Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

BÀI 2.

HỘI CHỨNG TẮC RUỘT

TS. BS. Trần Trọng Dương


Bộ Môn Ngoại, Trường Đại học Đại Nam

MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Hiểu thế nào là tắc ruột.
2. Phân biệt được tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng.
3. Phân biệt tắc ruột đơn thuần và thắt nghẹt ruột.
4. Hiểu được một số bệnh lý tắc ruột.
5. Chẩn đoán được hội chứng tắc ruột.

NỘI DUNG
1. ĐẠI CƯƠNG
Sự di chuyển các chất trong lòng ruột như hơi, thức ăn đang được tiêu hóa, dịch
tiêu hóa, chất thải trong quá trình tiêu hóa, hấp thu và thải trừ thông thường được thực
hiện là nhờ sự hiện diện đồng thời của 2 yếu tố: sự thông suốt trong lòng ruột và lực đẩy
của nhu động ruột. Khi một trong hai yếu tố này sụt giảm đáng kể hay mất đi thì sẽ gây
nên bán tắc ruột hay tắc ruột hoàn toàn. Tắc ruột là một hội chứng mà ở đó có sự ngưng
trệ hoạt động lưu thông các chất chứa trong lòng ruột. Sự ngưng trệ này có thể xảy ra ở
một hay nhiều điểm từ góc Treitz đến hậu môn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo khái niệm trên, tắc ruột được chia thành 2 nhóm chính:
- Tắc ruột cơ năng hay còn gọi là liệt ruột (adynamic ileus) là khi có thương tổn
thần kinh cơ dẫn đến giảm đáng kể hay mất nhu động ruột mặc dù lòng ruột vẫn còn
thông suốt.
- Tắc ruột cơ học (mechanical obstruction) hàm ý có yếu tố cản trở cơ học từ
trong lòng ruột, trên thành ruột, hay từ ngoài tác động lên thành ruột làm cản trở sự lưu
thông các chất trong lòng ruột. Sự không thông suốt này nếu hoàn toàn thì gây nên tắc
ruột, còn nếu chỉ một phần thì gây nên bán tắc ruột. Dựa trên đặc điểm thương tổn gây
tắc ruột và thương tổn mạch máu mạc treo nuôi ruột khi tắc xảy ra mà tắc ruột cơ học
được phân thành 3 nhóm nhỏ:
+ Tắc ruột đơn thuần (simple obstruction): khi thương tổn đơn giản chỉ là một sự
bít tắc lòng ruột, mạch máu mạc treo đến nuôi ruột không bị hư hại, các chất ứ trong
lòng ruột có thể dâng lên phía trên, điều này làm quá trình hư hại thành ruột diễn ra
chậm hơn, ví dụ như tắc ruột do một khối u ở thành ruột có kích thước lớn làm lấp lòng
ruột, tắc ruột do u bã thức ăn, tắc ruột do dính làm ruột gập góc…
+ Tắc ruột thắt nghẹt (strangulation obstruction): khi thương tổn không chỉ là sự
bít tắc lòng ruột, mà mạch máu mạc treo đến nuôi đoạn ruột đó cũng bị hư hại do thắt

1
nghẹt, dẫn đến hoại tử thành ruột một cách nhanh chóng, ví dụ như tắc ruột do xoắn
ruột, tắc ruột do lồng ruột, tắc ruột do thoát vị bẹn nghẹt …
+ Tắc ruột quai kín (closed loop obstruction): khi lòng ruột bị bít tắc ít nhất ở 2 vị
trí. Ví dụ như tắc ruột do u đại tràng, khi đó một ví trí tắc ở phía dưới là chỗ khối u, ví trí
tắc ở phía trên là do van hồi manh tràng ở trạng thái còn bảo tồn chức năng (mở ra để tống
hơi và dịch vào manh tràng, sau đó đóng lại không cho dịch phân và hơi trong đại tràng
dâng lên ruột non), điều này làm tăng nhanh áp lực trong lòng ruột, vi khuẩn trong lòng
ruột phát triển nhanh, thành ruột nhanh chóng bị thiếu dưỡng, nhiễm trùng và hoại tử mặc
dù mạch máu mạc treo đến nuôi ruột vẫn được bảo tồn. Ví trí vỡ thường gặp nhất là ở
manh tràng (định luật Laplace), khi đường kính của manh tràng gia tăng cấp tính đến 10-
12cm thì nguy cơ vỡ là rất lớn. Tắc ruột quai kín có thể kết hợp với tắc ruột thắt nghẹt làm
cho quá trình hoại tử ruột càng nhanh hơn, ví dụ thư tắc ruột do xoắn ruột.
Dựa theo vị trí tắc trên chiều dài của ruột, phân làm 2 nhóm:
- Tắc ruột cao: vị trí tắc ở ruột non, trong nhóm này còn phân ra tắc ruột non đoạn
gần, tắc ruột non đoạn giữa và xa, với các đặc điểm triệu chứng học khác nhau.
- Tắc ruột thấp: vị trí tắc từ manh tràng đến ống hậu môn, chiếm 15% các tắc ruột
cơ học ở người lớn.
Hội chứng giả tắc (pseudo-obstruction) đại tràng hay còn được gọi là hội chứng
Ogilvie, với sự phình to của đại tràng và các biểu hiện của tắc đại tràng, nhiễm trùng,
nhưng hoàn toàn không có sự hiện diện của yếu tố tắc nghẽn cơ học. Hội chứng giả tắc
đại tràng diễn ra cấp tính và phức tạp nhưng đến nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa
được rõ.
2. PHÂN LOẠI NGUYÊN NHÂN
2.1. Nguyên nhân tắc ruột cơ học
2.1.1 Nguyên nhân từ bên ngoài thành ruột
- Do dính: Tắc ruột do dính là tình huống tắc ruột thường gặp nhất ở ruột non,
hiếm khi xảy ra ở ruột già. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do dính xảy ra sau phẫu thuật
bụng hay do viêm ở người lớn, một số ít tắc ruột do dính bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Dây dính
thường gây tắc ruột đơn thuần nhưng cũng có thể gây nên xoắn ruột (tắc ruột thắt nghẹt).
- Thoát vị: Thoát vị nghẹt gây tắc ruột thắt nghẹt hay gặp ở các vị trí như thoát
vị bẹn, thoát vị đùi, thoát vị rốn, thoát vị qua chỗ hở cân cơ thành bụng do vết mổ cũ,
thoát vị bịt. Thoát vị nội nghẹt ít gặp hơn, các lỗ thoát vị nội thường hình thành trong ổ
bụng sau phẫu thuật, hiếm khi là các khe tự nhiên sẳn có.
- Xoắn ruột: Xoắn ruột gây tắc ruột thắt nghẹt, có thể xảy ra ở ruột non, manh
tràng hay đại tràng chậu hông...
- Các khối u chèn ép từ bên ngoài: Các khối u lành hoặc ác tính, ổ áp-xe hoặc
khối máu tụ trong xoang bụng gây chèn ép ruột từ bên ngoài tạo nên tắc ruột đơn thuần.

2
2.1.2. Nguyên nhân ở trên thành ruột
- Các khối u lành tính hay ác tính ở ngay trên thành ruột có thể làm bít tắc lòng
ruột gây nên tắc ruột đơn thuần, u ác tính đại tràng là nguyên nhân gây tắc đại tràng
thường gặp nhất. Cũng có khi khối u này đóng vai trò như một điểm khởi đầu của lồng
ruột, khi đó gây nên tắc ruột thắt nghẹt.
- Lồng ruột: thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, do bất thường trong nhu động ruột mà
không kèm theo thương tổn thực thể nào, làm quai ruột này lồng vào quai ruột kế cận
và gây nên tắc ruột thắt nghẹt. Lồng ruột hiếm khi gặp ở người lớn, nhưng nếu xảy ra
thì thường có thương tổn thực thể đi kèm như polyp hay khối u ở ruột.
- Bệnh ruột viêm: thương tổn viêm nhiễm mãn tính từng vùng (regional enteritis)
ở thành ruột và phản ứng xơ hoá làm hẹp lòng ruột gây nên tắc ruột đơn thuần, ví dụ
như lao ruột, bệnh Crohn, bệnh viêm ruột tăng bạch cầu ái toan, viêm túi thừa đại tràng
tạo thương tổn giả u gây tắc, bệnh xơ nang ở đoạn cuối hồi tràng và đại tràng phải …
- Chít hẹp thành ruột do thiếu máu, chiếu xạ, hẹp miệng nối sau mổ, bất sản thành
ruột bẩm sinh ở trẻ sơ sinh… gây nên tắc ruột đơn thuần.
- Khối máu tụ tự hình thành trong thành ruột ở những người bệnh dùng thuốc
kháng đông, gây nên tắc ruột đơn thuần.
2.1.3. Nguyên nhân nằm trong lòng ruột
- Các nguyên nhân nằm trong lòng ruột gây tắc ruột đơn thuần như phân su ở trẻ
sơ sinh, búi giun đủa ở trẻ lớn, khối phân cứng ở người lớn tuổi hay người nằm một chỗ
gây tắc đại tràng, thuốc cản quang barium đóng cục, bã thức ăn ở người mất khả năng
nhai hay đã cắt dạ dày…
- Dị vật đường tiêu hóa thường di chuyển đến gây tắc ruột ở cuối hồi tràng, vì ở
đây khẩu kính ruột nhỏ nhất.
- Sỏi mật: một viên sỏi lớn túi mật có thể đi vào ruột qua lỗ rò túi mật – tá tràng
để gây nên tắc ruột đơn thuần ở ruột non.
2.2. Nguyên nhân tắc ruột cơ năng
Tắc ruột cơ năng hay còn gọi là liệt ruột chiếm khoảng 5 – 10 % các trường hợp
tắc ruột, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Tất cả các nguyên nhân gây viêm phúc mạc như thủng dạ dày, viêm ruột thừa
vỡ, viêm tuỵ cấp, viêm phúc mạc mật...
- Liệt ruột phản xạ có thể gặp trong chấn thương cột sống, cơn đau quặn thận,
chấn thương hệ niệu, vỡ xương chậu, tụ máu sau phúc mạc.
- Thiếu máu cấp và huyết khối mạch máu mạc treo cũng làm liệt ruột.
- Rối loạn chuyển hoá nội tiết: giảm kali máu, tăng canxi máu, toan chuyển hoá,
tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp.
- Một số thuốc gây liệt ruột: dẫn chất của thuốc phiện, kháng cholinergic…
- Liệt ruột trong một số bệnh toàn thân: rối loạn chuyển hóa porfirin, xơ cứng bì.

3
- Tổn thương các hạch thần kinh ở thành đại tràng trong bệnh phình đại tràng
bẩm sinh trẻ em (Hirschsprung).
- Các tổn thương thần kinh cơ lan toả có thể gây ra các rối loạn vận động của ruột
được gọi chung là giả tắc ruột không rõ nguyên nhân. Trong đó hội chứng Ogilvie là
một thể đặc biệt, đặc trưng sự bởi giãn đại tràng cấp không do tắc nghẽn cơ học.
3. SINH LÝ BỆNH
- Đoạn ruột trên chỗ tắc giãn to, chứa dịch và hơi, tăng nhu động. Giai đoạn sớm,
hơi chủ yếu là do nuốt vào, trong đó có khí ni-tơ hấp thu rất kém qua niêm mạc. Giai
đoạn sau đó, khi vi khuẩn trong quai ruột ứ đọng phát triển mạnh mẽ, hiện tượng lên
men xảy ra, nhiều loại khí khác được sinh ra. Tất cả làm bụng người bệnh ngày càng
chướng. Bụng chướng đẩy cơ hoành lên cao làm hạn chế hô hấp, gây suy hô hấp.
- Trong tắc ruột, một khối lượng lớn dịch từ khoang ngoại bào thoát vào trong
lòng ruột và từ thanh mạc ruột đi vào khoang phúc mạc. Dịch đổ đầy lòng các quai ruột
trên chỗ tắc do sự hấp thu muối và nước ở ruột bị đình trệ, ngược lại có sự tăng bài tiết
dịch vào lòng ruột. Cùng với nôn, tất cả làm tăng sự mất nước và điện giải cho người
bệnh. Giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến suy đa cơ quan, và là nguyên nhân gây tử vong
dù người bệnh chỉ với tắc ruột đơn thuần.
- Các hoạt chất trung gian (như endotoxin, prostaglandins) được sinh ra từ quá
trình sinh sôi nẩy nở của vi khuẩn trong dịch ứ đọng ở các quai ruột bị tắc gây nên các
tác hại trong cơ chế bệnh sinh.
- Các cơn nhu động ruột có thể nghe được là biểu hiện quai ruột trên chỗ tắc cố
gắng đẩy các chất ứ đọng qua chỗ tắc. Khi bệnh tiến triển, các chất nôn trở nên bẩn hơn
và gần giống như phân, nhất là với tắc ruột đoạn xa.
- Sự sinh sôi nẩy nở của vi khuẩn trong lòng ruột cùng với sự tổn hại hàng rào bảo
vệ ở niêm mạc ruột dẫn đến hiện tượng chuyển vị vi khuẩn từ lòng ruột vào các hạch bạch
huyết mạc treo và vào máu dẫn đến biểu hiện nhiễm trùng toàn thân. Điều này không chỉ
xảy ra nhanh với tắc ruột thắt nghẹt mà còn xảy ra với cả tắc ruột đơn thuần.
- Nhồi máu ruột là một mối đe dọa rất sớm trong tắc ruột thắt nghẹt và tắc ruột
quai kín, và cũng cần chú ý trong tất cả các tắc ruột cơ học hoàn toàn nào. Thoát vị bẹn
nghẹt và xoắn ruột là các ví dụ điển hình cho cơ chế thắt nghẹt mạch máu mạc treo đến
nuôi ruột và bít tắc lòng ruột. Khi mạc treo bị thắt nghẹt, dòng chảy trong tĩnh mạch bị
ảnh hưởng trước động mạch. Thành ruột bị nhồi máu sẽ thoát máu vào lòng ruột và
khoang phúc mạc, và có thể dẫn đến thủng ruột. Các chất chứa trong lòng ruột là các
sản phẩm của vi khuẩn và độc tố của nó, mô hoại tử và máu. Một số chất dịch này có
thể đi vào vòng tuần hoàn qua con đường bạch mạch của ruột hay hay hấp thu từ khoang
phúc mạc. Sốc nhiễm trùng nhiễm độc có thể xảy ra.
- Nhồi máu ruột rất hiếm xảy ra với tắc ruột cơ năng, nếu có nó phải đi chung với
hiện tượng tăng áp lực ổ bụng đáng kể hay nhiễm trùng trong các quai ruột. Trong tắc

4
ruột cơ năng, khả năng hấp thu ở niêm mạc ruột và tưới máu cho thành ruột được bảo
tồn rất lâu.
- Nếu tắc ruột diễn tiến kéo dài, thường là liệt ruột cơ năng, ví dụ như trong viêm
tụy cấp, hay bán tắc ruột cơ học, biến chứng suy ruột có thể xảy ra và kéo theo tình trạng
suy dinh dưỡng.
4. GIẢI PHẪU BỆNH LÝ
4.1. Đại thể (mô tả khi mổ)
- Ổ bụng có dịch xuất tiết: màu vàng nhạt (sớm), dịch thấm, nếu muộn có màu
hồng hoặc lẫn máu hay gặp trong tắc ruột do thắt nhất là do xoắn. Dịch nâu đen hoặc
đen, mùi hôi gặp khi các quai ruột hoại tử.
- Quai ruột trên chỗ tắc dãn to chứa bã thức ăn, dịch và hơi, thành ruột căng bóng
màu hồng (người bệnh đến sớm), thành ruột phù nề tím đen, hoại tử, mất hoàn toàn nhu
động (người bệnh đến muộn).
- Chỗ tắc là chỗ nối tiếp giữa quai ruột dãn to và quai ruột xẹp phía dưới. Tại đây
ta tìm được nguyên nhân gây tắc.
- Dưới chỗ tắc ruột lép xẹp màu sắc tương đối bình thường còn khả năng hấp thu,
tiêu hóa.
4.2. Vi thể
Ruột trên chỗ tắc lúc đầu ứ huyết nhẹ ở niêm mạc, về sau xuất hiện chảy
máu dưới niêm mạc, cuối cùng niêm mạc thoái hoá và hoại tử từng mảng và đồng
thời cả ba lớp của thành ruột.
5. TRIỆU CHỨNG TẮC RUỘT
Các triệu chứng chung thường gặp trong tắc ruột là: đau bụng từng cơn, nôn, bí
trung đại tiện, chướng bụng, gõ vang, âm ruột tăng, dấu rắn bò và quai ruột nổi, dấu mất
nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc, X-quang bụng đứng có các mức hơi nước hay
chuổi tràng hạt, CTscan có điểm chuyển tiếp. Tuy nhiên, tùy từng vị trí tắc, cơ chế tắc
ruột và giai đoạn của bệnh mà các triệu chứng có biểu hiện chi tiết khác nhau.
5.1. Tắc ruột đơn thuần
5.1.1. Tắc ruột non đoạn gần
- Nôn xuất hiện sớm và thường xuyên, nôn ra thức ăn và dịch mật, hiếm khi nôn
ra dịch bẩn ngay cả khi tắc ruột vào giai đoạn muộn.
- Khó chịu ở vùng bụng trên hơn là đau bụng cơn.
- Bí trung đại tiện xuất hiện rất muộn, thường chẩn đoán được xác định trước khi
có dấu hiệu này.
- Chướng bụng hầu như không có. Tìm kiếm dấu vết mổ cũ nếu có.
- Dấu hiệu sinh tồn có thể bình thường trong giai đoạn sớm, nhưng sau đó dấu
mất nước và điện giải tăng dần, nhiệt độ bình thường hay tăng nhẹ.

5
- X-quang bụng đứng: dấu ruột non giãn và mức hơi - nước rất hạn chế hay không
xuất hiện.
- X-quang ruột non cản quang: khung tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng trên chỗ
tắc giãn rộng, thuốc cản quang ứ đọng và không qua được chỗ tắc hay lèn qua một khe
nhỏ gián tiếp gợi ý nguyên nhân gây tắc.
- CTscan bụng: khung tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng trên chỗ tắc giãn rộng,
dưới chỗ tắc ruột xẹp, lộ ra điểm chuyển tiếp và có thể thấy được nguyên nhân gây tắc.
- Xét nghiệm máu giai đoạn sớm thường bình thường, giai đoạn sau có hiện tượng
cô đặc máu, tăng bạch cầu, rối loạn điện giải, amylase máu tăng nhẹ.
5.1.2. Tắc ruột non đoạn giữa và xa
- Đau bụng từng cơn quanh rốn hay khu trú. Các cơn đau theo kiểu co thắt tăng
lên từng hồi rồi giảm xuống, kéo dài từ vài giây đến vài phút, và lặp lại sau vài phút.
Giữa các cơn đau người bệnh hết đau hoàn toàn.
- Nôn xuất hiện sau cơn đau một khoảng thời gian thay đổi tùy vị trí tắc. Nếu tắc
càng xa, nôn có thể xuất hiện sau rất nhiều giờ và chất nôn càng bẩn giống phân.
- Bí trung đại tiện cuối cùng rồi cũng xảy ra mặc dù trước đó người bệnh có trung
đại tiện được sau mỗi cơn đau.
- Chướng bụng xuất hiện rõ khi tắc ở đoạn xa. Tìm xem có vết mổ cũ không ?
Tắc ruột do dính là nguyên nhân phổ biến nhất của tắc ruột non.
- Dấu quai ruột nổi, dấu rắn bò của các quai ruột trên chỗ tắc có thể nhìn thấy
được ở những người bệnh gầy có thành bụng mỏng.
- Nghe thấy tần suất nhu động ruột tăng, cường độ tăng, âm sắc cao. Dấu hiệu
này đi kèm với những cơn co thắt ruột. Dấu hiệu này giảm và mất khi tắc ruột cơ học
vào giai đoạn trễ hay trong tắc ruột cơ năng.
- Ấn bụng mềm và đau vừa phải. Thăm trực tràng không phát hiện gì.
- Gõ bụng thường vang, do các quai ruột phía trên chỗ tắc chứa nhiều hơi.
- Dấu hiệu sinh tồn có thể bình thường trong giai đoạn sớm, nhưng sau đó dấu
mất nước và điện giải tăng dần, nhiệt độ bình thường hay tăng nhẹ.
- Xét nghiệm máu giai đoạn sớm thường bình thường, giai đoạn sau có hiện tượng
cô đặc máu, tăng bạch cầu, rối loạn điện giải, amylase máu tăng nhẹ, suy thận.
- X-quang bụng đứng: ruột non giãn, có các mức hơi - nước chân rộng, nếp niêm
mạc ngang qua khẩu kính ruột khi chưa quá muộn, xếp chồng lên nhau từ hố chậu phải
lên hạ sườn trái. Khi nhu động ruột còn mạnh, ta thấy 2 chân của một quai ruột chênh
nhau, khi nhu động giảm hay liệt ruột thì 2 chân nằm ngang bằng nhau. Trong giai đoạn
sớm hay tắc ruột quai kín, hay khi các quai ruột chứa đầy dịch và ít hơi, các dấu này còn
mơ hồ hay chưa xuất hiện. Lúc này có thể thấy dấu chuổi tràng hạt. Không còn hơi trong
đại tràng ngoại trừ trường hợp người bệnh vừa mới thụt tháo, nội soi đại tràng hay bán
tắc ruột.

6
Hình 1. Hình ảnh X-quang bụng trong hội chứng tắc ruột
- CTscan bụng: nhiều quai ruột non trên chỗ tắc giãn rộng và có mức hơi nước,
dưới chỗ tắc ruột xẹp, lộ ra điểm chuyển tiếp và có thể thấy được nguyên nhân gây tắc.
- Siêu âm ít có giá trị trong chẩn đoán tắc ruột. Trong tắc ruột non có thể thấy các
quai ruột giãn nằm kề quai ruột xẹp, các quai ruột giãn tăng nhu động. Siêu âm có thể
phát hiện nguyên nhân tắc ruột như khối u hay lồng ruột.
5.1.3. Tắc đại trực tràng
- Thường diễn tiến từ từ, từ bán tắc đến tắc.
- Đau bụng co thắt vùng dưới rốn, có thể trội cơn nhưng cường độ vừa phải. Nếu
đau ở hố chậu trái thì bắt nguồn từ đại tràng sigma.
- Buồn nôn hay nôn xuất hiện muộn, không thường xuyên nếu van hồi manh tràng
còn bảo tồn. Nếu van này mất chức năng, người bệnh có triệu chứng giống tắc ruột non
đoạn xa, nôn ra dịch phân sau đó.
- Bí trung đại tiện xuất hiện sớm và là dấu hiệu đặc trưng trong tắc đại trực tràng,
trước đó người bệnh có thể có dấu rối loạn đại tiện, táo bón hay đại tiện nhiều lần với
phân có đàm nhầy hay máu.
- Chướng bụng tăng dần, dấu rắn bò hay quai ruột nổi có thể nhìn thấy nếu thành
bụng mỏng.
- Nghe được nhu động ruột tăng, cường độ và âm sắc cao, và có thể cùng đồng
thời với co thắt ruột.
- Khám bụng mềm, căng, ấn đau tức khi chưa muộn, có thể sờ được u đại tràng.
- Gõ bụng thường vang, do các quai ruột phía trên chỗ tắc chứa nhiều hơi.
- Thăm trực tràng rỗng, có khi sờ được u trực tràng hậu môn gây tắc ruột, có khi
có máu dính găng. Trong tắc ruột do u phân, sờ được các khối phân cứng lấp đầy bóng
trực tràng.
7
- Toàn thân biểu hiện dấu mất nước, nhiễm trùng nhiễm độc, suy thận nếu đến muộn.
- X-quang bụng đứng: Nếu van hồi manh tràng còn bảo tồn chức năng, chỉ thấy
giãn to khung đại tràng trên chỗ tắc theo viền ngoài của khoang phúc mạc, với các mức
hơi - nước đại tràng, nếp niêm mạc nhạt và không băng qua hết lòng đại tràng, lúc này
người bệnh bị tắc ruột quai kín. Nếu van hồi manh mất chức năng có thể thấy các mức
hơi nước của ruột non đoạn xa và cả các mức hơi nước của phần ruột già trên chỗ tắc.
- Chụp đại tràng cản quang có hình ảnh cắt cụt đại tràng ở vị trí tắc.
- CTscan: thấy các mức hơi nước của ruột non và ruột già, ruột già trên chỗ tắc
giãn to ứ hơi và dịch, dưới chỗ tắc xẹp, vùng chuyển tiếp thường là do khối u với thành
ruột dày. Chụp CT có bơm thuốc cản quang qua đường hậu môn có độ chính xác càng
cao hơn.
- Nội soi ống mềm đại trực tràng không chỉ giúp chẩn đoán xác định mà còn phát
hiện được nguyên nhân, và kèm sinh thiết chẩn đoán khi phát hiện khối u.
5.2. Tắc ruột thắt nghẹt
- Đau bụng thường khởi phát đột ngột, lúc đầu từng cơn, sau đó đau liên tục dữ
dội một cách trầm trọng.
- Nôn nhiều, chất nôn có thể có máu đại thể hay vi thể.
- Bí trung đại tiện hay đại tiện ra máu.
- Chứng bụng xuất hiện muộn so với tiến trình của bệnh, vì bệnh tiến triển thành
nặng nhanh hơn so với tắc ruột đơn thuần, chướng bụng có thể không đều trong xoắn ruột.
Hình ảnh một quai ruột rất to nằm im lìm trên thành bụng là bằng chứng của xoắn ruột.
- Ấn bụng đau nhiều, có khi phát hiện được vùng đau khu trú. Nếu có cảm ứng
phúc mạc hay đề kháng thành bụng khu trú hay lan tỏa hãy nghĩ đến thành ruột đã hoại
tử hay đã thủng gây viêm phúc mạc. Sờ được vùng đau khu trú hay sờ được một khối
căng đau gợi ý tắc ruột quai kín. Khám thực thể không được bỏ sót các khối thoát vị
thành bụng ở ngay vết mổ cũ hay cạnh vết mổ cũ, khối thoát vị bẹn nghẹt hay thoát vị
đùi nghẹt nếu có.
- Tìm dấu hiệu Howship-Romberg để phát hiện thoát vị bịt nghẹt cùng bên. Thoát
vị bịt tuy thuộc nhóm tắc ruột thắt nghẹt nhưng lâm sàng gần giống tắc ruột non đơn thuần
vì chỉ có một đoạn rất ngắn thành ruột non kẹt trong lỗ bịt, mạch máu mạc treo gần như
được bảo tồn. Bệnh có đặc điểm thường chỉ xuất hiện ở người bệnh rất lớn tuổi, giới nữ và
rất gầy. Chẩn đoán bắt đầu bằng sự nghi ngờ và được xác định bằng CTscan bụng.
- Thăm trực tràng có khi có máu dính găng trong trường hợp xoắn ruột hay lồng ruột.
- Dấu hiệu toàn thân xuất hiện sớm, mạch nhanh, có thể sốt xuất hiện. Nếu không
phẫu thuật kịp thời người bệnh sớm rơi vào sốc nhiễm trùng nhiễm độc.
- Bạch cầu tăng cao mà không phải đơn thuần là do sự cô đặc máu trên người
bệnh tắc ruột nên nghi ngờ tắc ruột thắt nghẹt, cũng như tình trạng nhiễm toan lactic
không giải quyết được sau khi đã bồi hoàn thể tích.

8
- X-quang bụng đứng: giữa các quai ruột giãn rộng ứ hơi - dịch nằm kề nhau là
các khoảng mờ tăng lên do xuất hiện dịch trong khoang phúc mạc. Điều này cũng ghi
nhận trong tắc ruột đơn thuần, nhưng trong tắc ruột thắt nghẹt nó xuất hiện sớm hơn.
Các dấu mất nếp niêm mạc, bóng khí trong thành ruột hay trong các nhánh tĩnh mạch
cửa trong gan có thể nhìn thấy trong tắc ruột thắt nghẹt. Bóng khí bất thường ngoài ruột
cho thấy đã thủng ruột. Phim bụng không sửa soạn có vai trò giới hạn trong chẩn đoán
xoắn ruột non nhưng rất có giá trị trong chẩn đoán xoắn đại tràng. Trong xoắn manh
tràng giai đoạn sớm có bóng khí đơn độc rất to hình trứng hay hạt cà phê mất nếp niêm
mạc ở thượng vị hay hạ sườn trái. Trong xoắn đại tràng sigma có dấu bóng khí đơn độc
rất to mất nếp niêm mạc hình chữ U lộn ngược hay hình hạt cà phê ở giữa bụng.
- X-quang đại tràng cản quang có thể thấy bóng hơi to của đại tràng sigma kèm
dấu mỏ chim của thuốc cản quang trong xoắn sigma. Xoắn đại tràng sigma hầu hết xảy
ra ở người lớn tuổi.
- CTscan: tất cả các dấu thấy trên X-quang đều thấy trên CTscan một cách dễ
dàng và chính xác hơn. CTscan có độ chính xác cao (trên 90%) trong chẩn đoán xác
định tắc ruột. Nó còn xác định được nguyên nhân gây tắc ruột, mức độ thương tổn ruột
và biến chứng. CTscan phát hiện được dấu xoắn (whirling pattern) các mạch máu trong
mạc treo ruột khi có xoắn ruột, có thể đánh giá được khả năng nhồi máu và hoại tử ruột
dựa vào việc đánh giá độ dày và phù nề của thành ruột, độ bắt thuốc cản quang và các
bọt khí trong thành ruột.
6. CHẨN ĐOÁN TẮC RUỘT
Hội chứng tắc ruột do nhiều nguyên nhân. Trước một người bệnh nghi tắc ruột,
các câu hỏi cần đặt ra là:
- Có tắc ruột không? Tắc hoàn toàn hay bán tắc? Liệu điều trị bảo tồn có khỏi
không? Nếu có tắc thì:
+ Tắc ở đâu? Ruột non hay ruột già? Cao hay thấp?
+ Tắc do nguyên nhân gì?
- Tắc thuộc loại nào:
+ Do bít hay do thắt?
Người bệnh đến sớm hay muộn? Tiên lượng toàn thân?
6.1. Chẩn đoán nguyên nhân gây tắc ruột theo lứa tuổi:
Khi nguyên nhân rõ rệt thì dễ. Còn khi chưa rõ thì căn cứ lứa tuổi có giá trị.
- Trẻ sơ sinh (15 ngày đầu sau đẻ ): tắc ruột chủ yếu do các dị tật bẩm sinh đường
tiêu hoá: không có hậu môn, teo ruột bẩm sinh, phân xu, phình đại tràng tiên thiên.
- Trẻ bú (4-12 tháng ): hầu hết là do lồng ruột, có một số ít là do dị dạng dài hoặc
phình đại tràng.
- Trẻ lớn (4-2 tuổi ): chủ yếu do giun, bó thức ăn, thoát vị nghẹt.
- Tuổi thanh niên: gặp nhiều loại: xoắn, nghẹt, dính…

9
- Người lớn tuổi: chủ yếu là do K đại trực tràng, có đặc điểm:
+ Diễn biến chậm từ từ, thể trạng ít thay đổi.
+ Lâm sàng tắc thấp.
+ Phải thăm trực tràng.
+ Chụp khung đại tràng xác định.
Ngoài ra có thể gặp xoắn đại tràng sigma, nếu ở một bà già gầy ốm thì có thể
thoát vị bịt nghẹt (dấu hiệu Howship-Romberg ).
6.2. Chẩn đoán vị trí tắc.
* Tắc cao (tắc ruột non):
- Lâm sàng cấp tính rầm rộ: tắc càng cao đau càng nhiều, nôn càng sớm, nhiều.
dịch vàng của ruột, chướng bụng trên, mất nước nhanh nhiều, toàn thân suy sụp nhanh.
- X-Quang không chuẩn bị:
+ Ổ bụng trên có ít mức nước mức hơi, dạ dày dãn to và có mức nước hơi rộng
+ Nhiều mức nước hơi ở giữa bụng, chân rộng, thành mỏng, xếp hình bậc thang
từ hạ sưên trỏi đến hố chậu phải.
- Nếu chụp nghiêng thÌ mức nước hơi ở trước cột sống.
* Tắc thấp (tắc đại trực tràng):
- Lâm sàng biểu hiện bán cấp, đau nhẹ, nôn muộn và ít hoặc không bí rõ. Bụng
chướng nhiều, căng, chướng toàn ổ bụng, sờ rõ quai ruột nổi. Toàn thân thay đổi chậm
và ít.
- X-quang bụng không chuẩn bị: nhiều mức nước hơi rải rác quanh bụng, mức
nước mức hơi dọc khung đại tràng cổ to chân hẹp (cao lớn hơn rộng) thành dày. Chụp
nghiêng thấy các mức nước hơi ở sau cột sống. Có thể chụp thụt baryt thấy thuốc dừng
lại ở ruột già.
+ Tắc ở đại tràng: Hố chậu phải có hơi.
+ Tắc ở đại tràng trái: Có nhiều hơi đại tràng ngang.
6.3. Chẩn đoán phân biệt
* Tắc ruột cơ năng (liệt ruột):
- Đau bụng không trầm trọng, thường là vừa phải, có khi chỉ là căng tức, nhưng
đau liên tục và lan tỏa, không có cơn co thắt.
- Nôn không nhiều.
- Bí trung đại tiện luôn nổi bật.
- Âm ruột giảm đáng kể hay mất. Không bao giờ có dấu rắn bò hay quai ruột nổi.
- Bụng chướng nhiều, chướng đều, mềm, ấn đau đau tức nhẹ. Nếu liệt ruột do
viêm phúc mạc thì khám bụng sẽ nổi bật các dấu viêm phúc mạc.
- X-quang bụng đứng thấy có nhiều hơi ở cả ruột non và đại tràng. Nếu có mức
hơi nước thì 2 chân của một quai ruột luôn ngang nhau. Trong liệt ruột sau mổ, hơi chủ
yếu ở đại tràng. Hơi tập trung nhiều ở ruột non gợi nguyên nhân viêm phúc mạc.

10
- CTscan rất có giá trị trong phân biệt giữa tắc ruột cơ học và cơ năng. Trong liệt
ruột không có điểm chuyển tiếp trên hình ảnh CTscan. CTscan còn có thể phát hiện được
các nguyên nhân gây liệt ruột như viêm tụy cấp, viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ
hay thủng tạng rỗng…
- Các dấu hiệu cùa bệnh nền gây nên liệt ruột.
* Giả tắc ruột non:
- Là một nhóm các thương tổn gây nên các triệu chứng giống tắc ruột non nhưng
không có bằng chứng của một tác nhân gây tắc ruột.
- Giả tắc nghẽn ở ruột non thường vô căn, biểu hiện mạn tính hay tái phát, có hay
không có liên quan đến ruột già. Một số trường hợp nhận thấy giả tắc ruột non có liên
quan đến một bệnh hệ thống, xơ cứng bì, phù niêm, lupus ban đỏ.., lạm dụng thuốc,
viêm ruột sau xạ trị, bệnh cơ trơn gia đình…
- Các đợt tái phát với dấu hiệu nôn, đau quặn bụng, chướng bụng. Có thể kèm
theo rối loạn vận động của thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và bàng quang.
- Xử trí nhắm vào điều trị bệnh nền nếu có, điều trị hỗ trợ triệu chứng một cách
tích cực và toàn diện.
* Giả tắc đại tràng cấp tính (hội chứng Ogilvie):
- Khung đại tràng giãn to mà không có tác nhân tắc nghẽn cơ học, là một dạng
liệt ruột nặng biểu hiện ở đại tràng.
- Thường xuất hiện ở những người bệnh nằm liệt giường vì những bệnh ngoài
đường tiêu hóa như bệnh tim, phổi, thận, hay bị chấn thương nặng. Sự nuốt nhiều hơi
và suy yếu vận động đại tràng do thuốc là các yếu tố tham gia gây bệnh.
- Đầu tiên xuất hiện chướng bụng nhưng không đau hay cảm ứng phúc mạc.
- Sau đó biểu hiện các triệu chứng giống tắc ruột thật.
- X-quang bụng thấy chướng hơi to trong khung đại tràng, nhưng tập trung chủ
yếu ở đại tràng phải với dấu cắt cụt ở đại tràng góc gan hay góc lách. Chụp đại tràng cản
quang không thấy tác nhân gây tắc cơ học.
- Điều trị nội khoa với đặt sonde mũi-dạ dày, thụt tháo. Neostigmine có hiệu quả
nhưng chống chỉ định ở người bệnh nhịp tim chậm, co thắt phế quản, suy thận, manh
tràng giãn quá to ≥ 12cm.
- Nội soi đại tràng hút dịch hơi giảm áp thành công đến 90%, tái phát ≥ 25%. Nên
kết hợp đặt sonde vào đoạn đầu đại tràng để duy trì giảm áp.
- Có thể đặt sonde manh tràng giảm áp dưới hướng dẫn chiếu X-quang hay phẫu
thuật mở manh tràng ra da giảm áp.
- Phẫu thuật đưa đại tràng ra da khi các biện pháp tối thiểu thất bại. Khi có biến
chứng hoại tử ruột hay thủng gây viêm phúc mạc, phẫu thuật cắt đại tràng và đưa hồi
tràng ra da.

11
* Bán tắc ruột non (cơ học):
- Biểu hiện bằng hội chứng Koenig: đau bụng quặn cơn, tăng nhu động ruột, âm
ruột gia tăng, sau đó trung tiện được thì hết đau. Lâm sàng thể hiện giống một tình trạng
tắc ruột non thoáng qua, sau đó lưu thông ruột tự tái lập lại.
- Chẩn đoán xác định với chụp X-quang ruột non cản quang phát hiện vị trí hẹp
và thuốc cản quang qua ruột non chậm, thường hơi trong ruột già vẫn còn. Việc chụp
được thực hiện sau khi điều trị nội khoa và lưu thông ruột đã tái lập.
* Bán tắc ruột già (cơ học):
- Biểu hiện bằng dấu hiệu Duval: đau bụng từng cơn, đôi lúc kéo dài 2-3 ngày,
bí đại tiện, sau đó đại tiện được thì hết đau. Lâm sàng thể hiện giống một tình trạng tắc
ruột già thoáng qua, sau đó lưu thông ruột tự tái lập lại.
* Một số bệnh thường gặp có biểu hiện giống tắc ruột cơ học:
- Viêm dạ dày ruột cấp.
- Viêm ruột thừa đến muộn.
- Viêm tụy cấp.
- Thủng dạ dày mà không có liềm hơi dưới hoành.
- Nhồi máu mạc treo.
7. TIẾN TRIỂN VÀ TIÊN LƯỢNG
- Nếu không được điều trị thì diễn biến nhanh qua các giai đoạn.
+ Giai đoạn bắt đầu: cơn đau bụng dữ dội, nôn, bị nặng có sốc, các biến đổi tại
chỗ và toàn thân hồi phục được.
+ Giai đoạn hai: cơn đau khu trỳ tại nơi tổn thương, có thể có tiếng óc ách, tăng
nhu động ở nơi tổn thương, chướng bụng khu trú tại vùng đau, các biến đổi tại chỗ và
toàn thân có thể hồi phục được.
+ Giai đoạn 3: nhu động ruột giảm, bụng chướng toàn bộ, đau bụng âm ỉ, không
thành cơn, triệu chứng nhiễm độc toàn thân tăng, các biến đổi tại chỗ và toàn thân không
thể hồi phục.
+ Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): hầu như mất cảm ứng, không thấy đau bụng cơn,
bụng chướng, nôn nhiều, bí hoàn toàn, biểu hiện mất nước, nhiễm khuẩn, nhiễm độc
nặng, tiên lượng nặng rất khó hồi phục.
- Tiên lượng tùy thuộc vào tuổi, tổng trạng, các bệnh phối hợp trên mỗi người
bệnh, thời gian kéo dài sự thiếu máu nuôi của ruột, đã có biến chứng thủng ruột hay
chưa, nguyên nhân gây tắc ruột, sự sẵn sàng và kịp thời của can thiệp ngoại khoa.
- Tắc ruột non đơn thuần có tỷ lệ tử vong thấp chỉ khoảng 2%, hầu hết trong số
này là do người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh kèm và đến muộn. Ngược lại, tắc ruột non
thắt nghẹt có tỷ lệ tử vong cao, vào khoảng 8% nếu phẫu thuật được thực hiện trong
vòng 36 giờ kể từ lúc khởi phát bệnh, và tăng lên đến 25% nếu phẫu thuật chậm trễ sau

12
36 giờ. Tỷ lệ tắc ruột do dính tái phát tuy không nhiều lắm nhưng vẫn còn là vấn đề khó
khăn trong phòng tránh.
- Tắc ruột do nguyên nhân u đại tràng có tiên lượng xấu hơn. Tỷ lệ tử vong chung
khoảng 20%. Nếu có thủng manh tràng thì tỷ lệ này tăng lên có khi đến 40%. Ung thư
đại tràng gây tắc ruột có tiên lượng xấu hơn ung thư đại tràng chưa gây tắc ruột, vì khi
đã có tắc ruột thì tỷ lệ xâm lấn tại chỗ, di căn hạch hay di căn xa tăng lên.
- Xoắn đại tràng chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, tỷ lệ tử vong sau mổ là từ 5-
12% nếu đại tràng chưa hoại tử, và tỷ lệ này tăng lên 35-50% nếu đại tràng đã hoại tử
thủng. Xoắn manh tràng tái phát rất hiếm sau khi phẫu thuật cố định manh tràng hay cắt
½ đại tràng phải. Ngược lại, phương pháp phẫu thuật không cắt bỏ đại tràng sigmoid là
không hiệu quả trong ngăn ngừa xoắn đại tràng sigmoid tái phát.
8. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
- Điều trị phẫu thuật kết hợp với hồi sức ngoại khoa trước trong và sau mổ nằm
điều chỉnh các rối loạn toàn thân do tắc ruột gây nên (rối loạn nước điện giải ) và loại
trừ nguyên nhân gây tắc, phục hồi lưu thông ruột.
- Điều trị các rối loạn toàn thân do tắc ruột gây nên.
+ Truyền dịch và điện giải theo điện giải đồ, huyết tương, máu.
+ Hút dịch dạ dày ruột, phải làm ngay: dặt sonde dạ dày để hút dịch ở trên chỗ tắc.
+ Kháng sinh và thuốc trợ sức, corticoid, giảm đau…
- Điều trị phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân tắc, phục hồi lưu thông ruột.

-Hết-

13

You might also like