Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

PHÂN TÍCH BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Đất nước – đề tài muôn thuở trong thi ca và nghệ thuật, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn
nghệ sĩ.. Trong những năm tháng chiến tranh, tình yêu đối với đất nước lại càng tỏa sáng và rực
cháy trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Khi nhắc đến văn chương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta biết những nhà thơ
trong thời kỳ này như Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật... họ viết về hào khí của cả
một dân tộc:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
mà lòng phơi phới dậy tương lai.”
Một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của văn chương Việt Nam ngày ấy phải kể đến
một nhà thơ đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi của dân
tộc – đó là Nguyễn Khoa Điềm.
Khi nói đến Nguyễn Khoa Điềm, từ trong tiềm thức của mỗi người yêu văn chương đều
không thể quên phong cách thơ ông là phong cách thơ trữ tình chính luận. Thơ Nguyễn Khoa
Điềm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư, thể hiện tâm tư của người trí
thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Một trong những kiệt tác của Nguyễn
Khoa Điềm phải kể đến đoạn trích “Đất nước” thuộc chương V của “Trường ca mặt đường khát
vọng” được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974.
Tác phẩm đã xây dựng thành công tư tưởng “Đất nước là của nhân dân”, do nhân dân bảo vệ
và gìn giữ muôn đời trên cả 3 bình diện: chiều rộng của không gian địa lý chiều dài của lịch sử và
chiều sâu văn hóa. Nhà thơ như đứng trước hàng trăm những câu hỏi “Đất nước này là do ai làm
ra? Sẽ do ai bảo vệ và gìn giữ muôn đời? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, Nguyễn Khoa Điềm
ngược dòng cảm xúc của mình để đi tìm về cội nguồn của đất nước.
Khi nói đến vẻ đẹp của đất nước trên bình diện của chiều sâu văn hóa, ta phải hiểu văn hóa là
những giá trị mà con người ở 1 vùng đất tạo ra. Có thể đó là giá trị tinh thần cũng có thể là giá trị
phi vật thể. Nguyễn Khoa Điềm nhìn nhận người Việt Nam không chỉ ra đi để bảo vệ đất đai xứ sở
mà còn truyền và bảo vệ cho nhau những hạt giống dân ta, những vẻ đẹp mang đậm cốt cách của
con người Việt Nam được truyền từ đời này sang đời khác, từ trái tim của người già sang lồng
ngực của người trẻ, đó là vẻ đẹp mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam ta. Đất Nước bắt đầu từ một
cách trang trọng mà hết sức bình dị, gần gũi:
Cấu trúc câu “Đất nước có – bắt đầu – lớn lên” đã hữu hình hóa quá trình phát triển của đất
nước trong trường kì lịch sử, đất nước tựa như một sinh mệnh sống với nội lực mãnh liệt. Nghệ
thuật liệt kê là biện pháp chủ đạo quán xuyến toàn bộ bài thơ, góp phần khắc họa đất nước bình dị,
gần gũi. Đất nước gắn liền với bà, với mẹ, với cha, đất nước hài hòa trong mối quan hệ gia đình,
làng xóm. Đất nước là một phần máu thịt trong kí ức của mỗi con người.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể”
Nhà thơ ngược dòng cảm xúc của mình về với những cái ngày xửa ngày xưa, đưa ta về miền
cổ tích diệu kì từ lâu đã trở thành cội nguồn của đời sống, tâm hồn ta, cho ta nhữngbài học nhân
sinh về lẽ sống nhân hậu, sống nghĩa tình, sống yêu thương, đùm bọc, chở che nhau.
“Đất nước bắt đầu bằng miếng trầu bà ăn”
Đó là tục nhuộm răng, tục nhai trầu của người già. Đồng thời đó cũng là câu ca dao tục ngữ
“miếng trầu là đầu câu chuyện”, là sự tích trầu cau, là vẻ đẹp của người già Việt Nam. Đất Nước là
văn hóa kết tinh từ tâm hồn Việt. Từ truyện ca dao, cổ tích đến tục ngữ, “miếng trầu” đã là một
hình tượng nghệ thuật mang tính thẩm mĩ, là hiện thân của tình yêu thương, lòng thủy chung của
tâm hồn dân tộc. Tiếp đến, nhà thơ như một người hướng dẫn đưa ta trở về làng Phù Đổng nghe lại
sự tích Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà đánh tan giặc Ân.
“Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Hình ảnh dân ta trồng tre đánh giặc không chỉ được lặp lại 1 lần mà còn xuyên suốt 90 câu
thơ hình ảnh này được lặp lại tới ba lần, đó là biểu tượng cho truyền thống yêu nước, đánh giặc
giữ nước của nhân dân Việt Nam. Có thể thấy, từ bao đời nay, từ truyền thuyết dân gian đến tác
phẩm thơ hiện đại, cây tre trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần quật cường đánh giặc cứu
nước và giữ nước, biểu tượng phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ “lớn lên” được dùng
rất chính xác, rạo rực niềm tin, niềm tự hào dân tộc.
Giọng thơ thâm trầm, trang nghiêm làm cho suy từ về cội nguồn Đất Nước giàu chất triết
luận mà vẫn thiết tha, trữ tình. Cách cảm nhận, lí giải cội nguồn Đất Nước bằng những hình ảnh
bình dị, thân thuộc đã khẳng định rằng: Đất Nước gần gũi, thân thuộc, bình dị ngay trong đời sống
mỗi người. Câu thơ: “Tóc mẹ thì bới sau đầu” nhắc đến chúng ta nghe về thứ tập tục làm nên nét
riêng của người phụ nữ VN truyền thống.
Đất nước trưởng thành từ những giọt mồ hôi tần tảo dầm mưa giãi nắng. Hạt thóc, hạt gạo
thấm mồ hôi, thấm nhọc nhằn nuôi lớn biết bao những thế hệ. Đất nước lớn lên từ những gian khổ
của cha và từ những lo âu của mẹ: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Đó là chất
liệu của ca dao tục ngữ, đó là tình, là nghĩa, là lời thề vàng đá, là lối sống thủy chung, son sắt của
những cặp vợ chồng Việt Nam.
Câu thơ “Cái kèo, cái cột thành tên” nói đến tục đặt tên con xấu cho dễ nuôi. Thủ pháp nghệ
thuật liệt kê trong câu thơ thứ 8“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng” chỉ ra
những bước để tạo ra hạt gạo - một đất nước có nền văn minh lúa nước, luôn bảo vệ hạt giống, cốt
cách con người Việt Nam. Những vẻ đẹp do cha mẹ truyền cho con tiếng nói, thầy cô truyền cho
học trò chữ viết, ông cha truyền lại cho con cháu lối sống và nếp nghĩ thông qua ca dao tục ngữ.
Và chính nhân dân là những người đã truyền lại những vẻ đẹp của đất nước, những nét đẹp
văn hóa của người Việt Nam. Dần dần tác giả nhận ra: “Đất Nước có từ ngày đó...”, ta không biết
ngày đó là ngày nào chỉ biết đó là từ rất xưa, rất xa. Chỉ biết rằng đất nước có từ lúc những huyền
thoại, truyền thuyết, từ lúc dân tộc hình thành phong tuc tập quán, từ lúc dân Việt mình không tiếc
máu xương để giữ từng tấc đất thiêng liêng và dùng bàn tay lao động để xây dựng đất nước.
“Ngày đó” vừa là trạng từ chỉ thời gian trong quá khứ vừa là một phép thế đại từ. Vậy là Đất
Nước có từ khi mẹ thường kể chuyện cổ tích cho con nghe, khi dân ta biết trồng tre đánh giặc, biết
trồng ra hạt lúa, củ khoai, biết ăn trầu, búi tóc, biết sống yêu thương, thủy chung.
Như đã nói ở trên, Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trưởng thành từ quân đội, là một trong
những nhà thơ đã xẻ dọc chiều dài của mảnh đất hình tia chớp. Trước hết, khi nói về chiều rộng
của không gian địa lý ta phải hiểu địa lý là tất cả những yếu tố về mặt tự nhiên trên một đơn vị
diện tích lãnh thổ đất nước. Là một nhà thơ đã đi hết chiều dài của mảnh đất hình chữ S, ông hiểu
từng đại danh và vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu
nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Ấn tượng ban đầu của chúng ta khi đọc 8 câu thơ là ta như bị chìm ngập trong không gian cổ
tích diệu kỳ thần thoại. Cả đoạn thơ là kho truyện cổ, các sự tích như “núi vọng phu”, hay “hòn
Trống Mái”.
Một lần nữa tác giả như một người hướng dẫn viên du lịch đưa ta trở về làng Phù Đổng nghe
sự tích thánh Gióng nhổ bụi tre ngà đánh tan giặc Ân. Đó là truyền thống yêu nước của nhân dân
ta. Mỗi một dòng thơ tuy độ dài ngắn khác nhau nhưng đều có chung một kết cấu. Mỗi dòng thơ
đều chia ra hai phần và liên kết với nhau bằng điệp từ “góp”.
Ta có thể chia đoạn thơ dọc theo từ “góp” sẽ được hai nửa diễn tả theo tương quan đối lập.
Nửa trước nói về nhân dân, lời thơ mộc mạc, bình dị, cảm xúc, có pha chút ngại ngùng, xót
thương. Trái lại, nửa sau từ “góp” lại nói về đất nước, lời thơ lộng lẫy những sắc màu muôn hình
vạn trạng. Nghệ thuật tương phản này chính là bài ca ca ngợi sự hi sinh của nhân dân để tạo nên
đất nước huy hoàng. Đằng sau mỗi địa danh là một tên gọi, đằng sau mỗi tên gọi là một huyền
thoại và sau những huyền thoại là cuộc đời của những con người. Nhân dân làm nên đất nước, đó
là những cặp vợ chồng thủy chung, là những anh hùng, những người lính quyết tử cho tổ quốc
quyết sinh, là những người học trò nghèonghiền bút, là ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm...
Hơn thế nữa, nhân dân còn là những cái tên bé nhỏ vô danh được ẩn dụ bằng nhữnghình ảnh con
cóc, con gà.. Trong nhân dân còn có những nhân vật mà chỉ nhắc đến ta đã thấy hung vĩ thiêng
liêng, ngưỡng mộ, tôn thờ, được ẩn dụ bằng hình ảnh “Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất
tổ Hùng Vương” phục quanh núi Hi Cương hay “Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh
thẳm”. Nhân dân ta đa dạng là thế, đông đảo là vậy mà chỉ làm một việc chung và thống nhất: góp
sức chung lòng để xây dựng nên đất nước Việt Nam ta. Nhà thơ sử dụng điệp từ “góp” thật ấn
tượng, gợi sự kiên trì, bền bỉ, ý chí thống nhất, tình đoàn kết trăm người chung một việc: góp phần
kiến tạo nên không gian huy hoàng cho nhân dân. Nhân dân đã góp sức, góp sự đoàn kết và góp cả
máu xương, cả tính mạng, góp tên tuổi, góp tài hoa. Nhờ đó mà thế hệ chúng ta mới có được một
đất nước hữu hình – đất nước của những anh hùng.
Nguyễn Khoa Điềm có nhắc đến những địa danh không tên. Có người đã từng nói “đất hoang
là đất không tên”. Việc đặt tên cho một địa danh là vô cùng quan trọng, không thể làm tùy tiện. Có
không ít những địa danh đã soi bóng trong thơ ca dân tộc nhằm ca ngợi núi sông hùng vĩ, địa linh
nhân kiệt.
Nhưng Nguyễn Khoa Điềm không đi theo hướng đó, ông lại diễn tả sự sinh sôi của các địa
danh đó vì ở đó có lòng chung thủy, sự gắn bó, có máu xương, có tài hoa, có tên tuổi, có linh hồn
của nhân dân. Đây là kết quả của sự hi sinh bền bỉ to lớn của nhân dân. Có thể nói, tám câu thơ
đều đã giúp người đọc thấy được sự kỳ diệu của thế hệ trước. Nó giống như một bông vàng chói
lọi mà tổ quốc gọi công cho nhân dân – người đã hi sinh để làm nên tác phẩm kỳ diệu là nhân dân
ta.
Nếu như tám dòng thơ trước tưng bừng những màu sắc lấp lánh, hình tượng đầy chất thơ thì
bốn câu thơ sau lại là những cảm xúc chứa đựng đầy suy ngẫm của lối nói chính luận xen lẫn sự
trầm ngâm của một trí thức.
Trước hết ta đến với hai câu thơ:
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”
Được viết liền mạch theo lối vắt dòng và diễn tả bằng lối phủ định để khẳng định. Nó giống
như một tuyên ngôn sôi nổi mang hình thức tranh luận để khẳng định mạnh mẽ những hi sinh to
lớn của nhân dân. Tiếp đến, câu thơ thứ ba: “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy”
sử dụng thán từ “Ôi” – một câu cảm thán. Nhà thơ như không giấu nối lòng mình, bộc lộ cảm xúc
nghẹn ngào trước những hi sinh vĩ đại của nhân dân.
Tác giả nhấn mạnh ở cụm từ “bốn nghìn năm” – đó là chiều dài lịch sử dân tộc, bốn nghìn lớp
cha ông đều chiến đấu, đời cha đi trước, đời con đi sau, cha con đều là những đồng chí đồng đội
chiến đấu vì độc lập dân tộc. Kết thúc đọan thơ là một câu thơ vô cùng ấn tượng: “Những cuộc đời
đã hóa núi sống ta...” bởi có sự chuyển đổi. Những câu thơ trước đó mỗi dòng đều có từ mười ba
đến mười lăm âm tiết nhưng ở câu thơ cuối lại chỉ vỏn vẹn trong tám âm tiết. Đó như một sự trầm
ngâm, một sự đúc kết để rút ra chân lý cô đọng. Bên cạnh đó, nó còn được kết thúc bởi hai thanh
bằng như một lời hạ giọng để suy tư in dấu vào âm hưởng. Dấu ba chấm kết thúc đoạn thơ như
một phút lặng của long người trước những xáo trộn của tâm hồn. Nhưng ấn tượng nhất là câu thơ
thật hàm súc.
Cuộc đời của những con người tuy ngắn ngủi hữu hạn là thế nhưng lại hóa thành núi sông ta,
gởi những cái hùng vĩ vô hạn, vĩnh hằng bất biến. Đây chính là sự biến đổi phi thường khẳng định
nhân ta thật kỳ diệu! Họ chẳng những hóa thân để làm nên hình hài đất nước mà còn làm nên linh
hồn đất nước.
Bên cạnh vẻ đẹp chiều rộng không gian địa lý đất nước còn hiện lên với chiều dài của lịch sử.
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Trãi là một nhà sử gia chính thống, là một quan đại thần dưới triều
Lê, ông là một nhà chép sử, nghiên cứu về lịch sử. Nguyễn Trãi nhìn nhận lịch sử Việt Nam là sự
tiếp nối của các triều đại, của các đời vua:
“Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.
Nhưng ngược lại, Nguyễn Khoa Điềm không nhìn nhận lịch sử theo lối của một nhà sử gia
chính thống. Đoạn thơ có lẽ mang đậm màu sắc lịch sử nhất trong toàn bộ thi phẩm này ta phải kể
đến:
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước”
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con”
Nếu như Nguyễn Trãi nhìn nhận lịch sử đất nước ta theo lối của một nhà sử gia chính thống
thì Nguyễn Khoa Điềm lại nhìn nhận lịch sử theo lối gợi mở lịch sử. Ông xoáy sâu và nhấn mạnh
vào con số “bốn ngàn năm”. Bốn ngàn năm ấy là bốn ngàn lớp người Việt Nam ra trận, là bốn
ngàn thế hệ người Việt Nam ra trận, lớp cha trước lớp con sau cũng thành đồng chí chung câu
quân hành. Đó là một cuộc chạy đua tiếp sức của người dân Việt Nam. Nói về lịch sử bốn nghìn
năm của đất nước, nhà thơ không nhắc lại các triều đại, các anh hùng nổi tiếng mà tập trung nhấn
mạnh vai trò của những con người vô danh:
“Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”
Họ đã làm ra Đất Nước bằng chính những công việc hằng ngày và trong suốt cuộc đời họ:
“Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại”
Họ truyền cho nhau ngọn lửa mang tên sức sống của dân tộc Việt Nam. Họ bảo vệ đất đai xứ
sở từ thời vua Hùng cầm gươm đi mở cõi. Họ đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá
trị văn hóa, văn minh tinh thần và vật chất của đất nước, của dân tộc: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói,
ngôn ngữ dân tộc, cả tên xã, tên làng và truyền thống chống thù trong giặc ngoài. Để rồi khi đọc
đến đây, từ trong trái tim của mỗi người yêu văn chương vọng lại những vần thơ của Hoàng Trung
Thông trong bài thơ “Báng súng”:
“Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua”.
Chính nhân dân đã viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, để viết
lên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam thì đó là máu, là mồ hôi, là nước mắt của nhân dân.
Cũng như vậy, ta lại nhớ đến hình ảnh anh giải phóng quân trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”
của Lê Anh Xuân:
“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng
Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
Không một dòng địa chỉ, cũng chẳng có một tấm hình trước lúc lên đường nhưng những con
người ấy vẫn nguyện ra đi để bảo vệ đất đai xứ sở nguyện ngã xuống để “Tổ quốc bay lên bát ngát
mùa xuân”.
Hay như triết gia người Đức – Engels đã từng nói: “Nếu như không có máu, mồ hôi và nước
mắt thì không có lịch sử dân tộc”. Mạch suy nghĩ sâu lắng dẫn đến tư tưởng cốt lõi, điểm hội tụ và
cũng là điểm đỉnh của cảm xúc trữ tình ở cuối đoạn: Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân. Khi
thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, tác giả đã trở về với ngọn nguồn phong phú, đẹp đẽ của
văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là ca dao, vẻ đẹp tinh thần của nhân dân, hơn đâu hết, có
thể tìm thấy trong ca dao, dân ca, truyện cổ : Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần
thoại. Câu thơ hai vế song song là một cách định nghĩa về Đất Nước thật giản dị mà cũng thật độc
đáo. Nền văn hóa của Đất Nước Việt Nam là nền văn hóa của Nhân dân, do Nhân dân sáng tạo
nên. Trong nền văn hóa ấy, ca dao thần thoại luôn chứa đựng cả lịch sử, xã hội, văn hóa của Đất
Nước, đặc biệt là đời sống tâm hồn của nhân dân.
Nhà thơ đã vận dụng vốn ca dao, dân ca một cách sáng tạo: không lặp lại nguyên văn mà chỉ
sử dụng ý tứ và hình ảnh của ca dao, vẫn gợi nhớ đến ca dao nhưng lại trở thành một câu thơ, một
ý thơ gắn bó trong mạch chung của toàn bài để từ đó khẳng định: Con người Việt Nam say đắm
trong tình yêu.
Thành công nghệ thuật của đoạn thơ này chính là là sự vận dụng những yếu tố dân gian kết
hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ.
Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu, không
gian nghệ thuật riêng: vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ mộng của ca
dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng hình thức thơ tự do.
Có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên đặc điểm nghệ
thuật độc đáo của đoạn thơ này.
Qua đoạn trích Đất Nước, chúng ta phần nào nhận thấy đặc điểm của phong cách thơ Nguyễn
Khoa Điềm là sự kết hợp giữa chính luận với trữ tình, giữa suy tưởng với cảm xúc cùng ngôn ngữ
thơ bình dị, gần gũi, nồng hơi thở cuộc sống. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ hài hòa
với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ đã “nhịp mãi một tấm lòng sứ điệp” để ta thêm yêu và tự hào
vể Đất Nước Việt Nam 4000 năm lịch sử. Qua đó ta có thể thấy, dù ở lĩnh vực địa lý, lịch sử hay
văn hoá, “Đất nước này là của nhân dân”, sẽ do nhân dân bảo vệ và gìn giữ muôn đời. Nhà thơ
Nguyễn Khoa Điềm đã chưng cất, lắng ủ và lên men trong tiếng thơ của mình, vẻ đẹp duyên dáng
nhuần nhị của những thi liệu văn hóa văn học dân gian. Sự nhất quán trong toàn bộ đoạn thơ với
những câu thơ dài ngắn đan xen nhau như sự tan chảy của dòng cảm xúc, sự miên man của dòng
suy tưởng. Xuyên suốt toàn bộ bài thơ 2 chữ “Đất nước” luôn được viết hoa 1 cách trang trọng, lặp
đi lặp lại tựa như 1 nốt chủ âm trong bản trường ca về non sông gấm vóc. Nhờ đó, tác phẩm đã
khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, cùng trách nhiệm công dân trong mỗi chúng
ta. Mặc dù bài thơ được viết theo lối trường ca, kể lể, liệt kê, khó đọc khó nhớ nhưng với những gì
Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong tác phẩm này ông xứng đáng là một trong số những nhà thơ
tiêu biểu của văn chương Việt Nam ngày ấy. Đồng thời, “Đất nước” cũng xứng đáng trở thành
hành trang tinh thần của người yêu văn chương suốt bây nhiêu lâu nay về đề tài tình yêu quê
hương, tình yêu đất nước và có giá trị cho đến ngày hôm nay.

You might also like