Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

Tác giả: Kim Dong-in (Hàn Quốc)

Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

Kim Dong-in (1900-1951) là một trong những nhà văn tiên phong cho chủ nghĩa hiện
thực và tự nhiên của nền văn học Hàn Quốc hiện đại. Sinh ra tại Pyeongyang, là con
của một địa chủ giàu có trong thời kỳ thuộc Nhật, ông từng sang Nhật du học tại Học
viện Meiji và trường Mỹ thuật Kawabata trước khi chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp
viết lách. Năm 1946, sau khi giải phóng Hàn Quốc, ông là một trong những nhà văn
nòng cốt thành lập Hội Nhà văn Hàn Quốc. Ông qua đời tại nhà riêng ở Seoul năm
1951.
Kim Dong-in nổi tiếng nhất với thể loại truyện ngắn bởi kết hợp nhuần nhuyễn sự nhạy
cảm mỹ học tinh tế với phong cách văn xuôi súc tích và cái nhìn khách quan. Ngoài ra
ông còn có các tiểu thuyết lịch sử và phát hành nhiều tạp chí. Năm 1955, Tạp chí Thế
Giới Tư Tưởng (Sasanggye) đã thành lập Giải thưởng Văn học Dong-in để tôn vinh
những thành tựu văn chương của ông.
Khoai tây (Gamja) sáng tác năm 1921 là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất
của Kim Dong-in, tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực của nền văn học Hàn hiện đại. Câu
chuyện đầy bi kịch về số phận của một phụ nữ nghèo bị tha hóa và có cái kết bi đát đã
hai lần được chuyển thể thành phim năm 1968 và 1987.
--------

Đánh đấm, ngoại tình, giết chóc, trộm cắp, tù tội – khu lán trại tồi tàn bên ngoài Cổng
thành Chilsong(1)là cái nơi sản sinh ra mọi bi kịch và bạo liệt trên đời này. Poknyo và
chồng cô từng là nông dân trước khi tới đó, tầng lớp thứ hai trong bốn giai cấp: sĩ,
nông, công, thương.
Poknyo luôn sống nghèo khó, nhưng cô lớn lên trong một gia đình nông dân ngay
thẳng. Tất nhiên, khuôn phép truyền thống, nghiêm khắc của một gia đình sĩ phu đã
không còn từ khi nhà cô rơi xuống tầng lớp nông dân, nhưng rõ rành, dù thế nào thì gia
phong mơ hồ mà những gia đình thuần nông khác không có, vẫn được lưu giữ. Poknyo
đã trưởng thành trong hoàn cảnh này, xem nó như một sự hoàn toàn bình thường khi
tắm trần truồng ngoài suối vào mùa hè với đám con gái nhà khác và chạy khắp nơi
trong vùng mà chỉ mặc độc chiếc quần, nhưng những khi làm thế, cô vẫn canh cánh
trong lòng một cảm giác tế nhị mơ hồ về cái điều được gọi là phẩm hạnh.
Đến tuổi mười lăm, Poknyo bị bán cho một người góa vợ trong vùng với giá 80
won(2), và như giao ước định sẵn cô đã trở thành vợ gã ta. Chú rể – hay nói đúng hơn
là ông chồng già- lớn hơn cô đến hai mươi tuổi. Thời tổ tiên, gia đình gã ta từng là
những nông dân có chỗ đứng trong cộng đồng với vài majigi(3) đất, nhưng đến đời này
gia sản đã bắt đầu khánh kiệt, mất dần một ít chỗ này, một ít chỗ nọ. Rốt cuộc, 80 won
mà gã đã bỏ ra mua Poknyo là của nả cuối cùng. Gã là một kẻ đại lười nhác. Nếu được
lĩnh canh cánh đồng nào đấy nhờ sự tín thác của một người già trong vùng thì gã chỉ
làm mỗi việc gieo hạt. Rồi sau đó không cày cuốc, cũng chẳng nhổ cỏ, gã bỏ mặc cánh
đồng hệt như lúc đầu và đến mùa thu lại gặt hái một cách sơ sài rồi bảo rằng: “Năm
nay thất bát quá”. Gã chưa bao giờ trả bất kỳ thứ gì từ vụ mùa cho chủ đất mà lấy hết
phần mình. Và thế là, gã không khi nào giữ được một mảnh ruộng quá hai năm liên
tiếp. Sau một vài năm, gã mất hết sự cảm thông và tin tưởng của mọi người đến nỗi
chẳng thể kiếm được một cánh đồng nào trong vùng để trồng trọt.
Nhờ có cha, Poknyo xoay xở bằng cách này cách khác trong ba hay bốn năm sau lễ
cưới, nhưng ông lão dẫu vẫn là một sĩ phu cũng bắt đầu đâm ra ngứa mắt gã con rể.
Thế là Poknyo và chồng mất cả niềm tin ngay trong nhà của cha cô.
Hai vợ chồng bàn tính nhiều cách thức và phương kế sinh nhai khác nhau, cuối cùng
thấy không có sự lựa chọn, họ đến thành Pyongyang để làm dân lao động. Ấy vậy mà,
người đàn ông nọ vẫn là kẻ ăn không ngồi rồi, gã ta thậm chí không thể làm nổi công
việc chân tay. Gã chuồn đến Sảnh đường Yonggwan đeo mái che trên lưng rồi ngồi cả
ngày nhìn xuống sông Taedong. Làm cách nào mà lao động được nữa?
Sau khi làm việc khoảng ba hay bốn tháng, hai vợ chồng may mắn xin vào được khu
gia nhân trong một ngôi nhà nọ. Nhưng rồi họ bị đuổi ra khỏi nhà, vì dẫu cho Poknyo
chăm chỉ coi sóc nhà cửa cho chủ thì gã chồng lười nhác của cô lại chẳng làm gì hết.
Ngày lại ngày, Poknyo nhìn chồng giận dữ, cố sai bảo gã ta, nhưng không thể bỏ được
những thói quen biếng lười như ném những mẩu đồ thừa cho loài chó.
“Khiêng mấy bao gạo kia đi.”
“Tôi buồn ngủ. Cô đi mà khiêng.”
“Tôi mà phải đi khiêng à?”
“Cô đã ngốn không biết bao nhiêu gạo hơn hai mươi năm có lẻ, thì chả nhẽ cô không
thể khiêng bằng từng đó sao?”
“Anh là cái của nợ đời tôi!”
“Đồ hỗn xược mất nết!”
Những sự cãi vã như thế diễn ra thường xuyên. Cuối cùng họ đã bị đuổi khỏi ngôi nhà
đó từ lúc nào.
Biết đi đâu về đâu bây giờ? Chẳng còn lối thoát, kết cục họ bị đẩy đến khu lán trại bên
ngoài Cổng thành Chilsong.
Nói về dân cư ngoại thành Chilsong, nghề phổ biến nhất ở đó là ăn mày. Nghề thứ hai
là trộm cắp và trong số đó có cả gái bán hoa, ngoài những nghề này thì có đủ mọi tội
ác bẩn thỉu và đáng ghê sợ trên đời. Poknyo bắt đầu làm nghề phổ biến nhất.
Có ai sẵn lòng hào phóng bố thí cho một cô gái mười chín tuổi đang độ thanh xuân rực
rỡ?
“Còn trẻ mà lại đi xin ăn! Thế là thế nào?”
Poknyo đáp trả lại những lời mỉa mai như vậy bằng lời bao biện rằng chồng cô đang
thập tử nhất sinh, hay đại loại thế, nhưng người dân ở Pyongyang đã quen với những
cái cớ như trên, nên chẳng thể xin được lòng thương hại của họ.
Hai vợ chồng Poknyo thuộc lớp những người nghèo nhất của khu cư dân sống ngoài
Cổng thành Chilsong. Thực ra trong bọn họ có vài người kiếm được nhiều tiền, một số
người trở về sau mỗi đêm với khoảng 1 won 70 hay 1 won 80 nắm chặt trong tay.
Thậm chí có những người kiếm được nhiều vô kể: ban đêm họ đi ra ngoài và chỉ một
lần kiếm được những 50 won, đủ để mở một hiệu bán thuốc lá nhỏ trong vùng.
Poknyo mười chín tuổi và có gương mặt xinh đẹp. Nếu bắt chước những phụ nữ khác
trong vùng này cô có thể đi đến nhà của một người đàn ông nào đó để kiếm tiền, thậm
chí chỉ cần làm vừa phải, cô cũng có thể kiếm dễ dàng 50 hay 60 chon(4) một ngày.
Nhưng cô lớn lên trong một gia đình trí thức nên không thể làm loại công việc đó.
Thế là hai vợ chồng tiếp tục sống trong cảnh nghèo khổ, thậm chí lúc nào họ cũng bị
đói.

***
Cánh rừng thông tại khu lăng mộ Kija có hàng đàn sâu bướm. Chính quyền thành
Pyongyang quyết định thuê phụ nữ địa phương ở vùng lán trại ngoài Cổng thành
Chilsong bắt lũ sâu bọ này như một cách chiếu cố họ. Những phụ nữ của khu lán trại
đều tình nguyện, nhưng chỉ khoảng năm mươi người được chọn. Poknyo là một trong
số đó.
Poknyo bắt sâu chăm chỉ. Cô đặt cái thang tựa vào cây thông, leo lên, gắp sâu bướm
bằng cái kẹp rồi thả chúng xuống bình thuốc trừ sâu. Sau đó cô lặp lại công việc.
Chẳng mấy chốc cái bình đã đầy. Cô nhận được 32 chon cho mỗi ngày lương.
Khi bắt sâu bướm khoảng năm hay sáu ngày, Poknyo phát hiện ra có chuyện kỳ lạ ở
đây. Một số phụ nữ trẻ trong lúc làm việc lại đi đứng dưới gốc cây, huyên thuyên và
cười đùa, không hề bắt con sâu nào nhưng họ kiếm được nhiều hơn cả những người
thực sự làm việc đến 8 chon một ngày.
Ở đó chỉ có một đốc công, và ông ta chẳng những không bận tâm việc họ đang chơi
không mà thỉnh thoảng còn nhập bọn với họ.
Một ngày Poknyo chuẩn bị nghỉ ngơi ăn trưa. Cô leo xuống cây, ăn bữa trưa và khi
chuẩn bị leo trở lên thì tay đốc công đến tìm cô.
“Pokne này, chào Pokne!” ông ta gọi.
“Có chuyện gì vậy?” cô hỏi.
Cô đặt bình thuốc sâu và cái kẹp xuống đất rồi quay lại.
“Lại đằng này một chút.”
Không nói một lời cô đi vượt qua đến trước mặt người đốc công.
“Này, cô có thể… à ờ… đến chỗ kia một lát.”
“Ông muốn làm gì?”
“Ta không biết, cô cứ đi trước…”
“Được thôi, tôi sẽ đi… Chị ơi!” Cô kêu to, quay lại phía những phụ nữ khác.
“Chị cũng đi nào, chị,” cô nói với một trong số những người phụ nữ ấy.
“Không đời nào!” người phụ nữ nọ đáp. “Hai người đi với nhau là quá đủ rồi. Có gì
vui cho tôi ở đó đâu chứ?”
Khuôn mặt Poknyo đỏ bừng bừng. Cô quay về phía tay đốc công.
“Đi thôi.” cô nói.
Tay đốc công cất bước. Poknyo cúi đầu và đi theo sau.
“Poknyo sẽ được vui vẻ đây!”
Lời giễu cợt vang lên phía đằng sau. Khuôn mặt cúi gằm của Poknyo còn trở nên đỏ
hơn nữa.
Từ ngày đó trở đi, Poknyo trở thành một trong số những lao động nhận được lương mà
không phải làm việc.
***

Thái độ phẩm hạnh và quan điểm cuộc sống của Poknyo thay đổi từ ngày đó.
Cho đến bây giờ cô chưa từng nghĩ mình sẽ có quan hệ với những người đàn ông khác.
Đó chẳng phải điều con người làm, một thứ hành động mà cô cho rằng chỉ dành cho
loài súc vật. Hay nếu ai đó làm như vậy, họ có thể sẽ bị đánh chết ngay tức khắc. Đó là
cách cô từng tưởng tượng về nó.
Đây quả một công việc thực sự kỳ lạ. Cô cũng là người và khi nghĩ về điều mình đã
làm, cô phát hiện ra nó không hoàn toàn nằm “ngoài” bản chất của một con người.
Thêm vào đó, cô không phải làm việc, cô kiếm được nhiều tiền hơn và vô cùng hài
lòng rằng nó kín kẽ hơn xin ăn. Nhưng đấy chưa phải phải là tất cả, từ cái lần đầu tiên,
cô chợt nhận ra một cách quả quyết rằng mình đã thực sự trở thành một con người.
Từ đó trở đi, mỗi lần như thế cô lại dặm lên mặt chút phấn.
***
Một năm trôi qua.
Toan tính xoay xở cuộc sống của Poknyo ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn lúc nào hết.
Hai vợ chồng giờ đây không còn sống trong cảnh thiếu thốn chật vật nữa.
Gã chồng nằm duỗi trên chỗ sàn nhà ấm nhất, cười ngờ nghệch ngụ ý rằng sau một
khoảng thời gian dài thì đây quả là một điều tốt.
Gương mặt Poknyo ngày càng trở nên xinh đẹp.
“Chào đằng ấy. Hôm nay anh kiếm được bao nhiêu đấy?”
Mỗi khi Poknyo thấy một người ăn mày có vẻ vừa xin được món hời, cô sẽ hỏi anh ta
như thế.
“Tôi chả kiếm được nhiều nhặng gì cả ngày ngày nay.” Người ăn mày sẽ trả lời.
“Bao nhiêu?”
“13, 14 nyang(5).”
“Anh kiếm được khá đấy. Cho tôi vay 5 nyang nào.”
Nếu anh ta viện cớ, Poknyo ngay tức thì nắm lấy cánh tay anh ta và nài nỉ.
“Theo như những gì tôi biết về anh, thể nào anh cũng sẽ cho tôi mượn tiền phải
không?”
“Trời ơi, mỗi lần tôi gặp người phụ nữ này là có rắc rối. Thôi được rồi. Tôi sẽ cho cô
mượn. Nhớ ‘trả’ lại đấy? Cô hiểu chứ?”
“Tôi chả hiểu anh nói thế là nghĩa làm sao cả.” Poknyo vừa nói vừa cười rúc rích.
“Nếu cô không hiểu, tôi sẽ không đưa.”
“À, tôi biết rồi. Sao anh cứ như thế?”
Tính nết của Poknyo đã thành ra như thế.

***
Mùa thu tới.
Những đêm mùa thu, phụ nữ trong khu lán trại bên ngoài Cổng thành Chilsong thường
mang giỏ vào ăn trộm khoai tây và bắp cải trong vườn rau của người Trung Hoa.
Poknyo cũng quen lệ ăn cắp khoai tây và bất kỳ thứ gì khác có thể.
Một đêm nọ, Poknyo đã lấy được một giỏ khoai tây, cô lôi dưới chân, sửa soạn về nhà,
thì đột nhiên một cái bóng đen đứng đằng sau túm chặt lấy cô. Khi nhìn lại cô nhận ra
đó chính là chủ cánh đồng, người ta gọi ông ta là Wang. Poknyo không nói được lời
nào, cô đứng đó, lóng ngóng nhìn xuống dưới chân, không biết phải làm gì.
“Đi lên nhà.” Wang nói.
“Nếu ông đã nói vậy là vậy rồi. Còn thế quái gì nữa!”
Poknyo phủi mông và đi theo Wang, đầu ngẩng cao và cái giỏ lúc lắc trong tay.
Khoảng một giờ sau cô ra khỏi nhà Wang. Cô sải bước nhanh từ một luống cày ra
đường thì có ai đó gọi cô từ phía sau.
“Pokne phải không?”
Poknyo quay ngoắt lại và nhìn. Đó là bà hàng xóm với một cái túi nhét dưới cánh tay,
đang dò dẫm ra khỏi luống cày tối.
“Là cô phải không, cô em? Cô cũng vừa ở đó ra phải không?”
“Chị vào nhà nào vậy?”
“Tôi à? Nhà Nuk. Cô thì sao?”
“Tôi ở nhà Wang. Thế chị kiếm được bao nhiêu?”
“Nuk là tên quỷ sứ keo kiệt. Tôi chỉ nhận được ba cây bắp cải.”
“Tôi được 3 won,” Poknyo kiêu hãnh đáp.
Mười phút sau Poknyo cười với chồng mình: cô đặt 3 won trước mặt gã và kể lại
chuyện đã xảy ra với Wang.

***
Kể từ đó, Wang đến tìm Poknyo mỗi lần có nhu cầu. Ông ta sẽ ngồi nhìn ngờ nghệch ở
đó một lúc, chồng Poknyo sẽ hiểu ý và đi ra ngoài. Sau khi Wang rời khỏi, hai vợ
chồng sẽ đặt 1 hay 2 won ở chính giữa, rõ hài lòng.
Poknyo dần dần bỏ việc bán thân cho những gã ăn xin gần nhà. Khi Wang bận và
không thể đến, thỉnh thoảng Poknyo tới tận nhà tìm ông ta.
Poknyo và chồng giờ đây những người giàu có của khu lán trại.
***

Mùa đông đi và mùa xuân lại đến.


Wang mua cho mình một cô vợ. Ông ta đã trả 100 won cho cô gái trẻ ấy.
“Hưmm…” Poknyo cười the thé.
“Poknyo sẽ phát ghen với việc này,” những cô vợ trẻ trong vùng kháo nhau. Poknyo
khịt mũi.
Mình mà lại ghen ư? Lần nào cô cũng phủ nhận quyết liệt, nhưng lại bất lực trước cái
bóng đen đang lớn lên trong lồng ngực.
“Ông là đồ quỷ sứ, Wang. Ông hãy chờ mà xem.”
Ngày Wang rước cô gái trẻ về nhà đã đến gần. Ông ta cắt mái tóc dài mà trước giờ vẫn
rất tự đắc. Cùng lúc đó lan ra lời đồn đại rằng đây là ý kiến của cô dâu mới.
“Hưmm….” Như mọi lần Poknyo lại cười the thé.
Cuối cùng ngày rước dâu cũng đã tới. Cô dâu điểm trang lộng lẫy, được đón trên chiếc
kiệu do bốn người đàn ông khiêng và đưa về nhà Wang ở giữa vườn rau cải ngoài
Cổng thành Chilsong.
Những người khách Trung Hoa trong nhà Wang tiếp tục huyên náo cho đến tận đêm
khuya: họ chơi những nhạc cụ kỳ lạ và hát những khúc ca có giai điệu lạ lùng. Poknyo
đứng nấp đằng sau một góc căn nhà, ánh nhìn đầy sát khí trong đôi mắt khi lắng nghe
những gì đang diễn ra bên trong.
Khi Poknyo thấy những người khách Trung Hoa đi khỏi khoảng hai giờ khuya, cô đi
vào nhà. Gương mặt được dặm đầy phấn trắng.
Chú rể và cô dâu kinh ngạc nhìn cô chằm chặp. Poknyo quắc mắt giận dữ cùng một
kiểu họ nhìn cô, cái nhìn đầy đe dọa. Cô đi tới chỗ Wang, nắm tay ông ta và kéo. Một
nụ cười kỳ lạ hiện trên môi cô.
“Nào, chúng ta sẽ đi về nhà mình.”
“Tối nay… chúng tôi có chuyện phải làm. Tôi không thể đi được.”
“Việc gì chứ? Việc gì giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Việc gì?”
“Như nhau cả thôi. Việc chúng tôi phải làm…”
Nụ cười kỳ lạ lửng lơ trên môi Poknyo đột nhiên biến mất.
“Ông chẳng có gì tốt đẹp cả! Ông nghĩ ông là ai?”
Poknyo giơ chân lên và đá vào đầu cô dâu được điểm trang kỹ lưỡng.
“Nào, đi thôi, đi thôi!”
Wang giận run lên. Ông ta hất tay Poknyo ra.
Poknyo ngã thụp xuống. Cô đứng lên ngay tức thì. Và khi đứng dậy, một lưỡi liềm lóe
sáng sắc lạnh trong tay cô giơ lên.
“Tên Tàu bẩn thỉu! Mày là đồ khốn! Đánh tao đi! Đồ khốn! Trời ơi, nó đang giết tôi
này.”
Tiếng nức nở tuôn ra từ cuống họng khi cô vung cái lưỡi liềm. Bên ngoài Cổng thành
Chilsong, giữa một cánh đồng biệt lập chỉ có mỗi căn của nhà Wang, một cảnh bạo lực
đã diễn ra. Nhưng cảnh tượng này nhanh chóng rơi vào tĩnh lặng. Lưỡi liềm vung lên
trong tay Poknyo đột nhiên bị tước sang tay Wang, và rồi máu Poknyo tuôn trào từ cổ
họng, cô đổ vật xuống nơi mình đang đứng.
***
Mấy hôm rồi mà xác của Poknyo vẫn chưa được đem chôn. Wang đến gặp chồng
Poknyo vài lần. Và chồng Poknyo đến gặp Wang vài lần. Hai người có chuyện cần
thương lượng. Ba ngày đã trôi qua.
Xác của Poknyo được chuyển đến nhà chồng cô trong đêm. Ba người ngồi quanh xác
Poknyo: chồng cô, Wang và một thầy lang. Wang không nói gì, móc ra khỏi túi tiền ba
tờ 10 won cho chồng Poknyo. Hai tờ 10 won về tay lão thầy lang.
Một ngày sau đó, Poknyo được lão thầy lang loan tin rằng đã chết do xuất huyết não,
rồi được khiêng ra nghĩa trang công cộng.
Ngọc Vân (Dịch)
Chú thích:
(1) Cổng thành Chilsong: hay còn gọi là Cổng Thất Tinh, nằm ở phía bắc thành
Pyongyang, nay thuộc thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên.
(3) Majigi: đơn vị đo lường cổ của Triều Tiên (1 majigi = 0,16 mẫu).
(2), (4), (5): những đơn vị tiền tệ cổ của Triều Tiên: (1 won = 5 nyang= 100 chon).

You might also like