Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 12

CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Bài nói chuyện dịp hội nghị Hôn Nhân Gia đình giáo tỉnh Huế được tổ chức tại Tòa Giám Mục
Ban Mê Thuột, ngày 12. 6. 2017

Trọng kính Đức Giám Mục Vinh Sơn Địa Phận Ban Mê Thuột
Kính thưa cha Lu-y Phụ Trách Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam,
Kính thưa cha Phụ Trách Ban Mục Vụ Gia Đình Giáo Tỉnh Huế,
Kính thưa quý cha phụ trách Mục Vụ Gia Đình các giáo phận miền Trung,
Kính thưa quý anh chị em tham dự Hội Nghị hôm nay,
con nhận được từ cha Phụ Trách Ban Mục Vụ Gia Đình Giáo Tỉnh Huế đề tài
“Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” (Một cái nhìn về việc chuẩn
bị hôn nhân cho người trẻ trong quá khứ và hiện nay. Một định hướng cụ thể cho
tương lai phù hợp với tình hình thực tế miền Trung).

Trong tinh thần cộng tác với đường hướng Mục Vụ Gia Đình của Giáo Tỉnh, con
nhận lời và nay xin được trình bày với quý Hội Nghị một số nhận xét việc chuẩn bị
cho người trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân trong quá khứ và hiện tại, để từ đó các cha
phụ trách Hôn Nhân Gia Đình có thể cấu tạo nên một chương trình phù hợp cho địa
phương của mình giúp các đôi hôn nhân.

I. CÁC TÀI LIỆU ĐÁNG CHÚ Ý. Chắc hẳn bài nói chuyện không thể nào quán
triệt được tất cả mọi khía cạnh của vấn đề, và cũng không tham vọng trình bày sự gì
mới lạ (nihil novi sub sole), bởi lẽ đã có nhiều cẩm nang hôn nhân gia đình như
“Giáo lý hôn nhân và Gia đình” của Hội đồng giám mục Việt Nam 2004; “Chuẩn bị
vào đời sống Hôn Nhân và Gia Đình” của Lm Antôn Trần Mạnh Đồng, Giáo phận
Cần Thơ 2003; và rất mới “Tình yêu Hôn nhân” của Équipes Notre-Dame - Italia
bản dịch của Lm Louis Nguyễn Anh Tuấn 2008.

Một số sách khác khá phong phú liên quan đến Hôn Nhân và Gia Đình do Lm
Agostinô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ từ tiếng Ý như “Thiên Chúa mời gọi chúng ta
đến với Tình yêu”, 2004; “Bước vào đời sống hôn nhân”, 2007; “Giải đáp thắc mắc
về luân lý”, 2004; “Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan
Phaoloô II”, 2006; “Hôn nhân và gia đình trong các tài liệu của huấn quyền”, 2004
; Sách “Mục vụ và linh đạo về hôn nhân gia đình” 2003 của tác giả Lm Augustinô
Nguyễn Văn Dụ; Ngoài ra Văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thực
hiện sách “Hành trình tiến đến hôn nhân” 2006 của tác già Lm Augustinô Nguyễn
Văn Dụ, gồm 2 tập, tập dành cho người hướng dẫn và tập khác dành cho học viên. ;
Và một số bài viết về hôn nhân gia đình của Lm Trần Mạnh Hùng DCCT/VN. Thiết

1
nghĩ tài liệu khá phong phú để giúp các cha chuyên lo Mục vụ hôn nhân kiến tạo lên
chương trình hướng dẫn người trẻ bước vào đời hôn nhân gia đình.

Khi bàn đến vấn đề hôn nhân gia đình chúng ta ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của các
đức giáo hoàng trong những thập niên vừa qua. Trước hết phải nói đến Thông điệp
Casti Connubii ( CC 1930) của Đức Pi-ô XI, lần đầu tiên Giáo hội đề cập và cho
phép ngừa thai theo theo chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng, đây là điều mới trong
Giáo hội công giáo. Thông điệp Humanae vitae (HV 1968) của Đức Phao-lô VI,
Thông điệp gây bão thần học về cấm ngừa thai theo phương pháp khoa học, Thông
điệp rất ngắn gọn nầy có ảnh hưởng sâu rộng trên nền thần học luân lý hôn nhân gia
đình. Giáo lý của Thông điệp HV được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tái
khẳng định trong Thông điệp nổi tiếng Veritatis Splendor (1997), Thông điệp VS
nầy là duy nhất của Huấn quyền nói về luân lý : “Mục đích chính xác của Thông điệp
VS là nhắc lại một số chân lý nền tảng của giáo lý công giáo đang bị biến dạng hoặc
bị đào thải trong bối cảnh xã hội hôm nay” (VS số 4). Sở dĩ nói Thông điệp nổi
tiếng là vì ý nhắm của Thông điệp là gửi cho hàng giám mục và cũng nổi tiếng khó
hiểu, nhất là chương 2 của Thông điệp, một chương rất chuyên môn nói về các
khuynh hướng luân lý mới bị Thông điệp VS lên án. Các khuynh hướng mới đó là
chủ trương tương đối trong luân lý; Thuyết lựa chọn căn bản ( L‟option
fondamentale) cho rằng sự lựa chọn cụ thể không phá vỡ sự lựa chọn căn bản);
Thuyết tương ứng (proportionalisme) hay Thuyết hệ quả (conséquentialisme); Thuyết
tự trị (autonomie) trong luân lý do đề cao quá đáng tự do đến nỗi luân lý chỉ còn là sự
đồng ý của số đông, một thứ luân lý thuần túy nhân loại.

II. HAI TÔNG HUẤN LƯU Ý CHÚNG TA. Gần đây trước hết phải nói đến Tông
huấn Familiaris Consortio (1981) của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II,
Tông huấn FC là thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1980
bàn về gia đình. Thượng Hội Đồng họp làm việc từ 26. 9. đến 25. 10. 1980 tại Roma,
tài liệu nầy như một bản tổng luận về giáo huấn của Giáo hội về đời sống, bổn phận,
trách nhiệm, sứ mệnh của hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay. Tông huấn
nầy là “Bản tóm lược những vấn đề thần học và mục vụ về hôn nhân và gia đình mà
từ trước đến nay chúng ta chưa hề có” , như lời Đức Hồng y Joseph Ratzinger viết
trong báo Osservatore Romano ngày 18. 12. 1981, khi giới thiệu Tông huấn FC.

Cũng trong tầm nhìn bàn về chủ đề hôn nhân và gia đình, nhưng Tông huấn Amoris
Laetitia (AL) lại bàn rộng đến tình yêu trong hôn nhân dưới nhiều góc cạnh khác
nhau, chủ đích của Tông huấn nhắm đến là tình yêu gia đình. Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã triệu tập hai Thượng Hội Đồng về gia đình vào tháng 10 năm 2014 và
2015, một ngoại thường (họp từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014) và một thường lệ
(họp từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2015) bàn rộng rãi về vấn đề gia đình trong đó

2
nổi cộm lên vấn đề người li dị tái hôn có được rước Mình Thánh Chúa không, gây
nên cuộc tranh luận thần học sôi động giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến.
Thành quả của hai Thượng Hội Đồng là Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm hoan lạc
của Tình yêu). Cả hai Tông huấn đều lấy chất liệu từ sự đóng góp kinh nghiệm của
các giám mục đại diện cho các Hội đồng giám mục khắp năm châu.

Một tác phẩm khác được chuyển ngữ từ tiếng Ý của Lm Augustinô Nguyễn Văn Dụ
“Gia đình Ơn gọi - Sứ mạng trong Giáo hội và Thế giới giữa hai Thượng Hội Đồng
Giám Mục 2013-2014”, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2015 giúp chúng ta hiểu những suy
tư, những bài phát biểu về gia đình của Thượng Hội Đồng, hiểu được những đường
nét chính Lineamenta và các Instrumentum Laboris của hai Thượng Hội Đồng và sự
quan tâm đặc biệt của Giáo Hội về gia đình. Chủ đề năm 2015 là năm Gia Đình.

III. HÔN NHÂN GIA ĐÌNH là vấn đề cổ xưa như trái đất, bao nhiêu suy tư và đào
xới, xây dựng và vun đắp, nhiều bút mực đã đổ ra, nhiều công trình văn học đã được
sáng tác, có trình bày thì cũng là gây ý thức, chỉ nơi để tìm kiếm tài liệu giúp cho
việc giảng dạy mà thôi. Xin mạo muội đi vào vấn đề.

1. Một thoáng nhận định

Giáo hội công giáo ở thời nào cũng vậy và hầu như ở xứ nào cũng thế, các cha sở
luôn lo lắng hướng dẫn mở những khóa học chuẩn bị cho người trẻ đang hăm hở
bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Giáo Luật 1917 hay 1983 đều có những điều
khoản buộc cha sở phải chuẩn bị gần cho con chiên trước khi lãnh nhận bí tích hôn
phối, và cũng phải hiểu rằng người trẻ có bổn phận học hiểu về quy luật hôn nhân
công giáo trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Tuy nhiên có khá nhiều sắc thái
trong giảng dạy, từ nội dung học tập cho đến hình thức và thời lượng chuẩn bị. Thời
xa xưa, từ thập niên 60 mươi trở về trước, việc chuẩn bị hôn nhân thường được gói
ghém như việc ôn lại bổn giáo lý căn bản, kinh nguyện sáng tối, nắm vững các đặc
tính hôn nhân công giáo như nhất phu nhất phụ, bất khả phân ly, sinh sản con cái.
Việc truyền sinh được đặt lên hàng đầu trong các mục đích hôn nhân. Khi đọc lại
Canon 1917, những khoản luật dạy về hôn nhân xem ra nghiêm nhặt hơn Canon
1983. Canon 1917 được ban hành và được áp dụng từ 19.5.1918 có 2414 điều khoản,
Canon 1983 được Đức Thánh Giáo Hoàng J.P 2 ban hành 25. 1. 1983 gồm 1753 điều
khoản, có ít hơn 661 khoản so với Canon cũ. Canon 1983 có 102 khoản liên quan
đến hôn nhân công giáo từ số 1063 đến 1165.

Chung quy lại những gì chính yếu nơi giáo luật 1917 và 1983 không khác nhau bao
nhiêu trong vấn đề tín lý và luân lý hôn nhân công giáo. Tuy nhiên điều nhận thấy là
viễn cảnh xã hội ngày nay thay đổi rất nhiều, những vần đề xưa kia xem ra xa lạ hay
cấm kỵ nay trở nên thường nhật trong nếp suy nghĩ thời hiện đại, như hạn chế sinh

3
sản, vòng tránh thai, điều hòa kinh nguyệt, li dị, ly thân, thụ thai ống nghiệm, mang
thai giùm, hôn nhân đồng tính, hôn nhân thử nghiệm, chung sống tiền hôn nhân,
chuyển giới tính, người ta như có nguy cơ muốn tái định nghĩa hôn nhân, hủy hoại
định chế hôn nhân. Hôn nhân gia đình công giáo cũng bị kéo chạy theo nhịp sống
của xã hội, những vấn đề mới đó đặt ra cho Giáo hội, cho các cha sở, mà không thể
tránh né được và cũng không dễ dàng giải quyết thông suốt.

2. Một số nhận xét

2.1. Trưởng thành tâm lý. Xem ra có sự thay đổi về mặt trưởng thành tâm lý nơi
người trẻ xưa và nay. Trước đây thấy có những ông chánh tổng hay lý trưởng chỉ
mới 20 tuổi, học hành không bao nhiêu nhưng vẫn cầm cân nẩy mực cho làng xã.
Với số tuổi nầy, ngày nay một số đông người trẻ còn ăn bám theo cha mẹ. Sự trung
tín trong hôn nhân cũng vậy, các đôi vợ chồng xưa ít lị, dị ly thân hơn so với ngày
nay. Xem ra những đôi vợ chồng sống chung thủy với nhau hơn, cho dù họ cưới
nhau qua trung gian mai mối và chỉ biết mặt nhau vào ngày thành hôn, đúng cái gọi
là “cha mẹ đặt đây con ngồi đó”, chắc hẳn họ ít sử dụng quyền tự do lựa chọn như
hôm nay. Thời nay xem ra người trẻ học hành cao hơn, hiểu biết nhiều hơn, tuy
nhiên tuổi trưởng thành tâm lý đến muộn hơn. Thiếu trưởng thành tâm lý người trẻ
tròng trành trong quyết định hôn nhân của mình. Hôn nhân của họ dễ đổ vỡ khi gặp
khủng hoảng.

2.2. Tình thần tôn giáo hay ý thức tâm linh ít được quan tâm nơi các bạn trẻ khi đưa
nhau tới hôn lễ, họ cần phải cử hành lễ cưới tại nhà thờ như một thông lệ chính đáng
để tiệc cưới của họ không bị từ chối bởi những người đạo đức. Một số không ít đôi
hôn phối đến nhà thờ như chiếu lệ, làm cho xong kẻo rắc rối, mang tai tiếng với xóm
làng, sợ làm phật lòng cha mẹ, chứ thật ra họ ít ý thức về hồng ân hôn phối được ban
xuống cho cô dâu chú rể trong thánh lễ. Có khi cô dâu, chú rể bỏ đạo lâu năm nay
mới thức tỉnh mình chưa Thêm sức hay chưa Xưng tội rước lễ lần đầu. Thánh lễ cưới
như lễ hội nặng phần trình diễn mang bộ mặt xã hội, như một kiện toàn các bí tích
xưa nay bỏ quên : Xưng tội Rước lễ lần đầu, Thêm sức và Hôn phối được cử hành
trong cùng một thời điểm. Họ coi lễ hôn phối là dịp khoe mẽ sự giàu sang với xã hội
dân sự. Cô dâu và chú rể là tác nhân bí tích hôn phối lại cử hành nghi thức như một
tục lệ thiếu hẳn ý thức tôn giáo, đó là điều rất đáng tiếc cần chỉnh sửa. Sự quan tâm
của chú rể cô dâu trong lễ cưới thường là quay phim chụp ảnh để lên facebook !

2.3. Tính dân chủ. Điều “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” ngày nay xem ra lỗi thời.
Tính dân chủ lên cao trong nếp suy nghĩ và cách sống của giới trẻ, chúng tự do hơn
và cũng tự lập hơn. Ngày nay có khi cha mẹ phải chạy theo quyết định của con cái
trong lựa chọn bạn đời của chúng. Quyền bính của cha mẹ xem ra suy yếu trong giáo

4
dục con cái, điều nầy khá dễ hiểu vì thời lượng ở trường học chiếm hầu hết ngày sinh
hoạt của các em. Ảnh hưởng của học đường vô thần dĩ nhiên là không thể chối cãi.
Học sinh chạy theo khóa học chính quy, học thêm ngoài giờ, học phụ đạo .... điều nầy
khiến khó khăn xoay xở để gặp gỡ giáo dục các em, giỏi lắm các em tới được với nhà
thờ để sinh hoạt đoàn thể, học giáo lý vào ngày Chúa nhật mà thôi. Thời gian khan
hiếm, không còn cảnh sáng chiều kinh lễ như trước đây, người trẻ như bị động chạy
đua với thời gian, và dĩ nhiên các em dành ưu tiên cho học đường bởi sợ thua chúng
kém bạn. Hệ luận là môi trường đạo đức của giáo xứ như bị phá vỡ. Ngoài ra, người
trẻ hôm nay muốn thể hiện mình, thể hiện cá tính và ý thích của mình có khi đi đến
lập dị, trong cách ăn mặc và yêu đương.

2.4. Gia đình. Thật vậy trong xã hội hôm nay xem ra gia đình mất đi tầm ảnh hưởng
và quyền lực giáo dục trên con cái, gia đình công giáo không còn được bảo vệ bởi
những tập tục cổ truyền như trước đây khi còn ở sau lũy tre làng. Hôm nay đời sống
kinh tế và thị trường chi phối con em từ tấm bé cho đến trưởng thành, chúng được
huấn luyện dưới mái học đường của xã hội chủ nghĩa vô thần, cuộc sống xã hội thay
đổi, xã hội chuyển mình đi từ nông nghiệp sang sinh hoạt thành thị. Đồng tiền „nông
thôn‟ không đủ chi tiêu nơi thành thị, người trẻ cần làm thêm để bù chi phí cho đời
sống. Nhu cầu kinh tế đi lên, người trẻ cần làm thêm ngoài giờ, khiến cho bữa cơm
gia đình vắng bóng các thành viên, từ đó ảnh hưởng đến việc gặp gỡ giữa cha mẹ và
con cái. Ngoài ra còn phải kể đến sự tiến bộ xã hội trong các phương tiện truyền
thông, truyền hình, phim ảnh, các xa lộ thông tin qua mạng wifi loạn xạ tốt xấu lẫn
lộn rất hấp dẫn và thu hút người trẻ, có nguy cơ làm người trẻ đào thoát các giờ kinh
lễ, từ khô khan họ đi đến dửng dưng đối với tôn giáo. Một cái nhìn khác, càng ngày
giao thông càng dễ dàng, xe máy cao cấp đủ thể loại xuất hiện khắp nông thôn vốn
trầm lặng, điện thoại cầm tay xa xỉ ngay cả nơi người bán hàng rong, kể cả học sinh
tiểu học, các phương tiện thông tin dễ dàng và hấp dẫn nầy kéo con người ra khỏi lề
thói tôn giáo. Tất cả tiến bộ xã hội đổi mới kéo theo đổi mới trong cách sống đạo của
giáo xứ.

2.5. Nhà thờ không còn là nơi phát xuất sinh hoạt chính của cộng đồng như trước
đây, xưa kia nhà thờ là trung tâm sinh hoạt xã hội, bên cạnh nhà thờ luôn có trường
học, viện mồ côi hay nhà ký nhi viện của các Dòng tu, gõ nhịp cho cuộc sống là tiếng
chuông nhà thờ, thức dậy, kinh lễ, lao động, đi ngủ. Tiếng chuông nhà thờ „nhịp
một‟ sáng trưa chiều như giữ nếp cho đời sống thường nhật, nay bổng mất hẳn. Ngày
nay một số yếu tố truyền thống đã suy yếu đi, cái nhìn xã hội mở rộng hướng về
trung tâm thương mại từ sinh nhật con cái cho đến cưới hỏi ma chay đều khởi đi từ
trung tâm phố chợ, bởi nơi nầy cung ứng những nhu cầu cần thiết cho đời sống của
họ, từ chiếc nôi cho trẻ sơ sinh, bộ đồng phục cho con trẻ đến trường, đến bộ áo váy
cho ngày cưới, tất cả từ nơi siêu thị ...
5
Trung tâm thương mại dần dần thế chỗ cho nhà thờ. Nhà thờ giáo xứ cũng vì thế
mất đi sự thu hút đối với giáo dân, nhu cầu tiêu dùng và giải trí cao cấp, làm cho
người trẻ buông tay tôn giáo chạy theo đà sống văn minh hiện đại. Nhà thờ lưa thưa
tín hữu ngày thường kinh lễ, điều nầy thật rõ ràng như ban ngày. Và thật sự trước khi
người trẻ hiểu ra những giá trị siêu nhiên và cao quý nơi tôn giáo, họ đã bị cuốn hút
bởi hào nhoáng và tiện nghi hiện đại. Chân trời sinh hoạt của xã hội thay đổi nhiều,
trong lúc đó tôn giáo với khuôn thước kinh kệ và giáo luật vẫn chưa đủ thích nghi với
nhịp sống của giới trẻ. Vấn đề làm sao hấp dẫn được giới trẻ, vẫn là mối băn khoăn
của các cha sở và giáo xứ. Giới trẻ nói đến ở đây là người trẻ sắp bước vào đời sống
hôn nhân gia đình, họ bị xô đẩy phần nào đó khi bước tới bậc sống gia đình. Nhận
thấy một số đông bạn trẻ đều có vẻ hấp tấp muốn cử hành ngay đám cưới khi mới
tiến hành thủ tục điều tra hôn phối, càng sớm càng tốt, có khi chưa hội đủ điều kiện
về tuổi tác, chưa học giáo lý hôn nhân, chưa có nghề nghiệp, chưa đăng ký được ở
tòa đời, họ nhất mực nằng nặc xin chuẩn cho dù có khi không hiểu chuẩn là gì. Phần
lớn họ hấp tấp vội vàng bước tới đời sống hôn nhân như đi mua một gói mì ăn liền.
Vội vàng và hấp tấp hỏi cưới và cũng chóng vánh chia tay. Các vụ li dị khá cao
trong các thành phố. Phải chăng họ thiếu suy nghĩ hay thiếu chuẩn bị?

2.6. Công ty xí nghiệp. Cạnh tranh với sinh hoạt gia đình là cách sinh hoạt của các
công ty xí nghiệp ra đời, các hình thức kinh tế tập thể phát triển mạnh làm thay đổi
nhịp sống của xứ đạo. Thời gian như co rút lại đối với việc tham dự kinh lễ hằng
ngày. Những buổi cầu kinh sáng chiều giảm hẳn số lượng người tham dự đến triệt
tiêu. Những buổi hội thảo và gặp gỡ không còn hào hứng nữa, người tín hữu bị chi
phối bởi Tivi, bởi những phim truyện nhiều tập, những trận cầu quốc nội và quốc tế,
những “sâu” (show) diễn hấp dẫn cuốn hút, đó là những món ăn tinh thần lành mạnh
cho phần lớn dân chúng, tất cả hấp lực kéo người tín hữu ra khỏi quỹ đạo thực hành
tôn giáo, làm giảm thiểu lòng mộ đạo, làm họ so đo thời gian khi tham dự thánh lễ.
Nhịp sống của công ty xí nghiệp điều chỉnh nhịp sống người tín hữu, họ cần phải có
một thời khóa biểu mới, được lập trình mới cho phù hợp với vòng quay cuộc sống.
Trong lúc đó quan niệm đạo đức vẫn bám vào các ký ức thuở xa xưa, một đàng người
tín hữu chưa kịp thay đổi cách sống đạo của mình, đàng khác họ đánh mất tập tục của
cha ông „sáng chiều kinh lễ‟. Họ chưa thiếp lập cho mình một lối sống đạo phù hợp
với đức tin và với nhịp sống xã hội.

Sự kiện cha mẹ ở một địa phương, con cái học hành ở một địa phương khác, gia đình
không đủ thời giờ chăm sóc con cái, đánh mất nhịp sống đạo, hệ luận là mất dần ảnh
hưởng trên con cái, thêm vào đó sự lôi cuốn của nếp sống văn minh khoa học làm thả
lõng việc giáo dục giới trẻ. Người trẻ bước vào đời sống hôn nhân như việc làm bất
chợt, thiếu suy nghĩ, chưa đủ chuẩn bị, họ coi nhẹ việc cưới vợ lấy chồng „vui thì ở,

6
dở bỏ đi’, tất cả gây nứt rạn và đổ vỡ cho các đôi vợ chồng mới cưới. Suy thoái đạo
đức kéo theo đổ vỡ hôn nhân gia đình.

2.7. Viễn cảnh xã hội. Trong khi viễn cảnh xã hội đang thay đổi đến chóng mặt, thì
nếp sống đạo với luật lệ cổ truyền, vẫn kiên định không thay đổi. Người tín hữu bị
đặt trước những thách thức mới của xã hội hôm nay nhất là về mặt luân lý hôn nhân
công giáo. Những đổi mới trong xã hội nhân sự đặt ra cho người tín hữu trẻ những
thách đố lựa chọn khi đi vào đời sống hôn nhân gia đình nhất là trong lãnh vực luân
lý, những giá trị cao quý của hôn nhân như sự trung tín, tính chất bất khả phân ly,
luật nhất phu nhất phụ, bổn phận sinh sản và giáo dục con cái, ơn gọi cao quý làm
cha mẹ ít được coi trọng. Trong lúc đó xuất hiện những thực hành suy đồi như bạo
lực gia đình, ngừa thai bằng các phương pháp khoa học, nạo phá thai, hôn nhân đồng
phái, tình yêu đồng giới, triệt sản, quan hệ nam nữ tiền hôn nhân, sống thử, sống
chung ngoài hôn nhân, li thân, li dị, quyền được chọn giới tính, quyền chuyển giới,
thụ thai ống nghiệm, mang thai hộ và bao nhiêu hệ lụy khác thuộc lãnh vực hôn nhân
gia đình. Người ta bị cám dỗ tái định nghĩa hôn nhân, tức đặt lại vấn đề hôn nhân cổ
truyền, có nguy cơ phi bác hôn nhân cổ truyền để chọn một định nghĩa khác cho hôn
nhân, làm như thế tức là thừa nhận sự kết hợp giữa hai người đồng giới, đánh đồng
với hôn nhân cổ truyền.

Đứng trước các thách đố nan giải hiện nay, không gì bằng trình bày giáo lý căn bản
và tinh tuyền của hôn nhân công giáo, giúp các bạn trẻ am hiểu nguồn cội cao quý và
thần thiêng của ơn gọi hôn nhân gia đình. Mới đây người giáo dân Hoa Kỳ chao đảo
khi đứng trước quyết định của Tòa Án Tối Cao Mỹ cho phép hôn nhân đồng tính:
“Thẩm phán Anthony M. Kennedy, thuộc Toà án tối cao Mỹ, cho biết bắt đầu
từ ngày 26/6/2015, các cặp đồng tính nam và nữ trên toàn nước Mỹ đã có
thể bình đẳng đăng ký kết hôn, được bảo vệ bởi luật hôn nhân và những điều
luật liên quan như về con cái, phân chia tài sản sau ly hôn... Họ được hưởng
mọi quyền lợi cũng như thực thi mọi nghĩa vụ như một cặp vợ chồng dị tính”.
(Vnexp 27.6.2015).

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã có câu trả lời nghiêm chỉnh cho vấn đề hôn nhân
đồng giới, xin trích lại tuyên ngôn giáo lý về hôn nhân đó, rất hay và súc tích.
(nguồn internet).

IV. NGUỒN GỐC THÁNH THIÊNG CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

Ý nghĩa Hôn nhân công giáo.

1. Hôn nhân được thiết lập bởi Thiên Chúa, là một sự kết hiệp trung tín, độc quyền
và suốt đời giữa một người nam và một người nữ trong một cộng đoàn mật thiết của

7
đời sống và tình yêu. Họ dâng hiến hoàn toàn chính họ cho nhau và cho bổn phận
diệu kỳ là đem con cái của họ vào trong thế gian này và nuôi dưỡng chúng. Đó là ơn
gọi thâm sâu trong tâm trí con người. Nam nữ khác biệt nhau bổ túc cho nhau trong
một sự kết hiệp yêu thương luôn mở ngõ cho sự sản sinh con cái (x. Sách Giáo Lý
Công Giáo = SGLCG- số 1602-1605). Sau đây là những trích dẫn lời mặc khải
trong Kinh thánh nói về hôn nhân.

2. Đức tin nói với chúng ta về hôn nhân.


Hôn nhân xuất phát từ bàn tay từ ái của Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên cả người nam
và người nữ giống hình ảnh thánh thiện của Ngài (x. Kn 1:27). Người đàn ông "lìa
cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (Kn 2:24).
Người đàn ông nhận người đàn bà như là "xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (Kn
2:23). Thiên Chúa chúc phúc cho hai người nam nữ và ra lệnh cho họ "Hãy sinh sôi
nảy nở thật nhiều" (Kn 1:28). Chúa Giêsu cũng đã lập lại những lời dạy trong Sách
Khởi Nguyên khi nói: "Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người
đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.
Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt." (Mc 10:6-8).
Những đoạn Thánh Kinh này giúp chúng ta hiểu chương trình của Thiên Chúa dành
cho hôn nhân. Qua món quà trao tặng nhau là chính mình, họ hợp tác với Thiên
Chúa trong việc sinh sản con cái và chăm sóc cho chúng.

Hôn nhân vừa là một cơ chế tự nhiên, vừa là một sự kết hiệp thánh thiêng. Thêm vào
đó, Giáo Hội dạy rằng hôn nhân hợp pháp của những người đã chịu phép Rửa Tội là
một bí tích - một thực tại cứu độ. Đức Giêsu Kitô đã biến hôn nhân thành một biểu
tượng cho tình yêu của Ngài đối với Giáo Hội (x. Eph 5:25-33). Tình yêu của họ một
khi được diễn tả nơi sự trung tín, nhiệt thành, sinh sản, quảng đại, hy sinh, tha thứ,
và chữa lành sẽ đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho gia đình (SGLCG số 1612-
1617; 1641-1642).

3. Hôn nhân chỉ tồn tại giữa người nam và người nữ.
Cấu trúc tự nhiên của tính dục con người khiến cho người nam và người nữ trở nên
những đối tác bổ túc lẫn nhau trong việc di truyền sự sống con người, theo ý định
của Thiên Chúa định. Cam kết vĩnh viễn và độc quyền của hôn nhân là cần thiết cho
sự thể hiện tình yêu đôi lứa nhằm di truyền sự sống con người và xây đắp mối giây
ràng buộc giữa vợ chồng. (x SGLCG số 1639-1640). Họ bình đẳng như những con
người, bổ sung lẫn nhau khiến cho mối giây ràng buộc hôn nhân có thể thực hiện
được.

4. Không thể so sánh sự kết hiệp đồng tính với hôn nhân.

8
Kết hiệp đồng tính trái ngược với bản chất của hôn nhân: nó không dựa trên sự bổ
khuyết tự nhiên của người nam và người nữ; nó không hợp tác với Thiên Chúa trong
việc tạo dựng sự sống mới; và mục đích tự nhiên của kết hiệp lứa đôi không thể đạt
được qua hôn nhân đồng tính. Những kết hợp đồng tính không thể tiến vào một sự kết
hiệp hôn nhân phu phụ.

5. Phải bảo tồn hôn nhân như một kết hiệp duy nhất giữa một người nam và một
người nữ?
Hôn nhân luôn là căn bản của gia đình. Đến lượt mình, gia đình là đơn vị căn bản
của xã hội. Vì vậy, tuy hôn nhân là một quan hệ riêng tư, nó có một ý nghĩa xã hội và
Giáo hội. Hôn nhân là khuôn mẫu căn bản cho những mối quan hệ nam nữ. Kết hiệp
hôn nhân cũng đem lại những điều kiện tốt nhất để nuôi dạy trẻ em, tạo ra một đóng
góp độc đáo và thiết yếu cho thiện ích chung. Khi đặt sự kết hiệp đồng tính ngang
hàng với hôn nhân là hạ giá và làm suy yếu hôn nhân. Việc làm suy yếu định chế căn
bản nầy khiến cho xã hội phải trả một giá quá đắt.

6.Người công giáo sống hôn nhân theo giáo huấn Công Đồng .
Không thể có sự tách biệt giữa đức tin với đời sống. Tất cả mọi người Công giáo
phải hành động theo đức tin của họ với một lương tâm trưởng thành theo Thánh kinh
và Thánh truyền. Cần phải bảo vệ hôn nhân một vợ một chồng. Qua gương sáng
của họ, họ là những nhà giáo đầu tiên cho thế hệ tiếp theo, họ là những nhà lãnh đạo
của gia đình - mà Công Đồng Vaticanô II đã gọi là "một giáo hội tại gia" (Hiến Chế
Ánh Sánh Muôn Dân số 11).

Kết luận. Hôn nhân là một định chế căn bản của loài người và xã hội. Dù hôn nhân
bị chi phối bởi luật dân sự và Giáo Luật, hôn nhân không xuất phát từ Giáo Hội hay
nhà nước, nhưng từ Thiên Chúa. Do đó, cả Giáo Hội lẫn nhà nước đều không có
quyền thay đổi ý nghĩa và cấu trúc cơ bản của hôn nhân.
Hôn nhân, với bản chất và những mục đích được thiết lập bởi Thiên Chúa, chỉ có thể
là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ và phải được giữ nguyên như thế
trong luật pháp. Trong một thể thức không giống bất kỳ một thứ quan hệ nào khác,
hôn nhân tạo ra một sự đóng góp độc đáo và không thể thay thế được cho thiện ích
chung của xã hội, đặc biệt thông qua việc sinh sản và giáo dưỡng con cái. Sự kết
hiệp suốt đời giữa một người nam và một người nữ trở thành một điều tốt cho chính
họ, gia đình, cộng đoàn và xã hội của họ. Hôn nhân là một ơn sủng phải được tán
dương và bảo vệ”.

9
V. MỘT VẤN ĐỀ KHÁC THƯỜNG BỊ HIỂU LẦM: Người công giáo có được
phép cưới vợ hoặc chồng của người lương lấy lý do người lương đó theo đạo không?
Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích DCCT giúp chúng ta hiểu vấn đề nầy (Nguồn
giáo phận Thái Bình.org).

Hôn nhân Tự Nhiên và Hôn nhân Bí Tích


“Hôn nhân là một định chế lâu đời nhất có từ khi con người biết kết ước với nhau để
cùng nhau chung sống thành một cộng đồng. Vì thế mà hôn nhân không chỉ tồn tại
hay có giá trị từ khi có Kitô Giáo mà theo Kinh Thánh, đã có từ lúc thuở Thiên Chúa
tạo dựng con người. Như vậy hôn nhân là việc Thiên Chúa liên kết hai người nam và
nữ để họ nên vợ nên chồng. Chúa Giêsu cũng đã tái khẳng định điều này khi tuyên
bố : thuở ban đầu Đấng tạo hóa đã làm ra con người có nam có nữ…Vì thế người ta
sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt….Vậy
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp ,loài người không được phân ly ( Mt 19, 5-6). Điều
Chúa Giêsu nói không chỉ dành cho hôn nhân Công Giáo mà cho tất cả mọi cuộc
hôn nhân. Như vậy tất cả các cuộc hôn nhân dù là hôn nhân ngoại giáo cũng đều
mang những đặc tính chính yếu là đơn nhất tức là một vợ một chồng và bất khả
phân ly như Công Đồng Tridentino đã định tín : “Mọi hôn nhân hợp pháp do luật tự
nhiên và thiên định đều vĩnh viễn và bất khả phân ly”. Tức là hôn nhân của những
người lương nếu không có ngăn trở theo luật tự nhiên và thiên luật thì được coi là
thành sự.
Giáo Luật mới đã trình bày ở điều 1056 : Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là
sự đơn nhất và bất khả phân ly…
Điều Giáo Luật này còn thêm : …những đặc tính này có sự bền vững đặc biệt trong
hôn nhân Kitô giáo vì có tính cách bí tích.
Như vậy, những đặc tính mà ta vừa nói trong hôn nhân Kitô giáo được củng cố bền
vững nhờ tính bí tích chứ không phải là đặc tính riêng của hôn nhân Công Giáo và
các cuộc hôn nhân khác dù là hôn nhân tự nhiên cũng bị ràng buộc bởi những đặc
tính đơn nhất và bất khả phân ly nên người ta không có quyền tự do li hôn hoặc hoặc
tự do quan hệ ngoài hôn nhân.
Thiết tưởng cũng phải lưu ý thêm rằng hôn nhân ngoài Kitô giáo dù không phải là bí
tích cũng mang tính thánh thiêng vì đã được Thiên Chúa chúc lành từ ban đầu ( Sáng
thế 1, 28).
Những hôn nhân này được gọi là hôn nhân tự nhiên nơi hai người lương cưới nhau.
Một người ngoại giáo dù đã li dị về mặt dân sự thì giây ràng buộc hôn nhân tự nhiên
vẫn tồn tại nên không thể kết hôn thành sự với người Công Giáo được.
Khi người ngoại trở lại đạo thì thánh Phaolô cũng như Giáo Hội không khuyên họ bỏ
vợ hay bỏ chồng mà phải tiếp tục chung sống với người bạn đời sau khi rửa tội và
giúp người này nhận biết Chúa nếu người này không muốn bỏ họ.

10
“Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau ! Chị là vợ, biết đâu chị
chẳng cứu được chồng ? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ”.(1Co
7, 16).
Nếu chủ tâm ly dị người bạn đời để tái hôn, người tân tòng cố tình vi phạm lệnh của
Chúa và không được tái hôn trong Giáo hội. Người Công giáo nào cố tình làm phân
rẽ đôi vợ chồng này, là phạm tội phá hoại gia đình người khác và cố tình vi phạm
lệnh của Chúa.
Còn trường hợp bên không rửa tội tự ý chia tay thì theo Thánh Phaolô, người tân
tòng sẽ không bị ràng buộc nữa và nếu người tân tòng không thể sống độc thân được
họ có thể xin đặc ân thánh Phaolô để tái kết hôn nhưng cần có những điều kiện để có
thể hưởng đặc ân này. Đây là một đặc ân phải xin và nếu đủ điều kiện mới đựơc ban
chứ không phải là quyền tái hôn của người tân tòng.
- Để người tân tòng được hưởng đặc ân Thánh Phaolô thì việc người bạn đời ngoại
đạo tự ý chia tay là yếu tố quyết định, bắt buộc phải có, ( X. Giáo Luật 1143). Người
không chịu phép rửa tội được kể là chia tay nếu không muốn sống chung với người
tân tòng hay không muốn sống chung hoà thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo
Hoá.
- Điều kiện tiếp theo là chất vấn người không chịu phép rửa tội để biết :
1/ người này có muốn được rửa tội hay không;
2/ người này có muốn tiếp tục chung sống hòa thuận mà không xúc phạm đến Thiên
Chúa không (x. Giáo Luật 1144);
Nếu người ngoại giáo trả lời đồng ý một trong hai câu hỏi trên thì đặc ân Thánh
Phaolô không thể được ban cấp và người tân tòng không thể tái hôn.
Qua những điều trình bày ở trên cho thấy rằng việc người ngoại bỏ vợ hay chồng rồi
theo đạo để kết hôn với người Công Giáo không phải là điều được Giáo Hội chấp
nhận mà chỉ trong những trường hợp đã chia tay dứt khoát không còn cứu vãn được
thì mới ban đặc ân này vì lợi ích đức tin của người tân tòng.
Có lẽ vì không thật sự biết rõ những trường hợp người tân tòng được tái hôn nên đã
có những ngộ nhận như thắc mắc đã nêu lên”.

VI. VÀI GỢI Ý THẢO LUẬN


1. Phải hiểu thế nào về “sự gì” trong câu “sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không
được phân ly”. Nội dung của “sự gì” được hiểu thế nào và nếu tháo gỡ thì hậu quả sẽ
ra sao ?
2. Giáo dục thế nào khi khám phá đứa con có khuynh hướng đồng tính.
3. Tông huấn Familiaris consortio và Tông huấn Amoris Laetitiae có những tương
đồng và khác biệt nào?
Bài nói chuyện của Lm Louis Nguyễn Quang Vinh Kontum

11
12

You might also like