Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 7

1 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

PHÂN TÍCH “VIỆT BẮC” (Tố Hữu) LIVE 01

I. KHÁI QUÁT TÁC GIẢ TÁC PHẨM


~1/2 → 2/3 trang giấy thi
1. Tác giả:
- Tố Hữu là nhà thơ “trữ tình chính trị”
+ Thơ vốn là tiếng lòng của người cầm bút, là không gian nghệ thuật để
người nghệ sĩ giãi bày nỗi lòng của mình bằng con chữ.
➔ Nhà thơ Tố Hữu cũng không ngoại lệ. Mặc dù thơ Tố Hữu tập trung
khắc họa những sự kiện lịch sử và những mốc thời gian quan trọng
của dân tộc nhưng vẫn không thiếu đi chất ngọt ngào, tha thiết được
kết tinh từ chính xúc cảm dạt dào nơi tâm hồn người nghệ sĩ. (yếu
tố trữ tình) Đúng như cây bút xứ Huế từng chia sẻ “Thơ là tấm gương
của tâm hồn”.
+ Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác và bắt nguồn từ cảm hứng trong đời sống
chính trị của đất nước, tập trung khắc họa những sự kiện lịch sử quan
trọng, những hoạt động Cách mạng nổi bật – luôn hướng đến “lẽ sống
lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn” (yếu tố chính trị)
➔ “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên thành rất đỗi trữ tình.” (Xuân
Diệu)
- Thơ Tố Hữu hòa quyện giữa cái chung và cái riêng, vừa bộc bạch
tiếng lòng của người chiến sĩ Cách mạng ấy; vừa nói lên những vui
buồn của dân tộc sau chặng đường dài của lịch sử. → Nhà thơ hòa
quyện cái “tôi” cá nhân của mình vào cái “ta” chung của cộng đồng,
của dân tộc.
➔ Câu chuyện trong thơ của Tố Hữu không chỉ là những rung động
nơi trái tim ông, mà còn là chặng đường chung – nỗi lòng chung của
cả dân tộc.

2. Tác phẩm:
Hoàn cảnh sáng tác:
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi; hiệp định Giơ-ne-vơ
vừa được kí kết, hòa bình lập lại - mở ra một trang sử mới của đất nước.
+ Tháng 10 năm 1954: TW Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở
về Thủ đô. Cũng là một trong những cán bộ từ căn cứ miền núi trở về
miền xuôi năm ấy, Tố Hữu đã viết nên thi phẩm “Việt Bắc” vừa để ghi lại

Trang 1
2 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

sự kiện lịch sử của đất nước (yếu tố chính trị), vừa để bộc bạch tấm lòng
của người ra đi với “Thủ đô gió ngàn” (yếu tố trữ tình).
➔ Tác phẩm là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến
chống Pháp và những con người kháng chiến.

II. PHÂN TÍCH CHI TIẾT


1. 8 câu thơ đầu: Lời đối đáp của người ở - người đi trong khoảnh
khắc chia ly
a. 4 câu thơ đầu: Lời chân tình của người ở lại
Dẫu nhân vật trữ tình là người ra đi, chuẩn bị tạm biệt “Thủ đô gió
ngàn” để về với “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”; nhưng nhà thơ Tố
Hữu vẫn bắt đầu cuộc đối thoại bằng lời của người ở lại, bởi lẽ ông
không chỉ thấu hiểu nỗi lòng của người đi mà còn thấm thía cả những
rung động sâu xa nơi cõi lòng của người dân Việt Bắc:
“-Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
➔ Rõ ràng, nhà thơ Tố Hữu phải gắn bó với nhân dân Việt Bắc vô cùng
sâu sắc, thiết tha, ông mới có thể hiểu được tấm lòng của họ đến
vậy.
➔ Theo bạn, vì sao nhà thơ Tố Hữu lại bắt đầu cuộc đối đáp trong
khoảnh khắc chia ly bằng lời của người ở lại?
Phải chăng, vì người ở lại sẽ tiếp tục sống trong không gian mênh mang
của những hoài niệm, sẽ tiếp tục gắn bó với nơi mà suốt mười lăm năm
ấy, họ đã cùng sẻ chia biết bao đắng cay ngọt bùi, sẽ ở lại với núi rừng
Việt Bắc – nơi mà nhìn đâu cũng thấy bóng hình của người ra đi…? Bởi lẽ
ấy, nỗi lòng người ở thường bịn rịn, vấn vương, lưu luyến hơn cả. Họ
thậm chí còn lo lắng người ra đi trở về với miền xuôi, với những hành
trình mới những nhiệm vụ mới, có khi nào sẽ quên lãng những gì đã từng
có hay không?
- Đoạn thơ bắt đầu bằng một lời ướm hỏi nhẹ nhàng, như muốn
khơi gợi những kỉ niệm ân tình đã từng có, mong rằng người ra đi
sẽ không bao giờ quên: “Mình về mình có nhớ ta” → Một câu thơ
sáu chữ mà có tới hai chữ “mình” (chỉ người ra đi), như một cách

Trang 2
3 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

người ở lại nhấn mạnh nỗi lòng của họ hoàn toàn hướng về người
ra đi. Phải chăng, tâm trí họ lúc này cũng ngập đầy hình bóng các
cán bộ miền xuôi trong lời tạm biệt đầy bịn rịn thương nhớ? Và có
lẽ cũng bởi bước chân của năm tháng thì bao giờ cũng vô tình, dòng
chảy thời gian đôi khi sẽ cuốn trôi mọi kí ức đã từng vô cùng đậm
sâu trong quá khứ, vì thế nỗi lắng lo của người ở lại cũng thật tự
nhiên, dễ hiểu…
- Khoảng thời gian họ gắn bó bên nhau đã được gói gọn trong một
câu thơ thấm đẫm xúc cảm: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.
+ Khoảng thời gian mười lăm năm được tính từ thời kháng Nhật (khởi
nghĩa Bắc Sơn năm 1940) đến khi những người cán bộ chuẩn bị tạm biệt
chiến khu VB (tháng 10 – 1954) → khoảng thời gian chính xác của lịch sử.
➔ Đó thực sự là một quãng thời gian dài, đong đếm không biết bao
nhiêu những kỉ niệm, họ đã cùng nhau đi qua những ngày Cách
mạng khó khăn nhất đến khi ánh sáng rực rỡ đã soi chiếu phong
trào. Cùng dìu nhau qua những gian nan ấy, làm sao họ có thể quên
lãng những gì đã từng sẻ chia?
+ Kết hợp với bốn chữ “thiết tha mặn nồng”, người ở lại đã thực sự khẳng
định rằng những kí ức ấy đậm đà vô cùng, thật khó lòng có thể phủ nhận
hay gói ghém trong một vùng lãng quên của tâm hồn. Thật vậy, có những
địa danh lúc ban đầu có thể chỉ là một nơi xa lạ, nhưng trải qua năm tháng
gắn bó, nó đã trở thành những điểm đến của bản đồ nỗi nhớ trong trái
tim, “bỗng hóa tâm hồn” nơi sâu thẳm của cả người đi và người ở…
- Đến với câu thơ thứ ba, nỗi nhớ một lần nữa được bộc bạch và nhấn
mạnh – tạo nên một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, bồi hồi trong trái
tim người ở lại: “Mình về mình có nhớ không”. Phép điệp được thể
hiện vô cùng tinh tế ở hai câu lục, chỉ thay đổi một chữ → nhấn
mạnh sự trăn trở trong tấm lòng người ở lại, lo lắng rằng liệu người
ra đi có nhớ về những tháng năm đã cùng nhau đi qua hay không.
Lời thơ như hóa thành khúc hát ân tình được cất lên từ sâu thẳm cõi
lòng tha thiết của nhân dân Việt Bắc. → Chính hai câu hỏi này cũng
như một lời thủ thỉ từ người ở lại, rằng câu trả lời của trái tim họ sẽ
luôn luôn là đong đầy nỗi nhớ. Vì họ không bao giờ quên, nên họ
mới sợ bị lãng quên.
- Nỗi nhớ được khắc họa trong bức tranh cảnh vật núi rừng Việt Bắc
với những hình ảnh bình dị, gần gũi: cây, núi, sông, nguồn

Trang 3
4 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

+ Chính những kỉ niệm sẽ “thổi hồn” vào cảnh vật, biến những sự vật
tưởng chừng vô tri vô giác trở thành minh chứng cho những hồi ức sâu
sắc của một thời để nhớ → Bức tranh thiên nhiên dường như cũng rung
động theo cõi lòng của người ở lại, cũng mênh mang một nỗi nhớ đậm
sâu về chặng đường đã từng gắn bó với cán bộ năm ấy.
+ Phép điệp lại một lần nữa được khéo léo sử dụng trong ý thơ, để nhấn
mạnh những xúc cảm dạt dào nơi tâm hồn người ở lại khi nhớ về những
tháng năm đã từng có. “Nhìn … nhớ … nhìn … nhớ…” → Nỗi nhớ trở
thành một quy luật bất biến trong “sự vận hành” của trái tim thì phải, nó
như một xúc cảm thường trực luôn sẵn sàng thổn thức chỉ cần thoáng
trông một hình bóng nào đó gợi nhắc về hoài niệm.
+ Bình luận của bạn Bình Phước:
Người cầm bút dường như muốn nhấn mạnh cội nguồn của Cách mạng
Việt Nam qua câu thơ: “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”. "Cây"
chính là mái nhà của những đồi núi, là thứ phòng chống thiên tai hủy diệt
tự nhiên nơi núi cao. Còn "nguồn" là nơi đầu của dòng thủy lưu, cung cấp
cho những sông, hồ khắp mảnh đất Việt. Tố Hữu đã xuất sắc vận dụng
những hình ảnh thiên nhiên, vừa để tôn vinh nét đẹp tự nhiên, bình di
cửa núi vừng Việt Bắc, vừa khẳng định rằng Việt Bắc chính là cái nôi của
cách mạng, đã góp phần đem đến nhiều thắng lợi cho dân ta. Từ tình cảm
ân nghĩa giữa người với người, tác giả đã biến xúc cảm ấy thành ý thức
về nguồn cội, về quê hương đất nước.
- Tác giả sử dụng cặp đại từ “mình” – “ta”
• Cặp đại từ quen thuộc trong ca dao, dân ca Việt Nam →lời thơ mang
đậm âm hưởng dân gian – đậm đà màu sắc dân tộc
“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo, ta đề bài thơ”
“Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”
• Thường gắn liền với câu chuyện của tình yêu lứa đôi → Phải chăng,
đó cũng là cách nhà thơ khẳng định tình cảm gắn bó sâu sắc giữa
người ở với người đi cũng đong đầy những thăng hoa xúc cảm,
cũng dạt dào những nỗi nhớ thương như của những người yêu
nhau bằng trọn vẹn con tim mình…?

Trang 4
5 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

➔ Khiến lời thơ như những lời thủ thỉ tâm tình đầy ngọt ngào, tha
thiết.
➔ Một sự kiện chính trị đã được chuyển hoá thành thơ ca theo cách
trữ tình hoá, đây chính là nét đặc trưng trong lối thơ của Tố Hữu
(trữ tình chính trị). Cuộc chia tay lịch sử đã thành câu chuyện ân tình,
thuỷ chung của cách mạng với người dân miền núi Việt Bắc, với
quá khứ, với chính mình.

b. 4 câu thơ sau: Lời đáp lại tha thiết của người ra đi
“- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

- Ở câu thơ đầu tiên, đại từ “ai” mang ý nghĩa phiếm chỉ, không chỉ
rõ đối tượng cụ thể. → Từ “ai” vừa xóa nhòa đi hình bóng, lại vừa
nhấn mạnh – khắc ghi những kỉ niệm “tha thiết”. Dường như, tác
giả chủ ý sử dụng từ “tha thiết” để “đối xứng” với ý thơ “thiết tha
mặn nồng” bên trên của người ở lại. Phải chăng, câu thơ đầu thôi
cũng đã là một lời đáp lại trọn vẹn những ân tình của nhân dân Việt
Bắc, khẳng định tấm lòng của người ra đi năm ấy cũng mặn nồng,
sâu sắc, đậm đà nhớ thương như vậy…
- Nhà thơ sử dụng các từ láy để khắc họa tâm trạng của người ra đi:
+ “Bâng khuâng” → diễn tả thế giới nội tâm của người ra đi → khắc họa
những chênh vênh trong xúc cảm, những lưu luyến bịn rịn khi biết mình
buộc phải chia xa nhưng lòng chưa sẵn sàng để nói lời tạm biệt, vì thế cứ
muốn nấn ná thêm với những kí ức đã gắn bó trong cả một chặng đường
dài.
+ “Bồn chồn” → miêu tả những cử chỉ bên ngoài có thể dễ dàng quan sát
→ hóa ra những “bâng khuâng” không chỉ được giấu kín riêng trong cõi
lòng, mà còn được thể hiện qua cả hành động – qua bước chân đi chẳng
hề dứt khoát, quyết liệt bởi không nỡ rời xa chiến khu.
- Nhà thơ sử dụng phép hoán dụ thật tinh tế và giàu cảm xúc: lấy dấu
hiệu của sự vật để gọi tên sự vật: “Áo chàm đưa buổi phân ly” – lấy
hình ảnh áo chàm vốn quen thuộc của người dân Việt Bắc làm điểm
nổi bật trong bức tranh chia xa, cũng như nhấn mạnh rằng màu áo

Trang 5
6 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

chàm thân thương ấy hay tất cả những “dấu hiệu nhận biết” thuộc
về nhân dân Việt Bắc chắc chắn sẽ in dấu sâu sắc trong trái tim cán
bộ miền xuôi. Nếu như người dân “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ
nguồn”, sống trong không gian của hoài niệm để rồi cứ đong đầy
thương nhớ; thì người cán bộ sau này chỉ cần thoáng thấy một sắc
màu, một tấm áo gợi nhớ về hình bóng của nhân dân, chắc chắn trái
tim cũng sẽ ngập đầy nhớ thương… Hình ảnh hoán dụ “áo chàm”
cụ thể đến nao lòng. Đó là bóng hình của những người lao động
bình dị, chất phác, khốn khó nhưng giàu nghĩa tình với ý chí lớn
lao. Chính chiếc “áo chàm” ấy đã góp một phần rất lớn vào sự thành
công của cuộc kháng chiến dân tộc. Chiếc áo ấy cũng xuất hiện trong
“buổi phân li”, càng khiến cho người ra đi phải xao xuyến, khắc
khoải.
Liên hệ: Như trong “Bóng áo chàm trên núi”, nhà thơ Thâm Tâm cũng từng thốt
lên một tiếng gọi tha thiết: “Áo chàm là áo chàm ơi – Người ở đây đó, để người
thương nhau”. Tấm áo ấy không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của
người dân vùng cao, mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật đong đầy xúc
cảm trong thi ca qua lăng kính của những người nghệ sĩ trót yêu thương núi
rừng. Cũng trong câu thơ này, tác giả Tố Hữu đã tinh tế sử dụng từ cổ “phân
li” thay vì những từ bình dị, quen thuộc hơn như “chia tay”, “chia ly” – để qua
đó trang trọng hóa không gian của khoảnh khắc ly biệt.
- Để rồi, đến câu thơ cuối cùng, dường như không ngôn từ nào bộc
bạch được hết tâm tình của người ra đi, nên nhà thơ đành gửi gắm
nỗi lòng qua một hành động thật bình dị thay bao lời muốn nói:
“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
+ Dường như, khoảnh khắc “phân ly” này đặc biệt đến nỗi, chính cây bút
trữ tình chính trị Tố Hữu cũng chẳng biết lựa chọn từ ngữ nào đủ để
chuyên chở được trọn vẹn nỗi lòng. Phải chăng, ngôn từ cũng không đủ
để bộc bạch hết những xúc cảm, những vấn vương, những lưu luyến
trong cõi lòng người ra đi năm ấy? Họ chỉ biết kí thác tất cả những tâm tư
vào những cái cầm tay. Cách trao gửi tình cảm thật quá đỗi gần gũi, càng
khẳng định mối quan hệ ấy vừa thân thiết, lại vừa bình dị vô cùng.
+ Trạng thái “biết nói gì hôm nay” phải chăng không phải là không có gì
để nói, mà ngược lại, khi có quá nhiều điều muốn bày tỏ, người ta bối rối
đến mức chỉ có thể lặng im, để không gian tĩnh lặng thủ thỉ thay cho
những xốn xang bên trong tâm hồn.

Trang 6
7 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

+ Liên hệ:
Giống như những vần thơ đầy da diết của Vân Khánh:
“Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên”
Tình cảm giữa người đi và người ở quả thực chẳng hề ồn ào, xôn xao, không quá
vồ vập với những câu yêu thương mãnh liệt đến khoa trương hào nhoáng, mà chỉ
đơn thuần được thủ thỉ dịu dàng qua những cái cầm tay và khoảnh khắc không
nói thành lời. Ấy vậy mà, tình cảm ấy quả thực tha thiết. Hay như trong “Tống
biệ thành”, nhà thơ Thâm Tâm cũng từng khắc họa cả một bầu trời thương nhớ
trong cõi lòng nhân vật trữ tình mà chẳng cần đến một lời nói cụ thể được cất
lên:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.”
Họ không cần nói với nhau lời nào, nhưng trong lòng vẫn miên man những cơn
sóng, nhưng ánh mắt đã ngập đầy “hoàng hôn” của ráng chiều. Hoàng hôn ấy
đâu đến từ khoảnh khắc giao điểm giữa ban ngày và ban đêm, mà là một phút
lắng lại của tâm hồn khi phải chia ly dẫu trái tim chưa thật sự sẵn sàng. Có lẽ,
cái cầm tay bịn rịn ấy của người ra đi cũng gói ghém hết thảy những cơn sóng
âm ỉ trong nỗi lòng, những hoàng hôn đang đong đầy trong ánh mắt thủy
chung…

Trang 7

You might also like