Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

Đề 3.

Cảm nhận đoạn thơ:


“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
……………….
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Hướng dẫn
1. Nêu vấn đề
“Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ như cha như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”
(Chế Lan Viên)
Đất nước là một đề tài phong phú của thơ ca Việt Nam. Trước Nguyễn Khoa Điềm
có nhiều bài thơ hay, nhiều nhà thơ thành công khi viết về đề tài này. Đất nước anh hùng
trong kháng chiến chống Pháp mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đất nước cổ
kính, mang hồn dân gian Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Đất nước hóa thân trong dòng
sông xanh đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh. Đất nước hài hòa trong dáng hình quê
hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một
cách nói riêng để chương thơ “Đất Nước” của ông đem đến cho bạn đọc những rung cảm
mới về quê hương đất nước: ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN. Trong chương thơ có đoạn
(trích thơ)
2. Phân tích
2.1. Giới thuyết chung
Dẫn:
“Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để
làm vui cho sự cô độc của chính mình.” (Selly). Không! Thi sĩ phải là người mở rộng hồn
ra để đón nhận những vang động ở đời, phản chiếu tất cả những âm vang của đời trên
trang giấy. Nguyễn Khoa Điềm là một thi sĩ như thế. Sinh ra trong một gia đình trí thức
cách mạng, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa
Điềm cùng thế hệ của mình đã lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước
với tinh thần:
“Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên thấm đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết”
(Thanh Thảo – Thử nói về hạnh phúc)
Có thể nói, “sắt lửa mặt trận” đã tạo nên một Nguyễn Khoa Điềm với những vần
thơ giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tích cực tham
gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đất nước thuộc phần đầu chương V, trường ca "Mặt đường khát vọng". Trường ca
được viết tại chiến khu Trị - Thiên năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác
liệt mà bản thân nhà thơ trực tiếp có mặt. Lúc này, Mĩ chuẩn bị leo thang chiến tranh ra
miền Bắc. Ở miền Nam, chúng tuyên truyền cho thanh niên lối sống ích kỉ, phản động:
"Nơi nào sung sướng, nơi ấy là Tổ quốc tôi" và "Biên giới Hoa Kì kéo dài đến tận miền
Nam Việt Nam".
=> Nguyễn Khoa Điềm viết trường ca để kêu gọi sự thức tỉnh của thanh niên, tuổi
trẻ các vùng địch tạm chiếm ở miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ,
xuống đường, hòa nhịp vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Chương thơ “Đất Nước” gồm 2 phần. Phần đầu là những cảm nhận sâu sắc mới mẻ của
Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Phần hai là tư tưởng Đất Nước của nhân dân. Nếu ở phần
đầu khúc ca, tác giả nói về sự ra đời của đất nước một cách giản dị. Sự ra đời của Đất nước
gắn liền với sự hình thành văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống.... Từ đó, nhà
thơ định nghĩa về đất nước trên các phương diện không gian địa lí, thời gian lịch sử thì trong
đoạn thơ này, nhà thơ định nghĩa về đất nước là sự thống nhất của các yếu tố: cái riêng và cái
chung, cá nhân với cộng đồng, cái hằng ngày với cái vĩnh hằng, thế hệ này với thế hệ khác...
2.2. Phân tích chi tiết
a. Mở đầu đoạn thơ là một lời khẳng định:
"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước"
- Không phải ngẫu nhiên, cách đây hàng ngàn năm trước, Bạch Cư Dị, thi sĩ nổi
tiếng đời Đường (Trung Quốc) đã từng quan niệm về thơ: “Gốc của thơ là tình cảm, lá
của thơ là ngôn ngữ, hoa của thơ là âm thanh, quả của thơ là tư tưởng”. Để thơ thực sự
“bám rễ vào lòng người”, lay thức cả khối óc, con tim bạn đọc, nhà thơ phải lựa chọn
được cách biểu đạt cảm xúc phù hợp nhất. Có lẽ vậy chăng mà mở đầu chương thơ Đất
Nước, tác giả dùng đại từ “ta” chỉ chúng ta, những người dân đất Việt thì ở những đoạn
thơ tiếp theo, thi sĩ sử dụng đại từ “anh và em”.
+ Anh và em là những cá nhân trong cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Trong đó, anh
là nhân vật trữ tình, em là đối tượng trữ tình, là người rất đỗi thân thương, người anh bày
tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về đất nước.
+ Cách xưng hô ấy tạo nên sự gần gũi, thân thiết của đôi lứa yêu nhau; đồng thời
tạo giọng điệu trữ tình êm ái, lắng sâu, dễ đi vào lòng người. Phải là cách xưng hô ấy, thơ
Nguyễn Khoa Điềm mới có thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: Thức tỉnh
thanh niên miền Nam trong thời kì lịch sử đầy thử thách của dân tộc. Cũng phải với cách
xưng hô ấy, thơ mới thực sự trở thành: “Đôi cánh nâng tôi bay”, là “vũ khí trong trận
đánh” được các nhà văn, nhà thơ - chiến sĩ đã vận dụng một cách đắc lực.
+ Nếu Tố Hữu, lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam đã “phải lòng đất
nước, nhân dân mình và nói về nhân dân, đất nước như nói về người đàn bà mình yêu”
thì Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy. Mượn cách nói thủ thỉ, tâm tình của đôi lứa yêu nhau,
nhà thơ bày tỏ suy nghĩ của mình:
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước”
+ Trạng từ “trong” gợi chiều sâu về tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức, lẽ
sống.
+ “Anh và em” là thế hệ của ngày hôm nay, của hiện tại. Đó là thế hệ trẻ của đất
nước trong dòng chảy lịch sử 4000 năm. Nói khác đi, anh và em là sự tiếp nối của lớp lớp
các thế hệ “trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi”, những cô gái, chàng trai “Đẹp
hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt dành cho
ngày gặp mặt”. Họ đang ở độ tuổi phơi phới thanh xuân, sẵn sàng lên đường theo tiếng
gọi thiêng liêng của Tổ quốc:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
+ Trong “anh và em”, trong mỗi cá nhân đều có một phần đất nước.
1) Điều đó có nghĩa, đất nước không xa lạ, trừu tượng mà kết tinh, hóa thân trong
cuộc sống của mỗi người. Bởi mỗi người đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng,
được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương; được thừa hưởng di sản văn minh vật
chất, tinh thần của nhân dân; từ phong tục, tập quán, truyền thống, lối sống đến ngọn lửa,
hạt gạo, ngôn ngữ, tiếng nói thân thương và mang trong mình tính cách, phẩm chất tiêu
biểu của dân tộc: Cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu nước, sống ân
nghĩa, chung thủy.
2) Không những thế, Đất Nước được tạo nên bởi máu, mồ hôi và nước mắt của
ông cha ta đã để lại. Đã biết bao nhiêu vị anh hùng đã nằm mãi nơi chiến trường, đã biết
bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha. Đất nước được tạo nên
từ rất nhiều thứ và những thứ đó đều liên quan mật thiết đến cuộc đời của mỗi người.
Qua đó, có thể thấy được trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
+ Bằng giọng thơ tâm tình, lối xưng hô anh em tha thiết, nhà thơ như nhắn nhủ:
Đất nước không chỉ tồn tại khách thể mà đã hóa thân trong mỗi người, trở thành một
phần tâm hồn, sự sống mỗi người, trong đó có anh và em. Đất Nước thật gần gũi, thân
thuộc, đúng như Chế Lan Viên từng viết:
“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy nghìn núi, trăm sông diễm lệ”
(Chế Lan Viên)
b. Đất nước còn là sự thống nhất của các yếu tố, cá nhân với cá nhân, cá nhân với
cộng đồng:
"Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn".
- Trước hết, Đất nước là sự thống nhất giữa các cá nhân:
“Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”.
+ “Hai đứa cầm tay” là hình ảnh đại diện cho đôi lứa yêu nhau, tượng trưng cho
hạnh phúc tuổi trẻ, hạnh phúc gia đình.
+ Cái cầm tay ấy còn biểu tượng cho sức mạnh của tình yêu, giúp tình yêu chiến
thắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ:
“Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm núi, nghìn đồi cũng qua”
(Xuân Quỳnh)
+ Hai đứa nắm tay, nghĩa là giữa hai người có sự kết nối bền chặt thì đất nước
trong chúng ta “hài hòa nồng thắm”, đất nước bền chặt, tràn đầy sức sống. Cách viết ấy
của Nguyễn Khoa Điềm nhằm khẳng định, mối hòa hợp, hài hòa nồng thắm đó không chỉ
là của riêng anh với em mà còn là của chung, là tình cảm chung thể hiện sự thống nhất
giữa tình yêu Đất nước và tình yêu đôi lứa. Chẳng phải thế sao khi không ít lần nhà thơ
Nguyễn Đình Thi đã khẳng định:
“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”
Và:
“Có những lúc tì tay lên báng súng
Anh giật mình thảng thốt viết tên em”
Một nhà thơ đương thời cũng viết:
“Giữa khói bom lửa đạn
Đối mặt với quân thù
Chỉ có sống và chết
Vẫn mơ về thiên thu”
=> Như vậy, chỉ khi nào giữa các cá nhân có mối quan hệ gắn bó, bền chặt, tràn
đầy yêu thương thì Đất nước mới thực sự hài hòa nồng thắm. Trong tình yêu đôi lứa có
dáng hình đất nước và trong dáng hình đất nước, có tình yêu lứa đôi. Thật say đắm và
diệu kì biết bao!
- Đất nước còn là sự thống nhất giữa các cá nhân với cộng đồng:
“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn”
+ Khi chúng ta cầm tay mọi người, có sự liên kết gắn bó giữa các cá nhân với cộng
đồng tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, đất nước vẹn tròn to lớn, có sức mạnh, tầm vóc,
trường tồn và phát triển.

+ Bằng việc kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền
nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi /Khi; Đất Nước
/Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: đất nước là sự thống
nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng.

+ Cần phải đặt vào hoàn cảnh sáng tác, ta mới hiểu được ý thơ này.Nguyễn Khoa Điềm
viết trường ca : “Mặt đường khát vọng” trong thời kì chống Mĩ (1971). Hiện thực diễn ra
là dân tộc bị chia rẽ, đất nước bị chia cắt. Từ đó, ta thấy được các hình ảnh “hai đứa cầm
tay”, “cầm tay mọi người”, đất nước “hài hoà nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” là những
hình ảnh ẩn dụ, gợi ra suy nghĩ : có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc sẽ có một đất nước
thống nhất vẹn toàn, vững mạnh. Như vậy, cá nhân không thể tách rời cộng đồng. Đó là
tinh thần đoàn kết của khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, được nhân đôi thành
một vòng Việt Nam rộng lớn và vĩnh cửu không gì có thể phá vỡ nổi. Rõ ràng sự gắn bó
số phận cá nhân với vận mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại. Tư tưởng ấy
được cha ông ta đúc kết từ ngàn xưa:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

- Van-gốc, một họa sĩ lừng danh đã từng khẳng định: “Không có gì nghệ thuật hơn bằng
bản thân lòng yêu quý con người”. Chỉ khi nào gắn bó với con người, gắn bó với đời
sống, số phận dân tộc thì thơ mới thực sự là tiếng nói tâm hồn của cả một thời đại.
Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự thổi hồn vào từng con chữ để từng hình ảnh, lời thơ đều
phập phồng hơi thở sự sống, góp phần cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc của thế hệ trẻ để
tầng lớp “Áo trắng” sẵn sàng xuống đường tạo nên những “Khoảng trống âm vang”,
những “Bài ca chim báo bão”, tạo thành sức mạnh quật khởi của một dân tộc.
c. Đất Nước không chỉ là sự thống nhất của cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng
đồng. Đất Nước còn là sự thống nhất của cái hàng ngày với cái vĩnh hằng, thế hệ
này với thế hệ khác:
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”
+ Đọc đoạn thơ này của Nguyễn Khoa Điềm, ta chợt nhớ tới “giấc mơ” của Chế
Lan Viên trong “Tiếng hát con tàu”:
“Lấy tất cả những giấc mơ ai bảo con tàu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”
+ Thi ca thật kì diệu. Nó có khả năng nâng đỡ tâm hồn con người, nuôi dưỡng
những khát vọng, ước mơ, vun trồng niềm tin, hi vọng vào một mùa xuân mới, mùa
xuân của tình yêu, hạnh phúc, tự do, độc lập và hòa bình... Nói như Shelley: “Thơ ca làm
cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử”. Chân lí nghệ thuật ấy thật
đúng với “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Với nhà thơ, “thời gian đằng đẵng” của
Đất Nước không chỉ được gợi lại qua huyền thoại Âu Cơ – Lạc Long Quân, truyền thuyết
Hùng Vương với ngày giỗ Tổ mà còn là sự nối tiếp của dòng thời gian vô tận, giữa quá
khứ, hiện tại và tương lai.
+ Anh và em là thế hệ hôm nay. Con ta là thế hệ mai sau. Điều đó có nghĩa, Đất
nước đã tồn tại từ rất lâu và nó đang và sẽ còn tiếp tục phát triển ở hiện tại và tương lai.
Có thể nói, những thế hệ tiếp nối sẽ tạo nên đất nước trường tồn mãi mãi. Trong hoàn
cảnh chiến tranh lúc bấy giờ, những câu thơ trên nói lên khát vọng, niềm tin vào một
tương lai tươi sáng hơn và đồng thời cũng là lời kêu gọi kịp thời thanh niên hãy đứng lên,
thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước, để Việt Nam ta sẽ mãi là “Đất nước
vẹn tròn, to lớn”. Nhà thơ tin rằng mai đây hoà bình, con cháu có điều kiện ra đi học hỏi,
mang kiến thức về phục vụ đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm
châu, biến những ước mong của người đi trước thành hiện thực. Những tháng ngày anh
và em mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực của con ta ngày mai. Câu thơ là tiếng nói
tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ"
như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.
d. Từ sự cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về đất nước, kết thúc phần một, tác giả bày tỏ
thái độ đầy trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bồi đắp cho
đất nước bền vững muôn đời:
"Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và chia sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời".

- Đọc bốn câu thơ trên không khó nhận ra cảm xúc của nhà thơ đã trở thành cao trào, giọng
thơ trở nên ngọt ngào, say đắm.

+ “Em ơi em” là lời nhắn nhủ tâm tình ngọt ngào, tha thiết như được cất lên từ trái tim
tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu đất nước đầy nhiệt tình, cháy bỏng.

+ Điệp từ “phải biết” là nhấn mạnh, khẳng định, là tiếng gọi khẩn thiết của nhà thơ. Vậy nhà
thơ đã nhắn nhủ điều gì ?

+ Điều nhắn nhủ đó là “Đất nước là máu xương của mình”. Sử dụng hình ảnh gợi cảm, tác
giả khẳng định đất nước là một phần cơ thể, tạo nên sự sống cho mỗi con người. Điều đó
thật đúng và đã được lịch sử chứng minh một cách sinh động. Khi đất nước bị ngoại xâm thì
dân tộc trở thành nô lệ, phải sống kiếp “ngựa trâu”. Chỉ khi đất nước có độc lập, tự do,
chúng ta mới được trở lại cuộc sống của con người. Không chỉ vậy, hình ảnh thơ còn gợi ra
một liên tưởng khác: đất nước là máu xương của tổ tiên, của bao thế hệ ông cha, của dân tộc
ngàn đời giành lại từ tay kẻ thù xâm lược. Vậy mới thấy được giá trị và sự thiêng liêng của
mỗi tấc đất, dòng sông trên đất nước này. Đúng như nhà thơ Trần Vàng Sao đã viết:
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.

(Bài thơ của một người yêu nước mình)

+ Lời thơ trữ tình “Em ơi em” nhỏ nhẹ, trìu mến đã tạo nên chất trữ tình chính luận sâu sắc
cho đoạn thơ. Nhà thơ khẳng định “Đất Nước là máu xương “, là sinh mệnh, là sự sống của
con người. Vận mệnh của Đất Nước chính là vận mệnh của chính bản thân mình, số phận
của cá nhân nằm trong vận mệnh của Đất Nước . Vì thế, ta cần:

“Phải biết gắn bó và san sẻ.

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở”.

+ Gắn bó với đất nước nghĩa là phải có tình cảm chân thành, thiết tha, hết lòng yêu
thương đất nước mình, dù đi đâu, làm gì, "ăn đâu làm đâu” cũng phải hướng về đất nước.

+ Không những thế, mỗi chúng ta phải san sẻ với cộng đồng bằng ý thức trách
nhiệm, gánh vác một phần trách nhiệm với đất nước. Trong thời kì chống Mĩ, thế hệ trẻ
phải có trách nhiệm chiến đấu, giữ gìn từng tấc đất của cha ông. Đồng thời, còn phải biết
hóa thân bằng hành động hi sinh cho đất nước.
+ Chữ "hóa thân" được nhà thơ dùng không chỉ phù hợp với màu sắc dân gian lấp
lánh sắc màu huyền thoại của chương thơ mà còn diễn tả sâu sắc sự tự nguyện dâng hiến
trọn vẹn, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cả phần tuổi trẻ để bất tử hóa cùng non sông đất
nước, để “Làm nên Đất Nước muôn đời”, một ý tưởng hào hùng mang tầm vóc sử thi.
+ Điệp ngữ "phải biết" vừa như một mệnh lệnh, lại vừa như tiếng nói thúc giục của
con tim tạo thành chất chính luận trữ tình sâu lắng của lời thơ.
* Tóm lại, được bao bọc trong không khí của văn học dân gian, hình tượng đất
nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hiện lên thật thơ mộng, trữ tình như từ xa xưa vọng
về, bình dị mà thân thương, gắn bó tha thiết với mỗi người dân. Nhà thơ định nghĩa về
đất nước bằng thơ. Lời thơ vừa lấp lánh sắc màu huyền thoại dân gian, vừa lung linh vẻ
đẹp của trí tuệ, vừa thiết tha cảm xúc, tạo nhiều âm vang trong lòng người đọc.
+ Nếu Đất nước - Nguyễn Đình Thi mang đậm sắc thái hiện đại, gắn liền với chiều
dài của cuộc kháng chiến chống Pháp đau thương, anh dũng và chiến thắng, thì Đất nước
- Nguyễn Khoa Điềm đậm đà phong vị dân gian, gắn với cội nguồn văn hóa dân tộc.
Cùng tỏa sáng tình yêu và niềm tự hào với đất nước, nhưng mỗi bài thơ có vẻ đẹp riêng
khiến cho cảm hứng về quê hương, đất nước trở nên đa dạng, hấp dẫn. Đất nước có từ lâu
đời, đất nước được hình thành từ những truyền thống cao đẹp của nhân dân, đất nước
mênh mông giàu đẹp, gần gũi, gắn bó với mỗi người dân trên mọi phương diện: đại lí,
lịch sử, văn hóa. Đất nước hiện diện trên từng làng xóm, thôn phố. Đất Nước bình dị,
thân thương với mỗi người. Đất nước này là đất nước của nhân dân.
3. Đánh giá
- Nội dung: “Giá trị của một tác phẩm phải là giá trị tư tưởng của nó nhưng là tư tưởng
đã được rung lên ở các cung bậc cảm xúc” (Nguyễn Khải).
+ Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận sâu sắc của NKĐ về ĐN: ĐN không trừu
tượng, không xa xôi. ĐN là sự thống nhất của các yếu tố cá nhân và cộng đồng, cái hàng
ngày và cái vĩnh hằng, thế hệ này với thế hệ khác. Từ đó, nhà thơ nhắc nhở về trách
nhiệm của mỗi người với đất nước, thức tỉnh thanh niên vùng địch tạm chiếm ở miền
Nam, thể hiện niềm tin vào tương lai của Đất Nước. Tất cả cho thấy tình cảm yêu mến, tự
hào về ĐN:
“Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
-Nghệ thuật:
“Thơ không phải là rượu đã rót ra chén mà là men đương lên, không phải hoa đã
nở trên cành mà là dòng nhựa đương chuyển” . Làm nên chất men say của một thi phẩm
đâu chỉ bởi nội dung mà còn ở nghệ thuật đặc sắc.
+Thể thơ tự do đã thể hiện những cảm xúc của tác giả về đất nước thật chân thực,
xúc động.
- Hình ảnh thơ giản dị nhưng có sức gợi sâu xa. Đặc biệt là hình ảnh “Đất Nước là
máu xương” đọc lên cứ rưng rưng một niềm xúc động.
- Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa dưới dạng kính ngữ thể hiện tình
cảm yêu mến, tự hào của nhà thơ về Đất Nước.
- Cách đặt câu theo hình thức điều kiện – kết quả tạo nên chất suy tư sâu lắng cho
đoạn thơ.
- Giọng thơ tâm tình, tha thiết trầm lắng, trang nhiêm mà linh hoạt về nhịp điệu
góp phần thể hiện chủ đề đất nước trong bút pháp chính luận trữ tình. Đó là dấu ấn
phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm.
III. Kết bài
Ai đó đã từng nói: “Thơ ca là hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim mọi người” . Với
hình ảnh thơ giản dị, ý thơ lắng đọng, sâu xa, những cảm xúc, suy nghĩ về đất nước của
Nguyễn Khoa Điềm đã trở thành “hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim” để ta thêm yêu, thêm
gắn bó với đất nước, quê hương mình. Thời gian, năm tháng sẽ đi qua, nhưng thơ vẫn là
bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa để ta vươn lên lẽ sống cao đẹp, giữ vững niềm tin
yêu giữa mưa nắng cuộc đời:
“Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy
Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều
Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy
Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu”.

(Chế Lan Viên)

You might also like