Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 5

BÀI TẬP ĐỌC HIỂU CUỐI HKII – NGỮ VĂN 8

Bài 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu/trả lời câu hỏi bên dưới:
ĐỨA EM HOÀN HẢO
Trước đây tôi chẳng thể nào chơi được với thằng em chín tuổi của mình, tên nó là Geoff. Từ
khi nó vừa biết nói, chúng tôi đã bắt đầu cãi vã và thường xuyên gây sự với nhau. Vì nhiều lý do,
chúng tôi lại cứ khoái chọc ghẹo nhau và những trận chiến như thế dường như chẳng bao giờ kết
thúc trong vui vẻ. Tôi thường tự hỏi sao chị em tôi lại hay gây gổ với nhau như vậy, rồi cho rằng có
lẽ do ở nó có điều gì đó mà tôi không sao hiểu nổi. Nó rất dễ nổi cáu, nói chuyện với nó không thôi
cũng đã khó đừng nói gì đến chuyện chơi chung. Đôi khi quá đỗi bực tức, tôi đã hét vào mặt nó là
tôi ghét nó và chẳng muốn thấy bản mặt của nó nữa,tôi coi nó như “kẻ thù”, cho đến buổi sáng
ngay trước lễ Giáng sinh năm ngoái.
Tám giờ sáng hôm ấy, ba mẹ tôi bị đánh thức bởi tiếng động kỳ lạ phát ra từ phòng của
Geoff. Mẹ chạy sang và phát hiện thấy nó đang lên cơn giật dữ dội. Điều này trước đây chưa từng
xảy ra nên dĩ nhiên mẹ rất hoảng sợ. Cả nhà nháo nhào đưa Geoff ra xe, nó vẫn cứ co giật trên tay
mẹ. Khoảng năm phút trước khi đến được phòng cấp cứu thì cơn co giật mới ngưng. Cả nhà đều sợ
hãi. Tôi thốt nhiên có cảm giác tội lỗi khi nhớ lại những điều tệ hại mà mình đã nói với em. Lúc đó
tôi chỉ mong sao cho em được bình yên để tôi còn có thể nói được ngàn vạn lời tạ lỗi.
….Sáng hôm sau, tôi chọn vài món quà treo trên cây Giáng sinh để đem vào bệnh viện
cho Geoff. Trong một gói quà là một con rôbôt tuyệt đẹp, Geoff nhoẻn miệng cười rất tươi. Tôi
chỉ cho em cách lắp ráp, vui mừng nhận ra em mình đang dần bình phục. Tôi cùng nằm trên
giường với em, ôm em thật lâu và thì thầm với nó rằng tôi rất hối hận về những điều mình đã nói
trước đây. Nó cũng ôm tôi, và tôi lại bắt đầu khóc vì xúc động, vì thương em nhưng cố kiềm chế
để không làm hỏng những giây phút vui vẻ mà chị em tôi đang có với nhau. Ngày kế tiếp, bác sĩ
kết luận em tôi bị động kinh.
Tôi bắt đầu tìm đọc về chứng động kinh và những điều cần làm để giúp đỡ người bệnh khi
lên cơn co giật. Tôi lên mạng, tải về một lô các tài liệu và các website về động kinh. Tôi cũng tìm
đọc cả sách y khoa về chứng bệnh này, và chuyển đề tài nghiên cứu ở trường từ máy tính sang động
kinh. Tôi nghĩ mình cần phải biết mọi điều cần thiết về căn bệnh của em mình, dần dần tôi cảm thấy
tự tin hơn và đã biết cần phải làm gì mỗi khi Geoff lên cơn. Có lẽ, sau tất cả những điều đã xảy ra,
tôi hiểu rằng tôi không hề ghét nó, mà rất thương em là đằng khác…
( Theo Vượt qua giông tố cuộc đời, bộ sách Cuộc sống kì diệu, biên Soạn Kỳ Thư, NXB Phụ nữ,
2006)
Câu 1: Xác định ngôi kể của văn bản.
Câu 2: Nhân vật chính trong văn bản là ai?
Câu 3: Xác định 2 chi tiết tiêu biểu của văn bản trên.
Câu 4: Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn trích sau: Tôi nghĩ mình cần phải biết
mọi điều cần thiết về căn bệnh của em mình, dần dần tôi cảm thấy tự tin hơn và đã biết cần phải
làm gì mỗi khi Geoff lên cơn. Có lẽ, sau tất cả những điều đã xảy ra, tôi hiểu rằng tôi không hề ghét
nó, mà rất thương em là đằng khác…
Câu 5: Trong phần in đậm, em thấy nhân vật tôi bộc lộ phẩm chất đáng quý nào?
Câu 6: Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 7: Nêu chủ đề của văn bản trên.
Câu 8. Từ văn bản trên, hãy chia sẻ bài học mà em đã rút ra được cho bản thân.
Bài 2. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu/trả lời câu hỏi bên dưới:

TÔI LÀ CON MỘT NGƯỜI MẸ BÁN THỊT


Tôi vẫn thường nhủ thầm câu “con cái không được chọn cha mẹ” như một cách an ủi mình,
bởi tôi sinh ra là con gái một người bán thịt lợn ở chợ. Trong khi đó các bạn cùng lớp đứa có bố là
kiến trúc sư, họa sĩ, đứa có mẹ là giáo viên, doanh nhân, toàn những nghề nghe thật sang trọng và
oách. Một vài đứa có bố làm to, tức là quan chức. Tôi không rõ “làm to” là làm đến chức gì nhưng
thấy các bạn rất tự hào về bố mẹ. Trong số các vị phụ huynh sang trọng đó có người được bầu vào
ban phụ huynh trường. Vào các dịp trường có sự kiện, bố mẹ những bạn ấy đều được mời đến dự.
Tôi thì không bao giờ muốn mẹ xuất hiện ở trường. Nếu mẹ có thể không đi họp phụ huynh
càng tốt. Tôi luôn bị ám ảnh rằng áo quần mẹ đều toát ra mùi thịt lợn.
Mẹ thường phải dậy từ hai ba giờ sáng để lấy thịt lợn, rồi tờ mờ sáng đã mang ra chợ bán.
Tầm trưa thì hết hàng, nhưng mẹ phải ngủ bù. Rồi lại tất bật lo đủ việc nhà, chăm sóc bố tôi bị liệt
nhiều năm. Mẹ còn chẳng có thời gian mua áo váy đẹp. Mà cũng chả mấy khi đi đâu mà diện. Tôi
thương mẹ nhưng nhiều lúc tủi thân lắm, khi tôi chẳng thể tự hào khoe về bố mẹ với bạn bè.
Điều duy nhất tôi cố gắng để thoát khỏi cái mác “con bà Hoa bán thịt lợn” là học thật giỏi.
Và tôi cũng cố gắng che giấu hoàn cảnh. Nhưng có một chuyện đã xảy đến không ngờ.
Hồi đó, chúng tôi có hai tiết ngoại khóa trong tháng. Cô Giang chủ nhiệm lớp thường sử dụng
quỹ thời gian này để dạy về “nếp nhà” cho chúng tôi. Cô dẫn chúng tôi đi trải nghiệm đâu đó hoặc
tổ chức các cuộc thi như trang trí đồ ăn, xếp lại tủ quần áo. Có lần thì cô mời phụ huynh đến nói
chuyện về nghề nghiệp của các bác ấy.
Buổi học “nếp nhà” hôm đó, tôi đã bị đông đá đến vài phút khi thấy mẹ trên màn hình trong
một video được chuẩn bị sẵn. Thú thật, tôi chỉ muốn chui xuống gầm bàn.
“Hôm nay bác Hoa, mẹ của bạn Thương sẽ hướng dẫn các em về cách chế biến một vài món
ăn từ thịt lợn. Cô bật mí là các em sẽ được thưởng thức món ăn của bác Hoa vào giờ ăn trưa nay”,
cô Giang nói.
Tôi cúi đầu thật thấp, núp sau gáy đứa ngồi bàn trên, dè dặt nhìn lên mẹ trên màn hình. Mẹ
vẫn ăn vận giản dị như mọi ngày, nhưng đúng trông xinh hơn. Hình như tóc mẹ chải mượt và có trang
điểm nhẹ.
Mẹ đứng trước bàn nấu với các dụng cụ nấu ăn. Tuy không chuyên nghiệp như trong chương
trình nấu ăn trên ti vi nhưng cũng có vẻ oách. Nhất là khi mẹ vừa hướng dẫn, vừa thoăn thoắt làm.
“Oài, con Thương sướng nhở, có mẹ khéo tay, ngày nào cũng được ăn ngon!”
“Nhìn bác ấy chả khác gì nghệ nhân nấu ăn Cẩm Vân.”
Tôi nghe các bạn nói, thấy như hất được tảng đá đè nặng lên ngực mình, nhưng vẫn không
dám nhìn sang các bạn. Mồ hôi rịn ra trên trán tôi. Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mẹ xuất hiện một
cách ngoạn mục như thế. Lần đầu tiên tôi thấy tự hào về mẹ. […]
(Chu Hồng Vân – Hoàng Hương, Chuyện thầy trò, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Tr.68)
Câu 1: Xác định ngôi kể của văn bản trên. Ai là nhân vật chính trong văn bản?
Câu 2: Xác định 2 chi tiết tiêu biểu của văn bản trên.
Câu 3: Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn trích sau: Mẹ đứng trước bàn nấu với các
dụng cụ nấu ăn. Tuy không chuyên nghiệp như trong chương trình nấu ăn trên ti vi nhưng cũng có vẻ
oách. Nhất là khi mẹ vừa hướng dẫn, vừa thoăn thoắt làm.
“Oài, con Thương sướng nhở, có mẹ khéo tay, ngày nào cũng được ăn ngon!”
“Nhìn bác ấy chả khác gì nghệ nhân nấu ăn Cẩm Vân.”
Câu 4. Em hãy nêu tính cách của nhân vật “tôi” được thể hiện qua ý nghĩ của bản thân trong phần in
đậm.
Câu 5. Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 6: Từ văn bản trên, hãy chia sẻ bài học mà em đã rút ra được cho bản thân (trình bày khoảng 50
chữ).
Bài 3: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu bên dưới:
NGƯỜI BẠN MỚI
Buổi học hôm nay có chuyện “hay” quá! Vừa về đến nhà Tú khoe ngay với mẹ:
– Mẹ ơi! Lớp con có một thằng…
Mẹ ngẩng lên:
– Sao lại thằng?
Tú vẫn hớn hở:
– Vâng! Một thằng mới vào học mẹ ạ! Buồn cười lắm!
Mẹ nhìn em:
– Buồn cười làm sao?
– Hí hí! Nó mặc áo con gái, mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
– Áo con gái thế nào?
Tú vừa cười vừa kể rằng: Cái “thằng ấy” mới xin chuyển về, vào lớp 5C của con, nó mặc cái quần
ngắn ơi là ngắn và cái áo sơ mi ở trong chiếc áo len thì lại cổ lá sen. Kiểu cổ áo của con gái. Thế có
buồn cười không?
– Cái thằng ấy, mẹ ạ…
Mẹ lắc đầu:
– Sao con cứ gọi bạn là thằng thế nhỉ? Nói chuyện với mẹ, với bố, con không được gọi bạn là thằng
nọ thằng kia. Bạn ấy tốt hay xấu mà con lại gọi thế?
Tú lúng túng:
– Con… con cũng chưa biết ạ!
– Không biết một tí gì hết?
Tú ngần ngừ, rồi thưa:
– Nó dát lắm mẹ ạ. Chúng con chế là mặc áo con gái, nó chỉ im lặng rồi đứng một mình thôi.
Nghe Tú nói, vẻ mặt mẹ vẫn không vui. Mẹ nhìn em có ý trách:
– Hết gọi bạn là thằng, rồi lại gọi là nó. Sao con không gọi hẳn tên bạn ra hoặc là: bạn ấy, bạn con
được nhỉ? Tên bạn ấy là gì?
– Là Nam. Phó Văn Nam mẹ ạ. Buồn cười quá cơ!
– Thế thì đến mai, con hãy chơi với Nam và hỏi sao Nam lại mặc áo con gái nhé!
Cậu Nam ấy, hóa ra là một học sinh giỏi. Ngay bài toán tập đầu tiên làm ở lớp mới, không cần phải hỏi
bạn ngồi bên cạnh, không xem bài của ai, cậu ấy đã được hẳn mười điểm. Mà chữ viết nữa chứ, rất đẹp.
Tú làm quen và biết được rằng nhà Nam nghèo thôi. Đến cái ti vi, bố mẹ cậu ấy cũng không có tiền
để mua. Nam phải chuyển trường đi theo bố mẹ, vì mãi đến bây giờ cơ quan mới chia nhà cho. Trước
đây là đi ở nhờ. Bố mẹ Nam có hai con. Chị Nam là con gái, áo quần mặc chật từ lúc bé, có cái nào mẹ
lại mặc cho Nam. Mặc ở nhà và mặc ở trong cũng được. Mẹ Nam bảo Nam là: Bộ mặc ở ngoài thì cần
phải đúng là của con trai. Lớn hơn nữa, thì thôi. Giờ còn bé thì mặc tạm. Mẹ sẽ dành tiền may cho Nam.
Thương mẹ vất vả, nên Nam đã vâng lời. Tú nghe bạn kể mà thương bạn. Mặc áo thừa của chị, mà vẫn
học giỏi, lại biết thương mẹ, chứ không đua đòi, thấy ai có cái gì cũng muốn có theo.
Ngay hôm đó, về nhà Tú khoe:
– Mẹ ơi! Bạn Nam ấy, hay lắm mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
– Hay làm sao?
– Bạn ấy là học sinh giỏi và… ngoan, mẹ ạ!
Mẹ nhìn em. Ánh mắt mẹ cười vui…
(Phong Thu - Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Tr.231, NXB Kim Đồng, tái bản năm 2019)
Câu 1. Xác định đề tài, bối cảnh của văn bản.
Câu 2. Hãy kể tên các nhân vật trong câu chuyện trên. Ai là nhân vật chính?
Câu 3. Xác định và gọi tên thành phần biệt lập có trong đoạn trích:
“Buổi học hôm nay có chuyện “hay” quá! Vừa về đến nhà Tú khoe ngay với mẹ:
– Mẹ ơi! Lớp con có một thằng…”
Câu 4. Qua câu chuyện trên, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 5 “Nghe Tú nói, vẻ mặt mẹ vẫn không vui. Mẹ nhìn em có ý trách:
– Hết gọi bạn là thằng, rồi lại gọi là nó. Sao con không gọi hẳn tên bạn ra hoặc là: bạn
ấy, bạn con được nhỉ? Tên bạn ấy là gì?”
Cho biết thái độ của người mẹ đối với Tú trong đoạn trích trên.
Câu 6. Qua cách ứng xử của Tú với người bạn mới, em rút ra bài học gì cho bản thân? (Trả lời trong
khoảng 60 chữ).
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI: Bài 3
Câu 1: - Đề tài: tình bạn.
- Bối cảnh: buổi học hôm nay.
Câu 2: Nhân vật có trong câu chuyện: Tú, Nam, mẹ Nam.
- Nhân vật chính: Tú
Câu 3: Thành phần biệt lập: - Mẹ ơi! (thành phần gọi đáp).
Câu 4c: Cần có tình yêu thương, niềm cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu với người có hoàn cảnh
khó khăn. Không nên đánh giá người khác qua cái nhìn bên ngoài.
………………….
Câu 5: Thái độ của người mẹ đối với Tú trong đoạn trích trên:
- Người mẹ không hài lòng với cách ứng xử của Tú với người bạn mới.
- Người mẹ nghiêm khắc nhắc nhở con.
Câu 6: Qua cách ứng xử của Tú với người bạn mới, em rút ra bài học gì cho bản thân? (Trả lời
trong khoảng 60 chữ)
- Không được tự tiện nói hay nhận xét về người khác, khi bản thân chưa hiểu rõ về họ.
- Biết sử dụng những từ ngữ có lịch sự khi giao tiếp.
-Thấu hiểu, biết đồng cảm cho hoàn cảnh của bạn.
- Đặt mình vào hoàn cảnh, để có cái nhìn đúng đắn.
Bài 4: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu/trả lời câu hỏi bên dưới:
THUỐC TIÊN
Ông nội mất. Bà nội buồn hẳn đi, già hẳn đi. Tối tối, để giải khuây, bà hay gọi hai chị em Quỳnh
An, Quỳnh Chi ra trải chiếu ở góc sân, dưới vòm hoa sứ trắng muốt, nghe bà kể chuyện xưa. Đêm
trăng sáng, tóc bà nội trắng phơ phơ. Những bông hoa sứ rơi rụng quanh chỗ ba bà cháu ngồi cũng
trắng như màu tóc ấy…
Rồi những đêm như thế thưa dần, thưa dần. Hình như bà nội sắp hết chuyện để kể cho hai chị
em? Cũng có thể vì dạo này bà đau ốm luôn, chẳng ngồi được lâu nữa. Hai chị em cũng dần dần ít
để ý đến những bông sứ trắng. Vả lại, ở lớp có nhiều chuyện vui hơn. Hàng ngày, đi học về, hai đứa
tranh nhau kể cho mẹ nghe. Cây sứ gần như bị quên lửng. Nó chỉ còn được hai chị em nhớ tới lúc
cầm chổi quét sân.
Có một buổi sáng thật lạ lùng, Quỳnh An, Quỳnh Chi dậy quét sân như thường lệ. Đang mùa
hoa sứ mà chẳng thấy bông hoa nào rụng. Bé Quỳnh Chi ngơ ngác nhìn quanh. Ồ, thì ra những
bông hoa sứ rụng trong đêm đã được ai gom vào tờ báo cũ ở góc sân đằng kia. Từ trong nhà, nội
khập khiễng bước ra:
- Nội gom làm thuốc đó! […] Nhiều người mách hoa sứ phơi khô, nấu nước uống, trị huyết áp
cao tốt lắm. Nội làm thử. Chẳng may sáng nay dậy nhặt hoa, lỡ một bước, trẹo cả chân đây!
Hai đứa lầm rầm trò chuyện:
- Hoa sứ chữa bệnh huyết áp, nghe như…thuốc tiên ấy!
- Vậy thì tuyệt nhỉ!
Rồi chẳng biết hai đứa bàn nhau những gì sau đó. Trưa, đi học về, mỗi đứa đều lấy từ cặp sách
ra một bọc ny lông toàn hoa sứ. Sứ trắng, sứ đỏ, thứ thơm ngát, thứ chẳng thơm tí nào.
- Ở sân trường tụi con đó nội! Con có ghé cả sân chùa gần nhà cô giáo nhặt thêm cho nội nữa
đấy.
Khoé mắt nhăn nheo của nội như giãn ra. […] Bất ngờ, nội giang hai cánh tay run run, ôm cả
hai chị em vào lòng, nghẹn ngào:
- Nhưng mà hai cái “hoa” này mới đúng là “thuốc” của nội đây! Thuốc tiên cũng chả bằng…
(Trần Hoài Dương, trích Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi,
NXB Trẻ, 2017, Tr.188)
Câu 1: Văn bản được kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2: Hai chị em Quỳnh An, Quỳnh Chi đã làm gì khi biết hoa sứ có thể chữa bệnh huyết áp
cao?
Câu 3: Nhận xét về tính cách của Quỳnh An, Quỳnh Chi qua việc hai chị em làm khi biết hoa sứ
có thể chữa bệnh cho bà.
Câu 4: Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn in đậm.
Câu 5: Qua câu chuyện trên, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
Câu 6: Từ văn bản trên, em rút ra bài học gì cho bản thân? (Trình bày khoảng 50 đến 60 chữ).
HD trả lời bài 4:
Câu 1: Ngôi kể: Ngôi thứ 3
Câu 2: Hai chị em Quỳnh An, Quỳnh Chi đã bàn nhau và nhặt hoa sứ ở sân trường, ở sân chùa gần
nhà cô giáo và mang về cho nội.
Câu 3: Tính cách Quỳnh An, Quỳnh Chi tự giác, hiếu thảo, yêu thương và quan tâm đến người bà
của mình.
Câu 4: Thành phần biệt lập: “Ồ” (Thành phần cảm thán)
Câu 5: Thông điệp: Hãy yêu thương, kính trọng và quan tâm tới người thân trong gia đình mình.
Câu 6: - HS trình bày được suy nghĩ của bản thân, rút ra bài học:
+ Cần có sự hiếu thảo, quan tâm chăm sóc tới người thân (ông bà, cha mẹ,…)
+ Mỗi HS cần học cách sẻ chia, yêu thương gia đình và những người xung quanh.

*DẶN DÒ: Các em làm 4 bài tập đọc – hiểu vào vở bài tập. Chiều thứ Hai (08/4/2024) sẽ làm
bài KTTX số 4 ra giấy.

You might also like