ĐỒNG CHÍ

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 13

ĐỒNG CHÍ

MỞ BÀI
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”
Thật đẹp làm sao hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong thơ
Tố Hữu! Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh người lính trên đường ra trận trong những
năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại trong lòng bạn đọc một dấu ấn
khó phai mờ. Cũng viết về người lính kháng chiến thời chống Pháp nhưng bài thơ
“Đồng chí” của Chính Hữu lại thể hiện vẻ đẹp ở khía cạnh khác. Bằng những rung
động mới mẻ và sâu lắng, bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc, qua bài
thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã thể hiện mối tình đồng chí đồng đội được hình
thành và phát triển trong điều kiện chiến đấu vô cùng thiếu thốn gian khổ để tạo
nên phẩm chất dẹp đẽ, một trong những nguòn sức mạnh của quân đội ta.
THÂN BÀI
ĐOẠN 1:
*Hoàn cảnh sáng tác: Được viết đầu năm 1948, trong cuộc kháng chiến chống
Pháp, sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947). In trong tập
“Đầu súng trăng treo’ (1966).
*Mạch cảm xúc: Cảm xúc bài thơ bắt nguồn từ niềm xúc động được gợi ra từ
những cơ sở hình thành tình đồng chí, cảm xúc được đẩy lên cao, cô đọng lại trong
khẳng định kết tinh tình cảm giữa những người lính, tiếp tục gợi ra những hình
ảnh, chi tiết biểu hiện tình cảm và sức mạnh đồng đội. Bài thơ khép lại với cảm
xúc lắng đọng trước biểu tượng đẹp về tình đồng chí
*Khuynh hướng sáng tác: Bài thơ đã mở ra một khuynh hướng sáng tác mới:
cảm hứng viết về chất thực của đời sống kháng chiến, khai thác cái đẹp và chất thơ
trong cái bình dị, bình thường. Cả bài thơ tập trung thể hiện vẻ đẹp và sức mạng
tình đồng chí, đồng đội của những người nông dân mặc áo lính
*Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề “Đồng chí” vừa ngắn gọn, hàm súc lại cô đọng, gợi
chủ đề tác phẩm. “Đồng chí” là những người có chung chí hướng, lí tưởng. Tình
đồng chí được hình thành trên cơ sở chung cảnh ngộ, có sự cảm thông chia sẻ
những tâm tư, tình cảm và chung lí tưởng, góp phần quan trọng tạp nên sức mạnh
và vẻ đẹp của người lính cách mạng
ĐOẠN 2:
Bảy dòng thơ đầu nhà thơ đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng
chí của người lính cách mạng: tình đồng chí trước hết bắt nguồn từ sự tương
đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó, nảy nở từ sự cùng chung nhiệm vụ sát
cánh bên nhau chiến đấu, trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như
niềm vui:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!”
-Hai câu thơ đầu tiên chính là cơ sở cùng chung giai cấp xuất thân của người lính
cách mạng. Hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như trong cuộc sống của họ
còn nhiều lo toan vất vả.
-Hai câu đầu với cấu trúc sóng đôi cùng cách xưng hô anh- tôi thân mật gần gũi,
giọng điệu thủ thỉ như lời kể chuyện, đã thể hiện sự tương đồng về hoàn cảnh của
những người lính. Họ đều là những người con của vùng quê nghèo khó, cách nói
hoán dụ “nước mặn đồng chua”chỉ vùng chiêm trũng Bắc bộ, “đất cày lên sỏi đá”
chỉ vùng trung du đất đai cằn cỗi bạc màu
-Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với biết bao nỗi gian lao vất vả.
Khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ sẵn sàng ra đi và nhanh chóng có
mặt trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hai câu thơ theo cấu trúc sóng đôi
đối ứng “quê anh – làng tôi” đã diễn tả sự tương đồng về cảnh ngộ ấy. Và chính sự
tương đồng đó đã trở thành niềm đồng cảm giai cấp, là cơ sở cho tình đồng chí của
những người lính
-Những điều đó cùng với mục đích lí tưởng chung đã khiến họ từ mọi phương trời
xa lạ tập hợp lại trong hàng ngũ quân đội cách mạng và trở nên thân quen với
nhau:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
-Những câu thơ mộc mạc, tự nhiên như một lời thăm hỏi. Họ hiểu nhau, thương
nhau, tri kỉ với nhau bằng tình tương thân tương ái vốn có từ lâu giữa những người
Nông dân chân chất
-Cụm từ “tự phương trời” cho ta thấy họ về đây không phải do cái nghèo xô đẩy
mà vì một lí tưởng chung, cùng một mục đích cao cả duy nhất: chiến đấu bảo vệ
Tổ quốc
-Hình ảnh sóng đôi “anh – tôi” lại một lần nữa thể hiện sự gắn bó của họ qua
nhiệm vụ và lí tưởng chiến đấu
“Súng bên súng đầu sát bên đầu”
-“Súng” và “đầu” là hình ảnh đẹp, là ẩn dụ, mang ý nghĩa tượng trưng cho nhiệm
vụ chiến dấu và lí tưởng cao đẹp. Điệp từ “súng” và “đầu” được nhắc lại hai lần
như nhấn mạnh tình cảm gắn bó sâu nặng trong chiến đấu của những người lính:
luôn sát cánh trong nhiệm vụ, cùng chung chí hướng, cùng chung suy nghĩ, cùng
chung mục đích chiến đấu…
-Tình đồng chí nảy nở bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng
như niềm vui
-Đó là mối tình tri kỉ của những người bạn trí cốt mà tác giả đã biểu hiện bằng một
hình ảnh cụ thể, giản dị mà hết sức tình cảm
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
-Cơn rét ở rừng Việt Bắc đã là một thực tế ai cũng phải trải qua. Chính những lúc
gian khổ trong kháng chiến ấy thì tình đồng chí lại càng trở nên bền chặt, gắn bó
hơn. “Tri kỉ” là người bạn thân thiết hiểu rất rõ về ta. Từ những người “xa lạ” họ
về đây, tập hợp trong quân ngũ và trở thành “tri kỉ” của nhau. Vất cả nguy nan đã
gắn kết những người đồng chí khiến họ trở thành người bạn tâm giao gắn bó. Ta
càng thêm trân trọng tình cảm sâu nặng giữa họ “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp
cùng”
-Đó là mối tình tri kỉ của những người đồng đội:
“Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Là nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau chỗ đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”
-Những câu thơ giản dị mà hết sức sâu sắc, như được chắt lọc từ cuộc sống, cuộc
đời của người lính gian khổ. Bao nhiêu yêu thương được thể hiện qua những hình
ảnh vừa gần gũi vừa hàm súc ấy. Chính Hữu từng là một người lính, đã trải qua
cuộc đời người lính nên câu thơ bình dị mà có sức nặng, sức nặng tình cảm trừu
mến, yêu thương đồng đội. Sự gắn bó mỗi lúc lại càng thêm sâu sắc: Là sát cánh
trong từng nhiệm vụ rồi chung chăn và trở thành tri kỉ. Hình ảnh giản dị những hết
sức cảm động
-Để rồi khép lại đoạn thơ là dòng thơ chỉ với một từ gồm hai tiếng duy nhất “Đồng
chí!”. Nhan đề bài thơ đã được lặp lại. Từ “đồng chí” được đặt thành cả một dòng
thơ ngắn gọn, giản dị mà lại thiêng liêng, ngân vang mãi. Dấu chấm tham như một
nốt nhấn đặc biệt nhấn mạng sự thiêng liêng cao cả trong tình cảm mới mẻ này.
-Câu thơ như một bản lề, khép lại cơ sở hình thành tình đồng chí và mở ra biểu
hiện sức mạng của tình cảm ấy, nó như một nốt nhấn trên bản nhạc chung. Đó là
tiếng gọi thốt lên đầy thiêng liêng vang lên từ sâu thẳm trong tâm hồn người lính.
Đó là kết tinh đầy đỉnh cao giữa tình người, tình bạn, tuy đơn sơ mà cảm động đến
nao lòng, làm bừng sáng cả đoạn thơ và bài thơ
-Không còn anh hay tôi, họ trở thành một khối đoàn kết, thống nhất gắn bó mang
tên chung :đồng chí. Tình đồng chí mang tình cảm giai cấp, tình bạn bè tri kỉ và sự
gắn bó giữa những con người cùng chung lí tưởng, mục đích. Và khi gọi nhau hai
tiếng “đồng chí”, họ trở thành những người lính với lí tưởng cao cả vì đất nước
quên thân, tạo nên sự hồi sinh cho quê hương, cho dân tộc
ĐOẠN 3:
Nếu 7 câu đầu tác giả nêu lên cơ sở để hình thành tình đồng chí thì 10
câu tiếp theo là những biểu tượng đẹp của tình đồng đội, đồng chí thiêng
liêng sâu nặng này.
*Trước hết, đồng chí là sự thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư, nỗi lòng của
nhau.
-Các anh đều là những người lính tạm gác tình riêng, để nghe theo tiếng gọi thiêng
liêng của tổ quốc, dũng cảm ra đi vì nghĩa lớn để lại sau lưng mảnh trời quê hương
với biết bao nhiêu trăn trở:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
-Họ vốn gắn bó sâu nặng với ruộng nương, với căn nhà thân thiết, nhưng cũng sẵn
sàng rời bỏ tất cả để ra đi. Nhà thơ đã dùng những hình anh quen thuộc và tiêu biểu
của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng của quê hương những người lính nông
dân. Với họ ruộng nương là quan trọng nhất nhưng việc ấy đành nhờ bạn thân làm
hộ. Gian nhà tổ ấm cũng đành chịu để gió lung lay.
-Cảnh vật ở đây được nhân cách hoá, như có tâm hồn hướng theo người lính. Hình
ảnh “gian nhà không” là hình ảnh khá lắng đọng trong tâm trí những người chiến
sĩ ấy và cũng hết sức ám ảnh trong tâm trí người đọc.
- Gian nhà không không chỉ gợi cái nghèo mà còn diễn tả nỗi trống trải của lòng
người ở lại. Họ thấu hiểu cảnh ngộ và mối bận lòng của nhau.
-Từ “mặc kệ” không phải là vô tâm, vô trách nhiệm. Mặc kệ là ý chí quyết tâm của
họ khi đi theo cách mạng, làm rắn lòng mình để khỏi mềm lòng khi bước vào trận
chiến, là sự lựa chọn dứt khoát. Câu thơ ngang tàng đượm chất lãng mạn như
muốn nâng đỡ con người vượt lên cái bất đắc dĩ của hoàn cảnh. Đây là một thoáng
tếu nhộn rất lính mà làm se lòng người. Thái độ ngang tàng đầy quyết tâm của
người lính khi dứt áo ra trận như câu thơ của Thâm Tâm:
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như rượu hơi say”
-Thái độ quyết liệt ấy có vẻ như lạnh lùng đó chỉ là những biểu hiện bề ngoài còn
trong sâu thẳm tâm hồn người lính vẫn dành cho hậu phương biết bao yêu mến,
vẫn hình dung ra cảnh “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
-.“Giếng nước, gốc đa” vốn là những vật vô tri, vô giác nay đã được nhân hóa lên
để thể hiện nỗi nhớ thương da diết của quê hương yêu dấu với những người lính đã
rời đi và rất khó để hẹn ngày trở lại.
- Hình ảnh giếng nước gốc đa thật đậm đà, kín đáo làm sao! Nó đã đi vào trong thơ
văn, ca dao, là biểu tượng của làng quê Việt “Cây đa, giếng nước, sân đình”. Giếng
nước là nơi dân làng gặp gỡ nhau sáng sáng, chiều chiều. Gốc đa là nơi dân làng
nghỉ ngơi sau khi làm đồng mệt nhọc. Những lúc ấy họ sẽ hỏi thăm tin tức người ra
trận. Nhưng gốc đa còn là nơi hò hẹn, tình tự của đôi lứa.Thật là biết bao nhớ
nhung. Những câu thơ nén tình riêng vì sự nghiệp chung bằng những lời ý nhị
không chút ồn ào mà thật xúc động biết bao!
-Ba câu thơ với các hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, hình ảnh
nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy. Tâm
tư ấy, nỗi nhớ nhung ấy của “anh” và cũng là của “tôi”, là đồng chí họ thấu hiểu
và chia sẻ cùng nhau. Tình đồng chí đã được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê
hương đất nước ấy. Những người lính nén tình riêng để tự vượt lên mình, ra đi vì
sự nghiệp chung bằng những lời ý nhị, không chút ồn ào mà thật thấm đẫm tình
cảm sâu lắng.
*Tình đồng chí còn là sự đồng cam cộng khổ, sự sẻ chia những gian lao thiếu
thốn đời người lính
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
-Bằng những hình ảnh tả thực, các câu thơ có cấu trúc sóng đôi: áo anh, rách vai,
quần tôi, mảnh vá,…tác giả đã tái hiện chân thực những khó khăn thiếu thốn trong
những buổi đầu kháng chiến: thiếu lương thực, vũ khí, quân trang, thuốc men,…
-Căn bệnh sốt rét nơi rừng thiêng nước độc trong thời kì chống Pháp đã không còn
là hình ảnh xa lạ với bất kì ai. Đó là thực tế mà ai cũng phải nếm trải trong những
năm kháng chiến ấy. Người lính phải chịu “từng cơn ớn lạnh”, những cơn sốt hành
hạ như cơm bữa
-Nó đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong thơ văn bộ đội thời kháng chiến cứu nước,
khiến hình ảnh căn bệnh sốt rét trở nên không còn quá xa lạ:
“Nơi thuốc súng trộn vào áo trận
Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân”
Nó để lại vô vàn những đau thương, gian khổ cho những người lính:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
-Cái đọng lại trong câu thơ là cụm “anh với tôi biết”. Họ cùng nhau nếm trải, cùng
chịu đựng, trải qua. Họ đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi trong khó khăn, gian
lao. Những khó khăn gian lao được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật, không
chút tô vẽ.
-Không dừng lại ở đó, người lính từ những buổi đầu của cuộc kháng chiến thiếu
thốn đủ đường, quần áo rách bươm không có mảnh vá. Nhưng họ vẫn lạc quan,
yêu đời. “Miệng cười buốt giá” giữa chiến trường bom rơi đạn lửa. Chính nụ cười
ấy xóa tan cái lạnh lẽo của đêm đông giá rét. Dù là những nụ cười gượng gạo trong
giá rét nhưng vẫn chan chứa tình cảm. Họ truyền cho nhau hơi ấm, mạnh mẽ, lạc
quan trong cuộc sống chiến đấu. Ta vừa thấu hiểu những gian nan vất vả mà thế hệ
cha ông đã trải qua, vùa trào dâng một niềm kính phục
-Điểm nhấn ở khổ thơ thứ hai là câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đó là
hình ảnh giàu sức gợi. Ta đã từng bắt gặp cái bắt tay trong BTVTĐXKK của Phạm
Tiến Duật:
“Gặp bạn bè suốt chặng đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”
Nhưng của Chính Hữu lại là cái nắm tay. Trong giá buốt gian lao, những bàn tay
tìm đến nhau để siết chạt đội ngũ, để động viên , cảm thông, chia sẻ mọi khó khăn,
hứa hẹn tương lai phía trước. Ban tay giao cảm thay cho lời nói. Họ siết chặn để
truyền cho nhau hơi ấm. Nó làm hồng đôi môi tím tái trong miệng cười buốt giá,
như tiếp thêm sức mạnh, nghị lực làm mỗi bước hành quân thêm chắc khỏe, tay
súng thêm vững vàng. Đó là sức mạng tinh thần tuy vô hình mà to lớn
-Một sự cảm thông chia sẻ vừa chân thành, vừa tha thiết làm sao. Câu thơ ấm áp
trong ngọn lửa tình cảm thân thương!
ĐOẠN 4:
Hình ảnh người lính và tình đồng chí của họ đã kết tinh, tỏa sáng trong khổ
thơ cuối của bài:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
-Ba câu thơ cuối vừa giàu chất hiện thực lại vừa đậm đà chất lãng mạn bay bổng,
vừa gợi tả bức tranh không gian toàn cảnh của núi rừng, lại vừa đặc tả tình cảm ấm
áp của những người lính trong chiến tranh. Đây là biểu hiện cao đẹp nhất của tình
đồng đội, đồng chí.
- Đó là khoảng thời gian “đêm nay” rất cụ thể với khung cảnh “rừng hoang sương
muối” hiu quạnh, lạnh lẽo và khắc nghiệt.
-“Rừng hoang sương muối” là một khung cảnh thật. Rừng mùa đông ở Việt Bắc rất
lạnh, nhất là vào những đêm có sương muối. Sương muối làm buốt tê da như
những mũi kim châm và đến lúc nào đó bàn chân tê cứng đến mất cảm giác. Tất cả
những gian khổ của đời lính trong giai đoạn này thật khó kể hết nhưng họ vẫn vượt
lên được nhờ ở sự gắn bó, tiếp sức của tình đồng đội trong quân ngũ.
-Những người lính vẫn đứng cạnh bên nhau để “chờ giặc tới”. Động từ “chờ” cho
thấy được tư thế chủ động và hết sức đề cao cảnh giác của người lính trong khi làm
nhiệm vụ. Nghệ thuật tương phản đối lập được tạo ra rất cân đối giữa một bên là
không gian núi rừng lạnh lẽo, hoang vu, vắng lặng với một bên là tư thế chủ động
mạnh mẽ như lấn át cả không gian toàn cảnh của người lính.
- Chính sức mạnh của tình đồng chí đã làm cho người lính vượt lên trên hiện thực
khắc nghiệt đó. Các từ gần nghĩa “cạnh”-“bên” cho thấy sức mạnh của tinh thần
đoàn kết, gắn bó luôn có nhau của người lính.
- Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng. Đi phục kích giặc trong đêm trước mắt
người lính chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba
nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh "đầu súng trăng treo". "Đầu súng trăng
treo", ngoài hình ảnh bốn chữ này còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ
lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ
không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có
lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Trăng cứ thế cùng người chiến sĩ đi vào
trong câu thơ, câu hát: “Anh vẫn hành quân
Trên đường ra chiến dịch
Mé đồi quê anh bước
Trăng non ló đỉnh rừng”
Hay Nguyễn Duy cũng có câu trong “Ánh trăng”:
“Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ”
-Và “trăng” theo đó đã trở thành người bạn vừa chứng minh cho tình cảm đồng
chí keo sơn của người lính, vừa sáng soi và sưởi ấm cho không gian của rừng đêm
sương muối lạnh lẽo bên trên.
-Hình ảnh “súng”-“trăng” được đặt bên nhau khiến người đọc có nhiều liên tưởng
giữa thực tại-mơ mộng, chiến tranh-hòa bình, chiến sĩ-thi sĩ. Sự đan cài giữa
hiện thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh khó khăn, vất
vả; lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính: họ vừa là chiến sĩ vừa là thi sĩ,
họ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đem lại nền độc lập, tự do cho Tổ
quốc thân yêu.
-Có thể nói, những dòng thơ cuối cùng vừa là bức tranh đẹp của hiện thực – lãng
mạn và cũng chính là một tượng đài sừng sững cho tình cảm đồng chí thiêng liêng
sâu sắc. Chính tình cảm đồng chí đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ.Trên
nền hùng vĩ thiên nhiên, cánh rừng trải rộng, bầu trời lồng lộng, người chiến sĩ
đứng với khẩu súng và vầng trăng. Đây là những hình ảnh thực trong những đêm
phục kích giặc của tác giả, nhưng chính tầm cao tư tưởng và lí tưởng chiến đấu của
quân đội cách mạng đã tạo cho hình ảnh có một vẻ đẹp khái quát, tượng trưng.
ĐOẠN 5: ĐÁNH GIÁ
Nội dung
Như vậy, ta thấy được tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm thật cao đẹp và
thiêng liêng của những con người gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì
một lí tưởng chung. Tình cảm ấy được hình thành trên cơ sở tình yêu Tổ quốc,
cùng chung lí tưởng và mục đích chiến đấu. Nó là cội nguồn sức mạnh giúp người
lính trong kháng chiến chống Pháp “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, vượt
lên mọi gian nguy để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn
động địa cầu”, đã viết lên những bản anh hùng ca, tô thắm thêm trang sử vàng
chống Pháp đầy hào hùng của dân tộc. Các anh, những người lính cách mạng, các
anh bộ đội Cụ Hồ, cùng tình đồng chí cao đẹp của mình mãi mãi là niềm tự hào
của dân tộc ta.
Nghệ thuật
Bài thơ mang thể thơ tự do, hàng loạt các hình ảnh sóng đôi cùng nghệ thuật so
sánh, nhân hóa đã được tác giả sử dụng rất khéo léo và tài tình. Ngôn ngữ thơ giản
dị, mộc mạc, hàm súc không chút tô vẽ như tiếng nói của người lính đang tâm sự,
tâm tình, vận dụng linh hoạt thành ngữ, tục ngữ đã tạo nên chất thơ thật hồn nhiên,
dung dị, đặc biệt làm nổi bật sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn.
Chính Hữu đã thật khéo léo khi khai thác đời sống nội tâm tình cảm của người
nông dân mặc áo lính, qua đó thành công khắc họa bức tượng đài về họ mang vẻ
đẹp thật bình dị mà rất đỗi tráng lệ, hào hùng của thời kì đầu kháng chiến chống
Pháp
Mở rộng
Từ hình ảnh người lính trong “Đồng chí” – những anh vệ quốc quân, ta liên tưởng
đến hình ảnh đến anh giải phóng quân – những người lính trong “Bài thơ về tiểu
đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Họ đều là kết tinh cao độ những truyền
thống tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ
nước. Họ mãi là hình ảnh đẹp nhất trong thơ ca, mãi là bức chân dung đẹp nhất của
thời đại.
KẾT BÀI
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã nối dài thêm những trang thơ hay viết về
người lính Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Bài thơ như một lời ca nhẹ nhàng
và trong trẻo về tình đồng chí, đồng đội. Bằng sự mộc mạc, hàm súc, chân thực và
có sức gợi tả, khát quát cao, bài thơ đã khắc họa rất rõ nét mối tình đồng chí đồng
đội gắn bó keo sơn, gian khổ, sống chết có nhau
-Gần 80 năm sau khi tác phẩm ra đời, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ
vang, trang sử vàng đã qua bao nhiêu giai đoạn mới, nhưng tác phẩm vẫn luôn là
bài ca không quên trong lòng bạn đọc, mà mỗi khi nhìn lại, đọc lại bài thơ, ta lại
thấy rõ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên thật sáng trong, thật cao đẹp, qua lời
thơ của Chính Hữu
-Là một công dân, một học sinh của một đất nước Việt Nam hòa bình ngày hôm
nay, em thấy trân trọng và biết ơn những người cha, người anh đi trước, những
người lính trong thời kì chống Pháp và Mĩ, đã hi sinh quên bản thân mình cho độc
lập dân tộc. Họ không chỉ khiến em khâm phục, ngưỡng mộ mà còn buộc bản thân
mình phải nhận thấy trách nhiệm của mình với đất nước. Em cần rèn luyện bản
thân mỗi ngày, ra sức học tập và rèn luyện. Đồng thời, em nhận thấy mình cần
sống và mang tinh thần tương thân tương ái giống như những người đi trước, phát
huy tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày

You might also like