NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (C1 - 3)

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ (NGUYỄN TUÂN)

Phạm Minh Anh - 12SN1

Câu 3: Phân tích đoạn trích “Hùng vĩ sông Đà … tan xác ở khuỳnh sông dưới”, từ đó nhận xét
nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Nghệ thuật là một lĩnh vực độc đáo. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, không
được phép lặp lại dấu chân của mình và dẫm lên dấu chân của người khác. Nói như Nam Cao:
“Văn chương không cần tới người thợ khéo tay hay làm theo những kiểu mẫu có sẵn. Văn
chương đòi hỏi phải khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra những gì chưa có”. Điều đó
hoàn toàn chính xác khi ta đến với tác giả Nguyễn Tuần người đã in đậm dấu ấn cá nhân của
mình vào những trang viết kết tinh tài năng và tấm lòng của tác giả. Nguyễn Tuân là một cây
bút có sức sống dồi dào mãnh liệt, mội nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông là
một nhà văn có trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo với sự uyên bác thể hiện ở vốn hiểu biết sâu
rộng, được tổng hợp từ các tri thức đa ngành. Vì vậy sau nhiều chuyến du ngoạn vòng quanh Tổ
quốc, ông đã tìm đến Tây Bắc và phát hiện ra “thứ vàng mười đã qua thử lửa”. Sau đó, với tình
yêu quê hương sâu nặng cùng bầu nhiệt huyết sôi nổi ấy, Nguyễn Tuân đã thành công viết nên
tùy bút “Người lái đò sông Đà”, đặc biệt phong cách nghệ thuật độc đáo cùng ngôn ngữ phong
phú của ông đã được thể hiện qua đoạn trích: “Hùng vĩ sông Đà … tan xác ở khuỳnh sông
dưới”.

Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập “sông Đà” (1960). Đây là một thành quả nghệ
thuật vô cùng đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được vào một chuyến đi thực tế tại vùng
Tây Bắc năm 1958. Trong chuyến đi ấy, tác giả đã có cơ hội sống những khoảnh khắc vô cùng
thân thuộc và hào hứng đối với một người nghệ sĩ như ông. Dưới ngòi bút vô cùng tài hoa,
Nguyễn Tuân đã đưa người đọc bước vào một thiên nhiên kì ảo hùng vĩ ở vùng núi Tây Bắc,
khắc hoạ sông Đà với nhiều nét tính cách khác nhau: hung bạo và trữ tình:
“Chúng thuỷ giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”
Hai câu thơ chữ Hán đã bộc lộ được nét độc đáo của sông Đà khi mọi con sông đều chảy về
hướng Đông thì chỉ có một mình con sông Đà chạy theo hướng Bắc - đó cũng là một trong
những đặc điểm lí thú đã khơi gợi hứng thú khám phá và châm ngưỡng của một nhà văn suốt
đời đi tìm kiếm cái đẹp và sự khác biệt. Lời đề từ của thiên bút kí đặc sắc đã hé lộ khát vọng
mãnh liệt của Nguyễn Tuân trên hành trình khám phá thiên nhiên kì thú và thể hệ cái tài hoa
trong phong cách nghệ của của nhà văn.

Ngồi trên chuyến đò ngược lên Tây Bắc, người đọc ngỡ ngàng với cảnh đá hai bên bờ sông, tạo
nên một nét vẽ về sự hung bạo của sông Đà. Đầu tiên, tác giả khiến người đọc rợn ngợp với độ
cao của vách đá: “Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá
bờ sông dựng vách thành”. Đập vào mắt người đọc chính là hình ảnh những thác đá sừng sững
qua hình ảnh ẩn dụ “thành vách”. “Thành” có thể hiểu là những khối kiến trúc quân sự phòng
ngự chắc chắn, không thể dễ dàng xâm nhập vào và từ “vách” thể hiện một lối đi hẹp, đầy nguy
hiểm. Từ đó, hình ảnh “vách thành” gợi ra sự vững chãi thâm nghiêm và sức mạnh bí ẩn của
những vách núi bên bờ sông Đà. Nhà văn sử dụng một loạt hình ảnh so sánh bâng quơ, ngẫu
nhiên nhưng lại có giá trị gợi tả gián tiếp độ cao của vác đá và sự hẹp ngang, đáng sợ của con
sông này. Như trong câu văn “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”, có lẽ những
vách đá phải dựng đứng với độ cao khủng khiếp mới che lấp đi hết ánh sáng, khiến cho mặt trời
không thể chiếu được tới lòng sông mà chỉ đến buổi trưa, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mới
có thể trông thấy. Trong nền văn học Việt Nam, ta đã từng bắt gặp ánh nắng trong những vần
thơ về sông nước “nắng chiếu sông Lô hò ô tiếng hát” hay “nắng xuống trời lên sâu chót vót”
của Huy Cận. Nhưng đến với nhà văn Nguyễn Tuân, chỉ tới khi mặt trời lên thiên đỉnh ánh nắng
mới le lói xuống lòng sông Đà. Sự hung bạo tột cùng của cảnh đá bờ sông còn được nhận mạnh
qua độ hẹp của sông Đà. Dưới ngòi bút của nhà văn, hai bên sông như đang xích lại gần nhau,
tạo nên một cảm giác bức bối, chật hẹp: “Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết
hầu”. Động từ “chẹt” miêu tả hành động làm nghẹt, tắc lại bằng cách bóp chặt từ một phía nào
đó và đi cùng với hình ảnh so sánh “cái yết hầu” đã gợi ra hình ảnh dòng sông có chỗ bị vách đá
chèn ép tới mức nghẹt thở. Dòng chảy của sông Đà như bị chèn ép, tạo nên sự bức bối, ngột
ngạt đến tột cùng. Độ hẹp của dòng sông còn được tiếp tục nhấn mạnh qua hai hình ảnh liên tiếp
nhau: “Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai, con hổ đã có
lần vọt từ bờ này sang bờ bên kia”. Một cú nhảy đơn giản của nai hổ hay động tác nhẹ nhàng
chơi đùa của con người lại chính là thước đo chuẩn xác cho độ hẹp dài của con sông Đà, làm nổi
bật hơn nữa sự chật hẹp với lưu tốc dòng sông chảy xiết mạnh, làm kinh hãi bất cứ con thuyền
nào tới trước nó. Không chỉ gây ấn tượng về thị giác, Nguyễn Tuân còn tác động vào cả xúc
giác của độc giả qua cảm giác lạnh đến từ không khí và nước của sông quãng này. Sự tương
phản trong câu văn “Ngồi trong khoang đò quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh” đã gợi sự
đối nghịch giữa cái nóng của mùa hè và sự gai lạnh, tối tăm của khúc sông chật hẹp, ít ánh sáng
mặt trời này. Là một nhà văn với trí tưởng tượng phong phú, đầy sáng tạo, Nguyễn Tuân không
bao giờ chọn cho mình những cách miêu tả dễ dãi, đơn thuần, thay vào đó, ông đã lấy cái hiện
đại của phố thị để miêu tả cho thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ: “cảm thấy mình như đứng ở hè một
cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt vụt đèn
điện”. Câu văn tạo ấn tượng mạnh về độ cao chót vót của vách đá qua hình ảnh “khung cửa sổ
nào trên tầng thứ mấy nào”, động từ “tắt phút” gợi cảm giác ánh sáng vụt tắt đột ngột, bóng tối
bủa vây khiến con người chới với hụt hẫng cùng những từ ngữ không xác định như “nào”,
“mấy” để gợi thêm sự bí hiểm của sông Đà. Như vậy, bằng tài năng miêu tả và sự sáng tạo của
mình, người đọc như được trải nghiệm cảm giác lạnh lẽo đến rùng mình, sự đơn độc đáng sợ khi
ngồi trên khoang thuyền sông Đà.

Chỉ bằng cách miêu tả một con ghềnh, nhà văn Nguyễn Tuân cũng khiến người đọc rùng mình,
sợ hãi trước sự hung bạo của sông Đà: “Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số,
nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè như lúc nào cũng đòi nợ xuýt
bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Câu văn mở đầu với lời giới thiệu: “Lại
như quãng mặt ghềnh Hát Loóng”; chỉ với hai chữ “Hát Loóng”, địa danh này đã khiến người
đọc phải tốn sức nén hơi, uốn lưỡi gợi sự khó khăn, nhọc nhằn khi đi qua quãng sông này. Từ
“lại như” thể hiện sự lặp lại vô tận, trùng điệp hiểm nguy lúc nào cũng chực chờ, rình rập. Hơn
nữa, khi đá, nước, sóng cùng kết hợp với nhau đã tạo nên một sức mạnh thiên nhiên to lớn, dữ
dội. Kết hợp với các câu ngắn, nhịp nhanh, cách thanh sắc và từ ngữ trung điệp nối tiếp nhau,
Nguyễn Tuân đã tạo nên một đội quân thiên nhiên hùng vĩ như đang bắt tay nhau tạo trận địa uy
hiếp con người: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”.
Điệp từ “xô” cùng biện pháp liệt kê gợi cảm giác dồn dập, mọi thứ như đang xô nhau, nhanh
chóng và chồng chất lên nhau. Từ láy “cuồn cuộn” gợi nên những luồng gió thốc mạnh, hai từ
“gùn ghè” gợi tiếng gió mài vào đá sắc lạnh, tạo thành những tiếng rít ghê rợn, làm kinh sợ
những vị khách nào đi qua quãng sông đó. Nhưng sự vật vô tri mà thiên nhiên ban tặng, là nước,
là đá như đã có linh hồn của sinh vật, sông Đà trở thành một con thuỷ quái, hung bạo, gắt gỏng
vô cơ giận dỗi con người. Đặc biệt, ông đã sử dụng thủ pháp so sánh và thổi hồn vào sóng, gió,
khiến chúng như “lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua
đấy”. Cụm từ “đòi nợ xuýt” nhấn mạnh sự đáng sợ, hung hãn của khúc sông bởi nợ ở đây không
phải đòi bằng tiền, bằng tình cảm, mà tàn ác hơn hết là đòi bằng mạng sống của con người. Vì
vậy, chúng huênh hoang đe doạ, sẵn sàng tiêu diệt và nuốt trọn bất cứ tay lái sơ ý nào: “Quãng
này mà khinh suất tay lay thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”. Dòng sông Đà nhiều thắc
ghềnh, cuồng nộ đã gợi liên tưởng tới các câu ca dao của dân tộc:
“Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh”

Ngoài những ghềnh thác nguy hiểm, sông Đà còn có những hút nước với độ sâu hung hút với
lực nước khủng khiếp, kinh hãi: “Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông
bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng
cầu”. Cũng như cái tên “Hát Loóng”, địa danh “Tà Mường Vát” gợi ấn tượng về sự hoang sơ, bí
ẩn của mảnh đất Tây Bắc. Với biện pháp nghệ thuật so sánh “như cái giếng bên tông”, hút nước
hiện lên với một hình ảnh hung tợn, trông như cái miệng giếng hút nước đen ngòm, sâu hoắm
đang cắm sâu xuống dưới mặt nước. Xung quanh đó, nước xoáy với lực mạnh đến mức như đỏ
được bê tông, nước “thở” và “kêu” to như “cửa cống cái bị sặc”, “nước ặc ặc lên như vừa rót
dầu sôi vào”. Theo cách miêu tả của nhà văn, những hút nước còn là những cái bẫy chết người
khi mà “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”. Cụm từ “xoáy tít
đáy” mang đến một ấn tượng hãi hùng về lực hút của nước với từ láy “lừ lừ” càng gợi nên sự
lạnh lẽo, hoang tàn như tử khí đang bao trùm khắp không gian nơi đây. Từ đó, sông Đà hiện lên
với hình dáng và âm thanh của một con thuỷ quái đang giận dữ, hung ác với cơn cuồng nộ kinh
khủng tới mức “không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào cũng chèo
nhanh để lướt qua sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường
mượn cạp ra ngoài bờ vực”. Một lần nữa, nhà văn liên tưởng quãng sông với hình ảnh phố thị,
qua hình ảnh “ô tô sang số ấn ga”. Những động từ mạnh “chèo nhanh”, “ấn ga”, “vút qua” thể
hiện lòng dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu với con thịnh nộ của thiên nhiên song trước sự hung
bạo và điên cuồng của sông Đà, con người vẫn phải lùi bước, khiếp sợ khiến người lái đò
“không dám men gần”, “ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ
vực”. Có lẽ, phải là một người đã từng trải nghiệm đi ô tô trên những cung đường vùng cao
ngoằn nghèo, một bên là núi, một bên là vực thẳm với đường hẹp mới có thể hình dung và cảm
nhận sâu sắc hết ý nghĩa của hình ảnh so sánh này. Và cũng vì sức mạnh thiên nhiên cuồng nộ
của sông Đà mà không phải con thuyền nào cũng may mắn và anh dũng vượt qua những hố tử
thần trên dòng Đà giang: “Có những thuyền bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây
chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông, độ mươi phút sau mới thấy tan
xác ở khuỷnh sông dưới”. Các động từ “hút”, “trồng cây chuối ngược”, “bị dìm”, “đi ngầm”,
“tan xác” đã càng làm nổi bật sự ghê rợn, hung hãn của dòng sông nơi cội nguồn Tây Bắc.
Những chiếc thuyền bị nó hút xuống đều bị “xé” tan thành và chỉ được buông tha khi đã “tan
xác ở khuỷnh sông dưới”. Lúc này, những xoáy nước đã trở thành những chiếc cối xay khổng lồ
nghiền nát bất kì những gì chúng tóm được, tạo một cảm giác ghê rợn, sợ hãi trước sự hung bạo,
cuồng nộ của sông Đà.

Sử dụng hiệu quả các phép tu từ như nhân hoá, so sánh cùng ngôn ngữ đa dạng, phong phú với
lối viết tài hoa, uyên bác, hình tượng sông Đà được ví như “kẻ thù số một” của con người. Vẻ
hung bạo của Đà giang qua cảm nhận của Nguyên Tuân bao trùm nhiều khía cạnh từ vốn kiến
thức sâu rộng đến kinh nghiệm sống dày dặn, tạo nên những quan sát, liên tưởng vô cùng ấn
tượng. Tài năng ấy như nổi bật, phù hợp thể loại bút ký khó, kén người viết, nhà văn đã tạo ra
những phối cảnh kỳ thú ở đó sông Đà như con thuỷ quái không ngừng đe dọa, tấn công những
con thuyền cả gan muốn vượt qua nó.
Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ “vượt qua mọi sự băng
hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” cũng như dù thời gian có trôi
qua, những giá trị về quan niệm và cuộc sống nghệ thuật qua cái nhìn của “Người lái đò sông
Đà” vẫn nguyên vẹn và tỏa sáng. Tác phẩm ấy cùng tên tuổi Nguyễn Tuân sẽ còn sống mãi,
ghi một dấu ấn không phai trong nền văn học nước nhà.

You might also like