Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 15

ĐẤT NƯỚC – NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Đề 1. Cảm nhận 9 câu thơ đầu trong chương thơ “Đất Nước”:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
……………………………………
Đất Nước có từ ngày đó”
1. Nêu vấn đề
Cách 1.
“Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ như cha như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”
(Chế Lan Viên)
Đất nước là một đề tài phong phú của thơ ca Việt Nam. Trước Nguyễn Khoa Điềm
có nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ thành công khi viết về đề tài này. Đất nước anh hùng
trong kháng chiến chống Pháp mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đất nước cổ
kính, mang hồn dân gian Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Đất nước hóa thân trong dòng
sông xanh đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh. Đất nước hài hòa trong dáng hình quê
hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một
cách nói riêng để chương thơ “Đất Nước” của ông đem đến cho bạn đọc những rung cảm
mới về quê hương đất nước: ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN. Trong chương thơ có đoạn
(trích thơ)
2. Phân tích
2.1. Giới thuyết chung
Dẫn:
“Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để
làm vui cho sự cô độc của chính mình.” (Selly). Không! Thi sĩ phải là người mở rộng hồn
ra để đón nhận những vang động ở đời, phản chiếu tất cả những âm vang của đời trên
trang giấy. Nguyễn Khoa Điềm là một thi sĩ như thế. Sinh ra trong một gia đình trí thức
cách mạng, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa
Điềm cùng thế hệ của mình đã lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước
với tinh thần:
“Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên thấm đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết”
(Thanh Thảo – Thử nói về hạnh phúc)
Có thể nói, “sắt lửa mặt trận” đã tạo nên một Nguyễn Khoa Điềm với những vần
thơ giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tích cực tham
gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đất nước thuộc phần đầu chương V, trường ca "Mặt đường khát vọng". Trường ca
được viết tại chiến khu Trị - Thiên năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác
liệt mà bản thân nhà thơ trực tiếp có mặt. Lúc này, Mĩ chuẩn bị leo thang chiến tranh ra
miền Bắc. Ở miền Nam, chúng tuyên truyền cho thanh niên lối sống ích kỉ, phản động:
"Nơi nào sung sướng, nơi ấy là Tổ quốc tôi" và "Biên giới Hoa Kì kéo dài đến tận miền
Nam Việt Nam".
=> Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca để kêu gọi sự thức tỉnh của thanh niên, tuổi
trẻ các vùng địch tạm chiếm ở miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ,
xuống đường, hòa nhịp vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Chương thơ “Đất Nước” gồm 2 phần. Phần đầu là những cảm nhận sâu sắc mới mẻ
của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Phần hai là tư tưởng Đất Nước của nhân dân. Đoạn
thơ trên thuộc phần đầu. Trong đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đưa người đọc về với
cội nguồn đất nước: Đất nước có từ bao giờ?
2.2. Phân tích chi tiết
“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi, trăm sông diễm lệ”
(Chế Lan Viên – Chim lượn trăm vòng)
- Đất nước đẹp, đất nước kì vĩ là thế. Nhưng khi nói về sự ra đời của đất nước, Nguyễn
Khoa Điềm không điểm lại các vương triều lừng lẫy trong lịch sử, không kể về những
người anh hùng với chiến công chói lọi được ghi trong sử sách , cũng không sử dụng
những hình ảnh mang tính trang trọng, thiêng liêng như "thiên thư" hoặc "một mối xa
thư đồ sộ, hai vầng nhật nguyệt chói lòa",... Nguyễn Khoa Điềm nói về sự ra đời của đất
nước một cách thật giản dị:
"Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể".
- “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiến). “Lòng như nhật nguyệt thì thơ cũng sáng như nhật
nguyệt” (Xuân Diệu). Thơ Nguyễn Khoa Điềm thực sự là tiếng lòng của nhà thơ, hơn
thế, còn là tiếng nói tâm hồn của một thế hệ. Câu thơ mở đầu như một lời tâm tình thật
giản dị, xúc động, thiêng liêng:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi:
+ Là phương thức trữ tình, bao giờ các nhà thơ cũng chọn lựa nhân vật trữ tình phù
hợp để biểu đạt cảm xúc trong thơ. Nếu thơ Thanh Thảo là “Chúng tôi đã đi không tiếc
đời mình” thì thơ Nguyễn Khoa Điềm lại là “ta”.
+ "Ta" là sự hóa thân của nhà thơ nhưng cũng là để chỉ mỗi chúng ta, mỗi người
dân đất Việt. Đặt trong không khí tráng ca của thời chống Mĩ, các xưng hô “ta” còn tạo
nên không khí sử thi hào hùng của một thời:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
(Tố Hữu)
+ Cách xưng hô ấy dễ tạo sự đồng cảm, đồng điệu của nhiều người, đặc biệt là thế
hệ trẻ.
+ Khi ta lớn lên, ta trưởng thành trong sự che chở, nuôi dưỡng của cha mẹ, quê
hương thì đất nước đã có rồi.
+ Đã có rồi: gợi ra chiều dài, chiều sâu lịch sử của đất nước. Đất nước có từ ngàn
xưa, từ thời khai thiên lập địa, từ thời huyền thoại cổ tích, khi Lạc Long Quân và Âu cơ,
đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng, các vua Hùng góp phần dựng nên đất tổ Hùng
Vương... Nghĩa là, đất nước có trước ta, đất nước là chiếc nôi yên ả, là bà mẹ hiền nhân
từ, dang rộng vòng tay yêu thương, che chở ngay từ khi ta mới cất tiếng khóc chào đời.
+ Vậy, đất nước có từ bao giờ? Lời lí giải của nhà thơ sao mà gần gũi, thân thương
đến thế:
"Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể".
+ Không xa lạ, không trừu tượng, thuyết lí khô khan. Đất nước có trong chính
những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể.
+ Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" mang điệu hồn của những câu chuyện huyền thoại,
đưa ta về một thuở rất xa khi đất nước phôi thai.
+ Chỉ một ý thơ, một nhịp kể đầm ấm “ngày xửa ngày xưa...” của mẹ, đất nước đã
hiện lên trong không khí huyền thoại, cổ tích. Với không khí cổ tích đó, đất nước trở nên
thiêng liêng, kì diệu, yên ả, thanh bình, xa xăm. Thế giới cổ tích với ông bụt, bà tiên,
phép nhiệm màu, giấc mơ hạnh phúc, công lý đã làm nên sự trường tồn của ĐN:
"Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền" .
(Nói với em – Vũ Quần Phương)
+ Những từ "bắt đầu", "lớn lên" tuy không xác định thời gian cụ thể, nhưng lại
khẳng định quá trình hình thành lâu đời của đất nước.
+ Như vậy, ngay từ thuở còn nằm nôi, ta chưa thể hiểu đất nước với những khái
niệm trừu tượng như cương vực, lãnh thổ, độc lập, chủ quyền nhưng chỉ qua nhịp kể
ngày xửa ngày xưa của mẹ, đất nước với cánh cò trắng chao nghiêng, lũy tre làng yên ả,
giọt mồ hôi vất vả khuya sớm tảo tần… đã thấm vào tâm hồn ta, trở thành lẽ sống, máu
thịt, dòng sữa ngọt ngào nuôi ta khôn lớn.
=> Quả thực, “thơ là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn”. Đọc
thơ Nguyễn Khoa Điềm ta như gặp lại tuổi thơ, tâm hồn mình, như được nhìn thấy bà,
thấy mẹ với những câu chuyện đi suốt những năm tháng tuổi thơ. Thật ý nghĩa, tươi đẹp,
gần gũi, ấm áp biết bao!
- Đất nước tươi đẹp, thanh bình như huyền thoại của chúng ta đã có từ lâu đời. Vậy, đất
nước được hình thành từ đâu? Đất nước được hình thành từ phong tục, tập quán, văn
hóa, truyền thống, lối sống cao đẹp của dân tộc:
* Trước hết, sự hình thành đất nước gắn liền với thuần phong mĩ tục:
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Tóc mẹ thì bới sau đầu
+ Miếng trầu bà ăn là truyền thống phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt. Từ ngàn
xưa người dân ta đã lấy “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu còn là tín hiệu giao
duyên của đôi lứa:
“Từ ngày khăn mở trầu trao
Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình”
+ Là nhịp cầu kết nối hạnh phúc, yêu thương: “Miếng trầu nên dâu nhà người”.
+ Miếng trầu gợi liên tưởng đến linh hồn của một quốc gia. Bởi “miếng trầu bay
giờ bà ăn” là sự hóa thân của tình nghĩa anh em yêu thương gắn bó, tình cảm vợ chồng
son sắt chung thủy. Không có sự hóa thân kì diệu của tình nghĩa sẽ không có sắc thắm
của miếng trầu, không có vẻ đẹp thuần phong mĩ tục ngàn đời của đất nước.
+ Hình ảnh “tóc mẹ thì bới sau đầu” đơn sơ, bình dị, vừa gợi tả được vẻ đẹp giản
dị, duyên dáng, thanh cao của người phụ nữ Việt vừa khẳng định phẩm chất chịu thương
chịu khó, đức tính cần cù của những người mẹ vất vả một nắng hai sương nuôi con khôn
lớn. Ca dao xưa đã từng ngợi ca vẻ đẹp nên thơ của người phụ nữ Việt qua hình ảnh "bới
tóc" thân thương:
"Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài bối rối dạ anh"
Hay:
“Tóc mai sợi ngắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”
=>Những thứ nhỏ bé thân thương ấy đã làm nên phong tục, tập quán ngàn đời, làm
nên đất nước của mỗi chúng ta. Vậy đấy, chẳng phải nơi góc bể chân trời nào xa xăm vời
vợi, chẳng phải vương triều, thời đại nào trong quá vãng xa xưa, đất nước hiện diện ngay
trong ngôi nhà ta ở, nơi có gương mặt hiền hậu nhân từ của bà, búi tóc sau đầu giản dị,
thân thương của mẹ. Đất nước được hình thành từ chính cuộc sống hàng ngày của mỗi
chúng ta. Thật thương quý biết bao!
“Tôi đã cùng xương thịt nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống một cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao”
+ Gắn bó với cuộc sống hàng ngày của nhân dân, khai thác chất liệu hiện thực từ
đời sống nhân dân, câu thơ của NKĐ đã thực sự lay cảm hồn ta bằng những điều bình dị
nhất: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” (Trần Đăng Khoa).
*Sự hình thành đất nước còn gắn với lối sống thủy chung, tình nghĩa:
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”.
+ Câu thơ được nhào nặn bởi chất liệu văn hóa dân gian. Từ thành ngữ quen thuộc
"muối mặn gừng cay” đến ca dao “Tay nâng đĩa muối chén gừng / gừng cay muối mặn
xin đừng quên nhau” đã có sự hòa trộn kì diệu để làm nên ý thơ giản dị mà sâu xa. Hình
ảnh “muối mặn, gừng cay” gợi nhắc tới nghĩa tình vợ chồng chung thủy, đồng cam cộng
khổ. Dẫu cuộc đời trăm đắng ngàn cay, nhưng nghĩa tình chồng vợ vẫn một lòng một dạ
sắt son:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Dẫu xa nhau cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa".
+ Tình nghĩa yêu thương, chung thủy của mẹ cha là một yếu tố làm nên diện mạo
tinh thần của đất nước. Lẽ sống ấy thấm vào đời sống tâm hồn con người Việt Nam từ
ngàn xưa. Trong ca dao có câu:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người”
+Cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ trường kì gian khổ, có biết bao
người vợ nhớ chồng, mòn mỏi đợi chờ chồng đến hết tuổi thanh xuân:
“Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”
(Nguyễn Duy)
+ Chỉ bằng hình ảnh “muối mặn gừng cay”, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi nên bao
nghĩa, bao tình của cha, của mẹ. Không cần tìm ở đâu xa, chỉ cần trong gia đình, cha mẹ
“thương nhau bằng gừng cay muối mặn” ta đã thấy ở đó lẽ sống của một đất nước, một
dân tộc. Dẫu cuộc sống còn nhiều vất vả, gian nan, đời người thăng trầm, dâu bể với biết
bao “chua ngọt đã từng” nhưng chính trong cuộc sống đầy gian khó ấy, phẩm chất của
người Việt tỏa sáng lặng lẽ như vì sao giữa trời. Ánh sáng từ lẽ sống ấy là một phần của
đất nước chúng ta.

- E-ren-bua từng nói: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang
Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên
lòng yêu Tổ quốc”. Quan niệm của E-ren-bua cũng có sự tương đồng với cách cảm
nhận của Nguyễn Khoa Điềm. Với nhà thơ, đất nước không chỉ có trong “những cái
ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”, “miếng trầu bây giờ bà ăn”, lối sống thủy
chung tình nghĩa như muối mặn gừng cay của cha mẹ. Đất nước còn hiện lên thật
bình dị, thân thương qua những cái tên thuần Việt:
“Cái kèo cái cột thành tên”.
+ Câu thơ gợi tả một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Người Việt Nam đặt
tên con không cầu kì, xa lạ, kiểu cách. Họ lấy ngay những bộ phận của ngôi nhà đặt tên
cho con cái. Những cái kèo, cái cột vô tri, bỗng trở thành tên gọi của những đứa con.
Những cái tên nôm na, dân dã (kèo, cột) còn gợi nhắc một yếu tố văn hóa của người Việt
(người Việt có truyền thống dựng tre làm nhà để ở) đồng thời cho thấy sự gắn bó tha thiết
của họ với ngôi nhà thân thuộc cũng như cũng như cuộc sống nghèo khó, sự mộc mạc,
chân chất của người dân Việt Nam.
=> Như vậy, truyền thống văn hóa lâu đời của nhân dân: miếng trầu dung dị của
bà, mái tóc bới hiền hòa của mẹ, cách gọi tên cái kèo, cái cột dân dã, đến tình yêu thủy
chung qua gừng cay muối mặn của cha mẹ. Tất cả những điều tưởng bình dị ấy đã trở
thành nếp sống, phẩm chất tốt đẹp, thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc Việt Nam.
*Sự hình thành đất nước gắn liền với truyền thống lao động vất vả, cần cù và
truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
+ Lời thơ gợi nhớ truyền thuyết thánh Gióng nhổ tre làng đánh giặc Ân thuở xa
xưa và hình ảnh cây tre Việt Nam trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Truyện xưa kể
rằng, có một cậu bé sinh ra đã 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói cười. Đến khi nghe sứ giả báo
tin vua cầu người hiền tài đánh giặc Ân, câu nói đầu tiên của cậu bé là xin đi đánh giặc.
Khi gậy sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ tre diệt thù. Đánh giặc xong, Thánh Gióng cởi lại
áo giáp sắt, một mình một ngựa từ từ bay lên trời. Từ đó, cây tre trở thành biểu tượng cho
sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trải qua nhiều đau thương, máu
lửa, luôn phải đương đầu với kẻ thù tàn bạo nhất, nhưng luôn kiên cường, bất khuất, anh
dũng bảo vệ quê hương, xứ sở.
- Có thể nói, trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, cây tre đã góp phần
làm nên chiến thắng: "Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre!
Anh hùng lao động. Tre! Anh hùng chiến đấu" (Thép Mới). Với truyền thống quý báu đó,
Đất Nước ngày càng lớn lên, trưởng thành vững mạnh. Hai từ "lớn lên" được dùng thật
đơn sơ, giản dị nhưng đã thổi vào đất nước của chúng ta một linh hồn, một trái tim, một
hơi ấm nồng nàn, chứa chan sự sống. Có thể nói, truyền thống yêu nước bền bỉ, kiên
cường giữ nước luôn được khơi dậy qua những lời kể êm ấm, huyền diệu của mẹ trở
thành hồn thiêng dân tộc:
“Đêm hè mẹ kể con nghe
Chuyện xưa ông Gióng nhổ tre diệt thù”
- Ngoài truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cũng tạo nên sự hình
thành đất nước.
"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã, giần sàng"
+ Một nắng hai sương là thành ngữ chỉ sự gian nan, vất vả cực khổ, nhọc nhằn lam
lũ của con người.
+ Xay, giã, giần, sàng,... diễn tả những công việc nhọc nhằn mà người nông dân đã
trải qua để làm ra hạt gạo. Nỗi vất vả, gian truân đó đã đi vào ca dao:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải trải qua bao gian nan "một nắng hai sương", đã
đổ bao mồ hôi với bao công việc của nhà nông nhọc nhằn "xay, giã, giần, sàng,..." mới
làm ra hạt gạo dẻo thơm.
+ Hạt gạo bé nhỏ là sự kết tinh của đất, của nước, của những giọt mồ hôi vất vả,
lặng thầm.
+ Hạt gạo là vật chất cũng là sự sống, là cội nguồn văn hóa dân tộc.
+ Hạt gạo là linh hồn, hương sắc của làng quê đất Việt thân thương để những ai
“ăn đâu làm đâu” cũng tha thiết nhớ về. Với Nguyễn Đình Thi, nhớ về Hà Nội là nhớ mùi
thơm hương cốm mới:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa…”
Mảnh đất Kinh Bắc ngàn xưa trong nỗi nhớ thương da diết của Hoàng Cầm cũng
được khơi nguồn từ hương vị thân thương ấy:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”
Mùi rơm rạ mang hương đồng gió nội ấy cũng ngát hương trong thơ Huy Cận:
“Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”
=> Có thể nói, hạt gạo là hạt ngọc, ngọc của trời đất, ngọc của tâm hồn, văn hóa
dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp việc sử dụng thành ngữ dân gian "một nắng
hai sương" gợi ra cuộc sống vất vả, nhọc nhằn và phẩm chất cần cù, chịu thương chịu
khó của người Việt. Truyền thống lao động tốt đẹp của nhân dân cũng là một phần của
hồn nước.
- Đoạn thơ kết thúc bằng lời khẳng định “Đất Nước có từ ngày đó…”. Ngày đó là
“ngày xửa ngày xưa…” xa xăm mà rất đỗi diệu kì. Dấu ba chấm kết thúc đoạn thơ gợi ra
chiều dài, chiều sâu bất tận và sự trường tồn vĩnh hằng của lịch sử đất nước chúng ta…
* Tóm lại, chín dòng thơ đầu là cảm nhận về sự hình thành và phát triển lâu đời
của đất nước. Nhà thơ không điểm lại các vương triều nổi tiếng trong lịch sử dân tộc,
không nói về những người anh hùng với chiến công chói lọi; cũng không định nghĩa về
đất nước bằng những khái niệm trừu tượng, kì vĩ, cao siêu như "thiên thư", "nhật nguyệt",
"một mối xa thư đồ sộ"….Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đất nước từ trời cao thượng đế
xuống miếng trầu của bà, búi tóc sau đầu của mẹ, hạt gạo một nắng hai sương xay giã
giần sàng, cái cột cái kèo trong nhà ta ở…. Cách cảm nhận ấy đã đem đến cho ta những
nhận thức sâu sắc, mới mẻ về đất nước: Đất nước không trừu tượng, không xa xôi, đất
nước kết tinh trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta; đất nước hiện diện trong cuộc
sống muôn màu của nhân dân lao động, thật gần gũi, thiêng liêng mà bình dị biết bao!
“Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
3. Đánh giá
a. Nội dung
“Giá trị của một tác phẩm phải là giá trị tư tưởng của nó nhưng là tư tưởng đã
được rung lên ở các cung bậc cảm xúc” (Nguyễn Khải). Qua dòng cảm xúc ngọt ngào,
êm ái mà lắng đọng, sâu xa của Nguyễn Khoa Điềm, ta nhận ra sự hình thành của đất
nước suốt dọc dài lịch sử “thời gian đằng đẵng”. Đất nước ta có từ xa xưa. Sự hình thành
của đất nước bắt đầu từ những gì giản dị, gần gũi, thân thuộc mà thiêng liêng nhất, gắn
liền với cuộc sống hàng ngày của nhân dân lao động. Từ đó, nhà thơ khẳng định tư tưởng
cốt lõi, xuyên suốt chương thơ: Tư tưởng Đất nước của nhân dân. Tư tưởng này đã được
manh nha trong lịch sử, được Nguyễn Khoa Điềm làm sâu sắc và mới mẻ hơn trong thời
kì chống Mĩ cứu nước, giúp thế hệ trẻ nhận ra vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của mình
trong thời điểm “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm xứng
đáng là vũ khí đấu tranh đắc lực của một nhà thơ – chiến sĩ.
b. Nghệ thuật:
“Thơ không phải là rượu đã rót ra chén mà là men đương lên, không phải hoa đã
nở trên cành mà là dòng nhựa đương chuyển” . Làm nên chất men say của một thi phẩm
đâu chỉ bởi nội dung mà còn ở nghệ thuật đặc sắc.
- Thể thơ tự do góp phần thể hiện cảm xúc thoải mái, tự do, chân thực, xúc động.
- Sử dụng sáng tạo các chất liệu văn hóa dân gian: tục ngữ, thành ngữ, ca dao, cổ
tích, truyền thuyết,... Với chất liệu này, tác giả dã tạo nên một thế giới nghệ thuật vừa bay
bổng, mĩ lệ vừa gần gũi thân thuộc, góp phần thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
- Hình tượng thơ có sức mạnh gợi cảm. Mỗi câu chữ đều gợi liên tưởng đến chiều
sâu của không gian và thời gian, của lịch sử và văn hóa với biết bao thăng trầm đổi thay
của đất nước và những con người đã làm nên đất nước này.
- Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa dưới dạng kính ngữ thể hiện sự
hiện diện, gần gũi trong muôn mặt đời thường của đất nước.
- Giọng thơ tâm tình, tha thiết trầm lắng, trang nhiêm mà linh hoạt về nhịp điệu
góp phần thể hiện chủ đề đất nước trong bút pháp chính luận trữ tình. Đó là dấu ấn
phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm.
III. Kết bài
Ai đó đã từng nói: “Thơ ca là hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim mọi người” . Với
hình ảnh thơ giản dị, ý thơ lắng đọng, sâu xa, những cảm xúc, suy nghĩ về đất nước của
Nguyễn Khoa Điềm đã trở thành “hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim” để ta thêm yêu, thêm
gắn bó với đất nước, quê hương mình. Thời gian, năm tháng sẽ đi qua, nhưng thơ vẫn là
bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa để ta vươn lên lẽ sống cao đẹp, giữ vững niềm tin
yêu giữa mưa nắng cuộc đời:
“Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy
Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều
Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy
Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu”.
(Chế Lan Viên)
Đề 2. Cảm nhận đoạn thơ sau trong chương thơ “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
…………………………………..
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”
Hướng dẫn
1. Nêu vấn đề
“Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ như cha như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”
(Chế Lan Viên)
Đất nước là một đề tài phong phú của thơ ca Việt Nam. Trước Nguyễn Khoa Điềm
có nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ thành công khi viết về đề tài này. Đất nước anh hùng
trong kháng chiến chống Pháp mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đất nước cổ
kính, mang hồn dân gian Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Đất nước hóa thân trong dòng
sông xanh đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh. Đất nước hài hòa trong dáng hình quê
hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một
cách nói riêng để chương thơ “Đất Nước” của ông đem đến cho bạn đọc những rung cảm
mới về quê hương đất nước: ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN. Trong chương thơ có đoạn
(trích thơ)
2. Phân tích
2.1. Giới thuyết chung
Dẫn:
“Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để
làm vui cho sự cô độc của chính mình.” (Selly). Không! Thi sĩ phải là người mở rộng hồn
ra để đón nhận những vang động ở đời, phản chiếu tất cả những âm vang của đời trên
trang giấy. Nguyễn Khoa Điềm là một thi sĩ như thế. Sinh ra trong một gia đình trí thức
cách mạng, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa
Điềm cùng thế hệ của mình đã lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước
với tinh thần:
“Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên thấm đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết”
(Thanh Thảo – Thử nói về hạnh phúc)
Có thể nói, “sắt lửa mặt trận” đã tạo nên một Nguyễn Khoa Điềm với những vần
thơ giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tích cực tham
gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đất nước thuộc phần đầu chương V, trường ca "Mặt đường khát vọng". Trường ca
được viết tại chiến khu Trị - Thiên năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác
liệt mà bản thân nhà thơ trực tiếp có mặt. Lúc này, Mĩ chuẩn bị leo thang chiến tranh ra
miền Bắc. Ở miền Nam, chúng tuyên truyền cho thanh niên lối sống ích kỉ, phản động:
"Nơi nào sung sướng, nơi ấy là Tổ quốc tôi" và "Biên giới Hoa Kì kéo dài đến tận miền
Nam Việt Nam".
=> Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca để kêu gọi sự thức tỉnh của thanh niên, tuổi
trẻ các vùng địch tạm chiếm ở miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ,
xuống đường, hòa nhịp vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Chương thơ “Đất Nước” gồm 2 phần. Phần đầu là những cảm nhận sâu sắc mới mẻ
của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Phần hai là tư tưởng Đất Nước của nhân dân. Nếu ở
phần đầu khúc ca, tác giả nói về sự ra đời của đất nước cùng lối định nghĩa đất nước bằng
thơ theo cách riêng của mình thì 47 dòng thơ tiếp theo, nhà thơ đi sâu vào tư tưởng đất
nước của nhân dân trên tất cả các bình diện: không gian địa lí, thời gian lịch sử và văn
hóa phong tục của nhân dân. Đoạn thơ là cách nhìn mới mẻ có chiều sâu về địa lí.
2.2. Phân tích chi tiết
“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi, trăm sông diễm lệ”
(Chế Lan Viên – Chim lượn trăm vòng)
- Đất nước đẹp, đất nước kì vĩ là thế. Nhưng khi nói về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm
không điểm lại các vương triều lừng lẫy trong lịch sử, không kể về những người anh
hùng với chiến công chói lọi được ghi trong sử sách , cũng không sử dụng những hình
ảnh mang tính trang trọng, thiêng liêng như "thiên thư" hoặc "một mối xa thư đồ sộ, hai
vầng nhật nguyệt chói lòa mà tác giả nói về đất nước một cách giản dị.
- Mở đầu phần 2, tác giả có những khám phá rất mới mẻ rất thú vị về những danh lam
thắng cảnh trên đất nước ta như Vịnh Hạ Long, những di tích văn hóa như hòn Vọng
Phu, núi Bút, non Nghiên; những di tích lịch sử như làng Gióng, đất Tổ. Trải dài trên
đất nước ta không chỉ là địa hình sông núi thuần túy mà tạo hóa ban tặng mà còn được
cảm nhận như là sự đóng góp của nhân dân, sự hóa thân của những cảnh ngộ, số phận
nhân dân và thấm đẫm vẻ đẹp tâm hồn nhân dân: thủy chung, yêu nước, hiếu học.
- Trước hết là những khám phá đầy bất ngờ của nhà thơ về những di tích văn hóa:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
+ Nhà thơ không viết “người vợ nhớ chồng” mà là “những người vợ nhớ chồng”
gợi liên tưởng đến biết bao câu chuyện về tình yêu thủy chủy, son sắt, cao đẹp của tình
chồng vợ. Dường như trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng có những người vợ
nhớ chồng “mòn chân bên cối gạo canh khuya” , thủy chung đợi chờ chồng qua thời gian,
năm tháng.
“Ba mươi năm chị tôi đi đò đầy
Chỉ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”
+ Chính lẽ sống của họ đã hóa thân vào “những núi Vọng Phu”.
+ Hình ảnh hòn Vọng Phu gợi liên tưởng đến câu chuyện cảm động về lòng chung
thủy của người vợ với chồng đã đi vào đời sống tâm hồn nhân dân qua biết bao thế hệ.
Chuyện kể về người đàn bà bồng con đợi chồng, đợi đến thành hóa đá mà người chồng
không trở lại. Những hòn Vọng Phu vẫn còn ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, phải
chăng đến hôm nay người đàn bà ấy vẫn đợi?
+ Sự thật, trên nhiều vùng của đất nước ta có những tảng đá lớn hay núi đá trông
giống như hình người đàn bà bồng con. Đây là hình tượng kì thú của thiên nhiên do sự
kiến tạo diệu kì hàng triệu năm lịch sử. Nhưng nhân dân ta đã thổi vào những hòn đá vô
tri ấy một sức sống, một linh hồn qua trí tượng bay bổng, diệu kì trong truyện kể dân
gian.Vì thế, những hòn đá vô tri mang linh hồn dân tộc, mang vẻ đẹp đời sống tinh thần
của nhân dân, đời sống tinh thần của những người đàn bà thương con, yêu chồng, nguyện
hóa đá đợi chồng. Chắc chắn, nếu không có những mối tình đắm say, chung thủy, không
có những người vợ đợi chồng trong các cuộc chiến tranh li tán thì không có cảm nhận kì
thú, sâu sắc như thế về núi Vọng Phu.
- Lối sống thủy chung, tình nghĩa của nhân dân ta đã kết tinh, hóa thân thành
huyền thoại về núi Vọng Phu, thành hòn Trống Mái:
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái.
+ Hòn Trống Mái là một cảnh đẹp gần bãi biển Sầm Sơn. Ở đây có 2 tảng đá lớn
hình thù ngộ nghĩnh, xếp chồng lên một nền đá chênh vênh. Nhân dân ta đã tưởng tượng
2 hòn đá ấy là hòn Trống và hòn Mái, rồi gắn nó với sự tích về tình yêu được lưu truyền
ở địa phương. Từ đó hòn Trống, Mái trở thành biểu tượng cho tình yêu đôi lứa thủy
chung, son sắc, sống chết bên nhau và mãi mãi không bao giờ chia lìa. Phải thế chăng mà
từ những người vợ nhớ chồng nhà thơ đã chuyển thành cặp vợ chồng yêu nhau. Cặp cũng
là đôi, nhưng còn chỉ sự gắn bó khăng khít, không bao giờ có thể chia lìa.
+ Ta đã từng bắt gặp cách dùng từ “cặp” trong bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu:
“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần”
+ Nếu Xuân Diệu so sánh anh với em như một cặp vần thì Nguyễn Khoa Điềm
không cần đến sự so sánh ấy. Bởi lẽ tình yêu đã gắn kết họ một cách tự nhiên thành “cặp
vợ chồng yêu nhau”. Tình yêu của họ đã góp nên “Hòn Trống Mái”, một biểu tượng của
tình yêu thủy chung, hạnh phúc.
- Trên hành trình khám phá vai trò, công lao của nhân dân qua hàng ngàn năm lịch
sử và sự hóa thân của nhân dân vào hình sông, thế núi, Nguyễn Khoa Điềm còn phát hiện
ta: nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước ta là sự hóa thân của truyền thống yêu nước,
chống giặc ngoại xâm.
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
+ Ý thơ được xây dựng sáng tạo dựa trên truyền thuyết Thánh Gióng – một truyền
thuyết tiêu biểu cho truyền thống yêu nước của người Việt.
+ Thánh Gióng là một cậu bé sinh ra đã 3 năm mà không biết nói cười. Nhưng khi
nghe sứ giả báo nhà Vua vời người ra đánh giặc Ân cứu nước. Câu nói đầu tiên của cậu
bé là xin đi đánh giặc. Nhờ sự giúp đỡ của dân làng mà Thánh Gióng lớn nhanh như thổi;
nhờ sự góp sức của dân làng mà Thánh Gióng có ngựa sắt, áo giáp sắt, gậy sắt đi đánh
giặc bảo vệ quê hương. Sau khi đánh giặc xong, Thánh Gióng cởi áo giáp sắt rồi cả người
lẫn ngựa từ từ bay lên trời: Những ao, đầm còn lại ngày hôm nay là dấu tích gót ngựa
Thánh Gióng. Chắc chắn, nếu nhân dân ta không có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại
xâm qua hàng ngàn năm lịch sử thì không bao giờ có sự cảm nhận kì diệu đến như vậy về
những ao, đầm mộc mạc, bình dị, gần gũi và đơn sơ. Lòng yêu nước của người dân Việt
đã thổi hồn vào những hình ảnh bình dị thân thương đó một sức sống, một linh hồn để
rồi:
"Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về".
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
- Không chỉ có những người anh hùng lớn lên từ nhân dân đã hóa thân mình làm nên lịch
sử, mà còn có cả người học trò nghèo cũng hóa thân làm nên danh lam văn hóa mang
đậm bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt:
“Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình những núi Bút, non Nghiên”
+ Núi Bút, non Nghiên cũng là một hiện tượng kì thú của thiên nhiên Việt Nam. Ở Việt
Nam có nhiều ngọn núi đẹp trông như hình cái bút, nghiên mực. Nhân dân ta lấy đặc
điểm hình dáng của núi đặt tên thành núi Bút, non Nghiên. Đặt tên núi như vậy, nhân dân
ta ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc bằng hình tượng người học trò nghèo hóa
thân vào thế núi, hình sông. Cũng từ đó, hình ảnh núi Bút, non Nghiên trở thành biểu
tượng cho truyền thống hiếu học của người Việt.
-Với cảm hứng tự hào, say sưa, nhà thơ nhìn thấy tất cả mọi danh lam thắng cảnh
trên đất nước này đều là sự hóa thân của nhân dân, đều trở nên có ý nghĩa khi được cảm
nhận qua tâm hồn của nhân dân. Sự quan sát tinh tế, sắc sảo, khả năng liên tưởng, sáng
tạo tài hoa đã giúp nhà thơ phát hiện ra cả những sự vật thiêng liêng hay gần gũi, bình
thường thân thuộc trong cuộc sống nhân dân đều hóa thân vào đất nước:
Chín mươi chín con voi góp mình dựng nên đất Tổ Hùng Vương.
+ Ý thơ được xây dựng dựa trên truyền thuyết về đất tổ Vua Hùng. Chín mươi chín
con voi thực chất là chín mươi chín ngọn núi bao quanh núi Hi Cương, nơi có đền thờ các
Vua Hùng. Nhân dân ta đã hình dung hình chín mươi chín ngọn núi ấy giống như hình
chín chín con voi quây quần, thuần phục đất tổ. Chỉ có một con không quy thuận, nên bị
chặt đầu. Từ truyền thuyết chín chín con voi, nhà thơ ca ngợi lịch sử dân tộc trong quá
trình dựng nước, giữ nước, ca ngợi tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ
nguồn của dân tộc. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam:
Hàng năm ăn đâu, làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ
+Chín chín con voi là sự hóa thân của lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc
của nhân dân suốt 4000 năm.
+ Những con rồng nằm im cũng góp cho đất nước dòng sông xanh thẳm. Câu thơ
thể hiện sự liên tưởng, sáng tạo tài hoa của NKĐ: Nhà thơ hình dung những dòng sông
hiền hòa, xanh thẳm, chảy qua các làng mạc, xứ sở như sông Hồng, sông Lô, sông Chảy,
sông Cửu Long Giang... là sự hóa thân của những con rồng im lặng, thân thương. Với
cách cảm nhận ấy, ta thấy đất nước Việt Nam thật tươi đẹp, yên ả, thanh bình với cây đa,
bến nước, con đò, dòng sông quê hiền hòa, thơ mộng:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”
+ Đồng thời, còn gợi liên tưởng, đất ta là đất lành chim về, nước ta là nước thiêng nơi
rồng ở. Đó là chiều sâu trong văn hóa của nhân dân, góp phần làm nên đất nước.
+ Ngay cả những con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng
cảnh. Ai đã đến Hạ Long nếu quan sát, để ý kĩ sẽ thấy có nhiều đảo đá có hình thù trông
xa như con cóc, con gà. Nhà thơ đã liên tưởng đó là sự hóa thân của tất cả những gì gần
gũi, giản dị, thân thuộc nhất trong đời sống nhân dân vào ĐN.
+ Cuộc sống bình dị và những đóng góp thầm lặng của nhân dân đã đặt tên cho
sông núi: ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, bà Điểm,... Cảnh núi sông hội tụ lấp lánh qua
những vần thơ đẹp, soi bóng tâm hồn nhân dân và những cuộc đời vô danh, càng thấm
thía một điều bình dị: Đất nước của nhân dân, đất nước mang màu sắc dân gian, dân dã.
=>Như vậy, tất cả mọi danh lam, thắng cảnh trên đất nước ta đều do sự hóa thân
của nhân dân mà thành. Có thể đó là những người anh hùng dân tộc, những người dân có
tên, nhưng cũng có thể là những người dân không tên: Những người vợ nhớ chồng, cặp
vợ chồng yêu nhau ... tất cả, họ đã sống một cuộc đời đẹp như huyền thoại, họ đã hóa
thân vào dáng hình xứ sở làm nên đất nước muôn đời .... Vì thế, mọi danh lam thắng cảnh
chỉ có ý nghĩa thực sự khi được cảm nhận qua đời sống tâm hồn của nhân dân.
- Từ những hình ảnh cụ thể, tác giả đã khái quát, kết đọng sự hóa thân của nhân
dân vào Đất Nước theo nghệ thuật quy nạp:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình một ao ước một lối sống ông cha
+ Tác giả nhìn thấy trên khắp ruộng đồng, gò bãi đều do sự hóa thân của nhân dân
mà thành.
+ Các từ “ở đâu”, “khắp” cùng cách nói phủ định “chẳng” nhằm khẳng định sự hóa
thân kì diệu của nhân dân vào đất nước. “Ruộng, đồng, gò bãi” tự nhiên, thân thuộc là
linh hồn, máu thịt, lẽ sống của ông cha ta đã lắng đọng, kết tinh, hóa thân vào đất nước.
Và sự hóa thân ấy trong suốt 4000 năm lịch sử:
Ôi đất nước sau 4000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta....
+ Thán từ "ôi" diễn tả sự xúc động sâu sắc, chân thành của nhà thơ khi nghĩ về lịch
sử 4000 năm dựng nước của dân tộc. Trong suốt 4000 năm ấy, nhân dân thầm lặng, vô
danh đã hóa cuộc đời mình làm nên núi sông, đất nước chúng ta. Câu thơ "những cuộc
đời đã hóa núi sông ta" vang lên một cách đầy kiêu hãnh, tự hào.
+ Dấu ba chấm kết thúc đoạn thơ vừa gợi ra chiều dài xa xăm bất tận của đất nước
vừa là lời khẳng định sự cống hiến lặng thầm, sự hóa thân kì diệu của nhân dân trong
suốt 4000 năm lịch sử. Chính nhân dân đã sống cuộc đời đẹp như huyền thoại, đã cống
hiến hi sinh để làm nên hình sông, dáng núi suốt dọc chiều dài lịch sử đất nước của chúng
ta.
3. Đánh giá:
Nội dung: “Giá trị của một tác phẩm phải là giá trị tư tưởng của nó nhưng là tư tưởng
đã được rung lên ở các cung bậc cảm xúc” (Nguyễn Khải).
+ Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận sâu sắc của NKĐ về ĐN: ĐN không trừu
tượng, không xa xôi. ĐN có trong đời sống, tinh thần nhân dân và nhân dân hóa thân làm
nên sự trường tồn của ĐN. Từ sự hóa thân của nhân dân vào danh lam, thắng cảnh NKĐ
đã thể hiện những suy tưởng mang tầm triết lí về vai trò của nhân dân trong lịch sử, từ đó
bày tỏ tình cảm yêu mến, lòng tự hào về ĐN:
“Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
-Nghệ thuật:
“Thơ không phải là rượu đã rót ra chén mà là men đương lên, không phải hoa đã
nở trên cành mà là dòng nhựa đương chuyển” . Làm nên chất men say của một thi phẩm
đâu chỉ bởi nội dung mà còn ở nghệ thuật đặc sắc.
+Thể thơ tự do đã thể hiện những cảm xúc của tác giả về đất nước thật chân thực,
xúc động.
+Vận dụng sáng tạo những chất liệu văn hóa dân gian từ đó tạo nên một không
gian nghệ thuật vừa bay bổng, vừa mĩ lệ, diệu kì lại vừa gần gũi, thiêng liêng. Điều này
đã góp phần thể hiện tư tưởng ĐN của nhân dân một cách sâu sắc.
+Các hình ảnh thơ giàu chất suy tưởng, có khả năng gợi chiều dài của lịch sử đất
nước, dân tộc trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời, còn có khả năng
gợi tả vẻ đẹp trong đời sống tinh thần của nhân dân.
+Đoạn thơ có cấu trúc câu trùng điệp.Vế đầu của câu thơ là hình ảnh của nhân dân,
những sự vật gắn bó gần gũi, thân thiết với nhân dân (Những người vợ nhớ chồng, cặp vợ
chồng yêu nhau, gót ngựa Thánh Gióng, những con voi, con rồng...), vế sau của câu là
các danh lam thắng cảnh (hòn Trống Mái, núi Vọng Phu, đất tổ Hùng Vương, núi Bút,
non Nghiên...) vừa lặp lại cấu trúc câu theo thủ pháp nghệ thuật trùng điệp, kết hợp với
thủ pháp nghệ thuật liệt kê đã khẳng định vai trò của nhân dân trong việc xây dựng, phát
triển đất nước. Như vậy, sự trưởng thành vững bền của đất nước phụ thuộc vào vai trò
của mỗi cá nhân trong cộng đồng và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Nếu mỗi cá
nhân đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước, yêu đất nước như
máu thịt của mình, sẵn sàng hóa thân vào dáng hình xứ sở, vào ruộng đồng gò bãi,...thì
nhất định đất nước sẽ tươi đẹp hơn.
- Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa dưới dạng kính ngữ thể hiện sự
hiện diện, gần gũi trong muôn mặt đời thường của đất nước.
- Giọng thơ tâm tình, tha thiết trầm lắng, trang nhiêm mà linh hoạt về nhịp điệu
góp phần thể hiện chủ đề đất nước trong bút pháp chính luận trữ tình. Đó là dấu ấn
phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm.
III. Kết bài
Ai đó đã từng nói: “Thơ ca là hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim mọi người” . Với
hình ảnh thơ giản dị, ý thơ lắng đọng, sâu xa, những cảm xúc, suy nghĩ về đất nước của
Nguyễn Khoa Điềm đã trở thành “hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim” để ta thêm yêu, thêm
gắn bó với đất nước, quê hương mình. Thời gian, năm tháng sẽ đi qua, nhưng thơ vẫn là
bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa để ta vươn lên lẽ sống cao đẹp, giữ vững niềm tin
yêu giữa mưa nắng cuộc đời:
“Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy
Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều
Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy
Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu”.

(Chế Lan Viên)

You might also like