
giới thịnh vượng và xanh. Đó là, nguy cơ bất bình đẳng toàn cầu trầm trọng
hơn cả về thu nhập, việc làm, giáo dục và vấn đề an sinh xã hội, chất lượng
môi trường sống.
Cuộc cách mạng tri thức bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XX không chỉ là
động lực cho quá trình hậu công nghiệp hóa mà còn là động lực cho quá trình
chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ khu vực dịch vụ.
Trong khu vực dịch vụ, các ngành tăng trưởng nhanh nhất là những
ngành liên quan đến tri thức và thông tin như giáo dục, nghiên cứu và triển
khai (R&D), phương tiện thông tin liên lạc hiện đại (điện thoại và internet) và
các dịch vụ kinh doanh hiện đại. Do đó, những tiến bộ khoa học và các ứng
dụng kinh tế của chúng dưới dạng công nghệ mới cũng như các sản phẩm tiêu

89
dùng mới phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Nhờ vậy, trong giai
đoạn này đổi mới công nghệ đã trở thành nguồn lực chính để tăng năng suất
lao động. Nó là công cụ chính để tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa và
dịch vụ trên thị trường thế giới, đồng thời là động lực quan trọng nhất để tăng
chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Vì lợi ích của sự phát triển bền vững toàn cầu, cộng đồng quốc tế mà
đặc biệt là các nước phát triển cần giúp đỡ các nước đang phát triển giảm
khoảng cách về tri thức, thông tin, công nghệ… thông qua việc tăng nguồn
vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tăng chuyển giao công nghệ hiện đại
trong cách lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và để tăng năng suất
trong nông nghiệp… nhờ đó sẽ giảm bất bình đẳng toàn cầu, đồng thời hướng
đến sự bền vững toàn cầu.
3.2. Nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu
Quá trình công nghiệp hóa gắn liền với việc tăng tiêu dùng các nhiên
liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí tự nhiên bị đốt trong các nhà máy, nhà
máy điện, xe gắn máy và các phương tiện nấu ăn trong hộ gia đình. Sự phát
thải khí CO2 từ các hoạt động này là nguồn lớn nhất gây ra khí thải nhà kính.
Lượng khí CO2 mà mỗi nước phát triển thải vào bầu khí quyển tùy thuộc chủ
yếu vào quy mô nền kinh tế, mức độ công nghiệp hóa có liên quan đến cơ cấu
kinh tế và hiệu quả của việc sử dụng năng lượng của nước đó.
Hiện nay, các nước đang phát triển chiếm hơn 80% dân cư thế giới
nhưng sản xuất công nghiệp và nước tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người
lại tương đối thấp

90
Nước Mỹ góp phần lớn nhất vào lượng khí thải CO 2 chiếm 23% của thế
giới, mặc dù dân số chỉ chiếm khoảng 4% dân số toàn cầu. Năm 1996, Trung
Quốc đã đóng góp 15% lượng phát thải khí CO 2 toàn cầu, đã vượt Liên bang
Nga và đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Nhưng nếu tính theo bình quân đầu
người về lượng phát thải CO2 thì Liên Bang Nga là 10,7 tấn/ người/ năm,
trong khi Trung Quốc chỉ 2,8 tấn/ người/năm.

91
Thông thường, tiêu thụ năng lượng đi kèm với phát thải khí CO 2 liên
quan trực tiếp với tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP càng lớn thì mức tiêu thụ
năng lượng và phát thải khí CO2 càng cao. Tuy nhiên, ở thập niên 80 – 90 của
thế kỷ XX, lượng phát thải CO2 trên 1 đồng GDP đã giảm đáng kể ở hai nhóm
nước, đồng thời là sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Hơn nữa, quá trình hậu
công nghiệp hóa ở nhiều nước đã làm cho tỷ trọng ngành dịch vụ - ngành có
tiêu dùng năng lượng ít hơn công nghiệp tăng lên và giữ vai trò quan trọng
trong nền kinh tế (chiếm khoảng 60-70% GDP hoặc hơn nữa). Thế nhưng,
những thay đổi đó không đủ mạnh để chặn đứng tình trạng tăng lượng phát
thải CO2 toàn cầu.
Việc hợp tác toàn cầu để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và
tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, nhằm loại bỏ nguy cơ
thay đổi khí hậu toàn cầu là cấp thiết. Nghị định thư Kyoto
(1997) được thông qua với đại diện của 165 nước nhưng không đạt được sự
đồng thuận. Trong hội nghị toàn cầu tại Hà Lan năm 2000, đại diện của 184
nước vẫn không đi đến được thỏa thuận về các cơ chế cụ thể để thực hiện
Nghị định thư Kyoto. Năm 2001, tổng thống Mỹ - George Bush đã chính
thức phủ nhận việc tiếp tục thông qua Nghị định thư vì những lo ngại về thiệt
hại kinh tế của Mỹ, và ông cho rằng, chưa đủ bằng chứng khoa học chắc chắn
về nguy cơ của thay đổi khí hậu toàn cầu và vì quá nhiều nước chưa sẵn sang
chia sẻ nỗ lực toàn cầu này.
Bên cạnh đó, hầu hết các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc (nước
đúng thứ 2 thế giới về quy mô GDP cũng như lượng phát thải CO 2) cũng từ
chối cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Theo họ, lượng khí thải nhà kính
chủ yếu do các nước phát triển tạo ra và những cam kết giảm phát thải như
vậy sẽ phương hại cho phát triển kinh tế và cản trở việc giảm nghèo của
Trung Quốc.
Trong thực tế, tại các nước đang phát triển tỷ trọng lượng phát thải khí
CO2 đang tăng lên nhanh chóng vì tổng lượng khí thải ở những nước này tăng
nhanh hơn các nước phát triển. Hơn nữa, nếu không có sự hợp tác của các
nước đang phát triển thì bất kỳ một tiến bộ nào của các nước phát triển cũng
không thể bù đắp được những “rò rỉ” bên ngoài bên giới nước họ. Ví dụ, một
nhà máy luyện kim thiếu hiệu quả về mặt năng lượng có thể được chuyển tới
một nước đang phát triển – nơi không phải thực hiện hiệp định thay vì chuyển
sang một công nghệ hiệu quả hơn về năng lượng – môi trường nhưng tốn kém

92
hơn về tài chính.
Các chuyên gia dự báo rằng, chưa đầy 20 năm nữa các nước đang phát
triển sẽ vượt các nước phát triển về lượng phát thải khí nhà kính. Nhưng nếu
tính về mức tiêu thụ năng lượng bình quân theo đầu người thì phải mất hơn 20
năm nữa các nước đang phát triển mới bằng các nước phát triển. Vì thế, nếu
đứng ở góc độ công bằng trong tiêu dùng năng lượng trên toàn cầu thì các
nước đang phát triển vẫn có quyền tiếp tục gây ô nhiễm khí quyển? Đây là
cách nghĩ sai lầm, nếu làm vậy thì các nước đang phát triển tiếp tục đi theo
con đường phát triển đã được chứng minh là không bền vững. Các nhà nghiên
cứu cho biết, các nước đang phát triển càng sử dụng công nghệ sản xuất sạch
hơn và các phương thức hiệu quả về sản xuất cũng như sử dụng năng lượng
sớm hơn bao nhiêu thì triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của họ càng tốt
hơn bấy nhiêu.
Rõ ràng là, cần có sự hợp tác Nam – Bắc trong việc giảm lượng phát
thải khí nhà kính, đồng thời tích cực tìm kiếm và ứng dụng những giải pháp
để giải quyết mối lo ngại về môi trường mà không cần phải hạn chế mức tăng
trưởng kinh tế, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Ví dụ Trung Quốc
đã tìm cách tăng GDP lên 36% trong giai đoạn từ năm 1996 – 2000 mà vẫn
giảm được lượng phát thải khí CO 2 bằng cách chủ yếu là tái cơ cấu ngành
công nghiệp và cải tiến về việc sử dụng nhiên liệu.
4. Ô nhiễm không khí đô thị
Từ giữa thế kỷ XX trở lại đây, xu hướng đô thị hóa đã phổ biến trên
toàn thế giới. Đô thị hóa vừa là kết quả tất yếu, đồng thời là tác nhân kích
thích quá trình phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp hóa và hậu công nghiệp
hóa.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, tốc độ đô thị hóa ở các nước đang phát triển
nhanh hơn các nước phát triển. Nếu như đô thị hóa ở các nước phát triển diễn
ra theo chiều sâu thì ở hầu hết các nước đang phát triển lại diễn ra theo chiều
rộng. Trên thế giới, hầu hết những thành phố đông dân nhất đều ở các nước
đang phát triển, trong đó đa số các thành phố này ở các nước châu Á với thu
nhập bình quân đầu người trung bình và thấp, ví dụ như nhiều thành phố của
Trung Quốc, Ấn độ, Indonexia… Môi trường đô thị đã và đang ô nhiễm
nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm không khí dạng hạt.
Một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chất lượng không
khí là đo lượng vật chất dạng hạt lơ lửng. Đơn vị đo là microgram/m 3 không

93
khí. Các vật chất dạng hạt lơ lửng được cấu tạo từ khói, bụi, muội sinh ra từ
quá trình đốt cháy nhiên liệu và các giọt nước nhỏ trong không khí từ nhiều
nguồn khác nhau.
Theo tiêu chuẩn không khí của WHO đưa ra thì sự tập trung các loại
hạt lơ lửng này phải nhỏ hơn 90microgram/m 3 không khí. Nếu cao hơn là ô
nhiễm không khí dạng hat. Tuy nhiên, ô nhiễm ở nhiều thành phố con số này
cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Bảng: Ô nhiễm không khí dạng hạt ở một số thành phố lớn nhất (1995)
Dân số
Nước Thành phố Microgram/m3
(Nghìn người)
Brazin Saopaolo 16.533 86
Oxtraylia Sitni 3.590 54
Áo Viên 2.060 47
Bỉ Brucxen 1.122 78
Canada Toronto 4.319 36
Bungari Xophia 1.188 195
Pháp Pari 9.523 14
Đức Beclin 3.317 50
Trung Quốc Thượng Hải 13.584 246
Bắc Kinh 11.299 377
Quảng Châu 1.747 732
Đài Loan 2.502 568
Ấn Độ Bom bay 15.138 240
Can cut ta 11.923 375
Đêli 9.948 415
Indonexia Gia cac ta 8.621 271
Nhật Bản Tokyo 26.959 49
Hàn Quốc Seoul 11.609 84
Mêhico Mehico 16.502 84
Philipin Manila 9.286 200
Liên Bang Nga Matxcova 9.269 100
Mỹ Newyork 16.332 61

Nguồn: Không chỉ là tăng trưởng nhập môn về phát triển bền vững – Báo cáo

94
phát triển con người năm 2005
Ô nhiễm không khí dạng hạt ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người
là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp và làm trầm trọng thêm
các bệnh về tim mạch.
Tính riêng năm 1995, thế giới có ít nhất 500.000 người chết sớm và 4-5
triệu người viêm phổi mãn tính do ô nhiễm bụi. Hầu hết những người này ở
các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Chỉ tính riêng
Trung Quốc, thiệt hại kinh tế do bệnh tật và tình trạng tử vong của dân số đô
thị ước tính lên đến 5%GDP.
Ở mỗi nước, mức độ ô nhiễm không khí phụ thuộc vào các công nghệ
sản xuất và mức độ kiểm soát ô nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước về môi
trường.
Nguồn chủ yếu gây ô nhiễm là việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong
các khu công nghiệp, đặc biệt là trong việc sản xuất năng lượng. Than và dầu
là những nguồn năng lượng ô nhiễm nhất, tuy nhiên nó còn phụ thuộc nhiều
vào chất lượng và phương pháp đốt nhiên liệu. Khí tự nhiên và than chất
lượng cao được coi là các loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn. Việc sử dụng
các nguồn năng lượng có thể tái tạo như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, gió là
một trong những cách tốt nhất để giảm ô nhiễm không khí mà không phải hạn
chế tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng các nguồn năng lượng này mới chỉ chiếm
một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu sử dụng điện năng đối với các nước đang phát triển
thì tỷ lệ này rất thấp.
Năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng tạo ra điện
sạch nhất, song những rủi ro về ô nhiễm phóng xạ trong trường hợp có sự cố
nghiêm trọng xảy ra lại rất khôn lường. Từ sau thảm họa động đất, sóng thần
năm 2011 ở Nhật Bản, nhiều nước trên thế giới đã có xu hướng thu hẹp và
tiến tới, đóng cửa loại năng lượng này.
Một nguồn gây ô nhiễm dạng hạt quan trọng khác trong các đô thị là
quá trình đốt cháy nhiên liệu trong các phương tiện giao thông cơ giới. Những
khí thải này do đó đặc biệt có hại cho sức khỏe con người.
Mặc dù các nước đang phát triển có mức bình quân về xe ô tô và xe
gắn máy tính trên 1000 người thấp hơn nhiều các nước phát triển (bảng dưới)
nhưng nó vẫn là tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, vì các phương
tiện này tập trung cao độ ở các thành phố, trong đó có rất nhiều xe ở tình
trạng máy móc quá cũ và không có nhiều tiêu chuẩn về khí thải.

95
Bảng. Bình quân xe tính theo 1000 người – 1998
Nhóm các nước Xe gắn máy Xe ôtô con
Thu nhập thấp 9 5
Thu nhập trung bình 104 79
Thu nhập cao 585 429
Nguồn: Không chỉ là tăng trưởng, tr.196
Ô nhiễm chì trong không khí là một trong những loại ô nhiễm dạng hạt
lơ lửng nguy hiểm nhất. Tác hại của ô nhiễm chì ở trẻ em có thể dẫn đến phá
hoại não, làm mất khả năng học tập cũng như nghe, dị thường về hành vi…
Đối với người lớn, khi nhiễm độc chì thường gây căng thẳng, các vấn đề về
tim mạch, huyết áp.
Nguồn chủ yếu của chì trong không khí là các phương tiện ô tô, xe máy
sử dụng xăng pha chì, các quá trình luyện khoáng chất có chứa sắt và phi sắt,
đốt cháy than…
Để giảm lượng chì trong không khí, thế giới đã và đang sử dụng xăng
không chì thay cho xăng pha chì. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển việc
chuyển đổi này diễn ra chậm hơn, và nhiều nước vẫn sử dụng rộng rãi xăng
pha chì. Các chuyên gia cho biết, ở các nước này tất cả trẻ em dưới 2 tuổi và
hơn 80% trẻ em từ 3-5 tuổi có mức chì trong máu vượt quá tiêu chuẩn của
WHO.
Không chỉ có ý nghĩa về môi trường, lợi ích kinh tế của việc dùng xăng
không chì cũng rất lớn. Các nhà kinh tế tính toán và cho biết, chi phí chuyển
sản xuất từ xăng pha chì sang xăng không pha chì chỉ mất chưa đến 2xu/lít,
trong khi có thể tiết kiệm từ 5 – 10 lần nhờ tiết kiệm chi phí cho sức khỏe do
giảm được bệnh tật và tử vong. Cụ thể như nước Mỹ, khi chuyển sang xăng
không pha chì, nước này đã tiết kiệm được hơn 10$ khi đầu tư 1$ cho việc
chuyển đổi này.
Rõ ràng là quá trình đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa ở nhiều
nước đang phát triển đã và đang phải trả giá rất đắt không chỉ về môi trường
mà còn cả về sức khỏe của cư dân đô thị. Việc ngăn chặn tình trạng này là
vấn đề vô cùng cấp thiết trong quá trình phát triển bền vững.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác có liên quan với môi trường nói riêng
và phát triển bền vững nói chung như đầu tư quốc tế, thương mại quốc tế, di
cư (cả nội địa và quốc tế), xóa đói giảm nghèo, bình đẳng xã hội…
III. Tăng trưởng kinh tế trong phát triển bền vững/ Lựa chọn

96
1. Tăng trưởng hiện tại có đảm bảo cho phát triển bền vững
không?
1.1. Lập luận về tăng trưởng trước làm sạch sau
Nếu như tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên cơ sở gia tăng hiệu
quả sử dụng các nguồn lực đầu vào thì tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng
bao giờ cũng gia tăng số lượng các nguồn lực đầu vào, trong khi các nguồn
lực là có hạn. Tăng trưởng theo chiều rộng làm cho các dự trữ tài nguyên bị
tổn hại một cách nhanh chóng, đồng thời khả năng phát thải ô nhiễm cao,
trong khi đó gần như bỏ qua các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm cũng như đầu
tư cho tái sản xuất môi trường, do đó làm cho chất lượng môi trường suy
giảm mạnh. Nhiều vấn đề về môi trường đã và đang trở nên trầm trọng, thậm
chí là không thể đảo ngược.
Đáng tiếc là cho tới nay, hầu hết các nước đang phát triển đều lấy tăng
trưởng theo chiều rộng là chủ yếu trong chiến lược tăng trưởng. Từ giữa thế
kỷ XX trở lại đây, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo đưa ra từ các nhà khoa
học rang, nếu con người cứ tiếp tục chạy theo tăng trưởng kinh tế và bóc lột
nguồn vốn tự nhiên như đã và đang thực hiện thì hậu quả thật khôn lường,
không chỉ đối với một quốc nào mà cả toàn cầu. Thế nhưng, thế giới mà đặc
biệt là nhóm các nước đang phát triển vẫn tiếp tục đi theo đường mòn này. Sự
cạnh tranh kinh tế gay gắt giữa các quốc gia cũng như giữa các nhóm nước
cùng với khát khao nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, lạc hậu
của các nước đang phát triển so với các nước phát triển đã trở thành động lực
mạnh mẽ đối với đối với quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong hoàn
cảnh này, người ta dễ dàng chấp nhận “tăng trưởng trước và làm sạch sau”
Lập luận “tăng trưởng trước làm sạch sau” dựa trên quan điểm cho
rằng, đầu tiên chất lượng môi trường suy giảm với tốc độ tăng trưởng kinh tế
và sau đó sẽ được cải thiện. Bởi vì:
Thứ nhất, trong quá trình công nghiệp hóa, vai trò của khu vực công
nghiệp ngày càng tăng và chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trong quá
trình này tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và bình quân GDP/ người có xu hướng
tăng lên. Thế nhưng, chất lượng môi trường ngày càng giảm do những tác
động môi trường của các hoạt động kinh tế, đặc biệt là của khu vực công
nghiệp và dịch vụ gây ra. Đến khi nền kinh tế chuyển dịch từ kinh tế công
nghiệp sang kinh tế dịch vụ, theo đó bình quân GDP/ người đạt mức cao thì
chất lượng môi trường sẽ được cải thiện.

97
Thứ hai, khi bình quân GDP/ người thấp thì người nghèo quan tâm đến
chất lượng môi trường ít hơn người giàu. Người nghèo thường ưu tiên việc
tiêu dùng vật chất để thỏa mãn nhu cầu về ăn, mặc, nơi ở… hơn là chất
lượng môi trường sống sạch, đẹp. Nhưng khi bình quân GDP/ người tăng lên
và đạt đến một mức độ nhất định thì các nhu cầu cơ bản của người nghèo
được đáp ứng, khi đó họ có nhiều quyền hơn để lựa chọn hơn cả trong tiêu
dùng cũng như trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, do đó họ sẽ quan
tâm nhiều hơn đến chất lượng môi trường. Từ đó, sẽ có sự đồng thuận giữa
các giai tầng trong xã hội, giữa người dân với chính phủ và dẫn đến tăng đầu
tư cho làm sạch và bảo vệ môi trường, nhờ vậy mà nâng cao chất lượng môi
trường. Vậy là tăng trưởng kinh tế đến một lúc nào đó sẽ tự động dẫn dắt các
nước bảo vệ môi trường.
1.2.Những hạn chế của tăng trưởng trước và làm sạch sau.
Không thể phủ nhận được tăng trưởng hiện tại ở các nước đang phát
triển đã tạo ra tiền đề vật chất cho các vấn đề như chuyển dịch cơ cấu kinh tế
trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện và nâng cao phúc lợi
cho dân cư, tăng bình quân GDP/ người và xóa đói giảm nghèo, từng bước
giảm bất bình đẳng xã hội…Thế nhưng mô hình tăng trưởng hiện tại, làm
sạch sau có những hạn chế lớn sau đây:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế hiện nay mang tính không bền vững –
Điều này thể hiện ở các nguồn lực vốn tự nhiên đã bị tổn hại nghiêm trọng, cụ
thể là:
+ Tăng trưởng dân số và thu nhập đã làm tăng lượng cầu về lương thực
và thực phẩm, nó là động lực để gia tăng sản xuất nông nghiệp. Một trong
những cách để tăng sản lượng lương thực là thực hiện thâm canh tăng năng
suất, cách này đã giúp hạn chế những tổn thất của nguồn vốn tự nhiên ở nhiều
nước. Ví dụ như, phương pháp tưới phun có tác dụng tiết kiệm đáng kể nguồn
nước so với phương pháp tưới bằng hệ thống thủy lợi. Hoặc như việc trồng
xen canh, luân canh cây trồng sẽ cho phép khai thác tối đa dưỡng chất trong
đất, đồng thời giúp đất phục hồi chất đạm nhờ quá trình phân hủy lá cây và
các chất thải nông nghiệp. Nhưng nếu sản xuất thâm canh trong tình trạng
quản lý yếu kém sẽ làm tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí,
nhiểm bẩn đất, làm cho đất bạc màu hoặc nhiễm mặn, chua bởi việc sử dụng
quá mức phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, vật hại…
Cách thứ hai để tăng sản lượng lương thực là quảng canh. Việc mở

98
rộng sản xuất với quy mô lớn ở nhiều vùng, đất dốc, biến đất lâm nghiệp
thành đất nông nghiệp, và kiểu sản xuất tự cung tự cấp của không ít vùng ở
những nước nghèo… đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất và thu
hẹp diện tích rừng.
Theo đánh giá của FAO (2010), trong giai đoạn 2000 – 2010, tỷ lệ mất
rừng của thế giới là 5,2 triệu ha/ năm, trong đó chủ yếu là rừng nhiệt đới ở
những nước nghèo, đó là rừng có đa dạng sinh học. Tính tới năm 2008, có tới
¼ bề mặt của trái đất đã bị suy thoái do xói mòn đất, xâm nhập mặn và cạn
kiệt chất dinh dưỡng và sa mạc hóa.
+ Tăng trưởng dân số và thu nhập gây áp lực đối với nguồn cung cấp nước.
Trong 50 năm qua, khai thác tài nguyên nước đã tăng gấp 3 lần dẫn đến khan
hiếm và cạn kiệt nước ngầm ở nhiều nơi. Dự báo đến năm 2025 riêng các
nước đang phát triển, khối lượng nước ngầm khai thác sẽ tăng thêm 50% do
gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế mà đặc biệt là tăng trưởng ngành công
nghiệp. Đồng thời sẽ có khoảng 5.5 tỷ người (khoảng 2/3 dân số toàn cầu) sẽ
sống ở những vùng thiếu nước ở mức trung bình đến trầm trọng.
+ Tăng trưởng dân số và thu nhập làm gia tăng sức ép đối với các hệ
sinh thái. Ngày nay, 60% các dịch vụ hệ sinh thái có chất lượng thấp hơn 50
năm trước. Tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay, đã cao hơn từ 100 –
1000 lần so với trước khi con người xuất hiện trên hành tinh. Chỉ trong năm
2008, có tới 875 loài đã bị tuyệt chủng và hơn 17000 loài khác có nguy cơ
cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do môi trường sống của
chúng bị mất đi hay suy thoái.
+ Lượng khí thải CO2 ngày càng tăng. Sau khi các đại dương và hệ sinh
thái đất liền hấp thu CO2 còn một phần đáng kể được tích lũy lại trong khí
quyển, do đó góp phần làm tăng nhiệt độ trái đất. Chỉ tính riêng năm 2007,
trong số 9 tỷ tấn khí CO2 thải ra thì các đại dương hấp thụ 2 tỷ tấn, hệ sinh
thái đất liền hấp thụ 2,7 tỷ tấn, số còn lại tích lũy ở bầu khí quyển và làm gia
tăng nồng độ CO2. Ngày nay, nhiệt độ trái đất đã tăng 20C so với nhiệt độ
trung bình của trái đất thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến
tan băng và mực nước biển dâng lên. Các nhà khoa học cho biết Trái đất
nóng lên có thể làm cho các rặng san hô bị chết vào cuối thế kỷ XXI, nếu vậy
sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hệ sinh thái biển, từ đó làm suy giảm mạnh chuỗi
thức ăn biển và hậu quả là làm suy yếu ngành đánh bắt cá toàn cầu và an ninh
lương thực.

99
+ Tăng trưởng dân số và tăng trưởng kinh tế kéo theo sự gia tăng nhanh
chóng mức tiêu dùng năng lượng. Nguồn nhiên liệu hóa thạch không chỉ đứng
trước nguy cơ cạn kiệt mà giá năng lượng có khả năng tăng cao trong tương
lai, bởi vì, nguồn tài nguyên dầu, khí dễ dàng khai thác và sử dụng với chi phí
thấp thì đã được khai thác. Thế giới hiện nay đang chuyển sang dùng nguồn
nhiên liệu hóa thạch đắt tiền hơn và cũng gây tổn hại cho môi trường nhiều
hơn như khí đá phiến sét, cát chứa dầu, dầu từ các giếng sâu ngoài khơi, than
hóa lỏng.
Ví dụ, khi khai thác dầu và khí từ đá phiến sét với kỹ thuật khoan
“Fracking” – Thực chất là dùng kỹ thuật thủy lực để cắt phá bẻ gãy đá phiến
sét qua đó giải phóng dầu và khí bị kẹt trong các lớp đá này. Khi khai thác
phải khoan sâu xuống lòng địa chất, kèm theo đó thải ra hàng triệu lít nước
thải cho mỗi giếng dầu. Số lượng giếng khoan tăng lên không ngừng trong
thập kỷ qua và các trận động đất cũng gia tăng theo.
Thứ hai, tăng trưởng trước và làm sạch sau phải trả giá đắt về môi
trường .
Tăng trưởng trước làm sạch sau khó có thể chấp nhận được vì nó quá
tốn kém trong việc thực hiện làm sạch đồng thời nâng cao chất lượng môi
trường. Trong thực tế, việc giảm hoặc ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ đầu của
quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ tiết kiệm hơn về chi phí làm sạch phải gánh
chịu ở những giai đoạn sau.
Nếu việc làm sạch sau quá trễ thì những tổn thất về môi trường có thể
rơi vào trạng thái không thể phục hồi được hoàn toàn mặc dù đã rất nhiều nỗ
lực. Nhiều vấn đề về môi trường ở nhiều quốc gia, khu vực đã và đang trong
tình trạng này. Chẳng hạn như ở Keenya, các khu rừng nguyên sinh đã và
đang bị phá hủy, việc tái trồng rừng có thể khôi phục được nhiều chức năng
của rừng nhưng những mất mát về đa dạng sinh học thì hoàn toàn không thể
phục hồi lại được.
Sự phát triển thần kỳ này của Trung Quốc với mức tăng trưởng kinh tế
từ 9 – 10%/ năm trong khoảng 30 năm, từ một nước nghèo ngày nay đã trở
thành nền kinh tế có GDP thứ 2 thế giới. Thế nhưng, nó đang phải trả cái giá
khổng lồ cho môi trường. Chỉ riêng tình trạng ô nhiễm nước, không khí… đã
khiến Trung Quốc mất khoảng 8 – 15% GDP, đây là chưa tính thiệt hại đối
với sức khỏe người dân, trong tương lai gần sẽ phải lo chỗ tái định cư cho
khoảng 186 triệu người “tị nạn môi trường” tại 22 tỉnh và thành phố. Mưa axit

100
đã đổ xuống 1/3 lãnh thổ Trung quốc, tình trạng hoang mạc hóa lan rộng…
Gần đây, Chính phủ Indonexia đã vay tới 3,5 tỉ USD của ADB để làm sạch
sông Citarum.
Rõ ràng là hành động sớm trong việc phòng ngừa là cần thiết, nếu
chậm trễ có thể phải trả giá đắt trong tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng
đối với các nước đang phát triển, nơi đang trong quá trình công nghiệp hóa.
Thứ ba là, tăng trưởng kinh tế còn lãng phí cả trong sản xuất, tiêu dùng
và không hiệu quả trong quản lý nguồn vốn tự nhiên.
Suy đến cùng thì động lực của tăng trưởng kinh tế chính là quy mô dân
số và mức tiêu dùng của họ. Hiện nay, dân số thế giới đã là hơn 7 tỉ người và
còn tiếp tục tăng nữa. Bên cạnh đó là sự gia tăng mức tiêu dùng trung bình
của mỗi người dân. Tất cả đặt ra những thách thức rất lớn đối với nguồn vốn
tự nhiên trong quá trình tăng trưởng. Thế nhưng tăng trưởng kinh tế hiện nay
lại kém hiệu quả nhất là ở các nước đang phát triển.
Trong sản xuất, sự yếu kém trong quản lý gây lãng phí nguồn lực vốn
tự nhiên dưới hình thức là thất thoát hoặc mất đi giá trị sử dụng của các nguồn
nguyên, vật liệu, nhiên liệu hoặc các loại tư bản cố định hay những công trình
cơ sở hạ tầng vật chất… có thời gian sử dụng ngắn hơn thậm chí là rất ngắn
so với tuổi thọ trung bình dự kiến của nó.
Trong lưu thông và tiêu dùng cũng vậy, do phương tiện vận tải và bảo
quản hàng hóa kém cũng làm thất thoát hàng hóa. Chỉ tính riêng sản xuất
lương thực ở các nước đang phát triển đã có tới 15 – 30% lượng lương thực bị
thất thoát trước khi đến với thị trường.
Không chỉ trong lưu thông mà trong tiêu dùng sự lãng phí cũng thể hiện
rõ. Ví dụ như ở các nước thu nhập cao, có tới 1/3 lương thực bị lãng phí dưới
hình thức thất thoát ở các siêu thị và trên bàn ăn, đặc biệt là ở nhà. Rất nhiều
tòa nhà mới ở các đô thị, vẫn chưa sử dụng những công nghệ tiết kiệm năng
lượng với hiệu quả cao hiện có, việc này dẫn đến lãng phí khoảng 30% năng
lượng tiêu dùng. Trong thực tế, ở Trung Quốc hiện nay để có những tòa nhà
mới tiết kiệm năng lượng thì chi phí xây dựng phải tăng thêm 10% nhưng đổi
lại chi phí tiêu dùng năng lượng sẽ giảm trên 50%. Hoặc là việc không đầu tư
hoặc đầu tư không thỏa đáng vào việc khôi phục rừng đầu nguồn thì các hiện
tượng lở đất, lũ lụt hay hạn hán sẽ trầm trọng hơn và tần suất cũng gia tăng.
Từ đó sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp là thu nhập sẽ
giảm xuống đối với các hộ gia đình sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

101
Ngoài ra, việc quản lý kém hiệu quả đối với nguồn vốn tự nhiên hay
việc không đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên cũng gây lãng phí lớn. Tình trạng
sở hữu nhà nước đối với tài nguyên (coi tài nguyên là tài sản chung) càng làm
cho quản lý tài nguyên yếu kém hơn do đó nhiều loại tài nguyên bị khai thác
quá mức hoặc bị khai thác mang tính vơ vét đã ngăn cản khả năng phục hồi
của tự nhiên, thậm chí làm cho tài nguyên có thể phục hồi trở thành không thể
phục hồi.
Có thể nói mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay không chỉ không bền
vững mà còn rất kém hiệu quả, do đó cản trở các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi
trường trong hiện tại và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế trong tương
lai cũng như sự phát triển lâu dài.
2. Tăng trưởng xanh – con đường hướng đến phát triển bền vững
Trên thế giới, trong khoảng 250 năm qua tăng trưởng kinh tế là điều
kiện vật chất vững chắc để nuôi sống số dân ngày càng lớn mà vẫn từng bước
nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân cư. Cũng nhờ có tăng
trưởng kinh tế mà nhiều nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu đã và đang chuyển
thành kinh tế công nghiệp hiện đại và không ít nền kinh tế đã phát triển thành
kinh tế hậu công nghiệp. Nếu chỉ tính hơn 20 năm gần đây, tăng trưởng kinh
tế của thế giới nói chung và của các nước đang phát triển nói riêng đã đưa gần
700 triệu người thoát nghèo và mức bình quân GDP/người đã tăng lên 80% ở
các nước đang phát triển.
Thế nhưng quá trình tăng trưởng kinh tế đó luôn đi kèm với những tổn
thất của môi trường. Biểu hiện của nó là nguồn vốn tự nhiên có giới hạn của
trái đất thường bị sử dụng kém hiệu quả kinh tế, lãng phí, không cân nhắc đầy
đủ đến chi phí thực sự của xã hội đối với việc khai thác và sử dụng tài
nguyên, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo. Thường xuyên khai thác và
sử dụng nguồn vốn tự nhiên nhưng lại không đầu tư đầy đủ đối với nó… Vì
thế, những tổn thất của môi trường đã lên đến mức bắt đầu đe dọa tính bền
vững lâu dài của tăng trưởng kinh tế và cả những tiến bộ đã đạt được về mặt
xã hội.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa mang lại lợi ích cho tất cả
mọi người như mong muốn, thế giới vẫn còn hơn 1,3 tỷ người chưa có điện,
2,6 tỷ người sống chưa có điều kiện vệ sinh cơ bản và khoảng 900 triệu người
không có nước sạch sinh hoạt trong tình trạng hiện nay. Nhu cầu tăng trưởng
kinh tế để đạt được các mục tiêu của phát triển còn tiếp tục tăng lên đặc biệt

102
là ở các nước đang phát triển. Vậy làm thế nào để vừa đáp ứng được các mục
tiêu của phát triển, vừa không làm tổn hại môi trường để đảm bảo cho tăng
trưởng kinh tế bền vững, dài lâu?
Trước thực tế này, thế giới đang cần tăn trưởng xanh và cần ngay bây
giờ. Trên thế giới nhiều quốc gia đã và đang đoạn tuyệt với tăng trưởng trước
– làm sạch sau, chuyển sang tăng trưởng xanh, nhất là các nước phát triển.
2.1. Tăng trưởng xanh là gì? Và sự cần thiết của nó?
Chiến lược môi trường của WB đã định nghĩa: Tăng trưởng xanh là
tăng trưởng hiệu quả, sạch và có khả năng phục hồi.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng
tài nguyên thiên nhiên; sạch trong việc giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời có khả
năng phục hồi sau khai thác và khả năng ngăn ngừa cái thảm họa vật lý và
thảm họa tự nhiên.
Lịch sử phát triển của thế giới, nhất là trong hơn 20 năm qua đã cho
thấy, sự bền vững về kinh tế và xã hội cũng như sự bền vững về xã hội và môi
trường không những tương đồng nhau mà còn bổ trợ cho nhau rất nhiều trong
quá trình phát triển. Trong khi đó, sự bền vững về kinh tế và bền vững về môi
trường lại trái ngược nhau. Tăng trưởng kinh tế hiện tại thường đi đôi với
những tổn hại về môi trường (Biểu hiện bằng nét đứt trong mô hình dưới)

KTBV KTBV

PTBV MTBV

XHBV MTBV MTBV MTBV

Ba trụ cột của sự PTBV với kiểu tăng Ba trụ cột của sự PTBV với kiểu tăng
trưởng hiện tại trưởng xanh

Nếu thay đổi kiểu tăng trưởng trước – làm sạch sau sang tăng trưởng
xanh thì sẽ tạo ra sự tương đồng và bổ trợ cho nhau giữa bền vững kinh tế và

103
bền vững môi trường. Nói cách khác, tăng trưởng xanh là biện pháp để đạt
được sự tương thích, dung hợp giữa mục tiêu bền vững kinh tế và bền vững
môi trường.
Như vậy, tăng trưởng xanh là công cụ thiết yếu để đạt được sự phát
triển bền vững, trong đó đảm bảo sự bền vững của xã hội, kinh tế và môi
trường. Tăng trưởng xanh có khả năng làm hài hòa nhu cầu bền vững môi
trường với nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện xã hội.
Các nước đang phát triển chiếm phần lớn dân số toàn cầu, những nước
này vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa, có nhiều nước còn đang ở giai
đoạn đầu của công nghiệp hóa. Trong những thập niên tới, cần lựa chọn con
đường đi đúng hướng – tức là tăng trưởng xanh ngay hay cứ tăng trưởng như
hiện nay và chấp nhận rủi ro, tốn kém trong tương lai? Hiện nay, nhiều quốc
gia như Trung Quốc, Brazin, Indonexia, Mêhico, Tuynidi, Etriopia…đang
từng bước thực hiện xanh hóa quá trình tăng trưởng của họ.
Riêng Trung Quốc, mặc dù chiến lược tăng trưởng kinh tế cũ đã làm
nên huyền thoại kinh tế của họ nhưng gần đây, họ buộc phải xem xét lại với
mong muốn làm xanh quá trình phát triển của đất nước. Quyết định này dựa
vào hai yếu tố, thứ nhất là chi phí cho tình trạng suy thoái môi trường đã quá
cao – điều này đe dọa khả năng cạnh tranh kinh tế của các nhà sản xuất Trung
Quốc trên thị trường toàn cầu cũng như phúc lợi xã hội đã đạt được của Trung
quốc, đồng thời người Trung Quốc đang đòi hỏi một môi trường sống sạch và
an toàn hơn. Thứ hai là, Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn lực tăng
trưởng mới do có sự hỗ trợ của nguồn nhân lực chất lượng cao đầy sáng tạo,
đồng thời muốn trở thành quốc gia chuyển đổi sớm trong cuộc chạy đua
hướng tới các quy trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm xanh hơn.
Đối với các nước phát triển, mặc dù đã và đang thực hiện xanh hóa tăng
trưởng bằng nhiều cách khác nhau nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải
thay đổi cung cách sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu công nghệ xanh
đồng thời với nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh nhiều hơn nữa.
Nhìn chung, các quốc gia kể cả những nước đang phát triển đều có
nhiều tiềm năng để thực hiện tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp
bách của con người, cũng như các mục tiêu của phát triển mà không cần phải
giảm tốc độ của tăng trưởng. Mặc dù vậy, tăng trưởng xanh cũng còn không ít
trở ngại đó là sức ì về chính trị lẫn hành vi cũng như việc thiếu hụt các công
cụ tài chính xanh và sự yếu kém trong quản lý nguồn lực vốn tự nhiên…

104
Sự phát triển của thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói
riêng đòi hỏi tăng trưởng xanh và cần ngay bây giờ. Tại hội nghị Thượng đỉnh
Rio + 20 năm 2012 về tăng trưởng xanh, 30 tổ chức quốc tế chuyên ngành
trong hệ thống Liên hợp quốc do UNEP phối hợp cùng với các quốc gia đi
đầu trong làn sóng xanh toàn cầu như Nhật Bản, các nước EU, mà đặc biệt là
CHLB Đức và các nước Bắc Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã cùng nhau đưa
ra thông điệp chung là: Cộng đồng thế giới cần chuyển dịch nhanh sang nền
kinh tế xanh với tăng trưởng xanh để cứu lấy trái đất và nhân loại.
2.2. Cơ sở phân tích cho tăng trưởng xanh
2.2.1. Tài nguyên môi trường – Nguồn vốn tự nhiên của tăng trưởng
kinh tế.
Từ thế kỷ 18, Thomas Malthus (1776 – 1834) đã cho rằng, nền sản xuất
xã hội phụ thuộc trực tiếp vào các dự trữ tài nguyên thiên nhiên và chất lượng
môi trường. Thế nhưng vấn đề này không được xã hội lúc đó quan tâm đúng
mức.
Năm 1956 trong học thuyết tăng trưởng cổ điển, Robert Solow cho
rằng, việc tăng trưởng kinh tế là do tăng vốn hữu hình (k), tăng nguồn nhân
công (L) và công nghệ (A), mối quan hệ này được mô tả như sau:
Y = f(k.L.A)
Trong đó, Y là sản lượng GDP
k là vốn sản xuất – hữu hình, k tăng là nhờ có tăng đầu tư.
L là nhân công, L tăng là kết quả của tăng dân số do đó
tăng lực lượng lao động đồng thời lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn
và có sức khỏe tốt hơn nhờ có đầu tư vào giáo dục và y tế…
A là công nghệ, A tăng xuất phát từ đầu tư vào giáo dục và
nghiên cứu & phát triển (R&D), do đó năng suất lao động tăng. Theo cách
tiếp cận này thì môi trường không có vai trò gì trong sản xuất và tăng trưởng
kinh tế.
Mãi đến đầu thập kỷ 70, thế kỷ XX, học thuyết tăng trưởng cổ điển mới
được thay đổi theo hướng quan tâm đến môi trường và thừa nhận vai trò quan
trọng của môi trường. Ngoài các yếu tố k, L, A thì môi trường – nguồn vốn tự
nhiên (E) được coi là một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất hay tăng
trưởng kinh tế, do đó:
Y = f(k.L.A.E)
Nếu môi trường được coi là nguồn lực tự nhiên, một nguồn vốn đầu tư

105
của tăng trưởng thì việc đầu tư vào môi trường là đầu tư cho tăng trưởng – nó
được coi là việc làm khôn ngoan. Do vậy, nếu chính sách môi trường tốt và
thực hiện hiệu quả có thể coi như những khoản đầu tư cho môi trường, đồng
thời cũng coi là đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.
2.2. Cơ sở thực tiễn cho tăng trưởng xanh
Thực tiễn phát triển ở nhiều quốc gia cho thấy, nếu các chính sách môi
trường tốt sẽ có tác động cải thiện môi trường, vì thế sẽ trực tiếp hay gián tiếp
làm tăng sản lượng GDP của nền kinh tế, bởi vì:
 Chính sách môi trường tốt có tác động tích cực đối với các nguồn
lực đầu vào của tăng trưởng kinh tế, cụ thể là:
o Thứ nhất là đối với nguồn lực vốn tự nhiên, các chính sách môi
trường tốt sẽ làm tăng vốn tự nhiên, thông qua việc quản lý tốt hơn các nguồn
tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn như việc quản lý rừng tốt hơn, sẽ làm giảm
xói mòn đất và ngăn cản việc hạ thấp của mực nước ngầm, có tác dụng điều
hòa nước mặt…do đó, đảm bảo cho năng suất, sản lượng cây trồng tăng lên.
Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp được nâng cao hoặc nếu
chính sách bảo vệ ngư trường tốt sẽ có tác dụng mở rộng và tăng chất lượng
ngư trường, nhờ đó mà tăng sản lượng thủy – hải sản cũng như chất lượng của
nó. Do vậy sẽ trực tiếp hay gián tiếp thông qua giá cả làm gia tăng sản lượng
GDP.
o Thứ hai là có tác động tích cực đối với người lao động. Chính
sách môi trường tốt sẽ làm tăng chất lượng, hiệu quả nguồn lao động bằng
cách cải thiện, sức khỏe của nguồn lao động. Chính sách môi trường tốt hơn
có tác dụng cải thiện chất lượng môi trường không khí, nước…do đó, giảm tỷ
lệ người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa… Nhờ vậy, giảm số ngày nghỉ ốm do mắc
bệnh của người lao động, đồng thời đảm bảo năng suất và cường độ lao động
cỉa người lao động không bị suy giảm. Kết quả nghiên cứu về mối liên hệ
giữa ô nhiễm không khí và năng suất lao động trên các nông trại tại California
cho thấy nếu nồng độ O3 giảm 10/109 (so với giá trị trung bình là 50/10 9 thì
năng suất lao động tăng lên 4,2%.
o Thứ ba làm tăng vốn vật chất: Chính sách môi trường tốt hơn sẽ
làm giảm số lần thiên tai, thảm họa tự nhiên cũng như hạn chế mức độ trầm
trọng của nó. Do đó, những tổn thất về vốn vật chất cũng ít hơn. Ví dụ, một
chính sách bảo vệ rừng đầu nguồn tốt hơn sẽ làm giảm mức độ trầm trọng của
lũ lụt, do đó sẽ tránh được những tổn thất của hệ thống giao thông đường bộ,

106
đường sắt, tránh được tình trạng ngập trong nước lũ của máy móc, thiết bị
cùng nhiều tư bản cố định khác. Nhờ vậy, bảo vệ được giá trị sử dụng, đảm
bảo tuổi thọ của tư bản cố định. Hoặc như ở các vùng ven biển, thường phải
đối mật với bão và triều cường, nếu rừng ngập mặn được bảo vệ tốt thì ngoài
việc bảo vệ được đa dạng sinh học của nó còn giảm được những tổn thất về
vốn vật chất của vùng.
 Chính sách môi trường tốt có tác động hiệu quả
Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có cả những thất bại về
môi trường. Nếu có chính sách môi trường tốt có thể sửa chữa được những
thất bại của thị trường về vấn đề này, có tác động thay đổi hành vi của cả
người sản xuất và người tiêu dùng theo hướng không hoặc ít gây tổn hại môi
trường cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên. Nhờ đó, tránh được
kiểu tăng trưởng hiện tại, không bền vững.
Một trong những thất bại của thị trường là tác động ngoại biên – là
những thiệt hại không được đền bù do một tác nhân kinh tế này gây ra cho
một tác nhân kinh tế khác. Ví dụ, như một cơ sở sản xuất tối đa hóa lợi nhuận
bằng cách đổ chất thải chưa qua xử lý ra song chứ không chịu bỏ ra chi phí xử
lý chất thải. Nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe đồng thời làm giảm sút
sản lượng và chất lượng thủy sản, do đó ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập
của người nuôi, đánh bắt thủy sản ở hạ lưu mà không được cơ sản sản xuất đó
quan tâm đền bù thiệt hại.
Như vậy, tổng lợi ích kinh tế - xã hội mà cơ sở sản xuất đó mang lại
cho xã hội có thể nhỏ hơn những tổn thất về kinh tế, xã hội, sức khỏe dân cư
và cả tổn thất về môi trường mà nó gây ra. Nhưng nếu chính sách môi trường
tốt, có sử dụng công cụ về giá hàng hóa – dịch vụ, có tính đến chi phí về môi
trường và chi phí xã hội, cũng như các loại thuế môi trường, phí và lệ phí môi
trường… có thể sửa chữa được những thất bại này của thị trường. Các nước
thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đặt ra 375 loai thuế môi
trường, 250 loại phí và lệ phí môi trường. Trong đó gần 90% nguồn thu là từ
thuế nhiên liệu và xe hơi. Phần lớn các nước OECD có đánh thuế sử dụng
nước trong nông nghiệp. Ngoài ra, việc xóa bỏ các hình thức trợ cấp tiêu cực
như trợ cấp về nhiên liệu hóa thạch, phân bón, năng lượng… cũng như việc
sử dụng các công cụ về lương, như giấy phép có thể chuyển nhượng, hạn mức
khai thác, hạn mức phát thải…cũng sửa chữa được những thất bại của thị
trường và mang lại kết quả khả quan đối với khả năng tái sinh của tài nguyên

107
tái tạo, đặc biệt là thủy sản.
Những thiên lệch hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng về vấn
đề môi trường xuất phát từ việc thiếu thông tin nên không có quyết định đúng
trong việc giảm lợi ích trước mắt để đổi lấy lợi ích trong tương lai. Hoặc xuất
phát từ tâm lý sợ mất mát, thiệt hại so với những người kahcs trong việc khai
thác, sử dụng tài nguyên – môi trường. Các thiên lệch hành vi sẽ được thay
đổi chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa, giáo dục, truyền thông… Bởi vậy, một
chính sách môi trường tốt sẽ có tác dụng làm thay đổi hành vi môi trường
theo hướng tích cực.
Ví dụ, nội dung của chính sách môi trường nếu được tích hợp trong
nhiều chương trình giáo dục một cách hợp lý sẽ có vai trò quan trọng trong
việc thay đổi các hành vi môi trường cho người học, hay người nghe…
 Chính sách môi trường tạo xúc tác cho đổi mới
Các chính sách môi trường có thể tăng giới hạn sản xuất – tăng sản
lượng tiềm năng mà nền kinh tế có thể sản xuất được thông qua việc phát
triển và ứng dụng những đổi mới kỹ thuật – công nghệ nhờ vào việc phát triển
tri thức.
Sự kết hợp của chính sách môi trường với các chính sách thúc đẩy snsg
tạo sẽ có tác động khuyến khích phát triển công nghệ xanh trên cơ sở tăng đầu
tư cho R&D.
Công nghệ xanh bao gồm nhiều công nghệ khác nhau. Về cơ bản nhằm
đạt được sự tăng tưởng với nguồn tài nguyên hiện đã và đang có nhiều công
nghệ xanh với những tác dụng như:
- Giảm ô nhiễm và đạt hiệu quả sử dụng tài nguyên lớn hơn.
Ví dụ, việc xây dựng các tòa nhà cách nhiệt có sử dụng vật liệu mới, các thiết
bị sưởi ấm và ánh sáng năng lượng hiệu quả. Hoặc như trong các quy trình
sản xuất có ứng dụng mới và sử dụng chất thải…
- Giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cung cấp nguồn năng
lượng sạch, các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng các thiết bị có lượng
khí thải CO2 thấp, các sản phẩm cuối cùng trên thị trường thân thiện với môi
trường.
Ví dụ như việc đầu tư vào R&D về năng lượng mặt trời. Sự thành công
này không chỉ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn giảm được
chi phí về lưới điện – đường dẫn đến các cộng đồng xa xôi hẻo lánh như núi
cao, hải đảo…

108
Trên thế giới các chính sách môi trường cũng như việc đầu tư vào khoa
học cơ bản và R&D được quan tâm nên các sáng chế xanh đã và đang phát
triển nhanh chóng, đặc biệt là từ giữa thập kỷ 90, thế kỷ XX trở lại đây, tuy
nhiên lại tập trung chủ yếu ở các nước thu nhập cao
(Hình 3.1.a trang 77)
Trong những năm gần đây, khoảng cách về bằng sáng chế xanh giữa
các quốc gia phát triển và đang phát triển ngày càng lớn. Tình trạng này đặt ra
một vấn đề rất đáng quan tâm là, hiện các nước đang phát triển có thể tiếp cận
và áp dụng các công nghệ mới cho phù hợp với yêu cầu của họ và góp phần
xanh hóa tăng trưởng trên quy mô toàn cầu hay không?
Ngoài ra, các chính sách môi trường còn có vai trò làm tăng sản lượng
GDP thông qua việc kích thích tạo ra nhiều việc làm xanh.
Theo UNEP, việc làm xanh là công việc trong các ngành công nghiệp,
nông nghiệp, nghiên cứu và phát triển (R&D), hành chính và cách dịch vụ
góp phần đáng kể vào việc bảo tồn hoặc khôi phục chất lượng môi trường.
Việc đưa ra vấn đề tăng trưởng xanh không ít các quốc gia lo sợ rừng
việc thực hiện nó trong một nền kinh tế xanh sẽ không có được số lượng việc
làm như kiểu tăng trưởng trước làm sạch sau. Bởi lẽ, việc thắt chặt các chính
sách môi trường có thể dẫn đến việc di dời không ít ngành công nghiệp mà
trước hết là những ngành gây ô nhiễm cao đến những quốc gia có chính sách
môi trường lỏng lẻo hơn (thường được gọi là thiên đường ô nhiễm).
Tuy nhiên, các chuyên gia của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc
(WNEP) cho biết, các chính sách xanh là nguồn tạo việc làm tốt do đó, được
coi là một động lực của tăng trưởng kinh tế. Tổ chức hợp tác và phát triển
(OECD) cũng cho rằng, việc đầu tư vào các hoạt động xanh mang lại các tiềm
năng đáng kể và việc làm. Mới đây ở Trung Quốc, các nhà phân tích đã ước
tính rang, các biện pháp tiết kiệm năng lượng , bảo vệ môi trường và thay thế
các ngành công nghiệp gây ô nhiễm bằng các công ty công nghệ cao có thể
tạo ra 10 triệu việc làm trong vòng 5-10 năm tới, xuất khẩu hàng hóa xanh
cũng tạo ra khoảng 4- 8 triệu việc làm.
Các nước đi đầu trong việc thực hiện tăng trưởng xanh như Đan Mạch,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cho biết, các chính sách môi trường mang lại
lợi ích kép vừa tạo ra công ăn việc làm, vừa tạo nền móng cho sự phát triển
bền vững trong tương lai.

109
110

You might also like