Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Đề bài: Văn hào Đức W.

Gớt từng nói: Sứ mệnh của con người là sống chứ không
phải tồn tại”. Qua tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam) hãy làm rõ ý kiến trên?

Bài làm:

“Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội

Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao

Hãy sống như biển trào để thấy bờ bến rộng

Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông”.

(Khát vọng – Phạm Minh Tuấn)

Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng
ca từ văn chương bao giờ cũng vui tươi và rạo rực, giai điệu của văn chương bao
giờ cũng sâu lắng và đằm thắm. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên,
chúng giống như một nốt nhạc du dương chạm khẽ vào tâm hồn người đọc. Từ đó,
văn chương sẽ mở ra cho con người những nhận thức mới mẻ, những bài học quý
giá để ta cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời rằng: “Sứ mệnh của con người là sống
chứ không phải tồn tại”. (Văn hào Đức W. Gớt)

“Tồn tại” có thể hiểu là bản năng sinh tồn sẵn có trong mỗi sự vật, hiện tượng.
“ Sứ mệnh của con người là sống”: “Sống” không chỉ là sự có mặt trong cuộc đời
mà còn là trạng thái của con người có đời sống tinh thần vật chất, có ước mơ, hi
vọng, biết cống hiến và hưởng thụ khiến cuộc đời trở nên có ích, có ý nghĩa không
chỉ đối với bản thân mà còn với gia đình và xã hội. Sống bao hàm tồn tại, bởi tồn
tại chỉ là hiện hữu, chỉ là có mặt nhưng sống là có linh hồn, có suy nghĩ, có mục
đích và lý tưởng. Phải, sống là vậy và tồn tại là thế, chúng không giống nhau. Sứ
mệnh đã trao cho con người cuộc sống và sống là quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng
cao cả của con người. Qua câu nói, W.Gớt đã truyền tải một thông điệp hết sức
nhân văn rằng con người sống phải biết ước mơ, sống một cách đích thực, có ý
nghĩa và có ích cho đời.
Thạch Lam là một cây bút xuất sắc trong văn xuôi lãng mạn 1930-1945. Ông
đặc biệt thành công với chuyện ngắn trữ tình đầy chất thơ. Truyện của ông thường
không có cốt truyện hoặc cốt truyện giản dị nhưng diễn tả một cách tinh tế những
cảm xúc mong manh trong tâm hồn nhân vật. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” không chỉ
là điểm nhấn vàng son cho phong cách văn xuôi của Thạch Lam, mà ông còn gửi
gắm vào đấy một thông điệp sống đầy ý nghĩa. Người ta thường đặt câu hỏi nếu
như: “nếu như Thạch Lam là họa sĩ…”, “nếu như Thạch Lam là nhạc sĩ…”, “nếu
như Thạch Lam là nhà thơ…”. Nhưng rõ ràng “Thạch Lam có thể là cả ba, bởi nhà
văn ấy ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc và chuyển đoạn bằng hình
ảnh”. Thiên nhiên phố huyện trong “Hai đứa trẻ” của ông hiện lên với đầy đủ cả
âm thanh, màu sắc, đường nét rất thơ, rất thi vị. Cảnh thiên nhiên thật đẹp nhưng
thật buồn.

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên yên ả, đượm buồn của phố huyện lúc chiều
tà với cảnh ngày tàn, phiên chợ tàn cùng không gian sống và nhịp điệu tẻ nhạt.
Dưới ngòi bút tinh tế, người cầm bút đã lột tả một cách chân thực, sinh động cái
hồn của bức tranh phố huyện nghèo vào thời khắc ngày tàn, cùng với cuộc sống
chìm khuất, mòn mỏi, lay lắt, quẩn quanh của những con người nhỏ bé nơi phố
huyện bình lặng, nghèo khổ. Trên bức tranh thiên nhiên phố huyện khi đêm về,
hình ảnh những con người cụ thể bắt đầu hiện ra. Tiêu biểu cho kiếp đời tàn bi là
mẹ con chị Tí. Ban ngày chị mò cua bắt ốc, tối đến chị mới dọn hàng nước ra bán.
Dáng điệu uể oải, thái độ chán chường, cái chép miệng đầy ngao ngán: “Ôi chao,
sớm với muộn mà ăn thua gì” cho thấy chị dọn hàng không trông sinh kế mà chỉ
như một thói quen tẻ nhạt, nhàm chán – sự lặp lại đơn điệu mỗi ngày. Hình ảnh
chiếc đèn nơi chị như một biểu tượng đầy ám ảnh về những kiếp người sống lay lắt
trong bóng tốt của xã hội cũ. Bên cạnh đó, bác Siêu với gánh phở kĩu kịt nhưng ở
cái phố huyện nhỏ này, quà bác Siêu là một thứ xa xỉ, nhiều tiền đối với người dân.
Gia đình bác xẩm mù kiếm ăn trên một manh chiếu rách với cái thau trắng để trước
mặt. Tiếng đàn bầu của bác lại rung lên bần bật trong đêm nhưng không có ai nghe
nên họ đành ngồi trong im lặng. Còn Liên, Liên là một cô gái không còn trẻ con
nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Chính vì lẽ đó mà tâm trạng của nhân vật trở
nên bát ngát, những dáng hình, thanh âm của cuộc sống không trôi đi mà đọng lại
trong Liên trở thành những nỗi niềm tâm trạng. Liên và An hiện tại chưa rơi vào
hoàn cảnh của những đứa trẻ nhà nghèo sống bám vào xác chợ. Thế nhưng, dường
như cuộc sống của chúng đang bị buộc chặt vào những cái vặt vãnh, tầm thường
của cuộc sống đói nghèo. Nhìn rộng ra thì hiện thực trước mắt Liên hết sức mù
mịt, tàn tạ và cuộc sống của hai chị em cứ chìm dần và bị bao bọc bởi bóng tối. Nó
khiến tâm hồn ngây thơ, trong trẻo, nhạy cảm của chúng không thể nào hòa nhập
được. Liên và An sống mãi trong tẻ nhạt, đơn điệu, quẩn quanh, tăm tối của nhịp
đời phố huyện nên có phần cam chịu. Cam chịu nhưng không thôi khát khao.
Chúng vẫn luôn thèm khát và hướng về phía ánh sáng. Hai đứa trẻ nhìn khắp nơi
để mà tìm mọi nguồn ánh sáng, tưởng như cuộc đời sẽ đỡ tăm tối hơn. Đó là một
cuộc sống tù đọng, quấn bách cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, hình ảnh con
người xuất hiện như những hình nhân vật vờ, mờ ảo với niềm trăn trở của nhà văn
là họ đang sống hay tồn tại ?

Quan trọng hơn cả, Thạch Lam đã khám phá trong thế giới tâm hồn của những
con người nghèo khổ đó có những ước mơ thầm kín mà thiết tha về một cuộc sống
tươi sáng. Mẹ con chị Tí, bác Siêu hàng phở, gia đình anh xẩm, hai chị em Liên, dù
khó khăn nhưng họ vẫn không quên quan tâm lẫn nhau, có thể là do đồng bệnh
tương liên, cũng có thể giữa họ nhen nhóm một khát vọng chung – cùng chờ đợi
đoàn tàu từ Hà Nội trở về. Nhân vật Liên giàu cảm xúc trước quang cảnh con
người và phố huyện, hay hoài niệm buồn thương về quá khứ sáng rực huyên náo và
thể hiện niềm ngao ngán trước hiện tại tăm tối, lặng lẽ. Đặc biệt ở chi tiết đợi tàu
chân thực, xúc động đã có khả năng gởi gắm, thắp lên niềm vui sống, niềm tin, hy
vọng về tương lai ở Liên và những cư dân phố huyện dù còn mong manh mơ hồ.
Chúng đã chờ chuyến tàu này suốt cả một ngày buồn tẻ của mình, đợi từ lúc bóng
chiều âm thầm đổ xuống. Chúng reo vui khi thấy chị Tí thắp lên ngọn đèn, khi thấy
đốm lửa nhỏ của gánh phở bác Siêu. Bởi lẽ với các em, đó là dấu hiệu bước đi cụ
thể của thời gian và đưa chúng nhích dần đến chuyến tàu, đến với niềm vui mà
chúng mong đợi. Mỗi đêm chỉ có một chuyến tàu và nó chỉ dừng lại ở ga xép vài
phút nên hai đứa trẻ không thể bỏ lỡ được. Chúng cố chống đỡ cơn buồn ngủ, kiên
nhẫn chờ đợi tàu đến. Chuyến tàu lúc đầu còn ở trong màn đêm, ở phía xa xa. Thế
nhưng, Liên đã trông thấy ngọn lửa xanh biếc, đã xúc động khi nghe tiếng còi vọng
lại, “kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Ngoại trừ ánh sáng của ngọn đèn dầu và bếp
lửa hiu hắt đầu truyện thì cho đến khi đoàn tàu xuất hiện, cái ánh sáng rực rỡ mới
thật sự xuất hiện. Ánh sáng nhiệm màu ấy dù đến trong phút chốc nhưng mới thật
sự đủ sức xua đi bóng đêm u ám bao trùm cả tác phẩm. Hai chị em choáng ngợp
khi đoàn tàu rậm rộ đi tới, háo hức lắng nghe “tiếng xe ríu mạnh vào ghi”, “tiếng
hành khách ồn ào”,.. Cái âm thanh nhộn nhịp của thành thị mà đoàn tàu mang đến
khác hẳn với cuộc sống im lặng, đơn điệu của xóm huyện nghèo. Thứ ánh sáng từ
kỉ niệm ùa về, ánh sáng từ vũ trụ thăm thẳm bao la và đặc biệt là ánh sáng từ chiếc
tàu đêm đem lại. Khao khát ánh sáng, chị em Liên muốn được thoát khỏi cuộc
sống đầy tăm tối trong hiện tại, và hai đứa trẻ đã gửi trọn vẹn qua hình ảnh chuyến
tàu đêm chạy qua phố huyện. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì
tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ”. Hình ảnh đoàn tàu giúp cho họ có thêm
hi vọng, niềm tin vượt lên cõi “tồn tại” để tiếp tục “ sống” có ý nghĩa. Họ có ý thức
về sứ mệnh “sống” của mình. Thạch Lam đã miêu tả chân thực mảng đời sống của
những kiếp người lao khổ. Hơn thế, ông đã có khám phá về thế giới tâm hồn của
con người, nhất là những khát khao, hy vọng.

Qua Hai đứa trẻ, cái nhìn nhân văn của Thạch Lam đã gửi gắm đến độc giả một
quan niệm sống tích cực, chứng minh cho tính đúng đắn của nhận định từ W.Gớt.
Tác phẩm vừa bộc lộ niềm thương cảm với những kiếp người sống quẩn quanh, lay
lắt; vừa thấu hiểu, trân trọng những khát vọng tinh thần nhỏ nhoi, khẳng định bản
chất tốt đẹp của con người luôn tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng thời cũng
là lời kêu gọi: Hãy cứu lấy tuổi thơ, khép lại một thế giới tăm tối, mở ra một cuộc
sống xứng đáng với sứ mệnh của con người.

Mỗi người chúng ta phải biết sống nhiệt thành, có ý nghĩa, sống với tất cả
cảm xúc chân thật, hơn thế phải biết ước mơ và phấn đấu để hiện thực hóa nó.
Sống là phải biết ước mơ, hi vọng, biết yêu thương. Sống đúng sứ mệnh của con
người: sống chứ không phải tồn tại.

You might also like