Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:

Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

SỰ THAY ĐỔI VÀ PHÁT TRIỂN: CƠ SỞ CHO ĐỔI MỚI


BÀI 1
VÀ TÁI LẬP DOANH NGHIỆP

Hướng dẫn học


Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
 Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia
thảo luận trên diễn đàn.
 Đọc tài liệu:
1. Nguyễn Ngọc Huyền (Chủ biên) (2009), Thay đổi và phát triển doanh nghiệp,
Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
2. Nguyễn Ngọc Huyền (2013), Giáo trình Quản trị Kinh doanh, Tập 2, Nhà xuất bản
Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
 Sinh viên trao đổi với giảng viên thông qua diễn đàn.
 Tham khảo các thông tin từ trang Web môn học.
Nội dung
Bài 1 trong học phần Tái lập doanh nghiệp nghiên cứu những vấn đề khái lược về thay
đổi và phát triển; tính tất yếu phải thay đổi và phát triển; và các hình thức thay đổi và
phát triển.
Mục tiêu
Học xong bài này, sinh viên phải hiểu được các nội dung sau:
 Hiểu được khái quát về sự thay đổi và phát triển.
 Phải trả lời được câu hỏi tại sao doanh nghiệp cần phải thay đổi và phát triển.
 Phân biệt được phát triển truyền thống và phát triển bền vững.
 Giải thích được lý do ngày nay các doanh nghiệp cần có quan điểm phát triển bền vững.
 Hiểu được các hình thức phát triển doanh nghiệp.

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 1
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

Tình huống dẫn nhập


Vụ phá sản của công ty đèn hình Orion – Hanel
Những năm 90 của thế kỷ trước, nhắc đến công nghệ đèn hình ở Việt Nam không ai là không
nhắc đến Công ty TNHH Orion – Hanel. Đây là công ty liên doanh được thành lập vào 02/1993
với vốn pháp định 51,1 tỷ và vốn đầu tư trên 178 triệu USD giữa Công ty điện tử Hà Nội (Hanel)
góp 30% vốn và Orion (Hàn Quốc) góp 70% vốn để kinh doanh sản xuất đèn hình và phụ kiện
đèn hình cho tivi và máy tính, có thời hạn liên doanh trên giấy phép tới 50 năm. Thập kỷ 90, thời
điểm hoàng kim của các nhà sản xuất sản phẩm bóng đèn hình màu theo công nghệ CRT (màn
hình truyền thống), công ty Orion – Hanel hầu như bao thầu toàn bộ việc cung cấp linh kiện đèn
hình cho các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ti vi trong nước, với doanh thu trong nước và xuất
khẩu có năm lên đến gần 200 triệu USD.
Sau 11 năm hoạt động và dẫn đầu trong số các doanh nghiệp tại Hà Nội, ngày 16/10/2004,
Orion – Hanel đã khánh thành nhà máy sản xuất đèn hình màu thứ hai tại Khu công nghiệp
Sài Đồng B (Hà Nội) đã tạo thêm 1.200 việc làm mới cho người lao động và đưa số cán bộ công
nhân viên của công ty lên đến 2.500 người, nhưng đã không thành công như mong đợi.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2007, công ty này đã phải ngừng sản xuất 3 tháng để giải quyết khó khăn,
cho đến khi Hanel “bơm” tiếp cho 100.000 USD để giải quyết nợ lương từ tháng 11/2007 và có
tiền để nhập sản phẩm vật tư sản xuất nốt những hợp đồng đã ký với khách hàng. Nhưng số tiền
ấy cũng chỉ như muối bỏ bể trước những khó khăn chồng chất của Orion – Hanel. Tháng
01/2008, công ty đã hoạt động trở lại với công suất 1 dây chuyền. Nhưng hoạt động nhỏ nhoi này
chỉ cầm cự được tiếp trong 3 tháng và đến tháng 4/2008, toàn bộ hoạt động sản xuất bị dừng lại,
toàn bộ công nhân tại nhà máy được nghỉ vô thời hạn. Và ngày 19/12/2008, công ty này đã chính
thức nộp hồ sơ xin phá sản lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

1. Bạn có nhận xét gì về việc đầu tư dây chuyền thứ hai của Orion – Hanel?
2. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc phá sản của Orion – Hanel?

2 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

1.1. Khái lược về thay đổi và phát triển


1.1.1. Khái lược về thay đổi

1.1.1.1. Khái niệm và bản chất


Thay đổi là phạm trù phản ánh một hiện tượng (quá trình) nào đó không lặp lại trạng
thái trước đó.
Thay đổi có nghĩa là không giống như trước đó. Thay đổi ngược nghĩa với ổn định.
Với hành vi của con người, thay đổi có nghĩa là làm khác đi, làm khác cách mà trước
đây vẫn làm. Trong kinh doanh người ta thay đổi sản phẩm cung cấp cho khách hàng,
thay đổi phương thức kinh doanh: từ chỗ chú trọng đến khâu sản xuất đến chú trọng
khâu tiêu thụ, từ chỗ chú trọng các hoạt động bên trong sang chú trọng các hoạt động
đối phó với môi trường bên ngoài,… Để thay đổi kinh doanh, người ta thay đổi
phương thức quản trị: từ chỗ chú trọng việc kết hợp các yếu tố bên trong sao cho năng
suất ngày càng cao hơn đến chỗ chú trọng quản trị các quan hệ giữa doanh nghiệp và
môi trường bên ngoài theo hướng làm sao để bán được sản phẩm.

1.1.1.2. Phân loại sự thay đổi


Với những căn cứ để phân loại khác nhau chúng ta có những loại thay đổi khác nhau.
Sau đây là một số loại thay đổi trong doanh nghiệp:
Xét theo nội dung của thay đổi, trong doanh nghiệp có hai loại thay đổi:
 Thay đổi hoạt động kinh doanh: thay đổi sản phẩm; thay đổi phương thức tạo ra và
cung cấp sản phẩm; thay đổi đối tượng cung cấp sản phẩm,…
 Thay đổi hoạt động quản trị kinh doanh: thay đổi nền tảng cơ sở quản trị; thay đổi
đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện các hoạt động quản trị;…
Xét theo tính chất chủ động hay bị động có hai loại thay đổi:
 Thay đổi chủ động: là thay đổi do con người nhận thức và chủ thực hiện sự thay
đổi để đảm bảo doanh nghiệp luôn phù hợp với môi trường. Sự thay đổi này đem
lại hiệu quả cũng như sự phát triển liên tục cho doanh nghiệp. Cách thay đổi này là
đối tượng nghiên cứu ở các bài tiếp theo của môn học.
 Thay đổi bị động: là những thay đổi diễn ra khi môi trường đã thay đổi và “cái cũ”
không thể tiếp tục duy trì được nữa. Cách thay đổi này dẫn đến tính hiệu quả
rất kém.
Xét về tính chất tiến bộ:
 Thay đổi làm cho hiện trạng tốt lên: là thay đổi dẫn đến tình trạng mới tiến bộ hơn
tình trạng hiện có. Chẳng hạn, tạo ra công nghệ mới ưu việt hơn công nghệ cũ; tạo
ra sản phẩm mới có nhiều ưu việt hơn, được khách hàng ưa chuộng hơn sản phẩm
đang tiêu thụ; tạo ra phương thức quản trị mới có hiệu quả hơn phương thức quản
trị hiện có,… Sự thay đổi này đem lại hiệu quả to lớn và đem lại sự phát triển lien
tục của doanh nghiệp. Đây là mục đích của sự thay đổi.
 Thay đổi làm cho tình trạng xấu đi: là thay đổi dẫn đến cái mới “xấu hơn” tình
trạng hiện có. Cách thay đổi này dẫn đến tính hiệu quả rất kém.

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 3
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

1.1.2. Khái lược về phát triển


1.1.2.1. Khái niệm
Hiểu thông thường, phát triển là quá trình “lớn lên” của sự vật hiện tượng. Mỗi sự vật
hiện tượng đều có thể lớn lên về lượng và về chất. Sự lớn lên theo hai cách này
thường được gọi là sự phát triển theo chiều rộng và theo chiều sâu.
Sự lớn lên về lượng thường dễ đánh giá hơn, người ta chỉ cần so sánh “độ lớn” của
đối tượng bằng các thướng đo thích hợp giữa hiện tại và quá khứ là có thể nhận diện
được ngay.
Trong khi đó, đánh giá sự lớn lên về chất khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Để đánh
giá sự lớn lên về chất thì trước hết cần phải có quan điểm đúng đắn về chất lượng mới
có thể đưa ra các thước đo chính xác phản ánh mặt chất lượng của đối tượng.
Phát triển tổ chức được tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau, ở góc độ quản trị sự
thay đổi, các nhà nghiên cứu có những định sau:
 Theo French, phát triển tổ chức là một nỗ lực dài hạn để hoàn thiện năng lực giải
quyết vấn đề của một tổ chức và năng lực của nó trong việc thích ứng với những
thay đổi trong môi trường bên ngoài của tổ chức với sự giúp đỡ từ các nhà tư vấn
về khoa học hành vi ở bên trong và bên ngoài tổ chức.
 Theo Beckhard, phát triển tổ chức là một nỗ lực được hoạch định với phạm vi rộng
lớn trong tổ chức và được quản trị từ cấp cao nhằm nâng cao sức mạnh và hiệu quả
của tổ chức thông qua các can thiệp được hoạch định trong các quá trình của tổ
chức trên cơ sở sử dụng các kiến thức của khoa học hành vi.
 Theo Brucke, phát triển tổ chức là một quá trình thay đổi được hoạch định trong
văn hóa của một tổ chức thông qua việc sử dụng lý thuyết, nghiên cứu và công
nghệ của khoa học hành vi.
 Theo Beer, phát triển tổ chức là một nỗ lực của quá trình rộng lớn thu thập dữ liệu,
chuẩn đoán, hoạch định hành động, can thiệp và lượng giá được để làm tăng sự
phù hợp giữa cấu trúc, quá trình, chiến lược, con người và văn hóa tổ chức; phát
triển những giải pháp mới và sáng tạo của tổ chức; phát triển năng lực tự đổi mới
tổ chức. Phát triển tổ chức xảy ra thông qua sự tham gia của các thành viên tổ chức
với các chủ thể thay đổi trên cơ sở sử dụng lý thuyết, nghiên cứu và công nghệ của
khoa học hành vi.
 Phát triển tổ chức là việc áp dụng một cách rộng lớn kiến thức của khoa học hành
vi vào việc củng cố, hoàn thiện và phát triển các chiến lược, cấu trúc và các quá
trình nhằm tăng hiệu quả của tổ chức.

1.1.2.2. Bản chất


Như vậy, phát triển tổ chức được đề cập đến ở góc độ tạo ra sự thay đổi về chất, tạo
ra năng lực của tổ chức lớn mạnh hơn trước, làm cho tổ chức thích nghi hơn với
môi trường.

4 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

1.2. Tính tất yếu phải thay đổi và phát triển


1.2.1. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Mỗi doanh nghiệp kinh doanh trong một môi trường cụ thể – môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh là tổng thể các nhân tố bên trong và bên ngoài vận động
tương tác lẫn nhau và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp.
Xu hướng toàn cầu hóa đã trở thành một xu hướng mang tính tất yếu khách quan, các
nước phát triển và các nước đang phát triển đều mong muốn hội nhập để tận dụng các
lợi thế cạnh tranh của mình. Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã tiến được
những bước dài. Ngày nay, thế giới đã hình thành nhiều khu vực kinh tế như: khối thị
trường chung châu Âu, Hiệp hội các nước Đông Nam Á,... Tiến trình phát triển này sẽ
dẫn đến mở rộng các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Các hàng rào thuế quan
sẽ dần bị dỡ bỏ, hàng hóa sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia. Xu hướng hội
nhập và toàn cầu hóa này làm môi trường kinh doanh thay đổi, áp lực cạnh tranh tăng
cao. Các doanh nghiệp không chỉ chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nước
mà chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phát triển ở những mức độ
khác nhau, có doanh nghiệp phát triển với tốc độ cao, có doanh nghiệp phát triển với
tốc độ thấp hơn. Các doanh nghiệp phát triển với tốc độ chậm sẽ bị “yếu đi” và “nhỏ
đi” một cách tương đối so với các doanh nghiệp khác và sẽ trở nên bất lợi trong cạnh
tranh. Do đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải thay đổi để thích
ứng với sự biến động của môi trường.

1.2.2. Sự thay đổi của môi trường và điều kiện kinh doanh
Môi trường kinh doanh càng mở rộng bao nhiêu thì sẽ càng có nhiều thành viên kinh
tế tham gia bấy nhiêu. Toàn cầu hóa nền kinh tế đã rút ngắn khoảng cách về không
gian, các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau vẫn có thể cạnh tranh trực tiếp với
nhau (sản phẩm đầu ra và nguồn lực đầu vào). Các đối thủ ở nhiều nước/khu vực khác
nhau với trình độ nhận thức và phản ứng trước thị trường hết sức khác nhau lại cùng
cạnh tranh với nhau. Điều này, làm cho tính bất ổn của môi trường kinh doanh ngày
càng cao. Tính bất ổn cao dẫn đến phá vỡ các tính quy luật phổ biến trước đây về hoạt
động kinh doanh và quản trị kinh doanh.
Điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải nỗ lực thay đổi
cho phù hợp với sự biến động rất rõ ràng và ngày càng mạnh mẽ của môi trường. Môi
trường thay đổi dữ dội, đòi hỏi doanh nghiệp – muốn tồn tại và phát triển phải thay
đổi nhanh chóng. Trong môi trường kinh doanh biến đổi dữ dội ngày nay, thay đổi và
phát triển là hai vấn đề gắn bó chặt chẽ với nhau: thay đổi là điều kiện để phát triển,
phát triển trong môi trường mới lại đòi hỏi doanh nghiệp tiếp tục thay đổi.
Nhưng doanh nghiệp phải thay đổi cái gì? Một cách khái quát nhất, doanh nghiệp phải
thay đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh và hoạt động quản trị kinh doanh của mình.
 Thay đổi hoạt động quản trị kinh doanh: liên quan đến thay đổi từ tư duy làm nền
tảng cho hoạt động quản trị kinh doanh, đến các thay đổi về cách thức tổ chức
cũng như nội dung quản trị cụ thể.
 Thay đổi hoạt động kinh doanh: liên quan đến thay đổi sản phẩm, phương thức tạo
ra sản phẩm, phương thức phục vụ khách hàng,...

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 5
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

1.2.3. Sự thay đổi và phát triển bền vững


Phát triển bền vững là sự phát triển đảm bảo tính cân bằng cần thiết trong cả ngắn hạn
và dài hạn. Theo quan niệm này, không thể chỉ xem xét sự phát triển của bất kì đối
tượng nào trong thời kì ngắn hạn mà sự phát triển trong ngắn hạn phải là điều kiện
tiền đề để đối tượng đó tiếp tục phát triển trong tương lai. Đôi khi cái “được” trước
mắt lại là điều kiện cho cái “mất” lớn hơn trong tương lai.
Phát triển bền vững được xem xét cho mọi đối tượng và theo quan điểm hệ thống.
Theo quan điểm này, cần xem xét sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ở hai
góc độ:
 Sự phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp: là sự thay đổi và phát triển đảm
bảo cho doanh nghiệp luôn ở trạng thái đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển. Những
thay đổi có thể đem đến cho doanh nghiệp: lợi ích trong cả ngắn hạn và dài hạn;
không đem lại lợi ích trước mắt mà chỉ đem lại các lợi ích lâu dài; đem lại lợi ích
ngắn hạn mà không đem lại lợi ích dài hạn; đem lại lợi ích ngắn hạn song lại dẫn
đến các thiệt hại lâu dài cho doanh nghiệp. Trong các thay đổi trên, chỉ những thay
đổi đem lại cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn hoặc thay đổi chỉ đem lại lợi ích trong
dài hạn là những thay đổi đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
 Sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái: môi trường sinh thái là một phần
của môi trường kinh doanh. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, con người cũng
hủy hoại môi trường sống của mình một cách vô hình hay hữu ý như: cạn kiệt tài
nguyên, ô nhiễm môi trường,... Môi trường không những chỉ cung cấp “đầu vào”
mà còn chứa đựng “đầu ra” cho các quá trình sản xuất. Do đó, ngày nay các doanh
nghiệp ngày càng quan tâm phát triển kinh doanh trên cơ sở đảm bảo tính bền
vững của môi trường sinh thái. Vì vậy, ngày càng có nhiều công nghệ thân thiện
với môi trường ra đời để thay thế các công nghệ cũ.
Sở dĩ phải phát triển bền vững là vì chỉ trên cơ sở phát triển bền vững mới đem lại các
lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, mới thực hiện được mục tiêu đưa doanh nghiệp ngày
càng phát triển trong môi trường thường xuyên biến động.

1.3. Các hình thức thay đổi và phát triển


Doanh nghiệp có thể phát triển bằng nhiều con đường khác nhau: phát triển về mặt
lượng thông qua hình thức tự lớn lên, mở rộng hoạt động, sáp nhập, chia tách và phát
triển về chất thông qua các hình thức hoàn thiện và tái cấu trúc.

1.3.1. Các hình thức thay đổi và phát triển về lượng


Rất khó để tìm được hình thức thay đổi và phát triển nào thuần túy về lượng hoặc
thuần túy về chất. Trong thực tế, sự thay đổi về lượng và về chất thường đan xen nhau
song sắc thái có thể khác nhau: hoặc thiên về lượng, hoặc thiên về chất. Với ý nghĩa
này, chúng ta tạm phân biệt các hình thức thay đổi và phát triển chủ yếu về lượng
hoặc chủ yếu về chất.

6 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

1.3.1.1. Thay đổi và phát triển bằng con đường tự lớn lên
a. Khái niệm và thực chất
Phát triển bằng con đường tự lớn lên là hình thức phát triển mà doanh nghiệp tự tích tụ
để “lớn lên” bằng hình thức thích hợp.
Trước hết là tự lớn lên về quy mô: một doanh nghiệp đang từ quy mô nhỏ, sau một
thời gian hoạt động mở rộng dần quy mô hoạt động của mình làm cho quy mô cung
cấp sản phẩm ngày càng tăng lên.
b. Hình thức
Phát triển bằng con đường tự lớn lên được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:
Thứ nhất: Nếu xét theo phạm vị thị trường có thể có hai hình thức chủ yếu là:
 Phát triển thuần túy về quy mô chỉ có thể xảy ra trong điều kiện thị trường tăng
trưởng dần dần. Doanh nghiệp có thể vẫn kinh doanh ở thị trường truyền thống
song do quy mô thị trường tăng nên doanh nghiệp cũng có thể tảng quy mô để
đáp ứng.
 Doanh nghiệp mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm từ thị trường truyền thống
sang các thị trường mới.
Thứ hai: Nếu xét theo cách thức mở rộng quy mô của doanh nghiệp có các hình thức
cụ thể sau:
 Đầu tư mới: Nếu doanh nghiệp đã tính toán đầu tư tốt, trong dài hạn đã tận dụng
hết quy mô thiết kế song do mở rộng thị trường hoặc quy mô thị trường có dấu
hiệu tăng trưởng lâu dài nên khi đã hết khấu hao, doanh nghiệp có thể tăng quy mô
bằng cách đầu tư mới.
 Đầu tư mở rộng: Nếu doanh nghiệp đã tính toán đầu tư tốt, trong dài hạn đã tận
dụng hết quy mô thiết kế song do mở rộng thị trường hoặc quy mô thị trường có
dấu hiệu tăng trưởng lâu dài nên doanh nghiệp có thể tăng quy mô bằng cách đầu
tư mở rộng.
 Tận dụng quy mô đã có: Doanh nghiệp không đầu tư thêm mà thay đổi cách thức
phục vụ khách hàng so với trước đây. Bằng cách này, doanh nghiệp sử dụng có
hiệu quả hơn quy mô đã có.

1.3.1.2. Thay đổi và phát triển bằng cách mở rộng hoạt động
a. Khái niệm và thực chất
Phát triển bằng con đường mở rộng hoạt động là hình thức phát triển mà doanh nghiệp
mở rộng hoạt động của mình để “lớn lên”.
Thực chất phát triển bằng con đường mở rộng hoạt động là việc doanh nghiệp tìm mọi
biện pháp, hình thức cần thiết để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
b. Hình thức
Việc mở rộng hoạt động kinh doanh diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau:
Thứ nhất: Phát triển bằng cách mở rộng thị trường
Mở rộng thị trường là hình thức doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động của mình
bằng cách càng ngày càng thâm nhập vào nhiều thị trường mới. Mỗi doanh nghiệp

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 7
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

mở rộng thị trường theo các cách riêng. Có doanh nghiệp mở rộng thị trường một cách
thụ động: không có chiến lược/kế hoạch từ trước, chỉ khi vì lý do nào đó hoặc thị
trường có điều kiện thuận lợi mới tìm cách mở rộng. Có doanh nghiệp chủ động xây
dựng chiến lược/kế hoạch mở rộng thị trường, trên cơ sở đó, chuẩn bị trước các điều
kiện cần thiết và chủ động mở rộng thị trường theo kế hoạch. Cách mở rộng thị trường
thụ động thường không mang lại kết quả mà bản thân việc mở rộng thị trường có thể
đem lại. Trong khi đó, cách mở rộng chủ động mang lại kết quả và hiệu quả như bản
thân nó có thể mang lại.
Thứ hai: Mở rộng hoạt động theo hướng đa dạng hóa sản phẩm
Đa dạng hóa sản phẩm là cách làm phổ biến hiện nay. Trong môi trường kinh doanh
biến động, các doanh nghiệp chuyển dần từ đơn sản xuất sang đa sản xuất, từ sản xuất và
cung cấp cho thị trường ít loại sản phẩm đến sản xuất và cung cấp nhiều loại sản phẩm.

1.3.1.3. Thay đổi và phát triển bằng cách sáp nhập


a. Khái niệm và thực chất
Phát triển bằng cách sáp nhập là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” bằng
cách sáp nhập với một/một số doanh nghiệp khác.
Việc sáp nhập này có ưu điểm chủ yếu là vừa tăng sức mạnh của chính bản thân doanh
nghiệp, lại vừa giảm được đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải mọi sự sáp nhập
đều thành công. Sự thành công của sáp nhập phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tư duy
thay đổi của doanh nghiệp có ý định và doanh nghiệp bị sáp nhập; mức độ sẵn sàng
thay đổi cho phù hợp với môi trường mới;…
b. Hình thức
Thứ nhất: Sáp nhập bằng mệnh lệnh hành chính
Theo cách này, cấp trên (cấp chủ quản) có thể ra lệnh cho các doanh nghiệp sáp nhập
lại với nhau. Cách làm này mang tính cưỡng ép, dễ vấp phải sự kháng cự của những
doanh nghiệp mà họ cảm thấy bị thiệt thòi nếu sáp nhập. Chính vì vậy, cách làm này
thường không được khuyến khích.
Thứ hai: Sáp nhập tự nguyện
Theo cách này, xuất phát từ thực tế kinh doanh, các doanh nghiệp chủ động thỏa thuận
với nhau về việc sáp nhập. Mỗi doanh nghiệp đều nghiên cứu, tính toán xem liệu sự
sáp nhập đem lại lợi ích và thiệt hại gì cho bản thân doanh nghiệp, cần điều kiện gì và
cần thay đổi gì cũng như làm gì để có các điều kiện ấy. Vì được cân nhắc kỹ lưỡng,
chủ động tiến hành nên cách sáp nhập này ít tạo ra các tác động ngược chiều trong quá
trình sáp nhập cũng như ở giai đoạn đầu của sự sáp nhập.

1.3.1.4. Chia tách để phát triển


a. Khái niệm và thực chất
Phát triển bằng cách chia tách là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” bằng
cách chia tách bản thân nó thành các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Khi một doanh nghiệp phát triển quá lớn, hoặc do nhu cầu phát triển của thị trường
một doanh nghiệp có thể nghĩ đến giải pháp chia tách để phát triển. Thông qua chia

8 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

tách, mỗi doanh nghiệp (mà trước đây chỉ là một bộ phận của doanh nghiệp lớn) được
quyền chủ động lớn hơn trong phát huy các tiềm năng, sức mạnh vốn có của mình để
phát triển.
Chia tách để phát triển mang bản chất tự nhiên nên là con đường mang tính phổ biến
khi một doanh nghiệp nào đó trở lên “quá lớn” so với khả năng tổ chức, khả năng
quản trị của nó. Do vừa giữ được các kinh nghiệm, vừa tự mình có điều kiện triển khai
các kỹ năng quản trị mà trước đây chưa có điều kiện nên sự chia tách này thường dẫn
đến những thay đổi mới về chất cho mỗi bộ phận (doanh nghiệp sau chia tách). Tuy
nhiên, sự chia tách về tổ chức thường phức tạp, có thể dẫn đến những trục trặc nhất
định trong giai đoạn khởi đầu.
b. Hình thức
Thứ nhất: Chia tách bằng mệnh lệnh hành chính
Cũng giống như sáp nhập, chia tách cũng có thể diễn ra bằng các mệnh lệnh hành
chính. Theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền, một doanh nghiệp có thể chia tách
thành các doanh nghiệp nhỏ hơn. Cách này đặt doanh nghiệp vào thế bị động nên hiệu
quả thấp.
Thứ hai: Chia tách tự nguyện
Là cách chia tách mà các bên có liên quan chủ động nhận thức được sự cần thiết, các
lợi ích cũng như bất lợi khi chia tách; chủ động tính toán và thực hiện chia tách. Do
nhận thức đúng và chủ động nên chia tách theo cách này thường đem lại khả năng
phát triển mới cho doanh nghiệp bộ phận được tách ra từ doanh nghiệp lớn.

1.3.1.5. Thay đổi và phát triển bằng con đường liên kết
a. Khái niệm và thực chất
Phát triển bằng cách liên kết là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” nhờ
liên kết với các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Theo nguyên lý chuyên môn hóa, người ta đã chia cắt toàn bộ quá trình tạo ra và cung
cấp sản phẩm cho khách hàng thành nhiều công đoạn khác nhau, mỗi doanh nghiệp
chỉ thực hiện một công đoạn hoặc một số bộ phận, chi tiết nhất định trong quá trình
đó. Chính sự chia cắt này làm phát sinh nhu cầu liên kết giữa các doanh nghiệp.
Sự liên kết này tạo ra sự thống nhất quá trình phục vụ khách hàng.
b. Hình thức
Thứ nhất: Liên kết nhóm doanh nghiệp
Theo hình thức liên kết này, các doanh nghiệp cùng nhau ký kết và thực hiện các thỏa
thuận nhất định trong kinh doanh một hoặc một nhóm mặt hàng nào đó. Thực chất đây
là hành vi các doanh nghiệp cùng nhau thỏa thuận về hoạt động trong nhóm để đem
lại lợi ích kinh tế lớn hơn so với không có các thỏa thuận đó.
Thứ hai: Liên kết chuỗi – liên kết dọc
Là hình thức liên kết xuất phát từ yêu cầu kỹ thuật sản xuất, gắn kết doanh nghiệp
trong “chuỗi” tạo ra và cung cấp sản phẩm với nhau. Việc làm này tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn vì nó gắn kết các doanh nghiệp, tạo ra sự thống

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 9
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

nhất trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm. Điều này làm tăng khả năng cạnh
tranh của mọi doanh nghiệp trong chuỗi.
Thứ ba: Liên kết ngang
Là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Sự liên kết này dẫn đến
tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nên làm tăng sức mạnh của cả nhóm
doanh nghiệp.

1.3.2. Các hình thức thay đổi và phát triển về chất


Trong thực tế cuộc sống, người ta hay nghĩ đến sự thay đổi và phát triển về lượng,
song thực ra những thay đổi về chất mới là cơ sở đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển
về lượng một cách chắc chắn và bền vững.

1.3.2.1. Cải tiến, hoàn thiện


a. Khái niệm và thực chất
Cải tiến, hoàn thiện là hình thức đổi mới từ từ các hoạt động hiện có để các quá trình
hoạt động của doanh nghiệp thích ứng dần với môi trường.
Thực chất hình thức này là trên cơ sở chấp nhận “cái” cơ bản của các quá trình đã và
đang diễn ra; thay đổi chỉ đề cập đến những khía cạnh nhỏ của các quá trình đó.
Những người tiến hành theo phương thức này cho rằng các quá trình đang diễn ra về
cơ bản là hợp lý, không vấp phải vấn đề lớn mà chỉ xuất hiện những hạn chế nhỏ, nếu
sửa chữa chúng, các quá trình đang diễn ra sẽ đáp ứng được các yêu cầu của môi
trường.
Ưu điểm: Không làm xáo trộn những cái đã có, không tạo ra các cú sốc, các phản ứng
chống lại.
Hạn chế: Không đem lại những thay đổi lớn, không tạo ra những biến đổi về chất đối
với hoạt động của doanh nghiệp.
b. Hình thức
Thứ nhất: Thay đổi cơ cấu (không đề cập đến những vấn đề mang tính căn bản, gốc rễ
của quản trị kinh doanh).
Với các chương trình thay đổi cơ cấu, chương trình được xem như một nhóm các bộ
phận chức năng. Trong suốt quá trình thay đổi này, với sự hỗ trợ của các chuyên viên
tư vấn, ban quản trị cấp cao cố gắng định hình lại những bộ phận này nhằm đạt hiệu
suất tổng thể cao hơn. Các hoạt động sáp nhập, mua lại, hợp nhất và bán lại các bộ
phận đang hoạt động cũng mang sắc thái thay đổi cơ cấu.
Thứ hai: Thay đổi quy trình (không đề cập đến những vấn đề mang tính căn bản, gốc
rễ của quản trị kinh doanh).
Các chương trình này tập trung vào việc thay đổi cách thức thực hiện công việc. Thay
đổi quy trình thường nhằm thúc đẩy công việc thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn,
đáng tin cậy và ít tốn kém hơn.
Thứ ba: Cắt giảm chi phí
Các chương trình cắt giảm chi phí chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm những hoạt
động không cần thiết hoặc thực hiện những phương pháp giảm thiểu tối đa chi phí

10 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

hoạt động. Những hoạt động ít được xem xét trong những năm có lãi sẽ thu hút sự chú
ý của các chuyên gia cắt giảm chi phí khi thời kì khó khăn xuất hiện. Doanh nghiệp có
thể cân nhắc chuyển các bộ phận, chi tiết mà bên ngoài thực hiện có lợi hơn ra sản
xuất tại bên ngoài doanh nghiệp.
Thứ tư: Thay đổi văn hóa
Các chương trình tập trung vào khía cạnh “con người” như cách tiếp cận thông thường
của doanh nghiệp trong kinh doanh hoặc mối quan hệ giữa nhà quản trị và nhân viên.
Ví dụ như sự thay đổi từ quản trị theo kiểu “mệnh lệnh” sang cách thức quản trị mang
tính “tham gia, đóng góp” là một ví dụ về thay đổi môi trường văn hóa. Thay đổi
văn hóa là nỗ lực tái định hướng từ một doanh nghiệp chỉ tập trung nội bộ và mang
tâm lý “sản phẩm là trung tâm phát triển” sang định hướng lấy khách hàng là mục tiêu
trung tâm.

1.3.2.2. Tái cấu trúc – Tái lập doanh nghiệp


Tái cấu trúc được hiểu theo nghĩa rộng là tái lập doanh nghiệp. Tái cấu trúc là sự nhận
thức lại toàn bộ các vấn đề cơ sở để thiết kế lại những “cái” đã có, tạo ra bộ mặt mới
cho doanh nghiệp.
Tái cấu trúc dựa trên cơ sở cho rằng về cơ bản, các quá trình của doanh nghiệp đã
không còn phù hợp với môi trường nữa, vì vậy cần thay đổi nó một cách “căn bản”.
Tái cấu trúc làm xáo trộn toàn bộ các hoạt động đang ổn định trong rất nhiều năm.
Vì vậy, cách làm này có thể tạo ra các phản ứng chống lại khá lớn song nếu thành
công nó sẽ đem lại cho doanh nghiệp sự thích ứng thực sự với môi trường và do đó nó
tạo ra sức sống mới, sức phát triển mới cho doanh nghiệp.

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 11
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

Tóm lược cuối bài


1. Thay đổi và phát triển
 Thay đổi là phạm trù phản ánh một hiện tượng (quá trình) nào đó không lặp lại trạng thái
trước đó. Thay đổi doanh nghiệp thường được hiểu ở hai góc độ chủ yếu là thay đổi về
hoạt động kinh doanh và thay đổi về hoạt động quản trị kinh doanh.
 Phát triển là quá trình “lớn lên” của sự vật hiện tượng. Mỗi sự vật hiện tượng đều có thể
lớn lên về lượng và về chất. Sự lớn lên theo hai cách này thường được gọi là sự lớn lên
theo chiều rộng và chiều sâu. Trong thế giới ngày càng phát triển thì bản thân doanh
nghiệp cũng phải phát triển – phát triển là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại.
2. Tính tất yếu phải thay đổi và phát triển
 Doanh nghiệp phải thay đổi và phát triển vì những lý do chủ yếu là toàn cầu hóa nền kinh
tế thế giới và môi trường kinh doanh biến động dữ dội.
 Phát triển bền vững là sự phát triển đảm bảo tính cân bằng cần thiết trong cả ngắn hạn và
dài hạn. Phát triển bền vững được xem xét cho mọi đối tượng theo quan điểm hệ thống.
Cần xem xét sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ở hai góc độ: sự phát triển bền
vững của bản thân doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
3. Các hình thức thay đổi và phát triển
 Doanh nghiệp có thể phát triển bằng nhiều con đường khác nhau như: phát triển về mặt
lượng và phát triển về mặt chất.
 Các hình thức phát triển về lượng là tự lớn lên, mở rộng hoạt động, sáp nhập, chia tách:
 Phát triển bằng con đường tự lớn lên là hình thức phát triển mà doanh nghiệp tự tích tụ
để “lớn lên” bằng các hình thức thích hợp.
 Phát triển bằng con đường mở rộng hoạt động là hình thức phát triển mà doanh nghiệp
mở rộng hoạt động của mình để “lớn lên”.
 Phát triển bằng cách sáp nhập là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” bằng
cách sáp nhập với một/một số doanh nghiệp khác.
 Phát triển bằng cách chia tách là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” bằng
cách chia bản thân nó thành các doanh nghiệp nhỏ hơn.
 Phát triển bằng cách liên kết là hình thức phát triển mà doanh nghiệp “lớn lên” nhờ
liên kết với các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
 Phát triển bằng con đường thay đổi về chất được thực hiện dưới các hình thức cải tiến,
hoàn thiện hoặc tái cấu trúc. Sự thay đổi về chất giúp doanh nghiệp thích ứng thực sự với
môi trường đã thay đổi nên là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững.
 Trong thực tế không có sự phân biệt rành mạch giữa thay đổi và phát triển về lượng và
thay đổi và phát triển về chất.

12 TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206
Bài 1: Sự thay đổi và phát triển:
Cơ sở cho đổi mới và tái lập doanh nghiệp

Câu hỏi ôn tập


1. Thay đổi và ổn định là đồng nghĩa?

2. Thay đổi bao giờ cũng làm cho tình trạng tốt lên?

3. Thay đổi chỉ có thể có được do con người tiến hành?

4. Phát triển chỉ có thể diễn ra nếu thay đổi?

5. Sự phát triển của doanh nghiệp chịu sự tác động của môi trường?

6. Muốn tồn tại doanh nghiệp phải phát triển?

7. Phát triển bền vững nếu đảm bảo sự phát triển ngắn hạn?

8. Thay đổi và phát triển bền vững cho bản thân doanh nghiệp là tất yếu?

9. Sự phát triển doanh nghiệp phải đảm bảo cho môi trường phát triển bền vững?

10. Chỉ có sự thay đổi và phát triển về lượng?

11. Chỉ có sự thay đổi và phát triển về chất?

TXQTTH04_Bai1_v1.0016101206 13

You might also like