S1 doan thi canh đố thai gửi vicas

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 9

Đoàn Thị Cảnh *

Sự tồn tại của trò chơi


đố thai ở Bãi Xàu,
Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)
- những lý giải và ghi nhận

*
ThS. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ở thị trấn Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng ngày nay còn tồn tại trò chơi đố thai, vốn là
một trò chơi rất phổ biến và đình đám của Nam Bộ thế kỷ XX mà nay đã mất dần trong đời sống
hiện đại. Sự thịnh vượng của trò chơi này ở Mỹ Xuyên thế kỉ trước có thể lý giải bằng cơ sở xã
hội là một thời điểm giao thoa giữa chuyển từ Hán ngữ sang Quốc ngữ nhu cầu dạy chữ học chữ
qua các sinh hoạt cộng đồng ở Nam Bộ rất cao; ở mỗi vùng như Mỹ Xuyên - đất của thương
cảng Bãi Xàu, lại hình thành nên lớp trí thức thị dân, khiến các loại hình vui chơi phát triển mạnh
mẽ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, trò chơi biến mất ở nhiều nơi, nhưng tại Bãi Xàu, Mỹ Xuyên
nó vẫn tồn tại trong cộng đồng, dù có tổ chức hay không theo đúng lệ thì họ vẫn biết chơi, hay tự
5, 10 người chơi với nhau trong nhóm nhỏ; điều này khá thú vị và cần xem xét.

1. Sơ lược lịch sử trò chơi đố thai

Trong các khảo cứu về Nam Bộ của Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Sơn Nam đều có
nhắc đến trò chơi đố thai ở Tây Nam Bộ. Đố thai, thuộc thể loại câu đố, xét về văn bản là một
loại hình văn học dân gian, dĩ nhiên nó tồn tại trong dân gian ở dạng thức trò chơi trong các lễ
hội, hoặc trong các câu chuyện đầu làng cuối xóm nông thôn xưa; ở Tây Nam Bộ là trò chơi
trong dịp tết.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng với bài viết Chơi thai đố có tính chất biên
khảo, đăng trên báo Tuổi trẻ, đã phân tích về trò chơi này. Trong bài viết, ông đã cung cấp 2 tư
liệu quý về ý nghĩa và nguồn gốc của trò chơi: “trong thủ bút của cụ Trương Vĩnh Ký (hộp II, tập
15, Thư viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh) có ghi lại mấy dòng: “Nhân ngày
nguyên, trăng thanh gió mát, tạnh ráo, chủ bày ra kêu mấy anh em tới chơi. Chọn một người hay
chữ giỏi làm thầy thai ra đề, cầm trống cho người ta nói thai. Người ta phất một lồng đèn vuông
bằng giấy trắng. Bốn phía có viết đề thai dán lên trên đó. Đề thai hoặc “xuất danh”, “xuất vật
dụng, khí dụng”, hay “xuất mộc”, “xuất thú”, hoặc “xuất tục diêu”, “bình Thúy kiều”, hay “xuất
điển”, “chiết tự”... Ai nói trúng được, trúng ý đề thai nêu ra thì được thưởng. Mỗi đề đều nói rõ
trước là sẽ thưởng vật gì như quạt, khăn vuông, hầu bao, giấy mực... Nói trúng thì đánh một hồi
trống, nói trật thì gõ tang trống”1.

Lần giở sách xưa Đại Nam Quốc âm tự vị từng chép về chữ “thai”:

猜 Thai (chữ Nôm mượn) còn đọc là Xai, nghĩa là nghi, bói, định chừng. Kết hợp tạo từ có
các từ sau

Ra thai: Ra lời hai ba nghĩa, làm như câu đố

Thầy thai: Thầy ra câu đố, làm lời bóng dáng

1
Huỳnh Ngọc Trảng (2007), Chơi thai đố, báo Tuổi trẻ Online. Nguồn: https://tuoitre.vn/choi-thai-do-186541.htm
Câu thai: Câu đố2

Trên các báo như Lục tỉnh tân văn, tạp chí Cần học thường xuyên có mục ra thai. Những
năm 1949, 1950 đã từng xuất hiện 2 quyển tuyển tập đố thai là Thai ngữ - (1949) - Nguyễn Văn
Xứng; Câu đố thai - (1950) - Phạm Văn Giao. Một ví dụ khác, tạp chí Cần học 1953 - 1954 (tập
2) cũng có trò ra thai cho độc giả. Tạp chí nhận định “phàm là người Việt Nam thì không nên bỏ
qua trò chơi này” một nhận xét cho thấy đố thai rất phổ biến trong văn hóa giải trí của người Việt
trong thế kỉ XX.

Thai đố phổ thông giảng giải - (1970), do Từ Phát biên tập và sưu tầm ghi rõ: “Trong nếp
sống hàng ngày, những khi rỗi rảnh; người bình dân cũng tìm thú vui tao nhã, giải trí bằng những
câu thai, câu đố để đo lường sự thông minh của con cháu hay của đối phương. Họ quan sát sự vật
quanh mình và trên nhiều khía cạnh khác nhau: tế nhị, nghiêm trang, thực tiễn, trào lộng, lả lơi,
thô tục, phản ánh nếp sinh hoạt và tính chất của ông cha, tổ tiên ta” (Lời nói đầu). Cũng ở trong
sách này tác giả đã sưu tầm được 300 câu thai chia theo các thể loại: xuất thiên văn địa lý, xuất
nhân - nhân sự, xuất bỉnh - vật ẩm thực, xuất hoa quả - thảo mộc, xuất điểu - thú - ngư - côn
trùng, xuất gia cư, xuất gia dụng vật dụng, xuất tự (Hán tự và Việt tự) và khác (không xếp vô các
loại trên).

Như vậy lịch sử trò đố thai không chính xác mốc thời gian nhưng rõ là có thể cuối thế kỷ
XIX và đầu thế kỷ XX; rất thịnh hành thời đó cho tới những năm 70 của thế kỷ XX với sự xuất
hiện trên các tờ báo lớn của Nam Kỳ và dần vắng bóng khi bước sang thế kỷ XXI.

2. Mô hình trò chơi đố thai ở một vài địa phương

Về mặt loại hình đố thai là loại trò chơi có một phần gần với đố chữ và liên quan đến yếu
tố chơi chữ và tính hình tượng, tư duy hình tượng của trí thức Nho học xưa. Vì thế nó khá gần
với trò đố đèn đố chữ của người Hoa ở Nam Bộ và thịnh vượng vào khoảng đầu thế kỷ XX ở
Huế và Nam Bộ, quy tụ trong các cộng đồng có yếu tố tập trung trí thức và có yếu tố giao lưu
Hoa Việt khá rõ.

Qua những ghi chép xưa, cùng quan sát mô hình trò chơi đố thai nay còn tồn tại ở Mỹ
Xuyên, Sóc Trăng có thể khái niệm hóa như sau: Đố thai là trò chơi đưa ra những câu đố để
người đến chơi giải đáp, thường được thực hiện trong một lễ truyền thống như lễ xuân, lễ kỳ yên,
trung thu... của người Việt. Người ra câu đố, người chủ quản trò chơi thường là ban quản trị làng,
các cụ cao lão hoặc trí thức địa phương; người đến chơi cũng thường là dân chúng trong cộng
đồng, trong đó thu hút nhiều nhất vẫn là một số lượng thanh thiếu niên vì tính vui nhộn của trò
chơi, ai giải đáp đúng thì sẽ nhận được quà thưởng; giá trị quà thưởng không cao không thiên về
tính cờ bạc mà chỉ là tính khích lệ cổ vũ rất ý nghĩa.

2
Dẫn theo Huỳnh Tịnh Của (1895), Đại Nam Quốc âm tự vị, Sài Gòn, tr 971
Về mô hình, nhìn nhận về Đố thai có lẽ vẫn còn nhiều nhầm lẫn. Do những ghi chép khảo
cứu về trò chơi những năm trước còn có cái chòi lá - khiến giới học giả đã từng suy xét giữa đố
thai và bài chòi cái nào có trước, hay có mối liên hệ như thế nào, đã từng xảy ra những tranh luận
như vậy khi cho rằng đố thai xuất phát từ bài chòi hoặc ít nhất có mối quan hệ với bài chòi; chỉ là
chưa phân định được hô thai và hô bài chòi cái nào có trước cái nào có sau: “Những ý kiến trái
ngược này cũng từng được đưa ra tranh luận tại cuộc hội thảo: Phát triển sân khấu ca kịch bài
chòi miền Trung tại Nha Trang tháng 10 năm 1991, và nhà nghiên cứu Phan Ngạn đã lên tiếng
khẳng định rằng: “Bài chòi không bắt đầu bằng hô thai, tức là câu đố. Câu hô bài chòi không
phải là câu đố. Vì đã ra câu đố phải có thời gian để người ta suy nghĩ giải đố. Câu hô bài chòi
không để mất thời gian quá nhiều, nó chỉ phụ họa cho con bài, tạo sự hấp dẫn, câu thêm nhiều
khách đến đánh bài chòi mà thôi. Hô bài chòi không phải bắt đầu từ hô thai ở Bình Định”3.

Nhiều người già và các trí thức ở Mỹ Xuyên - nơi hiện nay có trò đố thai còn tồn tại, có
khẳng định rằng trước đây thai được hô trong chòi, và họ cho rằng khá giống với bài chòi ở
Quảng Nam.

Cho đến khi tìm được những cứ liệu lịch sử cụ thể, rõ ràng, thật khó khẳng định đố thai và
bài chòi, cái nào có trước, cái nào có sau hay là đồng dạng của một loại trò chơi dân gian; cái
chòi có vai trò nhận diện, hay đơn giản chỉ là nơi chơi nay đã được thay thế bằng miếu… trong
trò đố thai; chúng tôi thiên về sự đồng dạng nhiều hơn. Bằng chứng thì ở Huế, tại Kim Long xưa
cũng có trò chơi này. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tôn Thất Bình mô tả khá rõ nét: “Trong
những trò chơi ngày Tết ở Kim Long, đáng tìm hiểu nhất là trò chơi đố thai thường diễn ra hàng
năm tại các dinh phủ ông Hoàng, bà chúa, các thế gia vọng tộc hoặc các nhà trí thức, hò bài
thai trong dân gian được bày khắp các nẻo đường thôn xóm.

Đố thai là một trò chơi đố chữ vừa thanh nhã lại dung hợp được tính dân gian và bác học,
ai cũng có thể tham dự đố thai. Đây là một trò chơi cốt thử thách trí thông minh, tài sử dụng
ngôn ngữ.

Ban tổ chức chơi đố thai thường dán một câu thách đố bằng thể thơ lục bát dân gian vào
cái lồng đèn lớn treo trước dinh; người tham dự nhìn vào câu thơ, suy ngẫm cách giải dựa vào
chìa khóa hướng dẫn trả lời ở chữ đả (đánh) viết cuối câu. Đánh sai sẽ được nghe vài tiếng mỏ
lốc cốc, nếu đánh trúng, một hồi trống vang dội, tiếp đó ban tổ chức sẽ cho người bưng quà tặng
đặt trên một chiếc khay nhỏ đến thưởng tận tay người dự đoán, quà thường là những kỷ vật có
giá trị.

3
Nguyễn Lệ Uyên, Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần I: Hô bài chòi, Nguồn:
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8151

Truy cập tháng 9 năm 2018.


Như vậy người chơi sẽ không mất tiền đoán mà chỉ được thưởng nếu thông minh, lanh trí
đáp trúng. (…) Câu thai đố ra khá hóc hiểm, tuy xuất phát từ một câu ca dao trữ tình đầy ý nghĩa
và nhiều người biết:

Thương nhau cởi áo cho nhau.

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay

Đả: Dụng cụ

Ông Bá Đảo làng Xuân Hòa đã thắng cuộc thi giải đáp Thương nhau cho nhau áo, mẹ hỏi
nói dối qua cầu gió bay, đó là con dấu”.4

Với những tư liệu này, chứng tỏ trò bài chòi và trò đố thai cùng được chơi song song ở
Huế. Đặc biệt ở Huế trò đố thai phần lớn mang tính là một trò chơi phủ đệ tổ chức ở các phủ hơn
là trò chơi dân gian như ở Mỹ Xuyên; tính chất dân gian và trí tuệ dân gian ở Mỹ Xuyên đậm nét
hơn, nhưng qua đó cũng cho thấy “xuất thân” phải có sự tham gia chủ chốt của trí thức thì mới
có thể xuất hiện những câu thai khó và sự sáng tạo đầy trí tuệ dân gian ấy. Một điều cũng khá
đáng tiếc là ở thời điểm tác giả Tôn Thất Bình viết bài này (1990) trò đố thai cũng đã là một
niềm nuối tiếc. Có thể do yếu tố phủ đệ của nó quá cao mà nó không thể duy trì đời sống của
mình khi bước vào một giai đoạn kinh tế đặc biệt khó khăn của tầng lớp trí thức cựu triều
Nguyễn?

Ở Bình Thuận, trong một đồng dạng giống thương cảng Bãi Xàu cũ, đố thai xuất hiện ở
vùng La Gàn - nơi thương cảng của vùng: “Hỏi các cụ cao tuổi của làng mới biết, tục đố thai của
làng có từ xa xưa. Thuở xứ La Gàn là một thương cảng sầm uất, ghe tàu tấp nập, nổi danh là
vùng đất đô hội, nhộn nhịp bán buôn, phố chợ rộng rãi, sầm uất (…) Mỗi khi đến rằm hay cúng
đình (kỳ yên), cúng miễu, đón canh tiếng trống tùng tùng nhịp hai là biết có đố thai. Ai cũng
ráng ăn cơm sớm để vọt đi giải đố, kiếm chút quà. Hồi ấy, người lớn rất thích ra những câu đố
với nhau, tụi con nít cũng hay nghe ké, hóng hớt ăn theo trả lời, được câu nào trúng là sướng
lắm. Trãi qua bao biến cố thăng trầm, đố thai gián đoạn, mãi đến năm 1978, cụ Sáu Đạt, cụ Phú
Đức mới gầy dựng lại. Từ đó đến nay đã 36 năm, năm nào Hội đố thai cũng diễn ra đúng vào
đêm giao thừa, trở thành “món ăn tinh thần”5.

Mô hình đố thai ở Bình Thuận rất giống ở Mỹ Xuyên, thể hiện tính đồng dạng của trò chơi
khi nó được tổ chức ở một thương cảng ven biển La Gàn. Tuy nhiên đến nay trò đố thai Bình
Thuận cũng không được duy trì, sau một thời gian được khôi phục từ 1978.

4
Tôn Thất Bình (1990), Kim Long những ngày xuân thanh lịch, Tạp chí Sông Hương, số 1, tr. 40
5
Minh Chiến - Đố Thai, vui vẻ xóm làng
Nguồn: http://binhthuancpv.org.vn/View.aspx?ID=10404&CatID=256&T=S
Thú vị vô cùng là ở Tòa Thánh Tây Ninh, tại Văn Minh Điện, ông Thông Quang mỗi năm
có phận sự tổ chức trò đố thai và sau khi ông mất học trò, đệ tử còn ghi lại các câu thai do ông ra.
Do yếu tố tôn giáo nên phần lớn nội dung câu thai là huấn đạo và liên quan đến sự tích của các
bậc thờ tự của đạo Cao Đài. Sau 1983 - sau khi ông Thông Quang mất trò đố thai cũng không
được tổ chức nữa6. Ông Thông Quang quê ở Long Xuyên, nên rõ là trò chơi được một cá nhân
lan tỏa.

Như vậy, từ một vài hiện tượng có thể nhận định đố thai xuất hiện trong đời sống trí tức thị
dân, và khác với mô hình chơi đố đèn đố chữ của người Hoa ở tính dung nạp của đố thai người
Việt cao hơn nên nó mới có sự biến đổi khá nhiều, phụ thuộc vào vùng miền nó tồn tại.

3. Trò chơi đố thai ở Mỹ Xuyên Sóc Trăng hiện nay


Ở thị trấn Mỹ Xuyên (tức Bãi Xàu xưa, nay dân gian vẫn dùng tên này), huyện Mỹ Xuyên,
tỉnh Sóc Trăng trò chơi được tổ chức tại miếu thờ thành hoàng, vào dịp tết Trung thu, với mô
hình không mấy khác xưa, chỉ khác về nội dung câu đố địa phương hóa và hiện đại hơn.

Ban tổ chức trò đố thai gồm: những người ra thai (thầy thai) cũng chính là ban giám khảo,
là các thành viên trong Ban trị sự những người có uy tín trong làng để bảo đảm lời giải câu thai
không bị lộ; thường chỉ là 1 - 3 người. Người tham gia thì rất đông, thường là cư dân lân cận, vì
“mã” để giải được câu thai tính địa phương rất cao, nếu ngoài địa phương thường không đoán
được. Trong đó, người nhà của thầy thai không được phép tham gia để đảm bảo tính công bằng.
Trong nhóm người chơi, sẽ có những người được gọi là “thầy dùi” tức là họ không chắc đáp án,
nên “bày” cho người khác, xúi người khác nói, sau đó men theo những đáp án gần đúng mà ra
đáp án chính xác. Số thầy dùi này không cố định là ai, nhưng thường chỉ là một người nào đó
trong một cộng đồng nhỏ.

Trước 1 ngày chơi thì thầy thai cùng ban giúp việc dán câu thai phía ngoài miếu thành
hoàng. Buổi chiều trước khi chơi thai, ban thủ lễ và thầy thai cúng miếu, đến 7h tối thì bắt đầu
chơi, khoảng 9h tối kết thúc, số lượng câu thai được giải thường là 40 câu cho một cuộc chơi.
Những câu thai không giải được, thì không đưa đáp án mà tiếp tục hẹn ở năm sau; phải chăng đó
là sự thú vị riêng của trò đố thai ở Sóc Trăng?

6
Dẫn theo

- Hiến tài Trần Văn Rạng, (2015), Giáo dục văn hóa đạo Cao Đài, tài liệu nội bộ.

Nguồn: https://tusachcaodai.files.wordpress.com/2015/04/giaoducvanhoadaocaodai.pdf

- Quang Minh, (1984), Tiểu sử ông Thông Quang

Nguồn: https://www.daotam.info/booksv/BuiVanTiep/TieuSuPhoiSuThaiDenThanh/tieusuphoisuthaidenthanh.htm
Ban giám khảo ngồi phía trong, nếu người nào giải đáp sai câu thai thì gõ mõ 1 tiếng "cóc",
nếu đáp gần đúng thì gõ mõ 3 tiếng "cóc-cóc-cóc" để khuyến khích người giải đáp tiếp tục suy
nghĩ. Nếu đáp đúng thì gõ mõ 3 tiếng và gõ kẻng 1 tiếng "cóc-cóc-cóc-keng". Khi nghe tiếng
“xèng” thì người đáp được nhận giải thưởng. Giải có thể là gói thuốc, gói mì, bánh kẹo ...

Ví dụ: Câu thai ra:

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

Xuất bỉnh (bỉnh: bánh)

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi thì phải bò, xuất bỉnh đáp là bánh bò.

Nhưng đáp án của người ra câu thai là bánh bò rễ tre thì câu đáp án là bánh bò chỉ mới gần
đúng. Do vậy ban giám khảo gõ mõ 3 tiếng "cóc-cóc-cóc" để cho bên ngoài tiếp tục suy nghĩ và
bàn luận một hồi thế nào cũng có một người đáp đúng.

Câu thai có câu khó câu dễ, câu khó thì lại có “thầy dùi” xúi cho bọn trẻ hay những người
chơi trước để mò dần đến câu gần đúng. Yếu tố cộng đồng rất rõ nét khi người ta tự nhường nhau
nếu mình đã giải được nhiều rồi, không có ham giành quá nhiều giải thưởng.

Mô hình khóa để giải được câu thai: khác với đố thai ở Huế khóa thường là “tự” hay các
yếu tố ghẹo nhau của các mệ Huế hay 30 con bài tới như một mã đặc thù; cũng khác với đố thai
ở Tây Ninh là phải nắm được yếu tố sự tích của các bậc thánh Cao Đài; ở Mỹ Xuyên để ra câu
thai và giải được câu thai cần có nguyên tắc tình - ý - lý - lái mà thầy thai lẫn người chơi đều
phải nắm giữ. Lái ở đây chính là lối “nói lái” của người Nam Bộ. Còn cái tình ở đây không chỉ là
ý nghĩa được “vận vào” trong mỗi câu thai mà còn ở cả tình làng, nghĩa xóm; tính địa phương rất
rõ trong ý thai. Thông qua những câu thai, cách dẫn dắt, gợi mở đáp án của thầy thai còn đem
đến những giá trị nhất định đối với cộng đồng về việc phải tuân thủ những quy tắc, luật lệ… dù
chỉ là một cuộc chơi vui. Những câu thai được công bố phải đáp ứng những điều kiện có tính
chất quy tắc. Tùy theo phần “xuất” (tức là phần gợi ý) - người chơi sẽ tìm phương hướng để giải
nghĩa chữ, nghĩa câu, hoặc ẩn ý của sự kiện mà ra đáp án cho đúng với đòi hỏi của câu thai. Phần
“xuất” đưa ra phạm vi cụ thể để người chơi tập trung vào chỉ một sự việc, sự vật cụ thể. Phần
xuất càng cụ thể, câu thai càng khó và tính thú vị càng cao.

Cụ Hai Bé (Trịnh Văn Bé - ông thầy thai hơn 30 năm gắn bó với trò chơi, đã mất năm
2018) có lý giải: “Có câu người ta dùng “nói lái” là “lái liền”, nhưng cũng có câu người ta lại
dùng “lái qua, lại lại” đến 2-3 lần. Tỷ dụ như câu Cưỡi ngựa phải có dây cương. Để vô thế trận
biết đường mà ra. Câu này xuất mộc - tức là chỉ cái cây… nhưng mà cây gì cụ thể? Dây cương
nói lái là dương cây… mà dương cây “lái” lần nữa thì ra cây dương! Hay những câu rất thú vị
dành cho trẻ con đoán thì láy ý nhẹ nhàng hơn:

Vật gì đem cúng ngày rằm

Tụng kinh lầm thầm, búng cánh bay lên.

Xuất bỉnh: bánh cúng vốn là nói lái từ chữ “búng cánh”7.

Ngoài ra còn có nguyên tắc “phạm văn”, tức là nếu những chữ gì đã có trong câu thai thì
không được có trong đáp án. Ví dụ: “Anh em hoà hiệp một nhà. Giúp cha mẹ già trong lúc ốm
đau”, xuất danh hiệu. Câu trả lời đúng là Thuận Thảo, tên một tiệm ở Mỹ Xuyên. Dù ở Mỹ
Xuyên có biển hiệu Hiệp Hoà nhưng vì “phạm văn chữ hoà, chữ hiệp” nên không trúng. Người
ra câu thai lẫn người giải đố luôn luôn phải nắm nguyên tắc này, chắc chắn lời giải sẽ không có
chữ nào có mặt trên câu đố cả; không hiểu yếu tố này thường là bọn trẻ con hay khách phương
xa, nên dù ra đáp án khá đúng nhưng cũng đành tiếc hùi hụi.

4. Lý giải cơ sở xã hội văn hóa của sự tồn tại của đố thai ở Mỹ Xuyên hiện nay

Trò chơi đố thai vốn đình đám một thời, có thể xem là thú vui ngày tết rất tao nhã đặc
trưng của người Việt. Rất tiếc nó đã mất dần trong đời sống sinh hoạt văn hóa hiện nay ở diện
rộng.

Ngạc nhiên là sự tồn tại của trò chơi này ở Mỹ Xuyên, dù tổ chức nhỏ lẻ, hoặc có năm
không tổ chức được nhưng gần như ai cũng biết chơi đố thai, kể cả trẻ con với nguyên tắc tình -
ý - lý - lái như xưa. Có thể thấy, xuất phát là một trò chơi đố chữ trí tuệ, ở Mỹ Xuyên trò chơi
được dân gian hóa, chơi trong tập thể, kết quả tuy là của cá nhân nhưng vẫn là quá trình tập thể
cùng nhau giải, được địa phương hóa chính là yếu tố cơ bản quyết định sự tồn tại của trò chơi
này. Nó không chỉ là câu chuyện của một ông thầy thai, càng không phải là câu chuyện của
người ngoài, nên tính cố kết cộng đồng rất cao, và sự làm mới của các ông thầy thai, chuyển nội
dung các câu thai mới hơn trên nguyên tắc cũ, hay chuyển từ tư duy hình tượng của chữ Hán
sang dạng hình tượng chữ Việt càng khiến cho nó có cơ sở tồn tại. Không thể dạy người vùng
khác chơi đố thai ở Mỹ Xuyên, và sự đúng sai của câu trả lời phần lớn do người Mỹ Xuyên đồng
ý, dù tính ra nó không hợp lý về logic điều đó càng cho thấy ở một vùng đất nhỏ, mã văn hóa gần
như quy định tư duy thẩm mỹ của một trò chơi.

Nên có thể nói đùa, với đố thai thời gian như dừng lại ở Mỹ Xuyên, một sản phẩm có lẽ
thuộc về thế kỷ XX với những giao thoa Hán ngữ và Quốc ngữ, giao thoa giữa trí thức Nho học
và tầng lớp thị dân khá rõ. Ngoài ra sự gìn giữ trò chơi của các trí thức ở Mỹ Xuyên Sóc Trăng,
các ông thầy thai và sự gìn giữ trong tâm khảm của mỗi người dân chính là một loại “bảo tồn”

7
Gỡ băng từ phim tư liệu năm 2015 của nhà báo Cao Thành Long - đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Sóc Trăng.
rất quan trọng để trò chơi còn tồn tại. Giữa rất nhiều các loại trò chơi hiện đại, tết đến, hay Trung
thu về trong từng nhóm nhỏ ở Mỹ Xuyên Sóc Trăng người ta vẫn chơi những trò vui chữ nghĩa
này; gắn kết cộng đồng bằng niềm vui thanh tao, đôi khi là một nét đẹp hiếm hoi giữa thời đại
mà quá trình hiện đại hóa đô thị hóa đã “lỡ” làm mất nhiều điểm lãng mạn; phải chăng thời gian
“lãng quên” góc nhỏ miền Bãi Xàu, để đôi câu đố thai vẫn vang lên, nhẹ nhàng, tình cảm, vui
tươi…

Đ.T.C

Tài liệu tham khảo

1. Tôn Thất Bình (1990), Kim Long những ngày xuân thanh lịch, Tạp chí Sông Hương, số
1, tr. 40.
2. Huỳnh Tịnh Của (1895), Đại Nam Quốc âm tự vị, Sài Gòn.
3. Sơn Nam (1994), Biên khảo Thuần phong mỹ tục Việt Nam (Quan, hôn, tang, tế), Nxb.
Tổng hợp Đồng Tháp.
4. Sơn Nam (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nxb. Phù Sa - Sài Gòn.
5. Từ Phát (1970), Thai đố phổ thông giảng giải (Bản pdf).
6. Lục Tỉnh tân văn số 512 ngày 28-02-1918.
7. Tạp chí Cần học 1953 - 1954 (tập 2).
8. Bài viết có sử dụng tư liệu của ông Trần Thành Trung (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật
quốc gia Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh), tư liệu phim của ông Cao Thành Long (Đài phát
thanh truyền hình Sóc Trăng), kết quả nghiên cứu của dự án: Sưu tầm, kiểm kê và phục dựng trò
chơi dân gian Đố thai của người Việt ở Sóc Trăng (chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 -
chủ nhiệm dự án Đoàn Thị Cảnh).

You might also like