Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

10 KẾT BÀI THAM KHẢO

(Nguồn: Cuốn Mở hay kết đẹp - tác giả Sương Mai - tài liệu nội bộ vui lòng
không phát tán ra ngoài)

LƯU Ý: Học sinh cần linh hoạt mở - kết theo yêu cầu cụ thể của đề bài.

TÂY TIẾN
Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
Mỗi tác phẩm xuất sắc là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung.
Quả thực, thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã làm được điều ấy. Với
bút pháp sử thi kết hợp cảm hứng lãng mạn, lời thơ Tây Tiến vang vọng âm
hưởng của những giai điệu du dương, ngọt ngào, đan xen với những đường nét
chấm phá sắc sảo từ “cây cọ” ngôn từ. Giọng thơ linh hoạt, biến đổi theo dòng
cảm xúc của nhân vật trữ tình: khi tha thiết bồi hồi với nỗi nhớ, khi bừng lên với
đêm hội núi rừng, khi trang nghiêm, bi hùng. Ở nhiều đoạn, Quang Dũng dùng
nhịp thơ 4/3 như bẻ đôi câu thơ, tạo kết cấu đứt gãy, khiến ta hình dung ra con
đường hành quân gập ghềnh, gian khổ. Tất cả sự tinh tế ấy đã tạo nên một “ốc
đảo riêng biệt” cho Quang Dũng khi viết về hình tượng người lính trong kháng
chiến chống Pháp.

ĐẤT NƯỚC
Liên hệ bản thân
Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng, đất nước là một khái niệm thật xa xôi, thật... vĩ mô,
“tình yêu Tổ quốc” là điều gì đó trừu tượng, chỉ thể hiện rõ rệt trong những hoàn
cảnh cực đoan như chiến tranh, loạn lạc. Thế nhưng, đọc và ngẫm nghĩ về tác
phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra: đất
nước chính là những gì bình dị nhất, gần gũi nhất giữa cuộc sống đời thường. Đất
nước không chỉ gắn liền với chân dung những người anh hùng trong thời loạn,
mà còn được tạo nên từ cuộc đời của mỗi người dân, mỗi thành viên có thể
“không ai nhớ mặt đặt tên”… Vì thế, nuôi dưỡng lòng yêu nước, chính là tập yêu
thương, trân trọng mọi người, mọi thứ xung quanh mình

VIỆT BẮC
Liên hệ bản thân
Khép lại những trang thơ Việt Bắc, những rung động và cảm xúc ngọt ngào pha
lẫn tiếc nuối vẫn còn đọng lại trong trái tim tôi. Lớn lên trong một xã hội xô bồ,
bon chen đến mức đôi khi người ta mải mê chạy đua thành tích để rồi yêu
nhanh, sống vội, dễ dàng quên đi quá khứ, tôi càng thêm ngưỡng mộ tình nghĩa
mặn nồng, thủy chung qua tháng năm của con người trong thời chiến. Tôi tin
rằng: dù cuộc sống có hiện đại hơn, dù ta có đổi thay đến thế nào đi chăng nữa,
ta vẫn cần trân trọng và thủy chung với quá khứ ân tình, với những năm tháng
đã cùng ta lớn lên – như tình cảm mà những cán bộ kháng chiến hướng về
“mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng,” như nỗi nhớ mà họ đặt lại mãi mãi nơi
núi rừng Việt Bắc trập trùng…

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

Dẫn dắt từ nhận định khái quát


Nhà văn Nga Pau-tốp-xki đã từng chia sẻ: “Niềm vui của nhà văn chân chính là
niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp.” Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là
khắc họa những cảnh sắc của cuộc đời vào tác phẩm một cách sinh động và chân
thực. Ngôn từ của họ được vận dụng khéo léo nhằm giúp người đọc hình dung
được vẻ đẹp của đất trời, thiên nhiên, con người. Tùy bút Người lái đò sông Đà
đã làm được điều ấy. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đưa ta đến với “xứ sở của cái đẹp”
bằng lối viết hết mực tài hoa, độc đáo, đồng thời bộc lộ chất “ngông” hiếm có của
một người nghệ sĩ không bao giờ chịu đi vào lối mòn văn chương. Không chỉ vậy,
mượn bức tranh phóng khoáng vĩ đại của núi rừng Tây Bắc, Nguyễn Tuân còn
làm bật lên vẻ đẹp của con người lao động – thầm lặng cống hiến, thầm lặng tỏa
sáng…

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG


Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
Ai đã đặt tên cho dòng sông? thể hiện nỗ lực tìm tòi, sự dụng công và thành tựu
đáng ghi nhận của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với thể loại bút ký, thông
qua cách tiếp cận mới mẻ, ngôn từ sáng tạo cùng những kiến thức tài hoa, uyên
bác. Với một tâm hồn nghệ sĩ đa tình đa cảm, kết hợp với vốn hiểu biết phong
phú về Huế, tác giả huy động những tiềm năng văn hóa của xứ sở này, gửi gắm
trong cái giàu có, nên thơ của ngôn ngữ. Qua ngòi bút của ông, sông Hương hiện
lên như một sinh thể có tâm hồn, có xúc cảm, có cuộc đời riêng, để một người Hà
Nội khi lặng lẽ ngắm dòng chảy ấy đã phải suy tư, trăn trở mãi với câu hỏi: Ai đã
đặt tên cho dòng sông?..

VỢ CHỒNG A PHỦ
Liên hệ bản thân
Hành trình tự giải cứu bản thân khỏi “ngục thất tinh thần” của nhân vật Mị đã
thực sự truyền cảm hứng sâu sắc tới cá nhân tôi. Mị đã từng có lúc lãng quên
khát vọng sống, Mị đã từng buông xuôi và phó mặc mọi thứ cho dòng đời, Mị đã
từng quen với cái khổ để rồi chấp nhận chôn vùi thanh xuân… Thế nhưng, cô
Mị của nhà văn Tô Hoài cuối cùng đã không bỏ cuộc. Có lẽ, giá trị lớn nhất của
mỗi chúng ta chính là niềm tin vào bản thân, là khát vọng sống mãnh liệt để ta
luôn vươn về phía trước. Không chấp nhận từ bỏ khát vọng ấy, đồng nghĩa với
không đánh mất chính mình, không đánh mất cơ hội sống một cuộc đời ý
nghĩa...

VỢ NHẶT
Dẫn dắt từ nhận định khái quát
“Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác;
cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp.” Giá trị sâu sắc mà
Ai-ma-tốp khẳng định, đã được thể hiện thật rõ ràng qua tác phẩm Vợ nhặt của
nhà văn Kim Lân. Ngay cả khi bóng tối của nạn đói bao trùm, ngay cả khi bị dồn
vào chân tường, tình yêu thương trong những con người cùng khổ ấy vẫn tỏa
sáng, khiến họ nương tựa vào nhau. Nhờ thế, họ mạnh mẽ bước tiếp, khơi lên
niềm hy vọng giữa không gian “tối sầm lại vì đói khát,” khôi phục tình thương
tưởng chừng đã bị vùi dập, quên lãng trong xã hội ấy.

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA


Liên hệ bản thân
Từ trước tới nay, đã có lúc tôi áp đặt định nghĩa “hạnh phúc” của mình với
những người khác, mà đôi khi quên mất rằng: niềm hạnh phúc là một khái niệm
chủ quan và mang tính vận động không ngừng, ta không thể ép người khác
hạnh phúc theo cách mà bản thân theo đuổi và mong muốn. Giống như cuộc đời
vốn đa diện, đa chiều, đâu thể chỉ nhìn ở một góc mà vội vã đoán định được tất
cả. Có lẽ đó cũng là những điều mà Phùng đã chiêm nghiệm sau chuyến đi. Đôi
khi, những kiến thức sách vở cứng nhắc vô tình khiến ta xa rời đời thực. Ta phải
chủ động tiến gần với đời để thực sự hiểu về cuộc sống… Đó cũng là cách tốt
nhất để sáng tạo nên nghệ thuật – nghệ thuật xuất phát từ những trang đời.

RỪNG XÀ NU
Đánh giá giá trị của tác phẩm
Truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành đã thực sự đem đến
cho ta chân dung một người anh hùng đời thường vô cùng ấn tượng. Tnú không
phải là một nhân vật hoàn hảo, nhưng chính cuộc đời đau thương cùng những
nỗ lực của anh càng khiến cho nhân vật thêm gần gũi. Ta có thể thấy mình trong
những nỗi đau đớn, trong những khoảnh khắc yếu đuối, trong sự vụn vỡ khi mất
đi người thân của nhân vật... để từ đó tìm thấy sự đồng cảm đối với chàng trai
núi rừng Tây Nguyên mà ta chỉ được làm quen qua trang giấy. “Nhân vật trong
văn học đôi khi còn thật hơn cả người thật ngoài đời” – có lẽ cũng bởi khả năng
khai thác tài tình và nghệ thuật kể chuyện tinh tế của người cầm bút như vậy

HỒN TRƯƠNG BA - DA HÀNG THỊT


Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
Hồi kết của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt luôn khơi gợi trong người đọc,
người xem nhiều suy ngẫm lắng đọng. Với xung đột kịch đặc sắc cùng cách đẩy
diễn biến lên cao trào vô cùng tinh tế, soạn giả tài ba Lưu Quang Vũ khiến cho
độc giả, khán giả không thể bỏ lỡ từng diễn biến dù rất nhỏ của câu chuyện. Kết
hợp với hệ thống câu thoại đời thường, chân thực mang lại cảm giác rất “đời”
cho nhân vật, Lưu Quang Vũ đã khéo léo lồng ghép những triết lý sâu sắc về con
người, về cuộc đời và lẽ sống. Với thông điệp “cái thiện chiến thắng cái ác,” “giá
trị của mỗi con người phải do chính chúng ta tự mình tạo dựng,” Hồn Trương
Ba, da hàng thịt sẽ còn là một vở kịch bỏ ngỏ rất nhiều câu hỏi cho hậu thế nỗ
lực giải đáp..

You might also like