Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 9

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

G/v Nguyễn Mai Hương


Bài làm
Quang Dũng (1921-1988), tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê
ông ở Hà Tây và ông đã học hết bậc trung học ở Hà Nội. Quang Dũng là một
trong những người đầu tiên của Hà Nội tham gia đoàn quân Tây Tiến năm
1947. Khoảng một năm sau ông chuyển đơn vị. Tại Phù Lưu Chanh, Quang
Dũng đã viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Sau đó, nhìn thấy hai chữ "Tây Tiến",
nỗi nhớ trong ông đã dâng trào vì vậy ông bỏ từ "Nhớ" đi. Tây Tiến là bài
thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, được in trong tập thơ duy nhất của
ông: Mây đầu ô (1986)………………….
Ở Tây Tiến, tính hiện thực và cảm hứng lãng mạn đan xen và hoà
quyện để tạo nên một bài thơ độc đáo, rất đặc trưng cho phong cách nghệ
thuật của Quang Dũng. Tính độc đáo ấy đầu tiên được thể hiện qua một nỗi
nhớ rất khác lạ:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Nỗi nhớ của Quang Dũng dường như bao trùm lên mọi cảnh vật,
trùm lên cả không gian và thời gian, khiến cho ông phải thốt lên thành tiếng
gọi: "Tây Tiến ơi!" Hình ảnh đầu tiên mà tác giả nhớ là sông Mã - con sông
đã uốn mình chảy qua Thanh Hoá, Lai Châu, Sầm Nưa,...(một số tỉnh thuộc
địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến). Con sông ấy đã chứng kiến
những chiến công oai hùng của các chiến sĩ, đã gầm thét cho bao nhiêu
người lính hy sinh anh dũng và cũng là nơi chôn dấu bao kỉ niệm của những
con người đã hết mình phục vụ cho hoà bình của cả hai dân tộc Lào - Việt.
Quang Dũng nhớ Tây Tiến là nhớ về con sông mà ông gắn bó, là nhớ về núi
rừng bạt ngàn hoang sơ đã từng in dấu chân ông. Nỗi nhớ trong thi nhân
khắc khoải, da diết và cũng mãnh liệt, dữ dội tới mức không bình yên. Cách
Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ khác với cách thể hiện của Xuân Diệu trong
câu:
Sáng trông mặt đất thương xanh núi
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời
Nỗi nhớ của Xuân Diệu có thể đem ra so sánh, gửi gắm vào thiên
nhiên vạn vật còn nỗi nhớ của Quang Dũng thì không có gì có thể ước tính
và cũng không có gì có thể so sánh. Chỉ với hai từ "chơi vơi", Quang Dũng
đã diễn tả được nỗi nhớ rất đặc trưng, rất khác lạ của mình: nhớ đến mức
đánh mất bản thân, không còn là mình nữa. Dường như Tây Tiến đã là một
phần thân thuộc, không thể thiếu trong cuộc đời ông cho nên dù phải xa nơi
ấy, những kí ức về mảnh đất Tây Tiến vẫn hiện lên rõ ràng và vẹn nguyên:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

1
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Đời người lính không bao giờ quên những nơi họ đã sống và chiến
đấu vì đó là những nơi gắn liền với bao khó khăn gian khổ của những cuộc
hành quân, những trận đánh, những giây phút cận kề với cái chết. Vậy mà
dưới đôi mắt của Quang Dũng, Sài Khao, Mường Lát lại mang một vẻ đẹp
nên thơ, lãng mạn. Đó là những lần hành quân với hoa; hoa rải trên con
đường họ đi qua, hoa hoà cùng làn sương ẩn hiện như đang xoa dịu mọi khó
khăn vất vả trên mảnh đất hoang sơ ấy. Sự thiếu thốn vật chất làm thể xác
người lính mỏi mệt nhưng không thể cầm tù đôi mắt họ. Với đôi mắt ấy,
người lính thoả sức ngắm nhìn cảnh vật. Trong tâm hồn họ, thiên nhiên có
những nét đẹp rất đặc biệt, rất lãng mạn và đầy hấp dẫn. Tuy vậy núi rừng
Tây Bắc hùng vĩ vốn dĩ là nơi hoang sơ, hiểm trở không dễ để vượt qua:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng đã khéo léo lồng một bức tranh
vào những câu thơ của mình. Chỉ với bốn câu thơ và bằng một ngòi bút tài
năng, ông đã tạo nên một bức hoạ đầy sức tạo hình. Những cái dốc hiểm trở
đến dữ dội, hoang vu heo hút hiện lên qua một loạt tính từ đầy gợi tả: "khúc
khuỷu","thăm thẳm","heo hút". Con đường miền núi kéo dài quanh co dẫn
về một nơi rất xa, không thể nhìn thấy tận cùng. Con đường ấy chạy qua
những đỉnh núi cao chót vót chạm tới trời và được bao phủ bởi những cồn
mây lơ lửng. Hình ảnh người lính thấp thoáng đâu đó trong biển mây mù
mịt, ngay tại nơi mà trời và đất gặp nhau ấy. Tuy nhiên người lính không
trực tiếp xuất hiện mà chỉ có hình ảnh cây súng hiện ra trong câu thơ. Cây
súng mang theo linh hồn của người lính cũng như tâm hồn của họ, vừa hồn
nhiên, vừa táo bạo, vừa ngộ nghĩnh, vừa tinh nghịch. Trong thơ Quang
Dũng, hình ảnh "súng ngửi trời" mang đậm tính hiện thực, khác với sự lãng
mạn trong câu thơ của Chính Hữu trong bài Đồng chí:
Đầu súng trăng treo
Nếu câu thơ của Chính Hữu đạt tới mức hoàn hảo về vẻ đẹp lãng
mạn thì câu thơ của Quang Dũng cũng đạt tới ngưỡng tuyệt vời trong việc
thể hiện "chất lính". Người lính trong thơ Quang Dũng trải qua bao nhiêu
gian nan nhưng không bao giờ khuất phục. Phải chăng hình ảnh "súng ngửi
trời" ẩn đi sau nó dáng hình người lính luôn ngẩng cao đầu bước tới, khai
phá miền đất hoang sơ, vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ nền hoà bình mà
họ ao ước? Họ đã trải qua bao nhiêu thử thách của nơi rừng thiêng nước độc
và vẫn giữ được nụ cười lạc quan yêu đời trên môi, cho dù khó khăn nối tiếp
khó khăn, mảnh đất hùng vĩ không ngừng đặt ra cho họ sự thử thách:

2
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Dấu phẩy ngăn đôi dòng chữ, câu thơ như gãy làm đôi, thể hiện
hai thái cực đối lập: một bên là dốc núi vút lên, một bên là dốc núi đổ xuống
gần như thẳng đứng. Câu thơ mang lại một ấn tượng dữ dội về sự cheo leo
hiểm trở mà cũng rất đặc trưng của thiên nhiên hùng vĩ. Sau ba câu với
những nét mạnh mẽ, bạo khoẻ, Quang Dũng đặt vào cuối bức tranh rừng Tây
Bắc một nét bút dịu dàng, mềm mại. Câu thơ thứ tư: "Nhà ai Pha luông mưa
xa khơi" toàn thanh bằng gợi lên một cảm giác bình yên khó tả. Người nghệ
sĩ đa tài đã đặt một vệt màu xanh êm ái vào giữa những gam màu nóng mạnh
mẽ khác, làm dịu cả bức tranh kì vĩ. Câu thơ thứ tư toàn thanh bằng chính là
gam màu xanh dịu dàng ấy. Sau khi vượt ngàn dốc núi, người lính với đôi
chân mỏi mệt khao khát mong đợi một nơi nghỉ chân. Họ nhìn ra xa, nhìn
qua một khoảng không bao la rộng lớn và đôi mắt họ dừng lại trước một
ngôi nhà nhỏ ở Pha Luông. ngôi nhà gần gũi và ấm áp đang chìm khuất giữa
biển mưa vô tận như một niềm vui nhỏ nhoi, một niềm hạnh phúc bình yên
đang ôm ấp lấy những trái tim đã trở nên cứng rắn vì chiến trường, bom đạn.
Sau những giờ phút bình yên ấy, hiện thực khắc nghiệt lại trở về trong đôi
mắt người chiến sĩ:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Đại bộ phận lính Tây Tiến là thanh niên, phần lớn là học sinh sinh
viên của Hà Nội. Họ - những con người cùng chung chí hướng, lí tưởng - đã
cùng nhau vượt qua bao gian nan thử thách. Tuy vậy, có nhiều người đã
không vượt qua được sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Có một sự thực khốc
liệt là những thiếu thốn về vật chất và dịch bệnh đã khiến nhiều người lính
ngã xuống hơn là bom đạn chiến trường. Hoàn cảnh khiến người đồng chí
của Quang Dũng "không bước nữa", khiến người lính dừng chân và "gục lên
súng mũ". Anh ngủ sau khi đối phải đối đầu với bao gian nan thử thách, ngủ
say đến nỗi "bỏ quên đời". Người lính ngủ để lấy sức hay ngủ giấc ngủ vĩnh
hằng và không bao giờ trở dậy nữa? Những con người trẻ tuổi hào hoa, lãng
mạn và yêu đời đã có những cuộc dừng chân như thế. Cạnh họ, thiên nhiên
dữ dội hoang dại vẫn còn đầy đe doạ và huyền bí:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Đọc những câu thơ này, ta cảm nhân bức tranh thiên nhiên hùng
tráng không chỉ có sức tạo hình mà còn có những âm thanh sống động. Đó là
tiếng thác đổ ào ạt như gầm thét đầy hăm doạ, đó là những đêm Mường
Hịch, hổ dữ chầu chực xông tới tấn công người lính hành quân. Núi rừng ẩn
chứa bao điều huyền bí đến hoang dại và dữ dội. Nỗi bất an, đe doạ ùa về

3
trong từng nhịp thơ chợt bị xua tan bởi những nét đẹp rất gần gũi, rát ấm áp
và thân quen:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Đối với Quang Dũng, những kí ức về thiên nhiên đầy hung dữ
huyền bí gắn với bao khó khăn không dễ dàng vượt qua lại không thể khắc
sâu bằng những kí ức về niềm hạnh phúc rất bình dị và cũng rất nhỏ nhoi.
Niềm hạnh phúc đấy đã khiến thi sĩ phải thốt lên "Nhớ ôi Tây Tiến". Đối với
ông, Tây Tiến không chỉ là một vùng đất hoang sơ mà còn là một vùng đất
với những kỉ niệm rất yên bình và ấm áp. Đó là những ngôi nhà nhỏ toả khói
lên cái nền lạnh giá của núi rừng để nấu lên những bữa cơm đầy ân tình. Kí
ức đẹp đẽ ấy gắn với cái tên thật cụ thể: "Mai Châu" - chỉ là cái tên thôi
nhưng cũng đủ gợi cảm giác bình yên, nhẹ nhàng đến kì lạ. Hình ảnh người
con gái ẩn hiện đâu đó trong câu thơ cùng với mùi thơm phảng phất của nếp
xôi. Món xôi nếp càng bình dị, đời thường bao nhiêu thì đối với người lính
lại càng trở nên quý giá và ý nghĩa bấy nhiêu. Phải chăng món ăn dân dã ấy
gợi họ nhớ về quê hương nơi sinh ra họ, về gia đình họ, về cả người phụ nữ
đó chăm sóc họ bấy lâu? Hình ảnh ấy gợi cho người lính Tây Tiến nhớ về
những gì thân thuộc, gắn bó nhất, vì vậy bằng một cách rất tự nhiên những
hình ảnh vô cùng hiếm hoi giữa nơi chiến trường đó đã trở thành những kí
ức không bao giờ có thể phai nhạt trong lòng họ.
Vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về niềm hạnh phúc và niềm vui ở cuối
khổ một, khổ thơ thứ hai mở ra với đêm hội của người lính:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Bất cứ nơi nào người lính dừng chân, nơi ấy sẽ trở thành đêm hội.
Trong những đêm như thế, người lính tạm gác lại những ưu phiền, lo âu,
căng thẳng của những cuộc hành quân và những lần chiến đấu để "bừng
lên" với niềm vui được hoà mình vào tình quân dân gắn bó. ở đây, "đuốc
hoa" không phải là nến trong đêm tân hôn mà là những ngọn đuốc thắp sáng
trong đêm liên hoan doanh trại. Những ngọn đuốc rực rõ ấy toả ánh sáng vào
đêm Tây Tiến đầy lãng mạn và mộng mơ. Đêm hội còn đẹp hơn nữa khi
người con gai dân tộc xuất hiện trong những bộ xiêm y lộng lẫy. Họ xinh
đẹp, rực rỡ đến nỗi khiến người lính phải thốt lên "kìa em" và lại càng trở
nên nổi bật với sự dịu dàng, e ấp trong tiếng nhạc ngân nga khắp nơi. Trong
niềm vui đến ngất ngây của đêm hội tưng bừng ấy, có lẽ người lính nào cũng
mong tiếng nhạc này sẽ vang xa hơn đến khắp đất nước và sang cả Viên
Chăn - thủ đô của Lào - để mang đến niềm vui cho cả nhân dân hai nước. Đó

4
là những mong ước rất thật, rất lãng mạn của những con người yêu hoà bình,
yêu quê hương đất nước này.
Sau đêm hội đầy ắp niềm hạnh phúc, có lẽ một nỗi buồn man mác
lại kéo về trong đôi mắt người chiến sĩ, phủ lên những câu thơ một nét đẹp
huyền ảo, đầy bí ẩn:
Ai đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Bốn câu thơ như vẽ nên một bức tranh thuỷ mặc ảo mờ. Sương
phủ trắng khắp nơi, đắm chìm cảnh vật trong một sắc màu ảo mộng xa xưa.
Những rừng lau nửa ẩn nửa hiện trong màn sương của Châu Mộc cũng mang
một vẻ đẹp huyền bí. "Hồn lau" là linh hồn của ngọn lau yếu ớt đang neo
đậu mỗi bến bờ hay là linh hồn của những người lính đã ngã xuống để bảo
vệ mảnh đất máu thịt của Tổ Quốc này. Nếu mỗi ngọn lau che chở cho một
linh hồn thì cả cánh rừng lau bạt ngàn sẽ chứa đựng bao nhiêu linh hồn đây?
Cũng giống như thân lau mềm mại nương tựa vào nhau, linh hồn của những
người đã khuất vấn vương mảnh đất mà họ đã hy sinh vì nó vẫn đoàn kết
cùng nhau bảo vệ bao bến bờ. Giữa dòng nước, nổi bật lên là dáng người
trên con thuyền độc mộc. Con người ấy dường như đang lẻ loi, cô độc giữa
dòng nước lớn không biết chảy về đâu, trên con thuyền nhỏ không biết sẽ
trôi theo phương nào. Con người ấy làm gì giữa dòng nước, có phải người
đó đang cười nụ cười bình yên và nhìn về phía những con người đã hy sinh
anh dũng để bảo vệ vung đất ấy? Bên dòng nước lũ, bên con thuyền, những
cánh hoa vẫn bình thản đong đưa. Đó là một bức tranh hoàn toàn tĩnh lặng,
gợi về một nơi rất đẹp, một cách huyền hoặc đầy bí ẩn. Như vậy, Tây Bắc
trong kí ức của Quang Dũng là một vùng đất hoang sơ, hùng vĩ, có những
nét đẹp tráng lệ, có những nép đẹp êm ái hạnh phúc, có những nép đẹp tươi
vui và còn có những nét huyền ảo mộng mơ.
Trên cái nền của núi rừng hùng vĩ và dữ dội đó, người lính Tây
Tiến hiện lên trong câu thơ cũng không kém phần mạnh mẽ, quyết liệt:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Đoàn binh Tây Tiến hùng dũng xuất hiện với một hình ảnh rất đặc
biệt và cũng rất ấn tượng: "không mọc tóc". "Không mọc tóc" như một đặc
điểm nhận dạng của đoàn quân Tây Tiến và dường như cũng rất quen thuộc
với người lính. Tại sao họ lại "không mọc tóc"? Có người tự cạo đi để tránh
vướng víu khi ở chiến trường, có người thì bị căn bệnh sốt rét nghiệt ngã
làm rụng hết tóc. Dưới ngòi bút của Quang Dũng, hình ảnh về người lính
hiện lên rất hiện thực nhưng không trần trụi mà đậm chất hào hùng bi tráng.

5
Người chiến sĩ xanh màu lá nguỵ trang hay xanh xao vì bệnh tật đều là
những chiến binh dũng mãnh mang theo cái oai phong của rừng xanh. Điều
kiện khắc nghiệt làm họ mắc bao nhiêu thứ bệnh nhưng họ ốm mà không
yếu. Tâm hồn họ là những tâm hồn mạnh mẽ, bất khuất luôn sẵn sàng đối
mặt với thử thách với một tư thế kiêu hùng:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Có lẽ một số người đọc câu thơ này sẽ lầm tưởng là những người
lính Tây Tiến có giấc mơ xâm lược Lào, nhưng đó là những người không
hiểu lịch sử. Đơn vị Tây Tiến phối hợp với lực lượng Pa-thet của Lào để tiêu
diệt sinh lực Pháp, phục vụ cho khánh chiến chống Pháp cho cả hai dân tộc.
Họ là bạn, là đồng đội vì thế ước mong duy nhất của họ chỉ có thể là nền hoà
bình cho cả hai dân tộc. ánh mắt hung dữ mà người lính Tây Tiến gửi qua
biên giới là ánh mắt dành cho kẻ thù xâm lược, thể hiện tư thế dũng mãnh
của những chiến binh kiêu hùng với lũng căm thù rực lửa. Họ sẵn sàng hy
sinh cả tính mạng và tuổi xuân của họ để bảo vệ Tổ Quốc, quê hương, gia
đình và những người phụ nữ mà họ yêu thương. Họ là những dũng sĩ có tâm
hồn và một trái tim đầy tình yêu:
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Câu thơ này đã mang lại nhiều phiền phức cho Quang Dũng vì
người ta cho rằng câu thơ còn "rơi rớt tính tư sản", rằng người lính Tây Tiến
không toàn tâm toàn ý phục vụ cho cuộc kháng chiến. Để chê câu thơ của
Quang Dũng, người ta khen câu thơ của Chính Hữu:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Người lính trong bài Đồng Chí của Chính Hữu gửi lại tất cả, mặc
kệ tất cả sau lưng để vào chiến trường nhưng họ đi vì cái gì? Họ đi cũng vì
những con người mà họ yêu thương, họ đi để bảo vệ những gì họ yêu quý
cho dù phải đánh đổi cả tính mạng của mình. Người lính cũng là con người,
đã là con người thì phải biết yêu thương, vì yêu thương mới có căm hận và
cũng vì căm hận mà họ sẵn sàng làm tất cả vì những người họ yêu thương
nhất. Người lính trong thơ Quang Dũng không giấu diếm lòng mình như
người lính trong thơ Chính Hữu. Họ dũng cảm đối đầu với cái chết và hết
lòng phục vụ đất nước vậy chẳng lẽ họ không có quyền có vài phút riêng cho
bản thân? Họ nhớ về nơi họ đã ra đi: Hà Nội - mảnh đất đã sinh ra họ, nơi ấy
có những người thiếu nữ mà họ yêu quý và nhớ mong da diết. Không lẽ họ
nhớ mà cũng cấm sao? Thơ Quang Dũng đã thể hiện một cách sâu sắc những
góc khuất trong tâm hồn người lính một cách rất hiện thực mà cũng rất lãng
mạn và tinh tế. Tính hiện thực đó còn được tô đậm hơn ở những câu thơ sau.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

6
Những năm đầu của cuộc kháng chiến, nhất là khoảng 1948, người
ta rất tránh việc nói về cái chết vì điều đó có thể làm nhụt chí những người
ra chiến trường. Vậy mà ngũi bút của Quang Dũng vẫn vẽ ra bức tranh hiện
thực ấy một cách chân thực đến dữ dội. Tuy vậy, thơ ông “bi” mà không
“luỵ”. Những từ Hán Việt như "biên cương", "mồ viễn xứ", ... làm tăng
thêm tính hùng tráng cho những con người tử vì nghĩa lớn và giảm bớt sự
đau thương của nỗi mất mát. Họ chiến đấu, hy sinh rồi nằm lại nơi đất khách
quê người. Cơn gió lạnh từ nơi chiến trường khốc liệt ùa về trong câu thơ lập
tức bị xua tan bởi sự phóng khoáng, lạc quan, rất "lính" ở câu thơ tiếp theo:
"chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Có lẽ họ đã xác định dấu chấm hết
cho cuộc đời mình, nhưng sự hy sinh của họ đâu phải vô nghĩa, vì những gì
họ để lại sẽ mở ra một chương mới tươi đẹp hơn cho lịch sử. Những con
người đó không tiếc tuổi thanh xuân đất nước hoà bình và dân tộc được giải
phóng. Những người lính là những con người vĩ đại, vì vậy sự ra đi của họ
cũng đậm chất hào hùng, bi tráng:
Áo bào thay chiến anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Có biết bao người lính ngã xuống nơi chiến trường không kịp
trăng trối lại, không được mặc một bộ quần áo mới sạch sẽ, khụng có môt
manh chiếu che chở thậm chí chỗ chôn họ cũng không được tươm tất. Thứ
duy nhất mà ho mang theo về nơi xa xôi là bộ áo bộ đội màu xanh-bộ quần
phục mà họ yêu quý, nâng niu va trân trọng gọi tên "áo bào". Bộ áo minh
chứng cho lòng yêu tổ quốc, cho những gian truân của những cuộc hành
quân, cho những phút giây ho can trường chiến đấu đối mặt với tử thần và
cho cả phút giây họ ngã xuống và hy sinh anh dũng vì mảnh đất mà họ yếu
mến. Bộ quân phục ấy họ tự hào và giữ gìn như áo mà vua ban cho những vị
tướng lâm trận thời xưa vì nó tượng trưng cho cả một quãng đời oai hùng,
lẫm liệt. Dường như vì khoác trên mình bộ áo ấy mà họ đã ra đi trong một tư
thế lẫm liệt hơn, đàng hoàng hơn, hùng dũng hơn bao giờ hết. Quang Dũng
đã tránh làm nỗi đau thêm sâu, nỗi mất mát thêm triền miên nên thay vì
dùng từ "chết", "mất", "hy sinh" hay "ra đi", ông đã dùng từ "về đất" để chỉ
sự ra đi mãi mãi của đồng đội mình. Sau khi trải ngàn gian khó, cống hiến cả
cuộc đời mình cho đất nước, người lính đã yên nghỉ không thực hiện thêm
bất cứ cuộc trường chinh nào... Nơi họ đến là "đất", họ "về" với đất - nơi đã
sinh ra con người và cũng là nơi chở che ấp ủ cho bao linh hồn người đã
khuất. Người lính ra đi nơi đất khách quê người mà không có họ hàng, người
thân bên cạnh tiễn biệt nhưng bù lại sự mất mát đó, thiên nhiên Tây Bắc
hùng vĩ đã thay lời người ruột thịt đến tiễn đưa họ về với đất mẹ bao dung.
Thiên nhiên như mở rộng vòng tay ôm lấy linh hồn những con người anh
dũng và con sông Mã đã chứng kiến bao sự hy sinh cũng góp phần vào khúc

7
ca bi tráng tiễn biệt những người lính anh hùng của dân tộc. Con sông ào ào
cuộn chảy đang "gầm lên" những khúc ca bi tráng, cũng biết đau đớn, xót
thương vì nỗi mất mát. Dòng sông Mã như một người bạn tri kỉ của đội quân
Tây Tiến. Người lính Tây Tiến ngã xuống đã làm động lòng thiên nhiên
hung dữ, hoang dại; đã làm cả những vật vô tri, vô giác phải sống dậy vì tiếc
thương và nể phục.
Sau khi dựng lên bức tượng đài về người lính Tây Tiến bằng nét
bút mạnh mẽ, rắn chắc, đậm chất bi hùng và không kém phần lãng mạn, tới
khổ thơ thứ tư, Quang Dũng lại thổi vào câu thơ sự nhẹ nhàng uyển chuyển
và da diết:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
So với khổ ba, khổ thơ thứ tư có nhịp chậm hơn, giọng buồn hơn
nhưng linh hồn của ý thơ vẫn toát nên vẻ hào hùng. Bao nhiêu con người trẻ
tuổi đã rời bỏ quê hương để đến với Tây Tiến và đã xác định không thể trở
lại mặc dù còn bao nhớ thương, vương vấn với những người mà họ thương
yêu. Nhưng đến khi đến với Tây Tiến, mảnh đất hoang sơ này theo thời gian
lại trở lên mảnh đất gắn bó máu thịt với người lính như là quê hương thứ hai
đã sinh ra họ vậy. Núi rừng nơi ấy có lúc hung bạo dữ tợn, có lúc hiền hoà
lãng mạn, có lúc vui vẻ sôi động lại có lúc lặng trầm bi tráng. Thiên nhiên
của mảnh đất ấy là kí ức, là tuổi trẻ, là cuộc đời của biết bao con người lẫm
liệt. Họ đến với Tây Bắc không phải vì họ yêu Tây Bắc mà là vì họ yêu Tổ
Quốc nhưng khi phải rời đi thì họ gửi lại linh hồn nơi đây vì linh hồn ấy đã
thuộc về Tây Bắc, thuộc về đoàn quân Tây Tiến từ bao giờ không biết. Có lẽ
đối với người lính, Tây Tiến mãi là mùa xuân, mãi là tuổi trẻ, mãi là kí ức
tươi mới tồn tại vĩnh hằng trong kí ức của đoàn binh.

Nền văn học phục vụ kháng chiến của nước ta có biết bao nhiêu
tác phẩm hay và đặc sắc. Tây Tiến là một trong số đó nhưng cái hay của bài
thơ là cái hay độc nhất vô nhị, không thể lẫn lộn với bài thơ nào khác. Thiên
nhiên nơi đâu có thể hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ như Tây Bắc? Người lính nơi
đâu có thể hào hoa, lãng mạn, hùng dũng, lẫm liệt như người lính Tây Tiến?
Ngòi bút nào có thể hiện thực đến dữ dội, lãng mạn đến mộng mơ như ngòi
bút Quang Dũng? Chừng nào những câu hỏi đó được giải đáp, chừng đó mới
có được bài thơ khác sánh ngang tầm với "Tây Tiến". Dưới ngòi bút của
Quang Dũng, người và cảnh không chỉ đẹp mà còn chân thực, chân thực vì
trong thơ có tình cảm thật, trải nghiệm thật của tác giả. ông đã khám phá ra
những góc khuất trong tâm hồn người lính mà nhiều nhà thơ đã không động

8
đến, chưa chạm tới những sự thật. Ngoài ra cũng nhiều người né tránh không
dám nói đến những khó khăn gian khổ nghiệt ngã mà người lính Tây Tiến
phải chịu - Đó là sự thật của chiến tranh. Vì vậy nhà thơ - chiến sĩ Quang
Dũng đã thể hiện được "cái tôi" của mình trong kiệt tác "Tây Tiến". Thiên
nhiên Tây Bắc sẽ mãi là một bức tranh hùng vĩ, lộng lẫy, người lính Tây
Tiến sẽ mãi là một bức tượng đài hùng tráng và Quang Dũng sẽ mãi là một
thi sĩ tài năng trong lòng người đọc. Một tác phẩm thành công như vậy sẽ có
được sức hấp dẫn lâu dài đối với nhiều thế hệ.

You might also like