Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 8

MỞ ĐẦU

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Lịch sử Đảng là cả
một pho lịch sử bằng vàng”. Thật vậy, nhìn lại chặng đường thăng trầm lịch
sử Việt Nam với những trang sử hào hùng của dân tộc, thế hệ chúng ta tự hào
về vai trò lãnh đạo của Đảng và lòng biết ơn sâu sắc tới thế hệ cha anh đi
trước đã ngã xuống, sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nước
nhà. Với các cương lĩnh chính trị đúng đắn, ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản
Việt Nam đã xác định được các vấn đề của cách mạng Việt Nam trong từng
thời kỳ lịch sử để từ đó đề ra đường lối chính trị đúng đắn từ đó dẫn dẵn, đưa
dân tộc từ một nước lầm than, nô lệ, đói nghèo, bị thực dân Pháp xóa tên trên
“bản đồ” thế giới, trở thành một quốc gia độc lập, đánh đuổi được những tên
đế quốc sừng sỏ nhất thế giới để tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu,
tiến hành công cuộc Đổi mới.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng của
Đảng, Cương lĩnh chính trị của mỗi thời kỳ chính là ngọn đèn chỉ lối, dẫn dắt
cách mạng nước ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tháng 2 năm
1930, bằng tài năng và uy tín của mình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất
các tổ chức cộng sản thành một tổ chức thống nhất lấy tên là “Đảng Cộng sản
Việt Nam” sau đó cho ra đời cương lĩnh chính trị đầu tiên chính là “Chánh
cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt”. Sau đó đến tháng 10
năm 1930 đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng đã
soạn thảo “Luận cương chính trị” - chính là cương lĩnh chính trị thứ hai trong
quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Mặc dù “Luận cương chính trị” còn những hạn chế nhất định, tuy nhiên
không thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa lịch sử to lớn
của bản luận cương này. Luận cương đã xác định tương đối cụ thể về những
vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác -
Lênin vào tình hình thực tiễn Việt Nam. Thực tế sau khi ra đời luận cương
một phong trào đầu tranh đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổ ra và đã
để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng chính là “Xô viết Nghệ Tĩnh”. Vì vậy,
nhận thức được tính cấp thiết cũng như những giá trị sâu sắc của vấn đề nên
việc lựa chọn phân tích về nội dung của “Luận cương chính trị” tháng 10 năm
1930 của đồng chí Trần Phú là hoàn toàn đúng đắn.
NỘI DUNG
1. Bối cảnh lịch sử
1.1. Tình hình thế giới
Từ năm 1929, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc Đại
khủng hoảng, bắt đầu từ Mỹ đến các nước Châu Âu. Một số nước tư bản chủ
nghĩa đối phó với tình hình trên bằng cách đi theo con đường phát xít như
Đức, Ý, Nhật. Thế giới đang phải đối mặt với một thế lực mới đang ngầm trỗi
dậy và đem lại nhiều hậu quả to lớn cho nền hoà bình và tiến bộ trên hành
tinh mang tên “Chủ nghĩa Phát xít” với thế lực đứng đầu là Đảng Quốc xã
Đức.
Trong giai đoạn này, Liên Xô tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ
nghĩa và tập thể hóa nông nghiệp, đạt một số thành tựu nhất định. Với sự
thành công của các kế hoạch kinh tế đã làm cho Liên Xô từ một đất nước “đi
gày cỏ” trở thành một trung tâm công nghiệp lớn ở Châu Âu. Nền kinh tế của
Liên Xô đã phát triển vượt qua thời kỳ đỉnh cao của Sa Hoàng. Chính điều
này đã có nhiều tác động tích cực đến niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản tại
Việt Nam.
1.2. Tình hình trong nước
Với sự bóc lột nặng nề của thực dân Pháp đặc biệt là trong bối cảnh của
cuộc Đại suy thoái năm 1929 mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và thực dân
Pháp ngày càng gay gắt, nhiều thứ thuế bị áp đặt, quyền tự do bị hạn chế.
Thực dân Pháp thẳng tay áp đặt vào nước ta những chính sách rất ngặt nghèo
như về kinh tế: chúng tăng thuế hoặc bổ sung các loại thuế mới, chèn ép
người lao động Việt Nam; về xã hội: chúng bóp nghẹt các quyền tự do, dân
chủ ở nước ta, đàn áp các phong trào nổi dậy của nhân dân ta. Các cuộc khởi
nghĩa nổ ra chống thực dân Pháp nhưng bị đàn áp khốc liệt, tiêu biểu là khởi
nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học vào tháng 2-1930. Luận cương cũng đã
nhận định về tình hình Đông Dương “phong trào cách mạng ở Đông Dương là
sự tranh đấu của quần chúng công nông có tánh chất độc lập rất rõ rệt, chớ
không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như lúc trước nữa”.
Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thành lập vào tháng 2-1930, thông qua
bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên, bước đầu xây dựng lực lượng và lòng tin
đối với quần chúng nhân dân. Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên
cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là “Luận cương về phong trào cách
mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng
sản (năm 1928). Đồng chí Trần Phú cũng nghiên cứu các văn kiện trong Hội
nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930 và đã đi điều
tra, nghiên cứu tình hình công nhân, nông dân và phong trào quần chúng ở
một số địa phương miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn
Gai…
Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng
sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương
lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự
thảo Luận cương chánh trị của Đảng. Trong khi chuẩn bị bản Luận cương (tại
nhà số 7 phố Giăng Xôle (Jean Soler), nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Hà
Nội), đồng chí Trần Phú đã vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin,
kinh nghiệm phong trào cộng sản quốc tế và Đề cương cách mạng thuộc địa
của Quốc tế Cộng sản; kết hợp với việc đi khảo sát thực tế phong trào công
nhân và nông dân ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đồng thời dựa trên ý
kiến của Ban Thường vụ Trung ương lâm thời. Sau một quá trình làm việc
miệt mài, nghiêm túc, đồng chí Trần Phú viết ra Dự thảo Luận cương chính trị
của Đảng. Dự thảo Luận cương được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành
Trung ương Đảng họp ở Hồng Kông tháng 10- 1930 thông qua.
2. Những nội dung cơ bản của Luận cương
Luận cương chính trị của Đảng (thường gọi là Luận cương cách mạng
tư sản dân quyền) gồm ba phần:
1.Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.
2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương.
3. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới và Đông
Dương, Luận cương chính trị nêu rõ tính chất của cuộc cách mạng ở Đông
Dương là cách mạng tư sản dân quyền.
Cách mạng tư sản dân quyền là “thời kỳ dự bị để làm xã hội cách
mạng”, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư
sản dân quyền là đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc và đánh đổ giai
cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân. Hai nhiệm vụ ấy có
quan hệ khăng khít với nhau.
“Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân
là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng
mới thắng lợi được".
Luận cương cũng phân tích rõ vai trò địa vị của mỗi giai cấp:
Đối với các đảng phái quốc gia cải lương, Đảng phải kiên quyết vạch
trần tính chất nguy hiểm, lừa gạt và phá hoại phong trào cách mạng công
nông. Đối với các đảng phái tiểu tư sản, Đảng có thể tạm thời hợp tác, với
điều kiện là họ phải thật sự chống đế quốc, không ngăn trở công tác tuyên
truyền cộng sản trong công nông, Đảng phải luôn giữ tính chất độc lập về
tuyên truyền và tổ chức của mình và phê phán tính do dự của họ. Luận
cương chính trị khẳng định, cách mạng Đông Dương phải có một Đảng
Cộng sản vững mạnh lãnh đạo.
"Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương
là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật
tập trung mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng
thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và
Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp
vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu
để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản".
Luận cương còn chỉ rõ: muốn giành được thắng lợi Đảng phải thu phục
được đông đảo quần chúng lao động bằng cách tổ chức ra các đoàn thể cách
mạng như Công hội, Nông hội...
Ngoài những vấn đề về đường lối chiến lược, Luận cương đã vạch ra
những vấn đề hình thức và phương pháp cách mạng. Luận cương chỉ rõ khi
chưa có tình thế cách mạng, phải đặt khẩu hiệu "phần ít" như tăng cường
giảm giờ làm, chống thuế… qua cuộc đấu tranh hàng ngày giáo dục cho quần
chúng ý thức đánh đổ đế quốc giành độc lập, đánh đổ phong kiến giành ruộng
đất cho dân cày.
Nhiệm vụ của Đảng là "phải lấy những sự nhu yếu hằng ngày làm bước
đầu mà dắt vô sản giai cấp và dân cày ra chiến trường cách mạng".
Về thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Luận cương viết:
“Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các
giai cấp đứng giữa đã muốn bỏ về phe cách mạng, quần chúng công nông thì
sôi nổi cách mạng, quyết hy sanh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo
quần chúng để đánh đổ chánh phủ của địch nhân và giành lấy chánh quyền
cho công nông".
Về phương pháp cách mạng, Luận cương cho rằng khởi nghĩa "không
phải là một việc thường, chẳng những là theo hình thế trực tiếp cách mạng,
mà lại theo khuôn phép nhà binh… Trong khi không có tình thế trực tiếp cách
mạng cũng cứ kịch liệt tranh đấu; nhưng kịch liệt tranh đấu ấy không phải là
để tổ chức những cuộc manh động, hoặc là võ trang bạo động quá sớm, mà
cốt là để suy động đại quần chúng ra thị oai, biểu tình bãi công, v.v., để dự bị
họ về cuộc võ trang bạo động sau này".
Luận cương cũng nhắc nhở nguy cơ chiến tranh đế quốc ngày càng gần,
cho nên phải làm cho khẩu hiệu chống chiến tranh đế quốc ăn sâu trong quần
chúng như khẩu hiệu "đổi chiến tranh đế quốc ra chiến tranh cách mạng”,
"phản đối binh bị"...; đồng thời tăng cường công tác vận động binh lính địch,
tổ chức tự vệ của công nông.
Cuối cùng, Luận cương chánh trị của Đảng chỉ rõ: cách mạng Đông
Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.
3. Những hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930
Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng đã đóng góp quan trọng vào
kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam, vạch ra con đường đi lên của cách
mạng nước ta. Tuy nhiên do bối cảnh lịch sử cũng như sự hạn chế trong vận
dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta, Luận cương
chính trị tháng 10 năm 1930 vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cụ thể
như sau:
Thứ nhất là, Luận cương đã đề cao việc đấu tranh giành độc lập cho
toàn cõi Đông Dương nhưng bỏ qua sự khác biệt về lịch sử, văn hóa… giữa
các nước, chính vì thế không thể tập hợp sức mạnh, chung sức chung lòng
cùng làm cách mạng được.
Thứ hai là, Luận cương đã không nêu ra được mâu thuẫn chủ yếu là
mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Pháp mà chỉ nhấn mạnh vào
mâu thuẫn giai cấp, không đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên hàng đầu nên
không xác định được đâu là mâu thuẫn cốt lõi cần giải quyết trước.
Thứ ba là đối với việc xác định lực lượng cách mạng: Luận cương đã
đánh giá không đúng vai trò cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, khả năng
chống đế quốc của tư sản dân tộc, khả năng lôi kéo của một bộ phận trung và
tiểu địa chủ. Luận cương đã nêu “Đảng phải nhận rõ cái tánh chất và địa vị
các đảng phái tiểu tư sản trong cuộc cách mạng (như bọn Quốc dân Đảng,
Ng.An Ninh, v.v.). Bây giờ các đảng phái ấy tuy còn ở trong địa vị quốc gia
cách mạng nhưng rồi đây cũng hoá ra quốc gia cải lương” như vậy là đánh giá
chưa đúng vai trò của các lực lượng cách mạng
Thứ tư là, Luận cương chưa đề ra được chiến lược liên minh dân tộc và
giai cấp rộng rãi trong đấu tranh chống đế quốc và tay sai.
Thứ năm là Luận cương đã phần nào phủ nhận quan điểm đúng đắn
trong Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt.
Những hạn chế trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên
nhân chủ yếu nhất đó là do những sai lầm khi vận dụng chưa thật sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Hạn chế của Luận
cương chính là cơ sở, điều kiện để sau này trong quá trình lãnh đạo giành
chính quyền, Đảng ta có những nhìn nhận, sửa đổi góp phần làm nên thắng lợi
của cách mạng trong những thời kỳ sau.
4. Quá trình Đảng khắc phục những hạn chế của Luận cương
chính trị tháng 10 năm 1930
Có thể nói, việc khắc phục những hạn chế là cả một quá trình tìm tòi,
khảo nghiệm và nghiên cứu của Đảng thông qua nhìn nhận về thực tế lãnh
đạo cũng như kết quả của các cao trào cách mạng. Quá trình Đảng nhận thức
và dần khắc phục những hạn chế của Luận cương được thể hiện thông qua
việc nghiên cứu và làm rõ các văn kiện: Chung quanh vấn đề chính sách mới
tháng 10-1936, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-
1939, tháng 11-1940 và tháng 5-1941
4.1. Chung quanh vấn đề Chiến sách mới 10/1936
Đảng đã xác định 2 vấn đề chính như sau:
Thứ nhất là, nếu phát triển cuộc đấu tranh chia đất mà ngăn trở cuộc
đấu tranh phản đế thì phải chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết
trước.
Thứ hai là, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc không nhất định phải
kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn
đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn
đề điền địa thì cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác
đáng.
Vì vậy có thể khẳng định đây là nhận thức mới phù hợp với tinh thần
của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, bước đầu khắc phục hạn chế của
Luận cương chính trị (LCCT); nhận thức lại mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ
dân tộc và dân chủ, phản đế và điền địa trong cách mạng Đông Dương.
4.2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-
1939
* Hoàn cảnh lịch sử:
Thế giới: Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, hai ngày sau
Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.
Trong nước: Toàn quyền Đông Dương quyết định cấm tuyên truyền
cộng sản, đặt ĐCSĐD ra ngoài vòng pháp luật, chúng vơ vét sức người và sức
của để phục vụ chiến tranh của đế quốc; Đông Dương bị phát xít Nhật dòm
ngó và có khả năng Pháp sẽ đầu hàng Nhật
* Nội dung:
Xác định nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt: đánh đổ đế quốc và tay sai;
làm cho Đông Dương độc lập.
Chủ trương: tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu
tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản động; chống tô cao, lãi nặng;
thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết bằng khẩu hiệu lập Chính phủ dân
chủ cộng hòa.
Phương pháp đấu tranh: chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang
đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp
pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp.
Thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương với lực
lượng chính là công dân, nông dân, đoàn kết với tiểu tư sản thành thị và nông
thôn , đồng minh hoặc trung lập tạm thời với giai cấp tư sản bản xứ, trung và
tiểu địa chủ. Lãnh đạo là giai cấp công nhân.
Như vậy có thể thấy quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung
ương đã đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng: đặt nhiệm vụ giải phóng dân
tộc lên hàng đầu.
4.3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương
tháng 11-1940
* Nội dung:
Khẳng định sự đúng đắn của chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến
lược của Hội nghị trung ương Đảng tháng 11-1939; xác định kẻ thù chính của
cách mạng lúc này là phát xít Nhật - Pháp.
Hội nghị đã cử ra ban chấp hành trung ương lâm thời, phân công đồng
chí Trường Chinh làm quyền bí thư trung ương Đảng, quyết định chắp nối
liên lạc với quốc tế cộng sản và bộ phận của Đảng ở ngoài nước. Hội nghị
quyết định hai vấn đề cấp bách:
Một là, duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du
kích, khi cần thiết thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ nhân dân.
Hai là, chỉ thị cho xứ uỷ Nam Kỳ hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì chưa
đủ điều kiện bảo đảm cho khởi nghĩa thắng lợi.
4.3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương tháng 5 -
1941
* Nội dung:
Khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng
dân tộc. Mâu thuẫn cấp bách cần giải quyết đó chính là mâu thuẫn giữa nhân
dân ta và đế quốc phát xít Nhật – Pháp.
Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu giảm tô,
giảm tức, chia lại ruộng công, hướng tới người cày có ruộng. Sau khi đánh
đuổi Pháp – Nhật sẽ thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh
thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương; đổi tên các Hội
phản đế thành Hội cứu quốc để thu hút mọi người dân yêu nước tham gia cứu
Tổ quốc, giống nòi và giúp đỡ Lào, Campuchia thành lập mặt trận.
Xác định hình thức đấu tranh: đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng
khởi nghĩa; chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn
dân.
Từ đây có thể thấy hội nghị 8 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng
đấu tranh được đề ra từ Hội nghị 6 nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách
mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo để thực hiện mục
tiêu ấy.

KẾT LUẬN
Tóm lại, Luận cương chính trị năm 1930 – nhìn từ hôm nay nhưng phải
đặt mình vào bối cảnh ra đời của Luận cương, thì chúng ta mới đánh giá được
một cách khách quan và đúng đắn giá trị, ý nghĩa to lớn cũng như những hạn
chế lịch sử của nó. Có hiểu đầy đủ tình hình quốc tế, đặc biệt là hoạt động của
Quốc tế Cộng sản và tình hình trong nước là sự cấu kết giữa thực dân Pháp và
tay sai để đàn áp cách mạng, thì mới thấy hết cái được và chưa được của Luận
cương trong bước ngoặt lịch sử giải phóng dân tộc khi Đảng vừa ra đời nắm
ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.
Tám mươi tư năm qua, chúng ta thấy thành tựu lớn nhất mà cách mạng
Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn
tắt và Luận cương chính trị là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã
trở thành lẽ sống chi phối tình cảm, ý nghĩ và hành động của nhân dân ta. Đó
cũng là quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng ta trong công cuộc đổi mới.

You might also like