Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 15

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM


MÔN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Đề bài: “Trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân
chủ và sự vận dụng trong xây dựng Nhà nước của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.”

LỚP: N04 – TL2


NHÓM: 05

Hà Nội, 2023
BIÊN BẢN XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THAM GIA VÀ KẾT QUẢ THAM GIA BÀI TẬP
NHÓM MÔN LUẬT TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Ngày: 2/10/2023 Địa điểm: Trường Đại học Luật Hà Nôi


Nhóm: 05 Lớp: N04.TL2
Tên bài tập: “Trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ và sự vận dụng trong xây
dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.”
Xác định mức độ tham gia và kết quả tham gia của từng sinh viên trong việc thựchiện bài tập
nhóm như sau:
GV ký
STT Mã SV Họ và tên Đánh giá của SV SV ký tên Điểm
tên
A B C

1 461644 Nguyễn Thị Phương Thảo

2 461645 Nguyễn Thị Quỳnh Thơm

3 461646 Nguyễn Anh Thuyên

4 461647 Bùi Mai Anh Thư

5 461648 Cao Vũ Thùy Trang

6 461649 Nguyễn Hoàng Sơn Tùng

7 461650 Nguyễn Thị Vân

8 461651 Đỗ Thị Yến

9 461652 Tạ Thị Yến

10 461653 Sầm Mỹ Hạnh

Hà Nội, ngày 2/10/2023


Trưởng nhóm

Nguyễn Thị Quỳnh Thơm


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU....................................................................................................................1

NỘI DUNG................................................................................................................1
I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước dân chủ....................................................1
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ.......................................................1
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ................................................2
II. Vận dụng trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở
Việt Nam hiện nay..................................................................................................7
1. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh..................................................7
2. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước......................8

KẾT LUẬN..............................................................................................................10

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................11


MỞ ĐẦU
Xây dựng nhà nước dân chủ là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt cuộc đời hoạt
động cách mạng của Hồ Chí Minh. Với người, dân chủ không chỉ là động lực cho
thành công của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn cho cả những thành
công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Nhà nước
dân chủ là nhà nước của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân
trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh
đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định
nhân dân là chủ thể của quyền lực. Với quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và
dân làm chủ, Hồ Chí Minh không chỉ đặt nhân dân lên vị thế chủ thể xã hội, mà
còn nói rõ mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa vị thế chủ thể xã hội của
nhân dân với hành động làm chủ xã hội của nhân dân. Để có cái nhìn sâu sắc hơn
về tư tưởng và quan điểm của Người về nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhóm 5
xin lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ và sự
vận dụng trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt
Nam hiện nay”.

NỘI DUNG
I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước dân chủ
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ
Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội căn cứ vào
việc khẳng định toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân thực hiện hoặc
thông qua người đại diện do nhân dân bầu ra, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự
do và quyền con người.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”. Người nhấn mạnh:
“Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là
chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao
nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953,

4
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm
chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt
mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Xã hội nào bảo đảm cho điều đó
được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ.1
Trong quan hệ giữa dân và Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân
làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân.
Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội... Dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi
bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước. Hồ Chí Minh
coi dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Dân chủ
không dừng lại với tư cách như là một thiết chế xã hội của một quốc gia, mà còn có
ý nghĩa biểu thị mối quan hệ quốc tế, hòa bình giữa các dân tộc. Đó là dân chủ,
bình đẳng trong mọi tổ chức quốc tế, là nguyên tắc ứng xử trong các quan hệ quốc
tế.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ
2.1. Nhà nước của nhân dân
Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã xác định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là
làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một
bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đây cũng là điểm khác biệt
về bản chất giữa nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột
từng tồn tại trong lịch sử.
Trong nhà nước dân chủ, nhân dân thực thi quyền lực thông qua hai hình
thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Dân chủ trực tiếp là hình thức dân
chủ trong đó nhân dân trực tiếp quyết định mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh của
quốc gia, dân tộc và quyền lợi của dân chúng. Ngay trong Điều 32 Hiến pháp năm

1
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân
(2022); Cổng thông tin điện tử Huyện Nghĩa Hưng – Tỉnh Nam Định
https://nghiahung.namdinh.gov.vn/hoc-va-lam-theo-bac/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-xay-
dung-nha-nuoc-phap-quyen-cua-dan-do-dan-v-208957

5
1946 đã nêu rõ: “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra cho nhân
dân phúc quyết”. Thực chất ở đây là trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực
tiếp được đề ra ở nước ta khá sớm. Còn dân chủ gián tiếp hay dân chủ đại diện là
hình thức dân chủ được sử dụng rộng rãi nhằm thực thi quyền lực của mình thông
qua các đại diện mà họ lựa chọn, bầu ra và những thiết chế mà họ lập nên. Thông
qua dân chủ gián tiếp, quan điểm Hồ Chí Minh về nhà nước của dân được thể hiện:
Thứ nhất, quyền lực nhà nước là “thừa ủy quyền” của nhân dân. Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân là nhà nước mà ở đó tất cả quyền lực thuộc về
nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Các cơ quan nhà nước do
nhân dân tổ chức ra, được ủy quyền, thực hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, là
đầy tớ trung thành của nhân dân. Thể chế dân chủ cộng hòa đã làm thay đổi tận gốc
quan hệ quyền lực chính trị và thực hiện quyền lực, nhân dân được đặt ở vị trí cao
nhất, nhà nước không còn là công cụ thống trị, nô dịch dân như nhà nước của chế
độ bóc lột trước đây. Quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”
gắn liền với việc khẳng định chủ thể thật sự, chủ thể đích thực và chủ thể tối cao
của nhà nước, của tất cả quyền lực nhà nước là Nhân dân. Điều này có nghĩa rằng,
ở Việt Nam, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ Nhân dân. Quyền lực nhà nước,
dù do bất cứ cơ quan, cá nhân nào nắm giữ cũng có nguồn gốc từ sự ủy quyền của
Nhân dân. Không có thứ quyền lực nhà nước nào có nguồn gốc tự thân, nằm ngoài
sự trao quyền trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhân dân.
Thứ hai, nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước. Hay, nhân dân có quyền
kiểm soát, phê bình nhà nước, có quyền bãi miễn những đại biểu mà họ đã lựa
chọn, bầu ra và có quyền giải tán những thiết chế quyền lực mà họ đã lập nên. Hồ
Chí Minh viết: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là
phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn
đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung
thành tận tụy của nhân dân”. Là người làm chủ Nhà nước, nhân dân có quyền,
thông qua cơ chế dân chủ thực thi quyền lực, nhưng đồng thời nhân dân phải có
nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Nhà nước, làm cho Nhà nước ngày càng hoàn thiện,
trong sạch, vững mạnh. Trong Nhà nước đó, “nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu

6
Quốc hội và Đại biểu hội đồng nhân dân những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng
với sự tín nhiệm của nhân dân”, thậm chí “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có
quyền đuổi Chính phủ”
Thứ ba, luật pháp dân chủ và là công cụ quyền lực của nhân dân. Theo Hồ
Chí Minh, sự khác biệt căn bản của luật pháp trong Nhà nước Việt Nam mới với
luật pháp của nhà nước theo các chế độ tư sản, phong kiến là sự phản ánh được ý
nguyện và bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Pháp luật trong Nhà nước dân chủ là ý
chí và nguyện vọng của nhân dân được luật hóa. Theo đó, về mặt nội dung, luật
pháp mang bản chất dân chủ, tức là pháp luật của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân; bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Pháp luật ấy là
công cụ để người dân kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước; đó cũng chính là
pháp luật góp phần thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế.
2.2. Nhà nước do nhân dân
Trước hết, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước do nhân dân là nhà nước
do nhân dân lập nên sau thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc dưới
sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Không những thế, nhân dân là người tổ
chức nên các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thông qua thực hiện
chế độ tổng tuyển cử phổ thông. Nghĩa là Nhà nước được lập ra bằng con đường
bầu cử, nhân viên Nhà nước thực thi, thừa hành quyền hạn thông qua sự ủy thác
của nhân dân. Cho nên Hồ Chí Minh viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể
quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác các công việc
nước nhà…”2.
Nhà nước do nhân dân còn có nghĩa là dân làm chủ. “Dân là chủ”: xác định
vị thế của nhân dân đối với quyền lực nhà nước, còn “dân làm chủ” nhấn mạnh
quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân với tư cách là người chủ. Xây dựng một nhà
nước do nhân dân lao động làm chủ là tư tưởng nhất quán trong cuộc đời hoạt động
cách mạng của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Nước ta là nước dân
làm chủ, Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận

2
Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 133

7
công dân, giữ đúng đạo đức công dân”3. Tất cả mọi người dân Việt Nam, không
phân biệt gái trai, giàu nghèo, nòi giống, dân tộc, tôn giáo... đều là người chủ của
Nhà nước, có trách nhiệm xây dựng Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu mới thành
lập, Hồ Chí Minh khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân
dân Việt Nam. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Nhà
nước do dân cũng là nhà nước mà nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước,
ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho hoạt động của bộ máy nhà nước,
thực hiện các nghĩa vụ và quyền hạn đối với Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật
cho phép. Do vậy, nhà nước phải tạo mọi điều kiện để nhân dân được thực hiện
những quyền mà Hiến pháp và luật đã quy định, hưởng dụng đầy đủ quyền lợi làm
chủ của mình.
Cùng với quyền lợi, theo Hồ Chí Minh, nhân dân có quyền làm chủ thì phải
có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân (bổn phận hay trách nhiệm đó được
Người gọi là “đạo đức công dân”). Người nói: “Làm chủ sao cho ra làm chủ,
không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm”,
làm chủ thì chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Hơn nữa, Nhà nước do
dân bầu ra vì thế nhân dân phải có trách nhiệm bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế
để nhà nước chi tiêu, hoạt động, vận hành bộ máy để phục vụ nhân dân. Đồng thời,
nhân dân làm chủ thì phải tuân theo pháp luật của Nhà nước, tuân theo kỷ luật lao
động, giữ gìn trật tự chung, bảo vệ tài sản công cộng ...
Tóm lại, nhà nước do dân không chỉ khẳng định vai trò làm chủ của nhân
dân, trong đó mỗi công dân đều có quyền làm chủ ở tất cả các quan hệ xã hội; làm
chủ thông qua nhiều tổ chức mà tổ chức cao nhất là Nhà nước, cũng không chỉ đưa
nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát,
giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra mà còn
chuẩn bị và động viên nhân dân chuẩn bị tốt năng lực làm chủ, quan điểm đó thể
hiện tư tưởng dân chủ triệt để của Hồ Chí Minh khi nói về nhà nước do dân.
2.3. Nhà nước vì nhân dân

3
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.258.

8
Trước hết, chỉ có một Nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức xây dựng và
kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân được. Đó phục vụ lợi ích và
nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong
sạch, cần kiệm liêm chính. Trong Nhà nước đó, cán bộ từ Chủ tịch trở xuống đều là
công bộc của dân. Theo lẽ đó, Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các công việc của
Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho
mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên
trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải
tránh”4.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước vì dân là Nhà nước phục vụ lợi ích
và nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo quyền dân chủ rộng rãi và có hiệu quả
trong đời sống xã hội. Một nhà nước vì dân là cán bộ đều phải làm công bộc, làm
đày tớ cho dân. Mọi hoạt động của chính quyền phải nhằm mục tiêu mang lại
quyền lợi cho nhân dân và lấy con người làm mục tiêu phấn đấu lâu dài. Chính vì
vậy, trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo nhân dân có cái ăn, cái mặc, có chỗ ở,
đảm bảo việc học hành,...tất cả đều hướng đến lợi ích của nhân dân. Ngoài việc
chăm lo cho đời sống vật chất, việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân cũng
là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Nhân dân là người làm chủ Nhà nước, thì mọi hoạt động của Nhà nước phải
hướng tới phục vụ nhân dân chứ không phải “làm quan cách mạng” để “đè đầu
cưỡi cổ nhân dân”. Là người đã từng giữ chức vụ Chủ tịch nước, Bác quan niệm vị
trí đó là do nhân dân uỷ thác cho nên phải phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung
thành cho dân. Nhà nước kiến tạo, tận tâm, tận lực phục vụ lợi ích của đất nước và
nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hồ Chí Minh chú ý mối quan hệ giữa người
chủ nhà nước là nhân dân với cán bộ nhà nước là công bộc của dân, do dân bầu ra,
được nhân dân uỷ quyền. Là người phục vụ, tuy nhiên cán bộ nhà nước đồng thời
là người lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân. “Nếu không có nhân dân thì chính phủ
không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường”.
Hai đòi hỏi này tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng đó lại là phẩm chất cần có ở

4
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.21

9
người cán bộ nhà nước vì dân. Là người đày tớ thì phải trung thành, tận tụy, chí
công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Là người lãnh đạo thì phải có trí
tuệ hơn người, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền
tài. Phải vừa có đức, vừa có tài như vậy mới có thể làm những việc phục vụ cho lợi
ích lâu dài của nhân dân.
Bên cạnh việc chăm lo lợi ích của nhân dân nói chung, Nhà nước phải biết
kết hợp, điều chỉnh các lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, các tầng lớp nhân dân
một cách hài hòa, đảm bảo ổn định xã hội. Tóm lại, Nhà nước vì nhân dân theo tư
tưởng theo Hồ Chí Minh là một nhà nước phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân.
II. Vận dụng trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân ở Việt Nam hiện nay
1. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh
Thứ nhất, nhà nước bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân.
Quyền làm chủ thật sự của nhân dân chính là một nội dung cơ bản trong yêu
cầu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận
dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước đòi hỏi phải chú trọng bảo đảm
và phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Trong vấn đề này, việc mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp
chế xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, quyền làm chủ của nhân
dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đưa Hiến pháp và pháp
luật vào cuộc sống. Cần chú ý đến việc bảo đảm cho mọi người được bình đẳng
trước pháp luật, xử phạt nghiêm minh mọi hành động vi phạm pháp luật, bất kể sự
vi phạm đó do tập thể hoặc cá nhân nào gây ra. Có như vậy, dân mới tin và mới bảo
đảm được tính chất nhân dân của Nhà nước ta. Để phát huy quyền làm chủ của
nhân dân lao động, ngoài vấn đề thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, còn cần chú ý
thực hiện những quy tắc dân chủ trong các cộng đồng dân cư, tùy theo điều kiện
của từng vùng, miễn là các quy tắc đó không trái với những quy định của pháp luật.
Thứ hai, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực này đòi hỏi chú trọng cải cách
và xây dựng, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm một nền hành chính

10
dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách nền hành
chính theo hướng dân chủ, trong sạch, vững mạnh, phục vụ đắc lực và có hiệu quả
đối với nhân dân. Kiên quyết khắc phục thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây
phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, sự sa sút phẩm
chất đạo đức cách mạng, năng lực thực hành nhiệm vụ công chức kém cỏi. Thực
hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay còn cần chú ý cải cách các thủ
tục hành chính; đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết các khiếu kiện của
công dân theo đúng những quy định của pháp luật; tiêu chuẩn hóa cũng như sắp
xếp lại đội ngũ công chức, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức, có
tài, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ công chức yếu thì không thể nói
đến một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thực sự vững mạnh. Do vậy,
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu và phải
được tiến hành thường xuyên, bảo đảm chất lượng.
Thứ ba, nâng cao hoạt động lập pháp, tư pháp
Thực hiện chủ trương của Ðảng, những năm qua, hoạt động lập pháp của
Quốc hội nước ta đã có nhiều tiến bộ, thông qua một số lượng lớn luật và Bộ luật
với chất lượng ngày càng được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu của công cuộc
phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập kinh tế
quốc tế. Các luật được ban hành theo hướng cụ thể hơn, bám sát yêu cầu về mọi
mặt của công cuộc đổi mới, xử lý tốt hơn một số vấn đề nhạy cảm, phản ánh đầy đủ
hơn thực tiễn xã hội của đất nước.
Hoạt động lập pháp cần hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị
trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao đối với
toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là giám sát việc tuân theo pháp
luật của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và các cơ quan tư pháp, nhằm nâng
cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước...
2. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

11
Thứ nhất, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống
nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền
lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất,
khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo
yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Chẳng hạn, về tổ chức bộ máy Nhà nước, cần
làm rõ quyền lập hiến, lập pháp của Quốc hội; cụ thể hóa chức năng hành pháp,
khởi xướng, hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô, bảo đảm việc thi
hành pháp luật trên phạm vi cả nước của Chính phủ; phân định rõ thẩm quyền giữa
Trung ương và địa phương. Đồng thời, Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác
kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc chăm lo, xây dựng đội
ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng
Nhà nước pháp xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cán bộ là cái gốc của
mọi công việc và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc
kém”5. Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật
sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,
chống cho được những thói hư, tật xấu, sự thoái hoá, biến chất trong điều kiện
Đảng cầm quyền, nhất là những bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, có nguy cơ đưa
Đảng đến nguy cơ thoái hoá, biến chất, căn bệnh này theo Hồ Chí Minh là “giặc
nội xâm”, là kẻ thù nguy hiểm. Để khắc phục những căn bệnh ấy, phải thường
xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình một cách chân thành, thẳng thắn; phải tăng
cường kiểm tra, kiểm soát; phải giữ gìn kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà
nước thật nghiêm minh. Đối với cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải ra sức học tập, tu
dưỡng đạo đức để nâng cao trình độ, phẩm chất, làm tròn trách nhiệm là người lãnh
đạo, để không biến “đầy tớ của nhân dân” thành “quan nhân dân”.

5
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t 5, tr.280

12
Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc
hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước
cao nhất. Quốc hội cần phải thực hiện tốt chức năng hiến định: “thực hiện quyền
lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám
sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”, Quốc hội cần có những quy định về
hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời phát hiện
những phát sinh mới để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, quy định rõ về việc
phối hợp giữa các cơ quan của cơ quan dân cử và các cơ quan nhà nước khác trong
việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

KẾT LUẬN
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ chứa đựng tính pháp
quyền và thực chất chính là tư tưởng về nhà nước pháp quyền. Điều có giá trị to lớn
và ý nghĩa sâu sắc là mô hình nhà nước đó không phải tồn tại ở dạng lý thuyết,
quan điểm, mà nó đã trở thành hiện thực sinh động; nhà nước ấy đã tập hợp, tổ
chức và lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Nghiên
cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà dân chủ không những có ý nghĩa lịch sử mà còn
cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu để tiến hành cải cách bộ máy
nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực sự là công bộc của dân, hoàn
thiện hệ thống pháp luật, đấu tranh loại bỏ những thói hư, tật xấu trong bộ máy nhà
nước, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích
của nhân dân, đảm bảo cho nhà nước luôn giữ được bản chất cách mạng, từng bước
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tư tưởng của Bác về
nhà nước dân chủ vô cùng sâu sắc và là hạt nhân cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nó chứa đựng những giá trị to lớn về cả phương diện lý luận và thực tiễn đối với
cách mạng Việt Nam; là cẩm nang để sự nghiệp đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa và mở rộng quan hệ quốc tế đi tới thành công.

13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
*Văn bản pháp luật
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
*Giáo trình
3. Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (hệ không
chuyên lý luận chính trị), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội
4. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh (2000), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (hệ cao cấp lý luận chính trị), Nxb
Lý luận chính trị, Hà Nội
*Sách tham khảo
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
6. Nguyễn Ái Quốc (2017), Đường kách mệnh, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà
Nội
*Tài liệu tham khảo khác
7. Bùi Trường Giang (2020), Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và yêu cầu củng
cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí cộng
sản
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và yêu cầu củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước
và nhân dân trong giai đoạn hiện nay - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)
8. Vũ Chiến Thắng (2022), Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn
lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Tạp chí cộng sản
Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự
nghiệp phát triển đất nước - Media story - Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)
9. Nguyễn Văn Dương (2020), Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí
Minh trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí cộng sản
Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay -
Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)
10. Kim Khánh (2017), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì
dân, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm

14
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân * - (ninhthuan.gov.vn)
11. Nguyễn Văn Cương (2015), Về nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về
nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân
và đội ngũ trí thức trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp
Về nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên
minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (moj.gov.vn)
12. Phạm Huy Văn (2010), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì
dân và vận dụng vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế hướng dẫn, Đại học quốc
gia Hà Nội
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/6074/1/00050000387.pdf
13. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước
pháp quyền của dân, do dân, vì dân (2022); Cổng thông tin điện tử Huyện Nghĩa
Hưng – Tỉnh Nam Định
https://nghiahung.namdinh.gov.vn/hoc-va-lam-theo-bac/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-
quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-cua-dan-do-dan-v-
208957

15

You might also like