Cảm nhận về "BTVTĐXKK"

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Đề: Cảm nhận của em về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

BÀI LÀM
Thơ là nơi trú ngụ của kí ức, của thời đại, của hình ảnh con người hiện thực. Trong mỗi
thời kì, thơ lại hiện lên với những dáng vẻ mới mẻ hơn, ấn tượng hơn qua ngôn từ nghệ thuật
đặc sắc của từng nghệ sĩ. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật chính là một
tuyệt tác về tinh thần kiên cường bất khuất của người lính trong sự nghiệp giải phóng Miền
Nam. Bởi vậy mà tác phẩm ấy đã trở thành một bài thơ bất diệt với thời gian, ca ngợi những
chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngoan cường dũng cảm chiến thắng mưa bom bão đạn, quyết chiến
đấu hi sinh vì một lí tưởng cao cả hướng về thống nhất Tổ quốc.

Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống
Mĩ qua các hình tượng người lính và thanh niên xung phong trên tuyết đường Trường Sơn. Thơ
ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên nhưng đầy sâu sắc. Sử dụng ý thơ mới lạ cùng
thái độ thản nhiên, dõng dạc, nhà thơ đã thể hiện rõ phong thái tự do tự tại cùng tư thế lạc quan
khi đối diện với gian nguy trong khổ đầu bài thơ:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồn lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.”.
Lời thơ mang tính khẩu ngữ, hình ảnh sống động, độc đáo, điệp ngữ “không” kết hợp với động
từ mạnh “giật”, “rung” càng làm thêm nổi bật về sự khốc liệt đến tàn ác của chiến tranh. “Nhìn
đất, nhìn trời, nhìn thẳng”, cái nhìn thoáng đạt, nhẹ nhàng, nhìn thẳng vào sự gian khổ. Điệp từ
“nhìn” cho thấy tinh thần, khí thế, sự bình tĩnh đối mặt với khó khăn, hiểm nguy của người lính,
họ vẫn vững vàng trên con đường phía trước dẫu có muôn trùng khó khăn. Hình ảnh của chiếc
xe không kính lại một lần nữa được nhấn mạnh đến rõ ràng, chân thực trong khổ thơ cuối:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”.
Nghệ thuật liệt kê “Không có kính”, “không có đèn”, “không có mui”, “có xước” đồng hành
cùng điệp ngữ “không có” như muốn thể hiện rõ ra sự thiếu thốn, khốn khổ không gì bằng của
người lính trên con đường thực hiện nhiệm vụ cũng không thể nào ngăn cản được ý chí chiến
đấu đầy quyết liệt của họ. Dẫu là bị tàn phá nặng nề, “tàn nhưng không phế”, “xe vẫn chạy vì
miền Nam phía trước” hiện lên như một lời hứa, một lời khẳng định bằng tâm huyết của người
lính Việt Nam. Từ trong hiện thực khốc liệt trần trụi, những chiếc xe không kính đã trở thành
một hình ảnh độc đáo, bộc lộ nên chất thơ của lòng yêu nước, của tinh thần kiên cường bất
khuất mà người lính lái xe đã đem lại cho đất nước, cho sự nghiệp lớn của quốc gia.

Sự khốn khó, thiếu thốn mọi bề lại là hoàn cảnh thích hợp nhất để người lính lái xe bộc lộ
tất thảy những phẩm chất cao đẹp của mình:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.”.
Nhấn mạnh tư thế bình thản, hiên ngang, tự tin tiến về phía trước của người lính lái xe qua nghệ
thuật đảo ngữ “Ung dung buồng lái ta ngồi”. “Con đường chạy thẳng vào tim” bộc lộ lên tình
yêu tha thiết đối với miền Nam thân thương đang ở phía trước, luôn tồn tại, hiện hữu và thúc
đẩy người chiến sĩ tiến lên. Bút pháp tả thực kết hợp với bút pháp lãng mạn đã khắc hoạ lại hiện
thực đầy gian nan trên con đường dẫn đến hoà bình độc lập. Sức mạnh của gió làm người lính
cay nhoè đi đôi mắt, là mưa bom bão đạn kinh hồn tưởng như có thể cướp lấy mạng sống con
người bất cứ lúc nào, là những nỗi niềm sợ hãi sâu kín trong tâm hồn nhưng vẫn chẳng thể nào
cản bước được sự quả cảm, anh hùng của họ cho sự nghiệp đất nước. Họ đã vững lòng tin của
mình về một tương lai tươi sáng, họ hướng về Tổ quốc với trái tim sôi sục lòng yêu nước, tình
yêu quê hương thắm đượm tuổi trẻ của người lính Trường Sơn.
“Không có kính, ừ thì có bụi,”

“Không có kính, ừ thì ướt áo”

Giọng điệu đùa vui hóm hỉnh, điệp ngữ “Không có kính, ừ thì” ở đầu hai khổ thơ biểu hiện lên
phong thái ung dung, xem nhẹ khó khăn của người lính. “Chưa cần” đã cho thấy thái độ bất
chấp gian khổ, coi thường hiểm nguy, luôn giữ tinh thần tràn đầy lạc quan, dũng cảm. Sự phối
hợp thanh điệu với những thanh trắc “bụi”, “tóc trắng”, “lấm”, “ướt áo”, “xối”… đặc tả những
khó khăn, gian khổ của người lính song hành cùng “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” và “Mưa
ngừng gió lùa khô mau thôi” gợi lên sự tương phản rõ rệt với những phút giây yên ả, ung dung
trong buồng lái. Đó đã biểu hiện thêm nổi bật về bản lĩnh của những chiến sĩ lái xe, lạc quan
ngay cả khi đang chìm trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Cũng bởi chính sự vui vẻ, tinh thần dũng
cảm trước khó khăn ấy đã đưa những chiếc xe không kính vượt qua bao mưa bom bão đạn, giúp
cuộc chiến đi đến thắng lợi vẻ vang.

Giữa chiến trường đầy gian lao, thử thách ấy, tình cảm đồng chí của người lính lại càng
trở nên gần gũi và gắn bó với nhau hơn. Khác với tiếng cười “buốt giá” ngậm ngùi động viên
nhau của chiến sĩ thời kì kháng chiến chống Pháp, tiếng cười được Phạm Tiến Duật tái hiện lại
trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” nổi bật lên với sự sảng khoái, lạc quan, ngang tàn,
cùng bắt tay nhau đi qua những gian khổ:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”.
Hình ảnh “Những chiếc xe từ trong bom rơi” là hình ảnh tả thực về sự khốc liệt đối với người
lính từ nơi chiến trường trở về. Mưa bom dội thẳng xuống con đường mà họ đang đi, như đang
đối diện với cái chết, họ vẫn gan dạ, vẫn một lòng hướng về Tổ quốc cùng tình đồng chí thắm
thiết giữa đồng đội với nhau. Trong “Đồng chí” của Chính Hữu, người chiến sĩ bắt tay cho cái
lạnh giá, cho sự gian khổ, cho sự sẻ chia cùng nhau sưởi ấm qua thời kì khó khăn thì đối với
Phạm Tiến Duật lại là những cái bắt tay đầy độc đáo, “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Cái bắt tay
này như một lời chúc mừng vì đã vượt qua cửa tử, đồng thời cũng là lời chúc phúc cho những
người tiếp theo đối diện với chiến trường. Những cái bắt tay ấy đã cho thấy tinh thần đoàn kết,
gắn bó của các chiến sĩ lái xe. Nó cũng đã thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc trong tâm hồn
những người lính qua lời động viên ngắn ngủi, thầm lặng mà họ dành cho nhau, là lời hứa quyết
tâm giành được chiến thắng.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”.
Những bữa cơm nhanh dã chiến, những lần “chung bát đũa” bên một cái bếp giản đơn đã trở
thành kí ức về một gia đình đầm ấm, từ những con người “Tự phương trời chẳng hẹn quen
nhau”. Nó như là một nguồn động viên tinh thần, một nguồn sức mạnh lớn lao giúp cho người
chiến sĩ tiến về phía trước. Điệp ngữ “lại đi” khẳng định đoàn xe luôn không ngừng tiến lên, là
ý chí, là con đường hành quân không bao giờ dừng lại của tiểu đội xe không kính. Bầu trời xanh
của niềm tin, của hi vọng về một tương lai xán lạn đã bộc hết thảy quyết tâm tin vào sự nghiệp
thống nhất của đất nước, tin vào lí tưởng mà bản thân đi theo của người lính Trường Sơn huyền
thoại năm xưa.

Phạm Tiến Duật đã thể hiện rõ tài năng thiên phú của mình qua tác phẩm “Bài thơ về tiểu
đội xe không kính” với sự sáng tạo độc đáo, có dấu ấn riêng cho nền văn học cách mạng Việt
Nam. Phạm Tiến Duật bộc lộ niềm tin mãnh liệt vào tình cảm nơi chiến trường, vào tình cảm
với non sông đất nước, đồng thời cũng là tình cảm bên những người đồng đội của mình. Hình
ảnh cuộc sống chốn rừng sâu hoang vu, núi rừng Trường Sơn hùng vĩ chứa đựng hình ảnh của
những người lính bộ đội chung bát chung đũa, những chiếc võng mắc chông chênh cùng sự
quyết tâm với Tổ quốc: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đây chính là nét độc đáo và riêng
biệt của tác giả đối với cuộc sống. Cách cảm nhận và tái hiện lại cuộc sống ấy qua tâm hồn của
tác giả thật lạc quan và vui tươi, dù đối diện với muôn vàn hiểm trở. Trước ngưỡng cửa thập tử
nhất sinh, người chiến sĩ vẫn tiến lên, dẫu chỉ còn lại là trái tim yêu thương Tổ quốc.

Đi qua thời kì chiến tranh tàn khốc, hoà bình lập lại, những người lính được trở về bên
gia đình và tiếp tục cuộc sống thường ngày của mình. Bấy giờ con người lại vô tâm, quên đi quá
khứ gian khổ mà đánh mất nghĩa tình để rồi một lúc nào đó phải ân hận, ăn năn. “Ánh trăng”
của nhà thơ Nguyễn Duy là câu chuyện nhỏ theo mạch cảm xúc “Uống nước nhớ nguồn”, gợi
nhắc người đọc thái độ sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”.
Bài thơ là lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng đã qua đi
trong gian khổ với nhân dân, thiên nhiên, đất nước bình dị. Đồng thời gợi lên suy nghĩ về đạo lí,
lẽ sống của người Việt Nam khi nó không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, riêng của một người
mà là cả một thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, mất mát, từng sống giữa
thiên nhiên, sống giữa nhân dân tình nghĩa. Giờ đây khi trở về hoà bình lại quên mất đi cuộc
sống khốn khổ khi xưa. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy gây nhiều xúc động bởi cách diễn tả bình
dị như lời tâm sự, lời tự thú, lời nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh sâu lắng, chứa đựng
những ý tứ rất đỗi sâu xa và thắm thía về đạo đức của con người.

Nếu như “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu là một bức tranh đầy cảm động về tình cảm
gắn bó giữa những người lính và khát vọng hoà bình, “Cảnh Khuya” dưới ngòi bút của vị chủ
tịch Hồ Chí Minh lại là nỗi tâm sự nặng trĩu với vẻ đẹp của thiên nhiên vào những năm đầu
cuộc kháng chiến chống Pháp thì “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” chính là một áng thơ nổi
bật lên tinh thần kiên cường, dũng cảm, bất khuất của người chiến sĩ Trường Sơn hùng vĩ. Chứa
đựng nội dung và chủ đề đầy ấn tượng, với nhan đề đặc biệt: “Bài thơ về tiểu đội xe không
kính” đã tạo nên sức hút mạnh mẽ cho bài thơ ở vẻ khác lạ và độc đáo, nhấn mạnh chất thơ
trong sự khắt nghiệt của cuộc sống nơi chiến trường. Mang đậm phong cách riêng qua giọng
điệu ngang tàn, giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, Phạm Tiến Duật đã thể hiện toàn vẹn được phong
thái ung dung, tự do tự tại thuộc về người lính của mình.

Phủi đi lớp bụi còn đọng lại, khép đi áng thơ, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không
kính” đã được Phạm Tiến Duật đưa vào chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống nơi chiến
trường. Trong những bài thơ lấy bối cảnh về thời kháng chiến của Việt Nam ta, hình tượng
người chiến sĩ bao giờ cũng được diễn tả có đôi chút khác biệt nhưng ở họ - những người chiến
sĩ bộ đội Cụ Hồ vẫn ngời sáng những nét đẹp trong tinh thần, lí tưởng sống cống hiến đối với
chiến trường, với Tổ quốc, với sự nghiệp thống nhất đất nước. Đó chính là vẻ đẹp quý báu của
con người trong nền văn học cách mạng Việt Nam ta.

You might also like