Trang PH C Và Văn Hóa

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

TRANG PHỤC VÀ VĂN HÓA

1. Giải thích
1.1 Khái niệm về trang phục
Trang phục (còn được gọi là y phục, quần áo, hay đồ mặc) là những đồ vật được mặc
trên cơ thể người. Trang phục bao gồm cả những phụ kiện thời trang khác, như thắt
lưng, mũ nón, giày dép, đều mang mục đích che chắn, bảo vệ hay làm tôn lên đường
nét của người mặc.
1.2 Khái niệm về văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ khái niệm về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng
như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ
viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh
hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và
phát minh đó tức là văn hóa.” Tựu trung lại, văn hóa chính là các phong tục, tập quán,
những hệ tư tưởng, nền nếp được hình thành qua quá trình sinh sống, tiếp thu của các
thế hệ đi trước truyền lại qua nhiều đời hậu thế và được chấp nhận rộng rãi bởi đại đa
số quần chúng nhân dân. Cùng với sự tiến bộ và phát triển của xã hội, như một quy
luật của tự nhiên, hệ tư tưởng và quan niệm đại chúng cũng dần thay đổi. Sự đổi mới
ấy mang đến một hệ quả tất yếu, rằng một số khía cạnh của nền văn hóa sẽ trở nên
không còn phù hợp với hoàn cảnh và vì thế, không còn được xã hội tuân theo. Theo
thời gian, những lề thói hủ lậu, những cổ tục lạc hậu một thời từng là lề luật bất khả
bất tuân đã bị đào thải khỏi nền văn hóa dân tộc. Chẳng có lịch sử của hai nền văn
minh nào là trùng lặp, vì thế, trên khắp bốn phương địa cầu, nền văn hóa của mỗi sắc
tộc lại mỗi một khác nhau, mỗi một đoàn thể lại có một bản sắc riêng biệt.

1.3 Sự liên kết giữa văn hóa và trang phục kèm kết luận
Năm tháng trôi đi, kéo theo nền văn hóa chuyển mình qua từng thời kì khác nhau.
Song hành cùng những sự biến chuyển ấy, cung cách ăn mặc của con người cũng từ
đó mà thay đổi. Có thể thấy, văn hóa là một nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến trang
phục, và ngược lại, trang phục đóng vai trò như tấm gương phản ánh nhiều khía cạnh
của nền văn hóa. Sở dĩ nói như thế là vì những thói quen, xu hướng và con mắt thẩm
mỹ của con người trong mỗi thời kỳ đã được thể hiện vô cùng rõ ràng qua nhu cầu ăn
mặc. Điều ấy đã tạo ra sự thay đổi về trang phục trong từng thời kì, từng giai đoạn lịch
sử. Như vậy, có thể kết luận: trang phục không chỉ tôn lên vẻ đẹp của người mặc, mà
còn có mối liên quan, gắn bó mật thiết với văn hóa. Chính vì sự liên kết ấy mà mỗi
quốc gia đều có những loại trang phục truyền thống khác nhau, mỗi bộ quốc phục đều
thể hiện một phần linh hồn dân tộc, một phần nét đẹp riêng biệt của một nền văn hóa
rực rỡ.

2. Bàn luận chứng minh


2.1 Trang phục thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc
Văn hóa nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Đông phương, trọng cái đẹp của sự
kín đáo, trang nghiêm mà vẫn phảng phất dịu dàng, mềm mại. Điều này được thể hiện
rất rõ trong trang phục truyền thống của nước ta, qua tà áo dài thướt tha, qua chiếc áo
tứ thân nữ tính, qua tấm áo bà ba dân dã, đậm chất miền quê. Vẻ đẹp văn hóa của mỗi
vùng miền cũng được thể hiện rõ nét qua những trang phục đặc trưng được mặc phổ
biến ở nơi đó. Nhắc đến Huế, ta nghĩ đến dáng dấp chiếc áo dài ngũ thân, tím lịm,
kiêu sa. Ngược lên phía Bắc, ta thấy nền văn hóa Bắc Bộ đằm thắm trong bộ áo tứ
thân giản dị, đứng đắn. Xuôi xuống miền Nam, ta thấy sự hiền hòa, đôn hậu trong
chiếc áo bà ba chân chất. Mỗi một loại trang phục lại thể hiện một nét tính cách, một
nét văn hóa khác nhau nơi người dân mỗi vùng miền, thể hiện nét đẹp đa dạng, phong
phú của một nền văn hóa rất “Việt Nam”.

2.2 Trang phục thể hiện nét đẹp văn hóa trong ứng xử
Mục đích của trang phục không chỉ gói gọn trong việc tô điểm thêm cho vẻ bề ngoài,
mà còn là một cách để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác. Tham dự những buổi
lễ, những buổi họp trang trọng, ta không nhất thiết phải chưng diện lộng lẫy, nhưng
chí ít trang phục cũng cần lịch sự, gọn gàng. Dù rằng trang phục không phải là thước
đo chuẩn xác nhất để đánh giá phẩm cách của một con người, thế nhưng, những người
ăn vận chỉn chu, sạch sẽ, đúng mực sẽ chiếm được thiện cảm của người đối diện hơn
những kẻ áo quần lôi thôi, luộm thuộm. Việc ăn mặc đúng đắn thể hiện sự văn minh,
dân trí nơi bản thân mỗi người, thể hiện sự tinh tế, khéo léo trong cung cách ứng xử
đời thường.

3. Bàn luận mở rộng


3.1 Văn hóa phân cấp dựa trên trang phục
Thời phong kiến, trang phục không chỉ đơn thuần là áo quần phụ kiện, mà còn là cách
khẳng định vị trí của một con người trong xã hội. Thời ấy, quần áo thêu hình rồng chỉ
có bậc tam tỷ mới được mặc, con cháu tôn thất lại chỉ được mặc hình thêu này. Trâm
cài, thường phục, khăn viền hình phụng chỉ bậc mẫu nghi mới được sử dụng, màu đỏ
cũng là của riêng người trong gia đình, thiếp thất không có quyền diện màu ấy. Về
sau, xã hội đã rũ bỏ được khỏi những lề thói hà khắc xưa cũ ấy, tuy nhiên ý niệm về
đẳng cấp dựa trên trang phục từ lâu đã cắm rễ, khắc sâu trong tiềm thức của một số
người. Điều này đã vô tình thúc đẩy sự phân biệt đối xử về cách ăn mặc, làm xã hội
trở nên thiếu bình đẳng, thiếu công bằng.

3.2 Thời trang nhanh làm ảnh hưởng xấu đến văn hóa (trang phục truyền thống)
Thời trang nhanh là xu hướng sản xuất quần áo sao chép các mẫu thiết kế được ưa
chuộng từ những thương hiệu thời trang lớn, với giá thành thấp hơn và chất lượng
kém hơn, được sản xuất hàng loạt để bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi tính
đặc thù chạy theo thời đại, hợp với xu hướng, những bộ cánh của các nhãn hàng thời
gian nhanh rất dễ dàng chiếm được thị hiếu của đại đa số khách hàng. Thị trường thời
trang may mặc cũng từ đó mà bị thống lĩnh bởi ngành thời trang “mì ăn liền” này. Vô
hình trung, sự phổ biến của thời trang nhanh đến nhiều đối tượng khách hàng đã mang
lại những ảnh hưởng không nhỏ đối với văn hóa trang phục truyền thống của nước
nhà, vốn là dấu ấn, là biểu trưng cho nền văn hóa lâu đời của dân tộc.
Giá cả vừa túi và mẫu mã đa dạng là hai yếu tố chính khiến những sản phẩm dạng thời
trang nhanh được người dùng ưa chuộng. Mặt khác, trang phục truyền thống lại không
có những lợi thế ấy. Mặc dù sở hữu nét đẹp duyên dáng, nhã nhặn cùng những giá trị
to lớn về mặt văn hóa, song với sự phát triển như vũ bão của ngành thời trang nhanh,
trang phục truyền thống đang ngày càng bị lép vế hơn trên thị trường. Người người,
nhà nhà, ai nấy đều ham thích những bộ cánh “rẻ, đẹp, hợp mốt” mà lãng quên phục
trang truyền thống, khiến một nét rất riêng, rất “thuần Việt” cũng từ đó mà dần bị phai
mờ, bị thay thế bằng những mốt áo quần chạy theo thời đại, bởi thứ thời trang mang
tính đào thải liên tục và không có giá trị trường tồn theo thời gian, càng chẳng làm
đằm thắm, đậm đà thêm cho bản sắc riêng của chính cá nhân, của chính dân tộc mình.

4. Phê phán
Mỗi người đều có tự do về quyền lựa chọn trang phục cho bản thân mình, đó là quyền
cơ bản, quyền được quyết định với cơ thể của chính mình, nhưng lằn ranh giữa “tự do
trang phục” và “phản cảm” là vô cùng mong manh, đây là hai hai khái niệm rất dễ bị
nhầm lẫn. Vấn đề phản cảm hay không còn tùy thuộc vào đối tượng, vào hoàn cảnh,
vào nơi chốn mà bộ trang phục được mặc.

4.1 Trang phục không phù hợp với độ tuổi


Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông,
những luồng tư tưởng độc hại, lệch lạc cũng được dịp thừa cơ len lỏi vào trí óc hãy
còn chưa hoàn toàn trưởng thành của những đứa trẻ mới lớn, khiến họ bắt chước, học
đòi theo những lối ăn mặc kệch cỡm, lố bịch, điển hình là những mốt khoe thân quá
đỗi táo tợn. Dạo quanh một vòng những trang mạng lớn như Facebook, Tiktok, không
khó để bắt gặp những tài khoản với ảnh đại diện là chủ nhân trong bộ trang phục rất ư
gợi cảm, hoặc là hình khuất mặt, chỉ để lộ thân trên mặc độc một lớp áo lót mình.
Chính chủ của những tài khoản ấy, đôi khi, đáng buồn thay mới chỉ là một học sinh
cấp hai. Hiện tượng trên không hề hiếm gặp, mà trái lại, đang ngày càng một lan rộng,
trở thành một vấn nạn về trang phục nhức nhối trong cộng đồng học sinh hiện nay.
Việc thể hiện phong cách và cá tính riêng của người trẻ không có gì đáng chê trách,
tuy nhiên, có những phong cách đôi khi chưa hẳn là phù hợp với một độ tuổi nhất
định, vì vậy, điều quan trọng vẫn là biết lựa chọn quần áo, phụ kiện sao cho vừa làm
nổi bật được phong cách riêng của bản thân, vừa phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi
của mình.

4.2 Trang phục phản cảm ( với những nơi tôn nghiêm, với bản thân hoặc mọi
người)

Vào những năm trở lại đây, vấn đề về việc ăn mặc gợi cảm khi đến những nơi cung
kính, linh thiêng luôn là một đề tài nổi cộm được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Có người cho rằng chỉ cần trong tâm, trong lòng kính trọng thì vẻ bề ngoài không quá
quan trọng, có người lại cho rằng khi tham gia hoạt động ở những nơi tôn nghiêm thì
cần phải mặc thật kín đáo. Tuy chín người mười một ý, nhưng theo quan niệm chung
của đại đa số người trong cộng đồng, đã tham gia các hoạt động tôn giáo, cần được
cung kính, nghiêm trang thì cần phải chọn trang phục sao cho lịch thiệp, nhã nhặn.
Các trụ sở tôn giáo là nơi kính cẩn, cần sự trang trọng trong trang phục, nên việc mặc
những bộ cánh hở hang, bó sát khi có mặt ở những nơi này là không hề phù hợp. Hay
như việc diện những bộ đồ mỏng dính, xuyên thấu, “mặc như không mặc” khi xuất
hiện ở nơi công cộng cũng là hành vi phản cảm, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn
minh. Nhìn chung, những cung cách ăn mặc có phần lệch lạc với chuẩn mực như trên
đều đáng bị chê trách.

5. Kết luận
Trang phục và văn hóa đã “đi đôi như hình với bóng” từ xưa đến nay. Trong khi “cái
hình” trang phục thể hiện được những nét đẹp bởi màu sắc, hình dạng, phong cách,
hay tính cách bên trong của mỗi người thì “cái bóng” tức văn hóa, phản chiếu nên sự
khác nhau giữa những cộng đồng riêng biệt. Trang phục làm tôn lên những giá trị của
văn hóa, văn hóa lại làm cho những giá trị ấy trở nên đặc biệt để có thể nhận dạng
giữa các dân tộc hay nền văn minh khác nhau. Song hành cùng nhau, trang phục và
văn hóa có thể lột tả toàn bộ vẻ đẹp của một con người, cả về mặt vật chất và tinh
thần.
Muốn giữ gìn truyền thống văn hóa cho tươi thắm, cho đậm đà, nhất thiết cần phải
biết cách chọn lựa phục trang, biết chắp ghép sao cho “hình” nào hợp với “bóng” ấy.
Cần lựa chọn trang phục một cách tinh tế và phù hợp, đúng người, đúng chỗ. Bằng
cách ấy, trang phục và văn hóa mới có thể phối hợp hài hòa, mới có thể bộc lộ được cả
sự thẩm mĩ bên ngoài lẫn vẻ đẹp bên trong, làm bật lên khí chất của chính bản thân
người mặc.

You might also like