Nguyen Ai Quoc

You might also like

Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 7

NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI VIỆC ĐỊNH HƯỚNG CON ĐƯỜNG

CỨU NƯỚC Ở VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỈ XX


Nguyễn Thị Ngọc Nhi*

Nguyễn Ái Quốc là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời 79 tuổi
xuân của Người đã cống hiến trọn vẹn cho non sông, đất nước. Công lao trời bể của
Người không gì có thể so sánh được:
“Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ”
Khi đánh giá về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, chủ nghĩa Mác –
Lênin đã nhấn mạnh vai trò to lớn của cá nhân kiệt xuất trong từng bước ngoặt lịch sử.
Những chiến công oanh liệt mà dân tộc Việt Nam làm nên trong công cuộc giải phóng
đất nước là công lao của toàn thể nhân dân anh dũng, song trong đó nổi bật lên vai trò
kiệt xuất của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngay từ bước đi đầu tiên trong cuộc đời hoạt động
cách mạng của mình, Người đã tự tìm được bước đi đúng đắn để rồi từ đó dẫn dắt con
thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, cập bến bờ độc lập, thống nhất
như ngày hôm nay.
Đầu thế kỉ XX, thế giới và Việt Nam có nhiều biến động to lớn tác động mạnh
mẽ đến nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
1. Tình hình thế giới
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản xác lập cơ cấu quyền lực trên
phạm vi toàn cầu dường như ổn định và sung sức. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế,
văn hóa nghệ thuật, giáo dục từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 đã tạo nên thế giới châu
Âu. Các nước châu Âu viết nên những trang chính của lịch sử thế giới. Hàng loạt các
nước tư bản chủ nghĩa tiến lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Bên trong sự phát triển
này đã xuất hiện những mặt trái của nó như mâu thuẫn không thể điều hòa giữa tư sản
và vô sản, giữa các nước đế quốc với nhau.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản, phong trào công nhân ở
các nước tư bản chủ nghĩa cũng lên cao. Năm 1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
ra đời đã đưa giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị quốc tế, tuyên bố sứ mệnh lịch

*
Học viên Cao học, Khoa Lịch Sử, Trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM.

1
sử của giai cấp công nhân. Với sự ra đời của Quốc tế I (1864), Quốc tế II (1889), giai
cấp vô sản đã xác định nhiệm vụ của mình: “giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”.
Từ đây, hàng loạt các phong trào công nhân diễn ra khắp nơi và phát triển mạnh mẽ.
Tuy vậy, lúc bấy giờ mối liên hệ giữa giai cấp vô sản chính quốc và giai cấp vô sản
thuộc địa còn hạn chế, chưa thường xuyên.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của hệ thống tư bản chủ nghĩa ở châu Âu thì
ở châu Á, thế kỉ XIX được coi là thế kỉ bản lề của xã hội châu Á. Sự xuất hiện của
mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa đang đối lập gay gắt với nhà nước phong kiến lạc
hậu, bảo thủ. Dưới ảnh hưởng của văn minh phương Tây, châu Á bước vào thời kì
thức tỉnh (đi theo con đường dân chủ tư sản) với sự thành công của phong trào Minh
Trị Duy Tân đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến thành một nước tư bản, với cuộc
Duy Tân của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng
Tân Hợi. Như vậy vào cuối thế kỉ XIX, giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa và phụ
thuộc vẫn giữ vai trò tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc: xóa bỏ chế độ
phong kiến để đi theo văn minh phương Tây, thức tỉnh châu Á.
Năm 1917, cách mạng tháng Mười Nga thành công, thành lập nước Nga Xô
viết. Đây là sự kiện có nghĩa lịch sử vĩ đại, khẳng định giai cấp vô sản có đủ năng lực
để lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thiết lập một xã hội mới tốt đẹp hơn. Thành
công đầu tiên của giai cấp vô sản là:
“Nước Nga có chuyện lạ đời
Biến người nô lệ thành người tự do”
Đây là bài học sáng nhất, có giá trị nhất của cách mạng tháng Mười Nga, thúc
đẩy, cổ vũ những người bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh, khẳng định sức
sống của giai cấp vô sản – giai cấp đông đảo nhất xã hội, như Bác Hồ nhận xét:
“Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức
tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất” 1. Với cách mạng tháng
Mười Nga 1917, một thế giới hiện đại đã được xác lập, một con đường giải phóng dân
tộc mới đã được mở ra. Đó là con đường đi theo ánh sáng của cách mạng tháng Mười,
tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin, như Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đối với lịch sử cuộc
đời đau khổ và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc

1
Hồ Chí Minh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Sự thật, H. 1970, tr.298.

2
đời mới, là ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải
phóng”2.
Sau khi chiến tranh thế gới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp hội nghị
Versailles để phân chia quyền lợi. Mỹ đến hội nghị với chương trình 14 điểm đề cao
quyền dân tộc tự quyết nhưng thực chất là “một trò bịp lớn”. Cùng năm này, Quốc tế
Cộng sản (Quốc tế III) ra đời với nhiệm vụ chiến lược: vô sản toàn thế giới và các dân
tộc bị áp bức đoàn kết lại. Quốc tế III tích cực hoạt động cho sự kết hợp giữa cách
mạng giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, kết hợp giữa cách mạng chính quốc
và cách mạng thuộc địa. Từ đó đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công
nhân (điển hình nhất là cao trào công nhân 1919 – 1923), các chính đảng vô sản được
thành lập ở nhiều nước (Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Đảng Cộng sản Trung Quốc
năm 1921).
Như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp vô sản đã vươn lên mạnh
mẽ và cùng với đó là sự thức tỉnh của các quốc gia châu Á. Tất cả những điều này đều
ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mạng Việt Nam.
2. Tình hình Việt Nam
Vào cuối thế kỉ XIX, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng thật buồn
thảm. Trong trào lưu xâm lược thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây, từ năm
1858, thực dân Pháp bắt đầu tiến công quân sự để chiếm Việt Nam. Sau khi đánh
chiếm được nước ta, thực dân Pháp thiết lập bộ máy thống trị thực dân và tiến hành
những cuộc khai thác nhằm cướp đoạt tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ mạt và mở
rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Chính sách cai trị của thực dân Pháp làm cho Việt
Nam có những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội. Bản chất của “sứ mạng
khai hóa” đó chính là sự khai thác thuộc địa diễn ra dưới lưỡi lê, họng súng, máy
chém… Chúng bóc lột nhân dân ta nặng nề về kinh tế nhằm đạt được lợi nhuận tối đa,
kìm hãm, nô dịch về văn hóa, giáo dục chứ không phải đem đến cho dân ta một sự
“khai hóa văn minh” – một sự khai hóa và cải tạo thực sự theo kiểu phương Tây.
Trong xã hội Việt Nam, bên cạnh những giai cấp cũ (nông dân, địa chủ phong kiến),
đã xuất hiện những giai cấp và tầng lớp mới (tư sản, tiểu tư sản, công nhân). Như vậy,
dưới chế độ thực dân phong kiến, xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu
thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Hai mâu thuẫn này đã phát triển đến mức chín
2
Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Sự thật, H. 1981, tr. 1 – 2.

3
muồi, đòi hỏi phải giải quyết và chỉ có được giải quyết mới mở đường cho xã hội phát
triển. Hai mâu thuẫn này vừa là nguồn gốc, vừa là động lực làm nảy sinh và thúc đẩy
mọi phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến ở nước ta.
Các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta nổ ra ngay từ khi chúng
đặt chân đến xâm lược (1858). Các phong trào này diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhưng
cuối cùng đều bị thất bại. Ngọn cờ Cần vương bị hạ xuống đã chứng tỏ sự bất lực của
hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử
đặt ra.
Đầu thế kỉ XX, dưới ảnh hưởng của trào lưu dân chủ tư sản thế giới, phong trào
yêu nước Việt Nam đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản mà đại diện là Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh. Các phong trào yêu nước lúc bấy giờ diễn ra liên tục, sôi nổi,
lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú, thể
hiện thức dân tộc, tinh thần chống đế quốc của giai cấp tư sản Việt Nam nhưng cuối
cùng đều thất bại vì: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải
lương. Anh nhận ra điều đó là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan
Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì
“đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, và trực
tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng còn nặng cốt cách phong kiến” 3. Sự thất bại của
những con người yêu nước này đã phản ánh sự bế tắc về đường lối cứu nước.
Như vậy, muốn giải quyết được hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam cần
phải có một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Bấy nhiêu năm chưa có
Đảng, cách mạng Việt Nam vẫn chìm đắm trong vòng đen tối như đêm trường không
có đường ra:
“Đêm sao đêm tối mò mò
Đêm sao tối mãi, bao giờ sáng ra”
Chính trong màn đêm đen tối ấy đã xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó chính
là Nguyễn Ái Quốc.
3. Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19/55/1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn,
tỉnh Nghệ An. Nơi đây “đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ làm

3
Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, (in lần thứ hai), Nhà xuất bản Sự thật,
Hà Nội, 1970, tr. 13 – 14.

4
ruộng mương, học trò ưa chuộng học hành” 4 nên được “gọi là đất danh tiếng hơn cả
năm châu, sinh ra nhiều bậc danh hiền” 5. Thuở nhỏ, Người có tên là Nguyễn Sinh
Cung, lớn lên đổi tên là Nguyễn Tất Thành. Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho
yêu nước, lớn lên gặp cảnh nước mất nhà tan, lại chứng kiến sự thất bại của hàng loạt
phong trào yêu nước, được tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng đương thời, được sống
trên mảnh đất quê hương có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường… Tất cả đã
hun đúc Nguyễn Ái Quốc, khiến Người sớm có lòng yêu nước và quyết chí ra đi tìm
đường cứu nước.
Bài học lớn mà Nguyễn Ái Quốc rút ra từ các phong trào yêu nước và các tấm
gương xả thân vì Tổ quốc là: đương đầu với một kẻ thù mạnh, mang tính quốc tế, hơn
hẳn chúng ta một phương thức sản xuất, nhiều thủ đoạn nham hiểm, nếu chỉ có lòng
yêu nước, căm thù giặc không thôi thì chưa đủ để giành thắng lợi. Vấn đề đặt ra là cần
phải có một đường lối đúng đắn, giải quyết được những vấn đề bức xúc của dân tộc
Việt Nam là giành được độc lập dân tộc bằng chính sức ta, không cầu viện, không “xin
giặc rủ lòng thương”. Nhưng đó là con đường nào? Tìm ở đâu? Trước năm 1920, đó là
vấn đề lịch sử đặt ra cho nhân dân Việt Nam, trong đó có người thanh niên Nguyễn Ái
Quốc.
Để giải quyết vấn đề đó, Nguyễn Ái Quốc thấy rằng cần phải ra nước ngoài đi
tìm đưởng cứu nước: “Tôi muốn ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau
khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” 6. Nguyễn Ái Quốc đã
sớm nhận thức rằng, sở dĩ nhân dân ta khổ cực là vì bị thực dân Pháp áp bức, như
chánh mật thám Đông Dương – Lui Acnu – đã ghi nhận rằng: “Cuộc đời này (chỉ
Nguyễn Tất Thành) như vậy là đã bắt đầu trong không khí bất công, oán hận và phẫn
nộ chống lại nước Pháp”7. Do đó cần phải hiểu Pháp để đánh thắng Pháp.
Những năm đầu thế kỉ XX cũng có nhiều nhà yêu nước Việt Nam xuất dương
để tìm cách giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi họa ngoại xâm. Nhưng họ xuất dương
chỉ là để “cầu viện”, chuẩn bị lực lượng kéo về nước, hoặc đào tạo cán bộ để về lãnh
đạo. Điều kiện lịch sử lúc bấy giờ đã hạn chế tầm nhìn của họ. Họ chưa nhận ra rằng,

4
Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tập 2, tr. 121.
5
Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Dư địa chí”, bản dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội,
1991, tr. 65.
6
Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, (in lần thứ hai), Nhà xuất bản Sự thật,
Hà Nội, 1970, tr. 13.
7
Trích theo Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Ed du Seuil, Paris, 1967, tr. 11.

5
trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho
ta”.
Vượt lên những hạn chế của thời đại, ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại bến Nhà
Rồng, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước vì không tán thành con đường cứu
nước của các vị tiền bối. Việc Nguyễn Tất Thành quyết định đi sang phương Tây đã
thể hiện một bản lĩnh, một khả năng tư duy độc lập, sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi.
Có thể nói, ngay từ bước đi đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã kế thừa tinh thần yêu nước
của các vị tiền bối, đồng thời không ngừng phát triển tư tưởng đó thêm một bước nữa
để chọn con đường cứu nước mới. Để đi đến quyết định này, Người đã phải lựa chọn
trước con đường phong kiến hay tư sản, bằng phương pháp bạo động (Phan Bội Châu)
hay cải cách (Phan Châu Trinh). Cuối cùng Người quyết định đi theo con đường riêng
do chính mình chọn, đánh dấu bước chuyển biến trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc.
Tóm lại, tình hình trong nước và thế giới trong thập kỉ đầu của thế kỉ XX trước
khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, có những biến động mang tính thời
đại, báo hiệu việc mở ra kỉ nguyên mới cho nhân loại và dân tộc. Đánh giá một nhân
vật lịch sử không có nghĩa là đòi hỏi xem người ấy có công lao gì so với chúng ta ngày
nay, trái lại phải đòi hỏi xem người ấy có công lao gì so với tổ tiên của họ. Ở đây, hơn
hẳn các bậc tiền bối, Nguyễn Ái Quốc đã vượt lên những hạn chế của lịch sử để đi
sang phương Tây, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, việc Nguyễn Ái Quốc rời
bến Nhà Rồng cách đây một thế kỉ là một trong những sự kiện lớn của thế kỉ XX. Nó
tạo cơ sở và góp phần làm nên những sự kiện lớn khác trong phong trào giải phóng
dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1970, tập 2.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Sự thật, H. 1981, tr. 1 – 2.
3. Hồ Chí Minh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Sự thật, H.
1970, tr.298.
4. Mãi mãi theo Người Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM,
2000.

6
5. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Dư địa chí”, bản dịch,
Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1991.
6. Phan Ngọc Liên, Trịnh Vương Hồng, Hồ Chí Minh chiến sĩ cách mạng quốc tế,
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
7. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội,
1971.
8. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, (in lần
thứ hai), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970.
9. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân
tộc, danh nhân văn hóa, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.

TÓM TẮT
Đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc,
hoàn thành quá trình xâm lược, áp đặt chủ nghĩa thực dân lên các nước thuộc địa. Năm
1917, cách mạng tháng Mười Nga thành công đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc của các nước bị áp bức, nô dịch. Cũng trong thời gian đó, Pháp đã
hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam. Ở Việt Nam, các phong trào yêu nước chống
Pháp diễn ra liên tục, mạnh mẽ nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Tiêu biểu như phong
trào Cần vương, xu hướng bạo động của Phan Bội Châu, xu hướng cải cách của Phan
Châu Trinh. Cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX lâm vào tình trạng khủng hoảng về
đường lối trầm trọng, xã hội Việt Nam chìm trong màn đêm đen tối “dường như không
có lối ra”. Chính lúc đó, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, đảm nhận sứ mệnh lịch sử giao
phó. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Ái Quốc quyết định sang phương Tây tìm
đường cứu nước. Đây là thời điểm rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng
của Người, đánh dấu sự chuyển biến trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.

Địa chỉ liên hệ:


NGUYỄN THỊ NGỌC NHI
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM, Số 10 –
12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP.HCM.
ĐT: 0983.765.615

You might also like