233-Hoàng Thu Trang-Báo Cáo TTTH

You might also like

Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 17

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

KHOA KINH TẾ - LUẬT

BÁO CÁO THỰC TẬP TỔNG HỢP


Đơn vị thực tập: Sở Công thương tỉnh Phú Thọ

NGÀNH ĐÀO TẠO: KINH TẾ


CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ

Giáo viên hướng dẫn Sinh viên thực tập


- Họ và tên : Th.S Đặng Hoàng Anh - Họ và tên : Hoàng Thu Trang
- Bộ môn : Quản lý kinh tế - Lớp : K54F5
Phần 1. Giới thiệu chung về đơn vị thực tập
1.1, Chức năng
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện
chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công thương,
bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới, năng lượng
tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến
khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm;
công nghiệp chế biến khác; an toàn thực phẩm; lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh;
xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử;
dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá;
chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến công, quản lý cụm công
nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công trong các
ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở theo quy định của pháp luật.
1.2, Nhiệm vụ
1.2.1, Công tác quản lý nhà nước nói chung:
a) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các dự
thảo quy hoạch, kế hoạch và dự thảo các quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban
hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực công thương;
b) Hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình và các quy định về phát triển
công thương sau khi được phê duyệt;
c) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, kiểm tra, thẩm định thiết kế các dự án đầu tư xây
dựng, chất lượng các công trình thuộc ngành công thương trên địa bàn tỉnh theo phân
cấp; cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn và thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận thuộc
phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương theo quy định của pháp luật, sự
phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công thương đối với các Phòng
Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
giao và theo quy định của pháp luật.
1.2.2, Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển các ngành công nghiệp
và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.2.5, Về thương mại:
Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý về
thương mại nội địa; thương mại xuất nhập khẩu; thương mại điện tử; quản lý thị
trường; xúc tiến thương mại; về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ,
bán hàng đa cấp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hội nhập kinh tế.
1.3, Mô hình tổ chức bộ máy quản lý
1.3.1, Ban Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ:
a) Giám đốc: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng
- Là người đứng đầu sở, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh và các công việc được Ủy
ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân công hoặc ủy quyền.
b) Phó Giám đốc: 1. Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh
2. Đồng chí Đặng Việt Phương
- Là người giúp Giám đốc sở chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước
Giám đốc sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc sở vắng
mặt, một Phó Giám đốc sở được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của sở.
1.3.2, Các phòng chức năng:
a) Văn phòng Sở: Chánh Văn phòng Hoàng Quốc Ngọc
b) Thanh tra Sở: Chánh Thanh tra Nguyễn Tri Phương
c) Phòng Quản lý công nghiệp: Trưởng phòng Đỗ Hồng Phương
d) Phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp: Trưởng phòng Hoàng Anh Tuấn
e) Phòng Quản lý năng lượng: Trưởng phòng Nguyễn Việt Thành
g) Phòng Kỹ thuật an toàn – Môi trường: Trưởng phòng Đào Anh Tuấn
h) Phòng Quản lý đầu tư và hợp tác quốc tế: Trưởng phòng Bùi Thanh Tùng
i) Phòng Quản lý thương mại: Trưởng phòng Đặng Thế Kiên
k) Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương:
- Giám đốc: Nguyễn Thị Mai Phương
- Phó Giám đốc: Điêu Việt Hồng
- Phó Giám đốc: Nguyễn Thế Vinh
Phần 2. Các công cụ và chính sách quản lý nhà nước đang được
triển khai thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý
nhà nước về kinh tế của đơn vị

2.1, Công cụ kế hoạch hóa


2.1.1, Kế hoạch Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut
Corona.
- Kế hoạch số 133/KH-SCT do Sở Công thương tỉnh Phú Thọ ban hành ngày
07/02/2020 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của
Ngành Công Thương để chủ động phòng, ngừa và phối hợp xử lý kịp thời các tình
huống nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, vật tư, thiết bị y tế trong công tác
phòng chống dịch bệnh, phù hợp với yêu cầu kinh tế xã hội và điều kiện hoạt động sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2.1.2, Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của
Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi
trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
- Kế hoạch số 153/KH-SCT do Sở Công thương tỉnh Phú Thọ ban hành ngày
13/02/2020 nhằm mục tiêu thực hiện tốt các nội dung về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy
định về điều kiện kinh doanh; cải cách toàn diện công tác quản lý; cải thiện môi trường
đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.
2.1.3, Kế hoạch Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý
vi phạm hành chính.
- Thực hiện Kế hoạch số 633/KH-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ về triển khai
thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa
bàn tỉnh, Sở Công thương Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 345/KH-SCT ngày
30/03/2021 với mục đích tuyên truyền, phổ biến và quán triệt thực hiện nội dung Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đến tất cả cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp ngành Công thương nhằm
nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm
của Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở trong
việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi
phạm hành chính; bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
2.1.4, Kế hoạch Dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phòng chống thiên tai trên
địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021.
- Kế hoạch số 455/KH-SCT do Sở Công thương tỉnh Phú Thọ ban hành ngày
19/04/2021 lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu
nạn năm 2021, để chủ động và kịp thời đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân
dân trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người, tài sản của Nhà
nước, nhân dân và các doanh nghiệp; bảo vệ tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngành
Công thương trong năm 2021.
2.2, Công cụ luật pháp
Sở Công thương là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân, đảm nhận chức
năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về thương mại. Để có thể quản lý được hoạt động
thương mại ở địa phương thì Sở Công thương có trách nhiệm triển khai các công cụ
pháp luật do Uỷ ban nhân dân ban hành. Các công cụ luật pháp hiện nay đang được
triển khai thực hiện ở tỉnh Phú Thọ như sau:
2.2.1, Kế hoạch Xúc tiến Thương mại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025
- Kế hoạch số 3720/KH-UBND ngày 24/08/2020 của UBND tỉnh Phú Thọ nhằm
thúc đẩy và tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp
- Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã,
cơ sở sản xuất kinh doanh về vai trò, lợi ích và kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản
xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế.
2.2.2, Quyết định về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn
2021-2025.
- Quyết định số 3612/QĐ-UBND ban hành ngày 31/12/2020
- Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn
nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật
liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh,
phát triển bền vững; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao
đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
2.2.3, Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp quản lý cụm
công nghiệp trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND
ngày 20 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Phú Thọ.
- Số hiệu: 10/2021/QĐ-UBND ban hành ngày 24/06/2021
2.3, Công cụ chính sách
Hiện nay Sở Công thương tỉnh Phú Thọ đang triển khai các Thông tư, Nghị định
của Chính phủ và các Bộ nhằm quản lý hoạt động thương mại ở địa phương như sau:
2.3.1, Thông tư Quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do
giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Số hiệu: 02/2021/TT-BCT
- Ngày ban hành: 11/06/2021
2.3.2, Quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan
- Số hiệu: 03/2020/TT-BCT
- Ngày ban hành: 22/01/2020
2.3.3, Quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương
- Số hiệu: 04/2020/TT-BCT
- Ngày ban hành: 22/01/2020
2.3.4, Thông tư 13/2020/TT-BCT sửa đổi Thông tư 13/2015/TT-BCT quy định về
kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 13/2020/TT-BTC
- Ngày ban hành: 06/03/2020
2.3.5, Nghị định Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực
hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba giai đoạn 2020 – 2023
- Số hiệu: 39/2020/NĐ-CP
- Ngày ban hành: 03/04/2020
2.3.6, Thông tư sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh
doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương
- Số hiệu: 13/2020/TT-BCT
- Ngày ban hành: 18/06/2020
Phần 3. Thực trạng kết quả hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà
nước về kinh tế của đơn vị thời gian qua

3.1, Thực trạng kết quả hoạt động quản lý về thương mại
3.1.1, Thương mại nội địa
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra
sôi động, hệ thống bán lẻ cùng với hình thức thương mại điện tử phát triển mạnh, đáp
ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Công tác quản lý thị trường tiếp tục được
tăng cường, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, qua đó giúp bình ổn thị trường, tránh việc
buôn bán các mặt hàng trái phép, hàng giả, hàng kém chất lượng, bán phá giá, nhằm
đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu
dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 32.103,6 tỷ
đồng, tăng 13,5% so với năm 2018. Phân theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ
chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 86,1%), ước đạt 27.638,9 tỷ đồng, tăng 13,4%; doanh
thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.526,1 tỷ đồng, tăng 15,7%. Riêng quý IV, tổng
mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 8.837,3 tỷ đồng,
tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó bán lẻ ước đạt 7.580,2 tỷ đồng, tăng
11,5%.
Năm 2020 là năm có nhều biến động ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất
kinh doanh của cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Sự bùng phát của đại
dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng và tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó
lường; tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động nhanh
chóng, phức tạp. Từ cuối tháng 2/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn
cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn
tỉnh. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong
lĩnh vực giao thông bắt đầu có hiệu lực làm cho các cơ sở kinh doanh lĩnh vực vận tải,
lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, hoạt động dịch vụ giáo dục, tổ chức sự
kiện năm 2020 kết quả sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng không cao như cùng
kỳ.
Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công thương tỉnh Phú
Thọ đã nhanh chóng, kịp thời triển khai những kế hoạch cụ thể và hiệu quả nhằm xúc
tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngày 02/02/2021, Sở Công thương ban hành
văn bản số 151/SCT-QLTM về Tăng cường thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
trên địa bàn tỉnh để hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh nói chung và Sàn
giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn) nói riêng đạt kết quả
theo Kế hoạch đề ra. Đồng thời, để có cơ sở xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử năm
2022 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương triển khai khảo sát tình hình ứng
dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở cũng xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động quảng
bá, kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng năm, và đã quan
tâm triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Để tăng cường hỗ trợ kết nối, quảng bá, tiêu
thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm, Sở Công thương tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh công tác
tuyên truyền thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của tỉnh
bằng nhiều hình thức; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội chợ kết nối giao th ương, kết
nối cung cầu để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm
trên địa bàn tỉnh có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và chế biến sản phẩm.
Đồng thời, vận hành có hiệu quả các website nongsan.phutho.gov.vn; sàn giao dịch
thương mại điện tử giaothương.net.vn để tạo sự tương tác giữa các cơ sở và người
tiêu dùng, kết nối với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nhằm dễ
dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Cùng với đó,
hướng dẫn các địa phương, đơn vị chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể,
chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực để tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Từ các hoạt động thiết thực trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương do
Sở Công thương triển khai đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực
sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên doanh liên kết mở rộng thị trường, tiêu thụ sản
phẩm hàng hóa, nhiều sản phẩm, hàng hóa nông sản của tỉnh đã được giới thiệu ra các
tỉnh để tiêu thụ.
3.1.2, Thương mại quốc tế
Năm 2019, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả vượt kế hoạch. Tổng trị giá
xuất khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 2.455,8 triệu USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ
năm 2018; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt 2.038,8 triệu USD, tăng
40,1% so với năm 2018.
Sang đến năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp
do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại và đầu tư thế
giới suy giảm, việc tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục duy trì trên đà tăng trưởng xuất khẩu khá
cao, cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội
nhằm duy trì và thúc đẩy xuất khẩu. Để có được kết quả đó là do khi dịch bệnh Covid-
19 xảy ra trên diện rộng, Sở Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thành, thị và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt tình hình
thường xuyên; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn; cộng với sự tích cực
năng động của các doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh
sản xuất, kinh doanh nên hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh phát triển theo
hướng tích cực và đạt được kết quả đáng mừng. Cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu của
tỉnh Phú Thọ bao gồm: 70% là của doanh nghiệp FDI, 30% là doanh nghiệp nội địa.
Các doanh nghiệp FDI do đã chủ động được thị trường và sản xuất, có dự trữ vật tư
phục vụ sản xuất và đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các tháng đầu năm
nên vẫn duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu ổn định. Còn lại là doanh nghiệp trong
nước gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu, trong đó
một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, lao động phải nghỉ luân phiên, tuy nhiên số
doanh nghiệp tạm dừng sản và xuất nhập khẩu không nhiều.
Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai
quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu như yêu cầu các doanh
nghiệp logistics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu;
đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Nam Mỹ một cách tối đa. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, thương
nhân và nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất, cần tập trung vào chế biến và chế
biến sâu, tập trung tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến và tạm trữ ở hệ thống kho lạnh
bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.
Cùng với đó, tăng cường kết nối cung cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo phương pháp
tổ chức trực tuyến giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, giảm hàng tồn kho trong giai
đoạn dịch Covid-19; Thực hiện lồng ghép chính sách, quy hoạch phát triển các vùng
nguyên liệu, các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn để doanh nghiệp chủ động nguồn
nguyên liệu sản xuất tạo điều kiện cho phát triển hàng xuất khẩu bền vững: Phối hợp
chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa trên địa
bàn tỉnh, chủ động ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền; Thực thi có hiệu quả
Hiệp định EVFTA; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ và
cách thức tận dụng các Hiệp định FTA để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, với
mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 4.500 triệu USD, Sở đã tham mưu các
chính sách đầu tư thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đưa vào sản xuất nhằm thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ
Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cập nhật
chính sách mới về xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp doanh nghiệp
định hướng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
3.2, Thực trạng quản lý công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách
phù hợp nhằm phát triển các cụm công nghiệp, từ đó thu hút đầu tư các dự án, thúc
đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2019, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tuy còn tồn tại nhiều
khó khăn như sản xuất công nghiệp truyền thống có chiều hướng giảm sút, một số
doanh nghiệp trọng điểm gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn kho
cao, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 toàn
tỉnh tăng 12,01% so với cùng kỳ năm 2018. Đóng góp vào mức tăng chung của toàn
ngành, ngành Khai khoáng tăng 13,42%; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng
12,1%; ngành điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,37%;
ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,93%.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 28
cụm công nghiệp với diện tích là 1.100ha. Trong đó, số diện tích các cụm công nghiệp
do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng là 676ha; tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt
trên 51%. Tổng số dự án đăng ký là 134 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6.500 tỷ
đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong cụm
công nghiệp vẫn nỗ lực duy trì, ổn định hoạt động sản xuất; giải quyết việc làm cho
gần 15.000 lao động và đóng góp vào ngân sách 650 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
2021.
Để thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã ban hành quy chế
phối hợp quản lý nhà nước về các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện
môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Đồng thời trình Bộ Công Thương cho ý kiến mở rộng, điều chỉnh quy hoạch các cụm
công nghiệp; thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các cụm công
nghiệp trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn được 4
nhà đầu tư hạ tầng cho 4 cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.500 tỷ
đồng.
Hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư
đồng bộ; các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, hệ thống cấp thoát
nước được quan tâm xây dựng. Đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến
đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh
doanh. Công tác quản lý môi trường, giám sát, kiểm tra vấn đề thu gom và xử lý nước
thải, rác thải của các doanh nghiệp được chú trọng thực hiện.
Cùng với đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Phú Thọ luôn
quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, thực thi những cơ chế, chính sách
ưu đãi hấp dẫn. Các thủ tục hành chính được rút gọn; các chính sách mềm về ưu đãi
đầu tư, thuế được công bố áp dụng công khai… Từ đó thu hút nhiều dự án, góp phần
quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ
trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 0,39% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm
31,% cơ cấu kinh tế.
Để phát triển các cụm công nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, thời gian tới
tỉnh Phú Thọ chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các
nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi
cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển cụm công nghiệp; hoàn thiện,
nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng kết nối
với hệ thống cơ sở hạ tầng của cả nước.
Bên cạnh đó, Sở Công thương thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt
động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa
phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là phải tuân thủ
Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển cụm công nghiệp.
3,3, Thực trạng công tác quản lý nhà nước về kinh tế nói chung
Sở Công thương Phú Thọ đã tập trung làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao,
chủ động trong công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng các phương án quy hoạch và đề
xuất cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại trên địa
bàn. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 40-41%, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu
công nghiệp đạt 75-80%; các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 60-
70%. Phát triển các loại hình thương mại, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao để
trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng
kinh tế.
Ngành Công Thương Phú Thọ tập trung triển khai thực hiện tốt công tác lập quy
hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành ưu tiên
phát triển của tỉnh; xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh
nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phần 4. Đánh giá chung về kết quả quản lý và tác động của các
công cụ, chính sách quản lý hiện hành của nhà nước

4.1, Đánh giá chung về kết quả quản lý


4.1.1, Những mặt đã đạt được
- Năng lực quản lý và phân cấp tại địa phương ngày càng được nâng cao, thực
hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo
đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid - 19 để hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ
khó khăn trong phát triển.
- Sở Công thương đã chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước; phối hợp
chặt chẽ với các ngành, các cấp làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND,
UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp quy, cụ thể hoá các Nghị định của Chính
phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác quy hoạch,
kế hoạch trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phát triển khu công nghiệp, cụm
công nghiệp, hạ tầng năng lượng, kỹ thuật an toàn môi trường, hội nhập kinh tế quốc
tế, công tác thanh kiểm tra, cải cách hành chính, cơ cấu tổ chức, quản trị văn phòng...
đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Hạ tầng
thương mại phong phú, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống
với hạ tầng thương mại hiện đại. Công tác xúc tiến thương mại đã được quan tâm, thị
trường xuất khẩu được mở rộng. Hình thức xúc tiến thương mại được thực hiện khá
phong phú và đa dạng.
- Mặc dù thời gian gần đây, tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn,
thách thức do đại dịch COVID-19, song hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
vẫn đạt được những kết quả khá ấn tượng, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc
độ hàng năm theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
- Ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát trong đầu năm 2020, Sở đã tham mưu
xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp
cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) và Phương án đảm bảo nguồn cung
hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề xuất
phương án dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong thời gian dịch bệnh xảy ra
nhằm chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, đảm bảo cung ứng kịp thời các
mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.
- Sở cũng tham mưu, thực hiện một số giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp thúc
đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng dự trữ đảm bảo số, chất lượng, ổn định giá
bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng; kịp
thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ,
kinh doanh, vận chuyển hàng giả,... ; kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực
phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho nhân dân ở khu vực bị cách ly do dịch
bệnh.
- Ngoài ra, Sở còn tham mưu cho UBND tỉnh các phương án xảy ra khi tình hình
dịch bệnh có xu hướng tiến triển không tốt; một số các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh; phối hợp chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị
và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các giải pháp để từng bước vượt qua khó khăn,
vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả vừa thúc phát triển sản xuất-kinh doanh.
4.1.2, Hạn chế
- Sự phát triển của ngành công thương trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Hạ
tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; hạ tầng điện chưa đáp ứng yêu
cầu phát triển do một số dự án về đường dây, trạm biến áp 110kV triển khai chậm; sản
xuất công nghiệp phát triển chưa thực sự bền vững, chủ yếu gia công lắp ráp, hàm
lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Các hoạt động dịch vụ - du lịch
phát triển chưa tương xứng lợi thế, tiềm năng. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao
nhưng giá trị tăng thấp, đóng góp thu ngân sách còn hạn chế nên chưa tạo động lực
thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
- Công tác tuyên truyền chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều trường hợp cán bộ
xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của một số
dự án, kế hoạch được triển khai.
- Việc quản lý nguồn vốn nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công không hiệu quả,
dẫn đến việc thua lỗ của dự án Ethanol Phú Thọ- là dự án sản xuất ethanol làm nguyên
liệu phối trộn tạo xăng sinh học
- Công tác quản lý còn chưa thực sự dứt khoát và quyết liệt. Vẫn còn tồn tại doanh
nghiệp có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là đối với việc xả thải chất thải
rắn, chất thải nguy hại trong khi cơ quan quản lý chưa chủ động phát hiện và ngăn
chặn được các hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép; một số khu công nghiệp, cụm
công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có khu, trạm xử lý nước thải tập trung.
4.2, Tác động của các công cụ, chính sách quản lý hiện hành của nhà nước
4.2.1, Tác động tích cực
- Hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến
đầu tư để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước
tham gia đầu tư vào phát triển công nghiệp - thương mại phù hợp các cơ chế chính
sách của Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo ra các
cơ chế, chính sách riêng, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư đến với tỉnh.
- Để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, tỉnh Phú Thọ đã ban hành cơ
chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; trong đó tập trung hỗ trợ
mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ
thuật cho các tổ chưc kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP. Tỉnh hỗ
trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập
quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, in tem, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem
truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP.
- Quản lý về môi trường: Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường
ngày càng hoàn thiện, có sự phân cấp trong công tác quản lý; các cơ quan quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra,
thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; các tổ chức, doanh nghiệp và nhân
dân đã ý thức được công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cơ bản và cấp thiết cho sự
phát triển bền vững trong tương lai.
4.2.2, Tồn tại, hạn chế
- Những chính sách được ban hành phải luôn bám sát thực tiễn phát triển kinh tế -
xã hội, vì vậy khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh chính
sách, điều này có thể kéo theo yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản khác,
gây ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.
- Có những kế hoạch được triển khai cụ thể nhưng kết quả triển khai trong thực tế
lại chưa được quan tâm đúng mức và đạt kết như mong muốn. Các văn bản pháp luật
hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể quy trình thực hiện đánh giá. Do đó, các cơ quan
sẽ phải dựa vào các tài liệu, sổ tay hướng dẫn để thực hiện quy trình này. Việc không
quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy trình
đánh giá tác động đã dẫn đến thực tế là quy trình đánh giá thiếu nhất quán.
Phần 5. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết
5.1, Giảm thiểu tác động tiêu cực của nguồn vốn FDI trong thời kỳ Covid-19
Trong nền kinh tế tương thuộc lẫn nhau, sự suy giảm, tăng trưởng hay đứt gãy
chuỗi cung ứng bên ngoài sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản
xuất trong nước. Tuy nhiên, phụ thuộc quá mức vào khu vực FDI (trong đầu tư và xuất
khẩu) sẽ tạo nên rủi ro lớn cho nền kinh tế khi gặp phải các cú sốc bên ngoài. Cơ cấu
kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Phú Thọ bao gồm: 70% là của doanh nghiệp FDI,
30% là doanh nghiệp nội địa. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, tỉnh Phú Thọ
cần tư duy và nhìn nhận lại mô hình phát triển để tạo nên mô hình có sự cân bằng và
liên kết tốt hơn giữa các động lực của tăng trưởng, các khu vực kinh tế.
5.2, Tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước
Cần quản lý chặt chẽ, giám sát tính thiết thực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn
vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tránh để xảy ra sai phạm gây thất thoát, lãng phí
nguồn vốn nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.
5.3, Xây dựng chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp địa phương
Hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định
thương mại tự do là xu thế tất yếu, tuy nhiên nền kinh tế cũng sẽ phải đương đầu với
nhiều cú sốc từ bên ngoài hơn. Xây dựng một nền kinh tế mạnh là cần thiết, nhưng
việc xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một
thế giới diễn biến phức tạp, khó lường sẽ cần thiết hơn. Điều này đòi hỏi Sở công
thương phải có tầm nhìn, chiến lược nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh có tính gắn kết, có sức cạnh tranh và thực sự là nhũng trụ cột cho nền kinh tế
trong tương lại.
5.4, Ngày một hoàn thiện và cập nhật các trang thông tin điện tử, thương mại
điện tử của tỉnh
Đại dịch Covid-19 đặt nền kinh tế nước ta trước những thách thức vô cùng to lớn,
đồng thời đem lại những cơ hội. Cú sốc này góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển
đổi số của nền kinh tế; lợi ích to lớn trong ứng dụng các thành quả của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại được nhìn nhận rõ nét hơn, sản phẩm mới xuất
hiện và phát triển rộng rãi. Các xu thế này đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế, quy định
nhằm thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Phần 6. Đề xuất đề tài khóa luận và dự kiến bộ môn hướng dẫn
1, Tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế tỉnh Phú Thọ và giải pháp giảm thiểu
những tác động tiêu cực của FDI.
- Dự kiến bộ môn hướng dẫn: Bộ môn quản lý kinh tế
2, Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh Phú Thọ
- Dự kiến bộ môn hướng dẫn: Bộ môn quản lý kinh tế
3, Chính sách quản lý thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Dự kiến bộ môn hướng dẫn: Bộ môn quản lý kinh tế

You might also like