Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

I.

MỞ BÀI
Sêkhốp từng khẳng định “Nếu tác giả không có lối đi riêng, thì người đó không bao giờ là nhà văn cả”. Mỗi một
nhà văn thực thụ luôn có cho mình một lối đi, một phong cách nghệ thuật đặc trưng cho con người, thế giới
quan, tâm hồn và cá tính của họ. Không phải người nào cầm bút viết văn cũng có thể tạo được phong cách nghệ
thuật riêng, đó phải là một cây bút sâu sắc trên nhiều phương diện, có cách cảm nhận độc đáo về thế giới và tài
năng nghệ thuật nổi bật, mang đến giá trị to lớn trong các tác phẩm họ viết ra. Nguyễn Tuân chính là minh chứng
tiêu biểu cho một nhà văn thực thụ có phong cách sáng tác đặc trưng: độc đáo, tài hoa và uyên bác. Chính lối đi
riêng ấy đã khiến những trang văn Nguyễn Tuân dù có chọn đề tài quen thuộc vẫn bật lên dấu ấn khác biệt, đặc
sắc. Tiêu biểu nhất chính là tác phẩm “Người lái đò sông Đà” với đề tài thiên nhiên, con người Tây Bắc - nơi đã trở
thành vùng đất hứa của thi ca nghệ thuật những năm 1958 - 1960. Đây chính là áng văn tuyệt đẹp, một trong
những tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, đã khắc họa thành công cuộc sống chân thật của người dân lam lũ
hòa cùng cảnh đẹp hùng vĩ trữ tình của Đà Giang. Qua đoạn trích “Còn xa lắm…có giỏi thì tiến gần vào”, nhà văn đã
dựng lên trên trang giấy vẽ đẹp hung bạo, dữ dội của con Sông Đà, gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả.
Qua đó… (câu hỏi phụ)

II. THÂN BÀI


“Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo, thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp là tôn giáo của mình” (giáo sư Trần Đình
Sử). Thật vậy, Nguyễn Tuân là một nhà văn theo chủ nghĩa duy mỹ với quan niệm “suốt đời tôn thờ và phụng sự
cái đẹp”. Từ “Vang bóng một thời” (194) cho đến “Sông Đà” (1960), con đường sáng tạo văn chương của Nguyễn
Tuân trải qua 20 năm, qua hai thời kỳ trước và sau cách mạng đã có những chuyển biến về tư tưởng, nhưng vẫn
giữ lại cái tôi tài hoa uyên bác, luôn hướng tới cái đẹp tuyệt đích, khác thường. “Người lái đò sông Đà” là tác phẩm
tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng, khi nhà văn hướng đến những nét đẹp gân quốc mà bình dị, gần gũi
của thiên nhiên và đời sống con người. Tác phẩm được in trong tập “Sông Đà” gồm mười lăm tùy bút và một bài
thơ phác thảo, xuất bản năm 1960. Đây là kết quả từ chuyến đi vất vả nhưng hào hứng đến miền Tây Bắc, chính là
đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác mà Nguyễn Tuân đã bước lên, khẳng định vị thế hàng đầu của một cây bút
tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam.
Nguyễn Tuân đã mở đầu tác phẩm bằng hai lời đề từ khái quát nội dung và cảm hứng chủ đạo cho bài tùy bút. Với
lời đề từ “Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu”, nhà văn đặc biệt muốn nhấn mạnh cá tính độc đáo
của con Sông Đà: khi mọi dòng sông khác đều chảy về hướng đông thì chỉ riêng Sông Đà lại chạy ngược lên
hướng bắc. Có lẽ chính sự khác biệt này nên Đà Giang đã trở thành đối tượng hoàn hảo để Nguyễn Tuân thỏa sức
bộc lộ cá tính nghệ thuật. Về lời đề “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”, tác giả lại bộc lộ cảm xúc mãnh liệt
trước vẻ đẹp trữ tình, kiều diễm của Sông Đà và con người gắn bó với dòng sông ấy, thể hiện cảm xúc chủ đạo
của tác phẩm là ngợi ca thiên nhiên, con người Tây Bắc. Là nhà văn yêu thiên nhiên tha thiết, Nguyễn Tuân khi
khám phá về Sông Đà đã không ngần ngại tìm đến ngọn nguồn lạch sông, truy đến tận gốc tích khai sinh ra dòng
chảy dữ dội của núi rừng Tây Bắc, để biết được Đà giang bắt nguồn từ huyện Cảnh Đông, Trung Quốc, mang
những cái tên Trung Hoa đầy thơ mộng: Ly Tiên, Bả Biên Giang. Khi vào Việt Nam, Sông Đà chảy qua các tỉnh
thành Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có 72 cái thác lớn nhỏ nằm lô nhô suốt một dải sông từ Sơn La đến Chợ Bờ.
Nguyễn Tuân là con người theo chủ nghĩa xê dịch và ưa cảm giác mạnh, ông không thích những gì bình thường
và tầm thường, đối tượng ông miêu tả đã đẹp thì phải đẹp đến mức tuyệt mỹ, dữ dội phải đến mức khủng khiếp
và tài năng phải đến mức siêu phàm. Bằng quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng phong phú và tài năng nghệ thuật xuất
sắc, Nguyễn Tuân đã biến con sông đà từ một vật vô tri vô giác trở thành một hình tượng nghệ thuật hấp dẫn,
một sinh thể có sức sống, tâm trạng cũng hai nét tính cách hung bạo, hiền hòa đối lập nhau. Đà giang tuy hiểm
ác, hung dữ, gây tai họa cho con người nhưng đồng thời cũng là một công trình tuyệt vời của tạo hóa. Đoạn trích
được nêu trên thuộc phần miêu tả tính cách hung bạo của Sông Đà

Từ trước đến nay, khi viết về các dòng sông các nhà văn nhà thơ thường ca ngợi vẻ đẹp trữ tình, hiền hòa, thơ
mộng. Cũng có một số nhà văn, nhà thơ miêu tả cảnh dữ dội, hiểm trở, trùng trùng lớp lớp của những khúc đại
giang, của những cảnh thác ghềnh dữ dội như “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu, “Bạch Đằng Hải khẩu”
của Nguyễn Trãi… Nhưng có lẽ chỉ đến “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân thì sự hiểm trở, hung bạo và dữ
dội của con sông mới trở nên sống động và thật khủng khiếp. Qua những trang tùy bút, ta chứng kiến một góc
nhìn độc đáo mang tính phát hiện về vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của sông Đà. Đó chính là phong cách nghệ thuật đặc
sắc của nhà văn: “cái đẹp tạo hình, có góc cạnh, nhiều khi dữ dội (Hoài Anh). Trong đoạn văn này, bậc kỳ tài về mặt
ngôn ngữ Nguyễn Tuân khi miêu tả những thác đá trên sông Đà đã làm nổi bật lên hình ảnh Đà giang không chỉ
gập ghềnh, lởm chởm mà còn đầy nguy hiểm, sống dậy gào thét làm náo động cả lên, khiến cho người đọc phải
“rùng mình, sởn gáy” (Nguyễn Đăng Mạnh).

THÁC ĐÁ SÔNG ĐÀ
Sông Đà hung bạo không chỉ ở những cảnh đá bờ dựng vách thành, những ghềnh sông, hút nước đầy nguy hiểm,
hùng vĩ và dữ dội nhất trên sông Đà chính là những thác đá. Những thác đá trên sông Đà được nhà văn miêu tả
chi tiết qua âm thanh, cảnh tượng và sự nguy hiểm đến kinh hoàng của nó. Âm thanh của tiếng thác rùng rợn,
hoang dã dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà trở thành một loài thủy quái vừa hung ác, vừa nham hiểm.
Ở đoạn văn này, tác giả đã huy động rất nhiều các biện pháp tu từ như nhân hóa, liên tưởng, so sánh, sử dụng
những từ láy, động từ mạnh làm cho hình ảnh sông Đà thật ghê rợn, như một nhân vật mang tâm địa hiểm ác,
khôn khéo, ranh ma, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho con người. Chủ thể miêu tả đang trong quá trình di chuyển đến
gần cái thác đá, và âm thanh tiếng nước thác được miêu tả phù hợp về khoảng cách và cường độ. Ban đầu khi
nghe từ xa thì tiếng nước thác “như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà
chế nhạo”. Khi đến gần âm thanh lại càng dữ dội hơn “nó rống như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn
giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng
bùng”. Nguyễn Tuân đã rất “ngông” khi dùng lửa để miêu tả nước. Nước và lửa vốn xung khắc với nhau, hủy diệt
lẫn nhau nhưng ở đây nhà văn đã dùng hình ảnh và âm thanh của lửa để miêu tả nước khiến hiện ra trước mắt
người đọc là cả một rừng vầu, tre nứa đang bị đốt cháy, phát ra tiếng nổ. Nhưng âm thanh đó còn chưa là gì khi
trong khu rừng đang cháy ấy còn có hàng ngàn con trâu mộng to khỏe đang bị lửa hun nóng và đốt cháy. Lửa đã
bén vào da của đàn trâu khiến chúng rống lên đầy đau đớn và lồng lộn, muốn phá tan rừng lửa để tìm cách thoát
thân. Cách miêu tả của Nguyễn Tuân vô cùng đặc sắc khi đi từ xa đến gần, lúc đầu là tiếng “réo” còn về sau trở
thành tiếng “rống”. Đây là cách dùng từ rất chính xác và bất ngờ, khiến sông Đà từ một đối tượng vô tri vô giác
trở thành một sinh thể có tính cách và tâm lí, sống động trên trang viết như một con người. Tiếng “réo” của nước
thác mang các sắc thái âm thanh khác nhau: vừa mới “oán trách” và “van xin” như một kẻ bại trận, biết mình yếu
thế hơn đối thủ; ngay lập tức chuyển sang “khiêu khích” và “chế nhạo” ,rồi “rống” lên như một kẻ trên cơ, ra sức
giễu cợt, đe dọa đối phương. Bản hợp âm khủng khiếp và đòn tâm lý khiêu chiến trở mặt như trở bàn tay ấy cho
thấy sự nham hiểm, xảo quyệt của sông Đà khi sắp xung trận. Quả thật, sức mạnh hoang dã của tự nhiên qua tài
đối sánh, nhân hóa và trí tưởng tượng phong phú, độc lạ của Nguyễn Tuân đã mang cho người đọc một cảm giác
mạnh đến tột độ. Như vậy, chỉ riêng với âm thanh của thác đá sông Đà, Nguyễn Tuân đã gây ấn tượng trong
người đọc về sự dữ dội đến khủng khiếp của những thác đá Sông Đà.

THẠCH TRẬN SÔNG ĐÀ


Tiếp theo là những ấn tượng từ sự quan sát trực quan của tác giả khi đã “Tới cái thác rồi”. Cảnh tượng những thác
đá trên Sông Đà cũng thật dữ dội. Ngoặt tới khúc sông ấy là cảnh sóng bọt đã trắng cả một chân trời đá. Sóng
nước vấp phải đá tung bọt trắng xóa. Sông Đà ở đây bao nhiêu là đá với đủ những đá to đá bé, đá hòn đá tảng…
mà thằng đá nào trông cũng ngỗ ngược, xấc xược, hỗn hào, du côn và mặt cũng nhăn nhúm, méo mó hơn mặt
nước ở quãng ấy. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, mỗi hòn đá không chỉ mang những nét chung ấy mà
còn có một gương mặt riêng. Để khắc họa từng gương mặt riêng của những hòn đá trên thác đá Sông Đà,
Nguyễn Tuân đã phải lao động cật lực, khổ công quan sát và tung ra trường từ vựng hết sức giàu có, phong phú.
Phép liên tưởng và nhân hóa, kết hợp với những động từ, tính từ: chỉ hành động “nhổm cả dậy, vồ lấy, chặn ngang,
dụ, đánh khuýp quật vu hồi, đánh tan, tiêu diệt”, chỉ tính cách “ngỗ ngược”, hình sắc “nhăn nhúm, méo mó, to, bé”,
tư thế “đứng, ngồi, nằm” khiến người đọc cảm nhận Sông Đà mang gương mặt của dân anh chị, những kẻ côn đồ
chuyên đi đòi nợ thuê bặm trợn và sẵn máu giang hồ.
Sự nham hiểm quỷ quyệt của Sông Đà đối với những người lái đò được thể hiện rõ nhất ở những thế trận mà đá
dàn bày. Đội quân đá ấy ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Đá sông Đà dường như không đứng, nằm,
ngồi một cách tùy tiện mà Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mỗi hòn một dáng “đứng, nằm, ngồi”, mỗi hòn một
nhiệm vụ “đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông: hàng tiền vệ là hai hòn canh một cửa đá
trông như là sơ hở giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa; tuyến giữa sóng nước đánh khuýp quật
vu hồi lại, tuyến ba là những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi có nhiệm vụ phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá
tuyến trên”.
Đá trên sông Đà đã giao việc cho nhau như vậy để dàn bày thành ba thạch trận đá đầy biến hóa. Mỗi thạch trận
đều có rất nhiều cửa tử và chỉ có duy nhất một cửa sinh. Cửa sinh lúc ở bên tả, lúc ở bên hữu, lúc ở chính giữa.
Thạch trận thứ nhất: Sông Đà bày ra năm cửa trận, có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn
sông. Thạch trận thứ hai: “Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua
phía bờ hữu ngạn. Dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá đánh khuýp quật vu hồi chiếc thuyền”.
Đến thạch trận thứ ba: Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở
ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại đây những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở đầu chân thác phải
đánh tan cái thuyền, tiêu diệt cả thủy thủ và thuyền trưởng trên chiếc thuyền ấy.
Có thể nói, bằng vốn kiến thức phong phú, sự tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân đã sử dụng kiến thức ở nhiều lĩnh
vực như giao thông, điện ảnh, quân sự, võ thuật (“mai phục”, “chặn ngang”, “canh”, “đánh tan”, “tiêu diệt”, sóng: “đánh
khuýp quật vu hồi”, “đánh giáp lá cà”, “đòn tỉa”, “đòn âm”)… làm hiện lên hình tượng con Sông Đà dữ dội, hung bạo
đến khủng khiếp. Con Sông Đà như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược, là một thứ thiên nhiên Tây Bắc với
“diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một”. Con sông mà “hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với
con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà”. Chẳng thế mà sông Đà được gắn với
câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh:
“Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán đời đời đánh ghen.”
Nguyễn Tuân đã dùng hết bút lực để thi tài với tạo hoá. Ông dùng những câu góc cạnh, giàu tính tạo hình, những
câu nhiều động từ mạnh nối tiếp nhau, dồn dập; sử dụng lối nói ví von, ẩn dụ, tượng trưng, liên tưởng đầy bất
ngờ, chính xác, thú vị; vận dụng hiểu biết của nhiều ngành khác nhau: địa lý, lịch sử, hội họa, văn chương và
những tri thức về tự nhiên để khắc họa vẻ đẹp của sông Đà. Cùng với nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng phong
phú, ngòi bút miêu tả độc đáo, con sông Đà từ một đối tượng vô tri vô giác, khi bước vào trang văn Nguyễn Tuân
đã trở thành một sinh thể có tính cách và tâm lý rất ghê gớm, đáng sợ.

Đoạn trích là khúc ca ca ngợi vẻ đẹp hung bạo, đầy cá tính của sông Đà, biểu tượng cho vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội
của thiên nhiên Tây Bắc. Con Sông Đà mang tính cách tàn bạo, hung ác, là kẻ thù số một của người dân Tây Bắc
nhưng đã tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng, và chính cái hung bạo dữ dội ấy ẩn chứa tiềm năng
kinh tế lớn lao trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính là thứ vàng trắng đầy quý giá của đất nước. Đó
chính là sức mạnh của thiên nhiên mà con người cần chinh phục và cũng là niềm tự hào của tác giả về Tổ quốc
hùng vĩ, giàu đẹp. Qua đó ta có thể hình dung những vất vả gian lao mà những người lái đò phải vượt qua, từ đó
ta càng khâm phục hơn ý chí kiên cường và tài trí của họ trong việc chinh phục con sông, bắt nó phải quy phục
và cống hiến cho cuộc sống của con người. Từ đoạn trích, Nguyễn Tuân đã bộc lộ tài năng nghệ thuật tài hoa,
uyên bác, khẳng định vị thế của ngòi bút số một trong thể loại tùy bút Việt Nam, đồng thời ta cũng ấn tượng sâu
sắc với…(câu hỏi phụ)

III. KẾT BÀI


Aitmatov Từng khẳng định “Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng”, với tùy bút người lái
đò Sông Đà về việc xây dựng thành công hình tượng con Sông Đà hung bạo đầy mới lạ, độc đáo, Nguyễn Tuân đã
thành công giữ cho đứa con tinh thần của mình sống mãi qua thời gian, giữ cho những giá trị to lớn trong đó
không bao giờ đi đến kết thúc. Nhà văn đã vượt lên trên những cái bình thường, tầm thường để khiến Sông Đà
trở thành hình tượng nghệ thuật bất hủ sống mãi trong lòng thế hệ mai sau, và sóng nước Đà giang sẽ điểm tô
cho vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên tổ quốc như lời thơ Nguyễn Khoa điềm từng viết:
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

You might also like