21. Trần Thanh Dư

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 187

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Thanh Dư

THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM


TRONG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN
VÀ XÃ HỘI LỚP BA TẠI CÁC TRƯỜNG
TIỂU HỌC QUẬN BÌNH THẠNH,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2018


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Thanh Dư

THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM


TRONG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN
VÀ XÃ HỘI LỚP BA TẠI CÁC TRƯỜNG
TIỂU HỌC QUẬN BÌNH THẠNH,
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chuyên ngành : Giáo dục học (Giáo dục Tiểu học)


Mã số : 8140101

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:


PGS. TS. NGUYỄN SỸ THƯ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2018


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, được thực
hiện do yêu cầu học tập. Các số liệu và kết quả nghiên cứu được sử dụng trong
luận văn này là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, được thu thập trong quá trình
nghiên cứu.
Người viết

Trần Thanh Dư
LỜI CẢM ƠN
Hoàn thành luận văn “Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
Tự nhiên và Xã hội lớp Ba tại các trường tiểu học quận Bình Thạnh, Thành phố
Hồ Chí Minh” đối với tôi là một thử thách rất lớn. Tham gia vào hoạt động
nghiên cứu khoa học, tôi gặp khá nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng của bản
thân, tôi cũng đã hoàn chỉnh đề tài luận văn của mình. Trong suốt quá trình thực
hiện luận văn, tôi không thể nào không nhớ đến những người đã hết lòng hỗ trợ
tôi đạt được kết quả này.
Đầu tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư
– Giảng viên Khoa Khoa học Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Thầy đã cảm thông, động viên, tận tình hướng dẫn và hết lòng giúp đỡ tôi thực
hiện đề tài.
Đồng thời, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban Chủ nhiệm Khoa cùng Quý
Thầy Cô đang công tác tại khoa Giáo dục Tiểu học, Phòng Sau Đại học, Quý
Cán bộ Thư viện trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho tôi
trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu tại Trường.
Nhân đây, tôi cũng trân trọng cảm ơn Quý Thầy Cô và các em học sinh lớp
Ba của trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Yên
Thế, Thạnh Mỹ Tây – Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện
thuận lợi, hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình tìm hiểu thực tế tại Quý trường.
Cuối cùng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình đã hỗ trợ, động viên tôi,
để tôi dành thời gian cho việc nghiên cứu. Tôi xin cảm ơn các bạn, các em sinh
viên khoa Giáo dục Tiểu học chia sẻ cùng tôi nhiều khó khăn trong suốt quá
trình thực hiện đề tài.
Đề tài tuy hoàn thành song khó tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả rất mong
nhận được những ý kiến đóng góp của Quý Thầy Cô và các bạn đồng nghiệp.
Người thực hiện
Trần Thanh Dư
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các bảng
Danh mục các hình ảnh, đồ thị
MỞ ĐẦU ............................................................................................. 1
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ DẠY HỌC MÔN TỰ
NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP BA BẰNG HOẠT ĐỘNG
TRẢI NGHIỆM ................................................................ 7
1.1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề dạy học môn Tự nhiên và Xã
hội bằng hoạt động trải nghiệm .................................................... 7
1.1.1. Nghiên cứu về học tập dựa vào trải nghiệm trên thế giới ... 7
1.1.2. Nghiên cứu học tập dựa vào trải nghiệm ở Việt Nam ...... 14
1.2. Các khái niệm cơ bản ................................................................... 17
1.2.1. Hoạt động dạy học ............................................................ 17
1.2.2. Hoạt động trải nghiệm ...................................................... 18
1.2.3. Hoạt động dạy học trải nghiệm ......................................... 19
1.2.4. Hoạt động dạy học trải nghiệm trong môn TN & XH lớp Ba
........................................................................................... 20
1.2.5. Thiết kế hoạt động trải nghiệm ......................................... 20
1.2.6. Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba ............................................................... 21
1.3. Cơ sở lí luận về hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba ......................................................................... 21
1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS lớp Ba ............... 21
1.3.2. Môn Tự nhiên - Xã hội trong chương trình Giáo dục Tiểu
học Việt Nam hiện hành ................................................... 24
1.3.3. Hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học .......... 26
Kết luận chương 1 ............................................................................... 35
Chương 2. THỰC TRẠNG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
LỚP BA BẰNG HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TẠI
CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẬN BÌNH THẠNH, TP
HỒ CHÍ MINH ............................................................... 37
2.1. Khái quát về tình hình dạy học ở các trường tiểu học Quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh ................................................. 37
2.2. Giới thiệu về khảo sát thực trạng ................................................. 38
2.2.1. Mục đích khảo sát ............................................................. 38
2.2.2. Nội dung khảo sát ............................................................. 38
2.2.3. Đối tượng khảo sát ............................................................ 39
2.2.4. Phạm vi khảo sát ............................................................... 39
2.2.5. Phương pháp khảo sát ....................................................... 39
2.3. Kết quả khảo sát ........................................................................... 40
2.3.1. Thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng
hoạt động trải nghiệm tại các trường tiểu học Quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh....................................... 40
2.3.2. Đánh giá chung ................................................................. 55
Kết luận chương 2 ............................................................................... 59
Chương 3. THIẾT KẾ VÀ THỬ NGHIỆM MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG
TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN
VÀ XÃ HỘI LỚP BA ..................................................... 62
3.1. Mục đích và nguyên tắc thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba ........................................... 62
3.1.1. Mục đích thiết kế............................................................... 62
3.1.2. Nguyên tắc thiết kế ........................................................... 62
3.2. Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và Xã
hội lớp Ba .................................................................................... 65
3.2.1. Các tiêu chí lựa chọn nội dung môn TN & XH lớp Ba và
hình thức hoạt động trải nghiệm để thiết kế ..................... 65
3.2.2. Quy trình thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
Tự nhiên và Xã hội lớp Ba ................................................ 68
3.2.3. Một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba đề tài đã thiết kế .................................... 74
3.3. Thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự
nhiên và Xã hội lớp Ba................................................................ 86
3.3.1. Mục đích thử nghiệm ........................................................ 87
3.3.2. Nội dung thử nghiệm ........................................................ 87
3.3.3. Đối tượng, thời gian và địa bàn thử nghiệm ..................... 87
3.3.4. Cách thức triển khai thử nghiệm ....................................... 87
3.3.5. Chuẩn và thang đánh giá kết quả thử nghiệm ................... 89
3.3.6. Kết quả thử nghiệm và bình luận ...................................... 90
Kết luận chương 3 ............................................................................... 95
KẾT LUẬN ........................................................................................... 97
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................. 101
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

GV : Giáo viên
HS : Học sinh
TN & XH : Tự nhiên và Xã hội
NĐC : Nhóm Đối chứng
NTN : Nhóm Thử nghiệm
DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 2.1. Hình thức phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn TN & XH lớp Ba ...................................................... 47
Bảng 2.2. Những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ..................................... 50
Bảng 2.3. Hình thức hoạt động trải nghiệm được HS yêu thích nhất trong
học tập môn TN & XH lớp Ba ................................................ 54
Bảng 3.1. Nội dung môn TN & XH lớp Ba lựa chọn để thiết kế dạy học
bằng hoạt động trải nghiệm .................................................... 66
Bảng 3.2. Một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba đề tài đã thiết kế ................................................................. 75
Bảng 3.3. Tổng hợp điểm làm bài kiểm tra của NTN và NĐC ............... 93
Bảng 3.4. Kết quả xếp loại điểm bài kiểm tra của NTN và NĐC ........... 93
DANH MỤC CÁC HÌNH ẢNH

Hình 1.1. Mô hình học tập dựa vào trải nghiệm của Kurt Lewin ....................... 9
Hình 1.2. Mô hình học tập dựa vào trải nghiệm của Kolb ................................ 11
Hình 1.3. Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn học .... 34
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 2.1. Quan niệm của GV về khái niệm học tập bằng hoạt động
trải nghiệm ........................................................................ 40
Biểu đồ 2.2. Mức độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm............................................................................... 42
Biểu đồ 2.3. Môn học phù hợp để tổ chức dạy học ............................... 42
Biểu đồ 2.4. Mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp Ba......................... 43
Biểu đồ 2.5. Nội dung môn TN & XH lớp Ba phù hợp để tổ chức dạy
học bằng hoạt động trải nghiệm........................................ 46
Biểu đồ 2.6. Mức độ cần thiết của quy trình thiết kế trong thiết kế hoạt
động trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba ............ 48
Biểu đồ 2.7. Mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện của việc tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ... 49
Biểu đồ 2.8. Hứng thú của HS đối với môn TN & XH lớp Ba ............. 52
Biểu đồ 2.9. Hoạt động HS đã tham gia khi học môn TN & XH lớp
Ba ...................................................................................... 53
Biểu đồ 3.1. Đánh giá của giáo viên về mức độ khả thi của các hoạt động
trải nghiệm đã thử nghiệm ................................................ 91
Biểu đồ 3.2. Đánh giá của giáo viên về mức độ hiệu quả của các hoạt
động trải nghiệm đã thử nghiệm ....................................... 92
Biểu đồ 3.3. Kết quả xếp loại điểm làm bài kiểm tra của NTN và
NĐC .................................................................................. 94
1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể (7/2017) ra đời
đã chú trọng đến việc đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực cho người học
thông qua nội dung giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và
phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp. Trong chương trình giáo dục này, đã
có sự xuất hiện của một môn học mới, đó là Hoạt động trải nghiệm. Đồng thời,
trong Chương trình chi tiết của từng môn học - Chương trình giáo dục phổ thông
tổng thể mới, phương pháp giáo dục đã đề cập đến việc tổ chức hoạt động trải
nghiệm trong dạy học cho HS. Những điều này, yêu cầu và tạo cơ hội thuận lợi
để GV tiểu học tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học nhằm
hướng đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học, phát triển phẩm chất
và năng lực cho người học.
Học tập bằng hoạt động trải nghiệm hay học tập dựa vào trải nghiệm tạo
cơ hội để HS tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh, huy động tất cả vốn
kinh nghiệm và các giác quan để khám phá kiến thức. Qua đó, HS được phát
huy tối đa vai trò chủ thể tích cực, độc lập, sáng tạo và rèn luyện các phẩm chất
và năng lực tích cực cho bản thân: trung thực, trách nhiệm; tự chủ và tự học,
giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo,...
Trong chương trình giáo dục tiểu học, bên cạnh những môn học như Toán,
Tiếng Việt, Mĩ thuật,... môn Tự nhiên - Xã hội cũng góp phần không nhỏ trong
việc hình thành phẩm chất và năng lực cho HS tiểu học. Bên cạnh đó, mục tiêu
và chương trình môn Tự nhiên - Xã hội có những điểm phù hợp để dạy học bằng
hoạt động trải nghiệm: hoạt động trải nghiệm chú trọng đến những kinh nghiệm
sẵn có của người học, nó là nguyên liệu đầu vào, là công cụ để người học giải
quyết những vấn đề cần lĩnh hội, đi tìm và hình thành kinh nghiệm mới. Trong
khi đó, với Tự nhiên - Xã hội, HS có nhiều vốn kiến thức, kinh nghiệm nhất, bởi
vì đối tượng học tập trực tiếp của môn học này là các sự vật, hiện tượng cụ thể
2

và mối quan hệ của chúng với môi trường xung quanh. Đối tượng này rất gần
gũi với HS, các em đã trực tiếp nghe, nhìn, được tiếp xúc trực tiếp bằng các giác
quan (nghe, nhìn, nếm, sờ,...) trước khi học tập môn học này. Mặt khác, hoạt
động trải nghiệm khuyến khích HS sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận và có
xúc cảm đối với sự vật, hiện tượng xung quanh. Đặc điểm này phù hợp với đặc
điểm nhận thức của HS tiểu học, từ lớp Một đến lớp Ba: tri giác mang tính đại
thể và thường gắn với hoạt động thực tiễn, tri giác về không gian còn hạn chế,
tư duy mang tính cụ thể và trực quan. Do vậy, để hình thành kiến thức mới, kinh
nghiệm mới và tăng sự chú ý, nhớ nhanh, nhớ lâu kiến thức, cần tạo cơ hội cho
HS huy động tất cả vốn kinh nghiệm và sử dụng tất cả các giác quan trong học
tập. Riêng đối với HS lớp Ba, đặc điểm nhận thức của các em bắt đầu chuyển từ
giai đoạn tư duy trực quan cụ thể sang tư duy trừu tượng thì việc dạy học bằng
hoạt động trải nghiệm là vô cùng cần thiết. Mặt khác, môn Tự nhiên - Xã hội có
phương pháp dạy học đặc trưng là quan sát, nó yêu cầu HS tiếp cận, khai thác
thông tin bằng tất cả giác quan để tìm hiểu sự vật, hiện tượng. Điều này phù hợp
với đặc điểm của hoạt động trải nghiệm.
Xét ở khía cạnh Tâm lí học, một trong những trí nhớ của con người là trí
nhớ vận động - loại trí nhớ này được hình thành nhờ vào hoạt động và có ý nghĩa
to lớn trong việc hình thành những kĩ năng, kĩ xảo trong học tập và lao động.
Mặt khác, HS tiểu học thường hoạt bát, hiếu động, ham học hỏi, phản xạ nhanh,
có cách nghĩ và làm độc đáo, khác biệt. Đặc biệt, các em thường thích hoạt động,
hành động hơn là ngồi tập trung (Nguyễn Thị Bích Hạnh và Trần Thị Thu Mai,
2009). Do đó, với HS tiểu học, học tập bằng hoạt động trải nghiệm là cần thiết.
Mặt khác, hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh, khá nhiều trường tiểu học
đang gặp khó khăn trong tổ chức dạy học trải nghiệm các môn học nói chung và
môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng, đội ngũ giáo viên chưa thiết kế được các hoạt
động trải nghiệm một cách khoa học để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ở một số
trường tiểu học, giáo viên có quan tâm, có thiết kế hoạt động trải nghiệm trong
3

dạy học các môn học nhưng còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện vì
thiếu cơ sở lí luận, quy trình thiết kế một cách khoa học, rõ ràng.
Vì những lí do trên, tác giả thực hiện đề tài “Thiết kế hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba tại các trường tiểu học quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm cung cấp cơ sở lí luận và nguồn tài
nguyên trong việc thiết kế các hoạt động trải nghiệm trong dạy học Tự nhiên -
Xã hội cho HS tiểu học.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Thông qua việc hệ thống hóa cơ sở lí luận và nghiên cứu thực trạng của
vấn đề hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba tại các trường
tiểu học trên địa bàn Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, đề tài thiết kế
một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba nhằm giúp
GV tổ chức dạy học có hiệu quả môn học này, đồng thời giúp HS phát triển
phẩm chất và năng lực.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu: Hoạt động dạy học môn TN & XH lớp Ba.
- Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN &
XH lớp Ba.
4. Giả thuyết khoa học
Thực tế hiện nay, tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thạnh,
Thành phố Hồ Chí Minh, việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động
trải nghiệm là vấn đề còn mới đối với GV tiểu học. Điều này dẫn đến việc thiết
kế các hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba còn gặp khá
nhiều khó khăn. Do đó, nếu có được cơ sở lí luận một cách vững chắc, có cơ sở
thực tiễn một cách khách quan, đề tài sẽ đề xuất được quy trình, thiết kế và thử
nghiệm được những hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba
một cách khoa học, phù hợp và khả thi.
4

5. Nhiệm vụ nghiên cứu


Để đạt mục tiêu nghiên cứu của đề tài, tác giả luận văn thực hiện các nhiệm
vụ nghiên cứu sau:
1) Nghiên cứu, xác định cơ sở lí luận của đề tài Thiết kế hoạt động
trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba tại các trường tiểu học trên địa
bàn Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
2) Khảo sát, giải thích, đánh giá thực trạng dạy học môn TN & XH
lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại các trường tiểu học trên địa bàn Quận
Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
3) Thiết kế và thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba tại các trường tiểu học trên địa bàn Quận Bình Thạnh,
Thành phố Hồ Chí Minh theo chương trình giáo dục tiểu học hiện hành.
6. Phạm vi nghiên cứu
- Thiết kế một số hoạt động trải nghiệm cho HS tiểu học trong môn TN &
XH lớp Ba theo chương trình Giáo dục tiểu học hiện hành.
- Đề tài tiến hành khảo sát và thử nghiệm sản phẩm ở một số trường tiểu
học trên địa bàn Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đề tài tiến hành khảo sát từ tháng 10/2017 đến tháng 02/2018 và thử
nghiệm sản phẩm từ 02/2018 đến tháng 5/2018 ở một số trường tiểu học trên địa
bàn Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu trên, tác
giả luận văn sử dụng các phương pháp chủ yếu sau:
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lí luận, bao gồm: phân tích, tổng hợp, so
sánh tài liệu. Nhóm phương pháp này được sử dụng để thu thập, phân tích, tổng
hợp, hệ thống hóa các tài liệu trong nước và ngoài nước về các vấn đề liên quan
đến đề tài. Từ đó, tác giả luận văn xác lập cơ sở lí luận cho vấn đề nghiên cứu.
5

- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn, bao gồm: phương pháp điều tra
bằng phiếu hỏi, phỏng vấn, quan sát nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng vấn đề
nghiên cứu.
- Nhóm phương pháp thống kê toán học nhằm xử lí số liệu nghiên cứu.
Phương pháp này giúp người thực hiện đề tài thống kê, phân loại, phân tích, so
sánh hệ thống các cứ liệu thực tế để đánh giá và rút ra kết luận.
- Nhóm phương pháp thực nghiệm: Là một phương pháp quan trọng trong
đề tài. Tiến hành thực nghiệm để có những dữ liệu để đánh giá mức độ hiệu quả,
chứng minh giả thuyết và tính khách quan của kết quả nghiên cứu. Trong đề tài
này, phương pháp thực nghiệm khoa học được sử dụng để thử nghiệm tính khả
thi, hiệu quả của một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba mà đề tài thiết kế. Qua đó, người nghiên cứu nhìn nhận được những khuyết
điểm và ưu điểm của những hoạt động đó để cải tiến, hoàn thiện hơn.
8. Đóng góp của đề tài
Đề tài mong muốn cung cấp cơ sở lí luận của việc thiết kế hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Bên cạnh đó, đề tài cũng cung cấp
những đánh giá về thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt
động trải nghiệm. Đồng thời, đề tài đề xuất quy trình và thiết kế 29 hoạt động
trải nghiệm trong dạy học 31 bài của môn TN & XH lớp Ba, tạo nguồn tài liệu
tham khảo hỗ trợ cho GV trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Với những đóng
góp trên, đề tài tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng dạy học môn TN & XH,
góp phần phát triển phẩm chất và năng lực cho HS.
9. Bố cục của luận văn
Phần Mở đầu gồm: lí do chọn đề tài; mục tiêu nghiên cứu; khách thể và đối
tượng nghiên cứu; giả thuyết nghiên cứu; nhiệm vụ nghiên cứu; phạm vi nghiên
cứu; phương pháp nghiên cứu; đóng góp của đề tài; bố cục của luận văn.
Phần Nội dung gồm 3 chương:
6

- Chương 1: Cơ sở lí luận của vấn đề dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng
hoạt động trải nghiệm.
- Chương 2: Thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm tại các trường tiểu học Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chương 3: Thiết kế và thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm trong
dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Phần Kết luận gồm những kết quả đạt được, những khuyến nghị và hướng
phát triển của đề tài.
Phần Tài liệu tham khảo: thống kê tài liệu tham khảo được sử dụng trong
quá trình tiến hành luận văn.
Phần Phụ lục: phiếu khảo sát, phiếu kiểm tra, phiếu câu hỏi phỏng vấn GV,
kiểm định T-Test, một số hình ảnh của quá trình thử nghiệm sản phẩm, kế hoạch
dạy học đã thử nghiệm, kế hoạch dạy học chưa thử nghiệm.
7

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN


VÀ XÃ HỘI LỚP BA BẰNG HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

1.1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề dạy học môn Tự nhiên và Xã hội
bằng hoạt động trải nghiệm
1.1.1. Nghiên cứu về học tập dựa vào trải nghiệm trên thế giới
Lev Vygotsky – nhà tâm lí học người Nga (1896 – 1934) đã đề cập trong
một nghiên cứu của mình lí thuyết về “vùng phát triển gần” (the Zone of
Proximal Development). Lí thuyết này được đúc kết thông qua nghiên cứu việc
trẻ em giải quyết như thế nào những vấn đề chúng gặp mà những vấn đề đó nằm
ngoài mức độ phát triển của chúng. Theo tác giả, “vùng phát triển gần” được
hiểu là khu vực kinh nghiệm của cá nhân nằm giữa trình độ phát triển tiềm tàng
và trình độ phát triển hiện tại. Hay nói cách khác, đó là khu vực kinh nghiệm mà
cá nhân giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ từ bên ngoài đến giải quyết vấn đề độc
lập (Đặng Thành Hưng, 2012). Nội dung của “vùng phát triển gần” chính là
những giá trị và kinh nghiệm thường trực ở mỗi cá nhân. Tiềm năng của mỗi cá
nhân được quy định một cách tương đối dựa vào mức trải nghiệm và di truyền.
Khi tiếp xúc với môi trường qua giao tiếp, học tập, làm việc,... những tiềm năng
này được huy động từ vốn kinh nghiệm sẵn có để thực hiện một cách tập trung
vào nhiệm vụ cụ thể, có chia sẻ, thử thách,... dẫn đến vốn kinh nghiệm này được
cải thiện, phát triển ở mức cao hơn mà đặc trưng là năng lực giải quyết vấn đề
độc lập. Theo một chu kỳ, trình độ này lại trở thành kinh nghiệm sẵn có, làm
nền tảng trong hiện tại, qua thử thách, điều chỉnh rồi lại làm giàu kinh nghiệm
đó ở mức phát triển cao hơn. Cứ như thế, vốn kinh nghiệm cá nhân lại phát triển
hơn ở chu kỳ sau đó.
Công trình nghiên cứu Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and
Education, 1938), John Dewey (1859 – 1952), nhà triết học Hoa Kỳ, “nhà lí luận
giáo dục có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX”, đã làm rõ ý nghĩa của kinh nghiệm
8

cá nhân và mối quan hệ giữa vốn kinh nghiệm của người học với hoạt động dạy
học.
John Dewey (1859–1952), một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Hoa
Kỳ thế kỷ 20, là người đặt nền móng cho nền giáo dục hiện đại của Hoa Kỳ.
Năm 1896, John Dewey bắt đầu ý tưởng về giáo dục dựa trên kinh nghiệm
(experiential education). Ông cho rằng mỗi đứa trẻ, mỗi người học với học tập,
chính là học qua trải nghiệm, thông qua nguyên lí giáo dục: “Nếu bạn nói, tôi sẽ
quên. Nếu bạn chỉ dẫn, tôi sẽ nhớ một nửa. Và nếu bạn để tôi làm, tôi sẽ không
thể quên”.
Dewey cho rằng học tập là quá trình các đặc tính, năng lực cá nhân phát
triển một cách tự nhiên khi tương tác với cuộc sống. Đặc biệt, ở giai đoạn tiểu
học, đứa trẻ sẽ huy động tối đa các năng lực trí tuệ và thể chất để khám phá thế
giới xung quanh. Do đó, việc nhà trường áp đặt trẻ bằng các chương trình và
sách giáo khoa sẽ làm hủy hoại trí tuệ của chúng. Theo ông, giáo dục là quá trình
tích lũy dần những kinh nghiệm, trải nghiệm và tái thiết lập chúng để làm chúng
trở nên sâu sắc. Đồng thời, hoạt động trò chơi, hoạt động lao động là hình thức
học tập phù hợp với trẻ. Bởi lẽ, nó phù hợp với đặc điểm tâm lí của trẻ hơn so
với cách thức giáo dục truyền thống – cung cấp cho trẻ những tri thức thuần túy
từ bên ngoài mà không quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của trẻ
(Dewey, J., 2012).
Mặt khác, đề cập đến kinh nghiệm trong giáo dục, Dewey chỉ ra hai đặc
tính cơ bản của nó là tính liên tục và tính tương tác (continuity and interaction).
Ở tính liên tục, ông cho rằng kinh nghiệm này sẽ ảnh hưởng và hình thành những
kinh nghiệm tiếp theo. Do vậy, GV phải biết sử dụng vốn kinh nghiệm của mình
để dẫn dắt, định hướng cho những kinh nghiệm còn non nớt của người học.
Người dạy sẽ tạo ra được sự giáo dục dựa trên kinh nghiệm sống động (living
experience) khi họ nắm bắt được những gì đang và sẽ diễn ra trong suy nghĩ của
người học. Còn đối với tính tương tác, Dewey nói rằng kinh nghiệm thực sự chỉ
9

tồn tại trong hoàn cảnh khách quan (nội tại người học và môi trường). Từ những
phân tích trên, Dewey đặt ra 2 yêu cầu khi lựa chọn kinh nghiệm dạy cho người
học: một là, kinh nghiệm phải mang tính mới nhưng vẫn nằm trong khả năng có
thể đạt được của người học; hai là, kinh nghiệm cần dạy phải thúc đẩy người
học chủ động tìm kiếm thêm kiến thức để đưa ra những ý tưởng sáng tạo (Dewey,
J., 2012).
Năm 1946, Zadek Kurt Lewin (1890 – 1947), chuyên gia về lĩnh vực hành
vi tổ chức, động lực nhóm và sự phát triển phương pháp luận của nghiên cứu
hành động, đã thể hiện mối quan tâm chính là sự kết hợp giữa lí luận và thực
tiễn. Qua nghiên cứu, Lewin cho thấy, khi xuất hiện một cuộc xung đột biện
chứng giữa kinh nghiệm cá nhân với việc giải quyết nhiệm vụ học tập thì kết
quả học tập sẽ đạt được tối đa. Đồng thời, Lewin cũng đưa ra công trình nghiên
cứu đề cập đến việc học tập dựa vào trải nghiệm – công trình “T-nhóm và
phương pháp phòng thí nghiệm”. Trong đó, tác giả đánh giá cao vai trò của kinh
nghiệm cá nhân đối với học tập dựa vào trải nghiệm. Kurt Lewin đưa ra mô hình
(Hình 1) học tập dựa vào trải nghiệm với 4 giai đoạn: Reflect (suy nghĩ về tình
huống học tập), Plan (lập kế hoạch giải quyết tình huống học tập), Act (thực hiện
kế hoạch), Observe (quan sát những kết quả đạt được).

Hình 1.1. Mô hình học tập dựa vào trải nghiệm của Kurt Lewin
10

Năm 1960, Jean Piaget (1896 – 1980), nhà tâm lí học phát triển người Thụy
Sỹ, đã thực hiện một nghiên cứu về kinh nghiệm và kiến thức của con người.
Ông cho rằng trí thông minh của một cá nhân được định hình bởi kinh nghiệm
của chính người đó. Đồng thời, trí thông minh đó là sản phẩm của quá trình
tương tác giữa con người với môi trường sống xung quanh của chính họ chứ nó
không phải là đặc tính bẩm sinh (Đặng Thành Hưng, 2012).
Năm 1984, kế thừa những nghiên cứu về kinh nghiệm và học tập dựa vào
kinh nghiệm của Dewey, Lewin, Piaget, Lev Vygotsky,... David Kolb (1939),
nhà lí luận giáo dục Hoa Kỳ, đã công bố nghiên cứu về học tập dựa vào trải
nghiệm: Study experience: Experience is the source of Learning and
Development (Học tập trải nghiệm: Kinh nghiệm là nguồn học tập và phát triển).
David Kolb chính thức đưa ra lí thuyết về học tập dựa vào trải nghiệm, cung cấp
mô hình học tập dựa vào trải nghiệm để ứng dụng trong trường học, tổ chức kinh
tế hay bất cứ nơi nào con người được tập hợp với nhau. Trong công trình này,
ông cũng xác định đặc điểm của học tập dựa vào trải nghiệm và các giai đoạn
trong học tập dựa vào trải nghiệm. Đối với Kolb, khái niệm học tập được hiểu
như quá trình chuyển đổi kinh nghiệm của chính người học để tạo ra kiến thức.
Trong suốt quá trình đó, người học không phải chỉ tiếp thu kiến thức từ phía GV
truyền đạt, mà còn tạo ra kiến thức bằng cách kiểm nghiệm những kinh nghiệm
sẵn có của bản thân trong môi trường học tập thực tiễn để điều chỉnh nó cho
đúng. Kolb đã đưa ra mô hình học tập dựa vào trải nghiệm bao gồm bốn giai
đoạn: trong môi trường học tập cụ thể, người học bắt đầu với kinh nghiệm cụ
thể sẵn có (Concrete experience) sẽ quan sát, suy nghĩ và đưa ra những phản hồi
(Observation and reflection) về tình huống học tập trong môi trường đó. Qua đó,
họ rút ra những khái niệm, kiến thức trừu tượng (Forming abstract concepts) rồi
vận dụng, thử nghiệm nó trong giải quyết những tình huống mới (Testing in new
situations) trong học tập hay cuộc sống (Kolb, D. A.,1984).
11

Hình 1.2. Mô hình học tập dựa vào trải nghiệm của Kolb
Cũng trong công trình này, Kolb nhấn mạnh rằng kiến thức sẽ liên tục
được hình thành thông qua kinh nghiệm cá nhân và môi trường. Đồng thời, để
có được kiến thức thực sự từ kinh nghiệm, người học phải hội đủ bốn yếu tố:
Một là, người học phải sẵn sàng, tích cực tham gia vào tình huống, huy động
kinh nghiệm vốn có; hai là, người học phải có khả năng suy nghĩ về kinh nghiệm;
ba là, người học phải sử dụng các kĩ năng phân tích để khái niệm hóa kinh
nghiệm; bốn là, người học phải có kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề để
sử dụng những ý tưởng mới thu được từ kinh nghiệm.
Sau khi công trình Study experience: Experience is the source of Learning
and Development của Kolb, D. A. ra đời, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến
học tập dựa vào trải nghiệm trong lĩnh vực giáo dục xuất hiện, có thể kể đến
như:
Năm 1999, Itin C. M. với nghiên cứu Reasserting the philosophy of
experiential education as a vehicle for change in the 21st century (Tái khẳng
định triết lí giáo dục trải nghiệm như một phương tiện để thay đổi trong thế kỷ
12

21) đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục trải nghiệm trong thời điểm hiện nay –
thế kỉ 21. Theo Itin, giáo dục trải nghiệm không chỉ là học tập dựa vào trải
nghiệm, mà nó còn là triết lí giáo dục liên quan đến sự tương tác giữa người học
và GV. Đồng thời, nó còn đóng vai trò quan trọng trong cải cách giáo dục (Itin
C. M., 1999).
Năm 2002, The power of experiential learning: a handbook for trainers
and educators (Sức mạnh của việc học tập dựa trên trải nghiệm: sổ tay dành cho
giảng viên và nhà giáo dục) của Beard, C. và Wilson, J. P. cũng đã đề cập đến
việc học tập dựa vào trải nghiệm qua sử dụng các hoạt động ngoài trời hoặc
trong môi trường kín. Trong nghiên cứu này, các tác giả khẳng định xu hướng
học tập này đang phát triển như một quy luật học tập quan trọng, là kĩ thuật phát
triển và đào tạo nguồn nhân lực (Beard, C. và Wilson, J. P., 2002).
Năm 2004, Moon, J. A. với công trình A Handbook of Reflective and
Experiential Learning: Theory and Practice (Cẩm nang học tập phản hồi và trải
nghiệm: Lí thuyết và thực tiễn) đã cho thấy học tập trải nghiệm đòi hỏi sự tự
chủ, ý định học và giai đoạn học tập tích cực. Moon, J. A. cũng đã giải thích chi
tiết về chu trình học tập trải nghiệm của Kolb và nhận định rằng học tập trải
nghiệm sẽ hiệu quả tốt nhất khi nó bao gồm đầy đủ: giai đoạn học hỏi phản
chiếu, giai đoạn học tập kết quả từ những hành động vốn có trong học tập trải
nghiệm, và giai đoạn học hỏi từ phản hồi. Quá trình học tập này có thể dẫn đến
những thay đổi về phán đoán, cảm xúc hay kĩ năng cho cá nhân người học và có
thể đưa ra các phán đoán như là một hướng dẫn để lựa chọn và hành động. Từ
đó, tác giả cho rằng yếu tố cảm xúc trong học tập trải nghiệm giữ vai trò rất quan
trọng. Mặc dù học tập trải nghiệm có thể xảy ra mà không cần yếu tố này nhưng
nó có thể cải thiện hiệu quả của học tập trải nghiệm. Theo đó, điều quan trọng
trong học tập trải nghiệm là khuyến khích người học trực tiếp tham gia vào hoạt
động trải nghiệm, rồi phản ánh những kinh nghiệm của mình bằng kĩ năng phân
tích để hiểu rõ hơn về kiến thức mới và lưu giữ nó lâu hơn (Moon, J. A., 2004).
13

Trong công trình Open to outcome: A practical guide for facilitating &
teaching experiential reflection, Jacobson, M. Và Ruddy, M. đã nghiên cứu mô
hình học tập trải nghiệm 4 giai đoạn của Kolb và chu trình học tập 5 giai đoạn
của Pfeiffer và Jones. Từ đó, các tác giả tạo ra một mô hình câu hỏi đơn giản,
mang tính thực tế cho người dạy sử dụng trong việc thúc đẩy phản ánh phê bình
về học tập kinh nghiệm, tức là đánh giá về khả năng ứng dụng của kinh nghiệm
thu nhận được trong thực tế cuộc sống. Mô hình “5 câu hỏi” như sau:
Bạn có nhận thấy ...?
Tại sao điều đó xảy ra?
Điều đó xảy ra trong cuộc sống?
Tại sao điều đó xảy ra?
Làm thế nào bạn có thể sử dụng nó?
Những câu hỏi này do người dạy đưa ra để người học trả lời sau khi trải
nghiệm, và dần dần dẫn dắt họ hướng tới một sự phản ánh phê bình về kinh
nghiệm của họ. Từ đó, người học có thể hiểu rõ cách họ áp dụng việc học vào
thực tế cuộc sống của họ (Jacobson, M., và Ruddy, M., 2004).
Nghiên cứu Learning Styles and Learning Spaces: Enhancing Experiential
Learning in Higher Education (Phong cách học tập và không gian học: Tăng
cường học tập dựa vào trải nghiệm trong giáo dục đại học) vào năm 2005 của
Kolb, A. Y và Kolb, D. A. đã giới thiệu khái niệm và dẫn chứng về không gian
học tập như là điều kiện môi trường để HS khám phá tri thức. Các tác giả cũng
trình bày các nguyên tắc để tăng cường học tập dựa vào trải nghiệm trong giáo
dục đại học. Bên cạnh đó, các tác giả cũng kiến nghị để học tập dựa vào trải
nghiệm áp dụng trong công tác đào tạo sinh viên (giảng dạy, đánh giá); đào tạo,
bồi dưỡng giảng viên ở trường đại học (Kolb, A. Y và Kolb, D. A., 2005).
Năm 2007, Silberman, M. L. đã công bố công trình The Handbook of
Experiential Learning (Cẩm nang học tập trải nghiệm). Trong đó, Silberman
14

trình bày một loạt các phương pháp học tập dựa vào trải nghiệm bao gồm: Trò
chơi, đóng vai, kể chuyện, thực hành phản xạ, ... (Silberman, M. L., 2007).
Năm 2011, công trình The Learning Way - Learning from Experience as
the Path to Lifelong Learning and Development (Học cách học từ kinh nghiệm
là con đường để suốt đời học tập và phát triển) của Passarelli, A. và Kolb, D. A.
đã đưa ra chu kỳ học tập dựa vào trải nghiệm với 4 giai đoạn theo thứ tự: thực
hiện thao tác, hành động; phản ánh kinh nghiệm; trừu tượng hóa khái niệm; thử
nghiệm, vận dụng. Từ đó, các tác giả đưa ra nhận định chung về cách thức tổ
chức hoạt động học tập và không gian để tổ chức học tập. Trong chu kỳ trên, 4
giai đoạn được kết nối với nhau theo hình xoắn ốc nhằm hướng tới mục đích
học tập không ngừng nghỉ. Người học phải thấu hiểu và tạo được quan hệ trong
học tập, kết nối với nhau nhằm thúc đẩy quá trình học tập suốt đời (Passarelli,
A. và Kolb, D. A., 2011).
Nhìn chung, đến nay, trên thế giới, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu
và ứng dụng về học tập dựa vào trải nghiệm. Các tác giả đã chỉ ra những hạn
chế của giáo dục truyền thống, đồng thời, nêu lên quan điểm về vai trò của kinh
nghiệm trong giáo dục và đưa ra lí thuyết về học tập trải nghiệm, làm cơ sở lí
luận để các nước áp dụng vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
1.1.2. Nghiên cứu học tập dựa vào trải nghiệm ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu hay ứng dụng về học tập dựa vào trải nghiệm,
hoạt động trải nghiệm trong giáo dục bắt đầu trễ hơn so với thế giới. Có thể kể
đến một số công trình sau:
Năm 2003, Vũ Thị Ngọc Uyên với bài báo “Vận dụng mô hình giáo dục
trải nghiệm của David A. Kolb vào dạy học môn TN & XH ở tiểu học” đã chỉ
ra được những lí do khiến môn TN & XH ở tiểu học phù hợp để giáo dục trải
nghiệm. Bên cạnh đó, dựa vào mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb, tác giả
đưa ra cách thức vận dụng mô hình này trong tổ chức dạy học môn TN & XH
(Vũ Thị Ngọc Uyên, 2003).
15

Năm 2006, tài liệu Học mà chơi - Chơi mà học: Hướng dẫn các hoạt
động Giáo dục môi trường trải nghiệm do Dự án giáo dục môi trường Hà Nội
và Trung tâm Con người và Thiên nhiên biên soạn đã đề cập đến học tập dựa
vào trải nghiệm. Tài liệu này giới thiệu tóm tắt khái niệm học tập dựa vào trải
nghiệm và giới thiệu một số hoạt động trò chơi thực hành nhằm giáo dục môi
trường cho HS tiểu học và trung học cơ sở. Dự án này đã triển khai thực hiện tại
Hà Nội trên 12 trường tiểu học và 11 trường trung học cơ sở (Dự án giáo dục
môi trường Hà Nội và Trung tâm Con người và Thiên nhiên, 2006).
Năm 2014, Bài báo Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm David Kolb
trong dạy học ở tiểu học của Võ Trung Minh đã tiến hành phân tích và áp dụng
mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb vào dạy học ở tiểu học. Tác giả đã nhấn
mạnh vai trò của trải nghiệm cá nhân trong học tập: thông qua trải nghiệm các
tình huống thực tế từ cuộc sống, HS học được kĩ năng giải quyết vấn đề và tư
duy phản biện. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu 6 bước cơ bản để vận dụng
mô hình này trong dạy học bao gồm: giới thiệu hoạt động trải nghiệm, thực hành
trải nghiệm thực tiễn, chia sẻ “những gì đã xảy ra” về kinh nghiệm có được,
phân tích và xử lí những kinh nghiệm thu được, khái quát hóa kinh nghiệm thu
được từ thế giới thực, ứng dụng và kiểm nghiệm (Võ Trung Minh, 2014).
Năm 2015, trong bài báo Hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm
sáng tạo trong nhà trường phổ thông, tác giả Bùi Ngọc Diệp đã trình bày về
quan niệm hiện nay của nhà trường phổ thông về hoạt động trải nghiệm sáng tạo
và một số hình thức tổ chức các hoạt động này trong nhà trường phổ thông. Tác
giả cũng đưa ra nhận định: tính chất cơ bản của hoạt động trải nghiệm sáng tạo
là các hoạt động tập thể mà ở đó, cá nhân chủ động thực hiện các nhiệm vụ với
sự nỗ lực, sáng tạo và đặc điểm riêng của mình (Bùi Ngọc Diệp, 2015).
Năm 2015, Doãn Ngọc Anh với nghiên cứu Vận dụng mô hình giáo dục
trải nghiệm của David A. Kolb vào dạy học môn giáo dục học ở trường Đại học
sư phạm cũng nhấn mạnh vai trò của việc học tập trải nghiệm đối với chất lượng
16

đào tạo. Tác giả cho rằng học tập dựa vào trải nghiệm sẽ khuyến khích sinh viên
phát triển tư duy phê phán, tự định hướng cách thức giải quyết vấn đề và đưa ra
quyết định trong hoàn cảnh có liên quan đến bản thân (Doãn Ngọc Anh, 2015).
Tác giả Chu Thị Hồng Nhung với nghiên cứu Vận dụng mô hình giáo dục
trải nghiệm của David A. Kolb vào việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo
5 – 6 tuổi ở trường Mầm non (2015) cũng tiến hành phân tích 4 giai đoạn trong
mô hình giáo dục trải nghiệm của Kolb và đề xuất giáo dục lòng nhân ái cho trẻ
mẫu giáo bằng hoạt động trải nghiệm. Tác giả đã chỉ ra rằng hoạt động trải
nghiệm có thể tác động đến cảm xúc của trẻ và giúp trẻ có hành vi tích cực đối
với con người và môi trường xung quanh (Chu Thị Hồng Nhung, 2015).
Nghiên cứu năm 2016: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy
học Vật lí ở trường phổ thông của tác giả Tưởng Duy Hải cũng nhấn mạnh: hoạt
động trải nghiệm là một trong những nội dung chính hợp thành chương trình
tổng thể giáo dục phổ thông nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sau 2015.
Tác giả đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lí luận và đề xuất tổ chức hoạt động trải
nghiệm sáng tạo trong dạy học bộ môn Vật lí ở trường phổ thông theo mục tiêu
phát triển năng lực HS. Mặt khác, tác giả cũng đề xuất bố trí lại khung thời gian
học tập và xây dựng các kiến thức theo chủ đề học tập để khi học tập, HS có môi
trường thực hiện các hoạt động trải nghiệm trong thực tế cuộc sống (Tưởng Duy
Hải, 2016).
Năm 2016, Đỗ Thị Phương Thảo và Nguyễn Hữu Tuyến với nghiên cứu
Tổ chức cho HS trung học cơ sở hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học
Toán đã tiến hành đánh giá, đưa ra các bước tổ chức và minh hoạt cụ thể về hoạt
động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán ở trường trung học cơ sở. Từ đó,
tác giả khẳng định hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán là một
cách tiếp cận dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học
(Đỗ Thị Phương Thảo và Nguyễn Hữu Tuyến, 2016).
17

Công trình “Xây dựng một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS tiểu
học” năm 2016 của nhóm tác giả Đinh Thị Thiện Tâm, Trần Thị Như, Nguyễn
Xa Hoài, Trần Thị Kim Cúc đã xác định hoạt động trải nghiệm là một nội dung
giáo dục quan trọng, là một trong những điểm đổi mới của chương trình phổ
thông tổng thể sau 2015. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu về hoạt động trải
nghiệm ở góc nhìn hoạt động giáo dục (ngoài môn học) với các nội dung: cơ sở
lí luận của hoạt động trải nghiệm, thực trạng tổ chức và hiệu quả của các hoạt
động giáo dục theo hướng trải nghiệm hiện nay, khả năng tổ chức và thực hiện
hoạt động trải nghiệm của GV và HS. Bên cạnh đó, các tác giả cũng cho rằng tổ
chức hoạt động trải nghiệm cho HS tiểu học là việc làm cần thiết, hướng tới mục
tiêu giáo dục hiệu quả, toàn diện cho HS (Đinh Thị Thiện Tâm et al., 2016).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, có khá ít những công trình nghiên
cứu về hoạt động trải nghiệm trong môn học ở tiểu học và hầu như chưa có công
trình nào đi sâu nghiên cứu về dạy học môn TN & XH bằng hoạt động trải
nghiệm cho đối tượng cụ thể là HS lớp Ba, cũng như chưa có tài liệu tham khảo
nào về hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Do đó, ở đề
tài này, tác giả luận văn sẽ đi sâu nghiên cứu cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của
vấn đề dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm. Từ đó, thiết
kế những hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
1.2. Các khái niệm cơ bản
1.2.1. Hoạt động dạy học
Dạy học là quá trình tập hợp những hành động liên tiếp, thâm nhập vào
nhau của người dạy và người học dưới sự hướng dẫn của người dạy nhằm làm
cho người học nắm vững hệ thống tri thức khoa học, phát triển năng lực nhận
thức, năng lực hành động, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn.
Theo Trần Thị Hương và cộng sự, “hoạt động dạy học là hoạt động tương
tác, phối hợp và thống nhất giữa hoạt động chủ đạo của GV và hoạt động tự giác,
18

tích cực, chủ động của HS nhằm thực hiện mục tiêu dạy học” (Trần Thị Hương
et al., 2014).
Từ những khái niệm trên, tác giả luận văn định nghĩa dạy học là quá trình
song song, biện chứng giữa truyền đạt và lĩnh hội của người dạy và người học.
Trong đó, người dạy giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, hướng dẫn người
học phát huy năng lực và phẩm chất cá nhân, còn người học thể hiện vai trò chủ
động, sáng tạo trong việc tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội những năng lực và
phẩm chất cần thiết cho chính mình.
1.2.2. Hoạt động trải nghiệm
Về trải nghiệm, theo Từ điển Tiếng Việt, “Trải có nghĩa là đã từng qua,
từng biết, từng chịu đựng; còn nghiệm có nghĩa là kinh qua thực tế nhận thấy
điều nào đó là đúng” (Hoàng Phê, 1992).
Hay theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, theo nghĩa chung nhất, trải nghiệm
là bất kì một trạng thái nào trong đời sống tâm lí chứa đựng xúc cảm của chủ thể
thông qua việc cảm nhận, trải qua, đọng lại cùng với tri thức, ý thức,... Ở khía
cạnh tâm lí học, nó là những tín hiệu nội tại của chủ thể. Thông qua đó, chủ thể
tiếp nhận các sự việc, sự kiện và đưa ra phản hồi mang màu sắc cá nhân từ ý
tưởng đến hành vi (Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa
Việt Nam, 2005).
Một cách hiểu khác theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trải nghiệm “là
tri thức hay sự thông thạo về một sự kiện hay một chủ đề có được thông qua
tham gia sự can dự hay tiếp xúc trực tiếp”. Hay trải nghiệm được xem là quá
trình hoạt động tích cực của cá nhân để thu thập kinh nghiệm. Đó có thể là kinh
nghiệm, nhận định tốt hoặc xấu, tích cực hay tiêu cực,... phụ thuộc vào nhiều
yếu tố khác như môi trường sống và đặc điểm cá nhân mỗi người. (Wikipedia,
2018).
Tác giả Đinh Thị Kim Thoa đã xác định:
19

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục [...] tạo cơ hội cho HS: huy

động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục

khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống gia đình, nhà trường và xã hội;

tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động, từ thiết kế hoạt động

đến chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động; trải nghiệm, bày tỏ

quan điểm, ý tưởng sáng tạo, lựa chọn ý tưởng hoạt động; thể hiện và tự

khẳng định bản thân, đánh giá và tự đánh giá kết quả hoạt động của bản

thân, của nhóm và của các bạn... dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo

dục, qua đó hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực

cốt lõi được tuyên bố trong chương trình tổng thể và các năng lực đặc thù

của Hoạt động trải nghiệm (Đinh Thị Kim Thoa, 2017).

Từ những định nghĩa trên, trong phạm vi đề tài này, tác giả luận văn tiếp
cận về Hoạt động trải nghiệm như sau: Hoạt động trải nghiệm là một hoạt động
giáo dục có mục đích, được tiến hành dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo
dục. Qua đó, HS được trực tiếp tham gia một sự kiện hay tương tác với các đối
tượng một cách tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo. Nói cách khác, HS được
trải nghiệm, bày tỏ và lựa chọn ý tưởng, thực hiện và đánh giá ý tưởng, được tự
đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của nhóm, cá nhân khác. Từ đó, HS được
hình thành và phát triển những phẩm chất và các năng lực cần thiết.
1.2.3. Hoạt động dạy học trải nghiệm
Hoạt động dạy học trải nghiệm là hoạt động dạy học gắn liền với việc tổ
chức của GV và việc tham gia các hoạt động trải nghiệm của HS. Trong đó, hoạt
động của HS là trung tâm, tất cả HS đều trải nghiệm theo một tiến trình cụ thể.
Hoạt động dạy học trải nghiệm yêu cầu HS huy động tất cả vốn kinh nghiệm sẵn
20

có, sử dụng nhiều giác quan để trải nghiệm. Qua đó, HS có thể phát huy khả
năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện.
Trong luận văn này, tác giả xác định hoạt động dạy học trải nghiệm là hoạt
động dạy học mà ở đó GV là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn HS thực hiện
các hoạt động trải nghiệm; HS sử dụng kinh nghiệm sẵn có của mình tham gia
vào các hoạt động trải nghiệm để tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức; hình thành
và phát triển những năng lực, phẩm chất tương ứng.
1.2.4. Hoạt động dạy học trải nghiệm trong môn TN & XH
lớp Ba
Hoạt động dạy học trải nghiệm trong môn TN & XH lớp Ba là hoạt động
trải nghiệm được tổ chức trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. GV là người
thiết kế, tổ chức và hướng dẫn HS tham gia, thực hiện các hoạt động trải nghiệm
để đạt được mục tiêu học tập môn TN & XH lớp Ba. Đối với HS, khi tham gia
học tập môn học này, các em thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá, liên hệ,
vận dụng những gì học được gắn với thực tiễn, cuộc sống xung quanh. Từ đó,
các em nhận ra cách giải quyết một số vấn đề đơn giản thường gặp; ứng xử thích
hợp liên quan đến sức khoẻ, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh;
bảo vệ môi trường;... góp phần hình thành năng lực, rèn luyện những phẩm chất
cần thiết trong môn TN & XH lớp Ba.
1.2.5. Thiết kế hoạt động trải nghiệm
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Thiết kế là việc tạo ra một bản
vẽ hoặc quy ước nhằm tạo dựng một đối tượng, một hệ thống hoặc một tương
tác giữa người với người có thể đo lường được.” (Wikipedia, 2018).
George Cox (trưởng khoa Đồ họa, ĐH Luân Đôn) cho rằng thiết kế là
những gì liên kết sự sáng tạo và đổi mới nhằm định hình các ý tưởng để trở thành
những đề xuất thực tiễn và hấp dẫn người dùng hoặc khách hàng. Nó như sự
triển khai sáng tạo đến một mục đích cụ thể nào đó. (Trần Thị Kim Anh và
Nguyễn Thị Kim Anh, 2015).
21

Tác giả Kumaragamage, D. Y. cho rằng “Thiết kế là một lộ trình hoặc


phương pháp tiếp cận chiến lược để một người đạt được một kỳ vọng duy nhất.
Nó xác định các đặc điểm kĩ thuật, kế hoạch, thông số, chi phí, hoạt động, quy
trình, cách thức và mục tiêu trong những ràng buộc pháp lí, chính trị, xã hội, môi
trường, an toàn và kinh tế nhằm đạt được mục tiêu” (Kumaragamage, D. Y.,
2011)
Trong phạm vi đề tài này, thiết kế hoạt động trải nghiệm được hiểu là việc
tạo ra một kế hoạch dạy học bằng hoạt động trải nghiệm nhằm định hình những
ý tưởng dạy học và biến chúng thành các hoạt động dạy học thực tế.
1.2.6. Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và
Xã hội lớp Ba
Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba được
hiểu là việc tạo ra một kế hoạch dạy học sử dụng các hoạt động trải nghiệm để
tiến hành dạy học các nội dung, bài học của môn TN & XH lớp Ba (chương trình
hiện hành).
1.3. Cơ sở lí luận về hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba
1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS lớp Ba
* Đặc điểm về thể chất
Ở giai đoạn lớp Ba, hệ cơ và hệ xương của HS đã phát triển hơn so với lớp
Một, Hai và tương đối hoàn thiện. Các em có thể thực hiện những vận động cơ
bản như đi, đứng, chạy nhảy, bò, giữ thăng bằng, dùng kéo, dùng bút để viết,
vẽ... một cách khá linh hoạt. Do đó, các em rất thích tham gia vào những hoạt
động đòi hỏi sự thử thách và khéo léo.
Hệ tuần hoàn của HS lớp Ba chưa hoàn thiện như người lớn. Do đó, nhịp
tim của các em nhanh và dễ có những xúc động trước sự vật, hiện tượng. Còn
đối với hệ thần kinh, chúng bước vào giai đoạn phát triển mạnh, thể hiện ở sự
hoàn thiện của não bộ từ khối lượng, trọng lượng đến cấu trúc. Trong giai đoạn
22

này, những phản xạ có điều kiện hình thành ngày càng nhiều và nhanh chóng.
Thế nhưng, với HS lớp Ba, quá trình hưng phấn diễn ra mạnh hơn quá trình ức
chế. Vì thế, khả năng tự chủ, kiên trì, kiềm chế bản thân trước những kích thích
còn hạn chế.
Tất cả các đặc điểm trên tạo điều kiện cho HS lớp Ba bước đầu chuyển từ
tư duy trực quan hình ảnh sang tư duy trừu tượng. Do vậy, tổ chức hoạt động
trải nghiệm để dạy học các môn học nói chung và dạy học môn TN & XH lớp
Ba nói riêng là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, nó vừa tạo hứng thú cho HS vừa thúc
đẩy sự phát triển về tư duy sáng tạo và cảm xúc của các em trong quá trình học
tập.
* Đặc điểm tâm lí, nhận thức
Tri giác
Về tri giác, HS lớp Ba có tính tỉ mỉ, chủ định cao hơn so với HS lớp Một,
Hai. Tri giác của các em có mục đích, định hướng rõ ràng và dần mang tính xúc
cảm. Các em thích quan sát những gì có màu sắc rực rỡ, chuyển động, mới lạ,
trực tiếp gây xúc cảm cho các em. Đồng thời, tri giác của các em thường gắn với
hành động, tức là các em phải làm một hoạt động gì đó với sự vật, hiện tượng
như nhìn ngắm, sờ mó, cầm nắm, ngửi, nếm,... Do đó, việc dạy học kết hợp đa
giác quan là biện pháp hiệu quả để giúp các em có được biểu tượng chính xác
về sự vật, hiện tượng và thúc đẩy sự hoàn thiện của các giác quan ở trẻ. Nói một
cách khác, để tri giác của HS lớp Ba chính xác và đầy đủ hơn, phân hóa rõ ràng
và có chọn lọc về những dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng thì việc tổ
chức hoạt động trải nghiệm cho HS lớp Ba, để các em trực tiếp tiếp xúc với các
dụng cụ học tập, các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh là một hình
thức phù hợp.
Chú ý
Về chú ý, chú ý của HS lớp Ba bắt đầu ổn định hơn so với trước đó. Chú ý
có chủ định dần phát triển và chiếm ưu thế. Đồng thời, các em bắt đầu có sự điều
23

chỉnh chú ý của mình, nỗ lực thực hiện các hoạt động học tập. Tuy nhiên, hiệu
quả của việc chú ý còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ hấp dẫn của các
hoạt động học tập, tình cảm, hứng thú của các em, sự rực rỡ, mới mẻ, bất ngờ,...
Các em hầu như chỉ tập trung và duy trì chú ý đối với những hoạt động mà các
em trực tiếp tham gia, làm ra sản phẩm của riêng mình. Do vậy, GV cần biết tạo
hứng thú, động cơ cho HS trong quá trình học tập bằng việc tổ chức các hoạt
động hấp dẫn nhằm duy trì sự tập trung và chú ý của HS. Đặc biệt, ở giai đoạn
lớp Ba, HS bắt đầu có ý thức về giới hạn thời gian trong việc nỗ lực hoàn thành
một nhiệm vụ học tập.
Trí nhớ
Về trí nhớ, HS lớp Ba chủ yếu vẫn là trí nhớ trực quan – hình tượng. Các
em ghi nhớ, nhớ lại kiến thức thông qua trực quan tốt hơn bằng lời và ghi nhớ,
nhớ lại những gì đã trực tiếp làm tốt hơn những gì được nghe giảng. Như vậy,
nếu HS lớp Ba được học tập trải nghiệm thì trẻ sẽ dễ dàng nhớ và nhớ lâu hơn
về khái niệm, đặc điểm, tính chất, mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng mà trẻ
đã tiếp xúc.
Tưởng tượng
Về tưởng tượng, HS lớp Ba thường gắn liền với những hình tượng tri giác
trước đó và có thể tạo ra những hình tượng khác mang màu sắc cá nhân thông
qua các hoạt động vẽ, cắt dán, làm mô hình,... Vốn kinh nghiệm sống càng phong
phú thì tưởng tượng của các em càng đa dạng. Bên cạnh đó, tưởng tượng của
các em cũng bị yếu tố cảm xúc chi phối. Vì vậy, hoạt động trải nghiệm chính là
môi trường để các em phát huy khả năng tưởng tượng, sáng tạo của bản thân.
Tư duy
Về tư duy của HS lớp Ba, các em bước đầu biết phân tích tổng hợp dù các
em vẫn chưa chú trọng nhiều đến những thuộc tính bên trong của sự vật, hiện
tượng. Tuy nhiên ở giai đoạn này, HS bắt đầu chuyển dần từ tư duy trực quan
cụ thể sang tư duy trừu tượng, nghĩa là bắt đầu nhận thức những đặc điểm về
24

thuộc tính và tính chất của sự vật, hiện tượng. Khi suy luận và tiếp thu các khái
niệm, HS thường dựa vào quan sát hoặc lấy các đối tượng cụ thể thay cho định
nghĩa. Bên cạnh đó, kĩ năng phân biệt các dấu hiệu và chỉ ra các thuộc tính, tính
chất của đối tượng không dễ dàng thực hiện. Điều này dẫn đến những sai lầm
khi các em lĩnh hội các khái niệm, thuộc tính. Như vậy, học tập dựa vào trải
nghiệm giúp các em phát triển tư duy, các em sẽ suy luận được sự vật, hiện tượng
một cách chính xác hơn, cụ thể hơn; hình thành được khái niệm về sự vật, hiện
tượng đầy đủ, sâu sắc hơn. Do đó, GV cần lưu tâm đến việc dẫn dắt HS tìm hiểu,
khám phá tri thức thông qua những hoạt động có cảm xúc, hoạt động tập thể,
phát huy tính sáng tạo cá nhân.
Qua những phân tích trên, việc tổ chức cho HS lớp Ba trực tiếp tham gia
vào các hoạt động trải nghiệm trong học tập môn TN & XH là việc làm cần thiết
và phù hợp đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của các em. Điều này giúp cho hoạt
động nhận thức của HS về sự vật, hiện tượng diễn ra dễ dàng, đúng đắn và đầy
đủ hơn.
1.3.2. Môn Tự nhiên - Xã hội trong chương trình Giáo dục Tiểu học
Việt Nam hiện hành (chương trình năm 2000)
* Đặc điểm xây dựng chương trình môn Tự nhiên – Xã hội
Tính tích hợp: Là sự thống nhất, kết hợp các nội dung giáo dục có liên quan
với nhau; sử dụng kiến thức, kĩ năng của môn học này như những công cụ để
học tập những môn học khác.
Hình thức tích hợp trong môn Tự nhiên – Xã hội là hình thức tích hợp
xuyên môn, trong đó nhiều môn học có liên quan được kết lại thành một môn
học với một hệ thống các chủ đề xuyên suốt qua nhiều cấp lớp.
Giai đoạn 1 (lớp 1, 2, 3): chương trình được cấu trúc dưới 3 chủ đề: Con
người và Sức khỏe, Xã hội, Tự nhiên.
Giai đoạn 2 (lớp 4, 5): cấu trúc chương trình mang tính độc lập cao hơn:
Khoa học, Lịch sử và Địa lí.
25

Tính đồng tâm: Kiến thức môn học được trình bày từ xa đến gần, từ dễ đến
khó, tăng dần mức độ phức tạp và khái quát. Cùng một vấn đề nhưng sẽ có sự
khác biệt về dung lượng và độ khó ở các khối lớp. Tính chất này giúp cho việc
dạy học môn Tự nhiên – Xã hội trở nên có hệ thống.
Tính mở: Chương trình cho phép bổ sung, cập nhật kiến thức đối với một
số nội dung:
Về HS: đặc điểm phát triển tâm, sinh lí, đặc điểm nhận thức, các vấn đề sức
khỏe của HS,...
Về xã hội: hệ thống giao thông; nghề nghiệp của người dân địa phương;
phong tục, tập quán, lễ hội, di tích lịch sử địa phương, danh nhân văn hóa...
Về tự nhiên: cây trồng, vật nuôi chính ở địa phương, đặc điểm thời tiết, địa
hình, môi trường,... của địa phương.
Tính mở tạo điều kiện để GV khai thác tối đa vốn kinh nghiệm sống của
HS. Từ đó, HS có cảm nhận gần gũi hơn với nội dung bài học và phát huy được
tính tích cực của bản thân trong học tập.
* Quan điểm xây dựng chương trình
Tính hệ thống: Coi con người, TN & XH là một thể thống nhất với mối
quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại.
Tính vừa sức: tri thức được thể hiện từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng
phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS. Ngoài ra, tính vừa sức còn
thể hiện qua việc lựa chọn phương pháp phù hợp đối với từng nội dung cụ thể.
Tính thiết thực: nội dung học tập đều có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống
như bảo vệ sức khỏe, phòng tránh tai nạn; hiểu biết và ứng xử phù hợp với cuộc
sống xung quanh; áp dụng khoa học, kĩ thuật vào đời sống,... hay ứng dụng để
học tập ở các bậc học cao hơn.
* Nội dung và mục tiêu chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba
Mục tiêu của chương trình môn TN & XH lớp Ba là giúp HS đạt được một
số kiến thức ban đầu về: con người và sức khỏe (cơ thể người, giữ vệ sinh cơ
26

thể, phòng tránh một số bệnh, tai nạn thường gặp); một số sự vật hiện tượng đơn
giản trong tự nhiên và xã hội.
Chương trình môn TN & XH lớp Ba được dạy mỗi tuần 2 tiết, dạy trong 35
tuần và được chia thành 03 chủ đề: Con người và sức khỏe (18 bài), Xã hội (31
bài), Tự nhiên (31 bài). Trong đó:
Ở chủ đề Con người và sức khỏe, HS được tìm hiểu về một số cơ quan của
cơ thể người (cơ quan hô hấp, cơ quan tuần hoàn, cơ quan, cơ quan bài tiết nước
tiểu, cơ quan thần kinh), cách giữ vệ sinh các cơ quan này, một số bệnh thường
gặp và cách phòng tránh chúng.
Ở chủ đề Xã hội, có 03 nội dung nhỏ là Gia đình, Trường học và Quê
hương. Cụ thể, đối với nội dung Gia đình, HS được tìm hiểu về các thế hệ trong
gia đình, quan hệ họ hàng; cách phòng cháy khi đun nấu ở nhà. Đối với nội dung
Trường học, HS học về một số hoạt động chính ở trường và vai trò của các thành
viên trong nhà trường đối với mỗi hoạt động, học cách bảo vệ bản thân trước
những trò chơi nguy hiểm ở trường. Còn đối với nội dung Quê hương, HS được
tìm hiểu về nơi các em đang sinh sống – tỉnh (thành phố), các hoạt động lao
động sản xuất chính, những đặc điểm của làng quê và đô thị; giữ gìn vệ sinh môi
trường; giữ an toàn khi đi xe đạp.
Ở chủ đề Tự nhiên, HS tìm hiểu về Thực vật, Động vật, Bầu trời và mặt
đất. Trong đó, ở phần Thực vật, HS tìm hiểu đặc điểm và chức năng các bộ phận
của thực vật: rễ, thân, lá, hoa và quả. Đối với phần Động vật, HS học về những
đặc điểm chung về cấu tạo của cơ thể động vật, những đặc điểm nổi bật của một
số nhóm động vật: côn trùng, tôm, cua, cá, chim và thú. Ở nội dung Bầu Trời và
Trái Đất, HS tìm hiểu vai trò của Mặt Trời đối với sự sống trên Trái Đất, đặc
điểm của Trái Đất (hình dạng, sự chuyển động, bề mặt lục địa), mối quan hệ
giữa Mặt Trời và Trái Đất (các hiện tượng ngày và đêm; mùa, năm và tháng),
Mặt Trăng và mối quan hệ giữa Mặt Trăng với Trái Đất.
1.3.3. Hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học
27

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, hoạt động giáo dục (theo
nghĩa rộng) gồm hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục (nghĩa hẹp - các hoạt
động giáo dục ngoài giờ dạy các môn học: hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục
ngoài giờ lên lớp,...). Nó được hiểu là những hoạt động có chủ đích, có kế hoạch
và định hướng của nhà giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục thông qua
những cách thức phù hợp.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động giáo dục (nghĩa
rộng) bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm.
Trong phạm vi đề tài, hoạt động trải nghiệm là hoạt động dạy học các môn
học, cụ thể là hoạt động dạy học môn TN & XH lớp Ba.
* Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm
Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện để HS huy động tối đa vốn kinh
nghiệm, vốn kiến thức, kĩ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau
để trải nghiệm thực tiễn gia đình, nhà trường, xã hội; tham gia các hoạt động
phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp dưới sự hướng dẫn, tổ chức của
nhà giáo dục. Thông qua đó, HS được hình thành những phẩm chất chính (yêu
nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và năng lực chung (năng lực
tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và
sáng tạo). Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm giúp HS có cơ hội khám phá bản
thân và thế giới xung quanh. Riêng với HS tiểu học, hoạt động trải nghiệm giúp
HS hình thành các kĩ năng sống cơ bản, thói quen sinh hoạt tích cực trong cuộc
sống hằng ngày, nề nếp học tập ở nhà cũng như ở trường; biết tuân thủ các nội
quy, quy định; bắt đầu có định hướng tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình
thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức làm việc nhóm, ý
thức tham gia hoạt động lao động, hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng
đồng; bước đầu biết cách tổ chức một số hoạt động đơn giản, làm quen và hình
thành hứng thú với một số nghề gần gũi với cuộc sống của HS. (Bộ Giáo dục và
Đào tạo, 2017a, 2017b, 2018).
28

Trong các môn học, với vai trò là hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm
phải giúp:
- HS đạt được mục tiêu bài học;
- HS tích cực tham gia trải nghiệm;
- HS suy nghĩ về những gì mình đã trải nghiệm;
- HS phát triển kĩ năng phân tích, tổng hợp, khái quát hoá các kinh nghiệm
có được;
- HS phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định, ý
tưởng mới;
- HS phát triển kĩ năng và ý thức tự phê bình và phê bình,...
* Phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm
Để tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học, có thể sử
dụng một số phương pháp chủ yếu sau (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017):
- Phương pháp dùng trò chơi học tập
Trò chơi học lập là trò chơi gắn liền với mục đích học tập nhất định. Bằng
việc tham gia các trò chơi, HS tìm hiểu một vấn đề hay thực hiện những hành
động, việc làm hoặc hình thành thái độ. Nói cách khác, thông qua trò chơi học
tập, HS tự khám phá, củng cố kiến thức, phát triển những kĩ năng của bản thân
một cách tự nhiên, và vui tươi.
Mỗi trò chơi học tập thường bao gồm nội dung chơi, thao tác chơi và luật
chơi được giới hạn bởi không gian, thời gian và quy mô phù hợp. Nó vừa là
phương tiện vừa là phương pháp, hình thức để hình thành, củng cố kiến thức, kĩ
năng và thái độ cho HS.
Xét về ý nghĩa, trò chơi học tập tạo được cơ hội thuận lợi cho HS phát huy
hết khả năng của bản thân, thúc đẩy tính tích cực và khả năng tập trung chú ý
vào nhiệm vụ học tập của mỗi HS; tạo được môi trường học tập đa giác quan;
tăng hiệu quả học tập và khả năng ghi nhớ cho HS. Bên cạnh đó, trò chơi học
29

tập còn giúp giáo dục thể chất, thẩm mĩ và phẩm chất cho HS (tính hợp tác, kỉ
luật, tích cực, độc lập, sáng tạo, quan tâm người khác, kiên nhẫn,...).
Khi tổ chức trò chơi học tập trong dạy học, GV cần lưu ý khuyến khích HS
tham gia hoạt động, hạn chế những phản ứng không tích cực, điều chỉnh cách
thức tổ chức hoặc nội dung trò chơi nếu HS không hứng thú với trò chơi.
- Phương pháp sắm vai
Sắm vai là phương pháp giáo dục giúp HS thực hành, thực hiện “thử” một
số cách ứng xử nào đó trong những tình huống giả định. Khi thực hiện sắm vai,
trên cơ sở tưởng tượng và sáng tạo của bản thân, HS tự xây dựng kịch bản,
phương án xử lí tình huống đặt ra. Trong phương pháp sắm vai, phần quan trọng
nhất là phần xử lí tình huống và thảo luận lí do để đưa ra cách ứng xử đó.
Trong các môn học, phương pháp này có thể sử dụng để kể thêm, kể với
vai nhân vật khác, kể trong tình huống khác, đọc theo vai nhân vật,...
Phương pháp sắm vai thường tiến hành theo trật tự: nêu tình huống  HS
chuẩn bị vai diễn  diễn  thảo luận về cách ứng xử  kết luận.
Phương pháp sắm vai rất hữu ích trong việc giúp HS hình thành và phát
triển kĩ năng giao tiếp, được rèn luyện, thực hành những kĩ năng ứng xử và bày
tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn; phát huy
tính tích cực sáng tạo của HS; khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi theo chuẩn
mực hành vi đạo đức; nhận ra ngay những tác động và hiệu quả của lời nói hay
việc làm của các vai diễn. Mặt khác, phương pháp này tạo điều kiện để HS thể
hiện các khía cạnh khác của tính cách hay tình cảm cá nhân. Qua đó, GV có thể
hỗ trợ, giúp đỡ các em phát huy những ưu điểm và giải quyết những khó khăn.
Khi thực hiện phương pháp sắm vai, GV cần xác định rõ mục đích của hoạt
động; chú ý sự phù hợp của tình huống với chủ đề bài học, đặc điểm tâm sinh lí,
nhận thức của HS và thời gian; tình huống được lựa chọn phải có nhiều phương
án xử lí; không giới thiệu “kịch bản”, lời thoại cho HS; dành thời gian cho HS
xây dựng kịch bản và chuẩn bị sắm vai.
30

- Phương pháp giải quyết vấn đề


Giải quyết vấn đề là phương pháp giáo dục sử dụng tình huống có vấn đề
để HS khám phá và lĩnh hội tri thức, hình thành và phát triển kĩ năng, thái độ.
Thông qua đó, HS phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy
phản biện. Trong dạy học trải nghiệm các môn học, phương pháp này thường
được sử dụng để phân tích, xem xét và đề xuất những phương án giải quyết cho
sự việc nảy sinh trong quá trình học tập. Từ đó, HS có cách nhìn toàn diện về
các hiện tượng, sự việc trong cuộc sống thực tế.
Phương pháp giải quyết vấn đề thường được tiến hành theo 03 bước: nhận
biết vấn đề, đề xuất phương án và quyết định phương án giải quyết vấn đề. Khi
thực hiện phương pháp này, GV cần lưu ý sự phù hợp giữa tình huống có vấn
đề với mục tiêu hoạt động; tạo điều kiện để HS đưa ra các phương án giải quyết
và phản biện các ý kiến; chú trọng việc lắng nghe giữa HS với GV và giữa HS
với nhau.
- Phương pháp dạy học theo nhóm
Dạy học theo theo nhóm là phương pháp mà GV tạo môi trường để HS
tương tác trực tiếp trong nhóm nhỏ: trao đổi, giúp đỡ và phối hợp nhằm hoàn
thành nhiệm vụ chung đã được giao cho nhóm.
Phương pháp dạy học theo nhóm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy
tối đa vai trò chủ thể, tính tự giác, tích cực, sáng tạo, năng động, tinh thần trách
nhiệm của HS; hình thành các kĩ năng xã hội (kĩ năng lắng nghe tích cực, kĩ
năng thuyết phục, kĩ năng tổ chức, kĩ năng quản lí, kĩ năng sắp xếp thời gian,...)
và phẩm chất nhân cách cần thiết (trách nhiệm, hợp tác, đoàn kết, tinh thần học
hỏi,...); tạo điều kiện để mỗi cá nhân được khẳng định mình.
Khi thực hiện dạy học theo phương pháp này, GV cần chú ý đến việc phân
chia nhiệm vụ cho các nhóm, sao cho đảm bảo sự đòi hỏi hợp tác lẫn nhau, tính
vừa sức, tính công bằng giữa các nhóm, tính trách nhiệm giữa các cá nhân. Bên
31

cạnh đó, GV cần quan tâm đến công tác đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ nhóm
của cá nhân, của nhóm.
- Phương pháp dạy học dự án
Dạy học dự án là mô hình dạy học giúp HS đạt được những kiến thức, kĩ
năng, thái độ cần thiết thông qua một loạt các thao tác có tính hệ thống: thết kế
giờ học, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, thực hiện sản phẩm, trình bày và đánh
giá kết quả.
Thiết kế bài học dạy học theo dự án, GV cần xác định được mục tiêu của
bài học, các câu hỏi hay vấn đề cơ bản mà dự án phải giải quyết, cách thức đánh
giá và rút kinh nghiệm cho dự án. Đặc biệt GV phải xác định được các nhiệm
vụ HS phải thực hiện, các nguồn tài liệu tham khảo và cách tổ chức đánh giá
hoạt động học tập của HS.
Khi dạy học bằng phương pháp này, GV cần đảm bảo các yêu cầu chủ yếu
sau: dựa trên phong cách học tập của mỗi HS; tạo mối liên kết giữa bài học và
thực tiễn; tích hợp các môn học; khuyến khích HS huy động nhiều kinh nghiệm,
vốn kiến thức kĩ năng; khuyến khích HS sử dụng công nghệ; tạo cơ hội để HS
thể hiện mình; chú trọng tự đánh giá, đánh cá nhân, nhóm, đánh giá sản phẩm.
* Hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm
Hoạt động trải nghiệm trong lớp học: Là những hoạt động dạy học chính
của GV và HS diễn ra trong khuôn khổ lớp học. Theo đó, GV sẽ chuẩn bị hoặc
HS tự đem những phương tiện dạy học vào lớp học để thực hiện các hoạt động
dạy học.
Hoạt động trải nghiệm bên ngoài lớp: Là những hoạt động dạy học chính
được tổ chức bên ngoài lớp học: vườn trường, sân trường, hành lang lớp học,
công viên, khu di tích lịch sử địa phương, nhà của HS,...
Những hình thức hoạt động trải nghiệm có thể sử dụng trong dạy học các
môn học (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017):
- Hình thức có tính khám phá (Thực địa - thực tế, Tham quan, Cắm
32

trại, Trò chơi,...);


- Hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (Diễn đàn, Giao lưu, Hội
thảo, Sân khấu hoá,...);
- Hình thức có tính cống hiến (Thực hành lao động; Hoạt động tình
nguyện, nhân đạo,...);
- Hình thức có tính nghiên cứu, phân hoá (Dự án và nghiên cứu khoa
học, Hoạt động theo nhóm sở thích).
Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học, tùy thuộc
vào nội dung bài học, yêu cầu về thời gian và không gian mà GV lựa chọn hình
thức cụ thể và địa điểm tổ chức cho phù hợp.
* Vai trò của hoạt động trải nghiệm trong dạy học
Hoạt động trải nghiệm là cầu nối giữa hoạt động giảng dạy với cuộc sống.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, HS ứng dụng những kiến thức, kĩ năng
học được vào thực tế cuộc sống, giải quyết những vấn đề trong đời sống hằng
ngày. Nhờ đó, HS hiểu được giá trị của những bài học trên lớp và có nhu cầu
khám phá kiến thức.
Hình thức tổ chức của hoạt động trải nghiệm rất phong phú nên nó có thể
làm tăng tính hấp dẫn trong học tập. Đồng thời, hoạt động trải nghiệm thúc đẩy
năng khiếu của HS thông qua sự đa dạng của các hoạt động: vẽ, hát, thuyết trình,
đóng vai,... Từ đó, góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS.
Hoạt động trải nghiệm giúp HS phát huy tính tích cực sáng tạo và các kĩ
năng khác. Bởi lẽ, nó chú trọng khai thác những tiềm năng của HS, khuyến khích
tính cá nhân trong các sản phẩm, ý tưởng. HS được phép đề xuất, lựa chọn
phương án tốt nhất để giải quyết các vấn đề, tình huống học tập cho trước. Ngoài
ra, thông qua các hoạt động trải nghiệm HS được rèn luyện tính tự giác, trách
nhiệm, phát huy các kĩ năng: giao tiếp, hợp tác,...
Hoạt động trải nghiệm giúp kết nối các kiến thức khoa học liên môn: giáo
dục kĩ năng sống, đạo đức, thẩm mĩ, thể chất,... với kiến thức môn TN & XH.
33

Nhờ đó, HS thu được kiến thức một cách hệ thống và lưu giữ lâu hơn. Đồng
thời, hoạt động học tập trở nên gần gũi và dễ dàng hơn đối với các em.
Hoạt động trải nghiệm giúp GV gần gũi và hiểu rõ HS hơn. Bởi vì, hoạt
động trải nghiệm yêu cầu GV thể hiện vai trò tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn HS lĩnh
hội các kiến thức thông qua các hoạt động mà các em trực tiếp tham gia. Để làm
tốt vai trò này, GV phải hiểu rõ nhu cầu, phong cách và vốn kinh nghiệm của
HS về nội dung dạy học.
Hoạt động trải nghiệm giúp gắn kết các lực lượng giáo dục trong dạy học.
Nó yêu cầu sự phối hợp của gia đình và xã hội với hoạt động giảng dạy của nhà
trường. Từ đó, HS được tiếp cận, học tập nội dung bài học qua nhiều góc nhìn
và thấy được tính thực tiễn của các nội dung đã học.
Từ bảng so sánh và phân tích trên, có thể kết luận rằng hoạt động trải
nghiệm đã cụ thể hóa được định hướng lấy HS làm trung tâm, HS đóng vai trò
chủ động trong hoạt động học tập. Nói cách khác, bằng hoạt động trải nghiệm,
hoạt động học tập của HS đã được chuyển từ được dạy gì, cần nhớ gì sang làm
thế nào, ứng dụng thế nào.
* Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học (Võ Trung
Minh, 2015)
Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học với 4
bước thể hiện qua Hình 1.3.
34

Hình 1.3. Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn học
Nguồn: Võ Trung Minh, 2015
Quy trình trên gồm có 4 bước, cụ thể:
Bước 1: Giao nhiệm vụ trải nghiệm
Đây là giai đoạn bắt đầu quá trình học tập, khi giao nhiệm vụ GV cần phải
lưu ý:
- Nhiệm vụ nhóm hay cá nhân tùy thuộc vào nội dung học tập và vốn kinh
nghiệm của HS, lưu ý tính vừa sức đối với các em.
- Đảm bảo tất cả HS đều hiểu rõ nhiệm vụ, HS có thể phản hồi về nhiệm
vụ nếu chưa rõ.
- Nhiệm vụ trải nghiệm có thể được giao cho HS thực hiện trong giờ học
hoặc ngoài giờ học. Đối với trường hợp nhiệm vụ thực hiện tại nhà, GV cần phối
hợp chặt chẽ với phụ huynh.
- Nhiệm vụ cần đảm bảo tính an toàn cho HS khi trải nghiệm.
Bước 2: Tổ chức cho HS quan sát, đối chiếu, phản hồi
Trong giai đoạn này, GV cần lưu ý đảm bảo thực hiện tốt các nội dung sau:
- GV phải bao quát lớp, kịp thời điều hướng để các em tham gia vào hoạt
động học tập.
- Tạo cơ hội để tất cả HS đều tham gia trải nghiệm, trình bày ý tưởng, lựa
chọn phương án, trình bày kết quả thu được về nhiệm vụ, trình bày cảm xúc khi
trải nghiệm.
- Hỗ trợ, giúp đỡ khi các em gặp khó khăn.
Bước 3: Tổ chức cho HS tự hình thành khái niệm
Trong bước này, HS tự rút ra các khái niệm, kiến thức liên quan. GV cần
chú ý:
35

- Tổ chức cho HS thảo luận, phân tích, phản ánh, xem xét các kinh
nghiệm; cách đã thực hiện; các vấn đề đã được giải quyết; kinh nghiệm cá nhân
của các thành viên hoặc của các nhóm so với kết quả tìm được.
- GV định hướng, giúp HS phân tích, xử lí các kinh nghiệm thu được qua
trải nghiệm thông qua hệ thống câu hỏi dẫn dắt.
- GV gợi ý, dẫn dắt để HS đưa ra được kết luận gãy gọn, ngôn ngữ tường
minh, rõ ràng.
- Tạo cơ hội để HS kết nối những gì khái quát được trong bài học với thực
tiễn cuộc sống.
Bước 4: Tổ chức cho HS thử nghiệm tích cực
Trong giai đoạn này, HS áp dụng những nội dung đã rút ra trước đó. GV
cần lưu ý:
- Định hướng các tình huống, các bài tập để HS tiến hành thử nghiệm theo
mức độ từ dễ đến khó.
- Tạo điều kiện để mỗi HS đều có thể tiến hành thử nghiệm.
- Kịp thời điều chỉnh, giải thích những thắc mắc của các em trong quá trình
thử nghiệm.
Kết luận chương 1

Dạy học dựa vào trải nghiệm hay dạy học bằng hoạt động trải nghiệm là
vấn đề giáo dục được sự quan tâm của thế giới lẫn Việt Nam. Trên thế giới, đã
có nhiều công trình nghiên cứu về trải nghiệm và dạy học dựa vào trải nghiệm,
tiêu biểu như các nghiên cứu của Dewey, Lewin, Kolb,... Các tác giả đã đề xuất
những khái niệm, mô hình giáo dục theo hướng trải nghiệm. Còn ở Việt Nam,
tuy bắt đầu có muộn hơn sơ với thế giới, nhưng dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm đã được khá nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu.
Từ việc xác định tổng quan cho vấn đề nghiên cứu, tác giả luận văn tổng
thuật và xác định những khái niệm chủ yếu của đề tài, đó là: hoạt động dạy học,
36

hoạt động trải nghiệm, hoạt động dạy học trải nghiệm, hoạt động dạy học trải
nghiệm trong môn TN & XH lớp Ba, thiết kế hoạt động trải nghiệm. Từ đó, tác
giả tập trung xác lập cơ sở lí luận của đề tài về: đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức
của HS lớp Ba, đặc điểm của môn Tự nhiên - Xã hội trong chương trình Giáo
dục Tiểu học Việt Nam hiện hành, hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn
học. Trong đó, về đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS lớp Ba, tác giả chỉ ra
những đặc điểm về thể chất và tâm lí, nhận thức của HS lớp Ba phù hợp, thuận
lợi để dạy học các môn học nói chung và môn TN & XH lớp Ba nói riêng bằng
hoạt động trải nghiệm. Đối với đặc điểm của môn Tự nhiên - Xã hội trong
chương trình Giáo dục Tiểu học Việt Nam hiện hành, đề tài đã xác định những
nội dung: đặc điểm xây dựng chương trình, quan điểm xây dựng chương trình
môn Tự nhiên - Xã hội, nội dung và mục tiêu chương trình môn TN & XH lớp
Ba. Qua đó, tác giả cho thấy những đặc điểm nổi bật, phù hợp của môn TN &
XH lớp Ba khi tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm. Đối với hoạt động
trải nghiệm trong dạy học các môn học, tác giả chỉ ra mục tiêu, phương pháp,
hình thức và quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, tác giả cũng
cho thấy sự khác nhau giữa môn học và hoạt động trải nghiệm trong chương
trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Đồng thời, tác giả đã chỉ ra vai trò của
hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học.
Tất cả những phân tích trên là cơ sở lí luận quan trọng để tác giả luận văn
tiến hành khảo sát thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm tại các trường tiểu học Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh ở
chương 2.
37

Chương 2. THỰC TRẠNG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI


LỚP BA BẰNG HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TẠI CÁC TRƯỜNG
TIỂU HỌC QUẬN BÌNH THẠNH, TP HỒ CHÍ MINH

2.1. Khái quát về tình hình dạy học ở các trường tiểu học Quận Bình Thạnh,
Thành phố Hồ Chí Minh
Quận Bình Thạnh nằm ở vị trí cửa ngõ đi vào trung tâm của Thành phố, có
địa bàn rộng (tổng diện tích tự nhiên là 2.076 ha; chia thành 20 phường, 89 khu
phố, 1.505 tổ dân phố - mặt trận). Dân số (thời điểm 30/4/2017) khoảng 486.427
người. Dân số nhiều nhất là Phường 25 (43.133 người); ít nhất là Phường 6
(12.010 người).
Năm học 2017-2018, Quận Bình Thạnh có 24 trường tiểu học (1 trường
tiểu học quốc tế - tiểu học Việt Mỹ). Các trường Tiểu học phân bố rộng khắp địa
bàn Quận.
Đến năm 2017, Quận Bình Thạnh đã thực hiện Đề án “Phổ cập và nâng cao
năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông”. Theo đó, cấp Tiểu học có
5 trường dạy học chương trình Tiếng Anh tăng cường, 15 trường dạy học chương
trình Tiếng Anh theo đề án của Bộ Giáo dục, 4 trường dạy học chương trình
Tiếng Anh tích hợp.
Đến năm 2017, toàn Quận có 1 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức
độ 1 (trường tiểu học Bình Quới Tây), 1 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2
(trường tiểu học Chu Văn An); 17 trường tiểu học được công nhận đạt chất lượng
giáo dục. Bên cạnh đó, toàn quận có 6 đơn vị trường tiểu học vinh dự được Chủ
tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, ba (trường tiểu học Bế Văn
Đàn, trường tiểu học Hồng Hà, trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, trường tiểu
học Phù Đổng, trường tiểu học Chu Văn An, trường tiểu học Bình Quới Tây).
Nhìn chung, chất lượng giáo dục của các trường tiểu học ở Quận Bình
Thạnh luôn được giữ vững, nâng cao, đảm bảo được thực chất, vững chắc, tập
38

trung vào việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy
tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tỉ lệ HS yếu kém giảm, HS khá
giỏi tăng. Tỉ lệ HS lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học hàng năm đạt 100%
(Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017).
2.2. Giới thiệu về khảo sát thực trạng
2.2.1. Mục đích khảo sát
Việc khảo sát được tiến hành nhằm tìm hiểu thực trạng dạy học môn TN &
XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí
Minh. Từ đó, đưa ra những đánh giá chung về thực trạng này và xác lập cơ sở
thực tiễn để tác giả thiết kế và thử nghiệm những hoạt động trải nghiệm trong
dạy học môn TN & XH lớp Ba ở chương 3.
2.2.2. Nội dung khảo sát
Tác giả luận văn tiến hành xây dựng nội dung khảo sát thực trạng dạy học
môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại quận Bình Thạnh, TP Hồ
Chí Minh trên cơ sở: chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình
môn TN & XH lớp Ba hiện hành, dự thảo chương trình môn Hoạt động trải
nghiệm. Các tiêu chí khảo sát bao gồm:
Việc khảo sát thực trạng này được tiến hành đối với 33 GV (GV chủ nhiệm
lớp 3, cán bộ quản lí) và 400 HS lớp Ba ở 05 trường Tiểu học tại quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (trường có quy mô lớn, quy mô vừa và quy
mô nhỏ).
Với GV, tác giả luận văn tiến hành khảo sát dựa vào phiếu khảo sát và
phỏng vấn về các nội dung: nhận thức của GV hiện nay về khái niệm học tập
bằng hoạt động trải nghiệm; mức độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động
trải nghiệm; môn học phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm, lí do để môn
TN & XH thuận lợi triển khai dạy học bằng hoạt động trải nghiệm; mức độ
quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN &
XH lớp Ba; mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động
39

trải nghiệm, nội dung trong chương trình môn học và hình thức phù hợp để tổ
chức dạy học trải nghiệm, quy trình thiết kế để thiết kế hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba; mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện
của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ở
nhà trường Tiểu học hiện nay; những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt động
trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Bên cạnh đó, tác giả luận văn
tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên 06 GV để làm rõ việc lựa chọn một số nội dung
trong phiếu khảo sát.
Với HS lớp Ba, tác giả luận văn tiến hành khảo sát dựa vào phiếu khảo sát
với các nội dung: hứng thú đối với môn TN & XH lớp Ba, các hoạt động học
tập đã được GV tổ chức qua học môn TN & XH lớp Ba, nhu cầu của các em
đối với việc tham gia các hoạt động trải nghiệm trong môn TN & XH.
2.2.3. Đối tượng khảo sát
Để thấy được thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động ở
quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, người nghiên cứu tiến hành khảo
sát việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm ở 2 nhóm
đối tượng:
- Nhóm GV: gồm cán bộ quản lí (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Khối
trưởng khối lớp Ba), GV chủ nhiệm lớp Ba. Số lượng khảo sát bằng phiếu hỏi:
33 GV, phỏng vấn: 06 GV.
- Nhóm HS: HS lớp Ba. Số lượng: 400 HS.
2.2.4. Phạm vi khảo sát
Địa bàn khảo sát: Người nghiên cứu tiến hành khảo sát tại 5 trường tiểu
học trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Thời gian khảo sát: Khảo sát thực trạng này được tiến hành trong khoảng
thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 02/2018.
2.2.5. Phương pháp khảo sát
Các phương pháp sử dụng khảo sát: khảo sát bằng phiếu hỏi, phỏng vấn.
40

- Điều tra bằng phiếu hỏi: 433 phiếu (GV: 33 người, HS: 400 người).
- Phỏng vấn: 06 GV.
Đối với GV, tác giả luận văn xây dựng bộ phiếu điều tra gồm 14 câu hỏi
(04 câu hỏi về thông tin cá nhân) cùng với các câu hỏi phỏng vấn GV (Phụ lục
1, 2). Sau khi thực hiện phiếu hỏi, tác giả luận văn phỏng vấn ngẫu nhiên 06
GV để làm rõ những nội dung liên quan. Mỗi GV sẽ trả lời trực tiếp câu hỏi,
người phỏng vấn sẽ tốc kí nội dung và sử dụng thiết bị ghi âm để hỗ trợ.
2.3. Kết quả khảo sát
2.3.1. Thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt
động trải nghiệm tại các trường tiểu học Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ
Chí Minh
* Đối với GV
Nhận thức của GV về khái niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm
Tác giả luận văn khảo sát quan niệm của GV về khái niệm học tập bằng
hoạt động trải nghiệm. Kết quả thể hiện ở Biểu đồ 2.1.

Biểu đồ 2.1. Quan niệm của GV về khái niệm


Biểu đồ 2.1 chohọc
thấy,
tậpcóbằng
32/33hoạt
GV động
(96,97%)
trải quan niệm đúng về khái niệm
nghiệm
học tập bằng hoạt động trải nghiệm, thể hiện qua việc lựa chọn nội dung “Quá
trình dạy học mà HS tiếp xúc trực tiếp với môi trường thực tiễn để chiếm lĩnh
kiến thức, có sự hướng dẫn, hỗ trợ của GV”. Còn lại, tỉ lệ rất nhỏ 1/33 GV
41

(3,03%) chọn quan niệm “Quá trình dạy học của GV và HS có sử dụng tranh
ảnh, mẫu vật; HS học tập dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của GV”. Điều này cho
thấy, hầu hết GV tiểu học hiện nay đều hiểu đúng về khái niệm khái niệm học
tập bằng hoạt động trải nghiệm. Bởi lẽ, hiện nay, hoạt động trải nghiệm đang là
xu thế, đã xuất hiện những tài liệu nghiên cứu về hoạt tập trải nghiệm và GV
cũng đã được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động trải nghiệm.
Bên cạnh đó, tác giả luận văn có tiến hành phỏng vấn một số GV về quan
niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm, cô Phạm Nguyên Vân H. Cho biết
“Tuy có tài liệu và một số GV cũng đã được trực tiếp tham gia các lớp tập huấn,
bồi dưỡng nhưng nội dung về hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là hoạt động trải
nghiệm trong môn học vẫn là nội dung mới, GV phải trực tiếp dấn thân vào hoạt
động mới hiểu rõ về nó, khái quát được khái niệm. Đồng thời, hiện nay, tài liệu
về học tập bằng hoạt động trải nghiệm vẫn chưa phổ biến đối với GV tiểu học”.
Một số GV khác khi được phỏng vấn cũng có cùng quan điểm như cô H. Qua
đó, có thể nhận định, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến một
số ít GV quan niệm chưa đầy đủ về khái niệm học tập bằng hoạt động trải
nghiệm.
Mức độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động trải nghiệm
Tiến hành khảo sát GV về mức độ cần thiết cả việc dạy học bằng hoạt động
trải nghiệm, tác giả luận văn thu được kết quả, thể hiện ở Biểu đồ 2.2.
42

Biểu đồ 2.2. Mức độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động trải nghiệm

Biểu đồ 2.2. cho thấy, có 93,94% GV cho rằng dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm là rất cần thiết và cần thiết; có 6,06% GV cho rằng dạy học bằng hoạt
động trải nghiệm là ít cần thiết đối với HS tiểu học. Điều này cho thấy, hầu hết
GV tiểu học hiện nay đã nhận thức được mức độ quan trọng của việc dạy học
bằng hoạt động trải nghiệm, theo định hướng giáo dục hiện nay mà nước ta đang
hướng tới. Tuy nhiên, vẫn còn một ít GV chưa nhận thấy mức độ cần thiết của
nó trong việc dạy học.
Môn học phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm
Thống kê kết quả khảo sát, tác giả luận văn thu được quan điểm của GV về
môn học phù hợp để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm qua Biểu đồ
2.3.

Biểu đồ 2.3. Môn học phù hợp để tổ chức dạy học


bằng hoạt động trải nghiệm
Kết quả từ Biểu đồ 2.3. cho thấy, theo GV, môn học nào cũng có khả năng
để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm (tỉ lệ thấp nhất là 33,33% đối với
môn Toán và Âm nhạc). Trong đó, môn học mà GV đánh giá phù hợp nhất để
tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm là môn TN & XH (100%).
43

Mặt khác, tác giả luận văn tìm hiểu lí do để môn TN & XH, cụ thể là môn
TN & XH lớp Ba thuận lợi triển khai dạy học bằng hoạt động trải nghiệm và thu
được kết quả: có 75,76% GV cho rằng “Phương pháp đặc trưng của môn học là
quan sát, rất phù hợp với đặc điểm của hoạt động trải nghiệm”, 42,42% GV cho
rằng “Đối tượng học tập trực tiếp của môn học rất gần gũi với HS”, 57,58% GV
cho rằng “Nội dung môn học liên quan đến nhiều các lĩnh vực kiến thức khác
nhau nên GV dễ xây dựng và tổ chức hoạt động trải nghiệm” và 24,24% GV cho
rằng “HS chuẩn bị bước qua giai đoạn 2 của bậc tiểu học nên đáp ứng tốt các
yêu cầu của hoạt động trải nghiệm”. Trong đó, có 7/33 GV (21,21%) đồng ý với
cả 4 lí do trên.
Mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học
TN & XH lớp Ba

Biểu đồ 2.4. Mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp Ba
Kết quả khảo sát cho thấy, 93,94% GV cho rằng việc tổ chức hoạt động trải
nghiệm trong dạy học TN & XH lớp Ba là rất quan trọng và quan trọng, 6,06%
GV nhận định nó ở mức độ bình thường. Đối chiếu với kết quả khảo sát về mức
44

độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động trải nghiệm, tác giả luận văn nhận
thấy có sự trùng khớp ý kiến: 02 GV (6,06%) nhận định nó ở mức độ bình thường
cũng là 02 (6,06%) GV cho rằng dạy học bằng hoạt động trải nghiệm là ít cần
thiết. Qua đó, có thể nhận định rằng, chỉ khi GV thực sự hiểu về hoạt động trải
nghiệm thì GV mới có thể thấy được tầm quan trọng của nó và vận dụng nó
trong dạy học các môn học.
Mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm
Tác giả luận văn đưa ra 10 mục tiêu để khảo sát ý kiến của GV, cụ thể:
- Mục tiêu 1: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm sẽ giúp HS
khắc sâu kiến thức bài học;
- Mục tiêu 2: Thông qua hoạt động trải nghiệm trong môn TN&XH 3 HS
có cơ hội kiểm nghiệm và điều chỉnh những kinh nghiệm vốn có của bản thân;
- Mục tiêu 3: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm sẽ phát huy
tính tích cực của HS;
- Mục tiêu 4: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm sẽ tăng cường
mối liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục HS;
- Mục tiêu 5: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS nhận
thức được môi trường TN & XH xung quanh;
- Mục tiêu 6: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS hình
thành và phát triển được năng lực tìm tòi, khám phá môi trường TN & XH xung
quanh;
- Mục tiêu 7: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS vận
dụng được kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với TN & XH;
- Mục tiêu 8: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS phát
triển năng lực giao tiếp;
- Mục tiêu 9: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS phát
triển năng lực giải quyết vấn đề;
45

- Mục tiêu 10: Dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm giúp HS
phát triển kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm.
Kết quả khảo sát cho thấy:
- 100% GV đồng ý với mục tiêu 1, 2, 3, 5; 96,97% GV đồng ý với mục tiêu
6; 93,94% GV đồng ý với mục tiêu 7; 87,88% GV đồng ý với mục tiêu 10;
84,85% GV đồng ý với mục tiêu 9; 81,82% GV đồng ý với mục tiêu 4; 78,79%
GV đồng ý với mục tiêu 8.
- 21,21% GV phân vân với mục tiêu 8; 15,15% GV phân vân với mục tiêu
4, 9; 9,09% GV phân vân với mục tiêu 10; 6,06% GV phân vân với mục tiêu 7;
3,03% GV phân vân với mục tiêu 6.
- 3,03% GV không đồng ý với mục tiêu 4.
- 3,03% GV không ý kiến với mục tiêu 10.
Qua kết quả trên, có thể nhận định rằng một số GV hiện nay vẫn còn phân
vân về tính hiệu quả của hoạt động trải nghiệm trong việc giúp tăng cường mối
liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục HS và giúp HS phát
triển các kĩ năng, năng lực: giao tiếp, làm việc nhóm. Điều này cho thấy, hiện
nay, một số GV vẫn chưa xác định đầy đủ hiệu quả của hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Nội dung môn TN & XH lớp Ba hiện hành trong tổ chức dạy học trải nghiệm
46

Biểu đồ 2.5. Nội dung môn TN & XH lớp Ba


phù hợp để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm
Biểu đồ 2.5 cho thấy, đối với môn TN & XH lớp Ba, cả 3 chủ đề trong
chương trình hiện hành đều thích hợp để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm. Trong đó, chủ đề Tự nhiên được GV lựa chọn nhiều nhất với 87,88%,
tiếp đến là chủ đề Xã hội với 72,73% GV lựa chọn, chủ đề Con người và sức
khỏe chiếm 51,52%. Qua đây, có thể nhận định rằng, GV hiện nay đã thấy được
sự phù hợp của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học TN & XH lớp
Ba ở tất cả các nội dung mà chương trình hiện hành đang có. Tuy nhiên, nội
dung thuộc chủ đề Con người và sức khỏe là nội dung khó nhất để tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học.
Hình thức phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
TN & XH lớp Ba
Tiến hành khảo sát hình thức phù hợp để tổ chức dạy học môn TN & XH
lớp Ba, tác giả luận văn thu được kết quả lựa chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp
về mức độ phù hợp thể hiện ở Bảng 2.1.
47

Bảng 2.1. Hình thức phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn TN & XH lớp Ba
Tỉ Tỉ
Số Số
TT Hình thức lệ TT Hình thức lệ
lượng lượng
(%) (%)
Tham quan, dã
1 33 100 7 Giao lưu 9 27,27
ngoại
Sân khấu tương
2 Trò chơi 26 78,79 8 8 24,24
tác
Thực hành lao
3 15 45,45 9 Diễn đàn 5 15,15
động
Hoạt động tình
4 Hội thi 11 33,33 10 5 15,15
nguyện
5 Câu lạc bộ 10 30,30 11 Nhân đạo 4 12,12
Nghiên cứu khoa
6 9 27,27 12 Dự án 3 9,09
học

Kết quả từ Bảng 2.1. cho thấy, hình thức Tham quan, dã ngoại là hình thức
được lựa chọn nhiều nhất với tỉ lệ 100%, kế đến là hình thức Trò chơi với
78,79%. Hình thức Dự án (9,09%) là hình thức có tỉ lệ lựa chọn thấp nhất. Tác
giả luận văn tiến hành phỏng vấn 06 GV của Trường TH TVD về nguyên nhân
lựa chọn, 06 GV đều cho rằng chương trình môn học có nhiều bài phù hợp để tổ
chức học tập, trải nghiệm bên ngoài lớp học và tiếp xúc môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, cô Phạm Nguyên Vân H. còn cho biết: “Hoạt động Tham quan, dã
ngoại cũng là hoạt động ngoại khóa định kì của nhà trường nên khá dễ dàng thực
hiện. Về Trò chơi, đây là hình thức phù hợp và dễ tổ chức nhất, GV cũng có
kinh nghiệm tổ chức hình thức này. Còn hình thức Dự án là hình thức khó thực
hiện từ việc lựa chọn nội dung đến cách thức tổ chức, GV cũng không thường
tổ chức Dự án”. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn đến kết quả lựa chọn của GV ở
48

trên.
Quy trình thiết kế trong thiết kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn Tự
nhiên và Xã hội lớp Ba
Khảo sát về mức độ cần thiết của quy trình thiết kế trong thiết kế hoạt động
trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba, tác giả thu được kết quả thể hiện ở
Biểu đồ 2.6.

Biểu đồ 2.6. Mức độ cần thiết của quy trình thiết kế


trong thiết kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba

Biểu đồ 2.6 cho thấy 100 % GV được khảo sát cho rằng quy trình thiết kế
là rất cần thiết và cần thiết để có thể thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn TN & XH lớp Ba. Trong đó, 97,97% GV cho rằng quy trình thiết kế là
rất cần thiết và 3,03% GV xác định là cần thiết có quy trình thiết kể để thiết kế
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn học này.
Mặt khác, tác giả đã khảo sát GV về tình hình áp dụng quy trình thiết kế
trong thiết kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba, kết quả cho
thấy, 100% GV được khảo sát cho biết chưa có quy trình thiết kế này.
Những kết quả này cho thấy, GV đã xác định được mức độ cần thiết của
quy trình thiết kế trong thiết kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn TN & XH
49

lớp Ba. Tuy nhiên hiện nay, họ vẫn chưa có quy trình cụ thể nào để áp dụng thiết
kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn học này.
Mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện của việc tổ chức hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ở nhà trường Tiểu học hiện nay
Tác giả luận văn tìm hiểu mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện của việc
tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ở nhà trường
Tiểu học hiện nay. Kết quả được biểu thị qua Biểu đồ 2.6.

Biểu đồ 2.7. Mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện của việc tổ chức
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba
(Biểu hiện: Mức 4: Rất thường xuyên, Mức 3: Thường xuyên; Mức 2:
Thỉnh thoảng, Mức 1: Không bao giờ. Kết quả: Mức 4: Tốt, Mức 3: Khá; Mức
2: Trung bình, Mức 1: Yếu)
Biểu đồ 2.6. cho thấy, hiện nay, GV đã có quan tâm đến việc tổ chức các
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba, cụ thể: Thường
xuyên tổ chức chiếm tỉ lệ cao nhất (51,52%), kế đến là mức độ Thỉnh thoảng tổ
50

chức (45,45%) và cuối cùng là mức Rất thường xuyên (3,03%). Từ đó, có thể
kết luận, hiện nay, không ít GV vẫn còn e dè trong tổ chức các hoạt động trải
nghiệm trong dạy học TN & XH lớp Ba dù hầu hết họ vẫn cho rằng việc tổ chức
hoạt động trải nghiệm trong dạy học TN & XH lớp Ba là rất quan trọng và quan
trọng (93,94% – Biểu đồ 2.4.)
Về đánh giá kết quả của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba của GV hiện nay, mức Khá chiếm tỉ lệ cao nhất (54,55%),
kế đến là mức Tốt (36,36%), cuối cùng là mức Trung bình (9,09%). Đối chiếu
với mức độ tổ chức, có thể nhận thấy rằng không ít GV thường xuyên (51,52%)
tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa tốt (63,64%
đạt mức Khá và Trung bình).
Những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn TN & XH lớp Ba
Tác giả luận văn đưa ra 12 yếu tố để khảo sát về những thuận lợi, khó khăn
khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba, Kết quả
thu được thể hiện ở Bảng 2.2.
Bảng 2.2. Những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba
Thuận lợi Khó khăn
TT Yếu tố Số Tỉ lệ Số Tỉ lệ
lượng (%) lượng (%)
1 Hứng thú của HS đối với hoạt động học tập 31 93,94 2 6,06
Vốn kinh nghiệm của HS đối với nội dung
2 23 69,70 10 30,30
bài học
Kinh nghiệm, hiểu biết của GV trong dạy
3 9 27,27 24 72,73
học TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm
4 Ý tưởng tổ chức hoạt động của GV 10 30,30 23 69,70
5 Việc đảm bảo mục tiêu dạy học của GV 23 69,70 10 30,30
6 Việc đảm bảo thời gian dạy học của GV 13 39,40 20 60,60
7 Việc quản lí HS khi HS tham gia hoạt động 8 24,25 25 75,75
8 Diện tích, không gian lớp học 6 18,19 27 81,81
9 Kinh phí tổ chức hoạt động 8 24,25 25 75,75
51

Thuận lợi Khó khăn


TT Yếu tố Số Tỉ lệ Số Tỉ lệ
lượng (%) lượng (%)
Tài liệu tham khảo về dạy học TN&XH 3
10 6 18,19 27 81,81
bằng hoạt động trải nghiệm
11 Sự quan tâm của các cấp quản lí 31 93,94 2 6,06
12 Sự ủng hộ của phụ huynh HS 26 78,79 7 21,21
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số GV đánh giá thuận lợi ở các nội dung:
“Hứng thú của HS đối với hoạt động học tập” (93,94%), “Vốn kinh nghiệm của
HS đối với nội dung bài học” (69,70%), “Việc đảm bảo mục tiêu dạy học của
GV” (69,70%). Điều này cho thấy HS tiểu học, cụ thể là HS lớp 3 rất hứng thú
với hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, vốn kinh nghiệm của các em cũng đóng
vai trò không nhỏ trong việc học tập bằng hoạt động trải nghiệm, vì thế, GV cần
lưu ý điều này khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm để hiệu quả dạy học là tốt
nhất. Bên cạnh đó, GV còn đánh giá thuận lợi với tỉ lệ cao ở các nội dung “Sự
quan tâm của các cấp quản lí” (93,94%), “Sự ủng hộ của phụ huynh HS”
(78,79%). Qua đây, có thể nhận kết luận rằng dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm có thể phát huy được sự quan tâm, tạo được liên kết giữa gia đình, nhà
trường và xã hội trong giáo dục HS.
Những nội dung được GV đánh giá là khó khăn khi tổ chức hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba là: “Tài liệu tham khảo về dạy học
TN&XH 3 bằng hoạt động trải nghiệm” (81,81%), “Ý tưởng tổ chức hoạt động
của GV” (69,70%), “Kinh nghiệm, hiểu biết của GV trong dạy học TN&XH 3
bằng hoạt động trải nghiệm” (72,73%), “Diện tích, không gian lớp học”
(81,81%), “Việc quản lí HS khi các em tham gia hoạt động” (75,75%), “Kinh
phí tổ chức hoạt động” (75,75%), “Việc đảm bảo thời gian dạy học của GV”
(60,60%).
Qua đây, có thể nhận thấy, nếu có thể giải quyết được vấn đề đào tạo, bồi
dưỡng, tập huấn; tài liệu hướng dẫn, tham khảo về ý tưởng, cách thức tổ chức
hoạt động và quản lí lớp học thì việc dạy học môn TN & XH lớp Ba sẽ đạt hiệu
52

quả cao hơn. Mặt khác qua phỏng vấn 06 GV lớp 3 về nhu cầu đối với tài liệu
tham khảo trong dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm,
GV mong muốn được cung cấp các tài liệu: “Hướng dẫn các bước tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba”, “Ý tưởng dạy học môn
TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm”, “Thiết kế mẫu các hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba”.
* Đối với HS lớp Ba
Hứng thú đối với môn TN & XH lớp Ba
Tìm hiểu về hứng thú của HS với môn TN & XH lớp Ba, tác giả luận văn
thu được kết quả ở biểu đồ sau:

Biểu đồ 2.8. Hứng thú của HS đối với môn TN & XH lớp Ba
Biểu đồ 2.7. cho thấy: đa số các em đều yêu thích môn TN & XH lớp Ba
(95,25%). Các em đã đưa ra các lí do như: môn học hay, vui, thú vị; mang đến
hiểu biết, kiến thức; có câu đố, câu hỏi thú vị, giúp các em học tốt các môn khác.
Bên cạnh đó, có 4,75% HS không thích môn học này vì: tiết học chán, học khó
hiểu. Qua đây, có thể thấy rằng, việc tổ chức đa dạng các hoạt động khơi gợi
hứng thú học tập cho HS là khá quan trọng trong dạy học.
Các hoạt động đã được tham gia qua học tập môn TN & XH lớp Ba
53

Tác giả luận văn tìm hiểu về các hoạt động HS đã được tham gia qua học
tập môn TN & XH lớp Ba tại trường. Kết quả thể hiện ở Biểu đồ 2.8.

Biểu đồ 2.9. Hoạt động HS đã tham gia khi học môn TN & XH lớp Ba
Biểu đồ 2.8. cho thấy: khi học tập môn TN & XH lớp Ba, HS được tham
gia các hoạt động: Đọc và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa chiếm tỉ lệ cao
nhất (87%); kế đến là Xem tranh ảnh, video, vật thật chiếm 79%; Tham quan,
dã ngoại chiếm 55%; Tham gia các trò chơi chiếm 50,25%, Tham gia các hội thi
chiếm 22,25% và không có các hoạt động khác (0%). Từ đó, có thể đưa ra nhận
định, hiện nay, hoạt động chủ yếu khi học tập môn TN & XH lớp Ba mà HS
được tham gia vẫn là Đọc và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa và xem tranh
ảnh, video, vật thật. Bên cạnh đó, HS cũng được tham gia các hoạt động trải
nghiệm, tuy nhiên các hoạt động này vẫn chưa đa dạng (chỉ có Trò chơi, Hội thi
và Tham quan, dã ngoại).
54

Nhu cầu của HS đối với việc tham gia các hoạt động trải nghiệm trong môn
TN & XH lớp Ba
Khảo sát về hình thức hoạt động trải nghiệm mà các em HS thích nhất khi
học môn TN & XH lớp Ba, tác giả luận văn thu được kết quả ở bảng sau (sắp
xếp theo tỉ lệ yêu thích từ cao xuống thấp):
Bảng 2.3. Hình thức hoạt động trải nghiệm được HS yêu thích nhất trong
học tập môn TN & XH lớp Ba
Hình Số Tỉ lệ Số Tỉ lệ
TT TT Hình thức
thức lượng (%) lượng (%)
Tham
Hoạt động
1 quan, dã 137 34,25 7 12 3,00
tình nguyện
ngoại
Sân khấu
2 Trò chơi 91 22,75 8 8 2,00
tương tác
3 Dự án 69 17,25 9 Diễn đàn 6 1,50
4 Giao lưu 25 6,25 10 Nhân đạo 5 1,25
Thực
5 hành lao 23 5,75 11 Hội thi 1 0,25
động
Hình thức
6 Câu lạc bộ 20 5,00 12 0 0
khác

Bảng 2.3 cho thấy, các hình thức đưa ra đều có HS lựa chọn, trong đó: hình
thức được yêu thích nhất là Tham quan, dã ngoại (34,25%), kế đến là Trò chơi
(22,75%), Dự án (17,25%). Hình thức ít được lựa chọn nhất là Hội thi (0,25%).
Qua đây, có thể nhận thấy, đa số HS thích các hoạt động mang tính vận động, tự
thực hiện, tiếp xúc với môi trường tự nhiên khi học môn TN & XH lớp Ba.
Từ Bảng 2.3, có thể kết luận rằng sự đa dạng về hình thức khi tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba là cần thiết. Bên cạnh đó,
ở mỗi lớp học, GV cũng nên xem xét yêu thích của HS mà lựa chọn hình thức
tổ chức cho phù hợp để tạo được hiệu quả trong dạy học.
55

2.3.2. Đánh giá chung


* Ưu điểm
Thứ nhất, từ kết quả khảo sát giáo viên về thực trạng dạy học môn TN &
XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm, có thể nhận thấy:
Hầu hết GV tiểu học hiện nay đã có sự tiếp cận với hoạt động trải nghiệm
và có quan niệm đúng về khái niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm. Bên
cạnh đó, đa số họ đã nhận thức được mức độ quan trọng của việc dạy học bằng
hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học, đặc biệt là đối với môn TN
& XH. Mặt khác, 100% GV được khảo sát đã xác định mức độ quan trọng của
quy trình thiết kế để có thể thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
TN & XH lớp Ba.
Về mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm, tất cả các mục tiêu mà đề tài đưa ra đều được được đa số GV tham gia
khảo sát tán thành. Trong đó, những mục tiêu được 100% GV tham gia khảo sát
tán thành là: dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm
sẽ giúp HS khắc sâu kiến thức bài học; HS có cơ hội kiểm nghiệm và điều chỉnh
những kinh nghiệm vốn có của bản thân; phát huy tính tích cực của HS; giúp HS
nhận thức được môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.
Đối với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN &
XH lớp Ba, hiện nay, GV đã tiến hành tổ chức các hoạt động này trong dạy học
và tự đánh giá kết quả ở mức độ Khá và Tốt chiếm tỉ lệ cao (90,91%).
Trong tổ chức hoạt động trải nghiệm để dạy học môn TN & XH lớp Ba,
theo GV được khảo sát, những yếu tố thuận lợi đó là “Hứng thú của HS đối với
hoạt động học tập”, “Vốn kinh nghiệm của HS đối với nội dung bài học”, “Việc
đảm bảo mục tiêu dạy học của GV”, “Sự quan tâm của các cấp quản lí”, “Sự ủng
hộ của phụ huynh HS”. Qua đây, có thể nhận kết luận rằng GV đã nhận thấy
được những đặc điểm phù hợp của HS lớp Ba để tổ chức dạy học trải nghiệm.
56

Đồng thời, dạy học bằng hoạt động trải nghiệm có thể phát huy được sự quan
tâm, tạo được liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục HS.
Thứ hai, tiến hành khảo sát HS lớp Ba về thực trạng về thực trạng dạy học
môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm thu được kết quả khả quan:
hầu hết các em đều yêu thích môn TN & XH lớp Ba và các em đều bày tỏ yêu
thích đối các hình thức học tập trải nghiệm, đăc biệt là những hoạt động mang
tính vận động, tự thực hiện, tiếp xúc với môi trường tự nhiên khi học môn TN
& XH lớp Ba.
* Hạn chế
Bên cạnh những kết quả khả quan của thực trạng dạy học môn TN & XH
lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm, kết quả khảo sát còn cho thấy những hạn
chế đáng lưu ý:
Thứ nhất, đối với GV, vẫn còn GV tham gia khảo sát chưa có quan niệm
đầy đủ về khái niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm cũng như chưa xác định
đúng mức độ quan trọng của hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học.
Bên cạnh đó, mặc dù đã xác định được mức độ quan trọng của quy trình thiết kế
trong thiết kế các hoạt động trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba nhưng
100% GV được khảo sát cho biết chưa có quy trình thiết kế.
Mặt khác, hiện nay không ít GV vẫn còn e dè trong tổ chức các hoạt động trải
nghiệm trong dạy học TN & XH lớp Ba dù hầu hết họ vẫn cho rằng việc tổ chức
hoạt động trải nghiệm trong dạy học TN & XH lớp Ba là rất quan trọng và quan
trọng. Đồng thời, kết quả thực hiện vấn đề này vẫn chưa cao (63,64% GV khảo
sát đánh giá đạt mức Khá và Trung bình).
Về mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm, vẫn còn một số GV chưa tán thành với các nhận định: Dạy học TN &
XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm sẽ tăng cường mối liên kết giữa gia đình,
nhà trường và xã hội trong giáo dục HS; giúp HS hình thành và phát triển được
năng lực tìm tòi, khám phá môi trường TN & XH xung quanh; giúp HS vận dụng
57

được kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với TN & XH; giúp HS phát triển
năng lực giao tiếp; giúp HS phát triển năng lực giải quyết vấn đề; giúp HS phát
triển kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm. Có thể thấy rằng, thực tế vẫn còn GV chưa
xác định đầy đủ mục tiêu, vai trò của hoạt động trải nghiệm trong dạy học các
môn học.
Trong tổ chức hoạt động trải nghiệm để dạy học môn TN & XH lớp Ba,
theo GV được khảo sát, những yếu tố khó khăn đó là: “Tài liệu tham khảo về
dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm”, “Ý tưởng tổ chức
hoạt động của GV”, “Kinh nghiệm, hiểu biết của GV trong dạy học môn TN &
XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm”, “Diện tích, không gian lớp học”, “Việc
quản lí HS khi các em tham gia hoạt động”, “Kinh phí tổ chức hoạt động”, “Việc
đảm bảo thời gian dạy học của GV”. Có thể thấy rằng, đa số những khó khăn
GV nhận định đều liên quan đến ý tưởng, cách thức thiết kế và tổ chức hoạt động
trải nghiệm sao cho đạt hiệu quả dạy học.
Thứ hai, kết quả khảo sát thực trạng từ HS lớp Ba cũng cho thấy những hạn
chế của thực trạng học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm: vẫn
còn một số ít HS không thích môn học này vì: tiết học chán, học khó hiểu. Bên
cạnh đó, hiện nay, hoạt động chủ yếu khi học tập môn TN & XH lớp Ba mà HS
được tham gia vẫn là Đọc và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa và Xem tranh
ảnh, video, vật thật. Nói cách khác, tính đa dạng của các hoạt động trong dạy
học môn học này vẫn còn hạn chế, các hoạt động đang thực hiện vẫn chưa khai
thác tối đa kinh nghiệm người học.
* Nguyên nhân của những hạn chế
Từ kết quả khảo sát, có thể đưa ra nguyên nhân cho những hạn chế của thực
trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm:
Thứ nhất, vấn đề thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học
các môn học vẫn là vấn đề mới đối với GV, GV phải trực tiếp dấn thân vào hoạt
động mới hiểu rõ về nó, khái quát được khái niệm, tầm quan trọng của nó.
58

Thứ hai, GV chưa có một quy trình rõ ràng, khoa học trong thiết kế các
hoạt động dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Thứ ba, tài liệu về dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm vẫn chưa phổ biến đối với GV tiểu học. GV thiếu tài liệu hướng dẫn,
tham khảo về ý tưởng, các thức thiết kế, cách thức tổ chức hoạt động và quản lí
lớp học,...
59

Kết luận chương 2


Trên cơ sở lí luận đã được xác lập ở chương 1, tác giả luận văn đã tiến
hành tìm hiểu thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm tại các trường tiểu học quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh ở
chương 2.
Đề tài đã tiến hành khảo sát thực trạng bằng phiếu khảo sát đối với 33 GV,
400 HS lớp 3 và phỏng vấn 06 GV thuộc 05 trường TH trên địa bàn quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh về những nội dung: nhận thức của GV về khái
niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm; mức độ cần thiết của việc dạy học
bằng hoạt động trải nghiệm; môn học phù hợp để tổ chức hoạt động trải nghiệm,
lí do để môn TN & XH thuận lợi triển khai dạy học bằng hoạt động trải nghiệm;
mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
TN & XH lớp Ba; mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt
động trải nghiệm, nội dung trong chương trình môn học và hình thức phù hợp
để tổ chức dạy học trải nghiệm, quy trình thiết kế để thiết kế hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba; mức độ biểu hiện và kết quả thực
hiện của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba ở nhà trường Tiểu học hiện nay; những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Thông qua khảo sát thực trạng, đề tài thu được những kết quả sau:
Đối với HS lớp Ba, hầu hết các em đều yêu thích môn TN & XH lớp Ba và
các hình thức học tập trải nghiệm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy,
các hoạt động chủ yếu trong dạy học môn học này vẫn là đọc và trả lời câu hỏi
trong SGK, xem tranh ảnh để tìm hiểu kiến thức. Điều này đã phần nào dẫn đến
một số HS không yêu thích môn TN & XH lớp Ba vì lí do “tiết học chán”.
Đối với GV, kết quả khảo sát cho thấy, GV đã có sự tiếp cận với hoạt động
trải nghiệm, có quan niệm đúng về khái niệm và nhận thức đúng mức độ quan
trọng của việc dạy học các môn học bằng hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, vẫn
60

còn số ít GV có quan niệm chưa đầy đủ về khái niệm và chưa nhận rõ mức độ
quan trọng của nó. Bên cạnh đó, tất cả GV tham gia khảo sát đều xác định môn
TN & XH phù hợp để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm cũng như cho
rằng quy trình thiết kế là quan trọng để có thể thiết kế hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba. Dù vậy, hiện nay, 100% GV được khảo
sát vẫn chưa có một quy trình khoa học để thiết kế các hoạt động này.
Về mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải
nghiệm, tất cả các mục tiêu mà đề tài đưa ra đều được được đa số GV tham gia
khảo sát tán thành. Tuy nhiên, vẫn còn GV nghi ngờ với các nội dung: Dạy học
TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm sẽ tăng cường mối liên kết giữa
gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục HS; giúp HS hình thành và phát
triển được năng lực tìm tòi, khám phá môi trường TN & XH xung quanh; vận
dụng được kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội; phát
triển năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề, kĩ năng hợp tác, kĩ năng làm
việc nhóm.
Ở khía cạnh tổ chức hoạt động trải nghiệm để dạy học môn TN & XH lớp
Ba, hiện nay, GV đã tiến hành tổ chức các hoạt động này trong dạy học nhưng
một số GV vẫn còn e dè, chưa thường xuyên tổ chức và tự đánh giá kết quả ở
mức độ đa số ở mức Khá và Trung bình. Bên cạnh đó, GV cũng đã xác định
được những yếu tố thuận lợi, khó khăn khi tổ chức dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm đối với môn học này. Một trong những khó khăn đáng kể là ý tưởng để
tổ chức hoạt động và kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động này. Từ đó, GV
cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận đối với việc dạy học môn TN & XH lớp
Ba bằng hoạt động trải nghiệm thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng và đặc
biệt là tài liệu tham khảo, các mẫu thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba.
61

Kết quả nghiên cứu thực trạng trên cũng chính là cơ sở để tác giả luận văn
tiến hành đề xuất quy trình thiết kế và thiết kế một số hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba ở chương 3.
62

Chương 3. THIẾT KẾ VÀ THỬ NGHIỆM


MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC
MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP BA
3.1. Mục đích và nguyên tắc thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba
3.1.1. Mục đích thiết kế
Tạo được hứng thú cho HS trong dạy học môn TN & XH lớp Ba, đồng thời,
nâng cao hiệu quả dạy học môn học này ở nhà trường tiểu học.
Cung cấp tài liệu tham khảo cho GV về ý tưởng dạy học môn TN & XH
lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm thông qua những thiết kế mẫu hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
3.1.2. Nguyên tắc thiết kế
Thiết kế và dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm phải
đảm bảo các nguyên tắc dạy học môn TN & XH lớp Ba, ngoài ra, khi cần thực
hiện các nguyên tắc sau:
Bảo đảm mục tiêu, nội dung môn TN & XH lớp Ba
Nguyên tắc này yêu cầu việc thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba phải đảm bảo tính hệ thống, thống nhất
với chương trình môn TN & XH lớp Ba. Nói cách khác, đó là đảm bảo thực
hiện mục tiêu dạy học môn TN & XH lớp Ba về kiến thức, kĩ năng và thái độ.
GV cần xác định đúng và phù hợp mục tiêu của các hoạt động trải nghiệm
gắn với từng nội dung học tập cụ thể để tránh việc làm nặng nề hay hời hợt các
hoạt động học tập. Bên cạnh đó, khi tổ chức dạy học, GV cần chú ý bám sát
mục tiêu bài học vì các hoạt động trải nghiệm đôi khi quá cuốn hút, làm GV và
HS đi lệch mục tiêu dạy học đã đề ra trước đó. Đảm bảo nguyên tắc này, không
chỉ thực hiện được nội dung và mục tiêu dạy học mà GV còn có thể giúp HS
nhớ lâu hơn các kiến thức thu nhận được.
63

Khai thác tối đa vốn kinh nghiệm của cá nhân HS


Theo Patrick Geddes, giáo dục không chỉ giúp hình thành các kĩ năng cơ
bản như đọc, viết, tính mà phải tác động vào trí óc, trái tim, cánh tay của người
học. Do đó, GV phải tạo điều kiện để HS huy động tối đa vốn kinh nghiệm sẵn
có để tham gia trải nghiệm, khám phá và phát hiện tri thức, hình thành các biểu
tượng, khái niệm một cách sinh động, chân thật, rồi điều chỉnh những kinh
nghiệm trước đó cho đúng đắn, phù hợp. Muốn làm được điều này, các hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH phải mang tính thực tiễn, gần
gũi với cuộc sống của các em. Bên cạnh đó, xuất phát từ HS, dạy học bằng hoạt
động trải nghiệm sẽ giúp cho các em có những cảm xúc, tình cảm thật với sự
vật, hiện tượng, môi trường sống, từ đó các em có những kĩ năng, thái độ và
hành vi đúng đắn với cuộc sống xung quanh. Đây cũng chính là giá trị của việc
trải nghiệm về cảm xúc mà các hoạt động trải nghiệm mang lại trong dạy học
các môn học.
Nội dung môn TN & XH lớp Ba đề cập đến các sự vật, hiện tượng xung
quanh cuộc sống của HS. Vì thế, GV phải lưu ý đến vốn kinh nghiệm sẵn có
của các em đối với các nội dung học tập để giao nhiệm vụ, hướng dẫn, hỗ trợ
và điều chỉnh hợp lí khi thiết kế hay tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong
dạy học môn học này.
Tôn trọng tính cá nhân của HS
Mỗi HS có một vốn kinh nghiệm sống, hoàn cảnh sống, sở thích,... khác
nhau. Do vậy, đối với cùng một sự vật, hiện tượng, mỗi em sẽ có cách thức tiếp
cận khác nhau. Trong dạy học TN & XH lớp Ba, GV cần tạo điều kiện để HS
được thể hiện ý tưởng, lựa chọn phương án, phản biện ý kiến, đưa ra nhận xét
trong nhóm hay trước tập thể lớp. Điều này, giúp HS phát huy khả năng tư duy
sáng tạo, tư duy phản biện, ... và thoải mái, tự tin trong học tập.
Để đảm bảo nguyên tắc này, GV cần đa dạng các hoạt động trải nghiệm
trong thiết kế và tổ chức dạy học môn học. Điều này, giúp HS hứng thú với
64

hoạt động học tập và giúp các em phát huy những năng khiếu vốn có, góp phần
định hướng nghề nghiệp tương lai. Mặt khác, GV cần lưu ý để HS trình bày,
báo cáo kết quả làm việc nhóm, nhận xét trong nhóm và trước lớp trong quá
trình học tập.
Huy động tối đa các giác quan của HS vào quá trình học tập
Khi dạy học TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm, HS được tiếp
xúc trực tiếp, thao tác với sự vật, hiện tượng, môi trường học tập. Vì thế, huy
động tối đa các giác quan của HS vào quá trình học tập là phù hợp và cần thiết.
Điều này giúp HS cảm nhận từ nhiều góc độ, đặc điểm khác nhau của sự vật,
hiện tượng đến mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, nó giúp
hình thành khái niệm, biểu tượng mang tính khái quát, đặc trưng về sự vật, hiện
tượng. Qua hình thức học tập này, HS có niềm tin vào bản thân, tin vào khoa
học khi tri thức được bản thân các em khám phá, kiểm nghiệm và định hướng
cho những thái độ, hành vi sau này.
Để đảm bảo nguyên tắc này, khi thiết kế và tổ chức dạy học, GV cần tính
đến yếu tố trực quan, phù hợp với đặc điểm của HS lớp Ba; kết hợp tối đa
những hoạt động: sờ mó, cầm nắm, nhìn, ngửi, nghe, nếm các sự vật, hiện tượng
trong phạm vi an toàn cho phép. Đồng thời, GV cần tạo điều kiện để HS ứng
dụng những điều vừa tri nhận được vào giải quyết vấn đề thực tiễn và kiểm
nghiệm tính đúng đắn của chúng.
Đảm bảo vai trò tổ chức, hướng dẫn của GV và vai trò chủ thể tự giác, tích
cực học tập, sáng tạo của HS
Khác với cách dạy học truyền thống, GV chỉ đạo, tổ chức các hoạt động
học tập để truyền đạt kiến thức, HS tiếp nhận, trong dạy học bằng hoạt động
trải nghiệm, GV chỉ là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn HS trực tiếp trải
nghiệm một cách độc lập hay theo nhóm học tập để các em chủ động khám phá
và thu nhận tri thức, đạt các mục tiêu học tập.
65

Để đảm bảo nguyên tắc này, GV phải lưu ý trong việc xác định nhiệm vụ
của mình, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho HS trong khi thiết kế hay tổ chức
các hoạt động. Mặt khác, GV cần chú ý đến kinh nghiệm của HS để các nhiệm
vụ học tập vừa mang tính thách thức vừa thể hiện tính vừa sức đối với các em.
3.2. Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội
lớp Ba
3.2.1. Các tiêu chí lựa chọn nội dung môn TN & XH lớp Ba và hình
thức hoạt động trải nghiệm để thiết kế
Để lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp nhằm thiết kế hoạt động trải
nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba, tác giả luận văn đưa ra một số tiêu
chí sau:
- Nội dung được lựa chọn phải nằm trong chương trình môn TN & XH lớp
Ba hiện hành (chương trình năm 2000) – chương trình Giáo dục Tiểu học của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba được thiết
kế như một kế hoạch dạy học (hay giáo án dạy học).
- Nội dung lựa chọn thiết kế phải phù hợp để dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm.
- Nội dung lựa chọn thiết kế phù hợp để dạy học toàn bài học hay chuỗi bài
học bằng hoạt động trải nghiệm.
- Hình thức của hoạt động trải nghiệm phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp
với nhà trường tiểu học Việt Nam, đáp ứng được những điều kiện về phương
tiện và cơ sở vật chất.
Tiến hành tìm hiểu chương trình môn TN & XH lớp Ba, tác giả luận văn
đề xuất 61 đơn vị bài học có thể lựa chọn để thiết kế dạy học bằng hoạt động trải
nghiệm qua Bảng
66

Bảng 3.1. Nội dung môn TN & XH lớp Ba lựa chọn để thiết kế dạy học bằng
hoạt động trải nghiệm
STT Tuần Tên bài dạy
1 1. Hoạt động thở và cơ quan hô hấp
1
2 2. Nên thở như thế nào
3 3. Vệ sinh hô hấp
2
4 4. Phòng bệnh đường hô hấp
5 5. Bệnh lao phổi
3
6 6. Máu và cơ quan tuần hoàn
7 7. Hoạt động tuần hoàn
4
8 8. Vệ sinh cơ quan tuần hoàn
9 9. Phòng bệnh tim mạch
5
10 10. Hoạt động bài tiết nước tiểu
11 11. Vệ sinh cơ quan bài tiết nước tiểu
6
12 12. Cơ quan thần kinh
13 13. Hoạt động thần kinh
7
14 14. Hoạt động thần kinh
15 15. Vệ sinh thần kinh
8
16 16.Vệ sinh thần kinh (tt)
17 19. Các thế hệ trong một gia đình
10
18 20. Họ nội họ ngoại
21-22. Thực hành: phân tích và vẽ sơ đồ mối quan
19 11
hệ họ hang
20 23. Phòng cháy khi ở nhà
12
21 24-25. Một số hoạt động ở trường
22 13 26. Không chơi các trò chơi nguy hiểm
23 - 24 14 27-28. Tỉnh (thành phố) nơi bạn sống
67

STT Tuần Tên bài dạy


25 29. Các hoạt động thông tin liên lạc
15
26 30. Hoạt động nông nghiệp
27 31. Hoạt động công nghiệp thương mại
16
28 32. Làng quê và đô thị
29 17 33. An toàn khi đi xe đạp
30 36. Vệ sinh môi trường
31 37. Vệ sinh môi trường (tt)
32 19 38. Vệ sinh môi trường (tt)
33 40. Thực vật
34 41. Thân cây
21
35 42. Thân cây (tt)
36 43. Rễ cây
22
37 44. Rễ cây (tt)
38 45.Lá cây
23
39 46. Khả năng kì diệu của lá cây
40 47. Hoa
24
41 48. Quả
42 49. Động vật
25
43 50. Côn trùng
44 51. Tôm, Cua
26
45 52. Cá
46 53. Chim
27
47 54. Thú
48 55.Thú (tt)
28
49 58. Mặt trời
50 – 51 29 56-57. Thực hành: Đi thăm thiên nhiên
68

STT Tuần Tên bài dạy


52 59. Trái đất, Quả địa cầu
30
53 60. Sự chuyển động của Trái Đất
54 61. Trái Đất là một hình tinh trong hệ Mặt Trời
31
55 62. Mặt Trời là vệ tinh của Trái Đất
56 63. Ngày và đêm trên Trái Đất
32
57 64. Năm, tháng và mùa
58 65. Các đới Khí hậu
33
59 66. Bề mặt Trái Đất
60 67. Bề mặt lục địa
34
61 68. Bề mặt lục địa (tt)

3.2.2. Quy trình thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự
nhiên và Xã hội lớp Ba
Để thiết kế trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba đảm
bảo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn như đã trình bày, tác giả luận văn đề
xuất quy trình thiết kế gồm các bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu chương trình môn học; chọn nội dung môn TN & XH lớp
Ba và nội dung liên kết từ các môn học khác để tích hợp dạy học. Trong đó, môn
TN & XH lớp Ba được xác định là môn học trung tâm, các môn học khác như
Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật... là môn học “xoay quanh” để
tích hợp các nội dung dạy học.
Bước 2: Xác định đặc điểm HS của lớp dạy học: đặc điểm tâm sinh lí, nhận
thức, vốn kinh nghiệm sống về nội dung sắp học.
Bước 3: Xác định và viết mục tiêu hoạt động trải nghiệm.
Mục tiêu của hoạt động là những mong muốn về kết quả của hoạt động.
Đây là yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả của hoạt động dạy học vì nó
69

giúp định hướng cho hoạt động, là nền tảng để chọn lựa, điều chỉnh nội dung và
hình thức hoạt động; là cơ sở để đánh giá hoạt động;
Do vậy, mục tiêu phải được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh
được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kĩ năng, thái độ và
định hướng giá trị.
Để viết được mục tiêu hoạt động, người thiết kế cần trả lời được những câu
hỏi cơ bản sau:
- HS đã có vốn kinh nghiệm gì về nội dung học tập?
- Hoạt động này có thể hình thành cho HS những kiến thức nào? Và ở mức
độ nào?
- Hoạt động này có thể hình thành cho HS những kĩ năng nào? Và ở mức
độ nào?
- Những thái độ, giá trị nào có thể được hình thành hay thay đổi ở HS sau
hoạt động?
Bước 4: Lập kế hoạch và thiết kế hoạt động
Ở bước này, người thiết kế lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu đề
ra. Nói cách khác, đó là việc xác định nguồn lực, thời gian, không gian… cần
thiết. Sau đó, lựa chọn phương án tối ưu cho mỗi mục tiêu đặt ra.
Người thiết kế cần cụ thể hóa mục tiêu thành từng nhiệm vụ cụ thể, chi tiết
và lựa chọn phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức phù hợp. Thực hiện
điều này, người thiết kế phải trả lời được những câu hỏi chính sau đây:
- Những việc nào cần thực hiện?
- Mỗi việc cần thực hiện ứng với mục tiêu nào đặt ra?
- Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào?
- Nhiệm vụ cụ thể của từng đối tượng là gì?
Trong phạm vi đề tài này, tác giả luận văn vận dụng Mô hình học tập dựa
vào trải nghiệm của Kolb để thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
TN & XH lớp Ba. Theo đó, nội hàm các hoạt động trải nghiệm để dạy một nội
70

dung dạy học sẽ bao gồm bốn giai đoạn: người học bắt đầu với kinh nghiệm cụ
thể sẵn có (Concrete experience) sẽ quan sát, suy nghĩ và đưa ra những phản hồi
(Observation and reflection) về tình huống học tập trong môi trường đó. Sau đó,
họ rút ra những khái niệm, kiến thức trừu tượng (Forming abstract concepts) rồi
vận dụng, thử nghiệm nó trong giải quyết những tình huống mới (Testing in new
situations) trong học tập hay cuộc sống.
Bước 5: Đặt tên cho hoạt động.
Đặt tên cho hoạt động là một việc làm quan trọng vì nó thể hiện chủ đề,
mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động. Bên cạnh đó, tên hoạt động cũng
hấp dẫn, lôi cuốn, kích thích tâm lí sẵn sàng tham gia hoạt động của HS.
Để đạt được những mong muốn trên, việc đặt tên cho hoạt động cần phải:
ngắn gọn, rõ ràng, chính xác; thể hiện được chủ đề, nội dung của hoạt động; hấp
dẫn HS.
Bước 6: Xây dựng các nội dung, tiêu chí đánh giá: cá nhân, nhóm.
GV cung cấp mẫu phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền các
thông tin vào phiếu đánh giá. Đối với hoạt động đánh giá về nhóm, có thể cho
HS thảo luận nhóm và điền thông tin vào phiếu hoặc HS đánh giá cá nhân sau
đó tập hợp lại trong bảng tập hợp chung của nhóm. Đối với hoạt động đánh giá
cá nhân, HS tự đánh giá.
Tác giả luận văn đề xuất việc đánh giá ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc trình bày hoặc thuyết trình
về sản phẩm. Ví dụ:
71

PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM


Tên hoạt động:
Tên nhóm:
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Thời gian thể hiện
2. Đặt tên chủ đề
Đúng chủ đề
3. Nội
Đúng kiến thức khoa học
dung
(tùy hoạt động cụ thể)
4. Hình Tự tin, mạch lạc, truyền
thức tải được nội dung
trình bày Sáng tạo
5. Trả lời phản biện
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
Thứ hai, tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm. Ví dụ:
72

PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM


Tên hoạt động: ...
Tên nhóm: ….
Họ và tên người đánh giá: …

ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ (Lí do)


TIÊU CHÍ
A B C D
1. Không khí hoạt
động vui vẻ, đoàn kết
2. Phân công nhiệm vụ
rõ ràng, công bằng
3. Thành viên nhóm
hoàn thành nhiệm vụ
phân công
4. Thành viên nhóm
tích cực góp ý, nhận
xét
5. Thành viên nhóm
tôn trọng ý kiến của
nhau
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
Thứ ba, tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân.
Ví dụ:
73

PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN TRONG NHÓM


Hoạt động: ….
Họ và tên: ...
Nhóm: ….

ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ (Lí do)


Chưa
TIÊU CHÍ Thường Thỉnh Hiếm
bao
xuyên thoảng khi
giờ
1. Tôi tuân theo phân
công của nhóm
2. Tôi hoàn thành
nhiệm vụ được giao
3. Tôi chủ động thảo
luận nhóm
4. Tôi lắng nghe ý
kiến của bạn
5. Tôi đưa ý kiến của
mình rõ ràng và có lí
do để thuyết phục
Địa danh, ngày ... tháng ... năm 2018
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
Thứ tư, tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu
bài học. Ví dụ:
74

PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP


Bài: ...
Họ và tên:....
Nhóm:...
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
Chưa GHI CHÚ
MỤC TIÊU Hoàn Hoàn
hoàn (Lí do)
thành tốt thành
thành
1. Tôi (mục tiêu 1)
2. Tôi (mục tiêu 2)
3. .....
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
Lưu ý: khi thiết kế điểm đánh giá, GV cần phải cụ thể hóa từng mức điểm
A, B, C, D thành các tiêu chí cụ thể gắn với nội dung dạy học.
Bước 7: Sau khi tiến hành dạy học, GV tổng hợp, rút kinh nghiệm và điều
chỉnh thiết kế ban đầu (nếu có).
3.2.3. Một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và
Xã hội lớp Ba đề tài đã thiết kế
Do giới hạn thời gian thực hiện đề tài, tác giả đã lựa chọn 31 đơn vị bài học
trong tổng số 61 đơn vị bài học của môn TN & XH lớp Ba (chương trình hiện
hành) đã đề xuất có thể lựa chọn để thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy
học. Theo đó, tác giả luận văn đã thiết kế được 29 hoạt động trải nghiệm để tổ
chức dạy học 31 bài học trên, cụ thể ở Bảng 3.2.
75

Bảng 3.2. Một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba đề tài đã thiết kế
Tên hoạt động Bài
1. Hoạt động: “Khắc nhập! Khắc Bài 45: Lá cây
nhập!” Bài 46: Khả năng kì diệu của lá cây
- Trò chơi: Ghép lá
- Trò chơi: Ai nhanh hơn?
- Trò chơi: Ích lợi của lá
2. Hoạt động: Nét vẽ xanh
3. Hoạt động: Bộ sưu tập thời trang
lá cây
4. Hoạt động: Bí mật của quả Bài 48: Quả
5. Hoạt động: Họa sĩ nhí
6. Hoạt động: “Hạt ơi! Lớn lên đi!”
Bài 61: Trái Đất là một hành tinh trong
7. Du hành Hệ Mặt Trời
hệ Mặt Trời
Dự án: Sức khỏe là vàng Bài 1: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp
8. Chủ đề: Chuyên gia sức khỏe Bài 2: Nên thở như thế nào?
9. Chủ đề: Tuyên truyền viên sức Bài 3: Vệ sinh hô hấp
khỏe: Họa sĩ nhí; Lá thư sức khỏe Bài 4: Phòng bệnh đường hô hấp
10. Chủ đề: Nhật kí sức khỏe Bài 5: Bệnh lao phổi
11. Ngày hội vui khỏe Bài 1: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp
Bài 2: Nên thở như thế nào?
Bài 3: Vệ sinh hô hấp
Bài 4: Phòng bệnh đường hô hấp
Bài 5: Bệnh lao phổi
Chủ đề: những người thân của tôi Bài 19: Các thế hệ trong một gia đình
12. Hoạt động: Album gia đình tôi Bài 20: Họ nội, họ ngoại
13. Hoạt động: Họ hàng của tôi
76

Tên hoạt động Bài


14. Hoạt động: Cây họ hàng Bài 21 – 22: Thực hành: Phân tích và
15. Trò chơi “là gì? Của ai ?” vẽ sơ đồ mối quan hệ họ hàng
16. Hoạt động: Lá thư yêu thương
Chủ đề: Mái trường mến yêu Bài 24: Một số hoạt động ở trường
17. Hoạt động: Phóng viên nhỏ tuổi Bài 25: Một số hoạt động ở trường (tt)
18. Hoạt động: Lá thư tình bạn Bài 26: Không chơi các trò chơi
19. Hoạt động: Quản trò nhí nguy hiểm
Bài 27 – 28: Tỉnh (thành phố) nơi bạn
Chủ đề: quê hương tôi
đang sống
20. Trò chơi: Ai nhanh? Ai đúng?
Bài 29: Các hoạt động thông tin
21. Hoạt động: Hướng dẫn viên
liên lạc
du lịch
Bài 30: Hoạt động nông nghiệp
22. Trò chơi “Khắc xuất, khắc nhập”
Bài 31: Hoạt động công nghiệp,
23. Hoạt động: Làng quê hay đô thị
thương mại
24. Hoạt động: vẽ quê hương
Bài 32: Làng quê và đô thị
25. Trò chơi: Tôi lái xe đạp an toàn Bài 33: An toàn khi đi xe đạp
Dự án: Thế giới động vật Bài 49: Động vật
26. Chủ đề: Nhà nghiên cứu Bài 50: Côn trùng
động vật Bài 51: Tôm, cua
27. Chủ đề: Vẻ đẹp của thế giới Bài 52: Cá
động vật Bài 53: Chim
28. Chủ đề: Thế giới động vật trong Bài 54: Thú
mắt tôi Bài 55: Thú (tt)
29. Làm cây thời gian Bài 64: Năm, tháng và mùa

Ví dụ minh họa hoạt động trải nghiệm dạy học môn TN & XH lớp Ba đã
thiết kế:
* Nội dung dạy học được lựa chọn: bài 48 – QUẢ (bước 1 trong quy
trình thiết kế)
77

* Đặc điểm tình hình HS lớp 3B (bước 2 trong quy trình thiết kế)
Sĩ số: 37 HS
Sinh sống ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
HS được học tiếng Anh tăng cường.
HS thích tham gia các hoạt động vẽ tranh.
HS biết soạn thảo văn bản, dùng internet để tìm kiếm và chọn lọc hình
ảnh, thông tin.
Cơ sở vật chất: lớp khá rộng, bàn ghế có thể di chuyển; có TV, loa,...
BÀI 48: QUẢ (TUẦN 24)
1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Mô tả được hình dáng, kích thước hoặc mùi vị của một số loại quả.
2) Xác định được các bộ phận thường có của quả.
3) Trình bày được vai trò của quả đối với đời sống của thực vật và đời sống
con người.
4) Vẽ và chú thích được các bộ phận của quả thông qua quan sát.
5) Thực hiện được việc gieo hạt, chăm sóc cho hạt nảy mầm.
6) Báo cáo được quá trình chăm sóc hạt giống và sự phát triển của hạt
giống
7) Rèn luyện kĩ năng diễn đạt, làm báo cáo, thực hành, làm việc nhóm,…
8) Hình thành ý thức bảo vệ cây xanh, yêu thiên nhiên.
9) Hình thành niềm tin khoa học; óc tò mò, ham hiểu biết.
(Bước 3 trong quy trình thiết kế)
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC (1 tiết) (bước 4, 5 trong quy trình thiết kế)
2.1. HOẠT ĐỘNG: “BÍ MẬT CỦA QUẢ”
(Nhằm đạt mục tiêu số 1, 2, 3, 7, 8, 9)
 Thời gian: 15 phút
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học:
78

GV chuẩn bị đủ ĐDDH cho các nhóm HS trong lớp, có thể yêu cầu PHHS
giúp đỡ thêm, nếu cần thiết. Ngoài sổ tay “Cuộc sống quanh em”, ĐDDH cần
chuẩn bị là:
- Một số loại quả: táo, mận, dâu, thanh long, đậu bắp, đậu đũa, dưa leo, sơ
ri, đậu xanh,… (Lưu ý khi chọn quả: đa dạng về màu sắc, hình dạng, kích cỡ và
cấu tạo để phục vụ cho mục đích quan sát; dễ dàng cắt quả bằng dao nhựa).
- Rổ nhựa nhỏ để đựng quả, dao nhựa để cắt quả.
- Bao tay ni lông, khăn giấy lau tay, đĩa giấy đựng quả để cắt.
- Bảng phụ, bút lông,…
- Phiếu học tập
- SGK Tự nhiên và Xã hội lớp Ba.
 Triển khai hoạt động:
Hs quan sát 1 số loại quả qua 1 số thao tác:
+ Nhìn bên ngoài, sờ, ngửi,… để nhận biết đặc điểm bên ngoài của quả.
+ Cắt quả để quan sát cấu tạo bên trong của quả; nếm quả (nếu có thể) để
nhận biết mùi vị của quả.
Bước 1: Chia nhóm và giao nhiệm vụ học tập
- Chia nhóm học tập (nhóm 4 – 6 HS lớp đã có từ trước hay có thể chia
ngẫu nhiên/ nhóm theo sở thích).
- Đặt tên nhóm (theo tên quả), cử nhóm trưởng, thư kí.
- Giao phiếu học tập cho các nhóm.
- GV giới thiệu phiếu học tập, yêu cầu HS đọc kĩ phiếu và thực hiện quan
sát theo hướng dẫn ghi trên phiếu (khổ A4):
(Trong phiếu có ví dụ minh họa nội dung mong đợi HS đạt được)

PHIẾU HỌC TẬP MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP BA


BÀI 48: QUẢ (Lớp 3)
Tên nhóm thực hiện: QUẢ ...
79

Mô tả đặc Mô tả mùi
điểm bên vị và cấu tạo Kết luận
Tên quả Tiểu kết
ngoài của trong của chung
quả quả
Thơm nhẹ, vị - Chúng có Kết luận 1:
Tròn, vỏ
chua ngọt; hình dạng, Quả khác
nhẵn, màu
Quả táo có ba phần: màu sắc, mùi nhau về màu
xanh hoặc
vỏ, thịt và vị khác nhau; sắc, hình
vàng.
hạt. - Quả táo, ... dạng, kích
Quả ... có ba phần: cỡ, mùi vị;
Quả ... vỏ, thịt và Kết luận 2:
Quả ... hạt. Quả thường
Quả ... - Đậu đũa có có 3 phần:
2 phần: vỏ và vỏ, thịt và
hạt. hạt. Một số ít
loại quả chỉ
có 2 phần: vỏ
và thịt hoặc
vỏ và hạt.
Bước 2: HS nhận ĐDDH
Bước 3: Tổ chức cho HS thảo luận trong nhóm về
- Tên quả.
- Công dụng của các đồ dùng sẽ sử dụng: Dao nhựa, rổ nhựa nhỏ, bao tay,
khăn giấy, đĩa giấy.
- Các bước tiến hành quan sát.
- Trình bày bảng phụ, báo cáo nhóm.
- Ghi chép vào sổ tay.
Bước 4: HS quan sát quả theo nhóm, ghi chép vào sổ tay và hoàn thành
phiếu học tập.
Bước 5: Các nhóm HS báo cáo trước lớp (nếu không đủ thời gian, chỉ cho
một vài nhóm báo cáo, các nhóm khác đặt câu hỏi, bổ sung,…). Các nhóm nhận
xét.
Bước 6: HS rút ra kết luận.
80

Bước 7: GV nhận xét và chốt ý: Trong tự nhiên quả đa dạng về màu sắc,
hình dạng, kích cỡ. Quả thường gồm có 3 phần: phần vỏ, thịt và hạt.
2.2. HOẠT ĐỘNG: HỌA SĨ NHÍ
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 2 và 4)
 Thời gian: 10 phút
 Địa điểm: lớp học
 Hình thức tổ chức: Vẽ tranh
 Đồ dùng dạy học: Bút chì, bút màu, gôm, sổ tay, quả đã quan sát ở hoạt
động 2.1
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân, công bố tiêu chí đánh giá (nội dung khoa học
và thẩm mĩ).
- HS lựa chọn và vẽ quả mình yêu thích, chú thích các bộ phận.
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm và nhận xét.
2.3 HOẠT ĐỘNG: “HẠT ƠI! LỚN LÊN ĐI!”
(Nhằm thực hiện mục tiêu 5 và 6)
 Thời gian: 10 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học:
- Đồ dùng để trang trí ly nhựa
- Ly nhựa trong suốt (có dán tên nhóm của HS).
- Một xô đựng đất trồng tơi xốp, có độ ẩm vừa phải.
- Xẻng nhỏ (để xúc đất).
- Bình phun sương nhỏ để tưới nước cho hạt.
- Xô đựng nước.
- Hạt đậu xanh, hạt lúa.
HS ươm hạt từ 1 số loại quả nói trên vào đất đã được làm tơi xốp, tưới
nước, để vào chỗ mát để theo dõi sự phát triển của hạt mọc thành cây mới.
81

Lưu ý: Có thể chuẩn bị góc lớp, bệ cửa sổ hay một góc râm mát trong vườn
trường để HS cất giữ các hũ đã gieo hạt, chăm sóc và theo dõi chúng. Đối với
những trường Tiểu học có vườn trường, HS có thể gieo hạt trực tiếp xuống đất.
 Triển khai hoạt động:
HS tìm hiểu vai trò của quả đối với cây xanh: quả là cơ quan sinh sản của
cây. Khi gặp điều kiện thuận lợi, từ quả/hạt sẽ mọc lên cây mới.
- Cho HS đọc thầm phần “Bóng đèn tỏa sáng” trong SGK.
- Một vài HS nhắc lại kết luận.
- GV chốt ý, gợi ý hoạt động tiếp theo: Vậy để kiểm tra xem từ quả/hạt có
thể mọc lên thành cây mới hay không, chúng ta phải làm gì?
- Ý kiến của HS: Chúng ta thử gieo hạt xuống đất, ngâm quả vào nước,…
 Giới thiệu hoạt động “Gieo hạt”.
Bước 1: Giới thiệu dụng cụ, cho HS chọn dụng cụ thích hợp:
+ Hũ nhựa, cho HS trang trí và dán tên nhóm lên hũ.
+ Xẻng xúc đất.
+ Đất trồng.
+ Bình phun sương.
+ Hạt giống: hạt lúa, hạt đậu xanh.
Bước 2: Hướng dẫn thực hiện:
GV hướng dẫn HS sử dụng hạt đã chuẩn bị; lựa chọn phương tiện cần thiết
cho việc gieo hạt.
Bước 3: HS thảo luận nhóm, lựa chọn dụng cụ cần thiết, phương án gieo
hạt.
Bước 4: HS thực hành gieo hạt: đổ vào hũ một ít đất, dùng bình phun sương
làm ẩm đất hoặc tưới 1 ít nước, gieo hạt vào, sau đó lấp 1 lớp đất mỏng,…
Bước 5: GV hướng dẫn HS để hũ đất vào góc lớp hay bệ cửa sổ, ghi chép
lại toàn bộ quá trình hoạt động vào sổ tay.
Bước 6: GV hướng dẫn HS ghi chép để theo dõi quá trình từ quả/hạt mọc
82

lên thành cây mới (ngày gieo hạt, ngày cây mọc lên,…).
Lưu ý: GV theo dõi, tổ chức cho HS báo cáo kết quả vào thời gian thích
hợp (có thể sau 1 tuần khi cây con đã mọc lên, GV theo dõi để đảm bảo cây của
các nhóm đều mọc tốt);
Nội dung báo cáo: (hoàn thành phiếu học tập)
HS có thể kết hợp vẽ Quá trình phát triển của hạt
PHIẾU HỌC TẬP
BÀI: QUẢ
HOẠT ĐỘNG: HẠT ƠI! LỚN LÊN ĐI!
Nhóm: ...........
Hạt đậu xanh Hạt lúa
Ngày gieo
Quá Ngày 1 Ngày 2 Ngày ... Ngày 1 Ngày 2 Ngày ...
trình Việc làm
chăm Kết quả
sóc quan sát
Cảm
nhận của
em
Ngày cây mọc lên
khỏi mặt đất
Tiểu kết
Kết luận (Quả/hạt chính là cơ quan sinh sản của cây vì khi gieo
vào đất ẩm, quả/hạt sẽ mọc thành cây mới)
83

3. ĐÁNH GIÁ (10 phút) (bước 6 trong quy trình thiết kế)
3.1. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc thuyết trình, trình bày sản
phẩm
GV cung cấp mẫu phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền các
thông tin vào phiếu đánh giá. Hoạt động này có thể cho HS thảo luận nhóm và
điền thông tin vào phiếu. Hoặc HS đánh giá cá nhân sau đó tập hợp lại trong
bảng tập hợp chung của nhóm.
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM - Tên nhóm: ....
Tên hoạt động: BÍ MẬT CỦA QUẢ
(HẠT ƠI! LỚN LÊN ĐI)
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI
TIÊU CHÍ
A B C D CHÚ
Quá thời
1. Thời gian thể Sớm/ đúng Quá thời Quá thời
gian
hiện (1p) thời gian gian 30s gian 1p
1p30s
Hạt sớm nảy
Hạt nảy Hạt nảy Hạt không
Gieo hạt mầm thành
mầm mầm trễ nảy mẩm
cây con
2. Trình bày rõ
Trình bày Trình bày
Nội ràng theo Trình bày Trình bày
quá trình chưa rõ
dung các bước, dễ dễ hiểu không
chăm sóc ràng
thuyế hiểu
t trình Giải thích Đúng
hiện Rõ, chính nhưng Chưa đầy Chưa giải
tượng khi xác còn chưa đủ thích được
quan sát mạch lạc
To, rõ, Rõ ràng, Nhỏ, khó
Giọng nói To, rõ
truyền cảm giọng nhỏ theo dõi
Thuyết Mạch lạc, Còn vấp
3.
trình tự dùng ánh Chưa nhiều, run
Hình Mạc lạc
tin, hấp mắt và điệu mạch lạc khi trình
thức
dẫn bộ bày
Kết hợp sơ Kết hợp Kết hợp Chỉ dùng
Sáng tạo
đồ, hình vẽ, sơ đồ, sơ đồ, lời
84

ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI


TIÊU CHÍ
A B C D CHÚ
kịch,... hấp hình vẽ, hình vẽ,
dẫn kịch,... kịch,...
phù hợp chưa phù
hợp
Đúng
Rõ ràng,
4. Trả lời phản nhưng Trả lời Chưa trả
chính xác,
biện chưa chưa đủ ý lời được
dễ hiểu
mạch lạc
Tổng điểm
3.2. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền thông
tin vào phiếu (cụ thể các tiêu chí đánh giá thành những biểu hiện cụ thể).
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: BÍ MẬT CỦA QUẢ
(HẠT ƠI! LỚN LÊN ĐI)
Tên nhóm: ….
Họ và tên người đánh giá: …
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Không khí hoạt động vui vẻ,
đoàn kết
2. Phân công nhiệm vụ rõ ràng,
công bằng
3. Thành viên nhóm hoàn thành
nhiệm vụ phân công
4. Thành viên nhóm tích cực góp
ý, nhận xét
5. Thành viên nhóm tôn trọng ý
kiến của nhau
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
85

3.3. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền thông
tin vào phiếu (cụ thể các tiêu chí đánh giá thành những biểu hiện cụ thể).
PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN
Hoạt động: BÍ MẬT CỦA QUẢ (HẠT ƠI! LỚN LÊN ĐI)
Họ và tên: ...
Nhóm: ….
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI
TIÊU CHÍ Thường Thỉnh Hiếm Chưa CHÚ
xuyên thoảng khi bao giờ (Lí do)
1. Tôi tuân theo phân công
của nhóm
2. Tôi hoàn thành nhiệm vụ
được giao
3. Tôi chủ động thảo luận
nhóm
4. Tôi lắng nghe ý kiến của
bạn
5. Tôi đưa ý kiến của mình rõ
ràng, có lí do để thuyết phục
Địa danh, ngày ... tháng ... năm 2018
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
3.4. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu
bài học sau khi thực hiện bài học
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền thông
tin vào phiếu (cụ thể các tiêu chí đánh giá thành những biểu hiện cụ thể).
86

PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP


Bài: QUẢ
Họ và tên: ....
Nhóm: ...
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI
CHÚ
MỤC TIÊU Hoàn Chưa
Hoàn (Lí
thành hoàn
thành
tốt thành do)
Tôi mô tả được hình dáng, kích thước hoặc
mùi vị của một số loại quả.
Tôi xác định được các bộ phận thường có
của quả.
Tôi trình bày được vai trò của quả đối với
đời sống của thực vật, đời sống con người.
Tôi vẽ và chú thích được các bộ phận của
quả thông qua quan sát.
Tôi thực hiện được việc gieo hạt, chăm sóc
cho hạt nảy mầm
Tôi báo cáo được quá trình chăm sóc hạt
giống và sự phát triển của hạt giống.
Tôi rèn luyện được kĩ năng diễn đạt, làm báo
cáo, thực hành, làm việc nhóm,…
Tôi có ý thức bảo vệ cây xanh, yêu thiên
nhiên.
Tôi có niềm tin khoa học; óc tò mò, ham
hiểu biết.
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
87

3.3. Thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba
3.3.1. Mục đích thử nghiệm
Kiểm định tính khả thi và hiệu quả của hoạt động trải nghiệm trong dạy
học môn TN & XH lớp Ba do đề tài thiết kế, từ đó chứng minh giả thuyết khoa
học của đề tài.
3.3.2. Nội dung thử nghiệm
Do giới hạn về thời gian của chương trình đào tạo thạc sĩ, căn cứ vào thời
gian tiến hành thử nghiệm và các hoạt động mà đề tài đã xây dựng, tác giả luận
văn tổ chức thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm để dạy học các nội dung
thuộc 04 bài trong môn TN & XH lớp Ba, cụ thể:
Bài 45: Lá cây
Bài 46: Khả năng kì diệu của lá cây.
Bài 48: Quả
Bài 61: Trái Đất là một hành tinh trong hệ Mặt Trời
(Nội dung chi tiết của kế hoạch các bài dạy trải nghiệm được trình bày tại
phần Phụ lục 8).
3.3.3. Đối tượng, thời gian và địa bàn thử nghiệm
Đối tượng: HS thuộc 02 lớp Ba đang học tại trường tiểu học D, Quận Bình
Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (Các em HS này đã tham gia cho ý kiến về khảo
sát thực trạng ở chương 2).
Thời gian: tiến hành trong học kì 2, năm học 2017-2018 (tháng 02/2018
đến tháng 5/2018).
Địa điểm: 02 lớp 3 của trường tiểu học D, Quận Bình Thạnh, Thành phố
Hồ Chí Minh.
3.3.4. Cách thức triển khai thử nghiệm
Chọn ngẫu nhiên 02 nhóm HS thuộc 02 lớp Ba của trường tiểu học D (Quận
Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), mỗi lớp 36 – 37 HS. Giữa 02 lớp có sự
88

cân đối về trình độ và thâm niên công tác của giáo viên; HS có mức độ phát triển
nhận thức, đặc điểm tâm sinh lí, điều kiện giáo dục như nhau, năng lực học tập
môn TN & XH như nhau.
Một lớp được chọn làm nhóm Thử nghiệm – NTN: 37 HS (có tác động thử
nghiệm). Nhóm này được học 04 bài môn TN & XH (bài 45, 46, 48 và 61) bằng
những hoạt động trải nghiệm mà đề tài thiết kế (kế hoach dạy học xem Phụ lục
5 của luận văn).
Một lớp được chọn làm nhóm đối chứng – NĐC: 36 HS. Nhóm này không
có tác động thử nghiệm, nghĩa là HS học 04 bài môn TN & XH (bài 45, 46, 48
và 61) theo cách thông thường của lớp (không học tập bằng các hoạt động trải
nghiệm).
Tiến trình thử nghiệm được thực hiện qua 04 giai đoạn cụ thể như sau:
* Giai đoạn 1: Chuẩn bị thử nghiệm
Bước 1: Xác định mục đích, đối tượng, thời gian, địa điểm và nội dung
thử nghiệm.
Bước 2: Thiết kế hoạt động trải nghiệm.
Bước 3: Xác định thang đánh giá kết quả thử nghiệm.
Bước 4: Tập huấn GV tham gia thử nghiệm.
Bước 5: Lập kế hoạch tổ chức thử nghiệm.
Bước 6: Khảo sát thử các hoạt động trải nghiệm đã thiết kế và chỉnh sửa,
hoàn thiện.
* Giai đoạn 2: Triển khai thử nghiệm
- Tổ chức hoạt động dạy học: triển khai các hoạt động trải nghiệm đã thiết
kế thành hoạt động dạy học thực tế theo kế hoạch thử nghiệm.
- Mời giáo viên khối lớp Ba dự giờ tiết học.
* Giai đoạn 3: Khảo sát kết quả sau thử nghiệm
89

Bước 1: Khảo sát thái độ của HS đối với các hoạt động trải nghiệm các em
đã tham gia.
Bước 2: Khảo sát đánh giá của giáo viên đối với các hoạt động trải nghiệm
đã thử nghiệm.
Bước 3: Khảo sát NTN về kết quả thử nghiệm thông qua bài kiểm tra (Phụ
lục 6).
Bước 4: Khảo sát NĐC bằng bài kiểm tra đã thực hiện với NTN.
* Giai đoạn 4: Phân tích và đánh giá kết quả thử nghiệm
Bước 1: Mô tả, phân tích thái độ của HS NTN đối với các hoạt động trải
nghiệm đã thử nghiệm.
Bước 2: Mô tả, phân tích đánh giá của GV đối với các hoạt động trải nghiệm
đã thử nghiệm.
Bước 3: Mô tả, phân tích và so sánh kết quả thực hiện bài kiểm tra của NTN
và NĐC.
Bước 4: Kết luận về tính khả thi và hiệu quả của hoạt động trải nghiệm mà
đề tài thiết kế.
3.3.5. Chuẩn và thang đánh giá kết quả thử nghiệm
Tiêu chuẩn đánh giá xây dựng trên mục tiêu của môn TN & XH lớp Ba ở
04 bài thử nghiệm. Trong đó, đảm bảo: HS làm đủ số ý cơ bản và trình rõ ràng,
chính xác.
Bài kiểm tra thiết kế phù hợp với thang điểm 10 và chia thành 4 loại:
- Loại giỏi: điểm 9, điểm 10.
- Loại khá: điểm từ 7 đến dưới 9.
- Loại trung bình: điểm từ 5 đến dưới 7.
- Loại yếu: điểm dưới 5.
Sau khi tổng hợp thang điểm từ 1 đến 10 (điểm là số nguyên) về kết quả
làm bài kiểm tra của n HS, sử dụng phương pháp thống kê toán học, tác giả tính:
Điểm trung bình kết quả làm bài của 2 nhóm bằng công thức:
90

𝑛
∑𝑖=1 𝑥𝑖 𝑓𝑖
𝑥̅ = , trong đó n là số HS làm bài kiểm tra, xi là mức điểm đạt
𝑛
được, fi là tần số các mức điểm.
- Phương sai được tính bằng công thức:
𝑛
∑𝑖=1(𝑥𝑖 − 𝑥̅ )2 𝑓𝑖
𝜎2 =
𝑛
- Độ lệch chuẩn được tính bằng công thức:

∑𝑛𝑖=1(𝑥𝑖 − 𝑥̅ )2 𝑓𝑖
𝜎=√
𝑛

- Kiểm định sự khác biệt điểm trung bình cho biến độc lập bằng phương
pháp T-Test (phần mềm thống kê SPSS).
3.3.6. Kết quả thử nghiệm và bình luận
* Kết quả thực hiện khảo sát
Đối với HS nhóm TN
Tác giả luận văn thực hiện khảo sát 37 HS lớp Ba đã tham gia học tập các
hoạt động trải nghiệm mà đề tài thiết kế về hứng thú của các em đối với các hoạt
động trải nghiệm và mong muốn đối với các hoạt động học tập sau này.
Kết quả thu được:
- 100% HS đều thích được tham gia học tập môn TN & XH lớp Ba bằng
những hoạt động trải nghiệm mà đề tài đã thiết kế. Trong khi trước đó, khi khảo
sát thực trạng dạy học tác giả luận văn nhận được kết quả 8/37 HS trong lớp
không thích môn TN & XH lớp Ba với lí do “tiết học chán”.
- 100% HS đều mong muốn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm
trong quá trình học tập môn TN & XH và các môn học khác. Những lí do các
em đưa ra để giải thích cho lựa chọn của mình là “các hoạt động rất thú vị”, “trải
nghiệm rất vui và thú vị, đầy hứng thú hơn” hay “được làm việc hoài”,...
91

Từ những kết quả trên, có thể kết luận, các hoạt động trải nghiệm mà đề tài
thiết kế đã tạo được hứng thú, thu hút, hấp dẫn được HS trong các hoạt động học
tập.
Đối với GV
Tác giả luận văn khảo sát 09 GV (GV chủ nhiệm lớp Ba và Cán bộ quản lí
của trường tiểu học D – nơi đã thử nghiệm các hoạt động mà đề tài thiết kế) về
mức độ khả thi và mức độ hiệu quả của các hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba mà đề tài thực hiện; mong muốn của GV về việc HS tham
gia các hoạt động trải nghiệm trong môn học.
Mức độ khả thi của các hoạt động trải nghiệm đã tổ chức trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba
Kết quả thu được thể hiện ở Biểu đồ 3.1.

Biểu đồ 3.1. Đánh giá của giáo viên về mức độ khả thi
của các hoạt động trải nghiệm đã thử nghiệm
Biểu đồ 3.1. cho thấy: 100% GV được khảo sát nhận định rằng các hoạt
động trải nghiệm đã thử nghiệm tại trường là khả thi và rất khả thi. Trong đó,
88,89% (8/9 GV) cho rằng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học
92

môn TN & XH lớp Ba như đề tài đã thực hiện là rất khả thi. Như vậy có thể kết
luận, các hoạt động trải nghiệm mà đề tài thực hiện là phù hợp và có thể tổ chức
thành công ở nhà trường tiểu học.
Mức độ hiệu quả của các hoạt động trải nghiệm đã tổ chức trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba

Biểu đồ 3.2. Đánh giá của giáo viên về mức độ hiệu quả
của các hoạt động trải nghiệm đã thử nghiệm
Biểu đồ 3.2. cho thấy: 100% GV được khảo sát nhận định rằng các hoạt
động trải nghiệm đã thử nghiệm tại trường là hiệu quả và rất hiệu quả. Trong đó,
88,89% (8/9 GV) cho rằng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba như đề tài đã thực hiện là rất hiệu quả. Như vậy có thể
kết luận, các hoạt động trải nghiệm mà đề tài thực hiện là phù hợp để dạy học
môn TN & XH lớp Ba ở nhà trường tiểu học.
Mong muốn của GV về việc HS tham gia các hoạt động trải nghiệm trong
môn học
100 % GV mong muốn HS được tham gia các hoạt trải nghiệm trong môn
học. Họ đưa ra những lí do như: “hoạt động trải nghiệm khơi gợi được hứng thú
của HS lẫn GV trong dạy học”, “hoạt động trải nghiệm mang lại hiệu quả tốt
hơn hoạt động dạy học truyền thống”,...
93

* Kết quả thực hiện bài kiểm tra


Nhóm Thử nghiệm có 37 HS làm bài kiểm tra, nhóm Đối chứng có 36 HS
làm bài kiểm tra. Tổng hợp số liệu điểm làm bài của mỗi nhóm thể hiện ở Bảng
Bảng 3.3. Tổng hợp điểm làm bài kiểm tra của NTN và NĐC
Điểm 5 6 7 8 9 10
Số lượng các điểm
4 15 8 4 5 0
NĐC
Số lượng các điểm
0 4 6 18 7 2
NTN
Tác giả luận văn tính được:
- Điểm trung bình Nhóm Thử nghiệm: - Điểm trung bình Nhóm Đối chứng:
𝑥̅ = 7,92 𝑥̅ = 6,75
- Độ lệch chuẩn Nhóm Thử nghiệm: - Độ lệch chuẩn Nhóm Đối chứng:
𝜎 = 1,01 𝜎 = 1,23
Giá trị kiểm định P = 0.000 < 0.05 (Phụ lục 7)

Kết quả trên cho thấy, sau thực nghiệm, điểm trung bình kết quả làm bài
của nhóm Thử nghiệm (7,92) cao hơn nhóm Đối chứng (6,75). Đồng thời, sự
khác nhau này có ý nghĩa thống kê (P = 0.000 < 0.05).

Tác giả luận văn tiến hành phân tích kết quả xếp loại điểm sau thử nghiệm
của 02 nhóm và thu được kết quả thể hiện ở Bảng 3.4 và Biểu đồ 3.3.
Bảng 3.4. Kết quả xếp loại điểm bài kiểm tra của NTN và NĐC
Kết quả Nhóm Đối chứng Nhóm Thử nhiệm
Số lượng Tỉ lệ (%) Số lượng Tỉ lệ (%)
Giỏi 5 13,89 9 24,33
Khá 12 33,33 24 64,86
Trung bình 19 52,78 4 10,81
Yếu 0 0 0 0
94

Biểu đồ 3.3. Kết quả xếp loại điểm làm bài kiểm tra của NTN và NĐC
Biểu đồ 3.3 cho thấy, ở NĐC có 13,89% HS xếp loại giỏi, 33,33% HS xếp
loại khá và tỉ lệ HS xếp loại trung bình là chủ yếu với 52,78%. Trong khi đó, ở
nhóm Thử nghiệm, có 24,33% HS xếp loại giỏi, 10,81% và tỉ lệ HS xếp loại khá
chiếm chủ yếu với 64,86%. Như vậy, kết quả này có thể khẳng định được hiệu
quả bước đầu của các hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba mà đề tài thiết kế.
95

Kết luận chương 3


Từ cơ sở lí luận của việc dạy học môn TN & XH bằng hoạt động trải
nghiệm ở chương 1 và thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động
trải nghiệm ở Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh ở chương 2, tác giả
luận văn đã đề xuất quy trình thiết kế, tiến hành thiết kế và thử nghiệm một số
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn học này ở nhà trường tiểu học.
Tác giả luận văn đã xác định mục đích thiết kế các hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba là để cung cấp tài liệu tham khảo cho GV
về ý tưởng dạy học môn học này bằng hoạt động trải nghiệm và tạo hứng thú
học tập cho các em HS. Từ đó, hướng đến việc nâng cao chất lượng dạy học
môn TN & XH lớp Ba ở trường tiểu học. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất 05
nguyên tắc khi thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp
Ba, cụ thể: bảo đảm mục tiêu, nội dung môn TN & XH lớp Ba; khai thác tối đa
vốn kinh nghiệm của cá nhân HS; tôn trọng tính cá nhân của HS; huy động tối
đa các giác quan của HS vào quá trình học tập; đảm bảo vai trò tổ chức, hướng
dẫn của GV và vai trò chủ thể tự giác, tích cực học tập, sáng tạo của HS. Thêm
nữa, tác giả luận văn cũng đã đề xuất những tiêu chí lựa chọn nội dung và hình
thức; quy trình khi thiết kế các hoạt động trải nghiệm này và đã thiết kế 29 hoạt
động trải nghiệm để dạy học 31 bài cụ thể trong môn TN & XH lớp Ba.
Do giới hạn về thời gian thực hiện đề tài, tác giả luận văn chỉ tiến hành thử
nghiệm tính khả thi và hiệu quả bước đầu của các hoạt động trải nghiệm trong
môi trường thực tiễn ở 04 bài học: Lá cây, Khả năng kì diệu của lá cây, Quả và
Trái Đất là một hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Sau thử nghiệm, tác giả đã tiến
thành tìm hiểu kết quả thử nghiệm thông qua phiếu khảo sát (khảo sát hứng thú
của HS lớp thử nghiệm, đánh giá của GV về tính hiệu quả và khả thi của các
hoạt động thử nghiệm) và bài kiểm tra (dành cho HS nhóm Thử nghiệm và nhóm
Đối chứng). Kết quả thu được cho thấy, HS lớp thử nghiệm yêu thích và mong
muốn tham gia các hoạt động trong học tập môn TN & XH; GV cho rằng các
96

hoạt động mà đề tài thiết kế là khả thi và có thể tổ chức thành công ở trường tiểu
học; kết quả bài kiểm tra nhóm Thử nghiệm tốt hơn hơn nhóm Đối chứng. Từ
đó, có thể thấy rằng các hoạt động trải nghiệm mà đề tài thiết kế là khả thi và có
thể thực hiện hiệu quả bước đầu ở nhà trường tiểu học. Kết quả này là sự động
viên cho tác giả luận văn trong việc phát triển tiếp tục đề tài này.
97

KẾT LUẬN
1. Kết luận
Dạy học trải nghiệm là vấn đề giáo dục được sự quan tâm của thế giới lẫn
Việt Nam. Điều đó thể hiện qua những công trình nghiên cứu của các tác giả
trên thế giới và trong nước. Trong luận văn này, tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu
về vấn đề: thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Đề tài đã xác định tổng quan cho vấn đề nghiên cứu, tổng thuật và xác định
những khái niệm chủ yếu: hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm, hoạt động
dạy học trải nghiệm, hoạt động dạy học trải nghiệm trong môn TN & XH lớp
Ba, thiết kế hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã tập trung xác lập
cơ sở lí luận về: đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS lớp Ba, đặc điểm của
môn Tự nhiên - Xã hội trong chương trình Giáo dục Tiểu học Việt Nam hiện
hành, hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học. Trong đó, tác giả chỉ ra
sự phù hợp và thuận lợi của những về đặc điểm tâm sinh lí, nhận thức của HS
lớp Ba; đặc điểm của môn Tự nhiên - Xã hội trong chương trình Giáo dục Tiểu
học Việt Nam hiện hành, để tổ chức dạy học bằng hoạt động trải nghiệm. Mặt
khác, đề tài cũng xác định mục tiêu, phương pháp, hình thức và quy trình tổ chức
và vai trò của hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học.
Sau khi xác lập cơ sở lí luận, đề tài đã tiến hành tìm hiểu thực trạng dạy
học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại các trường tiểu học
quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh thông qua phiếu khảo sát đối với 33
GV, 400 HS lớp 3 và phỏng vấn 06 GV thuộc 05 trường TH trên địa bàn quận
Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Khảo sát thực hiện về những nội dung:
nhận thức của GV về khái niệm học tập bằng hoạt động trải nghiệm; mức độ cần
thiết của việc dạy học bằng hoạt động trải nghiệm; môn học phù hợp để tổ chức
hoạt động trải nghiệm, lí do để môn TN & XH thuận lợi triển khai dạy học bằng
hoạt động trải nghiệm; mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm
trong dạy học môn TN & XH lớp Ba; mục tiêu của việc dạy học môn TN & XH
98

lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm, nội dung trong chương trình môn học và
hình thức phù hợp để tổ chức dạy học trải nghiệm, quy trình thiết kế để thiết kế
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba; mức độ biểu hiện
và kết quả thực hiện của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn
TN & XH lớp Ba ở nhà trường Tiểu học hiện nay; những thuận lợi, khó khăn
khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba.
Kết quả khảo sát thực trạng cho thấy những ưu điểm và hạn chế của việc
dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm ở nhà trường tiểu
học hiện nay: GV đã có sự tiếp cận với hoạt động trải nghiệm, đa số họ có nhận
thức đầy đủ về khái niệm, tầm quan trọng, mức độ cần thiết của hoạt động trải
nghiệm trong dạy học các môn học. Bên cạnh đó, GV đã tiến hành tổ chức các
hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba, tuy nhiên họ tự
đánh giá mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. GV cũng
đã xác định được những thuận lợi, khó khăn khi tổ chức dạy học môn này bằng
hoạt động trải nghiệm. Theo đó, đa số GV cho rằng ý tưởng dạy học, tài liệu
tham khảo là vần đề gây khó khăn khi thực hiện dạy học môn học này bằng hoạt
động trải nghiệm. Mặt khác, một điều đáng lưu ý là 100% GV xác định quy trình
thiết kế quan trọng để thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN &
XH lớp Ba nhưng 100% GV này cũng cho biết họ chưa có một quy trình khoa
học nào để thiết kế. Qua đó, thực trạng cho thấy sự cần thiết phải có nguồn tài
liệu tham khảo, quy trình thiết kế, các mẫu hoạt động trải nghiệm trong dạy học
môn TN & XH lớp Ba.
Từ cơ sở lí luận và thực trạng dạy học môn TN & XH lớp Ba bằng hoạt
động trải nghiệm ở Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả luận văn
đã xác định mục đích, nguyên tắc thiết kế; tiêu chí lựa chọn nội dung và hình
thức thiết kế. Đặc biệt, đề tài đã đề xuất quy trình thiết kế, tiến hành thiết kế và
thử nghiệm một số hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn học này ở nhà
trường tiểu học. Cụ thể, luận văn đã thiết kế 29 hoạt động trải nghiệm để dạy
99

học 31 bài cụ thể trong môn TN & XH lớp Ba. Đồng thời, tác giả luận văn đã
tiến hành thử nghiệm tính khả thi và hiệu quả bước đầu của các hoạt động trải
nghiệm ở 04 bài học: Lá cây, Khả năng kì diệu của lá cây, Quả và Trái Đất là
một hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Việc thử nghiệm này được tiến hành ở 01 lớp
Ba của trường tiểu học D, Quận Bình Thạnh trên 02 nhóm đối tượng: Đối chứng
và Thử nghiệm. Thông qua thực hiện phiếu khảo sát và bài kiểm tra, kết quả cho
thấy các hoạt động trải nghiệm mà đề tài thiết kế là khả thi và có thể thực hiện
hiệu quả bước đầu ở nhà trường tiểu học.
2. Khuyến nghị
Để việc dạy học các môn học bằng hoạt động trải nghiệm ở các trường
tiểu học trên địa bàn Quận Bình Thạnh và ở các trường tiểu học ở Thành phố
Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, tác giả luận văn khuyến nghị:
2.1. Đối với các cấp quản lí trường tiểu học tại Quận Bình Thạnh
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả GV về thiết kế và tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học các môn học. Trong đó, chú trọng tính thực
hành, vận dụng của GV.
Cần cung cấp cho GV tài liệu tham khảo trong việc thiết kế và tổ chức dạy
học các môn học bằng hoạt động trải nghiệm.
2.2. Đối với Hiệu trưởng các trường tiểu học Quận Bình Thạnh, Thành
phố Hồ Chí Minh
Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho GV về thời gian, cơ sở vật chất
trong dạy học. Đồng thời, nhà trường cần khuyến khích, động viên GV nghiên
cứu, thiết kế và áp dụng các hoạt động trải nghiệm vào dạy học các môn học
khác nhau; tạo lập một tài liệu tham khảo hay sổ tay dạy học.
Tăng cường mối liên kết với phụ huynh, gia đình các lực lượng giáo dục
khác để nhận được sự đồng tình, hỗ trợ trong tổ chức dạy học trải nghiệm.
2.3. Đối với giáo viên các trường tiểu học Quận Bình Thạnh, Thành
phố Hồ Chí Minh
100

Chủ động, tích cực tiếp cận, tìm hiểu và tự bồi dưỡng năng lực thiết kế và
tổ chức dạy học các môn học bằng hoạt động trải nghiệm.
Tích cực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm tổ
chức các hoạt động trải nghiệm trọng dạy học các môn học.
3. Hướng phát triển của đề tài
Tiếp tục thực nghiệm những hoạt động trải nghiệm mà đề tài thiết kế để
khẳng định tính khả thi và hiệu quả của nó trong môi trường thực tiễn ở Quận
Bình Thạnh và một số địa bàn khác của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học các bài còn lại của chương
trình môn TN & XH lớp Ba. Từ đó, hoàn chỉnh Bộ hoạt động trải nghiệm dạy
học môn TN & XH lớp Ba.
Thiết kế và thực nghiệm hoạt động trải nghiệm trong dạy học các môn học
khác, các cấp lớp khác.
101

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Baker, A. C., Jensen, P. J., & Kolb, D. A. (2002). Conversational learning: an
experiential approach to knowledge creation. USA: Greenwood
Publishing Group.
Beard, C., & Wilson, J. P. (2002). The power of experiential learning: a
handbook for trainers and educators. London: Kogan Page.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, & Chương trình phát triển của Liên hợp quốc và
DANIDA. (1998). GDMT trong nhà trường phổ thông Việt Nam: Các mẫu
hoạt động GDMT dùng cho trường tiểu học. Dự án VIE/95/041.1998. Hà
Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2006). Chương trình Giáo dục phổ thông (cấp tiểu
học).
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng
các môn học ở tiểu học lớp 3. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2014). Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT Ban hành quy
định về Đánh giá học sinh tiểu học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2016). Thông tư 03/VBHN-BGDĐT Ban hành Quy
định đánh giá học sinh tiểu học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2016). Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Quy
định đánh giá học sinh tiểu học kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2017). Chương trình Giáo dục phổ thông (Chương
trình tổng thể). Hà Nội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2017). Tài liệu tập huấn: Kỹ năng thiết kế và tổ chức
các hoạt động trải nghiệm sáng tạo (Tài liệu dành cho giảng viên, tài liệu
lưu hành nội bộ).
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông -
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Truy cập ngày 15/02/2018 từ
102

http://news.attachment.vnecdn.net/2018/01/19/20-Chuong-trinh-Hoat-
dong-trai-nghiem-Du-thao-19-1-2018-pdf.pdf.
Bùi Ngọc Diệp. (2015). Hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
trong nhà trường phổ thông. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 113, 37 - 43.
Nhận từ http://thcshongbang.hcm.edu.vn/hoat-dong-ngoai-gio-len-
lop/hinh-thuc-to-chuc-cac-hoat-dong-trai-nghiem-sang-tao-trong-nha-
truong-pho-thong-c38545-24962.aspx
Bùi Phương Nga, Lê Thị Thu Dinh, Đoàn Thị My, & Nguyễn Tuyết Nga. (2015).
Tự nhiên và Xã hội lớp Ba. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Chu Thị Hồng Nhung. (2015). Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm của
David A. Kolb vào việc giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi
ở trường Mầm non. Tạp chí giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 361, kì
1, 19 – 21. Nhận từ https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-361-
ki-i-thang-7/7-van-dung-mo-hinh-giao-duc-trai-nghiem-cua-david-a-kolb-
vao-viec-giao-duc-long-nhan-ai-cho-tre-mau-giao-5-6-tuoi-o-truong-
mam-non-348.html
Dewey, J. (1899). The school and society. Chicago: University of Chicago Press.
Dewey, J. (1902). The Child and the Curriculum. Chicago: University of
Chicago Press.
Dewey, J. (1916). Democracy and education. New York: Macmillan.
Dewey, J. (2012). Kinh nghiệm và giáo dục. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
Dewey, J. (2012). Triết lý của John Dewey về giáo dục. Thành phố Hồ Chí Minh:
Nxb Trẻ.
Doãn Ngọc Anh. (2015). Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm của David A.
Kolb vào dạy học môn giáo dục học ở trường Đại học sư phạm. Tạp chí
giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 360, kì 2, 53 – 55. Nhận từ
https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-360-ki-ii-thang-6/19-
103

van-dung-mo-hinh-hoc-tap-trai-nghiem-cua-david-a-kolb-vao-day-hoc-
mon-giao-duc-hoc-o-truong-dai-hoc-su-pham-664.html.
Đặng Thành Hưng. (2012). Cơ sở tâm lí học giáo dục (Giáo trình đào tạo tiến
sĩ). Hà Nội: Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Đinh Thị Kim Thoa. (2017). Phương pháp tổ chức Hoạt động trải nghiệm trong
trường tiểu học. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt nam.
Đinh Thị Thiện Tâm, Trần Thị Như, Nguyễn Xa Hoài, & Trần Thị Kim Cúc.
(2016). Xây dựng một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh tiểu
học. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Sinh viên và Cán bộ trẻ các trường Đại học
Sư phạm toàn quốc năm 2016, 213 – 233. DOI: 978-604-947-640-2.
Đỗ Thị Nga. (2016). Phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy học Tự nhiên – Xã
hội ở tiểu học. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Đỗ Thị Phương Thảo, & Nguyễn Hữu Tuyến. (2016). Tổ chức cho học sinh
THCS hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Toán. Tạp chí giáo
dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 386 kì 2, 47 – 49. Nhận từ
https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-386-ki-ii-thang-7/13-
to-chuc-cho-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-hoat-dong-trai-nghiem-sang-tao-
trong-day-hoc-toan-298.html.
Envision. (2015). The Benefits of Experiential Learning. Retrieved June 17,
2018, from https://www.envisionexperience.com/blog/the-benefits-of-
experiential-learning.
Hoàng Phê. (1992). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: Viện Ngôn ngữ học.
Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. (2005). Từ
điển Bách khoa Việt Nam quyển 1. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách khoa.
Itin, C. M. (1999). Reasserting the philosophy of experiential education as a
vehicle for change in the 21st century. Journal of experiential
Education, 22(2), 91-98. DOI: 10.1177/105382599902200206.
104

Jacobson, M., & Ruddy, M. (2004). Open to outcome: A practical guide for
facilitating & teaching experiential reflection. Oklahoma City, OK: Wood
N Barnes Publishing.
Kolb, A. Y., & Kolb, D. A. (2005). Learning styles and learning spaces:
Enhancing experiential learning in higher education. Academy of
management learning & education, 4(2), 193-212. Retrieved from
http://www.jstor.org/stable/40214287.
Kolb, D. A. (1984). Experiential Learning: Experience as the Source of
Learning and Development. Englewood Cliffs, USA: Prentice–Hall.
Kumaragamage, D. Y. (2011). Design Manual Vol 1. London: University of the
Arts London.
Malinen, A. (2000). Towards the Essence of Adult Experiential Learning: A
Reading of the Theories of Knowles, Kolb, Mezirow, Revans and Schon.
Finland: University of Jyvaskyla.
Miettinen, R. (2000). The concept of experiential learning and John Dewey's
theory of reflective thought and action. International Journal of Lifelong
Education, 19(1), 54-72. DOI: 10.1080/026013700293458.
Moon, J. A. (2004). Handbook of Reflective and Experiential Learning: Theory
and Practice. UK, London: RoutledgeFalmer.
Nguyễn Sỹ Thư, & Đinh Thị Kim Thoa. (2013). Phát triển năng lực giáo dục
học sinh. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Thị Bích Hạnh, & Trần Thị Thu Mai. (2009). Tâm lí học tiểu học và
Tâm lí học sư phạm tiểu học. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Thị Thấn. (2012). Phương pháp dạy học các môn học về tự nhiên và xã
hội. Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm.
Passarelli, A. M., & Kolb, D. A. (2011). The learning way-Learning from
experience as the path to lifelong learning and development. The Oxford
handbook of lifelong learning, 70-90. Retrieved from
105

https://learningfromexperience.com/downloads/research-library/the-
learning-way.pdf.
Pfeiffer, J. W., & Jones, J. E. (1969 – 1977). A handbook of structured
experiences for human relations training (Vols. 1-6 ). La Jolla, California:
University Associates Press.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. (2017).
Giáo dục Bình Thạnh - 40 năm hình thành và phát triển. Đã truy cập ngày
14 tháng 6 năm 2018, từ http://pgdbinhthanh.hcm.edu.vn/tim-kiem/giao-
duc-binh-thanh-40-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-c8064-202773.aspx
Roegiers, X. (1996). Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các
năng lực ở nhà trường. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam.
Silberman, M. L. (2007). The handbook of experiential learning. USA: John
Wiley & Sons.
Tổ chức Con người và Thiên nhiên. (2006). Học mà chơi - Chơi mà học,. Hà
Nội: Dự án Giáo dục Môi trường tại Hà Nội.
Tưởng Duy Hải. (2016). Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học
Vật lí ở trường phổ thông. Tạp chí Khoa Học Trường ĐHSP Hà Nội, Vol
61, No.8B, 42 – 48. Nhận từ
http://stdb.hnue.edu.vn/portal/journals.php?articleid=4319 .
Trần Thị Hương, Nguyễn Đức Danh, Hồ Văn Liên, & Ngô Đình Qua. (2014).
Giáo trình Giáo dục học đại cương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Thị Kim Anh, & Nguyễn Thị Kim Anh. (2015). Biện pháp giáo dục kỹ
năng xã hội cho học sinh lớp 3 thông qua hoạt động dạy học môn Tự nhiên
và Xã hội tại thành phố Đà Lạt. Luận văn Thạc sĩ Khoa học Giáo dục.
Chuyên ngành Giáo dục học (Tiểu học). Trường Đại học Sư phạm Thành
phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh.
106

Võ Trung Minh. (2014). Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm (David Kolb)
trong dạy học ở tiểu học. Tạp chí giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, số
332, kì 2, 23 – 25. Nhận từ
https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-332-ki-ii-thang-4/9-
van-dung-mo-hinh-giao-duc-trai-nghiem-david-kolb-trong-day-hoc-o-
tieu-hoc-1501.html
Võ Trung Minh. (2015). Giáo dục môi trường dựa vào trải nghiệm trong dạy
học môn Khoa học ở tiểu học. Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục. Chuyên
ngành Lí luận và lịch sử giáo dục. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh.
Vũ Thị Ngọc Uyên. (2013). Vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm của David
A. Kolb vào dạy học môn Tự nhiên và xã hội ở tiểu học. Tạp chí giáo dục
– Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 314, kì 2, 36 – 38. Nhận từ
https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-314-ki-ii-thang-7/14-
van-dung-mo-hinh-giao-duc-trai-nghiem-cua-david-a-kolb-vao-day-hoc-
mon-tu-nhien-xa-hoi-o-tieu-hoc-1733.html.
Wessels, M. (2005). Experiential learning. Landsdowne, South Africa: Juta &
Co.
Whitaker, P. (1995). Managing to learn: Aspects of reflective and experiential
learning in schools. Cassell, London: Continuum International Publishing
Group.
Wikipedia. (2018). Kinh nghiệm. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2018 từ
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_nghi%E1%BB%87m.
Wikipedia. (2018). Thiết kế. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2018 từ
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BA%BFt_k%E1%BA%BF.
PL1

PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1
PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN Phiếu số 1
(Dành cho Cán bộ Quản lí và Giáo viên Tiểu học)
Kính thưa quý Thầy/Cô! Phiếu số 1
Chúng tôi thực hiện Phiếu trưng cầu ý kiến này để tìm hiểu thực trạng dạy học môn Tự
nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại các trường tiểu học quận Bình Thạnh,
Thành phố Hồ Chí Minh. Xin quý Thầy/Cô vui lòng cho biết ý kiến của mình bằng cách đánh
dấu “X” vào ô/cột tương ứng hoặc điền thêm ý kiến của mình vào chỗ tương ứng của các câu
hỏi bên dưới.
Những thông tin quý Thầy/Cô cung cấp sẽ được bảo mật và chỉ dùng cho việc nghiên
cứu, không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến cá nhân hay đơn vị quý Thầy/Cô đang công tác.
I. NỘI DUNG
1. Theo Thầy/Cô, học tập trải nghiệm là: (chỉ chọn 1 phương án)
 Quá trình học sinh tự học thông qua việc các em tiếp xúc trực tiếp môi trường
học tập, không có sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên.
 Quá trình học sinh học tập có sử dụng tranh ảnh, mẫu vật; học sinh học tập
dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên.
 Quá trình học sinh học tập bằng cách tiếp xúc trực tiếp với môi trường thực
tiễn để chiếm lĩnh kiến thức, có sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên.
 Ý kiến khác: ............................................................................
2. Xin Thầy/Cô vui lòng cho biết mức độ cần thiết của việc dạy học bằng hoạt động
trải nghiệm: (chỉ chọn 1 phương án)
 Rất cần thiết
 Cần thiết
 Ít cần thiết
 Không cần thiết
3. Theo Thầy/Cô, những môn học nào phù hợp để tổ chức dạy học bằng hoạt động
trải nghiệm? (có thể chọn nhiều phương án)
PL2

 Tiếng Việt  Thể dục


 Toán  Âm nhạc
 Tự nhiên và Xã hội  Mỹ thuật
 Khoa học  Kĩ thuật
 Lịch sử và Địa lí  Đạo đức
4. Xin Thầy/Cô cho biết những lí do để môn Tự nhiên và Xã hội 3 (TN&XH 3) thuận
lợi triển khai dạy học bằng hoạt động trải nghiệm (có thể chọn nhiều phương án):
 Nội dung môn học liên quan đến nhiều các lĩnh vực kiến thức khác nhau nên
giáo viên dễ xây dựng và tổ chức hoạt động trải nghiệm.
 Đối tượng học tập trực tiếp của môn học rất gần gũi với học sinh.
 Phương pháp đặc trưng của môn học là quan sát, rất phù hợp với đặc điểm
của hoạt động trải nghiệm.
 Học sinh chuẩn bị bước qua giai đoạn 2 của bậc tiểu học nên đáp ứng tốt các
yêu cầu của hoạt động trải nghiệm
 Lí do khác: .....................................................................................................
5. Xin Thầy/Cô cho biết mức độ quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải
nghiệm trong dạy học Tự nhiên và Xã hội lớp 3: (chỉ chọn 1 phương án)
 Rất quan trọng
 Quan trọng
 Bình thường
 Không quan trọng
6. Xin Thầy/Cô cho biết mức độ tán thành về mục tiêu của việc dạy học môn
Tự nhiên và Xã hội 3 bằng hoạt động trải nghiệm (đánh dấu X vào ô lựa chọn)?
Đồng Phân Không Không
TT Ý kiến
ý vân đồng ý ý kiến
1 Học sinh (HS) khắc sâu kiến thức bài
học.
2 HS có cơ hội kiểm nghiệm và điều
chỉnh những kinh nghiệm vốn có của
bản thân.
3 HS phát huy tính tích cực.
4 Tăng cường mối liên kết giữa gia đình,
nhà trường và xã hội trong giáo dục HS.
PL3

5 HS nhận thức được môi trường tự nhiên


và xã hội xung quanh
6 HS hình thành và phát triển được năng
lực tìm tòi, khám phá môi trường tự
nhiên và xã hội xung quanh
7 HS vận dụng được kiến thức vào thực
tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã
hội
8 HS phát triển năng lực giao tiếp
9 HS phát triển năng lực giải quyết vấn đề
10 HS phát triển kĩ năng hợp tác, làm việc
nhóm

7. Theo Thầy/Cô, những chủ đề nào trong chương trình Tự nhiên và Xã hội 3
hiện hành phù hợp để tổ chức dạy học theo hình thức trải nghiệm (có thể lựa chọn
nhiều phương án):
 Con người và sức khỏe
 Xã hội
 Tự nhiên
 Ý kiến khác: .............................................................
8. Theo Thầy/Cô, trong dạy học, những hoạt động nào sau đây phù hợp để tổ
chức dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 3 theo hình thức trải nghiệm? (có thể lựa chọn
nhiều phương án)
 Tham quan, dã ngoại  Thực hành lao động
 Trò chơi  Hoạt động tình nguyện
 Diễn đàn  Nhân đạo
 Sân khấu tương tác  Dự án
 Giao lưu  Nghiên cứu khoa học
 Hội thi  Hoạt động khác: ............................................
 Câu lạc bộ ............................................................................

9. Xin Thầy/Cô cho biết, mức độ cần thiết của quy trình thiết kế trong thiết kế
hoạt động trải nghiệm dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 3 (chỉ chọn 1 phương án):
PL4

 Rất cần thiết  Ít cần thiết


 Cần thiết  Không cần thiết
10. Xin Thầy/Cô vui lòng cho biết, Thầy/Cô đã có quy trình thiết kế để áp dụng
trong thiết kế hoạt động trải nghiệm dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 3 hay chưa? (chỉ
chọn 1 phương án)
 Đã có quy trình thiết kế
 Chưa có quy trình thiết kế
11. Xin Thầy/Cô vui lòng cho biết mức độ biểu hiện và kết quả thực hiện của
việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 3 ở nhà
trường Tiểu học hiện nay (đánh dấu X vào ô lựa chọn):
Mức độ biểu hiện Kết quả thực hiện
Rất Thường Thỉnh Không Tốt Khá Trung Yếu
thường xuyên thoảng bao giờ bình
xuyên
(4) (3) (2) (1) (4) (3) (2) (1)

12. Xin Thầy/Cô cho biết, hiện nay, giáo viên thường gặp những thuận lợi, khó
khăn nào khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba?
(đánh dấu X vào 1 trong 2 ô lựa chọn: Thuận lợi hoặc Khó khăn)
Thuận Khó
TT Nội dung
lợi khăn
1 Hứng thú của HS đối với hoạt động học tập
2 Vốn kinh nghiệm của HS đối với nội dung bài học
Kinh nghiệm, hiểu biết của GV trong dạy học TN&XH 3
3
bằng hoạt động trải nghiệm
4 Ý tưởng tổ chức hoạt động của giáo viên
5 Việc đảm bảo mục tiêu dạy học của GV
6 Việc đảm bảo thời gian dạy học của GV
7 Việc quản lí HS khi các em tham gia hoạt động
8 Diện tích, không gian lớp học
PL5

9 Kinh phí tổ chức hoạt động


Tài liệu tham khảo về dạy học TN&XH 3 bằng hoạt động
10
trải nghiệm
11 Sự quan tâm của các cấp quản lí
12 Sự ủng hộ của phụ huynh học sinh
II. THÔNG TIN GIÁO VIÊN
Xin Thầy/Cô vui lòng cho biết một số thông tin cá nhân (không bắt buộc):
1. Đơn vị công tác: Trường Tiểu học: .........................
2. Giới tính:  Nam  Nữ
3. Thầy/Cô đang là:
 Giáo viên  GVCN  TPT Đội
 Khối trưởng  Phó Hiệu trưởng  Hiệu trưởng
4. Thâm niên công tác:
 Dưới 5 năm  5 – 10 năm  Từ 10 – 15 năm  Trên 15 năm
Xin chân thành cảm ơn những ý kiến quý báu của quý Thầy/Cô!
PL6

PHỤ LỤC 2
PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN Phiếu số 2
(Dành cho Học sinh lớp Ba)
Mến chào các em! Chúng tôi thực hiện Phiếu trưng cầu ý kiến này để tìm
Phiếu số 2hiểu
thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại các
trường tiểu học quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Xin các em vui lòng cho
biết ý kiến của mình bằng cách đánh dấu “X” vào ô/cột tương ứng hoặc điền thêm ý
kiến của mình vào chỗ tương ứng của các câu hỏi bên dưới.
Những thông tin các em cung cấp sẽ được bảo mật và chỉ dùng cho việc nghiên cứu.
I. NỘI DUNG
1. Các em có thích học môn Tự nhiên và Xã hội 3 không? Lí do là gì?
 Có  Không
Lí do:..................................................................................................................
.............................................................................................................................
2. Ở trường, các em đã được học môn Tự nhiên và Xã hội 3 bằng hình thức nào (có
thể chọn nhiều phương án):
 Đọc và trả lời câu hỏi  Tham gia các hội thi
trong sách giáo khoa  Tham quan, dã ngoại
 Xem tranh ảnh, video, vật thật  Hình thức khác: .....................
 Tham gia các trò chơi .......................................................
3. Em thích học môn Tự nhiên và Xã hội 3 theo hình thức nào nhất? (chọn 1 phương án):
 Tham quan, dã ngoại  Câu lạc bộ
 Trò chơi  Thực hành lao động
 Diễn đàn  Hoạt động tình nguyện
 Sân khấu tương tác  Nhân đạo
(diễn kịch, đóng vai,...)  Dự án
 Giao lưu (với nhà khoa học, bác bộ đội,...) (gieo hạt, chăm sóc cây, làm muối,..)
 Hội thi  Hoạt động khác: ..................................
.
PL7

II. THÔNG TIN HỌC SINH


Xin các em vui lòng cho biết một số thông tin cá nhân (không bắt buộc):
1. Trường Tiểu học ......................................................................
2. Giới tính:  Nam  Nữ
Xin chân thành cảm ơn những ý kiến quý báu của các em!
PL8

Phiếu số 3
PHỤ LỤC 3
PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN SAU THỰC NGHIỆM
Phiếu số 3
(Dành cho Giáo viên Tiểu học)
Kính chào Qúy Thầy Cô!
Chúng tôi thực hiện Phiếu trưng cầu ý kiến này để tìm hiểu kết quả thực nghiệm
sau khi dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại trường.
Xin Quý Thầy Cô vui lòng cho biết ý kiến của mình bằng cách đánh dấu “X” vào ô/cột
tương ứng hoặc điền thêm ý kiến của mình vào chỗ tương ứng của các câu hỏi bên
dưới.
Những thông tin Quý Thầy Cô cung cấp sẽ được bảo mật và chỉ dùng cho việc
nghiên cứu.
I. NỘI DUNG
1. Thầy Cô đã được dự giờ những nội dung học tập nào của môn Tự nhiên và Xã
hội 3 tổ chức theo hình thức trải nghiệm? (có thể chọn nhiều phương án)
 Lá cây, Khả năng kì diệu của lá cây  Gieo hạt
 Quả  Trái Đất là một hành tinh trong Hệ Mặt Trời
2. Đánh giá của Quý Thầy Cô về mức độ khả thi của các hoạt động trải nghiệm
trong dạy học các nội dung trên của môn Tự nhiên và Xã hội 3? (chọn 1 phương án):
 Rất khả thi
 Khả thi
 Không khả thi
 Không ý kiến
3. Đánh giá của Quý Thầy Cô về mức độ hiệu quả của các hoạt động trải nghiệm
trong dạy học các nội dung trên của môn Tự nhiên và Xã hội 3? (chọn 1 phương án):
 Rất hiệu quả
 Hiệu quả
 Bình thường
 Không hiệu quả
PL9

4. Thầy Cô có mong muốn học sinh của mình được học tập các môn học bằng
hoạt động trải nghiệm không? Vì sao ? (chọn 1 phương án và điền vào chỗ chấm tương
ứng):
 Có  Không
Vì:..................................................................................................................................
.......................................................................................................................................
III. THÔNG TIN CÁ NHÂN
Xin Quý Thầy Cô vui lòng cho biết một số thông tin cá nhân sau (không bắt buộc):
1. Giới tính:  Nam  Nữ
2. Thầy/Cô đang là:  Giáo viên  GVCN  TPT Đội
 Khối trưởng  Phó Hiệu trưởng  Hiệu trưởng
3. Thâm niên công tác:
 Dưới 5 năm  5 – 10 năm  Từ 10 – 15 năm  Trên 15 năm
Xin chân thành cảm ơn những ý kiến quý báu của quý Thầy Cô!
PL10

PHỤ LỤC 4
PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN Phiếu số 4
(Dành cho Học sinh lớp Ba sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm)
Mến chào các em! Phiếu số 4

Chúng tôi thực hiện Phiếu trưng cầu ý kiến này để tìm hiểu kết quả thực nghiệm
sau khi dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba bằng hoạt động trải nghiệm tại trường.
Xin các em vui lòng cho biết ý kiến của mình bằng cách đánh dấu “X” vào ô/cột hoặc
điền thêm ý kiến của mình vào chỗ tương ứng của các câu hỏi bên dưới.
Những thông tin các em cung cấp sẽ được bảo mật và chỉ dùng cho việc nghiên cứu.
I. NỘI DUNG
1. Em vừa tham gia những nội dung học tập nào của môn Tự nhiên và Xã hội 3?
(có thể chọn nhiều phương án)
 Lá cây, Khả năng kì diệu của lá cây
 Quả
 Gieo hạt
 Trái Đất là một hành tinh trong Hệ Mặt Trời
2. Khi tham gia những nội dung học tập trên, em được thực hiện những hoạt động
gì (có thể chọn nhiều phương án):
 Quan sát mẫu, vật thật ở trong lớp  Viết cảm nhận
 Quan sát vật thật ở ngoài sân trường  Tham gia trò chơi
 Vẽ  Dự án (gieo hạt)
 Nặn
3. Em có thích được học tập môn Tự nhiên và Xã hội 3 bằng những hoạt động
như trên không? (chọn 1 phương án):
 Có  Không
4. Em có mong muốn gì trong quá trình học tập sau khi tham gia các hoạt động
trải nghiệm vừa rồi? (chọn 1 phương án và điền vào chỗ chấm tương ứng):
 Được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như thế này trong quá trình
học tập môn Tự nhiên và Xã hội và các môn học khác.
PL11

Vì: ...............................................................................................................................
.....................................................................................................................................
 Không muốn tham gia những hoạt động trải nghiệm trong quá trình học tập.
Vì:................................................................................................................................
.....................................................................................................................................

II. THÔNG TIN HỌC SINH


Xin các em vui lòng cho biết thông tin cá nhân sau (không bắt buộc):
Giới tính:  Nam  Nữ
Xin chân thành cảm ơn những ý kiến quý báu của các em!
PL12

PHỤ LỤC 5
CÂU HỎI PHỎNG VẤN GIÁO VIÊN TIỂU HỌC
(Dành cho Cán bộ quản lí và GV khối Ba)
1. Thầy/Cô quan niệm như thế nào khái niệm về học tập theo hình thức trải
nghiệm?
2. Theo thầy (cô) hình thức nào phù hợp nhất để thiết kế và tổ chức hoạt
động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba? Vì sao?
3. Mong muốn của Thầy/Cô đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn
về thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn TN & XH lớp Ba?
Về bồi dưỡng?
Về tài liệu?
Về chỉ đạo?
PL13

PHỤ LỤC 6
BÀI KIỂM TRA SAU THỬ NGHIỆM
Họ và tên: ........................................
MSHS: ........
Lớp: ..................

Câu 1. Em hãy viết tên ít nhất tên 2 cây (mỗi ô) tương ứng với lợi ích
của lá vào bảng sau:
STT Tên cây Ích lợi của lá

1 Dùng để gói

2 Dùng để làm thuốc

3 Dùng làm thức ăn

Câu 2. Em hãy vẽ và chú thích các bộ phận cấu tạo ngoài của lá.

Câu 3. Em hãy đánh dấu X vào ô lựa chọn.


Phần nào của quả trong điều kiện thích hợp có thể mọc thành cây mới?
 Vỏ
 Thịt
 Hạt
PL14

Câu 4. Em hãy hoàn thành bảng sau bằng cách viết tên quả thích hợp vào
ô trống:
Hình dạng quả Độ lớn quả
STT
Hình cầu Thuôn dài To Nhỏ
1

Câu 5. Em hãy chú thích tên các bộ phận thường có của các quả sau:

Câu 6. Người ta sử dụng quả để làm gì? Hãy cho ví dụ tên quả tương ứng.

...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
.........................................................................................................................
PL15

Câu 7. Hãy chú thích tên 3 hành tinh trong Hệ Mặt Trời

...................................................................................................................

....................................................................................................................

Câu 8. Điền từ thích hợp vào chỗ trống

a) Trong Hệ Mặt Trời có ........................... hành tinh.

b) Từ Mặt Trời ra xa dần, Trái Đất là hành tinh thứ ............................

c) Có 8 ................................... chuyển động quanh ................................


Chúng cùng với Mặt Trời tạo thành .......................................
PL16

PHỤ LỤC 7
KIỂM ĐỊNH SỰ KHÁC BIỆT ĐIỂM TRUNG BÌNH CỦA NHÓM
ĐỐI CHỨNG VÀ NHÓM THỬ NGHIỆM SAU THỬ NGHIỆM
Kí hiệu: 1 là nhóm Thử nghiệm, 2 là nhóm Đối chứng. Xem đây là 2 biến định
tính nhận 2 giá trị (1 và 2)

So sánh giá trị trung bình của 1 và 2, nhận thấy trung bình của 1 cao hơn. Để
kiểm định sự khác biệt trung bình, tác giả dùng phương pháp T-Test cho Biến
độc lập.

Kết quả kiểm định:

1. So sánh trung bình:

Tổng số bài kiểm tra trong nhóm 1 là 37, điểm trung bình là 7,92 (điểm), độ lệch
chuẩn là 1,010 (điểm)

Tổng số bài kiểm tra trong nhóm là 36, điểm trung là 6,75 (điểm), độ lệch chuẩn
là 1,228 (điểm)
PL17

2. T-test:

- Kết quả Leven’s Test 0.066 > 0.05  Phương sai của 2 nhóm không có
sự khác nhau.
 Do đó sẽ đọc kết quả T-test sig. dòng trên.
- P = 0.000 < 0.05. Do đó, có thể nhận định có sự khác biệt có ý nghĩa thống
kê về điểm số của hai nhóm khảo sát 1 và 2.
PL18

PHỤ LỤC 8
CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM ĐỀ TÀI THIẾT KẾ
( ĐÃ THỬ NGHIỆM)
Đặc điểm tình hình HS lớp 3B
Sĩ số: 37 HS
Sinh sống ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
HS được học tiếng Anh tăng cường.
HS thích tham gia các hoạt động vẽ tranh.
HS biết soạn thảo văn bản, dùng internet để tìm kiếm và chọn lọc hình
ảnh, thông tin.
Cơ sở vật chất: lớp khá rộng, bàn ghế có thể di chuyển; có TV, loa,... Sân
trường có một số cây xanh và chậu cây.

BÀI 45: LÁ CÂY


Bài 46: KHẢ NĂNG KÌ DIỆU CỦA LÁ CÂY
(Tuần 23, 24)
1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Trình bày được được cấu tạo ngoài của lá cây.
2) Trình bày được chức năng của lá đối với đời sống của thực vật và lợi ích
của lá đối với đời sống con người.
3) Phân tích được sự đa dạng về hình dạng, độ lớn và màu sắc của lá cây.
4) Thực hiện được vẽ sáng tạo và chú thích các bộ phận của lá cây.
5) Thiết kế được trang phục theo chủ đề “Lá cây” từ các vật liệu tái chế.
6) Thực hiện được các hoạt động nhóm: phân công nhiệm vụ giữa các thành
viên, tôn trọng ý kiến của người khác, trình bày ý kiến và nêu nhận xét rõ ràng.
7) Yêu thích học tập môn Tự nhiên và Xã hội lớp Ba; yêu quý cây xanh.
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC (2 tiết)
2.1. HOẠT ĐỘNG 1: “KHẮC NHẬP! KHẮC NHẬP!” (Trò chơi)
PL19

 Thời gian: 30 phút


 Địa điểm: có thể tổ chức ở lớp học (hoặc sân trường).
 Đồ dùng dạy học: Bút mực, hồ dán; giấy A4, ảnh lá cây đã cắt (khổ <
A4), giấy để chú thích.
 Triển khai hoạt động:
* Khởi động: Tạo hứng thú cho HS bằng cách kể 1 câu chuyện ngắn và
dẫn vào hoạt động.
“Trong khu rừng kia, có một bạn Thỏ Trắng rất tinh nghịch. Một lần vào
rừng tìm thức ăn, Thỏ Trắng vô tình gặp phải Sâu Non đang gặm những chiếc
lá non tươi. Thỏ Trắng lém lỉnh:
- Này Sâu Non, ai cho cậu ăn lá cây của tớ?
- Tớ, tớ ... đây đâu phải là lá cây của riêng cậu đâu – Sâu Non rụt rè đáp.
- Nhưng đây là chỗ tớ thường đến hái lá. Mà thôi, nếu cậu muốn ăn lá cây
ở đây, tớ cũng đồng ý nhưng với một điều kiện!
- Điều kiện? Điều kiện gì?
- Cậu phải vượt qua những thử thách của tớ đối với sự hiểu biết về lá cây.
Sao nào, có thử không?
- Được đó, tớ thích nhất là lá cây mà. Cậu đố tớ đi!”
 HS cùng Sâu Non tham gia các trạm thử thách.
TRẠM 1. TRÒ CHƠI: GHÉP LÁ (15 phút)
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 3, 6 và 7)
* Trước khi bắt đầu trò chơi:
- GV phát phiếu và yêu cầu HS đọc kĩ phiếu học tập, chia nhóm, giao nhiệm
vụ học tập, công bố tiêu chí đánh giá (nội dung, thẩm mĩ).

PHIẾU HỌC TẬP


PL20

BÀI 45: LÁ CÂY


Lớp: .............. Nhóm: ....................
STT Tên lá Màu sắc Hình dạng Kích thước

- HS hoạt động nhóm 4 (4 HS/nhóm): bầu nhóm trưởng, đặt tên nhóm theo
tên 1 loài cây, họp nhóm phân công nhiệm vụ.
- Mỗi nhóm HS nhận được phong bì ảnh, hồ dán, giấy A4. Trong phong bì
có chứa ảnh 2 loại lá cây đã được cắt thành các mảnh ghép trộn lẫn vào nhau.
HS ghép thành ảnh 2 lá cây dán lên 2 tờ A4 và hoàn thành báo cáo trên bảng
nhóm trong thời gian tối đa 3 phút.
Yêu cầu khi chọn ảnh lá: đa dạng về kích thước,hình dạng và màu sắc.
(Lá bàng, lá phượng vĩ, lá tre, lá phong, lá huyết dụ, lá đu đủ, lá trầu bà,...)
* Khi thực hiện trò chơi:
- HS thực hiện nhiệm vụ và trưng bày sản phẩm (lên bảng).
- GV quan sát, hỗ trợ (nếu cần).
* Sau khi kết thúc trò chơi:
- GV tổ chức cho HS trình bày kết quả, nhận xét.
- Yêu cầu HS quan sát ảnh trên bảng, thảo luận nhóm nhận xét chung về:
màu sắc, hình dạng, độ lớn của lá cây trong tự nhiên.
- HS rút ra kết luận
- GV dẫn dắt (nếu cần), tổng kết trò chơi và kiến thức.
TRẠM 2. TRÒ CHƠI: AI NHANH HƠN (10 phút)
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 6 và 7)
- GV phát mỗi nhóm những mảnh giấy trắng dùng để chú thích các bộ phận
bên ngoài của lá cây, giao nhiệm vụ trò chơi cho nhóm 4, công bố tiêu chí đánh
giá (nội dung, thẩm mĩ).
PL21

- HS thảo luận nhóm, viết và dán chú thích các bộ phận của lá cây lên lá
cây trên bảng của nhóm mình. Nội dung thảo luận: Tên các bộ phận, Vị trí chú
thích.
- Sau khi kết thúc trò chơi:
+ GV tổ chức cho HS trình bày kết quả và nhận xét.
+ HS quan sát ảnh trên bảng, thảo luận nhóm nhận xét chung về: các bộ
phận bên ngoài thường có của lá cây trong tự nhiên.
- HS rút ra kết luận
- GV dẫn dắt (nếu cần), tổng kết trò chơi và kiến thức.
TRẠM 3. TRÒ CHƠI: “ÍCH LỢI CỦA LÁ” (10 phút)
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 2, 6 và 7)
- GV chia lớp thành 2 nhóm học tập, giao nhiệm vụ.
- HS thi đua theo hình thức tiếp sức, trình bày công dụng của lá cây đối với
cuộc sống con người và đời sống thực vật (HS có 1 phút để tham khảo thêm từ
SGK).
- Thời gian: 3 phút.
- Nhóm kể được nhiều công dụng chính xác nhất là nhóm chiến thắng.
- Kết thúc trò chơi: GV nhận xét và tổ chức cho HS rút ra kết luận về công
dụng của lá cây đối với đời sống con người.
 HS phát biểu cảm nghĩ của mình về cây xanh/thái độ đối với cây xanh.
2.2. HOẠT ĐỘNG 2: “NÉT VẼ XANH” (10 phút)
(Nhằm đạt mục tiêu số 1, 4 và 7)
 Thời gian: 15 phút.
 Địa điểm: sân trường.
 Đồ dùng dạy học: Bút chì, bút màu, gôm, bút mực; sổ tay Cuộc sống
quanh em
 Triển khai hoạt động:
PL22

- GV giao nhiệm vụ cá nhân, công bố tiêu chí đánh giá (nội dung và thẩm
mĩ).
- HS quan sát lá cây trên sân trường, chọn lá cây mà mình yêu thích. Vẽ và
chú thích các bộ phận của lá cây vào sổ tay “Cuộc sống quanh em”.
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm (Chiếu ảnh lên TV; Đố bạn: SP
lá gì? Chỉ các bộ phận  Mời các bạn nhận xét, góp ý) và nhận xét.
* Lưu ý: GV có thể thay HĐ 2 bằng hoạt động: Vẽ sáng tạo 1 loại lá (tưởng
tượng) để trang trí bìa tập hình chữ nhật. Cách thức tổ chức tương tự như HĐ 2
rồi chia sẻ với bạn. (Tích hợp môn Mĩ thuật Bài Vẽ trang trí. Vẽ tiếp họa tiết và
vẽ màu vào hình chữ nhật (tuần 25): Vẽ được họa tiết và vẽ màu vào hình chữ
nhật (vẽ được họa tiết cân đối, vẽ màu đều, phù hợp))
2.3. HOẠT ĐỘNG 3: BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG LÁ CÂY (20 phút)
(Hội thi Thiết kế thời trang, nhằm thực hiện mục tiêu số 5, 6 và 7)
 Địa điểm: lớp học hoặc sân trường.
 Đồ dùng dạy học: Bút chì, bút màu, gôm, bút mực, hồ dán; lá cây rụng,
giấy màu, giấy bìa, giấy báo cũ, bút màu, ruy băng, kim bấm, băng keo,... và
những vật dụng HS tự có.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân, công bố tiêu chí đánh giá (thông điệp và thẩm
mĩ).
- HS làm việc nhóm 4, lên phương án thiết kế trang phục và phụ kiện đi
kèm theo chủ đề “Lá cây”.
- HS thiết kế trang phục (giày dép, mũ, quần áo, trang sức).
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm (Thuyết minh và trình diễn) và
nhận xét.
3. ĐÁNH GIÁ (10 phút)
3.1. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc thuyết trình, trình bày sản
phẩm
PL23

GV cung cấp mẫu phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền các
thông tin vào phiếu đánh giá. Hoạt động này có thể cho HS thảo luận nhóm và
điền thông tin vào phiếu. Hoặc HS đánh giá cá nhân sau đó tập hợp lại trong
bảng tập hợp chung của nhóm.
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG LÁ CÂY
Tên nhóm:
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Thời gian thể hiện (1p)
2. Đặt tên bộ sưu tập
Đúng
chủ đề
3. Nội dung Lô gic,
Thuyết trình khoa học
Dễ hiểu,
thu hút
Trình diễn
tự tin, thu
hút
Thuyết
trình tự
4. Hình thức
tin, hấp
dẫn
Trang
phục đẹp
Sáng tạo
5. Trả lời phản biện
Tổng điểm

3.2. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm


Tương tự việc tổ chức đánh giá sản phẩm của nhóm, GV cung cấp mẫu
PL24

phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền các thông tin vào phiếu đánh
giá. Hoạt động này có thể cho HS thảo luận nhóm và điền thông tin vào phiếu
hoặc HS đánh giá cá nhân rồi tập hợp lại trong bảng tập hợp chung của nhóm.
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: ...
Tên nhóm: ….
Họ và tên người đánh giá: …
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Không khí hoạt động vui vẻ, đoàn
kết
2. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, công
bằng
3. Thành viên nhóm hoàn thành nhiệm
vụ phân công
4. Thành viên nhóm tích cực góp ý,
nhận xét
5. Thành viên nhóm tôn trọng ý kiến
của nhau
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
3.3. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản
thân
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền
thông tin vào phiếu

Hoạt động: “KHẮC NHẬP! KHẮC NHẬP!”


PL25

(BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG LÁ CÂY)


PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN
Họ và tên: ...
Nhóm: ….
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI
TIÊU CHÍ Thường Thỉnh Hiếm Chưa CHÚ
xuyên thoảng khi bao giờ (Lí do)
1. Tôi tuân theo phân công của
nhóm
2. Tôi hoàn thành nhiệm vụ
được giao
3. Tôi chủ động thảo luận
nhóm
4. Tôi lắng nghe ý kiến của bạn
5. Tôi đưa ý kiến của mình rõ
ràng và có lí do để thuyết phục
Địa danh, ngày ... tháng ... năm 2018
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
3.4. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu
bài học sau khi thực hiện bài học
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền
thông tin vào phiếu.

PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP


Bài: LÁ CÂY & KHẢ NĂNG KÌ DIỆU CỦA LÁ CÂY
Họ và tên: ....
PL26

Nhóm: ...
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
GHI CHÚ
MỤC TIÊU Hoàn Chưa
Hoàn (Lí do)
thành hoàn
thành
tốt thành
Tôi trình bày được được cấu tạo ngoài
của lá cây.
Tôi trình bày được chức năng của lá
đối với đời sống của thực vật và lợi
ích của lá đối với đời sống con người.
Tôi phân tích được sự đa dạng về hình
dạng, độ lớn và màu sắc của lá cây.
Tôi vẽ sáng tạo và chú thích các bộ
phận của lá cây.
Tôi thiết kế được trang phục theo chủ
đề “Lá cây” từ các vật liệu tái chế.
Tôi thực hiện được các hoạt động
nhóm
Tôi yêu thích học tập môn Tự nhiên
và Xã hội lớp Ba; yêu quý cây xanh.
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
PL27

BÀI 61: TRÁI ĐẤT LÀ MỘT HÀNH TINH TRONG HỆ MẶT TRỜI
(Tuần 31)
1. MỤC TIÊU
1) Kể tên được những hành tinh trong Hệ Mặt Trời
2) Xác định được vị trí của Trái Đất trong Hệ Mặt Trời.
3) Rèn luyện kĩ năng diễn đạt, làm báo cáo, thực hành, làm việc nhóm,…
4) Hình thành niềm tin khoa học, óc tò mò, ham hiểu biết.
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
DU HÀNH HỆ MẶT TRỜI
 Thời gian: 30 phút.
 Địa điểm: lớp học.
 Đồ dùng dạy học: Giấy roki, đất nặn, giấy màu, keo, kéo, Bút chì, bút
màu, gôm, bút mực, hồ dán; sổ tay Cuộc sống quanh em.
 Triển khai hoạt động:
Bước 1: Chia nhóm và giao nhiệm vụ học tập
- Chia nhóm học tập (nhóm 4 – 6 HS lớp đã có từ trước hay có thể chia
ngẫu nhiên/ nhóm theo sở thích).
- Giao nhiệm vụ học tập: HS thực hiện mô hình Hệ Mặt Trời theo các hình
thức: nặn, vẽ, cắt dán.
Tham khảo từ hình ảnh GV giới thiệu/hình ảnh từ SGK.
PL28

Sao
Thiên
Vương

Nguồn ảnh: Google hình ảnh


Bảng hướng dẫn thực hiện:
Vị trí
Tên hành tinh trong Kích thước Đường kính Màu sắc
HMT
Khoảng hạt bột
Sao Thủy 1 Bé nhất Vàng đậm
bán
Nhỏ hơn hạt đậu
Sao Kim 2 Lớn thứ 6 Nâu nhạt
đen
Xanh dương,
Trái Đất 3 Bằng hạt đậu đen Lớn thứ 5
xanh lá
Sao Hỏa 4 Bằng hạt đậu xanh Lớn thứ 7 Đỏ
Sao Mộc 5 Bằng quả quýt Lớn nhất Nâu đậm
Sao Thổ 6 Bằng quả chanh Lớn thứ hai Vàng nhạt
Xanh dương
Sao Thiên Vương 7 Bằng quả tắc Lớn thứ 3
nhạt
Xanh dương
Sao Hải Vương 8 Bằng quả sơ ri Lớn thứ 4
đậm
Bước 2: HS thảo luận nhóm
- Đặt tên nhóm, cử nhóm trưởng.
PL29

- Lên nội dung thực hiện.


- Lựa chọn hình thức thực hiện.
- Lựa chọn đồ dùng phù hợp.
- Nhận đồ dùng dạy học.
Bước 3: Nhóm thực hiện mô hình Hệ Mặt Trời
+ Nặn/vẽ/ cắt dán các hành tinh.
+ Vẽ quỹ đạo các hành tinh lên giấy roki.
+ Chú thích tên các hành tinh.
GV quan sát, hỗ trợ (nếu có).
Bước 4: GV tổ chức cho HS báo cáo và nhận xét
- HS rút ra kết luận
- GV nhận xét, tổng kết.
3. ĐÁNH GIÁ (10 phút)
3.1. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc trình bày sản phẩm
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: DU HÀNH HỆ MẶT TRỜI
Tên nhóm: ...
Họ và tên người đánh giá: ...
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Thời gian thể hiện
Đúng
2. Nội
vị trí các hành tinh
dung
Độ lớn các hành tinh hợp lí
Màu sắc phù hợp
Hình dạng các hành tinh đẹp
3. Hình mắt
thức Thuyết trình tự tin, thu hút
Sáng tạo
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
PL30

3.2. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm


PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: DU HÀNH HỆ MẶT TRỜI
Tên nhóm: ….
Họ và tên người đánh giá: …
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Không khí hoạt động vui vẻ, đoàn
kết
2. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, công
bằng
3. Thành viên nhóm hoàn thành
nhiệm vụ phân công
4. Thành viên nhóm tích cực góp ý,
nhận xét
5. Thành viên nhóm tôn trọng ý kiến
của nhau
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
3.3. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân
GV cung cấp mẫu Phiếu đánh giá, hướng dẫn HS cách đánh giá, điền
thông tin vào phiếu
PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN
Hoạt động: DU HÀNH HỆ MẶT TRỜI
Họ và tên: ...
Nhóm: ….
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
GHI CHÚ
TIÊU CHÍ Thường Thỉnh Hiếm Chưa
(Lí do)
xuyên thoảng khi bao giờ
1. Tôi tuân theo phân công của
nhóm
2. Tôi hoàn thành nhiệm vụ
được giao
3. Tôi chủ động thảo luận nhóm
4. Tôi lắng nghe ý kiến của bạn
5. Tôi đưa ý kiến của mình rõ
ràng và có lí do để thuyết phục
Địa danh, ngày ... tháng ... năm 2018
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
PL31

3.4. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu
bài học sau khi thực hiện bài học
PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP
Bài 61: TRÁI ĐẤT LÀ MỘT HÀNH TINH TRONG HỆ MẶT TRỜI
Họ và tên: ....
Nhóm: ...
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
GHI
Hoàn Chưa
MỤC TIÊU Hoàn CHÚ
thành hoàn
thành (Lí do)
tốt thành
1. Tôi kể tên được những hành
tinh trong Hệ Mặt Trời
2. Tôi xác định được vị trí của
Trái Đất trong Hệ Mặt Trời.
3. Tôi rèn luyện được kĩ năng
diễn đạt, làm báo cáo, thực hành, làm
việc nhóm,…
4. Tôi có niềm tin khoa học; óc
tò mò, ham hiểu biết.
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
Ghi chú: Hướng dẫn tự làm đất sét
Nguyên liệu: Bột mì; muối; nước; hẩm màu/màu nước (có thể pha màu để
có màu sắc mong muốn); dầu ăn; bột Cream of tartar (giúp bột nở, mua ở tiệm
bánh kem)/ baking soda; bếp để nấu đất sét và một số đồ gia dụng khác.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Trộn đều bột mì, muối, nước với nhau theo tỉ lệ 1: ½ :1. Khuấy
đều cho bột tan mịn.
Bước 2: Cho dầu ăn (theo tỉ lệ ¼) vào hỗn hợp trên. Khuấy đều và cho vào
nồi (nên dùng nồi không dính).
PL32

Bước 3: Khi hỗn hợp trên sệt lại, cho màu mà mình muốn vào. Tiếp tục
khuấy cho màu hoà vào bột. Khi bột tự vón thành cục thì tắt bếp.
Bước 4: Để bột ra mặt bàn (có lót giấy). Chờ vài phút rồi từ từ rắc từng thìa
bột lên bề mặt và nhào bột cho tới khi bột đạt độ dẻo mong muốn.
Bảo quản: Để riêng đất sét khác màu, cho vào tủ lạnh có thể bảo quản hơn
3 tháng.
PL33

* HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM ĐỀ TÀI THIẾT KẾ


(CHƯA THỬ NGHIỆM)

CHỦ ĐỀ: CON NGƯỜI VÀ SỨC KHỎE


KẾ HOẠCH DẠY HỌC
- Bài 1: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp
- Bài 2: Nên thở như thế nào?
- Bài 3: Vệ sinh hô hấp
- Bài 4: Phòng bệnh đường hô hấp
- Bài 5: Bệnh lao phổi

DỰ ÁN: “SỨC KHỎE LÀ VÀNG”


1. MỤC TIÊU: Sau khi thực hiện xong dự án này, HS có khả năng:
1) Trình bày được những kiến thức cơ bản về bệnh thường gặp ở cơ quan hô
hấp: nguyên nhân; triệu chứng; cách ứng phó, trao đổi với người lớn khi mắc
bệnh; cách phòng bệnh: vệ sinh, dinh dưỡng; thái độ khi mắc bệnh và thái độ
đối với người bị bệnh.
2) Nêu được tên và xác định đúng vị trí các bộ phận và chức năng của cơ
quan hô hấp.
3) Phân biệt được những việc nên làm và không nên làm để giữ gìn vệ sinh
cơ quan hô hấp.
4) Thực hiện được những việc làm để giữ gìn vệ sinh cơ quan hô hấp và giúp
cơ thể khoẻ mạnh.
5) Nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe và việc rèn luyện sức khỏe.
6) Tự tin, vui thích tham gia các hoạt động trong ngày hội, có ý thức bảo vệ
môi trường.
7) Thực hiện được các kĩ năng: làm việc nhóm, tự ra quyết định, hợp tác và
giao tiếp,…
PL34

2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN


Thời gian: Thời gian thực hiện là 5 tiết trên lớp. Ngoài ra, còn có thời gian HS
chuẩn bị ở nhà: tìm hình ảnh, thông tin, thảm khảo ý kiến phụ huynh.
Địa điểm: Lớp học.
2.1. Chủ đề “Chuyên gia sức khỏe” (tiết 1 và 2)
- Hoạt động nhóm: Mỗi nhóm bắt thăm để nhận chủ đề nhóm: một bệnh
thường gặp ở đường hô hấp.
- Nhóm thảo luận, lựa chọn hình thức để thực hiện.
- Nội dung thực hiện: đảm bảo các nội dung sau:
+ Nguyên nhân
+ Triệu chứng
+ Cách ứng phó khi mắc bệnh: vệ sinh, dinh dưỡng
+ Thái độ khi mắc bệnh
+ Cách phòng tránh: những việc nên làm và không nên làm.
- Hình thức (gợi ý): sắm vai bác sĩ, đóng kịch (bác sĩ – bệnh nhân, ba mẹ -
HS,...) (sử dụng powerpoint, clip hỗ trợ. Trong đó: powerpoint có hình ảnh, âm
thanh; video: ghép từ hình ảnh, âm thanh hoặc quay clip chia sẻ của người lớn,
các bạn HS đã từng mắc bệnh nêu cảm nhận)
- Gợi ý thực hiện:
Video Powerpoint
Phân công nhiệm vụ cho từng thành Phân công nhiệm vụ cho từng thành
viên: đọc các văn bản để tìm ý tưởng, viên: đọc các văn bản để tìm ý tưởng,
sưu tầm tranh ảnh, âm thanh. sưu tầm thông tin liên quan, tranh
Chuẩn bị nội dung khoa học ảnh, âm thanh.
Chuẩn bị kịch bản để làm phim hoặc Chuẩn bị nội dung khoa học
quay. Chuẩn bị kịch bản
Hoàn chỉnh PPT
PL35

Lựa chọn nội dung phù hợp, ấn tượng Diễn tập thuyết trình trong nhóm.
để ghép thành phim. Chỉnh sửa, hoàn thành sản phẩm
Chỉnh sửa, hoàn thành sản phẩm, diễn
tập trong nhóm.
2.2. Chủ đề “Tuyên truyền viên sức khỏe” (tiết 3 và 4)
2.2.1. Họa sĩ nhí
- Hoạt động cá nhân: HS vẽ tranh (làm poster) cổ động, tuyên truyền mọi
người giữ gìn sức khỏe, phòng tránh bệnh đường hô hấp, những việc nên làm
hay không nên làm để giữ gìn vệ sinh đường hô hấp.
- GV tổ chức cho HS chia sẻ trong nhóm và thuyết trình tranh.
- Bình chọn, tuyên dương, trưng bày.
2.2.2. Lá thư sức khỏe
- Hoạt động cá nhân: HS viết thư gửi cho một người thân trong gia đình/
bạn cùng lớp để đưa ra những lời nhắn về việc giữ gìn vệ sinh đường hô hấp và
bảo vệ sức khỏe.
- GV tổ chức cho HS nhận thư (viết cho bạn) chia sẻ thư mình nhận trước
lớp.
- GV tổ chức cho HS chia sẻ về tên dự án.
2.3. Chủ đề “Nhật kí sức khỏe”
- Hoạt động cá nhân: HS thực hiện “Nhật kí sức khỏe” về những việc làm
hằng ngày các em thực hiện để giữ sức khỏe, cảm nhận của các em trong ngày.
- HS chia sẻ với nhóm cuối mỗi tuần và lập thời gian biểu với các hoạt động
giữ gìn sức khỏe sẽ làm trong tuần tới.
2.4. Đánh giá
GV tổ chức cho HS đánh giá:
- Chủ đề “Chuyên gia sức khỏe”: đánh giá nhóm qua việc thuyết trình và đánh
giá hoạt động cá nhân trong nhóm.
- Chủ đề “Tuyên truyền viên sức khỏe”: đánh giá cá nhân.
PL36

- Chủ đề “Nhật kí sức khỏe”: đánh giá cá nhân và nhóm (chia sẻ trong nhóm)
- Đánh giá thực hiện mục tiêu dự án: HS tự đánh giá cá nhân.
3. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
- GV xây dựng kế hoạch dự án “SỨC KHỎE LÀ VÀNG”.
- GV chia 6 nhóm, cử nhóm trưởng (nhóm tự bầu).
- Giới thiệu nội dung và thời gian thực hiện dự án theo từng giai đoạn (HS
ghi chép lại nhiệm vụ)
- GV tổ chức thực hiện theo 03 bước sau:
+ Bước 1: Chuẩn bị
 GV xác định nội dung mà các nhóm đã lựa chọn, giao nhiệm vụ, hướng
dẫn HS tìm tư liệu liên quan và thực hiện dự án theo từng giai đoạn
ứng với từng chủ đề.
 GV công bố tiêu chí đánh giá cho từng chủ đề.
+ Bước 2: Thực hiện
 Nhóm xác định hình thức thực hiện dự án, phân chia nhiệm vụ cho mỗi
thành viên.
 Thảo luận trong nhóm, tiến hành hoàn thành dự án.
 Trao đổi với GV khi gặp khó khăn.
 Báo cáo tiến độ thực hiện cho GV.
+ Bước 3: Trình bày kết quả
 HS/ nhóm trình bày sản phẩm trước lớp.
 GV tổ chức cho các HS/nhóm tự đánh giá, đánh giá chéo. HS/nhóm
được phản biện về đánh giá, đưa câu hỏi cho HS/nhóm khác.
 Tổng kết, tuyên dương, khen thưởng.
 Trưng bày sản phẩm (chủ đề 2)
 Tổ chức cho HS đánh giá và tự đánh giá.
- Tiến độ cụ thể ở từng giai đoạn của dự án:
PL37

+ Tiết 1 & 2: Chủ đề “Chuyên gia sức khỏe”


 1 tiết: HS tổng hợp kết quả, hoàn thiện sản phẩm.
 1 tiết: Trình bày kết quả và đánh giá
+ Tiết 3 & 4: Chủ đề “Tuyên truyền viên sức khỏe”
 1 tiết: HS thực thiện sản phẩm.
 1 tiết: Trình bày kết quả và đánh giá
+ Tổng kết dự án: 1 tiết.
PL38

KẾ HOẠCH DẠY HỌC


- Bài 1: Hoạt động thở và cơ quan hô hấp
- Bài 2: Nên thở như thế nào?
- Bài 3: Vệ sinh hô hấp
- Bài 4: Phòng bệnh đường hô hấp
- Bài 5: Bệnh lao phổi

NGÀY HỘI VUI KHỎE


(Có thể tổ chức tương tự với mỗi chuỗi bài:
- Bài 6 – 9: Máu và cơ quan tuần hoàn, Hoạt động tuần hoàn, Vệ sinh cơ quan
tuần hoàn, Phòng bệnh tim mạch.
- Bài 10, 11: Hoạt động bài tiết nước tiểu, Vệ sinh cơ quan bài tiết nước tiểu.
- Bài 12 – 16: Cơ quan thần kinh, Hoạt động thần kinh, Hoạt động thần kinh
(tt), Vệ sinh thần kinh, Vệ sinh thần kinh (tt))

1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Trình bày được những kiến thức cơ bản về bệnh thường gặp ở cơ quan hô
hấp: nguyên nhân; triệu chứng; cách ứng phó, trao đổi với người lớn khi
mắc bệnh; cách phòng bệnh: vệ sinh, dinh dưỡng; thái độ khi mắc bệnh
và thái độ đối với người bị bệnh.
2) Nêu được tên và xác định đúng vị trí các bộ phận và chức năng của cơ
quan hô hấp.
3) Phân biệt được những việc nên làm và không nên làm để giữ gìn vệ sinh
cơ quan hô hấp.
4) Thực hiện được những việc làm để giữ gìn vệ sinh cơ quan hô hấp và giúp
cơ thể khoẻ mạnh.
5) Nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe và việc rèn luyện sức khỏe.
6) Tự tin, vui thích tham gia các hoạt động trong ngày hội, có ý thức bảo vệ
môi trường.
PL39

7) Thực hiện được các kĩ năng: làm việc nhóm, tự ra quyết định, hợp tác và
giao tiếp,…
2. THÀNH PHẦN THAM DỰ

- HS khối 3 (dự kiến 4 lớp: 160 HS; có thể mở rộng đối tượng thành HS
toàn trường).

- Khách mời: Bác sĩ (chuyên về bệnh đường hô hấp), phụ huynh HS.
3. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
3.1. Thời gian: Sáng thứ 7 hoặc chủ nhật (1 buổi)
3.2. Địa điểm: Sân trường/ hội trường
4. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC
Nội dung trọng tâm được lựa chọn: cơ quan hô hấp và phòng bệnh đường
hô hấp. Ngày hội được tổ chức thành các hoạt động cụ thể sau:
4.1. VỪNG ƠI MỞ RA!
- HS xếp hàng ở cổng ngày hội (xếp ở 4 khu vực) và thực hiện thủ tục vào
cổng ngày hội: kiểm tra cân nặng và chiều cao.
- Sau khi kiểm tra cân nặng và chiều cao, mỗi HS sẽ được nhận:
+ 01 quyển sổ tay “NHẬT KÝ SỨC KHỎE” có chứa 01 thẻ thông hành với
các nội dung: số thứ tự, tên, ảnh, chiều cao, cân nặng, lời khuyên (chiều cao
và cân nặng của bạn rất cân đối! Hãy giữ vững như thế nhé!; Bạn tập thể dục
nhiều hơn để có một cơ thể khỏe đẹp nhé!;…).
+ Huy hiệu sức khỏe (cài lên áo).
4.2. CÙNG NHAU VUI KHỎE
- HS tập trung ở hội trường/sân trường nghe phổ biến quy chế, chương trình
ngày hội.
- HS đồng diễn bài thể dục liên hoàn với cờ (tích hợp Thể dục). Hít thở
đúng cách để thả lỏng.
PL40

4.3. KHO BÁU TRI THỨC


- HS xem triển lãm tranh, infographic và nghe giới thiệu những kiến thức
cơ bản về cơ quan hô hấp: tên, vị trí và chức năng và bệnh đường hô hấp
cách phòng bệnh: nguyên nhân, triệu chứng, cách ứng phó khi mắc bệnh,
cách phòng bệnh, những món ăn phù hợp khi mắc bệnh
Viêm họng, Viêm phế quản, Viêm phổi, Lao phổi
- HS ghi chép những nội dung cần thiết bằng từ khóa. Hoàn thành các bảng
và hình sau:
Vị trí
Cơ quan hô hấp
STT Tên bộ phận Chức năng
Vị trí
1

Các bệnh đường hô hấp thường gặp


Ứng phó Cách
Tên Nguyên Triệu
STT khi mắc Món ăn phòng
bệnh nhân chứng
bệnh bệnh
1
2
3
4
4.4. THỬ TÀI HIỂU BIẾT
- Nội dung: Cơ quan hô hấp và phòng bệnh đường hô hấp
- Hình thức: Thi rung chuông vàng + giao lưu với bác sĩ
PL41

+ Câu hỏi rung chuông vàng xây dựng theo độ khó tăng dần, hình thức trắc
nghiệm và tự luận ngắn (về tên món ăn). Sau mỗi câu hỏi, bác sĩ sẽ đưa ra đáp
án và những thông tin bổ sung thêm kiến thức cho các HS. (đảm bảo câu hỏi về
kiến thức: nguyên nhân gây bệnh; triệu chứng; cách ứng phó, trao đổi khi mắc
bệnh; cách phòng bệnh: vệ sinh, dinh dưỡng,…; thái độ khi mắc bệnh và thái độ
đối với người bị bệnh).
+ Nội dung về bệnh sốt xuất huyết in trên infographic đặt ở sân khấu sẽ cất
đi, HS có thể sử dụng những ghi chú trong sổ tay trước đó trong quá trình thi
đấu.
+ Khi sân đấu còn dưới 10 HS
Lần 1: thực hiện cứu trợ bằng trò chơi con số bí ẩn: 20 HS bắt cặp, 2 người
3 chân, không sử dụng tay, di chuyển bong bóng từ vạch xuất phát đến đích và
làm bề bong bóng. Trong bong bóng sẽ có số thứ tự của thí sinh trở lại sân thi
đấu.
Từ lần 2 trở đi: không thực hiện cứu trợ nữa và các HS bị loại dùng máy
bay giấy hỗ trợ đáp án cho bạn mình trong sân thi đấu.
+ HS còn lại cuối cùng trên sân đấu hoặc HS vượt qua câu hỏi cuối cùng
của cuộc thi là người thắng cuộc.
4.5. VƯỢT QUA THỬ THÁCH
HS tham gia trò chơi vận động:
Vòng 1:
- HS chia thành các cặp đội chơi, dự kiến mỗi đội 10 thành viên.
- Nội dung thi: HS nhảy bao bố tiếp sức. Mỗi đội, HS lần lượt nhảy bao bố
từ vạch xuất phát đến vạch đích để lấy về một loại trái cây, món ăn tốt cho cơ
thể khi mắc bệnh hoặc phòng bệnh sốt xuất huyết. Mỗi đáp án đúng được 10
điểm.
- Thời gian thực hiện: 2 phút.
PL42

Vòng 2:
- 4 đội chơi thi cùng lúc. HS thi cưỡi thú nhún tiếp sức. Mỗi đội, HS lần
lượt cưỡi thú nhún từ vạch xuất phát đến vạch đích để viết lên bảng đội mình 01
việc nên làm/ không nên làm phòng bệnh sốt xuất huyết. Mỗi đáp án đúng được
10 điểm.
- Thời gian thực hiện: 3 phút.
- Cơ cấu giải thưởng: nhất, nhì, ba, khuyến khích.
4.6. TÔI NGHĨ
- HS ngồi vòng tròn, chia sẻ cảm nhận/ lời nhắn về những hoạt động trong
ngày hội: hoạt động yêu thích nhất, học tập những gì qua ngày hội, có lời nhắn
đến với 01 bạn nào đó để cùng nhau khỏe mạnh.
- HS thực hiện tự đánh giá quá trình tham gia ngày hội của mình:
PHIẾU TỰ ĐÁNH GIÁ
QUÁ TRÌNH THAM GIA NGÀY HỘI VUI KHỎE
Họ và tên: … Lớp: ....
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ
GHI CHÚ
TIÊU CHÍ Thường Thỉnh Hiếm Chưa
(Lí do)
xuyên thoảng khi bao giờ
1. Tôi tuân theo kỉ luật
2. Tôi chủ động tham gia
các hoạt động
4. Tôi nhiệt tình cỗ vũ
bạn mình
5. Tôi khuyến khích bạn
mình tham gia các hoạt
động
6. Tôi ghi chép những
thông tin cần thiết
(Địa danh) ngày ... tháng ... năm ...
Người đánh giá (kí và ghi rõ họ và tên)
PL43

HOẠT ĐỘNG VỀ NHÀ


Mỗi HS thực hiện Nhật kí sức khỏe (những việc đã làm để giữ gìn sức khỏe,
giữ vệ sinh cơ quan hô hấp) → chia sẻ với bạn vào cuối tuần.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Chuẩn bị
+ Thẻ thông hành, huy hiệu sức khỏe.
+ Câu hỏi rung chuông vàng.
+ Sân để HS chơi rung chuông vàng, trò chơi vận động.
+ Khu vực lấy chỉ số chiều cao, cân nặng.
+ Cơ sở vật chất: Sân khấu, âm thanh, ánh sáng, băng rôn, infographic,…
+ Phần thưởng.
5.2. Phân công nhiệm vụ
+ CT tổ chức và đón khách: BTC, Hội đồng tự quản
+ Truyền thông: Hội đồng tự quản, HS, GV
+ Chuẩn bị sân khấu, lễ tân, hậu cần: GV, thanh niên ĐP
+ BGK: GV, bác sĩ, GVTD
+ Trọng tài: GV thể dục
+ GVCN: Định hướng cho HS thực hiện các ND của ngày hội; theo dõi, hỗ trợ,
đánh giá HS; huy động nguồn lực cho ngày hội; lấy ý kiến PH về ngày hội (trước,
trong và sau),…
5.3. Dự kiến chương trình ngày hội
- 7g – 7g30: VỪNG ƠI MỞ RA
- 7g30 – 7g45: CÙNG NHAU VUI KHỎE
- 7g45 – 8g30: KHO BÁU TRI THỨC
- 8g30 – 9h45: THỬ TÀI HIỂU BIẾT
- 9g45 – 10g45: VƯỢT QUA THỬ THÁCH
- 10g45 – 11g00: Nghỉ giải lao
- 11g00 – 11g30: TÔI NGHĨ
PL44

CHỦ ĐỀ: XÃ HỘI


I. KẾ HOẠCH DẠY HỌC (4 tiết – tuần 10, 11)
- Bài 19: Các thế hệ trong một gia đình
- Bài 20: Họ nội, họ ngoại
- Bài 21 – 22: Thực hành: Phân tích và vẽ sơ đồ mối quan hệ họ hàng
* Tích hợp:
+ Tiếng Việt: Tập viết thư và phong bì thư (TLV - tuần 10).
+ Đạo đức: Quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em (tuần 7, 8).
+ Mĩ thuật: Vẽ tranh. Vẽ chân dung ((tuần 8); Vẽ theo mẫu. Vẽ cành lá
(tuần 11).

CHỦ ĐỀ: NHỮNG NGƯỜI THÂN CỦA TÔI

1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Trình bày được các thế hệ trong một gia đình.
2) Phân biệt các thế hệ trong gia đình.
3) Giới thiệu được các thế hệ trong gia đình và họ hàng nội, ngoại của
mình.
4) Xác định và xưng hô đúng mối quan hệ họ hàng nội, ngoại.
5) Thiết kế được sơ đồ mối quan hệ họ hàng của gia đình mình.
6) Phân tích được mối quan hệ họ hàng của một số trường hợp cụ thể.
7) Viết được một bức thư ngắn (khoảng 4 câu) và phong thư cho người
thân.
8) Vẽ được chân dung người thân.
9) Nhận ra ý nghĩa của gia đình đối với bản thân và những việc cần làm đối
với người thân.
2. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
2.1. HOẠT ĐỘNG: ALBUM GIA ĐÌNH TÔI
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 2, 3 và 9)
PL45

 Thời gian: ngoài giờ học + 20 phút.


 Địa điểm: lớp học.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân cho HS: Sưu tầm ảnh của các thành viên trong gia
đình, họ nội, họ ngoại.
+ Yêu cầu: ảnh có độ lớp vừa phải (4 x 6), rõ nét. (Có thể nhờ cha mẹ hỗ trợ).
+ Thời gian: 1 tuần.
* Ở lớp: Sau khi HS sưu tầm ảnh xong (đối với những người HS không sưu tầm
được, GV có thể cho HS vẽ)
- GV tổ chức (chia nhóm, giao nhiệm vụ, quan sát, hỗ trợ) cho HS chia sẻ nhóm
đôi: phân nhóm những người trong gia đình mình (sống cùng nhà), những người
thân không sống cùng nhà.
- GV tổ chức cho HS phân nhóm những người trong gia đình theo thứ tự.
+ HS lựa chọn phương án phân nhóm, trình bày trong nhóm 4 cách phân chia
của mình (theo giới tính, tuổi tác, thứ bậc).
+ GV mời 1 số HS trình bày cách chia nhóm các thành viên trong nhà (có mấy
người, chia mấy nhóm, mỗi nhóm có ai).
 Dẫn dắt để HS rút ra khái niệm “thế hệ” và xác định được các thế hệ trong
gia đình mình.
- GV tổ chức cho HS hoạt động nhóm 4: chia sẻ với bạn về các thế hệ trong nhà
gia đình và người mà mình yêu quý nhất trong gia đình (tính cách, kỉ niệm, lí do
yêu quý).
2.2. HOẠT ĐỘNG: HỌ HÀNG CỦA TÔI
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 2, 3 và 9)
 Thời gian: 15 phút
 Địa điểm: lớp học
 Triển khai hoạt động:
PL46

- GV giao nhiệm vụ cá nhân cho HS: Sử dụng ảnh sưu tầm được, chia thành 2
nhóm họ hàng.
- HS suy nghĩ phương án phân chia (giới tính, nội – ngoại, tuổi tác) và thực hiện.
- HS chia sẻ trong nhóm đôi và trước lớp: cách phân chia, các thành viên trong
2 nhóm là ai, gọi chung là gì.
 HS phân biệt được họ nội, họ ngoại.
- GV giao nhiệm vụ cá nhân cho HS: Từ 2 nhóm họ nội, họ ngoại, hãy phân chia
các thế hệ trong 2 họ và chia sẻ trong nhóm
- HS thực hiện chia nhóm, chia sẻ trong nhóm: các chia, số thế hệ và các thành
viên trong 2 họ.
2.3. HOẠT ĐỘNG: CÂY HỌ HÀNG
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 3, 4 và 5)
 Thời gian: 1 tiết
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Giấy A3, giấy màu, hồ dán, bút màu, bút chì, gôm,
kéo, ảnh các thành viên trong họ hàng và gia đình, giấy bìa. Sơ đồ mẫu
GV làm về gia đình và họ hàng nhà mình.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân: Thiết kế sơ đồ gia đình và họ hàng của bạn (HS
được chọn họ nội hay họ ngoại, hoặc thực hiện cả 2). GV công bố tiêu chí đánh
giá (thẩm mĩ và nội dung)
+ Hình thức thiết kế: tự chọn, sử dụng các ảnh sưu tầm được.
+ Gợi ý: Vẽ, cắt dán, làm mô hình cây đứng.
Thiết kế thành 1 cây xanh (ông bà là thân cây; ba mẹ, cô dì, chú bác là nhánh
cây; con cháu là quả)
Thiết kế thành 1 chùm bong bóng.
Thiết kế thành 1 chậu hoa.
- HS lựa chọn phương án thiết kế và thực hiện.
PL47

- GV quan sát, hỗ trợ (nếu có).


- GV tổ chức cho HS chia sẻ trong nhóm, trước lớp và nhận xét.
+ HS hoạt động nhóm 4 chia sẻ: ý tưởng thực hiện, giới thiệu về cây họ hàng
của mình, người trong họ hàng mà mình quý mến (tính cách của người đó, kỉ
niệm nhớ nhất với người đó).
+ HS chia sẻ trước lớp (1 vài HS) và nhận xét.
2.4. HOẠT ĐỘNG: TRÒ CHƠI “LÀ GÌ? CỦA AI ?”
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 6)
 Thời gian: 20 phút
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Cây họ hàng mà HS thực hiện ở hoạt động trước đó.
 Triển khai hoạt động:
- GV giới thiệu trò chơi, cách chơi và tổ chức chơi nháp trước lớp (sử dụng sơ
đồ họ hàng của GV).
HS chỉ vào 2 người trong sơ đồ của mình và đố bạn trong nhóm mối quan hệ
của 2 người đó. Khi chơi, HS hô khẩu hiệu:
+ Đố bạn! đố bạn!
+ Đố gì? đố gì?
+ ... là gì của ...? Hay ... và ... là gì của nhau?
- HS chơi theo nhóm 4. GV quan sát, hỗ trợ (nếu có).
- HS chơi toàn lớp (sử dụng sơ đồ của mình để đố bạn).
 HS rút ra kết luận về những mối quan hệ và cách xưng hô có trong họ hàng.
2.5. HOẠT ĐỘNG: LÁ THƯ YÊU THƯƠNG
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 7 và 8)
 Thời gian: 1 tiết.
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Giấy A4, bút màu, giấy viết thư, bút chì, gôm, kéo, hồ
dán, giấy màu, phong bì thư trắng, thư của phụ huynh HS.
PL48

 Triển khai hoạt động:


- GV đọc và chiếu cho HS xem lá thư của 1 - 3 phụ huynh gửi cho các bạn trong
lớp.
- HS quan sát và rút ra các phần cần có trong lá thư và cac nội dung trên bì thư.
- GV giao nhiệm vụ: Hãy viết một lá thư gửi cho người thân của mình trong đó
thể hiện tình cảm của mình đối với người đó và đính kèm bức chân dung gửi
tặng cho người đó. Sau đó, bỏ vào phong thư, viết các nội dung và trang trí
phong thư (địa chỉ, họ tên người nhận, người gửi).
- HS thực hiện cá nhân, GV quan sát, hỗ trợ (nếu có).
- Sau khi thực hiện, GV tổ chức cho HS chia sẻ trong nhóm (viết về ai, vì sao
viết cho người đó) và nhận xét về hình thức.
- GV dẫn dắt để HS rút ra người việc cần làm đối với người thân trong gia đình.
- GV hướng dẫn HS gửi thư đến người thân (tùy đối tượng mà GV có thể gửi
giúp hoặc nhờ phụ huynh hỗ trợ).
2.6. Đánh giá
- Đánh giá cá nhân: sản phẩm (hoạt động Cây họ hàng).
- Đánh giá hoạt động của cá nhân trong nhóm.
- Tự đánh giá: mức độ hoàn thành mục tiêu bài học sau khi thực hiện bài học.
PL49

KẾ HOẠCH DẠY HỌC (4 tiết – tuần 12, 13)


- Bài 24: Một số hoạt động ở trường
- Bài 25: Một số hoạt động ở trường (tt)
- Bài 26: Không chơi các trò chơi nguy hiểm
* Tích hợp: Đạo đức: Tích cực tham gia việc lớp, việc trường. (tuần 12, 13)
CHỦ ĐỀ: MÁI TRƯỜNG MẾN YÊU
1. MỤC TIÊU: Sau khi học bài này, HS có khả năng:
1) Báo cáo được các hoạt động chủ yếu của HS khi ở trường.
2) Xác định được trách nhiệm của HS khi tham gia các hoạt động ở trường.
3) Phân biệt được các trò chơi nguy hiểm.
4) Lựa chọn và tổ chức được những trò chơi an toàn cho giờ ra chơi ở trường.
5) Quan tâm, chia sẻ với bạn trong việc tham gia các hoạt động ở trường, ở
lớp và các hoạt động vui chơi.
2. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
2.1. HOẠT ĐỘNG: PHÓNG VIÊN NHỎ TUỔI
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 2, 3 và 4)
 Thời gian: ngoài giờ học (trước báo cáo 1 tuần) + 1 tiết.
 Địa điểm: trường học + lớp học.
 Đồ dùng dạy học: Giấy bìa, giấy A4, bút màu, bút chì, gôm, kéo, hồ dán,
giấy màu.
 Triển khai hoạt động:
- GV chia nhóm, giao nhiệm vụ:
Chia nhóm 4 – 6 HS. Chia lớp thành 2 nhóm lớn (nhiều nhóm nhỏ) bắt thăm
thực hiện 01 trong 02 nhiệm vụ sau:
+ Nhiệm vụ 1: Chủ đề: Các hoạt động diễn ra ở trường. HS chụp ảnh, quay phim,
viết bài ngắn từ 2 đến 4 câu về hình ảnh (trả lời các câu hỏi: ảnh về hoạt động
gì?, ai thực hiện?, lúc nào?, thái độ của những người trong ảnh khi thực hiện
PL50

hoạt động? lời nhắn). HS lựa chọn hình thức thực hiện: sơ đồ tư duy, báo tường,
poster, PPT, video, quay phim.
(Học tập, vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động vệ sinh, ngoại khóa)
+ Nhiệm vụ 2: Chủ đề: Các trò chơi mà HS của trường thực hiện trong giờ chơi,
trước khi vào học và sau khi tan học. HS chụp ảnh, quay phim, viết bài ngắn từ
2 đến 4 câu về hình ảnh (tên trò chơi, thời điểm chơi, vị trí chơi, cách chơi (thuyết
trình sẽ trình bày ngắn), nhận xét hay nêu cảm nhận về trò chơi, lời khuyên). HS
lựa chọn hình thức thực hiện: sơ đồ tư duy, báo tường, PPT, video.
- HS thảo luận nhóm: bầu nhóm trưởng, đặt tên nhóm (tên báo tự nghĩ ra), bắt
thăm nhiệm vụ, lựa chọn phương án thực hiện, lên kế hoạch thực hiện.
- HS tiến hành thực hiện và báo cáo tiến độ cho GV cuối mỗi ngày học trong
tuần.
- HS tổng kết kết quả thu thập thông tin và hoàn chỉnh sản phẩm (1 tiết).
- GV tổ chức cho HS trình bày kết quả (1 tiết).
 HS rút ra kết luận về các hoạt động trong nhà trường (tên, nhiệm vụ của người
thực hiện, thái độ khi thực hiện), các hoạt động vui chơi của HS (tên trò chơi,
nhận xét tính chất trò chơi, lời khuyên).
- GV tổ chức cho HS nhận xét, đánh giá và kết luận.
2.2. HOẠT ĐỘNG: LÁ THƯ TÌNH BẠN
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 5)
 Thời gian: 20 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân: Viết thư gửi đến bạn cùng lớp: khuyên hoặc khen
bạn về việc tham gia các hoạt động ở trường (học tập, vui chơi, lao động,...).
Xếp thành máy bay và phóng đến bạn.
- HS thực hiện nhiệm vụ: viết thư, trang trí, xếp máy bay, gửi đến bạn. GV quan
sát, hỗ trợ (nếu có).
PL51

- GV tổ chức cho HS chia sẻ thư và phản hồi về thư của bạn.


2.3. HOẠT ĐỘNG: QUẢN TRÒ NHÍ
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 4)
 Thời gian: 30 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Triển khai hoạt động:
- GV yêu cầu HS sưu tầm các trò chơi mà HS có thể tổ chức ở trường trong
giờ ra chơi (khuyến khích trò chơi dân gian)
- GV sử dụng kĩ thuật các mảnh ghép.
+ Nhóm thảo luận, các trò chơi tìm được, tổng hợp các trò chơi của nhóm.
Trình bày: tên, cách chơi; lí do trò chơi phù hợp tổ chức ở trường trong giờ
ra chơi.
+ HS chia sẻ các trò chơi của nhóm trong nhóm mới.
- GV tổ chức cho HS thực hiện trò chơi trước lớp. HS quản trò cho cả lớp
tham gia.
 HS nhận ra những trò chơi phù hợp tổ chức ở trường trong giờ ra chơi.
3. ĐÁNH GIÁ (15 phút)
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc thuyết trình, trình bày sản phẩm: Hoạt
động Phóng viên nhỏ tuổi (đánh giá nhóm).
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm (đánh giá nhóm): Hoạt
động Phóng viên nhỏ tuổi và Quản trò tí hon.
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân (đánh giá
cá nhân).
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu bài học sau
khi thực hiện bài học (đánh giá cá nhân).
PL52

KẾ HOẠCH DẠY HỌC (5 tiết)


Bài 27 – 28: Tỉnh (thành phố) nơi bạn đang sống (tuần 14).
Bài 29: Các hoạt động thông tin liên lạc (tuần 15).
Bài 30: Hoạt động nông nghiệp (tuần 15).
Bài 31: Hoạt động công nghiệp, thương mại (tuần 16).
Bài 32: Làng quê và đô thị (tuần 16).
Soạn theo địa phương: Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
CHỦ ĐỀ: QUÊ HƯƠNG TÔI
1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Kể được tên một số cơ quan hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế...ở địa
phương.
2) Thuyết trình được một danh lam, di tích lịch sử hay đặc sản của địa
phương.
3) Kể tên một số hoạt động thông tin liên lạc; hoạt động nông nghiệp; hoạt
động công nghiệp, thương mại.
4) Xác định được ích lợi của hoạt động thông tin liên lạc; hoạt động nông
nghiệp; hoạt động công nghiệp, thương mại đối với đời sống.
5) So sánh được làng quê với đô thị.
6) Vẽ và giới thiệu được nơi mình đang sinh sống hay mong muốn sinh sống.
7) Giáo dục được lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước.
2. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
2.1. TRÒ CHƠI: AI NHANH? AI ĐÚNG?
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1)
 Thời gian: 20 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Máy chiếu/ tivi; clip/PPT các địa điểm nổi tiếng của
TP Hồ Chí Minh và Quận Bình Thạnh; bảng nhóm
 Triển khai hoạt động:
PL53

- GV chia nhóm, giao nhiệm vụ: Xem clip và ghi nhớ tên các địa điểm được
nhắc đến.
- GV chia nhóm 4. Nhóm thảo luận, cử nhóm trưởng, phân công nhiệm vụ.
- GV Chiếu clip về những địa điểm nổi tiếng và cơ quan hành chính, văn hóa,
giáo dục, y tế lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và Quận Bình Thạnh (nơi nổi
tiếng và nơi ở địa phương không cần để tên).
(Bưu điện Thành phố; Đài truyền hình Thành phố; Ngân hàng Nhà nước; Hội
trường Thống nhất; Ủy ban Nhân dân Thành phố; Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến
Nhà Rồng); Nhà hát lớn Thành phố; Bệnh viện Chợ Rẫy; Chợ Bến Thành; Phố
đi bộ Nguyễn Huệ; Bệnh viện Gia Định; Lăng Ông Bà Chiểu (Lăng Tả Quân Lê
Văn Duyệt); Chợ Bà Chiểu; Trường TH Tô Vĩnh Diện (HS đang học))
- HS ghi nhớ, ghi chú.
- GV tổ chức cho các nhóm thi kể lại theo hình thức thách thức (đấu giá: nhóm
tôi kể được 1 nơi, nhóm tôi kể được 2 nơi,...) hay viết vào bảng nhóm.
- GV tổng kết trò chơi.
- GV yêu cầu HS hoạt động nhóm 4: chia sẻ về nơi mà các em thích nhất, kỉ
niệm với nơi đó.
- HS thảo luận nhóm.
2.2. HOẠT ĐỘNG: HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 2 và 7)
 Thời gian: 15 phút + 1 tiết (thời gian chuẩn bị trước 1 tuần).
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Giấy roki, bút màu, bút chì, gôm, giấy màu, kéo, hồ
dán, tranh ảnh HS chuẩn bị ở nhà.
 Triển khai hoạt động:
- GV chia nhóm 4 hoặc 6 HS, giao nhiệm vụ: HS lựa chọn địa danh nổi tiếng
của Thành phố hay Quận Bình Thạnh mà mình quan tâm (có thể gợi ý 1 số địa
điểm), đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách về địa điểm đó.
PL54

- HS thảo luận nhóm chọn phương án thực hiện (địa danh, hình thức thực hiện),
phân công nhiệm vụ: sưu tầm tranh ảnh, bài hát, thiết kế sản phẩm (vẽ, cắt dán,
làm PPT, quay phim,... tùy vào khả năng HS) kèm với việc giới thiệu.
- HS hoàn thành sản phẩm (báo cáo tiến độ cho GV mỗi ngày, GV hỗ trợ (nếu
cần)).
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm trước lớp.
- HS nhận xét, đánh giá.
 GV tổ chức cho HS trưng bày sản phẩm.
2.3. HOẠT ĐỘNG: TRÒ CHƠI “KHẮC XUẤT, KHẮC NHẬP”
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 3 và 4)
 Thời gian: 20 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Tranh về các hoạt động thông tin liên lạc; hoạt động
nông nghiệp; hoạt động công nghiệp, thương mại; Bảng nhóm (chia sẵn
cột), bút.
 Triển khai hoạt động:
- GV chia nhóm (nhóm 4 HS), giao nhiệm vụ: xếp tranh các hoạt động theo
nhóm và viết lợi ích của hoạt động bên dưới tranh. Nhóm hoàn thành nhanh và
đúng là nhóm chiến thắng.
- HS thảo luận nhóm, thực hiện nhiệm vụ. GV quan sát, hộ trợ (nếu cần).
- GV tổ chức cho các nhóm trình bày kết quả (lí do chia nhóm các tranh): 1 – 2
nhóm trình bày, các nhóm khác nhận xét, bổ sung.
- GV tổng kết trò chơi.
 HS kết luận: Các nhóm hoạt động và ích lợi của nó với đời sống xã hội.
2.4. HOẠT ĐỘNG: LÀNG QUÊ HAY ĐÔ THỊ
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 5)
 Thời gian: 1 tiết.
 Địa điểm: lớp học
PL55

 Đồ dùng dạy học: Giấy A2, bút màu, bút chì, gôm, hồ dán, giấy màu,
kéo. Tranh về làng quê và đô thị, phiếu học tập. Bộ ảnh làng quê và đô
thị: nhà cửa, đường sá, cảnh vật, nghề nghiệp,...(vị trí ngẫu nhiên, tận
dụng ảnh từ hoạt động trước đó).
 Triển khai hoạt động:
- GV chia nhóm (6 HS), phát mỗi nhóm 2 tờ giấy lớn (A2) và giao nhiệm vụ cho
HS: dán ảnh vào giấy để tạo thành bức tranh toàn cảnh làng quê, đô thị (kết hợp
với vẽ, trang trí).
- HS thực hiện nhiệm vụ được giao theo nhóm: thảo luận phương án, quan sát
tranh ảnh bằng các giác quan, chia thành 2 nhóm, sắp xếp vị trí các ảnh cho phù
hợp. Khi đó, GV bao quát lớp học, hỗ trợ các nhóm gặp khó khăn.
- GV tổ chức cho HS trình bày kết quả và nhận xét.
+ Các nhóm phản hồi kết quả của nhau: đại diện nhóm trình bày ý tưởng và kết
quả. Các nhóm khác phân tích, phản hồi, bổ sung, đóng góp vào nội dung của
các nhóm đã trình bày.
+ GV dẫn dắt HS rút ra kết luận về đặc điểm của làng quê và đô thị.
- GV tổ chức cho HS chia sẻ trong nhóm: Thích sống ở đâu hơn (làng quê hay
đô thị) ? Vì sao?
2.5. HOẠT ĐỘNG: VẼ QUÊ HƯƠNG
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 6 và 7)
 Thời gian: 25 phút.
 Địa điểm: lớp học
 Đồ dùng dạy học: Giấy vẽ, màu, bút chì, gôm.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân: Hãy vẽ về nơi mà em đang sống hoặc mong muốn
sinh sống.
- HS thực hiện. GV quan sát, hỗ trợ (nếu cần).
PL56

- GV tổ chức cho HS chia sẻ trong nhóm sản phẩm của mình (Nơi đang sống
hay nơi mong muốn sinh sống? Đó là làng quê hay đô thị? Ở đó có điều gì hấp
dẫn?).
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm trước lớp và nhận xét (nội dung và
thẩm mĩ).
- Trưng bày tranh.
3. ĐÁNH GIÁ (15 phút)
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc thuyết trình, trình bày sản phẩm: Hoạt
động Hướng dẫn viên du lịch (đánh giá nhóm), Vẽ quê hương (đánh giá cá nhân).
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm (đánh giá nhóm): Hoạt động
Hướng dẫn viên du lịch, Trò chơi: ai nhanh? Ai đúng?, Trò chơi “Khắc xuất,
Khắc nhập”, Hoạt động Làng quê hay đô thị? Vẽ quê hương.
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân (đánh giá cá
nhân).
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu bài học sau
khi thực hiện bài học (đánh giá cá nhân).
PL57

Bài 33: An toàn khi đi xe đạp


TÔI LÁI XE ĐẠP AN TOÀN
(Trò chơi)
1. MỤC TIÊU
1) Trình bày được một số quy định đảm bảo an toàn khi đi xe đạp.
2) Xác định được hậu quả nếu đi xe đạp không đúng quy định.
3) Hình thành ý thức giữ an toàn khi tham gia giao thông.
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
 Thời gian: 25 phút.
 Địa điểm: sân trường
 Chuẩn bị: Vẽ sa hình đường giao thông trên sân, biển báo giao thông,
tín hiệu đèn + số giây.
 Triển khai hoạt động:
GV chia nhóm HS 11 HS 1 nhóm. Mỗi thành viên nhóm có nhiệm vụ sau:
 2 HS là người đi xe đạp.
 6 HS ra hiệu đèn giao thông.
 2 HS giơ biển báo giao thông.
 1 HS đóng vai cảnh sát giao thông.
Luật chơi:
- Thi đấu theo đội: A và B. Mỗi đội được tặng 100 điểm trước khi tham gia.
Mỗi lượt chơi có 2 đội, thời gian chơi tối đa: 7 phút.
- Hai thành viên lái xe đạp di chuyển theo hình thức tiếp sức, 1 cầm mô
hình xe đạp ở vạch xuất phát di chuyển tới cuối đường và lấy trong giỏ 04 phiếu
(2 hành vi phải tuân thủ và 2 hành vi không được làm khi tham gia giao thông
bằng xe đạp). Sau đó, 1 chuyền phiếu và mô hình xe cho 2. 2 di chuyển trở về
đích, dán các phiếu nhận được thành 2 nhóm: phải làm và không được làm.
- Trên đường di chuyển, người lái xe phải đi đúng luật giao thông.
PL58

- Trên đường di chuyển có 2 trạm dừng (trạm 1 ở lượt đi và trạm 2 ở lượt


về), ở mỗi trạm, thành viên lái xe phải trả lời đúng tên biển báo giao thông được
đưa ra thì mới được di chuyển tiếp. Ở nơi có tín hiệu đèn giao thông, người chơi
phải tuân thủ đúng tín hiệu đưa ra + số giây của đèn.
- Thành viên đóng vai cảnh sát giao thông có nhiệm vụ theo dõi, bắt lỗi vi
phạm của các đội chơi (đội A theo dõi B và ngược lại).
- Thành viên đội A sẽ ra hiệu đèn, biển báo cho đội B và ngược lại. Tín
hiệu đèn là số giây ở mỗi vị trí tương ứng là như nhau.
- Đội thực hiện đúng phiếu được cộng 20 điểm và nhanh được cộng 5 điểm.
Đội cao điểm nhất là đội chiến thắng. Lưu ý: khi thành viên lái xe đi phạm luật,
nhóm phải thực hiện di chuyển lại từ đầu và bị trừ 5 điểm.
* Sa hình:

* Tiến hành chơi:


- Bước 1: GV giới thiệu luật chơi + chơi mẫu.
- Bước 2: GV chia nhóm.
PL59

- Bước 3: HS thảo luận nhóm, phân công nhiệm vụ, thảo luận chiến lược chơi
và nội dung kiến thức cần lưu ý.
- Bước 4: HS thực hiện trò chơi. GV quan sát, hỗ trợ.
Có thể chơi 2 lượt (thay đổi vị trí các thành viên).
- Bước 5: Sau khi chơi xong, HS nhận xét việc tham gia trò chơi của nhóm.
- Bước 6: GV tổng kết trò chơi, yêu cầu HS rút ra quy định khi tham gia giao
thông bằng xe đạp và hậu quả có thể có nếu đi không đúng quy định.
- Bước 7: HS rút ra kết luận: quy định khi tham gia giao thông bằng xe đạp và
hậu quả có thể có nếu đi không đúng quy định.
* Sau trò chơi:
- GV yêu cầu HS hoạt động nhóm: sáng tác câu khẩu hiệu / bài thơ ngắn để tuyên
truyền về an toàn giao thông. (5 phút)
HS thảo luận nhóm và thực hiện.
GV tổ chức cho HS trình bày, nhận xét.
(Lưu ý: Hoạt động Lái xe an toàn có thể tổ chức tại lớp, sa hình được đính lên
bảng, người chơi di chuyển mô hình xe đạp trên sa hình tương tự như chơi ở sân
trường).
3. ĐÁNH GIÁ (5 phút)
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm (đánh giá nhóm).
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu bài học sau
khi thực hiện bài học (đánh giá cá nhân).
PL60

CHỦ ĐỀ: TỰ NHIÊN


KẾ HOẠCH DẠY HỌC (7 tiết)
- Bài 49: Động vật (tuần 25).
- Bài 50: Côn trùng (tuần 25).
- Bài 51: Tôm, cua (tuần 26).
- Bài 52: Cá (tuần 26).
- Bài 53: Chim (tuần 27).
- Bài 54: Thú (tuần 27).
- Bài 55: Thú (tt) (tuần 28).
DỰ ÁN: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT
1. MỤC TIÊU: Sau khi học bài này, HS có khả năng:
1) Trình bày được cấu tạo 3 phần của cơ thể động vật.
2) Xác định được các bộ phận bên ngoài của một số động vật.
3) Minh họa được sự đa dạng về phong phú của động vật về hình dạng, kích
thước và cấu tạo ngoài.
4) Nêu được ích lợi hoặc tác hại của côn trùng; tôm, cua; cá; chim; thú đối
với con người.
5) Trình bày được các bộ phận và đặc điểm cấu tạo của côn trùng; tôm, cua;
cá; chim; thú.
6) Thiết kế được mô hình về thế giới động vật quanh em.
7) Giáo dục ý thức bảo vệ động vật, yêu thiên nhiên.
2. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
2.1. CHỦ ĐỀ: NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỘNG VẬT
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 1, 2, 3, 4, 5 và 7)
 Thời gian: 3 tiết (có thời gian chuẩn bị ở nhà).
 Địa điểm: lớp học.
 Đồ dùng dạy học: Loa, máy chiếu, phiếu phân công nhiệm vụ, bút chì,
bút màu, gôm, bút mực, hồ dán; giấy màu, giấy bìa, giấy báo cũ, bút màu,
PL61

ruy băng, kim bấm, băng keo,... và những vật dụng HS tự chuẩn bị.
GV chia nhóm (6 – 8 HS), giao nhiệm vụ nhóm:
Bắt thăm chọn 01 trong 05 chủ đề: Côn trùng; tôm, cua; cá; chim; thú. Trình bày
về:
- Một số con vật đại diện
- Cấu tạo chung: (cơ thể gồm mấy phần? Phần nào?)
- Đặc điểm cấu tạo nổi bật:
+ Côn trùng: không xương sống, chân có đốt, phần lớn đều có cánh.
+ Tôm, cua: không xương sống. Cơ thể chúng được bao phủ lớp võ cứng, có
nhiều chân và chân phân thành các đốt.
+ Cá: có xương sống, sống dưới nước, thở bằng mang. Cơ thể chúng thường có
vảy, có vây.
+ Chim: có xương sống, thưởng sống trên không (bay lượn). Cơ thể thường có
lông vũ.
+ Thú: có xương sống, lông mao, đẻ con, nuôi con bằng sữa (động vật có vú).
- Môi trường sống
- Thức ăn
- Lợi ích/tác hại với đối với con người.
- HS thảo luận nhóm, lên kế hoạch thực hiện; lựa chọn hình thức, phân công
nhiệm vụ.
+ Lựa chọn hình thức thực hiện: vẽ, lập sơ đồ tư suy, làm PPT, làm video.
+ Phân công nhiệm vụ theo bảng sau:
Thời gian
STT Thành viên Nhiệm vụ Sản phẩm
hoàn thành
Sưu tập hình ảnh,
video
Tìm hiểu thông tin
Tổng hợp thông tin
PL62

Phác thảo sản


phẩm
Thiết kế sản phẩm
Tập thuyết trình
trong nhóm
Theo dõi, đôn đốc
....

- HS báo cáo phương án cho GV, GV góp ý.


- HS thực hiện và báo cáo tiến độ cho GV. GV hỗ trợ (nếu cần)
- GV tổ chức cho HS báo cáo, ghi chép và nhận xét.
Trưng bày sản phẩm
 Rút ra điểm chung về cấu tạo của động vật: thường gồm 3 phần (đầu, mình
và cơ quan di chuyển).
 Kết luận về sự đa dạng của thế giới động vật về chủng loại, hình dạng,
kích thước và cấu tạo cơ thể.
- GV tổng kết, chốt ý.
2.2. CHỦ ĐỀ: VẺ ĐẸP CỦA THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT
(Hội thi Thiết kế và trình diễn thời trang)
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 3, 5 và 7)
 Thời gian: 1 tiết 20 phút.
 Địa điểm: lớp học hoặc sân khấu của trường.
 Đồ dùng dạy học: Bút chì, bút màu, gôm, bút mực, hồ dán; giấy màu,
giấy bìa, giấy báo cũ, bút màu, ruy băng, kim bấm, băng keo,... và những
vật dụng HS tự chuẩn bị.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ nhóm (ở chủ đề 1), công bố tiêu chí đánh giá (thông điệp
và thẩm mĩ).
PL63

- HS làm việc nhóm 6 - 8, lên phương án thiết kế trang phục và phụ kiện đi kèm
theo chủ đề “Thế giới động vật”. (theo chủ đề nhỏ đã bắt thăm trước đó)
- HS thiết kế trang phục (giày dép, mũ, quần áo, trang sức).
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm (Thuyết minh, trình diễn) và nhận xét.
 Ứng dụng những đặc trưng của các nhóm động vật để tạo điểm đặc biệt cho
bộ sưu tập ( ứng dụng thực tế của kiến thức).
2.3. CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT TRONG MẮT TÔI
(Nhằm thực hiện mục tiêu số 6 và 7)
 Thời gian: 2 tiết.
 Địa điểm: lớp học hoặc sân khấu của trường.
 Đồ dùng dạy học: Hình các con vật bằng nhựa, giấy,.. (HS chuẩn bị),
giấy foam, bông gòn, bút chì, bút màu, gôm, bút mực, hồ dán; giấy màu,
giấy bìa, giấy báo cũ, bút màu, ruy băng, kim bấm, băng keo,... và những
vật dụng HS tự chuẩn bị.
 Triển khai hoạt động:
- GV chia nhóm (nhóm đủ thành viên của các nhóm ở chủ đề 1 và 2), giao nhiệm
vụ nhóm, công bố tiêu chí đánh giá (nội dung và thẩm mĩ). Nhiệm vụ: thiết kế
mô hình thế giới động vật (con vật + môi tường sống).
Ví dụ sản phẩm mong đợi ở HS:

- HS làm việc nhóm, lên phương án thực hiện.


- HS tiến hành thực hiện.
PL64

- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm (Thuyết minh, trình diễn) và nhận xét.
Trưng bày sản phẩm
3. ĐÁNH GIÁ (15 phút).
3.1. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá việc thuyết trình, trình bày sản phẩm
PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM
Tên hoạt động: NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỘNG VẬT
Tên nhóm:
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GHI
TIÊU CHÍ GIÁ CHÚ
A B C D (Lí do)
1. Thời gian thể hiện (5 phút)
2. Nội dung thể hiện
Đúng chủ đề
Nêu đúng tên một số con vật đại diện (ít nhất
05 con vật)
Xác định đúng các phần của cơ thể động.
Trình bày được đặc điểm cấu tạo nổi bật.
Nêu đúng môi trường sống của nhóm động
vật.
Nêu đúng thức ăn của nhóm động vật
Nêu đúng lợi ích/ tác hại với đối với con
người.
Lô gic, khoa học
Dễ hiểu, thu hút
3. Hình thức Thuyết trình tự tin, thu hút
Hình ảnh minh họa thu hút
Sáng tạo
4. Trả lời phản biện
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)

PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM


Tên hoạt động: VẺ ĐẸP CỦA THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT
PL65

Tên nhóm:
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI
TIÊU CHÍ CHÚ
A B C D
(Lí do)
1. Thời gian trình diễn (1 phút)
2. Số lượng trang phục
3. Nội dung thể hiện
Đúng chủ đề
Trang phục thể hiện được đặc điểm của
động vật mà nhóm lựa chọn
Thông điệp ý nghĩa
Trình diễn tự tin, thu hút
Trang phục có màu sắc phù
4. Hình
hợp, bắt mắt
thức
Thuyết trình tự tin, thu hút
Sáng tạo
5. Trả lời phản biện
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
PL66

PHIẾU ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG NHÓM


Tên hoạt động: THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT TRONG MẮT TÔI
Tên nhóm:
Họ và tên người đánh giá:
ĐIỂM ĐÁNH GIÁ GHI CHÚ
TIÊU CHÍ
A B C D (Lí do)
1. Thời gian thuyết
trình (1 phút)
2. Nội dung thể hiện
Đúng chủ đề
Đủ số lượng các nhóm
động vật đã học
Con vật phù hợp với môi
trường sống
Thông điệp ý nghĩa
Đẹp mắt
3. Tràn phục có
Hình màu sắc phù
thức hợp, bắt mắt
Sáng tạo
4. Trả lời phản biện
Tổng điểm
Địa danh, ngày ... tháng ... năm ...
(Kí và ghi rõ họ tên người đánh giá)
3.2. Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá hoạt động nhóm (đánh giá nhóm)
3.3. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá hoạt động nhóm của bản thân (đánh
giá cá nhân).
3.4. Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu dự án sau
khi thực hiện dự án (đánh giá cá nhân, tự đánh giá).
PL67

KẾ HOẠCH DẠY HỌC (1 tiết)


Bài 64: Năm, tháng và mùa (tuần 32).

CÂY THỜI GIAN


1. MỤC TIÊU: Sau khi học xong bài này, HS có khả năng:
1) Nêu được các tháng, các mùa trong năm.
2) Trình bày được đặc điểm nổi bật của các mùa.
3) Xác định được các tháng của mùa.
4) Xác định được các ngày đặc biệt trong năm.
5) Tạo được một cây thời gian cho mình.
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC: LÀM CÂY THỜI GIAN
 Thời gian: 1 tiết.
 Địa điểm: lớp học.
 Đồ dùng dạy học: giấy foam, bông gòn, giấy bìa, bút chì, bút màu, gôm,
bút mực, hồ dán; giấy màu, bút màu, ruy băng, kim bấm, băng keo.
 Triển khai hoạt động:
- GV giao nhiệm vụ cá nhân, công bố tiêu chí đánh giá: HS xem lịch và sáng tạo
một cây thời gian: thể hiện đặc trưng các mùa, các tháng của một mùa, và những
ngày đặc biệt đối với bản thân trong năm.
Gợi ý các bước thực hiện:
Vẽ 4 cây (cùng kích thước) thể hiện đặc trưng 4 mùa lên giấy, đánh dấu các
tháng lên cây (lá hoặc quả), đánh dấu các ngày đặc biệt đối với bản thân, dán
4 cây vào nhau (gấp đôi, dán 1 nửa cây này dính vào 1 nửa cây tiếp theo tạo
thành 1 vòng tròn).
PL68

Hình ảnh minh họa hình vẽ cho cây 4 mùa


(Nguồn: Google Hình ảnh – Cây 4 mùa)

- HS lên phương án thực hiện, chia sẻ nhóm đôi.


- HS thực hiện. GV quan sát, hỗ trợ.
- HS thực hiện xong, GV tổ chức cho HS chia sẻ sản phẩm trong nhóm: đặc
trưng các mùa, các tháng của một mùa, và những ngày đặc biệt đối với bản thân
trong năm.
- GV tổ chức cho HS trình bày sản phẩm trước lớp và nhận xét
 HS kết luận về các mùa, các tháng của mùa trong năm
- GV dẫn dắt để HS rút ra nhận xét về các mùa của TP Hồ Chí Minh.
- GV tổng kết hoạt động, chốt nội dung bài học.
- Trưng bày sản phẩm.
3. ĐÁNH GIÁ (5 phút)
- Tổ chức hướng dẫn HS đánh giá sản phẩm (nhóm đánh giá cá nhân).
- Tổ chức hướng dẫn HS tự đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu bài học sau
khi học (đánh giá cá nhân: tự đánh giá).
PL69

PHỤ LỤC 9
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THU ĐƯỢC QUA THỬ NGHIỆM

Hoạt động: Du hành Hệ Mặt Trời

Hoạt động: “Khắc nhập! Khắc nhập!” và Hoạt động: Nét vẽ xanh
PL70

Hoạt động: Bí mật của quả, Họa sĩ


nhí, “Hạt ơi! Lớn lên đi!”

You might also like