Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 17

 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 

____________________________________________________________________________________________

Khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ


Livestream lúc 21 giờ 30, thứ 4 và thứ 7, hằng tuần
——————————

Buổi 3. KẾT CẤU VÀ CÁC YẾU TỐ ĐẠT ĐIỂM CAO (NLVH)

BÀI VIẾT MẪU SỐ 1: ĐỀ THI CHÍNH THỨC NĂM 2021 – ĐỢT 1.


Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích:
Từ những kẻ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ,
nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ
cứ chảy mãi xuống cho tới khi một dòng sông ra đời.
Sông hình thành lực đẩy, cuốn trôi dần các lớp đất nền khi dòng chảy từ từ mở rộng và sâu
thêm, giống như một đứa trẻ với đôi mắt sáng ngời vươn mình lớn dậy. Dòng sông trở nên đủ mạnh
mẽ để xuyên qua núi hay thậm chí tạo thành một hẻm núi. […]
Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện hơn. Một ông lão băng qua cây
cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngôi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và
cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ thơ đùa trong công viên hai bên bờ và những người cha
cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng.
Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiều, lại càng trở nên dịu dàng khi nó tiến dần ra biển. Rồi cũng
đến lúc nó ra tới biển và dòng chảy của nước cuối cùng cũng đi tới hồi kết.
Tất cả những trầm tích được nước mang theo lúc đó lắng lại ở cửa sông. Kết quả là một vùng
châu thổ được hình thành. Sông Hằng, sông Mississippi và sông Amazon đều đã hình thành những
châu thổ tựa như hình chiếc lược tại nới chúng gặp gỡ biển cả. Đều có khởi nguồn như một bờ cát
nhỏ cuối cùng cũng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một đường bờ biển mới và
rộng rãi. Những vùng châu thổ màu mỡ này hình thành nên những vùng nông nghiệp màu mỡ nhất
thế giới – món quà cuối cùng mà nước dành tặng cho loài người, trước khi nó hiến mình cho đại
dương vào lúc cuối đời.

Thực hiện các yêu cầu sau:


Câu 1. Theo đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông diễn ra như thế nào?
Theo đoạn trích, sự ra đời của sông bắt đầu từ những kẽ hở trên mặt đất, nước ở mặt đất hoà
vào nước của bầu trời rơi xuống. Từ đó tạo thành dòng suối nhỏ và rồi tạo thành sông.
Câu 2. Trong đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển
cả là gì?
Trước khi hoà vào biển cả rộng lớn, nước vẫn dành tặng cho con người một món quà cuối cùng.
Đó là những đồng bằng châu thổ màu mỡ. Món quà này là nền móng cho sự phát triển của những
vùng nông nghiệp với nền văn minh vĩ đại trong lịch sử loài người.
Câu 3. Những câu văn sau giúp anh/chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người?
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 1 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm
sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ thơ đùa trong công viên
hai bên bờ và những người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng.
Dòng chảy của nước và cuộc sống của con người tưởng chừng là hai thứ chẳng có điểm giao
nhau. Nhưng không, dòng nước như một chứng nhân cho tất thảy hành trình thời gian trong đời sống
con người. Nó hiện hữu trong từng khoảnh khắc của thời thơ ấu nơi những đứa trẻ vui đùa mà lớn
lên. Khi thời thanh xuân phơi phới trong lồng ngực trẻ, dòng nước cũng kiên nhẫn dõi theo. Dòng
nước trở thành một ý vị thơ mộng đầy lãng mạn trong những cung bậc rung động, những kỷ niệm
nơi tình yêu tuổi trẻ nhen nhóm. Và rồi cả khi sự sống nơi con người về tuổi xế chiều, dòng nước
cũng góp mặt. Dù ở khoảnh khắc nào, dòng nước cũng ẩn mình mà trở thành một phần của đời sống,
của con người. Đó là một sự gắn bó thân thiết và chặt chẽ, sợi dây liên kết ấy dường như chưa lúc nào
thôi bền chắc.
Câu 4. Qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích, anh/chị rút ra những bài học gì
về lẽ sống?
Có khi nào ta sống như một dòng sông tận cùng sẽ chảy ra biển lớn. Hay ta sống như một vũng
ao hồ, quanh năm lưu lại giọt nước riêng mình? Nhưng có lẽ chỉ có hành trình của sống mới là một
lẽ sống đáng để học tập. Dòng sông bắt đầu từ những điều nhỏ bé, con người lại thường bỏ qua những
khởi nguồn nhỏ bé ấy. Giọt nước từ kẽ hở của đất sẵn sàng bung thoát chính mình và đón nhận những
giọt nước của bầu trời. Nhưng con người dường như lại sợ phá vỡ những khuôn mẫu quanh mình,
ngại đón nhận cái mới. Dòng sông chịu những lực đẩy lớn, để khiến mình mạnh mẽ hơn. Hay chăng
con người lại sợ những áp lực. Dòng sông chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sống lẻ loi và chỉ biết riêng
mình. Nó sống và gắn bó với con người. Thế nhưng con người dường như chỉ biết đến mình mà quên
đi mọi điều xung quanh. Cuối cùng sông chọn đổ ra biển lớn, nhưng trước khi hoà mình nó vẫn chọn
dành tặng những gì tốt đẹp nhất của bản thân cho những con người, những gì mà sông gắn bó. Trước
sông, con người nhỏ bé và ích kỷ hơn, ngại dấn thân và cho đi. Có lẽ thứ con người cần hơn cả là sống
như một dòng sông, trong veo và đầy ý nghĩa. Chỉ có thế ta mới có một sự sống có giá trị, có yêu
thương và sẻ chia.
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm):
Câu 1. (2,0 điểm):
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải sống cống hiến.
Tôi từng nghĩ rằng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” quả thực là một lẽ sống đầy xa vời,
khi chẳng phải ai trong chúng ta cũng có thể sống mà biết cống hiến mãi. Chúng ta luôn nghĩ rằng
một sự sống biết cống hiến là một sự sống của những “người hùng” chỉ có trong phim của Marvel.
Nhưng không sự cống hiến bắt đầu từ những điều rất nhỏ, khi ta góp sức mình vào cuộc đời chung,
vào sự kiến tạo cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Và nó thực sự là cần thiết trong hành trình “sống”
của chúng ta. Con người sinh ra với tư cách cá nhân, thế nhưng chúng ta không bao giờ có khả năng
tách mình ra khỏi một cộng đồng chung. Chính sự liên kết chặt chẽ ấy đã tạo cho con người một nền
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 2 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

tảng sống không thể ích kỷ. Chúng ta đặt những nền móng đầu tiên cho sự cống hiến khi ta biết cảm
thông, sẻ chia với người khác. Khi ấy sự cống hiến trong ý nghĩa giản đơn nhất cũng khiến con người
bỏ đi cái tôi cá nhân của mình mà biết nhìn nhận, nghĩ suy cho những người xung quanh. Không
những thế, sự cống hiến cho phép con người sống mà biết yêu thương. Khi chúng ta hối hả và vội vã
với cuộc sống này, ta quên mất mình cần yêu thương, ta vô tâm, vô cảm. Giờ đây, ý nghĩ về sự cống
hiến nhắc ta về tình yêu thương nơi mình. Cuộc đời mỗi người chỉ trở nên có ý nghĩa khi đó là sự
sống được công nhận và có tác động tới những người xung quanh. Sẽ chẳng có sự sống có giá trị nào
khi con người chỉ mang nỗi ích kỷ cá nhân, toán tính và vụ lợi. Cho đi chẳng cầu nhận lại, hy sinh
sức khoẻ, đóng góp tài năng hay các giá trị tinh thân,... dù là nhỏ bé thì cũng khiến cho con người tạo
ra những giá trị bền vững, kiến tạo cuộc đời ý nghĩa cho mình và cộng đồng. Chúng ta có 200 sinh
viên Học viện Quân Y, sinh viên cao đẳng Kỹ thuật Hải Dương và biết bao trái tim “lương y như từ
mẫu” sẵn sàng xông pha vào tâm dịch Bắc Giang để đẩy lùi dịch bệnh. Hàng trăm nghìn các bạn rất
trẻ, các bạn chẳng cần đến lợi ích của riêng mình, thứ duy nhất các bạn đem đến là sự cống hiến của
mình vào công cuộc ứng phó đại dịch. Và rồi chính sự cống hiến ấy sẽ mang tới thành công, những
năng lượng tích cực. Chúng ta không phải những siêu anh hùng, chúng ta tạo nên những điều phi
thường nhỏ bé bằng sự cống hiến.
Câu 2. (5,0 điểm):
Trong bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh viết:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 155)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân
Quỳnh.

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 3 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

BÀI VIẾT
Phần mở
“Quỳnh cứ mãi dạt dào, thắm thiết
Khao khát và mê say
Lam lũ chắt chiu từng tháng, từng ngày
Và khao khát một tình yêu trọn vẹn”
(Phan Thị Thanh Nhàn)
Từ bao giờ điệu tình lại ngân vang trong lời thơ Xuân Quỳnh đến như thế! Có lẽ Xuân Quỳnh
sinh ra để làm thơ tình, thơ tình của nàng thi sĩ ấy không triết lí như Tago, không nồng nàn, đằm
thắm như trong thơ Puskia cũng không phải là tình yêu rạo rực, cháy bỏng tràn đầy cảm xúc trong
thơ Xuân Diệu, “Sóng” của Xuân Quỳnh là nỗi trăn trở băn khoăn, là khát vọng hạnh phúc đời thường.
Xuân Quỳnh đã bày tỏ những tiếng lòng ấy qua ba khổ thơ (khổ 3, 4 và 5) lấp đầy bằng một chữ “tình”:
“Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện
Thơ đã sinh ra tình yêu cũng đến cùng”
Hai câu thơ của nhà thơ vĩ đại Raxum Gamzatop giống như viết ra để giành cho Xuân Quỳnh
- nhà thơ được xem văn chương như là gan ruột, xem tình yêu như nhịp thở của trái tim. Ở thi sĩ
Xuân Quỳnh ta bắt gặp tiếng thơ chân thành, mãnh liệt với những khao khát hạnh phúc đời thường.
Thơ Xuân Quỳnh thể hiện tiếng lòng của một người phụ nữ vừa hồn nhiên, yêu đời, vừa tươi tắn,
chân thành, đằm thắm luôn da diết khát vọng tình yêu bình dị sâu sắc. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng
nhận xét về thơ Xuân Quỳnh: “Thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn bay đi tìm chốn nương thân
trong nắng nôi và giông bão cuộc đời”. Xuân Quỳnh là người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, có sức
mạnh phi thường như “cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc vắt kiệt mình để nở những
chùm hoa tuyệt quý cho đời” (Nguyễn Thị Minh Khai). “Sóng” là bông “Hoa dọc chiến hào” xinh xắn,
đáng yêu bậc nhất mà Xuân Quỳnh hái được nhân chuyến đi tới vùng biển Diêm Điền, Thái Bình
năm 1967, bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Thông qua hình tượng sóng và em thi sĩ đã
giãi bày những cung bậc cảm xúc và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Thi nhân đã huy động
tất cả các giác quan, thu thập cảm giác mới bắt trọn làn sóng tín hiệu chuyện giao trong tâm hồn
mình rồi hòa điệu chúng thành những vần thơ có khả năng “Thiêu cháy cả rừng cây, khô cạn dòng
suối, làm nhũn đi từng ý nghĩ và mê hoặc cả gỗ đá vô tri” (Tạ Tỵ).
Phần thân
1. Yêu cầu chính: Phân tích 3 khổ thơ (3.4.5) bài thơ Sóng
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Văn học dùng hình tượng để phản ánh cuộc sống và tâm hồn
con người”. Sắc điệu trữ tình của “Sóng” được dệt nên từ hình tượng sóng và em. Cả bài thơ là những
con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu trước biển cả ngắm nhìn những con
sóng bất tận, vô hồi. Sóng là hình ảnh ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ lúc thì hòa
nhập, lúc lại phân thân của cái tôi “em”. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ hồn nhiên, tươi mới, sôi nổi
khát vọng tình yêu. Với hình tượng sóng Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay, rất mới về tâm

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 4 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

trạng tình yêu nồng nhiệt của người con gái đánh thức bao ấn tượng vốn đã ngủ quên trong lòng
người đọc.
Gioocgio Xăng từng nói: “Cần phải sống, phải tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất
nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng kiên trì làm việc”. Chính nỗi đau vì nhớ, đau vì
yêu đã thôi thúc cho những vần thơ Xuân Quỳnh xé nát tim ta trên trang giấy. Xuân Quỳnh đã lấy
chính hình tượng “Sóng” để nói hộ những băn khoăn, trăn trở về tình yêu, cội nguồn của tình yêu và
muôn vàn những câu hỏi trong vô thức người con gái khi yêu:
“Trước muôn trùng song bể
Anh nghĩ về anh em
Anh nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên”.
Câu thơ đầu, Xuân Quỳnh nhìn về biển khơi: “Trước muôn trùng sóng bể”, nhìn những con
sóng vô hồi, vô hạn đang hướng vào bờ chị chợt bâng khuâng suy nghĩ về anh và em “Em nghĩ về anh,
em” rồi lại hướng suy nghĩ ra biển lớn. Những câu hỏi ấy cứ vang lên, thả vào không gian chạm sâu
vào trong trái tim người đọc. Những nghĩ suy ấy dồn nén, tích tụ để đặt ra một câu hỏi lớn: “Từ khi
nào sóng lên”. Thật khó để tách bạch được đâu là nhịp chảy mạnh mẽ của sóng đâu là nhịp đập mạnh
mẽ của trái tim khao khát yêu thương. Bởi có lẽ sóng chính là tình yêu, tình yêu đã hòa vào sóng. Em
đã tự tách ra khỏi sóng để thể hiện những trăn trở, suy tư về tình yêu. Khi tình yêu đến có một tâm
lí rất tự nhiên và thường tình là người mà ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu. Con người đã từng đi đến
tận cùng của những kì diệu trong tự nhiên nhưng tự hiểu về chính mình lại rất khó. Hiểu mình trong
tình yêu lại càng khó hơn bởi tình yêu là trạng thái tâm lí khác thường mà lí trí không thể giải thích
được. Điệp ngữ “em nghĩ” đã diễn tả những thao thức suy tư của người con gái trước câu hỏi cội
nguồn của sóng cũng như câu hỏi về cội nguồn của tình yêu. Những câu hỏi ấy cứ thế dội lên thành
những đợt sóng đung đưa, trực trào trong lồng ngực. Hàn Mặc Tử cũng đã từng loay hoay, tìm kiếm
cắt nghĩa tình yêu:
“Xin hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu”.
Ta cảm nhận được tình yêu trong sóng không đơn thuần là thứ tình cảm non tơ, lỡ thì mới
chớm tình duyên. Không phải là thứ tình thơ dại buổi đầu mà là tình ý sâu nặng, cảm động và sâu
sắc. Nhìn những con sóng khơi xa, thi sĩ nghĩ về cuộc đời, chiêm nghiệm lại những xúc cảm chính
mình. Những tiếng nói cất lên, gợi xa thăm thẳm như gọi về bao nhiêu tình cảm yêu thương, ngây
ngất. Chính vì em không hiểu vì sao nên mới yêu:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 5 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Giữa đại dương mênh mông, giữa trái tim nhỏ bé nơi đâu mới là suối nguồn khơi bùng những
ngọn sóng lên. Những câu hỏi buông ra nhưng tìm đâu một câu trả lời chính xác. Nó khiến ta khó
mà trả lời cho chính xác, em chỉ biết “Sóng bắt đầu từ gió” nghĩa là sóng bắt đầu từ gió, nhờ có gió
mà có sóng lên. Sang đến câu thơ số hai nhà thơ lại không lí giải được nguồn gốc của gió “Gió bắt đầu
từ đâu”. Thế là đã rõ, dẫu ra đến tận cùng bể rồi nhưng rốt cuộc sóng vẫn chưa hiểu nổi mình. Em
đã hòa nhập vào trong biển lớn của tình yêu muôn thuở rồi mà vẫn chưa thể lí giải được tình yêu. Để
rồi tìm sâu vào trong cội nguồn em cũng lắc đầu bất lực “Em cũng không biết nữa’. Quả thật: “Trái
tim có những quy luật riêng mà lí trí không thể hiểu nổi” (Pascal). Và nếu như tìm được lí do thì tình
yêu đã chẳng kì diệu đến thế, sẽ chẳng da diết, cháy bỏng đến thế. Nỗi băn khoăn rạo rực :
“Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
Câu thơ như cái lắc đầu nhè nhẹ rất ư nữ tính. Kì lạ quá không biết anh và em đã yêu nhau tự
bao giờ? Nó giống như một huyền thoại cổ tích xa xăm vừa rõ rệt vừa mơ hồ nhưng nó mang lại sự
đẹp đẽ mơ màng, vừa đắm say vừa xao xuyến. Và chỉ có tình yêu chân thành mới tạo nên thứ duyên
thầm của tình yêu ấy. Nhà thơ Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình yêu cũng từng băn khoăn:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.
Có thể nói, Xuân Quỳnh đã mang đến một trái tim yêu chân thành, nồng ấm và hồn hậu cho
thơ ca. Những tiếng lòng thầm kín đã được trao gửi qua những vần thơ có sức lay động đến bến tâm
hồn người thưởng thức. Đó chính là thứ “vân chữ không trộn lẫn” (Lê Đạt) mà Xuân Quỳnh đã tạo
nên cho thơ mình.
Marxel Proust từng nói: “Thế giới không chỉ được tạo lập một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ
độc đáo xuất hiện là một lần thế giới đươc tạo lập”. Cùng viết về đề tài tình yêu, nếu như Xuân Diệu
yêu đến cuồng si, đắm say ngây ngất muốn “tắt nắng, buột gió”, thì Xuân Quỳnh lại say sưa đi tìm
kiếm cội nguồn, gốc rễ của tình yêu. Hơn thế là những trạng thái đầy day dứt, nhớ thương, quyến
luyến của nhân vật trữ tình “em” trong biển tình:
“Con sóng dưới lòng sâu
Vũ Cao từng nhận xét về “Sóng”: “Xuân Quỳnh viết bài thơ này “bợm” thật”. Có lẽ cái “bợm” ấy
biểu hiện trong cá tính và cách thể hiện tình cảm của nhà thơ như lấn át như bao trùm như muốn
ôm trọn tất cả. Song trong cái hiện đại ấy Xuân Quỳnh – một tâm hồn đầy nữ tính, vẫn giữ cho mình
những nét truyền thống của tình yêu - nỗi nhớ. Nhà thơ hiểu rằng nỗi nhớ chính là biểu hiện sâu sắc
nhất của tình yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 6 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Lòng em nhớ đến anh


Cả trong mơ còn thức”.
Phép nhân hóa và ẩn dụ đã tạo nên những câu thơ mang tâm hồn của sóng. Đây là một khổ
thơ vô cùng đặc biệt bởi trong bài thơ chỉ có duy nhất nó có sáu câu. Sáu câu trải dài như nỗi thao
thức, băn khoăn của tâm hồn thi sĩ trong đêm. Nỗi nhớ báo trùng cả không gian “lòng sâu”-“mặt
nước”, bao trùm cả thời gian “ngày” - “đêm”:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
Hay câu thơ với hình thức lặp cấu trúc quyện hòa cùng nghệ thuật đối lập tạo nên sự trùng
điệp của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Có con sóng dữ dội tung bọt trắng xóa trên
mặt biển ngày đêm gào thét cùng đại dương cũng có những con sóng âm thầm đi ngầm dưới lòng
sâu, không ai thấy nó, khó ai cảm nhận được về nó, chỉ riêng nó mới hiểu mình đang cồn cào. Để rồi:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Vậy là nỗi nhớ ấy đã thôi thúc trái tim tìm đến bến bờ xa xăm bất chấp không gian rộng lớn,
bất chấp thời gian “ngày đêm”. Sóng cồn cào nhớ nhung và khao khát gặp bờ đến độ không ngủ được.
Xuân Quỳnh đã vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất dộng để diễn tả nỗi niềm của người
phụ nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế có bao giờ thôi vỗ bờ, có bao giờ thôi thao thức.
Nỗi nhớ ấy tự nhiên, hồn nhiên say đắm nhưng dường như vẫn chưa đủ mà còn được thể hiện
trực tiếp qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình em:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Nỗi nhớ đã thật sự tràn đầy, nồng nàn và đằm thắm hơn cả nỗi nhớ của sóng với bờ vì nó
không chỉ tồn tại trong ý thức mà dường như còn len lỏi vào trong tiềm thức, xâm nhập cả vào trong
giấc mơ. Con sóng kia dường như đã xuyên qua hai cõi thực và mộng, phá tuông ranh giới mỏng
manh ấy và chìm đắm vào trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ anh như con sóng đi qua con sóng thực rồi đột
biến vụt sáng cả tâm linh chói lòa, rực rỡ cả một thế giới diệu kì. Lời thơ phi lí về logic những lại biểu
đạt một tình yêu chân thành cảm động. Cả đoạn thơ dường như phủ lên là nỗi nhớ cồn cào, da diết,
tiềm thức lẫn ý thức, cả khi tỉnh lẫn khi mơ, không thể nào yên, không thể nào nguôi, nó cuồn cuộn
dạt dào như những con sóng biển triền miên, vô hạn. Phải chăng, những rung cảm mãnh liệt của
một trái tim yêu đã buộc lời thơ phải dài thêm ra để diễn tả cái ngút ngàn của nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ
“bổi hổi bồi hồi”, “như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Đó là nỗi nhớ như Chế Lan Viên đã từng
làm say đắm một thế hệ rét đầu mùa nhớ người đi phía bể:
“Cái rét đầu mùa, anh rét xa em,
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em.”
Hay đó là nỗi nhớ thường trực in đậm trong những câu ca dao:
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 7 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

“Đêm nằm lưng chẳng tới giường


Cứ mong trời sáng ra đường gặp anh”
hay:
“Nhớ ai ai ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai”
Đến văn học trung đại ta cũng bắt gặp nỗi nhớ ấy, nỗi nhớ của người chinh phụ trong thơ của
Đoàn Thị Điểm:
“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”.
Có thể nói, nỗi nhớ như một phương tiện để thể hiện tình yêu. Cũng như sóng là sự sống của
biển cả rộng lớn bao la thì nỗi nhớ là sự sống của tình yêu tuyệt đích.
Thơ Xuân Quỳnh tình, tình quá! Nó đã bủa vây, khỏa lấp tâm hồn ta trong âm sắc, giai điệu
và cảm xúc của tình yêu. Huy Trụ từng khẳng định: “Thơ là rượu của thế gian” và “Sóng” chính là
rượu đượm nồng hương vị của tình yêu của Xuân Quỳnh. Nàng thi sĩ ấy đã đưa ta vào trong không
gian của tình yêu và nỗi nhớ, say trong chén tình mơ màng không tỉnh mộng. Thơ Xuân Quỳnh nữ
tính chính là ở đó, vừa đưa ru vừa thức tỉnh, ta vô tình chạm khẽ và lạc vào thế giới của tình yêu mà
không hề biết lối ra.
2. Yêu cầu phụ: Nhận xét nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh
Nhà thơ Ta-go từng thổn thức trong tình yêu mà bộc bạch rằng: “Khi tình cảm tự ti cho nó
một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ”. Và tình cảm là những cung bậc cảm xúc trong
tầm hồn con người, và khi nó cao trào thì đó là tình yêu, và tình yêu chính là thứ cảm xúc mãnh liệt
để có những vần thơ “xuất thần”. Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng đã hát lên tha thiết của lòng mình, dùng
thơ ca để thể hiện “những gì không thể nói”. Mang hồn thả vào thơ, và “Sóng” chính là khúc ca mang
vẻ đẹp nữ tính của thơ Xuân Quỳnh. Đọc thơ Xuân Quỳnh, ta bắt gặp tiếng lòng, tiếng nói tâm hồn
của người phụ nữ khi yêu với những nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu, vị tha, mà sâu lắng… Tâm
hồn Xuân Quỳnh chở theo những phức điệu của người phụ nữ đang với những cung bậc cảm xúc,
những rung động mãnh liệt, luôn rạo rực và đầy khát khao, luôn tìm cách lí giải tâm hồn mình và đi
tìm cội nguồn của tình yêu. Thơ Xuân Quỳnh kí thác trái tim của một nữ sĩ hồn hậu, rất thành thực
với tình yêu vừa đằm thắm, dịu dàng vừa sôi nổi, đắm say, với nỗi nhớ cồn cào, da diết, lắng sâu. Sẽ
chẳng có gì đúng hơn những dòng nhận xét của Phan Thị Thanh Nhàn về Xuân Quỳnh: “Bồng bột,
cả tin, đã yêu là yêu hết mình, sống rất bản năng và quả quyết, đó là Xuân Quỳnh”. “Yêu hết mình” -
chính là điều tạo nên sự riêng biêt, khắc lên vẻ nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Đó cũng là vẻ hiện
đại, chất riêng trong những dòng thơ của Xuân Quỳnh.
Phần kết
Mỗi tứ thơ phải như một con dấu, không chỉ để tô điểm mà còn khắc ghi vào trong tim con
người những hình ảnh, những dấu ấn không bị phủ mờ trên lớp bụi của thời gian. Đọc “Sóng”, cảm
thức về tình yêu dường như đã xâm chiếm hoàn toàn trái tim người đọc. Sức hấp dẫn của sóng không
chỉ nằm ở nội dung tư tưởng mà còn nằm ở hình thức nghệ thuật. Với “Sóng”, Xuân Quỳnh xây dựng
____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 8 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

hình ảnh trung tâm là sóng hiện diện suốt chiều dài bài thơ với nhiều biểu hiện độc đáo. Những nét
đối lập trong bản thể sóng khi thì dữ dội, dịu êm khi thì ồn ào lặng lẽ. Cùng với đó là phát hiện những
điểm tương đồng giữa hình tượng sóng và em, tình yêu của người con gái đang yêu, tha thiết cháy
bỏng thuần khiết đến vô ngần. Ngoài ra, bài thơ kết cấu theo lối phát triển song song và đan cài vào
nhau giữa sóng và em. Về âm điệu, nhà thơ đã tạo nên một âm thanh sóng vỗ suốt từ dòng đầu đến
cuối dòng cuối và mãi mang vọng như vậy nhờ vào việc lựa chọn thể thơ 5 chữ với nhiều biến tấu,
biến đổi khôn lường. Các biện pháp nhân hóa làm cho hình ảnh sóng trở nên sống động hơn qua đôi
mắt xanh non rờn biếc, tràn ngập xuân sắc của thi nhân thế giới của tình yêu ùa về sống động trong
một hồn thơ. Nếu ví nội dung của một tác phẩm như một cánh diều, thì nghệ thuật chính là làn gió
mát lành đưa cánh diều ấy bay cao, bay xa.
Làm sao có thể đến với thơ ca khi trái tim chai cứng không hồn, khi đôi mắt đôi tai không mở
ra đó lấy thanh âm của cuộc sống dội vào. Có thể nói bằng đôi mắt tinh tế, bằng trái tim nhạy cảm
Xuân Quỳnh đã dựng lên cả bể tình ngập tràn những rung động cực điểm. Sóng không chỉ là hình
tượng trung tâm, mà còn là linh hồn mà Xuân Quỳnh kí thác tâm hồn mình, kí thác phần người vào
chữ. Trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa nhà thơ nữ nào nói về tình yêu bằng những lời thơ tha thiết, nồng
nàn, cháy bỏng như thế. Những khát vọng yêu đương của người con gái đã được nhà thơ gói trọn
trong từng ý thơ, bung tỏa nở hoa trên trang giấy. Đó là những nỗi lo lắng, trăn trở những nghĩ suy
của người con gái khi yêu. Xuân Quỳnh đã mượn câu chữ để họa thành lời của trái tim, nói thay tiếng
nói của tình yêu đó là khát vọng yêu thiết tha vô bờ. Trong bài thơ “Tự hát” Xuân Quỳnh viết:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường không còn nữa
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Raxum Gazatop từng nói: “Văn học nghệ thuật giống như một cây đàn pandur mỗi nghệ sĩ
giống như một giây đàn trong đó có thể hòa điệu thành một chuỗi âm thanh những âm thanh ấy có
lúc hòa vào nhau, có lúc lại ngân lên những cung bậc khác biệt”. “Sóng” chính là một nhạc điệu độc
đáo, đặc biệt mà Xuân Quỳnh đã góp vào trong bản đàn của thi ca hiện đại. Vẻ đẹp nữ tính của Xuân
Quỳnh và thơ chị đã đẩy đưa những cảm xúc, làm trọn vẹn thêm ý thơ.

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 9 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

CÔ TRẦN THÙY DƯƠNG ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT


ÔN VĂN VÀ LUYỆN VIẾT Môn thi: Ngữ văn – Thời gian làm bài: 120 phút
—————
Ngày thi: 15/01/2022

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)


Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Con thương lắm ngọn gió Lào bỏng rát
Thổi trưa hè làm khô cả triền đê
Bóng cha gày chảy dài trên bãi cát
Chở che con mỗi buổi học đi về.
Con thương lắm những chiều ngồi hiên trước
Mẹ vạch đầu, con cúi nhổ tóc sâu
Một, hai sợi con vui cười tít mắt
Có hay đâu tóc mẹ đổi thay màu.
[...] Con thương lắm cánh cò trong câu hát
À ru hời lặng lẽ giọt mồ hôi
Câu ca dao của một thời mặn chát
Mẹ chắt chiu đổi mật ngọt cho đời.
(Trích “Thương lắm tuổi thơ” - Trần Thị Như Ái)
Câu 1. Hình ảnh thơ nào gợi cho anh/chị sự vất vả của đấng sinh thành? (0.5 điểm)
Câu 2. Tình cảm của các tác giả trong đoạn trích để lại trong anh, chị suy nghĩ gì về sự nỗ lực của
bản thân? (1.00 điểm)
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép điệp trong đoạn trích. (0.75 điểm)
Câu 4. Cảm xúc của anh/chị về lời ru được nhắc trong đoạn trích trên. (0.75 điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của
mình về vai trò của tình cảm gia đình trong sự trưởng thành của con người.
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã viết:
Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có
thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là
con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa
nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào
cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi
tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 10 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay
để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc,
đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm
cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín
mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng,
không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra,
đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài)
Phân tích nỗi thống khổ của Mị sau khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra trong truyện. Từ đó
nhận xét ngòi bút hiện thực của nhà văn Tô Hoài.
BÀI VIẾT THAM KHẢO
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Những hình ảnh thơ: “Bóng cha gày chảy dài trên bãi cát / Chở che con mỗi buổi học
đi về”; “Mẹ vạch đầu, con cúi nhổ tóc sâu / Có hay đâu tóc mẹ đổi thay màu”; “À ru hời lặng lẽ giọt
mồ hôi / Câu ca dao của một thời mặn chát / Mẹ chắt chiu đổi mật ngọt cho đời” đã gợi lên nỗi cơ
cực, vất vả của đấng sinh thành để chăm lo, yêu thương cho các con.
Câu 2. Thể hiện qua đoạn trích thơ một cách rõ ràng mà thấm thía bởi đó là lời nhắc nhở về
hành động nỗ lực trong mỗi con người. Thành công là tên gọi khác của sự nỗ lực bản thân không
ngừng nghỉ để chạm đến mục tiêu! Cha mẹ gồng gánh hết tất cả những đắng cay, khó khăn của
cuộc đời để mong con trường thành. Liệu rằng, nhìn vào khoảnh khắc ấy, có người con nào mà
không mong muốn cố gắng phấn đấu nỗ lực để biến thành công vượt nhanh hơn tốc độ già đi của
cha mẹ để báo đáp chứ? Chẳng có gì có thể dễ dàng đạt được nếu bản thân không biết phấn đấu
và tự lực tạo nên bằng chính đôi tay của mình. Khi muốn vươn tới những giá trị thiêng liêng, cao
quý, không gì khác là ta phải tự mình vượt qua chặng đường khó khăn, gian khổ, tự mình vun trồng
xây đắp và thực hiện hành động. Việc chăm chỉ học hành, nỗ lực tới mục tiêu hôm nay chính là
điểm rực rỡ cho tương lai mai sau!
Câu 3. Phép điệp được sử dụng trong đoạn trích “Con thương lắm...” nhằm nhấn mạnh dụng
ý nội dung của tác giả về tình cảm thương yêu và sự xúc động trước công ơn sinh thành và nuôi
nâng của cha mẹ. Bất ngờ với cách thể hiện tình cảm gián tiếp qua “ngọn gió Lào bỏng rát, chiều
ngồi hiên trước, cánh cò trong câu hát” nhưng là để thổ lộ tình cảm của người con trước từng chi
tiết nhỏ đã hằn lên nỗi vất vả và sự hi sinh.
Nỗi niềm ấy được gửi gắm qua những câu thơ chan chứa tình cảm, đồng thời, phép điệp còn
tạo giọng điệu khích lệ yêu thương những đứa con hãy bày tỏ tình cảm với cha mẹ, để thấy rõ hơn
tình yêu vô bờ bến mà đấng sinh thành dành cho chúng ta.
Câu 4. Lời ru trong đoạn thơ là lời nhắc nhở ngọt ngào nhất về những vất vả sớm khuya của
mẹ, tần tảo suốt một đời để dành điều tốt đẹp nhất cho con. Mẹ và tình yêu của mẹ như con suối

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 11 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

dịu dàng chảy trôi khắp sinh mệnh của chúng ta, cho chúng ta ấm áp, cho chúng ta sức mạnh, một
nơi chốn bình yên “mật ngọt” để trở về. Biết bao vất vả mẹ hi sinh cho các con, biết bao giọt mồ
hôi đổi lấy bình yên và nụ cười hạnh phúc. Tình yêu của mẹ không giống tình yêu bình thường
khác! Không cuồng nhiệt và lửa cháy, mẹ dành hết thảy cho con những điều nhẹ nhàng và hiển
nhiên như thể không khí bạn đang hít thở, trân trọng và thiêng liêng vô cùng. Khoảnh khắc này tôi
thấu hiểu và trân trọng lắm tình cảm gia đình, về nhà cùng mẹ nấu một bữa cơm chiều, ngồi lại trò
chuyện bằng sự thấu hiểu và xúc cảm thật nhất. Bởi đứa con nào đi xa cũng mong muốn có một
nơi bình yên như lòng mẹ để trở về ôm ấp và yêu thương!
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Vai trò của tình cảm gia đình trong sự trưởng thành của con người.
Theo khảo sát các dữ liệu của “We are social”, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 tỉ kết nối
được duy trì trên toàn cầu bởi kết nối của tình yêu thương, giao tiếp hay trao đổi,... Một kết nối
yêu thương tưởng như đơn giản nhất nhưng lại có vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của
con người – tình cảm gia đình. Gia đình chính là nơi nuôi nâng tâm hồn, cảm xúc, là nơi cất giữ
biết bao nhiêu kho báu kí ức của tuổi thơ đến lúc trưởng thành. Làm sao có thể kể hết được tình
cảm gia đình vô hạn mà chúng ta may mắn đón nhận? Được sự bảo bọc của vòng tay cha, cái ôm
ấp áp đầy yêu thương từ vòng tay của mẹ, lời bảo ban đầy ngọt ngào của ông bà là một phần đặc
biệt hạnh phúc khiến ta trưởng thành. Thử tưởng tượng rằng chúng ta sẽ ra sao nếu bị cuộc đời
xô đẩy, quật ngã? Tình cảm gia đình chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ, là thứ vũ khí tinh thần
đắc lực khiến ta dũng cảm đối mặt với thách thức và vượt qua dễ dàng hơn. Chỉ có gia đình mới là
nơi yêu thương ta vô điều kiện, là nơi luôn muốn dành hết thảy điều tốt đẹp từ trái tim, từ sự hi
sinh thầm lặng của người thân yêu để mong ta trưởng thành. Câu chuyện cậu bé Vì Quyết Chiến
(13 tuổi) và hành trình trên chiếc xe đạp vượt hơn 103km từ Sơn La xuống thăm em trai và cha mẹ
ở Bệnh viện Nhi trung ương khiến nhiều người cảm động. Điều gì đã làm nên sức mạnh ấy? Chỉ có
thể là sức mạnh của tình thương yêu, tình cảm gia đình thiêng liêng được truyền đến con trẻ... Tôi
tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết cách xóa đi biên
giới khoảng cách với gia đình trong lòng mình, để học cách yêu thương với người thân, với cha mẹ.
Một cái ôm ấm áp, một lời nói yêu thương sẽ càng làm nên sự biến đổi tích cực về tích cách trên
hành trình trưởng thành của con người. Ta càng thấm thía điều này khi bắt gặp hình ảnh tình cảm
gia đình trong câu hát của Đen Vâu: “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm?
Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? Chính là mẹ...”, đó là lời nhắn nhủ
tới gia đình về “những đứa trẻ trưởng thành”, dẫu sao cũng cần nhớ về những lần đầu tiên chính là
từ sự nuôi nâng và yêu thương từ bố mẹ để trưởng thành. Người trẻ hiện đại dường như thiếu đề
kháng trước áp lực và nỗi buồn, nếu như biết cách chia sẻ cảm xúc ấy với gia đình, lắng nghe lời
khuyên, động viên thì sự thay đổi nhận thức cũng sẽ thật tuyệt vời. Hãy để trái tim được “detox”
(thanh lọc) với cảm xúc trong lành, tuyệt diệu như trong một buổi sáng mùa xuân tuyệt vời, tràn
đầy không khí tình cảm gia đình đầy sự vui vẻ, kết nối. Tuy nhiên, tình cảm gia đình, nếu không đi
kèm với sự cảm thông, bảo bọc có chừng mực, như thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh, “có thể

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 12 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

tra tấn và gây ra sự ngạt thở...” Yêu thương và tình cảm gia đình không bao giờ được trở thành gánh
nặng cho cả người yêu thương và người được yêu thương! Tôi là một đứa trẻ đang dần học cách
trưởng thành, học cách “phá kén” từ vòng tay gia đình để trở nên mạnh mẽ hơn trước “thế giới
rộng lớn” ngoài kia. Tuy nhiên, dẫu có đi được bao xa đi chăng nữa, tình cảm gia đình vẫn là nơi
khiến chúng ta “đi để trở về”. Và tôi tin rằng: “Khi bạn nhìn lại cuộc đời mình, những niềm hạnh
phúc nhất chính là niềm hạnh phúc gia đình”.
Câu 2. Phân tích nỗi thống khổ của Mị sau khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra trong truyện. Từ đó
nhận xét ngòi bút hiện thực của nhà văn Tô Hoài.
Tề Bạch Thạch từng nhận định rằng: “Nghệ thuật vừa giống, vừa không giống với cuộc đời.
Nếu hoàn toàn giống với cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống với
cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời”. Do đó mà nhà văn chưa bao giờ chỉ nhìn đời ở bề ngoài của
nó, mà phải lặn sâu, không chỉ phát nghĩa đơn tuyến của cuộc đời, mà còn phải tìm ra cái ngoại
tuyến mới. Và tác phẩm văn học, không thể chỉ đơn thuần là tấm gương soi chiếu hiện thực, mà
nó còn được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn, được nhào nặn bằng bàn tay nghệ thuật,
được thổi vào đó không chỉ là hơi thở của thời đại mà còn là sức sống, tư tưởng và tâm hồn người
viết. Và ngòi bút hiện thực của nhà văn Tô Hoài cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng của
độc giả Việt Nam đến thế, để truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” như là một minh chứng, là cảm xúc,
nổi bật lên được nỗi thống khổ của Mị sau khi làm dâu nhà thống lý Pá Tra và ý đồ nghệ thuật được
gửi gắm trong truyện ngắn.
Là gương mặt tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Tô Hoài không chỉ đóng
góp các tác phẩm nhiều về số lượng, đa dạng về thể loại, giàu có về đề tài, phong phú và nhất quán
về tư tưởng, mà còn góp phần vào nền văn xuôi một phong cách tự sự độc đáo. Tô Hoài tâm huyết
rằng: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình
tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”. Với phong cách của nhà văn, người ta nói
đến sự hòa hợp giữa yếu tố phong tục với yếu tố hiện đại, giữa chất thơ với chất hồi kí, giữa một
ngôn ngữ chân xác dân dã với một giọng trần thuật trầm tĩnh tinh thông và không thiếu phần tinh
quái. Trang văn Tô Hoài hấp dẫn người đọc bằng vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, phong tục
tập quán và con người của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Người nghệ sĩ không ngừng
trăn trở, tâm huyết sáng tạo với mảnh đất, con người Tây Bắc trong chuyến đi thực tế. Ý thiết tha
với đề tài này, nỗi niềm thể hiện trên con chữ trong truyện “Vợ chồng A Phủ” - một thành quả lao
động đẹp trong mùa thu hoạch đầu tiên trên quê hương văn học mới, gây xốn xang cho bạn đọc.
Và tác phẩm cũng là nơi thể hiện những nỗi niềm, số phận của nhân vật Mị, A Phủ; càng khẳng
định hơn khát khao sống trước thần quyền, cường quyền, hủ tục… Tác phẩm nghệ thuật đã đánh
dấu sự đổi mới trong sự nghiệp văn học nhà văn Tô Hoài thế kỉ XX.
Miền rẻo cao Tây Bắc với những phong tục tập quán đặc biệt, với những lễ hội xuân và dấu
ấn văn hóa rất riêng đi sâu vào lòng người. Nếu Thúy Kiều với tài sắc “mười phân vẹn mười”, thì Mị
với “tài thổi lá hay như thổi sáo”, biết bao nhiêu chàng trai đi theo Mị, xinh đẹp vô cùng. Tiếng thổi
sáo của Mị đã dẫn lối bao nhiêu trái tim, khả năng nghệ thuật thiên phú ấy cũng là dự báo cho

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 13 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

tương lai đầy u tối. Nếu “ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi
quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa (…) cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Nhà
văn đã sử dụng thủ pháp đối lập giữa cái u buồn tù túng nơi Mị ở “cái lỗ vuông trăng trắng, nhìn ra
không biết là sương hay là nắng, mà bao giờ trông ra đó, đến chết mà thôi” với cảnh sầm uất nhà
thống lí để thấy được cái cực khổ của Mị. Một cú đánh ngã tự do, một cái rơi thật sự thật. Mị đi từ
cuộc đời xinh đẹp như bông hoa ban rừng, đẹp như trong tranh xuống hố sâu của địa ngục – nơi
mà kẻ khác sống bằng âm thanh của tiếng than và hít thở hơi của mùi máu, mà mỗi bước đi là một
nỗi tủi nhục đến tột cùng. Cả hai người con gái tài năng, sắc diện và nhân phẩm tuyệt vời, đều có
kết cục chung vì chế độ xấu xa mục rữa, những thiên hương vô phúc sinh nhầm thời, những cánh
hoa tươi xinh trôi dạt trong bão dữ. Cái thực tại xám xịt này là hệ lụy của chế độ thực dân phong
kiến thối tha, là kết cục bi thương của con người lành tính. Nhận xét về điều này, GS. Hà Minh Đức
khẳng định: “Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc.
Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng
và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của con người Việt Nam”.
Cái chốn địa ngục trần gian ấy đã giam cầm cuộc đời Mị, chôn vùi tuổi xuân, chôn vùi ký ức,
chôn vùi đi những ước mơ của một cô gái đương thời xuân sắc với cái ô cửa lỗ vuông bằng bàn tay,
“lúc nào trông ra cũng như thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Mị bị nô lệ hóa, bị
biến thành công cụ lao động vô tri vô giác, điều khiến Mị “càng ngày càng câm nín, cứ lùi lũi như
con rùa nuôi trong xó cửa”, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”. Cái gương mặt buồn rười rượi kia, cái
dáng vẻ cúi mặt không thèm ngẩng mặt lên ấy cũng gợi cho người ta biết bao thương xót. Chúng
ta còn đau đớn hơn khi thấy, cô gái hồn nhiên thổi sáo năm nào nay chỉ là cái xác vô hồn, câm nín
“lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị chẳng nói chẳng rằng, chỉ câm lặng với cái ánh nhìn xa
xăm như xát muối vào trái tim người đọc vậy. Mị buông xuôi, câm nín, chấp nhận bởi lẽ, ở trong
nhà thống lý Mị phải làm việc cả ngày lẫn đêm với những công việc lặp đi lặp lại, “Tết xong thì lên
núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi,
lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế suốt
năm suốt đời như thế. Con ngựa con trâu còn có lúc đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ,
đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào việc làm cả đêm cả ngày”. Không chỉ khổ về thể xác, Mị còn
khổ về tinh thần.
Đau đớn hơn cả không phải sự thay đổi về ngoại hình và ý thức, mà là tâm hồn một cô Mị
trẻ trung, yêu đời đã trở nên chai sạn, khô cứng, chẳng còn thiết tha và trong lòng cô lúc này đầy
ắp vô cảm: vô cảm với tất cả mọi người và vô cảm với chính cả cuộc đời của mình. Tuy bố Mị mất
nhưng Mị không còn tưởng đến việc ăn lá ngón để tự tử nữa. “Sống trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.
Cuộc sống của Mị không chỉ bị đày đọa về thể xác và tinh thần, mà ngay cả trong giấc ngủ, trong
khi thức, trong giấc mơ, Mị cũng chỉ toàn thấy bóng tối bủa vây, bởi Mị sống cô đơn, thầm lặng
trong căn buồng chỉ có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay lúc nào trông ra cũng chỉ thấy
trăng trắng, không biết là sương hay là nắng như nhà ngục giam cầm tâm hồn, như nấm mồ vùi
chôn thanh xuân. Mị tê liệt, chai sạn và sống như thể đang tồn tại qua ngày. Chân dung Mị là một

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 14 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

mảng màu đối nghịch tương phản gay gắt với khung cảnh thế lực nhà thống lí Pá Tra. Nhà thống lí
Pá Tra tấp nập đông vui bao nhiêu thì Mị cô đơn thui thủi bấy nhiêu. Nhà thống lí Pá Tra giàu có
sang trọng bao nhiêu thì Mị cơ cực bấy nhiêu. Nhà thống lí danh gái, quyền lực bao nhiêu thì Mị
khổ sở bấy nhiêu. Hình bóng của Mị chìm dần vào những vật vô tri, vô giác lẫn vào thân trâu ngựa.
Lặng câm ôm nỗi buồn, nỗi nhục của kiếp nô lệ chung thân phải chăng Mị cũng đang hóa đá và
thân phận của Mị cũng tủi nhục có khác nào kiếp ngựa trâu? Đi sâu vào mới biết, cô gái ấy có cuộc
sống thống khổ, khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chúng ta từng thốt lên bao nỗi xót xa cho những trang đời đẫm lệ của Kiều, từng ai oán cho
hoàn cảnh người con gái Nam Xương nặng kiếp “hồng nhan bạc mệnh” là thế! Bởi vậy nên khi đến
với văn học hiện đại, cái cảm giác xót thương, đau đớn vẫn cứ dai dẳng bám lấy con người ta khi
chứng kiến nỗi khổ đau khi bán con của chị Dậu. Để rồi khi “gửi hồn lên Tây Bắc” tìm “hạt ngọc ẩn
giấu trong tâm hồn”, người đọc cũng không tránh khỏi nỗi thương cảm, khi đọc tác phẩm “Vợ chồng
A Phủ” của Tô Hoài. Câu chuyện của cô gái tên Mị đã khơi lên, làm rung lên trong người đọc những
nhịp đập thổn thức. Đương vào độ xuân sắc nhất, cô gái trẻ ấy lại phải chôn vùi cuộc đời mình vào
bóng đen của chế độ phong kiến miền núi với những hủ tục lạc hậu. Đặc tả vẻ mặt cùng chân dung
của Mị trong thế đối nghịch với gia cảnh nhà thống lí Pá Tra, Tô Hoài đã hé mở thân phận bất
hạnh, éo le ngang trái đầy bất hạnh, bi kịch của Mị. Tiếng là con dâu nhà quan nhưng Mị lại mang
thân phận của đứa con ở, kẻ nô lệ, suốt đời chỉ biết cúi mặt, cam chịu. Thế mạnh của nhà văn Tô
Hoài khi viết về đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc chính là quá trình “trải nghiệm nỗi đau
của quần chúng, hướng tới lẽ sống của nhân dân”. Nhà văn Tô Hoài từng nói: “Đất nước và người
miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương
và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”.
Nhà văn là người biết cách chắt lọc, trau chuốt ngôn từ một cách đẹp nhất. Tô Hoài sử dụng
rất nhiều thủ pháp nghệ thuật như so sánh, liệt kê hoặc nghệ thuật trần thuật và đặc sắc chính là
cách xây dựng các chi tiết để làm đẩy lên cao trào nhất, đỉnh điểm nhất của cảm xúc. Thành công
của Tô Hoài chính là sử dụng được nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật để thấy được trạng thái tinh
thần của Mị trong kiếp sống làm dâu gạt nợ: mất hết ý thức, tê liệt tinh thần, mất sức phản kháng.
Chỉ bằng một chi tiết truyện nhỏ: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó
cửa” trong đoạn văn, Tô Hoài cho con người thấy được rõ nỗi thống khổ của Mị sau khi làm dâu
nhà thống lý Pá Tra. Sự hiện diện song song giữa cô gái – tàu ngựa – tảng đá cho thấy sự ngang
tầm giữa các chủ thể: Người và súc vật, súc vật và vô tri. Hay đó cũng chính là ngầm ý của tác giả
đối với xã hội đương thời. Cái khát khao nội tâm, mong muốn sống, sự đồng cảm và tấm lòng nhân
đạo mà tác giả đã dụng ý gửi gắm trong câu chuyện. Cảm phục những trang văn gần gũi như con
người của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn được nghe nhiều chuyện kể về những
chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc: “Trong những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài
luôn có tác phong vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi
chép lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu, tiếng chim gáy ở đồng bằng, hay
như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào… Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 15 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

cho chúng tôi nghe. Mỗi cái đều có sự tinh tế khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc
rất tỉ mỉ và những điều ông đưa ra làm cho chúng ta tin được”.
Hình tượng và nỗi thống khổ của nhân vật Mị càng làm bật lên ngòi bút hiện thực tài năng
của nhà văn Tô Hoài. Từ góc quay rất hẹp, từ một chi tiết của cuộc sống thường nhật, Tô Hoài đã
khái quát bức tranh rộng lớn của Tây Bắc với những gam màu đen tối, đau thương. Ở nơi đó, lũ
chúa đất, thực dân luôn đè đầu cưỡi cổ, đọa đày cả thể xác và tinh thần của những người lao động
nghèo. Dưới ách áp bức tầng tầng lớp lớp đó, những người nghèo chỉ biết cúi đầu cam chịu nhẫn
nhục thân phận đau đớn. Xót thương cho những thân phận người cùng khổ bao nhiêu nhà văn
càng căm phẫn thế lực thống trị bạo tàn bấy nhiêu. Đoạn văn mở đầu hấp dẫn người đọc bởi lối
miêu tả sinh động, cách kết cấu chuyện đảo ngược thời gian linh hoạt. “Ở cái buồng Mị nằm, kín
mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay”. Trong kiến trúc và thiết kế nội thất, cửa sổ
thường được ví như “đôi mắt” của tâm hồn. Thế nhưng, “cửa sổ” trong Vợ chồng A Phủ lại mang
một màu sắc khác. Ô cửa - đời người, nói như thế cũng không sai vì ô cửa ấy gắn chặt với cuộc đời
đầy tối tăm, tủi nhục của những người con gái H’mông trên vùng núi cao Tây Bắc. “Chiếc cửa sổ
một lỗ vuông bằng bàn tay” - phương tiện để Mị tiếp xúc với cuộc sống. Nhưng giờ đây, Mị cũng
không còn cảm nhận được ngoài kia là “sương” hay “nắng” nữa rồi. Chính sự cô lập con người với
thế giới sống, sự tàn bạo của bọn phong kiến miền núi đã làm cho Mị bị chai sạn về cả thể xác lẫn
tinh thần. Ngòi bút đầy tính hiện thực đó đã đi sâu vào tâm hồn con người, để càng đan xen giữa
quá khứ và hiện tại gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc. Đọc tiểu thuyết “Cánh cửa” của
nữ nhà văn Szabó Magda – trong mạch đọc lôi cuốn liền không dứt, người đọc có thể bàng hoàng
nhận ra những day dứt của kiếp người được dẫn dắt trong mê cung tâm lý từ ngòi bút bậc thầy.
Đọc tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, người đọc cũng bị lôi cuốn bởi ngòi bút tâm lí cực kì khéo léo, đi
sâu vào nội tâm nhân vật với nhiều sắc thái.
Nhà văn là người biết kể chuyện, kể về những câu chuyện cuộc đời, về con người như hình
tượng nhân vật Mị. Văn chương kể sẽ còn sống mãi, bởi con người luôn có nhu cầu được kể và
nghe kể. Nếu thời chiến, mỗi xúc cảm, suy ngẫm và trải nghiệm của nhà văn đều có thể hóa thân
thành tác phẩm, thì trong thời bình, nhất là trong xã hội hiện nay, nhiều khi những tiếng nói trực
tiếp, phát ngôn nhạy bén của nhà văn phải đi trước tác phẩm. Nhà văn, dù ở thời đại nào, dù sáng
tác với trường phái văn học nào, cũng không thể và không được phép ngoảnh mặt làm ngơ hay im
lặng trước những câu hỏi bức xúc mà xã hội yêu cầu được trả lời. Văn học chân chính cần phải là
sự cất tiếng của hiện thực đời sống, ngòi bút nhà văn phải chạm sâu vào vấn đề của thời đại. Như
Rasul Gamzatov cũng đã khẳng định: “Nhà văn phải là người thể hiện được nỗi đau của thời đại...
Những người thầy thuốc viết bệnh sử của con người, còn nhà văn viết bệnh sử của nhân loại”. Đích
hướng tới của văn chương nghệ thuật không phải là dừng lại ở phản ánh hiện thực mà qua phản
ánh hiện thực, các tác giả muốn gửi gắm thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm,
thẩm mỹ đối với con người, xã hội. Bởi lẽ thế mà cũng khi nhận xét về Tô Hoài, nhà phê bình Phạm
Xuân Nguyên có đôi lời: “Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp,
đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị”. Tác phẩm góp

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 16 


 Tài liệu khóa học 2K4 – TỔNG ÔN & LUYỆN ĐỀ (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

phần “khai phá sơn thạch” – một mảnh đất hoang vu, xa xôi, đặc biệt là mang đến một cái nhìn
nhân đạo, có chiều sâu về cuộc sống con người. Nhà văn cũng tố cáo mạnh mẽ tội ác của thế lực
phong kiến miền núi, bày tỏ niềm xót thương và đồng cảm chân thành với cuộc đời đau khổ, bất
hạnh, bị tước đi quyền sống, quyền được hạnh phúc của người dân miền núi. Viết văn như Tô Hoài
chính là sáng tác tác phẩm gắn liền với thời cuộc, thời đại.
“Bản thân hiện thực là sự hướng dẫn, bản thân nó là tác phẩm, bản thân nó là bài ca hùng
tráng, bài ca trữ tình, nó thành thật dâng sẵn, đón chờ?” (Phạm Văn Đồng). Một nhà văn nước ngoài
cho rằng văn chương có những niềm hạnh phúc trong nỗi đau tột cùng mà chỉ người nghệ sĩ mới
hiểu được. Sáng tạo ra cái mới chính là kết quả của công phu và tài năng, nó tạo sức mạnh cho
người nghệ sĩ chiến thắng quy luật băng hoại của thời gian. Chính niềm tin nhà văn vào thiện căn
con người, khao khát của nhà văn về một cuộc sống xứng đáng, lương thiện đã làm cho trang viết
của nhà văn thấm đẫm, lan tỏa sự ấm áp của tình người, hi vọng. Xây dựng nghệ thuật trần thuật
uyển chuyển, linh hoạt, cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật
Mị biến hóa đa dạng nhưng vẫn nằm trong vòng tình lí của sự sống. Ông đã tuân theo nguyên tắc
của phép biện chứng tâm hồn để tái hiện lại chặng tâm lí đầy phức tạp nhưng vẫn hợp lí, mạch lạc.
Văn phong của Tô Hoài trong sáng, đầy biểu cảm, đậm đà màu sắc văn hóa, phong vị Tây Bắc. Lời
văn bay bổng, giàu chất thơ, mở ra cả một không gian Tây Bắc vời vợi, xa xôi mà đầy cuốn hút.
Bằng tâm huyết và năng lực, Tô Hoài xứng đáng là hạt ngọc của nền văn học Việt Nam: “Văn chương
Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian”. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời cầm bút sáng tác văn học
của nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phong Lê khẳng định: “Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất
của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ vàng mà tôi quan niệm thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược về
trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế
kỉ 20 - làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố,
Xuân Diệu, Huy Cận”.
“Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ riêng mình nó không chấp nhận quy luật
của cái chết”. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng là thế giới được tái tạo bằng cái nhìn riêng, cảm
nhận riêng của người nghệ sĩ và cả bạn đọc để “không bao giờ đạt được cái giới hạn cuối cùng của
văn bản”. Có lẽ bởi “đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho nhà văn Tô Hoài nhiều,
không thể bao giờ quên...” nên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã thể hiện phần nào hơi thở của cuộc
sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn,
nhà thơ tên tuổi khác làm nên “mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XX”.

____________________________________________________________________________________________

 Lưu hành nội bộ | Trang 17 

You might also like