Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 114

[15/06/2024]

Lời ngỏ trước khi đọc


Chào mọi người,

Mình tên là Minh, đã học tại Singapore được 11 năm.

Bạn có thể tìm câu chuyện của mình ở đây:

1/ https://tuoitre.vn/thu-linh-du-hoc-sinh-khoa-i-o-singapore-kinh-qua-nhieu-kho-
khan-nen-san-sang-giup-do-20231214114625793.htm

2/ https://thanhnien.vn/khi-ban-linh-tri-tue-viet-bung-sang-o-quoc-te-
185231214194440867.htm

Mình làm tập tài liệu này vì nhận ra rằng mình đã viết khá nhiều bài tại nhiều kênh
khác nhau. Mình mong muốn tập hợp những bài viết với nhau.

Sẽ có 2 loại dạng bài chính: (1) Về tư vấn du học và (2) Về Singapore (Lịch sử, giáo
dục, chính trị)

Trước khi đọc nôi dung, mình mong bạn (hoặc bác phụ huynh/em) lưu ý:

1/ Thông tin của mình có thể bị sai, không đúng với thực tế dù mình đã cố gắng hết trong
mức có thể với tư cách tình nguyện viên để đưa ra thông tin đúng nhất vào thời điểm của
bài viết.

Quan điểm bài viết là của cá nhân mình vào thời điểm bài được đăng nên thông tin có
thể bị lạc hậu. Mình hiện tại chưa chắc đã cùng quan điểm với bản thân những năm về
trước. Mình vẫn giữ nguyên gốc của bài.

Các bài viết đều không có giá trị rằng buộc về pháp lý nên nó sẽ có thể không đúng về
ngữ pháp, câu chữ và người xem với mục đích tham khảo. Mình không có nghĩa vụ sửa
bài hay thay đổi thông tin. Khi bạn sử dụng bản viết này, bạn đồng ý rằng mọi quyết
định/suy nghĩ của người xem nếu ảnh hưởng tiêu cực vì bất kỳ lý do gì sẽ không liên quan
tới tác giả. Người đọc cũng được coi là đồng ý sẽ (1) Không hiệu chỉnh bài, (2) Cắt ghép
câu chữ của mình, (3) Không sử dụng những thông tin trong đây gây ảnh hưởng tiêu cực
đến mình dù trực tiếp hay gián tiếp.

2/ Mục đích của mình viết bài từ trước đến nay không phải vì lợi nhuận mà đơn giản là
mong rằng người đọc có thể tiếp cận thông tin được tốt hơn. Mình không quảng bá du
học Singapore hay có ngụ ý không du học tại Singapore, mình chỉ mong muốn người đọc
có thông tin tốt hơn để cho con được học tập của bản thân hay người thân của mình. Với
quan điểm là nếu mình giúp được 1 người, thì người đó sẽ giúp người tiếp theo, từ đó xã
hội sẽ tốt lên.

Các bài viết này không có mục đích gì khác, và mình mong, người đọc sẽ không cắt chữ
(ví dụ chọn lọc đoạn để dẫn đến hiểu sai bản chất vấn đề) hay có ý gây hại cho mình.
Mình không có trách nhiệm phải đảm bảo thông tin là đúng (dù như điểm 1 đã nêu) vì
việc này hoàn toàn tự nguyên. Người đọc cũng nên tham khảo các nguồn khác như
trung tâm du học, những người đã có trải nghiệm, v.v.

Mình không nhận tiền hay bất kỳ lợi ích rõ ràng gì từ những bài viết này. Vì vậy, mình
không đồng ý sử dụng tài liệu này với mục đích thương mai khi không có sự đồng ý của
mình.

3/ Cấu trúc của bài viết được chia thành các mốc thời điểm khác nhau. Và vì vậy nên bài
của mình có thể sẽ bị xung đột về suy nghĩ. Lý do là mỗi năm học ở Singapore thì mình
lại có trải nghiệm mới nên góc nhìn của mình đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước.
Vì vậy người đọc cũng nên cân nhắc vấn đề này.
Nội dung
Lời ngỏ trước khi đọc ................................................................................................ 1
Bài viết năm 2024 ..................................................................................................... 6
[15/5/24] Câu chuyện cấp 2 của mình .................................................................... 6
[15/4/24] Một số câu hỏi phỏng vấn của NTU (Bậc đại học) ...................................... 6
[13/3/24] Môn hay nhất trong đại học ..................................................................... 7
[23/2/24] Thu nhập sinh viên năm 2023 .................................................................. 9
[13/2/24] Mình gặp Tổng Thống Singapore kiểu gì? ................................................. 10
[7/2/24] Vào đại học công ở Singapore từ Polytechnic thực sự dễ?.......................... 11
[27/1/24] Suy nghĩ về việc theo đuổi Công Nghệ Thông Tin tại Singapore ................. 12
[21/1/24] Câu chuyện tuyển dụng tại Singapore .................................................... 13
[18/1/24] Cách giảm thiểu "thiệt hại" GPA ở NTU ................................................... 14
[18/1/24] Điểm tại Singapore? Hoạt động như thế nào? ......................................... 16
Bài viết năm 2023 ................................................................................................... 19
[10/12/23] Lời khuyên cuối năm ........................................................................... 19
[7/12/23] Trường công nào dạy tốt nhất tại Singapore? ........................................... 20
[5/12/23] Nhận xét về PISA 2022 .......................................................................... 24
[30/11/23] Tại sao du học tại Singapore?............................................................... 25
[24/11/23] Phong cách đặt trường của Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Sydney
(Úc) và Bắc Kinh (Trung Quốc) .............................................................................. 28
[22/11/23] ại sao NUS ở Clementi, NTU ở Jurong, SMU ở trung tâm và SUTD gần sân
bay? .................................................................................................................. 31
[18/11/23] Singapore dạy tốt ngành gì? ................................................................. 32
[11/11/23] Du học sớm ở Singapore - nếu "sống" được thì được gì? ........................ 35
[9/11/23] O level Singapore - bất công? ................................................................ 36
[6/11/23] Nếu được chọn làm nhân viên tuyển sinh của một trường đại học công tại
Singapore, mình sẽ làm như thế nào? ................................................................... 37
[2/11/23] Học sinh Việt Nam tại Singapore có những con đường nào? .................... 38
[20/9/23] Sinh viên tốt nghiệp tại trường công Singapore lương bao nhiêu? ............. 50
[12/8/23] Review chương trình trao đổi từng trường ............................................... 53
[25/7/23] Một số điểm lưu ý khi sang Singapore ..................................................... 55
[2/7/23] "Nếu không có học bổng ở trường công lập thì sao?" ................................. 57
[27/6/23] Chương trình học ở SIM ........................................................................ 59
[6/6/23] Networking là gì và tại sao nó quan trọng? ................................................ 60
[1/6/23] Review trao đổi tại HKUST (HK) - Phiên bản tóm tắt ................................... 62
[23/5/23] NTU EEE và NTU IEM ............................................................................. 65
Bài viết năm 2022 ................................................................................................... 67
[21/10/22] Danh sách những quyển sách hay về chính trị, lịch sử và văn hóa
Singapore .......................................................................................................... 67
[10/7/22] Các cơ hội trao đổi ở Đại Học Công Nghệ Nanyang (và các trường công lập
tại Singapore khác) ............................................................................................. 68
[26/6/22] Một số ngành không nên đăng ký với bằng cấp 3 Việt Nam với 4 trường công
lập (NUS, NTU, SMU, SUTD) tại Singapore............................................................. 71
[24/6/22] Trải nghiệm học tại Đại Học Sydney (USYD) với tư cách là sinh viên trao đổi
......................................................................................................................... 73
[23/6/22] Trả lời các câu hỏi liên quan tới du học Singapore (tiếp tục) ..................... 74
[16/6/22] Chia sẻ về trường tư của Singapore ........................................................ 76
[16/6/22] Các trường tư tại Singapore ................................................................... 77
[14/6/22] Tâm sự dành riêng cho các bạn chuẩn bị đi du học.................................. 79
[9/6/22] Cách để mình làm câu luận để được học bổng tại Đại Học Công Nghệ
Nanyang, Singapore ............................................................................................ 81
[4/6/2022] 5 điều mình có được khi đi du học ........................................................ 83
[3/6/2022] Thuê nhà trọ ở Singapore như thế nào?................................................. 86
[29/5/2022] Một số câu hỏi liên quan đến đơn nộp Đại Học Công Nghệ Nanyang (NTU)
và một số trường công lập khác tại Singapore ....................................................... 87
[27/5/2022] So sánh sự khác biệt giữa học cấp 2 ở Việt Nam (Hà Nội) và Singapore (Sơ
bộ)..................................................................................................................... 89
[22/5/2022] Tại sao tôi đi du học? ......................................................................... 91
[21/5/2022] Những gì đại học ở Singapore quan tâm khi xét học bổng (dựa vào kinh
nghiệm của mình) ............................................................................................... 93
[13/5/2022] Kinh nghiệm chọn đại học của mình ................................................... 95
[8/5/2022] Tổng hợp câu hỏi về Đại Học tại Singapore (cái này áp dụng với đại đa số
trường công lập) mà mọi người hỏi mình (phần 2). ............................................... 100
[4/5/2022] Câu hỏi về du học Singapore ............................................................. 102
[7/2/2022] Giải thích về khái niệm Tuition Grant và Học Bổng .............................. 103
Bài viết năm 2021 ................................................................................................. 104
[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 1 ........................................................... 104
[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 2 ........................................................... 107
[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 3 ........................................................... 110
Bài viết năm 2024
[15/5/24] Câu chuyện cấp 2 của mình
Hồi cấp 2 học tại Singapore trốn học, cúp lớp, bị gọi kiểm điểm nhiều lần mà giờ khi nói
chuyện lại với cô chủ nhiệm cũ thì cô nhắn 1 dòng khá cảm động.

Đi học từ sớm 1 mình là quá khó khăn, nhưng mình cũng đã may mắn gặp nhiều thầy cô
người Singapore dạy mình nhiều điều hay lẽ phải để có được như ngày hôm nay

Dịch tiếng Việt:

"Cô không nhớ em là một học sinh tồi. Em là một học sinh chăm chỉ. Chỉ là tiếng Anh có
thể hơi khó khăn ban đầu. Em đã làm tốt và cô hy vọng em sẽ tiếp tục tỏa sáng bất cứ
nơi nào em đến."

[15/4/24] Một số câu hỏi phỏng vấn của NTU (Bậc đại học)
Có nhiều phu huynh/học sinh nhắn mình hỏi ngày trước NTU có hỏi những câu hỏi nào
lúc phỏng vấn, thì mình có danh sách như sau (dựa vào trí nhớ và những người khác đã
phỏng vấn):

1. What is your choices of programs? Explain the order

2. How will you contribute to Singapore and the global community?


3. A time when you were in a leadership role?

4. A time you resolved conflicts between team members

5. One non academic pursuit? What you achieved through this

6. Strongest subject? Why?

7. What are you strengths and weakness?

8. Do you want to stay in hall? Why?

9. Did you apply to other universities? Did they give you any offer?

10. How will you contribute to NTU community?

11. Tell me more about your hobby

12. What is your future plan after graduate from NTU?

13. Tell me more about your academic achievement

14. Discuss how you would bring diversity to campus.

15. What books have you read recently that have influenced your thinking and why?

16. How do you handle failure? Provide an example of a time when you did not meet a
personal goal and how you responded.

17. How will you finance your study?

18. How do you manage your time effectively, especially when balancing multiple
responsibilities?

19. What are your career goals and how does your chosen program align with these
goals?

20. Describe an event that change your life

21. How do you deal with difficult teammates

Lưu ý rằng những câu hỏi này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể trường sẽ hỏi hoặc
không hỏi, tùy vào người phỏng vấn qua từng năm.

[13/3/24] Môn hay nhất trong đại học


Mình có học PH1012 (Physics A - môn cho sinh viên từ hệ Polytechnic) hồi năm 1, có lẽ
đây là môn khó nhất vì toàn bộ kiến thức A level trong 2 năm gói gọn trong vòng 6 tháng.
Lúc học, mình thực sự không thích môn này đến thế vì nhiều lúc nghĩ "Học cái này rồi có
áp dụng được gì đâu? Một nửa chẳng liên quan gì tới ngành Điện & Điện Tử, và mình
chẳng có ý định làm kỹ sư". Thầy Ho (sinh viên hay gọi là Dr Ho) cũng chuyên môn ra đề
khó, đề khó vì cái đề nhìn ngắn, lúc xem giải thì thấy dễ nhưng mà lúc đi thi thì chẳng ai
làm được. Mình cũng tự hỏi rằng, tại sao thầy phải làm khó sinh viên đến vậy.

Một cái rất lạ là thầy rất tốt và giỏi, và dù dạy một lớp rất đông, gần 1,000 sinh viên nhưng
mọi kiến thức khó đều được giải thích trong thời gian ngắn. Vào cái buổi giảng cuối cùng
thì thầy có bảo rằng là lý do chính đề khó là vì nếu phải lựa chọn giữa việc sinh viên bị
điểm kém, trách móc giảng viên và việc NTU tạo ra những kỹ sư hay con người không
biết nghĩ thì có lẽ cái phần thứ 2 sẽ tệ hơn.

Đến năm 4, khi mình học những môn cuối cùng, thì mình cũng đồng ý rằng, cái điểm tốt
của việc học kỹ thuật đó là dạy về tư duy phản biệt (critical thinking) và tư duy suy luận
(logical thinking) rất tốt. Việc học kiến thức vật lý và toán học không phải vì mọi thứ sẽ
được "xài", trên thực tế chỉ có 10% sẽ được sử dụng, tuy vậy, cách suy nghĩ và khả năng
chịu đựng mới là thứ quan trọng nhất trong những năm tháng đó.

Hôm nay ngồi ở canteen tự nhiên thấy thầy và nói chuyện với thầy, luôn biết ơn những
người giảng viên đã mang mình tới tận ngày hôm nay.

Video về thầy: https://www.youtube.com/watch?v=yam1gDSnw_8

(Thầy từng học ở Imperial London College - Anh và Đại Học Toronto - Canada)
[23/2/24] Thu nhập sinh viên năm 2023
Hàng năm Singapore đều có khảo sát việc làm sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp cho toàn
bộ các trường công lập, năm nay khảo sát của NUS, NTU, SMU và SUSS đã ra (do SIT và
SUTD có thời gian biểu khác). Đây là một số nội dung chính:

• Mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học tại Singapore năm
2023 tăng lên, đạt $4,313 so với $4,200 vào năm 2022.

• Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm toàn thời gian, bán thời gian hoặc tự do
giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

• Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm toàn thời gian giảm từ 87.5% xuống còn
84.1% vào năm 2023.

• Tổng cộng, 89.6% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm cố định, tự do hoặc bán thời
gian trong vòng sáu tháng sau khi tốt nghiệp, giảm so với 93.8% vào năm trước đó.

• Sinh viên ngành công nghệ thông tin tiếp tục có mức lương cao nhất dù có sự sụt giảm
nhẹ so với năm 2022.

• Sinh viên ngành kỹ thuật chứng kiến mức lương trung bình giảm so với năm trước.

• Khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp được thực hiện với tỷ lệ phản
hồi là 74%.

• Môi trường thị trường việc làm của Singapore trở nên cạnh tranh hơn và là nơi chất
lượng được ưu tiên hơn số lượng, giúp các công ty chọn lựa những ứng viên xuất sắc
nhất.

Trên thực tế thì năm nay các bạn học kỹ thuật và công nghệ thông tin người Việt cũng
đang gặp khó khăn trong tìm việc (giảm mức nhận việc sau 6 tháng từ 94.5% và 95%
xuống 86.2% và 90.5%).
[13/2/24] Mình gặp Tổng Thống Singapore kiểu gì?
(Con đường 5 năm chỉ để lấy 10 giây huy hoàng)

Vào năm 2017, lúc còn học cấp 3 tại Singapore, thầy cô có phổ biến 1 giải thưởng tên là
NYAA Gold Medal.

Lúc đó NYAA có 5 phần chính:

1/Adventure Learning (Học tập Mạo hiểm) - Hoàn thành năm 2017

2/Community Service (Dịch vụ Cộng đồng) - Làm tối thiểu 60 tiếng nhưng mình đã đóng
góp hơn 120 tiếng

3/Physical Recreation (Hoạt động Thể chất) - Làm tối thiểu 40 tiếng thể dục thể thao,
nhưng mình làm lên 43 tiếng

4/Residential Project (Dự án Khu dân cư) - Dự án One Heart, một trong những dự án lớn
nhất của 5 Polytechnic cùng làm

5/Skill (Kỹ năng) - Làm chụp ảnh (từ năm 2019 - 2022)

Tổng thời gian là 5 năm.

Thực ra thì nói chân thành, mấy phần này nghe khá dễ nhưng đa phần sẽ nản và không
hoàn thành hết. Và trên thực tế, NYAA Gold được trao cho "các bạn trẻ có các phẩm
chất cá nhân về tự lực, kiên trì và ý thức trách nhiệm với bản thân, với xã hội và với quốc
gia." Vậy, nó là về tính kiên trì và tự lực, nghĩa là họ muốn trao cho những người có tính tự
chủ cao, trong đó cũng có phẩm chất lãnh đạo.
Hôm đó, khi mình được gặp những bạn được giải thì rất nhiều người đang học tại những
trường đứng đầu ở Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Úc hay Anh. Mình nghĩ rằng nếu như bạn
có thể làm hết toàn bộ các phần này, và không cần người trợ giúp thì bạn đã tiến bộ hơn
bản thân rất nhiều. Mình cũng đặc biệt ngưỡng mộ những bạn đạt giải cùng mình vì họ
vừa giỏi và khiêm tốn.

Có một sự thật rằng, và mình luôn tin rằng, cây kiếm chỉ có thể tốt việc của nó là vì người
cầm nó có năng lực chứ không phải cây kiếm tạo ra người có năng lực.

Vì vậy, mỗi ngày được sống, mình luôn mong muốn phát triển bản thân tốt nhất mà để
xứng đáng cầm được cây kiếm sắc nhất làm đúng chức năng của nó.

[7/2/24] Vào đại học công ở Singapore từ Polytechnic thực sự dễ?


Hôm nay một sinh viên một trường con (không phải trường tổng) của Polytechnic có gửi
cho mình số liệu sinh viên từ trường này lên đến đại học công lập tại Singapore. Mình xin
gọi tắt là A.

1. Qua đây có thể thấy mặc dù từ 2017 đến 2023, số lượng sinh viên từ trường con này
dù có giảm nhưng số sinh viên vào được trường đại học công lại tăng lên (từ 62 lên 99),
điều này đồng nghĩa rằng tỷ lệ vào đại học công lập tại trường con này ngày càng cao.

2. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cá biệt NUS và NTU thì số lượng đó vẫn không quá cao,
thường là từ 13 - 16 cho tổng cả 2 trường. Điều này đặc biệt thấp, vì tổng số lượng sinh
viên của trường A này là khoảng 600 một năm, tức là tỷ lệ vào được NUS hoặc NTU rơi
vào khoảng 2.1% - 2.6%. Lý do SUTD đặc biệt thấp là vì chính bản thân SUTD cũng ít
sinh viên vào hàng năm hơn rất nhiều so với các trường khác. Tổng số sinh viên ở SUTD
là khoảng 1,500 cho bậc đại học trong khi đó NTU là khoảng 25,000. SUTD cũng không
phải là lựa chọn mà nhiều sinh viên Polytechnic muốn học vì cấu trúc học không khớp
với Polytechnic như 5 trường kia.

3. Ngoài ra khi nhìn vào dữ liệu khác, thì mình có thấy rằng trong 6 bạn đạt được khoảng
3.9/4.0 đến 4.0/4.0 điểm từ Polytechnic thì chỉ duy nhất 1 bạn chọn SMU còn lại đều
chọn NUS và NTU. Điều này có nghĩa là kể cả khi sinh viên có gần như toàn bộ các lựa
chọn thì đa phần sinh viên vẫn có mong muốn vào NUS và NTU hơn.

Vì vậy, trường đại học công ở Singapore từ Polytechnic sẽ ngày càng dễ, nhưng 2
trường như NUS và NTU sẽ vẫn duy trì độ khó.

Vậy nên theo mình trừ khi học sinh là từ cấp 2 được học bổng ASEAN/A*STAR thì khả
năng cao (do năng lực học mạnh sẵn - Singapore không có đặc biệt ưu tiên hơn) vẫn có
thể đủ điều kiện vào còn không thì với một học sinh du học sớm từ cấp 2, tỷ lệ vào được
NUS và NTU là siêu thấp. Điều này cũng đã chứng minh qua 4 năm mình ở NTU với số
lượng học sinh tự túc, dù cao hơn nhiều so với học sinh có học bổng ASEAN/A*STAR
nhưng vào được NTU/NUS lại siêu thấp (thường chỉ có 0-2 bạn, trong khi đó theo dạng
học bổng có thể là 7-15 bạn).

[27/1/24] Suy nghĩ về việc theo đuổi Công Nghệ Thông Tin tại
Singapore
Hôm qua mình có xem báo cáo của NTU về việc tuyển dụng sau khi tốt nghiệp
(https://www.careertracks.edu.sg/.../college-of-engineering/)

Ở trong báo cáo này thì sinh viên tốt nghiệp ngành Điện & Điện Tử, Khoa Học Máy Tính,
Kỹ Thuật Máy Tính và Kỹ Thuật Thông Tin & Truyền Thông đều có tỷ lệ người làm tại mảng
Thông Tin và Truyền Thông cao ở mức 23.2% (cho Điện & Điện Tử) lên tới tận 56.1% (cho
Kỹ Thuật Thông Tin & Truyền Thông). Ở cả 4 ngành này thì công việc chủ yếu là Software
Developer/Engineer (Kỹ Sư Phần Mềm).

Theo mình thì điều này rất bình thường, các ngành Kỹ Sư Phần Mềm đã từng trả lương rất
cao, thậm trí có những bạn chỉ đi thực tập mà đã được trả tận 6,000 SGD/tháng (cỡ gần
100 triệu VND) nên nhiều bạn đã chọn những công việc này để theo đuổi. Tuy nhiên,
mình cũng tự đặt 2 vấn đề như sau

1/ Hiện nay các công ty công nghệ đang sa thải nhiều nhân sự, ví dụ:
https://www.straitstimes.com/.../tiktok-cuts-60-jobs-in... (Tiktok) và
https://www.businesstimes.com.sg/.../lazadas-layoffs... (Lazada)

Với sự phát triển của AI, dự kiến 20% công việc liên quan tới lĩnh vực công nghệ sẽ biến
mất (https://www.npr.org/.../microsoft-joins-other-tech...)
Đồng thời, các trường đua nhau nâng số lượng tuyển sinh. Vào năm 2018, Đại Học Quốc
Gia Singapore (NUS) đã tăng hơn 200 số sinh viên vào các ngành liên quan tới công nghệ
thông tin. Tiếp theo vào năm 2020, Đại Học Quản Trị Singapore (SMU) cũng đã mở thêm
ngành Khoa Học Máy Tính. Những sinh viên được lấy thêm vào, một phần vẫn chưa tốt
nghiệp.

Mình nghĩ rằng nếu các bạn vào NTU khóa 2024-2025 mà chọn Công Nghệ Thông Tin
làm sự nghiệp của mình thì mình nghĩ đến năm 2028 khi các bạn tốt nghiệp, thị trường
sẽ rất cạnh tranh.

2/ Ở trong ngành Điện & Điện Tử (NTU) có 3 chuyên ngành, nhưng chuyên ngành mà ít
sinh viên để tâm nhất là chuyên ngành liên quan tới chất bán dẫn. Một phần vì học siêu
khó (theo cảm nhận của mình). Sự thật là bán dẫn là ngành đặc biệt quan trọng, vì nếu
chíp không phát triển mạnh, thì sự phát triển của ngành công nghệ thông tin sẽ bị ảnh
hưởng nhiều.

Một điều thú vị mà ít người biết, đó là đa phần kinh tế Singapore dựa vào xuất khẩu, chủ
yếu là ngành điện tử (trong đó có chíp bán dẫn). Singapore hiện tại đang chiếm 11% chíp
bán dẫn hiện tại trên toàn cầu. (https://content.mycareersfuture.gov.sg/why-
consider.../)

Những ngành này thì chắc chắn không trả nhiều lương như công nghệ thông tin hiện tại
nhưng có vẻ nó sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn nếu có làn sóng sa thải. Việt Nam cũng không
muốn ở ngoài cuộc đua này nhưng hiện tại siêu ít người Việt theo những ngành này ở
Singapore.

Bán dẫn chỉ là một ví dụ nhỏ, cái mình muốn ở đây rằng là thị trường luôn thay đổi và
nếu một sinh viên chỉ "đua" theo những gì cựu sinh viên khác được trả thì chưa chắc
mình đã được trả tương tự như thế. Mình không nói bạn không nên theo ngành Công hệ
thông tin, mình nghĩ nếu bạn thực sự giỏi thì nên theo và làm rất tốt cái đó để nếu khi thị
trường có vấn đề, bạn vẫn là một trong những người giỏi nhất để công ty phải tuyển.

Một điều thú vị là ngành Điện & Điện Tử có 5.2% sinh viên làm Tài Chính & Bảo Hiểm
cùng với 2.2% làm Quản Trị Kinh Doanh & Cố Vấn Doanh Nghiệp. Có lẽ những bạn này
đã phát hiện ra mình thực sự hợp với quản trị kinh doanh và cũng được thừa hưởng bởi
suy nghĩ nhanh nhạy từ việc học kỹ thuật nên đã chọn những ngành đó.

Để chốt bài, có 1 câu mà mình được nghe từ giảng viên đại học của mình là "Đừng theo
số đông mà nên theo cái gì mình thực sự muốn và thực sự phải giỏi cái đó thì mới mong
có thể tạo ra giá trị nhiều cho xã hội"

[21/1/24] Câu chuyện tuyển dụng tại Singapore


Trường có gửi email với nội dung (dịch sang Tiếng Việt như sau):
"Trong quá khứ, có sinh viên với điểm GPA 2.7 được các ngành chính phủ tuyển dụng (ví
dụ, GovTech). Có sinh viên IEM đã giành được vị trí Nhân sự tại các công ty Thương mại
Điện tử uy tín. 12 sinh viên đã giành được vị trí Phát triển Kinh doanh ... BẠN CHỈ CẦN
PHÁT TÁN RỘNG RÃI HỒ SƠ XIN VIỆC CỦA MÌNH"

Để giải thích một chút là điểm ở NTU có thang là 5.0, tức là bạn này điểm rất thấp (bằng
hạng yếu ở NTU) và thường 2 bên tuyển khó nhất tại Singapore là cơ quan chính phủ
Singapore cùng với công ty đa quốc gia.

Qua trải nghiệm thực tế, mình cũng biết có sinh viên tốt nghiệp với bằng xuất sắc nhưng
không xin được việc cùng với việc sinh viên yếu nhưng do có nhiều kinh nghiệm thực tập
cùng với dự án liên quan nên được nhận vào doanh nghiệp lớn.

Mình viết cái này, không phải là để nói GPA không quan trọng, GPA là quan trọng và bạn
cần phải cố được càng cao càng tốt. Tuy nhiên thì trong thời gian học, ngoài trừ điểm thì
cũng có những thứ khác như (1) Thực tập, (2) Trao đổi, (3) Hoạt Động Ngoại Khóa, (4)
Các dự án/cuộc thi liên quan tới công việc mình muốn làm. Điểm là một thước đo rõ
nhất về năng lực của thí sinh nhưng không phải là thước đo duy nhất. Cầm tấm bằng
trường công với điểm cao chưa chắc đã có thể thắng được một bạn học ở trường tư khi
đi xin việc nếu kỹ năng bị thiếu.

Mong rằng các bạn đang học tại các trường công ở năm 1 và 2 biết những việc này để có
thể sau này xin được công việc mình yêu thích và lên kế hoạch cho bản thân mình tốt
hơn.

[18/1/24] Cách giảm thiểu "thiệt hại" GPA ở NTU


(cũng có thể áp dụng nếu ở NUS)

Mình thích nhất 2 bộ phim Mỹ tên How I met your mother và Breaking Bad. Điểm chung
của 2 bộ phim này là đều càng xem càng thấy hay và mình nghĩ rằng đạo diễn của 2 bộ
phim đã nghĩ tới kết thúc như thế nào cho 2 bộ phim này.

Ở NTU như một xã hội thu nhỏ, bạn hiểu luật, biết bạn muốn gì ở đoạn kết thúc thì mình
thấy bạn sẽ 1 cuộc đời đầy ý nghĩa ở trong trường. Với mình, điều mình muốn luôn là học
được nhiều nhất không chỉ trên lớp nhưng song song cũng phải giữ được GPA trên 3.5
(do mình được học bổng toàn phần) một cách dễ dàng nhất.

Ngay khi năm 1, mình đã nhận ra những môn mà khả năng cao sẽ kéo điểm mình xuống.
Các môn đó bao gồm Engineering Electromgantism và Engineering Math 2. Điều này là
dễ hiểu do cấp 3 mình ở Polytechnic nên không tập trung chuyên sâu vào các môn
thuần khoa học.
Tuy nhiên, mình cũng hiểu mình phải có 4 điều kiện để tốt nghiệp bao gồm (đơn giản
hóa):

1/ Đầy đủ 69 tín chỉ có điểm

2/ Học hết toàn bộ các môn yêu cầu

3/ Là sinh viên NTU tối thiểu 3.5 năm

4/ Học tại NTU (không đi trao đổi và bao gồm thực tập) 3 năm

Với điều kiện 1 thì khá dễ vì năm 1 và năm 2, đa phần mọi người phải học ở NTU và nếu
giả sử mỗi kỳ "dọn" được 20 tín, thì chỉ trong năm 1 và năm 2 thì sinh viên đã dọn được
80 tín. Sinh viên cũng bắt buộc phải học 8 tín Luận Án, nên đó đã là 88 tín. Ở đây mình
muốn nói rằng điều kiện 1 thực ra không hề khó. Với điều kiện 2 thì cũng không tương đối
rõ.

Với điều kiện 3 và 4, nếu sinh viên chỉ đi trao đổi không quá 1 thì cũng có thể hoàn thiện
được.

Vậy sau khi nắm rõ luật chơi thì mình cũng nhận ra có 3 công cụ để giảm thiểu điểm bị
tụt nhất có thể.

Công cụ 1: S/U

Cái này thì đa phần mọi người đều biết, đơn giản là khi mình chọn UE/BDE thì có lựa
chọn S/U trước khi biết điểm. Lưu ý điểm đầu ra sẽ là S hoặc U. Cái điểm này hoàn toàn
khác với các môn chỉ có Pass/Fail. Khá hài hước nhưng bạn cũng có thể S/U môn
Pass/Fail. Ở đây tối đa là 12 tín chỉ cho BDE. Về tính chất không khác gì Pass/Fail nhưng
cách nó hiện thị trên bảng điểm khác nhau.

Công cụ 2: MOOC bao gồm Coursera


(https://www.ntu.edu.sg/admissions/matriculation/mooc)

Tối đa được 12 tín chỉ, điểm được ghi sẽ là C (tức là Credit Transfer) sau khi học xong.
Danh sách các môn có thể đổi điểm: https://www.ntu.edu.sg/.../pre-approved-moocs-
list.... Điểm nhấn ở đây là thường các môn trên Coursera sẽ chỉ dựa vào quiz, và mình
KHÔNG PHẢI XEM HẾT LECTURE nên mình cũng hoàn toàn thể học nơi khác, miễn sao
làm được quiz để lấy chứng chỉ.

Vậy sau khi sử dụng Công cụ 1 và 2 thì gần như toàn bộ UE/BDE/GER-PE của mình gần
như "bay hết" vì đã biến thành Pass/Fail. Tuy nhiên nếu bạn học giỏi môn nào thì luôn
khuyến khích để lại để tăng điểm.

2 công cụ này rất tốt, tuy nhiên, nếu mình nghĩ Công cụ 3, sử dụng trao đổi là mạnh
nhất. Lý do là vì NTU không rõ độ khó của môn trường khác nên rất là khó để quy đổi
điểm về lại NTU. Ví dụ như nếu bạn ở trường A điểm được trao cho lớp là A+ còn nếu ở
trường B, cùng môn nhưng không ai được A+ thì nó sẽ xảy ra tình trạng bất công khi quy
đổi điểm về NTU. Vì vậy, những môn này sẽ đều là Pass (giống MOOC) miễn sao bạn qua
môn.

Có rất nhiều dạng trao đổi và mình đa tham gia 3 loại khác nhau.

Loại 1: Mình đi học online tại Thanh Hoa (trong hè) và Bắc Đại (cả kỳ), và dùng đó để loại
UE/BDE của mình

Loại 2: Mình đi trao đổi hè ở Đại Học Sydney và Đại Học Bắc Đại để loại nốt UE/BDE

Loại 3: Mình đi trao đổi cả kỳ và loại TOÀN BỘ MÔN CÓ NGUY CƠ KÉO ĐIỂM XUỐNG.

Câu hỏi lớn hơn, BẠN CÓ THỂ LOẠI MÔN CC BẰNG CÁCH NÀY KHÔNG? Câu trả lời
ngắn gọn là CÓ, bạn hoàn toàn có thể biến CC (môn mà đa phần sinh viên trực tiếp từ
cấp 3 VN sang khốn khổ) thành môn KHÔNG TÍNH ĐIỂM. Ví dụ trong ảnh là môn CC06
có thể chuyển tín từ Đại Học Trung Văn Hồng Kông (CUHK). Vì vậy, nếu đoán được trước
điểm mình sẽ tệ ở một số môn thì có thể chọn môn đó ở kỳ trao đổi

Mong rằng những chia sẻ này có thể giúp ích cho việc đạt được điểm cao hơn với ít tốn
nhiều công sức hơn. Mình có để ảnh tiếp theo để mọi người dễ hình dung điểm sẽ như
thế nào khi đi trao đổi.

[18/1/24] Điểm tại Singapore? Hoạt động như thế nào?


(Ảnh đầu là phổ điểm A00 của Việt Nam, ảnh tiếp theo là phổ điểm 1 môn tại NUS)

Các bạn ở trường công lập tại Singapore đã nhận hết điểm cho kỳ 1 năm nay. Nếu điểm
như ý muốn thì mình xin chúc mừng, còn nếu như chưa như ý muốn thì mình cũng chúc
mừng vì như vậy, các bạn sẽ có nhiều động lực để học về khuyết điểm của mình hơn.

Bellcurve là gì

Cách chấm điểm của Singapore dựa vào 1 thứ gọi là bellcurve. Để dễ hình dung hơn thì
mình xin mượn hình ảnh phổ điểm thi THPT tổ hợp A00 của Việt Nam
(https://vietnamnet.vn/pho-diem-khoi-a-thi-tot-nghiep-thpt...). Ở đây, mọi người sẽ
thấy hình chuông ở trên đầu. Theo Định lý giới hạn trung tâm (Central Limit Theorem),
khi có trên 30 mẫu thì hình chuông này sẽ xuất hiện. Ở cuộc thi THPT, hơn 100,000 thí
sinh tham gia nên hình chuông này sẽ hiện ra và nó không chỉ ở tổ hợp A00.

Thay vì để điểm cố định ví dụ như 9 điểm là A, 8 điểm là B thì điểm A sẽ dựa vào top 10 -
25% người được điểm cao nhất. Cách áp dụng chấm điểm này có cả ở Hồng Kông và ở
HKUST, họ cũng chỉ ra rõ ràng bao nhiều % được A ở trong Guidelines for Use of
Undergraduate Course Grade Distribution Bands.

Bellcurve là cần thiết theo mình vì:

1/ Chống gian lận - vì bây giờ nếu bạn giúp người bên cạnh (có thể) được điểm cao hơn
bạn thì vô tình điểm của bạn bị thấp đi.

2/ Trong đại học thì có thầy khó (kiểu lười chấm nên để đề siêu khó cho sinh viên đều
không làm được để chấm nhanh) và cũng có thầy dễ, nên để công bằng số điểm cho
từng môn thì người ta sẽ phải dùng bellcurve để biết sinh viên nào tốt hơn. Một điều nữa
là các thầy được học từ nhiều trường khác nhau trên thế giới nên phải có một quy ước
trao điểm na ná chung.

3/ Động lực học hơn vì khi tháy người khác chăm, mình cũng phải chăm theo

4/ Phân loại sinh viên giúp cho nhà tuyển dụng hay trường sau đại học thấy năng lực của
ứng viên

Nhưng quan trọng hết là vì ở trong công việc thực sự, bạn sẽ phải "cạnh tranh" với
những người đi làm khác và khi công ty "đào thải" thì những người có năng suất thấp hơn
thường đi trước. Cách này là để sinh viên quen với môi trường đi làm. Nó không chỉ là
làm thuê mà kể cả khi sinh viên làm giám đốc hay lãnh đạo, nếu đơn vị mình làm không
tốt so với các nơi khác thì mình cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, có một lưu ý là phổ điểm là có nhưng cái Grade Distribution Band là do thầy
quyết định. Nhìn chung các thầy sẽ không thể cho điểm cả lớp A được hết vì (1) Những
người nào chăm sẽ ghét việc này và sẽ kêu ca với trường và (2) sinh viên sẽ lười đi và ảnh
hưởng thành tích của trường. Các thường cũng không thể trượt quá nhiều người vì nếu
vậy, sinh viên cũng sẽ ca với trường. Vì vậy, điểm trung bình là B như của HKUST thường
sẽ được áp dụng với nhiều trường, bao gồm cả Singapore.

Ở trong một bài mà giáo sư NUS có chia sẻ thì họ cũng có lưu ý những điểm yếu của
Bellcurve như sau:

"Lớp học phải có kích thước đủ lớn, ưu tiên trên 30 học sinh. Đối với các lớp nhỏ hơn,
giáo sư được quyền tự quyết định phân bổ điểm vì dữ liệu nhỏ có thể không phân bố
chuẩn.

Thứ hai, chúng tôi không tìm kiếm sự phù hợp hoàn hảo, tức là, chúng tôi thường bỏ qua
những sai lệch nhỏ.

Thứ ba, nếu giáo sư có lý do chính đáng để lệch khỏi phân bổ điểm khuyến nghị, chúng
tôi thường sẵn lòng chấp nhận yêu cầu của họ. Ví dụ, một số môn học thuộc các chương
trình đặc biệt tại các Khoa/Trường có phân bổ điểm riêng.

Thứ tư, chúng tôi đôi khi cũng xem xét hồ sơ CAP của lớp học và điều chỉnh phân bổ
điểm cho phù hợp. Ví dụ, nếu nhiều sinh viên có CAP cao chọn một khóa học cụ thể,
việc áp dụng phân bổ điểm khuyến nghị cho lớp học này sẽ không công bằng. Một ví dụ
khác: đối với các lớp Danh dự bao gồm sinh viên có CAP trung bình ít nhất 3.5, phân bổ
điểm sẽ được nghiêng về phía cao hơn."

Với những trường như SMU, SUTD, SIT và SUSS thì người ta không sử dụng bellcurve, tuy
nhiên thì những trường này cũng có cách riêng để không có quá nhiều A.
Nguồn tham khảo:

[1]https://www.sutd.edu.sg/.../No-bell-curve-grading-in...

[2]https://blog.nus.edu.sg/provost/2012/01/20/the-bell-curve/

Bài viết năm 2023


[10/12/23] Lời khuyên cuối năm
Hôm nay đi ăn về với một em năm 1 tại NTU thì em hỏi “Sau 4 năm thì mình có lời
khuyên gì?”

Mình cũng chỉ có một lời khuyên là “Luôn luôn phải khao khát”.

Không bao giờ dừng lại cho dù mình có giải thành phố, quốc gia hay quốc tế vì thế giới sẽ
không bao giờ dừng lại cho mình.

Một ngày nào đó em sẽ phải sống mà không có sự hỗ trợ của gia đình và chính em sau
này sẽ phải chịu trách nhiệm cuộc đời của mình.
[7/12/23] Trường công nào dạy tốt nhất tại Singapore?
Ở Singapore có tổng cộng là 5 trường công lập dạy về kỹ thuật (trừ SMU), tuy nhiên mình
phải hiểu là phương pháp dạy và học của 5 trường này là khác hoàn toàn nhau.

Có một điểm rõ ràng là NUS và NTU tuyển sinh khó hơn và danh tiếng cao hơn, tuy nhiên
thì mình cũng mong là mọi người có góc nhìn khác về cách dạy của những trường này để
chọn trường phù hợp với bản thân mình và con em của mình. Mình cũng mong là mặc
dù bài này viết "trường công" nhưng mọi người cũng nên cân nhắc trường tư nữa vì do
mình không rõ cách dạy của một số trường tư như PSB nên mình đã không đưa vào.

Vì thế, câu trả lời là trường nào giúp cho sinh viên có được nhiều sự phát triển nhất là
trường tốt nhất.

Mình sẽ chia trường thành 3 kiểu chia.

Kiểu 1: Chính thức từ Bộ Giáo Dục Singapore, Kiểu 2: Theo Cách Cho Điểm và Kiểu 3:
Lịch Sử

Kiểu chia chính thức

1. Chính thức từ Bộ Giáo Dục Singapore


Đầu tiên mình sẽ nói về phân loại. Ở Singapore, trường công lập được phân thành 2 loại
(dựa vào Bộ giáo Dục Singapore):

1/ Đại học nghiên cứu (mang tính chất thuần về học thuật)

2/ Đại học áp dụng, sinh viên được thực hành nhiều hơn

Lý do tại sao phải phân loại là vì Singapore tin rằng sinh viên đại học có nhiều sở thích và
cách học khác nhau nên không phải ai cũng sẽ theo cùng một hướng học nhất định.

Vậy, đại học nào là số 1 và số 2.

NUS và NTU được định danh là "comprehensive and research-intensive university"


(Nghiên cứu toàn diện). Tuy nhiên trong bộ tài liệu mà mình có đọc thì NUS được giới
thiệu là "with 17 faculties and school at three campus" (với 17 khoa và trường ở 3 địa
điểm khác nhau) còn NTU lại ghi là "a strong focus on engineering, science and
technology" (đặc biệt tập trung vào kỹ thuật, khoa học và công nghệ". Vì vậy dù là cùng
được định danh là đại học nghiên cứu toàn diện nhưng với NTU vẫn có một khúc đặc
biệt tập trung, đó là công nghệ.

NUS được tạo ra ban đầu với mô hình của Anh Quốc và cái này cũng ảnh hưởng luôn
NTU vì NTU được tách ra từ NUS.

Có ý kiến cho rằng NUS có hình ảnh tốt hơn so với NTU, điều này không sai vì đa phần
mọi người đều biết đến NUS hơn là NTU ở Việt Nam nhưng cũng có những góc nhìn khác
về việc chọn NTU tại Singapore. Ví dụ như "underdog status can be a powerful
motivational force" (khi mình bị thấp kém hơn thì sẽ luôn có động lực hơn) và "it's the
alumni who determine the degree, not the other way around." (cựu sinh viên quyết định
bằng cấp có giá trị chứ bằng cấp không quyết định giá trị của sinh viên).

Điều này đúng vì đơn giản nếu mình nhìn về lịch sử cộng đồng sinh viên Việt Nam tại
NUS thì đã có trước NTU khoảng 5 năm. Trong những năm tháng đầu khi có sinh viên
Việt Nam sang Singapore (tức là 24 năm về trước) thì cộng đồng sinh viên NUS luôn có
vai trò "lãnh đạo". Nếu giả sử sinh viên tốt nghiệp năm 2002 thì bây giờ đã là đã 43 tuổi
và đã có vị trí lớn trong xã hội Việt Nam và Singapore. Ví dụ CEO của Grab Việt Nam đã
từng tốt nghiệp ở NUS (https://cafef.vn/cuu-ceo-grab-viet-nam-khoi-nghiep-che...).

Ngoài ra, chữ "Nanyang" không được phụ huynh/học sinh tương lai nhìn nhận tốt như
chữ "National".

Tuy nhiên thì những năm gần đây, sinh viên NTU (bao gồm sinh viên Việt Nam) đã có vẻ
bắt kịp dần và đó là lý do trong những lý do tại sao khi nhìn vào các bảng xếp hạng trên
thế giới, khoảng cách giữa NUS và NTU đã không còn xa, và đôi khi chỉ kém nhau 1-2 bậc
thay vì 80 bậc như những năm 2010.
Nhìn chung thì sinh viên cả 2 trường, dù tốt nghiệp chưa được lâu và số lượng còn khiêm
tốn (khoảng 15 - 80 sinh viên/trường/năm) nhưng cũng đã có một số lượng người ở ví trí
quan trọng ở khối công và tư.

SMU và SUTD được định danh là "specialised and reasearch-intensive university"


(Nghiên cứu tập trung 1 ngành). Cách dạy của 2 trường đều được ghi là "holistic
undergraduate degree" (SMU) (dạy một cách đồng đều) và "multi-disciplinary" (SUTD)
(đa ngành) nên cách dạy của SMU và SUTD được coi là khác với NUS với NTU khá nhiều.

Điểm chung của 2 trường này là tập trung vào thực tế với SMU nói là "work on real-world
industry issues" (giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp thực sự gặp phải) và SUTD là
"hands-on curriculum" (thực hành). 2 trường này có tỷ lệ giảng viên và sinh viên rất nhỏ,
khoảng 1 cho 50 thay vì 1 cho 300, thậm trí 400 như NUS và NTU.

SIT và SUSS là "applied education" (Đại Học Áp Dụng)

2 trường này tập trung dạy để nâng cao tay nghề với SIT thì tập trung vào khoa học công
nghệ còn SUSS thì tập trung vào xã hội nhân văn.

Do 2 trường này còn khá mới và cách dạy cũng khác xa với các trường khác nên mình
cũng không có quá nhiều thông tin, dữ liệu để nói. Một số nhận xét từ các công ty mà
mình có được thì thường nói sinh viên SIT "tốt trong việc thực hành hơn" NUS và NTU.

SIT và SUSS được dạy để khớp với hệ thống giáo dục của hệ Polytechnic (cao đẳng) của
Singaore do số lượng người học tại Singapore chọn hệ này rất cao (khoảng 80%).

Nhìn chung, mình cảm thấy NUS, NTU là phù hợp với các bạn từ Junior College (Dự Bị
Đại Học), còn SIT, SUSS thì lại phù hợp với Polytechnic (Cao Đẳng) hơn. Còn SMU và
SUTD thì ở đoạn giữa giữa.

Thế nên nếu mình nhìn vào giáo dục của Singapore thì nó sẽ có 3 nấc, 1 là nghiên cứu
toàn diện, 2 là nghiên cứu tập trung 1 ngành và 3 là áp dụng.

Tuy nhiên mình cũng có thể chia thành 2 nhóm là nhóm trường chuyên kỹ thuật là NTU,
SUTD và SIT và nhóm chuyên quản trị kinh doanh/khoa học xã hội là NUS, SMU và SUSS.
Tuy nhiên thì riêng với NTU và NUS, việc chia như thế này không hoàn toàn đúng vì ví dụ
khoa Khoa Học Máy Tính của NUS lại mạnh hơn NTU còn khóa Kế Toán của NTU lại
mạnh hơn NUS. Ngoài ra thì NTU đã chi rất mạnh tay vào Nanyang Business School
(trường quản trị Nanyang) để xây thêm cơ sở hạ tầng và đã nâng cấp giáo trình rất nhiều.
Vì vậy, việc chia này cũng có giới hạn nhất định.

Kiểu chia không chính thức

2. Theo Cách Cho Điểm

(Chỉ tập trung vào nhóm ngành kỹ thuật)


NUS và NTU có thói quen cho điểm siêu nặng vào Final (thi cuối kỳ) với tỷ lệ là 60-
80%.

Lý do cho việc này, theo mình là có 2 lý do:

1/ Khuyến khích việc học đầy đủ - tức là phải học toàn bộ kiến thức từ đầu kỳ đến cuối
kỳ, đây là cách để tổng hợp hết thông tin đã học. Điều này đặc biệt đúng vì kỹ thuật dựa
vào việc xây dựng kiến thức từ trước

2/ Chuẩn bị cho áp lực - làm kỹ sư sẽ rất áp lực vì cần giải quyết vấn đề (mà mình chưa
bao giờ nhìn thấy) trong thời gian ngắn nên việc này "ép" sinh viên phải tập trung hơn.
Điều này cũng giúp tăng khả năng suy nghĩ.

SUTD và SIT thì lại cho giãn điểm, tức là % vào dự án thì lại nhiều hơn. Điều này thể
hiện rõ rằng là ở 2 trường này, khả năng thực hành của sinh viên vẫn là điều tối quan
trọng.

Vậy thì NUS và NTU là:

- Học để biết cách học

Còn SUTD và SIT là:

- Học để biết cách làm

3. Lịch sử của trường

Hệ Anh Quốc và phương Đông,

NUS được thành lập dựa trên hệ thống giáo dục của Anh và ban đầu có mối liên kết
mạnh mẽ với các trường đại học của Anh như Đại học Cambridge và Đại học Oxford.
Nhưng sau đó gộp nhất với Nanyang University, một trường tư nhân do người Hoa tạo ra
nên giáo trình đã thay đổi nhiều so với "thuần Anh Quốc".

Và giống như hầu hết các trường đại học công lập khác được phát triển theo truyền
thống của Khối thịnh vượng chung Anh, trong quá khứ NUS đã theo mô hình truyền
thống với việc giảng dạy là nhiệm vụ chính, còn nghiên cứu là chức năng phụ. Mặc dù
những năm 1980 và 1990 đã chứng kiến sự nhấn mạnh ngày càng tăng về nghiên cứu,
nhưng phải đến giữa những năm 1990 thì NUS mới bắt đầu thành lập một văn phòng cấp
phép công nghệ.

Chính vì NUS và NTU ngày trước là một trường nên cả 2 đều bị ảnh hưởng bởi việc này và
văn phong, cách dạy của cả 2 trường đều ảnh hưởng bởi Anh Quốc trước khi chính phủ
Singapore đổi cách dạy dần dần.

Hệ Mỹ,
SMU được thành lập với ý tưởng về một trường đại học theo mô hình của Wharton
School của Đại học Pennsylvania, một trong những trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ.
Ngoài ra, SMU áp dụng phương pháp giảng dạy dựa trên lớp học nhỏ và sự tương tác cao
giữa giảng viên và sinh viên, một đặc điểm phổ biến trong các trường đại học Mỹ.

SUTD có mối quan hệ đối tác chiến lược với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một
trong những viện công nghệ hàng đầu của Mỹ. Sự hợp tác này ảnh hưởng đến cách thiết
kế chương trình giảng dạy và phương pháp nghiên cứu tại SUTD.

Hệ châu Âu và châu Mỹ,

SIT có mối quan hệ đối tác với nhiều trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới, từ các
nước như Đức và Thụy Sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra, SIT
cũng nổi bật với các chương trình đào tạo cộng tác với doanh nghiệp (cooperative
education), nơi sinh viên kết hợp học tập trong lớp với kinh nghiệm làm việc thực tế, một
mô hình giáo dục được nhìn thấy rõ ràng ở một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Canada.

Hệ thuần Singapore,

SUSS tập trung vào mô hình giáo dục học tập suốt đời, hỗ trợ cho cả sinh viên trẻ và
người lớn đang làm việc. Mô hình này phản ánh xu hướng giáo dục toàn cầu hiện đại
nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo liên tục trong xã hội biến đổi nhanh chóng. Điều này cần
ở Singapore do dân số lão hóa nhanh cùng với số lượng sinh viên tốt nghiệp Polytechnic
(cao đẳng) nhiều.

Lưu ý là số 2 và 3 là mình tự chia còn số 1 là do chính thức được chia.

Tài liệu tham khảo:

1/ https://www.moe.gov.sg/.../overview_of_singapore...

2/https://web.archive.org/.../Story/A1Story20081103-97950.html

3/https://www.sciencedirect.com.remotexs.ntu.edu.sg/.../S03...

[5/12/23] Nhận xét về PISA 2022


Hôm nay thì mình đọc báo thấy kết quả PISA 2022 được ra, và (không ngạc nhiên)
Singapore dẫn đầu trong cả 3 mục Toán, Đọc Hiểu và Khoa Học.

Thế PISA là gì?

PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) đo lường hiệu suất học tập của học sinh
dựa trên mức độ mà học sinh 15 tuổi, gần kết thúc giai đoạn học bắt buộc, đã tiếp thu
được kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tham gia đầy đủ vào các xã hội hiện đại.
Trong lĩnh vực toán học, sáu hệ thống giáo dục Đông Á bao gồm Hồng Kông (Trung
Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Macao (Trung Quốc), Singapore và Đài Loan (Trung Quốc)
đã vượt trội so với tất cả các quốc gia và nền kinh tế khác trong các kỳ đánh giá của
PISA. Điều này phản ánh mức độ cao của chất lượng giáo dục và sự chú trọng vào môn
học toán học trong các hệ thống giáo dục này.

Cuối cùng thì cũng hiểu tại sao có 1 chị học PhD ở Canada bảo mấy bạn học Singapore
là "thích bị tra tấn, và ưa thích bị tra tấn".

Với Việt Nam thì đứng nhì Đông Nam Á trong cả 3 môn Toán, Đọc Hiểu và Khoa Học.

Dưới đây là toàn bộ danh sách của Toán (trang 1,2), Đọc Hiểu (trang 1,2), Khoa Học
(trang 1,2).

Nguồn: https://www.oecd-ilibrary.org/sites/53f23881-
en/1/3/3/index.html?itemId=/content/publication/53f23881-
en&_csp_=de697f9ada06fe758fbc0d6d8d2c70fa&itemIGO=oecd&itemContentType=b
ook#section-d1e2123-92e1015b90

[30/11/23] Tại sao du học tại Singapore?


Mình chia thành 2 nhóm sinh viên: du học sinh Trung Quốc và du học sinh Việt Nam
trong bài này.

(Các bạn nhìn điểm D+ - trong thang ABC thì đừng hoảng mà đọc hết bài đã, mình sẽ giải
thích ảnh này)

A. Với du học sinh Trung Quốc

Theo số liệu của Chính Phủ Singapore, vào năm 2023, có 79,300 du học sinh tại
Singapore và cao hơn 25% sinh viên so với cùng kỳ là 63,600. Phần lớn trong số này là du
học sinh Trung Quốc.

Giải thích ngắn:

Phụ huynh Trung Quốc chọn Singapore ngày càng nhiều vì:

1/ Tính an toàn, ổn định chính trị

2/ Tính hiệu quả kinh tế (đóng ít tiền hơn nhưng lại được vào trường thứ hạng cao)

3/ Đầu vào dễ hơn*

Điều này khá giống với việc chọn du học tại Singapore từ phía Việt Nam nhưng ý 3 có lẽ
không giống.

Giải thích đầy đủ:


Nhiều phụ huynh Trung Quốc đã cảm thấy lo do sau khi đại dịch COVID-19 và chiến
tranh thương mại Mỹ - Trung, rằng du học tại Mỹ không còn an toàn như ngày xưa, dẫn
đến việc chuyển giao sang Singapore du học.

Cái này đã không xảy ra trong quá khứ lúc mình còn nhỏ. Và không chỉ mỗi mình phụ
huynh Việt Nam (mà mình được tiếp xúc), nhiều phụ huynh ở Trung Quốc đã cân nhắc
cho con cái đi học tại Singapore nhiều hơn so với truyền thống.

Sinh viên/học sinh Trung Quốc đưa ra thành 3 loại sinh viên:

1/Trí Thức: Những sinh viên này được thúc đẩy bởi mong muốn có tiêu chuẩn học thuật
cao và uy tín. Họ tìm kiếm các trường đại học hàng đầu thế giới và mong muốn thách
thức bản thân về mặt trí tuệ. Họ thể hiện sự kiên cường trong việc thích nghi với môi
trường học mới và tập trung vào thành công học thuật.

2/Cơ Hội: Nhóm này coi việc học ở nước ngoài như một cơ hội để tối đa hóa cơ hội trong
cuộc sống. Họ thực dụng, tập trung vào việc có học bổng, cơ hội việc làm và điều kiện
sống tốt hơn. Họ linh hoạt và sẵn lòng chấp nhận rủi ro tính toán để đạt được lợi ích lâu
dài.

3/ Trung Thành: Những sinh viên này thể hiện sự pha trộn giữa lòng yêu nước và thực
dụng. Mặc dù họ phê phán hệ thống giáo dục ở Trung Quốc đại lục, họ không muốn chỉ
trích nó một cách thẳng thừng. Họ coi việc học tập ở nước ngoài là có lợi cho cả bản
thân và Trung Quốc. Họ thể hiện sự kiên cường cá nhân và ý định mạnh mẽ trở về Trung
Quốc để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ở đây, nó bao gồm cả yếu tố "đẩy" lẫn yếu tố "kéo"

- "Đẩy":

1/Bối Cảnh Lịch Sử: Sự tàn phá trường học và các trường đại học ở Trung Quốc trong
thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã để lại ảnh hưởng lâu dài đến ngành giáo dục, dẫn đến sự
không hài lòng của sinh viên với hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc đại lục.

2/ Hạn Chế Về Tuyển Sinh: Nhu cầu cao cho các chỗ học tại các trường đại học ở Trung
Quốc có nghĩa là ngay cả những sinh viên đủ điều kiện cũng không chắc chắn được
nhận. Quá trình tuyển sinh cực kỳ cạnh tranh và dựa trên kỳ thi Tuyển Sinh Đại Học
Quốc Gia (Gao Kao), với điểm yêu cầu thay đổi đáng kể giữa các trường đại học.

Hiện tại Trung Quốc chỉ có vài trường có thể cạnh tranh trong bảng xếp hạng thế giới
nhưng tổng số học sinh mong muốn vào những trường đó là quá nhiều.

Chưa kể việc xung đột giữa eo biển Đài Loan và Đại Lục làm cho việc nhiều du học sinh
Trung Quốc càng mong muốn học tại Singapore để có quốc tịch hơn.

- "Kéo:
1/ Xem Xét Về Chi Phí: Sinh viên ghi nhận sự tiết kiệm đáng kể về học phí và chi phí sinh
hoạt khi chọn Singapore thay vì Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh. Tính hiệu quả về chi phí
này là một điểm hấp dẫn lớn cho việc học tập tại Singapore. Điều này có thể lấy ví dụ
như NUS, dù ở thứ hạng 8 thế giới trên QS nhưng chi phí gần như rẻ nhất trong bảng top
10 QS và NTU đứng thứ 14 thế giới về kỹ thuật nhưng lại cũng có học phí rẻ hơn gần hết
các trường trong top 20 QS.

Một phần nữa là tính ổn định tại Singapore, khi vào năm 2018, Singapore được chọn làm
nơi để đối thoại giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong-un.

B. Cái này có liên quan tới Việt Nam?

Theo khảo sát của mình thì đa phần du học sinh và phụ huynh Việt Nam có quan điểm
khá tương đồng nhưng không giống hoàn toàn vì ở Việt Nam, du học ở các nước như Mỹ,
Úc và Anh, theo mình vẫn được phụ huynh đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, nhưng năm gần
đây thì quan điểm đã thay đổi rất nhiều. Các ý kiến mình thu thập được bao gồm: "du
học sinh Việt Nam tại Singapore siêu thông minh", "Singapore học đặc biệt nặng" và
"Công ty/Cơ quan thích du học sinh Singapore vì giống văn hóa Việt Nam" được phổ cập
nhiều hơn qua các năm.

Điều này đúng, khi nhìn điểm trung bình của một số môn ở NTU có thể là D+ (nếu
không có bellcurve). Đây có nghĩa là nhiều khi gần nửa số sinh viên trượt môn nếu thầy
cô "không tác động" để nâng điểm lên.

Và theo cá nhân mình, thì trường đại học nội địa của Việt Nam bao gồm cả công và tư
đều đang tốt lên hơn nhiều nên việc đi du học ở Singapore cũng là bài toán cân nhắc
nhiều hơn.

So với Trung Quốc, thì thực ra vào NUS/NTU/SMU/SUTD là rất khó. Vì không giống với
Việt Nam vì thực ra để vào được trường công ở Singapore (theo mình) thì rất là khó,
Trung Quốc là đặc biệt do có quá nhiều học sinh muốn vào một nhóm nhỏ trường đứng
đầu. Ví dụ một tỉnh Trung Quốc có thể có dân số cao hơn Việt Nam nhưng chỉ có một
trường có thứ hạng ngang bằng NUS/NTU nhận 6,000 - 8,000 sinh viên một năm dẫn tới
việc siêu cạnh tranh.

Nếu mình tính một cách vui, điểm thi đại học (Việt Nam) của các bạn vào trường
công tại Singapore là thường rơi vào khoảng 28. Vậy, nếu dựa vào phổ điểm của khối
A00, thì thực ra tỷ lệ để có đủ điểm như thế là 0.18% thí sinh (dựa vào phổ điểm) và chưa
kể khả năng tài chính của gia đình nữa.

Mình biết cái so sánh này khá khập khiễng và nhiều lỗ hổng nhưng mình nghĩ đây là cách
nói để bảo tính cạnh tranh của Singapore có thể là như thế nào.
Mong rằng bài viết này cho bạn đọc một góc nhìn khác về du học tại Singapore và lý do
tại sao người ta mong muốn du học tại đây.

Một số tài liệu tham khảo:

*Dựa vào bài nghiên cứu "Học ở nước ngoài: sinh viên Trung Quốc đại lục tại Singapore"
của Clive Dimmock và Jason Ong Soon Leong:
https://www.tandfonline.com.remotexs.ntu.edu.sg/.../03057...

1/ https://www.thinkchina.sg/singapore-becoming-preferred...

2/ https://vietnamnet.vn/pho-diem-khoi-a1-co-bien-dong-diem...

[24/11/23] Phong cách đặt trường của Singapore, Hồng Kông (Trung
Quốc), Sydney (Úc) và Bắc Kinh (Trung Quốc)
Phiên bản ngắn:

Có sự khác nhau rõ ràng giữa cách xây trường của 4 thành phố, tuy nhiên thì Singapore,
HK, Sydney có phần giống nhau do từng là thuộc địa của Anh ngày xưa. Mặc dù vậy, do
thời Anh Quốc đã qua khá lâu nên việc quy hoạch trường của 3 thành phố đã khác
nhiều. 3 thành phố này xây theo kiểu ở khu vắng người và tản ra để giãn dân số.

Riêng với Bắc Kinh thì khác hoàn toàn mà dựa vào quá khứ lâu đời của các trường đại
học tại đây. Trường tập trung gần một khu cạnh khu chính phủ và trong khu đó có khu
công nghệ cao.

Phiên bản đầy đủ:

Nhìn chung thì mình thấy các nơi từng là thuộc địa cũ của Anh Quốc đều đặt trường khá
giống nhau. Ở đây, mình đang nói tới Singapore, Hồng Kông và Sydney và 3 trường mình
định nói tới là NUS, HKU và USYD. Nếu bạn có nhìn logo của 3 trường, thì logo khá giống
logo của Đại Học Cambridge (Anh Quốc). NTU do cũng là trường từng là một với NUS
nên cùng loại logo. Các trường ở Singapore xây dựng sau thời Anh Quốc dời Singapore
đều không hề có logo nhìn giống như NUS và NTU.

Để có thể hiểu rõ hơn thì mình sẽ nhìn ngắn về lịch sử (mình để trường Singapore trước
do mình biết nhiều hơn về Singapore):

Khởi đầu của NUS và NTU:

1904 - Tan Jiak Kim dẫn 1 đoàn người Hoa và những người không phải trong cộng đồng
người châu Âu đã yêu cầu thống đốc Singapore (Sir John Anderson) về việc tạo ra trường
y đầu tiên tại Singapore.

Khởi đầu của HKU:

1911 - Thống đốc Hồng Kông (Sir Frederick Lugard) đã đề xuất việc xây dựng trường đại
học tại Hồng Kông để cạnh tranh với các cường quốc khác đang mở trường tại Trung
Quốc. HKU cũng được xây dựng 1 phần dưới dạng trường y năm 1887 do Sir Kai Ho Kai

Khởi đầu của USYD:

1849 - William Wentworth, một thành viên của Hội Đồng New South Wales (New South
Wales Legislative Council) đã đề xuất xây dựng một đại học để có thể quảng bá văn học
và khoa học dựa vào nguồn kinh phí từ người dân (‘report upon the best means for
instituting a University for the promotion of literature and science, to be endowed at the
public expense’.) USYD cũng được xây dựng dựa vào mô hình của Oxford, Cambridge và
Đại Học London.

Vì thế nên cũng có thể nói rằng cách sắp xếp trường của 3 thành phố này ban đầu khá
giống nhau.

Khi mình nhìn qua bản đồ của phân bổ các trường đại học ở Singapore, HK hay Sydney
thì cách phân bổ khá giống nhau, đều nằm rải ra và cách này theo mình hiểu là để giãn
dân số và các trường đại học được xây tại nơi ít người vì (1) Giảm chi phí xây cùng với (2)
Giúp cho việc mở rộng trường sau này và (3) Giúp cho người dân sống ở những vùng
thưa thớt hơn.

Ngoài ra, các trường này thường gần với trung tâm hành chính. Có lẽ đây là cách Anh
Quốc muốn huấn luyện những cán bộ quản lý vùng lãnh thổ của mình.

USYD và UNSW lúc đầu xây ở khu thưa người dân nhưng do xây vào tận thế kỷ 19 nên
những khu thưa dân đó bây giờ đã trở thành khu đông người và thành ra trở thành trung
tâm thành phố. Điều này cũng khá giống với HKU và NUS sau này.

Một cái mà mình nhận ra nữa là các trường đặc biệt mạnh kỹ thuật như NTU, HKUST và
UNSW thì lại ở xa hơn trung tâm so với các trường mạnh về khoa học nhân văn/quản trị
kinh doanh như NUS, HKU và USYD. Đây là điều cũng dễ hiểu vì khả năng cao do trường
kỹ thuật cần nhiều diện tích đất hơn để xây dựng phòng thí nghiệm cùng với việc sinh
viên không thực sự cần tiếp xúc nhiều với các vấn đề trong nội thành. Ngoài ra thì cũng
có 1 giả thuyết vui hơn là do ở ngoài ngoại ô, yên tĩnh hơn sẽ phù hợp với việc nghiên cứu
khoa học, công nghệ, tránh bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có 1 số đặc điểm khác biệt với 3 thành phố đặc biệt là sau khi Anh Quốc dời
đi. Mình thấy do diện tích đất có thể xây dựng được ở Hồng Kông bị giới hạn, nên viêc
chọn địa điểm trường đôi khi không liên quan gì tới khu công nghiệp/khu nghiên cứu. Ví
dụ HKUST chẳng gần bất kỳ khu nào trừ đồi núi. Đơn giản là vì đất để có thể xây dựng ở
Hồng Kông rất ít.

Còn ở Singapore thì dựa vào quy hoạch trung tổng thể và do địa hình bằng phẳng hơn
nên các trường thường xây dựng cạnh bên những gì sinh viên khả năng cao sẽ làm tại
khu vực đó. Ví dụ NUS và NTU đều khá gần One-North và Jurong Industrial Estate, nơi
mà thiên về công nghệ và kỹ thuật nhưng NUS lại gần CBD hơn.

Sydney thì đặc biệt hơn do có diện tích lớn hơn Singapore và Hồng Kông nên ít bị hạn
chế do việc thiếu đất.

Vậy thế thì Bắc Kinh khác xa như thế nào?

Nếu nhìn bản đồ này thì tất cả các đại học lớn ở Bắc Kinh (bao gồm Thanh Hoa, Bắc Đại)
để n

m trung một khu gọi là quận Haidian. Quận này gần chính phủ nhưng không phải là mới
vì trong triều đại nhà Thanh, Thanh Hoa đã được thành lập tại đây để nói rằng việc quan
trọng về học vấn vì đây cũng gần Cung Điện Mùa Hè (Cũ). Và sau đó thì chế độ hiện tại
của Trung Quốc cũng khuyến khích vào khoa tự nhiên nên các trường đặt gần đây cũng
là cách để có thể tham vấn chính phủ nhanh trong quyết sách và cũng (theo mình) là
cách chính phủ nói đây là những thứ quan trọng.

Ngoài ra trong khu này cũng có Zhongguancun, hay được gọi Thung Lũng Silion Trung
Quốc, điều này khá tương quan với Singapore về mối quan hệ giữa One-North và
NUS/NTU.

Đây là thứ mà mình thấy thú vị và mong bạn đọc thấy biết được thêm thứ gì mới ngày
hôm nay.

Một số nguồn tham khảo:

https://www.nma.gov.au/defini.../resources/sydney-university

https://web.archive.org/.../www.../nusbiodata/history.htm
[22/11/23] ại sao NUS ở Clementi, NTU ở Jurong, SMU ở trung tâm và
SUTD gần sân bay?
Đoạn trả lời ngắn:

Mình cũng tò mò câu này và thế là một hôm, đáng nhẽ ra phải ôn thi, thì mình vẽ bản đồ
của 4 trường này. Có 2 điểm mình để ý thấy từ bản đồ hiện tại (ảnh đầu tiên):

1/ Các trường này đều là trường nghiên cứu nhưng lại trải dài toàn Singapore. Lúc các
trường này được xây dựng thì các khu vực này vắng vẻ và ít người dân. Điều này có thể
theo mình hiểu là giúp kéo dân số ra định cư ở những khu vực vắng người hơn.

2/ Các trường này đều được xây cạnh 1 khu vực liên quan tới kinh tế (ví dụ như một trung
tâm nghiên cứu, hoặc một khu nhà máy)

Vì vậy, thì mình nghĩ 2 lý do chính nên là yếu tố dân số tại khu vực và yếu tố địa lý để làm
kinh tế.

Đoạn trả lời đầy đủ:

1/ Về yếu tố dân số, mình sẽ nói lại quá trình thành lập của từng trường. Ta sẽ dùng bản
đồ thời Anh Quốc để trả lời việc này. Khi nhìn vào ảnh ngày xưa, Raffles College - hiện tại
là NUS thì sẽ thấy trường này được đặt tại Bukit Timah. Bây giờ Bukit Timah là nơi có mật
độ dân số cao, tuy nhiên vào năm 1949, thì nơi này là nơi có mật độ dân số thấp và ít
phát triển. Tuy nhiên nó cũng không quá xa trung tâm, vì vậy nên chắc đây là lý do
Raffles College được chính quyền Anh Quốc chọn. Ngoài ra thì có một ý kiến cá nhân là
nơi này do ít người nên nó là nơi yên tĩnh để có thể học tập.

Sau đó, khi Raffles trở thành NUS có thêm nhiều sinh viên, khu Bukit Timah (hiện tại vẫn
còn trường Luật của NUS) trở nên chật chội và chính phủ Singapore đã chuyển NUS
sang Kent Ridge lúc này. Đây cũng là một cách để chính phủ Singapore cân bằng dân số
tại các khu vực khác nhau vì lúc này dù Bukit Timah phát triển nhưng Kent Ridge vẫn còn
sơ khai.

Vậy, cái này có liên quan tới NTU ở Boon Lay không?

Theo mình hiểu là có, vì nếu sinh viên NTU đi sang hướng tây hơn nữa thì khu vực này
thực sự không có phát triển gì. Boon Lay hiện tại và những năm 2000 có rất nhiều đất
trống để xây dựng trường. Và nó cũng giống những gì Anh Quốc làm với Raffles College.

Thế thì việc SMU ở trung tâm, SUTD ở gần sân bay cũng vậy. Chủ yếu đặt các trường rải
ra, theo mình là để phân bổ dân số.

2/ Về yếu tố kinh tế (mình nghĩ cái này quan trọng hơn)

NUS là trường nghiên cứu toàn diện và việc đặt gần các trung tâm nghiên cứu lớn như
One-North, Science Park và Biopolis là đặc biệt quan trọng. Những trung tâm này tập
trung vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được thành lập cùng với
việc NUS chuyển dần sang khu vực hiện tại.

NTU cũng là trường nghiên cứu toàn diện nhưng ban đầu là trường "nghề kỹ thuật". Vào
năm 1962, Cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã đi khảo sát một vùng đầm lầy, nơi sau này
gọi là Jurong Industrial Estate. Việc này là cần thiết do Singapore có quá nhiều người
thât nghiệp với khoảng 200,000 người (14% dân số) vào năm 1959. Chính vì khu vực này
cần nhiều kỹ sư nên theo mình đoán thì đây là nơi tốt để có thể đặt trường.

SMU là trường chuyên về quản trị kinh doanh và việc đặt ngay cạnh khu vực CBD (khu
vực tài chính) là quan trọng vì nó giúp cho cả sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên có
thể di chuyển dễ dàng. Và cũng theo mình hiểu là việc tiếp xúc hàng ngày với người đi
làm lớn tuổi, sẽ "ép" các bạn sinh viên phải ăn mặc chỉnh tề và cư xử giống theo những
người tại khu vực CBD.

SUTD gần Changi Business Park, Singapore's Advanced Manufacturing Park và Changi
Airport. Đây là điều dễ hiểu do SUTD tập trung vào thiết kế và công nghệ. Ngoài ra thì ở
khu vực gần Changi thì thiếu trường đại học để có thể hỗ trợ các khu vực này.

Đây là một số thứ mình thấy được, đọc được và cũng khá thú vị để có thể chia sẻ vui với
mọi người.

Một số tài liệu:

https://www.roots.gov.sg/.../jurong-industrial-estate/story

https://en.wikipedia.org/wiki/Changi_Business_Park

https://en.wikipedia.org/wiki/Colony_of_Singapore

[18/11/23] Singapore dạy tốt ngành gì?


Mình nghĩ có nhiều cách để trả lời câu này, nhưng mình muốn tập trung vào góc độ
lịch sử của Singapore, một góc độ mà mình nghĩ hiếm ai dùng để trả lời. Bài này khá dài
vì mình nghĩ câu trả lời thì đơn giản nhưng tại sao có được câu trả lời đó thì khó.

Dưới đây là lời giải thích đầy đủ (có đáp án nhanh ở dưới):

Singapore có 5 bước phát triển về kinh tế chính (tương tự như những gì được học tại môn
Engineering & Society tại NTU). Mình sẽ vắn tắt dưới đây:

1. Xây Dựng Cơ Sở Sau Thuộc Địa và Công Nghiệp Hóa (Những năm 1960)

Singapore tập trung vào môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và công nghiệp hóa,
nhất là các ngành công nghiệp xuất khẩu (yêu cầu tay nghề thấp)

2. Đa Dạng Hóa và Mở Rộng (1970s đến 1980s)


Chuyển hướng sang các ngành giá trị cao như điện tử, hóa dầu và dịch vụ tài chính.
Chính sách nhằm thu hút vốn nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng (yêu cầu tay nghề
tầm trung)

3. Phát Triển Công Nghệ và Kinh Tế Giá Trị Cao (1990s)

Tập trung vào ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới. Chính sách tái cấu trúc kinh
tế để tăng cường sức cạnh tranh và năng suất.

4. Nền Kinh Tế Dựa Trên Tri Thức và Toàn Cầu Hóa (2000s)

Phát triển các ngành dựa trên tri thức như công nghệ sinh học, ICT (công nghệ thông tin)
và dịch vụ tài chính. Singapore hòa nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

5. Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững và Quốc Gia Thông Minh (2010s đến Nay)

Tập trung vào phát triển bền vững và công nghệ xanh. Khởi xướng sáng kiến Quốc Gia
Thông Minh để tận dụng công nghệ vì lợi ích xã hội và kinh tế.

Nếu để ý, các từ khóa như: "đầu tư nước ngoài", "dịch vụ tài chính", "điện tử", "công
nghệ" được xuất hiện nhiều trong cả 5 bước.

Vậy mình cũng đoán chắc mọi người đã có 1 sự đoán được đáp án mình định nói
nhưng mình muốn nói sâu hơn về lịch sử hệ thống giáo dục của Singapore dựa vào 5
bước trên. Lưu ý mình đánh số (1), (2), (3), (4), (5) để mọi người thấy rõ được.

Trước khi Cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu bắt đầu điều hành đất nước, ý tưởng về sự thành
lập Polytechnic (Cao Đẳng) đã được chính quyền cai trị Anh nghĩ tới. Và sau khi khảo sát
230 cơ quan và công ty thì chính quyền cai trị Anh đã nhận ra rằng cao đẳng cần có 5
ngành chính: Giao Thương, Kỹ Thuật, Quản Lý, Kiến Trúc và Hội Họa. (1) Sau năm 1960,
Singapore gặp nhiều vấn đề như thiếu nguồn nhân lực (tầm thấp) để có thể giúp xây
dựng đất nước. Việc sử dụng hệ thống Polytechnic (Cao Đẳng) sau cấp 2 vừa giúp cho xã
hội đỡ tiêu tốn quá nhiều nguồn lực do đất nước còn nghèo. Mình có thể hiểu rằng cao
đẳng là việc làm trong các nhà máy.

Sau đó (2) diễn ra khi Singapore trở nên giàu hơn. Lúc này xảy ra một vấn đề là kỹ thuật
viên của khối cao đẳng đã khó mà có thể tiếp quản được những công việc khó khăn hơn.
Đó là lúc Đại Học Nanyang (trường tư do người gốc Hoa dựng) và Đại Học Malaya (cơ sở
Singapore) hợp lại thành 1 và tạo ra trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) bây giờ.

Nếu các bạn sinh viên NUS nhìn thấy logo của trường mình sẽ thấy 3 cái vòng tròn, đó là
3 vòng tròn từ Đại Học Nanyang cũ.

Tuy nhiên vào lúc này, Singapore đặc biệt thiếu kỹ sư và sau đó, Nanyang Technological
Insititute - NTI (Học Viện Công Nghệ Nanyang) được thành lập trực thuộc NUS và dưới
khu vực cũ của trường Đại Học Nanyang.
Nếu các bạn học ở NTU thì sẽ để ý rằng các thầy già hơn thường sẽ học ở Anh Quốc hay
Mỹ vì đơn giản lúc đó Singapore không có đủ khả năng để có kỹ sư giỏi. Lúc đầu NTI chỉ
có 582 sinh viên ở 3 trường kỹ thuật (Điện & Điện Tử, Xây Dựng, Cơ Khí) - như trong logo
của NTU hiện nay, nhưng sau đó, tổng số sinh viên nâng lên thành 6832. Sau đó thì NTI
cũng "lấy luôn" trường Kế Toán của NUS (lúc đó vẫn là trường tổng của NTI).

Thế là (3) xảy ra. Lúc này thì Singapore cần thêm một đại học nữa, để đám ứng thêm nhu
cầu về tài chính và công nghệ, SMU - với sự dẫn dắt của Ho Kwon Ping, một trong những
tỷ phú của Singapore được xuất hiện. SMU dạy theo giáo trình của Đại Học Pennsylvania
(Mỹ) và sẽ khác cách dạy của NUS với NTU, khá truyền thống theo kiểu của Anh kết hợp
phương Đông. Điều này cũng dễ hiểu vì Singapore cần thu hút thêm đầu tư từ các công
ty tại Mỹ. Lúc này thì ở khối Polytechnic cũng xuất hiện thêm các trường để có thể đáp
ứng như cầu của thị trường.

Sau đó (4) xuất hiện. Vào năm 2000, nghiên cứu khoa học ở Singapore bị cho là yếu, chỉ
trong vòng 11 năm, 2 trường đại học của Singapore là Đại Học Quốc Gia Singapore và
Đại Học Công Nghệ Nanyang cùng với A*STAR (cơ quan nghiên cứu của chính phủ) đã
đẩy mạnh quá trình này. NTU trước đó là "teching university" (chỉ dạy) nhưng sau đó đã
đổi thành Đại Học Nghiên Cứu Toàn Diện và cũng thay đổi cấu trúc tập trung, với chỉ còn
khoảng dưới 50% sinh viên tốt nghiệp là kỹ thuật. Ngoài ra thì nếu để ý, NTU hiện tại
cũng đầu tư nhiều vào Nanyang Business School và các ngành nghề khác không liên
quan tới kỹ thuật.

Cuối cùng thì (5) diễn ra. SUTD được thành lập với sự hợp tác của MIT (Mỹ) cùng với
trường Đại Học Chiết Giang (Trung Quốc) và SIT với mục tiêu giúp đẩy nhanh việc đạt đủ
nhân sự cho phát triển bền vững và công nghệ thông tin. Ngoài ra SIT cũng được thành
lập để giúp nâng khả năng cạnh tranh của sinh viên từ Cao Đẳng (Polytechnic) lên do
các công việc tầm thấp và trung ngày càng ít hơn.

Còn đây là kết luận ngắn cho ai lười đọc:

Nếu đọc hết cả những thứ này, mình vẫn có sự tập trung vào những từ khóa liên quan
"công nghệ", "kỹ thuật", "quản trị kinh doanh". Vì vậy, nếu được trả lời ngắn gọn, thì
Singapore giàu từ việc phát triển công nghệ, kỹ thuật lẫn quản trị kinh doanh. Và đây
cũng chính là 3 ngành nghề mình thấy đúng là mạnh nhất.

Về góc độ của Stan Shih Smile Curve, thì mình sẽ thấy lịch sử của Singapore gắn liền
các bước để có thể ở mức độ cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại
Singapore đang ở Design tới Concept/R&D (cho các ngành kỹ thuật) và Distribution tới
Sales/After Sales (cho các ngành quản trị kinh doanh). Và đáp án của mình về 3 nhóm
ngành trên được củng cố khi nếu nhìn vào các bảng QS, Times Higher Education hay
bảng nào khác trên thế giới, 3 nhóm ngành là 3 nhóm ngành "cứu cánh" 2 trường NUS và
NTU nhất. Riêng kỹ thuật, NUS và NTU thường sẽ ở trong top 10 thế giới.
Mong rằng bạn sẽ thấy bài này hay nhưng để cho những người lười đọc thì đáp án của
mình là "kỹ thuật", "quản trị kinh doanh" và "công nghệ"

[11/11/23] Du học sớm ở Singapore - nếu "sống" được thì được gì?
Để trả lời câu hỏi này, mình sẽ trích dẫn 3 nhận xét:

Nhận xét 1:

Hôm trước mình có nói chuyện với 1 anh ở cấp quản lý ở 1 công ty FAANG (Facebook -
bây giờ là Meta, Apple, Amazaon, Netflix, Alphabet - trước là Google) thì anh có nói rằng
anh ấy, là một người trong hệ thống giáo dục Việt Nam từ đầu đến cuối có thể cảm nhận
được sự khác biệt lớn giữa những bạn đi từ cấp 2 du học, đi từ cấp 3 du học và từ Việt
Nam qua.

Thế mình có hỏi là anh thấy thì điểm mạnh của du học sinh đi sớm là gì?

Thì anh nhận xét (với đại ý) là "các bạn du học từ sớm có cái khả năng giải nhiều vấn đề
trong công việc mà nó chưa từng xảy ra". Ví dụ khi nghĩ ra những ý tưởng mới thì các bạn
từ cấp 3 đặc biệt giỏi hay tạo ra một tổ chức/công ty từ đầu đến cuối.

Nhận xét 2:

Mình gặp 1 bạn rất thông minh từ Việt Nam qua. Bạn này có giải quốc tế một môn khoa
học tự nhiên và khi tốt nghiệp thì được một công việc rất tốt tại 1 công ty công nghệ.

Mình đi ăn trưa ở quán McDonald với bạn. Mình trêu "tao học đã trễ xong còn dốt hơn
mày, chắc thế thì bố mẹ tao đầu tư lỗ mất". Thì bạn cũng nói rằng dù bạn ấy cảm thấy dù
giỏi về chuyên ngành nhưng bạn cảm thấy rằng mình với các bạn học cấp 2 tại Singapore
có kiến thức rộng và đa dạng hơn. Ngoài ra thì cũng có hiểu về văn hóa Singapore với các
nước châu Á hơn.

Nhận xét 3:

Mình đi gặp 1 gia đình có con học tại Singapore (cấp 2) và bố mẹ đều làm công ty tại
Singapore. Anh chị này rất tốt và kể mình nhiều câu chuyện hay. Anh chị cũng nói rằng
du học cấp 2 ở Singapore cũng có nhược điểm nhưng ưu điểm là sự "kỷ cương cứng và
khả năng tư duy phản biện tốt"

Du học sớm đúng là có nhiều rủi ro bao gồm việc mất văn hóa, con cái trở nên hư hơn,...
nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều sự phát triển nhất định. Nếu mình được nhận xét
về việc du học sớm thì mình sẽ cho nó là "high risk, high return", tức là việc rủi ro hỏng
cũng cao nhưng nếu thành công thì thực sự thành công. Quyết định du học thuộc về gia
đình phụ huynh và các bạn nhưng mình nghĩ rằng nếu có thêm thông tin ở nhiều khía
cạnh khác nhau thì gia đình có thể có một lựa chọn phù hợp với tình cảnh của mình.
[9/11/23] O level Singapore - bất công?
(Cho các bạn nào đang thi hoặc sắp thi O level)

Ở O level, có tổ hợp môn tiếng Trung bao gồm: Chinese, Higher Chinese và Chinese
Literature (Ngữ Văn tiếng Trung).

Nếu như chỉ nhìn vào thì một người bên ngoài sẽ khó hiểu, 3 môn này liên quan gì tới sự
"bất công". Mình cũng xin giải thích đó là vì thường học sinh Việt Nam sẽ không lấy
những môn này (cũng có trường hợp người lấy nhưng cực kỳ thiểu số).

Học sinh Việt Nam sẽ không cạnh tranh trực tiếp với người Singapore để lấy chỗ ở bậc
Dự Bị Đại Học hoặc Cao Đẳng (cả 2 đều là cấp 3 của Singapore) mà sẽ trực tiếp cạnh
tranh với người Trung Quốc vì số lượng học sinh quốc tế bị hạn chế.

Chinese - tiếng Trung với người Trung Quốc là quá dễ vì tiếng Trung học ở người
Singapore và vì thế đã cầm gần như chắc 1 con A1. Ngoài ra thì cũng bớt đi một môn. Ở
O level được bớt 1 môn vì gần như chắc chắn có A thì là lợi thế lớn

Higher Chinese - tiếng Trung nâng cao, khi học thì sẽ giúp thế luôn tiếng Anh (vì bình
thường tổ hợp điểm phải có tiếng Anh) nếu đăng ký Dự Bị Đại Học (JC), điều này gây bất
lợi cho kể các bạn học bổng ASEAN/A*STAR vì tiếng Anh được coi là môn "tử thần" với
hiếm người có được A. Vậy nên những bạn người Trung cũng sẽ có cơ hội vào JC có điểm
đầu vào khó hơn.

Chinese Literature - nếu lấy thì cũng đỡ thêm 1 môn và thường điểm mình thấy là B3
và tốt hơn.

Để giải thích rõ hơn thì người Trung khi học tiếng Trung tại Singapore giống như người
Anh học tiếng Anh ở Việt Nam.

Hồi mình thi O level, mình cũng nghĩ đến sự "bất công" này vì mình đã phải cố rất nhiều
vừa phải học tiếng Anh mà vừa phải học các môn khác. Thực ra thì Toán Nâng Cao và
Vật Lý mình chỉ có học một tý nhưng điểm cao mà tiếng Anh dù bỏ rất nhiều công sức
mà điểm chỉ ở mức C6 (tức là vừa qua môn). Và đúng, những bạn người Trung lúc đó đã
vào được trường cấp 3 có đầu vào khắt khe hơn mình.

Tuy nhiên, khi lúc vào cấp 3, mình nhận ra những sinh viên người Trung được lợi thế này
bắt đầu yếu hơi. Tại vì lúc học ban đầu đã dễ hơn nên một số bạn nghĩ là (1) không chân
trọng việc họ vào được trường như mình và (2) không quen được áp lực như mình. Vậy
nên nó diễn ra nghịch cảnh là điểm O level dù tốt hơn nhưng lúc tốt nghiệp cấp 3 điểm
tệ hơn và không vào được trường đại học công lập.

Nó không chỉ diễn ra trong Polytechnic mà còn ở JC, một số bạn người Trung bây giờ
không trốn được General Paper (Viết luận về kiến thức xã hội) cho A level Singapore. Mà
với tiếng Anh đã (cố gắng trốn) trong lúc thi O level thì sẽ gặp vấn đề trong khi đó các bạn
Việt Nam sẽ có khuynh hướng làm tốt hơn vì bị "ép" học tiếng Anh

Vậy, O level đã không "bất công" với mình nhưng là bất công với người khác vì nó đã giúp
mình phải học thật nhiều tiếng Anh và phải chịu áp lực tốt hơn. Và khi lúc mình lên đại
học, nếu có một thứ mà mình học được đó là bằng cấp không quan trọng bằng những gì
mình thực sự biết. Vì vậy, mình biết các bạn người Việt thi O level có cảm thấy bất công
thì hãy nghĩ rằng mình thắng cả cuộc chiến (đường đời) chứ không phải một trận chiến
(một bài thi cấp 2).

[6/11/23] Nếu được chọn làm nhân viên tuyển sinh của một trường đại
học công tại Singapore, mình sẽ làm như thế nào?
1. Về quốc tịch

Đầu tiên, mình sẽ nhìn qua xem mình có bao nhiêu người và xem quốc tịch của mọi
người như thế nào. Nếu có công dân thường trú (PR) thì mình sẽ ưu ái hơn.

Với ngành cạnh tranh cho cả người Singapore, thì mình sẽ ưu tiên người Singapore trước
vì mình ít có động lực để tuyển sinh viên quốc tế. Còn nếu tuyển thì chắc vài người siêu
giỏi từ sinh viên quốc tế để:

1/ Giúp mình nâng khả năng nghiên cứu

2/ Giúp làm động lực cho các bạn người Singapore phấn đấu để giỏi như những sinh
viên quốc tế và có thể giúp sinh viên bản địa học được từ những người giỏi đó, từ đó tăng
chất lượng đầu ra.

3/ (Bây giờ không còn nhiều nữa do Singapore cũng khá nhiều người muốn nhập tịch) Là
cho những người này định cư và sau đó sinh sống tại Singapore, giúp tăng năng lực cạnh
tranh tại Singapore.

4/ Ngoài ra thì mình cũng có thể cho sinh viên quốc tế vào nhưng không có Tuition Grant
để giúp mình có thêm kinh phí do sinh viên quốc tế đóng nhiều học phí hơn.

Tuy nhiên thì mình không có nhiều động lực khác để tuyển vì chắc chắn sẽ có ngành
thiếu sinh viên và khi tuyển sinh viên thì tổng số sinh viên toàn trường (theo mình đoán)
sẽ đạt đủ 10% tối đa.

Ngoài ra thì những ngành như Y và Luật thì chắc chắn mình không muốn tuyển nhiều
sinh viên quốc tế do đặc thù của ngành, và khi những sinh viên này ra trường thì khả
năng kiếm việc thấp (do quốc tịch - nếu không có PR) thì nó lại ảnh hưởng đến thứ hạng
của mình. Và cũng có (quá) nhiều người vừa giàu vừa giỏi tại Singapore muốn đăng ký.

2. Về loại bằng
Vậy, ngoài quốc tịch thì mình sau đó mới nhìn bằng cấp. Mình có nhiều động lực để chọn
các bạn học JC hơn vì JC tốt nghiệp không thể đi làm được và sau đó là các bạn học
Polytechnic quốc tịch Việt Nam. Lý do quan trọng là vì mình muốn bảo vệ giá trị bằng
cấp của quốc gia của mình và ngoài ra thì các bạn này đã ở Singapore một thời gian dài,
nên khả năng cao hòa nhập tốt hơn, đi xin việc hoặc tìm cơ hội sẽ tốt hơn. Bằng chứng là
khi vào đại học công, luôn có 2 nhóm, nhóm đầu là từ cấp 3 Việt Nam qua và nhóm hai
là từ JC/Poly qua. Nhóm từ JC/Poly luôn có khả năng hòa nhập, có năng lực lãnh đạo,
làm việc nhóm tốt hơn và có khả năng săn cơ hội tốt hơn nhóm kia. Đương nhiên các
bạn từ cấp 3 Việt Nam cũng có điểm mạnh riêng.

Với lại chọn các bạn JC/Poly sẽ dễ hình dung các bạn ở đâu trong hệ thống giáo dục của
Singapore.

3. Về thứ mình muốn nhìn thấy

Sau khi mình chọn hết thì sẽ có các bạn từ cấp 3 Việt Nam để chọn. Mình sẽ quan tâm 2
thứ:

1/ Năng lực học tập & các tài năng khác (quan trọng nhất)

2/ Khả năng hòa nhập

Tại sao cái 2 cũng quan trọng. Nếu không hòa nhập được thì lúc các bạn đi làm cũng sẽ
rất khổ vì sếp (khả năng cao) sẽ không phải người Việt Nam nên mình cũng phải đảm
bảo rằng khi mình nhận các bạn vào thì các bạn có việc và bay được cao. Ngoài ra thì
mình cũng phải đảm bảo rằng sinh viên bản địa của mình học được nhiều nhất có thể từ
sinh viên quốc tế và văn hóa nước mình không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu không thì sẽ phí
1 chỗ của mình.

Số 1 quan trọng vì khi mình phải dùng tiền của người dân để hỗ trợ học phí (qua Tuition
Grant), mình cũng phải mong những bạn này có thể đóng góp kinh tế nước nhà nhiều
hơn số tiền mình bỏ ra bằng công trình nghiên cứu, bằng việc giúp mình có thể thu hút
nhiều công ty đa quốc gia, bằng việc giúp nâng thứ hạng, bằng việc xây dựng quyền lục
mềm trong khối ASEAN, bằng việc tạo công ty kỳ lân triêu đô, bằng việc giúp đổi tuyển
thể theo trường mình thắng giải,...

Vậy, khi lúc phỏng vấn, mình sẽ hỏi nhiều câu hỏi khác nhau nhưng chung quy, mình
phải thấy được số (1) và (2).

[2/11/23] Học sinh Việt Nam tại Singapore có những con đường nào?
1. Đầu tiên thì mình sẽ giải thích một số loại bằng cấp của Singapore.
Trước khi vào cấp 2:
PSLE - thi tốt nghiệp cấp 1
AEIS - thi vào cấp 2 hoặc cấp 1 của Singapore cho học sinh quốc tế
Cấp 2:
GCE O level (Singapore) (đừng nhầm sang phiên bản nước khác) - là loại bằng thi tốt
nghiệp cấp 2 được tổ chức bởi Bộ Giáo Dục Singapore (MOE), Ban Quản Lý Thi Cử Và
Kiểm Tra Singapore (SEAB) và Đại Học Cambridge.
Điểm tổng GCE O level càng thấp càng tốt. Cách tính điểm ví dụ là nếu có 5 môn với 4
A1 và 1 B3 thì tổng điểm là 1 + 1 + 1 + 1 + 3 = 7.

Cấp 3:
GCE A level (Singapore) - là loại bằng thi tốt nghiệp Junior College (Cấp 3) cũng được tổ
chức bởi Bộ Giáo Dục Singapore (MOE), Ban Quản Lý Thi Cử Và Kiểm Tra Singapore
(SEAB) và Đại Học Cambridge.

Điểm được tính dựa vào UAS (hay còn gọi là rank point với tối đa là 90 điểm), ở đây thì
điểm càng cao càng tốt.

Để chống tiêu cực trong thi cử và chống việc giáo viên sửa điểm, 2 loại bằng này sẽ được
gửi sang Anh Quốc để chấm. Tuy nhiên đã từng có trường hợp đề thi A level bị ăn cắp tại
Anh Quốc. (https://www.straitstimes.com/.../238-a-level-chemistry...)

Diploma Certificate - được cấp bởi 5 trường cao đẳng công lập (Polytechnic) tại
Singapore (cấp 3 Việt Nam). Bằng này là loại bằng đa số người Singapore sở hữu (80%
dân số vào Polytechnic thay vì Junior College).

Một số trường bán công lập như NAFA, SOTA hay BCA Academy (dưới quyền sở hữu của
Bộ khác, không phải Bộ Giáo Dục Singapore) cũng có cấp bằng này, tuy nhiên thì khi vào
đại học, bằng của 5 trường công lập do Bộ Giáo Dục Singapore quản lý sẽ được ưu ái
hơn.

IB - loại bằng này không phải của Singapore nhưng được 1 số Junior College tốt lựa
chọn, ví dụ như SJI. Ở GCE A level Singapore thì sẽ đấu với chỉ trong Singapore còn IB thì
sẽ đấu với cả thế giới. Tuy nhiên thì học sinh Singapore thường có điểm cao nhất thế giới
về IB trong nhiêu năm (với điểm trung bình là 39.5/45 hơn trung bình của thế giới là 30.9)
(https://www.straitstimes.com/.../ib-results-singapore....).
Ngoài ra thì cũng có 1 số trường quốc tế thi loại bằng này.

2. Vậy nếu từ Việt Nam qua từ lớp 8, nếu thi xong AEIS (và đỗ) thì có
những lựa chọn nào?

Dưới đây là 3 con đường thường được sử dụng


Lựa chọn 1 (đặc biệt rủi ro)
Trường công (cấp 2) -> Dự Bị Đại Học (JC) -> Đại Học Công
Con đường này chông gai và rủi ro. Vì:
1/ Những bạn nào mà đã đậu vào dự bị đại học thì đều có năng lực học tốt và toàn bộ
các bạn học bổng ASEAN/A*STAR đều sẽ vào đây. Nên khi mà Đại Học Công xét về học
bổng hoặc tiêu chí vào thì học sinh Việt nam (không nhận 2 loại học bổng này) sẽ phải
cạnh tranh trực tiếp với những bạn được học bổng này.
2/ Khả năng drop-out (rút) cao hoặc không lên lớp vì JC học rất nặng, và kiến thức phải
gấp 4 lần so với bậc cấp 2.

Điểm mạnh lớn nhất của con đường này là:


1/ Nhanh hơn so với Polytechnic do chỉ có 2 năm
2/ Được ưu tiên những học bổng danh giá hơn và có thể vào được 1 số ngành đặc biệt
cạnh tranh như Luật hoặc Y.
3/ Với bạn nào định học PhD, thì mình khuyến khích con đường này vì nó giúp cho bạn có
nền tảng tốt hơn Polytechnic.

Lựa chọn 2:
Trường công (cấp 2) -> Polytechnic -> Đại Học Công
Lựa chọn ít rủi ro hơn nhưng cũng khó vì chỉ có một số ít bạn có thể vào cấp Đại Học
Công. GPA phải cỡ khoảng 3.8 nếu muốn vào SUTD và SMU còn vào NUS và NTU phải cỡ
khoảng 3.9. Học bổng NUS/NTU phải cỡ 3.95+ với tổng điểm tối đa là 4.0
Điểm mạnh là:
1/ Ít cạnh tranh hơn nhưng vẫn siêu khó
2/ Nếu học cùng ngành khi lên đại học thì được miễn 0.5 đến 1.0 năm
Ngoài ra khi đi thực tập, mình được ưu ái hơn so với các bạn học JC vì mình có bằng cao
đẳng (nặng về thực tập). Có 1 công ty đã đưa đề nghị trả 2K SGD (34 triệu/tháng) trong kỳ
thực tập của mình tại vì bằng cao đẳng của mình khi mình đi xin thực tập tại Đại Học. Vì
vậy, mình nghĩ là ít nhất đối với các công ty kỹ thuật, họ vẫn muốn một bạn theo cong
đường này hơn vì những bạn theo con đường này giỏi về thực hành nhưng cũng hiểu về lý
thuyết.

Lựa chọn 3 (con đường đa số mọi người sẽ theo):


Trường công (cấp 2) -> Polytechnic/JC -> Đại Học Tư (tại Singapore)
Polytechnic là có Tution Grant, nếu tốt nghiệp từ Polytechnic nên khi xin thẻ đi làm cũng
đỡ cực hơn và lên trường tư thì sẽ tốt nghiệp nhanh hơn. Điểm mạnh là đầu vào đỡ khắt
khe hơn và học hành cũng đỡ áp lực hơn.
Tuy nhiên thì điểm yếu là do giáo trình học không khắt khe bằng và các bạn học cũng ít
động lực hơn nên có nhiều hạn chế về sau. Tại Singapore, các bạn trường tư cũng hay
thường có mặc cảm so với trường công nên mình nghĩ đây cũng là một hạn chế lớn.
Đây là một số phương án mà phụ huynh có thể cân nhắc để lựa chọn cho con em của
mình. Ngoài ra còn có lựa chọn đi nước khác nhưng nó khá dài nên mình sẽ để dành cho
dịp khác.

[31/10/23] Du học từ cấp 2 tại Singapore có thực sự dễ vào đại học công lập?
(Bài này tập trung vào nhóm KHÔNG ĐƯỢC học bổng ASEAN/A*STAR)

Việc vào được trường đại học công lập tại Singapore từ cấp 2 là bất bình thường chứ
không phải bình thường

Singapore có 9,000 du học sinh và khoảng 400 sinh viên/nghiên cứu sinh từ 4 trường
NUS,NTU,SMU,SUTD (số ước lượng của mình). Vậy, ở Singapore chỉ chưa đến 5% là sinh
viên của 4 trường này. Và trên thực tế, khi mình nhìn số liệu vào của học sinh mỗi năm
tại NTU thì mình để ý, chỉ có khoảng 0-4 bạn còn giữ quốc tịch Việt Nam vào được khi đi
diện tự túc. Con số này thấp hơn nhiều so với các bạn được học bổng ASEAN/A*STAR
mặc dù số lượng học sinh đi học tự túc nhiều hơn hẳn. Và trên thực tế, khóa mình khi thi
vào cấp 2 tại Singapore là khoảng 80 người (bao gồm nhiều quốc gia), nhưng cuối cùng
thì chỉ có khoảng 6 bạn còn ở lại Singapore.
Vấn đề là, khi mọi người nhìn những người đậu những trường công, mọi người thấy các
bạn cấp 2 rất tài giỏi nhưng đấy là do các bạn này đã rất xuất sắc thời cấp 3 của mình tại
Việt Nam trước khi đậu học bổng ASEAN/A*STAR (sang Singapore là chậm 2 năm nên từ
cấp 3 thành cấp 2). Vì vậy, có khả năng khá cao là các bạn ấy vẫn đậu trường công nếu
duy trì tại Việt Nam. Đương nhiên có những lơi ích riêng mà mình có thể chia sẻ sau về
việc du học sớm, bài này sẽ chỉ tập trung trở ngại.

Những trở ngại đó là gì?

- Ngôn ngữ - Tiếng Anh và Tiếng Singlish


Khác với việc du học đại học ở chỗ, nếu bạn học kỹ thuật thì thực ra vốn từ vực không
cần quá nhiều nhưng nếu bạn đi từ cấp 2 và phải thi GCE O level (Singapore) thì sẽ là
một trở ngại lớn. Lý do là vì người Singapore, những người có cùng trong bellcurve* với
bạn đã học tiếng Anh từ bé lúc mới sinh ra.
Tức là đã học tiếng Anh khoảng 16 năm liên tục tại môi trường đa phần mọi người nói
tiếng Anh. Và vì vậy, nhiều bạn du học sinh Việt Nam, bao gồm cả những bạn thi đậu học
bổng ASEAN/A*STAR cũng không có điểm quá cao môn tiếng Anh. Đa phần mình thấy
thường rơi vào cỡ F9 đến B3, với F9 nghĩa là trượt và B3 nghĩa là bạn rơi vào khoảng trong
đoạn 40 - 50% hơn những người cùng thi (cái này là ước chừng của mình)
Mình có thể nói, vì mình đã thi, thì O level English của Singapore khó hơn IELTS rất nhiều
và theo cảm quan khi nhìn đề thi, nó ngang độ khó bằng đề thi tiếng Anh giỏi của
tỉnh/thành phố cấp 3. Độ khó thì khác nhau với cảm nhận nhưng với mình thì nó là vậy.
Nhưng nó không chỉ là tiếng Anh mà là tiếng Singlish, khi tiếng Anh ở ngoài môi trường
giáo dục còn có những cụm từ đi kèm. Vì ở Singapore, không chỉ có "lah" mà còn có
nhiều thuật ngữ khác. Nếu không học hay tiếp thu được thì cũng sẽ khó trong việc giao
tiếp công việc bên ngoài.

- Áp lực về cuộc sống


Ở Việt Nam thì bằng tuổi các bạn sẽ có người lo đủ thứ từ việc ăn, ngủ và chuyện tình
cảm, bạn bè. Nhiều em sẽ ngại khi nói chuyện này về với bố mẹ, đặc biệt các khó khăn
trong cuộc sống. Một điều nữa là do các em, khi đang tuổi mới lớn có trải nghiệm khác
hẳn với bố mẹ vì do học hệ thống giáo dục khác, nên nhiều khi trao đổi với phụ huynh sẽ
có nhiều điều khúc mắc với nhau. Đôi khi những gì được chấp nhận tại Việt Nam lại
không được chấp nhận tại Singapore và ngược lại. Riêng việc giải thích cách tính điểm
(A1,A2,..) đã là một khó khăn lớn.

- Trường cấp 2 có quan trọng?


Chất lượng trường cấp 2 là đồng đều nhau nhưng vấn đề năm ở chỗ, nếu học sinh đậu
AEIS (không qua học bổng A*STAR/ASEAN) thì trường cấp 2 các bạn vào thường có điểm
PSLE đầu vào thấp (PSLE là thi cấp 1 của Singapore). Vì vậy, vấn đề là bạn bè sẽ thường
lười và ít động lực hơn. Cách dạy ở trường làng cũng khác nhiều so với những trường có
điểm PSLE đầu vào cao.
Mình từng học trường làng và xếp thứ 2 từ dưới lên, lúc lên NTU thì các bạn người
Singapore ở NTU có cảm giác từ gia đình khá giả hơn hẳn cũng như có động lực và quyết
tâm hơn. Và thường khi hỏi, thì những bạn này ở những trường có điểm PSLE cao hơn.
Vì vậy, dù thầy cô giáo ở trường làng dạy rất tốt (và có tâm) nhưng bạn bè cùng lứa có
ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý lúc học sinh còn bé.
Vào trường công ở Singapore không phải định nghĩa của thành công và có nhiều bạn vì
không thích hệ thống ở Singapore, đi nước khác hoặc học trường tư cũng phát triển tốt.
Vì vậy nên mỗi khi cân nhắc cho các em đi học từ sớm thì nên cân nhắc thông tin từ
nhiều nguồn trước khi đi du học.
*Bellcurve là cách tính điểm của Singapore, lấy một số lượng phần trăm cao nhất là A
rồi B và rồi dần dần đến F.

[28/10/23] Tuition Grant - có nên nhận hay không?


Chính sách Tuition Grant ở Singapore giúp sinh viên với chi phí giáo dục cao đẳng/đại
học. Công dân Singapore tự động nhận chính điều này mà không cần phải thực hiện bất
kỳ nghĩa vụ. Người không phải là công dân, bao gồm cả Cư trú Viên (PRs), phải nộp đơn
và, nếu được chấp thuận, làm việc tại một công ty/tổ chức tại Singapore trong ba năm
sau khi tốt nghiệp.
Chính sách không phải là học bổng và thường sẽ giúp cho sinh viên giảm chi phí 40 -
60% cho một ngành học nếu ký.

I. Những người có thể đăng ký


Trường đại học công lập (6 trường công), cao đẳng (Polytechnics), học viện hội họa (Art
Inistitution như LASALLE và NAFA) và ITE có thể đăng ký chính sách này.

II. Lợi ích cho Singapore


Theo quan điểm của mình thì Tution Grant là chính sách của Singapore sử dụng để giữ
lại nhân tài. Dù đúng là điểm của học sinh cấp 2 & 3 của Singapore cao hơn Việt Nam
nhiều về mặt trung bình nhưng để tìm được người siêu giỏi trong số 5 triệu người sẽ khó
hơn tìm người giỏi cho một đất nước có dân số 100 triệu người trong một lĩnh vực. Đó là
lý do khi phỏng vấn học bổng, sẽ luôn có câu "Cái giải thưởng đó hơn bao nhiêu người?".
Một phần để người hỏi biết được giải thưởng đó giá trị như thế nào.
Chính sách dùng tiền thuế của Singapore và đúng là có sinh viên không có khả năng trả
(sang nước khác không về lại Singapore, bị ốm giữa chừng, không có công ty nhận trong
dịch COVID-19,...). Tuy vậy, nhìn chung thì mình nghĩ nó đã giúp Singapore giữ chân
được nhiều người tài để có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp đa quốc gia mở trụ sở
tại Singapore như AirBnb, Meta, Google, Grab,...

III. Lợi ích cho Việt Nam


Nhiều người nhìn chính sách này là gây chảy máu chất xám cho Việt Nam nhưng mình
nghĩ rằng không hẳn là vậy vì:
1/ Sinh viên Việt Nam mới ra trường tại Singapore thì sẽ không có giá trị nhiều. Trong
chương trình Cơ Hội Cho Ai ở Việt Nam, có 1 sếp đã khuyên là nên làm việc tại nước
ngoài trước khi về nước và đây là quan điểm mình cho là đúng. Doanh nghiệp Việt Nam
sẽ khó có khả năng chi trả cho 1 bạn sinh viên với mức lương phù hợp với số tiền bạn bỏ
ra để đi du học và bạn chưa có kinh nghiệm từ nước ngoài để có thể truyền lại cho các
công ty Việt Nam.
Ví dụ, khi bạn là một kỹ sư bán dẫn và làm trong Micron thì sau vài năm làm, bạn sẽ có
cơ hội được thực hành tốt hơn với sinh viên tốt nghiệp trong nước hiện tại do Việt Nam
chưa có 1 số mảng liên quan tới bán dẫn. Khi doanh nghiệp này định mở về Việt Nam, thì
khi bạn về nước sẽ giúp doanh nghiệp và đất nước hơn nhiều.
2/ Công dân của Việt Nam đổi sang PRs rất khó, thành người Singapore còn khó hơn
Nếu như bạn không học cấp 2 tại Singapore thì việc đổi sang PR gần như không thể. Vì
vậy đúng là đã làm lâu nhưng khả năng định cư là thấp. Các nước khác, nếu cân nhắc để
định cư thì có thể là Úc và Canada sẽ tốt hơn Singapore.

IV. Lợi ích cho bản thân sinh viên


Ngoài ra thì có "lợi thế bản địa" khi sinh viên đăng ký chính sách này. Vì bạn nợ 3 năm (từ
nguồn tiền thuế của người dân Singapore) nên khi cấp thẻ thì sẽ thường được ưu ái hơn.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì giữa 2 bạn sinh viên, 1 bạn nợ năm và 1 bạn không nợ
năm, nếu Singapore không cần nhiều nhân lực đến thế thì bạn không nợ năm sẽ ít được
ưu tiên hơn. Trường đại học ở Singapore cũng mong sinh viên ký vì nó giúp cho sinh viên
có khả năng cao hơn được nhận việc, giúp cho thứ hạng trường không bị ảnh hưởng xấu.
Vậy, theo mình, thì Tuition Grant là một chính sách tất cả các bên đều có lợi (từ phía
Singapore, Việt Nam hay chính bản thân sinh viên). Tuy nhiên thì quyết định cuối cùng
vẫn là của sinh viên và gia đình.

Các câu hỏi khác


1/ Trong trường hợp đăng ký Tution Grant ở Cao Đẳng (Polytechnic) - ngang cấp 3
Việt Nam và sau đó lên Đại Học ký lại thì tổng số năm có lên không?

Không, vẫn giữ nguyên 3 năm chứ không phải 3+3. Ngoài ra thì nếu có học bổng khác đi
kèm như học bổng công ty thì vẫn có thể làm cùng lúc với Tution Grant này.

2/ Nếu đi học thạc sĩ ở nước khác được hoãn không?

Được, tìm hiểu bằng cách tra Google.

[25/10/23] Loại bằng cấp nào được ưu ái hơn để vào trường công tại Singapore?
(Có phân tích bằng THPT, bằng nội địa Singapore, IB, A level UK)

Câu ghi nhớ của bài trước:


"Trường công Singapore = phục vụ lợi ích quốc gia của Singapore"
- Với một quốc gia, bằng cấp (cấp 3) của mình được công nhận là điều quan trọng
Vì vậy thì mình nghĩ ở Singapore 2 bằng nội địa (A level Singpore và Polytechnic Diploma)
sẽ được ưu ái hơn. Vì 2 bằng này là của Singapore cấp cho đại đa số học sinh được tốt
nghiệp.

Điều này cũng dễ hiểu với bất kỳ quốc gia nào. Nó giống như việc nếu bạn đi Mỹ thì sẽ
phải thi SAT và dùng bằng cấp của Singapore nộp ở Mỹ là rất bất lợi.
Theo mình hiểu thì số lượng người được nhận từ A level hoặc Polytechnic của từng
ngành sẽ được xác định trước rồi trường mới bắt đầu tuyển dựa vào số đó. Sau đó thì
một loại bằng ít phổ cập hơn là IB (cũng được thi bởi các trường Junior College) sẽ được
xem xét case-by-case vì nó không hẳn là bằng cấp do Singapore cấp mà là do
International Baccalaureate Organization (IBO). Đây là những gì mình biết sau khi nói
chuyện riêng với phòng tuyển sinh vào năm 2020.

Tuy nhiên ở website của NTU có ghi rõ "Admission is highly competitive, especially for
non-citizens, due to limited places available for a public university such as NTU." và
"The primary factor in admission decision is good overall academic performance."

Điều này ý trường là sẽ rất khó đậu bằng IB nếu mình là sinh viên quốc tế.

- Vậy GCE A level (UK) - không phải A level Singapore có lợi thế hơn so với bằng Tốt
Nghiệp Trung Học Phổ Thông Việt Nam?
Mình đọc qua cả hướng dẫn về 2 loại bằng này và mình thấy yêu cầu khá giống nhau. Cả
2 đều không cần thi NTU Entrance Examination nữa và theo mình thì cả 2 loại bằng đều
coi là bằng "nước ngoài" nên sẽ không có cái nào hơn cái nào. A level UK không phải A
level Singapore vì đề thi khác hoàn toàn nhau. Quan điểm cá nhân của mình là A level
Singapore khó hơn rất nhiều.

Hiện tại thì mình thấy Singapore, hay NTU sẽ không được lợi gì nếu công nhận A level UK
tốt hơn bằng THPT của Việt Nam. Singapore cũng không thu thêm tiền thuế nếu công
nhận bằng A level UK hơn.

Sau hơn 20 năm tuyển sinh sinh viên Việt Nam thì mình nghĩ chắc chắn 3 ông lớn NUS,
NTU và SMU đã có đủ dữ liệu để biết điểm đầu vào nào là "tốt" với bằng THPT dựa vào
điểm tốt nghiệp của các bạn sau khi học xong đại học.

Hệ thống giáo dục Việt Nam được coi là tốt và bằng đại học của Việt Nam ở một số
trường như Đại Học Quốc Gia Hồ Chí Minh hay Đại Học Quốc Gia Hà Nội vẫn được công
nhận là bằng tốt & được ưu tiên trong chính sách visa việc làm tại Singapore.

[24/10/23] Đơn của NUS và NTU đã mở cho bậc đại học


Mình có nói chuyện với một số bạn và phụ huynh thì có một số câu hỏi, mình sẽ trả lời
từng câu một cho mỗi bài.

Điểm quan trọng trước khi đọc:


- Trường công Singapore = phục vụ lợi ích quốc gia của Singapore
- Trường tư Singapore = phục vụ lợi ích kinh tế của doanh nghiệp

Khi Singapore trao Tuition Grant hay Học Bổng 1 cách hào phóng (hơn trường tư) thì theo
mình, Singapore không làm miễn phí mà là cách để có lợi ích kinh tế về lâu dài khi giữ
được những người giỏi mà nền kinh tế cần. Lợi ích kinh tế mà những người này mang lại
sẽ hơn nhiều so với vài chục nghìn Singapore hỗ trợ. Tuy nhiên thì mình cũng nghĩ đây là
Win-Win vì sinh viên Việt Nam cũng được thực hành ở công ty đa quốc gia để học được
nhiều kinh nghiệm và khi các công ty đa quốc gia mở trụ sở tại Việt Nam thì cũng sẽ có
nguồn lực nước ngoài tại Singapore về giúp xây dựng đất nước.
Tại sao các ngành kỹ thuật dễ vào hơn?
Singapore cũng giống như Việt Nam là thiếu kỹ sư. Vào năm 2012, Hội Kỹ Sư Singapore
(IES) có làm khảo sát về lý do sinh viên không muốn vào bao gồm: Ngành không danh giá
so với các ngành khác, lương thấp so với số giờ làm, thiếu sự hiểu kỹ sư làm gì và "chán"
theo nhận định của một số sinh viên.
Vấn đề này đã không được khắc phục nhiều khi vào năm 2019, công ty 3M (công ty đa
quốc gia tại Mỹ) phỏng vấn 1,000 người Singapore và phát hiện ra chỉ có 9 đến 18%
muốn làm ngành STEM (nôm na là kỹ thuật - khoa học) so với 30% người muốn làm quản
trị kinh doanh. Số lượng sinh viên dù tăng từ năm 2016 đến 2017, tuy nhiên 4 trong tổng
số 10 ngành thiếu hụt nhân sự là ngành kỹ thuật. Đây là một trong những ngành thiếu
người nhất tại Singapore.

Kỹ sư là một trong những ngành quan trọng vì đây là ngành thu hút các công ty đa quốc
gia mở trụ sở tại Singapore. Về mặt kinh tế, khi một công ty đa quốc gia ví dụ như Rolls-
Royce mở nhà máy về động cơ máy bay thì riêng tiền xuất khẩu từ nhà máy đó đã ngang
bằng một số tỉnh ở trong các nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra thì về mặt an ninh, khi
nhiều nhà máy như chíp bán dẫn ở đây thì Singapore sẽ được an toàn hơn vì quyền lợi
của các siêu cường đang ở tại Singapore.

- Thế câu chuyện này liên quan gì tới việc tuyển sinh?
Trường công ở Singapore được xây dựng từ tiền thuế của người dân Singapore, vì vậy
trường có trách nhiệm phải đảm bảo lợi ích quốc gia. Và vì trường công bị giới hạn sinh
viên quốc tế (10%) cho bậc đại học nên họ sẽ chọn những người có thể đem lợi ích đó
nhiều nhất. Một trong những lợi ích là làm Singapore hấp dẫn cho công ty đa quốc gia
đặt trụ sở tại đây, đặc biệt các công ty về kỹ thuật.

Và vì thiếu người muốn học, họ vẫn cần những kỹ sư tốt từ các nước khác theo học để
đảm bảo nguồn cung nhân lực chất lượng cao tại đây. Nếu để ý, sinh viên Việt Nam khi
đậu NUS/NTU thường hay bị đặt nặng về các giải STEM là vì trường muốn tuyển người tài
có thể nghiên cứu (giúp nâng thứ hạng cho trường và giúp trường có thêm công trình
nghiên cứu phục vụ lợi ích quốc gia).

“Khi Singapore trao Tuition Grant hay Học Bổng 1 cách hào phóng (hơn trường tư) thì
theo mình, Singapore không làm miễn phí mà là cách để có lợi ích kinh tế về lâu dài khi
giữ được những kỹ sư giỏi tại đây. “ - giống như câu đầu mình đã nói.
Riêng ngành Data Science hay Computer Science thì lại quá nhiều người muốn đăng ký
tại Singapore nên trường khá là ít động lực để tuyển sinh viên quốc tế vì số lượng tuyển
mỗi năm có giới hạn và ưu tiên cho người bản địa. Điều nay cũng liên quan tới Business.

- Vậy nếu muốn làm Data Science hay Computer Science thì phải làm thế nào?
Thực ra thì ngành Electrical & Electronic Engineering, Computer Engineering của NUS,
NTU, SMU và SUTD đều khá liên quan tới Data Science và Computer Science. Nếu bạn
thực sự muốn làm thì có thể học thêm môn HOẶC xin trường để đổi.
Tuy nhiên thì phải hiểu là tỷ lệ đào thải khi mình quá 35 tuổi là khá cao.

[23/10/23] Các con đường sau JC/Polytechnic (tương đương cấp 3 Việt Nam)
*Cũng là bài để các bạn nộp từ Việt Nam tham khảo - bài này ngắn và thiên về góc nhìn
tại Singapore hiện tại hơn

#1 The "Big Four"


Thuật ngữ ban đầu là The "Big Three" áp chỉ 3 trường đại học danh giá nhất Singapore
(theo quan điểm đại đa số mọi người) - NUS, NTU, SMU. Tuy nhiên thì mình cũng sẽ
thêm SUTD vào vì sinh viên SUTD cũng được đón nhận bởi nhiều doanh nghiệp đa quốc
gia và được chính phủ Singapore tuyển dụng nhiều.
Điểm tốt:
- Lương & tỷ lệ nhận việc cao
- Học phí được chính phủ chu cấp nhiều
- Được có mạng lưới cựu sinh viên rất tốt
- Học PhD và xin Visa đi làm các nước khác dễ hơn (với riêng NUS và NTU)
Điểm chưa tốt:
- Học áp lực, nhiều sinh viên bỏ sau kỳ đầu, nhiều người giỏi nên cạnh tranh mạnh
- Thời gian học dài, ít nhất 3 năm trở lên
#2 The "Next Three"
Là các trường mới hơn những cũng thuộc hệ thống trường công. Đó là SUSS và SIT. Sắp
tới sẽ có UAS (University of the Arts Singapore) - là trường kết hợp giữa Lasalle và NAFA,
chuyên về nghệ thuật. Chi tiết về UAS: https://www.straitstimes.com/.../university-of-
the-arts...
Điểm tốt:
- Nhiều ngành đặc thù mà những trường kia không có, ví dụ Khách Sạn - Nhà Hàng hoặc
Quản Lý Hàng Không.
- Tập trung vào thực hành thay vì nghiên cứu như bộ 4 kia
- Vẫn được chính phủ chu cấp học phí
- Có 1 số trường hợp sẽ học ngắn hơn số #1
Điểm yếu:
- Không được chu cấp nhiều học phí như cái số #1
- Ít học bổng hơn nhiều
- Bằng cấp vẫn coi yếu hơn so với số #1 và giáo trình còn quá mới
- Cơ sở vật chất yếu hơn số #1
#3 Trường tư
Bao gồm SIM, Kaplan, PSB
Điểm tốt:
- Nhiều ngành nghề, khá giống như cái số #2
- Điểm đầu vào dễ hơn, mình có thể được học cái mình thích hơn
- Nhanh & ngắn
- Học phí ít hơn trường công (nếu không tính tiền chính phủ hỗ trợ) và không bị trói buộc
Điểm xấu:
- Thường bị coi là yếu hơn số #1 và số #2 (dù mình thấy mấy bạn VN thân với mình tốt
nghiệp vẫn có việc)
- Ít cơ sở hạ tầng
- Giáo trình khó ngang cái số #2 nhưng ít hơn cái số #1, dẫn đến việc học PhD hay thạc sĩ
ở trường thứ hạng cao sẽ khổ hơn
#4 Đi làm
(không áp dụng với JC)
Điểm tốt:
- Kiếm tiền ngay lập tức
- Có nhiều cơ hội và ít gánh nặng tài chính
Điểm yếu:
- Cơ hội thăng tiến thấp, không lên quá cao trong doanh nghiệp được (trừ khi tự tạo hoặc
công ty gia đình)
- Lương ra thấp hơn hẳn so với đại học

[22/10/23] Điểm đầu vào thấp = đầu ra tệ?

Một tâm lý chung của học sinh trước khi vào trường là có suy nghĩ điểm vào thấp thì đầu
ra (lương) tệ. Đây là tâm lý chung kể cả khi đăng ký chọn trường Junior College (Dự Bị Đại
Học), Cao Đẳng (Polytechnic) hay kể cả Đại Học.

Hôm nay mình lại táy máy nghịch 2 dữ liệu, 1 dữ liệu là về độ khó để vào NTU Singapore
(dựa vào điểm Polytechnic) và lương trung bình khi tốt nghiệp của sinh viên khi tốt
nghiệp. Mình không bao gồm hết toàn bộ các ngành mà chỉ lấy vài ngành để dễ nhìn. Dữ
liệu là năm 2022.

Trong biểu đồ này, có thể thấy các ngành như Public Policy & Global Affairs (Quản lý
công & quan hệ quốc tế) dù điểm đầu vào cao nhưng lại có thu nhập thấp hơn
Mechanical Engineering (Kỹ Sư Cơ Khí).

Lý do cho việc này là điểm đầu dựa vào yếu tố là NHU CẦU SINH VIÊN MUỐN VÀO và nó
khác NHU CẦU TUYỂN DỤNG CỦA THỊ TRƯỜNG. Vì có nhiều ngành dù nhiều sinh viên
muốn học nhưng lại không có phải thứ thị trường cần nhiều hiện tại.

Ngoài ra thì điểm đầu vào này chỉ có tính áp dụng với sinh viên người Singapore/PRs và
không áp dụng với các bạn Việt Nam từ Việt Nam qua. Thông thường những ngành như
kỹ thuật sẽ có nhiều sinh viên quốc tế hơn và những sinh viên này thường có giải quốc
gia tại nước đó.

Vì vậy, có câu nói ở NTU là ở đâu cũng có cạnh tranh, ở ngành STEM thì là cạnh tranh với
sinh viên quốc tế giỏi, học nặng còn ở ngành quản trị kinh doanh, xã hội học thì dân bản
địa giỏi và bellcurve khó.
[18/10/23] Muốn làm ở thị trường nước nào thì học trường đại học tại nước đấy
Ở Singapore, nếu sinh viên tốt nghiệp tại trường công lập và có hợp đồng Tuition Grant
sẽ được ưu tiên thẻ Employment Pass (một loại thẻ lao động của Singapore, có mức
lương tối thiểu để có được). Điều này hoàn toàn hợp lý vì theo mình có 2 lý do:

1/ Sinh viên phải làm việc là hoàn thành nghĩa vụ 3 năm nên sẽ được ưu tiên có thẻ hơn.
Do sinh viên lúc ra trường lương chưa có thể cao như mức Employment Pass thường
quy định, trừ trường hợp siêu xuất sắc, nên việc ưu tiên là để giúp cho sinh viên hoàn
thành nghĩa vụ này

2/ Trong bảng xếp hạng đại học, có tính điểm employment (tuyển dụng) nên nếu các bạn
sinh viên quốc tế không có việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của các trường tại
Singapore. Ngoài ra thì nếu sinh viên không có việc mà phải về nước trong tình cảnh nợ
thì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Singapore.

Ở thị trường lao động tại Singapore thực ra rất cạnh tranh, nhiều bạn khi học ở một số
nước muốn làm ở thị trường Singapore để gần Việt Nam thì gặp khó khăn về thẻ lao
động. Với doanh nghiệp, để chọn một bạn sinh viên Việt Nam ở nơi khác và phải trả
lương ít nhất 5,000 SGD thay vì một bạn sinh viên Việt Nam từ NUS/NTU có thể nhận
được với mức lương trung bình (khoảng 4,200 SGD) thì bạn sinh viên Việt Nam tại nơi
khác phải thực sự xuất sắc. Điều này khó vì sinh viên Việt Nam tại Singapore đầu vào và
đầu ra rất khó khăn.

Nhưng đây không phải mỗi mình Singapore, hôm qua mình còn biết đến Hồng Kông, với
chính sách Immigration Arrangements for Non-local Graduates (IANG) sẽ cho phép sinh
viên Việt Nam tại Hồng Kông tốt nghiệp tại các trường đại học được University Grants
Committee (UGC) cấp kinh phí bao gồm HKU, HKUST và CUHK cũng sẽ được ưu ái trong
việc visa đi làm. Điều này là đặc biệt vì ở Hồng Kông, do yếu tố lịch sử, mà visa lâu dài
với người Việt Nam cực kỳ khó khăn. Thị trường lao động Hồng Kông cũng cạnh tranh và
là thị trường tốt vì họ sử dụng nhiều kiến thức phương Tây nhưng áp dụng tại châu Á.

[16/10/23] Học trường tư tại Singapore: Ưu & Nhược


Lưu ý: Có bạn học trường tư có việc làm và lương cao hơn các bạn trường công lúc tốt
nghiệp. Bài này không đánh giá từng cá nhân mà chỉ cho 1 góc nhìn toàn thể của mình
về việc học trường tư tại Singapore

Đầu tiên, mình sẽ nói điểm lợi:

1/ Thời gian ngắn hơn nhiều, có những khóa chỉ kéo dài 10 tháng.

Chính vì vậy nên các bạn ở trường tư thường có cơ hội học thạc sĩ sớm hơn trường công
vì tốt nghiệp sớm hơn. Ngoài ra thì con đường trường tư sẽ nhanh hơn nhiều cho các bạn
học cấp 2 ở Singapore khi không phải đi 1 đoạn dài. Thường là JC/Poly - 2/3 năm rồi mới
đại học so với việc học Diploma - 1 năm rồi lên đại học.
Con đường dài ở JC/Poly cũng có nhiều rủi ro vì trái với quan điểm của nhiều người, từ
cấp 3 lên trường công lập không hề dễ. Có 1 lần mình đi hỏi phòng tuyển sinh của trường
công lập thì họ nói rằng, điểm phải ở trong 90th Percentile (top 10%) trong những người
được nhận năm ngoái thì mới có cơ hội được nhận cho học sinh Việt Nam từ JC/Poly.
Trường tư sẽ là con đường liền mạch, ít rủi ro hơn.
2/ Chất lượng sinh viên VIỆT NAM đầu vào không tốt?

Không hẳn 100% là vậy, đúng là có những trường tư khá thoáng với việc tuyển sinh. Tuy
vậy, theo mình thấy, một số trường như SIM đã khá chặt với việc tuyển. Cái vấn đề là khi
so với trường công thì trường tư đúng là tuyển thoáng hơn nhưng nếu mình so sánh tổng
thể, ví dụ như mức trung bình tài Việt Nam thì nhiều bạn ở SIM điểm không hề thấp. Có
nhiều bạn có GPA khoảng 8.5 - 9.0 ở cấp 3 và cũng có học sinh trường chuyên.
Trường công ở Singapore tuyển rất khó, kể cả so với mặt bằng đại học toàn thế giới do
chính sách giảm sinh viên quốc tế. Chính sách này chỉ áp dụng bậc đại học và không áp
dụng bậc thạc sĩ/tiến sĩ.

3/ Họ phí rẻ hơn

Trường công, nếu không có học bổng và Tuition Grant (chính sách hỗ trợ tài chính của Bộ
Giáo Dục Singapore) thì chắc chắn sẽ có học phí cao hơn nhiều so với trường tư

Tuy nhiên thì cũng có những tác hại sau:


1/ Nhìn chung thì trường công vẫn được doanh nghiệp đón chào hơn
Vào năm 2022, 60.9% sinh viên trường tư nhận được công việc toàn thời gian với mức
lương khoảng 3,200 SGD. Ở trường công thì 87.5% có việc với mức lương khoảng 4,200
SGD. Với SMU (4,500 SGD), NUS (4,300 SGD), NTU (4,200 SGD) và SUSS (3,600 SGD).
Lương khởi điểm thấp cũng là vấn đề khi mỗi năm tăng lương 10-20% nhưng do khởi
điểm thấp nên mức tăng sau này sẽ bị hạn chế.

2/ Chất lượng sinh viên CẢ TRƯỜNG đầu vào không tốt?


Do đầu vào thoáng cho các bạn bản địa và một số quốc gia (ví dụ như Trung Quốc) nên
nhiều sinh viên thường không quá quan tâm vào việc học và chỉ quan tâm tới việc có
bằng và tốt nghiệp. Đương nhiên cũng có bạn muốn học và chăm chỉ nhưng % trong lớp
như vậy không đồng đều. Ít nhất ở NTU thì mình thấy đa phần mọi người đều chăm và tối
thiểu cũng làm đủ bài tập về nhà.
3/ Độ nặng của giáo trình
Mình học giáo trình của NTU và thấy nó rất nặng. Mình cũng có xem giáo trình ở 1 số
trường cho cùng 1 môn học (Data Structure and Algorithms) thì không quá khó. Đa phần
môn này ở trường khác đã bỏ hết phần toán.

Điều này cũng tốt vì sinh viên đỡ áp lực trong việc học hơn và cũng có nhiều thời gian
làm việc khác nhưng nó cũng xấu vì sinh viên không được đủ chuẩn bị để bước vào đời
bao gồm cả kiến thức, khả năng suy nghĩ lẫn khả năng chịu áp lực. Số lượng môn của
trường tư cũng ít hơn rất nhiều so với trường công.

Lưu ý là một số trường tư vẫn có giáo trình nặng hơn nhiều so với mặt bằng chung của
các trường trên thế giới.
Nhìn chung thì mình thấy trường tư cũng là một phương án khác nếu muốn học tại
Singapore và mình cũng nghĩ rằng mỗi người sẽ có những suy nghĩ ưu & nhược trước khi
đưa ra quyết định của chính mình.

[20/9/23] Sinh viên tốt nghiệp tại trường công Singapore lương bao
nhiêu?

Đây là câu hỏi mà nhiều bạn có hỏi mình. Dựa vào khảo sát của Bộ Giáo Dục Singapore
vào năm 2022, nhóm ngành Luật có mức lương cao nhất với 6,375 SGD/tháng (113 triệu
VND) khi tốt nghiệp. Theo sau là nhóm ngành Công Nghệ thông Tin với 5,625 SGD/tháng
(100 triệu VND) và Kỹ Thuật 4,600 SGD/tháng (82 triệu VND).

Nếu mình nhìn thêm chi tiết thì 10 bằng đại học có thu nhập cao nhất (từ cao nhất xuống
thấp) vào năm 2023 là: Chương trình song bằng Quản Trị Kinh Doanh và Công Nghệ
Máy Tính (NTU), Công Nghệ Máy Tính (NUS), Luật (SMU), Luật (NUS), Y Học (NTU),
Phân Tích Doanh Nghiệp (NUS), Công Nghệ Máy Tính (NUS), An Ninh Công Nghệ
Thông Tin (NUS), An Ninh Công Nghệ Thông Tin (SMU).

Tuy nhiên với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì khả năng tìm việc cũng sẽ rất
cạnh tranh với sinh viên mới tốt nghiệp tại Singapore.
Ngoài ra thì mọi người có thể tra khảo sát qua:

1/ NUS: https://www.moe.gov.sg/.../web-publication-nus-ges-2022.ashx
2/ NTU: https://www.moe.gov.sg/.../web-publication-ntu-ges-2022.ashx
3/ SMU:https://news.smu.edu.sg/.../Web%20Publication%20SMU%20GES...
4/ SUTD: https://www.moe.gov.sg/.../web-publication-sutd-ges-2022.pdf
5/ SIT: https://www.singaporetech.edu.sg/news/SITGES2022....
6/ SUSS: https://www.moe.gov.sg/.../web-publication-suss-ges-2022...

HKUST, NTU (Singapore) và Bắc Đại: Trường nào tuyển sinh viên Việt Nam khó hơn?

Nếu nói về việc tuyển sinh thì mỗi năm một khác, tuy nhiên thì mục đích tuyển sinh viên
của 3 trường thường sẽ giống nhau qua các năm. Mình sẽ dựa vào quan sát và trải
nghiệm của mình nói về 3 trường.

1/ NTU - thường chỉ cho tối đa 10% sinh viên của cả trường là sinh viên quốc tế và những
người này thường rất giỏi tại quốc gia của mình (giải quốc gia/quốc tế/đứng đầu
trường,..) và sẽ thường cho Tuition Grant (3 năm làm cho công ty tại Singapore). Mục
đích thì muốn giữ người rất giỏi do Singapore chỉ có 5 triệu dân nên số lượng người giỏi bị
hạn chế so với các quốc gia có dân số lớn hơn. Điều này giúp nền kinh tế trở nên cạnh
tranh hơn và thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Singapore.

2/ HKUST - không giới hạn số sinh viên quốc tế chặt như NTU với gần 40% sinh viên
không phải là sinh viên bản địa (bao gồm Trung Quốc Đại Lục). HKUST được tạo ra cũng
khá giống mục đích với NTU, để biến Hồng Kông trở thành một trung tâm mà nhiều công
ty đa quốc gia về công nghệ muốn đặt trụ sở tại đây vì Hồng Kông quá phụ thuộc vào
dịch vụ tài chính. Vào cuối những năm 1980, HKUST đã được chính phủ Hồng Kông cân
nhắc thành lập sau 2 trường là HKU và CUHK.
Tuy nhiên thì mình đã nói trước, Hồng Kông mới gần đây mở nhiều cửa cho sinh viên khối
ASEAN nên vẫn còn rất thoải mái với sinh viên quốc tế. Điều này cũng giống NTU ngày
trước khi người Việt trong trường có thể lên tới vài trăm người cho đến năm 2012.

3/ Bắc Đại - rất nhiều người giỏi & trường thừa tiền nhưng vẫn nhận sinh viên Việt Nam
và điều kiện cũng khá thoải mái so với NTU và HKUST vì mục đích chính không phải
tuyển sinh vì tiền hay thu hút người giỏi. Bắc Đại tuyển sinh vì một phần muốn tăng thứ
hạng so với các trường khác do điểm diverity (đa quốc gia?) thấp nên muốn đẩy mạnh
lên.

Ngoài ra thì một yếu tố nữa liên quan tới thúc đẩy văn hóa và hiểu hơn về Trung Quốc
cũng tạo động lực lớn để Bắc Đại tuyển sinh dễ dàng và dễ hơn sinh viên Trung Quốc
muốn vào rất nhiều. Bắc Đại không dạy 1 cách "tẩy não" mà thực sự có sự cân bằng tốt
xấu về Trung Quốc.

Vậy thì nếu có thể được "đoán" thì mình nghĩ rằng NTU sẽ khó nhất sau đó tới HKUST và
cuối là Bắc Đại.

Tuy nhiên, theo mình thì đầu vào dễ không có nghĩa là trường không tốt & đầu ra không
tốt. Vì vẫn có thể vào dễ, ra trường khó. Thêm vào đó, chính sách tuyển của nước sở tại
cũng ảnh hưởng tới việc tuyển sinh cho sinh viên bản xứ lẫn sinh viên quốc tế. Cuối cùng
thì sinh viên nên cân nhắc lựa chọn phù hợp với kinh phí và năng lực học của bản thân.

[6/10/23] Du học Hồng Kông? Tại sao không?

Hôm qua mình dành gần 2 tiếng nói chuyện với một bạn tốt nghiệp ở Đại Học Kinh Tế
Quốc Dân Việt Nam (NEU), mình cũng hơi ngượng vì vẫn chưa tốt nghiệp Đại Học khi
bạn ấy hỏi lời khuyên của mình về thạc sĩ ở Singapore thì mình có khuyên như sau:
Nếu tìm cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ ngành tài chính hoặc liên quan thì thực ra Hồng Kông
(Trung Quốc) có cơ hội tốt hơn Singapore về mặt kinh phí cá nhân vì:
- Người giỏi ở Hồng Kông đã đi gần hết nhưng GDP Hồng Kông vẫn rất cao (gần bằng cả
Việt Nam).
- Hồng Kông với Singapore là trung tâm tài chính và thế nên cơ hội việc làm tài chính
ngang nhau (bao gồm những gì mình có thể học, cường độ làm và đãi ngộ)
- Hồng Kông đang theo chu kỳ cũ của Singapore 10 năm trước. Ngày xưa NUS và NTU
không hề nổi tiếng cho những người có ý định đi du học tại Việt Nam nhưng bây giờ đã
được cải thiện nhiều. Hồng Kông cũng đang làm như những gì Singapore đã làm:
1/ Cho học bổng sinh viên, học sinh nhiều. Sẵn sàng bỏ thời gian, công sức đi nhiều tỉnh
khác nhau để nói về cơ hội
2/ Sau khi nhiều sinh viên vào và đã chứng minh được đầu ra thì sẽ giảm dần học bổng.
Sau đó cũng tăng điều kiện tuyển để chọn không chỉ sinh viên giỏi mà là gia đình vừa có
điều kiện nhưng cũng giỏi.
Hồng Kông đang ở số 1 nhưng theo mình thì thời gian chuyển sang giai đoạn 2 sẽ rơi vào
cỡ 5 năm nữa khi những khóa đầu tiên người Việt tốt nghiệp và có công việc ổn định.
Mình có cơ hội trao đổi tại Hồng Kông và cũng nhận ra rằng là sinh viên Việt Nam tại
Hồng Kông rất thông minh nhưng thường là thiếu điều kiện kinh tế hơn so với các bạn ở
NUS và NTU.
Đương nhiên thì Hồng Kông và Singapore mỗi nơi dù nhìn khá tương đồng về yếu tố lịch
sử, văn hóa nhưng cũng có điểm mạnh và yếu khác nhau. Singapore vẫn có điểm mạnh
về cơ hội việc làm sau này (không cần bắt buộc biết tiếng Trung và Anh nếu làm tài
chính) và là khối ASEAN nên đi lại với Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nhưng nếu bạn ít kinh phí
và không thích bị trói buộc thì Hồng Kông sẽ là điểm đến tốt hơn.

[12/8/23] Review chương trình trao đổi từng trường


2020: Mình đi trao đổi online hè tại Đại Học Thanh Hoa (THU)
2021: Mình đi trao đổi hè tại Đại Học Sydney (USYD)
2022: Mình đi trao đổi tại Đại Học Công Nghệ và Khoa Học Hồng Kông (HKUST)
2023: Mình đi trao đổi tại Bắc Đại (PKU)
Mình sẽ review đầy đủ chi tiết về từng trường và cả nơi mình học. Lưu ý đây là góc độ của
một sinh viên trao đổi nên bạn chỉ nên lấy đây để tham khảo.
1. Trao đổi hè Đại Học Thanh Hoa (online)
Phí: Miễn phí nếu đăng ký trực tiếp với Thanh Hoa
Phí nếu lấy tín chỉ: 1 credit (150 SGD nếu qua NTU)
Cái này đi trải nghiệm nhiều mô hình làm ăn tại Trung Quốc, tuy nhiên cá nhân mình
không thích vì nó chỉ là online, khó có thể hòa nhập được với các bạn. Tuy nhiên trải
nghiệm làm việc nhóm với các bạn khá vui
2. Trao đổi hè tại Đại Học Sydney (USYD)
Phí học: 3,000 AUD/môn, 6,5000 AUD/2 môn
Ký túc xá: 1,500 AUD
Tín chỉ lấy thường sẽ là các môn tự chọn HOẶC quản trị kinh doanh (liên quan tới Minor
in Business)
Phí Visa: Không nhớ chính xác, nhưng rơi vào đâu đó 200 - 300 AUD
Thủ tục xin Visa: Phải có tiền trong ngân hàng, nếu không khả năng cao sẽ bị đánh trượt.
Đợi rất lâu, chung bình phải 6 tuần mới có kết quả nên các bạn nếu muốn đi thì đăng ký
visa sớm. Mình chỉ nhận kết cả Visa trước 4 ngày.
Môn mình chọn là MKTG1001: Marketing Principles, một trong những môn khá hay giới
thiệu về marketing. Thực ra để qua môn khá dễ tại thực sự mình không học chữ nào
nhưng vẫn đủ điểm để qua môn.
Về mức sống thì Úc nhìn chung có chi phí x1.5 lần so với Singapore và rau cực kỳ đắt.
Mình không thích đồ ăn Tây nên ngày nào cũng đánh chén quán phở Hà Nội ở ngay bên
đường nhưng công nhận đồ Việt của Úc rất ngon. Văn hóa ở Úc khá phóng khoáng và
mọi người rất thoải mái, mình thích cách Úc viết về lịch sử của chính họ vì nó chung lập.
Chắc điểm trừ lớn nhất của Úc là hệ thống giao thông công cộng khá tệ (do đa phần
người dân dùng xe ô tô để đi) và cũng đắt. Nếu như bình thường ở Singapore đợi 1
chuyến tàu hết 3-4 phút thì Úc có thể lên tới 1 tiếng 1 chuyến. Kiến trúc ở USYD nhìn
chung đẹp (giống Horwart trong phim Harry Porter) và các bạn sinh viên Úc (người bản
địa) học Business thông minh. Ở Sydney có 3 khu người Việt, mỗi khu có 1 món đồ Việt
ngon khác nhau cùng với bảo tàng đẹp tại Úc.
3. Trao đổi tại Đại Học Công Nghệ và Khoa Học Hồng Kông (HKUST)
Phí học: Dựa vào học phí tại NTU
Ký túc xá: 500 SGD/tháng (không nhớ rõ bao nhiêu HKD)
Tín chỉ: Nếu chỉ lấy dưới 18 tín (khoảng 4 môn) thì sẽ không phải xin phép, nếu trên 18 tín
thì phải nhờ NTU xin hộ. Điểm tốt là nếu bạn học Engineering hay Business thì đa số các
môn của HKUST đều khớp được với NTU.
Visa: Cầm chắc trượt Visa lần đầu nếu là người Việt (do tính lịch sử, nếu bạn sang bảo
tàng ở HK và đọc về lịch sử bạn sẽ hiểu) nên cần phải viết sẵn đơn appeal nhưng thường
appeal sẽ được. Thủ tục apply Visa trường sẽ lo từ A tới Z nên không lo.
Ăn ở trường giá ngang bằng NTU, tuy nhiên ăn nhiều thì ngán dù canteen trường đổi món
thường xuyên. Giao thông công cộng giá rẻ hơn Singapore một chút và hệ thống giao
thông công cộng rất giống Singapore. HK như một phiên bản khác của Singapore, điểm
khác biệt là HK thiên hướng phương Đông hơn còn Singapore thiên hướng quốc tế hơn.
Các bạn ở HK nói được 3 thứ tiếng là Quảng, Hán và tiếng Anh. Tuy tiếng Anh của các
bạn HK phát âm chuẩn hơn Singapore nhưng vốn từ vựng ít hơn hẳn. Đồ Việt ở HK tệ hơn
Úc và Singapore nhưng đồ HK ăn khá ngon, mình thích Pineapple Cake (dù nó không
được làm bởi dứa). HK là trung tâm tài chính của châu Á và các bạn HK rất chăm chỉ,
thông minh, cạnh tranh không kém Singapore. Đa phần mọi người học Kỹ Thuật là để
nhảy sang làm tài chính dù bên HK đang cố gắng xây dựng công nghệ như thành phố
Thẩm Quyến. Văn hóa HK cũng khác rất nhiều so với văn hóa Đại Lục nhưng mình thấy
HK rất an toàn, không giống như những gì truyền hình hay mô tả.
4. Trao đổi tại Bắc Đại
Phí học: 50 triệu/2 môn học (Không nhớ rõ bao nhiêu nhân dân tệ)
Ký túc xá: 800 SGD/tháng (Không nhớ rõ bao nhiêu nhân dân tệ)
Tín chỉ: 2 môn học, chủ yếu về kinh tế, xã hội hay văn hóa.
Visa: Nộp ở trung tâm visa, chủ yếu đợi lâu và khai nhiều nhưng cảm thấy dễ đậu hơn
mấy chỗ khác. Đợi 3 ngày là có visa.
Bắc Đại học khá thoải mái, thực sự không "tẩy não" mà có tự do về học thuật. Ở trong
trường thì sinh viên có thể bàn luận đúng sai của một chính sách công và một vấn đề
lịch sử. Sinh viên Bắc Đại thì quá thông minh, theo mình thì bảng QS đã đánh giá rất thấp
Bắc Đại. Ngoài ra thì dù sinh viên Bắc Đại có nhiều người con nhà không khá giả và
không có cơ hội tiếp cận thầy giáo tiếng Anh tại phương Tây nhưng tiếng Anh của các
bạn ấy rất chuẩn dù tốn thời gian để suy nghĩ từ. Trước khi sang Trung Quốc thì phải mua
VPN hoặc cài e-Sim của HK để có thể truy cập được mạng xã hội, ngoài ra phải tải sẵn
Alipay để có thể xài được dịch vụ bên đấy. Dù giao diện khá bất tiện cho người nước
ngoài nhưng với người bản xứ thì khá dễ. Ở Bắc Đại thì đồ ăn siêu rẻ (20k VND/suất) còn
ở bên ngoài thì khoảng 100k VND/suất. Ở Bắc Kinh an ninh tốt, ít đồ giả, không có trộm
cắp nên mọi người cũng có văn hóa chop (để đồ tại bàn rồi gọi đồ ăn) giống Singapore.
Người Trung Quốc tự hào về văn hóa của mình nên nếu hiểu 1 chút văn hóa tại Trung
Quốc cũng là một điểm lợi.
Đây là review phiên bản siêu ngắn, nếu như các bạn có ý định exchange ở đâu trong
những nước này thì đừng ngần ngại liên hệ với mình.
Ảnh mình chụp với các bạn NTU đi trao đổi tại Bắc Đại

[25/7/23] Một số điểm lưu ý khi sang Singapore


- Theo quan điểm của cá nhân mình-
(cho những bạn sang lần đầu bậc đại học)
Nếu bạn đọc đến dòng này thì xin chúc mừng bạn đã nhận được offer từ một trường nào
đó từ Singapore. Cho dù là trường nào thì mình cũng mong bạn có trải nghiệm tốt ở
những ngôi trường trong những năm sắp tới.
Sau đây là những thứ mà mình nghĩ các bạn nên cân nhắc mang đi.

1/ Phích du lịch
Ở bên Singapore thì họ xài ổ 3 chấu, dưới đây là một số ổ mà bạn có thể mua (mình
không nhận tiền quảng cáo):
- https://www.usbgiare.com/dau-chuyen-chan-cam-dien-2-chau...
- https://dienquang.com/collections/o-cam-du-lich
Ngoài ra thì bạn hoàn toàn có thể tới Singapore để mua ở các cửa hàng tạp hóa, thường
những thứ này không được bán tại 7eleven nhưng những siêu thị như NTUC hay Giant sẽ
bán.
2/ Đồ vệ sinh cá nhân
Tùy vào từng người
3/ Quần áo
Không cần mang quần áo rét vì thời tiết Singapore là nóng quanh năm
4/ Thuốc
Nên mua thuốc đau bụng, đặc biệt thuốc đông y và một số loại thuốc khác. Vì Singapore
có quy định khá khắt khe khi mua thuốc.

Mình không qua khuyến khích mang đồ ăn vì nó sẽ tiêu tốn nhiều diện tích cho hành lý
của bạn và chi phí mang đi nếu tính kèm kiện sẽ không tiết kiệm được nhiều.

Ngoài ra, dưới đây là một số phần mềm bạn có thể cân nhắc tải để thuận tiện cho việc đi
lại tại Singapore

1/ Grab: Khỏi cần nói, mọi người đều biết đây là ứng dụng gì HOẶC Zig - chức năng tương
tự
2/ Google Dịch: Dành cho những bạn còn yếu tiếng Anh, đây là ứng dụng mình dùng lúc
mình mới đi du học
3/ Shopee: Khỏi nói
4/ CityMapper: Ứng dụng giúp tìm cách di chuyển giao thông công cộng
5/ My EZ-link: Quản lý thẻ đi tàu điện ngầm và xe bus (ở đây họ cho trả qua Apple Pay
nữa)
6/ ChannelNew Asia: Thông tin tại Singapore
7/ SG Bus: Biết thời gian xe bus tới
8/ Singpass: Thẻ điện tử - chỉ sử được sau khi làm sau thẻ sinh viên
Bạn có thể cân nhắc mua thêm bảo hiểm phòng thân vì ở Singapore, chi phí y tế khá cao
nếu phải nhập viện. Tuy nhiên khi mua nên chỉ mua vừa đủ tại (theo quan điểm của
mình) không nên chữa bệnh ở Singapore lâu dài.
Đây là Pasir Ris, nơi mà mình hay thích chạy bộ mỗi cuối tuần

[2/7/23] "Nếu không có học bổng ở trường công lập thì sao?"
Đây là câu mà nhiều phụ huynh và sinh viên sắp vào hỏi mình. Ở bài này mình sẽ đưa ra
những công cụ tài chính & cách kiếm thêm thu nhập để có thể chi trả chi phí tại
Singapore.
Lưu ý là bài này chỉ mang tính chất tham khảo.
1/ Tuition Grant
Là chính sách hỗ trợ tài chính (không phải học bổng) của chính phủ Singapore giúp cho
sinh viên quốc tế, sinh viên người Singapore và thường trú viên (PRs). Với sinh viên quốc
tế và thường trú viên thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ làm việc cho 1 công ty/tổ chức tại
Singapore cho 3 năm (lưu ý là "làm việc cho" khác với "làm việc tại").
Các câu hỏi và trả lời liên quan tới Tuition grant:
https://tgonline.moe.gov.sg/tgis/normal/faqs.action
Danh sách trên bao gồm việc phá cam kết, gặp vấn đề khó khăn khi trả nghĩa vụ, học
tiếp tiến sĩ,...
2/ Student Loan
Để nhận Student Loan (Nợ Sinh Viên) , phải ký Tuition Grant.
Theo NTU, thì sinh viên có thể xin nợ không lãi suất cho tới khi hết thời gian đi học hoặc
nghiên cứu cho trường. Ví dụ nếu sinh viên sau khi nhận Tuition Grant thì sẽ phải trả
16,700 SGD và sẽ có thể vay tối đa 7,515 SGD. Chi tiết cách tính ở trường link:
https://www.ntu.edu.sg/admissions/graduate/financialmatters/financialaid/tfl
Chương trình này cũng có tại SMU, NUS và SUTD. Key Phrase để tra là "Tution Loan + Tên
Trường"
3/ Công việc thêm tại trường
Với NTU, thì mình có thể email thẳng với giáo sư tại phòng thí nghiệm để hỏi có việc
HOẶC email thư viên để làm thủ thư. Tùy vào công việc nhưng lương thường thấp hơn
mặt bằng chung của Singapore. Tuy nhiên những việc này thường không quá nặng nhọc
(trừ những việc như xử lý hóa chất) và ở trong trường nên dễ đi lại với sinh viên trọ tại ký
túc xá.
4/ Công việc bên ngoài
Công việc không liên quan tới ngành:
Thường liên quan tới bồi bàn, có thể tìm qua https://www.jobstreet.com/. Lương thường
nhỉnh hơn bên trong trường. Ngoài ra có thể hỏi từ các bạn đã làm từ trước để được giới
thiệu.
Có những việc như gia sư, những việc này thường khó với sinh viên Việt Nam qua từ cấp
3 vì thường sẽ dạy kèm thi O level Singapore hay A level Singapore hoặc Diploma. Kiến
thức thì giống nhưng cách kiểm tra và ra đề khá khác với Việt Nam.
Công việc liên quan tới ngành:
Có thể làm bán thời gian hoặc thực tập cho 1 công ty. Lương thường sẽ giao động từ 700
- 1500 SGD/tháng cho toàn thời gian còn bán thời gian sẽ do thỏa thuận. Thường sẽ là 8
SGD/giờ pro-rated (tùy vào tổng thời gian làm).
Tuy nhiên có những công việc cao hơn hẳn liên quan tới coding. Những việc này đòi hỏi
kiến thức chuyên môn rất chắc.

5/ Học Bổng Ngắn Hạn (Short Term Scholarship)


Sinh viên phải ký Tutition Grant để có thể nhận học bổng loại này. Đây là loại học bổng
dành cho sinh viên đang học tại trường đại học, số lượng từ 2,000 SGD - 16,000 SGD tùy
loại học bổng và đơn vị cho.
Năm 2023, riêng NTU sẽ có học bổng NTU Talent Scholarship dành cho những bạn có
năng lực về ngoại khóa như lãnh đạo, âm nhạc, hội họa hay thể thao. Chi tiết tại:
https://www.ntu.edu.sg/admissions/undergraduate/scholarships/existing-
student#Content_C033_Col00
[27/6/23] Chương trình học ở SIM
(Mình viết theo góc độ là một sinh viên trường ngoài)
Chương trình học ở đại học công lập Singapore có một số điểm không tốt như sau:
1/ Điểm đầu vào còn cao (GPA vẫn phải đạt hạng cao)
2/ Chi phí học đắt và ít học bổng
Trường công thường phù hợp với những bạn thực sự có năng khiếu học nhưng lại không
phù hợp với đại đa số sinh viên/học sinh Việt Nam.
Vì vậy nên mình đã có nghiên cứu trên mạng về vài chương trình ở các trường khác. Hiện
tại thì cá nhân mình thấy SIM có vẻ là một lựa chọn tốt vì điểm đầu vào không quá khắt
khe, học phí tiết kiệm và chứng chỉ tốt (cấp bởi các đại học khá tốt bên Anh, Pháp, Úc và
Mỹ). Một điểm tốt ở SIM là trường được thành lập bởi một dự án của Economic
Development Board (EDB), một cơ quan chính phủ Singapore nên trường có nhiều điểm
tương đồng với đại học công lập tại Singapore.
1/ Về điểm đầu vào không quá khắt khe
- Theo mình khảo sát thì thường điểm đầu vào cho chương trình thạc sĩ sẽ có bằng đại
học khá tốt (GPA 7.5) với IELTS 6.5 và chương trình đại học là GPA 8.0, IELTS 6.5 với
không band nào dưới 6 vào thẳng. Còn nếu Diploma của SIM thì sẽ dễ hơn với GPA 6.5,
IELTS 5.5.
- Tất cả những điểm trên thấp hơn trường công lập rất nhiều vì nếu nộp NUS/NTU cho
cấp độ đại học thường các bạn sẽ phải (1) học trường chuyên và (2) điểm GPA rơi vào
9.2+ (hiếm có trường hợp dưới 9.2) theo cảm quan của bản thân. Có một số con đường
khác như Poly/JC nhưng thường những bạn này cũng đứng gần như nhất trường hoặc
nhất trường. Điều này cũng tương tự cho các bạn học trường quốc tế tại Việt Nam.
2/ Học phí tiết kiệm
- Học phí thạc sĩ vào khoảng 18,540 SGD tới 46,008 SGD/năm. Học phí này thấp hơn so
với trường công vì rơi vào khoảng 50,000 SGD tới 95,400 SGD/năm. Điều này cũng tương
tự với chương trình đại học.
- Học phí ở SIM cũng có điểm nhấn khi học tại Singapore thì chi phí học sẽ thấp hơn Úc,
Anh và Mỹ mà vẫn là bằng của các nước đó.
3/ Trường chứng chỉ tốt
- Dù đúng là 2 trường NUS và NTU thứ hạng cao và luôn trong top 50 gần như toàn bộ
các bảng xếp hạng nhưng nếu so với mặt bằng chung trên toàn thế giới thì SIM cũng có
liên kết với những trường rất tốt.
- Một số điển hình như Grenoble Ecole De Mangement (Pháp) là trường kinh doanh đứng
thứ 8 nước Pháp và Đại Học Warwick (một trong những thành viên của Russell Group)
- Về mặt tuyển dụng thì thực tế những bằng này khá cạnh tranh nên nếu sinh viên thực
sự giỏi và sẵn sàng đắp thêm cơ hội thực tập thì vẫn có triển vọng xin được việc tốt tại
Singapore.

[6/6/23] Networking là gì và tại sao nó quan trọng?


(Đặc biệt dành cho các bạn vừa nhận được admission letter từ các trường đại học
tại Singapore)

Networking hay còn gọi là quá trình tạo, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa các cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các nhóm khác. Mục đích của networking là chia sẻ
thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực
như công việc, kinh doanh, học tập, nghiên cứu, và giải trí.

Với sinh viên, điểm số và trường đại học khi mình tốt nghiệp là quan trọng vì nó đánh gia
năng lực học tập, khả năng tư duy và sự quyết tâm của bạn thân. Tuy nhiên, việc
networking cũng quan trọng không kém. Đây thường là phần hay bị bỏ rơi trong lúc học
đại học. Sau 3 năm đại học, chuẩn bị bước sang năm 4 thì đây là những kinh nghiệm
mình thấy được khi muốn có một network mạnh.

1. Cách sử dụng Linkedin


Ngày xưa khi mình bắt đầu sử dụng Linkedin, những thứ mình hay đăng là về thành tích
của bản thân, ví dụ như khi tìm được công việc mới hay có được học bổng. Những thứ
này khi đăng lên linkedin là tốt nhưng nó bị giới hạn vì số lượng thành tích mà mình có
được sẽ không phải vô hạn. Cái mà người đọc muốn nhìn thấy được sẽ là những thông
tin mà hữu ích với họ và cũng phản ảnh hướng nghề nghiệp mà mình theo. Giả sử nếu
như bạn muốn theo công nghệ thông tin thì những bài về chia sẻ kiến thức liên quan tới
ngành sẽ là tốt. Bản thân mình khi viết những bài đó cũng sẽ ôn tập lại kiến thức.

2. Tham gia các tổ chức vì lợi ích cộng đồng


Thường mọi người sẽ không thích làm cái này vì không có tiền nhưng đây thực ra là kênh
để kết nối với mọi người dễ nhất. Ở Singapore thì có những hội sinh viên như Hội Sinh
Viên Việt Nam tại Singapore (VNYA) là nơi có thể có nhiều mối quan hệ làm việc cùng.
Các tổ chức này cũng sẽ làm việc với doanh nghiệp về lâu dài hoặc các tổ chức sinh
viên khác nên quan hệ sẽ được nhân rộng lên.

3. Đi trao đổi
Trải nghiệm trao đổi học tập tại các trường đại học ở nước ngoài là một cách tuyệt vời để
mở rộng mạng lưới quan hệ của bạn. Khi bạn tham gia chương trình trao đổi, bạn sẽ có
cơ hội gặp gỡ và học tập cùng sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội lý
tưởng để bạn:
- Kết nối với sinh viên quốc tế và các giảng viên, mở rộng kiến thức về văn hóa và phong
cách học tập khác biệt.
- Học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu và công việc.
- Gặp gỡ và làm việc cùng các chuyên gia, học giả và doanh nhân trong ngành của bạn.
- Tạo cơ hội cho việc hợp tác quốc tế trong tương lai giữa bạn và những người bạn kết nối
trong chương trình trao đổi.

4. Đi thực tập
Thực tập là một cách hiệu quả để bạn kết nối với môi trường làm việc thực tế và mở rộng
mạng lưới quan hệ trong ngành nghề mà bạn theo đuổi. Khi tham gia thực tập, bạn sẽ có
cơ hội:
- Làm quen và làm việc cùng đồng nghiệp, cấp trên và các chuyên gia trong tổ chức,
doanh nghiệp mà bạn thực tập.
- Học hỏi kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
- Gặp gỡ và kết nối với các đối tác, khách hàng và nhà cung cấp của tổ chức mà bạn
thực tập.
- Được giới thiệu và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp khác trong ngành thông qua
các buổi hội thảo, hội nghị và sự kiện mà tổ chức bạn thực tập tham gia.
Ngoài ra thì hiện tại với các bạn đang ở Hà Nội và mới nhận thư admission từ Singapore,
cần định hướng chiến lược cho bản thân mình (bao gồm kinh nghiệm tìm việc) thì có thể
nhắn mình để hẹn cà phê riêng.
[1/6/23] Review trao đổi tại HKUST (HK) - Phiên bản tóm tắt
(Bài viết được viết bằng nửa tiếng Anh và tiếng Việt do nhiều cụm từ khó dịch đủ nghĩa
sang tiếng Việt)

Mở bài:

Đây có lẽ là một trong những bài đăng cuối cùng của mình tại Hồng Kông. Vào năm
2021, mình có nhận được offer từ Đại Học Khoa Học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST).
Lúc đó thì cả thành phố vừa trải qua đợt biểu tình năm 2019 và dịch bệnh COVID-19 nên
hình ảnh của thành phố được mô tả là "không an toàn", "bạo loạn", "có nhiều tội phạm".

Nhiều bạn tại Đại Học Công Nghệ Nanyang (NTU) đã từ chối offer và chọn ở lại học tại
Singapore thay vì đi trao đổi. Và thực ra HKUST nói riêng, Hồng Kông nói chung không
phải lựa chọn đầu của mình.

Trước khi chấp nhận offer, mình có cân nhắc, có suy nghĩ và có đắn đo. Nhưng sau cùng
thì mình quyết định đi. Đơn giản là vì mình tin rằng đôi khi những thông tin mà mình được
nghe, được biết nó đã bị phóng đại quá đà. Ví dụ như thuật toán của mạng xã hội như
Facebook, những gì mình thấy là những gì mình muốn được thấy. Lâu dần mình sẽ tin nó
là sự thật và không còn tin vào những thứ khác. Điều này được chứng mình tại xã hội ở
Mỹ khi càng ngày xã hội càng bị chia rẽ từ khi mạng xã hội xuất hiện. Cá nhân mình thì
mình tự chứng minh là bản thân mình sai và thách thức chính những thứ bản thân biết.
Về xã hội, Hồng Kông không hề nguy hiểm như mình được nghe kể. Ngày đầu tiên mình
mất ví và sau đó, người dân ở đây trả mình với toàn bộ tiền bên trong. Các bạn sinh viên
bản địa (tức người sống tại Hồng Kông), khá thân thiện và thường có thể nói được 3 tiếng
là Quảng Đông, Phổ Thông và tiếng Anh dù tiếng Anh ở Hồng Kông có phần kém hơn
Singapore. Hồng Kông (HK) là trung tâm tài chính của Trung Quốc nên các ngành về tài
chính tại đây rất mạnh. Nhiều bạn mà mình biết có điều kiện học hành thường do bố mẹ
làm tài chính. Tuy vậy, mấy năm gần đây thì Hồng Kông đã đổi hướng để nâng cấp khả
năng công nghệ lên. HKUST được tạo ra để giúp cho Hồng Kông đủ nhân sự cho việc
chuyển đổi nền kinh tế. Mình đã có dịp đi Hong Kong Science Park - khu công nghệ cao
Hồng Kông, và dù nhiều người hay nói Trung Quốc sao chép nước khác nhưng sự thật là
với góc nhìn sinh viên kỹ thuật như mình, công nghệ của Trung Quốc rất mạnh. Nó không
còn chỉ thuần sao chép, trên thực tế Trung Quốc có công nghệ trí tuệ thông minh nhân
tạo tốt gần như nhất thế giới và mạnh hơn Singapore rất nhiều. Có thể đây là sự thật
nhiều người không muốn nghe, cố gắng phủ nhận nó nhưng nó đang diễn ra, sẽ diễn ra
trong những năm tháng mà thế hệ Gen Z người Việt Nam sống.

Về học tập tại HKUST, mình thấy các bạn ở đây học hành rất nỗ lực. HKUST có 30% là
sinh viên quốc tế và trường dạy bằng tiếng Anh. Có 1 câu đùa rằng HKUST là UST -
University of Stress and Tension và đúng là thế thật. Workload của HKUST rất nặng về
phần bài tập về nhà. Ví dụ, một môn của HKUST có thể có tới 10 bài tập về nhà (dài - cỡ
15 câu) như môn MATH 2350: Applied Linear Algebra and Differential Equations. Tuy
nhiên điểm sáng là tất cả các môn mình lấy có mã IEDA, MATH, ELEC đều cho mở sách
hoàn toàn hoặc cho cheatsheet (từ 1 - 4 tờ) nên việc qua môn khá là dễ. Đề thi finals và
midterms nhìn chung dễ hơn NTU Singapore, nhưng bù lại thì tốn rất nhiều thời gian làm
bài tập về nhà. Ngoài ra thì lecture và tutorial ở đây với những môn mình học không được
ghi hình nên bắt buộc phải tới nếu muốn biết đề thi midterm và final tập trung vào phần
gì. Giáo sư ở đây tốt, nhiều khi họ trả lời email của mình 1-2 tiếng sau là bình thường. Có
những trường hợp mình hỏi lúc 4 giờ sáng và vẫn nhận được câu trả lời. Ngoài ra thì mình
thấy trường khá mở về công nghệ mới khi là trường duy nhất tại Hồng Kông cho phép
sinh viên được sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ generative AI khác cho bài tập về
nhà. Chính sách hỗ trợ tài chính của HKUST hiện tại là một trong những trường tốt nhất
mà mình biết. Với các bạn học ở đây thì có thể nhận được hỗ trợ của trường kể cả khi đi
trao đổi với tư cách là sinh viên quốc.

Mình lấy tổng cộng 20 tín chỉ HKUST (ngang bằng 21 tín chỉ NTU) + 3 tín chỉ NTU = 24 tín
chỉ, tức là nhiều hơn so với các bạn học bình thường tại HKUST nên khá nặng. Lý do cho
việc lấy nhiều tín chỉ là để "thanh lý" những môn khó, có nguy cơ kéo điểm xuống tại
NTU. Điển hình như môn Elec3600 Engineering Electromagnetism (của NTU). Đây cũng
là chiến thuật mà nhiều sinh viên NTU EEE áp dụng, đó là đi trao đổi vào năm 3 vì năm 3
là năm có nhiều môn khó nhát. Khuyến khích các bạn nên làm xong thủ tục course
matching trước khi đi trao đổi vì nhiều môn dù tên giống nhau nhưng không thể match về
được với NTU (do độ khó quá khác biệt).
Trường HKUST ở trên núi. Khi mình nói núi là thực sự một ngọn núi rất cao cỡ vài trăm
mét nên việc đi lại phụ thuộc vào bus khá nhiều khi vào khu trung tâm. Tuy nhiên trường
có bus 11 mở 24/7 với tần suất cao nên việc đi lại khá ổn. Trường cũng gần khu Saikung
(Sài Gòn) và nhiều khu thiên nhiên khác thích hợp cho việc đi chơi cuối tuần ngắm thiên
nhiên.

Về visa, do yếu tố lịch sử nên người Việt xin Visa vào Hồng Kông đặc biệt khó. Mình đã bị
từ chối visa cùng với toàn bộ các bạn quốc tịch Việt Nam đi trao đổi đợt này. Sau đó thì
mình phải viết 1 đơn xin Hồng Kông cân nhắc lại và phải chứng minh về khả năng tài
chính.

Bạn nào trước khi đi nên chuẩn bị sẵn tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên mình để
nộp xin visa cho thuận tiện. Tuy nhiên dù thủ tục lâu nhưng mình thấy chưa ai bị từ chối
nhập cảnh trong chuyến trao đổi này.

Về chi phi sống, mọi thứ rẻ hơn Singapore từ 10-20%. Cái khoản duy nhất nên lo chính
là nhà ở vì đó khoản khi thuê ngoài sẽ cao hơn Singapore. Tuy vậy nếu như bạn thuê
trong ký túc xá ở HKUST thì chi phí sẽ là cơ 500 SGD/tháng.

Kết: Với mình thì mình chọn NTU một phần rất lớn là vì cơ hội được trao đổi rất nhiều,
đặc biệt tại các nước phương Đông. Việc trao đổi không chỉ là học về kiến thức mà còn
có thể giúp mình thấu hiểu hơn góc nhìn của người khác và từ đó hoàn thiện bản thân
hơn. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích cho các bạn cân nhắc chương trình trao đổi cho
chính bản thân mình.
[23/5/23] NTU EEE và NTU IEM
(Bài viết được xen kẽ tiếng Anh và tiếng Việt do nhiều cụm từ tiếng Anh khó dịch sang
tiếng Việt với đầy đủ ý nghĩa)

NTU EEE là Kỹ Sư Điện Điện Tử còn NTU IEM là Kỹ Sư Ngành Thông Tin & Truyền Thông.
Đây là 2 ngành đều được quản lý bởi Trường Kỹ Thuật Điện Điện Tử tại NTU. Vậy điểm
khác nhau 2 ngành này là gì:

1. Nôi dung học:

- NTU EEE tập trung nhiều vào phần cứng hơn. Sinh viên sẽ học nặng về lý nhiều hơn so
với NTU IEM. Ví dụ là 2 môn của NTU EEE là Semiconductor Fundamental và
Engineering Electromagnetism chỉ dạy ở NTU EEE và không nằm trong giáo trình của
NTU IEM và một số môn như Analog Electronics của NTU IEM được giản đơn hóa so với
NTU EEE.

- NTU IEM tập trung về sự đa dạng hơn khi tập trung cả về phần truyền thông, công nghệ
thông tin và phần cứng. Ví dụ, về phần công nghệ thông tin, NTU IEM dạy Object-
Oriented Programming và Software Engineering. Còn về phần truyền thông thi ngành
dạy Thinking And Communicating Visually I, II và III.
2. Cơ hội nghệ nghiệp

- NTU EEE tập trung đào tạo sinh viên để có thể làm việc trong các lĩnh vực như: thiết kế
điện tử, tự động hóa, viễn thông, điện lực, năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển,
giáo dục và đào tạo. Các công ty điện tử, điện lực, viễn thông và tự động hóa là những
nơi có nhu cầu cao về kỹ sư điện điện tử.

- NTU IEM lại tập trung sinh viên làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin và
truyền thông, cũng như các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ thông tin nâng cao.
Sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như: kỹ sư phần mềm, kỹ sư mạng, chuyên gia bảo
mật, quản trị viên hệ thống, hoặc nhà phân tích dữ liệu.

Ngắn gọn, nếu như sinh viên mong muốn làm các ngành liên quan tới công nghệ thông
tin thì NTU IEM sẽ là lựa chọn phù hợp hơn còn NTU EEE sẽ là lựa chọn tốt nếu sinh viên
muốn đi theo kỹ thuật phần cứng.
Bài viết năm 2022
[21/10/22] Danh sách những quyển sách hay về chính trị, lịch sử và
văn hóa Singapore
Chào cả nhà, nếu ai du học ở Singapore thì chắc chắn sẽ không khỏi tò mò tại sao
Singapore lại giàu nhanh như vậy. Tuy có nhiều câu trả lời rất ngắn và hay từ các video
youtube như The Dark Side of Singapore's Economic Miracle
(https://www.youtube.com/watch?v=XDYy8z7krAI) và Why is Singapore so rich?
(https://www.youtube.com/watch?v=cRDgnLa42PQ) nhưng để thực sự hiểu tảng băng
chìm thì cần phải đọc rất nhiều sách & tài liệu.

Dưới đây là một số quyển sách mà mình nghĩ sẽ khá hay để mà bạn có thể tham khảo
nếu thực sự muôn hiểu câu trả lời tại sao.

1. The Singapore story - Lý Quang Diệu

Sách này có 2 phiên bản, 1 là phiên bản đầy đủ với 680 trang và 2 là phiên bản đã rút
ngắn (rất nhiều) dành cho học sinh, sinh viên. Đây là sách mà Lý Quang Diệu viết về lịch
sử Singapore và hồi ký về cuộc đời của ông. Tuy sách có nhiều điểm động chạm đến
những quốc gia láng giềng như Malaysia nhưng mình nghĩ nó vẫn là một quyển sách hay
để đọc.

2. Standing tall - Ngô Tác Đống

Ngô Tác Đông hay tên tiếng Anh là Goh Chok Tong là cựu thủ tướng Singapore từ năm
1990 đến năm 2004. Dù khi lúc ông lên, nhiều người đã hoài nghi rằng ông sẽ không làm
tốt như Lý Quang Diệu và sẽ đẩy đất nước Singapore đi vào tình trạng xấu nhưng Ngô Tác
Đống vẫn làm tốt việc của mình. Nhiều chính sách tuy bị nhiều chỉ trích như Thu Hút
Người Tài (Foreign Talenet Scheme), Tiền Lương Cao cho Quan Chức Nhà Nước
(Formula for Ministerial Salaries) và MediFund & EduSave nhưng những chính sách này
vẫn tạo nên giá trị lớn với Singapore.

3. Tommy Koh Reader, The Favourite Essays and Lectures - Tommy Koh

Giáo sư Tommy Koh là cựu Đại Sứ của Singapore tại Liên Hợp Quốc (UN) và là giáo sư
của Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS). Trong quyển sách này, ông đã nói lên những
chính sách & cách đối ngoại khéo léo khi Singapore là một quốc gia nhỏ so với nhiều
quốc gia khác nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia.

4. Government In Business: Leading Or Lagging? - Lim Hwee Hua

Lim Hwee Hua là cựu bộ trưởng bộ giao thông Singapore. Trong sách nói về việc chính
sách của chính phủ liệu có theo kịp so với sự phát triển công nghệ của thế giới hay
không. Nếu có quá nhiều quy định thì sự phát triển sẽ chậm lại còn nếu quá ít thì sẽ có
thể ảnh hưởng xấu đến xã hội và người dân. Sách có phân tích nhiều về Singapore
Airlines, SMRT và NETS, đây là những công ty có vốn của chính phủ Singapore.

Và đương nhiên còn nhiều quyển nữa mà mình chưa đọc hết

[10/7/22] Các cơ hội trao đổi ở Đại Học Công Nghệ Nanyang (và các
trường công lập tại Singapore khác)
Disclaimer: Bài viết mang tính tham khảo, dù mình cố gắng viết đúng nhất có thể nhưng
cũng có thể có lỗi trong bài. Bạn nên tìm hiểu các kênh khác để biết thêm thông tin,
mình sẽ không chịu trách nhiệm nếu bạn đưa quyết định sai ảnh hưởng từ bài này.

Nếu nói cái gì tốt nhất của NTU (Singapore) thì chắc mình sẽ kể đến chương trình trao
đổi của trường. Vì khi đi trao đổi, bạn sẽ học được rất nhiều thứ kể cả kinh nghiệm khi
gặp bạn bè các nước khác. Đa số các chương trình đều phải trả thêm phí nhưng với
chương trình trao đổi cả kỳ thì học phí của trường bạn là học phí đọc tại NTU nên bạn sẽ
không phải đóng thêm đồng nào nữa.

1. Các chương trình đặc biệt

i. Sino-Singapore Undergraduate Exchange (SSUE)

Chương trình được phối hợp bởi chính phủ Trung Quốc và Singapore, học sinh sẽ học 15
ngày tại 4 trường công lập tại Singapore và sau đó 15 ngày tại 4 trường đại học hàng đầu
ở Thành Đô và Hồ Nam, Trung Quốc.

Điểm GPA tối thiểu: 2.0/5.0


ii. INCiTE Summer School

Chương trình phối hợp với Đại Học Edinburgh (Anh), Đại Học Amsterdam (Hà Lan) và Đại
Học Sydney (Úc). Các đội sẽ cùng nhau tìm các giải pháp liên quan về các vấn đề do
Liên Hợp Quốc đưa ra.

Điểm GPA tối thiểu: 2.0/5.0

iii. Science for a Sustainable World

Đi trao đổi online về các vấn đề mà Liên Hợp Quốc đưa ra, chương trình này chủ yếu tập
trung vào các vấn đề về môi trường.

Điểm GPA tối thiểu: 2.0/5.0

iv. Tsinghua GSS Virutal Exchange (mình đã trải nghiệm)

Chương trình này mình đã đi thì có vài thứ tốt về chương trình:

1. Được network với các bạn trên khắp thế giới vì chương trình này có nhiều người tham
gia (trên 1000 người). Tuy nhiên đây cũng là khó khăn vì chênh lệch múi giờ của các
nước, đặc biệt nếu đồng đội của bạn trong hackathon là người ở Mỹ thì rất khó sắp xếp
thời gian gặp.

2. Giáo sư Thanh Hoa rất giỏi, kể cả chuyên môn và tiếng Anh (phát âm chuẩn như người
bản xứ). Lúc sau mình mới biết giáo sư Thanh Hoa có nhiều người đã học trường rất tốt
tại Mỹ và châu Âu (cỡ Harvard hay Oxford) trước khi quay lại Trung Quốc dạy.

3. Được học mấy khóa học do trường đại học Trung Quốc dạy, có mấy khóa khá hay và
thực tiễn như mình học ở khóa học về thuốc phương Đông hỗ trợ chống COVID-19 như
thế nào.

Điểm GPA tối thiểu: 2.0/5.0

v. Các chương trình nghiên cứu

Cái này chủ yếu dành cho các bạn muốn học lên PhD, khá nhiều chương trình kết hợp
nhưng nó tùy vào năm và trường sẽ gửi email.

Điểm GPA tối thiểu: 4.0/5.0 (tùy chương trình, sẽ có cái 4.5/5.0)

2. Trao đổi hè (GEM Discoverer)

Trao đổi hè có danh sách khoảng 30 trường gồm nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên thì
phải nộp thêm phí học và thường khá đắt, có thể lên tới 45 triệu đồng cho 5 tuần học,
tùy trường. Thường những trường ở châu Á thì chi phí sẽ rẻ hơn còn ở các nước khác sẽ
đắt hơn.

Một số trường nổi bật có thể trao đổi hè gồm:


King's College London (Anh), Korea University (Hàn), National Research University -
Higher School of Economics (Nga), Sciences Po (Pháp), University of California,
Berkeley (Mỹ) và University of Pennsylvania (Mỹ).

Chủ yếu khóa học hè sẽ không học cùng với các sinh viên full-time tại trường đó mà sẽ
học cùng học với các bạn trao đổi hè ở các nước khác. Ưu điểm của loại chương trình
này là ngắn hạn, học chủ yếu là để qua môn (vì khi đổi sang trường của mình thì chỉ có
pass/fail, không tính điểm) và dễ vào. Tuy nhiên điểm tệ là chi phí đắt kèm theo việc các
môn học bị giới hạn nhiều. Ví dụ nếu đi University of Sydney (Úc) thì chỉ có thể chọn 8
môn và không môn nào liên quan tới kỹ thuật, khoa học hay công nghệ thông tin.

Điểm GPA tối thiểu: 2.0/5.0 cho đa số các trường

Điểm GPA tối thiểu: 4.0/5.0 cho các trường ở Anh Quốc

3. Trao đổi trong kỳ (GEM Explorer)

Danh sách trao đổi lên hơn 70 trường, cái này sẽ cạnh tranh hơn. Cạnh tranh ở đây được
định nghĩa là đi trường nào chứ không phải là số lượng chỗ vì số chỗ thường gần bằng 1
khóa của NTU. Thứ tự ưu tiên sẽ là người Singapore trước sau sẽ tới điểm số, tuy nhiên
sẽ có một vòng đặc biệt sau vòng 1 là vòng "ai nhanh hơn người ấy được". Tức là ai bấm
trước sẽ được trường trao đổi đó, cái này khi vào trường thì sẽ rõ hơn.

Lưu ý là một số trường không dạy bằng tiếng Anh nên bạn phải biết ngôn ngữ nước đó
trước khi trao đổi.

Một số trường tiêu biểu:

University of Toronto (Canada), University of Tokyo (Nhật), Georgia Institute of


Technology (Mỹ), ETH Zurich (Thụy Sĩ), ESSEC Business School (Pháp), Erasmus
University Rotterdam (Hà Lan),...

Điểm GPA tối thiểu: 3.3 - 3.6/5.0 tùy trường

4. Trao đổi giữa các trường tại Singapore (SUSEP)

Cả kỳ nhưng thay vì đi nước khác, sinh viên sẽ học trong Singapore và vì thế cũng dễ tìm
kiếm môn liên quan đến ngành mình học hơn. Số lượng của chương trình này rất ít so với
GEM Explorer.

Điểm GPA tối thiểu: 4.0/5.0 (Tuy nhiên mình chỉ thấy các bạn 4.6/5.0 trở lên được).

[4/7/22] Sự khác nhau giữa thư viện ở Singapore và Úc

Viết trên quan điểm cá nhân, bài không có tính chất nghiên cứu hay ẩn ý chính trị/đả
kích/gây phân biệt bất kỳ ai. Chủ yếu dành cho các bạn đọc cho vui là chính.

Nếu có 1 nơi mà thể hiện rõ văn hóa của 1 quốc gia thì mình nghĩ rằng đó chính là thư
viện quốc gia của nước đó. Vì ở thư viện, họ nói rõ những gì quan trọng ở quốc gia đó
thông qua những triển lãm, những quyển sách được trưng bày hay thậm trí là cách thư
viện đó được xây. Mình đi qua 2 thư viện là Thư Viện Quốc Gia, National Library
(Singapore) và Victoria State Library, Thư Viên Bang Victoria (Úc).

National Library (Singapore) được xây thành nhiều tầng thay vì chỉ 5 tầng như Victoria
State Library (Úc). Điều này được hiểu là vì ở Singapore, diện tích đất hẹp nên việc tận
dụng từng miếng đất là rất quan trọng. Các tầng ở đây được xây khá giống nhau thể hiện
rõ về việc chuẩn hóa trong xã hội người Singapore. Cái này nếu bạn ở lâu sẽ thấy các tòa
HDB (nhà chính phủ) khá giống nhau, trường học bậc tiểu học đến dự bị đại học hay
đường xá. Ngoài ra, National Library (Singapore) được thiết kế rất hiệu quả cho việc đi
lại, rõ ràng từng khu vực. Nó cũng phần nào phản ánh việc đề cao sự hiệu quả, hiệu suất
trong công việc của người Singapore. Victoria State Library thì lại không hẳn vậy, thư viện
được thiết kế xen lẫn hiện đại và cổ kính. Ở một góc thì thư viện hiện đại nhưng ở phần
khác thì mang phong thái châu Âu, đặc biệt là ở Anh Quốc. Victoria State Library còn có
1 tầng triển lãm tranh, ảnh, sách quý (những loại sách mà được viết từ rất lâu rồi). Điều
này làm mình cảm nhận được rằng ở Úc, mọi người rất tôn trọng nghệ thuật và họ tôn
trọng việc work-life balance. Lý do là vì thư viện có nơi để chiêm ngưỡng tranh thay vì chỉ
có những công cụ tăng hiệu suất công việc như National Library.

Đầu sách ở National Library (Singapore) thì thường liên quan đến lịch sử, chính trị, quản
trị kinh doanh, kỹ thuật,... và những sách trên dùng hard-fact và số liệu nhiều trong khi
đó thì Victoria State Library (Úc), sách chủ yếu là về thiên nhiên, cảnh quan, cách sống
chan hòa với mọi người, âm nhạc,....Đây phản ánh những gì xã hội đang quan tâm. Điều
này cũng dễ hiểu khi Singapore là một nước thiếu tài nguyên, thiếu đất nên con người
phải thực sự giỏi nếu không đất nước sẽ lụi tàn còn ở Úc, đây là một nước đã giàu nên
đời sống tinh thần là thứ quan trọng mà họ mới thực sự quan tâm.

Cá nhân mình thì thích thư viện Úc hơn, còn bạn thì sao?

[26/6/22] Một số ngành không nên đăng ký với bằng cấp 3 Việt Nam với
4 trường công lập (NUS, NTU, SMU, SUTD) tại Singapore
Mình dựa vào kinh nghiệm cá nhân, nên có thể khác với một số người khác.

Đầu tiên nói về các ngành không nên đăng ký:

1. Bác sĩ

2. Luật

3. Nha sĩ
4. Các chương trình đặc biệt như song bằng, chương trình kỹ sư đặc biệt (Renaissance
Engineering) của NTU,....

Lý do như sau:

Số lượng slot rất ít và nếu như bạn thực sự muốn đăng ký thì nên học A level/IB và thi
được điểm cao. Mình biết có người vào được các chương trình đặc biệt và luật bằng A
level nhưng con số đó rất ít và các bạn này đều điểm tuyệt đối. Nhiều bạn trong đó đã có
Permanant Resident (PR) trước khi đăng ký học.

Nếu bạn muốn học các ngành như luật thì có thể cân nhắc trường SUSS, cũng là một
trường công lập nhưng mới mở. Điều kiện vào cũng sẽ đỡ hơn so với NUS hoặc bạn có
thể tìm hiểu ngành luật tại Temasek Polytechnic rồi đăng ký lên đại học. Nếu mình nhớ
không nhầm thì phải đạt ít nhất khoảng 3.88/4.00 GPA mới được lên NUS với học sinh
người Singapore. Đương nhiên còn nhiều lựa chọn khác như trường tư hoặc đi nước
khác.

Một số ngành dễ vào hơn bao gồm kỹ thuật, quản trị kinh doanh và khoa học vì những
ngành này có số lượng sinh viên vào nhiều. Tuy nhiên nó cũng không dễ để được vào học
vì số lượng người đăng ký thường nhiều hơn hẳn những người được nhận vào.
[24/6/22] Trải nghiệm học tại Đại Học Sydney (USYD) với tư cách là
sinh viên trao đổi
Đứng trước cánh cửa nhìn cả thành phố ở Đại Học Sydney, mình đã không khỏi ngạc
nhiên bởi sự phát triển của khu New South Wales (Úc). Thành phố đẹp, được pha trộn
bởi văn hóa graffiti khắp nơi, có kiến trúc của Anh Quốc và phúc lợi tốt cho cư dân thành
phố. Ở đây có rất nhiều người đến từ khắp nơi, người Á, Phi, Mỹ, Âu đều có cả và gần như
không có sự kỳ thị về tôn giáo, tín ngưỡng và giới tính. Tuy vậy không có nghĩa là ở đây
không có sự kỳ thị, có những người không thích người châu Á, dù bạn là Việt, Trung, Hàn
hay Nhật, bạn vẫn có thể bị kỳ thị nhưng đây chỉ là bộ phận rất hiếm tại thành phố này.

Đôi khi mình đi dạo ở phố và nói tiếng Singlish thì người ta nhận ra mình. Mình trò
chuyện và hỏi tại sao lại thích ở Sydney hơn ở Singapore thì câu trả lời mà mình thấy
nhiều nhất nôm na là "Ở Singapore chật, hẹp và cạnh tranh rất khó do quá nhiều người
giỏi ở với nhau". Điều này là đúng vì mặc dù Úc có nhiều người tài hơn Singapore và hệ
thống giáo dục của Úc là tốt nhưng do đất rộng nên nhân tài ở mỗi nơi thưa hơn, và vì
thế sự cạnh tranh cũng dễ hơn. Nhiều bạn du học sinh học từ cấp 2 tại Singapore đã
không thể chịu nổi áp lực hoặc cách vận hành từ hệ thống của Singapore và chọn các
nơi khác như Úc là địa điểm du học lý tưởng. Mình hoàn toàn thấu hiểu các bạn đó vì
mình nhiều lúc cũng đã mém bị loại khỏi hệ thống.

Cá nhân mình cảm nhận rằng mình học ở Đại Học Sydney, một trong những trường danh
giá nhất Úc với chỉ có khoảng 2-10% học sinh Úc đủ điểm vào nhưng mình cảm thấy tốc
độ học và độ khó của trường Đại Học Công Nghệ Nanyang (NTU) khó hơn hẳn. Đương
nhiên với mỗi người thì cái đánh giá này sẽ khác nhau. Điều này không có nghĩa là sinh
viên ra trường ở Úc không tốt, vẫn có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp làm được những điều
diệu kỳ, làm giàu cho bản thân mình và gây dựng nhiều lợi ích cho xã hội. Mình nghĩ các
đại học ở Úc đã đào tạo con người tốt.

Câu hỏi mà mình suy nghĩ là nếu như có lựa chọn thì mình liệu định chọn gì giữa
Singapore và Úc. Đáp án mình đưa ra sẽ là ở Singapore và công tác/du lịch ở Úc vì đơn
giản là mình thích được cạnh tranh và mình tin rằng chỉ có sự cạnh tranh mới làm con
người lớn mạnh hơn. Và một điều nữa mình thích ở Singapore đó chính là văn hóa Á
Châu xen lẫn với phương Tây, vậy nên khi mình đi nước nào thì vẫn sẽ phù hợp với nước
đó, kể cả nếu định về Việt Nam sau này. Mỗi người có câu chuyện và lý lẽ khác nhau
nhưng nếu tìm được nơi mà mình thích thì đó là điều tuyệt nhất.

[23/6/22] Trả lời các câu hỏi liên quan tới du học Singapore (tiếp tục)
Mình đã nhận được rất nhiều tin nhắn từ các bác phụ huynh, các em học sinh có ý định
du học Singapore. Đầu tiên mình muốn cảm ơn mọi người đã tin tưởng vào mình để đưa
lời khuyên về vấn đề du học tại Singapore. Tuy nhiên do mình chỉ có một mình nên rất
khó để có thể đưa lời khuyên chất lượng tới mọi người và mình cực kỳ bận ở ngoài đời,
việc viết bài tốn 30-45 phút cho một bài và mang tính chất volunteer với mình. Lý do
mình làm chủ yếu là để giúp người đọc có góc nhìn đa chiều vì quyết định du học mang
tính chất thay đổi cuộc đời của cả con người.

Vì vậy, để có thời gian giúp nhiều người hơn, trước khi hỏi câu gì, mình mong mọi người
đọc lại tất cả các bài mà mình hay chị Hoa Đinh hoặc những người học ở Singapore viết
ở Scholarship Hunter trước rồi hỏi những câu mà chưa có. Mình sẽ tổ hợp lại để trả lời
một thể.

Q: NUS hay SMU dễ vào hơn? Em chưa có kết quả của cả 2 trường thì khả năng sẽ
như thế nào?

A: Nếu em nộp bằng điểm cấp 3 của em thì thường sẽ có kết quả lâu. Anh biết vài bạn có
GPA 9.5+ tại các trường chuyên mới có kết quả 1 trong 2 trường này.

Việc đưa kết quả sẽ diễn ra như thế này (theo như anh hiểu):

Vòng 1: Toàn bộ học sinh học tại Singapore

Vòng 2: Toàn bộ học sinh có bằng giống Singapore

Vòng 3: Học sinh Việt Nam

Lý do không phải vì bằng cấp của Việt Nam không có giá trị mà vì một số lý do sau mà họ
xét chậm:
1. Bằng của mình là tiếng Việt và giáo trình khác rất nhiều nên việc xét tuyển khó hơn do
không rõ năng lực học sinh thực sự đến đâu.

2. Số học sinh dùng bằng cấp 3 Việt Nam cũng ít hơn hẳn so với 2 dạng trên nên sẽ được
xét sau, cái này anh đã thấy ở nhiều nước khác có số học sinh du học Singapore ít gặp
trường hợp tương tự.

SMU dễ vào hơn NUS là vì:

1. Nó không phải là lựa chọn mà người Singapore thích. Vì trong tâm trí người Singapore,
NUS > SMU (đại đa số mọi người nghĩ vậy, không phải ai cũng vậy)

2. Với học sinh quốc tế, mọi người hay nhìn vào bảng thứ hạng

Tuy nhiên điều này không có nghĩa sinh viên SMU ra trường kém hơn NUS. Cá nhân anh
thích SMU hơn và nếu anh học quản trị kinh doanh anh sẽ chọn SMU vì nó học rất thực
tế.

Q: Singapore không có văn hóa phải không anh?

A: Có em nhé, nhưng nó không dài và sâu như nhiều quốc gia khác. Tiếng Anh của nó là
Singlish tại vì nó là sự pha trộn của nhiều thứ tiếng vào tiếng anh. Đừng nói câu đó trước
mặt người Singapore, họ rất ghét câu đó.

Một cái tốt anh thấy ở Singapore là có văn hóa foodcourt, có đồ ăn như cơm gà bán có
3-4 SGD/đĩa (cỡ 50k VND) nên sinh hoạt phí cũng đỡ.

Q: Em muốn hỏi về học bổng ASEAN/A*STAR thì nên tìm kênh nào?

A: Em tra facebook Think Singapore (@ThinkSingVN). Các bạn ấy là một nhóm du học
sinh đã được các học bổng trên. Đây là kênh anh thường khuyến khích mọi người tìm.

Q: Em có tìm hiểu trường SP Jain, anh nghĩ gì về trường này?

A: Anh không học ở SP Jain nhưng có 1 số điểm lợi sau:

1. SP Jain là trường tư ở Singapore nhưng được phép đi làm (tra MOM Singapore để kiểm
chứng)

2. Được đi các nước khác nhau

Anh có bạn học ở SP Jain sẵn sàng tư vấn, tuy nhiên các em phải thực sự mong muốn
học sau khi tìm hiểu hết toàn bộ website của trường và bài viết trên nhóm này thì anh
mới giới thiệu.
[16/6/22] Chia sẻ về trường tư của Singapore
Nói chuyện với nhiều bạn học ở các trường tư thục tại Singapore thì các bạn đã chia sẻ
rằng:

"Em bị căng thẳng khi nhìn thấy anh và các bạn trường công được thực tập công ty
ABCD (một công ty to)"

"Tương lai mấy bạn học trường công sáng anh ạ, còn em thì chưa biết đi đâu"

"Em thấy căng thẳng mỗi khi thấy các bạn trường công học"

Đây là những câu nói khá là phổ biến khi đi nói chuyện và mình hoàn toàn có thể cảm
thông được vì mình đã từng ở vị trí đó. Sâu xa hơn đó là cảm giác về việc mặc dù mình cố
gắng cũng rất nhiều (không khác gì với các bạn trường công) nhưng mình luôn bị gán
mác xấu như con nhà giàu ăn chơi nên mới học những trường đó.Mặc dù có những
trường hợp như vậy nhưng tỷ lệ rất ít và nhiều bạn ở trường tư đã cực kỳ cố gắng học
trong suốt 3 năm ở Đại Học.

Cơ chế của Singapore của doanh nghiệp đa quốc gia hay nhà nước Singapore cũng
không ưu ái các bạn trường tư với vị trí ưu ái thường là (theo thứ tự ưu đãi nhất):

1. Tốt nghiệp đại học cực kỳ danh tiếng tại nước ngoài ở Mỹ hoặc Châu Âu như Oxford,
Cambridge, Harvard,...

2. Tốt nghiệp tại bộ 4 đại học công lập (NUS, NTU, SMU, SUTD)

3. Tốt nghiệp tại 2 trường công lập còn lại (SUSS, SIT)

4. Tốt nghiệp trường tư (trường tư tốt) và những trường còn lại.

Các cơ chế của bên Singapore tỏ ra thiên vị rõ ràng cho sinh viên trường công, thể hiện
ngay ở mấy quy định như:

- Sinh viên trường công làm thủ tục xin Student Pass tương đối dễ, hầu như ai cũng được
ICA chấp nhận. Sinh viên trường tư nhiều khi bị ICA từ chối làm Student Pass mà không
giải thích lý do rõ ràng.

- Sinh viên trường công được làm việc 16h/tuần trong năm học và 44h/tuần trong kì nghỉ.
Trong khi đó sinh viên trường tư không được làm vậy. Thế là sinh viên trường công vừa
kiếm được tiền một cách hợp pháp, vừa có kinh nghiệm làm việc.

- Sinh viên trường công không phải tuân theo quy định đến lớp đủ 90% số buổi như
trường tư. Thế là sinh viên trường công muốn nghỉ học đột xuất hay muốn sắp xếp lịch
học để thuận lợi làm thêm hay thực tập sẽ dễ dàng hơn và bớt lo lắng hơn so với sinh
viên trường tư.

Điểm yếu nhất lúc xin việc là sinh viên trường tư hoàn toàn không có kinh nghiệm làm so
với sinh viên trường công tại Singapore. Ngoài ra, độ tin cậy vào EduTrust Star của doanh
nghiệp tuyển dụng bị đặt vào nghi vấn và kinh phí truyền thông của trường tư thường
nhiều hơn theo tỷ lệ phần trăm so với trường công nên chi khác vào giảng dạy cũng sẽ ít
hơn hẳn so với trường công về phần trăm.

Vì vậy mình có thể chia sẻ 1 số con đường mà mình nghĩ có thể giúp các bạn ở trường tư
nếu muốn xin việc tại Singapore dựa vào chính lợi thế tốt nghiệp sớm mà các bạn trường
công không hề có.

Con đường 1: Học xong đại học, đi làm tại công ty Việt Nam từ 6-18 tháng và quay lại
đăng ký việc Singapore.

Đây là con đường mình nghĩ là hiệu quả nhất về tài chính, nó cũng sẽ khắc phục điểm
bất lợi thế khi không có thể đi thực tập như các bạn trường công vì vấn đề của cơ chế tại
Singapore. Các công ty nên chọn thường liên quan đến Singapore ví dụ như Capital
Land hoặc Chợ Tốt (nó là công ty con của Carousell). Việc này giúp cho bạn vừa có thêm
kinh nghiệm làm vừa hiểu biết thêm về thị trường như thế nào.

Con đường 2: Học xong đại học, đi học thạc sĩ trường công lập

Thạc sĩ thường dễ vào hơn so với Undergrad rất nhiều. Một phần là vì các bạn thường
không học do kinh phí đắt và nếu học thật giỏi thì mọi người sẽ nhảy hẳn lên PhD.

Đây là con đường mà nhiều anh chị hay làm và các ngành như Data Analytics thường dễ
vào hơn hẳn.

Con đường 3: Đi xin việc ở nước khác

Giống con đường 1 nhưng thay vì về Việt Nam, mình có thể xin việc bằng chính cái nơi
cấp bằng của mình. Ví dụ bạn học chương trình University of London (Anh) thì hoàn toàn
có thể xin ở Anh Quốc và nó sẽ dễ dàng hơn tại vì nó là bằng cấp của Anh. Cái khó ở
Singapore là nằm ở thẻ visa ở lại vì nó có số lượng nhất định nên đi nước khác trước khi
về lại Singapore cũng không phải ý tưởng tệ.

Mình nói với các bạn là thực ra công hay tư nó không quan trọng bằng thực lực. Nếu bạn
giỏi thì ở đâu cũng sẽ có cơ hội và có người trọng dụng bạn Mong bài này sẽ giúp định
hướng công việc của các bạn sau này.

(Bài viết đã được bổ sung bởi 2 bạn là Kim Anh, cựu sinh viên Đại Học James Cook phân
hệ Singapore và Phạm Đàm Quân, sinh viên ĐH Quốc Gia Singapore)

[16/6/22] Các trường tư tại Singapore


Ở Singapore có hơn 40+ trường tư, tuy nhiên theo mình thì có 1 số trường tư tại
Singapore được doanh nghiệp tại Singapore ưu đãi hơn và có lịch sử lâu dài hơn. Mình
sẽ chia sẽ những trường tư tại Singapore theo cách hiểu của mình mà mình cho là
trường tốt.
Disclaimer: Mình không nhận tiền hoa hồng từ bất kỳ bên nào và mình tư vấn dựa vào
kinh nghiệm của mình. Bạn nên tìm hiểu trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ở
đây sẽ chỉ ghi điểm mạnh còn điểm yếu thì bạn có thể tìm hiểu ở các nơi khác.

Về mặt bằng chung thì ở khối trường tư, trường sẽ không cấp bằng của Singapore mà
theo một quốc gia khác. Để kiểm soát chất lượng của trường, chính phủ Singapore trao
chứng chỉ EduTrust với EduTrust Star là cao nhất, EduTrust là cao nhì và EduTrust
Provisionial là hạng ba. Có một số trường tư chất lượng chưa đạt sẽ không được
EduTrust. Chi tiết xem tại đây: https://www.tpgateway.gov.sg/.../about-edutrust...

Lưu ý rằng EduTrust không được cấp bởi Bộ Giáo Dục Singapore mà cấp bởi một cơ
quan khác trong chính phủ Singapore. Điểm tốt thường thấy ở trường tư là chi phí học rẻ
hơn đại học công lập tại Singapore thế nên sinh viên ít khi phải xin vay nợ như sinh viên
trường công, học nhẹ nhàng hơn nên có nhiều thời gian làm những việc khác (mình đã
xem tài liệu cùng 1 môn của NTU và 1 trường tư khác, đây là nhận định của cá nhân
mình. Nó không phải điểm tệ nếu học nhẹ hơn), không phải trả bond cho chính phủ
Singapore, thời gian ra trường sớm hơn. Tuy vậy, sinh viên trường tư không có cơ hội thực
tập tốt như sinh viên trường công, tỷ lệ có việc thấp hơn, lương đầu ra cũng thấp hơn nếu
làm tại Singapore và cơ chế, chính sách của Singapore thì thiên vị hơn hẳn cho trường
công (ví dụ trường công được đi làm thêm trong khi học hay được ở lại 1 năm sau khi tốt
nghiệp để xin việc). Mặc dù vậy, trường tư (trường có chất lượng tốt) vẫn cấp những bằng
cấp rất xuất xắc trên thế giới của những trường đại học đứng top 1-2%.

Không có trường nào là tốt nhất cho tất cả mọi người, việc chọn trường nên tự xem xét
bởi mục tiêu của chính cá nhân đó. Nó liên quan mật thiết đến việc các bạn quyết định ở
lại Singapore hay không, các bạn sang Singapore từ lúc mấy tuổi, tình hình tài chính gia
đình,..

Mình sẽ giới thiệu 4 trường tư mà mình hiểu rõ nhất, nếu bạn biết thông tin các trường
khác thì bạn cũng có thể chia sẻ:

1. Singapore Insitute of Mangement (SIM)

Được thành lập bởi Economic Development Board (EDB) hay tên tiếng Việt là Cục Kinh
Tế Phát Triển Singapore. Sau đó trường được tư nhân hóa.

Điểm mạnh:

- Có khóa Diploma khá xịn xò, có thể đi được nước khác ví dụ như Anh Quốc nếu học
xong Diploma và có nhiều gói học bổng ở mức Diploma.

- Học Diploma xong sẽ được miễn môn ở cấp bậc đại học.

- Có kết nối với nhiều trường đại học nhất trong khối trường tư và tỉ lệ nhận việc cao.

- Là một trong ít trường được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận khi quy đổi lại bằng cấp
về Việt Nam.
- Cơ sở vật chất tốt.

- Campus ở khá gần trung tâm Singapore

2. James Cook University, Singapore (JCU)

Điểm mạnh:

- Kết nối trực tiếp với James Cook University tại Úc nên có thể đi Úc học trong kỳ hoặc
cuối kỳ

- Được bằng ở Úc nhưng chi phí lại của Singapore (tức là mềm hơn) và thoát khỏi chuyện
phải đăng ký Visa bên Úc tại Singapore đăng ký Visa học dễ hơn.

- Ra trường nhanh (mình cảm giác nhanh nhất Singapore) nên tiết kiệm chi phí học và
thời gian học

- Học khá là thực tiễn, đi kèm thực hành nhiều

3. Kaplan Higher Education, Singapore

Điểm mạnh:

- Campus gần trung tâm nhất nên đi lại đâu cũng dễ

- Phối hợp với nhiều trường trên thế giới để đào tạo, có nhiều ngành để lựa chọn tùy vào
năng lực

- Có ký túc xá riêng để cho sinh viên thuê

- Đặc biệt phì hợp với người đi làm vì khóa học part-time mạnh

4. PSB Academy

Điểm mạnh:

- Là trường tư duy nhất đào tạo kỹ thuật và được công nhận bởi Hội Kỹ Thuật Singapore
(IES Singapore). Điều này quan trọng vì khi đi làm tại Singapore, bằng kỹ thuật phải được
công nhận trước khi hành nghề.

- Campus mới xây dựng lại nên là mới nhất

- Kết hợp với một số trường danh giá như Nottingham University (thuộc Russel Group) để
đào tạo sinh viên.

[14/6/22] Tâm sự dành riêng cho các bạn chuẩn bị đi du học


(Đặc biệt cho các bạn sắp vào Đại Học Công Nghệ Nanyang, năm học 2022 - 2023)
Khi anh bắt đầu đi du học tại Singapore, mình may mắn gặp 1 bạn người Trung Quốc.
Bạn ấy trước khi sang Singapore đã học tại trường Chuyên Ngoại Ngữ Thương Hải
(Shanghai Foreign Language School) và rất chăm đọc sách, luyện tâm nhiều thứ tiếng
(Anh, Nhật, Pháp,..). Anh cũng có phần ngạc nhiên và hỏi tại sao bạn ấy lại quyết tâm
như vậy thì bạn ấy nói rằng là bạn ấy muốn làm vậy để giúp đại diện Trung Quốc trong
Liên Hợp Quốc và thay đổi cách nhìn tiêu cực, định kiến về Trung Quốc lẫn người Trung
Quốc từ các quốc gia khác. Lúc bạn ấy chia sẻ giấc mơ với anh thì bạn ấy chỉ mới 16
tuổi. Câu chuyện này đã làm ngộ nhận rằng đây là thế hệ tương lai của nước bạn, một
thế hệ không những giỏi, quyết tâm nhưng luôn phấn đấu giúp ích cho xã hội. Đây chính
là những người mà thế hệ anh và các em sẽ phải cạnh tranh. Một ngày mình không cố
gắng thì chính mình, chủ nhân tương lai của Việt Nam sẽ phải chịu thua kém trước bạn
bè quốc tế.

Con đường con em đi từ nhà đến sân bay hay chính cái sân bay mà các em sẽ đến để đi
nước ngoài được xây dựng đẹp đẽ, khang trang và không một vết tích của chiến tranh là
nhờ sự hi sinh rất lớn của thế hệ người Việt trước. Những cơ sở vật chất đó xây ra không
phải để các thế hệ trước hưởng mà chính là để cho mình về sau.

Kinh phí đầu tư trường mà các em hay anh đã theo học đã có thể nuôi sống nhiều gia
đình người Việt ở diện cực nghèo nhưng xã hội lại chọn đầu tư vào mình. Lý do là vì xã
hội tin vào mình, hi vọng rằng một ngày nào đó mình sẽ học được những gì tiên tiến từ
nước ngoài để giúp cho những con em diện cực nghèo đó có cơ hội hơn so với bố mẹ
của chúng.

Lúc đi học ở xứ nước ngoài một thời gian thì các em có thể có nhiều góc khác nhau
nhưng anh mong dù góc nhìn là gì đi chăng nữa thì đừng nhìn xuống nơi mà đã nuôi dạy
mình và bỏ hết niềm tin vào mình. Hãy đi nước ngoài với tâm lý rằng hòa nhập, tôn trọng
văn hóa đất nước của bạn và đừng bao giờ hòa tan, quên đi chính mình là ai.
[9/6/22] Cách để mình làm câu luận để được học bổng tại Đại Học
Công Nghệ Nanyang, Singapore
(Chỉ đọc để tham khảo, không ai biết chính xác các người ta chấm học bổng như thế
nào)

Hôm trước mình ngẫu nhiên biết được câu hỏi luận để vào NTU, thay vì UEE như trước
và khá thú vị là đây là những câu mình gặp khi viết luận học bổng 3 năm trước. Mình sẽ
chia sẻ thành thật suy nghĩ của mình về những câu hỏi này lúc đấy và bây giờ. Bạn có thể
đọc để tham khảo trong việc viết luận sau này ở NTU hay các trường khác tại Singapore.

a. Describe, in less than 300 words, an exceptional achievement that highlights


your academic and CCA interests that would be of value to the NTU community.

Suy nghĩ ban đầu: Trong 3 câu, câu hỏi này là câu mình nghĩ nó khó nhất đặc biệt cho
các bạn ở cấp 3 Việt Nam vì văn hóa của Singapore và thành tích của Việt Nam nó khá
khác so với Singapore nên mình hoàn toàn không khuyến khích các bạn chọn.
Nếu là mình bị ép chọn đề bài này thì mình sẽ viết về được giải quốc tế/quốc gia về một
môn học và sẽ dùng nó để rèn luyện tốt, làm nhiều nghiên cứu cho trường

---> NTU thích nghe chữ nghiên cứu cho trường vì trường đua thứ hạng và nghiên cứu là
một thứ giúp cho thứ hạng lên cao.

---> Vấn đề của việc này là người viết sẽ khả năng cao sẽ viết chung chung do chưa từng
học ở trường, chưa rõ định hướng sau này và người đọc luận sẽ cảm nhận được việc
mình viết để lấy học bổng và không thực sự hiểu về NTU.

----> Mình đã để điểm số, thành tích học tập ở mục khác, lặp lại thì nó không tăng thêm
giá trị gì nhiều trừ khi viết rất lạ và hay

b.Describe, in less than 300 words, the values and beliefs you hold strongly to.
Please provide examples of how you have demonstrated these in your actions.

Viết dựa vào cái này: https://eresources.nlb.gov.sg/history/events/62f98f76-d54d-415d-


93a1-
4561c776ab97#:~:text=The%20five%20Shared%20Values%20that,5)%20Racial%20an
d%20religious%20harmony.

The five Shared Values that were eventually adopted were:

1) Nation before community and society above self,

2) Family as the basic unit of society,

3) Community support and respect for the individual,

4) Consensus, not conflict,

5) Racial and religious harmony

Đây là 5 giá trị do chính phủ Singapore ngắm tới cho dân chúng. Viết cái này sẽ giúp thể
hiện mình có chiều sâu và hiểu biết về văn hóa Singapore. Số 1 sẽ khó vì nhiều lý do tế
nhị nhưng 2-5 thì mình có thể viết được.

Nếu không thích những giá trị này thì có thể google và tự tìm ra các giá trị khác, một
trong những website khác có thể tham khảo là:

https://www.ipsos.com/en-sg/singaporeans-national-values-and-identity

Một số câu chuyện mình sẽ kể nếu phải viết (chuyện không có thật, chỉ là mình tự nghĩ):

1. Chọn "Family as the basic unit of society".


Ví dụ: Hôm nào ông mình cũng pha cà phê cho mình hồi cấp 2 để mình đi học nhưng sau
ông không may mất và mình mới hiểu giá trị của cốc cà phê đó.

2. Chọn "Community support and respect for the individual".

Ví dụ: Mạng xã hội đã từng là nơi tốt để mọi người chia sẻ quan điểm với nhau và theo
ông A thì mạng xã hội được tạo ra là môi trường an toàn. Tuy nhiên những năm gần đây,
vấn đề về bạo hành trên mạng xã hội ngày càng nhiều và tạo nên vấn đề thật về tâm lý
cho học sinh Việt Nam bị bắt nạt trên mạng xã hội. Vì thế mình đã thành lập nhóm ABCD
để giúp cho những học sinh này cảm thấy tốt hơn.

c.Describe, in less than 300 words, a short essay on a subject of personal


importance to you. You may choose any topic. Examples include: an event which
has influenced you or a family member/friend/person who had a significant
influence on you.

Một số câu chuyện đã từng đạt học bổng nhờ chọn đề này bao gồm:

1. Kể về việc mình học tệ như thế nào nhưng sau đó vì một lý do nào vượt được khó và
học tốt (cái này là cái người Singapore cực kỳ thích nghe, đặc biệt câu chuyện trường
làng vào NTU).

2. Mình bị phân biệt như thế nào khi là con gái và nhiều cơ hội không đến với mình
nhưng sau đó mình đã cố gắng rất nhiều để có các cơ hội đó và được ngồi vào phỏng vấn
học bổng NTU.

Lưu ý là câu chuyện rất quan trọng và bạn nên tự nghĩ ra. Ngữ pháp thì nên hỏi nhiều
người để chỉnh sửa hoặc chi ít tiền mua Gramarly Premium để sửa. Chúc mọi người đọc
cái này sẽ có thêm thông tin

[4/6/2022] 5 điều mình có được khi đi du học


Khi đi du học, bố mẹ luôn mong muốn con cái được những điều tốt nhất, đặc biệt khi bỏ
ra một số tiền lớn hơn rất nhiều so với việc học tại trong nước và câu hỏi luôn là được
những gì. Mình sẽ chia sẻ những gì mình học được sau khi ở Singapore 9 năm, bao gồm
những trải nghiệm thực tế khi đang ở Singapore lẫn khi về Việt Nam. Tuy vậy sau khi
mình được gặp các bạn ở Bách Khoa Hà Nội, Ngoại Thương, Học Viện Ngân Hàng và
VinUni thì mình nhận ra rằng các bạn là người rất có năng lực nên ở bài viết này mình
không muốn (nhấn mạnh chữ không muốn) mọi người đọc xong quyết định đi du học
luôn mà hãy cân nhắc thật kỹ về lựa chọn du học.

1. Yêu nước Việt Nam hơn

Lúc ở Việt Nam thì nhiều khi mình không hiểu được việc làm của nhiều nơi nhưng khi lúc
ra nước ngoài thì thấy thực ra Việt Nam cũng có rất nhiều biến đổi thần kỳ. Người Việt rất
yêu nước và thế hệ nào cũng có sự khao khát mang đất nước đi lên một tầm cao mới.
Nghe thì hơi kỳ lạ nhưng khi bạn đi ra nước ngoài thì năm đầu là năm hoa hồng, nghĩa là
mọi thứ ở nước bạn du học sẽ là thứ tốt đẹp mà mình chưa biết hết được. Đến năm thứ
năm, khi bạn biết hết mọi thứ thì bạn thấy nước bạn theo học sẽ có nhiều điểm chưa ổn
và thực ra Việt Nam lại là nơi tốt (ít nhất là đối với mình) về phát triển sau này. Vì mình
mang quốc tịch Việt Nam, cái tên cũng là Việt Nam nên khi về Việt Nam mình sẽ không
bao giờ bị đối xử là công dân hạng 2.

Có một cái ví dụ mà mình hay nói là Metro Hà Nội, tàu hiện tại chưa có thể tự lái như
bên Singapore thì có người nghĩ đó là điều tệ vì Việt Nam kém phát triển nhưng với mình
nó là điều tốt. Đơn giản là vì nếu thiếu thì mới cần một thằng kỹ sư như mình về phát
triển còn ở nước ngoài khi mọi thứ đã quá chặt chẽ, bạn khó có thể thay đổi được. Và dù
lương ở Việt Nam có thể chưa cao nhưng làm một công trình hoặc phát minh mà giúp
cho người dân Việt Nam sống tốt hơn cũng là một thứ gì đó mà mình ngắm tới vì mình tin
rằng mình có giá trị khi mình ở nơi cần mình nhất

Lúc đầu dịch COVID-19, có không ít bạn vì thương xót đồng bào tại Việt Nam mà nhắn
mình hỏi cách quyên góp quỹ COVID-19. Thực ra không phải các bạn ấy quá giàu mà đây
là tiền tích cóp của các bạn khi làm bán thời gian nhưng vì quá sốt ruột với tình hình
trong nước mà quyết định chích một khoản về cho đất nước.

Nếu bạn chưa biết thì bao nhiêu xe VinFast bạn thấy ngoài đường hay Zalo đều có sự
góp sức của du học sinh các nước trên thế giới mang những kỹ năng, công nghệ tiên tiến
từ nước ngoài. Hay Tiki, sàn giao dịch thương mại lớn tại Việt Nam cũng do cựu du học
sinh Úc làm.

Một số thứ trưởng, bộ trưởng, hay cố vấn chính phủ, những người làm ra những chính
sách công tốt để cho Việt Nam phát triển thuận lợi đều đã từng học Anh, Mỹ, Châu Âu,
Singapore,.... Nghe thì hơi thái quá nhưng với mình thì mình thích nhìn về những câu
chuyện tích cực hơn là các câu chuyện tiêu cực.

2. Khả năng tự lập tốt hơn

Đi du học đồng nghĩa với việc xa gia đình, bố mẹ. Những việc rất đơn giản như rửa bát,
lau chùi nhà cửa, nấu ăn, ... thì bạn phải đều tự làm. Hầu như ai cũng có cú sốc lúc mới
đi nước ngoài, có nhiều bạn khóc (chuyện khá bình thường) khi ở xa gia đình những ngày
đầu. Nhưng lúc mà bị ngã, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen mà không có bố mẹ nâng đỡ
thì mình sẽ học được nhiều hơn thay vì lúc nào cũng có người khác gánh.

Mọi người hồi học cấp 2 với mình hay trêu là mình thay đổi rất nhiều, thực ra nó không
hẳn do hệ thống giáo dục của Singapore (hệ thống tốt nhưng có điểu tệ) mà là mình đã
phải tự lo rất nhiều. Kể cả khi đóng tiền học, quyết định học đại học nào hay đơn giản là
mua đồ ở đâu tiết kiệm tiền ở Singapore đều nhờ việc tự lo cho bản thân. Dù sao thì mọi
người cũng sẽ phải có cuộc sống riêng nên việc tự lập sớm sẽ giúp cho phát triển gia
đình sau này.

3. Hiểu biết văn hóa nước khác

Việc đi du học thách thức những gì bạn tưởng bạn biết nhưng thực tế là khác. Đôi khi
những điều mình đã được học khi tiếp xúc với bạn ở nước đó sẽ rất khác. Về quan điểm
lịch sử, văn hóa, chính trị sẽ khác nhau. Lúc đầu mình khá bướng trong việc tiếp thu
những kiến thức đó nhưng các năm sau mình khá cởi mở hơn và hiểu được những góc
nhìn đó. Nó không sai, chỉ khác.

Cái này hơi khó để giải thích nhưng nếu có dịp bạn chỉ cần đi một nước khác ngoài Việt
Nam để trao đổi học hè khoảng vài tuần thì sẽ được nhìn những góc đó khác đó. Vì mình
nhìn được nên sẽ dễ cảm thông hơn với mọi người và có thể sẽ làm việc tốt hơn sau này.

4. Trả lời được câu hỏi về hay ở lại

Đây là câu hỏi mà cực kỳ nhiều người hỏi và với các bạn học ở Singapore, sẽ chỉ có 3 lựa
chọn:

i. Ở lại Singapore lâu dài

Đây là lựa chọn mà thường các bạn scholar (hội học bổng cấp 2 ASEAN/A*STAR) hay
chọn vì đây được coi là lựa chọn an toàn. Các bạn thường khi ra trường sẽ dễ xin PR so
với các nhóm đối tượng khác và vì Singapore khá ổn định (trừ mấy vụ lạm phát như ở gần
đây) nên đây cũng là lựa chọn không phải quá tệ. Ở Singapore mọi người thường hay làm
công ty đa quốc gia (MNCs) vì nhiều công ty mở trụ sở ở đây và cho mức lương rất hấp
dẫn. Tuy nhiên cho đến bây giờ mình chưa thấy (và mong được thấy) các anh chị alumni
thực sự làm cực kỳ xuất sắc mà thường ở mức trung bình - khá - giỏi. Một phần nữa mọi
người muốn ở lại là để con cái được hưởng hệ thống giáo dục của Singapore.

ii. Đi nước thứ 3

Lựa chọn mà nhiều bạn trẻ hướng tới khi không muốn ở Singapore nhưng không muốn
về Việt Nam do văn hóa khác biệt. Các địa điểm thường ngắm tới là Úc, Canada, Mỹ hay
Châu Âu và những nơi có thể nhập cư dễ dàng hơn. Mình biết một số anh học ở
Singapore làm tại Google Mỹ có lương rất hấp dẫn.

iii. Quay lại Việt Nam

Các anh chị chọn lựa chọn này thường một là sẽ cao thì cao hẳn hoặc thấp thì thấp hẳn.
Có người tốt nghiệp bằng xịn, đại học xịn ở Singapore nhưng lương thì chỉ có 5 triệu đồng
một tháng (mình thấy được vài người người như thế sau khi 3-4 năm tốt nghiệp). Có
người lại làm các vị trí cao trong chính phủ, doanh nghiệp. Một số vị trí mình thấy được
từ các anh chị tốt nghiệp trường mình bao gồm thứ trưởng, cố vấn thủ tướng Việt Nam,
CTO, CEO, COO, Country Manager,... và đây là phần đông. Điểm khác biệt lớn nhất mình
thấy được là vì các anh chị ở vị trí cao thích nghi được với môi trường ở Việt Nam và
mang được những kiến thức tiên tiến từ bên Singapore về, vậy nên họ mới thực sự ở
những ví trí đó.

Và bạn sẽ chỉ trả lời được nếu bạn đi nói chuyện, ngoại giao với nhiều người.

5. Bằng cấp có giá trị làm việc ở nước ngoài

(Ở đây mình chỉ nói bằng kỹ thuật học tại Singapore ở trường công lập, các nơi khác
mình sẽ không nhận xét vì không đủ thông tin và mình để cuối vì mình nghĩ cái này ít
quan trọng nhất)

Singapore hiện tại đã ký kết hiệp định Washington Accords nên việc xin làm kỹ thuật các
nước khác sẽ khá dễ dàng (https://www.ieagreements.org/accords/washington/) và nếu
bạn xin Visa ở Anh thì cũng có chính sách ưu đãi.

Ảnh: Cảnh trạm tàu điện ngầm của Singapore sau trận bóng đá của đội tuyển quốc gia
Việt Nam

[3/6/2022] Thuê nhà trọ ở Singapore như thế nào?


Sinh viên Việt Nam tại Singapore ở theo 3 diện là chủ yếu:

Ở cùng bố mẹ tại Singapore

Ở khu ký túc xá

Thuê nhà trọ riêng

Mình sẽ tập trung ở cái thứ 3, tức là thuê nhà trọ riêng vì đây là thứ nhiều bạn sinh viên
băn khoăn nhất. Mình cũng lưu ý rằng giá tiền ở dưới chỉ mang tính chất ước chừng và
giá tiền có thể thay đổi rất nhiều nếu tỷ giá VND - SGD thay đổi.

Đầu tiên mình sẽ phân loại nhà ở Singapore, nhà ở Singapore chia làm 3 dạng đó là nhà
ở của chính phủ Singapore (HDB), căn hộ cao cấp của tư nhân (hay gọi tắt là Condo) và
nhà mặt đất. Nhà ở chính phủ Singapore chỉ có thể mua bởi người Singapore và nó là tùy
vào độ hên xui. Đương nhiên giá nhà cũng sẽ rẻ hơn còn các căn hộ cao cấp của tư nhân
và nhà mặt đất sẽ đắt hơn. Căn hộ cao cấp rơi vào khoảng 17 tỷ đồng Việt Nam cho một
căn bình thường còn với nhà mặt đất thì khoảng 50 tỷ đồng Việt Nam. Ngoài ra, đa số
mọi người chỉ có thể sở hữu đất được tối đa 99 năm và sau đó đất sẽ phải quay về chính
phủ Singapore trừ một số người cực kỳ đặc biệt do chính phủ Singapore quyết định. Việc
này nhằm kiểm soát nhà đất, đặc biệt ở một quốc gia có diện tích đất rất khiêm tốn.

Vì vậy, giá tiền thuê sẽ bị ảnh hưởng theo giá mua nhà. Giá nhà ở HDB sẽ giao động
khoảng 28 triệu Việt Nam đến 40 triệu Việt Nam cho cả căn còn nếu thuê riêng lẻ từng
phòng thì cỡ 16 triệu đồng một tháng. Giá của nhà condo thường sẽ cao hơn 20 - 30% so
với thuê nhà tại HDB. Mình hay khuyên các bạn sinh viên ở HDB vì dù sao nó cũng là nơi
tạm trú của mình và sự khác biệt lớn nhất là ở Condo có cơ sở vật chất thêm như phòng
gym, bể bơi còn nhà HDB thì lại không có.
Nhà mặt đất thì hên xui tùy nhà, giá khó xác định. Giá tiền cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều
với diện tích của căn nhà và vị trí. Các khu trung tâm như Orchard thì giá sẽ cao hơn hẳn
so với các khu gần Malaysia như Woodland hay khu xa trung tâm như Sengkang. Các
bạn Việt Nam hay thuê 1 căn HDB rồi chia nhiều người ở để tiết kiệm chi phí.

Lưu ý là chủ nhà sẽ bắt bạn nộp cọc (tương ứng với 1 tháng tiền nhà) và nếu thuê cả căn
thì chủ nhà cũng sẽ yêu cầu 1 số điều khoản để bao vệ nhà như phải dọn máy lạnh sau 1
năm.

Một số điều mà các bạn Việt Nam hay gặp phải bao gồm:

1. Nhà ở thiếu hợp đồng với chủ nhà

Cái này sẽ làm giảm tiền lúc mới vào do không phải đóng thuê nhưng điều này sẽ gây
khó khăn trong việc khiếu nại với cảnh sát Singapore sau này. Nhiều bạn gặp nhiều điều
khó xử vì không có hợp đồng rõ ràng, trong hợp đồng nên có cả những điều khoản bao
gồm tiền điện nước, về việc có được nấu ăn hay không hoặc dùng máy lạnh tối đa bao
nhiêu tiếng để cho các bên dễ xử sau này.

Và vì không có hợp đồng, chủ nhà hoàn toàn có thể đuổi bạn bất kỳ lúc nào (nếu gặp
người không tốt).

2. Văn hóa khác biệt

Một số nước sẽ nấu đồ mà cực kỳ có mùi và nếu bạn không thích ẩm thực nước đó thì
nó sẽ rất tệ. Ngoài ra văn hóa của chính người ở Việt Nam cũng khác vì Việt Nam có
nhiều vùng miền khác nhau. Do ngày trước mình thường ở với bố mẹ nên mình không rõ
những nơi khác sẽ có văn hóa như thế nào nên việc tìm hiểu thông tin cơ bản của người
thuê nhà sẽ là tốt.

3. Vấn đề về an toàn

Ở Singapore là đất nước an toàn. Tuy vậy, bạn vẫn phải luôn cẩn thận khi để những đồ
quý giá ở trong nhà bao gồm tiền mặt. Thực ra mất trộm đồ là điều có xảy ra và còn nhiều
điều kinh hoàng khác mà mình từng biết (tỷ lệ bị thì rất rất ít).

Vì vậy việc kiểm tra thông tin cũng rất quan trọng trước khi đưa ra quyết định thuê nhà

[29/5/2022] Một số câu hỏi liên quan đến đơn nộp Đại Học Công Nghệ
Nanyang (NTU) và một số trường công lập khác tại Singapore
CÂU HỎI 1: GIẢ SỬ NẾU NĂNG LỰC HỌC TIẾNG ANH KHÔNG CÓ TỐT MÀ TRƯỜNG
BẮT NỘP IELTS 6.5 THÌ NÊN LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Trả lời: Điểm IELTS chỉ mang tính chất ước chừng xem mình có thể hiểu tiếng Anh ở
Singapore hay không, nó mang ít giá trị về khả năng vào hay không khi bạn được qua
ngưỡng 6.5 (theo mình đoán là vậy), trừ trường hợp rằng bạn nộp mấy ngành liên quan
cực kỳ nhiều đến tiếng Anh như ngôn ngữ học. IETLS thi ở mỗi nước sẽ có độ khó khác,
một số bạn mình người Thái đã cố tình chọn thi IELTS tại Campuchia vì đơn giản là nó dễ
hơn. Bạn đó thi ở Thái được 5.5 nhưng khi sang Campuchia thi lại được 7.0. Vậy nên thi
IELTS tại quốc gia mà trình độ tiếng Anh kém hơn là một thứ có thể cân nhắc được. Thi
tại Singapore là một điều đặc biệt không nên.

CÂU HỎI 2: GIẢ SỬ EM MUỐN CHỌN HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (CS) (HOẶC CÁC
NGÀNH KHÓ VÀO KHÁC) MÀ EM ĐIỂM KHÔNG CAO Ở VIỆT NAM THÌ NÊN LÀM NHƯ
THẾ NÀO?

Trả lời: Với công nghệ thông tin, em hoàn toàn có thể chọn ngành Kỹ Thuật Điện/Thông
Tin (IEM hoặc EEE ở NTU) là lựa chọn 1, ngành này dễ vào hơn hẳn vì số lượng người
Singapore muốn vào thấp hơn hẳn so với CS nhưng được cái là ngành trên có chuyên
ngành về Công Nghệ Thông Tin. Em cũng có thể lấy thêm môn hoặc thực tập liên quan
đến ngành trong lúc học để tăng khả năng được tuyển dụng sau này.

Nếu điểm em cao sau năm 1, có thể đăng ký với trường để chuyển ngành. Tuy nhiên lưu
ý rằng với những bạn giữ học bổng, chuyển ngành sẽ dẫn tới việc mất học bổng. Cái này
có thể làm với các ngành khó vào khác trừ Bác Sĩ hay Luật Sư.

CÂU HỎI 3: MỤC ĐÍCH TUYỂN SINH VIÊN CỦA NTU LÀ GÌ?

Về cơ bản thì anh không nghĩ là về tài chính vơi sinh viên Việt Nam. NTU dư khá nhiều
tiền và nguồn thu từ SVVN là rất ít, hoặc là thậm trí còn âm. Lý do là vì họ muốn kiếm
người tài để phát triển kinh tế Singapore. Nếu có nhiều người tài thì vốn đầu tư FDI vào
Singapore sẽ càng cao và khả thi hơn, chính phủ Singapore sẽ thu khoản tiền từ thuế
của các doanh nghiệp nước ngoài, từ các bạn sinh viên đã tốt nghiệp và từ FDI (sơ bộ là
thế, mình không học kinh tế nên có thể sai về vụ FDI).

Nói cách khác, họ thu thuế dài hơi chứ không thu luôn lúc mình vào. Lý do họ ngắm các
bạn giải quốc gia không phải vì những giải đó có giá trị ngay tức khắc với trường nhưng vì
những người đó sẽ hay có khả năng cao làm nghiên cứu (công việc mà dân Singapore
không thích nhưng doanh nghiệp đa quốc gia cần) và các bạn này thường sẽ có IQ cao
nên khi làm việc sẽ có hiệu suất tốt hơn.

NTU thích học sinh từ Cấp 3 Singapore hơn là vì:

1. Dễ biết năng lực của các bạn ở đâu, do Việt Nam theo hệ giáo dục khác hoàn toàn
Singapore về giáo trình và cách dạy.

2. Khả năng các bạn định cư cũng cao hơn hẳn do đã quen môi trường tại Singapore.
Điều này dù mình không có số liệu thực tế nhưng qua nhìn và hỏi xung quanh thì đã số
mọi người ở lại Singapore sẽ từ cấp 3 lên.
Một câu chuyện vui là đa số mọi người học đây từ cấp 2 đều đã từng (hoặc ít nhất theo
mình biết) hẹn hò với các bạn bản địa hay người nước ngoài khác ^^

Ảnh không liên quan nhưng nếu có cơ hội sang Singapore thì nên thử cà phê ở khu CBD

[27/5/2022] So sánh sự khác biệt giữa học cấp 2 ở Việt Nam (Hà Nội)
và Singapore (Sơ bộ)
Mình viết bài này với mục đích tham khảo và mọi thông tin có thể thiếu chính xác do dựa
vào trí nhớ của mình, nhiều cái là ước tính, không dựa vào số liệu chính thức. Ngoài ra
đã có khá nhiều sự thay đổi của Việt Nam và Singapore từ lúc mình học cấp 2 tới giờ nên
thông tin có thể bị sai lệch ở một số điểm nhất định. Mình sẽ chia thành nhiều mục khác
nhau để so sánh và mình sẽ chỉ so sánh hệ thống trường công lập của 2 nước.

1. VỀ CẤU TRÚC

Việt Nam học 4 lớp là lớp 6,7,8,9 ở cấp 2 và chỉ theo 1 hệ trong đó Singapore chia thành
nhiều loại hệ khác nhau, trong đó có hệ Special Stream (4 năm, không phải thi O level
mà lên thẳng dự bị đại học - cho học sinh thi giải cho Singapore), Express Stream (4
năm, thi O level - cho học sinh bình thường, và đa số học sinh du học người Việt Nam sẽ
học hệ này), Normal Stream (Academic) (5 năm, thi O level nếu điểm N level tốt),
Normal Stream (Technical) (5 năm thi N level).

Ở Singapore không phân chia học sinh giỏi, khá hay trung bình khi tổng kết nhưng lúc
nhìn bảng điểm thi mình sẽ biết thứ hạng của mình trong lớp. Đây là cách mà giáo viên
làm để cho học sinh cố gắng học hơn. Ngoài ra Singapore có thi cuối cấp 2 để cho học
sinh chọn giữa dự bị đại học và cao đẳng.

Dự bị đại học chỉ có các bạn học Express và Special Stream được chọn khi thi O level
còn N level chỉ vào được cao đẳng. Tuy nhiên không phải vì thế mà lựa chọn cao đẳng ở
Singapore dành cho những học sinh yếu. Nhiều bạn đạt điểm rất cao trong O level mấy
năm gần đây đã chọn cao đẳng thay vì đại học và 85% học sinh Singapore học cao đẳng.
Mình gộp chung cao đẳng (polytechnic và ITE) trong bài này để cho những người đọc
không có kiến thức trước về Singapore dễ hiểu.

O level ở Singapore khác với ở Anh hay ở trường quốc tế tại Việt Nam vì nó là do giáo sư
Đại Học Cambridge phối hợp với bộ giáo dục Singapore ra đề và mang sang Anh Quốc
chấm bởi Đại Học Cambridge, đây là bộ đề khó nhất trong toàn bộ dạng O level. N level
thì sẽ được chấm trong nội bộ Singapore

Lý do tại sao Singapore lại có nhiều hệ như vậy là vì:

i. Singapore dân số chỉ có 5 triệu người nên Singapore sẽ phải cố gắng dùng tài chính
phát triển nhân tài hết sức có thể. Khác với Việt Nam là nước đông dân, Singapore rất
khó kiếm người cực kỳ tài giỏi (vì kiếm 1 người cực kỳ xuất sắc trong 5 triệu dân khó hơn
so với 90 triệu dân) nên việc đào tạo từng người dân quan trọng. Chia nhiều hệ sẽ giúp
toàn bộ trẻ không bị bỏ lại phía sau và trẻ học yếu sẽ được tập trung nhiều hơn.

ii. Nếu trẻ học yếu hơn mà bỏ học thì sẽ gây ra tỷ lệ tội phạm cao hơn do không có gì làm
và tạo dân trí thấp hơn nên mục tiêu chính của Singapore để tỷ lệ tội phạm thấp, xã hội
ổn định là cố gắng không được để bất kỳ ai bỏ học giữa cấp 2.

Ngoài ra các thầy cô ở Singapore không dạy thêm mà dạy trên trường là chính. Các thầy
cô cũng không được phép dạy thêm cho chính học sinh trường mình và nếu bị phát hiện
có thể bị đuổi việc. Để khuyến khích các thầy cô dạy tốt, Singapore hay đặt kpi với thầy
cô là nếu điểm O level của trường đó tốt hơn năm trước thì được tăng tiền thưởng còn
nếu nó quá tệ so với năm trước thì các thầy cô sẽ phải đi giải trình với bộ giáo dục
Singapore.

2. VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Lúc mình đi khỏi Việt Nam thì cơ sở vật chất ở trường Singapore tốt hơn Việt Nam khá
nhiều. Tuy nhiên về sau khi mình quay lại Việt Nam thì nhiều trường mới ở Việt Nam đã
có cơ sở vật chất tốt hơn cấp 2 tại Singapore, một phần là do xây mới hơn.

Thường thì ở Singapore trường sẽ có bể bơi, nhà thể chất, sân bóng rổ, bóng đá, lớp
học,.... Đây cũng được coi là khá giống với trường Việt Nam. Tuy nhiên kiến trúc trường
Việt Nam theo Pháp còn Singapore thì theo Anh Quốc.

Đồ ăn trong canteen của Singapore đa dạng về món ăn, chất lượng và nhà vệ sinh sách
sẽ và tốt hơn trường cấp 2 của mình lúc mình đi. Đồ ăn trong trường tại Singapore sẽ
được chính phủ hỗ trợ rất nhiều để giúp cho tất cả học sinh đều có đủ tiền được ăn no,
tuy nhiên bảo vệ ở trường cấp 2 rất chặt để tránh người lạ vào trường.

Ngoài ra có sự khác biệt rõ ràng về cơ sở vật chất ở các trường khác nhau, ở Singapore
thì trường ở khu giàu sẽ có cơ sở vật chất tốt hơn và ngược lại.

3. VỀ BẠN BÈ

Singapore là quốc gia đa chủng tộc, khác với Việt Nam thì đại đa số là người Việt (ít nhất
là ở Hà Nội). Việc nói mấy câu phân biệt chủng tộc là rất nghiêm trọng và nếu người ta
đăng video của mình nói những câu đó nhưng việc kỳ thì ngầm là có thật. Học sinh quốc
tế nếu vào trường làng thì thường hay bị chê là "nước thứ 3" hay "nước mày nghèo quá"
bởi người Singapore, nhưng mình không thấy điều này ở trường chuyên hay trường bình
thường tại Singapore.

Học sinh quốc tế không nhiều và với người Việt thì chỉ có 2-5 bạn trong một trường cấp 2
với tổng số học sinh là 300-400, có trường không có học sinh Việt Nam. Thường thi nếu
vào Sec 3 (tương đương lớp thì khá là khó thích nghi và chủ yếu mọi người học để thi
O level hơn là kết bạn bên trong trường.
4. VỀ MÔN HỌC

Giáo trình khác Việt Nam rất nhiều. Singapore tập trung dạy rộng nhưng không sâu, Việt
Nam thì dạy sâu không dạy rộng nên độ khó thì tương tự nhau và là vì đều ở châu Á nên
cũng không thể mong đợi dễ hơn. Tiếng Anh là thứ rất khó vì tiếng Anh ở Singapore
không giống như IELTS mà là phải làm một cách rất khác. Thường học sinh Việt Nam sẽ
chết nhiều ở tiếng Anh với đại đa số mọi người thi O level rơi vào E8 và D7 (tức là khoảng
4-5/10 điểm tại Việt Nam, cái này chỉ để dễ hiểu, không mang tính chất gì khác).

Ở Việt Nam thì có giáo dục công dân và môn này thì tập trung dạy kiến thức liên quan
đến pháp luật và nho giáo, còn ở Singapore có môn social science (xã hội học), tập
trung vào chính sách công lập của Singapore và lịch sử Singapore.

Các môn của Singapore được tự chọn trừ một số môn nhất định còn ở Việt Nam thì mọi
người sẽ phải học tất cả, cái này khá lằng nhằng nên mình sẽ không giải thích ở đây vì
mình nghĩ là nếu bạn đậu trường công lập cấp 2, các thầy cô sẽ giải thích cho bạn.

5. MỘT SỐ THỨ KHÁC VỀ HỌC SINH VIỆT NAM TẠI SINGAPORE

Lý do tại sao mọi người hay có hiểu làm là Singapore học dễ là do Singapore có các bạn
theo học dạng học bổng ASEAN/A*STAR. Tuy nhiên điều này phản ánh không đúng sự
thật tại vì các bạn theo dạng học bổng trên đều đã tuyển rất khắt khe tại Việt Nam từ các
trường chuyên, đại đa số mọi người học được là do đứng đầu tỉnh/thành phố/nước Việt
Nam ở một môn học nào đó. Ngoài ra những bạn vào được công lập ở Singapore theo
diện tự túc thì:

i. Học khá/giỏi ngay từ đầu nên đỗ trường công lập

ii. Nếu thi nhiều lần, thì cực kỳ quyết tâm

Tuy nhiên theo cách nhìn của mình nhiều bạn tự túc dù đỗ trường công lập những cuối
cùng vẫn chọn đi nước khác hoặc ra khỏi hệ thống vì học quá áp lực và đây là đại đa số.
Mình đã ở lớp có 70 học sinh thi vào trường công lập cấp 2, 30 đứa đỗ và chỉ còn 4 đứa
học đại học công lập của Singapore. Nên mình hay khuyên phụ huynh là nếu bé nó thực
sự quyết tâm mà không cần bố mẹ thì hẵng cho đi từ cấp 2.

[22/5/2022] Tại sao tôi đi du học?


Có 1 bài viết không lâu trước đây của Vnexpress về vấn đề du học sinh Việt Nam không
tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Sau khi đọc bài này, mình quyết định đi nói chuyện với
du học sinh ở rất nhiều nước bao gồm Hà Lan, Singapore, Anh và Phần Lan thì vấn đề
này là có thật ở một số nhóm ngành nhất định mà thực ra sinh viên Việt Nam lại có lợi
thế hơn ví dụ như marketing.

Ngoài ra, mình cũng có nói chuyện với các chủ doanh nghiệp thì biết rằng kinh tế Việt
Nam vẫn có khó khăn và việc trả lương cũng còn khá hạn chế. Đây cũng là điều dễ hiểu.
Mọi người hay có suy nghĩ rằng mọi người du học đều có kinh tế giàu có nhưng sự thật là
không phải ai cũng vậy. Đại đa số mọi người đi du học đều có khó khăn về tài chính và
đều đi làm thêm.

Ở trường mình, các bạn thường hay không về hè mà đi làm bán thời gian ở các tập đoàn
tại Singapore để giúp cho bố mẹ chi trả một phần chi phí sống hoặc phải cố gắng rất
nhiều để có 1 suất học bổng hay trợ cấp của trường. Trong khi đó đại học ở Việt Nam
đang không ngừng phát triển với nhiều trường vào trong bảng xếp hạng quốc tế. Một số
nhà tuyển dụng có nói với mình là nếu trường bạn tốt nghiệp ở vị trí 300+ trên bảng QS
Ranking thì trường đó sẽ coi dưới hạng trường tốt tại Việt Nam.

Vậy câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra là du học để làm gì khi vẫn phải bỏ một khối
tiền to như vậy?

Mình sẽ phân tích theo 3 hướng khác nhau, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn
suy nghĩ của bạn nhưng bạn vẫn có thể đọc để tham khảo.

Về mặt kinh tế

Mặc dù học ở nước ngoài về Việt Nam lương chỉ na ná với sinh viên tốt nghiệp ở Việt
Nam, nhưng nếu bạn xin việc ở nước sở tại bạn đang học thì lại dễ hơn so với từ học Đại
Học ở Việt Nam qua lại. Nó còn liên quan tới vấn đề xin visa khi nước sở tại ưu tiên chính
sách visa với người học nước đó thay vì từ Việt Nam.

Và nếu bạn đủ giỏi để xin được việc, thì nếu tính tổng tiền bỏ ra trong lúc tiêu đại học sẽ
thấp hơn và sẽ hoàn lại được vốn khá sớm (3-8 năm với du học tại Singapore) so với mức
chi tiêu ban đầu. Ngoài ra là do chênh lệch chi phí sống ở nước ngoài với Việt Nam, bạn
có thể làm ở nước ngoài vài ba năm, tiết kiệm đủ tiền và quay lại Việt Nam phát triển sự
nghiệp. Lúc này thì bạn đã có kinh nghiệm và lương chắc chắn sẽ cao (do kinh nghiệm là
làm ở công ty nước ngoài).

Tuy nhiên cái này chỉ đúng nếu năng lực của bạn giỏi lúc xin việc.

Về mặt tư duy/lối sinh hoạt

(Mình sẽ chỉ nói ở Singapore ở khúc này)

Singapore là quốc gia đa văn hóa. Nếu ở lâu, bạn sẽ biết văn hóa của người Trung, Ấn và
Mã Lai, thậm trí biết cả một số tiếng địa phương. Ở Singapore, mọi người hay gọi cà phê
là kopi O (không sữa) và kopi (có sữa) thay vì coffee và đây được gọi là Singlish. Tư duy
đa văn hóa giúp mình thấu hiểu tốt hơn về suy nghĩ của người khác và từ đó lúc về Việt
Nam, dù chưa quen làm việc lúc đầu nhưng học hỏi về văn hóa sẽ rất nhanh. Cách làm
của người Singapore thì chuộng hiệu quả, nên cái gì làm cũng nhanh và thường phải có
dẫn chứng cụ thể chứ không dùng cảm xúc để đo đạc. Tuy việc này sẽ dẫn đến cạnh
tranh khá khốc liệt khi làm việc nhưng đồng nghĩa với việc bạn đã quen với việc phải làm
nhiều thứ cùng một lúc và sẽ chịu đựng được áp lực tốt hơn khi làm ở nơi khác.
Bạn cũng có thể so sánh và biết được hệ thống giáo dục, văn hóa, công nghệ ở mỗi nước
châu Á như thế nào vì Singapore là nơi du học của nhiều sinh viên châu Á, có 1 số ít đến
từ châu Âu.

Về mặt bản thân

Du học là lúc mình tự biết mình là ai vì khi đi ra nước ngoài không ai có thể giúp mình
được. Đó là sự trưởng thành của bản thân và thường tự thân vận động sẽ giúp mình
nhiều hơn. Giả sử ở Việt Nam thì mình luôn có bố mẹ lo việc này việc kia nhưng lúc đi du
học, kể cả việc nhỏ nhất như ăn gì ngày mai thì mình cũng phải lo.

Mình sẽ có trách nhiệm với bản thân hơn và sẽ có góc nhìn khác. Mình để ý rằng các bạn
học sinh tại Singapore khi đi du học từ cấp 2 và không có bố mẹ đi kèm thường sẽ dẫn
chững chặc khi lúc vào đại học và biết rằng mình đang làm gì. Đây là điều tốt vì khi ra xã
hội thì thân ai nấy lo và nếu mình không giỏi, không tốt thì mình sẽ khó trụ được trong xã
hội.

[21/5/2022] Những gì đại học ở Singapore quan tâm khi xét học bổng
(dựa vào kinh nghiệm của mình)
Ở đây mình sẽ tập trung vào 4 trường là NUS, NTU, SMU và SUTD.

1. Điểm
Đây sẽ là vòng đơn cơ bản khi xét qua hồ sơ học bổng của bạn. Nếu điểm bạn thấp thì họ
sẽ thường bỏ qua đơn của bạn và không đọc cả bài luận. Trừ trường hợp bạn được giải
quốc tế về học thuật

Thường theo mình nhìn thì điểm như sau sẽ được coi là ổn:

i. Từ Cấp 3 Việt Nam, GPA 9.5/10, bắt buộc GPA trường chuyên

ii. Từ Polytechnic của Singapore, GPA 3.95/4.00

iii. Từ GCE A Level của Singapore (không phải phiên bản Anh Quốc), rank point 87/90

Với năm 2022, một số bạn có rank point 85/90 được học bổng

iv. Từ IB, 42/45

v. Từ GCE A Level Internation Qualification, 3A* và 1A

Note: A level có rất nhiều phiên bản, nên kiểm tra phiên bản của mình là gì. Mỗi phiên
bản có độ khó khác nhau.

2. Giải thưởng & Hoạt Động Ngoại Khóa

Với Singapore, các giải thưởng này sẽ phải liên quan tới học thuật. Nếu từ Việt Nam,
thường thì sẽ yêu cầu giải quốc gia của 1 bộ môn nào đó liên quan đến ngành mình học.
Nếu được giải quốc tế thì như mình nói ở trên, sẽ được học bổng luôn (nếu không làm
hỏng phỏng vấn). Họ cũng sẽ hỏi giải thưởng của bạn được cấp gì.

Đương nhiên hồ sơ của bạn vẫn phải có 1 hoạt động có ngoại khóa mạnh ví dụ như
trưởng câu lạc bộ hay thành tích giải về ngoại khóa. Có 1 câu hỏi mà người ta hay hỏi là
bạn làm gì trong câu lạc bộ và hay gặp khó khăn gì. Câu giới thiệu về bản thân cũng hay
hỏi.

3. Luận văn

TUYỆT ĐỐI KHÔNG KHOE ĐIỂM HAY THÀNH TÍCH HỌC TẬP Ở PHẦN NÀY. Thay vào đó
tập trung vào những thứ như là bạn có thể đóng góp cho trường, xã hội như thế nào.
Đoạn văn phải nghe hoành tráng và cao siêu, đừng ghi thấp bé quá.

Chú ý lỗi chính tả vì nếu sai ngữ pháp sẽ là điểm trừ không đáng có
[13/5/2022] Kinh nghiệm chọn đại học của mình
(Bài viết đã được đăng trên Vnexpress với sự tinh chỉnh nhất định)

Bây giờ là lúc mọi người đều đã nhận offer từ các trường tại Singapore và nhiều bạn đang
đắn đo việc chọn trường của riêng cá nhân mình, vì thế mình sẽ nói chính xác ra hồi đó
mình đã quyết định đại học như thế nào. Đây là để mọi người tham khảo và mình mong
rằng sau khi đọc xong, nó có thể giúp các bạn định hình tốt hơn. Mình không có ý nói
trường nào tốt hơn trường nào vì mình nghĩ rằng bất kỳ lựa chọn nào đều có xấu và
tốt, không có trường tốt mà chỉ có trường phù hợp với cá nhân mình mà thôi.

3 năm trước mình nhận được 5 offers từ 5 trường khác nhau:

Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS) - Kỹ Sư Điện Tử

Đại Học Công Nghệ Nanyang (NTU) - Kỹ Sư Điện Điện Tử

Đại Học Công Nghệ và Thiết Kế Singapore (SUTD) - Kỹ Sư

Đại Học Quản Trị Kinh Doanh Singapore (SMU) - Công Nghệ Thông Tin

Đại Học London (UCL) - Kỹ Sư Điện Điện Tử

Thì câu chuyện đầu tiên trước khi chọn trường là xác định mục tiêu của mình là gì. Cá
nhân mình thì thích về Việt Nam lâu dài và vì thế học ở 1 trường ở châu Á sẽ giúp cho dễ
về hòa nhập văn hóa ở Việt Nam lại. Mình đang ngắm tới việc sau 10-20 năm sau sẽ
quản lý 1 công ty kỹ thuật ở Việt Nam nên việc chọn đại học sẽ xoay quanh việc đó.

Ngoài ra ở Singapore thì chi phí sinh hoạt và tiền học phí rẻ hơn Anh Quốc và thứ hạng
QS lại ngang như nhau nên UCL bị loại khỏi lựa chọn của mình. Vì mình nghĩ rằng độ
chênh lệch tiền học phí là khá cao, chưa kể về các vấn đề phụ như mình đã quen ở
Singapore, đa số bạn bè của mình đều ở Singapore và đồ ăn ở Singapore vẫn giống Việt
Nam hơn.

SMU bị loại là vì nó như là cái backup của mình. Mình thì rất thích SMU vì nó gần trung
tâm Singapore, bạn bè thì rất năng nổ và thích nói nhiều như mình. Điều tệ của SMU là
nó không có ngành kỹ thuật và điều đó sẽ ảnh hưởng vì lúc ra trường xong, mình sẽ ít bạn
bè làm việc liên quan đến kỹ thuật. Nó không phải là xấu nhưng lại không quá phù hợp
với định hướng nghề nghiệp của mình và IT là ngành trái so với cái mình học ở
Polytechnic (điện điện tử).

SUTD bị loại là vì ít người Việt, về Việt Nam sẽ khó vì ít người Việt = ít hiểu văn hóa Việt
Nam của các bạn trực tiếp từ Việt Nam sang + ít quan hệ để về nước làm việc. Mặc dù
thành thật mà nói SUTD dạy kỹ sư mình cảm giác tốt hơn NUS và NTU vì SUTD dựa vào
giáo trình của MIT đến 95% và nó rất thực hành. Kỹ sư tốt nghiệp SUTD xong có thể đi
làm luôn mà không cần qua huấn luyện như NTU và NUS.

Vậy cuối cùng lại chỉ còn 2 lựa chọn mà nhiều người rất hay hỏi, đó là NUS và NTU. Cái
này là cái lựa chọn khó khăn nhất vì 2 trường đều có thứ hạng ngang ngang nhau. NTU
thì mạnh về kỹ thuật điện điện tử hơn NUS (thứ 4 trên thế giới so với thứ 5 trên thế giới)
nhưng về mặt tổng thể thì NUS mạnh hơn NTU một chút. (đọc phần * ở dưới nếu bạn tò
mò sao thứ hạng quan trọng)

Quay lại câu chuyện, mình sẽ tóm gọn so sánh chi tiết của NUS và NTU

Về mặt giáo sư và giáo trình học

Đều có thầy dạy tốt, thầy dạy tệ như nhau. Cũng không khác biệt gì mấy về cả giáo trình
vì sinh viên đều ca khó y chang nhau. Cả 2 bằng đều giúp đi vào công ty lớn, trường tốt
để học sau đại học và vì thế ở mặt này 2 trường sẽ là hòa.

Về mặt sinh viên, văn hóa sinh viên

Sinh viên tại NUS có nhiều sinh viên từ Singapore lên và vì thế đối với mình ở đoạn này
NUS thắng. Văn hóa của NUS thì cũng phù hợp với các bạn ở Singapore từ cấp 2 hơn
theo mình hiểu. Tuy nhiên ở đoạn này thì mình có thể chấp nhận NUS thắng được vì
mình hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động của các bạn NUS sau khi vào NTU và
ngoài ra mình đang làm ở VNYA, tức là cơ hội để nói chuyện với sinh viên trường khác
cũng cao hơn hẳn. Ngoài ra, mình cũng cảm thấy có nhiều sinh viên NUS gia đình có
background giống mình hơn so với NTU. Và nếu không chơi với người Việt thì mình hoàn
toàn có thể chơi với người Singapore, vì mình đã rất quen văn hóa ở đây.
Cái mình thấy được sinh viên cả 2 trường là các bạn rất quyết tâm học và mình rất quý
việc này. Mình xin lấy 2 ví dụ để các bạn hiểu rõ luận điểm của mình.

1. Mình có 1 đứa bạn ở NTU mà mẹ nó bị bệnh hiểm nghèo và nó ngày nào lên trường thì
1 là không ăn gì, 2 là mua Chinese Mix Rice (cái đồ mà thường coi là giá sinh viên nhất
trong trường) nhưng nó rất quyết tâm học và nó đã luôn được dean's list từ đầu kỳ đến
giờ. Mình tôn trọng nó vì nó muốn trở thành nhà khoa học tốt cho thế giới.

2. Bạn mình ở NUS là con trai của giám đốc công ty XYZ, một công ty rất lớn ở miền Nam
(mình xin phép không khai toàn bộ vì nó không thích bị dư luận soi) nhưng nó rất phấn
đầu và nó coi trọng cơ hội mà mình có được. Nó vẫn đi MRT (tàu điện ngầm) bình
thường, dùng điện thoại model cũ và cư xử một cách rất khiêm tốn. Mình rất coi trọng nó
vì cách nó hành xử.

Thì đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện, nếu bạn có cơ hội để nói chuyện thì mình
tin còn nhiều câu chuyện khác.

Ngoài ra, các câu lạc bộ ở trong 2 trường thì lại khá giống nhau nên cũng không có gì quá
để bàn cãi.

Về mặt đối xử với sinh viên sắp vào:

Mình được NTU cho học bổng với phỏng vấn cho vui (cảm giác cho có) mặc dù lúc đầu
mình không có đăng ký học bổng. Và vì thế mình cảm giác được trân trọng hơn ở NTU so
với NUS vì cảm nhận như trường muốn mình hơn. Đương nhiên là về sau giáo sư NUS
cũng gọi hỏi là tại sao không vào NUS (cỡ 2 tuần sau) nhưng mình nghĩ về mặt đối xử
sinh viên sắp vào thì NTU tốt hơn hẳn và cũng định cho mình học bổng lại.

NTU EEE (nhấn mạnh chữ EEE vì mỗi ngành sẽ có chương trình nhận sinh viên khác
nhau) thậm thì còn cho mình gặp mấy anh chị đang học và còn tổ chức camp (hồi đó là
COVID-19, nên là virtual camp) để chào đón sinh viên sắp vào. Đồ goodie bag thì chỉ có
NTU EEE gửi mình năm đó, và tương đối nhiều đồ tốt.

Các bạn SVVN của 2 trường thì theo mình thấy đều tốt bụng và hướng dẫn mình nếu cần
thiết nên cái này thì lại là huề.

Về mặt cơ sở vật chất, địa điểm

Địa điểm là điểm trừ rất lớn của NTU khi nó xa trung tâm và mình vẫn đồng ý vậy, mọi
người hay khịa NTU là Pulau NTU (đảo NTU) vì nó xa hết mọi nơi.

Cơ sở vật chất thì 2 trường tiêu ghê như nhau, không tiếc tiền nghiên cứu. Ở NTU thì có
trung tâm sản xuất vệ tinh (thực ra còn rất nhiều trung tâm khác nhưng cái này có lẽ dễ
hình dung nhất), thì cái trung tâm đấy có đủ kinh phí và đã sản xuất 9 cái vệ tinh. Trong
khi đó nhiều quốc gia ở Đông Nam Á bây giờ còn không thể sản xuất 1 cái vệ tinh nào. Ở
NUS thì mình đi tour ngày trước thì giáo sư khoe mua cánh tay robot giá 2 triệu đô
Singapore (34 tỷ đồng Việt Nam) để làm thí nghiệm về trọng lực của mặt trăng =)))
Đối với 2 trường, tiền chỉ là nước nhưng cái quan trọng hơn là nước đổ về đâu và tại sao
lại phải đổ ở chỗ đó.

Về mặt ra trường

Sinh viên NTU thiên hướng về Việt Nam hơn NUS, mình cảm nhận được việc này thông
qua các thông tin của alumni. NUS thì đa phần ở lại Singapore hoặc đi nước thứ 3 hơn.
Vì vậy ở đây, NTU phù hợp hơn

Tuy nhiên về mặt cách nhìn nhận của đa số người Việt Nam thì NUS lại hơn NTU. Một
phần là vì chữ Nanyang là cách quảng bá hình ảnh rất tệ, tên khá giống trường Trung
Quốc. Ngoài ra là vì NUS phong trào du học có sớm hơn NTU nên reputation được xây
dựng sớm hơn.

Nếu bạn có ý định làm ở Trung Quốc thì cái tên NTU lại giúp bạn khá nhiều hơn so với
NUS.

Tổng kết là NTU đã được chọn với mình vì:

1. Cách đối xử sinh viên sắp vào

2. Định hướng nhiều người về Việt Nam hơn

Và điểm xấu (có thể chấp nhận được) là:

1. Xa

2. Văn hóa năm 1 ở cộng đồng người Việt sẽ khá khác với các bạn học ở đây lâu.

Bài rất dài nhưng mong nó đã giúp bạn được nào đó trong chọn trường

*Giải thích việc sao thứ hạng quan trọng

1. Nó phản ánh tình hình tài chính của cái trường đó.

Vì trường càng nhiều tiền thì sẽ chi mạnh vào những criteria để chạy thứ hạng, ví dụ như
thuê giáo sư nổi tiếng để kéo thứ hạng. Nghĩa là trường đó đã được đầu tư rất nhiều tiền.

2. Nó phản ánh chất lượng sinh viên đầu vào, và khả năng cao đầu ra

Trường thứ hạng cao thì chưa chắc đã dạy tốt nhưng điều khá chắc là sinh viên giỏi sẽ
ngắm thứ hạng. Điều này đồng nghĩa rằng khả năng rất cao sinh viên ra trường sẽ cũng
giỏi.

Để chạy được nhanh nhất thì bạn phải đua với người nhanh nhất nên mình nghĩ mình
khá quan trọng về vấn đề sinh viên đầu vào, vì mình muốn bạn chạy cùng phải có nỗ lực
y chang như mình hoặc hơn.

3. Cách nhà tuyển dụng nhìn vào mình lúc tuyển mình
Các doanh nghiệp Việt Nam ngày trước thì ai du học đều có thể vào làm việc luôn,
nhưng đấy là 10-20 năm về trước. Bây giờ doanh nghiệp Việt Nam và cả các nơi khác
trên thế giới đặt rất nặng vào thứ hạng. Họ sẽ nhìn thẳng vào thứ hạng để xem ai nên
tuyển với các công ty lớn, đa quốc gia. Nghe hơi cạnh tranh nhưng đấy là thực tại.

Ảnh: UTown@NUS và Hive@NTU


[8/5/2022] Tổng hợp câu hỏi về Đại Học tại Singapore (cái này áp dụng
với đại đa số trường công lập) mà mọi người hỏi mình (phần 2).

Q: Cách tính điểm đại học là như thế nào?


A: Nó dựa vào bellcurve, tức là ví dụ top 25% được A, rồi tiếp là A- và dần dần tới F (mình
có đính kèm ảnh để mọi người dễ hình dung). Tuy nhiên là không ai biết chính xác là bao
nhiêu người được điểm loại gì và chỉ giáo sư mới biết được. Câu hỏi tiếp theo mọi người
sẽ hỏi là hệ thống này liệu có tốt không? Câu trả lời là tùy.

Ví dụ như bạn chỉ ngắm giữ học bổng (tức là 3.5/5.0), thì tức là bạn cần B tối thiểu tất cả
các môn. Ở vị trí này thì bellcurve lại giúp bạn tại đại đa số mọi người đều sẽ được B
miễn sao bạn có học hành đàng hoàng. Ở trường mình (tức là điện điện tử, chứ không
phải NTU), các giáo sư khá là cố gắng cứu sinh viên để được B. Nhưng để các thầy cứu
được thì trong bài thi final, bạn phải viết cái gì đó, kể cả các câu mà bạn không biết để
các thầy có lý do cứu bạn được. Vì kể cả câu đó sai hoàn toàn nhưng nó vẫn liên quan
đến cái thứ bạn học thì các thầy còn có thể lý giải cho cấp trên để cho bạn vài điểm của
câu đó (theo các thầy kể với mình).

Nhưng nếu bạn ngắm cái gì đó cao hơn B thì bellcurve lại làm khó bạn vì chỉ có top đầu
mới được điểm cao và cạnh tranh khá là khốc liệt để có được điểm cao.

Các môn tự chọn, không bắt buộc tất cả mọi người học thường sẽ có median cao vì chỉ
có những người giỏi môn đó học.

Bạn mình (chuyên toán Việt Nam) có lấy 1 môn toán tự chọn (không bắt buộc tất cả mọi
người học) và bạn ấy được 85/100 cho 1 bài kiểm tra nhưng trung bình của lớp lại là
95/100 nên cuối cùng vẫn phải SU. SU được định nghĩa là biến môn thành pass/fail. Quy
định SU của mỗi trường công lập mỗi khác.
Tuy nhiên có vài lần bellcurve đã cứu mình. Một trong những môn mình có final khó đến
mức mà lúc mọi người vào phòng thi, ai cũng nhìn nhau sau 10 phút vì không ai biết phải
viết cái gì. Hôm đó mọi người nhìn nhau rồi lần lượt xin đi vệ sinh vì đề rất lạ. Lúc ra ngoài
thì mọi người đều bảo làm được câu 1a xong 3 câu kia và phần 1b,c là chém bừa. Cuối
cùng điểm ra vẫn ổn là mình chưa thấy ai trượt môn. (1 cái final là chiếm 60% tổng điểm)

Q: Sinh viên có năng lực học như thế nào?


A: Thường thì các bạn từ Việt Nam sang học chuyên sẽ có lợi thế năm 1 vì học chắc mấy
môn cơ bản là toán và lý. Tuy nhiên thì có bạn (thực ra nhiều bạn) nói với mình là năm 2
trở đi khó hơn vì các bạn người Singapore học chăm và bây giờ các bạn ở Việt Nam
không có kiến thức học trước nữa. Các bạn nam người Singapore sẽ gặp khó khăn toán
năm 1 do đi nghĩa vụ quân sư hoặc học ở polytechnic thì không có dạy toán nặng.

Nếu bạn học kỹ thuật diện điện tử thì nếu học môn chuyên ngành nên kiếm người giúp
làm lab có background ở Polytechnic. Mấy môn chuyên ngành đều đã được dạy ở
Polytecnhic (ở mức độ dễ hơn) nhưng quan trọng hơn là kỹ năng thực hành được ở
Polytechnic vẫn nặng hơn so với đại học .

Còn với các bạn học A level/IB ở đây thì mình thấy điểm của các bạn ấy vẫn đều đều từ
đầu đến cuối. Sinh viên Trung Quốc và các nước khác trong Đông Nam Á cũng khá cạnh
tranh về việc học và các bạn ấy rất giỏi (vì cũng được giải này giải kia ở nước nhà), nên
cũng đừng mong đợi cạnh tranh dễ.

Q: Em thấy việc học này nặng ghê, liệu có cần thiết không?
A: Thực ra là cần vì nó dạy em cách để chịu đựng được áp lực. Hãy tưởng tượng sau này
nếu em là sếp của 1 công ty và em phải lo vấn đề lương cho hàng trăm nhân viên lúc đó,
đương nhiên là nó sẽ rất căng thẳng và nếu không học khó, khổ thì em sẽ không quen
được việc này.

Và thực tế đã chứng minh là sau 10-20 năm tốt nghiệp, khá nhiều sinh viên tốt nghiệp
NTU hoặc các trường công khác đã làm ở ví trí cao trong doanh nghiệp (kể cả ở
Singapore lẫn Việt Nam) và bộ máy công lập. Đây không phải là từ kiến thức mà mọi
người học hoàn toàn mà là những thứ mọi người học từ việc học những kiến thức đó. Ví
dụ học cách làm việc hiệu quả, sắp xếp thời gian tốt và chịu được áp lực nặng về mặt
tâm lý lẫn thể chất.

Đương nhiên lúc trước khi vào thì ai cũng có phần sợ hãi (ngày trước anh cũng vậy)
nhưng sau rồi lúc em vào học xong 1 năm, cái đó không còn sợ hãi nữa và em đã quen
với việc đó. Lúc cuối sau khi tốt nghiệp, lúc nhìn lại sẽ thấy những hi sinh đó là xứng
đáng.

[4/5/2022] Câu hỏi về du học Singapore


Hiện tại có khá nhiều du học sinh hỏi mình về vấn đề du học ở Singapore. Mình xin phép
tổng hợp câu hỏi của các bạn kèm câu trả lời (theo góc nhìn cá nhân, mọi người chỉ nên
lấy nó làm tham khảo)

Q: Đi học tại Singapore có được đi làm thêm không?

A: Được nhưng tùy trường. Đây là danh sách từ chính phủ Singapore:
https://www.mom.gov.sg/.../work-pass-exemption-for.... Bạn lưu ý là có thời gian giới
hạn làm trong 1 tuần.

Q: Vào trường công lập (NUS, NTU, SMU, SUTD) tại Singapore khó không?

A: Có, siêu khó. Trước khi dịch bệnh COVID-19, theo Minh nghe từ nhiều nguồn thì có
400-500 bạn Việt Nam thi UEE để vào một trường trên nhưng chỉ có cỡ 15-30 bạn đỗ (tùy
năm). Thường đại đa số sinh viên Việt Nam tại trường công lập sẽ từ cấp 3 Việt Nam qua
còn lại sẽ học ở Singapore. Một số (rất ít) sẽ học từ cấp 3 tại Mỹ hoặc Anh rồi sang
Singapore học. Trường công lập của Singapore chỉ được cho phép tối đã 20% sinh viên
quốc tế nhập học và tỷ lệ người Việt Nam trong số 20% đó rất ít. Nó dẫn tới việc việc vào
4 trường trên còn "khoai" hơn một số trường ở Anh (nếu dùng điểm cấp 3 tại Singapore)
như UCL mặc dù UCL có thứ hạng rất cao trên thế giới.

Q: Lương tốt nghiệp ra được bao nhiêu?


A: Dùng keyword "graduate employment survey" + tên trường để tìm, nó sẽ dẫn tới
đường link tới bảng của Bộ Giáo Dục Singapore. Ví dụ đường link:
https://www.moe.gov.sg/.../web-publication-nus-ges-2020.pdf

Q: Chi phí sinh hoạt?

A: Tùy trường nhưng thường là từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng Việt Nam cho một năm học tại
Singapore.

Q: Mình thấy các trường quảng bá về thứ hạng, thông tin này như thế nào?

A: Hiện nay có rất nhiều bảng xếp hạng và mỗi bảng xếp hạng đại học chấm mỗi khác.
Cái này vẫn đúng một số thứ nhất định tại đây cũng phản ánh cách đại đa số công ty
nhìn vào tấm bằng của bạn lúc bạn ra đi làm. Một số bảng mà nhà tuyển dụng/đại học
nhìn khi bạn học thạc sĩ và tiến sĩ là QS, Times Higher Education và AWRU.

Tuy nhiên do bảng thứ hạng có liên quan đến phần nghiên cứu và nó chiếm tỷ trọng rất
nhiều nên bảng thứ hạng không phản ánh được đúng hết chất lượng dạy học và cơ hội
trong trường nên cái này các bạn cần cân nhắc.

Q: IELTS bao nhiêu là tốt?

A: 5.5 - 6.5 tùy trường nhưng cao hơn thì tốt hơn

[7/2/2022] Giải thích về khái niệm Tuition Grant và Học Bổng


Có bạn hỏi mình phân biệt giữa các loại học bổng ở NTU Singapore thì mình có thể viết
để các bạn hiểu thêm (có thêm thông tin không chính thức để mọi người xem)

Đầu tiên, mình muốn nói rõ là tuition grant không phải học bổng. Nó là trợ cấp của chính
phủ Singapore để khuyến khích sinh viên quốc tế ở lại Singapore làm việc 3 năm dưới
công ty đăng ký tại Singapore.

Học bổng NTU có 2 dạng, 1 dạng cho đầu vào và dạng 2 là cho học sinh đang học trong
năm. Nếu bạn đã nhận học bổng đầu vào thì bạn sẽ không được nhận học bổng trong
năm.

Học bổng NTU dạng đầu vào đều bao gồm 100% học phí và kèm theo những lợi ích đi
phụ. Đây được coi là khá hào phóng so với nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên điều kiện để
nhận rất cạnh tranh.

Danh sách học bổng:


https://www.ntu.edu.sg/admissions/undergraduate/scholarships/freshmen#Content_C
010_Col01

Học bổng đầu vào:


Các bạn học tại Việt Nam có thể nhận: Nanyang Scholarship và ASEAN Undergraduate
Scholarship

Các bạn học tại Singapore người Việt có thể nhận: Toàn bộ cái ở trên kèm với Nanyang
Scholarship (CN Yang Scholars Programme), College Scholarship, School Scholarship.

Hiện nay mình chưa thấy người Việt nhận được NTU Science and Engienering
Undergraduate Scholarship mà chủ yếu thấy các bạn Trung Quốc và Ấn Độ nhận nhiều.
Riêng với Humanities, Arts and Social Sciences thì mình chưa thấy sinh viên quốc tế
được nhận. Một phần là đa số mọi người sang Singapore học mấy ngày liên quan đến
STEM nhiều hơn.

Ngoài ra, bạn có thể đăng ký học bổng Dr Goh Keng Swee and Kuok Foundation riêng (vì
nó không thuộc trong đơn đăng ký học của trường).

Với học bổng đầu vào, bạn cần giữ điểm khoảng 3.5/5.0 và tư cách đạo đức tốt. Cá nhân
mình nghĩ thì cái này không quá khó (nhưng đừng chủ quan vì có người đã bị mất học
bổng rồi), miễn sao bạn học hành đàng hoàng đầy đủ.

Học bổng cho sinh viên đang học:

Rất khó để lấy và nó chỉ có giới hạn tiền nhất định (3000 SGD - 160000 SGD). Ngoài ra
cần chứng minh rằng gia đình có khó khăn

Thứ tự ưu tiên học bổng:

Người Singapore > Thương Trú Lâu Dài (PR) > Sinh Viên Quốc Tế học tại Singapore ở
JC/Poly > Sinh Viên Quốc Tế

Bài viết năm 2021


[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 1
[Giáo dục Singapore #01]

Mình nhận thấy rằng bạn có câu hỏi về hệ thống giáo dục ở Singapore. Do có chút kinh
nghiệm học lâu năm tại Singapore nên mình muốn chia sẻ với nhóm

Disclaimer: Mình đăng bài này với tư cách cá nhân và chỉ có tính chất tham khảo, bạn
nên tự tra về những gì mình nói để đam bảo thông tin đúng. Mình sẽ không chịu trách
nhiệm gì phát sinh do bài post này.

Trong bài đầu tiên, mình sẽ nói về tổng quan giáo dục Singapore rồi sẽ đi sâu về từng giai
đoạn, cấp 2, cao đẳng (mình không học dự bị đại học) và đại học tại Singapore.
Cái đầu tiên mình muốn nhắc đến là hệ thống tính điểm của Singapore. Ở Singapore mọi
người tin vào 1 thứ gọi là meritocracy tức là nôm na nếu bạn càng giỏi thì bạn sẽ càng
được trọng dụng. Vì vậy Singapore áp dụng 1 thứ gọi là bellcurve. Ở Việt Nam, bạn chỉ
cần trên 8 điểm là học sinh giỏi nhưng ở Singapore, bạn phải được đứng trong top 20%
để được A. Điều này áp dụng cho toàn bộ cuộc thi quốc gia từ Tiểu Học tới Đại Học. Lý
do chính là vì nếu tất cả mọi người được A thì giá trị của con A đó sẽ hết. Tuy nhiên nếu
bạn có học (và học đàng hoàng), bạn chắc chắn sẽ được B. Singapore từng là thuộc địa
của Anh nên hệ thống giáo dục khá có nhiều điểm giống như Anh, Úc và Canada.

Một điểm khác so với Việt Nam là thay vì học cấp 3, Singapore lại cho sinh viên chọn
học giữa dự bị đại học (JC) hoặc cao đẳng (Polytechnic). Một số bạn do không thích hệ
thống giáo dục của Singapore hay vì một số lý do nào khác lại chọn theo hướng trường
tư (Private Education). Thường thì 25% học sinh sau khi thi xong O level sẽ chọn JC còn
lại 75% sẽ chọn Polytechnic. Để vào được Polytechnic, bạn hoàn toàn có thể dùng bằng
cấp 3 của Việt Nam để đăng ký hoặc IGCSE.
Nếu giả sử bạn chọn cấp 3 là cao đẳng và muốn học lên đại học, đại học sẽ dựa vào
điểm GPA của 3 năm của bạn thay vì 1 kỳ thi như dự bị đại học. Với học sinh mang quốc
tịch Singapore hoặc là cư dân thường trú (PR), việc vào đại học sẽ dễ hơn so với sinh
viên quốc tế đăng ký vào đại học công lập. Mình có gắn ảnh về 1 số đại học mà các bạn
học poly chọn khi quyết định đại học. Điểm tối đa là 4.0.

Các trường như SIM, Kaplan với JCU cũng là lựa chọn nhưng mình không rõ điểm đầu
vào của 3 trường kể trên.

Lưu ý rằng điểm ở trong bảng chỉ là ước tính sơ qua, điểm chi tiết mình sẽ ghi trong bài
sau.

NUS = ĐH Quốc Gia Singapore

NTU = ĐH Công Nghê Nanyang

SMU = Đại Học Quản Trị Singapore


UCL = University College London (Mình không rõ tên tiếng Việt)

UNSW = ĐH New South Wales

[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 2


Disclaimer: Mình đăng bài này với tư cách cá nhân và chỉ có tính chất tham khảo, bạn
nên tự tra về những gì mình nói để đam bảo thông tin đúng. Mình sẽ không chịu trách
nhiệm gì phát sinh do bài post này.

Nếu bạn có ý định du học từ hồi lớp 8 thì bạn có thể vào cấp 2 công lập Singapore qua 2
con đường chính. 1 là thi học bổng chính phủ của Singapore. Học bổng sẽ bao gồm tiền
học phí, ký túc xá và tiền học cho sinh viên từ năm lớp 8 đến hết dự bị đại học. Tuy nhiên
bạn phải giữ 1 số điểm nhất định trong suốt quá trình học.

Con đường này thường được rất nhiều người mong muốn được nhưng tỷ lệ chọi rất khó.
Thường thì cứ 400 bạn thi thì Singapore chỉ lấy cỡ 20 - 30 bạn và cả 400 bạn thi đều có
thành tích học tập tốt lúc học cấp 2 tại Việt Nam.

Thường những bạn được học bổng từ chính phủ Singapore có profile như là:

1. Học giỏi nhất trường chuyên một số môn

2. Thi quốc gia/quốc tế được giải


3. Giỏi nhất Tỉnh một môn nào đó

Các bạn được học bổng xong sẽ được vào 1 số trường chuyên của Singapore. Một điều
thú vị là các trường rất tốt ở Singapore thường là trường nam sinh và nữ sinh.

Cách khác mà mọi người hay vào là thi qua AEIS hoặc S-AEIS. AEIS là để vào đầu năm
học còn S-AEIS là để vào giữa năm học. Thi AEIS và S-AEIS có 3 môn là toán, tiếng anh
và logic. Minh ghét cái cuộc thi này vì bạn không biết điểm bạn là bao nhiêu mà chỉ biết
bạn trượt hay đỗ vào trường công lập nào. Trường công lập mà bạn đỗ thường là trường
‘làng’ nhiều nên học sinh học yếu hơn so với trung bình.

Ở trong trường công lập có nhiều loại hệ khác nhau nhưng thường học sinh việt nam sẽ
vào 3 hệ chính là integrated program (thường chỉ cho học sinh ASEAN, A*STAR) tức là
học thẳng lên A level và không cần thi O level. Các bạn đậu AEIS hay S-AEIS sẽ vào
Express, nếu học yếu thường sẽ phải xuống normal academic.
Có 2 điểm lưu ý ở đây:

1. Singapore O level khác phiên bản O level của nhiều nước khác. Phiên bản của
Singapore phải học nhiều hơn rất nhiều và có thể nói là phiên bản khó nhất. Lý do là vì
Singapore có quá ít dân số và họ hay lấy học sinh giỏi từ các nước về dẫn tới việc phải ra
đề khó để có thể bellcurve được.

2. Mọi người hay quan điểm học sinh Việt Nam giỏi toán hơn học sinh nước ngoài nhưng
mình nghĩ điều này không áp dụng cho một bạn học lực trung bình, khá ở Việt Nam sang
Singapore học cho lắm. Mình thấy kha khá nhiều bạn học tự túc trượt toán cơ bản (E-
math) và siêu ít bạn học tự túc có thể chịu được sự khắc nghiệt của giáo dục Singapore
để đi đến hết chặng đường. Đó là lý do tại sao vào năm 2016, Singapore đứng đầu thế
giới về toán và khoa học cấp 2 trong bảng PISA.

Về môn học O level,

Khá giống Việt Nam về loại môn ví dụ như đều có toán, toán nâng cao, tiếng anh,….Điểm
khác biệt lớn nhất là ở Singapore mọi người được chọn môn cho mình trừ một số môn
bắt buộc như Tiếng Anh. Mọi người cũng có thể gộp 2 môn thành 1 môn. Các bạn Trung
Quốc thường hay lấy tiếng Trung (Chinese không phải Higher Chinese) để ăn điểm A nên
có một số lợi thế hơn các bạn Việt Nam. Có tiếng Việt nhưng không ai lấy cả.
Cách tính điểm O level của Singapore là từ A1 đến F9. Cái số đằng sau rất quan trọng vì
bạn sẽ phải cộng hết số đằng sau lại để biết tổng điểm. Tổng điểm các ít thì bạn các có
nhiều lựa chọn hơn lúc lên dự bị đại học hoặc cao đẳng.

Về cơ bản là vậy

[2/12/2021] – Giáo dục Singapore phần 3


[Giáo dục Singapore #03] Về cao đẳng

Disclaimer: Mình đăng bài này với tư cách cá nhân và chỉ có tính chất tham khảo, bạn
nên tự tra về những gì mình nói để đam bảo thông tin đúng. Mình sẽ không chịu trách
nhiệm gì phát sinh do bài post này.

Hệ thống Cao Đẳng là điểm đặc biệt duy nhất của hệ thống Singapore tại ở các nước
khác, cao đẳng là thường sau khi học xong cấp 3, mọi người sẽ chọn giữa Đại Học và
Cao Đẳng nhưng ở Singapore, mọi người chọn sau cấp 2. Điều này xảy ra là vì ngày xưa
khi Singapore mới thành lập (1965), Singapore quá thiếu nhân công lao động và quá ít
công việc cần đến bằng đại học (đại đa số mọi người lúc đó mọi người mới tốt nghiệp
cấp 2) nên Singapore đã xây dựng hệ thống cao đẳng để đào tạo nhân lực tầm trung.
Ngày trước (cỡ rất lâu) khi học Cao Đẳng thì mọi người không thể lên được Đại Học Công
Lập của Singapore mà phải đi nước khác như Anh Quốc nhưng bây giờ hệ thống
Singapore đã đổi để cho nhiều bạn từ Cao Đẳng có thể lên học.
Như bài đăng số #01 mình đã nói rằng đại đa số mọi người từ cấp 2 Singapore sẽ thường
vào cao đẳng. Có 1 số lý do như sau:

1. Cao Đẳng học rất khác so với Dự Bị Đại Học (JC) là ở chỗ nó giống như một cái đại học
thu nhỏ (học không khoai như đại học) nên các bạn thường sẽ có nhiều tự do hơn.

2. Học Cao Đẳng nhẹ hơn Dự Bị Đại Học và không tập trung vào kỳ thi cuối (A level/IB).

3. Bằng Cao Đẳng của Singapore tương đối được công nhận, bạn có thể đi mấy trường
top trên thế giới như TUM ở Đức, UCL ở Anh, UNSW ở Úc và nhiều trường khác,

Tuy nhiên bạn nên lưu ý rằng là học sinh từ Dự Bị Đại Học thi A level/IB sẽ được xét tuyển
ưu tiên hơn về học bổng, các chương trình siêu danh giá (ví dụ học Renaissance
Engineering của Đại Học Công Nghệ Nanyang) hơn so với các bạn Cao Đẳng và thời gian
học Dự Bị Đại Học là 2 năm, sớm hơn Cao Đẳng 1 năm.

Singapore có 5 trường cao đẳng công và một số trường cao đẳng bán công. Mình sẽ chỉ
tập trung 5 trường cao đẳng công lập. Điểm tổng của Cao Đẳng là 4.0, tức là sau mỗi kỳ
bạn sẽ tính điểm GPA rồi cộng lại rồi dùng điểm đó để xét tuyển.

Về Đại Học Công Lập tại Singapore, bạn có thể tra trên google tên trường + key word
"Indicative Grade Profile", nó sẽ hiện ra hết điểm.

Mình đã screenshot Indicative Grade Profile của NTU cho mọi người tham khảo. Do
Singapore có quy định tối đa 10% sinh viên quốc tế nên khi nhìn điểm, bạn nên phấn
đấu để được 90th Percentile. Còn nếu bạn muốn học bổng của Đại Học Công Lập, thì
bạn phải được thủ khoa + tham gia một số hoạt động ngoại khóa của trường (với tư cách
là chủ tịch/phó chủ tịch) hoặc làm 1 startup thời Polytechnic.

Tuy nhiên vẫn có nhiều lựa chọn khác nếu giả sử bạn không đỗ được NUS, NTU và SMU,
ví dụ như học ở UCL ở Anh. Lý do UCL điểm đầu vào thấp hơn là vì trường không có
quota theo kiểu của Singapore (theo mình hiểu) nên với sinh viên quốc tế sẽ dễ vào hơn
nhiều.

Ngoài ra nếu bạn còn học ở Singapore thì mình sẽ recommend SIM (với tư cách cá nhân)
vì mình thấy cơ sở vật chất trường này rất tốt.

Thường thì các bạn sẽ bị điểm thấp ngay từ kỳ 1 năm 1 do bị shock văn hóa (không có
thầy cô dạy kèm, tự học) rồi năm 2 điểm mọi người sẽ cao lên và năm 3 thì ai vào được
đại học đều biết đã vào được. Nếu mình có lời khuyên thì mình sẽ khuyên các bạn cố
gắng hết mình từ kỳ 1 năm 1 đến hết kỳ 1 năm 3 rồi kỳ cuối có thể chơi bời. Lý do là vì các
trường công lập của Singapore sẽ gửi thư mời đặc biệt (early admission exercise) cho
những bạn có GPA siêu cao (3.9 đổ lên) để đăng ký sớm và họ chỉ xem xét điểm 5 kỳ của
bạn. (Nhìn cái thư này khá xịn xò, các trường công lập còn mời bạn đi ăn buffet ở khách
sạn 5 sao để dụ bạn vào =))).
Nếu sau bài viết này mà bạn muốn học cao đẳng thì bạn có thể đăng ký qua JAE (nếu
học cấp 2 ở Singapore) hoặc DAE (cấp 3 Việt Nam). Mình chụp ảnh lấy ví dụ của trường
Temasek Polytechnic (https://www.tp.edu.sg/.../foreign-international...)

Lần sau mình sẽ kể tại sao lại được mời ăn buffet miễn phí và review ĐH tại Singapore.

You might also like