Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ

Trương Hán Siêu là một người có học vấn uyên bác, tính tình cương trực, từng
giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và có nhiều đóng góp lớn cho hai cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Những tác phẩm của ông thường bộc lộ tình
yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. “Phú sông Bạch Đằng” là một tác phẩm như thế.
Đọc bài Phú, ta không chỉ được sống dậy trận chiến Bạch Đằng năm xưa, mà còn có
nhiều suy ngẫm về thời thế, cuộc đời, thấy được tình yêu, niềm tự hào về đất nước
cũng như thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Trương Hán Siêu.
Phú sông Bạch Đằng (tên chữ Hán Bạch Đằng giang phú) được dự đoán ra đời
vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên thắng lợi của nhà
Trần. Lấy cảm hứng từ một đề tài cũng không hề xa lạ, bởi sông Bạch Đằng đã trở
thành thi liệu sáng tác của nhiều nhà thơ như Trần Minh Tông, Nguyễn Sưởng, sau
này là Nguyễn Trãi. Nhưng Trương Hán Siêu trong Phú sông Bạch Đằng đã mang tới
biết bao cảm xúc vừa chân thực, thiết tha vẫn hoài niệm, xúc động để khơi dậy nên
niềm tự hào, lòng yêu nước và khẳng định những tư tưởng nhân văn cao đẹp về giá trị
con người. Có nhiều ghi chép cho rằng,Trương Hán Siêu sáng tác bài phú này vào thời
điểm đất nước dưới thời hậu Trần (hai vị vua Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông) có
dấu hiệu suy thoái. Vốn là một trọng thần, học vấn uyên thâm, tính tình đức độ, trải
qua bốn đời vua Trần, từng được các vua tôn kính và gọi là "thầy", trước thực trạng đất
nước như vậy, ông cảm thấy chán nản và tự mình ngao du đây đó. Và điểm đến của
ông không đâu khác chính là con sông Bạch Đằng để hoài niệm về một thời vàng son
của dân tộc. Có lẽ bởi vậy mà bài phú mới toát lên dư vị pha lẫn của một tâm hồn nghệ
sĩ lãng tử, một sử nhân hoài cổ và một nỗi niềm nhân thế thầm kín.
Ta đã từng biết, Trương Hán Siêu là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương
trực, tâm hồn phóng khoáng. Chín câu đầu cho thấy “khách” là một tao nhân với rượu
túi thơ “chơi vơi” theo cánh buồm, làm bạn với gió trăng qua mọi miền sông biển. Vì
thế, “Khách” ở đây là tác giả, là Trương Hán Siêu đã nhập cuộc vào câu chuyện để kể
cho chúng ta về chiến tích lưu giữ muôn thuở, về dòng sông lịch sử Bạch Đằng Sống
hết mình với thiên nhiên, du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần. Đêm thì “chơi trăng
mải miết”, ngày thì: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; Chiều lần thăm chừ Vũ
Huyệt”,…Khách đã đi nhiều và biết nhiều. Các danh lam thắng cảnh như Nguyên
Tương, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,… đều ở trên đất nước Trung Hoa
mênh mông, ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nói lên một cá tính, một tâm hồn:
yêu thiên nhiên tha thiết, lấy việc du ngoạn làm niềm lạc thú ở đời, tự hào về thói
“giang hồ” của mình:
“Nơi có người đi
Đâu mà chẳng biết”.
Các địa danh xa lạ không chỉ là cảnh đẹp mà còn gợi ra một không gian bao la,
chỉ có những người mang hoài bão và “tráng chí bốn phương” mới có thể “giương
buồm…lướt bể” đi tới. Những địa danh nổi tiếng của đất nước Trung Quốc đi kèm
với cụm động từ: gương buồm, dong gió, lướt bể, chơi trăng… càng khắc hoạ tinh thần
tự do, tự tại, phóng khoáng. Dù thực chất đây chỉ là một cuộc dạo chơi trong những
trang sách, trong trí tưởng tượng của ông nhưng nó vô cùng sống động bởi Trương
Hán Siêu là người học thức thâm sâu nên ông thu vào trong mắt mình muôn trùng
nước non của nơi phương xa vạn dặm. Đầm Vân Mộng là một thắng cảnh tiêu biểu
cho mọi thắng cảnh. Thế mà “Khách” đã “chứa vài trăm trong dạ”, đã thăm thú nhiều
lần đã từng thưởng ngoạn bao cảnh đẹp tương tự. Vẫn chưa thỏa lòng, vẫn còn “tha
thiết” với bốn phương trời.
“Đầm Văn Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”.
Vẫn còn tha thiết là bởi chưa thỏa được mộng tiêu dao, …. Vì thế Trương Hán
Siêu đã theo cái chí của người xưa “học Tử Trường” đi về phía Đông Bắc “buông
chèo” cho thỏa chí “tiêu diêu”. Người xưa nói: “Muốn học cái văn của Tư Mã Tử
Trường thì trước tiên phải học cái chơi của Tử Trường”. Tử Trường là Tư Mã Thiên,
tác giả bộ “Sử ký” bất hủ, là nhà văn, nhà sử học tài ba đời Hán. Con người ấy vẫn
được xem là nhà du lịch có một không hai thời xưa. Trương Hán Siêu với cánh buồm
thơ lần theo sông núi:
“Qua cửa Đại than, ngược bến Đông triều,
Đến sông Bạch Đằng, bồng bềnh mái chèo”
“Bát ngát sóng kình muôn dặm”
Bạch Đằng giang, con sông oai hùng của Tổ Quốc Đại Việt. Chỉ con sông ấy mới
thỏa được khát vọng, chí hướng, mới là điểm về trong tâm tưởng của thi nhân, hóa ra
đó là thủ pháp “đòn bẩy”, “vẽ mây nảy trăng” thâm thúy và độc đáo.
Sông rộng và dài, cuồn cuộn nhấp nhô sóng biếc, như chính tráng chí bốn
phương của người lữ khách tìm về chốn xưa, nơi mình đã từng chứng kiến biết bao
điểu của 50 năm trước. Cuối thu (ba thu) nước trời một màu xanh bao la “Bát ngát
sóng kình muôn dặm – Thướt tha đuôi trĩ một màu- Nước trời: một sắc- Phong cảnh ba
thu”…Không gian mở ra với sóng kình với bể, từng lớp sóng lớn dập dìu vỗ vào bờ
dưới ánh trăng dát vàng xuống mặt nước, không gian ấy không chỉ tráng lệ mà vô cùng
lãng mạn. Các tính từ “bát ngát”, “thướt tha” càng tô đậm vẻ đẹp bao la của mặt nước
mênh mông. Tác giả đứng trước cửa biên nơi xảy ra giao tranh giữa ta và biển khiến
cho kẻ khách có cảm xúc tự hào vì cảnh đẹp trước mắt và cũng là vì lịch sử hào hùng
của dân tộc. Trong quá khứ, dòng sông ấy đã ôm lấy tháng năm, mở ra tương lai tươi
sáng của đất nước Đại Việt và ở hiện tại không gian thì mênh mông, thuyền bè thì đi
lại tấp nập là biểu tượng của cuộc sống trù phú, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Những câu văn tả thực mượn một hình ảnh của Vương Bột trong bài " Đằng Vương
các" " Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc" (Sông thu cùng với trời xa một màu). Tả
con sóng Bạch Đằng, vua Trần Minh Tông (1288-1356) viết : "Thuồng luồng nuốt
thuỷ triều, cuộn làn sóng bạc... Trông thấy nước dòng sông rọi bóng mặt trời buổi
chiều đỏ ối- Lầm tưởng rằng máu người chết vẫn chưa khô"( Bạch Đằng giang -Dịch
nghĩa ) Cảnh núi non, bờ bãi được miêu tả, đã tái hiện cảnh chiến trường rùng rợn một
thời:
"Bờ lau san sát.
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy
Gò đầy xương khô"
Bờ lau, bến lách gợi tả không khí hoang vu. hiu hắt. Núi gò, bờ bãi trập trùng
như gươm giáo, xương cốt lũ giặc phương Bắc chất đống. Nét vẽ hoành tráng ấy, một
thế kỷ sau Ức Trai cũng viết: "Ngạc chặt kình băm non lởm chởm - Giáo chìm gươm
gãy bãi dăng dăng" ( "Cửa Biển Bạch Đằng"). Trương Hán Siêu miêu tả dòng sông
Bạch Đằng bằng những đường nét, màu sắc gợi cảm. Những ẩn dụ và liên tưởng mới
về dòng sông lịch sử hùng vĩ được miêu tả qua những cặp câu song quan và tứ tự tuyệt
đẹp. Mấy chục năm sau trận đại thắng trên sông Bạch Đằng(1288) nhà thơ đến thăm
dòng sông cảm thương xúc động:
"Buồn vì cảnh thảm Đứng lặng giờ lâu
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu".
Hóa ra, Trương Hán Siêu đến với Bạch Đằng giang đâu chỉ vì thú tiêu dao, mà
còn vì nơi ấy thật nhiều cảm xúc, nên đằng sau niềm tự hào ấy là cảnh sắc sầu bi, bởi
nơi ấy chứng kiến biết bao thảm cảnh: có những người chiến sĩ Đất Việt đã hi sinh bảo
vệ núi sông, có cả quân xâm lược phương Bắc phải chết vì mưu đồ kẻ thống trị. Thi
nhân ngậm ngùi, “buồn vì thảm cảnh – đứng lặng giờ lâu” trước “sông chìm giáo gãy
– gò đầy xương khô” cho thấy một con người có tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhất là
khi thời gian đã qua, chiến trường oanh liệt giờ trơ trọi, hoang vu, dòng thời gian làm
mờ biết bao dấu vết. Thì càng có cơ hội để suy ngẫm, trăn trở về những gì đã qua. Có
điều gì đó nuối tiếc, xót xa, xót xa nuối tiếc không chỉ vì “anh hùng đâu vắng tá” mà
quan trọng hơn là nuối tiếc một thời đại anh hùng, vĩ đại, nay đã là dĩ vãng, nay có biết
bao nhiêu cảnh ngang trái, của một xã hội bắt đầu mai một đi.
Hòa trong không gian của lịch sử, hình ảnh các bô lão xuất hiện đã làm tái hiện
không gian linh thiêng năm xưa với hai trận tiến đánh lừng lẫy dân tộc. “Bô lão” vừa
có thể là những người lính đã từng tham gia chiến đấu, cũng vừa có thể là những người
dân đã chứng kiến chiến trận năm xưa. Vì vậy, hình ảnh bô lão làm cho câu chuyện kể
càng trở nên lí thú, sinh động, chân thực hơn. Điều đó khiến ta mường tượng nhớ về
khí thế dũng mãnh nhà Trần khi xăm lên mình hai chữ “Sát Thát” và sự hào sảng của
các bô lão khi cùng hô vang “Đánh! Đánh! Đánh!” trong điện Diêm Hồng. Giọng điệu
bài thơ, vì thế trong phút chốc bống lại đầy hào hứng say mê, ở đầu, nhân vật các bô
lão kể về trận chiến vua Trần bắt tên Ô Mã cầm đầu, và đây cũng là nơi mà vua Ngô
đại phá quân Hoằng Thao, là dòng sông đã kinh quá nhiều chiến trận… Sông Bạch
Đằng, vì vậy là dòng sông lịch sử, dòng sông của chiến công, dòng sông soi bóng biết
bao người anh hùng, bao người chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Những “Trùng
Hưng Nhị Thánh” và “Ngô chúa” đầy trang trọng gắn với “bắt”, “phá” kẻ thù “Ô Mã”,
Hoằng Thao” – đầy khinh bỉ, cho thấy những vị bô lão kia mang trong mình dòng chảy
của lịch sử, dòng chảy của lòng yêu nước. Sau và trước, gần và xa, ta và giặc, người
chiến thắng và kẻ thảm bại được đặt trong thế tương phản đối lập đã khắc sâu và tô
đậm niềm tự hào sông núi. "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" vì nó là mồ chôn lũ xâm
lược phương Bắc.
Năm 938, Ngô Quyền dùng mưu đại phá quân Nam Hán:
"Bạch Đằng một trận giao phong
Hoằng Thao lạc vía, Kiều công nộp đầu"
Năm 1288, Trần Quốc Tuấn mở một trận quyết chiến - chiến lược bắt sống Ô Mã
Nhi và tiêu diệt hàng vạn quân xâm lược Nguyên - Mông:
"Bạch Đằng một cõi chiến tràng,
Xương bay trắng đất, máu màng đỏ sông".
Trận chiến của vua tôi Trần Hưng Đạo được chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng, cẩn thận
và chu đáo. Không khí chiến trận đầy quyết liệt:
"Đương khi ấy:
Thuyền tàu muôn đội,
Tinh kì phấp phới.
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi."
Đội quân chiến đấu vô cùng hùng mạnh, vũ khí giáo gươm sáng chói, phương
tiện thuyền bè nhiều vô kể, khí thế dũng mạnh ngút trời, cờ chiến tung bay pháp phới
giữa trời trận mạc. Cuộc chiến đấu khiến cho ánh nhật nguyệt cũng phải mờ, bầu trời
ước chừng đổ sập. Đó là trận chiến mà cả hai bên đều khó phân thắng bại, kẻ tám lạng
người nửa cân, ngang sức, ngang tài. Các dũng sĩ nhà Trần với quyết tâm " Sát Thát,
với dũng khí mạnh như hổ báo xung trận. Chiến sự dữ dội ác liệt, giằng co: " Trận
đánh thư hùng chửa phân - Chiến lũy Bắc Nam chống đối". Khói lửa mù trời. Tiếng
gươm giáo, tiếng quân reo , tiếng sóng vỗ. Ngựa hí, voi gầm. Thuyền giặc bị đốt cháy,
bị va vào cọc gỗ bịt sắt nhọn vỡ đắm tan tành. Máu giặc nhuộm đỏ dòng sông. Trận
đánh kinh thiên động địa được tái hiện bằng những nét vẽ, những chi tiết phóng bút,
khoa trương rất thần tình. Âm thanh và màu sắc, trực cảm và tưởng tượng được tác giả
phối hợp vận dụng, góp phần tô đậm trang sử vàng chói lọi.
Rồi sau đó tác giả như muốn rõ lên cuộc chiến đấu oanh liệt này. Hai bên ngang
hàng ngang sức nên trận chiến khó có thể phân thắng bại. Bức chân dung kẻ địch hiện
lên với tính chất phi nghĩa, bất nhân, hung hăng, bạo ngược với “thế cường”, “chước
dối”.
“Kìa
Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối
Những tưởng gieo roi một lần
Quét sạch Nam bang bốn cõi”
Giữa khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, trong mắt các bô lão, chiến thắng
năm xưa trước tiên là “thiên thời”, là “trời chiều lòng người”, khiến cho “hung đồ hết
lối”. Đó dường như là một quy luật vĩnh hằng của đất trời xưa nay, đã từng được ghi
lại trong chính sử sách của đất nước Trung Quốc.
“Khác nào khi xưa
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi”
Nhắc lại những chứng cứ đó, Trương Hán Siêu một mặt chế giễu, coi thường dã
tâm xâm lược của kẻ thù, so sánh quân Nguyên Mông không khác gì Tào Tháo, Bồ
Kiên, giờ tan tác tro bay, hoàn toàn chết trụi, mà còn tự hào trận Bạch Đằng năm xưa
xứng đáng sánh ngang với những trận chiến lớn như Xích Bích, Hợp Phì, vốn vang
danh trong sử sách Trung Hoa.
Sau thời khắc sống lại những giây phút hào hùng thắng lợi của quân dân ta, các
bô lão đã nhận định về nguyên nhân dẫn đến thắng lợi:
"Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an"
Trong đó, ba yếu tố được nhấn mạnh đến chính là thiên thời - địa lợi - nhân hòa,
vai trò của con người là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt hình ảnh của Hưng Đạo Đại
Vương Trần Quốc Tuấn được so sánh với những người hùng thế hệ xưa như một lời
khẳng định sức mạnh, sự anh minh, tài năng lãnh đạo nghĩa quân của ông "Bởi đại
vương coi thế giặc nhàn". Trần Hưng Đạo chiến đấu với tư thế của kẻ làm chủ đất trời
non sông, với phong thái tự tin kiêu hãnh bởi địa phận đã ghi rõ ở sách trời. Kẻ làm
điều phi nghĩa sẽ gặp lại sự thảm bại, sự tự tin chiến thắng được nhắc lại như càng tôn
thêm vẻ đẹp bất diệt của Hưng Đạo Đại Vương. Bên cạnh niềm tự hào ấy là những nỗi
buồn thương, tiếc nuối cho sự ra đi của những lớp người xưa “Nhớ người xưa chừ lệ
chan”
Trong bài phú, riêng hai bài ca cuối bài được chuyển sang thể lục bát, đó là bài
ca của các bô lão và lời ca của kẻ khách:
"Sông Đằng một dải dài ghê...
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh"
"Anh minh hai vị thánh quân...
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao"
Lời ca của các bô lão đã ca ngợi hình tượng con sông Bạch Đằng mênh mông,
rộng lớn và hiểm trở, thể hiện niềm tự hào về dòng sông lịch sử, đồng thời khẳng định
một quy luật tất yếu muôn đời kẻ bất nghĩa sẽ tiêu vong, người anh hùng sẽ được lưu
danh muôn đời. Còn lời ca của kẻ khách nối tiếp niềm tự hào đó, ca ngợi sự anh minh
của Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông mang đến sự thanh bình yên ổn muôn thuở
sau này của dân tộc.

You might also like