Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 20

MỤC LỤC

I. MỞ ĐẦU..............................................................................................................2
II. NỘI DUNG..........................................................................................................2
1. Quy trình thực hiện và phát hành báo in ở Việt Nam xưa.......................2
2. Quy trình xuất bản báo in ở Việt Nam hiện nay...........................................6
a. Điểm tương đồng về quy trình xuất bản báo in Việt Nam xưa và nay......9
b. Điểm khác biệt về quy trình xuất bản báo in Việt Nam xưa và nay........10
III. KẾT LUẬN......................................................................................................14
TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................................................19

1
I. MỞ ĐẦU

Báo chí – công chúng, mối quan hệ này đặt trong sự ràng buộc không tách rời với
sự kiện lịch sử. Những yêu cầu khách quan của thời đại tạo nên cơ sở cho sự ra đời
của báo in ở Việt Nam. Gia Định Báo do Trương Vĩnh Ký thành lập 15/4/1865 là
tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, “khai màn” cho một đời sống báo chí Việt
Nam đa dạng, sôi động và cũng nhiều biến chuyển thăng trầm về sau. Mỗi thời kỳ,
mỗi chế độ, mỗi bối cảnh lịch sử như từng đợt sóng “đánh thẳng” vào nền báo chí
đương thời đem đến nhiều đổi khác. Quy trình xuất bản báo in cũng thay đổi dần
theo thời gian, từ thô sơ cho đến hiện đại, ngày càng được tối ưu hóa. Bài viết
“Làm thế nào cho thành một tập báo Phụ nữ Tân văn” đăng trên báo Phụ Nữ Tân
Văn số 59 (3/7/1930) và số 60 (10/7/1930) đưa độc giả thâm nhập vào quy trình
thực hiện và phát hành một tờ báo in lúc bấy giờ.

II. NỘI DUNG

1. Quy trình thực hiện và phát hành báo in ở Việt Nam xưa.

Từ lâu, báo in được biết đến là một trong những loại hình của báo chí, là phương
tiện truyền thông không thể thiếu của đời sống xã hội. Nói một cách cụ thể hơn,
báo in là những ấn phẩm xuất bản định kỳ, đăng tải các sự kiện vấn đề thời sự, phát
hành rộng rãi nhằm phục vụ công chúng với mục đích nhất định. Theo Luật Xuất
bản số 19/2012/QH13 năm 2012 của Quốc hội, hiểu đơn giản, đó là “loại hình báo
chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến
bạn đọc, gồm báo in và tạp chí in”. Luật Báo chí số 103/2016/QH13 của Quốc hội
quy định: “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để
in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử”.

Báo in Việt Nam hiện nay - Báo Lao động


2
Báo chí Việt Nam thời Pháp thuộc đánh dấu sự ra đời của nhiều tờ báo tên tuổi như
Nam Phong tạp chí, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Tiếng Dân, Đông
Pháp Thời Báo, Thanh Niên,.... Sau Nữ Giới Chung (1918) do nữ sĩ Sương Nguyệt
Anh làm chủ bút, đến giữa năm 1929, Phụ Nữ Tân Văn ra đời với tư cách là một tờ
báo tư nhân bởi ông Nguyễn Đức Nhuận. Tờ báo phát hành hàng tuần vào thứ
Năm, số đầu tiên xuất bản là ngày 2/5/1929; khổ báo 23 x 32,5cm gồm từ 26 đến
31 trang ruột (không kể trang quảng cáo và trang bìa). Đến năm thứ hai, in đến
10.800 số phát hành cả miền Bắc và miền Trung.Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo “dám
ăn dám nói” (Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, Tập 1: Trước cách mạng
Tháng Tám 1945 (1858 – 1945) – Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa). Sở dĩ
khẳng định như vậy bởi đây không chỉ là “cơ quan để phổ thông trí thức và bênh
vực quyền lợi của đàn bà” mà còn gián tiếp đả kích, phản biện chính sách của
chính quyền thuộc địa về phụ nữ, ủng hộ phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Phải
chăng, một phần vì lẽ đó cho nên tờ báo được công chúng tin tưởng và đón đọc. Số
báo 59 và số báo 60 giúp giải đáp thắc mắc của công chúng về quy trình xuất bản
một kỳ báo Phụ Nữ Tân Văn như thế nào, tờ báo đã phải kỳ công, tỉ mẩn, chuẩn bị
chu đáo, cẩn trọng ra sao trong từng khâu. Từ việc soạn bài vở, việc sắp chữ và
trình sở kiểm duyệt, sửa lỗi sửa bài rồi mới cho lên máy in, sau đó đóng thành tập
tới việc viết băng, dán băng gửi đi.

Báo Phụ nữ Tân Văn năm 1929, 1931, 1934 (từ trái qua)

Đầu tiên, việc soạn bài vở có thể xem như gần giống biên tập thời nay, chịu trách
nhiệm thu thập, xử lý thông tin của các độc giả gần xa gửi tới hoặc là tự các “đồng
sự” trong tờ báo viết ra. Đây là công đoạn được thực hiện hết sức cẩn trọng, chỉ
chọn đăng thông tin có ích, hợp thời, không đăng tin gây hại cho tinh thần người
đọc và trái luân thường đạo lý. Tờ báo đặt niềm tin của công chúng lên hàng đầu

3
cho nên kể cả lời rao vặt cũng phải “kén chọn kĩ lưỡng”. Việc soạn bài vở này
được chuẩn bị từ một tuần lễ trước ngày số báo ra mắt.

Thứ hai là việc sắp chữ và trình sở kiểm duyệt. Với những con số đó, báo phải
mượn nhà in Portail - nhà in Tây phần vì giảm chi phí, phần để đáp ứng được tiêu
chuẩn của tờ báo.

Trước khi sắp chữ, người ta phải viết bên cạnh bản thảo kiểu chữ, cỡ chữ mong
muốn như thế nào rồi mới đưa đến cho thợ. Để sắp chữ cho Phụ Nữ Tân Văn cần
khoảng 10 người. Khi đó, do không có bảng chữ cái tiếng Việt sẵn nên phải đúc
khuôn từng chữ một rồi sắp chữ thủ công. Hết công đoạn này sẽ có thợ sửa bài, sửa
lỗi của thợ sắp chữ - người lành nghề thì lỗi ít còn thợ chưa thạo thì lỗi nhiều hơn.
Chữ viết của người gửi bài tới cũng ít nhiều tác động đến tốc độ của quá trình; chữ
của người gửi nếu quá khó nhìn thì dễ dẫn tới lỗi sai trong việc sắp chữ. Công đoạn
này thường diễn ra trong vòng ba ngày. Kết thúc việc sắp chữ, nhà báo còn phải tới
tận nơi để hướng dẫn thợ sắp xếp bài theo trình tự như thế nào cho hợp lý.

Nếu như các tờ báo tiếng Pháp được tự do phát hành, thì Phụ Nữ Tân Văn và các
tờ báo Hán ngữ, Việt ngữ, các tờ báo sử dụng chữ viết ngoài tiếng Pháp phải trình
sở kiểm duyệt trước khi ra mắt công chúng. Vì vậy, mỗi kỳ đều phải in gấp đôi số
trang lên. Phần nào sở đánh dấu bị coi là “động chạm tới thời thế, phạm tới quan
trên,…” thì phải xóa bỏ. Bởi thế, độc giả thường sẽ thấy tờ báo lấy mục lời rao thế
vào, khi không kịp lấp nội dung mới vào thì có nhiều ô trống hay khung trắng.
Song song với quy trình kiểm duyệt của sở, bản còn lại sẽ được xem xét, chỉnh sửa
lại nhiều lần từ nhà báo đến thợ in rồi mới cho lên máy.

Thứ ba, việc lên máy in, tức là công đoạn in ấn. Lúc bấy giờ, tờ báo sử dụng máy
in chạy bằng điện ở nhà in Portail với nhiều “điểm đặc sắc” mà khắp Sài thành chỉ
riêng ở đây mới có: máy chạy tốt và chạy đúng, vừa in lại vừa cắt giấy; máy làm
hết công đoạn từ đặt giấy, lấy mực cho tới in ra thành từng tờ rồi xếp lại; mỗi giờ
in được tới 1800 tờ giấy. Việc in bìa sử dụng máy in thường (in bản kẽm và in hai
lần). Để cho ra bìa hai màu đan xen nhau cần có “một tay chuyên môn pha màu,
trộn thuốc” và một máy in hoạt động tốt. Việc in hình kẽm áp dụng phương thức in
kẽm bằng máy cũ, cách cũ với thời gian trước sau hết 1 giờ.

4
Máy xếp giấy

Thứ tư là việc đóng thành tập. Ở khâu này, thợ xếp, thợ đóng chỉ việc đưa báo vào
máy, còn lại máy sẽ thực hiện các công đoạn từ việc xếp, đóng, cắt giấy.

Cuối cùng là dán băng và gửi đi, tức là việc phát hành các số báo. Sau tất cả các
khâu nói trên, báo được gởi về báo quán, giao cho tờ báo. Các nhân sự cẩn thận
biên vào sổ những thứ tự thông tin về tên người đặt báo, địa chỉ ở đâu, số lượng
bao nhiêu, đã trả tiền hay chưa. Tiếp đó, người viết băng gửi ra cho nhà dây thép
đóng dấu bandes rồi đem về dán vào tờ báo, gửi đi.

Tóm lại, để in ấn và xuất bản một tờ báo in Việt Nam xưa, cụ thể là tờ Phụ Nữ Tân
Văn, phải trải qua các bước cơ bản bao gồm: thu thập, xử lý thông tin, việc sắp chữ
và trình sở kiểm duyệt, sửa lỗi và in ấn, đóng thành tập và cuối cùng là phát hành.
Các đầu việc chủ yếu làm thủ công, tuy nhiên, có sự hỗ trợ của máy trong việc in
ấn. Việc xuất bản báo chí thời xưa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách
quan, trong đó, bối cảnh xã hội có ảnh hưởng trực tiếp một cách mạnh mẽ cho nên
việc xuất bản một tờ báo quả thực không hề dễ dàng. Xuất bản báo in thời đại ấy là
một quá trình công phu, tỉ mẫn, cẩn thận từng khâu, vừa phải trải qua kiểm duyệt
khắt khe, bám sát đời sống thực tế của chính trị - xã hội vừa phải phục vụ nhu cầu
thông tin của đông đảo độc giả tin tưởng đón đọc số báo mỗi ngày.

5
2. Quy trình xuất bản báo in ở Việt Nam hiện nay

Sự phát triển của kỉ nguyên thông tin với những sự canh tân, đổi mới về công
nghệ, kĩ thuật giúp cho đời sống báo chí trở nên nhiều màu sắc hơn, đem lại nhiều
cơ hội và không ít thách thức. Báo in hiện thời vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng
trên diễn đàn ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của quần chúng nhân dân. Về cơ
bản, có 6 bước trước khi cho “ra lò” một xuất bản phẩm báo chí: nghiên cứu thực
tế; xác định đề tài, chủ đề, tư tưởng chính; thu thập thông tin; viết bản thảo; kiểm
duyệt; in ấn và phát hành. Hiện nay, “hầu hết tất cả các bước trong quy trình sản
xuất báo in đều được thực hiện trên CMS, từ tiếp nhận của phóng viên đến biên
tập, xử lý bước đầu của lãnh đạo ban phóng viên, và sau đó đến tòa soạn, cũng đều
trên CMS. Sau cùng là khâu dàn trang thì có phần theo quy trình cũ” - chia sẻ của
nhà báo Phạm Hoài Nam, một nhà báo kỳ cựu của Sài Gòn Giải phóng.

Đầu tiên, tờ báo sẽ “vạch” ra hướng đi cho số báo và các tin, bài trong báo. Thông
thường, mỗi số báo ra mắt sẽ có một đề tài chính. Ví dụ, ta sẽ thấy các bài báo về
lịch sử, những hoạt động của Nhà nước để tri ân người có công với Cách mạng hay
sự kiện chào mừng,v..v vào 30/4 - ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất
nước. Việc xác định đề tài cho số báo là công đoạn quan trọng để chiếm được sự
quan tâm, theo dõi của độc giả.

Ban biên tập định hướng cho số báo - Báo Điện tử Kon Tum

Còn về việc xác định chủ đề bài viết, phóng viên và trưởng ban sẽ cùng bàn bạc
với nhau để tìm ra câu chuyện thích hợp. Hay nói cách khác, những tin tức được
đưa lên báo phải có sự thống nhất giữa nhà báo và trưởng ban. Có hai cách để vận
hành công đoạn này. Một là phóng viên khi tìm thấy đề tài thú vị sẽ báo lên trưởng
ban để xem xét, duyệt đề tài, “cho phép” phóng viên đi sâu vào, tác nghiệp, viết
bài. Hai là trưởng ban sẽ giao cho từng cá nhân những chủ đề, nhân vật, sự kiện cụ
thể để “chạy bài”. Ở bước này, cả phóng viên và trưởng ban đều phải đối chiếu
câu chuyện mình chọn với thực tế để nắm bắt chủ đề được nhiều người quan tâm,
theo dõi, tăng sức cạnh tranh với các tờ báo khác. Sở dĩ, độc giả không bỏ tiền mua
6
một tờ báo mà họ không thấy bị cuốn hút bởi hình thức và nội dung, đặc biệt là về
phần nội dung. Cốt yếu ở đây là phải tìm ra chủ đề hay, được bạn đọc quan tâm,
theo dõi thì mới thu hút, thuyết phục họ mua báo. Có như vậy, số báo ngày hôm ấy
mới được “bán chạy”, đem lại thành công cho tờ báo và giá trị cho cộng đồng.

Sau đó là giai đoạn vẽ và hoàn thiện “bức họa sơ khai” của bài báo. Ở giai đoạn
này, phóng viên có nhiệm vụ thu thập, khai thác thông tin để viết bài. Địa điểm
cũng như phương thức tác nghiệp linh hoạt, xoay chuyển theo diễn biến sự kiện.
Thời gian để phóng viên hoàn thiện việc viết bài có thể dài, ngắn tùy vào kĩ năng
nghề nghiệp và mức độ “khó nhằn” của chủ đề viết.

Phóng viên tác nghiệp - Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Khi nhận được bài viết của nhà báo, ban biên tập sẽ tiến hành kiểm duyệt, sửa lỗi.
Đây là công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ, suy nghĩ thấu đáo bởi bài báo một
khi đã xuất bản thì rất khó để thu hồi, đặc biệt là báo in. Quá trình này góp phần
lớn vào sự thành công của bài báo bởi ban biên tập đã chỉnh sửa những lỗi, cân
nhắc câu từ để chúng trở nên dễ hiểu, dễ đọc, phù hợp với đối tượng độc giả của
báo in.

Sau khi kết thúc bước kiểm duyệt, tòa soạn sẽ gửi bản mềm tờ báo qua bộ phận chế
bản, chuẩn bị cho quá trình in ấn, phát hành. Bộ phận chế bản có nhiệm vụ nhập
lệnh sản xuất về số lượng ấn phẩm yêu cầu, số trang của mỗi ấn phẩm và số màu
trong mỗi trang. Trong giai đoạn này, để đảm bảo tính chỉn chu cho bài báo in,
những người làm công tác in ấn sẽ kiểm tra lại tổng thể tờ báo một lần nữa.

7
File xuất phim cho bản in 4 màu sẽ được đối chiếu với bản soạn thảo trước khi
chụp từ bản phim qua bản kẽm. Việc chụp từ bản phim qua bản kẽm để chuyển
sang in offset (in ấn loát) cần 3 công cụ: bản phim, bản kẽm và máy chụp bản. Đầu
tiên, "ấn" bản phim lên bản kẽm. Sau đó, đem đi chiếu dưới máy chụp bản. Tiếp
tục, tấm bản kẽm sẽ được xử lý qua hóa chất để hiện lên những phần mà máy chụp
bản chiếu qua được.

Tiếp theo, giấy được đưa vào máy in đồng thời cân chỉnh các thông số của máy để
ra bản in đúng tông màu, sắc nét và kiểm tra lại để phát hiện lỗi. Cho bản kẽm vào
máy in là công đoạn cuối cùng của quy trình in ấn báo in. Công đoạn này đòi hỏi
sự cẩn thận của người công nhân để tránh bị tai nạn lao động.

Cho bản kẽm vào máy in - Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam

Những trang báo mới in ra sẽ nhanh chóng được xén, sắp xếp theo cấu trúc bài và
gấp lại. Để đảm bảo chất lượng và số lượng, ở các tờ báo lớn, quy trình xử lý sau
khi in thường được vận hành bằng máy móc.

Vận chuyển đến các tỉnh thành, cơ quan, đơn vị đặt báo là bước cuối cùng trong
quá trình xuất bản báo in. Thành phẩm của cả một quá trình lao động của ban biên
tập, phóng viên, đội ngũ in ấn, đội ngũ xử lý sau in ấn là một tờ báo chỉn chu từ nội
dung đến hình thức, giao tận tay bạn đọc.

Tóm lại, một tờ báo được đưa đến tay bạn đọc là cả một quá trình dài, bài bản và
đòi hỏi trí-tâm-lực của những người phụ trách các công đoạn khác nhau. Không
phải đơn giản để báo in tồn tại trong khoảng thời gian lâu như vậy. Trải qua gần
100 năm, quy trình thực hiện và phát hành báo in ở Việt Nam đã có sự cải tiến,

8
hiện đại hóa máy móc, tiếp thu công nghệ mới để tinh giản quy trình. Điều đó là
quy luật hiển nhiên, bởi với sự chuyển biến nhanh của thời đại, báo in phải luôn
tiếp nhận yếu tố mới, thay đổi cách làm để phù hợp hơn với độc giả thì mới duy trì
được sức ảnh hưởng của mình. Trước mắt, các tờ báo Việt Nam đã có những giải
pháp để nâng cao “hình ảnh” của báo in trong lòng bạn đọc, như: áp dụng công
nghệ CMS, mô hình tòa soạn hội tụ, biến tấu các thể loại cho mới mẻ, hấp dẫn hơn,
tiếp thu ý kiến độc giả,... Tuy vậy, về cơ bản, quy trình thực hiện và phát hành báo
in ở Việt Nam vẫn gồm những bước cốt lõi: nghiên cứu thực tế; xác định đề tài,
chủ đề, tư tưởng chính; thu thập thông tin; viết bản thảo; kiểm duyệt; in ấn và phát
hành.

3. Báo in Việt Nam qua gần 100 năm, có gì giống và khác xưa?

Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Ngay sau khi
chiếm được Nam Kỳ, người Pháp nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị ở xứ này,
chính quyền thực dân lấy báo chí làm công cụ để phục vụ cho việc cai trị, “khai
hóa và truyền bá văn minh” cho người dân bản xứ. Dưới chế độ mới, lịch sử đất
nước có nhiều biến động trực tiếp tác động đến báo giới. Ngày nay, khi đất nước
thống nhất, tự do và độc lập, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật đã đưa
báo in Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới. Yêu cầu khách quan của thời đại, sự
thúc đẩy từ bên trong tạo nên điểm giống và khác nhau trong quy trình xuất bản
báo in đương thời và báo in cách đây gần 100 năm ở Việt Nam (giai đoạn 1929 -
1945). Để lý giải sự khác tương đồng và khác biệt của báo in xưa – nay, cần đặt
trên nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau về chế độ, chính sách cai trị; về điều
kiện kinh tế - xã hội.

a. Điểm tương đồng về quy trình xuất bản báo in Việt Nam xưa và nay

Ngày nay, báo in Việt nam tuy đã có nhiều bước phát triển vượt trội hơn, song một
số điểm căn bản trong quy trình xuất bản vẫn được giữ lại và có những bước cải
tiến hơn để phù hợp với thời đại. Về cơ bản, ở cả báo in xưa và nay đều đảm bảo
được các bước trọng yếu: thu thập và xử lý thông tin; viết bài; kiểm duyệt; in ấn và
phát hành báo tới đọc giả.

Thu thập thông tin là bước đi đầu tiên không thể thiếu đối với báo chí. Bởi có
thông tin, có sự kiện thì mới có cơ sở ra đời cho tác phẩm. Việc phải thâm nhập
vào đời sống hiện thực, nắm bắt sự kiện, thu thập thông tin là bản chất muôn đời
của mọi loại hình báo chí, báo in cũng không ngoại lệ. “Không có chuyện một nửa
sự thật là sự thật, báo chí phải là sự thật” (Nhà báo Phan Thanh Thủy). Sự thật vừa
là tôn chỉ, vừa là thước đo chuẩn mực đạo đức, đánh giá cái tâm, cái tài của người
làm báo. Nhưng có chăng, bất kì sự thật nào cũng có thể trình lên mặt báo? Báo in

9
xưa và nay đều làm được một điều mà truyền thông đại chúng trong kỷ nguyên
bùng nổ thông tin rất khó kiểm soát được đó là công đoạn biên tập, chọn lọc, xử lý,
phân luồng thông tin qua nhiều lần. Người biên tập ngay từ lúc nhận bản thảo sẽ
phải thẩm định sơ bộ, sau đó “gạn đục khơi trong”, thông tin nào không xác thực,
không đem lại giá trị hoặc tác động tiêu cực đến độc giả, không có ý nghĩa thời
cuộc và trái với luân thường đạo lý sẽ bị loại bỏ. Chỉ giữ lại những gì độc giả quan
tâm, giúp nhận diện được bức tranh thời đại qua góc nhìn của ký giả. Điều này
giúp đảm bảo chất lượng thông tin và quyền lợi của độc giả. Sau “màng lọc” đầu
tiên, sự kiện sẽ được viết thành bản thảo hoàn chỉnh. Để đảm bảo tính hoàn thiện,
chỉn chu về cả hình thức lẫn nội dung, bài viết một lần nữa được kiểm tra, chỉnh
sửa lỗi sai rồi mới được phê duyệt và cho đi in ấn. Một điều có thể thấy rõ ở quy
trình in ấn và phát hành báo ở các thời kì đều rất cẩn thận, tỉ mẫn, chỉn chu từng
khâu; đảm bảo chất lượng từ hình thức đến nội dung cho bạn đọc.

Nhìn chung, quy trình in ấn và phát hành báo in thời kì nào cũng đều tuân theo trật
tự của quy luật sáng tạo tác phẩm báo chí. Trước hết, người làm báo đặt sự tín
nhiệm, lợi ích của công chúng lên hàng đầu. Điều này tương đương với chất lượng
thông tin và giá trị mà nó đem lại. Tiếp theo đó mới là yêu cầu về bản thảo, từ nội
dung đến hình thức, quy cách trình bày, mức độ hoàn thiện, kĩ thuật in ấn và phát
hành.

b. Điểm khác biệt về quy trình xuất bản báo in Việt Nam xưa và nay

Bối cảnh lịch sử khác nhau, tình hình chính trị - xã hội, văn hóa, kinh tế,… khác
nhau; đó là cơ sở để tạo nên sự khác biệt giữa quy trình xuất bản một tờ báo in Việt
Nam xưa và nay. Về cơ bản, báo in hiện đại vượt trội hơn hẳn so với báo in ngày
trước về nhiều mặt: công nghệ, kỹ thuật, tính chuyên môn hóa cao,…

Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận thấy nhất đó là các quy trình thời xưa chủ yếu làm
thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức. Kể như một trong những bước đầu
tiên – thu thập thông tin. Các nhà báo ngày nay có thể nhanh chóng trực tiếp
nghiên cứu, kiểm chứng thông tin ngay tại thực địa thì các ký giả xưa chỉ có thể
nắm được nguồn thông tin xác thực ở vùng mình sinh sống, ở phạm vi không gian
làng, xã, huyện nhất định xung quanh mình. Nếu không phải thông tin từ các “đồng
sự” thì thông tin từ độc giả gửi về cũng mất nhiều ngày, hơn nữa còn khó kiểm
soát được tính minh bạch của sự kiện đó. Còn báo in hiện thời có khả năng cập
nhật thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy
của tin tức. Các nhà báo ngoài việc có thể “săn tin” hiện trường với việc di chuyển
thuận tiện thì còn có khả năng bao quát những gì diễn ra xung quanh nhờ Internet –
kho lưu trữ và phát hành thông tin khổng lồ của toàn thế giới. Sự khác biệt với thời
xưa này vừa là lợi thế vừa là điểm hạn chế của báo chí Việt Nam hiện nay nói
10
chung và báo in nói riêng. Bởi thông tin tràn lan thì khó kiểm chứng cũng như
kiểm soát được và độc giả có thể sử dụng phương tiện khác để cập nhật thông tin
chứ không nhất thiết qua báo chí.

Dưới chế độ thực dân, việc đầu tiên khi muốn xuất bản báo đó là tìm nhà in. Để có
được công nghệ in chất lượng hàng đầu thời bấy giờ thì chỉ có nhà in Tây mới đủ
điều kiện đáp ứng, phần vì còn lệ thuộc vào Pháp. So với ngày nay, công nghệ in
ấn cũng có nhiều điểm khác biệt. Chúng ta có máy vi tính, smartphone,…, có thể
dễ dàng nhập và lưu trữ thông tin hay đơn cử như việc soạn bản thảo thì báo in
ngày trước lại không thuận tiện được đến thế. Sắp chữ - công đoạn đầu tiên trước
khi một bản thảo được đưa vào in ấn. Ngày ấy, không có thợ sắp chữ thì cho dù bài
viết có hay đến đâu cũng không thể in ra được. Công đoạn này tốn rất nhiều thời
gian, chưa kể “tam sao thất bản” người thợ sắp chữ dễ mắc sai lầm nếu không
thuần thục và có trình độ; dẫn tới sai lệch nội dung muốn truyền tải. Muốn in kiểu
chữ, cỡ chữ như thế nào thì phải ghi chú lại để người thợ biết cách xếp chữ. Ngày
nay, sắp chữ đã không còn nữa tồn tại nữa. Thay vào đó là biên tập sẽ soạn thảo
bằng máy tính, bằng các phần mềm đa tiện ích hơn. Không còn là “giấy trắng mực
đen” mà là Microsoft Word, Google Docs,… được tích hợp trên máy vi tính,
smartphone,… đáp ứng mọi yêu cầu về kiểu chữ, cỡ chữ người soạn thảo mong
muốn. Hơn nữa khả năng lưu trữ dữ liệu cũng cao hơn và ưu việt hơn về độ hoàn
thiện.

Công nghệ và kỹ thuật in ấn ngày càng phát triển hiện đại, thay thế các phương
thức truyền thống thô sơ, lạc hậu, điển hình có thể kể đến là in offset- cách in sử
dụng lực ép các tấm offset (các tấm cao su dùng trong in ấn) để in lên giấy, các tấm
offset sẽ được ép lên các hình ảnh dính mực trước đó. Nếu như thời Lý có in mộc
bản, thời Pháp thuộc có in hoạt bản, in thạch bản, in đất sét, in sáp giấy (thường
thấy ở báo chí Cách mạng, hoạt động bất hợp pháp và không công khai) thì ngày
nay có in offset. Kỹ thuật này sẽ giúp tránh được việc giấy bị dính nước theo mực
in khi sử dụng in thạch bản, đảm bảo cho chất lượng thành phẩm tốt nhất. Ưu điểm
là cho chất lượng hình ảnh cao và rõ nét hơn, màu sắc sản phẩm đẹp và hầu như
không bị lem mờ trong quá trình in ấn. Việc chế tạo các bản in cũng dễ dàng hơn.
In offset có thể in trên nhiều chất liệu khác nhau, trên cả bề mặt phẳng và sần sùi.
Tuổi thọ của bản in cũng tốt hơn nhiều.

Trước đó, in bản kẽm bằng máy thường muốn in được bìa hai màu đan xen nhau
thì cần phải có thợ trộn màu chuyên nghiệp và máy in tốt. Với công nghệ in ấn
hiện nay, các trang báo trở nên bắt mắt hơn, thẩm mỹ hơn trước rất nhiều. Từ đó,
mang đến cho người tiếp nhận cảm xúc trọn vẹn hơn, hấp dẫn, lôi cuốn và sinh
động hơn.

11
Máy in Typo Máy in Offset

Đối với một phóng viên thời xưa, chiếc máy ảnh là cả gia tài. Có hình rồi muốn in
ra báo phải qua nhiều bước in hình kẽm phức tạp. Còn ngày nay công đoạn này
được tinh giản hết mức, công nghệ in mới cho phép ảnh được in ra sắc nét hơn,
nhiều màu và bền màu hơn. Hơn nữa, trong tay một nhà báo hiện đại gần như luôn
có một phương tiện để quay, chụp, thậm chí là viết cả bản thảo dù ở bất cứ nơi đâu.
So sánh báo in Việt Nam trong giai đoạn 1929 - 1945, để xuất bản một số báo có
bìa màu, có hình kẽm như Phụ Nữ Tân Văn thực sự tốn rất nhiều thời gian và công
sức; tuy nhiên, đặt vị trí ở thời điểm đó thì không phải báo nào cũng đạt được chất
lượng như vậy.

Đặc biệt, đối với báo in xưa, hoàn thành bước in ấn nhưng chưa chắc đã được phát
hành bởi quy trình kiểm duyệt khắt khe từ chính quyền. Với các Hiệp ước
Harmand (1883) và Patenotre (1884), Nam kỳ thực sự là một xứ trực trị, một “hạt”
của nước Pháp ở Viễn Đông. Vì thế mà giai đoạn đầu, chính sách quản lý báo chí ở
Nam Kỳ có phần rộng rãi hơn so với hai xứ bảo hộ Bắc và Trung Kỳ. Làng báo
Việt Nam “phôi thai” và khai sinh trên nền móng thuộc địa thực dân, lần lượt các
tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ ra đời, tạo ra những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ,
trực tiếp hoặc gián tiếp tác động sâu sắc đến chính quyền thuộc địa trên nhiều
phương diện – điều mà thực dân Pháp không hề nghĩ đến khi ban hành đạo luật
ngày 29/7/1881 về tự do báo chí ở xứ thuộc địa này. Theo đó, việc xuất bản báo
chí sẽ được phát hành tự do mà không cần xin phép trước hay ký quỹ tiền. Về sau,
khi dần nhận ra sự đe dọa ngày càng khó kiểm soát của báo chí, quan Toàn quyền
hội ý với Ban thường trực Tối cao Đông Dương quyết định áp dụng Sắc lệnh
30/12/1898 trên toàn Đông Dương. Kể từ khi thi hành sắc luật, báo chí muốn xuất
bản phải qua bước kiểm duyệt khắt khe trước khi được đưa vào in ấn. Các tờ báo
Việt ngữ hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Pháp mỗi lần phát hành,

12
người quản lý phải nộp lưu chiểu hai bản cho nhà chức trách (do Toàn quyền chỉ
định). Như Phụ Nữ Tân Văn hay những tờ Việt ngữ khác đều phải in thêm hai bản
để “đem trình sở kiểm duyệt”. Nội dung quy định tất cả những tờ báo in bằng Việt
ngữ, bằng Hán ngữ hay bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài Pháp ngữ,
phải có sự cho phép trước của quan toàn quyền, sau khi toàn quyền hội ý với Ban
thường trực Thượng hội đồng Đông Dương. Toàn quyền có thể thu hồi giấy phép
bất cứ lúc nào. Rõ ràng, hành động này nhằm mục đích hạn chế, bóp nghẹt quyền
tự do ngôn luận và đàn áp các cuộc đấu tranh tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Còn ngày nay, dưới ngọn cờ tự do, dân chủ, Luật Báo chí số 103/2016/QH13 quy
định: báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng; đảm bảo
quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Báo in cũng định vị
đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước;
là diễn đàn để quần chúng nhân dân cất lên tiếng nói của chính mình, tôn trọng,
bảo vệ quyền lợi của các bên. Có thể kể đến một số cái tên nổi bật như báo Thanh
Niên, báo Tuổi Trẻ, báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng,...

Mặt khác, việc phát hành báo in ngày nay cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Ngày trước
việc để báo đến tay bạn đọc phải qua nhiều bước nào là ghi chép thông tin, dán
băng, vận chuyển đi xa còn dễ xảy ra tình trạng thất lạc, nhầm lẫn. Hiện nay, sạp
bán báo in trực tiếp tuy không còn nhiều, nhưng báo vẫn được đặt hàng chủ yếu
bởi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp,… Báo in trong thời đại ngày này vận động
và phát triển song song cùng truyền thông đại chúng trên internet. Hai bên tác động
ảnh hưởng lẫn nhau, vừa cạnh tranh vừa tạo động lực thúc đẩy nhau phát triển. Ví
dụ nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) vừa
qua, Báo Nhân Dân đã phát hành số báo đặc biệt ngày 7/5/2024. Bạn đọc có thể
cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m (kỷ lục đối với báo in) và tương
tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR để
đọc thông tin mở rộng. Công nghệ AR cho phép người dùng xem một bức tranh
panorama động trong chiều không gian vật lý.

Báo chí hiện đại phát triển trong thời đại mới, hình thành các tòa soạn hội tụ có sự
trang bị và hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ
chức gọn nhẹ, các bộ phận chủ động, linh hoạt, đội ngũ nhà báo nhạy bén, thông
thạo và làm chủ công nghệ mới. Việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ đã
giúp quy trình được tối giản hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Chia sẻ về điều này, nhà
báo Phạm Hoài Nam nhận định: “Về quy trình sản xuất báo in hiện nay đã có sự
thay đổi khá lớn so với trước kia, nhờ vào công nghệ số. Hiện các báo đều đã áp
dụng CMS (phần mềm quản trị nội dung ) trên báo điện tử và báo in rất nhanh
chóng, bỏ qua được nhiều khâu trong dây chuyền xử lý tin bài theo truyền thống
trước kia. Chỉ bằng điện thoại di động, PV từ hiện trường và sự kiện có thể gửi
13
những đoạn clip có hình ảnh, giọng nói qua app CMS theo địa chỉ người có trách
nhiệm xử lý của các ban phóng viên để biên tập, xử lý. Ở báo in cũng vậy, tin bài
của phóng viên cũng gửi về trên CMS với yêu cầu củ từng trang mục, ngày đăng...
Các tin bài này cũng đều phải qua lãnh đạo các ban phóng viên phụ trách biên
tập, trình duyệt gửi về tòa soạn. Ở tòa soạn, các biên tập viên tiến hành biên tập
bước nữa, trình duyệt thư ký trực, sau đó giàn trang theo trang mục của ngày
đăng...”.

Chung quy lại, báo in Việt Nam sau gần 100 năm đã phát triển hơn về quy trình
xuất bản, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của đa loại hình báo
chí hiện đại. Không thể phủ nhận rằng, ở những năm 1930, với quy trình xuất bản
báo in thời đó tuy có nhiều hạn chế so với hiện nay nhưng lại phù hợp với bối cảnh
lịch sử đất nước khi ấy. Cũng nhờ vậy mà không chỉ Phụ Nữ Tân Văn, còn có
Tiếng Dân (1927 -1943), Thần Chung (1929 - 1930),.... Cuộc chạy đua của nền
kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ làm cho sự
cạnh tranh giữa báo in với các loại hình báo chí hiện đại khác ngày càng lớn. Tuy
nhiên, tình hình trên cũng là động lực và điều kiện để báo in có thể hiện đại hóa,
nâng cao chất lượng của một loại hình báo chí truyền thống đã đi cùng lịch sử dân
tộc gần trăm năm.

III. KẾT LUẬN

Nhìn lại chặng đường lịch sử gần 100 năm đã qua, báo in Việt Nam nói riêng và
báo chí nói chung đã có nhiều đổi khác. Báo in Việt Nam ngày nay có tính chuyên
môn hóa cao hơn rất nhiều, vì vậy các công đoạn được thược hiện có trật tự hơn,
dễ nắm bắt tình hình và quản lý hơn. Báo in Việt Nam đã trải qua những giai đoạn
thăng trầm, đi cùng với lịch sử dân tộc. Từ thuở đất nước hình chữ S chưa được
“nên hình”, báo in đã đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam, lan tỏa thông tin, giá trị
nhân văn. Sang đến thời kỳ đất nước hòa bình đến hiện nay, báo in ngày càng cải
tiến về hình thức lẫn nội dung để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Nhưng rồi, báo điện tử
được ra đời và có những điểm nổi trội hẳn so với báo in. Báo điện tử hợp thời, tiện
lợi, mang lại sự chủ động cho người đọc. Báo điện tử cũng là nơi “nảy mầm”
những hình thức, thể loại mới. Vì thế, báo điện tử dần chiếm được vị trí trong lòng
bạn đọc, đồng nghĩa với việc báo in dần mất chỗ đứng. Thời gian gần đây, nhiều
người không còn thói quen đọc báo in nữa, vì vậy, các tờ báo cũng chỉ phát hành
báo in ở mức vừa phải, nếu không muốn nói là ít. Nhà báo Phạm Hoài Nam đã chia
sẻ một điểm hạn chế của báo in hiện nay khiến báo in đã khó tiếp cận với độc giả,
nay còn khó giữ mối liên hệ với các bạn đọc lâu năm, như sau: “Báo in giờ không
dễ để mua được 1 tờ đọc hàng ngày bởi đặt báo phát đến tận nhà hàng ngày thường

14
không trùng với giờ của người đọc khi ra khỏi nhà vào buổi sáng. Mình có thích
đọc báo giấy cũng thấy bất tiện, trong khi, ở điện thoại luôn có đủ thông tin của các
báo, mình có thể đọc bất cứ giờ nào, ở đâu, miễn có wifi”. Những bạn đọc thân
quen của báo in vẫn hy vọng một ngày, báo in có thể lấy lại phong độ, phát triển
hơn so với hiện tại để đưa được nhiều thông tin chính xác, có giá trị và góp phần
vào văn hóa đọc của người Việt.
IV. SO SÁNH VỚI BÀI VIẾT SỬ DỤNG CHATGPT

Trong thời đại công nghệ-kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, nhiều phần mềm hoạt
động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được chú trọng phát triển để mang lại tiện ích
cho con người. Trong đó, nổi bật trong giới học thuật gần đây là ChatGPT - một
chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022.
Giờ đây, ngoài công cụ tìm kiếm kinh điển là Google, người dùng mạng có thể hỏi
trực tiếp ChatGPT và nhận câu trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm và đi chi tiết một
số chỗ theo yêu cầu. Chính vì tính ưu việt đó, ChatGPT đã từng bước trở thành
công cụ được các bạn sinh viên quan tâm, tin dùng, tham khảo ý kiến để phục vụ
cho bài tập, cuộc sống. Tuy vậy, ChatGPT vẫn chỉ là phần mềm hỗ trợ, không thể
thay thế “bộ não” của con người. Cùng viết về chủ đề quy trình thực hiện và phát
hành báo in ở Việt Nam, bài viết của nhóm và bài viết của ChatGPT vừa có điểm
tương đồng, vừa có điểm khác biệt.

Nhóm đã yêu cầu phần mềm ChatGPT trả lời các ý trong đề bài và được bài viết
hoàn chỉnh (sau khi đã sắp xếp các nội dung ChatGPT đưa ra theo đúng trình tự đề
bài): “Khi nói đến quy trình sản xuất và phân phối báo in, hình ảnh của những nhà
in cổ điển với máy móc và những cuộn giấy lớn có thể tựa như một bức tranh đã
cũ. Tuy nhiên, qua thời gian, quy trình này đã trải qua một cuộc biến đổi lớn
mạnh, đặc biệt là với sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi trong cách tiếp cận
với thông tin. Từ việc thu thập thông tin cho đến quá trình in ấn và phân phối, mỗi
bước đều đã trải qua sự thay đổi không ngờ từ xưa đến nay.

Trong thời đại mạng lưới thông tin hiện nay, việc sản xuất và phát hành báo đã
trải qua những thay đổi đáng kể. Hãy cùng nhìn lại quá trình phức tạp của việc
sản xuất báo in truyền thống so với quy trình hiện đại với sự ứng dụng của công
nghệ.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào quy trình thu thập thông tin. Xưa kia, các nhà
báo và biên tập viên phải dành thời gian và công sức lớn để thu thập thông tin từ
nhiều nguồn khác nhau, thường phải dựa vào các nguồn truyền thống như cuộc
phỏng vấn trực tiếp hoặc tìm kiếm tài liệu. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phổ biến

15
của Internet và các nguồn thông tin trực tuyến, việc thu thập thông tin đã trở nên
nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết.

Sau khi thu thập thông tin, bước tiếp theo là biên tập. Trong quá khứ, quá trình
này thường đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn do việc phải thực hiện thủ
công. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các phần mềm và công nghệ hiện đại, các nhà
báo và biên tập viên có thể biên tập nội dung một cách nhanh chóng và hiệu quả
hơn.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về quy trình chuẩn bị bản in. Trước đây, việc sắp
xếp các nội dung trên trang báo thường được thực hiện thủ công, đòi hỏi sự chăm
chỉ và kiên nhẫn. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của các phần mềm đồ họa
và thiết kế chuyên nghiệp, việc chuẩn bị bản in đã trở nên dễ dàng và chính xác
hơn.

Quy trình in ấn cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể. Nếu xưa kia, việc in ấn
thường mất thời gian và cần kỹ thuật cao, thì hiện nay, với sự ra đời của máy in kỹ
thuật số, việc in ấn đã trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cuối cùng là quy trình đóng gói và phân phối. Trong quá khứ, các tờ báo thường
được phân phối thông qua các điểm bán báo truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay,
với sự phát triển của Internet, các tờ báo cũng có thể được phân phối thông qua
các trang web, ứng dụng di động và mạng xã hội, mở ra một phạm vi độc giả rộng
lớn hơn.

Tóm lại, quy trình sản xuất và phát hành báo đã trải qua những thay đổi lớn từ
quá khứ đến hiện tại, chủ yếu nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển
của ngành truyền thông. Mặc dù có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những
khác biệt rõ ràng giữa quy trình sản xuất báo xưa và hiện đại. Qua đó, chúng ta
thấy được sự tiến bộ không ngừng của con người và công nghệ trong việc cung
cấp thông tin và giải trí cho cộng đồng. Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

Trong thế kỷ 21, khi công nghệ điện tử và Internet trở thành phổ biến, quy trình
sản xuất báo in không còn giới hạn trong những máy in cũ kỹ và quy trình thủ
công lâu dài. Sự tiện lợi, tốc độ và phạm vi của việc sản xuất và phân phối báo in
đã được nâng cao lên một tầm mới, mở ra một cửa sổ rộng lớn đối với việc tiếp
cận thông tin và giáo dục cũng như giao lưu văn hóa. Tuy vậy, dù có sự thay đổi,
việc duy trì chất lượng và đáp ứng nhu cầu của độc giả vẫn là trọng tâm của mọi
nỗ lực trong quy trình sản xuất báo in.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

16
Xin lỗi, hiện tại tôi không thể cung cấp trích dẫn từ tài liệu cụ thể hoặc tài liệu
tham khảo do tôi không thể truy cập vào cơ sở dữ liệu tài liệu. Tuy nhiên, bạn có
thể tìm thấy thông tin chi tiết và tài liệu tham khảo từ các nguồn như thư viện trực
tuyến, cơ sở dữ liệu khoa học, hoặc các trang web uy tín về báo chí và truyền
thông. Một số từ khóa bạn có thể sử dụng để tìm kiếm là "quy trình phát hành báo
in", "phát triển báo chí ở Việt Nam", hoặc "sự tiến hóa của báo chí".

Thông tin về điểm giống và khác nhau giữa quy trình phát hành báo in ở Việt Nam
xưa và hiện nay có thể dựa trên nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:

1. Sách và tài liệu về lịch sử báo chí Việt Nam: Có nhiều sách và tài liệu
nghiên cứu về lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam, bao gồm cả sự tiến hóa của
quy trình sản xuất và phát hành báo in.

2. Báo cáo và nghiên cứu từ các tổ chức truyền thông: Các tổ chức truyền
thông hoặc các cơ quan nghiên cứu có thể đã tiến hành các báo cáo hoặc nghiên
cứu về quy trình phát hành báo in ở Việt Nam, cung cấp thông tin về sự thay đổi từ
quá khứ đến hiện tại.

3. Phỏng vấn các chuyên gia và nhà nghiên cứu: Các chuyên gia và nhà
nghiên cứu về báo chí và truyền thông có thể cung cấp thông tin chi tiết về các
thay đổi trong quy trình phát hành báo in theo thời gian.

4. Các nguồn trực tuyến và báo chí: Các trang web, bài viết trên báo chí, blog
của các chuyên gia có thể chứa thông tin cập nhật và phân tích về sự thay đổi
trong quy trình phát hành báo in ở Việt Nam.

Những nguồn thông tin này có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chi tiết về
điểm giống và khác nhau giữa quy trình phát hành báo in ở Việt Nam trong quá
khứ và hiện nay.”

Đầu tiên, về cấu trúc, bài viết của nhóm được trình bày theo mục để người đọc dễ
theo dõi. Có các mục đóng vai trò “I. Mở đầu”, “II. Nội dung” và “III. Kết luận”,
tương đương mở-thân-kết bài. Phần mở bài giới thiệu vấn đề nhóm muốn trình bày
là quy trình thực hiện và phát hành báo in ở Việt Nam, phân tích cụ thể trường hợp
báo Phụ Nữ Tân Văn. Phần thân bài trình bày ý chính, so sánh hai quy trình xưa và
nay. Phần kết bài đúc rút lại vấn đề, đưa thông điệp đến bạn đọc. Nếu đưa yêu cầu
chủ đề như trên nhờ ChatGPT xử lý thì ứng dụng chỉ nêu ra được các ý chính
thuộc phần thân bài, hoàn toàn không có mở và kết bài. Nếu ta muốn bổ sung 2
phần này thì phải phản hồi lại, yêu cầu ứng dụng. Dựa vào nội dung bài, ChatGPT
đã viết mở và kết bài ngắn gọn nhưng khá đúng trọng tâm – so sánh quy trình xuất

17
bản báo in xưa và nay. Tuy vậy, việc bổ sung 2 phần được xem là 2 lệnh khác với
phần thân bài khi nãy nên phải kiểm tra lại để đảm bảo tính liên kết, logic của bài.

Thứ hai, về độ bao quát, cả hai bài viết đều trả lời được câu hỏi của đề bài, nêu ra
những công đoạn chính trong quy trình xuất bản báo in và các điểm giống, khác
giữa hai thời kỳ. Về cơ bản, các công đoạn trong quy trình xuất bản báo in xưa và
nay ở 2 bài viết có sự khác biệt nhỏ về tên gọi nhưng bản chất giống nhau. Tuy
vậy, bài viết của nhóm có tính bao quát hơn khi nêu được sự giống và khác giữa
quy trình của hai thời kỳ theo nhiều khía cạnh: tên gọi, cách vận hành các công
đoạn, kỹ thuật, điểm đặc trưng còn ChatGPT chỉ dựa trên một khía cạnh - là sự
phát triển của công nghệ-kỹ thuật, qua việc sử dụng loạt từ khóa liên quan, như
“Internet”, “phần mềm”, “công nghệ”, “phần mềm đồ họa và thiết kế chuyên
nghiệp”, “máy in kỹ thuật số”.

Thứ ba, về mức độ chi tiết, bài viết của nhóm có diễn giải cụ thể từng công đoạn
còn bài viết của ChatGPT chỉ nêu ý chung. Đó là nguyên nhân bài viết của nhóm
có dung lượng nhiều hơn. Cách khai thác nội dung của nhóm là khai thác “từ ngoài
vào trong”, “xé to thành nhỏ” nên hạn chế được việc bỏ sót nội dung, thông tin.
Một công đoạn được phân tách thành các bước cụ thể, giúp người đọc dễ mường
tượng ra được tính chất, cách vận hành của công đoạn. Còn ChatGPT chỉ đơn
thuần liệt kê và nêu ý chính các công đoạn, chẳng hạn, “quy trình thu thập thông
tin”, “quy trình chuẩn bị bản in”, “quy trình đóng gói và phân phối”.

Thứ tư, về độ chính xác, đáng tin cậy, bài do ChatGPT viết còn một số lỗi sai. Đầu
tiên, ở đoạn quy trình thu thập thông tin “Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào… hơn
bao giờ hết”, ChatGPT đề cập đến việc thu thập thông tin đã trở nên tiện lợi hơn
nhiều nhờ “sự phổ biến của Internet và các nguồn thông tin trực tuyến”. Đây là một
ý đúng, tuy nhiên, việc lập luận không sâu như trên dễ gây hiểu lầm, rằng các
phương tiện hiện đại đã thay các phóng viên, ban biên tập “gánh vác” lượng công
việc khổng lồ. Trên thực tế, không phủ nhận sự xuất hiện của Internet và dữ liệu
mạng đã hỗ trợ phóng viên trong việc tìm kiếm những nhân vật, địa điểm liên quan
đến bài viết của mình, giảm hao tốn công sức, rút ngắn thời gian tác nghiệp. Tuy
vậy, phóng viên và ban biên tập vẫn phải đóng vai trò “chủ chốt” trong quá trình
thu thập thông tin bởi đây là quá trình đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tư duy logic và kĩ
năng kết nối, xâu chuỗi thông tin mà không máy móc, phần mềm nào có thể làm
thay được. Tiếp đến, ở ý cuối cùng – quy trình đóng gói và phân phối, ChatGPT đã
bị nhầm lẫn giữa báo in và báo trực tuyến khi cho rằng “…các tờ báo cũng có thể
được phân phối thông qua các trang web, ứng dụng di động và mạng xã hội, mở ra
một phạm vi độc giả rộng lớn hơn.” ChatGPT đưa ra câu trả lời về tài liệu tham
khảo khá khó hiểu và chung chung, không có nguồn rõ ràng. Về phần bài viết của

18
nhóm, nhóm có nêu được cơ sở đánh giá: dựa vào bối cảnh thời đại, luật. Nhóm
cũng có trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

Cuối cùng, về tính sáng tạo, các thành viên của nhóm đã thể hiện được tính sáng
tạo của mình khi tìm ra phương án phỏng vấn để giúp “tăng điểm” trong mắt người
đọc và tạo sự khác biệt với các bài viết khác cùng chủ đề. Nhóm đưa vào bài câu
trả lời, ý kiến của một nhà báo kỳ cựu nhằm xác nhận lại một lần nữa các thông tin
nhóm tìm hiểu và suy luận được. Việc khai thác thông tin từ “nguồn” uy tín còn
làm tăng độ tin cậy cho bài của nhóm. Về khoản này, bài viết của ChatGPT chưa
thể hiện được. Ngoài ra, bài viết của nhóm còn có hình ảnh theo từng nội dung,
tăng sự sinh động cho bài viết, giúp bài viết vốn mang tính học thuật đỡ “khô”, từ
đó, bạn đọc có hình dung cụ thể về các công đoạn, hiểu hơn những điều nhóm
muốn truyền tải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(3/7/1930). Làm thế nào cho thành một tập báo Phụ nữ Tân Văn. Phụ nữ Tân Văn.
số 59. trang 13.
http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Phu%20Nu%20Tan
%20Van_059%203JUL1930.pdf

(10/7/1930). Làm thế nào cho thành một tập báo Phụ nữ Tân Văn. Phụ nữ Tân
Văn. số 60. trang 5.
http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Phu%20Nu%20Tan
%20Van_060%2010JUL1930.pdf

Minh Tùng. (17/06/2017). Cận cảnh quy trình in ấn, phát hành báo in. Tạp chí của
Hội Dầu khí Việt Nam.
https://petrotimes.vn/chum-anh-can-canh-quy-trinh-in-an-phat-hanh-bao-in-
496266.html

Gia Thịnh. (13/10/2023). Quy trình xuất bản báo in. Báo Kon Tum điện tử.
https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/quy-trinh-xuat-ban-bao-in-
33247.html

Nguyễn Việt Chước. (1974). Lược sử Báo chí Việt Nam.

https://thuviensach.vn/pdf/viewer.php?id=eba34e

Triển lãm 3D: Báo chí Việt Nam trước năm 1945. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

19
https://archives.org.vn/baochi/?
fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR2Oov5LhgzeJr6NbLECtqjjUdU2QJbqsisdn
b9fjvN2Jl7Bdfi2CNiy_g8_aem_Adq1G7GvnI3bNm4bYwIrayChBB0SHDjG39B6
25Z0syYUNKw_Bv3v3tFHqsNFyx7yZZbNmFzfGn1h7fieOHO6HUPI#/

20

You might also like