Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 24

1.2.

Lồng ngực
1.2.1. Các xương lồng ngực
Xương của ngực bao gồm xương ức, các xương sườn và sụn sườn, cùng các đốt
sống ngực.
1.2.1.1. Xương ức (sternum)
Là một xương dẹt, dài trung bình 17cm tạo nên phần giữa thành trước lồng ngực.
Khi còn là bào thai, xương ức được tạo bởi nhiều mảnh xương độc lập, sau này chúng
dính lại với nhau. Ở người lớn xương ức gồm 3 phần: cán ức, thân ức và mũi ức (mỏm
mũi kiếm). Về mặt cấu trúc, xương ức được tạo nên bởi các chất xốp chứa nhiều mạch
máu, được phủ bởi lớp xương đặc ở hai mặt. Trong các hốc của chất xốp có chứa tủy đỏ,
có thể chọc xương ức lấy tủy làm tủy đồ.
Hình 1.10. Xương ức (A. Nhìn thẳng B. Nhìn nghiêng)

1, Đĩa ức
2. Thân ức
3. Mũi ức
4. Các Khuyết sườn
5. Cán ức
6.7. Diên khớp với xương đòn
8. Diện khớp sụn sườn I
9. Diện khớp sụn sườn II
10. Diện khớp sụn sườn III, IV, V
11. Diện khớp sụn sườn VI, VII
12. Mũi ức
- Cán ức: thường có hình tam giác, rộng và dày ở trên, ở dưới hẹp và khớp với thân.
Cán ức có hai mặt (trước và sau), bốn bờ (trên, dưới và 2 bờ bên).
+ Bờ trên dày, có khuyết tĩnh mạch cảnh (đĩa ức) ở giữa, hai bên có khuyết đòn để
khớp với đầu ức của xương đòn.
+ Bờ bên: ở trên có hõm khớp để khớp với sụn sườn thứ nhất, ở dưới có mặt khớp
nhỏ cùng với mặt khớp ở góc trên thân ức khớp với sụn sườn thứ hai.
+ Bờ dưới: khớp với đầu trên thân xương ức qua một lớp sụn mỏng.
- Thân xương ức: dài, hẹp, mỏng hơn cán ức, có 2 mặt, 2 bờ và 2 đầu.
+ Đầu trên khớp với bờ dưới cán ức, tạo nên góc ức.
+ Đầu dưới hẹp, khớp với mỏm mũi kiếm. Ở hai bên đầu dưới có mặt khớp nhỏ để
cùng với mặt khớp ở mỏm mũi kiếm tạo nên mặt khớp sườn để khớp với sụn sườn 7.
+ Bờ bên có 4 khuyết sườn khớp với các sụn sườn 3, 4, 5 và 6.
- Mũi ức: là phần nhỏ nhất và hay thay đổi nhất của xương ức ( có thể rộng và
mỏng, nhọn hay chẻ đôi, có khi có lỗ thủng...).
1.2.1.2. Xương sườn (costae)
Xương sườn là những xương dài, cong và dẹt, ở sau liên kết với cột sống ngực, ở
trước tiếp khớp với xương ức thông qua các sụn sườn.
Có 12 đôi xương sườn được đánh số từ I-XII tính từ trên xuống dưới, giữa chúng
tạo nên các khoang gian sườn. Dựa vào sự tiếp xúc với xương ức người ta chia thành 3
loại xương sườn:
- Xương sườn thật là các xương sườn tiếp khớp trực tiếp với xương ức qua các sụn
sườn riêng gồm 7 đôi xương sườn trên từ xương sườn I đến xương sườn VII.
- Xương sườn giả là các xương sườn tiếp khớp gián tiếp với xương ức thông qua
sụn sườn VII gồm 3 đôi xương sườn từ xương sườn VIII đến xương sườn X.
- Xương sườn cụt là các xương sườn không tiếp khớp với xương ức gồm hai đôi
xương sườn cuối từ xương sườn XI đến xương sườn XII.
* Hướng, chiều của các xương sườn: xương sườn cong từ sau ra trước, mặt lõm
quay vào trong nhưng đường cong này không đều. Xương sườn từ cột sống ngực chạy
lệch xuống dưới và ra ngoài, rồi vòng ra trước và xuống dưới cuối cùng vòng vào trong
và xuống dưới để dính vào sụn sườn. Do vậy xương sườn có 3 đường cong.
+ Cong theo mặt: là đường cong rõ nhất, nghĩa là cong từ sau ra trước, mặt lõm
quay vào trong.
+ Cong theo bờ: là đường cong khi ta nhìn nghiêng hay khi đặt xương suowfn trên
một mặt phẳng. Bờ trên hoặc bờ dưới của xương cong theo hình chữ S mà đầu sau thì
vểnh lên trên, còn đầu trước thì hạ xuống dưới.
+ Cong theo trục: nghĩa là xương sườn xoắn vặn để mặt ngoài của đoạn sau nhìn
xuống dưới và ra sau, của đoạn giữa nhìn thẳng râ ngoài và của đoạn trước thì nhìn lên
trên và ra trước.
* Hình thể: Mỗi xương sườn có một thân và 2 đầu:
- Đầu trước: hơi lõm, khớp với đầu ngoài của sụn sườn.
- Đầu sau: gồm chỏm sườn và cổ sườn.
+ Chỏm sườn: có 2 mặt khớp chỏm sườn, mặt khớp dưới khớp với thân đốt sống
cùng số tương ứng, mặt khớp trên khớp với thân đốt sống trên. Giữa hai mặt khớp chỏm
sườn là mào chỏm sườn tiếp xúc với đĩa gian đốt sống.
+ Cổ sườn: là phần dẹt tiếp với chỏm và nằm ở phía trước mỏm ngang của đốt sống
ngực cùng số tương ứng.
- Thân xương sườn: có 2 mặt (trong, ngoài), 2 bờ (trên, dưới). Mặt trong nhẵn có
một rãnh chạy dọc theo bờ dưới gọi là rãnh dưới sườn, có bó mạch thần kinh gian sườn
nằm trong rãnh nên khi chọc qua khoang gian sườn ta cần tỳ kim lên bờ trên của xương
sườn dưới của mỗi khoang để không chọc vào mạch và thần kinh.
+ Củ sườn : là chỗ lồi ở trên mặt ngoài, giữa thân và cổ sườn. Trên củ sườn có mặt
khớp của củ sườn để khớp với mỏm ngang của đốt sống ngực.
Hình 1.11. Xương sườn
1. Chỏm sườn

2. Cổ sườn

3. Củ sườn

4. Mặt trong

5. Đầu trước

6. Rãnh dưới sườn

7. Mặt ngoài

8. Bờ trên

* Một số xương sườn đặc biệt


- Xương sườn I: là xương sườn trên cùng, cong nhất và ngắn nhất. Xương có 2 mặt
(trên, dưới), 2 bờ (trước, sau), 2 đầu (sau, trước).
+ Đầu trước rộng và dày hơn bất kỳ xương sườn nào khác.
+ Thân xương rộng, mặt trên nhìn lên trên ra trước. Ở phía trước gần bờ trong có củ
cơ bậc thang trước. Trước củ có rãnh tĩnh mạch dưới đòn, sau củ có rãnh động mạch dưới
đòn. Mặt dưới của thân xươn nhẵn và không có rãnh sườn.
- Xương sườn II : dài gấp đôi xương sườn I. Trên phần sau mặt trong có rãnh sườn
rất ngắn.
1.2.1.3. Sụn sườn
Sụn sườn là các thanh sụn trong, tiếp nối với đầu trước xương sườn và góp phần
quan trọng cho việc đàn hồi của lồng ngực. Bảy đôi sụn sườn đầu tiên có các sụn sườn
đầy đủ trực tiếp khớp với xương ức. Các sụn sườn 8, 9, 10 không tiếp khớp trực tiếp với
xương ức mà dính liền với sụn sườn 7 thành một khối chung.
1.2.1.4. Đốt sống ngực
* Đặc tính chung của các đốt sống ngực:
- Thân: dày hơn các đốt sống cổ, đườn kính ngang và đường kính trước sau gần
bằng nhau. Đặc điểm rõ nét nhất là ở phần sau của mỗi mặt bên thân có 2 mặt khớp lõm
để tiếp khớp với chỏm xương sườn, gọi là hõm sườn.
- Cuống đốt sống lõm ở bờ dưới nhiều hơn bờ trên và dính vào nửa trên mặt sau
thân.
- Mảnh đốt sống ngực rộng và dày.
- Mỏm gai dài chếch xuống dưới, ra sau.
- Mỏm ngang có hõm khớp để tiếp khớp với củ sườn.
Hình 1.12. Đốt sống ngực

Mỏm gai
Mảnh đốt sống
Lỗ đốt sống
Cuống đốt sống
Thân đốt sống
Diện khớp chỏm sườn
Diện khớp trên
Mỏm ngang
Diện khớp củ sườn

* Đặc điểm riêng của một số đốt sống ngực


- Đốt sống ngực 1: hõm sườn trên là một hố hình tròn nằm ở phần trên mặt bên của
thân, tiếp khớp với toàn bộ mặt khớp của đầu xương sườn I. Hõm sườn dưới nhỏ, hình
bán nguyệt chỉ tiếp khớp với nửa mặt khớp của đầu xương sườn II.. Mỏm gai dài, dày,
nằm ngang.
- Đốt sống ngực 9: thường không có hõm sườn dưới ở thân vì không khớp với đầu
xương sườn X.
- Đốt sống ngực 10: chỉ tiếp khớp với đầu xương sườn X qua hõm sườn trên hình
tròn nằm ở bờ trên thân nơi liên tiếp với cuống đốt sống. Hõm sườn dưới mất hẳn, có thể
không có hõm sườn mỏm ngang.
- Đốt sống ngực 11: chỉ tiếp khớp với đầu xương sườn XI. Mỏm ngang ngắn, không
có hõm sườn của mỏm ngang.
- Đốt sống ngực 12: chỉ có một hõm sườn, thân đốt sống ngực 12 to gần giống thân
đốt sống thắt lưng. Mỏm ngang nhỏ, không có hõm khớp sườn.
1.2.2. Các khớp của ngực
Lồng ngực do cột sống ngực, xương sườn, sụn sườn và xương ức hợp thành, nên có
các khớp:
- Các khớp sườn đốt sống.
- Các khớp ức sườn.
- Các khớp sườn sụn.
- Các khớp gian sụn.
1.2.2.1. Các khớp sườn sống (articulationes costovertebrales)
Các khớp sườn sống gồm hai loại: các khớp giữa chỏm sườn với thân đốt sống và
các khớp giữa củ sườn với mỏm ngang.
* Các khớp chỏm sườn (articulationes capitis costae)
- Mặt khớp : gồm chỏm sườn, hai nửa mặt khớp ở thân hai đốt sống kề nhau và bờ
sau đĩa gian đốt sống. Chỏm các xương sườn I, X, XI và XII chỉ tiếp khớp với một mặt
khớp ở mặt bên của đốt sống tương ứng.
- Bao khớp: bao khớp sợi mỏng nối chỏm sườn với đốt sống kề bên trên và dính vào
đĩa gian đốt sống.
- Dây chằng: có 2 dây chằng
+ Dây chằng chỏm sườn nan hoa (dây chằng tia) đi từ phần trước chỏm sườn, tỏa
hình quạt hay hình nan hoa tận hết ở mặt bên 2 đốt sống và đĩa gian đốt sống tương ứng.
+ Dây chằng chỏm sườn nội khớp (dây chằng gian khớp) : nằm trong ổ khớp, gồm
một dải sợi ngắn đi từ mào chỏm sườn chạy xuống dưới tới đĩa gian đốt sống. Dây chằng
này chia khớp thành hai ổ riêng biệt.
- Bao hoạt dịch: lót trong bao khớp sợi tạo nên hai túi hoạt dịch.

Hình 1.13. Các khớp sườn – đốt sống

1. Diện khớp sườn dưới

2. Dây chằng gian khớp

3. Dây chằng gian ngang

4. Diện khớp sườn trên

5. Dây chằng sườn ngang trên

6. Dây chằng chỏm sườn nan hoa


(dây chằng tia)

* Khớp sườn mỏm ngang (anticulatio costotransversaria)


- Diện khớp: Là khớp giữa củ sườn với mỏm ngang đốt sống ngực tương ứng. Đối
với xương sườn XI và XII khớp này thường không có.
- Bao khớp: bao sợi của bao khớp bám vào xung quanh các mặt khớp, bao hoạt dịch
lót mặt trong bao sợi.
Hình 1.14. Các khớp sườn- mỏm ngang
1. Các ổ hoạt dịch

2. Dây chằng tia

3. Dây chằng gian khớp

4. Dây chằng sườn ngang trên

5. Dây chằng sườn ngang bên

6. Dây chằng sườn ngang

- Dây chằng: khớp được tăng cường bởi các dây chằng sau:
+ Dây chằng sườn ngang: gồm những sợi ngắn, khỏe đi từ mặt sau cổ sườn đến mặt
trước mỏm ngang đốt sống ngực tương ứng.
+ Dây chằng sườn ngang trên: gồm hai lớp trước và sau. Các sợi trước đi từ mào cổ
sườn, chạy lên trên ra ngoài tận hết ở bờ dưới mỏm ngang đốt sống trên. Các sợi sau đi từ
mặt sau cổ sườn chạy lên trên vào trong, ở phía sau các sợi trước cũng tận hết ở mỏm
ngang đốt sống trên.
+ Dây chằng sườn ngang bên: gồm những sợi ngắn và dày chạy chếch ở sau khớp
sườn ngang, đi từ đỉnh mỏm ngang tới phần ngoài khớp của củ sườn.
+ Dây chằng thắt lưng sườn: gồm các sợi đi từ cổ xương sườn XII tới nền mỏm
ngang đốt sống thắt lưng I.
1.2.2.2. Các khớp ức sườn (articulationes sternocostales)
- Diện khớp: là những khớp do đầu trong các sụn sườn của các xương sườn thật
khớp với các hõm khớp ở bờ bên xương ức, thường được xếp loại là khớp hoạt dịch. Các
khớp này không có ổ khớp. Các mặt khớp được phủ bởi sụn sợi và dính các mặt khớp của
sụn sườn với xương ức. Sụn sườn thứ nhất dính trực tiếp vào xương ức tạo nên khớp sụn
ức sườn của xương sườn I.
- Bao khớp và dây chằng: lớp sợi của bao khớp thường mỏng. Các khớp ức sườn
được tăng cường bởi các dây chằng sau:
+ Dây chằng ức sườn nan hoa: là những dải màng rộng, mỏng từ mặt trước và sau
của đầu ức các sụn sườn tỏa ra hình tia để tận hết ở mặt trước và mặt sau xương ức. Các
sợi thuộc lớp nông của dây chằng này ở hai bên đan xen với nhau tạo nên một lớp màng
sợi bọc xương ức gọi là màng ức.
+ Dây chằng ức sườn nội khớp: thường chỉ có ở khớp ức sụn sườn thứ 2. Sụn sườn
2 khớp với xương ức qua một dải sợi sụn gọi là dây chằng nội khớp.
+ Các dây chằng sườn mũi kiếm: là dây chằng nối giữa mặt trước và mặt sau của
sụn sườn 7 với mặt trước và mặt sau của mỏm mũi kiếm.
Hình 1.15. Các khớp ức sườn (nhìn trước)

1. Dây chằng sườn đòn

2. Dây chằng ức sườn nội khớp

3. Các sụn sườn 3 và 4

4. Mỏm mũi kiếm

5. Dây chằng sườn mũi kiếm

6. Dây chằng ức sườn nan hoa

1.2.2.3. Các khớp sườn- sụn sườn (articulationes costochondrales) :do đầu ngoài
của các sụn sườn khớp với các chỗ lõm thuộc đầu ức của xương sườn tương ứng. Các
khớp này đều được bọc bởi màng ngoài xương.
1.2.2.4. Các khớp gian sụn sườn (articulationes interchondrales) là các khớp giữa
các mặt khớp nhẵn, nhỏ, hình trám của các bờ kề nhau của các sụn sườn 6 và 7; sụn sườn
7 và 8; sụn sườn 8 và 9.
1.2.2.5. Các khớp sụn của xương ức (synchondroses sternales)
Có hai khớp:
- Khớp sụn mũi kiếm ức: giữa mỏm mũi kiếm và thân xương ức, thường cốt hóa trở
thành khớp dính xương ở tuổi 40.
- Khớp dính (sụn sợi) cán ức - ức: là khớp giữa cán ức và thân xương ức, giữa
chúng có một đĩa sợi sụn, đĩa này thường hóa xương ở tuổi trưởng thành.
1.2.3. Cấu trúc lồng ngực
Lồng ngực là một khung xương sụn có tác dụng bảo vệ các tạng chính của hệ hô
hấp và tuần hoàn, giúp cho các tạng dễ dàng thực hiện chức năng của mình. Lồng ngực
có hình nón cụt, hẹp ở trên, rộng ở dưới, , có đường kính ngang lớn hơn đường kính trước
sau và ở phía sau cao hơn phía trước. Lồng ngực được mô tả với 4 thành và 2 lỗ.
- Thành trước: được tạo bởi xương ức và các sụn sườn.
- Thành sau: được tạo nên bởi cột sống ngực cong lồi ra trước và phần sau của các
xương sườn lõm thành hai rãnh sâu, rộng ở hai bên để chứa phần sau của phổi.
- Thành bên: hai thành bên được tạo nên bởi các xương sườn và sụn sườn ngăn
cách nhau bởi các khoang gian sườn. Có 11 khoang gian sườn được lấp kín bởi các cơ
gian sườn và màng gian sườn.
Các thành của lồng ngực giới hạn nên một khoang rỗng gọi là khoang ngực.
Khoang ngực có hai lỗ mở lên trên và xuống dưới.
Hình 1.16. Khung xương lồng ngực (nhìn mặt trước)

1. Đĩa ức 7. Xương sườn XII

2. Chỏm sườn 8. Khớp ức sụn


sườn
3. Cán ức
9. Khớp sụn sườn
4. Thân ức
10. Vòm cùng vai
5. Mũi ức đòn
6. Mỏm ngang 11 Khớp ức đòn
L1
12. Củ sườn

- Lỗ trên lồng ngực: là nơi khoang ngực thông với cổ. Lỗ được giới hạn bởi đốt
sống ngực I ở phía sau, các xương sườn I ở hai bên và bờ trên cán ức ở phía trước. Lỗ
này nằm trên một mặt phẳng chếch xuống dưới và ra trước.
- Lỗ dưới lồng ngực :lớn hơn được giới hạn bởi phía sau là đốt sống ngực XII, hai
bên là các xương sườn 11 và 12, ở phía trước là các sụn sườn 10, 9, 8, 7 và mỏm mũi
kiếm xương ức. Các bờ sườn và sụn sườn ở hai bên lỗ dưới lồng ngực chạy chếch lên
trên vào trong. Lỗ dưới lồng ngực có đường kính ngang dài hơn đường kính trước sau và
nằm trên một mặt phẳng chếch xuống dưới, ra sau.
So với lồng ngực của nam giới, lồng ngực nữ giới có dung tích nhỏ hơn, xương ức
ngắn hơn, bờ trên xương ức ngang mức với phần dưới thân đốt sống ngực 3 (ở nam giới
ngang mức với phần dưới thân đốt sống ngực 2). Các xương sườn trên di động cho phép
phần dưới lồng ngực giãn rộng.
1.3. Khung chậu
Chậu hay chậu hông là một đai xương khép kín, ở phần dưới thân mình, nối thân
liên tiếp với chi dưới. Chậu hông trong tư thế đứng là nơi chịu đựng sức đè ép của thân
mình do trọng lượng của cơ thể và sức mạnh của cơ bắp tạo nên. Chậu hông có nhiều ứng
dụng trong sản khoa, trong y pháp cũng như trong nhân chủng học. Dựa vào các đặc điểm
của chậu hông, người ta có thể phân biệt được giới tính.
1.3.1. Xương và khớp của chậu hông
Chậu được tạo nên bởi xương chậu ở phía trước và bên, xương cùng, xương cụt ở
phía sau. Các xương này được liên kết với nhau bởi các dây chằng và 4 khớp : hai khớp
hoạt dịch là khớp cùng chậu phải và trái, và hai khớp dính là khớp dính mu và khớp dính
cùng cụt.
Mô tả các xương và khớp của chậu hông : xem phần xương và khớp chi dưới.
Khung chậu được chia ra làm 2 phần do gờ vô danh xương chậu hợp với bờ trước
cánh xương cùng thắt hẹp lại ở giữa gọi là eo trên. Phần trên gọi là chậu hông lớn (pelvis
major), phần dưới gọi là chậu hông bé (pelvis minor). Vành dưới của chậu hông bé cũng
thắt hẹp gọi là eo dưới.
1.3.2. Chậu hông lớn (đại khung)
Ngẩng ra phía trước và trông ra bụng, đây là phần dưới bụng để hứng đỡ sức nặng
của các tạng trong ổ bụng đè lên. Chậu hông lớn được tạo nên do hố chậu trong và cánh
xương cùng, vành dưới là eo trên, vành trên là bờ trước bờ trên xương chậu và khớp cùng
chậu. Chậu hông lớn ít có giá trị trong sản khoa nhưng nếu quá nhỏ cũng có ảnh hưởng.
Người ta thường đo đường kính của vành chậu hông lớn để đoán đường kính của eo trên,
dự báo xem đầu trẻ có đi qua eo trên được hay không. Khi đường kính ngoài giảm nhiều
thì các đường kính trong cũng giảm theo.
- Đường kính liên mào chậu: đo ở chỗ rộng nhất giữa hai mào chậu.
- Đường kính liên gai: là khoảng cách giữa 2 gai chậu trước trên
- Đường kính liên mấu chuyển: đo khoảng cách giữa hai bờ trên mấu chuyển lớn
xương đùi.
- Đường kính Baudeloque: đo từ mỏm gai đốt sống thắt lưng 5 tới bờ trên khớp mu.
Đường kính chậu hông của phụ nữ Việt Nam là:

Người Việt Nam Người Pháp


Các đường kính khung chậu Đo trên Đo trên Đo trên
xương người người
Đường kính liên gai chậu trước 22,63 23,51 24
trên
Đường kính liên mào chậu 25,52 25,54 27
Đường kính liên mấu chuyển 25,60 28,33 31
Đường kính Baudelocque 17,45 18,33 19
Ngoài ra, trong sản khoa người ta còn đo và xác định hình trám Michaelis nối liền 4
điểm ở phía sau (mỏm gai LV ở trên, 2 gai chậu sau trên ở 2 bên, đỉnh của rãnh liên mông
ở dưới), đường kính dọc hình trám này bình thường là 11cm, đường kính ngang là 10cm
và cắt ngang đường kính dọc thành 2 đoạn: đoạn trên 4cm, đoạn dưới 7cm. Khi hình trám
không cân đối thì chắc chắn khung chậu bị méo.
1.3.3. Chậu hông bé (tiểu khung)
Chậu hông bé là phần chậu ở dưới chậu lớn, ngăn cách với chậu hông lớn bởi eo
trên. Trong chậu hông bé chứa các tạng: bàng quang, một phần cơ quan sinh dục, trực
tràng, mạch máu, thần kinh và bạch huyết. Chậu hông bé rất quan trọng trong sản khoa,
thai nhi có lọt được hay không là do các đường kính của tiểu khung quyết định. Được cấu
tạo do mặt trước tấm xương cùng-cụt ở sau, diện vuông của xương chậu ở bên và xương
mu, ngành ngồi mu ở trước. Có dây chằng cùng hông đi từ xương cùng cụt tới xương
ngồi nên trông như một ống tròn rộng và cong, mặt lõm nhìn về phía trước. Thành sau
của ống cao độ 12cm, thành trước cao 4 cm. Lỗ trên của ống là eo trên, lỗ dưới là eo
dưới.
Người ta thường đo các đường kính của chậu hông bé:
- Đường kính trước sau: đo từ điểm giữa đốt cùng 3 tới mặt sau khớp dính mu.
- Đường kính ngang: đo khoảng cách chỗ rộng nhất của chậu hông bé.
- Đường kính chéo: đo từ điểm thấp nhất của khớp cùng chậu bên này tới điểm giữa
màng bịt bên đối diện.
1.3.4. Eo trên
Là 1 vòng kín hoàn toàn bằng xương nên các đường kính không thay đổi do ụ nhô,
cánh xương cùng, gờ vô danh và bờ trước xương háng giới hạn nên, có hình tim ở nam
giới và hình bầu dục ở nữ giới. Eo trên của nữ giới thường rộng hơn của nam giới.
Eo trên nằm trên một mặt phẳng chếch xuống dưới và ra trước. Lỗ đi từ ụ nhô
xương cùng ở phía sau, rồi vòng sang hai bên và ra trước bởi đường tận. Mỗi đường tận
được tạo nên bởi đường cung xương chậu, lược xương mu và mào mu. Trong sản khoa
khi thăm khám chậu hông để tiên lượng cuộc đẻ, người ta thường đo đường kính của eo
trên.
Hình 1.17. Các kích thước chậu hông to và eo trên

1. Đường kính thẳng

2. Đường kính ngang

3. Đường liên mào chậu

4. Đường liên gai chậu


trước trên

5. Đường kính chéo

6. Đường liên mấu chuyển

- Đường kính trước sau: từ điểm giữa ụ nhô xương cùng tới bờ trên của khớp mu.
- Đường kính chéo: đo từ lồi chậu mu bên này tới khớp cùng chậu bên đối diện.
- Một số đường kính của eo trên: đường kính trước sau bé nhất:10,58cm; đường
kính ngang lớn nhất: 11,98cm; đường kính ngang chính giữa:11,70 cm và đường kính
chéo: 11,66cm
Trong đó đường kính ngang lớn nhất là vô dụng trong sản khoa vì gần mỏm nhô
quá, đường kính ngang chính giữa có tác dụng nhưng ngôi ít lọt theo đường kính này.
Ngôi thai thường lọt theo đường kính chéo trái, đường kính này có thể lớn hơn đường
kính chéo phải vài milimet. Đường kính trước sau là đường kính hữu dụng vì khi qua eo
trên thai bắt buộc phải qua đường này, đây là đường kính nhô hậu mu (góc nhô mặt sau
xương mu).
Trên khung xương ta còn có thể đo đường kính nhô thượng mu (góc nhô bờ trên
xương mu): 11 cm; hoặc đo đường kính nhô hạ mu (góc nhô bờ dưới xương mu): 12cm.
Trên lâm sàng có thể đo được đường kính nhô hạ mu qua âm đạo, từ đó có thể xác định
được đường kính nhô hậu mu. Đường kính nhô hậu mu = đường kính nhô hạ mu trừ đi
1,5 cm.
Diện của eo trên là mặt phẳng đi qua mỏm nhô và bờ trên khớp mu, nó tạo với
đường thẳng ngang 1 góc 600. Trục của eo trên là đường thẳng góc với trục chậu hông,
trên lâm sàng đường trục đó đi qua rốn và đốt sống CoI-II.
1.3.5. Eo dưới
Eo dưới là lỗ dưới của khung chậu, là hình tứ giác ghềnh có đường kính to nhất là
đường kính trước sau. Eo dưới được giới hạn: ở trước là khớp mu, sau là đỉnh xương cụt;
2 bên là 2 ụ ngồi và dây chằng cùng hông. Eo dưới gồm nửa trước là xương, nửa sau là
dây chằng nên đường kính có thể thay đổi được.
Hình 1.18. Các đường kính và trục của chậu hông bé

1. Ụ nhô (góc nhô)

2. Đường kính nhô-thượng vệ

3. Đường kính nhô-hậu vệ

4. Đường kính nhô-hạ vệ

5. Đường kính cụt-hạ vệ

6. Đường kính trước sau eo


giữa

A. Trục của chậu hông bé

B. Góc nghiêng của chậu hông

Các đường kích của eo dưới: đỉnh cụt-hạ mu: 9cm; đỉnh cùng-hạ mu: 11cm và
đường kính ngang (lưỡng ụ ngồi): 11cm.
Trong đó đường kính đỉnh cùng-hạ mu là đường kính hữu dụng vì khi ngôi thai đè
vào eo dưới khớp cùng - cụt di động và xương cụt bị đẩy ra sau nên đường kính đỉnh cụt -
hạ mu được thay thế bằng đường kính đỉnh cùng hạ mu.
1.3.6. Các khớp của khung chậu
Có 4 khớp đều là khớp bán động, khi có thai các khớp trở lên di động hơn làm cho
các đường kính khung chậu có thể to lên được chút ít.
- Khi có thai có hiện tượng ngấm nước ở các khớp làm cho diện các khớp và dây
chằng giãn rộng hơn.
- Khi đẻ ngôi đè vào khung chậu làm cho xương cụt bị đẩy ra sau, đồng thời tư thế
nằm của sản phụ cũng co kéo các xương làm thay đổi đường kính.
+ Khớp cùng cụt di động, xương cụt bị đẩy ra sau đường kính cùng hạ vệ thay thế
cho đường kính cụt hạ vệ làm cho ngôi có thể sổ được.
+ Khớp mu có thể giãn ra và di động được.
+ Khớp cùng chậu cũng giãn ra nới rộng các đường kính tạo điều kiện cho ngôi sổ
dễ dàng hơn.
Trên thực tế sản phụ nhiều tuổi đẻ con so thường khó vì các khớp các khớp mất cử động
và phần mềm cứng kém giãn nở.
1.3.7. Phân biệt giới tính
Chậu hông mang nhiều nét đặc trưng của giới tính, dựa vào đó người ta có thể
chẩn đoán giới tính ngay cả khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Bằng phương pháp chụp
Xquang các nghiên cứu về chậu hông ở trẻ em Mỹ cho thấy, trong năm đầu tiên sau khi
ra đời kích thước toàn bộ chậu hông của bé trai lớn hơn của bé gái, nhưng kích thước tiểu
khung của bé gái thường to hơn của bé trai. Sự khác biệt về giới tính được đánh giá theo
những đặc điểm đo đạc và những đặc điểm không đo đạc, trong đó có những nét chồng
chéo nhau lẫn lộn giữa hai giới.
Những khác biệt giới tính có liên quan chặt chẽ đến chức năng, ở cả hai giới chức
năng đầu tiên là vận động. Ở nữ giới chậu hông đáp ứng với chức năng sinh đẻ đặc biệt là
tiểu khung. Sự thay đổi của tiểu khung ảnh hưởng tới sự cân xứng giữa các phần và các
kích thước của đại khung.
Ở nam giới, các cơ bám vào xương chậu rất khỏe, cấu trúc của chậu hông rất vững
chắc làm cho các kích thước ngoài của chậu hông lớn đều lớn hơn của nữ giới.
Người ta thường căn cứ vào một số nét chính như mào chậu, khớp thắt lưng cùng,
kích thước ổ cối, lỗ bịt... và nhiều điểm khác biệt khác nữa để phân biệt giới tính của
chậu hông, ngay cả khi chỉ có một vài phần xương của khung chậu.
1.3.8. Phân loại chậu hông
Dựa trên các kích thước của chậu hông, các nhà giải phẫu, các nhà nhân chủng,
các bác sỹ sản khoa và các chuyên gia Xquang đã phân tích và cố gắng tìm ra cách phân
loại chậu hông, đặc biệt là chậu hông của nữ giới và đề xuất một số chỉ số gọi là chỉ số
eo trên.
Chỉ số eo trên = (ĐK trước sau / ĐK ngang) *100. Theo chỉ số này, chậu hông được chia
thành 4 loại sau:
- Chậu dạng nữ hay chậu dạng trung bình: là loại chậu có eo trên hình tròn, rộng, cung
dưới mu rộng. Hầu hết phụ nữ có khung chậu loại này khi sinh đẻ thường dễ dàng, không
phải can thiệp.
- Chậu dạng nam hay chậu ngắn: eo trên có hình trái tim, gai ngồi nổi rất rõ, góc dưới mu
hẹp. Phụ nữ có loại chậu này thường sinh đẻ khó, đầu thai nhi rất khó lọt qua eo trên.
- Chậu dạng linh trưởng hay chậu dài: các mặt của chậu thì dài và hẹp, đường kính trước
sau của eo trên lớn hơn đường kính ngang. Xương cùng dài làm cho chậu hông bé rất sâu.
Góc dưới mu hẹp, gai ngồi nổi rõ. Phụ nữ có dạng chậu này sinh đẻ rất khó, thường phải
can thiệp.
- Chậu dạng dẹt: là loại chậu dẹt của nữ giới, chiếm khoảng 2,5%. Eo trên có đường kính
trước sau ngắn, đường kính ngang dài. Phụ nữ có loại chậu này không đẻ thường được
mà thường phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Hình 1.19. Các dạng khung chậu

A. Khung chậu dạng nữ B. Khung chậu dạng nam C. Khung chậu dẹt D. Khung chậu
dài
Chậu hông có khả năng chống đỡ các chấn thương, các phần bên của hông là những chỗ
khỏe nhất của chậu hông. Tuy nhiên, chậu hông có thể bị gãy trong những tai nạn xe cộ.
Các vùng yếu của chậu gồm: vùng cùng chậu, cánh chậu và ngành mu. Gãy vùng mu bịt
của chậu thường gây hậu quả nặng nề vì vùng này liên quan mật thiết với bàng quang.
1.4. Cột sống
Cột sống (columna vertebralis) là trụ cột của thân người, nằm chính giữa thành sau
thân, chạy dài từ mặt dưới xương chẩm đến hết xương cụt. Nhìn nghiêng cột sống có 4
đoạn cong để thích nghi với tư thế đứng thẳng của cơ thể.
Cột sống có 33-35 đốt, 24 đốt trên rời nhau tạo thành 7 đốt sống cổ (vertebra
ecervicales) ký hiệu từ CI-CVII cong lõm ra sau; 12 đốt sống ngực (vertebrae thoracicae)
ký hiệu từ ThI-ThXII cong lõm ra trước; 5 đốt sống thắt lưng (vertebrae lumbales) ký hiệu
từ LI-LV cong lõm ra sau. 5 đốt sống dưới dính lại thành một tấm xương cùng (os sacrum)
ký hiệu từ SI-SV và 3-6 đốt cụt rất nhỏ, cằn cỗi dính lại làm một tạo thành xương cụt (os
coccygesae) ký hiệu từ CoI-CoVI và được dính vào đỉnh xương cùng ; đoạn cùng cụt cong
lõm ra trước.

Hình 1.20. Các đoạn của cột sống

1.4.1. Đặc tính chung và riêng của các đốt sống


Hình 1.21. Đốt sống

Hình 2.18. Đốt sống ngực (A. nhìn phía trên; B. nhìn phía bên)

Các đốt sống có những tính chất chung giống nhau và những đặc tính riêng biệt cho
từng loại đốt. (xem lại phần Giải phẫu đại cương).
1.4.2. Khớp của các đốt sống
Các khớp đốt sống liên kết với nhau bởi các khớp và các dây chằng. Các thân khớp
với nhau bằng các sụn gian đốt và suốt theo chiều dài cột sống ở mặt trước và sau có các
dây chằng dọc trước, dọc sau bám. Khớp giữa các mỏm khớp liền kề là các khớp động
phẳng có bao khớp bao quanh. Ở các cung đốt, giữa mỏm ngang và mỏm gai đều có các
dây chằng. Nhờ có các khớp đốt sống mà có thể làm được các động tác cúi, ngửa,
nghiêng sang bên và vặn người; giữa hai đốt sống thì động tác rất hạn chế, nhưng cả cột
sống thì động tác rất linh hoạt. Cột sống có thể vận động theo trục ngang, trục dọc và trục
thẳng đứng.
1.4.2.1. Khớp dính giữa các thân đốt sống (symphysis intervertebralis)
Khớp giữa các thân đốt sống thuộc loại khớp dính hay khớp sụn sợi, gọi là khớp
dính gian đốt sống.
- Diện khớp:
+ Các mặt dưới và mặt trên của hai thân đốt sống liền kề nhau. Các mặt khớp của
thân đốt sống đều lõm và được phủ bởi một lớp sụn trong mỏng.
+ Đĩa gian đốt sống (đĩa đệm) : có 23 đĩa nằm giữa các đốt sống từ đốt trục đến
xương cùng. Đĩa gian đốt sống có hình thấu kính hai mặt lồi tương ứng với các mặt lõm
của các đốt sống. Độ dày của đĩa tùy thuộc vào từng vùng của đốt sống cũng như từng
phần của đĩa. Ở đoạn cổ và thắt lưng, phần trước đĩa dày hơn phần sau, góp phần làm cho
cột sống cổ và thắt lưng cong lồi ra trước. Ở đoạn ngực, bề dày các phần cuẩ đĩa xấp xỉ
bằng nhau nên chiều cong của đoạn ngực hoàn toàn do hình dạng các đốt sống ngực tạo
nên. Nhìn chung, đĩa gian đốt sống dày nhất ở đoạn cột sống thắt lưng.
Đĩa gian đốt sống là một đĩa sụn sợi gồm 2 phần: phần chu vi là vòng sợi, phần
trung tâm là nhân thịt hay nhân keo.
- Các dây chằng: có hai dây chằng
+ Dây chằng dọc trước (ligamentum longitudinale anterius) là một dải sợi bám vào
phần nền xương chẩm tới củ trước đốt đội, từ đó chạy xuống dưới bám vào mặt trước
thân các đốt sống cho tới phần trên mặt trước xương cùng. Ở đoạn cột sống ngực dây
chằng dọc trước dày và hẹp nhất , ở phần trên và dưới thì mỏng và rộng. Phía trước thân
các đốt sống dây chằng này hẹp và dày hơn ở phía trước các đĩa gian đốt sống.
Dây chằng dọc trước bao gồm các sợi dọc, chắc xếp thành 3 lớp: lớp nông gồm các
sợi dài dính vào 3-4 đốt sống liên tiếp, lớp giữa các sợi ngắn hơn, dính vào 2-3 đốt sống
liền kề, các sợi lớp sâu ngắn nhất chỉ dính vào 2 đốt sống liên tiếp.
+ Dây chằng dọc sau (ligamentum longitudinale posterius) là một dải sợi nhẵn,
mềm nằm trong ống sống, trên mặt sau thân các đốt sống. Dây chằng này bám vào bờ sau
đĩa gian đốt sống và các bờ của thân đốt sống. Ở trên bám vào thân đốt trục và liên tiếp
với màng mái, ở dưới tận hết ở xương cùng.
Dây chằng dọc sau gồm 2 lớp sợi: lớp nông dính vào mặt sau của 3-4 đốt sống liên
tiếp, lớp sâu gồm các sợi ngắn căng giữa hai đốt sống liền kề.
Hình 1.22. Các dây chằng đốt sống
1. Mỏm khớp dưới

2. Bao khớp của khớp mỏm khớp bên

3. Mỏm khớp trên 4. Mỏm ngang

5. Mỏm gai 6. Dây chằng vàng

7. D/c gian gai 8. D/c trên gai

9. Lỗ gian ĐS 10. Dây chằng dọc sau

11,14. D.c dọc trước 12. Đĩa gian ĐS

13. Thân ĐS thắt lưng

1.4.2.2. Khớp giữa các mỏm khớp của đốt sống (articulationes zygapophysiales)
Là những khớp phẳng được bọc bởi bao khớp. Các mảnh, mỏm gai và mỏm ngang
liên tiếp với nhau bởi các dây chằng.
- Bao khớp : mỏng, bám vào bờ các mặt khớp của các mỏm khớp hai đốt sống liên
tiếp.
- Các dây chằng :
+ Dây chằng vàng (ligamenta flava) được tạo nên bởi các sợi thuộc mô đàn hồi có
màu vàng. Các sợi này bám vào các bao khớp và mảnh của đốt sống trên và tận hết ở bờ
trên mảnh của đốt sống dưới. Dây chằng vàng mỏng ở vùng cổ, dày nhất ở vùng thắt
lưng.
+ Dây chằng trên gai (ligamenta supraspinalia) là một thừng sợi chắc bám vào đỉnh
các mỏm gai từ đốt sống cổ 7 tới xương cùng.
+ Dây chằng gáy (ligamenta nuchae) là một mảnh sợi đàn hồi ở gáy tương tự như
dây chằng trên gai, đi từ ụ chẩm ngoài và mào chẩm ngoài, tận hết ở mỏm gai đốt sống
cổ 7.
+ Dây chằng gian gai (ligamenta interspinalia) là một mảnh mỏng đi từ rễ tới đỉnh
của mỗi mỏm gai.
+ Dây chằng gian ngang (ligamenta intertransveraria) gồm những sợi liên kết mỏm
ngang của hai đốt sống liên tiếp.
- Động tác : uốn cột sống ra trước (gấp), ra sau (duỗi) và sang hai bên. Ngoài ra còn
làm quay cột sống.
1.4.2.3. Khớp đội- chẩm (articulatio atlanto-occipitalis)
- Được tạo nên do mặt khớp trên của mỗi khối bên đốt đội khớp với lồi cầu của
xương chẩm.
- Diện khớp:
+ Lồi cầu xương chẩm
+ Mặt khớp trên của khối bên đốt đội
- Bao khớp : dính quanh lồi cầu xương chẩm ở trên và quanh mặt khớp trên của
khối bên đốt đội ở dưới. Lót mặt trong bao sợi có bao hoạt dịch của khớp.

Hình 1.23. Các


A B
dây chằng khớp đội
chẩm (A. Nhìn
trước B. Nhìn sau)
1. Phần nền xương chẩm 2. Bao khớp đội- chẩm

3. Màng đội – chẩm trước 4,6. Màng đội chẩm sau

5. Dây chằng dọc trước 7. Đốt sống cổ 2 (đốt trục)

8. Đốt sống cổ 1 (đốt đội)

- Các dây chằng: các dây chằng của khớp tạo nên các màng phủ phía trước và phía
sau khớp
+ Màng đội- chẩm trước (membrana atlanto – occipitalis anterior) : là một màng sợi
từ bờ trước lỗ lớn xương chẩm tới bờ trên cung trước đốt đội ở dưới.
+ Màng đội- chẩm sau (membrana atlanto – occipitalis posterior): đi từ bờ sau lỗ
lớn xương chẩm tới bờ trên cung sau đốt đội ở dưới.
+ Dây chằng đội- chẩm bên (ligamentum atlanto-occipitalis laterale) nằm dọc mặt
bên của khớp.
- Động tác: cúi (gấp) và ngửa (duỗi) đầu, ngoài ra còn nghiêng đầu sang bên.
1.4.2.4. Khớp đội- trục (articulatio atlanto -axialis)
Là các khớp giữa đốt đội và đốt trục của cột sống cổ. Gồm 3 khớp: khớp đội-trục
giữa và hai khớp đội-trục bên.
* Khớp đội trục giữa: là khớp do răng của đốt trục khớp với hõm răng của cung
trước đốt đội. Bao sợi của khớp rất yếu và thường lẫn cùng màng hoạt dịch.
- Dây chằng; gồm các dây chằng sau
+ Dây chằng cánh ((ligamenta alaria): gồm 2 dây chằng đi từ phía bên của răng đốt
đội tới xương chẩm.
Hình 1.24. Các dây chằng khớp đội -trục giữa (nhìn sau)
1,6. Đốt đội (C1) 2. Màng mái 3,7. Đốt trục (C2)

4. Dây chằng dọc sau 5. Dây chằng chữ thập đốt đội

8. Các dây chằng cánh

+ Dây chằng đỉnh mỏm răng (ligamentum apicis dentis) đi từ đỉnh mỏm răng tới
phần nền xương chẩm.
+ Màng mái là màng sợi phủ phía sau khớp đội trục.
+ Dây chằng ngang đốt đội: đi từ mặt trong của khối bên chạy ngang vòng phía sau
răng đốt trục để tận hết ở mặt trong khối bên đối diện của đốt đội.
+ Dây chằng chữ thập đốt đội.
* Khớp đội – trục bên (articulatio atlanto -axialis lateralis) : là khớp phẳng do mặt
dưới bên đốt đội khớp với mặt trên của đốt trục tạo nên.
1.4.2.5. Khớp thắt lưng cùng (articulatio lumbosacralis)
- Là khớp giữa thân đốt sống thắt lưng 5 và đốt sống cùng 1, giữa chúng có một đĩa
gian đốt sống.
- Dây chằng: ngoài dây chằng vàng, dây chằng gian gai và dây chằng trên gai, khớp
thắt lưng cùng còn được tăng cường thêm bởi dây chằng chậu thắt lưng (ligamentum
iliolumbale). Dây chằng này gồm các bó sợi đi từ đỉnh mỏm ngang đốt sống thắt lưng 5
chạy sang bên và tỏa ra tận hết ở mào chậu và phần bên mặt trên xương cùng.
1.4.2.6. Khớp cùng cụt (articulatio sacrococcygea)
Là một khớp bán động tạo nên do đỉnh của xương cùng khớp với đáy của xương cụt
qua một đĩa sợi sụn.
Hình 1.25. Các dây chằng khớp cùng cụt

1. Dây chằng chậu- thắt lưng

2. Các lỗ cùng sau

3. Dây chằng cùng cụt sau sâu

4. Dây chằng cùng cụt sau nông

5. Dây chằng cùng cụt bên

6. Dây chằng trên gai

- Dây chằng:
+ Dây chằng cùng cụt sau nông (ligamentum sacrococcygeum posterius
superficiale): là một dải sợi đi từ bờ của lỗ cùng tới mặt sau xương cụt.
+ Dây chằng cùng cụt sau sâu (ligamentum sacrococcygeum posterius profundum)
đi từ mặt sau đốt sống cùng 5 tới phía sau xương cụt.
+ Dây chằng cùng cụt trước (ligamentum sacrococcygeum anterius) gồm những sợi
chạy dọc mặt trước xương cùng và xương cụt.
1.4.2.7. Giải phẫu chức năng cột sống và áp dụng thực tế
Mặc dù các động tác giữa hai đốt sống liền kề nhau rất hạn chế, nhưng động tác của
toàn bộ cột sống thì lại khá rộng rãi. Các đĩa gian đốt sống hoạt động như một bộ giảm
sóc giữa các đốt sống và giữa các đoạn của cột sống để giảm bớt các tác động bất thường
hay những va chạm mạnh có thể tác động lên cột sống.
Nhìn từ phía bên, cột sống có 4 chỗ cong: cổ, ngực, thắt lưng và chậu hông. Đường
cong ngực lõm ra trước, đường cong thắt lưng lại lồi ra trước, ở phụ nữ thường cong hơn
ở nam giới. Đường cong chậu hông bắt đầu từ khớp thắt lưng cùng cho tới đỉnh xương
cụt, mặt lõm của đường cong này quay ra trước và xuống dưới. Các đường cong của cột
sống còn làm cho cột sống thêm dẻo, các đốt sống kết hợp với nhau một cách vững chắc
do vậy các tác động rất mạnh vào cột sống thường gây gãy xương hay trật khớp nhiều
hơn là rách dây chằng, trừ vùng cổ có thể xảy ra trật khớp hay bán trật khớp mà xương
không bị tổn thương.
Thoát vị đĩa đệm cũng là một chấn thương hay gặp của cột sống. Khi thực hiện những
động tác gấp mạnh và đột ngột, nhân thịt của đĩa đệm bị đẩy lùi ra sau qua vùng sợi gây
nên thoát vị đĩa đệm. Ở một số người do sự phát triển không bình thường hoặc do quá
trình bệnh lý như loãng xương, làm cho các đường cong của cột sống trở thành bất
thường, ví dụ như đoạn ngực hoặc đoạn thắt lưng bị lồi ra sau, hoặc cột sống vẹo sang
một bên, hoặc đôi khi cột sống đoạn thắt lưng quá cong lồi hẳn về phía trước.

You might also like