Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 16

BIỂU TRƢNG HÓA, CƠ CHẾ HÌNH THÀNH TÍN HIỆU THẨM MĨ

TRONG NGÔN NGỮ VĂN CHƢƠNG


TS. Trần Văn Sáng (ĐHSP, ĐH Đà Nẵng)

TÓM TẮT
Hệ thống tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương chính là những tín hiệu bậc hai,
xét trong mối quan hệ hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt - một quan hệ có lý do, liên quan
đến năng lực biểu trưng hoá các yếu tố, các chi tiết, các sự vật được lựa chọn làm chất liệu cho
tín hiệu thẩm mĩ. Biểu trưng hóa được chúng tôi xem là đặc tính quan trọng nhất trong bốn đặc
tính của tín hiệu thẩm mĩ, đặc biệt là quá trình chuyển từ mã ngôn ngữ (thuộc cái biểu đạt) sang
mã thẩm mĩ (thuộc cái được biểu đạt) trong ngôn ngữ văn chương. Bài viết thử đi vào tìm hiểu
cái cơ chế biểu trưng hóa tạo nên hệ thống tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương và xem xét chúng
có mối quan hệ như thế với đặc trưng tư duy liên tưởng của người tạo tác và chủ thể lý giải.
Từ khóa: biểu trưng, biểu trưng hóa, kí hiệu học, tín hiệu thẩm mĩ, văn chương
I. Dẫn nhập
Lý thuyết kí hiệu học (semiotics) ra đời gắn liền với chủ nghĩa cấu trúc trong
nghiên cứu ngôn ngữ và nhân học của thế kỉ XX. Có thể nói như vậy, bởi một lẽ, mãi đến
năm 1916, năm mà Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F.de Saussure [3] được xuất
bản, người được xem là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại và cũng là một trong những
người khai sáng chủ nghĩa cấu trúc, thì người ta mới chú ý đến vai trò của kí hiệu học.
Luận điểm của F.de Saussure đề xuất: ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu, và ngôn ngữ học
là một bộ phận của kí hiệu học, xét theo một phương diện nào đó. Lý thuyết kí hiệu ngôn
ngữ, kí hiệu học nhị diện của F.de Saussure, cũng từ đây, được xem là tiền đề cho các
công trình nghiên cứu kí hiệu học chuyên sâu về sau như “chức năng thi pháp” và tính đa
chức năng của ngôn ngữ trong nghiên cứu R.Jakobson [5], “cấu trúc kí hiệu học biểu thị
và kí hiệu học hàm thị” của R.Barthes [4]; đặc biệt là các nghiên cứu về “lý thuyết kí hiệu
học tam diện” của Ch.Pierce, lý thuyết "kí hiệu học văn hóa" của Yuri M. Lotman [19], lý
thuyết kí hiệu học của Umberto Eco [17], của Daniel Chandler [2]... Khái niệm tín hiệu
thẩm mĩ, một phương diện ứng dụng của kí hiệu học trong nghệ thuật, được nói đến trong
những năm gần đây cũng được hình thành từ những tiền đề lý luận nói trên. Ở Việt Nam,
những vấn đề về kí hiệu học, đặc biệt là lý thuyết tín hiệu thẩm mĩ, đã được áp dụng từ
những năm 70 của thế kỷ XX. Những công trình được xem là khởi đầu của khuynh
hướng nghiên cứu ngôn ngữ văn chương từ góc nhìn kí hiệu học phải kể đến là Từ thi
pháp học đến kí hiệu học của Hoàng Trinh [15], Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn
ngữ các sự kiện văn học của Đỗ Hữu Châu [1], Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn
học của Nguyễn Lai [6], Ngôn ngữ với văn chương của Bùi Minh Toán [14], Tín hiệu
thẩm mĩ không gian trong ca dao của Trương Thị Nhàn [7], Tín hiệu thẩm mĩ - sóng đôi
của Trần Văn Sáng [13]... Trong đó, khuynh hướng đáng chú ý nhất vẫn là cách giải mã
thơ và ca dao dưới ánh sáng của lý thuyết tín hiệu thẩm mĩ. Tuy nhiên, trong việc vận
dụng lý thuyết kí hiệu học vào nghiên cứu trong mỗi lĩnh vực trong đó có văn chương,
cho đến nay, vẫn chưa có được cách tiếp cận thống nhất và chưa vạch ra một bộ khung lý
thuyết đủ rõ và nhất quán để vận hành nó một cách hiệu quả, đặc biệt là có sự khu biệt
khá rõ giữa cách tiếp cận theo quan điểm của kí hiệu cấu trúc và kí hiệu học hậu cấu trúc
trên các phạm vi ứng dụng: kí hiệu học ngôn ngữ, kí hiệu học văn hóa, kí hiệu học văn
chương.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu cái cơ chế biểu trưng hóa các tín
hiệu ngôn ngữ trong văn chương gắn với đặc trưng tư duy liên tưởng của người tạo tác và
chủ thể lý giải.
II. Nội dung
1. Cơ chế hình thành tín hiệu thẩm mĩ từ góc nhìn ký hiệu học
Lý thuyết về tín hiệu thẩm mĩ1 được miêu tả gắn liền với nhiều quan niệm khác
nhau của nhiều trường phái nghiên cứu trên thế giới. Trong lý thuyết của trường phái kí
hiệu học Mỹ, tín hiệu thẩm mĩ được xác định là tín hiệu trong nghệ thuật, là “tín hiệu
miêu tả hoặc tạo hình” trong quan niệm của Ch.Pierce. Những người chủ trương quan
niệm này xem nghệ thuật như một “ngôn ngữ đặc biệt”, khác với mọi phương tiện truyền
1
Về khái niệm dấu hiệu, kí hiệu và tín hiệu hiện nay vẫn chưa thống nhất trong cách sử dụng. Có quan niệm sử
dụng đồng nhất, có quan niệm phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Để thống nhất cách hiểu trong bài viết, chúng tôi
tạm chấp nhận cách hiểu dấu hiệu, ký hiệu và tín hiệu có nội hàm giống nhau. Cách dùng tín hiệu thẩm mĩ, chứ
không dùng kí hiệu thẩm mĩ cũng là do tính quen thuộc của khái niệm tín hiệu thẩm mĩ lâu nay trong các công trình
nghiên cứu viết về ngôn ngữ văn chương của chúng tôi.
thống khác. Bên cạnh đó, từ sự nhân đôi mô hình lưỡng phân cái biểu đạt (CBĐ) và cái
được biểu đạt (CĐBĐ) trong tín hiệu ngôn ngữ của F. de Saussure, cả L.Hjelmslev và
R.Barthes đều xem tín hiệu thẩm mĩ là một loại "siêu tín hiệu", tín hiệu chồng lên tín hiệu
so với tín hiệu ngôn ngữ thông thường. Cái gọi là ngôn ngữ đặc biệt, siêu tín hiệu của tín
hiệu thẩm mĩ trong văn chương đều được nhìn từ bình diện kí hiệu học. Ở đây, chúng tôi
chỉ bàn luận giản lược về cơ chế hình thành tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương từ lăng
kính kí hiệu học qua mấy luận điểm sau2:
Thứ nhất, trong ngôn ngữ văn chương, hệ thống tín hiệu thẩm mĩ tồn tại và hoạt
động theo những quy luật của tín hiệu và tín hiệu ngôn ngữ. Do vậy, tín hiệu thẩm mĩ
được xác định là tín hiệu nhân tạo, tín hiệu thính giác, tín hiệu giao tiếp có chức năng
thẩm mĩ, chức năng biểu cảm, chức năng hệ thống và là tín hiệu - biểu trưng nghệ thuật.
Các tín hiệu ngôn ngữ con dao vàng, lá trầu vàng xuất hiện trong câu ca dao: Con dào
vàng rọc lá trầu vàng - Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa, trở thành những tín hiệu
thẩm mĩ con dao vàng, lá trầu vàng nhằm biểu đạt các giá trị thẩm mĩ: sự hài hòa, cân
xứng đến mức tuyệt mĩ trong tình yêu, cũng đã trải qua quá trình tạo nghĩa của tín hiệu và
tín hiệu ngôn ngữ.
Thứ hai, khác với tín hiệu thẩm mĩ trong các ngành nghệ thuật điêu khắc, hội họa,
âm nhạc.., tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương được biểu đạt bằng tín hiệu ngôn ngữ. Có
thể nói, ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm văn chương vừa là chính nó, vừa là cái
biểu đạt cho tín hiệu thẩm mĩ. Để trở thành các tín hiệu thẩm mĩ thuyền, bến, trầu, cau,...
dù có thể bắt nguồn từ chính các sự vật này trong cuộc sống, thì khi đi vào văn chương,
chúng phải được biểu đạt bằng các tín hiệu ngôn ngữ, đó chính là các danh từ: thuyền,
bến, trầu, cau... trong tiếng Việt, nghĩa là chúng được kí hiệu hóa thêm một lần nữa để
trở thành tín hiệu thẩm mĩ.
Thứ ba, tham gia vào vai trò CĐBĐ, tín hiệu thẩm mĩ phải trải qua con đường biểu
trưng hoá các tín hiệu ngôn ngữ, nghĩa là tham gia vào quá trình tạo nghĩa hàm ẩn. Đây

2
Về lý thuyết tín hiệu thẩm mĩ và các đặc trưng của nó, chúng tôi đã trình bày chi tiết trong các bài viết ở [8], [11],
[12], [13].
là quy luật L.Hjelmslev đã chỉ ra khi nói đến đặc điểm của ngôn ngữ liên hội: ngôn ngữ
với CBĐ và CĐBĐ của mình đến lược nó lại trở thành CBĐ cho một CĐBĐ khác.
R.Barthes cũng có quan điểm tương đồng khi ông cho rằng văn chương thuộc trường hợp
này vì bản thân ngôn ngữ đã là một hệ thống kí hiệu, kí hiệu học biểu thị, đảm nhận chức
năng CBĐ của tín hiệu thẩm mĩ; còn hệ thống kí hiệu thứ hai là siêu ngôn ngữ, tức kí
hiệu học hàm thị, đảm nhận chức năng CĐBĐ cho tín hiệu thẩm mĩ. Nhờ biểu trưng hóa
mà trăng không còn mang nghĩa biểu vật, biểu niệm nữa (là một thiên thể) mà đã chuyển
sang biểu thị ý nghĩa hàm ẩn, ý nghĩa thẩm mĩ để chỉ tâm lí tình cảm của con người:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu (Hàn Mặc Tử).
Thứ tư, trong mối quan hệ giữa tín hiệu thẩm mĩ với tín hiệu ngôn ngữ - CBĐ
cũng chính là các biến thể và các hằng thể, các hiện dạng và điển dạng3 của chính tín
hiệu thẩm mĩ đó trong tác phẩm văn chương. Không chỉ có trăng, mây, trầu, cau, mâm,
sập,... mà có cả trăng vàng, trăng thổn thức, trăng hờ hửng, trầu vàng, cau xanh, sập
vàng,... Nghiên cứu bình diện biểu đạt của tín hiệu thẩm mĩ cũng chính là nghiên cứu
hoạt động của các biến thể và các hằng thể trên các đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp, ngữ
nghĩa, ngữ dụng, theo quy luật của tín hiệu ngôn ngữ thông thường.
Từ lý thuyết kí hiệu học, có thể sơ đồ hóa về cơ chế hình thành tín hiệu thẩm mĩ
trong ngôn ngữ văn chương như sau:
CBĐ: âm thanh
CBĐ: tín hiệu ngôn ngữ (bậc 1) ---------------------
CĐBĐ: ý nghĩa ngôn ngữ
TÍN HIỆU THẨM MĨ (bậc 2) = -----------------------------------------------------
CĐBĐ: ý nghĩa thẩm mĩ
Chẳng hạn, ta có 2 hình thái: TRĂNG (1) (kí hiệu ngôn ngữ) được xem là CBĐ
của tín hiệu thẩm mĩ và TRĂNG (2) (tín hiệu thẩm mĩ) là khác nhau. Trăng (1) biểu thị

3
Về khái niệm “biến thể” và “hiện dạng” của tín hiệu, có thể xem thêm ở các công trình 1). “Cơ sở ngữ nghĩa học từ
vựng” (Đỗ Hữu Châu, 1998). “Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ các sự kiện văn học” (Ngôn ngữ,
2/1990, tr. 8-15). Chẳng hạn, tín hiệu “trăng” tồn tại dưới dạng các biến thể: “nguyệt, chị hằng, nàng trăng, vầng
trăng, trăng vàng, trăng thanh, trăng khuyết”. Chúng tôi cũng đã có dịp đề cập về khái niệm “biến thể” của tín hiệu
thẩm mĩ trong các bài viết công bố: “Tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn
học” [8]; Biến thể miêu tả của tín hiệu thẩm mĩ: Nghiên cứu trường hợp tín hiệu thẩm mĩ sóng đôi trong ca dao[12].
một hành tinh nhìn thấy về ban đêm, gần trái đất nhất trong hệ mặt trời; Trăng (2) nội
dung của nó chứa đựng những ý nghĩa thẩm mĩ nhất định: "Trăng" trong sự miêu tả - cụ
thể hóa có sự khác nhau giữa "trăng tròn", "trăng lạnh", "trăng nằm sóng soãi trên cành
liễu",...đều được liên tưởng tới những ý nghĩa thẩm mĩ khác nhau, là tình cảm, là nhân
tình, và không còn được hiểu là hành tinh nhìn thấy về ban đêm, gần trái đất nhất trong
hệ mặt trời.
Mối quan hệ trên cho thấy cùng một dấu hiệu hình thức/thể chất cho ta hai giá trị
khác nhau: giá trị tín hiệu ngôn ngữ (thuộc hệ thống ngôn ngữ tự nhiên) và giá trị tín hiệu
thẩm mĩ (thuộc hệ thống ngôn ngữ-tín hiệu thẩm mĩ).
Như vậy, trong bốn đặc trưng kí hiệu học của tín hiệu thẩm mĩ nêu trên, biểu trưng
hóa được chúng tôi xem là đặc tính quan trọng nhất trong bốn cơ chế hình thành tín hiệu
thẩm mĩ, đặc biệt là quá trình chuyển từ mã ngôn ngữ (thuộc CBĐ) sang mã hình tượng,
mã thẩm mĩ (thuộc CĐBĐ) trong ngôn ngữ văn chương. Rõ ràng, ngoài những đặc tính
khác của tín hiệu thẩm mĩ (như tính đẳng cấu, tính truyền thống, tính cụ thể hóa,...), việc
một tín hiệu ngôn ngữ thông thường trải qua một quá trình tạo nghĩa liên tục để trở thành
một tín hiệu thẩm mĩ, chắc chắn phải trải qua một cơ chế chuyển nghĩa theo hướng biểu
trưng hóa các tín hiệu ngôn ngữ. Vậy cái cơ chế biểu trưng hóa của tín hiệu thẩm mĩ hoạt
động như thế nào trong tác phẩm mĩ văn chương, đặc biệt là ngôn ngữ thơ ca?
2. Quy luật biểu trƣng hóa của tín hiệu thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn chƣơng
2.1. Về biểu trưng và biểu trưng hóa
Trước khi bàn về cơ chế hình thành các tín hiệu thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn
chương, thiết nghĩ, chúng ta cần phân biệt sự hai khái niệm biểu trưng và biểu trưng hóa.
Biểu trưng, còn gọi là biểu tượng (symbol), là một hiện tượng khá lí thú và phổ
biến ở các dân tộc. Biểu trưng là lấy một sự vật hiện tượng nào đó để biểu hiện một cách
tượng trưng, ước lệ một cái gì đó có tính chất khái quát. Cái cân biểu trưng cho công lý.
Hoa hồng biểu trưng cho sắc đẹp và tình yêu. Chim bồ câu biểu trưng cho hoà bình... Khi
một hiện tượng, sự vật mang giá trị biểu trưng, nó sẽ gợi lên cho ý thức người bản ngữ sự
liên tưởng khá bền vững. Người Mỹ, người Đức, người Pháp liên tưởng màu trắng với
biểu trưng về tinh thần, linh hồn; người Ucraina lại liên hội với lòng thủy chung và sự
trung trực; trong khi người Ba Lan thì gắn màu trắng với sự bình tâm thanh thản. Như
vậy, biểu trưng phản ánh quan niệm tâm lý của mỗi dân tộc và liên quan đến các hiện
tượng trong đời sống xã hội, lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng. Điều
này giải thích tại sao ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, con
rồng biểu trưng cho các bậc vua chúa, được tôn thờ ở những nơi trang nghiêm như đền
đài, lăng tẩm. Người Việt còn xem rồng là biểu tượng của dòng giống cao quí: con rồng
cháu tiên; trong khi, văn hóa châu Âu quan niệm rồng đơn thuần là một loài bò sát, một
con vật tưởng tượng có thể phun ra lửa, thậm chí là con vật ác trong truyện cổ tích...
Biểu trưng, như đã nói, là một hiện tượng tâm lý xã hội, do đó cách thức hình
thành, lối xếp đặt, cách giải thích biểu trưng được nhiều ngành khoa học quan tâm.
Ở bình diện nghệ thuật, biểu trưng thể hiện ở đường nét, màu sắc, hình ảnh, âm
thanh... Tính biểu trưng của mô típ, các kiểu đường nét và màu sắc mang tính ước lệ.
Chẳng hạn, tính mô típ trong bộ "tứ linh" của nghệ thuật hình khối: long (rồng) biểu
trung cho uy lực, nam tính; li (lân) biểu trưng cho ước vọng Thái Bình; qui (rùa) biểu
trưng cho sự sống lâu, và phượng (phụng) biểu trưng cho nữ tính.
Ở bình diện tu từ học, biểu trưng được xem là biện pháp liên tưởng có tính ẩn dụ,
hoán dụ. Trong ẩn dụ, có sự đồng dạng hoặc liên tưởng CBĐ và CĐBĐ; trong hoán dụ,
giữa CBĐ và CĐBĐ, tức hai sự vật có một mối quan hệ gần gũi, kề cận, nhân quả, CBĐ
gợi lên CĐBĐ. Lời ca dao: Thuyền về có nhớ bến chăng - Bến thì một dạ khăng khăng
đợi thuyền, thì "thuyền", "bến" là những ẩn dụ. "Thuyền" chỉ người con trai, "bến" chỉ
người con gái, nhưng đó còn là những biểu trưng. Mô típ "thuyền - bến" được lặp lại
nhiều lần, liên kết bền vững trong nhiều lời ca dao với hàm ý cho một tình yêu cân xứng,
hài hoà và rất mực thuỷ chung.
Vậy thì, điều gì làm cho một tín hiệu ngôn ngữ thông thường (thuyền, bến là sự
vật) trở thành một tín hiệu thẩm mĩ có giá trị biểu trưng (thuyền, bến là người con trai và
người con gái trong quan hệ lứa đôi)? Đó chính là quá trình biểu trưng hóa các tín hiệu
ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp văn chương. Nói biểu trưng hóa là muốn thiên về
biểu thị cái quá trình biến những từ ngữ thông thường thành những ẩn dụ, những biểu
trưng, biểu tượng, nghĩa là những từ ngữ có nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng. Cũng như vậy,
khi dùng cơ chế biểu trưng hóa là muốn nhấn mạnh rằng biểu trưng hóa diễn ra theo một
cơ trình với những qui tắc riêng của nó. Nếu như biểu trưng hóa là một cơ trình, tức một
quá trình diễn ra có tính quy tắc, giống như sự hành chức của một bộ máy, thì biểu trưng
là hệ quả, là sản phẩm của cơ trình đó. Vậy hệ quy tắc biểu trưng hóa với tư cách là một
trong những cơ chế cấu tạo nên các tín hiệu thẩm mĩ là gì? Có làm rõ điều này thì mới có
thể xác định được rõ bản chất của các biểu trưng (biểu tượng) với tư cách là những tín
hiệu thẩm mĩ.
2.2. Biểu trưng hóa, sự chuyển nghĩa dựa trên cơ chế của ký hiệu học
Tín hiệu ngôn ngữ thông thường, tiêu biểu là từ, trong quá trình vận hành để sử
dụng làm phương tiện giao tiếp, cũng đã tự làm mới mình bằng con đường chuyển nghĩa.
Chuyển nghĩa là phương thức vừa tiết kiệm vừa tiện lợi trong giao tiếp, xét về phương
diện sử dụng cái biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ. Nhờ vậy mà, quan hệ giữa âm và nghĩa,
tức giữa CBĐ và CĐBĐ không còn là quan hệ tương ứng một đối một [1-1] nữa. Nếu
quan hệ giữa hình thức ngữ âm (CBĐ) và ý nghĩa (CĐBĐ) của tín hiệu ngôn ngữ, theo
F.de Saussure [3], là võ đoán thì quan hệ giữa CBĐ (tín hiệu ngôn ngữ) với CĐBĐ mới
(nghĩa chuyển, nghĩa biểu trưng) trở thành mối quan hệ có nguyên do. Kí hiệu ngôn ngữ
(từ) vốn là đơn nghĩa trở thành đa nghĩa. Đó cũng chính là cơ chế biểu trưng hóa tạo tiền
đề cho một tín hiệu ngôn ngữ thông thường trở thành một tín hiệu thẩm mĩ, tín hiệu biểu
trưng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Theo nghĩa này thì, biểu trưng hóa, trong
một chừng mực nào đó, cũng chính là cơ chế ẩn dụ hóa, hay kí hiệu hóa4: Đó là những cơ
chế tạo ra các ý nghĩa hàm ẩn, mang tính liên hội. Xét trên bình diện kí hiệu học, nếu tín
hiệu thẩm mĩ được xem là hệ thống tín hiệu thứ hai, là siêu tín hiệu, như nhận xét của
R.Barthes [4], thì biểu trưng hóa là cơ chế tạo ra cái gọi là hệ thống tín hiệu thứ hai đó.
Cơ chế biểu trưng hóa phải thỏa mãn các điều kiện kí hiệu học sau:
2.2.1. Biểu trưng hóa phải nằm trong một hệ quy chiếu CBĐ và CĐBĐ có lí do
Tác giả Hoàng Trinh [15] xem biểu trưng gồm cái biểu trưng và cái được biểu
trưng. Theo tác giả, biểu trưng bao giờ cũng có tính chất biểu hiện một cái gì đó bằng
4
Về khái niệm ẩn dụ hóa và ký hiệu hóa được dùng trong lí thuyết tu từ và lí thuyết kí hiệu học. Ẩn dụ hóa được
xem là cơ chế tạo nên phép ẩn dụ; còn kí hiệu hóa là thuật ngữ dịch từ khái niệm semiosis được Ch.Pierce sử dụng
trong lí thuyết kí hiệu học của mình như một quy trình tạo ra tín hiệu.
một sự vật có hình thù, đại diện cho một cái gì, gợi lên một cái gì theo liên tưởng; trong
đó, cái biểu trưng và cái được biểu trưng quan hệ với nhau theo tính ước lệ của một cộng
đồng. Tuy nhiên, nói như F.De Saussure, biểu trưng "không hoàn toàn võ đoán, nó không
phải trống rỗng, ở đây có một yếu tố tương quan thô sơ nào đấy giữa cái biểu đạt và cái
được biểu đạt" [3,142].
Tính có lí do trong mối quan hệ giữa CBĐ với CĐBĐ của tín hiệu thẩm mĩ được
thể hiện trên nhiều dạng thức khác nhau. Đó có thể là những lý do bắt nguồn từ chính các
sự vật, hiện tượng ngoài thế giới khách quan được chọn làm tín hiệu thẩm mĩ. Không
phải ngẫu nhiên mà cái cân được dùng làm vật biểu trưng cho công lý. Chim bồ câu với
đặc điểm về hình thức trông rất hiền và đặc tính của chúng là không hay đánh, chọi nhau
nên ở hầu hết các nước trên thế giới nó được dùng làm vật biểu trưng hóa cho hoà bình.
Các tín hiệu có nguồn gốc từ các điển tích, điển cố, đặc biệt là các biểu tượng, mẫu gốc
thường được xếp vào nhóm tín hiệu thẩm mĩ gốc có năng lực biểu trưng hóa cao như
nước, lửa, trầu, cau, con rồng, con trâu,... đều có lí do từ văn hóa trước khi được dùng
như những tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương.
Tính có lí do của tín hiệu thẩm mĩ còn bộc lộ rõ ở việc, quá trình biểu trưng hóa dù
có chuyển nghĩa xa đến mức nào thì cũng có một sự liên hệ nhất định với nghĩa gốc ban
đầu của từ ngữ. Vấn đề có tính nguyên tắc ở đây là phải luôn luôn bám sát vào nghĩa cơ
sở (nghĩa tự nhiên) của tín hiệu ngôn ngữ để xác định ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu
thẩm mĩ. Xét theo tính hệ thống, thành phần nghĩa này mang đặc tính khái quát, trừu
tượng và bất biến. Ý nghĩa biểu trưng dù có giản nỡ đến đâu cũng không thể hoàn toàn
thoát ly, cắt đứt khỏi mối liên hệ với ý nghĩa cơ sở này. Chẳng hạn, khi phân tích ngôn
ngữ ca dao, đối với “núi”, phải đi từ đặc điểm của sự to lớn, vững chắc của nó, về tính
chất gây trở ngại của nó đối với con người trên đường đi và trong sinh hoạt hàng ngày, và
cả về niềm tôn kính thiêng liêng mà nó gợi ra trong tâm thức con người... Còn đối với
“sông”, đó là những khúc khuỷu gập ghềnh, những sóng gió vời vực, những bến bờ
ghềnh thác, là cái sâu, rộng, đầy vơi, xa cách phức tạp đối với con người... Ngay trong
thơ, các nét nghĩa được coi là độc đáo, sáng tạo đột xuất, cũng không phải thoát ly hoàn
toàn với nghĩa gốc. Khi Xuân Diệu viết “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang - Tóc buồn
buông lệ xuống ngàn hàng” thì cũng đã khai thác nét nghĩa cơ sở: sự yếu mềm, lã lướt
của “liễu”. Rõ ràng, quá trình biểu trưng hóa làm mất đi ý nghĩa biểu vật và biểu niệm
của từ ngữ, thay vào đó nghĩa liên tưởng, nghĩa hàm ẩn đựơc phát huy tác dụng. Sự
chuyển nghĩa này phải có sự phù ứng nhất định giữa CBĐ và CĐBD của cả tín hiệu ngôn
ngữ lẫn tín hiệu hiệu thẩm mĩ, tức phải cùng một hệ quy chiếu. Đây cũng chính là tính có
lí do thường gặp của quá trình chuyển nghĩa theo hướng biểu trưng hóa.
Xét về mặt cấu trúc, hệ thống tín hiệu thẩm mĩ gồm trong nó nhiều tiểu hệ thống
khác nhau: tín hiệu đơn (thuyền, bến, mận, đào, trúc, mai, trăng, gió, hoa, bướm, áo,
khăn,...) và tín hiệu sóng đôi, sóng ba (trăng - hoa, mây - gió, trầu - câu, thuyền - bến,
mây - gió - trời,...). Do vậy, quá trình biểu trưng hóa cũng phụ thuộc vào cơ chế hình
thành các cấp độ tín hiệu thẩm mĩ. Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà trong ngôn ngữ
ca dao, trầu đi với cau, thuyền đi với bến, trăng đi với gió, bướm đi với hoa, mận đi với
đào (ví dụ: Ai làm cho bướm lìa hoa /Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng). Sự kết
hợp sóng đôi các tín hiệu thẩm mĩ nói trên cũng bắt nguồn từ lí do khách quan là sự gắn
bó của chính hai sự vật này trong thế giới hiện thực5.
2.2.2. Biểu trưng hóa gắn với một hệ thống CBĐ nhất định, và được vận hành theo cơ
chế của tín hiệu ngôn ngữ trong hệ thống
Tác phẩm văn chương là một hệ thống kí hiệu mở, bao gồm các cấp độ chủ yếu:
hình tượng (image), biểu tượng (symbol), cổ mẫu (archetype). Tín hiệu thẩm mĩ tồn tại
trong ngôn ngữ văn chương thuộc về cả ba cấp độ nói trên. Mỗi tín hiệu thẩm mĩ cũng
phải thuộc về một hệ thống biểu đạt nhất định: tín hiệu thẩm mĩ vật thể và tín hiệu thẩm
mĩ phi vật thể; tín hiệu thẩm mĩ nhân tạo và tín hiệu thẩm mĩ tự nhiên,... Các mối quan hệ
hệ thống làm nên CBĐ của tín hiệu thẩm mĩ chính là những nguyên tắc của đồng nhất và
đối lập, của trừu tượng và cụ thể, của hằng thể và biến thể... Đặc biệt là mối quan hệ kết
hợp và mối quan hệ liên tưởng của kí hiệu ngôn ngữ đã tạo nên tính cấu trúc và tính cấp
độ của tín hiệu thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn chương. Chẳng hạn, tín hiệu ngôn ngữ trăng
trải qua quá trình biểu trưng hóa để trở thành tín hiệu thẩm mĩ trăng thì chúng được miêu
tả - cụ thể hóa qua các hiện dạng và biến thể: nguyệt, chị hằng, trăng vàng, trăng tà,
5
Về các tín hiệu thẩm mĩ-sóng đôi, xem thêm bài viết của chúng tôi đã công bố tại hội thảo Kí hiệu học [13]
trăng thanh, trăng lu, trăng khuyết, trăng nghiêng, trăng xế, trăng tàn, trăng xẻ làm đôi...
Ý nghĩa thẩm mĩ của tín hiệu trăng, do vậy, cũng khác nhau qua mỗi lần xuất hiện, mỗi
hiện dạng, mỗi biến thể nhất định. Chắc chắn rằng, giá trị thẩm mĩ của các tín hiệu đơn
bướm, hoa sẽ khác với các tín hiệu sóng đôi bướm - hoa (Ai làm cho bướm lìa hoa - Cho
chim xanh nỡ bay qua vườn hồng); giá trị biểu trưng của tín hiệu áo sẽ rất khác với khi
chúng được miêu tả qua các biến thể kết hợp áo rách - áo gấm xông hương (Chồng ta áo
rách ta thương - Chồng người áo gấm xông hương mặc người). Có được sự khác biệt
này chính là nhờ vào việc quá trình biểu trưng hóa đã vận hành theo cơ chế của tín hiệu
ngôn ngữ, giúp cho các tín hiệu thẩm mĩ biểu thị được các ý nghĩa hàm ẩn mang tính biểu
trưng.
Sự chuyển nghĩa theo cơ chế biểu trưng hóa được thể hiện trên các cấp độ ngôn
ngữ - CBĐ thông thường: biểu trưng hóa ngữ âm, biểu trưng hóa từ vựng, biểu trưng hóa
cấu trúc biểu đạt. Trên bình diện ngữ âm, một cách gieo vần lạ, luyến láy lạ thường cũng
đưa đến sự biểu trưng hóa về mặt ngữ âm: Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi / Hổn hển
như lời của nước mây / Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc / Nghe ra ý vị và thơ ngây (Mùa
xuân chín, Hàn Mặc Tử); Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo / Đường đi thiên thẹo quán
cheo leo... Thú vui quên cả niềm lo cũ / Kìa cái diều ai nó lộn lèo (Quán Khánh, Hồ
Xuân Hương). Những âm thanh lạ hóa được dùng trong mấy câu thơ trên đã giúp cho
người đọc liên tưởng không gian ân ái, tình tứ, không gian của yêu đương. Trên bình diện
từ vựng -ngữ nghĩa, một cách dùng từ độc, lạ cũng sẽ đưa đến một sự biểu trưng hóa cao,
đầy những liên tưởng sáng tạo. Cách dùng từ thoi thót, chứ không phải thoi thóp trong
câu thơ Chim hôm thoi thót về rừng / Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành, Nguyễn Du
đã thực sự tạo nên một hình ảnh biểu trưng hóa rõ nét: sự yếu ớt mỏng manh, sự đáng
thương cho cả cách chim mệt mỏi lẫn nàng Kiều tội nghiệp, một không gian bất thường
và thời gian bất thường càng làm cho nỗi buồn và sự bất an tăng lên gấp bội, một phần
cũng nhờ vào những kết hợp bất thường về nghĩa trong cách dùng từ - CBĐ cho tín hiệu
thẩm mĩ. Hay trong câu ca dao: Nạ dòng vớ được trai tơ / Đêm nằm hí hửng như mơ
được vàng, cho thấy cách dùng vớ được (chứ không phải tìm được, gặp được, kiếm được,
cưới được), hí hửng (chứ không phải sung sướng, phấn khởi, sướng dạ) thực sự đầy sáng
tạo, tinh tế người nghệ sĩ dân gian. Trên bình diện cấu trúc cú pháp, các biện pháp lạ hóa,
những kết hợp lệch chuẩn, bất thường về nghĩa, quái đản (chữ dùng của GS Phan Ngọc)
đều đưa đến sự biểu trưng hóa trong cách diễn đạt. Những cách viết lạ hóa kiểu: Trăng
nằm sóng soãi trên cành liễu / Đợi gió đông về để lả lơi (Hàn Mặc Tử), Thu tới ngoài kia
/ Nghe nhân thơm trong trái nặng / Nghe mưa ấm trong cành thưa / Nghe đưa đẩy gió
ru lúa chín / Xôn xao cuống lá rụng thay mùa (Huy Cận),... luôn đưa lại những liên tưởng
mới lạ, hàm ý biểu trưng cao. Đặc biệt, ngôn ngữ trong thơ hiện đại và hậu hiện đại, càng
xuất hiện nhiều kết hợp độc đáo, lạ lẫm ngay chính với cả cảm quan của người bản ngữ
tiếng Việt. Rõ ràng, những cách viết như Em ngồi xâu những hạt mưa (Vi Thùy Linh),
Thiếu phụ chong đèn / khâu đợi chờ thành tấm chăn / ủ men ái tình hương cốm (Phan
Huyền Thư),... luôn đưa lại những khoái cảm thẩm mĩ nhất định.
2.2.3. Biểu trưng hóa hình thành gắn liền với các đặc trưng văn hóa- tri nhận của dân
tộc, những chủ thể tạo tác và chủ thể lí giải
Giá trị biểu trưng của tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương được liên tưởng phụ
thuộc vào sự lĩnh hội của chủ thể tiếp nhận, gắn liền với những điều kiện về văn hóa, lịch
sử, phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Một yếu tố hiện thực trở nên mang tính thẩm mĩ,
đó là do vai trò của sự liên tưởng trong tư duy của chủ thể tiếp nhận, chịu sự chi phối về
điều kiện lịch sử, văn hóa, tâm lý của cá nhân liên quan đến sự liên tưởng của chủ thể tiếp
nhận. Điều này được thể hiện qua sự lựa chọn từ, ngữ, hình ảnh trong hệ thống tín hiệu
ngôn ngữ làm CBĐ cho tín hiệu thẩm mĩ. Quá trình biểu trưng hóa trong ngôn ngữ văn
chương cũng diễn ra như thế. Chẳng hạn, ngôn ngữ ca dao thể hiện sự đánh giá, cách
cảm, cách nghĩ của dân tộc ở mỗi vùng miền khác nhau. Ca dao truyền thống sử dụng cả
những vật thể mang tính ước lệ và đầy mộng tưởng để biểu trưng hóa các ý nghĩa thẩm
mĩ như: rồng - mây, chăn loan - gối phượng, đũa ngọc - mâm vàng, gác tía - lầu hoa, con
dao vàng - lá trầu vàng...nhưng những chất liệu bình thường sẵn gặp trong đời sống dân
dã hàng ngày như: hoa nhài - bãi cứt trâu, măng non - cá ngạnh nguồn, con chèo bẻo -
cây măng vòi, thuyền - bến, cây đa - bến nước...vẫn là phần chủ yếu, tạo nên “phong vị”
ca dao Việt Nam.
-Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại
Tiếc bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.
Điều này có thể được giải thích từ đặc trưng văn hoá cổ truyền người Việt là nền
văn hoá “thực vật”, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời. Không phải ngẫu
nhiên mà trong ca dao Việt Nam xuất hiện nhiều vật thể liên quan đến sông nước, núi đồi
và các công cụ sản xuất nông nghiệp. Những chất liệu bình dị, rất quen thuộc ấy lại đi
qua tâm hồn thơ dân gian rất nhạy cảm đã tạo nên những giá trị thẩm mĩ độc đáo. Và
chắc chắn rằng, ca dao miền Trung với khí hậu khắc nghiệt sẽ lắm: sông sâu, núi thẳm,
sông cùng, núi cao, sông rộng, non ngất sông dài, rừng xanh xanh, đèo, khe, lên thác
xuống ghềnh...; và ca dao Nam Bộ - xứ sở của vùng “miệt vườn sông nước” sẽ lắm:
thuyền, ghe, nôốc, lạch, hói, vời, vực...; còn trong ca dao Bắc Bộ chắc chắn sẽ nhiều hình
ảnh của mận, đào, trúc, mai, cây đa, bến nước, con đò... Điều này phản ánh đặc trưng văn
hóa - tri nhận của mỗi vùng văn hóa trong việc biểu trưng hóa các tín hiệu thẩm mĩ.
Có một điều chắc chắn rằng, sự chi phối về điều kiện lịch sử, văn hoá ảnh hưởng
trực tiếp đến quá trình biểu trưng hoá của các tín hiệu thẩm mĩ, đến việc lựa chọn hình
thức ngôn ngữ- CBĐ. Chẳng hạn, để biểu trưng cho làng quê Việt Nam phải tính đến cây
đa, bến nước, con đò, mái đình...; để biểu trưng cho cái lớn lao, cái vĩnh hằng phải liên
tưởng tới trời xanh, biển rộng, sông dài, núi thẳm, non ngất, sông cùng...; để biểu trưng
cho thế giới của tình yêu phải liên tưởng đến vườn xuân, vườn đào, thuyền-bến, mận-
đào, loan- phượng, trầu- cau...
Chất liệu ngôn ngữ trong ca dao so với trong thơ sẽ có sự khác biệt, và ngay trong
từng khuynh hướng thơ ca cũng khác nhau. Chẳng hạn, tín hiệu mùa xuân6 được biểu
trưng hóa trong từng giai đoạn thơ và từng tác giả khác nhau. Sự biểu trưng hóa tín hiệu
mùa xuân trong Truyện Kiều liên tưởng đến tuổi trẻ, tình yêu, tình nhân: Xuân xanh xấp
xỉ tới tuần cập kê (câu 36), Những mình nào biết có xuân là gì (câu 1240). Đến thơ Mới,
mùa xuân như một nhãn tự trong hệ thẩm mĩ thơ ca: nàng xuân, xuân hồng, xuân ửng,
xuân tươi, xuân thì, xuân rụng, xuân tình: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi (Xuân
Diệu), Gió đông mơn mởn bông hoa nở / Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ (Đông Hồ),

6
Về tín hiệu mùa xuân, chúng tôi đã có dịp công bố qua bài viết: Biểu trưng của mùa xuân trong thơ ca (Tc Ngôn
ngữ và Đời sống, số 6/2007, tr.32-37)
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Hàn Mặc Tử)...và
có lẽ, mùa xuân còn thêm nét nghĩa biểu trưng cho Đảng khi xuất hiện trong dòng thơ
cách mạng. Trong thơ Tố Hữu, hệ biểu tượng mùa xuân - Đảng - cách mạng - Bác Hồ
luôn tồn tại một chuỗi thống nhất trong mạch ngầm ngữ nghĩa của mỗi bài thơ xuân: Vì
muôn đời hoa lá xanh tươi / Ta quyết thắng giành mùa xuân đẹp nhất...
Các đặc điểm văn hóa - tri nhận của quá trình biểu trưng hóa không chỉ thể hiện
qua việc lựa chọn chất liệu CBĐ của người tạo lập tín hiệu thẩm mĩ (người tạo mã) mà
còn được biểu hiện qua sự giải mã tín hiệu thẩm mĩ đó trong tác phẩm văn chương
(người giải mã). Văn chương bao gồm trong nó nhiều loại mã: mã ngôn ngữ, mã văn hóa,
mã xã hội, mã thẩm mĩ,... Vì thế, việc giải mã là công việc đồng sáng tạo với người lập
mã, trong sự tương tác mã và chuyển mã một cách linh hoạt trong giao tiếp văn chương.
Trong mô hình kí hiệu học ba bình diện của Ch. Pierce7 thì bình diện thứ ba, bình diện
dụng học của kí hiệu, thực chất cũng là sự giải mã kí hiệu trong sử dụng. Sự lý giải của
người đọc- chủ thể lý giải- mang tính ước định và tính thời đại, chịu sự chi phối về điều
kiện lịch sử, văn hóa, tâm lý của cá nhân và sự liên tưởng của chủ thể tiếp nhận.
III. Kết luận
Hệ thống tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương chính là những tín hiệu bậc
hai, xét trong mối quan hệ hai mặt CBĐ và CĐBĐ - một quan hệ có lý do, liên quan đến
năng lực biểu trưng hoá các yếu tố, các chi tiết, các sự vật hiện tượng được đưa vào làm
chất liệu cho tín hiệu thẩm mĩ. Sẽ không quá khi nói rằng, quá trình tìm hiểu giá trị biểu
trưng của tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương, xét cho cùng, chính là quá trình tiếp cận, lí
giải những ý nghĩa cuộc sống đi vào ngôn ngữ, vào ngôn từ nghệ thuật rồi lại trở về cuộc
sống với một chất lượng mới hơn, ưu việt hơn. Đây cũng chính là cơ chế hình thành tín
hiệu ngôn ngữ thông qua con đường biểu trưng hóa trong tác phẩm văn chương.
Nghiên cứu giá trị biểu trưng và cơ chế biểu trưng hóa trong văn chương chính là
nghiên cứu các phương diện kí hiệu học, tập trung ở một số vấn đề cơ bản sau:

7
Lý thuyết ký hiệu học ba bình diện của Ch. Pierce được lí giải như sau: một kí hiệu gồm 3 thành tố: (1) đối tượng
(object), (2) cái đại diện (representamen), (3) cái diễn giải (interpretant). Sự tương tác của 3 thành tố này được tác
giả gọi là tiến trình kí hiệu hóa (semiosis)., lược dẫn theo Daniel Chandler (2007), Semiotics: The Basics [3].
- Xem xét vai trò CBĐ của tín hiệu thẩm mĩ, tức tín hiệu ngôn ngữ, trong việc kết
hợp các quy tắc tạo nghĩa trên bình diện kí hiệu học biểu thị, được thể hiện qua các cấp
độ ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và trong các mối quan hệ đồng nhất và đối lập, quan hệ
kết hợp và liên tưởng của tín hiệu ngôn ngữ trong hệ thống.
- Xem xét năng lực biểu trưng hóa của chính CBĐ, hình thành nên cơ chế tạo
nghĩa hàm ẩn, giúp cho tín hiệu thẩm mĩ hoạt động như một hệ thống kí hiệu bậc 2: ký
hiệu học hàm thị. Cơ chế vận hành của kí hiệu học hàm thị chính là quy luật về tính đa
nghĩa, tính hàm súc trong ngôn ngữ văn chương.
Như vậy, biểu trưng hóa trong văn chương là một dạng chuyển nghĩa. Quá trình
chuyển đổi ý nghĩa đó diễn ra theo chiều hướng càng hàm súc, càng đa nghĩa. Việc tìm
hiểu, nghiên cứu giá trị biểu trưng của các tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương, do vậy,
không chỉ đi từ vế nắm bắt được đến vế khác không nắm bắt được tàng ẩn trong hình
tượng, kết cấu, từ ngữ mà còn góp phần chỉ ra những đặc trưng văn hóa - tri nhận và lối
tư duy liên tưởng của người Việt gắn với mỗi thời kỳ, mỗi vùng miền khác nhau.
Nghĩa biểu trưng thực chất chỉ là cái nghĩa tiềm năng nằm sâu trong cấu trúc ý
nghĩa của từ và không được đưa vào định nghĩa của từ điển. Nó chỉ xuất hiện bằng con
đường biểu trưng hóa các tín hiệu ngôn ngữ, bằng các biện pháp thay thế lâm thời về
nghĩa để làm cho cách diễn đạt thêm bóng bẫy, mang hàm ý. Đây là kết quả của quá trình
chuyển hóa qua lại của hai xu hướng: xu hướng cụ thể hóa cái trừu tượng, phức tạp thuộc
đời sống tâm tư tình cảm của con người và xu hướng tinh thần hóa, nhân sinh hóa các
hiện tượng thuộc thế giới tự nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN


[1] Đỗ Hữu Châu (2005), “Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự
kiện văn học”, Đỗ Hữu Châu toàn tập, tập 2: Đại cương-Ngữ dụng hoc-Ngữ pháp văn
bản, Nxb Giáo dục, tr.777-786.
[2] Daniel Chandler (2007), Semiotics: The Basics (Second Edition), Routledge,
London and New York.
[3] F. de Saussure (2005), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Cao Xuân Hạo
dịch, Nxb KHXH,
[4] R.Barthes (2002), "Cơ sở của ký hiệu học", in trong Chủ nghĩa cấu trúc và Văn
học, Nxb Văn học, tr.302-360.
[5] R.Jakobson (2008), Thi học và ngữ học, lí luận văn học phương Tây hiện đại
(Trần Duy Châu biên khảo), Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
[6] Nguyễn Lai (1998), Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học, Nxb Giaó
Dục, Hà Nội.
[7] Trương Thị Nhàn (1995), Sự biểu đạt bằng ngôn ngữ các tín hiệu thẩm mĩ
không gian trong ca dao, Luận án PTS, ĐHSP Hà Nội.
[8] Trần Văn Sáng (2004), “Tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với tín hiệu
thẩm mĩ trong tác phẩm văn học”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 12.
[9] Trần Văn Sáng (2007), “Biểu trưng của mùa xuân trong thơ ca”, Tạp chí Ngôn
ngữ và Đời sống, số 6.
[10] Trần Văn Sáng (2009), “Thế giới màu sắc trong ca dao: qua sự khảo sát hệ
thống từ chỉ màu sắc”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.
[11] Trần Văn Sáng (2015) “Mấy tiền đề cho việc giảng dạy văn học dưới ánh
sáng của lý thuyết ngôn ngữ-tín hiệu thẩm mĩ”, in trong Bồi dưỡng năng lực cho giảng
viên các trường Sư phạm", ĐHSP Đà Nẵng, Nxb Thông tin truyền thống, tr.678-689.
[12] Trần Văn Sáng (2015), "Biến thể miêu tả của tín hiệu thẩm mĩ" (Nghiên cứu
trường hợp tín hiệu thẩm mĩ sóng đôi trong ca dao), TC Khoa học và Giáo dục, Trường
ĐHSP - ĐHĐN, Số: 17A (04), tr.89-95.
[13] Trần Văn Sáng (2016), “Hệ thống tín hiệu thẩm mĩ - sóng đôi trong ca dao
dưới ánh sáng của lý thuyết ký hiệu học”, in trong Kí hiệu học từ lí thuyết đến ứng dụng
trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.177-192.
[14] Bùi Minh Toán (2012), Ngôn ngữ với văn chương, Nxb GDVN.
[15] Hoàng Trinh (1992), Từ ký hiệu học đến thi pháp học, Nxb KHXH, Hà Nội.
[16] Mai Thị Hồng Tuyết (2016), Hình tượng văn học như là kí hiệu, Nxb KHXH,
Hà Nội.
[17] Umberto Eco (1986), Semiotics and the Philosophy of language, Indiana
Uniersity Press.
[18] Yuri M.Lotman (1990), Universe of the mind: A Semiotic Theory of Culture,
translated by Ann Shukman.
[19] Yuri M.Lotman (2015), Kí hiệu học văn hóa, Nxb ĐHQG Hà Nội.

You might also like