Thơ ca chống Pháp

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 13

TÌM HIỂU THÊM VỀ THƠ CA THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

I Đôi nét về thơ ca thời kháng chiến chống Pháp


1. Hình tượng đất nước đau thương trong cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp
Hình tượng đất nước đau thương được Hoàng Cầm gửi gắm qua bài thơ Bên kia
sông Đuống. Con sông Đuống như một sinh thể có hồn, “nằm nghiêng nghiêng trong
kháng chiến trường kì” nay bờ bên kia đã bị giặc chiếm đóng, đứng bên này vùng tự do
kháng chiến tác giả đau đớn tột cùng: “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Những câu thơ như
nhói vào tim ta và tan ra giữa một biển tình cảm mênh mông. Những dòng hồi tưởng,
hoài niệm xen lẫn cảm xúc đau xót hiện tại dựng nên trước mắt ta một thế giới Kinh Bắc
với những nét đẹp văn hóa truyền thống, sự cổ kính ngàn đời, thế giới ấy bị tàn phá càng
gợi lên trong lòng nhà thơ những tình cảm gắn bó yêu thương mặn mà, sâu sắc. Cũng bởi
vì tình cảm yêu thương ấy mà nhà thơ đau đớn đến tột cùng và Bên kia sông Đuống ra
đời sau một đêm thức trắng viết theo dòng cảm xúc. Nỗi căm hờn xót xa khi quê hương
xiết bao yêu dấu chìm ngập trong khói lửa chiến tranh được tác giả miêu tả bằng những
hình ảnh thật ấn tượng:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

1
Vừa nhớ về những ngày tháng yên bình, hạnh phúc thuở xưa, vừa đau xót trước thực tại
phũ phàng, nhà thơ đưa ta vào trong nhịp thơ dồn dập, hối hả, ngắt quãng thể hiện một
nỗi căm hận tột cùng. Có sống trong làng quê thanh tịnh với: “Xanh xanh bãi mía bờ dâu/
Ngô khoai biêng biếc” ta mới thấu hết nỗi đau của nhà thơ khi phải nhìn những giá trị bị
hủy diệt mà không có cách nào cứu vãn.
Nỗi đau ấy càng nhân lê gấp bội khi ta bắt gặp hình ảnh:
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quay tròn
Tưởng làm tổ ẩm
Trong giấc thơ ngây, tiếng súng dồn tự sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc giày vò trên những nét môi xinh.
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Nỗi căm hận tuôn trào từ đầu ngọn bút nhà thơ viết thẳng một mạch, một hơi. “Những lời
từ trái tim anh rót thẳng vào lòng bạn đọc không sắp xếp, không điểm trang như nước
suối từ khe đá tuôn ra, như hoa mọc tự nhiên ngoài đồng nội” (Hoàng Như Mai). Nỗi đau
xót như những đợt sóng dâng trào không thể nào kìm nén khi phải chứng kiến đàn con
nhỏ thơ ngây, nhỏ xinh như bầy chim non ríu rít ngày xưa giờ đây bị chiến tranh giày vò
ám ảnh chằng thể ngủ yên. Mỗi câu “Ai về Bên kia sông Đuống” hay “Bên kia sông
Đuống” kết hợp với điệp khúc về đâu? ở cuối mỗi đoạn thơ như những nốt nhấn trầm tạo
điệp khúc dư ba cho bản nhạc tâm tình đầy đau thương căm uất của nhà thơ trước cảnh
quê hương bị tàn phá, bị hủy diệt tàn bạo.
Còn với Đất nước của Nguyễn Đình Thi, nỗi đau thương ấy được đúc kết lại trong gương
mặt đất nước bị hủy diệt tàn bạo trong số phận cực nhục của người dân nô lệ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

2
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
Thủ pháp ngược sáng quen thuộc trong nhiếp ảnh được tác giả khéo léo lồng vào thơ cho
ta một hình ảnh giàu sức gợi. Khung trời chiều ở làng quê yên bình nay đã thấm máu và
dây thép gai đâm nát như một minh chứng hùng hồn cho tội ác của quân xâm lược:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bây còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)
Quả thật, không có gì đê hèn hơn lũ giặc cướp phá và giết hại người vô tội để thỏa mãn
lòng tham muốn, mục đích bất chính của chúng. Chẳng những bóc lột dân ta tàn bạo,
chúng còn ra sức vơ vét và giết hại những người dân vô tội quanh năm một nắng hai
sương, cần cù chất phác. Tội ác của chúng khiến: “Từng gốc lúa bờ tre hồn hậu/ Cũng bật
lên thành tiếng căm hờn. Để rồi tất cả thốt lên: Đã có đất này chép tội/ Chúng ta không
biết nguôi hờn (Bên kia sông Đuống).
Đến với Việt Bắc của Tố Hữu, nhà thơ không nói đến những nỗi đau như thế bởi bài thơ
vừa là một khúc ca ân tình ân nghĩa cách mạng, lại vừa là một bài ca chiến thắng của một
thời kì lịch sử. Do đó, đau thương của đất nước chỉ được bộc lộ gián tiếp qua nỗi gian
khổ, khó khăn trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Niềm đau thương ẩn hiện
trong nỗi gian khó khi phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt của “bản sương giăng,
đèo mây phủ”. Quê hương Cách mạng từ thuở còn trong trứng nước, nỗi khó khăn, vất vả
hiện lên qua: “Miếng cơm chấm muối”, qua những “hắt hiu lau xám” nhưng “đậm đà
lòng son”, qua “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với những đắng cay ngọt bùi trong củ
sắn lùi đơn sơ, trong tình quân dân giản dị mà ấm áp.
. Tình yêu Tổ quốc còn được thể hiện ở trách nhiệm cụ thể để giữ gìn Tổ quốc, giữ gìn
thành quả cách mạng mà nhân dân đã phải đánh đổi bằng những hy sinh, mất mát.
Ðó chính là ý thức công dân, là tinh thần xả thân hiến dâng cho Tổ quốc. Và có lẽ, không
có sự hy sinh nào lớn lao, cao cả hơn sự hy sinh cho đất nước mình, dân tộc mình:
Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt

3
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi, Tổ quốc! Nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông...
(Chế Lan Viên)
Tinh thần anh dũng ấy trước hết thể hiện ở lòng căm thù giặc sục sôi và sự tự nguyện
đứng lên chống lại kẻ thủ hung bạo để giành lại từng tấc đất của quê hương. Với Bên kia
sông Đuống từ mảnh đất quê hương mình tác giả đã khái quát cả một xã hội Việt Nam
đang phải sống trong bom đạn ác liệt của chiến tranh. Bên kia sông Đuống là mảng thu
nhỏ của dân tộc Việt Nam đang bị bọn giặc phá họa những vẻ đẹp cổ truyền, nếp sống
bình yên và cả những con người thân yêu trên mảnh đất hình chữ S. Con giun xéo lắm
cũng quằn, dưới ách thống trị thực dân, mỗi con người đều ý thức được trách nhiệm, bổn
phận của công dân mà vùng lên như đợt sóng cồn trào dâng không một thế lực nào cản
bước:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ buồn đứng dậy sáng lòa
Và lẽ tất nhiên:
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Một khi cái tôi công dân đã sống dậy trong mỗi con người lao động, họ chiến đấu và hi
sinh vì vận mệnh dân tộc – như một minh chứng hùng hồn về hình tượng đất nước kiên
cường quật khởi từ bao đời. Nguyễn Đình Thi đã thể hiện tinh thần hi sinh ấy trong Đất
nước theo một khía cạnh mang tính khái quát cao mà không hề mất đi sức lay động gợi
cảm:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi)

4
Bất chấp hi sinh mất mát, nhân dân dùng sức lực, vật chất tinh thần và cả mạng sống của
mình để gìn giữ Tổ quốc. Như Nguyễn Khoa Điềm đã từng khái quát:
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Và không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng đất nước kiên cường bất khuất còn thể
hiện ở tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, là niềm lạc quan yêu đời, không nao
núng trước bao khó khăn gian khổ. Đó là những ngày tháng cơ quan: “Gian nan đời vẫn
ca vang núi đèo” hay dòng cảm xúc dạt dào khi: “Những đêm dài hành quân nung nấu/
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” mà ta từng gặp trong thơ Quang Dũng: “Mắt trừng
gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Nếu chỉ có cái tôi công dân đầy trách nhiệm, lòng căm thù giặc sục sôi mà không có tinh
thần đoàn kết thì có lẽ cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta không thể nào thành
công. Bằng giọng thơ tâm tình đầy trìu mến, Tố Hữu đã dẫn ta về một thời oanh liệt,
được cùng sát cánh bên nhau bảo vệ nước nhà:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Nhân dân ta đã tự giác đứng lên, đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thù hung bạo và chiến
đấu oanh liệt. Hẳn ta vẫn còn nhớ rõ giọng điệu hào hùng phấn khởi của Tố Hữu:

5
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng
Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thăm gió lồng cửa hang
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Càng tự hào hơn khi sau bao khốn khó, gian khổ, bao mất mát hi sinh; nhân dân ta đã
giành lại được độc lập nước nhà. Lời thơ âm vang đầy hứng khởi:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gío thổi rừng tre bay phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là cua chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Một lần nữa chúng ta được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Sau bao
hi sinh, đau thương chúng ta đã chứng minh được rằng:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đất nước của ca dao thần thoại, đất nước của nhân dân sẽ không bao giờ tàn lụi bởi
những người Việt Nam ta bất khuất anh hùng.
Mỗi bài thơ mang một âm hưởng một giọng điệu riêng nhưng tất cả cùng thống nhất
trong hình tượng một đất nước Việt Nam kiên cường bất khuất. Ở đó ta ta được sống
trong lòng sục sôi căm hận, thấu hiểu được những mất mát hi sinh mà quân thù đã gây ra,
đồng thời biểu tượng về tinh thần đoàn kết, lạc quan của nhân dân ta rạng ngời tỏa sáng.
Nhìn chung trong giai đoạn 1945-1975, đặt trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt thì
diện mạo đất nước ta cũng ít nhiều có sự thay đổi. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì

6
văn học vẫn hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của nó là phản ánh hiện thực mà cụ thể ở đây
văn học chính là để phục vụ cho cách mạng, vì thế Đất nước trong giai đoạn này hiện lên
thật chân thực. Đất nước giàu đẹp, đậm đà bản sắc nhưng lại bị giày xéo dưới gót giày
của quân xâm lược tàn bạo. Nhưng từ trong đau thương ấy, Đất nước hồi sinh mạnh mẽ
qua tinh thần quật khởi, kiên cường chống lại ngoại xâm.
Sau những năm tháng đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Tổ quốc Việt Nam
càng vững vàng hơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ðứng trên mũi Cà Mau,
nhà thơ Xuân Diệu đã phát hiện ra một vẻ đẹp mới của Tổ quốc Việt Nam - vẻ đẹp của
một đất nước đang trên đà phát triển, đang “vươn ra biển lớn” cùng với bè bạn năm châu,
qua hình ảnh so sánh mang tính khái quát cao:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau
(Mũi Cà Mau - Xuân Diệu)
Tổ quốc Việt Nam đang từng ngày vươn lên cùng với bao khát vọng và những bước đi kỳ
diệu. Hình tượng Tổ quốc vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho mọi thế hệ nhà
thơ và các nhà thơ đã xây dựng một hình tượng thật phong phú và sâu sắc về Tổ quốc.
Trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, hình tượng Tổ quốc lung linh, ngời sáng như vẫn
luôn vẫy gọi chúng ta đi lên phía trước..
2. Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ mà hiển vinh, thơ ca đã
ghi lại một cách sinh động và chân thực về hình tượng người lính trong chiến trường. Họ
là những người lính xuất thân từ nông dân, chất phác và bình dị. Chính họ đã dựng lên
tượng đài bất hủ trong thơ ca về người chiến sĩ Cách mạng. Người lính đi vào chiến
trường với những hình ảnh đẹp nhất, anh dũng nhất và cũng đầy chất lãng mạn nhất... Tất
cả đều cùng chung lí tưởng yêu nước giết giặc, cùng thể hiện tinh thần xả thân vì Tổ
quốc, vì nhân dân.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, anh bộ đội
cụ Hồ đã nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và
hi vọng của toàn dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về anh bằng những vần thơ tươi thắm

7
nhất, sôi nổi nhất của lòng mình. Bởi anh là Tổ quốc, anh là hôm nay, anh là mãi mãi.
Anh mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Tố Hữu đã nói hộ tình cảm của nhân dân đối với
anh vệ quốc quân - những con người anh hùng thời kháng chiến chống Pháp:
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!
(Cá nước – Tố Hữu)
Các anh là con của nhân dân. Sinh ra, lớn lên từ ruộng đồng, từ đất mẹ yêu thương:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau”
(Đồng chí - Chính Hữu)
Phần lớn người lính thời chống Pháp ra đi từ những miền quê nghèo, nơi “nước
mặn, đồng chua”, với “đất cày lên sỏi đá”... Chính sự tương đồng về hoàn cảnh đã làm
cho những người ”chiến sĩ chân đất đầu trần” của chúng ta có cùng chung lý tưởng, chí
hướng:
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
(Đồng chí - Chính Hữu)
Người lính phải trải qua bao vất vả, khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, với những cơn
“sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi”, cùng “áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”...
Vậy mà, họ vẫn kiên cường, coi thường chông gai, vượt qua bao mưa bom bão đạn để
chiến thắng mọi vũ khí hiện đại nhất của giặc Pháp. Điều đó đủ để thấy được tinh thần,
nghị lực chiến đấu, vượt qua hiểm nguy để đến với thắng lợi cuối cùng:
“Lại những ngày đi vắt với sương
Ngô bung, xôi nhạt nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc tai thao thức

8
Ngày lại ngày đi rét nhức xương...”
(Lên Tây Bắc - Tố Hữu)
Hoặc là những người trí thức “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, sẵn sàng giã từ
thủ đô yêu dấu, ra đi kháng chiến:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi
Nhưng họ có điểm chung là sục sôi tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh”.
Thời kì đầu bước vào kháng chiến, các anh phải thiếu thốn nhiều bề. Có gì gian khổ
hơn khi những mối hiểm nguy luôn luôn rình rập trên đường hành quân:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Và:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời...”
(Tây tiến - Quang Dũng)
Những người lính ấy đã tình nguyện rời bỏ quê hương, xa rời bờ tranh, mái lá, xa
cây đa, bến nước, con đò, nghe theo tiếng gọi của tiền phương. Dẫu xuất thân khác nhau,
dẫu không cùng chung hoàn cảnh, nhưng đã chung chiến hào thì thành tình đồng đội. Rất
có thể, trong số họ sẽ có người :
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây tiến - Quang Dũng)

9
Khó khăn là thế, thiếu thốn, gian khổ là thế, dù mưa gió triền miên, dù vũ khí
thô sơ, thiếu thốn... thậm chí là phải đối diện với những căn bệnh nguy hiểm:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Hai tiếng Tây Tiến vang lên mở đầu ý thơ như một lời nhắc nhớ đích đến của nỗi
nhớ trong lòng là Tây Tiến, đồng thời cũng ấn chứa niềm tự hào, kiêu hãnh tha thiết.
Cụm từ không mọc tóc đã nói lên sự thật bi thương về một thời kì kháng chiến đầy gian
truân, vất vả. Những người lính của ta phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn,
thiếu thốn đủ bề. Họ trải qua cái đói, cái rét lạnh cắt thịt cắt da của nơi rừng thiêng nước
độc hoang sơ, khắc nghiệt. Họ phải chịu đựng cả sự đau đớn về cả thể xác và tinh thần từ
những con sốt rét rừng, bệnh tật. Cụm từ quân xanh màu lá cũng nhấn mạnh sự trần trụi
của hiện thực ấy khi nhà thơ nói về màu xanh áo lính hay chính là nói về cái xanh xao
vàng vọt của nước da các anh. Trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả cơm chẳng ăn no, thuốc
chia nhau từng chút, những cơn sốt rét nghiệt ngã này đã cướp đi bao sinh mệnh của
những người lính nơi đây. Đó là một sự thật trong hiện thực tàn khốc của chiến tranh,
Thế nhưng, chính cái khó khăn của hoàn cảnh, chính sự tác động của ngoại cảnh ấy càng
khiến vẻ đẹp của người lính thêm sáng ngời. Họ là đoàn binh ốm nhưng không yếu. Họ
đem theo sức mạnh của cả một binh đoàn mà vững vàng tiến bước. Thay vì một cách nói
bình thường, Quang Dũng sử dụng cách diễn đạt không mọc tóc vừa mang ý nghĩa phủ
định vừa mang hàm nghĩa khẳng định song hành - vừa nói tới việc tóc không thể mọc do
bệnh tật vừa như thể hiện sự chủ động của các anh khi lựa chọn dáng vẻ bên ngoài ấy của
mình. Cách đảo trật tự từ như vậy đã truyền tải được chất lính ngang tàng, kiêu hùng, coi
thường gian khổ của người lính Tây Tiến. Nhà thơ cũng chọn hình ảnh dữ oai hùm, với
“hùm”- chúa tể rừng xanh - để nói về người lính Tây Tiến. Bệnh tật là thế, thiếu thốn là
thế nhưng các anh vẫn giữ được thế chủ động, vẻ oai phong lẫm liệt mà tiến bước hành
quân, bảo vệ núi non, nước nhà, dân tộc. Sự đối lập trong cách miêu tả của nhà thơ
Quang Dũng đã rất thành công làm sáng bừng lên vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây
Tiến, đồng thời làm cho cái “bi” của hiện thực lan tỏa ra rõ nét cả trước mắt, cả trong
lòng người đọc.

10
Hồng Nguyên cũng từng viết:
“Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
Mặc dù “áo vải chân không/ đi lùng giặc đánh” song anh chiến sỹ của chúng ta, sau
những giờ phút cam go, nguy hiểm đối mặt với kẻ thù vẫn cười, vẫn đùa vui một cách vô
tư, yêu đời bên đồng đội thân yêu:
“ - Đằng nớ vợ chưa, đằng nớ
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
Đặc điểm nổi bật ở các anh bộ đội của chúng ta là tinh thần quả cảm, vượt lên mọi
gian lao, nguy hiểm. Các anh là những người đứng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến
ác liệt, sẵn sàng hy sinh:
“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm
Những bàn tay sẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”
(Hoan hô chiến sỹ Điện Biên - Tố Hữu)
Lòng yêu nước, niềm tin cách mạng và tinh thần lạc quan là những yếu tố làm nên
thắng lợi của các anh. Dù cho khó khăn chồng chất khó khăn thì các anh vẫn tin tưởng,
vẫn kiên trung và vững tin:
“Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông

11
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt”
(Ta đi tới - Tố Hữu)
Lạc quan, dũng cảm, tình đồng đội keo sơn, là các anh, những người lính cụ Hộ, xả
thân vì Tổ quốc. Hình ảnh của các anh là hình ảnh đẹp tuyệt vời của một dân tộc anh
hùng:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”
(Lên Tây Bắc - Tố Hữu)
“Dốc núi cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi, vực sâu thăm thẳm, vực nào
sâu bằng chí căm thù?!” Lòng quyết tâm ấy, chí căm thù ấy của các anh đã làm nên thắng
lợi lẫy lừng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” làm cho thực dân Pháp
phải kinh hồn bạt vía, thế giới phải thán phục! Các anh đã làm rạng rỡ trang sử vàng của
dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt nhân dân cả nước vẫy chào các anh trong niềm vui
đại thắng:
“Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Chiến sỹ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Dân tộc Việt Nam kết thúc cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng,
niềm vui chưa trọn vẹn khi miền Nam thân yêu còn oằn mình dưới gót giày xâm lược của
đế quốc Mĩ. Các anh lại lên đường vào với miền Nam, bước vào một cuộc trường chinh
mới...
3.Kết luận
Thơ ca thời kháng chiến chống Pháp ra đời trong giai đoạn 1945-1954 với lực lượng
sáng tác chủ yếu là những người nghệ sĩ kiểu mới : vừa cầm bút , vừa cầm súng . Nội

12
dung sáng tác luôn gắn bó chặt chẽ , phản ánh chân thật và sinh động hiện thực kháng
chiến với những bước đường lịch sử mang không khí thời đại . Khuynh hướng sử thi,
cảm hứng lãng mạn bao trùm trong sáng tác thơ ca giai đoạn này với những thành tựu
rực rỡ nhất. Năm tháng qua đi nhưng chắc chắn thơ ca kháng chiến chống Pháp vẫn còn
vang vọng mãi trong tâm hồn của mỗi người dân đất Việt về bài học yêu nước, về tinh
thần chiến đấu bảo vệ, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn.
II Luyện tập
1.Bằng những kiến thức đã được học , em hãy tóm lược lại đặc điểm chung về nội
dung, nghệ thuật của thơ ca kháng chiến thời chống Pháp
2.Ngoài những bài thơ đã học và đọc thêm hãy sưu tầm thêm ít nhất 3 bài thơ thời
kháng chiến chống Pháp
3.Hãy nêu một vài nhận định về thơ ca kháng chiến chống Pháp mà em tâm đắc
nhất ?

13

You might also like