Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 25

PHÁT TRIỂN DU LỊCH HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM TẠI HOÀNG THÀNH

THĂNG LONG CHO SINH VIÊN KHOA VĂN HOÁ – DU LỊCH,


TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Phạm Thị Bích Thuỷ

Tóm tắt
Du lịch ngày càng được coi là một hình thức “trốn thoát” tạm thời thế giới hiện
thực mà con người đang tương tác hàng ngày. Du lịch là một cuộc tìm kiếm những trải
nghiệm phi thường, những giá trị chân thực, mới lạ đầy phấn khích như cuộc tìm kiếm
bản thân. Và ngày nay, người ta gọi nó là “du lịch trải nghiệm”. Trong những năm gần
đây, du lịch không chỉ là một nhu cầu quan trọng trong đời sống của con người, du
lịch còn trở thành hình thức học tập đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong các môi
trường giáo dục.
Phương pháp học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm cũng đã khẳng định
vai trò của nó trong việc giúp người học tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức và kỹ
năng. Bởi vậy, ở tất cả các bậc học, mô hình du lịch học tập trải nghiệm đã được
nghiên cứu và áp dụng, nhằm nâng cao chất lượng chất lượng dạy và học, đưa hoạt
động và mục tiêu học tập gắn liền, mật thiết hơn với thực tiễn cuộc sống sinh động. Ở
bậc đại học, đối với các ngành đào tạo du lịch và định hướng du lịch thì nhu cầu du
lịch học tập trải nghiệm càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi vậy, trong phạm vi
của bài báo, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu về du lịch trải nghiệm, học tập trải
nghiệm và tiến hành khảo sát nhu cầu của sinh viên Khoa Văn hoá – Du lịch, Trường
Đại học Thủ đô Hà Nội đối với hoạt động du lịch học tập trải nghiệm tại di sản văn
hoá thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Từ đó làm căn cứ để minh chứng cho tính hữu
ích của hình thức giáo dục này và là cơ sở đề xuất giải pháp nhằm phát triển du lịch
học tập trải nghiệm một cách hiệu quả hơn trong giáo dục đại học nói chung, giáo dục
đại học chuyên ngành du lịch nói riêng.
Từ khoá: Du lịch trải nghiệm, học tập trải nghiệm, nhu cầu du lịch học tập trải
nghiệm, sinh viên, Hoàng Thành Thăng Long.

Nội dung
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Du lịch trải nghiệm là một xu hướng mới, đang nổi lên và nhiều triển vọng
trong ngành du lịch trên toàn thế giới. Hiện nay, du lịch trải nghiệm được coi là một
hình thức du lịch mới, để phân biệt với “du lịch đại chúng” của những năm trước. Du
lịch trải nghiệm hướng tới mục tiêu là khách du lịch được khám phá sâu hơn, nhiều
hơn các giá trị của điểm đến, họ là người đồng sáng tạo tích cực thay vì chỉ là người
tiêu dùng dịch vụ một cách thụ động và thuần tuý.
Cùng với đó, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được Nhà nước và
các cơ sở giáo dục quan tâm, trong đó “học đi đôi với hành” trở thành nội dung trọng
tâm của mục tiêu đổi mới giáo dục. Học qua trải nghiệm được cho là một lý thuyết
học tập đóng vai trò trung tâm trong đào tạo theo năng lực (Nguyễn Văn Hạnh, 2017).
Dạy – học trải nghiệm là phương pháp dạy học bao gồm nhiều hình thức mà người
học được trải nghiệm để chủ động chiếm lĩnh tri thức và kỹ năng (Nguyễn Thị Ngọc
Phúc, 2018).
Xuất phát từ đặc điểm của du lịch trải nghiệm và học tập trải nghiệm mà hình
thức du lịch học tập trải nghiệm đang ngày càng trở nên phổ biến ở các loại hình và
đơn vị giáo dục. Qua khảo sát, trong chương trình đào tạo của các ngành du lịch và
định hướng du lịch của trường Đại học Thủ đô Hà Nội hầu hết đều thiết kế các học
phần liên quan đến học tập trải nghiệm ngoài thực tế. Hoạt động du lịch học tập trải
nghiệm của sinh viên diễn ra khá phong phú và đa dạng dưới nhiều hình thức khác
nhau, đem lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học. Những năm gần đây, các ngành
học cũng đã chủ động liên kết với các công ty du lịch, điểm đến du lịch tổ chức các
chuyến du lịch học tập trải nghiệm gắn với đặc thù của từng ngành học, từng học phần
giúp người học cụ thế hoá những kiến thức vào thực tiễn, qua đó hình thành thế giới
quan và định hướng nghề nghiệp một cách thiết thực hơn. Mặt khác, các “tour” du lịch
học tập trải nghiệm giúp sinh viên hứng thú trong việc tiếp cận tri thức; lĩnh hội kiến
thức và kỹ năng một cách tự nhiên không gò ép, giáo dục đào tạo theo đó đạt hiệu quả
cao hơn.
2. LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
2.1. Du lịch trải nghiệm
Hình thức du lịch trải nghiệm bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990, với sự
phát triển của dòng khách đi du lịch bằng cách tự lái xe riêng để được trải nghiệm
nhiều hơn. Đến năm 1999, thuật ngữ “trải nghiệm” đã được đưa ra trong khái niệm
“nền kinh tế trải nghiệm” bởi hai nhà kinh tế học Joseph Pine và Jim Gilmore. Ông
giải thích rằng, kinh tế thế giới cơ bản đã trải qua các thời kỳ: kinh tế nông nghiệp,
kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và giờ đây là kinh tế trải nghiệm. Vì thế, trải
nghiệm được xem là sự tiến bộ cao nhất của nền kinh tế, từ việc lựa chọn nguyên liệu,
sản xuất hàng hóa, phân phối dịch vụ đến tổ chức trải nghiệm. Trong khi hàng hóa là
hữu hình, dịch vụ là vô hình thì trải nghiệm là những kỷ niệm đáng nhớ. Trải nghiệm
của mỗi cá nhân là riêng có, nó biểu hiện trong một khoảng thời gian và thường liên
quan nhiều đến cảm giác, cảm xúc của con người. Trải nghiệm xảy ra khi có sự tham
gia của khách hàng (từ bị động đến chủ động ) và có sự liên kết với môi trường tự
nhiên và xã hội xung quanh (từ tiếp nhận – quan sát đến cảm nhận – hòa mình).
Bị thu hút

Trải nghiệm giải Trải nghiệm giáo


trí dục

Tham gia Tham gia


bị động chủ động

Trải nghiệm thẩm Trải nghiệm


mỹ thoát ly

Đắm mình
Hình 1. Mô hình bốn lĩnh vực và chiều kích của trải nghiệm
của Joseph Pine và Jim Gilmore1
Hai nhà khoa học đã chứng minh mô hình của mình dựa trên phân tích về sự
tăng trưởng của du lịch và ngành giải trí Hoa Kỳ tại các điểm tham quan như công
viên giải trí, các buổi hòa nhạc, rạp chiếu phim, các sự kiện thể thao… Kết quả là
ngành du lịch và giải trí tại các địa điểm đó đều có sự vượt trội về giá cả, việc làm
cũng như sự đóng góp và tổng sản phẩm quốc nội so với các lĩnh vực khác. Giải thích
của các ông là các doanh nghiệp này đều cung cấp những trải nghiệm được đánh giá
cao vì chúng độc đáo, đáng nhớ và thu hút các cá nhân theo những cách cá nhân hóa.
Từ khái niệm thuật ngữ “trải nghiệm”, đến nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra
nhiều cách hiểu khác nhau về “du lịch trải nghiệm”. Theo Abhinav.G “Du lịch trải
nghiệm trái ngược với du lịch đại chúng trước đây – chỉ tập trung vào các tour du
lịch trọn gói và các kỳ nghỉ với mức độ tham gia của các cá nhân thấp. Du lịch trải
nghiệm cho thấy hơn là mô tả. Du lịch trải nghiệm khuyến khích du khách tích cực
tham gia trải nghiệm thực tế và thúc đẩy con người tham gia các hoạt động ngoài
trời, hoà nhập vào các nền văn hoá và cộng đồng. Theo nghĩa này, nó rất cá nhân
hoá. Về cơ bản, du lịch trải nghiệm phải thu hút cả năm giác quan của du khách”2.
Natalia Tur Mari cho rằng “Du lịch trải nghiệm là một dịch vụ kinh tế đáng
nhớ, độc đáo và phi thường, là kết quả của một quá trình đồng sáng tạo theo giai
đoạn dựa trên các hoạt động kinh doanh và sự nâng cao có chủ đích của điểm đến
cho nhận thức và cảm xúc của du khách nhằm mục đích tạo ra giá trị”3.
Có thể nói thuật ngữ “Du lịch trải nghiệm” có rất nhiều cách tiếp cận khác
nhau, nhưng tựu chung lại, nó đã trở thành một thuật ngữ bao gồm rất nhiều loại hình
du lịch và khách du lịch như du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch giáo dục, du
lịch di sản, du lịch tự nhiên… Ở đâu các hoạt động thể hiện sự nhạy cảm với môi
trường, sự tôn trọng văn hoá bản địa và tìm kiếm sự học hỏi và trải nghiệm hơn là chỉ
quan sát và ngắm nhìn thì ở đó có du lịch trải nghiệm. Du lịch trải nghiệm liên quan
đến sự tham gia chủ động tích cực, hoà mình, thậm chí là đắm mình của người tham
dự.
2.2. Học tập trải nghiệm
Học tập thông qua trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp,
trong đó, người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản
ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống
và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Từ thời cổ đại, con người đã có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa và vai trò
của hoạt động thực tế với việc học tập của mỗi cá nhân. Ở phương Đông, hơn 2000
năm trước, Khổng Tử (551 - 479 TCN) nói: “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những
gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Ở phương Tây, Aristotle (384 -
332TCN) cho rằng “Những điều chúng ta phải học trước rồi mới làm, chúng ta học
thông qua làm việc đó”. Đây được coi là nguồn gốc tư tưởng đầu tiên của giáo dục
thông qua hình thức hoạt động trải nghiệm. Đến cuối thế kỉ XIX, nhà tâm lý học Kurt
Lewin đưa ra mô hình học tập trải nghiệm 4 giai đoạn: Kinh nghiệm cụ thể (giai đoạn
1); Thu thập dữ liệu, quan sát và phản ánh về kinh nghiệm đó (giai đoạn 2); Phân tích,
khái quát để hình thành các khái niệm trừu tượng và khái quát (giai đoạn 3); Thử
nghiệm những ứng dụng của khái niệm trong tình huống mới (giai đoạn 4).
Hình 2. Mô hình học tập trải nghiệm của K.Lewin7
Đến học giả David Kolb, mô hình học tập trải nghiệm đã được quy trình hóa
với các giai đoạn và thao tác. Ông nhấn mạnh kinh nghiệm đóng vai trò trung tâm
trong quá trình học và lĩnh hội kiến thức: “Học tập là quá trình mà kiến thức được tạo
ra thông qua việc chuyển đổi kinh nghiệm. Kết quả của kiến thức là sự kết hợp giữa
nắm bắt kinh nghiệm và chuyển đổi nó”.

Hình 3. Mô hình học trải nghiệm của D.Kolb (1984)4


Chu trình học tập trải nghiệm của D.Kolb gồm 4 bước như sau:
Bước 1-Trải nghiệm cụ thể (Concrete Experience - CE): học tập thông qua các
hoạt động, hành vi, thao tác cụ thể, trực tiếp gắn với bối cảnh thực tế như: đọc tài liệu,
nghe giảng, xem video về chủ đề đang học... Tất cả các yếu tố đó sẽ tạo ra các kinh
nghiệm nhất định cho người học và trở thành “nguyên liệu đầu vào” quan trọng của
quá trình học tập.
Bước 2-Quan sát phản ánh (Reflective Observation - RO): người học phân tích,
đánh giá các sự kiện và kinh nghiệm đã có. Sự đánh giá này mang yếu tố “phản ánh”
(người học suy nghĩ trở lại các hoạt động và kiểm tra một cách hệ thống những kinh
nghiệm đã trải qua, phát hiện những đặc điểm, ý nghĩa của nó). Từ đó, người học sẽ
nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống, rút ra được các bài học cũng như định hướng
mới cho chặng đường học tập tiếp theo.
Bước 3-Trừu tượng hóa khái niệm (Abstract Conceptualization - AC): sau khi
có được quan sát chi tiết cộng với suy tưởng sâu sắc, người học tiến hành khái niệm
hóa các kinh nghiệm đã nhận được. Bước này chính là bước quan trọng để các kinh
nghiệm được chuyển đổi thành “tri thức”, hệ thống khái niệm và bắt đầu lưu giữ lại
trong não bộ.
Bước 4-Thử nghiệm tích cực (Active Experimentation - AE): đây là bước cuối
cùng để người học xác nhận hoặc phủ nhận các khái niệm từ bước trước bằng cách
đưa các giả thuyết vào thực tiễn để kiểm nghiệm hay nói khác hơn, người học sử dụng
lý thuyết để giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Từ những lý thuyết trên, có thể thấy mô hình học tập trải nghiệm là mô hình lôi
cuốn người học vào các hoạt động tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và ra quyết
định trong những hoàn cảnh cụ thể với từng cá nhân. Phương pháp này tạo ra những
cơ hội để người học tổng kết và củng cố lại những ý tưởng và kĩ năng của mình thông
qua việc phản hồi, phân tích và chiêm nghiệm; từ đó có khả năng ứng dụng những ý
tưởng và kĩ năng đã tiếp thu vào những tình huống mới. Nếu như phương pháp giáo
dục truyền thống, đối tượng trung tâm là giáo viên, nhiệm vụ của người dạy là truyền
thụ kiến thức, người học thụ động lĩnh hội, ít liên hệ với thế giới bên ngoài; thì
phương pháp giáo dục qua trải nghiệm sẽ hướng đến lấy người học làm trung tâm,
nhiệm vụ của người dạy là sắp xếp và tổ chức quá trình học tập, định hướng nội dung
học tập, còn người học là người chủ động thực hiện nhiệm vụ và chiếm lĩnh tri thức,
môi trường học tập có thể diễn ra ngay trong cuộc sống, ngay trong những bối cảnh
thực tiễn, bởi thế quá trình học tập có sự liên hệ mật thiết với thế giới bên ngoài.
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu nhận thức của sinh viên về du lịch học
tập trải nghiệm, cũng như nhu cầu và thực trạng hoạt động du lịch học tập trải nghiệm
của sinh viên khoa văn hoá du lịch tại Hoàng Thành Thăng Long. Vì vậy nhóm tác giả
đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Thu thập, phân tích và tổng hợp các tài liệu, nghiên cứu liên quan đến du lịch
trải nghiệm, học tập trải nghiệm trong và ngoài nước để làm sáng tỏ lý thuyết của
hướng tiếp cận này. Quan phân tích thấy được hoạt động học tập trải nghiệm được áp
dụng khá phổ biến ở bậc đào đạo đại học. Chính vì thế, nghiên cứu sẽ tiếp tục vận
dụng và làm sáng tỏ hình thức du lịch trải nghiệm và học tập trải nghiệm đối với sinh
viên ngành du lịch và ngành Việt Nam học có định hướng du lịch của khoa Văn hoá –
Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội.
- Khảo sát thực tế: Để phục vụ cho việc thu thập dữ liệu, chúng tôi tiến hành
khảo sát bằng hình thức lấy mẫu ngẫu nhiên qua bảng hỏi “google form” đối với sinh
viên 4 khoá học của 3 ngành đào tạo của khoa Văn hoá – Du lịch (Quản trị dịch vụ du
lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Việt Nam học). Kết quả thu được 201 phiếu khảo
sát của sinh viên 3 ngành học, 4 khoá đào tạo và 23 lớp hành chính. Nội dung khảo sát
tập trung vào các vấn đề sau: Thông tin về đối tượng khảo sát, nhận thức của sinh viên
về du lịch học tập trải nghiệm, nhu cầu của sinh viên về du lịch học tập trải nghiệm tại
Hoàng Thành Thăng Long…
- Phỏng vấn sâu: Lãnh đạo khoa Văn hoá – Du lịch, Trưởng bộ môn, giảng
viên, đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long. Nội dung phỏng vấn tập trung
vào: Tầm quan trọng của học tập trải nghiệm; nội dung thực hành, thực tế theo
chương trình đào tạo; hình thức tổ chức, công tác chuẩn bị cho các hoạt động thực tế;
các giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch học tập trải nghiệm.
- Phương pháp xử lý thông tin: Kết quả khảo sát được xử lý bằng công cụ phân
tích và biểu đồ hoá của “google form”.
4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Khái quát về giá trị của di sản văn hoá thế giới Hoàng Thành Thăng
Long và các chương trình du lịch tiêu biểu
4.1.1. Giá trị của di sản văn hoá thế giới Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng
Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam
đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê
và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các
triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích
quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Vào ngày 12/8/2009, Thủ
tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng di tích Khu Trung tâm
Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó,
ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết công nhận
khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Những
giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi
bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một
trung tâm quyền lực; và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
Di tích Hoàng Thành Thăng Long thuộc địa bàn của phường Điện Biên và
phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Với tổng diện tích 18.395
hecta, Hoàng Thành Thăng Long là khu quần thể bao gồm nhiều di tích, cảnh quan,
quy hoạch các khu cung điện với kiến trúc cung đình mang đậm bản sắc văn hóa
phương Đông. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long bao gồm các khu khảo cổ 18
Hoàng Diệu và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như
Đoan Môn, cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường
thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn.
Hoàng Thành Thăng Long phát triển qua mười ba thế kỷ và được chia thành 5
giai đoạn (giai đoạn tiền Thăng Long, giai đoạn Lý - Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ
XIV, giai đoạn Lê - Mạc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, giai đoạn từ kinh thành
Thăng Long sang tỉnh Hà Nội, giai đoạn tỉnh thành Hà Nội thời Nguyễn) đã để lại
những giá trị văn hoá – lịch sử to lớn, đậm đà bản sắc dân tộc:
- Giá trị nhận diện bản sắc: Di sản Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng
sống động về nét độc đáo riêng biệt của Hà Nội dựa trên sự hội nhập các yếu tố cổ và
hiện đại. Hơn nữa, bảo tồn di sản Hoàng Thành cũng là bảo tồn minh chứng hữu hình
về sự phát triển liên tục của lịch sử dân tộc Việt Nam và đặc trưng của tổ chức Nhà
nước Việt Nam hơn 1000 năm qua.
- Giá trị lịch sử: Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, kể cả di tích
khảo cổ học phát hiện trong lòng đất và các di tích trên mặt đất, phản chiếu bề dày lịch
sử gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ VII – IX thời thuộc
Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê trung hưng
cuối thế kỷ XVIII, rồi thành Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ XIX, qua thời
Pháp thuộc cho đến hiện nay.
- Giá trị văn hoá: Di tích Hoàng Thành góp phần tăng cường hiểu biết lịch sử
nhân loại, nâng cao hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam như một trung tâm văn hoá có
bề dày lịch sử, từ đó khuyến khích niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, di tích Hoàng
Thành là một minh chứng trực quan sống động về lịch sử, là nguồn cung cấp nhiều tư
liệu độc đáo, minh chứng thuyết phục vị thế của Hà Nội là kinh đô của nước Đại Việt,
từ đó góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về quá trình phát triển Hà Nội và lịch
sử dân tộc.
- Giá trị phát triển du lịch: Việc bảo tồn khu di tích Hoàng Thành sẽ tạo sức hút
lớn về du lịch cho thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Phát triển hệ
thống di sản Hoàng Thành góp phần quan trọng đưa Hà Nội vào danh sách điểm đến
hấp dẫn trên thế giới. Năm 2021, Hà Nội đã lọt vào danh sách 25 điểm đến hàng đầu
thế giới do người dùng Tripadvisor bình chọn. Năm 2022, Hà Nội tiếp tục vinh dự
được góp mặt trong danh sách 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới. Tripadvisor
Travellers's Choice Awards là giải thưởng thường niên do du khách bình chọn trên
Tripadvisor. Kết quả dựa trên chất lượng và số lượng bình chọn của người dùng
Tripadvisor khắp thế giới trong một năm1.
4.1.2. Chương trình du lịch tiêu biểu tại Hoàng Thành Thăng Long
Với mục đích nâng cao và quảng bá giá trị di sản, Trung tâm bảo tồn di sản
Thăng Long – Hà Nội đã liên kết, phối hợp với nhiều đơn vị (sở Giáo dục và Đào
tạo Hà Nội, công ty du lịch…) để thiết kế và xây dựng nhiều chương trình du lịch
giúp du khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Có thể
kể đến một số chương trình du lịch nổi bật sau:
- Chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền: Chương trình du lịch này dược tổ
chức hàng năm vào dịp tết cổ truyền với các hoạt động phong phú như lễ hội Công
ông Táo, lễ dựng cây Nêu, biểu diễn múa rối nước, các hoạt động trò chơi dành cho
thiếu nhi, lễ dâng hương khai xuân. Năm 2021, Trung tâm tổ chức chương trình với
chủ đề “Tân Sửu nghênh xuân” với các hoạt động bổ ích và lý thú như: trưng bày với
chủ đề “Tân Sửu nghênh xuân” tái hiện nghi lễ tiến xuân ngưu thời Lê Trung Hưng;
các gian trưng bày không gian thờ cúng, phong tục chúc Tết và mừng tuổi ngày Tết;
nghệ thuật thư pháp; tranh vẽ với chủ đề Chào đón mùa xuân… Cùng với đó là các
hoạt động trải nghiệm, tương tác “Phẩm vật nghênh xuân”, xin chữ đầu xuân, tô tranh
dân gian, nặn tò he, làm hoa đào, hoa cúc, làm hoa và con giống bằng lá cây với sự
hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thắng… Cũng tại chương trình, du khách
còn được tham gia sân chơi hấp dẫn với nhiều trò chơi truyền thống như đu tre, trò
chơi liên hoàn…
- Chương trình vui Tết Trung thu: Đây là chương trình có sức hấp dẫn đặc biệt
với các em thiếu nhi, được tổ chức vào dịp 15/8 âm lịch hàng năm, với các hoạt động:
Tham quan không gian trưng bày với chủ đề “Lung linh trăng rằm”, giới thiệu mâm
cỗ trông trăng truyền thống, các loại đèn, đồ chơi trẻ em Việt Nam xưa, tham quan các
gian hàng giới thiệu các loại đèn Trung thu như: đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân…,
hay các hoạt động trải nghiệm cho các em thiếu nhi như: trải nghiệm làm bánh Trung

1
https://vneconomy.vn/ha-noi-lot-top-25-diem-den-am-thuc-hang-dau-the-gioi-nam-2022.htm
thu, học làm đồ chơi truyền thống như đèn lồng giấy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn
con thỏ; tô vẽ mặt nạ giấy bồi, bập bênh, cầu trượt, leo núi tam giác, cầu tre…
- Chương trình tái hiện Tết Đoan Ngọ: Theo quan niệm xưa, ngày 5/5 âm lịch
là thời điểm chuyển mùa, mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm, cũng là mùa
có nhiều dịch bệnh. Tết Đoan Ngọ là dịp người Việt có các hoạt động “giết sâu bọ”
bệnh tật trong người bằng các phong tục ăn bánh gio, trái cây, rượu nếp, tắm nước lá
để phòng bệnh… Người xưa tin rằng thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ
thì hương sắc được kết tinh lại, sẽ làm tăng thêm dược tính chữa bệnh. Vào dịp này,
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Hương sắc
thảo mộc Đoan Dương” trưng bày, trình diễn, tái hiện các nghi thức, phong tục dân
gian và cung đình độc đáo. Nhiều phong tục, văn hóa ẩm thực của người Việt trong
Tết Đoan Ngọ được giới thiệu như phong tục hái thảo mộc làm trà, làm thuốc và các
đặc sản bánh gio, rượu nếp, các loại hoa quả… Tại đây, có nhiều trải nghiệm, hoạt
động dân gian, truyền thống dành cho các em thiếu nhi như: làm quạt đón phúc lành;
kết vòng nhận bình an; các trò chơi dân gian: chơi ô ăn quan, chơi chuyền, làm diều,
bắn bi, nhảy dây, ném lon, đập niêu đất… Ngoài ra, chương trình còn có trình diễn thư
pháp, biểu diễn âm nhạc truyền thống, trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”, bộ sưu
tập quạt đặc sắc, vẽ các danh lam thắng cảnh Thăng Long…
- Chương trình giáo dục di sản: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà
Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các
cấp, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”. Nội
dung của chương trình hướng đến các hoạt động tham quan, học tập ngoại khoá, tìm
hiểu lịch sử và trải nghiệm tại khu di sản, dâng hương và chụp ảnh tại khu di sản, và
các hoạt động chăm sóc và bảo vệ di sản như các hoạt động ngoại khoá, thi viết, vẽ
theo chủ đề nhằm nâng cao nhận thức của các em về di sản văn hoá. Đây được xem là
hướng tiếp cận mới, tránh được những lối mòn cũ cùng tâm lý sợ học sử, coi sử là
môn học khô khan...Với việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi,
học sinh được chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác,
trải nghiệm.
4.2. Hoạt động du lịch học tập trải nghiệm trong chương trình đào tạo của
Khoa Văn hoá – Du lịch
Khoa Văn hoá – Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay đang thực
hiện hoạt động đào tạo với ba mã ngành: Việt Nam học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ
hành, Quản trị khách sạn. Trải qua 6 năm hình thành và phát triển cũng như triển khai
hoạt động giáo dục, các ngành học đã thực hiện hai lần điều chỉnh và sửa đổi chương
trình đào tạo, theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, với mục tiêu đào tạo nguồn
nhân lực có khả năng thích ứng cao với thị trường lao động.
Ngành Việt Nam học có khối lượng kiến thức là 130 tín chỉ, chia thành hai
khối: kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ
sở ngành và liên ngành, kiến thức ngành, kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành). Song
song với việc trang bị lý thuyết, chương trình đào tạo đã cung cấp những nội dung
thực hành, thực tế qua nhiều học phần chuyên ngành như Hà Nội học, Nghiệp vụ
nghiên cứu văn hoá, Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, thực tế chuyên môn… Năm 2018,
Chương trình đào tạo Ngành Việt Nam học được điều chỉnh căn bản theo định hướng
ứng dụng nghề nghiệp, với mục tiêu hướng đến là người học có thể đáp ứng được yêu
cầu của 3 vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp là: Nghiên cứu văn hoá (Cơ quan quản lý
văn hoá, bảo tàng, tổ chức phi chính phủ…), Báo chí – truyền thông (Cơ quan truyền
thông, tổ chức sự kiện, cơ quan báo chí…) và Du lịch (Các công ty du lịch, khu di tích
lịch sử văn hoá và danh thắng…). Bởi vậy, các học phần thực hành, thực tế càng được
chú trọng hơn, các hoạt động du lịch học tập trải nghiệm được triển khai trong nhiều
học phần chuyên ngành và học phần thực tế chuyên môn.
Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Quản trị
khách sạn gồm 129 tín chỉ và được phân chia thành hai khối: kiến thức giáo dục đại
cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở ngành và liên ngành,
kiến thức ngành, kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành). Năm 2019, chương trình đào tạo
được điều chỉnh tiếp cận theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, liên kết sâu sắc với thị
trường lao động, tăng thời lượng thực hành và thực tế cho người học đối với những
học phần nghiệp vụ liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Nhà trường cũng đã đầu tư
xây dựng phòng thực hành nghiệp vụ với sự tư vấn thiết kế của các chuyên gia du lịch.
Hiện nay Khoa có 5 phòng thực hành: phòng thực hành nghiệp vụ hướng dẫn, phòng
thực hành lễ tân, phòng thực hành bàn – bar, phòng thực hành buồng và phòng thực
hành bếp. Các phòng thực hành được trang bị những thiết bị hiện đại, đảm bảo chất
lượng.
Theo kết quả phỏng vấn lãnh đạo khoa và bộ môn, với ba mã ngành đào tạo sau
các lần chỉnh sửa chương trình đào tạo, hiện nay, hoạt động học tập trải nghiệm thực
tế của sinh viên Khoa Văn hoá – Du lịch đã trở thành nội dung trong các học phần bắt
buộc và học phần tự chọn. Các chuyến đi được tổ chức theo năm học trong các học
phần tương ứng: năm thứ nhất sinh viên sẽ thực hiện chuyến thực tế 1 ngày và các
chuyến thực tế 1 buổi theo các học phần như Hà Nội học, Tổng quan du lịch, Đại
cương lịch sử Việt Nam, Kinh tế du lịch…; năm thứ hai sinh viên thực hiện chuyến đi
3 – 4 ngày trong các học phần như Điểm tuyến du lịch, Địa lý du lịch, Văn hoá ẩm
thực Việt Nam…; năm thứ ba sinh viên sẽ thực hiện chuyến đi “Hành trình di sản
miền Trung” trong 6-7 ngày để hoàn thành các học phần thực tế chuyên môn; và năm
thứ tư, đối với ngành Việt Nam học thực hiện chuyến du lịch học tập trải nghiệm tại
miền Tây 5-6 ngày, đối với ngành lữ hành và khách sạn Khoa cũng đang xây dựng nội
dung chương trình thực tế “miền Tây sông nước”.
Về nội dung chương trình du lịch học tập trải nghiệm, mỗi chuyến đi khoa và
bộ môn đều liên kết với Trung tâm Dịch vụ Du lịch Tổng hợp của khoa, cơ quan quản
lý điểm đến và các công ty du lịch để xây dựng kế hoạch, lịch trình dựa trên những
yêu cầu về nội dung và thời lượng học tập trong chương trình đào tạo. Trong quá trình
xây dựng và thiết kế chương trình, đối với sinh viên năm thứ hai, thứ ba và thứ tư, các
giảng viên bộ môn cho sinh viên cùng tham gia từ việc lên lịch trình, chuẩn bị, tính
giá, liên hệ nhà cung cấp dịch vụ… Sau đó phổ biến kế hoạch đến toàn thể sinh viên,
phân công các nhóm chuẩn bị trước chuyến đi, thực hành các nội dung học tập được
yêu cầu trong chuyến đi (hướng dẫn, thuyết minh, phục vụ bàn, phục vụ lưu trú, khảo
sát dịch vụ…) và thực hiện các công việc, dịch vụ sau khi kết thúc chương trình. Nhờ
những hoạt động tương tác trực tiếp và thực hành cụ thể, sinh động đó, người học đã
có những phản hồi tích cực, có được không khí hứng thú trong học tập và được bồi
đắp lòng yêu nghề, gắn bó với ngành học. Kết quả đào tạo cũng cho thấy, sinh viên
hiểu sâu sắc kiến thức và thành thạo các kỹ năng sau mỗi đợt học tập trải nghiệm tại
thực tế.
4.3. Đặc điểm của sinh viên
Khảo sát được thực hiện với 201 phiếu là các sinh viên đang theo học tại Khoa
Văn hoá – Du lịch của ba ngành học: Việt Nam học, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ
hành và Quản trị Khách sạn. Số lượng sinh viên thực hiện khảo sát theo phương pháp
chọn mẫu ngẫu nhiên chiếm 46.8% là sinh viên ngành Việt Nam học, 25.9% là sinh
viên ngành Quản trị khách sạn và 27.4% là ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Biểu đồ 1. Số lượng sinh viên khảo sát phân theo ngành học
Phân theo năm học, số lượng sinh viên tham gia khảo sát chiếm 38.3% là sinh
viên năm thứ nhất, 20.9% là sinh viên năm thứ hai, 11.4% là sinh viên năm thứ ba và
29.4% là sinh viên năm thứ tư. Số liệu đó cho thấy tỉ lệ sinh viên giữa các ngành và
các khoá tham gia trong cuộc điều tra này không có quá nhiều sự chênh lệch. Riêng
chỉ có số sinh viên năm thứ ba là tỷ lệ thấp nhất, điều này là do số lượng sinh viên
năm thứ ba của khoa là ít nhất trong bốn khoá.

Biểu đồ 2. Số lượng sinh viên khảo sát phân theo năm học
Phần lớn sinh viên tham gia khảo sát là nữ với 83.1%, trong khi nam chiếm
16.4% và giới tính khác 0.5%. Và trong đó hơn một nửa số sinh viên là người Hà Nội
(chiếm 53.2%) còn lại là đến từ các địa phương khác (46.8%).

Biểu đồ 3. Số lượng sinh viên khảo sát phân theo quê quán và giới tính
4.4. Nhận thức của sinh viên về du lịch học tập trải nghiệm
Về tầm quan trọng và lợi ích của học tập trải nghiệm: Trong số những đối
tượng tham gia phỏng vấn chiếm 67.2% là những sinh viên đã từng tham gia chương
trình học tập trải nghiệm tại khoa Văn hoá – Du lịch, còn lại 32.8% là sinh viên chưa
từng tham gia hoạt động này. Trong đó, phần lớn sinh viên đều cho rằng hoạt động
học tập trải nghiệm là quan trọng (24.4%) và rất quan trọng (62.7%). Còn lại (12.9%)
là của ba mức đánh giá: bình thường, không quan trọng và rất không quan trọng.
Biểu đồ 4. Đánh giá tầm quan trọng của hoạt động học tập trải nghiệm
Về lợi ích của học tập trải nghiệm, nghiên cứu đưa ra bảy tiêu chí đánh giá, cụ
thể: (1) Hiểu sâu hơn kiến thức từ thực tế, (2) Học hỏi được nhiều kiến thức ngoài bài
giảng, giáo trình, (3) Tăng cường mối quan hệ (bạn bè, thầy trò, sinh viên với doanh
nghiệp…), (4) Giúp định hướng nghề nghiệp, hiểu nghề và yêu nghề, (5) Thực hành
được các kiến thức, kỹ năng đã học trên lớp, (6) Củng cố tình yêu quê hương đất
nước, (7) Nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải luôn học tập và nâng cao trình độ,
nghiệp vụ. Số liệu khảo sát cho thấy đại đa số các sinh viên đều đánh giá học tập trải
nghiệm có lợi ích rất lớn đối với cả bẩy tiêu chí trên. Mức đánh giá “Có lợi” và “Rất
có lợi” của các đáp viên lần lượt là: 94.5% (tiêu chí 1), 95.5% (tiêu chí 2), 92% (tiêu
chí 3), 92.5% (tiêu chí 4), 94% (tiêu chí 5), 94.5% (tiêu chí 6), 95% (tiêu chí 7).

1 2 3 4 5 6 7
Biểu đồ 5. Đánh giá lợi ích của hoạt động học tập trải nghiệm
Về cách thức tổ chức chương trình học tập trải nghiệm, có 5 cách thức tổ chức
hoạt động du lịch trải nghiệm được đưa ra để khảo sát là: (1) Nhà trường và giảng
viên tổ chức, (2) Sinh viên tự tổ chức, (3) Công ty du lịch tổ chức, (4) Nhà trường kết
hợp với công ty du lịch tổ chức và (5) Sinh viên và công ty du lịch tổ chức. Kết quả
khảo sát cho thấy 73.1% sinh viên đánh giá hình thức phù hợp và hiệu quả là Nhà
trường kết hợp với công ty du lịch tổ chức các chương trình học tập trải nghiệm. Còn
lại 16.9% mong muốn Nhà trường và giảng viên tổ chức, 7% cho rằng cách thức phù
hợp là sinh viên và công ty du lịch tổ chức, 2.5% muốn sinh viên tổ chức và 0.5%
muốn công ty du lịch tổ chức.
Biểu đồ 6. Cách thức tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm phù hợp
Về các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của các chương trình du
lịch học tập trải nghiệm, nghiên cứu đưa ra 8 yếu tố: (1) Giảng viên sinh hoạt kỹ
lưỡng với sinh viên trước khi thực hiện, (2) Công ty du lịch sinh hoạt trước chuyến đi,
(3) Hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, (4) Dịch vụ vận chuyển phù
hợp, thoải mái, an toàn, (5) Dịch vụ ăn uống và lưu trú phù hợp, tiện ích, đảm bảo vệ
sinh, (6) Lựa chọn các điểm tham quan phù hợp, (7) Nội dung chương trình và sắp xếp
lịch trình phù hợp, (8) Kinh phí chuyến đi hợp lý và được thông báo trước ít nhất 15
ngày. Đáp viên đều đánh giá cao về tính lợi ích đối với cả tám tiêu chí này (trên 90%).

1 2 3 4 5 6 7 8
Biểu đồ 7. Mức độ quan trọng của các yếu tố trong công tác tổ chức
hoạt động học tập trải nghiệm
4.5. Nhu cầu du lịch học tập trải nghiệm của sinh viên tại Hoàng Thành
Thăng Long
Để thực hiện xây dựng chương trình học tập trải nghiệm cho sinh viên Khoa
Văn hoá – Du lịch tại di sản văn hoá thế giới Hoàng Thành Thăng Long được hiệu
quả, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về nhu cầu học tập trải nghiệm của người học.
Trong số 201 đáp viên thì có 153 sinh viên (chiếm 76.1%) đã từng đến Hoàng Thành
Thăng Long, còn 48 sinh viên (chiếm 23.9%) chưa từng đến di sản. Trong khi đó số
sinh viên trả lời là có mong muốn được tham gia học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành
Thăng Long là 190 đáp viên (chiếm 94.5%), 11 sinh viên (5.5%) sinh viên không
muốn tham gia chương trình. Điều đó cho thấy tỷ lệ người học mong muốn được tham
gia học tập tại di sản văn hoá thế giới Hoàng Thành Thăng Long là rất lớn và không
phụ thuộc nhiều vào việc sinh viên đó đã từng được đến di sản chưa, quê quán, xuất
thân ở đâu.

Biểu đồ 8. Tỷ lệ sinh viên đã từng đến Hoàng Thành Thăng Long

Biểu đồ 9. Tỷ lệ sinh viên mong muốn tham gia học tập trải nghiệm
tại Hoàng Thành Thăng Long
Về thời điểm tham gia học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long,
chiếm đến gần một nửa số đáp viên trả lời là bất cứ thời gian nào đều mong muốn
được tham gia học tập tại Hoàng Thành Thăng Long (44.3%); trong khi 31.3% đáp
viên muốn tham dự trong năm học đầu tiên; 13.4% mong muốn tham dự ở năm học
thứ hai; 7.5% đáp viên mong muốn tham gia ở năm học thứ ba; và 3.5% muốn học ở
năm thứ tư.

Biểu đồ 10. Thời điểm mong muốn tham gia học tập trải nghiệm tại
Hoàng Thành Thăng Long
Về lý do người học muốn tham gia học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng
Long, khảo sát đã đưa ra 5 tiêu chí để khảo sát là: (1) Là địa điểm du lịch nổi tiếng của
Thủ đô Hà Nội, nên muốn tham quan khi được về Thủ đô học tập, (2) Có vị trí địa lý
gần Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nên di chuyển nhanh chóng, thuận lợi, chi phí học tập
thấp, (3) Có chương trình và hoạt động học tập trải nghiệm hấp dẫn, thú vị, (4) Là nơi
gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, (5)
Là di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận. Kết quả khảo sát cho thấy cả
năm lý do đều được đáp viên lựa chọn. Trong đó, người học mong muốn được học tập
trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long bởi nơi đây gắn liền với hàng ngàn năm lịch
sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và là địa điểm du lịch nổi tiếng của
Thủ đô Hà Nội, nên muốn tham quan khi được về Thủ đô học tập chiếm tỷ lệ cao nhất
(64.7% và 61.2%). Sau đó 35.8% là bởi Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hoá
thế giới được UNESCO công nhận, 35.3% bởi Hoàng Thành Thăng Long có vị trí địa
lý gần Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nên di chuyển nhanh chóng, thuận lợi, chi phí
học tập thấp và 34.8% là vì chương trình và hoạt động học tập trải nghiệm hấp dẫn,
thú vị. Điều này cho thấy người học phần lớn lựa chọn nơi này bởi giá trị văn hoá -
lịch sử của di sản và bởi Hoàng Thành Thăng Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của
Thủ đô Hà Nội. Yếu tố về khoảng cách, vị trí địa lý có ảnh hưởng ở mức độ nhất định
và đặc biệt hoạt động học tập thú vị mới chỉ chiếm 34.8%, điều đó cho thấy chương
trình học tập trải nghiệm ở Hoàng Thành Thăng Long chưa tạo được sức hấp dẫn lớn
cho người học.

Biểu đồ 11. Lý do mong muốn tham gia học tập trải nghiệm tại
Hoàng Thành Thăng Long
Về chi phí cho chương trình học tập tại Hoàng Thành Thăng Long, phần lớn
sinh viên lựa chọn mức chi phí từ 200 nghìn trở xuống (62.7%), còn lại 33.3% sinh
viên chọn ở mức từ 200 – 500 nghìn, 2.5% sinh viên lựa chọn mức 500 – 700 nghìn,
và 1.5% sinh viên lựa chọn mức 700 – 1 triệu. Đây cũng là mức chi phí phù hợp với
địa điểm học tập thực tế gần trường.

Biểu đồ 12. Đánh giá mức chi phí hợp lý cho chương trình học tập trải nghiệm tại
Hoàng Thành Thăng Long
Về các hoạt động trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long mà người học
mong muốn được trải nghiệm, theo khảo sát, phần lớn câu trả lời là “Rất mong muốn”
và “Mong muốn”. Cụ thể là: (1) Tham quan và nghe thuyết minh tại các phân khu của
di sản (91% đáp viên trả lời “Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (2) Chụp ảnh tại
những điểm/góc đẹp của Hoàng Thành Thăng Long (85% đáp viên trả lời “Rất mong
muốn” và “Mong muốn”); (3) Tham dự lễ dâng văn và dâng hương tưởng nhớ 52 vị
tiên đế tại Điện Kính Thiên (90% đáp viên trả lời “Rất mong muốn” và “Mong
muốn”); (4) Xem biểu diễn nghệ thuật về cung đình Thăng Long xưa (89% đáp viên
trả lời “Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (5) Trải nghiệm tự tay lấy cho mình dòng
nước giếng Vua – biểu tượng cho sự linh thiêng và phúc lành (90% đáp viên chọn
“Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (6) Tham gia các trò chơi tìm hiểu di sản văn
hoá thế giới Hoàng Thành Thăng Long và lịch sử 13 thế kỷ của dân tộc để tăng thêm
kiến thức (90,5% đáp viên chọn “Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (7) Học tập
được chuyên môn nghiệp vụ từ giảng viên và hướng dẫn viên (92% đáp viên lựa chọn
“Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (8) Học tập kinh nghiệm tổ chức, quản lý
(92,5% đáp viên trả lời “Rất mong muốn” và “Mong muốn”); (9) Được thực hành
chuyên môn, nghiệp vụ (92,5% đáp viên trả lời “Rất mong muốn” và “Mong muốn”).
Số sinh viên thuộc nhóm lựa chọn “Không muốn” và “Rất không muốn” dao động
trong khoảng 1% - 1.5%. Như vậy, những hoạt động này phần lớn đều được người
học ủng hộ và mong muốn tham gia.
Biểu đồ 13. Các hoạt động trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long
người học mong muốn tham gia
Về hình thức di chuyển khi thực hiện học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành
Thăng Long, người thực hiện khảo sát đánh giá: (1) Tập trung tại trường và đi ô tô
theo đoàn từ trường đến di tích (21,4%); (2) Tập trung tại trường và đi ô tô theo đoàn
từ trường đến di tích cùng hướng dẫn viên du lịch (42,3%); Cá nhân tự túc phương
tiện di chuyển, tập trung tại Hoàng Thành Thăng Long (36,3%). Như thế, hình thức di
chuyển được ủng hộ cao nhất là đi theo đoàn xuất phát từ trường và cùng hướng dẫn
viên du lịch. Nhu cầu được đi theo đoàn và có hướng dẫn viên du lịch cũng phù hợp
với đặc điểm của ba mã ngành đào tạo tại khoa là Việt Nam học, Quản trị dịch vụ du
lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.

Biểu đồ 14. Lựa chọn của người học về hình thức di chuyển khi tham gia học tập trải
nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long
Về công tác chuẩn bị cho chương trình du lịch học tập, phần lớn người học
mong muốn được cung cấp những điều kiện sau: (1) Cung cấp hoặc hướng dẫn người
học tự tìm hiểu kiến thức liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ và điểm đến Hoàng
Thành Thăng Long (93.5% đáp viên chọn “rất cần thiết” và “cần thiết”); (2) Hướng
dẫn người học chuẩn bị những công cụ, thiết bị cần thiết (trang phục, máy chụp ảnh,
máy ghi âm, giấy bút…) (91.5% đáp viên chọn “rất cần thiết” và “cần thiết”); (3) Đưa
ra yêu cầu của chương trình đối với người học (ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp
hình, viết báo cáo, thảo luận…) (92.5% đáp viên chọn “rất cần thiết” và “cần thiết”);
(4) Thông báo về chương trình, lịch trình, kinh phí và thời gian thực hiện tới sinh viên
trước chuyến đi từ 7 ngày trở lên (94.5% đáp viên chọn “rất cần thiết” và “cần thiết”).
Chỉ 1.49% lựa chọn phương án “Không cần thiết” và “Rất không cần thiết” cho cả
bốn nội dung trên.
Biểu đồ 15. Nhu cầu của người học về công tác chuẩn bị cho chương trình
du lịch học tập trải nghiệm
4.6. Một số giải pháp phát triển hoạt động du lịch học tập trải nghiệm cho
sinh viên khoa văn hoá – du lịch
Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm
cho sinh viên ba ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn và
Việt Nam học, phỏng vấn sâu lãnh đạo khoa và khảo sát nhận thức, nhu cầu của người
học, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động này đã được các lãnh đạo khoa, bộ môn và
giảng viên thực sự quan tâm và thực hiện khá chuyên nghiệp, bài bản. Hiệu quả của
hoạt động học tập trải nghiệm đã được khẳng định qua nhận thức và đánh giá của
người học – những người trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ hoạt động này. Tuy nhiên, để
hoạt động học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long nói riêng và tại các địa
điểm du lịch khác nói chung thực sự đi vào phát triển và ngày càng khẳng định vai trò,
lợi ích trong đào tạo chuyên ngành thì cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía:
từ phía nhà trường và khoa đào tạo, từ phía người học và từ phía các đơn vị cung cấp.
4.6.1. Từ phía nhà trường và khoa đào tạo
Để thực hiện các chương trình học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng
Long nói riêng và các địa điểm du lịch khác nói chung như một phần quan trọng trong
đào tạo chuyên ngành đối với các sinh viên ngành du lịch và Việt Nam học, khoa và
nhà trường cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, thực hiện có trình tự.
Trước tiên, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo để bổ sung
các nội dung học tập trải nghiệm phù hợp cho từng học phần liên quan. Điều này là cơ
sở để tạo nên tính thống nhất trong chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo của các
khoá.
Thứ hai, khoa và bộ môn chủ động xây dựng và thiết kế chương trình học tập
trải nghiệm cho từng học phần cụ thể để đảm bảo địa điểm trải nghiệm cũng như
những yêu cầu, nội dung về kiến thức và kỹ năng của chương trình học tập trải
nghiệm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, với mục đích và yêu cầu của học phần có
bao gồm chương trình học tập trải nghiệm đó. Chất lượng của hoạt động du lịch học
tập trải nghiệm phụ thuộc rất nhiều ở khâu này.
Thứ ba, lên kế hoạch về thời gian dự kiến thực hiện, nội dung, lịch trình, kinh
phí, phương tiện di chuyển… phù hợp và thông báo trước tới người học để họ có sự
chuẩn bị chu đáo nhất về tâm lý, thời gian, thể chất, kiến thức, kỹ năng… cho chuyến
đi. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự thành công của chương trình.
Thứ tư, về sản phẩm du lịch học tập trải nghiệm, khoa và bộ môn cần chú trọng
đến những sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, có tính hấp dẫn đối với người học
như sản phẩm khám phá Hoàng Thành Thăng Long về đêm, các sản phẩm du lịch gắn
với các ngày kỷ niệm và lễ hội của dân tộc (ngày Quốc Khánh, Tết cổ truyền, Tết
Trung thu, ngày Quân đội nhân dân Việt Nam…).
Thứ năm, trong quá trình thực hiện giảng viên cần định hướng cho sinh viên
vận dụng những kiến thức ở bài giảng vào thực tế và tiếp nhận những kiến thức mới từ
thực tiễn. Giảng viên cần đánh giá quá trình sinh viên tham gia các chương trình du
lịch học tập trải nghiệm. Khi đánh giá, quan trọng nhất là giảng viên cần quan sát,
nhận xét, góp ý và đánh giá ngay trong thực tiễn hoạt động để sinh viên rút kinh
nghiệm và chỉnh sửa, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của mình. Giảng viên cũng cần
chú trọng đến sự tiến bộ của người học qua các lần thực hành, chủ động để nắm bắt
điểm mạnh và điểm yếu của người học, từ đó có sự điều chỉnh về cách dạy và học trải
nghiệm trong những lần tiếp theo.
Thứ sáu, trong các chương trình giáo dục đào tạo khác như đào tạo chứng chỉ
Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ điều hành du lịch, hay đào tạo Nghiên cứu
văn hóa… nhà trường và khoa cũng cần tăng cường áp dụng nhiều hoạt động du lịch
học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long và các địa điểm du lịch khác nhằm
tăng thêm tính ứng dụng và định hướng nghề nghiệp trong đào tạo.
4.6.2. Từ phía sinh viên
Đối với sinh viên ngành du lịch và Việt Nam học của khoa, trước tiên, cần có
sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tầm quan trọng của học tập trải nghiệm đối với
chuyên ngành đang theo học. Học tập trải nghiệm tại các điểm đến du lịch là nhu cầu
và yêu cầu không thể thiếu đối với người học các chuyên ngành về du lịch (lữ hành và
khách sạn) và Việt Nam học có định hướng du lịch. Bởi thông qua các hoạt động học
tập trải nghiệm tại điểm, người học sẽ hình thành và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng
chuyên ngành cần có (kỹ năng tổ chức và sắp xếp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý
đám đông, kỹ năng thuyết minh, thuyết trình…).
Thứ hai, người học cần có sự chủ động, tích cực trong quá trình chuẩn bị, quan
sát và tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm. Tự giác chuẩn bị và cập nhật cho bản
thân những kiến thức và kỹ năng cần thiết trước và trong khi tham gia chương trình
(kiến thức về điểm đến, kiến thức về tự nhiên, văn hoá, lịch sử…; hay kỹ năng đặc
trưng của từng chuyên ngành).
Thứ ba, người học cần tham gia và thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đảm bảo
nội dung và yêu cầu của chương trình học tập trải nghiệm mà khoa và nhà trường đưa
ra để đảm bảo chất lượng học tập; từ đó thu nhận được những tri thức và kinh nghiệm
hữu ích cho bản thân.
Thứ tư, người học cần có thái độ học tập nghiêm túc, có tính kỷ luật cao khi
tham gia hoạt động học tập trải nghiệm tại địa bàn thực tế. Bởi việc học tập ở môi
trường ngoài lớp học có những đặc thù riêng, khó khăn riêng, nên nếu người học
không tôn trọng tính kỷ luật thì hoạt động học tập khó đạt được mục tiêu và hiệu quả
đề ra.
4.6.3. Từ phía đơn vị cung cấp
Đơn vị cung cấp chương trình du lịch học tập trải nghiệm ở đây là các công ty
du lịch do trường và khoa liên kết để tổ chức, thiết kế sản phẩm học tập trải nghiệm
cho sinh viên và các đơn vị quản lý du lịch tại điểm đến trải nghiệm. Đối với chương
trình học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long đơn vị cung cấp là các công ty
du lịch có chương trình du lịch học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long và
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long. Những đơn vị này cần có sự phối hợp chặt chẽ
và ăn khớp với các cơ sở đào tạo trong quá trình xây dựng và thực hiện sản phẩm du
lịch học tập trải nghiệm.
Thứ nhất, công ty du lịch cần phối hợp với khoa đào tạo để nắm bắt được nhu
cầu của người học, nội dung và yêu cầu của chương trình học tập trải nghiệm, đối
tượng sinh viên tham gia học tập… để xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch học tập
phù hợp và đúng mục tiêu.
Thứ hai, khi thiết kế và thực hiện chương trình cần có những sáng tạo, tìm tòi
các hoạt động du lịch học tập trải nghiệm mới mẻ để tạo hứng thú cho người học,
tránh đi theo lối mòn; nên có sự đa dạng, phong phú trong hình thức thực hiện hoạt
động nhằm khơi gợi sự thích thú, quan tâm, tò mò và lòng hiếu học, ham khám phá
của sinh viên. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin và ứng
dụng thông minh trong các chương trình học tập trải nghiệm là hết sức cần thiết, nhằm
tăng tính trải nghiệm và chất lượng trải nghiệm cho người học.
Thứ ba, về phía đơn vị quản lý điểm đến là Trung tâm bảo tồn di sản Thăng
Long cần bố trí cơ sở vật chất, địa điểm, nhân sự… đủ năng lực (về quy mô và số
lượng) để có thể đáp ứng các yêu cầu của chương trình học tập trải nghiệm của sinh
viên, bởi những chương trình này thường có số lượng người tham dự khá lớn, nếu
không có sự chuẩn bị chu đáo sẽ khó thực hiện một cách suôn sẻ và hiệu quả.
Thứ tư, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cần liên kết với các đơn vị giáo
dục, cơ quan báo chí… nhằm tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền,
quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản và các chương trình du lịch học tập trải nghiệm
tại Hoàng Thành Thăng Long đến các đối tượng người học là học sinh các trường phổ
thông, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, từ đó nâng cao nhận thức và nhu cầu
của người học về hoạt động du lịch học tập trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long
nói riêng và các địa điểm du lịch khác nói chung.
5. KẾT LUẬN
Du lịch học tập trải nghiệm đã và đang trở nên phổ biến trong giáo dục bậc đại
học. Đối với các ngành học du lịch và định hướng du lịch, du lịch học tập trải nghiệm
là một nhu cầu và yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo. Hoàng Thành
Thăng Long là di sản văn hoá thế giới, với vị trí địa lý nằm tại trung tâm Thủ đô Hà
Nội, đã và đang triển khai nhiều hoạt động học tập trải nghiệm hiệu quả cho học sinh,
sinh viên nhiều bậc học khác nhau. Bởi vậy du lịch học tập trải nghiệm của sinh viên
Khoa Văn hoá – Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tại Hoàng Thành Thăng
Long là một trong những nội dung có ý nghĩa sâu sắc và có tính hợp lý cao trong
chương trình đào tạo. Tham gia hoạt động du lịch học tập trải nghiệm tại một di sản
văn hoá thế giới sẽ là cơ hội tốt giúp người học kết nối kiến thức lý thuyết với thực
tiễn, tăng cường mối quan hệ xã hội, tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Sự kết hợp giữa du lịch trải nghiệm với học tập trải nghiệm để trở thành mô hình du
lịch học tập trải nghiệm, bởi vậy không chỉ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối
với sinh viên ngành du lịch nói riêng mà cũng sẽ góp phần không nhỏ vào sự nâng cao
chất lượng giáo dục đối với sinh viên các ngành học có định hướng ứng dụng nghề
nghiệp khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. B.Joseph Pine II, James H. Gilmore, Welcome to the experience economy,
Harvard Business Review, July – Augusst 1998, p.97-105.
2. William L. Smith, Experiential Tourism around the World and at Home:
Definitions and Standards, International Journal of Services and Standards, 2006,
Vol.2, No.1.
3. Natalia Tur Marí, Experiential Tourism: A Strategy For Improving
Competitiveness, Doctoral Thesis, Universitat de les Illes Balears, 2016.
4. Kolb, D., Experiential Learning: experience as the source of learning and
development. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1984.
5. Kolb, D. A & A. Y, Learning Styles and Learning Spaces: Enhancing
Experiential Learning in Higher Education, Academy of Management Learning &
Education, Vol. 4, No. 2, 2005, pp. 193.
6. Nguyễn Hoàng Đoan Huy, Bùi Thanh Diệu, Định hướng vận dụng lý thuyết
học tập trải nghiệm vào dạy học các môn khoa học tự nhiên ở trường trung học cơ sở,
Journal of Science of HNUE, 2017, tập 62, số 1A, tr.39-47.
7. Đào Thị Ngọc Minh, Nguyễn Thị Hằng, Học tập trải nghiệm – Lý thuyết và
vận dụng vào thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học ở trường phổ
thông, số 433 (Kì 1-7/2018), tr.36-40.
8. Phan Trọng Ngọ, Học tập trải nghiệm trong giáo dục phổ thông và trong
đào tạo năng lực nghề cho sinh viên đại học sư phạm. Kỷ yếu hội thảo “Trường sư
phạm trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông đáp ứng chương
trình giáo dục mới”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2016, tr.105-112.
9. Nguyễn Văn Hạnh, Học tập trải nghiệm: Một lí thuyết học tập đóng vai trò
trung tâm trong đào tạo theo năng lực, Tạp chí Khoa học Trường ĐH Sư phạm Tp.Hồ
Chí Minh, tập 14, số 1 (2017), tr.179-187.
10. Lê Văn Hiệu, Dương Thanh Xuân, Bùi Thị Hoàng Phương, Thực trạng và
giải pháp tổ chức hoạt động du lịch học tập trải nghiệm cho sinh viên trên địa bàn
thành phố Cần Thơ, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại
học Tây Đô, số 09 (2020), tr.48-64.
11. Trần Thanh Tuyền, Ngô Thị Thanh Trúc, Yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du
lịch học tập của học sinh: Nghiên cứu trường hợp tại trung tâm nông nghiệp mùa
xuân và khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp
Việt Nam, tập 15 (8) (2017), tr.1115-1126.
12. Lại Thị Lan Anh, Sử dụng di sản Hoàng Thành Thăng Long trong dạy học
lịch sử Việt Nam lớp 10 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định, Luận văn Thạc sĩ sư phạm lịch sử, ĐH Quốc gia Hà Nội, 2016.
13. Tống Trung Tín, Di tích Hoàng Thành Thăng Long: Giá trị nổi bật toàn
cầu, Tạp chí Thông tin Đối ngoại, tháng 10 (2009), tr.42-44.
14. Sở GD&ĐT Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, Kế
hoạch liên ngành, số 82/KHLN/SGDĐT-TTHN, 5/6/2018.
15. UBND huyện Thường Tín, Phòng Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch triển
khai chương trình giáo dục di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa
trong các trường học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số 245/KH-GD,
28/9/2018.

Abtract: Increasingly, tourism is considered as a temporary form of "escape"


from the busy-daily life, in which visitors can search for extraordinary experiences,
authentic values, and novelties as exciting as the search for themselves. Nowadays,
one refers is as "experiential tourism". Recently, tourism is not only a regular
travelling but also a form of potential education and learning that yields many
practical benefits. The study through experiential activities has also confirmed its role
in helping learners actively to acquire knowledge and skills, so called experiential
learning tourism. Therefore, for all levels of education, the experiential learning
tourism model has been researched and applied in order to improve the quality of
education and training activities. It therefore brings fantastic goals more relevantly
and closely to the reality. In the modern higher educations, the need for experiential
learning tourism becomes more necessary than ever. In this article, we present results
of studying on the experiential tourism and experiential learning. We made a survey
on the needs of students from Faculty of Culture and Tourism in Hanoi Metropolitan
University while they visited Imperial Citadel of Thang Long, the world cultural
heritage, as the part of their required education and training activities. Accordingly,
we demonstrate the usefulness of this form of education. We propose thereby
solutions to develop experiential learning tourism more effectively in general higher
education, and especially focusing on education and training in tourism majors. The
research issue can be extended in our future studies.
Keywords: Experiential tourism, experiential learning, need of experiential
learning tourism, student, Imperial Citadel of Thang Long.

You might also like