Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

Chủ Biên

TT. Thích Chân Quang

THÁNH ĐỘ MỆNH
TÔN GIẢ ĐẠI CA CHIÊN DIÊN
(MAHA KACCAYANA)

TÔN GIẢ ĐẠI ĐẠI CA CHIÊN DIÊN


(MAHA KACCAYANA)
ĐỆ NHẤT HÙNG BIỆN

Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) một buổi sáng trong mát, dù tiết trời đang mùa
đông nhưng cảnh vật vẫn tươi tắn đầy sức sống. Nắng sớm tỏa xuống hàng cây,
xuyên qua tán lá, in dấu những vệt sáng lấp lánh trải dài trên khắp lối đi của tinh
xá.
Các vị Tỳ kheo đang tiễn chân một vị Tôn giả trong tình huynh đệ ấm áp.
Thượng thủ Xá Lợi Phất (Sariputta) lên tiếng:
- Tôn giả sau này sẽ là ngôi sao sáng trong hàng đệ tử của Thế Tôn. Thầy sẽ
rống tiếng con sư tử để truyền bá chánh Pháp nhiều nơi. Thầy hãy cứ về thăm quê
hương và khi quay lại chúng ta sẽ lại được đoàn tụ.
Vị Tôn giả nở nụ cười nhu thuận rồi chắp tay xá xuống đáp lễ. Ngài có
gương mặt hiền từ và ánh mắt độ lượng của một bậc trí giả quảng bác. Khi Tôn giả
vừa bước ra khỏi cổng tinh xá thì một vầng mây ngũ sắc hiện ra bay lững lờ theo
chân của Ngài.
Sa di La Hầu La (Rahula) thắc mắc hỏi Tôn giả Nan Đà (Nanda) thì được
giải thích rằng: “Đó là bởi chư Thiên đang dõi theo để hầu cận Ngài. Vị ấy là một
Đại A La Hán kỳ tuyệt, đã nhiều kiếp gây tạo các công đức lành từ các vị Phật quá
khứ. Sau này, Tôn giả ấy sẽ vay lừng khắp chốn với khả năng hùng biện kiệt xuất.
Mọi chúng sinh dù cang cường nhất cũng sẽ được Ngài khuất phục để quay về tựa
nương nơi Chánh Pháp.”
Không ai khác, đó chính là Tôn giả Đại Ca Chiên Diên (Maha Kaccayana) -
vị Đệ Nhất Hùng Biện trong Tăng đoàn của Đức Thế Tôn.

I. XUẤT THÂN
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật. Ngài
có một quý tướng là từ khi chào đời, nước da lúc nào cũng óng ánh vàng khiến
người vừa gặp đã sinh lòng quý mến. Lớn lên trong một gia đình Bà la môn truyền
thống tại thành Ujjeni thuộc Vương quốc Avanti, phụ thân của Ngài là giáo sĩ
trong triều đình nên từ nhỏ Tôn giả đã được ông truyền dạy những kinh điển của
Bà la môn giáo.
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên sớm bộc lộ tư chất thông minh và tài biện luận.
Ngài có một người anh rất thông tuệ và uyên bác, đã bôn ba khắp nơi để tham vấn
giáo lý. Khi trở về quê hương ông lập ra nhiều đàn tràng tuyên thuyết những điều
mình đã học. Trong khi đó, Tôn giả chỉ ở nhà tự nghiên cứu thêm. Thế nhưng, mỗi
khi Ngài có một buổi diễn thuyết thì thu hút rất đông các thính chúng từ khắp nơi
đổ về. Họ mến mộ Ngài còn hơn cả người anh.
Sau này, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên được gửi gắm đến học với bác ruột là
Ẩn sĩ A Tư Đà (Asita). Ông là một vị tiên nhân bác học, đã chứng tứ thiền, ngũ
thông, được người dân vô cùng trọng nể. Ông cũng chính là người đã xem tướng
cho Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) trong buổi lễ đặt tên. Với thiên tư hơn người,
Tôn giả nhanh chóng lĩnh hội được những điều Ẩn sĩ A Tư Đà truyền đạt và cũng
chứng đắc ngang với thầy của mình. Ẩn sĩ A Tư Đà rất kỳ vọng nơi người cháu,
ông dặn dò rằng: sẽ có một bậc Thánh giác ngộ siêu phàm ra đời và khuyên cháu
mình hãy sớm đi tìm vị ấy để xin tu học.
Thời gian sau, phụ thân của Ngài qua đời. Tôn giả Đại Ca Chiên Diên về
triều đình kế nghiệp cha, trở thành giáo sĩ dưới triều vua Candappajyota.

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA


Với tài năng kiệt xuất, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên nhanh chóng có được
thành công và danh tiếng, Đức vua sắc phong Ngài là “đại thần học sĩ” của đất
nước Avanti.
Thế rồi nhân duyên cũng đến. Ngày nọ dân chúng trong kinh thành bỗng
nhiên râm ran kể về một Đức Phật giác ngộ siêu phàm đến từ đất nước Thích Ca
(Sakya). Những câu chuyện về thần lực và đức hạnh của Người được truyền tụng
khắp mọi ngõ ngách, mang lại một bầu không khí mát lành cho xứ Avanti. Vua
Candappajjota vốn là người nhân đức, khi biết thông tin vua đã triệu tập quần thần,
lệnh cho Ngài Đại Ca Chiên Diên đích thân đến thỉnh Đức Phật về vương quốc để
thuyết Pháp.
Nghe lệnh vua ban, bỗng nhớ lại lời căn dặn của Ẩn sĩ A Tư Đà và biết rằng
nhân duyên đã đến, Ngài lập tức cùng đoàn gồm 7 người tùy tùng lên đường đến
kinh thành Xá Vệ (Savatthi) để gặp vị Thánh mình ngày đêm mong mỏi, lòng ngập
tràn hy vọng.
Sau khi vượt một chặng đường dài, cuối cùng đoàn người cũng đến đích.
Vừa bước chân vào tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), chiêm ngưỡng Đức Phật ngự tòa
uy nghi, toàn thân Tôn giả đã lập tức rúng động. Dung nghi của Phật rực rỡ như
ánh trăng rằm, vừa cao quý thiêng liêng vừa hiền từ ấm áp. Niềm xúc động bỗng
dâng lên xâm chiếm lấy tâm hồn vị giáo sĩ đến từ xứ Avanti. Trái tim Ngài chỉ biết
dành trọn lòng thương kính trong hạnh phúc và đôi chân Ngài không còn trụ vững
được nữa, Tôn giả quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật thật lâu.
Khi bình tâm lại, Tôn giả và đoàn người mới chắp tay bộc bạch về cuộc
hành trình của mình và thỉnh cầu Đức Phật đến thăm quê hương yêu dấu. Đức Phật
chưa nhận lời ngay, thay vào đó, Người ban một thời Pháp âm với những đạo lý
cao thượng khiến cho đoàn người cảm thấy như mình vừa được sinh ra thêm một
lần nữa!
Đức Phật giảng về người trẻ và kẻ ngu, về khổ, về nhân quả luân hồi, về sự
vô thường của thân xác, về con đường Bát Chánh Đạo mà ai cũng phải thực hành
nếu muốn đạt được hạnh phúc nơi Niết Bàn tuyệt đối an vui... Bài Pháp dài nhưng
cả đoàn đều lắng nghe chăm chú. Mỗi lời từ kim khẩu của Đức Phật tựa như đang
ban tặng những hạt mưa của trời đất, từng giọt từng giọt cứ tí tách vang vọng trong
tâm hồn các vị. Khi Đức Phật vừa dừng lời thì Tôn giả Đại Ca Chiến Diễn hoát
nhiên bừng ngộ, trở thành một vị Thánh A La Hán, giải thoát hoàn toàn khỏi trầm
luân sinh tử. Ngài quỳ xuống dâng lên Đức Bổn Sư lòng tôn kính và biết ơn vô
hạn. Đức Phật chỉ mỉm cười:
- Lành thay, hãy đến đây, Tỳ kheo!
Lập tức Tôn giả Đại Ca Chiên Diên thấy mình trong phong thái của một vị
Tỳ kheo với đầy đủ ca sa, tóc đã được phủi. Bảy người còn lại cũng quỳ xuống
đảnh lễ Phật xin xuất gia.
Vậy là kể từ đó, nhân gian xuất hiện thêm một vị Đại A La Hán với công
hạnh tuyệt vời. Mỗi vùng đất mà Ngài bước qua sẽ để lại những dấu ấn kỳ tuyệt,
những ai có vinh hạnh được nghe những lời giáo hóa của Ngài sẽ gặt hái được vô
lượng công đức và gieo nhân lành giải thoát giác ngộ về sau.

III. HÙNG BIỆN ĐỆ NHẤT


1. Khả năng hùng biện
Hùng biện chính là khả năng diễn thuyết đạo lý một cách mạnh mẽ, sâu sắc
làm lay động tâm hồn người khác. Trên bước đường hoằng dương chánh Pháp đi
khắp mọi chốn nghìn nơi, người đệ tử Phật sẽ phải đương đầu với rất nhiều gian
nan, thử thách. Một trong những chướng ngại lớn nhất chính là sự cố chấp của
chúng sinh.
Những chúng sinh cang cường nhất sẽ cố thủ trong các bức tường thành
vững chắc khóa kín tâm hồn họ. Bức tường ấy được bồi đắp bởi dày đặc những
chấp ngã, vô minh, thành kiến, những niềm tin mù quáng, sự kiêu căng tự phụ...
Để bảo vệ nó, họ sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ ngụy biện, những lập luận gài bẫy, những
thắc mắc vô cùng kỳ lạ khiến ánh sáng chân lý khó có thể tìm được lối vào.
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên chính là vị Thánh Tăng tiên phong trong công
hạnh hóa giải những vấn đề hóc búa như thế. Đặc biệt Ngài chỉ dùng những ngôn
từ hết sức bình dị, những câu nói giản đơn nhưng hàm chứa uy lực lớn lao, phá tan
bức tường thành trong tâm hồn của chúng sinh, giúp họ thấy được sự nhiệt màu
trong giáo Pháp.
Trong những cuộc đối đáp, lập luận sắc bén và sự khéo léo của ngôn từ sẽ
giúp chân lý được sáng tỏ còn chính tấm lòng đại lượng của Tôn giả lại chinh phục
tâm hồn của mọi chúng sinh, dù là cang cường nhất. Ngài chỉ bảo không vì danh
lợi, không một chút hơn thua, luôn kiên trì, nhẫn nại, đầy lòng từ bi và dũng lực.
Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Trên đường từ Xá Vệ trở về quê hương Avanti, khi đang trên chiếc bè ở giữa
sông Hằng, một kẻ chợt đứng dậy rút gươm kề cổ người lái bè và chỉ tay vào Tôn
giả:
- Vị Sa môn kia, tôi muốn hỏi ông một câu, nếu trả lời được tôi sẽ cho bè cập
bến, nếu không thì chiếc bè này sẽ trôi tự do đưa các người ra biển.
- Này thí chủ, hãy hỏi đi. – Tôn giả đáp lại.
- Trên đời này, điều gì là tôn quý nhất?
- Này thí chủ, không làm khổ mình, không làm khổ người, đó là điều tôn quý
nhất!
- Sa môn đáp sai rồi, điều tôn quý nhất chính là Phạm Thiên trên trời cao.
Kẻ kiếm khách cau mày lại khiến gương mặt càng trở nên u tối và cực đoan.
Vị Sa môn đã động chạm vào niềm tin hằn sâu trong lòng anh ta. Tôn giả Đại Ca
Chiên Diên chỉ mỉm cười đối đáp:
- Hiền giả cũng đáp sai rồi. Khi nãy hiền giả hỏi là “trên đời” sao bây giờ lại
bảo rằng “trên trời cao”? Phạm Thiên trên cao không người nào nhìn thấy nhưng
hiền giả hãy nhìn xem, nỗi khổ cuộc đời có ai mà chưa trải qua? Đó là khi thân
quyến xa lìa, tai họa ập đến, già bệnh chết đang chờ đợi. Từ vua chúa cho đến
người nghèo khổ, không ai là không bị đau khổ. Những nỗi khổ tràn ngập khắp
cuộc đời, vì vậy người nào thoát được đau thì người đó là tôn quý nhất!
Kẻ kiếm khách lúng túng bởi niềm tin của mình đang bị lung lay mạnh mẽ.
Anh ta hỏi lại:
- Vậy Sa môn đã thoát khỏi khổ đau chưa?
- Này hiền giả, ta sẽ không nói cho người đang cầm gươm làm kinh sợ cả
đoàn như thế. Lưỡi gươm trên tay tuy oai hùng nhưng chỉ để che đậy sự yếu đuối
bởi bất lực trước những đau khổ đang giấu kín trong lòng mà thôi. Kỳ thực, cuộc
đời hiền giả cũng đã quá nhiều đau khổ không nói thành lời rồi.
Nghe lời nói đó, kiếm khách buông gươm quỳ xuống khóc nức nở. Khi đó
Tôn giả nhẹ nhàng ban lời dạy:
- Này thí chủ, hãy dùng lưỡi gươm vô hình của trí tuệ mà đoạn trừ phiền não
khổ đau nơi chính mình.
Người kiếm khách cứ ngẩn người lẩm bẩm một mình câu nói ấy, cho đến khi
chiếc bè cập bến và Tôn giả đã đi xa khuất.
2. Bậc Thầy luận giải Phật ngôn
Trong suốt cuộc đời giáo hóa, Đức Thế Tôn đã áp dụng nhiều phương pháp
giảng dạy khác nhau. Thường thì Thế Tôn sẽ giảng một cách cụ thể, chi tiết với
nhiều ví dụ gần gũi để người đệ tử có thể dễ dàng nắm được và thực hành. Nhưng
cũng rất nhiều lần, Thế Tôn lại chỉ đưa ra một bài kệ ngắn gọn hay một câu nói cô
đọng nhưng chứa đựng ý nghĩa cao sâu khôn tả. Những lời dạy ấy tuy dùng ít ngôn
từ nhưng lại hàm chứa sức tác động mạnh mẽ vào tâm tư người nghe. Bằng việc
nói văn tắt, Thế Tôn cũng khuyến khích các đệ tử phải suy ngẫm nhiều hơn và
tham vấn với nhau để tự rút ra được ý nghĩa.
Những lần như thế, các vị Tỳ kheo thường hay thỉnh các bậc Trưởng lão như
Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), Ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggallana), Ngài A
Nan (Ananda)... để giải thích. Tuy nhiên, các vị vẫn mong muốn được nghe Tôn
giả Đại Ca Chiên Diên luận giải nhất, bởi vì Ngài thường đi thẳng vào trọng tâm
vấn đề, phân tích cặn kẽ từng điểm với ngôn từ giản dị, dễ hiểu. Với kiến văn
quảng bác của một đại thần học sĩ, Ngài trình bày đạo lý một cách có hệ thống và
những lập luận vô cùng hợp lý. Đối với những vấn đề trừu tượng, tùy vào căn cơ
của chúng sinh mà Tôn giả sẽ lấy những ví dụ cụ thể, gần gũi như chính cuộc sống
của họ.
Cho‌ ‌dù‌ ‌Tôn‌ ‌giả‌ ‌thường‌ ‌cư‌ ‌ngụ‌ ‌tại‌ ‌quê‌ ‌hương‌ ‌Avanti‌ ‌khá‌ ‌xa‌ ‌so‌ ‌với‌ ‌tinh‌ ‌xá‌
‌của‌ ‌Đức‌ ‌Phật,‌ ‌nhưng‌ ‌mỗi‌ ‌khi‌ ‌Ngài‌ ‌đến‌ ‌thì‌ ‌Tăng‌ ‌chúng‌ ‌đều‌ ‌sắp‌ ‌xếp‌ ‌những‌ ‌buổi‌
‌đàm‌‌đạo‌‌riêng‌‌để‌‌thưa‌‌hỏi.‌‌Thế‌‌Tôn‌‌thường‌‌tán‌‌thán‌‌rằng:‌‌“Này‌‌chư‌‌Tỳ‌‌kheo,‌‌Đại‌
‌Ca‌‌Chiên‌‌Diên‌‌có‌‌trí‌‌tuệ‌‌thâm‌‌sâu‌‌và‌‌vĩ‌‌đại.‌‌Nếu‌‌các‌‌con‌‌có‌‌hỏi‌‌Như‌‌Lai‌‌thì‌‌Như‌
‌Lai‌‌cũng‌‌sẽ‌‌giải‌‌thích‌‌giống‌‌như‌‌vậy?”‌‌
‌Được‌‌Thế‌‌Tôn‌‌và‌‌Tăng‌‌chúng‌‌khen‌‌ngợi‌‌bao‌‌nhiêu‌‌thì‌‌Tôn‌‌giả‌‌lại‌‌càng‌‌giữ‌
‌mình‌ ‌khiêm‌ ‌hạ‌ ‌bấy‌ ‌nhiêu.‌ ‌Mỗi‌ ‌khi‌ ‌được‌ ‌mời‌ ‌lên‌ ‌thuyết‌ ‌Pháp,‌ ‌Ngài‌ ‌thường‌ ‌bảo‌
‌rằng‌ ‌Ngài‌ ‌chỉ‌ ‌đang‌ ‌trình‌ ‌bày‌ ‌những‌ ‌kiến‌ ‌giải‌ ‌và‌ ‌hiểu‌ ‌biết‌ ‌của‌ ‌mình‌ ‌nhưng‌ ‌không‌
‌bao‌‌giờ‌‌so‌‌sánh‌‌được‌‌với‌‌Đức‌‌Thế‌‌Tôn.‌‌Giống‌‌như‌‌người‌‌muốn‌‌đi‌‌tìm‌‌lõi‌‌cây‌‌thì‌
‌hãy‌‌tìm‌‌nơi‌‌thân‌‌và‌‌rễ‌‌chứ‌‌đừng‌‌tìm‌‌ở‌‌cành,‌‌lá.‌‌Rồi‌‌sau‌‌khi‌‌giảng,‌‌Tôn‌‌giả‌‌lại‌‌cẩn‌
‌thận‌‌dặn‌‌dò‌‌các‌‌Tỳ‌‌kheo‌‌hãy‌‌đến‌‌hỏi‌‌lại‌‌Thế‌‌Tôn‌‌để‌‌đạo‌‌lý‌‌được‌‌vững‌‌chắc.‌
Trong‌ ‌kho‌ ‌tàng‌ ‌Kinh‌ ‌điển,‌ ‌không‌ ‌khó‌ ‌để‌ ‌có‌ ‌thể‌ tìm‌ ‌một‌ ‌ví‌ ‌dụ‌ ‌mà‌ ‌Tôn‌ ‌giả‌
‌Đại‌ ‌Ca‌ ‌Chiên‌ ‌Diên‌ ‌đã‌ ‌luận‌ ‌giải‌ ‌xuất‌ ‌sắc‌ ‌những‌ ‌lời‌ ‌dạy‌ ‌vắn‌ ‌tắt‌ ‌của‌ ‌Thế‌ ‌Tôn.‌ ‌Lần‌
‌giải‌‌thích‌‌về‌‌câu‌‌kinh‌‌trong‌‌bài‌‌“Nhất‌‌Dạ‌‌Hiền‌‌Giả”‌‌dưới‌‌đây‌‌là‌‌một‌‌điển‌‌hình.‌
‌Thế‌‌Tôn‌‌dạy:‌‌
“Không‌‌truy‌‌tìm‌‌quá‌‌khứ‌‌
Không‌‌vọng‌‌ước‌‌tương‌‌lai.”‌
‌Có‌ ‌một‌ ‌vị‌ ‌Tỳ‌ ‌kheo‌ ‌không‌ ‌hiểu‌ ‌nổi,‌ ‌mới‌ ‌đến‌ ‌hỏi‌ Tôn giả. Ngài giải thích
rằng:
“Khi một người hồi tưởng lại những hình ảnh trong quá khứ, hình ảnh đó
khiến người ấy yêu thích và mong muốn ngắm nhìn. Vì yêu thích và mong muốn
nên người ấy vui sướng. Vì vui sướng nên tìm cầu. Đối với những âm thanh, hương
thơm, mùi vị, cảm giác, ý nghĩ cũng như vậy, làm cho người đó cứ tìm cầu mãi. Đó
gọi là truy tìm quá khứ.
Khi một người nghĩ đến tương lai, hi vọng rằng mắt của mình sẽ được nhìn
những hình ảnh mong muốn. Rồi người ấy hướng tâm trí để được thấy những hình
ảnh đó. Vì hướng tâm như vậy nên người ấy vui sướng. Vì vui sướng nên người đó
ước vọng. Đối với những âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm giác, ý nghĩ cũng
vậy, đó gọi là ước vọng tương lai.
Một người không bị trói buộc bởi những sự ưa thích hay mong muốn vào
những hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm giác, ý nghĩ trong quá khứ,
tương lai và hiện tại được gọi là người không truy tìm quá khứ, chẳng ước vọng
tương lai, chiến thắng trước các pháp đang sanh khởi.”
Một lần khác, Thế Tôn dạy: “Này các Tỳ kheo, cần phải hiểu biết thế nào là
“Pháp” và “phi Pháp”, những nguy hại và lợi ích. Sau khi nắm được rồi thì phải
tinh cần thực hành theo chánh Pháp.”
Tôn giả đã lý giải cặn kẽ lời dạy của Thế Tôn qua “mười bất thiện nghiệp”
và “mười thiện nghiệp”. Đó là: “Sát sinh là phi Pháp, từ bỏ sát sinh là Pháp.
Những điều ác do sát sinh mang lại chính là mối nguy hại, những điều thiện do từ
bỏ sát sinh chính là lợi ích. Cũng tương tự như vậy là trộm cắp, dâm dục, nói dối,
nói lời chia rẽ, nói lời vô ích, nói lời ác độc, tham lam, sân hận, tà kiến.”
Sau những lần được nghe Tôn giả giải thích như vậy, Tăng chúng đều cảm
thấy dễ hiểu và vui mừng đón nhận để thực hành.

IV. KẾT LUẬN


Lúc còn tại tiền, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên khá kín đáo, những thông tin về
cuộc sống của Ngài không lưu lại nhiều trong sử liệu. Thế nhưng, Ngài luôn được
Đức Phật ngợi khen, chư Thiên tán thán và được Tăng chúng yêu mến bởi đức
hạnh và hình ảnh mẫu mực của một Đại A La Hán. Ngài vẫn thường xuyên khuyên
bảo các vị Tỳ kheo về việc tu hành. Hơn thế, Tôn giả còn chính là vị đầu tiên đã đề
xuất lên Đức Phật chế một số giới luật để nghiêm trì sự thanh tịnh trong Tăng
đoàn.
Trên con đường hoằng dương chánh Pháp, nếu như các vị Tôn giả khác
thường thuyết Pháp trước một đại chúng đông đảo thì Tôn giả Đại Ca Chiên Diên
lại chọn cho mình cách giáo hóa từng người mà Ngài có duyên gặp được. Bằng
cách ấy, Tôn giả đến với từng chúng sinh ở mọi căn cơ khác nhau. Rất nhiều chúng
sinh vì vô minh mà chưa bao giờ tìm cầu chân lý, chưa bao giờ dự được một pháp
hội để lắng nghe thì Ngài sẽ là người mang lời dạy cao quý của Thế Tôn đến với
họ, như người mang kho báu đặt trước cửa nhà họ vậy.
Cũng bằng cách ấy, Tôn giả sẽ thấu hiểu tâm tư, tình cảm của từng người để
tiện bề hóa độ. Những bài Pháp thiêng liêng không chỉ trên lý thuyết nữa mà đã
sống động trong từng hơi thở của cuộc đời. Nhờ vậy mà rất nhiều đạo lý uyên áo,
nhiều vấn đề lớn của nhân sinh như: Tình yêu vị kỷ hay lòng từ bi bao la, tuổi tác
và đức hạnh, sự bình đẳng không giai cấp, điều gì là tôn quý nhất, luân hồi tái
sinh... đều được lý giải một cách nhẹ nhàng, sáng tỏ. Và bởi sự giản dị, gần gũi của
nó qua các câu chuyện mà những đạo lý ấy cứ được lưu truyền mãi trong nhân
gian, trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những người Phật tử chúng ta ngày
hôm nay.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên là một trong thập đại đệ tử của Đức Phật. Với
công hạnh Đệ Nhất Hùng Biện, Ngài đã đem ánh sáng Phật Pháp lan tỏa đến mọi
chốn nghìn nơi, giúp cho bao chúng sinh thay đổi cuộc đời, đưa đến bến bờ an vui
và thành tựu giải thoát giác ngộ. Mặc dù đã trải qua hơn 2600 năm nhưng những
giáo lý Ngài để lại cho cuộc đời vẫn là nguồn hứng tuyệt vời cho những người đệ
tử Phật. Cuộc đời vĩ đại của Ngài để lại muôn vàn bài học quý giá về lòng tôn kính
Phật, sự khiêm hạ tột cùng, sự cống hiến hy sinh không quản ngại gian khó để thắp
nguồn chánh Pháp đến từng chúng sinh.
Khi thờ kính Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, quý Phật tử sẽ thành tựu:
- Sự tự tin, khéo léo khi thuyết trình trước đông người, khiến cho mọi người
có sự tin tưởng. Nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc liên quan đến khả năng
diễn giải, biện luận.
- Sự quyết đoán, lập trường vững vàng, ý chí kiên định trước mọi khó khăn
thử thách.
- Tăng trưởng đạo tâm, có nhiều cơ hội để cống hiến, phụng sự cho Đạo
Pháp và đất nước, được mọi người kính nể.
- Thành tựu được lòng tôn kính Phật đến tuyệt đối, gieo nhân lành để bước
vào ngôi nhà Thánh nhân.

VI. THƠ TỤNG


Chúng con xin đảnh lễ Ngài
Đệ Nhất Hùng Biện muôn đời lưu danh
Hóa độ cứu giúp chúng sanh
Phá tan chấp ngã tường thành vô minh
Suốt đời chẳng ngại hy sinh
Bậc A La Hán quên mình dấn thân
Tìm người hóa độ ân cần
Giúp người tỏ ngộ phát tâm Bồ Đề
Xin Ngài gia hộ chở che
Chúng con bao kiếp lầm mê đắm chìm
Chỉ biết ích kỷ cho mình
Đóng lại cánh cửa tâm linh nhiệm màu
Chúng con biết sẽ về đâu
Giữa dòng tăm tối u sầu khóc than
Rồi Người bước giữa trần gian
Thắp nguồn đạo lý ngập tràn tình thương
Như nghìn ánh sáng soi đường
Đưa người khắp chốn về nương Pháp màu
Từ nghìn xưa đến nghìn sau
Niềm tin kính Phật nguyện cầu khắc ghi
Xin quỳ trước Phật uy nghi
Lòng con thấu hiểu chẳng gì quý hơn
Lời Phật chan chứa tâm hồn
Con đường Bát Chánh lòng luôn hướng về
Dẫu bao gian khó chẳng nề
Giữ tâm thanh tịnh bốn bề bình yên
Vững vàng tinh tấn hành thiền
Cùng nhau về chốn diệu huyền mênh mông...
Nam Mô Đại Ca Chiên Diên Tôn Giả (3 lần)

You might also like