1.KỸ THUẬT VÔ TRÙNG CƠ BẢN

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 12

KHOA Y – ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.

HCM
NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG

KỸ THUẬT VÔ TRÙNG CƠ BẢN


ThS. Lê Thạc Thuyên
MỤC TIÊU:
Sau khi hoàn thành bài này, sinh viên có khả năng:
1. Thực hiện được kỹ thuật rửa tay nội khoa, ngoại khoa đúng quy trình
2. Thực hiện được kỹ thuật mang và tháo găng tay vô khuẩn đúng quy trình.
3. Thực hiện được kỹ thuật mặc áo choàng vô khuẩn đúng quy trình.
4. Soạn được một mâm dụng cụ vô khuẩn đúng nguyên tắc vô khuẩn

NỘI DUNG:
I. GIỚI THIỆU
Vô khuẩn có hai hình thức: vô khuẩn nội khoa và vô khuẩn ngoại khoa.
1. VÔ KHUẨN NỘI KHOA
Định nghĩa
Còn được gọi là sự làm sạch, làm hợp vệ sinh, có nghĩa là dùng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu
số lượng vi sinh vật hiện có trên một vật hay một vùng, cùng các hình thức để kiểm soát sự lây lan
các tác nhân gây bệnh như:
- Rửa tay.
- Mang găng sạch.
- Mặc áo choàng.
- Giặt giũ
Mục đích của vô khuẩn nội khoa
- Làm giảm sự lây truyền trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật từ người này sang người khác,
từ vùng này sang vùng khác.
- Giảm số vi khuẩn gây bệnh, tăng an toàn cho môi trường sống của con người.
- Tạo cho cơ thể có sức đề kháng cao.
Các biện pháp áp dụng của vô khuẩn nội khoa
- Có nhiều biện pháp trong vô khuẩn nội khoa cụ thể như:
Rửa tay:
- Trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân.

1
- Trước và sau khi thực hiện các thủ thuật hay kỹ thuật trên người bệnh.
- Trước khi vào và sau khi rời khỏi phòng bệnh.
- Sau khi sờ mó vào vật dơ bẩn.
- Sau khi tháo găng.
Cung cấp phương tiện, vật chứa cho bệnh nhân để chứa các dịch tiết, chất thải (đờm, nước
tiểu, phân).
- Khi ho, hắt hơi nên bao phủ miệng và mũi để tránh nước bọt bắn ra ngoài.
- Không để các bệnh nhân dùng chung vật dụng.
- Tránh tung bụi khi quét dọn.
- Lau sạch sàn nhà và tường.
- Đặt vật sạch xa các vật bẩn.
- Phòng bệnh phải thoáng để không khí vận chuyển được.
- Áp dụng biện pháp cách ly cho bệnh nhân nhiễm.
2.VÔ KHUẨN NGOẠI KHOA
Định nghĩa
- Vô khuẩn ngoại khoa, là tình trạng trong đó những vùng, vật hoàn toàn không có sự hiện diện
của vi khuẩn kể cả bào tử.
- Vô khuẩn ngoại khoa được áp dụng trong các thủ thuật mà dụng cụ:
- Phải xuyên qua da (tiêm, chọc, dò).
- Xuyên hoặc tiếp xúc với vùng vô trùng (thông tiểu).
- Tiếp xúc với các vùng da, niêm mạc không còn nguyên vẹn (như vết thương, phẫu thuật, sinh
đẻ).
Mục đích
- Vô khuẩn ngoại khoa là biện pháp để bảo vệ một vật hay một vùng được hoàn toàn vô khuẩn.
Nguyên tắc áp dụng của vô khuẩn ngoại khoa
- Dùng kìm vô khuẩn hay mang găng vô khuẩn để tiếp xúc với các vật vô khuẩn.
- Không được choàng tay qua vùng vô khuẩn.
- Không được nói chuyện, ho, hắt hơi vào vùng vô khuẩn.
- Khi đi ngang qua vùng vô khuẩn, không được quay lưng về hướng vô khuẩn.
- Vật vô khuẩn bị ướt được xem như không còn vô khuẩn.
- Bình kìm tiếp liệu vô khuẩn phải được giữ khô ráo (không ngâm dung dịch).
- Mở gói đồ vô khuẩn phải để xa thân người, không để chạm vào áo quần.
- Phần dưới thắt lưng không được xem là vô khuẩn.
- Khi đã mang đồ vật ra khỏi hộp hay gói đồ vô khuẩn không được đặt trả lại.
- Nếu nghi ngờ tình trạng vô khuẩn của một vật phải xem vật đó không vô khuẩn.

2
II. KỸ THUẬT RỬA TAY
1.Mục đích
- Ngăn ngừa sự lan truyền vi khuẩn qua đôi tay
- Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cho nhân viên y tế và người bệnh
2. Phương tiện vệ sinh tay
2.1. Hóa chất vệ sinh tay (VST)
- Mọi hóa chất VST sử dụng trong y tế phải được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Cácloại hóa
chất VST thường được sử dụng hiện nay:
+ Xà phòng thường: Dạng bánh hoặc dạng dung dịch không chứa tác nhân diệt khuẩn.
+ Xà phòng khử khuẩn: Dạng dung dịch có chứa chloherxidine hoặc iodine.
+ Dung dịch VST chứa cồn (isopropanol, ethanol, n-propanol hoặc kết hợp hai trong các
thành phần này hoặc kết hợp với 1 chất khử khuẩn).
- Các hóa chất VST cần có chất làm ẩm da hoặc chất dưỡng da. Bình cấp hóa chất VST cần
kín, có bơm định lượng tự động hoặc bằng cần gạt hoạt động tốt, có nhãn ghi rõ loại dung
dịch VST và còn hạn sử dụng, được gắn tại các vị trí thuận lợi cho người sử dụng. Hạn chế
sử dụng xà phòng dạng bánh, nếu sử dụng thì cần lựa chọn loại bánh nhỏ, để trong giá đựng
có nắp đậy kín và có lỗ thoát nước.
2.2. Bồn rửa tay
- Bồn rửa tay ngoại khoa: Rộng, thành cao, có vòi cấp nước tự động hoặc cần gạt, quanh bồn
không để phương tiện, đồ vật khác.
- Bồn rửa tay thường quy: Vòi cấp nước có cần gạt hoặc khóa vặn hoạt động tốt; bồn sạch,
quanh bồn không để phương tiện, đồ vật khác.
2.3. Nước rửa tay
- Nước rửa tay ngoại khoa: Nước vô khuẩn, ví dụ nước máy hoặc nước RO (Reverse Osmosis
- thẩm thấu ngược) được khử khuẩn bằng tia cực tím hoặc được lọc qua màng siêu lọc.
- Nước rửa tay thường quy: Nước sạch (ví dụ nước máy đạt tiêu quy chuẩn Quốc gia về nước
sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT được cấp qua vòi có khóa hoạt động tốt).
2.4. Khăn lau tay
- Khăn lau tay cho rửa tay thường quy: Khăn sạch sợi bông hoặc khăn giấy sử dụng một lần.
Nếu là khăn sợi bông, cần giặt khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng, được đựng trong hộp cấp
khăn kín tại mỗi điểm rửa tay.
- Khăn lau tay cho VST ngoại khoa: Khăn sợi bông được hấp tiệt khuẩn hoặc khăn giấy vô
khuẩn dùng một lần. Khăn cần được đóng gói theo cơ số vừa đủ cho một ca phẫu thuật và
3
được cấp cùng bộ áo choàng vô khuẩn trong buồng phẫu thuật. Nếu áp dụng quy trình VST
ngoại khoa bằng dung dịch VST chứa cồn thì có thể sử dụng loại khăn giấy/khăn sợi bông
sạch đựng trong thùng cấp khăn tại khu vực bồn rửa tay để lau khô tay trước khi chà tay
bằng dung dịch VST chứa cồn.
3. KỸ THUẬT VỆ SINH TAY THƯỜNG QUY
- Dù VST bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn cần thực hiện
theo kỹ thuật 6 bước:
+ Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
+ Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
+ Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.
+ Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp
với lòng bàn tay).
+ Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm
lấy ngón cái).
+ Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

4
Hình 1. Quy trình rửa tay thường quy
- Khi thực hiện quy trình VST thường quy cần lưu ý một số điểm sau:
+ Lựa chọn đúng phương pháp VST: Nếu bàn tay nhìn rõ vết bẩn hoặc dính các dịch tiết của
cơ thể phải VST bằng nước và xà phòng thường. Chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn khi
tay không trông rõ vết bẩn, sau tháo bỏ găng hoặc khi thăm khám giữa các NB.
+ Lấy đủ 3ml -5 ml dung dịch VST cho mỗi lần VST.
+ Tuân thủ đúng kỹ thuật VST. Chà tay cùng hóa chất VST theo đúng trình tự từ bước 1 tới
bước 6, mỗi bước chà 5 lần để bảo đảm hóa chất tiếp xúc đều trên toàn bộ bề mặt bàn tay.
Trường hợp chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn, nếu chà đủ 6 bước mà tay chưa khô thì
lặp lại các bước cho tới khi tay khô. Trường hợp VST bằng nước và xà phòng thì trước khi
lấy dung dịch xà phòng cần mở vòi nước và làm ướt bàn tay; sau khi kết thúc 6 bước chà tay
cần rửa lại tay dưới vòi nước để loại bỏ hoàn toàn hóa chất trên tay, lau khô tay bằng khăn
sạch, khóa vòi nước bằng khăn vừa sử dụng, thải bỏ khăn vào thùng thu gom khăn.
+ Tuân thủ đúng thời gian VST: Thời gian chà tay với hóa chất VST theo quy trình 6 bước
phải đạt từ 20 giây-30 giây.
+ Không rửa lại tay bằng nước và xà phòng sau khi đã chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn.
+ Tránh làm ô nhiễm lại bàn tay sau VST: Sử dụng nước sạch để rửa tay, sử dụng khăn sợi
bông/khăn giấy sạch dùng 1 lần để lau khô tay, sử dụng khăn đã dùng lau khô tay để đóng
vòi nước. Không dùng một khăn lau tay chung cho nhiều lần rửa tay.
+ Không sử dụng máy sấy tay để làm khô tay. Xem xét lựa chọn loại găng tay không có bột
talc để thuận lợi cho việc khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn.
4. VỆ SINH TAY NGOẠI KHOA
4.1. Mục đích
Loại bỏ phổ vi khuẩn vãng lai và định cư có trên da bàn tay, cổ tay, cẳng tay và khuỷu tay
nhằm ngăn ngừa lan truyền tác nhân gây bệnh từ tay NVYT vào vết mổ trong quá trình phẫu
thuật.
4.2. Đối tượng, phạm vi áp dụng
Mọi NVYT trực tiếp tham gia phẫu thuật (phẫu thuật viên, phụ mổ, dụng cụ viên, bác sỹ gây
mê v.v).
4.3. Các bước tiến hành: Lựa chọn 1 trong 2 phương pháp
a. Phương pháp rửa tay bằng dung dịch xà phòng khử khuẩn
- Đánh kẽ móng tay: Làm ướt bàn tay. Lấy 3ml-5ml dung dịch xà phòng khử khuẩn vào lòng
bàn tay. Chà sạch kẽ móng tay của từng bàn tay bằng bàn chải trong 30 giây.
5
- Rửa tay lần 1 trong 1 phút 30 giây: Làm ướt bàn tay tới khuỷu tay. Lấy 3ml - 5ml dung dịch
xà phòng khử khuẩn vào lòng bàn tay. Chà bàn tay như quy trình rửa tay thường quy (chà
lòng bàn tay, mu bàn tay, kẽ ngón, mu ngón, ngón cái), sau đó chà tay tới cổ tay, cẳng tay
và khuỷu tay. Tráng tay dưới vòi nước theo trình tự từ đầu ngón tay tới khuỷu tay, loại bỏ
hoàn toàn dung dịch khử khuẩn trên tay.
- Rửa tay lần 2: Tương tự rửa tay lần 1.
- Làm khô tay: Làm khô toàn bộ bàn tay, cổ tay, cẳng tay tới khuỷu tay bằng khăn vô khuẩn
dùng 1 lần.
Chú ý: (1) Thời gian tay tiếp xúc với hóa chất được tính bằng tổng thời gian chà tay của 2 lần
rửa tay. Không tính thời gian di chuyển tới bồn rửa tay, thời gian tráng lại tay bằng nước
sạch và lau khô tay; (2) Trong quá trình rửa tay, bàn tay luôn hướng lên trên; (3) Trường
hợp không kiểm soát được chất lượng vô khuẩn của nước và khăn lau tay thì sau khi lau
khô tay cần chà tay (từ cổ tay tới khuỷu tay và sau cùng là bàn tay) bằng dung dịch VST
chứa cồn trong thời gian tối thiểu 1 phút.
b. Phương pháp khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn
Bước 1: Rửa tay bằng xà phòng thường, không dùng bàn chải, 1 phút.
1) Mở vòi nước, làm ướt bàn tay tới khuỷu tay.
2) Lấy 3ml-5ml dung dịch xà phòng thường vào lòng bàn tay.
3) Chà bàn tay như quy trình rửa tay thường quy (lưu ý chà kỹ các kẽ móng tay), sau đó chà
cổ tay, cẳng tay lên tới khuỷu tay.
4) Rửa tay dưới vòi nước, theo trình tự từ đầu ngón tay tới khuỷu tay, loại bỏ hoàn toàn xà
phòng trên tay.
5) Lau khô tay bằng khăn tiệt khuẩn hoặc khăn giấy sạch theo trình tự từ bàn tay tới khuỷu
tay.
Bước 2: Chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong thời gian tối thiểu 3 phút
6) Lấy 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn vào lòng bàn tay trái, nhúng 5 đầu ngón tay của bàn
tay phải ngập trong cồn trong 5 giây, sau đó chà cổ tay, cẳng tay tới khuỷu tay của tay phải
(chà cho tới khi tay khô).
7) Lấy tiếp 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn vào lòng bàn tay phải, nhúng 5 đầu ngón tay
của bàn tay trái ngập trong cồn trong 5 giây, sau đó chà cổ tay, cẳng tay tới khuỷu tay của
tay trái (chà cho tới khi tay khô).
8) Lấy tiếp 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn, chà bàn tay như quy trình VST thường quy
(chà lòng bàn tay, mu bàn tay, kẽ ngón, mu ngón, ngón cái, các đầu ngón tay) cho tới khi
6
tay khô.
9) Lấy tiếp 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn vào lòng bàn tay trái, nhúng 5 đầu ngón tay của
bàn tay phải ngập trong cồn trong 5 giây, sau đó chà cổ tay, cẳng tay tới khuỷu tay của tay
phải (chà cho tới khi tay khô).
10) Lấy tiếp 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn vào lòng bàn tay phải, nhúng 5 đầu ngón tay
của bàn tay trái ngập trong cồn trong 5 giây, sau đó chà cổ tay, cẳng tay tới khuỷu tay của
tay trái (chà cho tới khi tay khô).
11) Lấy tiếp 3ml-5ml dung dịch VST chứa cồn, chà bàn tay như quy trình VST thường quy
(chà lòng bàn tay, mu bàn tay, kẽ ngón, mu ngón, ngón cái, các đầu ngón tay) cho tới khi
tay khô.
Chú ý: (1) Nếu thời gian chà tay chưa đủ 3 phút thì lấy tiếp 3ml-5 ml dung dịch VST chứa
cồn, chà bàn tay như quy trình VST thường quy cho tới khi đủ 3 phút; (2) Trong quá trình
VST, bàn tay luôn hướng lên trên.
III. KỸ THUẬT MANG GĂNG
1.Mục đích
Tiếp cận với vùng, vật vô khuẩn.
2. Dụng cụ
Chuẩn bị đôi găng tay phù hợp về kích cỡ và hạn dùng
3. Những điểm cần lưu ý
Mang găng tay vô khuẩn:
- Tay chưa mang găng chạm vào mặt trong của găng.
- Tay mang găng rồi chạm vào mặt ngoài của găng.
- Tay đã mang găng luôn để trước mặt, trong tầm mắt và cao hơn thắt lưng.
Tháo găng tay vô khuẩn:
- Tay đang mang găng chạm vào mặt ngoài của găng ở cổ tay găng.
- Tay đã tháo găng rồi chạm vào mặt trong của găng ở cổ tay găng.
- Luôn chú ý giữ cho tay không chạm vào vùng bẩn của găng.
- Phải rửa tay thường quy lại sau khi tháo găng.

7
Hình 2. Mang găng trái

Hình 3. Mang găng phải

Hình 4. Sau khi mang găng

IV. MẶC ÁO CHOÀNG VÔ KHUẨN


1.Mục đích
- Mặc áo choàng vô khuẩn nhằm mục đích ngăn ngừa vi khuẩn từ nhân viên y tế lây lan vào
vùng phẫu thuật và ngược lại trong các trường hợp phẫu thuật hoặc làm thủ thuật.

Áo choàng có thể vô khuẩn có thể được đóng gói riêng từng chiếc hoặc được đóng trong
hộp hấp gồm nhiều cái. Để đảm bảo áo được vô khuẩn thì khi chuẩn bị áo choàng được
gấp sao cho nếp theo hình đèn xếp hoặc cuộn tròn để hơi tiệt khuẩn dễ dàng xuyên qua các
lớp của áo. Có hai loại áo choàng: loại có khẩu trang và không có khẩu trang.
2.Những điểm cần lưu ý:
8
2.1. Khi chuẩn bị áo choàng cho việc tiệt trùng:
- Gập mặt phải áo vào trong, mặt trái áo ra ngoài.
- Hai mép cổ áo ở ngoài cùng để việc mặc áo được thuận lợi và đảm bảo vô khuẩn.
- Cần phải có bàn để mở gói áo trong trường hợp áo được gói riêng từng cái.
- Mặc ngay áo choàng vô khuẩn sau khi rửa tay ngoại khoa, trước khi mang găng.
2.2. Khi mặc áo choàng
- Tay (chưa đi găng) không được động vào mặt ngoài của áo.
- Áo không chạm vào người hoặc bất kỳ vật gì xung quanh.
- Cần có người phụ để giúp mặc áo. Người phụ khi mặc áo không tiếp xúc tay với mặt ngoài
của áo và tay của người mặc. Áo bị coi là nhiễm khuẩn khi bị chạm vào người phụ giúp.
2.3. Khi cởi áo choàng
- Yêu cầu người phụ tháo dây cố định áo ở sau lưng (dây khẩu trang, dây cổ áo và dây thắt
lưng).
- Tháo từng bên tay áo một và đảm bảo mặt trái của tay áo lộn ra ngoài, mặt phải áo được
cuộn gọn vào trong tránh không chạm vào tay và quần áo của người mặc áo đế hạn chế
nhiễm bẩn cho người mặc áo và lan truyền rộng ra môi trường.

Hình 5. Mở và cầm mặt trong áo choàng

Hình 6. Đưa 2 tay vào trong 2 tay áo, hoàn tất việc mặc áo choàng

9
V. ĐÁNH GIÁ: Đánh giá cuối module theo phương pháp OSCE.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kỹ năng Y khoa cơ bản, NXB Y học, 2009.
2. Điều dưỡng cơ bản, tập II, NXB Y học Hà Nội, 2007.

BẢNG KIỂM RỬA TAY THƯỜNG QUY


KHÔNG
STT NỘI DUNG ĐẠT
ĐẠT
Chuẩn bị:
- Dung dịch rửa tay
1 - Khăn lau tay
- Tháo bỏ đồ trang sức
- Móng tay cắt đúng qui định
Thực hiện:
2
Bước 1: Làm ướt đôi bàn tay dưới vòi nước sạch, lấy dung dịch rửa tay
và tạo bọt.

3 Bước 2: Rửa lưng bàn tay: lòng bàn tay này chà sát lên lưng bàn tay kia
và ngược lại

4 Bước 3: Rửa lòng bàn tay: 2 lòng bàn tay chà sát, các ngón tay đan xen
nhau

5 Bước 4: Rửa chân kẽ các ngón tay: các đầu tay của bàn tay này chà sát
vào kẽ ngón tay của bàn tay kia và ngược lại

6 Bước 5: Rửa ngón tay cái và phần xung quanh: bàn tay này ôm ngón cái
của bàn tay kia chà sát và ngược lại

7 Bước 6: Rửa đầu ngón tay: chụm 5 đầu ngón tay của bàn tay này chà vào
lòng bàn tay kia và ngược lại

10
BẢNG KIỂM MANG GĂNG VÔ KHUẨN
KHÔNG
STT NỘI DUNG ĐẠT
ĐẠT
Chuẩn bị:
1 - Tháo bỏ trang sức, móng tay cắt đúng qui định
- Chọn găng tay phù hợp đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn

Thực hiện:
2 Bước 1: Để túi găng nơi thuận tiện, mở túi găng vô khuẩn an toàn.
- Xác định găng tay bên trái, bên phải

3 Bước 2: Tay chưa đeo găng: cầm vào mặt trong của găng bên kia ở phía
cổ găng

Bước 3: Kkép 4 ngón tay lại, ngón cái dạng ra đưa vào chạm các chân
4 ngón tay của găng sau đó kéo thật nhanh (chú ý: bỏ giấy bọc
găng)
5 Bước 4: Tay đã đeo găng: cầm vào mặt ngoài của găng

6 Bước 5: Khép 4 ngón của bàn tay còn lại, ngón cái dạng ra đưa vào
chạm các chân ngón tay của găng tay sau đó kéo thật nhanh

7 Bước 6: Kéo chỉnh găng tay đảm bảo vô khuẩn, để bàn tay vô khuẩn an
toàn

11
BẢNG KIỂM MẶC, CỞI ÁO CHOÀNG VÔ KHUẨN
KHÔNG
STT NỘI DUNG ĐẠT
ĐẠT

Chuẩn bị:
- Áo choàng vô trùng
1
- Phẫu thuật viên và người phụ tháo bỏ trang sức, móng tay cắt,
rửa tay ngoại khoa

Thực hiện mặc áo choàng:


2
Lấy áo choàng vô khuẩn

3 Phẫu thuật viên cầm áo choàng mặt trái ở 2 mép cổ áo hoặc ngực áo, thả
áo xuống sao cho mặt trái hướng về phía phẫu thuật viên

4 Phẫu thuật viên luồn 2 tay vào 2 ống tay áo, cẩn thận giữ cổ tay áo phủ
kín lên bàn tay và đưa thẳng ra phía trước.

5 Người phụ đứng sau lưng, luồn tay vào mặt trái của áo kéo dây cổ áo lên
và buộc lại

Phẫu thuật viên dùng tay đang giấu kín trong tay áo lần lượt đưa 2 dây
6 thắt lưng cho người phụ buộc lại (Tay không vòng ra sau lưng và không
chạm mặt ngoài áo)
7 Sau khi mặc áo, phẫu thuật viên để 2 tay phía trước ngực

Cởi áo choàng:
8 Trường hợp chưa tháo găng: tay mang găng nắm giữ mặt ngoài vai áo
đối diện, tay còn lại sau khi đã tháo găng nắm giữ mặt trong vai áo còn
lại

9 Trường hợp đã tháo găng: Tay phải nắm lấy vai áo bên trái, kéo ra,
tương tự như vậy với bên còn lại

12

You might also like