Phân tích 13 câu đầu tác phẩm Vội Vàn1

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

phamngocthanh

Phân tích 13 câu đầu tác phẩm Vội Vàng _ Xuân Diệu
----------------------------------------
Thời đại thơ Mới là một nhánh rẽ đầy ngoạn mục, táo bạo của nền thơ ca Việt Nam. Khi
ấy, thơ văn khoác lên cho mình một chiếc áo được cách tân đầy mới mẻ, là mảnh đất vô
cùng màu mỡ đã vun trồng biết bao hồn thơ độc đáo như: Tản Đà, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử
hay Xuân Diệu. Nếu Tản Đà được biết đến là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho
một cuộc dạo chơi tân kì đương sắp sửa” thì Xuân Diệu lại là người đã đưa những khúc
nhạc ấy đến một vị trí xứng tầm trong lòng độc giả. Bài thơ “Vội vàng” – một thi phẩm
tiêu biểu cho một phong cách thơ được cách tân rất mới mẻ về cả nội dung và hình thức,
một nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu văn học của người thi sĩ được mệnh danh
“Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”. Điều đó được khắc họa rõ nét qua 13 câu
thơ, ta như được đắm say cùng những vần ca của một hồn thơ Xuân Diệu sống hết mình
cho từng phút giây của cuộc đời, cho cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.
Xuân Diệu là một tác giả lớn của nền văn học Việt Nam, một cây bút xuất sắc có đóng góp
to lớn vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Ông là một người toàn tâm toàn trí, toàn
hồn, nhiệt thành cống hiến, dám sống hết mình với sự nghiệp văn chương cao đẹp; một
nhà thơ của tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm
thiết. Bài thơ “Vội vàng” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của tập “Thơ thơ” (1938)
– tập thơ đầu tay của Xuân Diệu. “Đó là tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn trẻ lúc nào
cũng thèm yêu, khát sống, say đắm cuộc đời, quyến luyến cảnh sắc trần gian, thể hiện một
quan niệm sống mới mẻ, tích cực”.
Xuân Diệu từng tâm sự: Tôi để lòng tôi trong những câu tiếng, tôi đã gửi nhịp máu
trong những nhịp thơ, đã gói ghém hơi thở của tôi trong ít nhiều âm điệu. Và “Vội
Vàng” một bài thơ như thế - nơi ông hoàng thơ tình được trải lòng cùng với trời đất,
được khát khao cống hiến và hưởng thụ. Ngay từ những dòng thơ đầu tiên ta đã bắt
gặp tiếng lòng của một tâm hồn vì quá yêu đời yêu cuộc sống nên đã bộc lộ khát vọng
không tưởng, táo báo – ước muốn níu giữ thời gian để vĩnh cửu hóa vẻ đẹp của thiên
nhiên, cuộc sống:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Nhà thơ sử dụng phép điệp “Tôi muốn” đưa người đọc cảm nhận về cái tôi tự tin, kiêu
hãnh của nhà thơ. Ông muốn tước đoạt quyền năng của tạo hóa, cưỡng lại quy luật của tự
nhiên. Muốn “tắt nắng đi” và muốn “buộc gió lại” ư? Đó là những điều không ai có thể
làm được, những khát khao thật là phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí đối với trái tim nhà
thơ, bởi đó là một trái tim đầy khát khao mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ sống,
phamngocthanh

muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của cuộc đời. Mà cuộc đời thì đẹp biết
chừng nào, quý giá biết chừng nào! Trong cuộc sống này, tất cả đều kì diệu, bởi mỗi sự vật
dù có nhỏ bé đến đâu cũng hiến cho đời cái tuyệt diệu của mình. Con người ở giữa không
gian của “nắng” và “hương” này thật lạ! Chàng thi sĩ của vườn trần có những ước muốn và
đòi hỏi thật vô lí, muốn vượt ra khỏi quy luật bình thường của tạo hóa. Nhưng quy luật
thời gian vẫn lạnh lùng nghiệt ngã, nắng vẫn chầm chậm trôi về cuối ngàỵ, gió vẫn lang
thang hoài không nghỉ, báo hiệu cho tàn phai và phôi pha sắp sửa bắt đầu. Xuất phát từ
điểm nhìn của một cái tôi chủ quan, chẳng qua Xuân Diệu chỉ muốn diễn giải đầy đủ hơn
sự có lí của tâm hồn: Giữ trọn vẹn hơn những vẻ đẹp cuộc đời, hưởng thụ tận cùng màu
sắc và hương vị của sự sống. Đây cũng là khao khát đáng trân trọng, bởi lẽ khi nhiều nhà
thơ cùng thời muốn thoát li cuộc sống như “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiên lưu trong
trường tình của Lưu Trọng Lư” thì Xuân Diệu vẫn ở đời, vẫn say mê níu kéo khoảng khắc
tươi đẹp mà chống lại sự chảy trôi của thời gian. Chẳng vậy mà Thế Lữ cho rằng: “Xuân
Diệu là một người của đời, một người giữa loài người, lầu thơ của ông được xây dựng trên
đất của một tấm lòng trần gian.”
Bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, Xuân Diệu đã vẽ lên một
bức tranh thiên nhiên trần thế đầy ngọt ngào. Cái thiên đường sắc hương đó hiện ra
trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đương lúc lên hương, lại
vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo
một cách riêng. Ấy là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên
mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa quả của động nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Nhà thơ Thế Lữ đã từng nói: “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân,
thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mấy trời
thanh sắc”. Đó là niềm vui sướng của trái tim thi sĩ trẻ lần đầu tiên phát hiện ra một thiên
đường trên mặt đất. Nếu thơ xưa, các nhà thơ chỉ sử dụng thính giác và thị giác để cảm
nhận vẻ đẹp của ngoại giới thì các thi sĩ thời Thơ mới lại huy động tất cả các giác quan từ
nhiều góc độ để cảm nhận vẻ đẹp và sự quyến rũ đắm say hồn người của cảnh vật và đất
trời lúc xuân sang. Như một tiếng reo vui sướng tột cùng để rồi chìm ngập đắm say: Của
ong bướm tuần tháng “mật” ngọt ngào, nào là hoa của đồng nội xanh “rì”, nào là lá của
cành tơ “phơ phất” của yến anh là khúc tình “si”… thể hiện sự phong phú bất tận của
thiên nhiên. Tất cả mọi giác quan của thi sĩ như rung lên, căng ra mà đón nhận tất cả, cảm
nhận tất cả. Sự sống ngồn ngộn đang phơi bày, thiên nhiên hữu tình xinh đẹp thật đáng
phamngocthanh

yêu như một sự gợi mở hấp dẫn đến lạ kì, một sự mời mọc mà thiên nhiên là những món
ăn có sẵn. Những vẻ đẹp được liệt kê bằng nhũng tính từ đậm nhạt khác nhau để thể hiện
tài năng sử dụng từ ngữ của Xuân Diệu – cảnh vật trong thơ đã trở nên cuộn trào sắc
màu, cuộn trào sức sống. Sự vật bình thường ở ngoài đời cũng được đặt cho một dáng vẻ
rất kiêu, rất hãnh diện, được trực tiếp nhận ánh sáng rực rỡ của lòng yêu cuộc sống từ hồn
thơ Xuân Diệu đã trở nên lung linh, đẹp đẽ, là biểu tượng của mùa xuân và tuổi trẻ ở giữa
cuộc đời! Thi pháp hiện đại đã chắp cánh cho những cảm giác mới mẻ của Xuân Diệu,
giúp nhà thơ diễn tả trạng thái hồn nhiên, bồng bột trước cái sắc xuân trong cảnh vật,
trong đất trời và của muôn loài. Đặc biệt là những hình ảnh, những khung cảnh được
miêu tả thật cụ thể, in đậm phong cách Xuân Diệu: “Tuần tháng mật” “đồng nội xanh
rì”… tất cả tràn trề sự sống và thật đắm say! Sức sống của mùa xuân làm vạn vật có linh
hồn, quấn quýt giao cảm đến độ cuồng nhiệt. Bằng những tiếng “này đây” vồ vập, linh
hoạt giữa những hàng thơ, tạo nên điệp khúc, Xuân Diệu háo hức như muốn sờ tận tay,
chạm mặt mùa xuân. Bước chuyển của 1 mùa xuân nhờ vậy cũng rõ rệt hơn, bay lên cùng
cái náo nức rộn rã, mê mải trong lòng tác giả, nồng nàn và tinh tế. Niềm vui như một vị
thần độ lượng ngày nào cũng đến gõ cửa từng nhà:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Chưa bao giờ trong thơ Việt Nam hình ảnh mặt trời – vầng thái dương lại hiện ra dịu
dàng, tình tứ và lãng mạn đến thế. Với Xuân Diệu, mỗi ngày được sống, được nhìn thấy
mặt trời, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày vui. Hình ảnh “thần Vui
hằng gõ cửa” gợi những liên tưởng gần gũi với hình tượng mặt trời trong thần thoại Hi
Lạp xưa. Niềm vui sướng trong tâm hồn nhà thơ dâng tràn khiến ngòi bút của Xuân Diệu
thật sự xuất thần và thi sĩ đã sáng tạo nên một câu thơ tuyệt bút: “Tháng giêng ngon như
một cặp môi gần”. Một chữ “ngon” chuyển đổi cảm giác thần tình, một cách so sánh vừa
lạ vừa táo bạo. Đây là câu thơ hay nhất, mới nhất cho thấy màu sắc cảm giác và tâm hồn
yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt của thi sĩ Xuân Diệu. Nhà thơ đem lại một khái
niệm vốn trừu tượng thuộc về thời gian tháng giêng so sánh với một hình ảnh vốn cụ thể,
mang tính nhục cảm. Nhưng sao câu thơ Xuân Diệu vẫn tinh khôi, vẹn nguyên, trong
sáng, lại gần gũi và trẻ trung đến thế. Cái mới trong thơ tình Xuân Diệu là thế! Đó là sự
kết hợp hài hòa giữa tâm hồn và thể xác khiến tình yêu thăng hoa. Đang ở đỉnh điểm của
hạnh phúc, tâm hồn nhà thơ trỗi lên nỗi âu lo trước cái mong manh của xuân sắc sẽ phai
tàn, sự đan xen hai luồng cảm xúc trái ngược là điều thường gặp trong thơ tình Xuân
Diệu.
Phải nói rằng, trong thơ Việt Nam, chưa có ai cảm nhận mùa xuân như cách cảm nhận
của Xuân Diệu. Xuân Diệu không lấy thiên nhiên làm chuẩn để so sánh với vẻ đẹp con
người như ta vẫn gặp trong thơ cổ mà lại thấy vẻ đẹp con người làm chuẩn để so sánh với
vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu ta gặp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhan sắc của
Thúy Vân được Nguyễn Du miêu tả là: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”. Còn
phamngocthanh

Xuân Diệu thì: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Con người bao giờ cũng là
điều tuyệt diệu. Cái hay, cái đẹp, cái mới của hồn thơ Xuân Diệu, có thể nói cái rất Xuân
Diệu phần nào là ở đó. Khác với Nguyễn Du tả mùa xuân tươi đẹp với chuẩn mực là
thiên nhiên; khác với Chế Lan Viên trong Điêu tàn - mùa xuân đáng yêu là thế mà thi
nhân chối bỏ gay gắt, quyết liệt:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
(Xuân)
Còn đối với Xuân Diệu, mùa xuân thật tươi đẹp, thật quyến rũ. Ở đây, Xuân Diệu không
có sự phủ nhận thực tại như Chế Lan Viên, mà trái lại, trước thực tại, ông luôn đón nhận
nó một cách nồng nhiệt, thiết tha. Có một cuộc sống đẹp đẽ như vậy để sống, có những
sắc màu tuyệt diệu như vậy để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Mùa xuân
không còn riêng của đất trời vạn vật mà đã hòa vào hồn người. Mùa xuân đến với con
người như một người yêu, góp hết sự sống của muôn loài lên “cặp môi gần” hiến dâng,
đầy ham muốn của con người. Qua cách cảm của Xuân Diệu, cuối cùng cái đích của sự
sống vẫn là con người, chuẩn mực của mọi vẻ đẹp cuộc sống vẫn là con người với tất cả
khát khao về hạnh phúc. Hạnh phúc cùng mùa xuân, tận hưởng vị “ngon” của cả một
không gian xuân, nhà thơ đã biểu lộ cảm xúc cực điểm của sự sung sướng. Niềm hạnh
phúc trần thế ấy đồng nghĩa với sự sống!
Đỗ Lai Thúy đã gọi Xuân Diệu là “Nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian”. Cũng bởi
thế, dù đang đắm mình vào thiên nhiên, ông bỗng giật mình và thốt lên sự tiếc nuối,
cảm xúc đầy mâu thuẫn của thi nhân vừa muốn tận hưởng cảnh sắc xuân, vừa
muốn gấp gáp hưởng thụ mùa xuân tuổi trẻ:
“Tôi sung sướng. Nhưng tôi vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Câu thơ có hai tâm trạng, bởi sự ngăn cách của dấu chấm giữa dòng khiến câu thơ như
ngắt làm đôi và cũng như phân tách nhà thơ thành hai nửa: nửa sung sướng và nửa vội
vàng. Tâm trạng sung sướng là niềm hạnh phúc, lạc quan, tươi vui đón nhận cuộc sống
bằng tình cảm trìu mến, thiết tha, gắn bó. Còn vội vàng là tâm trạng tiếc nuối, buồn đau
bởi nhà thơ sợ tuổi trẻ qua đi. Xuân Diệu luôn là con người như thế đấy! Trong lúc vui
ngất ngây thì tình yêu thi sĩ đã phải thổn thức bởi những điều tiếc nuối. Cũng bởi vì vậy,
mặc dù đang sống trong mùa xuân nhưng thi nhân đã cảm thấy tiếc nuối mùa xuân: “Tôi
không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Đây là tâm trạng hoài cổ mà ta thường bắt gặp trong
thơ của các thi nhân xưa. Nhưng ở đây, sự hoài cổ của Xuân Diệu thật lạ và ám ảnh, nhà
thơ không chỉ tiếc nuối những cái dĩ vãng đã qua mà còn tiếc nuối ngay cả những cái đang
hiện hữu. Mùa xuân chưa qua mà Xuân Diệu đã cảm thấy tiếc nhớ, đây quả là một trái tim
quá nhạy cảm với những chuyển biến của thời gian cũng là một tâm hồm đa sầu, đa cảm.
phamngocthanh

Bằng ngôn ngữ rất đỗi Phương Tây nhưng cũng chẳng kém phần gần gũi, thân thuộc,
Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một giọng thơ lạ, một cách cảm nhận về mùa xuân
thật nồng nàn, tha thiết.
“Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa từ ngữ’’. Những vần thơ trong Vội Vàng được kết
tinh từ trái tim, nỗi lòng của nhà thơ Xuân Diệu, chúng không thể được viết nên một cách
trọn vẹn nếu thiếu đi nghệ thuật độc đáo. Bài thơ có cách liên tưởng, so sánh mới lạ, một
loạt các biện pháp tu từ với những hình ảnh thơ độc đáo, giàu sức gợi hình, gợi cảm, giọng
điệu say mê, sôi nổi. Tất cả đã tạo nên một nhịp điệu cuống quýt vội vã, rộn rã khiến cho
bài thơ mang âm hưởng như một lời hiệu triệu, một sự giục giã của Xuân Diệu với những
con người trẻ.
Hoa nở rồi sẽ tàn, gió đến rồi lại đi, xuân tới rồi xuân qua, nụ hồng thắm sẽ có ngày phôi
phai. Lớp bụi thời gian rồi cũng sẽ xóa mờ tất cả, để lại hoài niệm, tiếc nuối trong ta. Duy
chỉ có những vần thơ kia xanh mãi, còn mãi với đời. Xuân Diệu đã viết “Vội Vàng’’ như
một dòng tâm tình đầy sâu sắc, thấm đẫm ngọt ngào nhưng cũng đầy sâu sa. Ông đã cùng
bài thơ lưu lại những khoảng khắc đẹp nhất của trần gian, những ước muốn cháy bỏng của
một đời người, để rồi mỗi khi đọc bài thơ, ta vẫn còn thấy đó là lời giục giã: Hãy yêu đời,
hãy sống hết mình khi còn có thể để cuộc đời không còn là những tiếc nuối mà đầy ắp
niềm vui và hạnh phúc.

You might also like