Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 12

CÁC THỜI KỲ CỦA TUỔI TRẺ

ThS. BS. Phan Thị Xuân Huế

Mục tiêu:
1. Trình bày các đặc điểm bình thường qua các thời kỳ của tuổi trẻ
2. Mô tả, giải thích nguyên nhân và biện pháp dự phòng một số bất thường hay gặp
trong các thời kỳ của tuổi trẻ

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ mà là một cơ thể đang lớn lên và phát triển. Từ
lúc thụ thai đến tuổi trưởng thành trẻ phải trải qua 2 quá trình chính:
- Quá trình tăng trưởng (phát triển về số): do sự tăng số lượng và kích thước tế bào
của các mô.
- Quá trình trưởng thành về chất (cấu trúc và chức năng hoàn chỉnh dần): do sự thay
đổi về cấu trúc của các bộ phận dẫn đến sự thay đổi chức năng tế bào.

Quá trình lớn lên và phát triển của trẻ có tính chất toàn diện cả về thể chất, tâm thần - vận
động và qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm về sinh lý và bệnh lý
riêng.

Từ khi hình thành đến khi trưởng thành, trẻ em trải qua 6 giai đoạn phát triển: giai đoạn
bào thai, giai đoạn sơ sinh; giai đoạn nhũ nhi; giai đoạn răng sữa; giai đoạn thiếu nhi; giai
đoạn thiếu niên.

I. THỜI KỲ BÀO THAI

Tính từ lúc thụ thai đến khi ra đời (trung bình 270  15 ngày) tính từ ngày đầu tiên của kỳ
kinh cuối cùng. Thời kỳ bào thai chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn phôi và giai đoạn thai.

I.1. Đặc điểm sinh lý

Giai đoạn phôi: kéo dài khoảng 8 tuần, diễn ra sự hình thành và biệt hoá các bộ phận.
Phần lớn các giai đoạn phát triển các cơ quan quan trọng diễn ra trong 12 tuần đầu. Trong
giai đoạn này, các tế bào cơ thể phát triển về số lượng hơn là khối lượng, nên thai tăng
cân ít, chủ yếu dài ra nhiều hơn. Cuối tuần 8, tất cả các hệ cơ quan đã cơ bản thành hình,
chiều dài đầu mông khoảng 3cm.
Giai đoạn thai: tuần lễ thứ chín đến khi sinh. Sau khi phần lớn các cơ quan đã được hình
thành, thời kỳ bào thai dành hết hoàn toàn cho sự tăng trưởng và hoàn chỉnh các bộ phận.
Rau thai hình thành, mẹ nuôi trẻ trực tiếp qua rau thai.

- Tuần thứ 13 – 14 thời kỳ bào thai, giới tính của thai nhi có thể được xác định.

- Tuần thứ 20 – 24 các phế nang nguyên phát hình thành và surfactant bắt đầu được
tạo ra.

- Tuần thứ 25 – 28: Tất cả các cơ quan bộ phận của cơ thể đã hoàn chỉnh và đây là
giai đoạn phát triển chiều dài, cân nặng của thai nhi. Từ tháng 3 đến tháng thứ 6
trẻ dài được 70% chiều dài khi đẻ.

- Tuần thứ 37 – 41: là thời điểm thai nhi tăng trưởng về trọng lượng cơ thể. Bào thai
lớn nhanh, đặc biệt ba tháng cuối thai kỳ từ 700g ở quý II, tăng mỗi tuần 200g
trong quý III.

Bé khỏe mạnh là bé khi sinh ra cân năng trung bình là 3000g (2500 - 3500g), dài trung
bình 50cm (48 -52cm) và không có dị tật bẩm sinh.

Mối quan hệ giữa mẹ và con được hình thành và phát triển khi người mẹ cảm nhận được
sự tồn tại của thai nhi, qua hình ảnh siêu âm hoặc cử động của thai (khoảng tuần 20).
Thai nhi có thể gây nên những biến đổi tâm lý của mẹ và ngược lại.

I.2. Đặc điểm bệnh lý

3 tháng đầu của thai kỳ là thời kỳ hình thành các cơ quan quan trọng của thai nhi, tỷ lệ
bệnh tật và tử vong của thai hầu hết đều xảy ra trong giai đoạn này.

Trong thời kỳ này, nếu mẹ bị nhiễm các chất độc (thuốc hay hoá chất, phóng xạ…), hay
bị nhiễm virus như nhiễm TORCH (Toxoplasma, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes
simplex và các virus khác Other như cúm, Zika…) thì trẻ dễ bị chậm tăng trưởng, có các
khiếm khuyết về hành vi, nhận thức với các biểu hiện bất thường trên lâm sàng có thể
xuất hiện sau 1 thời gian dài.

Giai đoạn bào thai, dinh dưỡng của thai nhi được cung cấp từ người mẹ qua rau thai. Nếu
người mẹ không đủ dinh dưỡng hay tăng cân kém hoặc mẹ có vấn đề về rau thai thì trẻ
sinh ra dễ có cân nặng thấp lúc sinh và tỉ lệ tử vong cao. Đẻ non dễ xảy ra trong 3 tháng
cuối do rau thai không còn là hàng rào vững chắc để bảo vệ thai nữa.

Thai nhi cũng có những điều chỉnh tâm lý với người mẹ. Nếu mẹ thường xuyên gặp sang
chấn tâm lý, thai nhi có thể xuất hiện tình trạng sẩy thai tự nhiên, nhẹ cân, sinh non, giảm
kích thước vòng đầu. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc các rối loạn như kém tập trung,
ám ảnh cưỡng chế, các thay đổi nhận thức về sau.

II. THỜI KỲ SƠ SINH

II.1. Đặc điểm sinh lý

Sự chuyển tiếp từ đời sống trong tử cung sang ngoài tử cung buộc trẻ phải có sự thay đổi
chức năng của một số cơ quan để thích nghi với cuộc sống mới như hoạt động của hệ
thống hô hấp, tuần hoàn. Trong các cơ quan thì sự thích nghi của phổi là quan trọng nhất.
Nhờ thở tốt, hệ tuần hoàn cũng thích nghi nhanh chóng và hệ thần kinh nhất là vỏ não
cũng được kiện toàn.

Bộ não trẻ còn non nớt nên trẻ ngủ nhiều 20 giờ/ngày do vỏ não dễ rơi vào trạng thái ức
chế. Tuy ngủ nhiều nhưng trẻ biết giật mình khi có tiếng động mạnh. Trẻ không tự chủ
được mọi động tác và có một số phản ứng tự nhiên toàn thân như tăng trương lực cơ nhẹ.

Hệ tiêu hóa: niêm mạc đường tiêu hóa chưa hoàn thiện, nhất là về hệ men tiêu hóa.Thức
ăn duy nhất của bé là sữa mẹ hoặc sữa động vật thay thế. Trẻ biết bú mẹ ngay từ khi sinh
ra. Sữa non là sữa tiết trong vài giờ - vài ngày sau sinh, đây là thức ăn lý tưởng nhất cho
trẻ trong những giờ đầu sau sinh, cung cấp IgA tăng cường miễn dịch và vitamin A đảm
bảo dự trữ lâu dài ở gan.

Cân nặng: trẻ bình thường, mỗi ngày trung bình trẻ tăng 15g. Khi 1 tháng khối lượng của
trẻ tăng trung bình 1000g. Chiều cao: tăng khoảng 2cm.

Lưu ý: tiếp xúc da kề da ngay sau sinh có thể giúp tăng tỷ lệ trẻ bú mẹ, sữa mẹ tiết ra sớm
và nhiều hơn, đồng thời cũng gia tăng tình cảm mẹ - con. Trong thời kỳ này, các nhu cầu
của em bé cần được đáp ứng thường xuyên và liên tục nhưng biểu hiện không rõ ràng nên
bố và mẹ cần dành nhiều thời gian để làm quen và hiểu nhu cầu của trẻ. Trầm cảm sau
sinh ở mẹ có thể xuất hiện sau sinh khoảng 1 tuần và kéo dài đến 6 tháng, điều này sẽ ảnh
thưởng đến sự tăng trường và phát triển của trẻ.

Ngoài ra còn có 1 vài hiện tượng sinh lý ở trẻ sơ sinh khác:

- Chảy ít máu ở âm đạo (trẻ nữ), vú cương và tiết sữa (cả trẻ nam và nữ): xuất hiện
trong tuần đầu, do hormone của mẹ truyền qua nhau thai và gây ra các hiện tượng
sinh lý này ở trẻ nên sẽ tự hết sau vài ngày. Chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ và tuyệt
đối không bóp nặn ở ngực trẻ.

- Nanh sữa (Bohn nodules): là những nang chứa tuyến nhầy, nằm trên nướu răng
hàm trên và dưới, không có ở vòm họng, màu trắng đục, vàng hoặc xám, không
đau, không viêm. Đây chỉ là sự phát triển quá mức của tuyến nhầy, không cần điều
trị, không ảnh hưởng ăn bú, tự hết sau vài tuần.

- Đẹn (Epstein pearls): là 1 túi nhỏ chứa chất sừng (keratin), thường có màu trắng
đục hoặc vàng nhạt, vị trí gần đường giữa trên vòm họng, không đau, không viêm
đỏ. Đẹn cũng giống với mụn sữa trên da trẻ sơ sinh, không cần điều trị, tự hết sau
vài tuần.

Hình 1: Đẹn Hình 2: Nanh sữa Hình 3: Mụn sữa sơ sinh

II.2. Đặc điểm bệnh lý

Sang chấn sản khoa: gây ngạt, xuất huyết não, gãy xương.
Glucose máu trẻ sơ sinh thấp, đặc biệt ở những trẻ có cân nặng cao (từ 4000g trở lên) nên
cần cho trẻ bú sớm sau khi sinh. Bú sớm còn giúp khởi động chu trình ruột gan sớm, có
thể góp phần giảm tỷ lệ tăng bilirubin gián tiếp sau sinh.

Vàng da tăng bilirubin: lưu ý phân biệt giữa vàng da tăng bilirubin sinh lý và bệnh lý.

Hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng rốn, phổi,
não, nhiễm trùng huyết. Tuy vậy nhờ có kháng thể từ mẹ chuyển sang nên trẻ ít bị các
bệnh như sởi, bạch hầu...

Rốn trẻ sơ sinh thường rụng sau 10 – 14 ngày, đôi lúc có thể lên đến >3 tuần, cần lưu ý
giữ vệ sinh sạch, kiểm tra chân rốn có sưng nề hay rốn rỉ máu hay dịch hôi không. Nếu
rốn đã rụng mà còn rỉ dịch thì cần phân biệt giữa nhiễm trùng rốn, nụ hạt rốn và tồn tại
ống niệu rốn (ống niệu ruột).

Trẻ ở lứa tuổi này dễ bị nấm miệng do Candida albicans, là những mảng trắng ở lưỡi, mặt
trong má, bở, chà xát dễ bong nhưng gây chảy máu, gây khó khăn khi trẻ bú. Có thể sử
dụng các thuốc trị nấm dạng bôi để điều trị. Lưu ý vệ sinh sạch núm vú của mẹ (bình sữa)
trước và sau khi cho trẻ bú, nếu trẻ bú sữa công thức thì có thể cho trẻ uống 1 thìa nước
nhỏ sau khi bú.

Hình 4: Nấm miệng Hình 5: Nụ hạt rốn

III. THỜI KỲ NHŨ NHI

III.1. Đặc điểm sinh lý


Thời kỳ nhũ nhi kéo dài từ 2 tháng đến 12 tháng sau sinh. Trong thời kỳ này trẻ lớn rất
nhanh về mặt thể chất cũng như phát triển vận động và nhận thức.

Vào cuối năm đầu tiên, trẻ có sự phát triển nhanh về mặt thể chất. Cân nặng: trung bình,
6 tháng đầu trẻ nặng gấp đôi cân nặng lúc sinh (khoảng 5-6kg) và đến tháng thứ 12 trẻ
nặng gấp 3 (trung bình từ 9 kg - 10kg) so với lúc đẻ. Chiều cao: mỗi tháng tăng 2 cm.
Đến 12 tháng trẻ cao gấp rưỡi lúc sinh (trung bình trẻ cao từ 74cm - 78cm). Vòng đầu:
tăng 10cm (34+10= 44cm). Tổ chức não tăng nhanh đạt tới 72% so với người lớn. Do tốc
độ phát triển rất nhanh nên nhu cầu năng lượng hàng ngày gấp 3 lần nhu cầu của người
lớn, sau 6 tháng thì sữa mẹ đơn thuần không còn cung cấp đủ nhu cầu của trẻ nên thời
điểm này trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm.

Hệ tiêu hóa: hoàn thiện dần và khi 4 tháng bắt đầu có khả năng tiêu hoá được tinh bột và
các thực phẩm khác ngoài sữa. Trẻ bắt đầu mọc răng sữa: số răng sữa = số tháng – 4.

Cùng với sự phát triển mạnh về thể chất, trẻ bắt đầu có sự phát triển tinh thần, trí tuệ và
vận động.

Thần kinh: cũng bắt đầu phát triển, trẻ bắt đầu nhận ra các đồ vật, khuôn mặt. Tập cười
nói giao tiếp với mọi người xung quanh, 2 tháng hóng chuyện, 3 tháng cười thành tiếng,
chăm chú nhìn vào vật có màu đỏ, đen, trắng. 12 tháng biết chỉ tay vào vật mình ưa thích.
Phân biệt được lời khen và cấm đoán.

Vận động: thông thường 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng biết đứng vịn, 12 tháng
biết đi.

Ngôn ngữ: 9 tháng bắt đầu phát âm bà, ba, mẹ, 12 tháng có thể phát âm được 2 âm.

III.2. Đặc điểm bệnh lý

Sau 6 tháng trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, do càng về sau, miễn dịch từ mẹ truyền
sang giảm dần, trong lúc đó hệ thống miễn dịch của trẻ hãy còn chưa hoàn thiện nên trẻ
dễ mắc các bệnh lây như viêm phổi, viêm màng não, bạch hầu, sởi.
Trẻ dễ bị tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài, nôn, chán ăn do chức năng của hệ tiêu hoá
chưa hoàn chỉnh nhất là trẻ không bú mẹ. Ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ các rối loạn dạ
dày-ruột ít gặp và nhẹ hơn trẻ nuôi nhân tạo.

Tốc độ phát triển nhanh cộng hệ tiêu hoá kém nên trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu
vitamin, thiếu máu. Ngoài ra các thức ăn nhân tạo thường thiếu các vi chất cần thiết, các
vitamin và tỷ lệ phân bố các chất không hợp lý.

Trung tâm điều nhiệt và da của trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ, quá trình ức chế và hưng
phấn vẫn có xu hướng lan toả nên các yếu tố gây bệnh đều có thể phản ứng toàn thân do
đó trẻ dễ bị hạ thân nhiệt hoặc co giật do sốt.

Trẻ hay bị chấn thương do ngã, đuối nước, điện giật và ngộ độc do nhầm lẫn.

Trầm cảm sau sinh ở mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhận thức và hành vi của trẻ
sau này.

IV. THỜI KỲ RĂNG SỮA

IV.1. Đặc điểm sinh lý

Từ 1đến 6 tuổi. Có thể chia làm 2 thời kỳ nhỏ: tuổi nhà trẻ: 1 - 3 tuổi, tuổi mẫu giáo: 4 - 6
tuổi.

- Tuổi nhà trẻ: còn gọi là giai đoạn tập đi, có thể tự đi mà không cần trợ giúp. Đến
18 tháng, sự phát triển mạnh về ngôn ngữ và ký hiệu sẽ giúp tái cấu trúc lại hành
vi của trẻ và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực khác.

- Tuổi mẫu giáo: trẻ bắt đầu đi học nên tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài và
gia tăng tương tác xã hội cùng với sự phát triển mạnh về ngôn ngữ, tâm lý cũng
phát triển mạnh. Ở tuổi này, trẻ khám phá được cảm xúc chia cách, chống đối và
vâng lời, tự do khám phá và và phụ thuộc ba mẹ. Dần dần trẻ cũng nhận thức được
các nguyên tắc của người lớn đặt ra và những khả năng hạn chế của trẻ.

Trong thời kỳ này trẻ tiếp tục lớn và phát triển nhưng tốc độ lớn chậm hơn giai đoạn
trước. Cân nặng: mỗi tháng tăng từ 100gram - 150gram. Lứa tuổi mẫu giáo thì trẻ chỉ
tăng trung bình 2000g mỗi năm. Tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp nên nhìn trẻ có vẻ thon gầy
hơn.

Chiều cao: mỗi năm tăng 5cm chiều cao. 6 tuổi trẻ cao từ 105cm - 115 cm. Công thức
tính chiều cao cho trẻ > 1 tuổi: X (cm) = 75 + 5 (N -1) với (X= chiều cao; N= số tuổi tính
theo năm)

Đến 6 tuổi, vòng đầu bằng người lớn (55cm), tổ chức não trưởng thành bằng 100% người
lớn.

Hệ tiêu hóa: đã hoàn thiện, trẻ đã mọc đủ 8 răng hàm. Trẻ đã nhai được các thức ăn cứng
và chán các thức ăn lỏng mềm của nhũ nhi nên nếu cứ duy trì chế độ ăn chỉ có sữa và bột
thì trẻ rất dễ biếng ăn.

Hoạt động: trẻ tò mò, hoạt động nhiều, ham học hỏi, thích tự làm việc, thích khám phá.
Có những hoạt động giao tiếp, ham chơi hơn ăn.

IV.2. Đặc điểm bệnh lý

Ở lứa tuổi này trẻ cũng rất dễ bị các rối loạn tiêu hoá, còi xương, các bệnh về thể tạng.
Trong thời kỳ này miễn dịch thụ động từ mẹ chuyển sang giảm nhiều nên trẻ hay mắc các
bệnh lây như cúm, ho gà, bạch hầu,…do đã đi học, tiếp xúc nhiều với bên ngoài, nhất là
những trẻ không tiêm phòng đầy đủ.

Xuất hiện các bệnh có tính chất dị ứng như hen phế quản, mề đay cấp và bệnh khác như
viêm cầu thận cấp. Trẻ hoạt động nhiều nên hay bị các tai nạn, chấn thương, ngộ độc,
bỏng... và dị vật đường thở nhất là ở trẻ 2 -3 tuổi.

Ngoài ra, khi lớp mỡ dưới da giảm làm trẻ trở nên gầy hơn thì dễ làm cho người chăm
sóc (ba me, ông bà) trở nên lo lắng thái quá và ép trẻ ăn (đặc biệt là ở những trẻ có chế độ
ăn đơn điệu và chỉ ăn thức ăn mềm lỏng). điều này có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm
lý ở trẻ hoặc thừa cân béo phì ở một số trẻ khác.

Lưu ý: vệ sinh răng miệng cho trẻ từ khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, đồng thời xổ
giun đinh kỳ (ít nhất 6 tháng 1 lần) với những trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Chân vòng
kiềng được nhận thấy từ lúc trẻ tập đi và sẽ biến mất sau 3 – 4 tuổi, tuy nhiên cần phân
biệt với bệnh còi xương và bệnh Blount.

V. THỜI KỲ THIẾU NHI

V.1. Đặc điểm sinh lý

Thời kỳ thiếu nhi từ 7 - 11 tuổi, đây là thời kỳ gia tăng sự tách biệt khỏi ba mẹ, chuyển từ
hoạt động chủ đạo là chơi sang học tập. Trẻ biết suy nghĩ, phán đoán, trí thông minh phát
triển. Trẻ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào người lớn nên tính độc lập chưa đầy đủ, trẻ dễ bị
ảnh hưởng bởi các ý kiến từ những người xung quanh. Trẻ bắt đầu có tính tập thể, và vẫn
còn các biểu hiện như ghen tị, khoe khoang… Cảm xúc thường không ổn định, biểu hiện
mạnh mẽ và khó kiềm chế.

Trẻ vẫn tiếp tục lớn nhưng không còn nhanh. Răng vĩnh viễn thay dần cho răng sữa. Cấu
tạo và chức năng của các cơ quan đã hoàn chỉnh.

Cơ bắp bắt đầu phát triển nhưng vẫn còn thon gầy.

Dinh dưỡng: trẻ hay bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều, hay ăn quà vặt (bánh kẹo, nước ngọt).

V.2. Đặc điểm bệnh lý

Do tiếp xúc với môi trường xung quanh nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp, nhưng
giảm hơn so với thời kỳ răng sữa. Thời kỳ này, tổ chức amidan phì đại nhiều, gấp đôi so
với người lớn, trẻ dễ viêm amidan.

Trong thời kỳ này hệ thống xương đang phát triển, dây chằng còn lỏng lẻo nên trẻ dễ mắc
các bệnh học đường do tư thế sai lệch như vẹo cột sống, gù... ngoài ra, các bệnh học
đường còn có: tật khúc xạ, bệnh về da, ký sinh trùng đường ruột…

Chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ, vì nếu răng sữa hư và chân răng không được nhổ kịp
thời thì răng vĩnh viễn dễ mọc lệch.

Tâm lý: các vấn đề như trẻ nói lắp, trí nhớ kém…có thể khiến trẻ tự ti, mặc cảm.

VI. THỜI KỲ THIẾU NIÊN


VI.1. Đặc điểm sinh lý

Thời kỳ thiếu niên kéo dài từ 12 – 18 tuổi, có thể kéo dài đến 20 tuổi. Trong thời kỳ này,
dậy thì là quá trình quan trọng nhất, xảy ra nhiều sự biến đổi về thể chất, tâm lý và sinh lý
mạnh mẽ.

Giới hạn tuổi ở thời kỳ dậy thì khác nhau tuỳ theo giới, môi trường và hoàn cảnh kinh tế,
xã hội. Trẻ gái bắt đầu từ lúc 13 - 14 tuổi và kết thúc lúc 17 - 18 tuổi. Trẻ trai bắt đầu 15 -
16 tuổi và kết thúc lúc 19 - 20 tuổi.

Trong thời gian này chức năng các tuyến sinh dục hoạt động mạnh biểu hiện bằng sự xuất
hiện các giới tính phụ như ở vùng xương mu, hố nách lông mọc nhiều, các em gái có vú
phát triển, bắt đầu có kinh, các em trai bắt đầu thay đổi giọng nói (vỡ tiếng)...Các tuyến
nội tiết như tuyến giáp, tuyến yên cũng hoạt động mạnh. Sự phát triển đặc điểm giới tính
thứ phát có thể theo dõi thông qua thang điểm Tanner.

Chiều cao cũng phát triển nhanh hơn trong những năm đầu, cần tranh thủ giai đoạn này
để tăng chiều cao của trẻ. Có thể tăng đỉnh điểm là từ 8 -9cm/năm với nữ và 9 –
10cm/năm với nam sau đó chiều cao tăng chậm dần. Chiều cao của nữ dừng lại khi 19-21
tuổi và nam là 20-25 tuổi.

Cân nặng áp dụng công thức: X (kg) = 21 + 4 (N-10) với (X= cân nặng; N= số tuổi tính
theo năm)

Nhận thức: gia tăng nặng lực ghi nhớ chủ định, cải thiện rõ phương thức và hiệu quả ghi
nhớ. Khả năng tư duy trừu tượng cũng phát triển mạnh mẽ.

Tâm lý: trẻ dễ xúc động, tâm trạng hay thay đổi. Bắt đầu xuất hiện tình cảm khác giới
mang tính lãng mạn, ngây thơ. Trẻ có nhu cầu tâm sự với người khác,, đồng thời trẻ có
nhu cầu thể hiện bản thân rất lớn và cũng rất tò mò, muốn thử những thứ khác lạ nên gia
đình và trường học, bạn bè có vai trò quan trọng để giúp trẻ định hướng
Hình 6: Thang điểm Tanner

VI.2. Đặc điểm bệnh lý

Nội tiết, nên thường thấy những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như hay hồi hộp,
tăng huyết áp, những rối loạn về thần kinh: tính tình thay đổi, dễ lạc quan nhưng cũng dễ
bi quan hay có những suy nghĩ bồng bột...
Về bệnh tật: giai đoạn này trẻ thường ít bệnh nhiễm trùng thông thường hơn cả, tuy nhiên
tự tử và các bệnh tâm thần lại xuất hiện nhiều. Đồng thời trẻ có nguy cơ cao với một số
vấn đề khác như: mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục,…

Sự lớn lên và phát triển của trẻ em trải qua 6 thời kỳ. Ranh giới giữa các thời kỳ này
không rõ ràng mà thường xen kẽ nhau và còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, gia
đình, xã hội khác. Việc trải qua các thời kỳ có thể sớm hoặc muộn, nhưng nhất thiết phải
trải qua đủ mới chuyển sang giai đoạn trưởng thành.

You might also like