Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 15

1 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

PHÂN TÍCH “VIỆT BẮC” (Tố Hữu) LIVE 01 + 02

I. KHÁI QUÁT TÁC GIẢ TÁC PHẨM


~1/2 → 2/3 trang giấy thi
1. Tác giả:
- Tố Hữu là nhà thơ “trữ tình chính trị”
+ Thơ vốn là tiếng lòng của người cầm bút, là không gian nghệ thuật để
người nghệ sĩ giãi bày nỗi lòng của mình bằng con chữ.
➔ Nhà thơ Tố Hữu cũng không ngoại lệ. Mặc dù thơ Tố Hữu tập trung
khắc họa những sự kiện lịch sử và những mốc thời gian quan trọng
của dân tộc nhưng vẫn không thiếu đi chất ngọt ngào, tha thiết được
kết tinh từ chính xúc cảm dạt dào nơi tâm hồn người nghệ sĩ. (yếu
tố trữ tình) Đúng như cây bút xứ Huế từng chia sẻ “Thơ là tấm gương
của tâm hồn”.
+ Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác và bắt nguồn từ cảm hứng trong đời sống
chính trị của đất nước, tập trung khắc họa những sự kiện lịch sử quan
trọng, những hoạt động Cách mạng nổi bật – luôn hướng đến “lẽ sống
lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn” (yếu tố chính trị)
➔ “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên thành rất đỗi trữ tình.” (Xuân
Diệu)
- Thơ Tố Hữu hòa quyện giữa cái chung và cái riêng, vừa bộc bạch
tiếng lòng của người chiến sĩ Cách mạng ấy; vừa nói lên những vui
buồn của dân tộc sau chặng đường dài của lịch sử. → Nhà thơ hòa
quyện cái “tôi” cá nhân của mình vào cái “ta” chung của cộng đồng,
của dân tộc.
➔ Câu chuyện trong thơ của Tố Hữu không chỉ là những rung động
nơi trái tim ông, mà còn là chặng đường chung – nỗi lòng chung của
cả dân tộc.

2. Tác phẩm:
Hoàn cảnh sáng tác:
+ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi; hiệp định Giơ-ne-vơ
vừa được kí kết, hòa bình lập lại - mở ra một trang sử mới của đất nước.
+ Tháng 10 năm 1954: TW Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở
về Thủ đô. Cũng là một trong những cán bộ từ căn cứ miền núi trở về
miền xuôi năm ấy, Tố Hữu đã viết nên thi phẩm “Việt Bắc” vừa để ghi lại

Trang 1
2 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

sự kiện lịch sử của đất nước (yếu tố chính trị), vừa để bộc bạch tấm lòng
của người ra đi với “Thủ đô gió ngàn” (yếu tố trữ tình).
➔ Tác phẩm là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến
chống Pháp và những con người kháng chiến.

II. PHÂN TÍCH CHI TIẾT


1. 8 câu thơ đầu: Lời đối đáp của người ở - người đi trong khoảnh
khắc chia ly
a. 4 câu thơ đầu: Lời chân tình của người ở lại
Dẫu nhân vật trữ tình là người ra đi, chuẩn bị tạm biệt “Thủ đô gió
ngàn” để về với “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”; nhưng nhà thơ Tố
Hữu vẫn bắt đầu cuộc đối thoại bằng lời của người ở lại, bởi lẽ ông
không chỉ thấu hiểu nỗi lòng của người đi mà còn thấm thía cả những
rung động sâu xa nơi cõi lòng của người dân Việt Bắc:
“-Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
➔ Rõ ràng, nhà thơ Tố Hữu phải gắn bó với nhân dân Việt Bắc vô cùng
sâu sắc, thiết tha, ông mới có thể hiểu được tấm lòng của họ đến
vậy.
➔ Theo bạn, vì sao nhà thơ Tố Hữu lại bắt đầu cuộc đối đáp trong
khoảnh khắc chia ly bằng lời của người ở lại?
Phải chăng, vì người ở lại sẽ tiếp tục sống trong không gian mênh mang
của những hoài niệm, sẽ tiếp tục gắn bó với nơi mà suốt mười lăm năm
ấy, họ đã cùng sẻ chia biết bao đắng cay ngọt bùi, sẽ ở lại với núi rừng
Việt Bắc – nơi mà nhìn đâu cũng thấy bóng hình của người ra đi…? Bởi lẽ
ấy, nỗi lòng người ở thường bịn rịn, vấn vương, lưu luyến hơn cả. Họ
thậm chí còn lo lắng người ra đi trở về với miền xuôi, với những hành
trình mới những nhiệm vụ mới, có khi nào sẽ quên lãng những gì đã từng
có hay không?
- Đoạn thơ bắt đầu bằng một lời ướm hỏi nhẹ nhàng, như muốn
khơi gợi những kỉ niệm ân tình đã từng có, mong rằng người ra đi
sẽ không bao giờ quên: “Mình về mình có nhớ ta” → Một câu thơ
sáu chữ mà có tới hai chữ “mình” (chỉ người ra đi), như một cách
người ở lại nhấn mạnh nỗi lòng của họ hoàn toàn hướng về người

Trang 2
3 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

ra đi. Phải chăng, tâm trí họ lúc này cũng ngập đầy hình bóng các
cán bộ miền xuôi trong lời tạm biệt đầy bịn rịn thương nhớ? Và có
lẽ cũng bởi bước chân của năm tháng thì bao giờ cũng vô tình, dòng
chảy thời gian đôi khi sẽ cuốn trôi mọi kí ức đã từng vô cùng đậm
sâu trong quá khứ, vì thế nỗi lắng lo của người ở lại cũng thật tự
nhiên, dễ hiểu…
- Khoảng thời gian họ gắn bó bên nhau đã được gói gọn trong một
câu thơ thấm đẫm xúc cảm: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.
+ Khoảng thời gian mười lăm năm được tính từ thời kháng Nhật (khởi
nghĩa Bắc Sơn năm 1940) đến khi những người cán bộ chuẩn bị tạm biệt
chiến khu VB (tháng 10 – 1954) → khoảng thời gian chính xác của lịch sử.
➔ Đó thực sự là một quãng thời gian dài, đong đếm không biết bao
nhiêu những kỉ niệm, họ đã cùng nhau đi qua những ngày Cách
mạng khó khăn nhất đến khi ánh sáng rực rỡ đã soi chiếu phong
trào. Cùng dìu nhau qua những gian nan ấy, làm sao họ có thể quên
lãng những gì đã từng sẻ chia?
+ Kết hợp với bốn chữ “thiết tha mặn nồng”, người ở lại đã thực sự khẳng
định rằng những kí ức ấy đậm đà vô cùng, thật khó lòng có thể phủ nhận
hay gói ghém trong một vùng lãng quên của tâm hồn. Thật vậy, có những
địa danh lúc ban đầu có thể chỉ là một nơi xa lạ, nhưng trải qua năm tháng
gắn bó, nó đã trở thành những điểm đến của bản đồ nỗi nhớ trong trái
tim, “bỗng hóa tâm hồn” nơi sâu thẳm của cả người đi và người ở…
- Đến với câu thơ thứ ba, nỗi nhớ một lần nữa được bộc bạch và nhấn
mạnh – tạo nên một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, bồi hồi trong trái
tim người ở lại: “Mình về mình có nhớ không”. Phép điệp được thể
hiện vô cùng tinh tế ở hai câu lục, chỉ thay đổi một chữ → nhấn
mạnh sự trăn trở trong tấm lòng người ở lại, lo lắng rằng liệu người
ra đi có nhớ về những tháng năm đã cùng nhau đi qua hay không.
Lời thơ như hóa thành khúc hát ân tình được cất lên từ sâu thẳm cõi
lòng tha thiết của nhân dân Việt Bắc. → Chính hai câu hỏi này cũng
như một lời thủ thỉ từ người ở lại, rằng câu trả lời của trái tim họ sẽ
luôn luôn là đong đầy nỗi nhớ. Vì họ không bao giờ quên, nên họ
mới sợ bị lãng quên.
- Nỗi nhớ được khắc họa trong bức tranh cảnh vật núi rừng Việt Bắc
với những hình ảnh bình dị, gần gũi: cây, núi, sông, nguồn

Trang 3
4 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

+ Chính những kỉ niệm sẽ “thổi hồn” vào cảnh vật, biến những sự vật
tưởng chừng vô tri vô giác trở thành minh chứng cho những hồi ức sâu
sắc của một thời để nhớ → Bức tranh thiên nhiên dường như cũng rung
động theo cõi lòng của người ở lại, cũng mênh mang một nỗi nhớ đậm
sâu về chặng đường đã từng gắn bó với cán bộ năm ấy.
+ Phép điệp lại một lần nữa được khéo léo sử dụng trong ý thơ, để nhấn
mạnh những xúc cảm dạt dào nơi tâm hồn người ở lại khi nhớ về những
tháng năm đã từng có. “Nhìn … nhớ … nhìn … nhớ…” → Nỗi nhớ trở
thành một quy luật bất biến trong “sự vận hành” của trái tim thì phải, nó
như một xúc cảm thường trực luôn sẵn sàng thổn thức chỉ cần thoáng
trông một hình bóng nào đó gợi nhắc về hoài niệm.
+ Bình luận của bạn Bình Phước:
Người cầm bút dường như muốn nhấn mạnh cội nguồn của Cách mạng
Việt Nam qua câu thơ: “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”. "Cây"
chính là mái nhà của những đồi núi, là thứ phòng chống thiên tai hủy diệt
tự nhiên nơi núi cao. Còn "nguồn" là nơi đầu của dòng thủy lưu, cung cấp
cho những sông, hồ khắp mảnh đất Việt. Tố Hữu đã xuất sắc vận dụng
những hình ảnh thiên nhiên, vừa để tôn vinh nét đẹp tự nhiên, bình di
cửa núi vừng Việt Bắc, vừa khẳng định rằng Việt Bắc chính là cái nôi của
cách mạng, đã góp phần đem đến nhiều thắng lợi cho dân ta. Từ tình cảm
ân nghĩa giữa người với người, tác giả đã biến xúc cảm ấy thành ý thức
về nguồn cội, về quê hương đất nước.
- Tác giả sử dụng cặp đại từ “mình” – “ta”
• Cặp đại từ quen thuộc trong ca dao, dân ca Việt Nam →lời thơ mang
đậm âm hưởng dân gian – đậm đà màu sắc dân tộc
“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo, ta đề bài thơ”
“Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”
• Thường gắn liền với câu chuyện của tình yêu lứa đôi → Phải chăng,
đó cũng là cách nhà thơ khẳng định tình cảm gắn bó sâu sắc giữa
người ở với người đi cũng đong đầy những thăng hoa xúc cảm,
cũng dạt dào những nỗi nhớ thương như của những người yêu
nhau bằng trọn vẹn con tim mình…?

Trang 4
5 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

➔ Khiến lời thơ như những lời thủ thỉ tâm tình đầy ngọt ngào, tha
thiết.
➔ Một sự kiện chính trị đã được chuyển hoá thành thơ ca theo cách
trữ tình hoá, đây chính là nét đặc trưng trong lối thơ của Tố Hữu
(trữ tình chính trị). Cuộc chia tay lịch sử đã thành câu chuyện ân tình,
thuỷ chung của cách mạng với người dân miền núi Việt Bắc, với
quá khứ, với chính mình.

b. 4 câu thơ sau: Lời đáp lại tha thiết của người ra đi
“- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

- Ở câu thơ đầu tiên, đại từ “ai” mang ý nghĩa phiếm chỉ, không chỉ
rõ đối tượng cụ thể. → Từ “ai” vừa xóa nhòa đi hình bóng, lại vừa
nhấn mạnh – khắc ghi những kỉ niệm “tha thiết”. Dường như, tác
giả chủ ý sử dụng từ “tha thiết” để “đối xứng” với ý thơ “thiết tha
mặn nồng” bên trên của người ở lại. Phải chăng, câu thơ đầu thôi
cũng đã là một lời đáp lại trọn vẹn những ân tình của nhân dân Việt
Bắc, khẳng định tấm lòng của người ra đi năm ấy cũng mặn nồng,
sâu sắc, đậm đà nhớ thương như vậy…
- Nhà thơ sử dụng các từ láy để khắc họa tâm trạng của người ra đi:
+ “Bâng khuâng” → diễn tả thế giới nội tâm của người ra đi → khắc họa
những chênh vênh trong xúc cảm, những lưu luyến bịn rịn khi biết mình
buộc phải chia xa nhưng lòng chưa sẵn sàng để nói lời tạm biệt, vì thế cứ
muốn nấn ná thêm với những kí ức đã gắn bó trong cả một chặng đường
dài.
+ “Bồn chồn” → miêu tả những cử chỉ bên ngoài có thể dễ dàng quan sát
→ hóa ra những “bâng khuâng” không chỉ được giấu kín riêng trong cõi
lòng, mà còn được thể hiện qua cả hành động – qua bước chân đi chẳng
hề dứt khoát, quyết liệt bởi không nỡ rời xa chiến khu.
- Nhà thơ sử dụng phép hoán dụ thật tinh tế và giàu cảm xúc: lấy dấu
hiệu của sự vật để gọi tên sự vật: “Áo chàm đưa buổi phân ly” – lấy
hình ảnh áo chàm vốn quen thuộc của người dân Việt Bắc làm điểm
nổi bật trong bức tranh chia xa, cũng như nhấn mạnh rằng màu áo

Trang 5
6 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

chàm thân thương ấy hay tất cả những “dấu hiệu nhận biết” thuộc
về nhân dân Việt Bắc chắc chắn sẽ in dấu sâu sắc trong trái tim cán
bộ miền xuôi. Nếu như người dân “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ
nguồn”, sống trong không gian của hoài niệm để rồi cứ đong đầy
thương nhớ; thì người cán bộ sau này chỉ cần thoáng thấy một sắc
màu, một tấm áo gợi nhớ về hình bóng của nhân dân, chắc chắn trái
tim cũng sẽ ngập đầy nhớ thương… Hình ảnh hoán dụ “áo chàm”
cụ thể đến nao lòng. Đó là bóng hình của những người lao động
bình dị, chất phác, khốn khó nhưng giàu nghĩa tình với ý chí lớn
lao. Chính chiếc “áo chàm” ấy đã góp một phần rất lớn vào sự thành
công của cuộc kháng chiến dân tộc. Chiếc áo ấy cũng xuất hiện trong
“buổi phân li”, càng khiến cho người ra đi phải xao xuyến, khắc
khoải.
Liên hệ: Như trong “Bóng áo chàm trên núi”, nhà thơ Thâm Tâm cũng từng thốt
lên một tiếng gọi tha thiết: “Áo chàm là áo chàm ơi – Người ở đây đó, để người
thương nhau”. Tấm áo ấy không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của
người dân vùng cao, mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật đong đầy xúc
cảm trong thi ca qua lăng kính của những người nghệ sĩ trót yêu thương núi
rừng. Cũng trong câu thơ này, tác giả Tố Hữu đã tinh tế sử dụng từ cổ “phân
li” thay vì những từ bình dị, quen thuộc hơn như “chia tay”, “chia ly” – để qua
đó trang trọng hóa không gian của khoảnh khắc ly biệt.
- Để rồi, đến câu thơ cuối cùng, dường như không ngôn từ nào bộc
bạch được hết tâm tình của người ra đi, nên nhà thơ đành gửi gắm
nỗi lòng qua một hành động thật bình dị thay bao lời muốn nói:
“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
+ Dường như, khoảnh khắc “phân ly” này đặc biệt đến nỗi, chính cây bút
trữ tình chính trị Tố Hữu cũng chẳng biết lựa chọn từ ngữ nào đủ để
chuyên chở được trọn vẹn nỗi lòng. Phải chăng, ngôn từ cũng không đủ
để bộc bạch hết những xúc cảm, những vấn vương, những lưu luyến
trong cõi lòng người ra đi năm ấy? Họ chỉ biết kí thác tất cả những tâm tư
vào những cái cầm tay. Cách trao gửi tình cảm thật quá đỗi gần gũi, càng
khẳng định mối quan hệ ấy vừa thân thiết, lại vừa bình dị vô cùng.
+ Trạng thái “biết nói gì hôm nay” phải chăng không phải là không có gì
để nói, mà ngược lại, khi có quá nhiều điều muốn bày tỏ, người ta bối rối
đến mức chỉ có thể lặng im, để không gian tĩnh lặng thủ thỉ thay cho
những xốn xang bên trong tâm hồn.

Trang 6
7 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

+ Liên hệ:
Giống như những vần thơ đầy da diết của Vân Khánh:
“Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên”
Tình cảm giữa người đi và người ở quả thực chẳng hề ồn ào, xôn xao, không quá
vồ vập với những câu yêu thương mãnh liệt đến khoa trương hào nhoáng, mà chỉ
đơn thuần được thủ thỉ dịu dàng qua những cái cầm tay và khoảnh khắc không
nói thành lời. Ấy vậy mà, tình cảm ấy quả thực tha thiết. Hay như trong “Tống
biệ thành”, nhà thơ Thâm Tâm cũng từng khắc họa cả một bầu trời thương nhớ
trong cõi lòng nhân vật trữ tình mà chẳng cần đến một lời nói cụ thể được cất
lên:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.”
Họ không cần nói với nhau lời nào, nhưng trong lòng vẫn miên man những cơn
sóng, nhưng ánh mắt đã ngập đầy “hoàng hôn” của ráng chiều. Hoàng hôn ấy
đâu đến từ khoảnh khắc giao điểm giữa ban ngày và ban đêm, mà là một phút
lắng lại của tâm hồn khi phải chia ly dẫu trái tim chưa thật sự sẵn sàng. Có lẽ,
cái cầm tay bịn rịn ấy của người ra đi cũng gói ghém hết thảy những cơn sóng
âm ỉ trong nỗi lòng, những hoàng hôn đang đong đầy trong ánh mắt thủy
chung…

2. 12 câu thơ tiếp: Những kỉ niệm gian khổ mà nghĩa tình giữa người
đi và người ở qua lời thủ thỉ của người dân Việt Bắc
Vào thời khắc phải nói lời tạm biệt, nhiều người thường có xu hướng
hoài niệm về những gì đã qua, về những kỉ niệm đã từng có, về những
tháng năm đã từng chia sẻ… bởi chính những kí ức ấy sẽ trở thành sợi
dây gắn kết giữa người đi – người ở, là xuất phát điểm của nỗi nhớ khắc
khoải trong tim mỗi người:
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai

Trang 7
8 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

Trám bùi để rụng, măng mai để già.


Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thưở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

- Họ nhớ những kỉ niệm gian khó đã cùng nhau chia sẻ:


“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai?
+ Phép điệp cấu trúc trở đi trở lại trong suốt đoạn thơ, men theo dòng
hồi ức của người ở lại:
• Như một lời nhắn gửi tha thiết tới người ra đi về những gì họ đã
từng có (sau mỗi cụm “Mình đi… Mình về…” sẽ là những hoài niệm
xưa cũ trong mười lăm năm gắn bó mặn nồng) → những kỉ niệm
quay về trong tâm trí người ở lại như những thước phim quay chậm
về một đoạn đường để nhớ trong chặng hành trình mà họ đã trải
qua bên nhau.
• Hai động từ “đi” và “về” nếu nhìn ở lớp nghĩa bề mặt, có thể độc
giả sẽ thấy sự mâu thuẫn, bởi “đi” là đến một địa điểm mới – còn
“về” là quay lại một nơi chốn đã gắn bó thân tình. Trong lăng kính
của người ở lại nhìn về cuộc chia ly, các cán bộ sẽ “đi” đến một nơi hoàn
toàn xa lạ với người dân Việt Bắc. Nhưng đồng thời, người VB cũng thấu
hiểu rằng các cán bộ đang được trở về với quê hương, “về” Thủ đô Ba
Đình nắng vàng mà họ đã xa cách suốt từng ấy năm trời. → Dẫu cho có
nhiều nuối tiếc và lắng lo trong giây phút phân ly, nhưng người ở lại vẫn
hoàn toàn hiểu rằng cuộc chia xa này là tất yếu với cuộc đời cá nhân của
từng người cũng như với vận mệnh lớn lao của Tổ quốc.
➔ Đối với người cán bộ miền xuôi, khoảng thời gian gắn bó với VB đã biến
chiến khu gió ngàn trở thành một quê hương thứ hai đầy ân tình, chung
thủy trong trái tim của họ. Vì thế, dù là “đi”, hay là “về”, thì thực chất,
cả hai điểm đến đều là quê hương.
➔ Việc lặp đi lặp lại cụm từ “Mình đi… Mình về…” không chỉ trong
bốn câu thơ này, mà xuyên suốt cả đoạn 12 câu, cũng là một minh

Trang 8
9 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

chứng cho thấy dường như sự thật về việc sắp phải tạm biệt với
vùng kí ức sâu sắc suốt mười lăm năm trời cứ trở đi trở lại trong
tâm trí người ở, choán đầy trái tim, đong đầy sự bịn rịn, lưu luyến.
+ Sự khắc nghiệt của thời tiết nơi núi rừng VB: “mưa nguồn suối lũ”,
“những mây cùng mù” → không gian hoạt động Cách mạng trong những
tháng năm ấy vô cùng gian nan, nhọc nhằn, nhiều hiểm nguy rình rập
từ thiên nhiên. Nhưng nhắc vậy không phải để thở than, mà là để nhấn
mạnh về những thăng trầm họ đã cùng dìu nhau đi qua trong suốt quãng
đường dài. Họ không chỉ bên nhau những ngày nắng đẹp, mà còn cùng
chia sớt cả những cơn mưa, nhưng ngày mây mù tăm tối. → Có lẽ, hình
ảnh thơ không chỉ được hiểu theo nghĩa đen, mà còn tượng trưng cho
những thử thách, gian nan, những “cơn mưa” đầy khốc liệt đã tạo ra
bao cách trở, rào cản trong quãng đường hoạt động Cách mạng thời kì
đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
+ Họ nhớ những bữa ăn bình dị, đơn sơ của quân và dân những ngày
hoạt động Cách mạng còn khó khăn, thiếu thốn: “miếng cơm chấm
muối”. → bữa cơm đạm bạc, đơn sơ cũng trở thành một dấu ấn khó quên
trong trái tim của người ở lại. Thậm chí, chính những gian khó ấy đã khiến
họ càng thêm gần gũi, gắn bó, thân thiết bên nhau. Bởi lẽ, hình ảnh bữa cơm
thường gợi cảm giác quây quần, đoàn tụ đầy thân mật. Phải là một mối quan hệ
bình dị nhưng đủ sâu sắc mới có thể chia sẻ cùng nhau những miếng cơm như
thế. → Ý thơ gợi hình ảnh của một gia đình hạnh phúc. Nếu Việt Bắc là quê
hương thứ hai, thì người dân Việt Bắc chính là tổ ấm thứ hai của cán bộ miền
xuôi năm đó.
+ Họ có chung trong trái tim mình, trên đôi vai mình một “mối thù nặng
vai”
• “Mối thù” là một danh từ trừu tượng, không thể nhìn thấy → Nhà
thơ đã hữu hình hóa danh từ ấy, biến “mối thù” trở thành một sự
vật cụ thể có sức nặng trên vai của những người hoạt động Cách
mạng.
• Đó chính là vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh lớn lao mà họ cũng nhau
gánh vác. Cả quân và dân đều mang trong trái tim mình lý tưởng
cao đẹp của Tổ quốc, đó cũng là lý tưởng của cả một thời đại: quyết
tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Trang 9
10 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

➔ Có chung mối thù giúp họ càng thêm gắn kết. Chính khao khát về
tương lai rực rỡ của đất nước đã tạo nên điểm tựa không thể phá vỡ
cho mối quan hệ giữa nhân dân và cán bộ.

- Họ thủ thỉ về nỗi nhớ của núi rừng, về không gian trống vắng khi
thiếu bóng người đi, về nỗi hắt hiu trong cõi lòng nhân dân VB:
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
+ Câu thơ tiếp theo, nhà thơ Tố Hữu viết đầy da diết: “rừng núi nhớ ai” –
như một sự chênh vênh trong tâm trạng của núi rừng Việt Bắc. Hay đó
là bởi chính nỗi nhớ dạt dào trong trái tim người ở lại đã quyện hòa vào
cảnh vật, để rừng núi cũng biết nhớ thương, để không gian cũng đong
đầy sự xao xuyến, bịn rịn, …
+ Nỗi nhớ người ra đi khiến cảnh vật cũng như xơ xác, trống vắng: “Trám
bùi để rụng, măng mai để già”, mọi thứ như héo khô trong sự đợi chờ,
mong nhớ. Bình thường, có lẽ, trong những bữa cơm đạm bạc, đơn sơ,
người ở lại thường nấu những món đặc sản mời người ra đi thưởng thức.
Vì thế, giờ đây, khi “vị khách” nghỉ chân lâu năm đã rời đi, họ chẳng biết
phải nấu trám bùi, măng mai để mời ai nữa… → Dường như, người ở lại
đã mượn cảnh gửi tình, mượn sự trống trải trong bức tranh rừng núi để
khắc họa cái hụt hẫng trong cõi lòng. Và có lẽ cũng bởi, người ở lại đang
bận rộn nhớ thương, chẳng còn tâm trí nào mà quay về với nhịp độ cuộc
sống sinh hoạt bình thường, mà lại tiếp tục nhặt trám, hái măng sau khi
người cán bộ chẳng còn ở đó nữa…
+ Nếu câu thơ trên là nỗi sầu của cảnh vật, thì câu thơ tiếp theo lại khắc
họa tâm trạng của con người:
• Điểm đến của nỗi nhớ lúc này là “nhà”. “Nhà” ở đây đâu phải chỉ
căn nhà theo nghĩa đen, mà có lẽ tác giả muốn gợi nhắc về cảm giác
ấm cúng thân tình trong những tổ ấm đã cưu mang người cán bộ
suốt mười lăm năm mặn nồng tha thiết. Đó là những “nhà” cất giữ
bao yêu thương, là nơi họ nương náu vào những ngày mây mù tăm
tối, là chốn bình yên luôn đón người ra đi trở về… Nhớ “nhà” phải
chăng ý nói nhớ tới tấm lòng của nhân dân Việt Bắc? Dường như,

Trang 10
11 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

không chỉ núi rừng trống trải sau chia ly, mà những căn nhà nơi ấp
ôm bao tiếng cười hoài niệm nay cũng hắt hiu, cô đơn, trống vắng…
• Dẫu cho nơi ấy có “hắt hiu lau xám”, dẫu cho khung cảnh núi rừng
có hoang sơ tiêu điều, dẫu cho cuộc sống sinh hoạt ở nơi ấy thiếu
thốn đủ thứ. Nhưng bù lại, ở nơi ấy có những mái nhà đủ đầy tình
yêu thương. → Bốn chữ “đậm đà lòng son” như tạo một phép đối
xứng với sự hắt hiu ấy của cảnh vật, qua đó càng nhấn mạnh tình
cảm của người ở lại, mãi giữ một tấm lòng son sắt thủy chung,
không bao giờ thay đổi. Nhà thơ dường như đã lấy cái “thừa” về
tinh thần để bù đắp cho cái “thiếu” của vật chất, lấy chính tình yêu
trọn vẹn của người ở lại để xoa dịu, vỗ về những khó khăn của một
giai đoạn đầy nhọc nhằn trong lịch sử.
➔ Người ở lại vừa nhắn hỏi ý tứ, tấm lòng của người ra đi, lại vừa
nhấn mạnh tình cảm không bao giờ phai mờ của mình dành cho cán
bộ, cho Cách mạng, cho quê hương đất nước.

- Dòng chảy hồi ức đưa độc giả đến với những địa danh, những
hoạt động, những dấu mốc quan trọng của phong trào Cách mạng,
qua đó khẳng định tấm lòng người ở lại:
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thưở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”
+ Tố Hữu dường như không chỉ khắc họa những nỗi nhớ riêng tư, bình
dị giữa đôi bên; mà còn phác họa nên bức tranh về những hoạt động của
Cách mạng thời kì ấy → nỗi nhớ cũng mang tính chất lịch sử (yếu tố
chính trị trong thơ Tố Hữu)
➔ Nếu như đây là những kí ức mà người ra đi kể lại, có lẽ ta sẽ thấy
thật hợp lý bởi họ đang nhắc về những nhiệm vụ chính trong giai
đoạn mười lăm năm ấy. Thế nhưng, đây lại là dòng chảy kí ức trong
lăng kính của người ở lại, điều này khiến độc giả hiểu rằng nhân
dân cũng trực tiếp tham gia vào hoạt động Cách mạng, hỗ trợ cho
phong trào của ta đạt được những thành tựu lớn lao.
➔ Người ra đi và người ở lại đều có chung lý tưởng, chung nhiệm vụ,
chung sứ mệnh cao cả hướng về đất nước. Bởi vậy mà những kí ức
gắn liền với các giai đoạn, các sự kiện “khi kháng Nhật”, “thưở còn

Trang 11
12 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

Việt Minh”; hay những địa danh như Tân Trào, Hồng Thái được kể
lại không chỉ với xúc cảm nghẹn ngào của nỗi nhớ mà còn khơi gợi
sự hào hùng, lòng kiêu hãnh khi khẳng định thành quả của quân và
dân trong phong trào Cách mạng. Một điều thú vị là sự kiện không
được sắp xếp theo trình tự thời gian, bởi đây vốn dĩ không phải một bản
“báo cáo” về các hoạt động. Những kỉ niệm được kể đơn thuần theo quy
luật của trái tim, theo sự vận động của những xúc cảm mà thôi…
+ Hai câu thơ cuối đoạn lại càng khẳng định sự kết nối bền chặt giữa
người đi và người ở:
• Câu thơ đặc biệt với ba chữ “mình”: “Mình đi, mình có nhớ mình”
➔ Nhà thơ không viết theo cách thông thường như đoạn thơ đầu tiên
mở đầu cho cuộc đối đáp này nữa. Không phải là “Mình đi, mình
có nhớ ta”; mà “ta” ở đây đã hóa thành “mình”.
➔ Giữa người đi và người ở lúc này không còn ranh giới, không còn
khoảng cách, không còn sự phân biệt cụ thể. Họ tuy hai mà một, tuy
một mà hai. Họ đã hòa quyện vào nhau bởi họ có chung một giấc
mơ hướng về Tổ quốc, họ có chung “mối thù nặng vai” đã cùng
gánh vác suốt từng ấy năm, họ có chung những câu chuyện – những
kỉ niệm gắn kết sẽ không bao giờ phai phôi trong tâm trí… Vì họ
hướng về nhau bằng một trái tim trọn vẹn tấm chân tình, vì thế, đến
đây, trong góc nhìn đong đầy xúc cảm của người ở lại, họ đã hòa
vào như thế.
• Ở một góc nhìn khác, câu thơ còn như lời tự thủ thỉ của người ra đi với
chính bản thân mình → người cán bộ tự nhắc nhở và nhắn nhủ với mình
rằng, dù có ra đi cũng đừng quên “mình” của những tháng năm quá vãng,
cũng đừng quên lãng hình ảnh của bản thân trong suốt quãng đường đã
đồng hành với nhân dân khi Cách mạng còn nhiều gian khó…
➔ Lời thơ không chỉ dừng ở hình thức đối thoại giữa hai bên, như những
lời đối đáp giao duyên nữa, mà còn như thể người cầm bút một mình
độc thoại, tự mình tạo nên những câu chuyện trò bộc bạch thay nỗi
lòng của cả người đi và người ở - bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu rõ nỗi lòng
của đôi bên…

3. 4 câu thơ tiếp: Người ra đi khẳng định tấm lòng thủy chung trọn
vẹn, không gì có thể đổi thay
“-Ta với mình, mình với ta

Trang 12
13 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh


Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…”

- Hai câu thơ đầu: các cán bộ miền xuôi đã vỗ về những trăn trở của
người ở lại, đưa ra câu trả lời thật rõ ràng cho những câu hỏi
“Mình đi … Mình về … có nhớ …”
+ Hai đại từ “mình” – “ta” đã xuất hiện từ đầu cuộc đối đáp giao duyên
đày xúc cảm, nay lại một lần nữa quay trở về trong lời đáp của người ra
đi với trọn vẹn những nhung nhớ. Phép điệp được sử dụng trong ý thơ
“Ta với mình, mình với ta” như một cách người ra đi cũng khẳng định
chẳng còn khoảng cách nào giữa đôi bên, họ tuy hai mà hòa quyện làm
một. → Câu thơ như đáp lại nỗi lòng của người ở lại, người ở vấn vương
bịn rịn ra sao – thì tâm trạng người đi cũng bồi hồi, xúc động như thế.
➔ Với câu thơ đầy tình cảm ấy, dường như không gian nghệ thuật chỉ còn
đôi bên, chỉ còn “mình” và “ta”, mọi yếu tố khác đã mờ nhòa. Họ dành
trọn tấm lòng của mình cho nhau. Chữ “với” được lặp lại hai lần đã trở
thành một sợi dây liên kết bền chặt về mặt tinh thần giữa người đi và
người ở. Dẫu sau đó họ đôi người đôi ngả, nhưng chữ “với” đã xóa nhòa
những khoảng cách địa lý để “nhường chỗ” cho những kết nối sâu sắc về
tâm hồn, dẫu rằng họ có muôn trùng cách trở nhưng chỉ cần trái tim
hướng về nhau là đôi bên vẫn sẽ được cận kề.
+ Người ra đi đưa ra một câu khẳng định chắc nịch về tình cảm của mình,
để ủi an những lo lắng của người ở lại. Nếu như nhân dân sợ cán bộ sẽ
quên lãng kí ức, thì các cán bộ miền xuôi bày tỏ thật thiết tha: “Lòng ta
sau trước mặn mà đinh ninh”.
• Cặp từ đối lập “sau” – “trước” tạo nên một dòng chảy thời gian từ
quá khứ vắt sang cả tương lai. Vốn dĩ, thời gian có sức mạnh vô
cùng ghê gớm, có thể đổi thay được mọi điều. Theo bước đi của
năm tháng, có những câu chuyện sâu sắc đã dần phai nhạt, có
những tình cảm từng đong đầy rồi cũng vơi cạn. Thế mà, người ra
đi vẫn quả quyết khẳng định rằng tấm lòng của họ, dẫu trong quá
khứ hay hiện tại và mãi sau này, vẫn sẽ luôn đậm sâu như thế.
• Nhà thơ sử dụng hai từ láy:
“mặn mà”: tình cảm tha thiết, da diết, sâu sắc, đậm đà

Trang 13
14 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

“đinh ninh”: bày tỏ niềm tin vào một việc nào đó nhất định sẽ xảy ra trong
tương lai; khẳng định tấm lòng trước sau vẫn thế, dành trọn vẹn cho
người ở lại.
- Câu thơ thứ ba có tới ba chữ “mình”, như một lời hồi đáp trực tiếp
cho câu hỏi của người ở lại phía trên. Một bên là trăn trở suy tư:
“Mình đi, mình có nhớ mình” – một bên là câu trả lời chắc chắn,
chân thành: “Mình đi, mình lại nhớ mình” → Chỉ cần thay từ “lại”
vào từ “có” thôi, nhà thơ đã thật tinh tế bộc bạch được sự thủy
chung nơi cõi lòng các cán bộ. Chữ “lại” như nhấn mạnh những yêu
thương không thể phai phôi, tạo thành một lời thề nguyện sắt son
sẽ không thay lòng đổi dạ dẫu cho năm tháng có vô tình đến thế
nào. → Nếu như Tố Hữu viết: “Mình đi, mình sẽ nhớ mình” thì có lẽ câu
thơ chỉ là một lời hứa hẹn tạm thời ở tương lai gần, có thể sẽ theo gió
thoảng mây bay mà tan biến trong một cõi hư vô. Với chữ “lại”, thi sĩ đã
tạo nên một vòng lặp của nỗi nhớ, khắc họa nỗi nhớ trở đi trở lại trong tâm
trí người ra đi suốt những tháng năm dài sau này, vắt dài qua những dấu
mốc của thời gian. Thanh nặng cũng như nhấn mạnh cõi lòng trĩu nặng
những tâm tình của các cán bộ khi phải chia xa với nhân dân chiến khu
Việt Bắc.
- Để rồi, câu thơ thứ ba đã trở thành một điểm tựa đầy vững chắc để
tạo nên ý thơ cuối cùng thật chân thành, bày tỏ trực tiếp nỗi lòng
của người cầm bút: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy
nhiêu…”
+ Ý thơ như lời hồi âm cho băn khoăn của người ở lại từ đoạn thơ đầu
tiên: “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”. Hơn ai hết, nhà thơ Tố
Hữu cùng các cán bộ miền xuôi năm ấy thấu hiểu sâu sắc sứ mệnh của
Việt Bắc trong phong trào hoạt động Cách mạng. Việt Bắc chính là cái nôi
của Cách mạng, là quê hương – tổ ấm thứ hai của người ra đi, là “núi”
của “cây”, là “nguồn” của những dòng sông con suối…
➔ Tình cảm của người ra đi dành cho chiến khu Việt Bắc sẽ chẳng bao
giờ vơi cạn, như nước trong nguồn không ngừng chảy trôi. Phải là
một tình cảm thiết tha đến nhường nào, người cầm bút mới có thể
ví von với sự bất diệt, vĩnh hằng của thiên nhiên, tạo hóa?
+ Đoạn thơ khép lại với dấu “…” tạo nên một khoảng lặng tinh tế của xúc
cảm. Ý thơ có thể đã hết, nhưng tình thơ thì vẫn còn mãi, nghẹn ngào, tha
thiết, bồi hồi không nguôi… Tình thơ ấy vượt ra khỏi khuôn khổ của

Trang 14
15 |HỌC VĂN CÔ SƯƠNG MAI

những trang giấy, phá vỡ cả những giới hạn của ngôn từ, để khẽ khàng
chạm vào tâm trí của bạn đọc, khiến chúng ta cũng xao xuyến, bịn rịn như
thể chính mình đang ở trong một cuộc chia ly. Có lẽ, tình cảm người nghệ
sĩ dành cho Việt Bắc mênh mang đến mức những con chữ cũng chẳng thể
chuyên chở hết nỗi lòng… Dấu ba chấm ấy cũng trở thành một đặc sắc
nghệ thuật bình dị mà nổi bật trong câu thơ, mà theo GS.TS Mã Giang Lân
thì “những khoảng im lặng cũng là nơi trụ ngú kín đáo của sự xúc động.” →
Lại một lần nữa, tác giả nhấn mạnh ý thức nguồn cội sâu sắc, không lãng
quên và phủ nhận quá khứ, luôn luôn phải sống và nâng niu hiện tại với
một tâm hồn ngập đầy lòng biết ơn.

Trang 15

You might also like