Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Đề: Phân tích nhân vật người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để làm rõ thân phận

người
phụ nữ.

BÀI LÀM

Hiện hữu trong đại ngàn văn chương, những kiếp người khốn khổ như lão Hạc, chị Dậu,
Mị,… luôn được khắc hoạ một cách thật sâu sắc và đẹp đẽ. Đó chính là đại diện cho tấm lòng
nhân ái, hướng về cuộc sống với sự bao dung, ánh nhìn tốt đẹp của tác giả thông qua tác phẩm
văn học. “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện rõ rệt nên niềm thương cảm đối với
số phận oan nghiệt, đồng thời khắc hoạ lại và ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ
dưới chế độ phong kiến đầy khắc khe này.

Là một người sinh ra và lớn lên trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội, Nguyễn Dữ
cảm thấu được những điều đau đớn ở xã hội cũ, ông đã có những tác động hết sức mạnh mẽ tới
nhận thức và tình cảm của mình để ông hướng ngòi bút vào hiện thực, vào cuộc sống, và vào
con người. Từ những thăng trầm, biến động trong đời sống mà Nguyễn Dữ đã đưa những tâm
tư, tình cảm của mình vào tác phẩm, tạo nên những giá trị sâu sắc cho và đưa ông trở thành một
nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Áng văn kể về thân phận người phụ nữ trong thời đại mà những rường mối phong kiến
trói buột con người, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thành công khắc hoạ lại rõ rệt hình
ảnh phận nữ nhi phải tam tòng tứ đức, chịu cảnh cuộc đời phải phụ thuộc vào sự sắp đặt của
người khác, từ mối hôn sự đầy quạnh quẽ đến nỗi oan khuất chẳng thể nào tẩy rửa được cho
mình. Số phận đầy oan trái của Vũ Nương đã tái hiện lại sự khổ đau và bất hạnh của người phụ
nữ thời xưa, đồng thời đề cao được tâm hồn đẹp đẽ của họ trong xã hội phong kiến.

Vũ Nương, hay còn có tên gọi là Vũ Thị Thiết, là người phụ nữ thuỳ mị, nết na, tư dung
tốt đẹp. Chính bởi vì cảm mến trước vẻ đẹp và sự dịu dàng của nàng mà Trương Sinh đã đem
một trăm lạng vàng để rước nàng về nhà. Nàng là một người phụ nữ đẹp người đẹp nết, công
dung ngôn hạnh, luôn dành sự tôn trọng và thuỷ chung hết mực với nhà chồng, luôn giữ gìn
khuôn phép với khát khao có một mái ấm gia đình thật sự hạnh phúc. Phận nữ nhi thời bấy giờ
luôn phải nhìn sắc mặt của chồng mình để mà cư xử, thế nên, để có thể xây dựng và vun vén
cho mái ấm gia đình, giữ gìn hạnh phúc cho trọn vẹn, Vũ Nương phải luôn “giữ gìn khuôn
phép, không từng lúc nào để vợ chồng phải thất hoà”. Đây không chỉ là ước mơ riêng của Vũ
Nương mà đây còn là ước mơ chung của tất cả người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ. Khi
chồng nàng đi lính, Vũ Nương đã gửi lại chàng Trương lời tiễn biệt đầy cảm động: “Chàng đi
chuyến này, thiếp chẳng mong được đeo ấn, phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày
về mang được hai chữ bình yên”. Với ước mong giản dị ấy, Vũ Nương đã chứng tỏ lên được
tấm lòng thuỷ chung luôn yêu thương, lo lắng cho chồng, chẳng mong mỏi hư vinh, danh lợi.
Trong những ngày tháng cách biệt chồng ấy, Vũ Nương chịu đựng nỗi mong nhớ tháng ngày
như biển trời, âm thầm săn sóc con nhỏ, chăm lo cho mẹ chồng. Vì sợ con nhỏ thiếu thốn tình
cảm của cha nên nàng chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà bảo là “cha Đản”, đồng thời
cũng thay Trương Sinh làm tròn bổn phận của một người con, đối với mẹ chồng khi bà mất
“Phàm việc ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình”. Một thân nữ cô đơn giữa ngôi nhà, ôm
nỗi mong chờ một mái ấm đủ đầy, bình yên, lẳng lặng chịu đựng nỗi cô đơn, khổ đau mỗi đêm
về và vẫn luôn hết lòng suy nghĩ cho gia đình. Từ những điều hết sức tuyệt vời ấy, Vũ Nương
đã thể hiện nên sự nặng tình, nặng nghĩa, luôn quan tâm đến chồng con của nàng. Đó là những
phẩm chất truyền thống đẹp đẽ nhất của người phụ nữ Việt Nam ta. Nhưng trớ trêu thay, hạnh
phúc đã chẳng mỉm cười với họ.

Vũ Nương phải chịu cảnh không tự quyết định được số phận của mình. Với mối hôn sự
không hề có sự công bằng ấy, Vũ Nương đã chẳng thể tự mình lựa chọn được người chồng như
ý muốn, phải chấp nhận cảnh bị phụ thuộc vào một trăm lượng vàng mà người ta mang tới,
dùng tiền mà đánh đổi đi tương lai của chính bản thân mình. Khi về nhà chồng, nàng cũng đã
không có được những ngày tháng thật sự hạnh phúc. Nàng luôn phải nhẫn nhịn chịu đựng, rồi
lại phải ngóng chờ chồng biền biệt ở nơi xa. Với những ngày tháng mòn mỏi chẳng hay tin
chồng còn sống hay đã khuất, nàng phải ôm nỗi buồn sâu thẳm, “Mỗi khi bướm lượn đầy vườn,
mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Nỗi khổ đau trong
thầm lặng ấy cứ dằn vặt nàng mãi cho đến khi chàng Trương về. Nàng cứ ngỡ rồi đây nàng sẽ
được ấm êm bên chồng, hạnh phúc cùng con dưới mái ấm đủ đầy hạnh phúc, nào ngờ đâu chỉ vì
sự ngây thơ của con trẻ mà làm tan vỡ đi mối tình của Vũ Nương. Phải chăng vì sự đa nghi, độc
đoán, gia trưởng của chồng nàng, phải chăng vì lời nói ngây thơ không suy nghĩ của con trẻ đã
đẩy số phận nàng đến bờ vực sâu thẳm? Phải chăng do xã hội phong kiến quá nhiều những quy
phạm ghìm chặt con người đã biến cuộc sống của nàng bị bao phủ bởi một màu tối đen? Nàng
chìm trong tuyệt vọng mà cầu xin, phân trần với chồng khi thấy chồng nghi oan mình. Nhưng
lời nói không ai hiểu thấu, nỗi oan khuất chín sông chẳng thể nào tẩy rửa được, nàng quyết gieo
thân mình xuống bến Hoàng Giang để chứng minh tấm lòng trong sạch của chính mình. Hành
động kết liễu đời mình là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo vệ phẩm giá của nàng, cũng
như thể hiện lên nỗi bất lực tột cùng của nàng dưới thời đại phong kiến xưa cũ. Đây cũng là
minh chứng cho phẩm hạnh tốt đẹp và tấm lòng trinh bạch thuỷ chung của Vũ Nương.

Ở chi tiết kì ảo được Nguyễn Dữ xây dựng nên ở phần cuối truyện, Vũ Nương được cứu,
về sống dưới thuỷ cung nhưng nàng vẫn luôn hướng về chồng con. Khi nói chuyện với Phan
Lang, nàng tỏ ý rằng: “Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam. Cảm vì nỗi
ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”. Đó cũng là tấm lòng nhân nghĩa, vị tha, nhân hậu và đầy cao
thượng của nàng. Ngay cả đối với người chồng đã phụ bạc và ruồng rẫy nàng, nàng vẫn dành cả
một niềm yêu thương đầy bao dung mà không mảy may nuối tiếc. Phẩm chất đáng quý của Vũ
Nương đã đại diện cho biết bao người phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay, sống nội tâm, có trước,
có sau, thể hiện lên tâm hồn sâu sắc và đáng tôn trọng của số phận nữ nhi của thời đại phong
kiến. Chỉ là khi Vũ Nương được giải oan, nàng hiện về, sương khói phủ đầy như ngăn cách Vũ
Nương cùng Trương Sinh quay về cùng nhau, sự ân hận muộn màng của Trương Sinh đã chẳng
còn cứu vãn được kiếp sống khó khăn của người phụ nữ. Vũ Nương lặng lẽ ẩn hiện giữa dòng,
rồi lại biến mất đi, phu thê âm dương lìa đôi ngả. Đây là giấc mơ mà cũng là lời cảnh tỉnh của
tác giả, để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc, thương xót cho số phận người phụ nữ
cũng như thấm thía đạo lý hôn nhân để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Câu chuyện là lời tố cáo đanh thép của Nguyễn Dữ với chế độ phong kiến đã chà đạp lên
quyền sống của con người. Hiện thân của chế độ ấy là Trương Sinh - người chồng đầy đa nghi
và độc đoán của Vũ Nương. Đồng thời, câu chuyện cũng đã ca ngợi những đức tính hết sức
đáng quý trọng của người phụ nữ Việt Nam trong số phận bi kịch như Vũ Nương nói riêng hay
người phụ nữ xã hội xưa nói chung. “Chuyện người con gái Nam Xương” có những chi tiết tăng
tính kịch tính và bi kịch cho câu chuyện, điển hình như chi tiết chiếc bóng là đầu mối câu
chuyện hay cũng là nút thắt cuối cùng để gỡ bỏ được hiềm nghi trong lòng Trương Sinh. Tác
phẩm có nhiều sự sáng tạo so với cốt truyện cổ tích gốc là “Vợ chàng Trương” bằng cách sắp
xếp thêm bớt chi tiết một cách độc đáo, sử dụng yếu tố truyền kỳ để làm nổi bật giá trị nhân đạo
trong tác phẩm văn học, đồng thời làm nổi bật và hoàn chỉnh thêm về vẻ đẹp của Vũ Nương.
Với những yếu tố mang tính quyết định ấy đã góp phần tạo nên một áng văn sống mãi với thời
gian, xứng đáng vinh danh là một thiên cổ kỳ bút.

Nói đến số phận đầy bi thương của phận nữ nhi ở xã hội phong kiến, không thể không
nhắc tới áng thơ lưu danh thiên cổ của bà chúa thơ Nôm:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu, tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Tiếng than ai oán của người phụ nữ mong được lên tiếng bênh vực cho quyền sống của chính
mình, nói lên khát khao hạnh phúc, hy vọng, ước mơ tự do muốn vượt ra ngoài khuôn phép tư
tưởng, lễ giáo phong kiến khắc khe đầy cổ hủ. Tiêu biểu cho điều đặc biệt thiêng liêng ấy là bà
Hồ Xuân Hương với những thi phẩm là kết tinh từ nỗi bất công trong xã hội, điển hình như là
“Bánh trôi nước” đã dũng cảm cất lên tiếng nói của phụ nữ, mượn hình ảnh món bánh trôi để
mà nói lên phận đàn bà bảy nổi ba chìm, lênh đênh, lận đận giữa cuộc sống như thân cò tội
nghiệp. Bà Hồ Xuân Hương, hay cũng như Nguyễn Dữ, đều đã thể hiện lên sự trân trọng vẻ
đẹp, phẩm chất trong trắng, sắt son của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, vừa cảm thương cho
thân phận chìm nổi, phụ thuộc vào tam tòng hà khắc, không thể tự quyết định được của họ.

Khép lại áng văn, ta trông thấy được bức tranh mang đẫm nước mắt khổ đau trước sự uất
ức của người phụ nữ, phải oan khuất mà chịu nhiều đắng cay, chẳng thể tự chủ được số phận,
dập dìu, lênh đênh như lục bình trôi giữa dòng đời, mặc cho người ta mạnh tay nhào nặn chính
cuộc sống của mình. Nguyễn Dữ đã tỏ rõ niềm cảm thương sâu sắc ấy của bản thân đối với số
phận của người phụ nữ Việt Nam, qua đó mà thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn đầy quý báu của
họ. Tác giả còn thông qua áng văn “Chuyện người con gái Nam Xương” để gửi gắm một thông
điệp vượt thời gian với quan điểm rằng: Tất cả mọi người đều có quyền sống độc lập, tự do và
hạnh phúc. Đặc biệt là những người phụ nữ, họ có quyền bình đẳng để phát huy tài năng và
phẩm chất của chính mình.

You might also like