HAI ĐỨA TRẺ- LUYỆN ĐỀ SỐ 3.doc

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Đề 3 : Phân tích cảnh đợi tàu trong truyện ngắn « Hai đứa

trẻ »
(Đề trọng tâm)

A. Mở bài
Trong lời tựa tập truyện ngắn Gió đầu mùa, nhà văn Khái
Hưng đã nhận định về Thạch Lam như sau: “Nếu ta có thể chia ra
hai hạng nhà văn: nhà văn thiên về tư tưởng và nhà văn thiên về
cảm giác thì tôi quả quyết đặt Thạch Lam vào hạng dưới. Ở chỗ
mà người khác dùng tư tưởng, dùng lời nói rất chậm để tả cảnh,
tả tình, ông chỉ nói một cách giản dị cái cảm giác của ông”. Tác
phẩm của Thạch Lam chủ yếu “là một sự tìm vào nội tâm, tìm vào
cảm giác nhân vật” (Phan Cự Đệ) mà không chú nhiều đến cốt
truyện hấp dẫn, đến tình huống ly kỳ hay ướt át nhằm thu hút sự
chú ý của người đọc. Trong số các sáng tác mà Thạch Lam để lại
cho chúng ta, Hai đứa trẻ được xem là tiêu biểu hơn cả cho
phong cách nghệ thuật này của nhà văn. Được rút ra từ tập Nắng
trong vườn (1938), truyện ngắn Hai đứa trẻ thể hiện niềm xót
thương của nhà văn đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn
quanh, bế tắc, tăm tối ở một phố huyện nghèo và sự trân trọng
trước ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ. Điều này được
nhà văn khắc họa qua cảnh đợi tàu.
B. Thân bài
Hai đứa trẻ là bức tranh phố huyện được dệt bằng những
cảm giác và cảm xúc dịu nhẹ trong tâm hồn con người. Cảm giác,
cảm xúc ấy là những gì đã được trải nghiệm, gắn với kí ức tuổi
thơ của chính nhà văn. Phố huyện Cẩm Giàng và hoàn cảnh
sống của chị em Thạch Lam gần như là nguyên mẫu cho cái phố
huyện nghèo và chị em Liên trong tác phẩm. Bởi vậy, sức lay
động tâm hồn người đọc của truyện cũng có thể là sức lay động
của những dòng kí ức đã được “chưng cất” từ tuổi thơ nhà văn.
Trong những dòng kí ức ấy, không thể không chú ý đến hình ảnh
đoàn tàu và vẻ hoa lệ của “Hà Nội băm sáu phố phường”.
Đọc truyện, ai cũng thấy sự kiện căn cốt và có thể coi là duy
nhất là việc hai đứa trẻ cố thức để đợi tàu, không phải chuyến tàu
từ Hải Phòng lên mà là chuyến tàu từ Hà Nội về. Không giống
như nhiều người dân khác mở hàng để đợi khoảnh khắc chuyến
tàu đi qua, hai chị em Liên lại đóng cửa hàng để đón chờ cái thời
khắc ấy. Việc đợi tàu diễn ra từ chiều, hồi hộp, mong đợi và đầy
xúc cảm. Dường như không có dấu hiệu nào liên quan đến đoàn
tàu mà lại thoát ra khỏi cái nhìn của Liên, dù những dấu hiệu ấy
không mới, cũng chẳng lạ. Đầu tiên là sự xuất hiện của người
gác ghi. Tiếp đó là “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi”,
rồi “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại”, “tiếng dồn dập, tiếng xe rít
mạnh vào ghi” kèm theo “một làn khói bừng sáng trắng lên từ
đằng xa”. Và niềm mong đợi của hai đứa trẻ cũng đã tới : “tàu
rầm rộ đi tới”, “các toa đèn sáng trưng”, trên các toa hạng sang
“lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh”. Bấy nhiêu tín hiệu
của đoàn tàu, bấy nhiêu hình ảnh, âm thanh từ xa đến gần đều
được thu lại trong cảm nhận của “hai đứa trẻ”, nhất là Liên. Từ
chỗ nghe thấy, trông thấy từ xa đến lúc đứng hẳn dậy để ngắm
nhìn ở cự li gần con tàu đang chuyển động ngay trước mặt mình,
Liên và An nữa đã chứng tỏ cho mọi người thấy hai chị em háo
hức chờ đợi chuyến tàu từ Hà Nội về đến mức nào. Vậy vì sao
hai đứa trẻ lại mong chờ chuyến tàu đến thế ?
Chuyến tàu trước hết là một thế giới hoàn toàn khác với
những gì đang diễn ra ở phố huyện. Sự xuất hiện của đoàn tàu
làm cho cả phố huyện bừng sáng lên trong chốc lát, bóng tối đậm
đặc đang bao phủ bị ánh sáng của đèn, của các cửa kính, của
“đồng và kền lấp lánh” phá vỡ. Sự tĩnh lặng và buồn tẻ biến mất
nhường chỗ cho những thanh âm vang vọng của tiếng còi tàu,
của tiếng người, của sự đông đúc. Đối với chị em Liên và cả
nhiều người dân khác, chuyến tàu đêm là biểu tượng của sự
sống mạnh mẽ, của sự giàu sang, rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập
với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của
người dân phố huyện. Chuyến tàu là sự hiện hữu của ước mơ
tươi sáng mà những con người nơi phố huyện nghèo kia đang
chờ đợi. Nếu đúng như thế thì sự buồn nhớ, tiếc nuối, khát khao
lại càng da diết vì chuyến tàu đến, chuyến tàu đi - chốc lát. Sự
hiện diện của nó không đủ lâu để những người dân nghèo tìm
được cho mình một chút hi vọng, dù là hi vọng về vật chất. Riêng
đối với hai đứa trẻ, sự tiếc nhớ càng lớn hơn ai hết : chuyến tàu
đi vào đêm tối rồi mà hai chị em “còn nhìn theo cái chấm nhỏ của
chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau
rặng tre”. Cái tư thế ngẩn ngơ, nỗi niềm tiếc nuối như còn dài
theo ánh nhìn cho đến khi không thể thấy chuyến tàu nữa đã cho
thấy ý nghĩa lớn lao của chuyến tàu đem đối với “hai đứa trẻ”.
Chuyến tàu không chỉ là một thế giới khác so với những gì
đã, đang diễn ra ở phố huyện mà còn là phương tiện “chở” hai
chị em về với tuổi thơ, với những kí ức ngọt ngào của tuổi thần
tiên yêu dấu. Chuyến tàu đã thực sự đem đến cho “hai đứa trẻ”
một giấc mơ diệu kì ngay khi chúng đang thức : “Liên lặng theo
mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên
náo”. Liên đang sống lại trong những kỉ niệm về Hà Nội, về cái
thời mà gia đình còn sống ở thủ đô khi thầy chưa mất việc. Hà
Nội xa xăm đấy nhưng những kỉ niệm mới như diễn ra hôm qua,
chưa thể nào phai, chưa thể nào quên. Với “hai đứa trẻ”, mơ về
Hà Nội là để một lần được sống một cuộc sống có ý nghĩa, được
nuôi dưỡng tâm hồn trong những ý niệm tốt đẹp và tràn đầy hi
vọng. Nó giúp các em có thêm niềm tin vào một ngày mai tươi
sáng. Vậy là, không giống như nhiều người dân phố huyện, Liên
và An cố thức để đợi tàu không phải vì mục đích vật chất mà vì
những giá trị tinh thần. Hà Nội và một thế giới khác tươi đẹp hơn,
xán lạn hơn là giá trị tinh thần mà “hai đứa trẻ” chờ đợi ở chuyến
tàu dù đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Qua việc miêu tả
hình ảnh chuyến tàu đêm và tâm trạng đợi tàu của “hai đứa trẻ”,
Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thông vừa trân trọng, nâng
niu khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt thoát ra khỏi cuộc sống tù
túng, quẩn quanh, không cam chịu cái hiện tại tầm thường, nhạt
nhẽo đang vây quanh mình của những người dân nơi phố huyện.
Đến đây, có thể khẳng định những biến đổi của không khí,
cảnh quan phố huyện từ chiều sang đêm cũng như hình ảnh
chuyến tàu đêm đi qua một ga xép sẽ chẳng có gì là đáng nói, mà
cũng chẳng thu hút được ai, nếu tất cả thế giới ấy không được
nhìn bằng/qua một nhãn quan hồn nhiên non trẻ: nhãn quan lãng
mạn của nhân vật Liên. Giá trị nhân sinh được tái lập qua góc
nhìn lạ hóa này. Thế giới cũ kĩ, được “lạ hóa”, mang lại những
rung động thanh tân, phục sinh cho tâm hồn người đọc. Thực
vậy, nếu ai đó mỗi khi nghe một tiếng trống thu không, hay trống
cầm canh, một tiếng đàn bầu khắc khoải mong đón khách, một
âm thanh như gió thoảng đồng quê,… mà không hề xao xuyến;
mỗi khi ngắm nhìn tia nhấp nháy của ngàn sao trên bầu trời đêm
mà không rung động, thì sẽ rất ảo tưởng nếu trông đợi ở họ một
khả năng chia sẻ, một tình thương. Ở đây, có một chân lý nghệ
thuật thật giản dị dễ thường bị bỏ qua: trước khi đánh thức tình
thương với người nghèo, với những phận người bé mọn, hãy làm
cho giác quan, tâm hồn của họ có khả năng rung lên như một sợi
dây đàn. Phải làm sao để người ta thoát ra khỏi tình trạng vô hồn,
vô cảm; tình trạng mắt vẫn nhìn, tai vẫn nghe mà thực ra không
nhìn thấy/ nghe thấy một điều gì từ những cảnh, những người
hàng ngày đã trở nên nhàm cũ, tẻ nhạt ở xung quanh.
Thạch Lam đúng là sứ giả của cuộc sống và tình thương.
Ông tìm kiếm tôn vinh cái đẹp ảo diệu, tinh tế – một dạng thức
đẹp, mà nếu tâm hồn kém nhạy cảm, tinh tế, thuần khiết, người
ta đừng hòng mong cảm nhận được thật đầy đủ. Nhưng một khi
cảm nhận được dễ dàng, đầy đủ những điều tưởng như nhỏ nhặt
ấy, tâm hồn người ta sẽ trở nên dễ chia sẻ buồn vui, bất hạnh và
khát khao thầm kín của những người sống quen thuộc quanh
mình.
Có thể nói, gạt đi tất cả những hạn chế khó tránh khỏi của
thời đại, Hai đứa trẻ là tác phẩm chứa đựng giá trị nhận đạo cao
cả. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ tư tưởng nhân đạo của
Thạch Lam không tránh khỏi những hạn chế : ông yêu thương,
trân trọng con người nhưng chưa chỉ ra con đường giải thoát cho
họ để họ có thể đi từ « thung lũng đau thương » vươn ra « cánh
đồng vui », nhà văn nhìn đời bằng con mắt của tình thương
nhưng chưa gắn liền với tinh thần đấu tranh cách mạng.
Và có lẽ, một đóng góp lớn lao trong truyện ngắn « Hai đứa
trẻ » mà độc giả nhận ra đó là một thông điệp giàu giá trị nhân
văn mà Thạch Lam gửi gắm : Hãy thức tỉnh con người vươn tới
một cuộc sống đáng sống hơn : Hãy lay tỉnh những kiếp sống mỏi
mòn khao khát một cuộc sống có ý nghĩa. Đây chính là tư tưởng
nhân đạo mới mẻ, sâu sắc so với tư tưởng nhân đạo truyền
thống. Nó được nảy sinh trên cơ sở thức tỉnh sâu sắc ý thức cá
nhân, khát khao sự tồn tại thực sự của đời sống cá nhân.
C. Kết bài
Trong tâm hồn, kí ức của mình, hình như mỗi chúng ta đều
lưu giữ không biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi ấu thơ. Cho dù quãng
đời ấy mới vừa trôi qua hay thành dĩ vãng đã lâu rồi thì nó vẫn
đầy tiềm năng sống. Chỉ cần một vài tín hiệu gợi nhắc nào đó là
nó lại lóe lên. Trong mỗi người chúng ta cũng đều có một đứa trẻ
của tuổi xưa mà ta dù đã giã từ, nhưng khi có dịp, hay được ai đó
gợi nhắc, đứa trẻ ấy dễ dàng thức dậy, lại hồn nhiên náo nức
trong ta. Chọn đúng góc nhìn của cô bé Liên và nương theo diễn
biến tâm trạng của cô, là một cách lặng lẽ và tự nhiên nhất Thạch
Lam chậm rãi, nhẹ nhàng đánh thức kí ức tuổi thơ trong tâm hồn
người đọc, chủ động và thoải mái dẫn dụ người đọc vào cuộc
chơi của ông. Theo sự dẫn dắt của ông, người đọc tham dự vào
cuộc chơi nơi phố huyện bằng những phiêu lưu “trí nghĩ”, và
những ấn tượng, cảm giác của “hai đứa trẻ”, nhân vật chính.
Những cảm giác cảm tưởng ấy, có thể lan man, non nớt, mơ hồ,
đầy vẻ mong manh. Nhưng bù lại, chúng sẽ hết sức tươi mới,
tinh nhạy, tỉ mỉ và mang đầy những hứa hẹn của một cuộc phiêu
lưu thám hiểm, khám phá thú vị. Hai đứa trẻ đúng là một khám
phá mới mẻ về nội dung và hình thức nghệ thuật.

You might also like